Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:35:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 283743 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #490 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2012, 09:39:19 am »

   Đọc những dòng ký ức của các bác C20 mà nôn nao hết cả người  Huh vì nó rất đời thường, những tâm sự thật của những người lính rời ghế nhà trường xếp bút nghiên lên đường vào những ngày giáp tết . Giờ đây khi đã U60 ngồi nghĩ lại mới thấy thế hệ chúng ta được gọi là " Một thời Hoa& Lửa" thật là xứng đáng. Mong được đọc tiếp những dòng nhật ký của những người lính C20 : TV prc25, 6971, tralientay, TTNL...
Xin gửi tới các bác lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng.
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #491 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2012, 10:31:46 pm »

Những cái Tết xa nhà  (3)

Chuyến tàu quân sự đầy lính đã đến ga cuối cùng của chuyến hành quân bằng tàu hỏa (ga Quán Hành? cách ga Vinh khoảng chục cây số). Hầu hết, không muốn nói là tất cả, lính tân binh miền Bắc chúng tôi đây là lần đầu đi xa như thế. Đây là Khu 4 rồi, nghe nói nhiều về sự gian khổ ác liệt của chiến tranh phá hoại bằng không kích của Mỹ đối với vùng đất này của miền Bắc. Mà quả thật, không khí thời chiến ở đây có vẻ rõ rệt hơn. Nhà ga vắng vẻ, sơ sài và thâm xám ủ ê. Bên ngoài cũng chẳng hơn gì. Đường xá cũng thưa người qua lại, lác đác có ô tô tải trên quốc lộ 1 chạy qua Vinh phủ đầy lá ngụy trang, lầm lũi và vội vã. Cảm giác chung của tân binh chúng tôi là nghiêm trọng, là cảm nhận không khí chiến tranh đang gần lắm rồi.
Nhớ mãi là khi lỉnh kỉnh đồ đạc ba lô, súng đạn và thực phẩm Tết xuống tàu, lớ ngớ thế nào trong toa chúng tôi lại có con chó cún không biết ở đâu ra, của lính đem theo từ Bắc Giang bị lạc toa hay của nhà tàu, thế là A12 chúng tôi cho chú cún theo luôn mãi vào đến tận Hà Tĩnh.

Chập tối chúng tôi hành quân đến bờ sông xuôi mạn dưới cầu Bến Thủy, qua sông bằng thuyền của dân đã được bố trí sẵn. Qua sông đã là đất huyện Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh. Trời tối, chúng tôi tiếp tục hành quân đêm , chẳng biết đâu là đâu nữa, chỉ biết chắc là đang đi sâu về phương nam. Khi còn ngoài Bắc, những đêm hành quân rèn luyên cũng còn thấy những ánh sáng đèn dầu ở các xóm làng đi qua, còn ở đây có lẽ việc phòng không là vấn đề rất nghiêm ngặt nên hiếm hoi mới thấy ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu đã được chụp bớt ánh sáng hắt ra  trong nhà dân thấp mái. Cuối năm âm lịch, trời chẳng trăng sao, chỉ âm u lạnh lẽo và tối um. Chúng tôi bám sát nhau, như ngậm tăm, đi vòng vèo theo các đường  qua các làng xóm dân cư.Chưa khuya lắm mà đường vắng lặng. Tôi chẳng nhớ đến lúc nào thì đoàn hành quân dừng lại ngủ mà chỉ có ấn tượng đó là một đêm hành quân đầy vất vả và mệt nhọc với đồ đạc và thực phẩm lỉnh kỉnh, nặng mà không thể vứt cài gì đi được. Ba lô mỗi lúc như nặng thêm. Cái gì trên người cũng như năng hơn. Đến đôi chân của mình cũng nặng như đeo chì, chẳng phải nó đi nữa mà cứ như mình cũng phải mang nó đi. Ngang thắt lưng tấy đỏ, trầy sát bởi đáy ba lô nặng tì vào, còn hai vai thì rộp lên ê ẩm. Cứ một lúc lại phải dùng bình sinh xốc ba lô lên cho thắt lưng và vai đỡ ê ẩm.Trởi rét mà lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mối khi nghỉ giải lao người cứ gai gai lạnh như muốn ốm.

Bây giờ mỗi lần đi qua Hà Tĩnh, từ đầu cầu Bến Thủy đến Kì Anh tôi lại nhớ đêm hành quân đó. Nếu thẳng theo QL1 thì đoạn đường này cũng đến 106 km, thế mà từ tối 26 Tết bắt đầu hành quân bộ chủ yếu đi theo đường về phía tây đồi núi rừng suối, chắc hẳn phải dài hơn đi đường QL1, thế mà chỉ sau 2 ngày 3 đêm đến sáng 29 Tết chúng tôi đã đến địa điểm tập kết tại xã Kì Lạc, Kì Anh giáp gần chân Đèo Ngang. Thế thì đêm ấy quãng đường chúng tôi đi phải dài lắm.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Giêng, 2012, 11:50:46 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #492 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2012, 11:16:36 pm »

TANVINHpc25@: Bạn lại cho mình gửi ké một ít hồi ức về những ngày đó nhé.
---

10/2/1972
Rạng sáng 26 Tết tàu dừng đâu đó trên đất Nghệ An. Đơn vị tản ra, lẫn trong nhà dân. Ấn tượng rất mạnh là lần đầu tiên tôi nghe trẻ con trong xóm nói giọng miền Trung. Cuối buổi chiều lại đi. Có ô tô chở đơn vị thêm một chặng tới đâu đó trên đất Hà Tĩnh. Rồi hành quân đi bộ rời quốc lộ 1 theo hướng lên núi, lên những chặng bắt đầu của đường Trường Sơn vào Nam. Quãng 8 giờ tối đại đội dừng nghỉ tại một làng nhỏ trên đường. Dân ở đây rất nghèo. Nhóm tôi nghỉ trong một ngôi nhà rất nhỏ, đúng hơn chỉ là một căn lều nhỏ, một cây sào vắt ngang treo mấy quần áo cũ và một ổ rơm. Đã rất muộn, ba đứa bé nằm chờ mẹ về với một gói gạo nhỏ, nấu cho bữa cơm độn chiều cuối năm. Đã đi nhiều nơi trên đất Bắc nhưng tôi chưa hề thấy đâu nghèo như vậy.

12/2/1972
Chập tối 28 Tết đại đội lại lên đường. Từ đất Hà Tĩnh, chúng tôi luôn hành quân trong đêm để giữ bí mật. Đi đêm, đường rừng, mang nặng, thật khủng khiếp. Mọi thứ trên lưng đè mãi đè mãi, đè đến lúc mỗi người như phải gục xuống. Nhớ những buổi học chính trị đầu tiên trong đời lính, chính trị viên nói nhiều lần về việc vượt Trường Sơn đi B và chỉ có thể “đi bằng đầu”, vì sự khắc nghiệt vượt quá sức chịu của thể chất con người.

Cuối cùng thì quãng gần bốn giờ sáng, đại đội cũng đến được nơi phải đến. Đấy là Kỳ Lạc, một xã miền núi ở phía Tây Nam huyện Kỳ Anh, sát Quảng Bình. Ban chỉ huy đại đội đóng ở xóm giữa, còn ba trung đội tản ra các xóm xung quanh, cách nhau chừng một hai cây số đường rừng. Tới nơi chưa được ba mươi phút, đại trưởng Hiền chỉ trên bản đồ nói tôi đi tìm chỗ đóng quân của ba trung đội, vừa để biết đường vừa để báo các B trưởng sáng hôm sau lên đại đội nhận nhiệm vụ. Thử thách đây. Tôi xốc ngược khẩu AK, mở khóa nòng, mang theo cái đèn pin, nhưng chủ yếu lần theo những con đường rừng trong bóng đêm. Thỉnh thoảng bụi cây ven đường loạt xoạt, rồi vài chú chim bất chợt bay lên, giật mình nhưng may chưa xiết cò súng. Loay hoay chừng hai tiếng, cuối cùng tôi cũng đến được cả ba trung đội để báo tin. Trên đường về đại đội, trời đã hửng sáng. Bất ngờ tôi bị ba dân quân xã bắt giữ. Họ bắt cũng phải. Mới tờ mờ sáng đã gặp một chú bộ đội đi lẻ, áo quần xộc xệch, mặt mũi bơ phờ, giống lính “B quay” quá. May chỉ chừng vài trăm mét là tới chỗ ban chỉ huy đại đội. Tôi được “giải oan”, ăn qua quýt rồi lăn ra ngủ một giấc đến chiều. Hôm ấy là 29 Tết Nhâm Tý.

Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #493 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2012, 11:47:26 pm »

TLT,

Tôi không chắc chắn ta xuống ga Vinh, mà lâu rồi có nghe ae nào đó nói là xuống 1 ga nào đó gần với ga Vinh ( ga Quán Hành cách ga Vinh khoảng 10km). Như TLT kể thì chắc là ta xuông ga Quán Hành.
Ngày ấy hình như giao thông qua phà Bến Thủy vì cầu bị bom Mỹ, tôi không có ấn tượng ta được đi ô tô một đoạn nào, hay là chỉ một số đi xe ?
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #494 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2012, 12:10:39 am »

---
Tôi không chắc chắn ta xuống ga Vinh, mà lâu rồi có nghe ae nào đó nói là xuống 1 ga nào đó gần với ga Vinh ( ga Quán Hành cách ga Vinh khoảng 10km). Như TLT kể thì chắc là ta xuông ga Quán Hành.
Ngày ấy hình như giao thông qua phà Bến Thủy vì cầu bị bom Mỹ, tôi không có ấn tượng ta được đi ô tô một đoạn nào, hay là chỉ một số đi xe ?
---

Mình chỉ còn những ấn tượng và hình ảnh những ngày đó (như giọng trẻ con miền Trung, nhà nghèo trên núi, hành quân mang nặng, ...) nhưng chi tiết, địa điểm và thời gian thì dám nhầm lắm. Các bác TTNL, 6971 và Tanvinhpc25 chỉnh giúp. Cám ơn nhiều nhé.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #495 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2012, 12:12:06 am »

TLT,

Tôi không chắc chắn ta xuống ga Vinh, mà lâu rồi có nghe ae nào đó nói là xuống 1 ga nào đó gần với ga Vinh ( ga Quán Hành cách ga Vinh khoảng 10km). Như TLT kể thì chắc là ta xuông ga Quán Hành.
Ngày ấy hình như giao thông qua phà Bến Thủy vì cầu bị bom Mỹ, tôi không có ấn tượng ta được đi ô tô một đoạn nào, hay là chỉ một số đi xe ?

@TV: Hồi ấy qua sông Lam chưa có cầu đường bộ còn cầu đường sắt của đường xe lửa xuyên Việt ở phía thượng lưu đã bị phá sập để tiêu thổ kháng chiến năm 1946. Đường sắt hồi ấy chúng ta mới làm đến Vinh.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #496 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2012, 12:31:45 am »

Bác LXT, hôm nay ngủ muôn thế. Chiều nay tôi bận họp tk năm của chi hội ccb tổ dân phố chỗ tôi nên lại nhỡ ra 19CNH, T7 tới lại cũng có việc rồi, thế là mấy tuần rồi từ 22/12 ấy.

Ừ, hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ, tôi nhớ là đường bộ QL1 sang Hà Tĩnh bằng phà Bến Thủy còn đường sắt thì rõ ràng là chỉ đến ga Vinh là ga cuối cùng mãi cho đến sau 75 mới thông đường sắt Bắc Nam. Ngày đó bọn tôi hành quân từ HB vào bằng tàu hỏa xuống ở ga Quán Hành vì ga Vinh hình như bị bom không hoạt động.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #497 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2012, 01:00:37 am »

Bác Tường nhớ giỏi thật. Cầu Bến Thủy mãi sau này những năm cuối 8x mới làm xong do hai cty cầu Thăng Long thi công chủ lực là cầu 7 và cầu 11, vật liệu thì bòn mót từ cầu Thăng Long giống như cầu Chương Dương vậy. Còn cầu đường sắt có từ thời Pháp là cầu Yên Xuân từ phà Bến Thủy ngược lên thượng nguồn một chút.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #498 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2012, 04:10:43 pm »

Những cái Tết xa nhà (4)

Kỳ Lạc là xã rừng núi, các xóm nhà dân đều ở rìa đồi thấp, thấy ít nhà sát liền nhau. Phía sau nhà ngược lên cao là những vườn trồng sắn. Nhà có đặc điểm chung là mái thấp để che bớt cái nóng khô khốc của gió Lào trong mùa hè từ tháng 5 trở đi. Dân ở đây lam lũ và nghèo lắm. Nhìn trẻ con rất thương.

Tiểu đội tôi ở nhờ 4 nhà dân gần nhau, thuộc B của anh Nghi là B trưởng, chẳng còn nhớ ở xóm nào, phía trước là mấy bãi ruộng khô, có con đường nhỏ liên xóm chạy qua, ngoài xa là các đồi sim mua lúp xúp. Các b khác thì ở các xóm khác khá xa nhau.

Đã xa quê hương lắm rồi. Đã đến sát khu vực chân Đèo Ngang, nghĩa là sắp sang đất “Đàng Trong.

Hành quân mấy ngày đêm mệt mỏi, vất vả nhưng nhờ sức trẻ và vô tư đã giúp chúng tôi hồi phục nhanh. Nghỉ ngơi qua loa  rồi vài hôm sau, lính bắt tay vào công việc luôn. Ngày mồng 3 Tết, tôi đi cùng một nhóm của tiểu đội do a Tỉnh A phó làm nhóm trưởng đến một ngon núi gần đó để tìm vị trí lập đài quan sát. Trời buổi sáng rét và lâm thâm mưa. Sương mù giăng khắp nơi, ngước nhìn lên đỉnh núi chỉ thấy một màu xanh thẫm mờ mờ, không gian yên ắng lạnh lẽo. Chúng tôi luồn lách leo lên đến lưng chừng thì dừng lại tại một mỏm yên ngựa. Đã khá cao, nhìn xuống đã thấy nao nao, gió thông thốc tạt vào mặt ớn lạnh. Một người triển khai vị trí làm bếp và tìm đường xuống khe suối để lấy nước chuẩn bị nấu bữa trưa, số còn lại bắt tay làm đài quan sát.
 
Bữa cơm trưa trên núi hôm ấy sao mà ngon thế. Do đói rét leo núi hay món rau khoai lang luộc ? Thực phẩm chuẩn bị Tết ngoài Hà Bắc mang theo mấy ngày hành quân đến nay đã hết. Lúc sáng trên đường đi gặp mấy ruộng khoai lang của dân nên anh Tỉnh đã bảo dừng lại hái rau để trưa lên núi ăn, mấy thằng còn cự nự miễn cưỡng đến bữa cơm thì anh nào cũng khen ngon và hết lời ca ngợi tiểu đội phó biết nhìn xa trông rộng. Thật đúng là no chê cơm tẻ, đói ăn cả rau thiu !

Thế là cái Tết đầu tiên xa nhà và Tết đầu tiên trong quân ngũ của chúng tôi.cũng đi qua chóng vánh.

Sau 40 năm, giờ nhớ lại độ chính xác về thời gian của các anh em C20 còn vênh nhau, có đồng đội của tiểu đội tôi còn bảo cái đêm đến nơi tập kết, tiểu đội còn dừng nằm nghỉ ngoài bãi tha ma ria xóm đến sáng sớm hôm sau mới vào nhà dân. Rồi chúng tôi ăn Tết như thế nào cũng chẳng mấy ai nhớ cụ thể nó như thế nào. Hay là không có Tết, bản thân tôi cũng chẳng nhớ nổi chi tiết gì. Nhưng anh em đều có một cảm nhận chung về cái Tết lính xa nhà đầu tiên đó là rất đặc biệt, một cái Tết trên đường hành quân vội vã, gian khổ trên hành trình đi B của các tân binh thời chiến trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh.

Gần Tết người ta vội vã trở về nhà ăn Tết xum họp gia đình, còn những người lính thì vội vã khẩn trường ra đi, đi xa nhà hơn và chẳng đoán định được bao giờ mới được về nhà, được có Tết ở nhà với bố mẹ, gia đình như những năm tháng đã qua.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2012, 06:15:29 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #499 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2012, 06:07:32 pm »

Tết xa nhà

Tết đến, xuân về rộn rã
Con tàu xuôi mùa xuân hối hả
Chạy vào Nam
Tạm biệt không gian
nhộn nhịp

Như đuổi kịp thời gian
Tết đến đây rồi:
Trước mặt ta là núi
Sau lưng ta là đồi
và xa xôi: một khoảng trời
tĩnh mịch.

Tết gia đình tiểu đội
Mười hai mái đầu xanh.
Một xoong cơm và một xoong canh
Chạy qua hàng thịt...
Giữa trời

chẳng cần mâm, cần ghế
Vẫn ngát tình đời.

Ta gác đất, gác trời
Cho xuân về rộn rã
Cho tuyến đường khắp ngả
Vui nhịp bước chân người.

Lính đón giao thừa phiên gác đêm
Núi rứng im ngủ, gió nhẹ êm
Xa xa vọng lại đôi tiếng súng
Chắc nơi nào đó đã sang xuân.

Ngủ chưa hỡi bạn nơi phương xa
Pháo Tết gần xa bạn có nghe
Có nhớ nơi nao người lính gác
Trong đêm rừng núi nhớ quê nhà.

Giao thừa năm mới chúc bạn vui
Đời xây hoa trái, mãi xanh tươi
Chung tay vững bước trên đường lớn
Thắng Mỹ, xây đời, tuổi đôi mươi.

Xa nhà, đêm lạnh đón giao thừa
Mà lòng như biển đang say sưa
Bâng khuâng sóng nhớ trùm phiên gác
Tâm hồn người lính lắng đọng thơ.

      Kỳ Lạc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh
      Tết Nhâm Tý 1972
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2012, 06:18:19 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM