Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:03:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Giao/Đại Lý & sự hình thành nước Việt Nam!  (Đọc 49701 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bí Bếp
Thành viên
*
Bài viết: 157


Chết vì "xứ mưa"


« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2008, 03:28:37 am »

Vậy lực lượng giao chiến với quân Đại Việt năm Nhâm Tý (1012) ở châu Vị Long và trận đánh tháng giêng năm Giáp Dần (1014) ở châu Bình Lâm do Đoàn Kính Chí và Dương Trường Huệ cầm đầu. Theo bác Bí, lực lượng này là ở Vân Nam sang hay từ Bắc Lào ngày nay sang ?

Về hai trận giao chiến cùng Đại Việt và năm 1012 & 1014, dĩ nhiên quân Đại Lý đa số là lính của Đại Lý từ mạn Vân Nam xuống vì lúc đó quân Vạn Tượng (Lan Xang) chưa có thành lập (Bí Bếp có nhắc đến việc nước Lào & Thái chưa thành hình trong giai đoạn nầy, mãi đến sau thế kỹ thứ 13 (sau năm 1252) có nhóm quân của Đại Lý mới chạy xuống mạn nam để thành lập các nước như Sukho Thái, Vạn Tượng, v.v. trước khi họ sát nhập được một phần lớn lãnh thổ của vương quốc Khmer để thống nhất thành nước Thái Lan (Ayutthaya) từ cuối thế kỹ thứ 14 cho đến giờ.

Điều cũng đáng chú ý là người Thái cũng "nam tiến" cùng lúc với triều đại nhà Trần mở cuộc nam tiến lấy đánh Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp và giữa hai gọng kèm của người Thái & Việt mà cũng tác động cho sự suy đồi của một vương quốc Khmer giàu có & rộng lớn bắt đầu từ thế kỹ thứ 13 trở về sau.
Logged

Thiên đàng nầy mơ ước bao lâu...
huyphuc1981_nb
Thành viên
*
Bài viết: 788



« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2009, 10:44:09 pm »

Sách Lĩnh Nam CHính Quái viết có nhiều điều lượm lặt từ hoang đường. Ví như chuyện Nam Chiếu.
Thật ra, Nam CHiếu là vùng các dân tộc Đông Nam Tây Tạng. Đây là vùng mà người Tây Tạng lai với người Việt cổ vốn gốc Nam Đảo tạo ra rất nhiều giống người, ví dụ ngày nay như Thái, Mèo. Đây cũng là vùng đất khá đặc biệt, nơi hai con sông lớn là Trường Giang và Mê Công tiến sát lại với nhau. Ở đây, địa hình rất hiểm trở các biệt nhau, nên tồn tại nhiều tốc người độc lập, bản thân sự cai trị của người Hán cũng dựa vào các thủ lĩnh địa phương tự cai trị. Sự độc lập tương đối này thời Ngũ Đại được phát triển thành Quốc gia.
Vì đặc điểm giao lưu, lai tạo cả về địa lý và chủng tộc như thế, nên các tộc ở đây vừa có ảnh hưởng lớn của dân Tây Tạng trồng lúa mỳ lúa mạch và dân Nam Đảo Việt trồng lúa nước. Có thể coi dây là gút thắt cả các đường giao lưu văn hóa, giao lưu giống nòi. Văn hóa vùng này cực kỳ đa dạng, ngày nay cũng là vùng cố số lượng tộc người, ngôn ngữ đông hàng đầu thế giới.

Từ thời CHiến Quốc, văn hóa-chính trị ở đây đã phát triển, thành lập nhiều quốc gia khác nhau. NHưng hệ văn hóa với chữ viết gốc Ấn Độ bị các đời cai trị TQ triệt diệt nên lịch sử không còn bao nhiêu. Khoảng 500 năm trước CN, Tần diệt Thục, chiếm Thành Đô, bắt đầu xâm lược vùng văn hóa này. Nhưng phải đến thời Hán thì quân TQ mới có ảnh hưởng lớn ở vùng đất ngày sau này là Nam CHiếu. Nam CHiếu có trung tâm là vùng hồ Nhị Hải ngày nay, một vùng đất bằng phẳng thuận lợi cho nông nghiệp.
Đến thời Đường, nhà đường biên đất này thành 6 dơn vị, gọi là Chiếu, thuộc đạo Kiếm Nam, cử tiết độ sứ cái trị, nhưng không thật sự thống trị. Cũng vì đặc tính địa lý phức tạp ở đây, nên 6 chiếu không hoàn toàn là 6 vùng, mà đúng hơn là 6 tộc. 6 tộc người này bao gồm các giống dân Mông gốc Tạng và Việt gốc Nam Đảo. Vì ngôn ngữ chữ viết thất truyền nên nay chỉ còn lại phiên âm tiếng Hán ngày đó tên 6 tộc Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng, Mông Xá. Mông Xá ở phía Nam, được gọi là Nam CHiếu. Bì La Cáp của Nam CHiếu xin thống nhất hành chính thành Quy Nghĩa, sau đó độc lập, sử Tầu viết các quốc hiệu là Mông, Lễ... Sự kiện này đầu thế kỷ thứ 8. Nhiều tộc người khác nhau thay nhau cầm quyền ở đây. Ngôn ngữ và văn hóa vùng trung tâm truyền đến ngay nay là La Hủ và các dân tộc anh em gần. Sử Tầu ghi Nam CHiếu lập Quốc Đô ở gần thành Đại Lý ngày nay năm 732, sau khi tách ra khỏi nhà Đường và chiến tranh với Thổ Phồn.
Vào thế kỷ 9, Nam CHiếu đã chiếm cả Thành Đô, nhiều lần đánh chiếm Giao Châu (xem ĐVSKTT và VNLS của Trần Trọng Kim). Một lần thiên đô về điểm mà nay là Côn Minh.

TRái với những hoang đường, họ Đoàn cũng như các tên gọi khác là gi lại tên người dân ở đây theo tiếng Hán. Họ Đoàn là một dòng quý tộc của Nam CHiếu, sau khi nước này loạn lạc, triều đình Nam chiếu đổ năm 902. Họ Đoàn giành được chính quyền năm 93x gì đó không nhớ, đổi quốc hiệu là Đại Lý.

Quân Nam CHiếu/Đại Lý cũng nhiều lần viễn chinh cho tới tận bờ biển Đông, vùng ảnh hưởng hay có thể coi là những bộ phận lãnh thổ có mức độ phụ thuộc khác nhau của Liên bang này kéo dài đến Quảng Đông. Thời kỳ Nam CHiếu/Đại Lý là thời các dân tộc vùng này phát triển mạnh mẽ, cho đến khi bị quân Mông Cổ tàn phá. Nam Chiếu theo nhiều thứ đạo, nhưng phổ biến nhất là đạo Hồi. Đạo Hồi được coi là đạo chủ yếu ở vùng trung tâm. Đạo Phật Mật Tông cũng phát triển mạnh. Người Bạch, Di được giới khoa học TQ cho là con cháu dân Đại Lý còn đến ngày nay, tuy nhiên, điều đó chỉ tương đối. Như vậy, thừa kế truyền thống đa sắc tôc từ thời Hán, các dân tộc ở đây hợp nhau thành một Liên Bang Đại Lý, chứ không phải là một tộc người cụ thể ngày nay. Vùng ảnh hưởng kéo dài từ Vân Nam (Bắc Lạng SƠn-Cao Bằng), cho đến Hà Tĩnh. 

Sau này, các tộc người liên quan đến nước này thành lập nhiều quốc gia phát triển khác nhau. Các quốc gia này rất phát triển cho đến đầu Thế Kỷ 15 và lại bị tàn phá bời quân Minh. Thật ra thì thời Nguyên, phía nam TQ luôn luôn loạn lạc. Các tộc người ở đây tồn tại tương đối độc lập. Theo vùng ảnh hưởng cũ, các tộc người này thành lập các vùng có mức độc lập, to nhỏ khác nhau dọc theo các con sông TRường Giang, Mê Công, Hồng Hà và Đà Giang, Châu Giang ( chảy về Quảng Đông). Họ Đoàn tuy không còn là một vị vua Liên Bang, nhưng vẫn tồn tại trên vùng lãnh thổ gốc của Đại Lý. Các tộc người-lãnh thổ tương đối độc lập lớn có thể kể đến là : Miêu, Choang, Thái. Nhà Nguyên thành lập tỉnh Vân Nam như một bàn đạp để quyết chí tiêu diệt Đại Việt, nhưng sự độc lập tương đối vẫn tồn tại mạnh mẽ. NHà Nguyên giao lại Đại Lý cho họ Đoàn nối nhau chức "Đại Lý Tổng Quản".

Sự loạn lạc của Niềm Nam TQ dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa khác nhau lập nên nhà Minh. Trong thời CHu Nguyên CHương, quân Minh đánh bắt họ Đoàn và tái thành lập Vân Nam, 1387. Tuy nhiên, các tộc người  vẫn tồn tại tương đối độc lập.
Sau khi đốt phá Nam Kinh, quân Minh của Minh Thành Tổ Cuối 14 đầu 15 xâm lược Đại Việt và các nước nhỏ khác. Cuộc chiến tranh này cực kỳ dã man, tàn phá tận gốc rễ xã hội và tiêu diệt tỷ lệ lớn người dân các tộc này. Tuy nhiên, sau đó, quân Minh rút khỏi chiến tranh với Đại Việt và sự hùng mạnh của nhà Minh chấm dứt ngắn ngủi sau thời Tuyên Đức. Từ đây, nhà Minh lại bị nhà Nguyên lấn át ở phía Bắc.

Từ khi nhà Minh suy yếu, các vùng khác nhau hậu duệ của Đại Lý như Miêu, CHoang, Thái và các vùng nhỏ hơn lại tương đối độc lập. Đến thời Mạc, ta có 6 châu lệ thuộc ở phương Bắc, phần đông trong đó là hậu duệ Đại Lý và một vài châu ở Quảng Đông. NHà Mạc hèn yếu đã tự trói dâng đất cho nhà Thanh. Dân Thái còn tổ chức được một quốc gia độc lập tồn tại lâu hơn  nữa. Chỉ còn một châu trong 6 châu đó được sát nhập vào nước ta, đó là vùng Tây Bắc ngày nay với thủ phủ là Điện Biên.
NGoài ra, giữa thời Minh THái Tổ CHu Nguyên CHương và Minh Thành Tổ Chu Lệ, nhiều tộc người không chịu phục tùng đã nâng mức độ tách biệt với vùng trung tâm, trong đó có Ai Lao, nước này giúp đỡ Lê Lợi to lớn trong chiến tranh. Từ trước thời đó, một số tộc người khác di cư và sát nhập bằng các mức độ khác nhau vào Trung Quốc, MIến ĐIện. Một số tộc thực hiện cuộc viến chinh di cư thống trị các vùng đất ở xa hơn, tạo ra Thái Lan, đến cả  Campuchia, những mảnh còn lại của đế quốc Bồn Man cổ đại. Các tộc người này chủ yếu theo đạo Phật.

Một nhân vật nổi danh Thế Giới của Đại Lý là nhà hàng hải Trịnh Hòa. Ông là một trong những chiến lợi phẩm của chiến tranh, bị thiến, theo đạo Hồi, phục vụ trong nhà Minh. Ông đã chỉ huy hạm đội lớn nhất thế giới và thực hiện những chuyến hải hành vĩ đại nhất thời đó. Cha ông đã từng đến La-Mêch-cơ, chứng tỏ sự giao lưu văn hóa-ngoại giao to lớn của nước này.
 
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Hai, 2009, 11:40:50 pm gửi bởi huyphuc1981_nb » Logged

Ờ, ừ, thì ký.
caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 10:56:21 pm »

Sách Tân Đính Lĩnh Nam chích quái thì viết hơi khác một chút, theo đó người Nam Chiếu là con cháu Triệu Đà, các thủ lĩnh sau này ở các khu vực nay thuộc vùng Thanh-Nghệ, Trung Lào lãnh đạo tàn dư, phần đông đều mang họ Triệu.

Có sách nói dân Choang chính là hậu duệ "xịn" của Nam Chiếu xưa, và xa hơn nữa là một nhánh của Bách Việt (tộc Âu Việt)
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2009, 11:27:26 am »

Nam Chiếu, hay Nàn Cháo, hoặc Điền Việt, (南詔/南诏, Nánzhāo) là vương quốc của người Bạch (Bai) và người Lô Lô đã phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á trong các thế kỷ 8 và thế kỷ 9. Nó nằm trong khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay của Trung Quốc.Thủ đô của vương quốc này được thành lập năm 738 ở Thái Hòa
Nguyên thủy, ở đây có một vài bộ lạc của người Bạch sinh sống bằng nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhĩ Hải. Người Bạch thuộc nhóm dân của người Thái mà ở Việt Nam cũng còn một số sắc tộc Thái sinh sống (Thái trắng, Thái Đen, Thái Đỏ... tên gọi khởi nguồn từ màu nhuộm chính của trang phục họ mặc). Cùng với Bạch còn có người Di, người Thổ, người Hmong (Mèo), người Nùng mà người Hán trước đó gọi là những nhóm Tây Di, Nam Man, và Bách Việt.

1. Sự hình thành Vương quốc Nam Chiếu:

“Người Nguyên Mưu” 元谋人, hóa thạch của người đứng thẳng (Homo erectus) được những người xây dựng đường sắt khai quật trong thập niên 1960, đã được xác định là hóa thạch người cổ nhất đã biết đến ở Trung Quốc. Vào thời kỳ đồ đá mới, ở đây đã có sự định cư của con người trong khu vực hồ Điền Trì (滇池). Những người nguyên thủy này sử dụng các công cụ bằng đá và đã xây dựng được các công trình đơn giản bằng gỗ.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc (thế kỷ 3 tCn) có một vị tướng nước Sở tên Sung Kiều (Trang Giao hay Trang Kiệu 庄跤/庄峤), mang quân từ thượng nguồn sông Dương Tử đến khu vực này mà  lập nước có tên là Điền Việt 滇國 và tự xưng là “vua nước Điền” 滇國王. Ông và những người kế nghiệp ông đã mang tới Vân Nam ảnh hưởng của người Hán, sự khởi đầu của một lịch sử lâu đời các cuộc di cư và sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa.

Đến thời Tam Quốc Khổng Minh Gia Cát 诸葛亮 giúp Lưu Bị dựng nước Thục (Hán) cầm quân đánh vào Nam Trung  南中(Vân Nam) để chinh phục quân của Mạnh Hoạch và các sắc tộc mạn Nam Trung cũng chính là các dân tộc tiền thân của nước Nam Giao...; Chính nhờ hậu cứ Nam Trung cung ứng quân lương mà Gia Cát Lượng đã gầy dựng lực lượng để thực hiện việc tiến đánh Bắc Ngụy hầu tái lập nhà Hán. Song “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” nên  mặc dù quân Tây Thục dưới sự lãnh đạo của Lưu Bị dẫu có đắt nhân tâm nhưng cũng không qua được chướng ngại thiên thời của Bắc Ngụy hoặc địa lợi của Đông Ngô để rồi họ Tư Mã cuối cùng soán ngôi nhà Ngụy, dẹp Đông Ngô và Tây Thục, thống nhất được Trung Hoa để  dựng lên nhà Tấn sau đó.

Năm 221 tCn, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và mở rộng quyền lực xuống phía nam. Các châu và huyện đã được thiết lập tại đông bắc Vân Nam. Đường giao thông đang có tại Tứ Xuyên đã được mở rộng về phía nam tới gần Khúc Tĩnh 曲靖 ngày nay, ở miền đông Vân Nam - được gọi là “Ngũ xích đạo” (đường 5 thước). Năm 109 tCn, Hán Vũ Đế phái tướng Quách Xương 郭昌 đến Vân Nam để thiết lập quận Ích Châu với 24 huyện trực thuộc. Nơi đặt trụ sở của quận này là huyện Điền Trì (ngày nay là Tấn Ninh 晋宁). Một huyện khác được gọi là “Vân Nam”, có lẽ là lần sử dụng đầu tiên của tên gọi này. Để mở rộng quan hệ thương mại mới hình thành với Miến Điện và Ấn Độ, Hán Vũ Đế còn giao cho Đường Mông 唐蒙 nhiệm vụ bảo trì và mở rộng Ngũ xích đạo, đổi tên nó thành “Tây nam Di đạo” 西南夷道.

Vào thời gian đó, kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp ở Vân Nam đã được cải thiện rõ rệt. Người dân địa phương sử dụng các công cụ và cày bừa bằng đồng thau cũng như chăn thả nhiều loại gia súc, như trâu, bò, ngựa, cừu, dê, lợn và chó. Các nhà nhân loại học đã xác định là những người này có quan hệ họ hàng gần với những người mà ngày nay gọi là người Thái. Họ sinh sống theo bộ tộc, đôi khi được những người Hán bị lưu đày đứng đầu.

Riêng vùng đất Nam Trung là địa bàn của người Bạch, người Di là hai sắc tộc chính của khu vực Nam Giao quanh hồ Nhĩ Hãi thuộc tỉnh Vân Nam hiện nay vẫn thuộc dạng tự trị, người Nam Giao ít bị sự điều khiển trực tiếp của người Hán. Theo Hán Sử thì người Nam Giao, mỗi một bộ lạc là một 'vương quốc' riêng biệt, được gọi là chiếu. Đã từng có 6 chiếu là Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng, Mông Xá. Chiếu Mông Xá 蒙舍詔 ở về phía nam nên được gọi là Nam Chiếu 南詔 hay Nam Giao.

Nhưng sau nhà Hán, nội loạn ở Trung Hoa kéo dài cả 200 trăm năm cho đến khi Đường Thái Tổ thống nhất lại Trung Hoa để lập nên nhà Đường vào năm 618.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2009, 01:10:36 pm gửi bởi menthuong » Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2009, 11:28:22 am »

2. Vương quốc Nam Chiếu hay Nam Giao:

Ở vùng Nam Trung vào năm 649 có một lãnh tụ tên là Tế Nô La của bộ tộc Mông Xá kết hợp được cả 6 bộ tộc mà thành lập nước Nam Giao.  Tế Nô La xin triều cống và gửi con trai đến Trường An (thủ đô của nhà Đường) để làm con tin mà xin được phong vương, tuy nhiên Đường Cao Tông chỉ phong Tế Nô La chức Thái Thú của vùng đất Quế Châu (Vân Nam bây giờ).  Sau đó con cháu của Tế Nô La vẫn tiếp tục giúp nhà Đường dẹp được loạn lạc ở Vân Nam từ năm 713-719, và nhà Đường hầu như giao hẵn vùng đất nầy cho người Nam Giao tự trị.

Đến năm 732, Bì La Cáp 皮罗阁 xin chiếu chỉ Đường Huyền Tông để chính thức thống nhất các bộ tộc trong vùng mà chính thức lập thành nước Nam Giao. Trong thời gian đó, nước Thu Bồn (Tây Tạng) đã trở nên cường thịnh và gây khó khăn cho ảnh hưởng của nhà Đường nên Đường Huyền Tông đồng ý phong vương cho Bì La Cáp nhằm dùng nước Nam Giao làm bình phong để ngăn chận sự bành trước của nước Thu Bồn ở mạn Tây Bắc của Trung Hoa.  Bì La Cáp được nhà Đường công nhận là 雲南王 “Vân Nam vương”.

Năm 737 đời vua Huyền Tông nhà Đường ở Trung Quốc, với sự hỗ trợ của quân đội nhà Đường, Bì La Cáp  là vua của Mông Xá đã lần lượt thống nhất 6 chiếu, thành lập ra một vương quốc mới, gọi là Nam Chiếu. Khi hùng mạnh xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông rồi lại đổi là Đại Lễ.Trong khoảng vài chục năm hòa bình đầu tiên ở thế kỷ 8, Nam Chiếu thường xuyên cống nộp thông qua người đứng đầu quân sự trong khu vực quân sự này, Kiến Nam tiết độ sứ (劍南節度使 Jiànnán Jiédǔshǐ), tới triều đình của người Hán.

Trên thực tế thì mãi đến năm 738 Bì La Cáp mới chính thức thống nhất được tất cả các bộ tộc của người Bạch và người Di ở trong vùng để xưng Vương.  Như thế thì người Nam Giao đã thật sự độc lập cả 200 năm trước khi Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng mà giành độc Lập cho nước ta sau năm 939.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2009, 01:16:22 pm gửi bởi menthuong » Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2009, 11:28:51 am »

Sau 10 năm lập nước Nam Giao, Bì Lô Cáp mất vào năm 748; con của Bì Lô Cáp là Cáp Lỗ Phong kế vì và nuôi mộng bành trướng. Mối quan hệ của Nam Giao và triều Đường ở Trường An bị suy thoái cũng do sự gian tham của thái thú Trương Đà người có trách nhiệm giữ quan hệ với Nam Giao. Trương Đà liên kết cùng các thái thú trong vùng mà làm nhục quan thần của nước Nam Giao một khi họ phải đi triều cống; một số tài liệu có ghi rằng chính Trương Đà lắm lúc còn hãm hiếp cả vợ của các sứ thần Nam Giao, một đàng Trương Đà gửi báo cáo láo về Trường An rằng vua nước Nam Giao là Cáp Lỗ Phong có ý tạo phản Đường triều.

Cáp Lỗ Phong nắm được tà ý của Trương Đà, năm 750 ông gửi thư giải bày cùng Đường Huyền Tông ở Trường An; nhưng bấy giờ Đường Huyền Tông đang đắm say tửu sắc cùng Dương Quí Phi bỏ mặc việc triều chính cho quan Tể Tướng là Dương Quốc Trung coi ngó.  Dương Quốc Trung lúc đó đang dùng quyền thế lo vơ vét làm giàu nào xá gì chuyện cỏn con của đám Tây Di nên chiếu thư của Cáp Lỗ Phong không được Trường An giải quyết.  Sau đó Cáp Lỗ Phong cất quân tấn công trả thù và giết được Trương Đà và tiến chiếm cả phía nam của vùng đất Tứ Xuyên.  Dương Quốc Trung sau đó mới tìm cách chạy tội bằng báo cáo dối cùng Đường Huyền Tông rằng vua nước Nam Giao đã liên kết cùng nước Thu Bồn mà tạo phản mà đề nghị Đường triều nên dấy binh chinh phạt Nam Giao.  Đường Huyền Tông cử 60.000 tinh binh chinh phạt Nam Giao.  Cáp Lỗ Phong gửi sứ giả xin cầu hòa nhưng tiết chế của quân Đường (Xianyu...) bắt giam sứ giả và tiếp tục cất quân tiến đánh Nam Giao.  Cáp Lỗ Phong xin hòa không được ông mới lập bàn tế trời mà thề rằng “Nếu Trung Nguyên chấp nhận tôi, tôi vẫn sẽ luôn nhận triều đình là Chúa của tôi nhưng triều đình Trung Nguyên không nhìn tôi, từ nay Trung Nguyên sẽ thành kẻ thù của tôi.”  Sau đó Cáp Lỗ Phong gửi sứ giả đi liên kết cùng nước Thổ Phồn để cầu viện binh, cùng lúc ông cắt con trưởng dắt kỵ binh đánh phục kích chặn kỵ binh của Đường triều; riêng ông cũng thân chinh mà điều quân tổ chức phản công quân Đường.  Do sự kết hợp giữa quân Nam Giao và Thổ Phồn, quân Đường bị đại bại; Sau đó, năm 751 Tiết chế của nhà Đường là Lý Mỹ lại tập hợp một đạo quân lớn hơn bao gồm 100.000 tinh binh + 100.000 quân tiếp vận mà tấn công Nam Giao bằng đường bộ lẫn đường thuỷ (qua hồ Nhĩ Hãi).  Đạo quân của tiết chế Lý Mỹ bại đại bại ở Hạ Quan (Xiaquan); qua hai trận đánh, quân Nam Giao tiêu diệt cả 260.000 lính của quân Đường; xác chết chất thành núi mà đến ngày nay di tích Mồ Tướng ở Hạ Quan và Mã Vạn Binh (trong công viên Thiên Bảo) vẫn là chứng tích cho sự thảm bại của quân Đường ở Nam Giao.
 
Sau khi nhà Đường bị suy yếu do 8 năm loạn dấy nên bởi An Lộc Sơn (sử chép cả 2/3 tổng số dân Trung Hoa bị chết trong thời gian nầy), Cáp Lỗ Phong đã bành trướng lãnh thổ nắm giữ cả vùng Vân Nam, một khoảng của Tứ Xuyên, phía tây của Quí Châu, bắc của Miến Điện, Thái Lan, Lào, và ngay cả miền bắc của Việt Nam thời  nay. Năm 829, Thành Đô (Chengdu) đã bị quân Nam Chiếu chiếm đóng; nó đã là một phần thưởng lớn, vì nó làm cho Nam Chiếu có khả năng đánh chiếm toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên với những cánh đồng màu mỡ. Khi đó quốc hiệu được đổi là Đại Mông 大蒙 rồi Đại Lễ 大禮.Lúc sung mãn nhất vương quốc Nam Giao bắc giáp ranh với nước Thu Bồn, nam chiếm cả Miến Điện và Giao Châu vào thế kỹ thứ 9 (năm 858), phía đông họ chiếm cả Ung Châu và Thành Đô của nhà Đường.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2009, 01:01:41 pm gửi bởi menthuong » Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2009, 11:29:18 am »

 Dưới thời Mông Thế Long 蒙世隆, Nam Chiếu cũng đã từng xâm chiếm An Nam từ những năm 858 tới năm 866 bằng việc xâm lấn biên giới (858, 860, 861, 862, 863) và đã 2 lần chiếm được phủ thành (863) cho thuộc hạ vua Nam Chiếu  là Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ phủ Giao Châu. Năm Giáp Thân, 864 vua Đường Hàm Thông cho Cao Biền 高駢 (864-875) làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ. Với những quyết tâm và mưu lược của mình, Cao Biền đã dẹp tan được hoạ Nam Chiếu với An Nam (866), góp phần làm suy yếu Nam Chiếu.

Năm 873, người Nam Chiếu bị đuổi khỏi Tứ Xuyên, và bị đẩy lùi về Vân Nam. Việc chiếm đóng Thành Đô là mốc đỉnh cao của nhà Nam Chiếu, từ đó trở đi vương quốc Nam Chiếu bắt đầu suy yếu.

Năm 902, quyền thần của Nam Chiếu là Trịnh Mãi chiếm đoạt quyền hành, đổi tên nước thành Đại Trường Hòa. Năm 929, Triệu Thiện Chính diệt Đại Trường Hòa, lập ra nước Đại Thiên Hưng. Năm 930, tiết độ sứ Đông Xuyên là Dương Càn Hưng diệt Đại Thiên Hưng, đổi tên nước thành Đại Nghĩa Ninh. Đến 937 Đoàn Tư Bình 段思平 (thủ lĩnh bộ tộc người Bạch) nắm quyền, lập ra Vương quốc Đại Lý 大李.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2009, 01:02:01 pm gửi bởi menthuong » Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #17 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2009, 11:31:12 am »

3. Vương quốc Đại Lý :

Đại Lý (大理, Dàlǐ) là một vương quốc của người Bạch đã từng tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, nằm trong khu vực của tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay.

Vương quốc này do Đoàn Tư Bình 段思平 diệt Đại Nghĩa Ninh và thành lập nên vào năm 937, kéo dài được 316 năm, truyền được 22 đời vua. Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông (Acarya), từ vua tới dân đều sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư: có 10 vị vua bỏ đi tu như Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Cảnh Hưng, v.v.  (nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hoàng như các vua Trần Đại Việt).

Sang thế kỷ XII, ở mạn bắc quân Mông dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất được các bộ tộc, làm mưa làm gió trên các chiến trường từ Âu sang Á.  Quân Mông bị quân Đại Lý cầm chân ở khu vực hồ Nhĩ Hãi khá lâu mà vẫn không phá vỡ được sự phòng thủ của quân Đại Lý.  Theo sử liệu, thì quân Mông được có sự chỉ dẫn của một người Đại Lý phản bội, giúp kỵ binh của họ vượt qua đèo ở dãy núi Thương Sơn hiểm trở bằng đường bí mật mà đánh tập hậu phá được quân Đại Lý vào năm 1274.  Sự kiện nầy đã dẫn đến sự kết thúc của nước Nam Giao - Đại Lý được thiết lập sau 5 thế kỹ (738-1274). Sau khi nước Đại Lý bị quân Mông chiếm để lập nên nhà Nguyên, Đại Lý thành tỉnh Vân Nam và từ đó trở thành một bộ phận của Trung Quốc.
 
Suốt thời gian nước Đại Lý bị quân Mông chiếm đóng, các hoàng thân quốc thích của dòng dõi họ Đoàn vẫn tiếp tục kháng chiến; một số đã kết hợp cùng người Hoa mà dẹp được nhà Nguyên để thành lập nhà Minh. 

Năm 1381, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phái các tướng là Phó Hữu Đức và Mộc Anh đem quân chiếm Vân Nam, diệt Lương vương của triều Nguyên và cho xây một bức tường bao quanh thành phố Côn Minh ngày nay. Sau đó  Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1368-1398) đã nuốt lời mà bắt lãnh tụ người Đại Lý là Đoàn Thế phải đổi tên nước thành phủ Vân Nam và nước nầy đã trở thành một tỉnh của Trung Hoa kể từ năm 1398. Tuy nhiên, sự chống đối của họ Đoàn với nhà Minh chỉ thực sự chấm dứt vào cuối thế kỷ 14, nhà Minh đổi nước của Đoàn Thế làm phủ Đại Lý, đặt vệ quân và chỉ huy sứ ti, cho thuộc vào tỉnh Vân Nam (雲南/云南; pinyin: Yunnan). Cuối thời nhà Minh, hoàng đế Nam Minh (Quế vương) là Chu Do Lang (niên hiệu Vĩnh Lịch, 1646-1662) đã chạy tới Vân Nam. Năm 1659, nhà Thanh sai Bình Tây vương Ngô Tam Quế tấn công Vân Nam và vào năm 1662, tấn công tiếp sang Miến Điện, bắt được Vĩnh Lịch, buộc treo cổ chết.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2009, 01:23:42 pm gửi bởi menthuong » Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #18 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2009, 01:27:14 pm »

4. Hậu Đại Lý:

Một trong những cư dân Đại Lý là người Thái, trải rộng từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, Lào và thượng du bắc Việt Nam. Người Thái gồm nhiều sắc dân như Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, Thổ, Nùng.

Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái còn trốn tránh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía nam và tây nam. Họ là thủy tổ của người Thái Lan ngày nay. Đồng thời, một số quân Đại Lý cũng đã chạy xuống mạn nam, một số hoàng thân Đại Lý từ từ thiết lập hậu cứ thành nước Lana Thái, Miến Điện, và Lào. Cũng do sự bành trướng của những nước mới thành lập nầy mà vương quốc Khmer đã bị suy vong kể từ đó.

Giai đoạn từ 1856 tới 1873, người Hổi vùng Vân Nam nổi dậy dưới sự chỉ huy của Đỗ Văn Tú 杜文秀 lập Đại Lý quốc. Sau khi thất bại thì số lượng người Hồi đã giảm mạnh. Trong thời kỳ này người Anh chiếm đóng Miến Điện còn người Pháp chiếm đóng Việt Nam nên cả hai đều có ảnh hưởng tới Vân Nam. Năm 1910, người Pháp cho xây dựng đường sắt Điền Việt  滇越鐵路 nối Côn Minh 昆明 với Hải Phòng của Việt Nam (qua Lào Cai bằng cầu Hồ Kiều), đoạn trong Vân Nam gọi là Côn Hà thiết lộ 昆河鐵路 (đường sắt Côn Hà). Chính sự kiện này dẫn đến việc hiện nay tại Côn Minh có nhiều người Việt sinh sống.

Ngày 30 tháng 10 năm 1911, nhân dịp tết Trùng dương, Thái Ngạc và Đường Kế Nghiêu nổi dậy thoát ly khỏi nhà Thanh. Ngày 25 tháng 12 năm 1915, hai ông này phát động phong trào phản đối Viên Thế Khải.
Trong thời kỳ Trung Hoa dân quốc 中華民國, tại Vân Nam hình thành một cục diện cát cứ, từ 1928 tới 1945 do Đường Kế Nghiêu và Long Vân thống lĩnh.

Năm 1942, trên 10 vạn quân Trung Quốc tấn công sang Miến Điện, phối hợp cùng quân Anh chống lại quân đội Nhật Bản. Giai đoạn từ 1938 tới 1946, các trường đại học như đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa, đại học Nam Khai đã hợp nhất tại Côn Minh để lập ra Đại học Quốc gia Liên hợp Tây Nam.

Từ sau 1949 Vân Nam trở thành một tỉnh của nước CHNDTH (中華共和人民國).

Các vùng đất và dân cư của Vương quốc Nam Chiếu, Đại Lý xưa nay đã nội thuộc Lào, Trung Quốc, Việt Nam là sự thật hiển nhiên không ai đòi phục hồi gì cả.
Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2009, 09:58:37 pm »

Sự manh nha của nhà nước tự chủ:

Thời kỳ Bắc thuộc 北屬時代 là giai đoạn hơn một nghìn năm từ khi Triệu Đà 趙佗 thôn tính Âu Lạc 甌貉 của An Dương Vương 安陽王(207 tCn) lập ra Nam Việt 南越 cho đến khi Ngô Quyền 吳權 giành lại độc lập từ nhà Nam Hán 南漢 (938). Nhưng sử cũ coi nhà Triệu là một triều đình của Việt Nam nên chỉ tính thời kỳ Bắc thuộc từ khi Hai Bà Trưng thất thủ (43) nên mới có câu:

Nước ta từ thủa thuộc người,
Khởi từ Đông Hán đến thời Ngô vương.

Trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, đây là một trong những thời kỳ vận mạng dân tộc trải qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo, người Việt phải đóng sưu thuế cho triều đình phía bắc. Ngoài số thuế của nhà nước, một số quan cai trị địa phương vì ở xa nên cũng bòn vét thêm của dân. Đúng là:

Dân ta chịu những chiến trường,
Cấy cày chẳng được, muôn đường khó khăn.

Ngoài ách đô hộ của Bắc triều, dân ta còn nhiều phen bị các nước lân bang quấy nhiễu. Đó là Lâm Ấp. Chân Lạp và đặc biệt là Nam Chiếu. Nước Nam Chiếu (vùng Vân Nam, TQ nay) suốt 20 năm quấy phá có lần tiến tới tận thành Giao Bình (862, 863) giết hại vô số dân Việt.
Trong thời kỳ Bắc thuộc dân Việt vẫn ngoan cường tinh thần độc lập, lợi dụng tình hình loạn lạc bên Tầu mà ta cũng có vài thời gian độc lập ngắn ngủi như thời kỳ Hai Bà Trưng (40-43), thời kỳ Lý Bí với nước Vạn Xuân (541-602). Đó là những anh hùng tạo nên thời thế, bởi:

Nước lã mà vã nên hồ,
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.

 Trong các anh hùng làm nên lịch sử thời đó đáng chú ý là các nhân vật sau:

- Hai Bà Trưng  (mất ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão 43) là tên gọi chung của Trưng Trắc 徵側 và Trưng Nhị 徵貳, hai chị em (nhiều tài liệu nói là sinh đôi) là con gái của Lạc tướng Mê Linh (đất Mê Linh nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc và ngoại thành Hà Nội). Bấy giờ, nhân lòng căm phẫn của nhân dân ta đối với chính sách thống trị tàn bạo của nhà Ðông Hán, lại cũng nhân vì Thi Sách (chồng bà và là con trai của Lạc tướng Chu Diên, vùng giáp giới giữa Hà Tây với Hà Nam) bị Thái Thú Tô Ðịnh giết hại, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị và nhiều bậc hào kết khác, phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa có quy mô rất lớn chống lại quân Hán  (漢朝,Han cháo, 206 tCn. - 220 sCn). Khởi nghĩa bùng nổ vào cuối năm 39 đầu năm 40 và nhanh chóng được nhân dân cả nước nhất tề hưởng ứng. Tô Ðịnh phải hốt hoảng bỏ chạy về nước. Hai Bà Trưng lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là nữ vương.

“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.

Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán (東漢 25–220) dưới sự chỉ huy của Mã Viện (馬援,một lão tướng khét tiếng tàn bạo và dày dạn kinh nghiệm trận mạc) đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử. Hàng năm dân gian lấy ngày 6.2 Âm lịch làm ngày kỷ niệm hai Bà Trưng . Đại Việt Sử ký Toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử Việt Nam. Từ sự kiện này mà dân ta có câu: “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”. Phong sử có câu:

Thương chồng nên phải gắng công,
Nào ai xương sắt, da đồng chi đây.

Sau khi đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, Mã Viện đem đất Giao Chỉ về lệ thuộc lại nhà Đông Hán như cũ đóng phủ trị trại Long Biên. Để đàn áp tinh thần quật khởi của dân Việt, Mã Viện cho dựng một cột đồng ở chỗ phân địa giới. Trên cột đồng có khắc sáu chữ: 銅柱折交趾滅 “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, có nghĩa là nếu cây trụ đồng này đổ thì dân Giao Chỉ bị diệt vong. Có thuyết cho rằng, do dân Việt cứ mỗi lần đi ngang qua, đều bỏ vào chân cột một hòn đá, vì thế trụ đồng bị lấp dần đi. Về sau không còn biết vị trí của chiếc trụ đồng nữa là vì vậy

- Bà Triệu còn gọi là Triệu Trinh Nương  趙貞娘 tên thật là Triệu Thị Trinh 趙氏貞 hay Lệ Hải Bà Vương, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam, Bà Triệu còn được gọi là Triệu Ẩu 趙嫗 theo cách gọi của người Trung Hoa, là người Quân Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và là em của Triệu Quốc Đạt. Năm 246, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa và sau khi Triệu Quốc Đạt chết (248), bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận (cháu của Lục Tốn), thứ sử Giao Châu chỉ huy. Câu thành ngữ “Lệnh Ông không bằng cồng Bà” xuất hiện từ việc tiếng Lệnh của quan huyện Đạt không có hiệu lực tập hợp dân bằng tiếng Cồng của Bà Triệu. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì thua chạy đến xã Bồ Điền (nay thuộc khu núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Kể về việc này dân gian có câu:

Ru con con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà Triệu Ẩu cỡi voi bành vàng.

- Năm 541, vì chính sự hà khắc của quan lại địa phương, Lý Bí (李畚, 503-548, là người Thái Bình, phủ Long Hưng, Sơn Tây), với sự giúp đỡ của Tinh Thiều, Phạm Tu và Triệu Túc,... nổi lên đánh đuổi quan lại nhà Lương (梁朝, 502 - 549), rồi xưng là Nam Đế (南越帝,542-548), lập nhà Tiền Lý 前李氏, đặt tên nước là Vạn Xuân (萬春, 544-602), đóng đô ở Long Biên. Đây là triều đại Việt Nam đầu tiên đánh dẹp được quân Chiêm Thành khi người Chăm xâm lấn cõi bờ (năm 543 tại Nhật Nam 日南,Cửu Đức 九德). Năm 548, khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục 趙光復 kế tục sự nghiệp xưng Triệu Việt Vương (趙越王,546-571). Nhưng về sau dẫn đến nội chiến và nước phải chia đôi bởi Hậu Lý Nam Đế (Lý Thiên Bảo 李天寶, Lý Phật Tử 李佛子 556-602) và Triệu Việt Vương. Lúc này bên TQ vào năm 581, nhà Tuỳ (隋, 581-618), được dựng lên. Sau khi thống nhất Trung nguyên năm 589, Tùy Văn Đế 隋文帝 bắt đầu dòm ngó đánh Vạn Xuân. Do lực lượng chênh lệch, nội bộ thiếu thống nhất nên quan quân nhà Hậu Lý 後李氏 nhanh chóng đầu hàng và nước Vạn Xuân mất vào năm 602. Sử cũ ghi chép về số phận của Lý Phật Tử sau khi đầu hàng không rõ.Về thời kỳ này Việt sử diễn âm viết:

Dẹp yên giặc Bắc, phá Nam quân,
Dựng nước mong rằng được Vạn Xuân.
Một sơm giữa hồ trời chẳng giúp,
Đánh đem nghiệp lớn cậy hiền thần.
Kết hiếu lơ là khiến Triệu vong,
Hàng Tùy vội vã thật đau lòng.
Ngàn năm miếu mạo bên bờ biển,
Bội ước thẹn cùng miếu Việt vương.

- Đinh Kiến: Sau khi nhà Tùy mất, nhà Đường (唐朝,618 – 907) lên ngôi, tiếp tục giữ quyền cai trị nước ta. Năm 687, quan cai quản An Nam Ðô Hộ Phủ của nhà Ðường là Lưu Diên Hựu thu thuế rất tham tàn, khiến cho nhân dân ta rất căm phẫn. Nhân cơ hội đó, một vị hào trưởng là Lý Tự Tiên (nay vẫn chưa rõ quê quán) đã bí mật tổ chức một cuộc khởi nghĩa lớn. Nhưng cơ mưu bị bại lộ, Lý Tự Tiên bị Lưu Diên Hựu giết chết. Tiếp nối sự nghiệp của Lý Tự Tiên, một vị hào trưởng cũng là một thuộc tướng của Lý Tự Tiên đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy. Vị hào trưởng ấy là Ðinh Kiến. Ngay trong năm 687, Ðinh Kiến đã giết chết được Lưu Diên Hựu và chiếm được phủ đô hộ là thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), đồng thời, nhanh chóng thiết lập một hệ thống chính quyền do ông đứng đầu. Ðinh Kiến chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng chính quyền do ông đứng đầu thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ. Hiện vẫn chưa rõ quê quán cũng như năm sinh và năm mất của Ðinh Kiến.

- Mai Hắc Đế (梅黑帝; ?–722), tên thật là Mai Thúc Loan 梅叔鸞 hoặc Mai Huyền Thành 梅玄成 là vua nước Việt Nam, anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống sự chiếm đóng của nhà Đường (唐朝, 618 –907) ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 8 thời Đường Huyền Tông. Đây là cuộc khởi nghĩa mà dã sử gắn với chuyến gánh vải An Nam nộp cống sang Đường để Dương Quý Phi  ăn  và lần đầu người Việt liên kết với người Chăm phương Nam để đánh quân Hán. Ông quê ở Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh nhưng sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An. Năm Nhâm Tuất (722) tức năm Khai Nguyên thứ mười, đời Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, Mai Thúc Loan đã khởi nghĩa tại quê nhà, chọn Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn và dọc theo bờ sông Lam (Nghệ An) là căn cứ chính chống quân chiếm đóng nhà Đường. Ông xưng Đế rồi kéo quân ra chiếm được phủ Tống Bình, tức Hà Nội ngày nay, thái thú nhà Đường lúc đó là Quách Sở Khách bỏ thành chạy về nước. Khi 10 vạn quân Đường do tướng Dương Thừa Húc và Quách Sở Khách kéo sang, sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ, Mai Hắc Đế rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất 722. Nghĩa quân tan vỡ.

- Phùng Hưng (馮興; 761-802) là thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường, đuổi được người phương Bắc và cầm quyền cai trị một thời gian. Ông xuất thân từ dòng dõi cự tộc lâu đời ở đất Đường Lâm nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Theo truyền thuyết, Phùng Hưng có hai người em cùng sinh ba là Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Cả ba anh em đều có sức khỏe hơn người, tay không bắt được hổ. Quan đô hộ nhà đường khi đó là Cao Chính Bình khét tiếng tham lam và tàn bạo, khiến cho nhân dân ta căm phẫn, đồng thời, binh lính của Cao Chính Bình cũng chống đối quyết liệt. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình (Hà Nội) nổi loạn, Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ (Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo còn Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng). Tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh chiếm thành Tống Bình và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất (789). Sau khi Phùng Hưng mất, nội bộ thân thuộc của ông không giữ được sự đoàn kết. Chẳng bao lâu, nhà Đường sai Triệu Xương đem quân sang, vừa đánh vừa chiêu dụ. Thấy thế không chống được, Phùng An phải đầu hàng. Xứ Giao Châu lại lệ thuộc nhà Đường lần nữa. Ông được truy tôn là Bố Cái Đại Vương 布蓋大王, được dân chúng lập đền thờ ông ở ngay xã Đường Lâm và làng Triều Khúc.

 - Dương Thanh (819-820): là một vị hào trưởng của đất Hoan Châu (đất này nay thuộc Nghệ An) và cũng là người được nhà Ðường cho làm Thứ Sử của châu này. Biết Dương Thanh là người giàu lòng yêu nước, quan đô hộ của nhà Ðường là Lý Tượng Cổ đã dụng mưu kế để làm giảm uy tín của ông, đồng thời, tách ông ra khỏi dân châu Hoan. Năm 819, Dương Thanh đã phát động cuộc khởi nghĩa lớn, giết chết được Lý Tượng Cổ, đồng thời thiết lập được hệ thống chính quyền tự chủ do ông đứng đầu Sau nhiều phen đàn áp nhưng bị thất bại, nhà Ðường đã dùng kế li gián để chia rẽ lực lượng của Dương Thanh. Ông bị cô lập dần, để rồi cuối cùng, bị tru di tam tộc vào năm 820. Hiện chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi. Cũng như nhiều vị thủ lĩnh kiệt xuất khác, Dương Thanh không xưng đế hay xưng vương, chưa đặt quốc hiệu và niên hiệu, nhưng chính quyền do ông thiết lập ra thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ .
Trên đây là những cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc, gồm nhiều quy mô và tính chất khác nhau. Hẳn nhiên, đó cũng chưa phải là tất cả, nhưng, dẫu nhìn từ bất cứ góc độ nào thì đó cũng thực sự là tinh hoa của lịch sử chống xâm lăng thời Bắc thuộc.

- Cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10, lợi dụng sự suy yếu của chính quyền trung ương nhà Đường, trong thời Ngũ Quý (五代,907-959), Họ Khúc 曲氏 là dòng họ lớn vùng Chu Diên đã nổi lên giành quyền tự chủ. Họ Khúc truyền nối làm chức Tiết độ sứ gồm 3 đời: Khúc Thừa Dụ (承裕,906-907), Khúc Hạo (顥,907-917), Khúc Thừa Mỹ (承美,917-923 hoặc 930), cai trị từ năm 905 tới năm 923 hoặc 930, thực hiện nhiều cải cách hành chính. Sau đó bị nhà Nam Hán xâm lược. Dù không xưng hiệu, họ Khúc vẫn được đời sau tôn như những vị vua. Khúc Thừa Dụ được gọi là Tiên chủ, Khúc Hạo là Trung chủ và Khúc Thừa Mỹ là Hậu chủ. Trong đó, Khúc Hạo là người được nhắc đến nhiều nhất do những đóng góp của ông đối với lịch sử Việt Nam lúc đó. Do Khúc Thừa Mĩ chỉ thừa nhận nhà Lương, không thần phục nhà Nam Hán nên năm Quý Mùi (923) nhà Nam Hán sai Lý Khắc Chính sang đánh và chiếm Giao Châu.

Cha con ba muơi năm dư,
Trị vì thiên hạ được mùa nơi nơi.

Trong thời “Ngũ đại thập quốc” (五代十國, 907-960) đất ta bị nhà Nam Hán (907-971) xâm chiếm và đã nổi lên một số sự kiện báo hiệu nền tự chủ là:

- Dương Đình Nghệ (楊廷藝; có sách chép là Dương Diên Nghệ 楊延藝, ?-937, Ái Châu) từ các lò võ ở làng Giàng, Tư Phố (nay là đất các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hoá) đã khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, tự lập làm Tiết độ sứ, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm. Tháng 4 năm 937, ông bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, một tướng dưới quyền ông, giết hại để cướp quyền.

- Kiều Công Tiễn (矯公羨; ?-938) là người Phong Châu (Phú Thọ, Việt Nam), là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ cuối cùng cai trị lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ Tự chủ từ năm 937 đến năm 938. Ông là người phù tá họ Dương sau phản lại chủ tướng, sai người sang cầu cứu chúa Nam Hán là Lưu Cung. Nhưng chưa kịp nhận sự bảo trợ của ngoại bang đã bị con rể Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu kéo ra tiêu diệt (4/ 938).

Như thế, các cuộc khởi nghĩa, những lần quyết tâm tự chủ trên, dù cuối cùng đều thất bại nhưng nó chứng tỏ tinh thần ngoan cường của người Việt, nó đảm bảo cho nước mất, nhà tan nhưng dân tộc ta không mất, tiếng ta vẫn còn và là bước tập dượt để đi vào kỉ nguyên độc lập tự chủ sau này.
Logged

Trang: « 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM