Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:17:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 284195 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chientruong
Thành viên
*
Bài viết: 47


« Trả lời #190 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2011, 08:20:05 am »

Cảm xúc trước ngày trở lại chiến trường xưa

 
Vẫn còn hơn một tháng nữa  ae CCB chúng mình mới tập trung để cùng nhau trở lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ ( 6/9/1971- 6/9/2011 ).  Không biết tâm trạng anh em thế nào chứ như tôi đây tâm trạng cứ bồn chồn , xao xuyến ( cứ như là hẹn gặp người yêu) nhiều cảm xúc dâng trào, buồn vui lẫn lộn .Vui vì sẽ được gặp lại các chiến hữu sau nhiều năm xa cách, có ngưòi chưa có điều kiện gặp từ lúc chia tay đi B. Buồn vì  nhớ lại những đồng đội của mình những ngưòi không được may mắn, có ngưòi bị thương, bị mất sưc lao đông, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn ,phải bưon chải, kiếm sống không có điều kiện họp mặt. Có những đồng đội thân xác đã hoà vào lòng đất vẫn còn đó ở đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.


May mà có trang  " Dựng nước & giữ nươc " để ae CCB chúng mình có điều kiện tâm tư, nhớ lại những thời máu lửa, nhiều truyên bây giờ mới  dám kể, dam viết  nếu không thì mãi mãi đi vào quên lãng.
Nhớ những lúc bom rơi, đạn nổ, giữa vòng vây của kẻ thù cùng sẻ chia cái đói, cái rét, chia nhau từng ngụm nước, cùng nhau trong hầm trên Chốt  đọc lại những lá thư đã ố vàng theo năm tháng của gia đình, của ngưòi thương, kể cho nhau nghe những lần được hôn trộm ngưòi thương, những lần cố ý va chạm vào gò bồng đảo mà cả tuần mất ngủ...  nghe xong mà ae cả hầm rạo rực. Ôi nhớ quá một thời chiến binh.

 Anh em mình ngày nhập ngũ, có nhiều bạn đã có mối tình vắt vai.  Không biết có phải mình có số đào hoa hay không mà đóng quân ở đâu tôi cũng có cô nàng bịn rịn, đi thì em nhớ ở em thương . Nhớ về quê mình, một làng nhỏ thuộc vùng chiêm trũng của đồng bằng Băc Bộ, cũng  như bao miền quê khác quanh làng là nhưng lũy tre xanh, có con sông nhỏ, có những ngôi nhà mái rạ, có những người nông dân  chịu thương chịu khó một năng hai sương để làm ra hạt thóc củ khoai , có những em nhỏ hàng ngày tung tăng cắp sách tới trường, cuộc sống  thật  thanh bình nếu như không có chiến tranh. Ở chính nơi tôi sinh ra và lớn lên này, tôi có một ngưòi bạn gái, là bạn cùng tổ, cùng lớp suốt 10 năm phổ thông nhưng do hoàn cảnh gia đình em không thể theo học tiếp được. Những ngày học ở đại học tôi và em vẫn thư từ qua lại với nhau. Nhớ hôm chia tay  trước ngay nhập ngũ,  buổi tối tôi sang nhà em chơi, sau đó tôi và em  ngồi tâm sự ở dưới gốc cây đa cạnh sân đình, em ngồi sát bên tôi ,gió nhẹ thổi phảng phât mùi thơm  của  hương nhu, hương bồ kết trên tóc em mới gội. Tôi mạnh dạn kéo em ngối sát gần tôi hơn và hôn nhẹ vào mái tóc em, em ngả đầu vào ngưc tôi, cứ như thế,chúng tôi nói nhiều về tương lai, về cuộc chiến tranh nhiều ngưòi đi không trơ lại...Lúc đó tôi có nói với em rằng nếu như trong vòng 2 năm không nhận đuợc tin tức của tôi thì em cứ đi tìm người bạn mới phù hợp còn tôi dù sống hay chết sẽ luôn cầu mong cho em luôn hạnh phúc và may mắn. Ba năm sau, tôi nghe bạn be   nói em đã lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ.  Sau chiến thắng trở về, tôi gặp lại em , nhìn em vẫn không khác xưa là bao, vẫn mái tóc dài chấm lưng, vẫn nụ cười xinh với má lúm đồng tiên  , vẫn nước da trăng hồng, chúng tôi nói với nhau mình không có duyên phân thì là bạn tốt của nhau

.
 Nhớ về những ngày trong quân ngũ, điêu nhớ nhất vẫn là những năm tháng ở chiến trường, Không như lính trinh sát, lính bộ binh chúng tôi chịu trăm ngàn điều cực nhọc, hy sinh mất mát nhiều không nói làm gì nhưng hàng ngày hàng đêm không lúc nào yên ả, không chốt thì phải đi tải gạo, tải thương, tải đạn, khâm liêm tử sĩ vv.... còn nhớ một  đêm đi lấy nhu yếu phẩm (đường, thịt hộp, thuốc lá... ) ở trên E.Chúng tối có khoảng 20 người từ các đại đội , lấy hàng xong thì trời đã tối mịt, từ E về đơn vị phải đi mất 4 tiếng, đường thì xa, lại đường rừng khó đi nếu vào đêm có trăng thì dễ đi nhưng hôm đó vào ngày cuối tháng trời tối như mực, cứ đi vài bước lại đâm vào các bụi cây ven đường, tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được gải pháp để khỏi lạc nhau là lấy gỗ ẩm, đất ẩm có chất lân tinh phát sáng dính vào sau balô để người sau trông ngưòi trước mà đi, cuối cùng gần sáng chúng tôi cũng mò về đến đơn vị. Nhưng lần đó cũng chưa cực băng lần đi cáng thương, vì thương binh , tử sĩ quá nhiều nên D yêu cầu cáng thương binh trước mà mỗi cáng là 2 người ( it thương binh thì 3 hay 4 người một cáng ) chỉ khổ những thương  binh mình có thể trạng to béo phải cáng sau vì ai cũng  chọn  thương binh gầy cáng trước. Khổ nhất là qua nhưng suối có thác nước, đường thì trơn , dốc không có ai đỡ khi cáng từ trên cao xuống hoặc từ dưới lên cao, nên mhiều khi  khi người cáng  và thương binh trên cáng cũng ngã lăn ra .Chưa kể gần đich, thương binh kêu, khóc  đạn   AR 15 của địch cứ vun vút  bên tai, nghĩ lại bây gìơ vẫn thấy quá ác liệt,  không biết lúc ấy sao mà khoẻ thế, phải chăng là giữa sự sống và cái chết khiến con người ta mạnh mẽ lên.

  Tôi miên man qua rồi nhỉ ?  Phải chăng đây là dấu hiệu của tuổi già, lúc nhớ lúc quên, âu cũng là cảm xúc một thời . Tôi nghĩ cũng là dịp để ae ccb mình cùng nhau nhớ lại những kỉ niệm xưa..
 Hẹn gặp mặt ngày 6/9 nhé.



Logged
chientruong
Thành viên
*
Bài viết: 47


« Trả lời #191 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2011, 08:32:30 am »

@tanvinh,
Ông vẫn còn giữ được tấm ảnh này nhỉ,mới đấy mà đã hơn 40 năm rồi đấy.
Ong  có nhớ nhà Vu Bình ở thôn,xã nào không Huh tôi còn nhớ mang máng là nhà Vu Bình ở huyên Đông Hưng- cách thị xa Thai Binh7 Km gì đó.
Neu có địa chỉ ro,có điều kiên thì hai đứa mình đên nhà nó nhé.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #192 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2011, 03:46:39 pm »


Chào Chientruong,

Ông nhiều ký ức một thời nhỉ, đây nếu ông không chia xẻ với ae thì ông dễ gì kể hết với vợ con được. Đùng là ông đào hoa thật, đi đâu cũng lai láng, đi dân nhớ ở dân thương, mà thời kỳ chiến tranh lính mà ướt át như ông chỉ làm khổ các em thôi, thế thời kỳ ở Quảng Trị, Quảng Nam có tình cảm vơi o du kích nào không đấy, có thì kể đi.

Dịp nào có định về thăm nhà bạn VB thì rủ mấy thằng bạn Thái Bình cùng đi thì thuận tiện.
Logged
chientruong
Thành viên
*
Bài viết: 47


« Trả lời #193 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 09:17:43 am »

Chào Tanvinh,
Thực tình mà nói truyện tình cảm đôi khi cung phải thêm chut gia vị, hư cấu một chút để  khi đọc  anh em giải tỏa stress mà. Các cụ vân nói " thung rông vốn kêu to mà ,tẩm ngẩm tầm ngầm mà lại giết voi đấy " Tớ chỉ võ mồm thôi,Chưa hề gây hậu quả nghiêm trọng ,thê nên tớ  vẫn còn Ỏiginal đên khi married đấy.Truyên tán tỉnh các em khi đong quân cũng là một cách làm công tác dân vận mà ,nhờ vậy mà mỗi khi đi thao trương mêt về hay mỗi đêm hành quan luyện tập khi vè nhà đều có chut ít bồi dương , lúc thì con ' củ " lúc thì cái băp ngô. Cậu còn nhớ khi đơn vị bắt bọn mình đi xin TRE không Huh tháy các cậu đi xin vất vả qua, còn tớ chỉ nói nhẹ với EM là trưa về đã có cây tre để  đầu cổng rồi.Nhưng đoi khi cũng phải mệt vì giúp em đấy như múc nước,băm bèo, quét sân,Thú nhất là làm Gia Sư  cho em. Thế nên đi thì em nhớ ở thì em thương mà.
Khi vào chiến trương QT, Quang nam, là linh chủ lực chứ có phải là lính địa phương đâu mà có dịp làm quen với các o du kích. Thời ở QT luc đanh nhau ở Mỹ Chánh, Hải Lăng, Triệu phong có thấy dân đâu, toàn là vườn không nhà trống, sau năm 1973, luyên tập ở huyên  Hương Hóa QT  chỉ biết mấy o vân Kiều thôi.Thỉnh thoang cũng đươc đơn vị cho đi  thị xã Đông Hà cải thiên thị lực.Mà đi/về đều cuốc bộ may măn mới bắt được xe ,hơi sức đâu mà còn làm quen vói các em nữa. Khi vào Quang Đà đanh trận Thương Đức thì lại ở rừng,luc làm đương cho chiến dich, đoi khi cũng có nhìn thấy các em du kich đi ngang qua,cư như  tiên nữ giáng trần , tranh nhau nói được vài câu là khoai khẩu lăm rồi, có được lãng mạn như hồi luyên quân đâu.Cũng may mà minh không được biên chế  là linh địa phương, chứ không thì biết đâu lại có hộ khẩu ở địa phương nơi đóng quân nhỉ.
Thế còn ông ,chả nhẽ không có gì vương vấn trong suốt một thời quân ngũ à Huh? nếu có thì kể đi nhé.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #194 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 01:28:59 pm »

Chào Chientruong,

Hồi huấn luyện tân binh, việc đi xin tre của dân là việc không dễ dàng vì lính đông quá, rồi cuối cùng cũng xin được cả, chỉ khác nhau là nhanh hay chậm, phai đi xa hay đi gần thôi. Võ của ông tranh thủ em giúp là một cách. Ông bạn 6971 còn có cách độc chiêu mà cũng nhàn nhã không kém, đó là chơi cờ tướng với chủ nhà ham cờ, thua ham gỡ nên chủ nhà bảo chuyên tre dễ ợt, chú cứ chơi tiếp, tre để đấy tôi lo.

Đùng là ae mình ở những đơn vị chủ lực cơ động, ít có thời gian ở đâu lâu để mà bén rễ, hơn nữa ae mình hồi ấy còn trẻ mà. Tôi có ông anh bên ngoại, lính 66, 67 là chủ lực địa phương Quảng Ngãi khi ra quân sau 75 ông ấy dẫn cả vợ và con người trong đó ra. Vợ cũng là bộ đội địa phương. Năm 73, 74 yên ả, lính QT hay đi chợ Đông Hà chơi, hồi ấy tôi ở phía tây không có dân nhưng thỉnh thoảng có công việc hoặc đến chơi C20 đóng quân ở thôn Trà Liên Tây cạnh sông Thạch Hãn, nơi đây đồng bằng có đông dân nên chơi ở đây cũng vui. Có lần theo thằng bạn vào chơi nhà một cô giáo trẻ. Nhà có hai mẹ con. Thấy bà mẹ hơi "lạnh" trong khi thằng bạn thỉ rất nhiệt tình. Tết 74 ông thủ trưởng cho lính ra Vĩnh Linh vào bản Vân Kiều mua lợn về ăn Tết. Tôi và 1 cậu được cử đi. Cán bộ địa phương dẫn chúng tôi đến nhà 1 cô giáo Vân Kiều. Cô giáo trẻ, có 1 con, da ngăm đen, tôi còn nhớ cô mắc áo trễ cổ, cười rất duyên..., cô giáo mà. Chúng tôi mua được lợn nhà cô giáo. Lúc về hai thằng khiêng lợn đi rất khỏe.Đúng là lính ở rừng lâu không nhìn thấy con gái.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2011, 01:49:39 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #195 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2011, 10:54:59 pm »


Hải Hậu ký sự


Thong dong 10 cựu binh già
Vi vu 1 chuyến về nhà Đức Duyên
3 giờ  rời “trạm” Hùng côn
Vòng vèo đón bạn dưới đường Bạch Mai

Râm ran vui chuyện đường dài
Bỗng nhiên bị chặn -  đi sai làn đường...

Cảnh sát chìa giấy rành rành
Chụp xe phạm lỗi mãi đằng Pháp Vân

Lái xe tái mặt thanh minh
Mấy bác ghế trước bực mình xuống xe
Bác thì xòe thẻ thương binh
Bác thì xin lỗi...ghi hình không sai

Một hồi mềm dẻo không lui
Lái xe xuất giấy, xin mời bác đi.

7 giờ tập kết chiều quê
Định già cùng vợ phóng xe đến liền
Liên hoan buổi tối vui ghê
Rượu ngon, mồi tốt cùng phê “lên đồng”

Gặp nhau bao chuyện trùng phùng
Chuyện thời trai trẻ, một thời gian lao
Chiến trường Quảng Trị năm nào
Giờ như sống lại, bác nào cũng say

Chuyện dài, đêm ngắn có hay
Nhà Duyên trưa nắng, men cay thêm lời
Luồn sâu, trinh sát một nơi
Mà sao anh kể khác tôi thế này...

Ra về Hà nội chiều nay
Chuyến đi Hải Hậu có ngày nào quên
Đường xa nhà bạn Định, Duyên
Bỗng như thấy ngắn chuyện vui đến nhà.

Xin chào, các bác gần, xa...


Tanvinh, 24/7/11
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #196 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2011, 10:17:27 am »

      Quả thật Bác TVprc25" xuất khẩu thành thơ" Bài thơ đã mô tả hết chuyến đi của những CCB SV về Hải Hậu , quê của các đồng đội, một chuyến đi đầy ý nghĩa và có những kỷ niệm không quên.

     Các Bác CCB chú ý : khi đi vào phía nam trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, bên Cục CSGT đặt camera quay tự động những xe vi phạm đi sai làn đường, chạy quá tốc độ; đến trạm thu phí Cầu Giẽ sau khi qua trạm, những xe vi phạm bị giữ lại để xử lý, không thể cãi được vì ảnh chụp tự động và rất rõ.
 Đoàn chúng tôi trên xe có 10 người có những 5 người là Thương binh có thẻ, mà sắp 27/7  rồi nên các bác CS cũng nhắc nhở cho đi không có thì rầy rà lắm ./
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #197 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2011, 09:01:33 pm »


Là cựu chiến binh, chúng ta thường nhớ tới những ngày gian khổ bom đạn ở chiến trường. Ngày Thương binh Liết sỹ, chúng ta lại nhớ thương những đồng đội đã hi sinh.

Tôi còn nhớ, sau chiến tranh 75 trở về, vào những năm 80 tôi rất thích nghe bài thơ Nâm mộ và cây trầm của nhà thơ một thời là lính Nguyễn Đức Mậu trong chương trinh thơ đêm khuya của Đài TNVN dịp 27/7, giong nữ Huế ngâm.
Tôi xin chép ra đây bài thở này :


Nấm mộ và cây trầm

                       Nguyễn Đức Mậu
 
I. Tưởng nhớ
 
Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở tay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm
 
Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Những đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung.
 
Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương mình Hùng hoá trẻ đi câu.
 
Chúng mình có ở cách xa nhau
Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi …?
Một thước đất hoá khoảng trời vời vợi
Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa
 
Những lá thư Hùng chưa kịp đọc mình nghe
Thơ đánh giặc Hùng còn viết dở
Vết máu đỏ nhoà đi không rõ chữ
Mình đọc bao điều xúc động sâu xa.
 
II. Hy sinh
 
Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù
Nhận cái chết cho đồng đội sống
Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng
Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi.
 
"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc" Hùng ơi
Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng.
 
Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng
Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước
Những đoàn quân đi đánh giặc
Có hoa rừng mang đến từ xa.
 
Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm trời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù.
 
III. Ra đi
 
Cây trầm thơm từ gốc thơm ra
Như nhắc nhở với người đang sống
Thù riêng lớn, thù chung càng lớn
Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm
 
Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm
Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá
Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự
Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta
 
Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn. Hùng ơi ! …
 
Quân mình đang pháo kích nơi nơi
Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy
Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy
Thôi mình đi, Hùng nhé! Hãy yên nằm
 
Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
Thân hi sinh thơm đất, thơm trời.


        Mặt trận Miền Tây, mùa đông 1969

Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #198 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2011, 10:18:38 pm »



Về bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”  (đăng trên trang web Bà Rịa – Vũng Tàu
                                                            http://www.baobariavungtau.com.vn )
Thứ sáu, 25/7/2008, 10:19 GMT+7
 

Mới thế mà bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” tôi viết đã được gần 40 năm. Hồi đó tôi còn rất trẻ: 22 tuổi, là lính ở trung đoàn 165, thuộc sư đoàn 312. Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nước Lào. Mới vào thử lửa được mấy tháng, quân số trung đoàn đã bị thương vong khá nhiều. Người chết vì sốt rét, chết vì bom mìn, người chết vì quần nhau với giặc. Tôi có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi (tên do lính trung đoàn tự đặt), nằm cạnh thị xã Xiêng Khoảng.

Còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969. Ở nghĩa trang biên giới, bọn giặc trời thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy đen chĩa thẳng lên trời như những cây nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, tôi cùng một số người trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt và chôn xác đồng đội. Trước khung cảnh đầy chất bi tráng đó, tôi có được cái tứ để viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”:

…Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm.

Hùng ơi! Mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Nhớ đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu, chăn đắp chung

Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương Hùng, mình hoá trẻ đi câu...

Trong bài thơ, cây thông ở nghĩa trang biên giới được thay thế bằng hình tượng cây trầm - một loài cây quý thay cho nén nhang thắp lên mộ bạn mình. Bài thơ được viết ở hang đá rừng Lào, dưới ánh đèn được làm từ vỏ đồ hộp. Viết sau khi chôn xác bạn trở về, viết trong tâm trạng xa xót, thương tiếc. Có tứ, có cảm xúc nhưng còn bút pháp thể hiện, một khâu rất quan trọng trong sáng tác? Phải nói hồi đó tôi chưa phải là người viết có tay nghề, thi thoảng may mắn lắm mới có được một bài thơ in báo. Nhưng trong sáng tác mọi yếu tố thường bổ sung cho nhau. Có lẽ do tứ bài thơ vững, do cảm xúc mạnh đã tạo đà cho cách diễn đạt liền mạch. Bài thơ được viết nhanh, câu nọ nối câu kia, đoạn này nối đoạn khác. Từ trường hợp hy sinh của bạn mình, tôi có được những đoạn thơ khái quát về sự hy sinh lớn lao của người chiến sĩ:

Đất Hùng nằm, bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù…

Viết xong bài thơ, tôi có đọc cho một số người nghe. Sau, tôi sửa chữa và chép vào sổ tay. Chừng vài năm, khi có dịp ra Hà Nội, tôi mới gửi bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” in ở tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn. Không ngờ bài thơ của tôi được dư luận khen, được Hội Nhà văn và Bộ Lao động - thương binh - xã hội trao giải chính thức về đề tài thương binh liệt sĩ.
Lại nhớ có lần cách đây chừng hơn hai mươi năm, tôi về công tác tại Hải Phòng. Nhà thơ Thanh Tùng đẫn tôi đến nhà một bác công nhân già. Qua lời tâm sự, tôi được biết bác có người con trai tên là Hùng hy sinh ở mặt trận phía Nam. Bác còn lưu giữ bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” của tôi, lưu giữ và học thuộc. Bác bảo bác biết nhân vật Hùng trong bài thơ không phải là con trai bác, bởi bài thơ tôi viết trước khi con trai bác hy sinh chừng ba năm. Tuy thế, bác vẫn lưu giữ bài thơ và mong gặp tác giả. Gặp tôi, bác thoáng mừng nhưng lại buồn ngay. Buồn, vì người con trai của bác đã ra đi vĩnh viễn. Ngoài những lời thăm hỏi chung chung, tôi không có cách gì an ủi được bác.
Gần bốn mươi năm, từ khi bài thơ “Nấm mộ cây trầm” ra đời đến nay đã quá lâu, thời gian tưởng như xoá nhoà mọi chuyện. Nhiều bài thơ tôi viết, có bài quên cả xuất xứ, cảnh ngộ. Riêng bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” vẫn gợi lại cho tôi những kỷ niệm nhức nhối, khó quên với một người đồng đội đã hy sinh trên chiến trường đất bạn.

Bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” còn gợi cho tôi những suy nghĩ mung lung về nghề nghiệp. Cách đây gần bốn mươi năm tôi mới bước vào nghề, ở độ tuổi trẻ trung sôi nổi, tôi làm thơ để bày tỏ buồn vui cảm xúc riêng mình. Còn bây giờ, tay nghề vững hơn, mọi suy nghĩ về lẽ đời thấu đáo hơn, nhưng nếu cằn cỗi, thiếu cảm xúc, nếu đa ngôn tự huyễn hoặc mình, tôi sẽ sa vào ngõ cụt, hố sâu của sự bế tắc...

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Logged
chientruong
Thành viên
*
Bài viết: 47


« Trả lời #199 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2011, 10:16:45 am »


  Nén Hương thơm nhân ngày 27 tháng 7.

 Cứ mỗi năm vào dịp tháng 7, dân tộc ta, nhân dân  ta lại hoài niệm, tưởng  nhớ, tri ân tới các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh đã hiến  dâng máu, thịt, sức khoẻ của mình cho độc lập tự do, cho sự trường tồn của dân tộc.
 
Chúng ta, những CCB đã từng tham gia cuộc  chiến  thảm khốc này, không ai là không nhớ đã 39 năm qua, cũng vào thời gian này của năm 1972 lịch sử, hàng ngàn người con ưu tú của tổ quốc đã ngã xuống  mảnh đất Quảng Trị  anh  hùng . Chưa  có ai, báo chí nào liệt kê được con số chính xác vế sự hi sinh lớn lao đó. Theo như một số nguồn tin thì chỉ riêng mặt trận QT năm 1972 đã có trên một vạn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, không biết trong số liết sĩ này có bao nhiêu Chiến sĩ Sinh viên tuổi đời mới muời tám, đôi mươi vưa rời ghế giảng đường cũng đã hoà thân xác giữa đất trời QT.
  Nhớ về 27 tháng 7, nhớ về đồng đội đã hí sinh,nhớ những tháng ,ngày cùng nhau vượt núi băng rừng, vựot dãy Trương Sơn hùng vĩ vào Nam  chiên đấu, cùng nhau chia sẻ  ngọt,bùi,cùng nhau trên chốt hay mỗi lần ra trận.Sự cô đơn,sự thiếu hụt,mất mát không thể bù đắp được đó là khi  đông đội mình vĩnh viến ra đi ,vĩnh viễn năm lại nơi chiến địa.Viết nhừng dòng này , Âu cùng là nén nhang  thắp  lên, tưởng nhớ tới  đồng đội trên khắp các chiến trường Nam, Bắc, Lào, Campuchia   trong các cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc.
  Nhớ đến ngày Thương binh liệt sĩ này, tôi nhớ lại lần đi khâm niêm tử sĩ năm 1974 tại mặt trận Thượng Đức-Quảng Đà .Cũng vào thời gian này năm 1974, trận chiến Thương Đức diễn ra vô cùng ác liệt,quân ta thương vong ,hi sinh rất nhiều,có nhiều đ/c hi sinh ngay trước của mở,có đ/c  xác vắt   trên hàng rào kẽm gai của địch lúc xung phong  , ác liệt nhất  nhất là khi Địch phản kick , chúng đã  huy động nhiều sư đoàn trong đó có sư đoàn  Dù  ra Quảng Đà  hòng tái chiếm lại Thượng Đức ,Quân ta chốt chủ yếu ở các cao điểm, ta và đich tranh giành nhau từng mét đất, tưng cao điểm, con suối.... Chỉ trong vòng có  bốn  tháng kể từ khi mở chiến dịch, đơn vị tôi đã được bổ xung nhiều lần từ các F chủ lực đén bộ đội địa phương, lính mới của các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Ha Tây .... liên tiếp bổ xung nhưng  như thế vẫn chưa đủ,mặt trận lúc đó  như cối xay thịt, bộ đội ta  thương vong va hi sinh nhiều. Một đêm , có lẽ hôm đó là ngày cuối tháng, chúng tôi đươc lệnh của D đi làm công tác khâm niệm tử sĩ hi sinh hôm trước. Chúng tôi mang theo mỗi ngưòi khẩu AK, một xẻng cá nhân, tăng, võng.... đến C bộ binh đang chốt trên cao điểm ,hai người một cáng chung tôi nhận tử sĩ cho vào cang đi xuông khu vực chân đồi nơi D đã bố trí  để khâm niêm các tử sĩ. Đến nơi, chúng tôi đã thấy đơn vị bạn cũng đang khâm niệm và mai táng . Chúng tôi cũng không rõ tên tử  sĩ mà minh chôn cất   nhưng biết rất rõ d/c đó que ở Hà Tây. Chúng tôi cẩn thận lau chúi sạch sẽ cho tử sĩ, đặt vào chiếc võng, quận lại sau đó bó tăng bên ngoài, trong túi ngực tử sĩ có một chiếc lọ nhỏ có mảnh giáy viết tên tử sĩ mà các đòng đội của anh ở trên chốt đã bỏ vào.Xong xuôi mọi viec, chung tôi đào hố,  sâu  khoảng 80 phân ( gần một M ) đưa tử sĩ  xuống, khấn nôm vài câu, cầu mong ở nơi chín suối anh đươc siêu thoat và không quên khấn Anh phù hộ cho nhưng ngưòi  đang chiến đấu bình an.
   An tang xong, mới đi đươc khoang hai trăm  mét gì đó thì pháo bầy hàng loạt từ biển Đà nẵng băn vào,rồi bom toạ độ rải xuống, chúng tôi vội tim hang ẩn nắp, hôm sau được biết khu vưc đó đã bị trung bom, không biết mộ  Liết sĩ của chúng ta có  còn  không???Sau hoà bình lập lại có cơ quan nào tím ra khu nghĩa trang này không Huh?Tôi được biết, Về nguyên tắc,  bản đồ khu nghĩa trang thường do Chính trị viên phó của C và D quản lí.Nếu như các d/c đó nộp lại cho tỉnh đội thì việc tìm kiếm không có gì là khó. Một  đôi lần làm công việc khâm niệm liệt sĩ, tôi thấy ví sao hàng vạn liệt sĩ của chúng ta khong có mộ chí và vạn, vạn ngưòi là liệt sĩ vô danh.Nhân đây, những ngưòi CCB chúng tôi vô cùng cảm kich và tri ân tới các đơn vị  đựoc Đảng và nhà nước giao nhiệm vụ đi tìm hài cốt của bộ đọi ta trên khắn mặt trận, những ngưòi đã quy tụ các anh về với mái nhà chung, đưa các anh về với những  miền quê nơi các anh đã ra đi > chính  điều đó đã  mang lại niềm tin, hạnh phúc cho triệu triệu gia đình , cho những  ngưòi mẹ, người vợ, anh, chị,  em   ngày đêm mong đợi  tin tức của người thân.
 Lại một nén nhang thơm nhớ về đồng đội nơi suối vàng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM