Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:07:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 284175 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #450 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 10:44:39 pm »

     Sau khi c20 chúng tôi gặp mặt lần thứ hai, tôi có post ảnh hình thức cuốn kỷ yếu của đại đội. Một số anh em có gọi điện và yêu cầu nếu có in nhiều thì "cho xin một cuốn".

     Thực tình chúng tôi chỉ in vừa đúng mỗi người (có tên trong kỷ yếu) một cuốn. Như vậy, ngay cả anh em c20 lần này mới gặp mặt cũng không có. BLL đã phải khất anh em lần sau in bổ xung thêm các anh em đó vào kỷ yếu.

     Phần các trang cá nhân, mỗi người một trang, tương tự như trong ảnh đã đưa lên trong trang 45 của topic này.

     Dưới đây xin giới thiệu với các anh em VMH nội dung đầu tiên của cuốn kỷ yếu: "Lược Sử Xê Hai Mươi".


LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI    
   

1.  Nhập cuộc lửa Quảng Trị

     Sau khi tham chiến ở Mặt trận Bắc Quảng Trị (B5) và hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho chiến trường Miền Đông Nam Bộ (B2), Sư đoàn 325 chuyển quân từ Thanh Hóa ra Hà Bắc. Cuối năm 1971, sư đoàn 325 trở thành sư đoàn cơ động chiến đấu.

     Đại đội trinh sát (c20), Sư Đoàn 325 được ra đời từ bối cảnh đó. Đại đội đóng quân ở thôn Đồng, thôn Bùi xã Song Mai, huyện Việt Yên tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), nằm sát phía bắc xã Phương Đậu nơi Sư Đoàn Bộ đặt bản doanh. Ban chỉ huy đại đội gồm các đồng chí Hiền, Khâm, Thời, Ánh.  

     Đến tháng 1/1972, toàn Sư Đoàn 325 vào đứng chân ở khu vực dãy Hoành Sơn, ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, làm thê đội dự bị cho Mặt trận Bắc Quảng Trị (B5) và chống quân đổ bộ.

     Về mặt tổ chức, Đại đội có Ban chỉ huy và các lực lượng phục vụ, 3 trung đội và một tiểu đội trinh sát kỹ thuật. Ban đầu biên chế c20 có 128 quân nhân, trong đó phần lớn là học sinh phổ thông, có 10 sinh viên và một số đã tốt nghiệp đại học. Sinh viên Đại học y khoa năm thứ nhất, năm thứ hai làm y tá, cử nhân kinh tế làm quản lý, quân nhân trong tiểu đội trinh sát kỹ thuật a12 có người thông thạo đến 2, 3 ngoại ngữ.

     Tháng 5/1972, c20 đã có mặt ở phía Nam sông Bến Hải, rồi đến Cam-lộ, Đông Hà, Ái Tử và Bắc đầu cầu Thạch Hãn – thôn Nhan Biều 1 và Nhan Biều 2. Nhiệm vụ của c20 lúc này là nắm tình hình địch tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị và vùng lân cận, dựng lại hồ sơ các cứ điểm của địch đặc biệt là Sư Đoàn Bộ Sư Đoàn 3 Sài Gòn và các đơn vị địch thuộc ở căn cứ Ái Tử, sẵn sàng đánh địch khi địch xuất hiện sang Bắc sông Thạch Hãn. Lúc này, Thành Cổ Quảng Trị là quyết chiến điểm khốc liệt, kéo dài của toàn Mặt Trận. Ta giằng co, tranh chấp từng thước đất với địch, ngày đêm không ngớt đạn bom phi pháo, bộ đội thương vong liên tục hàng ngày, hàng đêm. 7 đồng chí Sưu, Phớt, Lừng (02/8/72); Đằng, An, Tiến, Hiếu, (04/8/72) đã hi sinh vì phi pháo địch.

     Chỉ huy sở tiền phương của sư đoàn cách địch hơn 2 km đường chim bay và c20 cách địch chỉ qua dòng sông Thạch Hãn. Ban chỉ huy đại đội, phân tán mỗi người một hướng theo các phân đội trinh sát và liên tục luân chuyển nhau. Các chiến sĩ c20 phải liên tục vượt sông sang Thành Cổ để nắm tình hình địch và ta, báo cáo lên cấp trên.

     Tháng 7/1972, c20 có đợt bổ sung quân đầu tiên. Đó là những anh em nhập ngũ tháng 5/1972 thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Khu Vực Vĩnh Linh. Anh em mới lập tức tham gia ngay vào các hoạt động của các mũi trinh sát.

     Thời kỳ đầu chi bộ c20 có 7 đảng viên, tất cả đảng viên đều là cán bộ, sỹ quan. Đến sau này, qua thử thách mà trưởng thành, qua chiến trường được tôi luyện, chi bộ đã kết nạp thêm nhiều cán bộ chiến sĩ xuất sắc.

. . . (còn tiếp)
  
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Một, 2011, 04:51:04 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #451 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 07:56:00 am »

Trích dẫn
...Nhiệm vụ của c20 lúc này là nắm tình hình địch tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị và vùng lân cận, dựng lại hồ sơ các cứ điểm của địch đặc biệt là Sư Đoàn Bộ Sư Đoàn 5 Sài Gòn và các đơn vị địch thuộc ở căn cứ Ái Tử...

@TTNL: Bác xem lại chỗ này vì hồi ấy căn cứ Ái Tử có hậu cứ của Sư đoàn 3 VNCH mang tên Bến Hải do chuẩn tướng Vũ Văn Giai làm tư lệnh. Sư đoàn 5 của VNCH đóng ở mạn Lai Khê, Bến Cát.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Một, 2011, 03:48:53 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #452 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 04:30:36 pm »


@TTNL: Bác xem lại chỗ này vì hồi ấy căn cứ Ái Tử có hậu cứ của Sư đoàn 3 VNCH mang tên Bến Hải do chuẩn tướng Vũ Văn Giai làm tư lệnh. Sư đoàn 5 của VNCH đóng ở mạn Lai Khê, Bến Cát.

     Bác LXT nói đúng rồi, tôi đã gõ nhầm số (so với bản viết tay), ngay cả trong bản in chính thức. Nhiều người soát đi soát lại mà không ai phát hiện ra. Bác LXT đúng là "Tinh Tường". Cảm ơn bác ! Tôi cũng đã sửa luôn trong bài viết rồi.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Một, 2011, 04:49:28 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #453 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 04:42:11 pm »

.
LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI (tiếp)
   

2.  Ác liệt sau Thành Cổ

     Sau 81 ngày đêm ở thị xã Quảng Trị, Sư đoàn làm nhiệm vụ phòng ngự tả ngạn sông Thạch Hãn.

     Ban chỉ huy đại đội là các đồng chí Ngơi, Phi, Thời, Ánh. c20 có nhiệm vụ bám địch trên toàn tuyến từ Cửa Việt, Long Quang, Bích La, chợ Sãi đến Nhan Biều, Tích Tường, Như Lệ. B52, pháo biển 203, pháo 175 và pháo bầy 105 bắn phá suốt ngày đêm. Lúc này, hậu cứ  “Khu B” của đại đội nằm ở bãi Tân Kim ven suối La La và tiền cứ “Khu A” ở gần cao điểm 108.  Nhưng hầu hết mọi người đều nằm sát chiến tuyến bám địch và phân tán theo nhiều mũi trinh sát trên toàn tuyến. Sau chiến tuyến một chút là chốt 108 có nhiệm vụ quan sát toàn cục. Một phân đội làm nhiệm vụ phục kích bắt thám báo ở ngầm Phương Thúy. Đồng chí Hồ Tú Bảo cùng đặc công làm nhiệm vụ bí mật vượt sông Thạch Hãn trinh sát địch ở bên kia đầu cầu Quảng Trị và dẫn bộ đội đặc công đánh thắng.

     Tiểu đội thông tin, mỗi người theo một mũi trinh sát, liên tục, kịp thời truyền thông tin từ các hướng trinh sát về đại đội và Ban Trinh Sát (Ban 2). Trong chiến đấu ác liệt nhưng đời sống cán bộ, chiến sỹ đều được chăm lo khá tốt nhờ có tiểu đội “Lê Anh Nuôi” và đ/c “Thắng Quản”. Thực phẩm, quân trang, quân dụng thuốc men, cơm nước của anh em trong đơn vị đều đầy đủ cho từng mũi trinh sát. Những ngày lễ thể nào anh em cũng có liên hoan ra trò, còn có cả thực phẩm tươi đi mua từ Miền Bắc vào. Anh em làm công tác hậu cần cũng phải chịu đựng gian khổ và bom đạn tàn khốc. Anh nuôi Phớt và Lừng hy sinh do bom B52 ngày 02/8/1972.

     Tháng 12/1972, c20 được bổ sung quân lần thứ hai. Đây là những anh em chiến đấu xuất sắc từ các trung đoàn 101, 95 và 18 được tuyển về, những người lính đã dày dạn trận mạc ở Quảng Trị.

     Đêm 27 rạng sáng 28/1/1973, anh em trinh sát c20 cùng với bộ binh tiềm nhập lên phía trước để cắm cờ trước giờ ngừng bắn. Riêng ở Tích Tường, Như Lệ, trước ngày ngừng bắn, với sự tấn công phủ đầu bởi tên lửa Cachiusa của mặt trận B5, pháo 85 của e84, cối 120 của sư đoàn, cối 82 của Trung Đoàn 95 và hai quả bom phóng của công binh, một tiểu đoàn của trung đoàn 95 tấn công Đồi Chè. Một phân đội c20 cũng tham gia trận đánh này. Trong khi đó, địch bí mật chuẩn bị chiếm cảng Cửa việt. Rạng sáng 28/1, địch tấn công sát mép biển từ làng Tám, qua chốt Long Quang và chiếm được một phần cảng Cửa Việt. Từ ngày 29/1 đến 31/1, quân ta, trong đó có Trung Đoàn 101 mới chiếm lại được và đẩy địch trở về vị trí cũ. Đó là giai đoạn c20 tham gia chống địch lấn chiếm vừa tham gia cắm cờ trên vùng đất mà mình trấn giữ.

. . . (còn tiếp)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #454 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 12:22:12 pm »

.
LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI (tiếp)
   

3.  Chuẩn bị chiến dịch ở Quảng Trị

     Sau ngày ngừng bắn 28/1/1973, các mũi trinh sát vẫn tiếp tục bám địch chống lấn chiếm. Riêng ở Tích Tường, Như Lệ, hai dẻo đất nằm ở hữu ngạn Thạch Hãn bị chia cắt bởi điểm cao Đồi Chè, đã ngày đêm tơi bời vì bom pháo. Có thể nói, đó là những chiến địa cực kỳ ác liệt, vì địch, bằng mọi giá, quyết tâm đẩy ta về tả ngạn Thạch Hãn. Đêm đêm thuyền của ta chở quân, lương thực và vũ khí vào bổ sung, công binh vào đào lại công sự, chở thương binh ra. Mãi đến tháng 3/1973, địch mới chịu thua sự kiên cường của bộ đội ta. Trận địa ta vẫn được giữ vững, trong chiến công đó có đóng góp của một phân đội trinh sát c20.

     Quảng trị đã gần như yên tiếng súng.

     c20 tập kết tại Quất Xá (Cam Lộ) trừ một số ít đ/c ở điểm cao 108, Như Lệ - Tích Tường và đang trinh sát dọc tuyến. Sau đó, chúng ta chuyển về thôn Trà Liên, xây dựng nhà, củng cố lực lượng. Tháng 3/1973, 10 anh em từ Tiểu Đoàn 338 thuộc Mặt Trận B5 và 10 anh em từ d19 đặc công được bổ sung về. Đơn vị được biên chế lại một cách hoàn chỉnh. Toàn đơn vị tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện. Lúc này đại đội gồm 95 cán bộ chiến sỹ, ba trung đội, mỗi trung đội 25 người, một tiểu đội thông tin và một tiểu đội anh nuôi. Kết nạp thêm 23 đảng viên, chi bộ c20 lúc này lên đến 32 đồng chí.

     Trong khi đó, c20 vẫn thường xuyên làm nhiệm vụ trinh sát địch. Đ/c Ngơi phụ trách một phân đội khảo sát toàn tuyến giữa ta và địch, trong đó, có cả việc tiếp xúc với địch trong các “Nhà Liên Hợp”. Phân đội do đ/c Bùi Văn Thắng làm binh yếu địa chí và bám địch từ chợ Sãi đến Cửa Việt. Một phân đội làm công tác binh địa toàn tuyến giáp ranh giữa ta và địch từ Cửa Việt, Long Quang, Bích La đến Tích Tường, Như Lệ. Một phân đội  làm công tác binh địa các căn cứ cũ của địch, từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, cao điểm 241, căn cứ Đầu Mầu đến căn cứ Ái Tử.

     Để chuẩn bị cho chiến dịch ở miền tây Quảng Trị, đại đội tổ chức chuyến luồn sâu đầu tiên. Phân đội này gọi là A74 gồm các đồng chí xuất sắc của đơn vị và được sư đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ. Chỉ còn nửa tháng nữa là Tết thì anh em nhận lệnh xuất kích. Trong khi đó đại đội tổ chức hành quân để nghi binh. Ngày 08/1/1974 phân đội bị tai nạn trên đường đi. Đ/c Cao Xuân Ngạc hy sinh các đồng chí Ngơi, Bảo, Tài và một số anh em bị thương.

     Chuyến luồn sâu thứ hai, kết hợp với trinh sát trung đoàn 95, do đ/c Dụ đại đội trưởng chỉ huy, có nhiệm vụ trinh sát địch ở cao điểm 367, phía trên động Ông Do, giáp ranh với ta ở miền tây Quảng Trị. Anh em hành quân bộ hết một ngày đến chân cao điểm, ở cùng với một đơn vị chốt của trung đoàn 95. Đêm đầu anh em đã lên được sát bờ của cao điểm, nhưng khi rút ra không xoá hết dấu vết. Đêm thứ hai địch phục kích chờ sẵn đánh mìn và ném lựu đạn. Đ/c Điển trung đội trưởng và đ/c Sơn tiểu đội phó hy sinh tại chỗ.

     Chuyến luồn sâu thứ ba do đ/c Dân trung đội trưởng chỉ huy và được du kích Hải Lăng dẫn đường, đi dọc theo sông Nhùng xuống tới đồng bằng.

    Chuyến luồn sâu thứ tư do đ/c Phi chỉ huy, đi cùng một đ/c trong huyện đội Hải Lăng và một đ/c du kích xã. Lần này luồn xuống gần đường 1, ngay nhà thờ La Vang, bên này sông là Nhan Biều. Ở đây có thể quan sát được đường 1, quận Mai Lĩnh, Ngã ba Long Hưng, . . . .

. . . (còn tiếp)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #455 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2011, 07:36:19 pm »

.
LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI (tiếp)
   

4.  Huế

     Cuối 1974, nhiệm vụ của sư đoàn chuyển hướng sang chuẩn bị chiến dịch ở phía bắc Huế. Đ/c Ngoan tham mưu phó sư đoàn trực tiếp chỉ huy trinh sát chuẩn bị chiến dịch. Bốn phân đội của c20 và của trinh sát trung đoàn 95, có trinh sát quân khu V dẫn đường, luồn dọc theo sông Bồ xuống các căn cứ của biệt động Hương Trà, Hương Thuỷ và biệt động thành Huế. Phân đội thứ nhất do đ/c Thanh, Bùi Thắng phụ trách trinh sát cứ điểm Núi Gió (Chóp Nón). Phân đội thứ hai do đ/c Minh chịu trách nhiệm làm binh địa cứ điểm Hòn Vượn. Đây là căn cứ của trung đoàn 54 Sài Gòn có sân bay trực thăng, một cứ điểm cao nhất và được gọi là “con mắt Huế”. Phân đội thứ ba do đ/c Lâm phụ trách làm binh địa ở Chóp Nón. Phân đội thứ tư do đ/c Duyên  phụ trách làm ảnh đồ căn cứ Hòn Vượn. Một phân đội nữa do đ/c tham mưu trưởng và đ/c Hổ binh địa Trung Đoàn 95 cũng thực hiện trinh sát Hòn Vượn. Phân đội trinh sát Hòn Vượn gặp địch trên đường về đ/c Mào bị thương. Anh em còn bị thám báo phục kích, đ/c Tư hy sinh cùng với đ/c Quí trinh sát mặt trận.

     Đúng Tết Nguyên Đán Ất Mão (1975), một lần nữa, nhiệm vụ của sư đoàn đột ngột chuyển sang chuẩn bị tấn công địch ở phía nam Huế cùng với sư đoàn 324. Lúc này đơn vị có một số thay đổi. Đ/c Nhạ đại đội trưởng, đ/c Thanh chính trị viên, đ/c Triêm đại đội phó. Ngày 19/1/1975, đơn vị được bổ sung thêm anh em nhập ngũ tháng 10/1974 từ tỉnh Hải Dương. Một số anh em chuyển sang các đơn vị khác.

     Toàn c20 lên đường di chuyển theo đường Trường Sơn, đi qua Ba lòng, A Lưới vào Nam Đông, Khe Tre. c20 lập tức triển khai các nghiệp vụ trinh sát. Một phân đội trinh sát căn cứ Lương Điền do đ/c Nhạ chỉ huy. Một phân đội luồn sâu xuống Phú Lộc để phục vụ tác chiến vào Phú Lộc và đèo Hải Vân. Một phân đội phục kích bắt tù binh để khai thác tình hình địch. Một tổ được cử lên sư đoàn xây dựng sa bàn tác chiến chiến dịch. Anh em còn tham gia vận chuyển đạn và kéo pháo 105 và cao xạ 37 lên lên cao điểm 560. Không khí khẩn trương, nhộn nhịp, tình hình liên tục biến động.

     Không khí càng nhộn nhịp hơn khi nghe tin giải phóng Ban Mê Thuật ngày 10/3. Đúng 5 giờ 45 phút sáng ngày 8 tháng 3, sư đoàn 324 bắt đầu tấn công căn cứ Mỏ Tàu, các điểm cao 75, 76, 224, 273 và 303 ở Tây Nam Huế.

    5 giờ 40 phút 21/3, Sư Đoàn 325 bắt đầu khai hỏa bắn vào các điểm cao trên dãy Lưỡi Cái, Mom Kim Sắc và bắn cắt đường số 1 ở đoạn Phú Lộc. Chỉ sau nửa giờ nổ súng, ta đã cắt đứt Huế khỏi Đà Nẵng. Sau đó e101 và e18 tấn công địch tại các điểm cao và tràn xuống đường 1. Phân đội trinh sát do đ/c Bùi Thắng phụ trách, có nhiệm vụ luồn sâu vào Huế để nắm địch. Đêm 24/31975 đã luồn tới phía đông Huế. Chiều 25/3 ta đã thực sự giải phóng Huế, (sau này lấy ngày 26/3 là ngày giải phóng Huế).
 
     Sau khi giải phóng Huế, c20 tập kết về thôn Kim Liên, gần kho xăng Liên Chiểu Đà Nẵng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

. . . (còn tiếp)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #456 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2011, 10:43:16 pm »

.
LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI (tiếp)
   

5.  Thần tốc

     Nằm trong “Cánh Quân Duyên Hải”, c20 vừa hành quân vừa dẫn đường vừa nắm tình hình vừa cùng bộ đội ta tác chiến dọc đường trong khí thế thần tốc.

     7/4/1975 cả đại đội hành quân bằng ô tô, đi dọc theo đường 1, chỗ nào cầu hỏng, bằng mọi giá, phải nhanh chóng vượt qua. Sáng 15/4, một phân đội bám địch tại bắc Phan Rang. 5 giờ 16/4/1975 phân đội của c20 này dẫn xe tăng, thiết giáp tấn công Phan Rang. Cả đơn vị lớn đều trên xe di chuyển theo mũi thọc sâu trên đường 1. Máy bay địch ném bom và bắn rất quyết liệt. Trong vòng 2 giờ, ta đã hoàn toàn giải phóng Phan Rang. Lúc này các anh em từ Hải Dương đã dày dạn trận mạc, hòa nhập trong các mũi trinh sát. Tinh thần mọi người rất khí thế trong không khí hào hùng.

     Chiều 16/4, đại đội 20 tiếp tục lên đường tiến về Phan Thiết. Trên đường đi, máy bay địch ném bom và bắn chặn. Chiều 21/4 cả đơn vị đã tới phía bắc Xuân Lộc. c20 tiếp tục dẫn đầu sư đoàn luồn rừng cao su về Bà Rịa. Rạng sáng 22/4 đụng độ với tàn quân của địch chạy từ Xuân Lộc về trên QL2 (cũ), ta đánh nhóm tàn binh địch này nhưng đ/c Dân và Nhật hy sinh, một số anh em khác bị thương. Máu của đồng đội tiếp tục đổ chỉ cách ít ngày khi giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

     22/4, đơn vị nhận lệnh chuyển hướng, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Mỗi chiến sỹ đều đeo băng đỏ trên tay trái, cả đoàn xe của đơn vị lớn di chuyển trong rừng cao su ngoặt sang Long Thành. C130 và HU1A của địch bắn rất rát, gây một số thương vong. Một mũi trinh sát cùng xe tăng và bộ binh tấn công Long Thành. Địch chống trả quyết liệt nhưng một mũi nhọn của ta đã vượt qua rất nhanh, tiến thẳng về Nhơn Trạch.

     Mọi con đường đều dẫn đến Thành . . . Sài Gòn. Đơn vị nào cũng muốn là người đầu tiên tiến vào Sài Gòn. Đêm 29/4, ta đã chọc từ Nhơn Trạch và khoảng 3 giờ sáng vượt qua Thành Tuy Hạ, tiến sát bờ sông Đồng Nai.

     5 giờ sáng 30/4, một phân đội trinh sát có các đ/c Nhung, Quynh, Duyên (A12), Minh, . . . do đ/c Trịnh Phẩm Hạnh trợ lý Ban Trinh Sát (Ban 2) chỉ huy, dùng hai thuyền của du kích vượt qua sông để nắm địch và lập đầu cầu bên căn cứ Cát Lái. Trong khi đó, pháo 85 và cao xạ 37 của ta dàn trận ở bờ sông, chuẩn bị bắn thẳng sang Cát Lái sẵn sàng yểm trợ. Đầu cầu bên kia, anh em trinh sát đã vào trong căn cứ. 9 giờ, một mũi trinh sát tiếp tục trinh sát địch ở quận 9 phía cảng Bạch Đằng, trên sông Sài Gòn. c20 luôn đi trước đến những nơi mà sư đoàn sẽ đến.

     11 giờ ngày 30 tháng tư năm 1975. Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi, Giang Sơn - Đất Nước được thống nhất.

. . . (còn tiếp)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #457 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2011, 02:35:23 pm »

.
LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI (tiếp)
   

Tiểu đội trinh sát kỹ thuật

     Tiểu đội Trinh sát kỹ thuật a12 được thành lập ở Hà Bắc đầu năm 1972 nằm trong đội hình huấn luyện của c20 (từ tháng 1 đến 7/72) và sau giải phóng Sài gòn từ 26/5/75 trở đi. Trong thời gian chiến đấu, a12 trực thuộc Ban Trinh sát (Ban 2), với nhiệm vụ là khai thác tin tức địch 24/24 bằng nghiệp vụ trinh sát kỹ thuật (TSKT) trên mạng thông tin bằng máy PRC25 của địch và tổ Trinh sát chụp ảnh theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Trinh sát kỹ thuật lần đầu tiên có ở cấp sư đoàn bộ binh.

     Từ 5 đ/c được đào tạo cấp tốc nghiệp vụ TSKT trên máy PRC25 do cục 2 tổ chức tại d35, Mặt trận B5 tại chiến trường Quảng Trị. a12 đã nhanh chóng trưởng thành, kịp thời cung cấp tin tức tin cậy về vị trí đóng quân địch, điều quân, di chuyển, tác chiến, tọa tộ địch oanh kích, pháo kích . . . , khai thác được nhiều tin quan trọng cho tham mưu sư đoàn trong giai đoạn chiến đấu ác liệt tại Thành Cổ Quảng Trị 1972. Năm 1973, 1974, a12 tiếp tục đảm bảo tin tức TSKT và còn tham gia một số tổ trinh sát luồn sâu cùng c20. Trong Chiến dịch 1975, a12 làm TSKT trong hành tiến, ngoài ra luân phiên có các tổ đi cùng trinh sát tiền tiêu nắm bám địch của c20 từ Đà Nẵng tới Sài Gòn, đã cung cấp được nhiều tin tức quan trọng về địch tác chiến và rút quân tháo chạy. Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều đ/c đã được tặng thưởng Huân Chương Chiến Công và Bằng khen trong Chiến dịch 75 và Chiến dịch HCM.

     a12 cũng tự đào tạo được hơn 10 đ/c làm nghiệp vụ TSKT trong các năm 1972, 1973, 1974. a12 qua các thời kỳ có các đ/c Long, Tỉnh, Vinh, Duyên, Thân, Quí, Hồng, Sáng, Nghiêm, Phi, Lợi, Quí, Thịnh, Chanh, Điển, Nguyên, Hùng, Chiến, Thảo, An, Định, Công, Phong, Quyền, Quận. a trưởng /phó :  Long,Tỉnh/Tỉnh (72-73), Vinh/Điển (73-75).

. . . (còn tiếp)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #458 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2011, 08:03:52 am »

.
LƯỢC SỬ XÊ HAI MƯƠI (tiếp)
   

     Với những thành tích đóng góp vào chiến thắng chung của Sư Đoàn 325, Đại đội trinh đã được tuyên dương Đơn Vị Quyết Thắng, được Nhà Nước tặng thưởng Huân Chương Chiến Công hạng nhất, Huân Chương Chiến Công hạng hai. Một số đồng chí được tặng danh hiệu Chiến Sỹ Thi Đua, Chiến Sỹ Quyết Thắng và nhiều đồng chí được tặng thưởng huân chương các loại.

     Một c20:         Đoàn kết, Kiên cường, Mưu trí, Dũng cảm,
                                  Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


     Như vừa mới đây thôi, những năm tháng gian khổ, sống chết có nhau thắm tình đồng đội, hiển hiện trong tâm hồn mỗi người lính. Xê Hai Mươi ơi, bao kỷ niệm của một thời trai trẻ. Năm tháng vẫn không quên từng nụ cười đồng đội, từng hớp nước, phong lương khô xẻ chia trong tiếng rền của bom đạn. Trái tim chúng tôi vẫn không quên các đồng đội đã nằm lại những nơi mà đơn vị đã đi qua trên mảnh đất thân yêu này !

     Những người lính chiến năm xưa, nay nhiều người vẫn tại ngũ, là các nhà khoa học, là người quản lý các cơ quan Nhà Nước, nhà quản lý các doanh nghiệp hay trở về với đồng ruộng quê mình, trong họ vẫn mang đậm chất lính ngày nào.


     Đó là lính chiến - Xê Hai Mươi !


. . . (còn tiếp)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #459 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2011, 08:42:50 am »

.
Cựu chiến binh Xê Hai Mươi, trinh sát
        sư đoàn 325 - quân đoàn 2
          (giai đoạn 1971 - 1975)


                    

               CÁC LIỆT SỸ
   (Hy sinh trong giai đoạn 1972-1975)    

                  Họ và tên           Ngày hy sinh        

     1     Hoàng Văn Siu          02/8/1972
     2     Vũ Duy Phớt             02/8/1972
     3                   Lừng           02/8/1972
     4     Nguyễn Văn Đằng     04/8/1972
     5     Nguyễn Văn An         04/8/1972
     6     Nguyễn Văn Tiến       04/8/1972
     7     Hoàng Văn Hiếu         04/8/1972
     8     Đỗ Văn Triệu                     1972
     9                   Đàm                    1972
   10     Nguyễn Văn Độ                 1972
   11     Lê Quang Dự                    1972
   12     Nguyễn Văn Cương           1972
   13     Hồ Viết Dung                    1972
   14     Cao Xuân Ngạc          08/1/1974
   15     Quách Ngọc Sơn               1974
   16     Tạ Đăng Điển                    1974
   17     Đinh Văn Tư              06/2/1975
   18     Phạm Xuân Sự           22/3/1975
   19     Nguyễn Thế Dân        22/4/1975
   20     Ngô Thanh Nhật        22/4/1975
   21              Hồng Vinh             7/1975

Một thời binh lửa . . .
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2011, 04:36:40 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM