Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:38:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 283744 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #470 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 03:57:19 pm »

Vấn đề nghiêm trọng vậy sao bác 6971 không nhờ các báo mạng cảnh báo ? người ta cũng đang rất quan tâm đến chuyện "ông già ozon " đấy nên đâu cần gì phải hoạt động trong ngành y mới lên tiếng được ?

Cuối cùng thì may mắn là câu chuyện Thuốc Cam chứa Chì cũng được đưa lên VTV, rồi sau đó các báo đưa tin theo. Tuần vừa rồi, con số mẫu máu nghi nhiễm độc Chì gửi đến phân tích tăng vọt. Khá nhiều trường hợp có chì cao. Phân tích thẳng hơn chục mẫu thuốc cam thì hầu hết các loại thuốc không nhãn mác (thầy lang) đều có chì cao và rất cao. Bây giờ thì lại gặp rắc rối theo hướng ngược lại: Ai cho con uống thuốc cam cũng lo lắng và gửi mẫu đến phân tích. Rối tinh rối mù. Chắc lại phải lên VTV.
Logged

Nhật ký Viết lại
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #471 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 10:10:01 pm »

Chào 6971,

Haha, tưởng vụ bức xúc của ấy đã "chìm xuồng" nay thấy có hồi âm tích cực. Mong ấy tiếp tục nhé. Bác nào mà đeo kính còn quấy bột cho con thì vụ thuốc cam đã dùng cho con thì hơi bị lo đây.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #472 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 09:40:15 pm »

                                                  Phim Mùi Cỏ Cháy

   Tác giả kịch bản bộ phim là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tên phim lấy ý tưởng từ bài thơ Phương ấy của anh, viết về sự hi sinh của bộ đội trong cuộc chiến khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị 1972.

   Năm 2009, các ccb 6/9/71 họp mặt kỉ niệm ngày nhập ngũ tại Quán Gió, Hoàng Nhuận Cầm có thông báo đang triển khai làm bộ phim này. Hôm đó khá đông, phòng thì nhỏ nên ồn ào như ong vỡ tổ. Phùng Huy Thịnh, một ccb-sv ĐHTH cổ xúy đọc bài thơ như gào lên mà anh em cũng không thể nghe hết được bài thơ Phương ấy.

   Câu chuyện xuyên suốt trong phim là 4 bạn sinh viên cùng lớp nhập ngũ 6/9/71, những ngày huấn luyện gian khổ khẩn trương ở ngoài Bắc, vừa hành quân đi B vừa huấn luyện, rồi vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu tại Thành Cổ; 3 bạn hi sinh còn 1 chiến đấu vào đến tận giải phóng Sài gòn 30/4/1975.

   Câu chuyện không phức tạp, gay cấn li kì nhưng mạch chuyện nhanh và hấp dẫn bằng những hành động và các tiểu cảnh giàu chất lính. Cảnh bộ đội vượt sông Thạch Hãn, cảnh chiến đấu dũng cảm, ác liệt nơi chiến hào, điểm chốt, những chiến sĩ bị thương, hi sinh trong khói lửa, mưa gió, tiếng súng chát chúa, tiếng uỳnh oàng dữ dội của bom, pháo có lẽ là điểm nhấn về mảng màu chiến tranh của bộ phim mà Đạo diễn Hữu Mười và tác giả Kịch bản – ccb 6/9/71 Hoàng Nhuận Cầm muốn tái hiện lại sự khốc liệt của 81 ngày đêm tại “cối xay thịt” Thành cổ Quảng Trị 1972. Là người trong cuộc ngày ấy, nhiều ccb không khỏi xúc động và rớm lệ khi xem những cảnh khốc liệt và hi sinh này.

   Mùi Cỏ Cháy là phim về đề tài chiến tranh nhưng tình yêu, tình vợ chồng thời chiến cũng được đề cập và xử lý mềm mại và ấn tượng bằng ngôn ngữ điện ảnh dung dị và giàu tính nhân văn. Có đến 4 cặp đôi trong phim. Cặp bố mẹ của một bạn ra tòa li dị tạo cảm giác nặng nề, có lẽ các tác giả làm phim muốn tạo một hoàn cảnh buồn cho người lính trước khi ra trận chăng ? còn cặp vợ chồng đại đội trưởng và vợ chồng chị chủ nhà bộ đội đóng quân đều để lại cảm giác tốt vì nó chân thật và nhẹ nhàng. Có lẽ điểm nhấn của mảng này là cặp tình yêu của lính và cô thôn nữ nơi đơn vị đóng quân. Những năm chiến tranh có biết bao những cặp tình yêu tuổi trẻ hứa hen, chờ đợi như thế ở các làng quê miền Bắc nơi những người lính đóng quân huấn luyện tân binh. Thật thi vị và hữu tình, cảnh anh lính binh nhì trẻ măng đang “cưa” em thôn nữ xinh đẹp chân quê bên giếng nước yên bình. Khi người lính hi sinh nơi chiến địa, đồng đội anh lấy ra trong túi áo anh chiếc khăn mùi xoa có thêu chữ Kỷ Niệm và chiếc cặp ba lá thấm máu là hình ảnh làm thổn thức bao con tim người xem phim.

   Phim về đề tài chiến tranh không dễ làm, nếu không muốn nói là gai góc, nhất là động đến kinh phí tốn kém. Cho nên cũng dễ hiểu vì sao chúng ta không có nhiều phim về đề tài này sau gần 40 năm cuộc chiến đã lùi xa.
Sau buổi chiếu Mùi Cỏ Cháy tại Rạp Ngọc Khánh ngày 11/12/11 chiêu đãi các ccb một thời Quảng Trị xem, nhóm anh em ccb giao lưu trao đổi về một số tiểu tiết trong phim chưa thật đạt về tính chân thực của bối cảnh ngày ấy, thí dụ cảnh bộ đội hành quân đi B ngồi trên ô tô khi chạy qua cánh đồng làng đã thả những bức thư viết vội xuống đường để các bà, các chị đang làm đồng ven đường nhặt gửi giúp bưu điện. Cảnh này, ngày ấy đầu năm 72 những đoàn tàu quân sự đầy lính hành quân đi B khi tàu qua Hà Nội, những đoạn chắn tàu phố Trần Phú, Nam Bộ, Nguyễn Khuyến, rồi ga Hàng Cỏ, các điểm chắn tàu có đông người xuôi xuông mãi Văn Điển, Thường Tín lính thò đầu qua cửa sổ vẫy chào ồn ã tạm biệt và ném xuông những bức thư “nhờ gửi bưu điện giúp” như thế, có điểm trong nội thành thư bay trắng như đàn bướm trông thật cảm động. Tác giả kich bản Hoàng Nhuận Cầm giãi bày biết vậy nhưng do kinh phí eo hẹp nên không làm được như mong muốn. Nhứng toa tàu đầy lính trẻ măng thò đầu qua các ô cửa sổ ồn ào, hát, vẫy tay chào tạm biệt đi B là hình ảnh in đậm một thời thanh niên miền Bắc lên đường vào Nam chiến đấu, nó mang tính dấu ấn, hoành tráng và sinh động hơn nhiều cảnh trong phim.
Trận chiến ác liệt tại Thành Cổ được dàn dựng quay tại khu vực Đồng Mô, gần thị trấn Xuân Mai và trục đường Xuân Mai-Sơn Tây. Đây là vùng đất đồi, bán sơn địa nên đất ở đây là đất sạn, màu sáng khác nhiều với màu đất và hầm hào ở Thành Cổ. Khi mưa, đất bán sơn địa Đồng Mô tạo màu nước và trông không sũng nước cho ta cảm giác một chiến địa ở vùng gò đồi nhiều hơn là chiến địa, hầm hào “nhão nhoét”, thâm lạnh khó chịu tại Thành Cổ Quảng Trị ngày ấy đang khốc liệt, gian khổ của lính trong mùa mưa của Quảng Trị. Cảnh trí nơi chiến địa cũng bị hạn chế trong không gian hẹp, chỉ có mấy khung nhà và ít đoạn hầm hào .., ít hoặc không có phông nền không gian hỗ trợ cũng làm giảm tính qui mô và sự khốc liệt của cuộc chiến nơi đây.
Nhóm 4 bạn Hoàng-Thành-Thăng-Long trong Mùi Cỏ Cháy là hình ảnh khái quát của hàng nghìn sinh viên nhập ngũ 6/9/71, quê khắp các tỉnh thành miền Bắc, từ hàng chuc trường Đại học và Cao đẳng. Tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, qua đặt tên 4 nhân vật này Hoàng-Thành-Thăng-Long dụng ý họ đại diện cho lớp học sinh, sinh viên Hà Nội lên đường ra trận ngày ấy liệu có làm giảm tính khái quát và quảng đại của bộ phim không ?
Cảnh lính vượt sông Thạch Hãn vào Thành Cổ, có anh hỏi đồng đội đây là sông gì có thực tế không. Chúng ta, những người lính sinh viên, học sinh tuy mới 19 đôi mươi, qua thời gian huấn luyện, học tập, rồi nhận nhiệm vụ vào trận, mà là đơn vị bộ binh chứ có phải làm đặc vụ tình báo được thả dù hay được bí mật đưa đến bất chợt một địa điểm xa lạ nào đó đâu mà lại hỏi vậy. Rồi hình ảnh dế và ve sầu được nhấn mạnh quá cũng làm nhạt sự vô tư quá mức của các lính học sinh-sinh viên. Các tác giả đã dễ dãi và cường điệu ở những chi tiết này.
Phim cũng còn một số tiểu tiết sơ sài, không sát thực cũng do nhiều yếu tố về kỹ thuật công nghệ điện ảnh của chúng ta nói chung còn yếu và do cả yếu tố về cơ sở vật chất hiện đại còn thiếu và không đủ kinh phí để làm kỹ càng và công phu hơn.


Phim Mùi Cỏ Cháy, bỏ qua một số tiểu tiết chưa như ý - như chính các tác giả phim nói, thì đây là một bộ phim hay về đề tài chiến tranh, là thành công của đoàn làm phim, nhất là ghi nhận kết quả và tâm huyết của tác giả Biên kịch, nhà thơ, ccb 6/9/71 Hoàng Nhuận Cầm đã ấp ủ kịch bản này mấy năm nay.

Cuộc chiến khốc liệt tại Thành Cổ Quảng Trị đã lùi xa gần 40 năm. Lớp lứa chúng tôi ngày ấy mới 19 đôi mươi, nay tóc đã bạc, đã sang sườn dốc của cuộc đời, được xem lại những hình ảnh của mình một thời hi sinh gian khổ càng thương nhớ những người bạn, đồng đội của mình còn nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn, các nghĩa trang, và trong lòng đất tại Quảng Trị. Cho nên phim Mùi Cỏ Cháy, nói như Đạo diễn Hữu Mười tại buổi chiếu đãi phim, là sự tri ân đối với những người lính đã hi sinh. Các tác giả và ê kíp làm phim với cái tâm thật đáng trân trọng. Xin cảm ơn các anh và hi vọng phim sẽ được những giải cao tại Liên hoan phim lần này và sẽ được công chúng đón nhận, đánh giá cao khi công chiếu từ ngày 22/12 tới.

Tân Vĩnh, 13/12/2011



CCB Quảng trị chụp ảnh với Tác giả biên kịch Hoàng Nhuận Cầm ( người thứ 7, hàng sau từ trái sang ) và 4 diễn viên đóng vai Hoàng, Thành, Thăng, Long ( ngồi hàng trước )


« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 10:33:43 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #473 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2011, 10:19:08 pm »


Chúc mừng Phim Mùi Cỏ Cháy đoạt giải cao thể loại phim truyện nhựa tại LHP 17 tại Phú Yên :
- Phim đoạt giải Bông Sen Bạc ( cùng với 2 phim khác ) - coi như giải nhất vì không có phim nào đoạt giải Bông Sen Vàng !
- Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất.

Chiều thứ Năm 22/12 tới ae ccb Quảng Trị gặp mặt tại 19c NH có khách mời để chúc mừng họ chắc xôm tụ đây.
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #474 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 05:07:41 pm »

Người lính trinh sát kỹ thuật TANVINH prc25 cũng đang lên đồng cùng đồng đội vào ngày 22.12.2011
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #475 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2012, 09:29:26 pm »

Bác TANVINH prc25 cuối năm bận nhiều việc quá, nhà cửa không chăm sóc, mấy buổi chiều thứ bẩy không gặp ? Năm mới chúc bác khỏe và nhiều niềm vui
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #476 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2012, 08:48:51 am »

Chào bác TANVINHprc25. Tôi theo dõi diễn biến sôi động ở căn nhà  của bác mà thấy thèm. Hôm nay mạo muội bước đại vào. Tôi theo dõi các câu chuyện về thành cổ Quảng Trị 1972 mà đã có người nào đó gọi là "Cái cối xay thịt" thấy rùng rợn xót đau. Có lẽ thời điểm đó còn nhỏ quá, chưa cập nhật và chưa cảm được sự kiện đau thương tang tóc và khốc liệt ấy. Mãi tới đầu năm 1975 tôi mới được duyệt xung phong (lên đường) lúc tuổi trăng tròn. Nhưng rồi chiến cuộc nhanh chóng lụi tàn, để lại phía sau bao điều trăn trở. Sau này có gia đình thì được bố vợ (cũng là sĩ quan) cho biết: Trong cái cối xay ấy có cả xương thịt của em trai duy nhất của ông:liệt sĩ NGUYỄN HỮU THÍCH. Xã Dân Quyền, huyện triệu Sơn. Thanh Hóa.  cho đến nay không tìm thấy mộ.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Giêng, 2012, 02:22:52 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #477 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 12:31:20 am »

Chào Vetran,

Cảm ơn anh đã thăm “nhà” tôi và có đôi lời chia xẻ của người lính một thời. Tôi đọc những chuyện kể của anh trong “Tâm sự đời tôi” và “ Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước” cũng có nhiều cảm xúc và ấn tượng về những gian khổ và đầy ắp kỉ niệm của vợ chồng anh và những đồng đội trên chiến trường K ngày ấy. Bối cảnh thời gian và địa bàn chiến trường tuy có khác nhau nhưng anh em mình đều có cái chung là chịu đựng sự khốc liệt và chết chóc của cuộc chiến. Những điều đó còn mãi trong ký ức của chúng ta.

Chúc anh chị và các cháu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Mong đọc tiếp những trang kể chuyện của Vetran-Anh Thơ.

Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #478 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 12:38:07 am »

Bác TANVINH prc25 cuối năm bận nhiều việc quá, nhà cửa không chăm sóc, mấy buổi chiều thứ bẩy không gặp ? Năm mới chúc bác khỏe và nhiều niềm vui

Chào TMH,

Cảm ơn. Vừa rồi cũng hơi bận và vài chiều thứ 7 lại có việc nên không đến hẹn lại lên gặp ae được, chiều T7 này cũng vậy rồi.
Chúc TMH và gia đình luôn khỏe nhé, mong xem thêm nhiều ảnh đẹp nữa  Smiley
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #479 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 03:28:23 pm »

                                             
Những cái Tết xa nhà


Ai cũng muốn về nhà ngày Tết. Đi đâu xa cũng nhớ nhà, nhớ quê khi Tết đến. Không gì buồn và nhớ nhà như Tết xa nhà. Tết thời đói kém vật chất và gian khổ thời chiến, Tết thời nay đủ đầy hơn nhưng về mặt tinh thần thì Tết thời nào cũng như thế cả - Tết là vui, “vui như Tết”. Tết là xum họp gia đình, là hỉ hả bạn bè. Tết xa nhà là buồn lắm, cho dù vẫn có Tết đấy, tổ chức Tết đấy nhưng cũng chỉ là hình thức và chiếu lệ thôi, thâm tâm thì vẫn là nhớ nhà, nhớ quê da diết.

Đời lính chuyện Tết xa nhà là chuyện vặt, ai mà chẳng trải qua.

Cuối năm 1971 đầu năm 1972, cái lạnh của vùng Bắc Giang ven bờ sông Thương như phụ họa cho câu thơ của Tố Hữu :    Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
         Gió qua rừng Đèo Khế gió sang
         Em là con gái Bắc Giang

         ....
Những ruộng rau vụ đông ven làng đang vào vụ thu hoạch. Su hào, bắp cải, hành, cà chua ùn ùn theo gồng gánh, xe đạp thồ trên đường từ đồng về làng, ra chợ. Làng vắng hoe, chỉ thấy trẻ con ở nhà.

Nhà bếp và kho quân nhu của C20 Sư ở góc sân kho hợp tác xã ngay đầu làng. Đây là cái nhà phụ, trông  xập xệ, chỉ có tường đầu hồi còn phía trước chẳng cửa rả gì, nhìn thông thống ra cái sân gạch đã bạc màu.
Lính các trung đội luân phiên giúp bộ phận quản lý và anh nuôi nấu cơm hàng ngày. Anh Thắng quản dân Đại học Kinh tế kế hoạch làm quản lý đại đội nên công tác hậu cần lính được nhờ nhiều. Cơm nước được. Ở vùng rau đang rộ nên bữa cơm hàng ngày rau các loại lính ăn xả láng. Rét mướt ở thao trường nhanh đói, về cơm no bụng ngon lành với lính 18, 19 tuổi ngày ấy là tốt rồi. Cuộc đời tân binh cứ êm ả trôi từng ngày nhẹ tênh.

Đã sắp Tết. Anh Thắng quản lục tục chuẩn bị thực phẩm Tết cho đại đội. Cái Tết đầu của lính tân binh nên có lẽ chủ trương của chỉ huy muốn có cái Tết tươm tất cho lính đỡ nhớ nhà. Lợn đã đưa về sân kho, thực phẩm khô, rau củ cũng ùn ã trong kho nhà bếp. Trong bữa cơm, lính đã râm ran chuyện Tết.

Nhưng chúng tôi như bị dội gáo nước lạnh trong cái rét của Bắc Giang năm ấy.

Sáng sớm 26 Tết ( 28 ? ), cả đại đội hành quân bộ ra thị xã Bắc Giang, lên tàu hỏa đi B. Tỏ mặt người có mặt ở sân ga. Một chuyến tàu quân sự trông lầm lúi như một khúc gỗ khổng lồ dài ngoẵng trên đường ray đang phì phò đầu máy chờ đợi. Ga ồn ào đầy lính. Cả Sư đoàn bộ và các đơn vị trực thuộc lên đường. Xoong nồi quân dụng, những sọt xu hào, cải bắp, khoai tây, hành tỏi ớt, cà chua, miến dong và cả những dọ cũi lợn đã tập kết dọc trên sân ga. Lỉnh kỉnh, xộc xệch, vội vã, tất tật Tết chuẩn bị theo lính lên tàu.

Chỉ một loáng, sân ga chỉ còn lại mấy nhân viên đường sắt. Sau tiếng còi hú dài, đoàn tàu quân sự xình xịch chuyển bánh xuôi phương nam, mấy bàn tay vẫy chào của nhân viên nhà ga lùi xa dần rồi khuất hẳn.
Tết đang đến rất gần – cả trời đất, cảnh vật và con người đều đã nhuốm màu Tết, còn chúng tôi – những người lính thời chiến đang lùi xa dần nó, mang theo cả nó trên chuyến tàu đang hối hả chạy về phương nam. Vài ba hôm nữa chúng tôi sẽ ăn Tết, đón giao thừa ở đâu ?

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Giêng, 2012, 12:02:03 am gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM