Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:48:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giàn Thiêu - Võ Thị Hảo  (Đọc 26538 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:19:46 pm »

- Không. Với ta như thế chưa đủ. Ta muốn duy ngã độc tôn trong thiên hạ. Ta đã khiến đức Thánh Tông phải mê đắm nể trọng, nhất nhất theo lời. Ta muốn sai khiến được người duy nhất nắm giữ thiên hạ trong tay. Ta phải sai khiến được con trai ta. Không gì thích thú bằng khi thấy chỉ với một ngón tay út của bàn tay ta, cả giang san rùng rùng chuyển động. Ta phải buông rèm để nghe chính sự. Ta đã làm được rất nhiều cho đất nước này. Ta là người đàn bà duy nhất mà sử sách phải mãi mãi lưu truyền…

Dương Thái hậu thét lớn:

- Câm ngay! Nghiệt phụ! Ta biết tham vọng khôn cùng của ngươi. Ngươi quả là người đàn bà có trí tuệ và quyền biến có một không hai. Ta chưa bao giờ ngăn trở ngươi. Khi biết tính mệnh của mình bị lâm nguy, ta đã hạ mình van xin ngươi rằng ta xin khước từ ngôi Hoàng Thái hậu. Để mẹ con ngươi được an hưởng ngôi báu, ta xin vào chùa đi tu ăn chay niệm Phật, không bao giờ tưởng đến triều chính vàng lụa. Vậy mà ngươi vẫn không buông tha…

- Phải… Đức Thánh Tông hoàng đế băng ở điện Hội Tiên ngày Canh Dần tháng Giêng năm Thần Vũ thứ 4… Hoàng Thái tử Càn Đức con ta lên ngôi trước linh cữu khi mới bẩy tuổi. Bà không có công sinh ra hoàng đế mà được tôn là Hoàng Thái hậu, lại còn được buông rèm nghe chính sự. Còn ta, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau lại chỉ chịu phận Hoàng Thái phi thôi sao? Không. Ta muốn ta phải là ngôi thứ nhất! Vả lại, nếu không phải ta mà là bà buông rèm nghe chính sự, sự thịnh vượng của quốc gia này có được như ngày nay chăng? Kẻ ngáng đường ta, dù chỉ là vô tình, kẻ đó phải chết!

Hoàng Thái hậu họ Dương cất lên một hồi cười khanh khách lạnh người:

- Chao ôi! Trời đất quỷ thần hãy nghe! Chỉ để cho một người đàn bà máu mê quyền lực, bước lên ngôi Hoàng Thái hậu mà đến nỗi phải nhúng ngập tay vào máu đến vậy ư?

Nét mặt của Ỷ Lan Thái hậu co rúm một lần nữa. Và lần này trong giọng bà có thoáng chút ăn năn, như thì thầm với chính mình:

- Phải… Năm Thái Ninh thứ hai, trời mưa dầm dề không dứt. Cả tháng trời mưa… Ta đã sai rước Phật Pháp Vân về Kinh để cầu tạnh. Ta đã làm đại lễ cầu Thần núi Tản Viên mong cứu nhân gian khỏi một trận hồng thuỷ… Và ta cũng sai người giam đương kim Hoàng Thái hậu cùng bẩy mươi sáu thị nữ vào Thượng Dương cung này rồi bức cho tất cả phải chết… Ta đã làm Hoàng Thái hậu sau cái chết của bẩy mươi bẩy người…!
Bây giờ đàn chuột đã sấn vào, leo cả lên lồng ngực và cánh tay của Ỷ Lan mà gặm thịt da bà. Ỷ Lan quằn quại. Đôi mắt can đảm vẫn nhìn không chớp vào Dương Thái hậu. Dương Thái hậu nghiến răng:

- Ngươi rước tượng Phật về thờ phụng. Ngươi lập đại lễ cầu đảo Thần núi Tản Viên… Một tay ngươi gõ mõ tụng kinh, một tay ngươi thọc sâu vào bầu máu trong gan ruột của những người vô tội!

- Đừng quá lời, Dương Thái hậu!

- Một người như Thái sư Lý Đạo Thành lừng lẫy công trạng, tận tuỵ phò vua giúp nước. Vậy mà ngươi,
khiến cho ông ta buồn rầu đến mức phải lập Viện Địa Tạng trong miếu Vương Thánh… Ngươi còn giả nhân giả nghĩa phao lên rằng ta và bẩy mươi sáu thị nữ vì quá thương tiếc Đức Hoàng đế mà tự vẫn chết theo hầu hạ người dưới suối vàng!…

- Ta làm sao có thể làm khác được. Thời nào cũng vậy thôi, mạng người quá rẻ trong tay các bậc đế vương, nhưng vẫn phải phủ lên những cái chết đó hoặc là một sự đê nhục, hoặc là phản trắc hoặc là một nghĩa cử huy hoàng. Điều này các bậc đế vương thường xuyên làm mà, hoàng hậu họ Dương!

- Ngay cả việc giết người ngươi cũng là một kẻ siêu quần. Nhưng sao ngươi nỡ vu cho ta cái điều mà chính bản thân ngươi cũng không thể làm được… Để lấp liếm việc bức hại chúng ta, ngươi còn noi theo tiền lệ cực kỳ hung ác của tên hung bạo Tần Thủy Hoàng buộc cung nữ phải chết theo vua. Sao ngươi không tự thiêu mà chết theo Đức Thánh Tông để làm gương cho thiên hạ?

- Phải. Ta đã dùng nhiều thủ đoạn, Dương Thái hậu. Ngươi chết oan là phải. Ở trong cung từng ấy năm mà ngươi vẫn không biết rằng cái bức đại vóc đẹp đẽ của triều đình bao giờ cũng dệt nên bởi những mưu mô và thủ đoạn được kéo ra từ những con kén ngậm máu và nước mắt sao…? Dù ta ám hại ngươi và bẩy mươi sáu thị nữ kia, ngươi cũng nên công bằng một chút. Sau đó ta đã dốc lòng niệm Phật, tu tạo nên hơn một trăm ngôi chùa, quảng bá Phật dạo cho thiên hạ thấm nhuần lẽ từ bi… Ngươi không thấy dưới triều con ta, nước Nam này đã lập nên những chiến công hiển hách chưa từng có, đã tôn tạo Quốc tử giám, noi gương Đức Thái Tổ mở những khoa thi để thoát khỏi mọi sự mọi rợ hay sao? Dương Thái hậu, sao ngươi không quên thù oán riêng cho đất nước này? Ngươi chẳng qua cũng chỉ là một con mụ đàn bà đầu óc nhỏ hẹp, chỉ dựa vào sắc đẹp và phong thư yểu điệu làm tài sản ở chốn thâm cung để suốt đời núp bóng các đế vương mà thôi…!

Dương Thái hậu lại cười nhạt:

- Hãy nhìn ta và bẩy mươi sáu oan hồn này, Ỷ Lan! Những kẻ đầy tham vọng như các ngươi vẫn quen coi mạng sống và niềm yên vui của kẻ khác là những thứ mà bất cứ lúc nào các ngươi cũng có thể tuỳ tiện dí nát dưới gót hài trên đường đeo đuổi mộng đế vương. Tai các ngươi đã điếc trước tiếng khóc than rên xiết của những người yếu ớt đã bị giẫm đạp dưới bước chân voi ngựa…
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:20:41 pm »

Mặt cắt không còn hạt máu, Linh Nhân cố rứt một con chuột đói đang lăm le ngoạm những chiếc răng nhọn hoắt vào mồm bà:

- Không… Ta không điếc… Nhưng ngươi cần phải biết, cái người điều binh khiển tướng khi mở đường máu cho một đại quân thì không được quá quan tâm đến tiếng kêu của kiến và cỏ…

Dương Thái hậu tiếp tục, căm hờn:

- Sau mỗi lần nhúng tay vào tội ác thì các ngươi giỏi giang lắm trong cách tìm ra những thủ đoạn để lấp liếm, phủ lên tội ác một bức màn trướng đẹp đẽ hòng che mắt thiên hạ. Ỷ Lan, ngươi che mắt được thiên hạ nhưng có che được con mắt của lương tâm ngươi không?

Bẩy mươi sáu oan hồn thị nữ rầm rì tiến lại với những bước chân đe doạ. Một trăm năm mươi bàn tay trong suốt đưa ra túm lấy áo Ỷ Lan. Ỷ Lan trợn tròn đôi mắt đã mất sinh khí. Bà lùi dần, sát vào chân tường:

- Không! Tiếc thay suốt đời ta đã không đánh lừa được lương tâm mình. Nhưng sau đó ta đã cố công khuyến nghiệp từ bi…

Khắp hầm mộ rộn rực tiếng các oan hồn không rõ hình hài. Bẩy mươi sáu thị nữ đã túm được áo Ỷ Lan Thái hậu. Dương Thái hậu căm phẫn:

- Ta biết, sau khi bức hại ta, ngươi đã hối hả tô tượng xây chuà ăn chay niệm phật. Há ngươi không biết rằng một dúm dân đen còm cõi của nước Nam, một mặt thì phải đưa ngực ra chống đỡ mũi tên hòn đạn của ngoại xâm, một tay thì phải dồn công góp của, thắt ruột phu phen tạp dịch… Còn đó những oan hồn dưới bức tường đá nặng trịch của những ngôi chùa. Ngươi làm cho dân hay chỉ để an ủi cái lương tâm ngươi, để ngươi được trọn vẹn hưởng lạc, Ỷ Lan? Tại sao khi có một vị gián quan can ngăn việc xây quá nhiều chùa tháp làm dân lao lực thì ngươi lại nổi giận và đày ông ta lên chốn rừng thiêng nước độc? Đó chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Phật dạy lời từ bi, dạy "Phật tại tâm…". Ngươi có thật sự tin rằng Phật đang ngự tại những ngôi chuà lộng lẫy mà ngươi đã xây nên không? Ta tin rằng đức Phật không ngự ở những nơi mà Phật có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng thấy hai chữ từ bi…!

Những mảnh đại vóc của Ỷ Lan bắt đầu nục ra dưới bàn tay của các thị nữ. Thái hậu kinh hoàng chạy trốn. Nhưng từ bốn phía của hầm mộ cũng chìa ra tua tủa những bàn tay trong veo. Và đàn chuột đói hầm hè trở nên đông đúc vô kể. Ngạn La thấy thương xót trước vẻ tuyệt vọng của Ỷ Lan. Nàng xót xa quỳ xuống trước mặt Dương Thái hậu:

- Xin bà tha cho cái bà bị chuột cắn kia. Đau lắm! Bà ấy không chịu nổi đâu…

Lúc đó Dương Thái hậu mới nhớ đến Ngạn La. Bà đỡ nàng dậy, ánh mắt dịu đi:

- Không. Đây không phải là ta, cô bé ạ. Đây là âm phủ. Con là người có duyên có kiếp nên mới được tiết lộ về những câu chuyện cõi âm. Con còn bé quá, chưa biết rằng ở trên trần thế, người ta có thể chạy trốn nhiều thứ. Nhưng khi chết xuống âm phủ thì người người đều phải đối diện với chính mình trước mặt Diêm Vương.

Ỷ Lan Thái hậu oằn mình vì đau, hỏi Ngạn La:

- Ngươi là ai? Sao dám nghe những chuyện chết người này? Ta cấm chỉ ngươi không được tiết lộ với bất kỳ ai. Dù ta chết đã lâu nhưng trong dân gian đâu đâu cũng đang tôn thờ ca tụng công đức của ta và con trai ta. Ngươi muốn giữ mạng thì hãy liệu giữ mồm.

Dương Thái hậu phá lên cười:

- Ôi, Ỷ Lan. Âm phủ đã mười năm mà sao ngươi vẫn còn chưa từ bỏ những tham vọng hão huyền! Một người đàn bà sắc sảo như ngươi mà lại không biết rằng thiên hạ thờ người chết, thật ra chẳng qua thiên hạ mượn thây chết mà dùng cho những mục đích của họ đấy thôi. Hãy trông đây Ỷ Lan… Vưu vật tuyệt thế này đã bị cái lệ độc ác mà ngươi đặt ra đưa lên giàn thiêu. Ngươi và cả ta nữa, cũng chưa biết được nỗi sợ hãi khi kề cận cái giàn thiêu mà cô bé con vô tội này phải trải qua. May mắn thoát khỏi ngọn lửa thiêu, cô bé lập tức bị tống vào lãnh cung. Con chim nhỏ này đã làm nên tội tình gì?

Ngạn La quay sang nhìn Ỷ Lan với đôi mắt căm hờn. Nhưng khi trông thấy máu rỉ ra từ những vết thương bị chuột cắn của bà, nàng lại động lòng thương xót.

Bỗng nghe có tiếng ồn ào và tiếng khoá sắt ngoài cửa lim khua loảng xoảng. Lắng nghe kỹ nữa, dường như có tiếng trống "tum…tum…". Trong nháy mắt, Dương Thái hậu, bẩy mươi sáu thị nữ, Ỷ Lan Thái hậu và lũ chuột biến vào cái miệng mở toang của hầm mộ. Hầm mộ khép lại không còn dấu vết.

Cánh cửa lãnh cung đột ngột mở toang. Luồng ánh sáng chói gắt oà vào xô ngã Ngạn La. Nàng lẩy bẩy che mắt nhìn, thấy bốn người khiêng chiếc võng điều. Kèm bên là bốn thị nữ đã đưa nàng vào buồng tắm của tiên hoàng lúc mới vào cung. Những người khiêng võng nhanh nhẹn đặt Ngạn La hầu như bất tỉnh vào trong võng rồi khiêng đi.

Khi nàng tỉnh lại trong hồ nước tắm thơm, lại thấy bốn thị nữ đang lặp lại những cử chỉ săn sóc thân thể nàng như lúc mới vào cung. Một lần nữa tấm thân mảnh mai mượt như lụa của Ngạn La lại được tẩm hương. Ngạn La tỉnh hẳn dưới sự vuốt ve của làn nước nóng trong hồ tắm ngọc. Nàng lờ mờ hiểu rằng mình đang được chuẩn bị cho một lễ dâng hiến.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:25:12 pm »

NIỆM XỨ

Thuận Thiên năm thứ hai (1129). Mùa Xuân. Tháng Giêng. Ngày Thìn.

Vua cho mở hội khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù.

Cách đây ba tháng, ngựa trạm đã phi suốt ngày đêm mang lệnh vua cấp báo các ngôi chùa trong nước truyền cho tất cả các sư sãi phải về kinh dự đại lễ. Chuẩn bị hàng trang, dặn dò chú tiểu đóng cửa cho chặt, tay nải khóac chéo vai, một tay cầm gậy trúc, các sư sãi lên đường về kinh. Các nẻo đường trong nước nhan nhản những vị sư khất thực gầy guộc trong chiếc áo vàng lấm bụi qua vai đi miên man. Đôi khi, người ta bắt gặp xác của một vị sư vô danh khô quắt dưới bóng cây, trên gương mặt vẫn ngưng đọng nụ cười mãn nguyện của người tin rằng mình đang lên đường tới cõi Phật.

Để có tám vạn bốn nghìn bảo tháp, triều đình đã huy động vô kể thợ gốm, thợ ngoã ròng rã cả năm trời trước đó để nặn ra những ngôi tháp cao chừng năm tấc, đem nung bằng lửa rơm và than củi trong những chiếc vò khum khum mà mọi kích thước đều do nhóm thợ cả đo đạc, tính toán cẩn thận… Khi ánh lửa tàn, các ngôi tháp xuất lò có màu đỏ như son. Những ngôi bảo tháp được đặt trên gác Thiên Phù khiến cả ngôi gác lộng lẫy, hắt bóng duyên dáng xuống dòng sông uốn lượn. Những nhà sư đến từ khắp mọi miền ngồi la liệt tụng kinh gõ mõ cầu cho sự thịnh vượng của nhà Phật, mừng thiên hạ thái bình, quân của triều đình bách chiến bách thắng, cầu chúc cho đức hoàng đế Thần Tông sống lâu muôn tuổi.

Kiệu vàng của Thần Tông đã đến gần chân gác Thiên Phù. Trong tiếng tiền hô hậu ủng của hàng ngàn quân hộ tống và đoàn tuỳ tùng, nhất loạt sư sãi cùng háo hức ngẩng đầu nhìn về phía đức vua. Thần Tông đã sang tuổi mười bốn. Gương mặt xanh xao với đường sống mũi thẳng như một lưỡi dao. Một vành ria mờ mờ hiện bao quanh môi mỏng luôn mím chặt. Đôi mắt ngài ngự nay hiền như mắt đàn bà. Và thỉnh thoảng đôi mắt đó lại thoắt rờn rờn lên như sóng nước.

Kiệu dừng. hai thị vệ đỡ hai tay ngài ngự xuống kiệu. Quan quân, dân chúng và tăng ni cúi rạp mình trong tiếng hô vang dội: "Đức hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế…!". Tim Thần Tông đập rộn. Tột đỉnh vinh hoa quyền lực là đây.

Cố nén niềm kiêu hãnh trong lòng, Thần Tông giơ tay, khẽ nói:

- Bình thân! Tại cuộc đại lễ này, ta ở dưới chân đức Phật và chỉ ngang hàng với chú tiểu nhỏ kia!

Nói rồi đức vua thong thả dạo bước giữa những hàng dài như vô tận các tăng ni phật tử đang ngồi xếp vòng tròn tay lần tràng hạt, tay gõ mõ, miệng tụng kinh. Chưa bao giờ lòng thành kính với đức Phật lại được bầy ra rờ rỡ như trong đại lễ này.

Thần Tông bước đi giữa miên man những màu áo cà sa. Miên mang tiếng gõ mõ đọc kinh rầm rì như biển sóng lúc nửa đêm khiến những trái tim cứng rắn nhất cũng trở nên mềm dịu. Thần Tông như được ai đó bỏ vào trong nôi và đu đưa vào giấc miên viễn.

Con đường nào tít tắp xa trước mặt chợt hiện? Mọc đầy đá tai mèo màu tím. Cái ánh sáng nhàn nhạt này không rõ của ngày hay của đêm. Mà văng vẳng tiếng lục lạc rung từ đầu tích trượng của tỳ kheo. Người đàn ông gầy guộc vai đeo tay nải, tay cầm bát gỗ khất thực trên đường thiên lý. Con đường không soi tỏ đi đâu về đâu. Thần Tông không thể cắt nghĩa nổi, tại sao con đường đó cứ bám chặt lấy tâm trí ngài.
Trong giấc mơ, bất kể ngày hay đêm, Thần Tông đều thấy hiện lên gương mặt của một thiếu nữ. Gương mặt nhạt nhoà. Chỉ thấy một đôi mày dài và có đuôi như lá. Không khóc mà dường như ấn nấp đâu đó trong khoé mắt là những giọt nước nặng trĩu. Đẹp và buồn miên man khiến trái tim yếu ớt của ngài thổn thức. Mỗi lần mơ thấy gương mặt ấy, Thần Tông đuổi theo. Gương mặt cứ chập chờn xa dần. Nếu có thi thoảng ngài đuổi kịp, thì gương mặt thiếu nữ ấy biến mất, lồng vào đó là một gương mặt có cái mõm nhọn, phủ một lớp lông tơ mượt mà.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #63 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:26:09 pm »

Thần Tông thức dậy, thấy tràn ngập xung mình mùi ngọt nhàn nhạt, man mát như hương hoa lúa. Ngài chép miệng, cố nhớ lại xem đó là mùi gì. Không rõ. Chỉ biết đó là mùi khiến ngài khát. Khát lắm. Thái y đến để phân định xem mùi gì khiến đức vua đang nhớ, đang khát đến hành hạ thể xác. Tất cả các thứ mang mùi ngọt nhàn nhạt được mang đến. Không phải. Mãi về sau, khi nhũ mẫu mang đến một ít sữa đàn bà mới vắt, đựng trong bình ngọc, Đức vua nhìn thấy mới tỏ vẻ háo hức, nói: "Hình như ta nhớ thứ này". Rồi vồ lấy bình ngọc uống cạn. Sau đó đẩy bình ra: "Được. Nhưng chưa hẳn là thứ ta tìm kiếm. Nhưng từ nay, cứ đúng ngọ, hãy đem cho ta!".

Từ đó, cứ đúng ngọ, một bình sữa đàn bà mới vắt được đặt lên mâm ngự thiện. Bình sữa này được Thái y tuyển từ mười hai bình sữa của mười hai người đàn bà sinh con so khoẻ mạnh, mới được bứt ra khỏi trẻ sơ sinh, mang thẳng vào cung, ngày ngày được tẩm bổ sâm nhung quế phụ, chỉ để bữa vắt sữa vào bình ngọc đem dâng Vua.

Một lần, Đức vua đòi xem mặt những nô tỳ đã vắt sữa cho vua uống. Nhìn khắp lượt mười hai gương mặt, rồi Vua dừng lại ở một người đàn bà có đôi bầu vú nhỏ, nhọn hoắt, ở giữa hai bầu vú có ba sợi lông dài vàng óng, mắt tròn, mặt nhọn có nhiều lông tơ như mặt dã nhân. Vua đặt tay vào đôi vú, ve vuốt ba sợi lông vàng, nhìn lâu cái gương mặt đó, như nhìn ra cố nhân: "Từ nay, ta chỉ uống sữa của người này". Mười một người đàn bà khác được trả về nhà.

Mỗi ngày, người đàn bà mặt nhọn được chăm bẵm, tẩm bổ những món lợn sữa, trước giờ ngọ chừng ba khắc bắt đầu vén áo, ghé đầu vú vào miệng bình ngọc. Một dòng sữa trắng đục, hăng hơn sữa người thường phun thành từng tia xuống đáy bình. Vua uống sữa, đã cơn khát, khỏi ốm. Mỗi lần Thần Tông uống cái thứ sữa đựng trong bình ngọc, thì đỡ nôn nao. Nhưng vẫn mường tượng thiếu một cái gì đó. Mỗi lần ghé môi vào mình sữa, ngài dường như thấy những giọt sữa rỏ xuống từ một bầu vú ấm và lông lá.

Giấc mơ viên của Thần Tông tiếp nối, trong khi chân vẫn đưa ngài qua những dòng sư sãi đang cúi đầu tụng kinh gõ mõ.

Chợt một tiếng mõ lạc lõng, rơi ra ngoài giàn đại hợp của muôn ngàn tiếng mõ đnag râm ran trong buổi lễ, rót thẳng vào tai Thần Tông. Tiếng mõ đó đứng riêng một sắc, lúc trầm đục như thúc tức vỡ ngực, lúc trong trẻo như tiếng hạc bay, lúc như khóc như than, lúc rủ rỉ như ru êm. Có một sức trì níu ma quái nào đó kéo đôi chân ngài vô tình lựa giữa ngàn ngạt những tăng ni để hướng về phía tiếng mõ.

Thần Tông đưa mắt tìm kiếm.

Ngài chạy giữa hàng hàng lớp lớp những bóng áo cà sa để nửa vai trần, đầu trọc, đang ngồi xếp bằng theo thế liên hoa, đang nao nức tụng kinh. Ngài cuống quýt tìm nơi phát ra tiếng mõ.

Thần Tông chạy ra xa tít. Đám cận thần và lũ thị vệ áo bào vướng víu, võ phục nặng nề khó khăn lắm mới kịp theo bước chân ngài ngự. Khi họ dừng lại, thấy đức vua đứng sững trước một người bé nhỏ.

Đó là một sư bà ngồi ở cuối dẫy cuối cùng. Cái đầu trọc cúi xuống. Những sợi tóc mọc thóang điểm lấp lánh như bạc hắt ánh sáng lên gương mặt chăm chú đang hết sức căng thẳng của Thần Tông. Dáng cúi đầu thật yêu kiều. Cái bàn tay lần tràng hạt thon mềm. Chỉ nhìn cũng biết chúng mát như lụa. Bàn tay phải quấn quýt lấy chiếc dùi mõ và bàn tay đó như run rẩy gõ lên từng chuỗi âm thanh như hờn khóc. Đôi hàng mi nặng trĩu rủ xuống trông như ngủ. Dường như người gõ mõ đang cử động chiếc dùi trong một cơn mê, với trái tim đang run lên nối nhịp với chiếc mõ vô tri.

Thần Tông không bước nổi. Nặng như ngàn cân đeo đầu mũi chân. Ngài dính chặt xuống mảnh đất trước sư bà.

Thần Tông đứng rất lâu, mồ hôi nhỏ giọt ướt cả mặt đất mặc dù có hai tiểu thái giám cầm quạt phe phẩy hai bên.

Tiếng mõ khiến tim ngài đau nhói. Cơn đau tim này không bao giờ có trong lồng ngực của một đứa trẻ mười bốn. Thần Tông cảm thấy như mình đã sống qua nhiều kiếp, oải mình vì bể dâu.

Một người đàn ông từng trải đang hiện diện trong ngài, ngắm nhìn người đàn bà đầu trọc lạ lẫm lạc lõng với khung cảnh đô hội và trước tám vạn bốn nghìn bảo tháp đang đỏ rực toả sáng.

Dường như không Phật, không trời, không vua, không trần gian trong cái hàng mi nặng trĩu sập xuống như then khoá kia.

Và ngài háo hức muốn được nhìn tận mặt. Được nhìn vào đôi mắt ẩn sau hàng mi khép như ngủ kia. Nhưng những tiếng rộn rịch của đám tiền hô hậu ủng nãy giờ đã kịp đến tề tựu xung quanh vua trước mặt, sư bà vẫn không ngẩng đầu, vẫn như chìm vào một giấc ngủ say đắm từ thuở hồng hoang.

Hàng trăm đôi mắt đổ dồn vào chỗ đức vua và sư bà. Mọi người chưa bao giờ thấy sự lạ như vậy. Bởi dẫu là sư bà hay ai đi nữa thì khi đức vua có biệt nhãn, người đó buộc phải giữ lễ, phải ngưng tụng kinh, phải quì mọp xuống, chắp hai tay xưng tụng đức vua. Khi đức vua cho phép bình thân thì mới được quay lại việc tụng kinh gõ mõ.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:27:00 pm »

Viên thị vệ theo hầu vua nổi giận thét:

- Sư bà chùa Trầm… Ngài ngự giáng lâm… sao sư bà không mau mau quì lạy?

Sư bà vẫn không ngẩng mặt.

Viên thị vệ rút soạt kiếm ra khỏi vỏ. Mũi kiếm lách dưới cằm sư bà:

- Mụ này hỗn xược! Thất lễ! Muốn ta đưa mụ đi đường tắt lên Niết bàn phải không?

Viên thị vệ tay giữ kiếm không rời khỏi cổ sư bà, mắt nhìn Thần Tông chờ đợi. Nếu nhà vua gật đầu, hoặc chỉ cần nhìn lảng sang chỗ khác, lưỡi kiếm sắc như nước lập tức sẽ đưa ngang, cái cổ mảnh mai sẽ đứt lìa và máu của sư bà sẽ phun lên làm đỏ thêm những ngọn tháp.

Nhưng Thần Tông lại không hề tức giận. Ngài hạ giọng như thì thầm:

- Sư bà! Người hãy cho ta nhìn mặt.

Lúc đó sư bà chùa Trầm mới như sực tỉnh khỏi giấc ngủ, vụt ngẩng đầu lên.

Đôi mắt lập tức chiếu rực vào mắt Thần Tông.

Đôi mắt dài như lá, không khóc mà sũng lệ khiến cho đôi hàng mi không phải là bờ bến mà chỉ như những cánh cửa khép mở đưa người ta đến một cõi phiêu bồng xa thẳm.

Đôi màu khói lam ủ dột như chau. Đôi mắt ấy hắt cái ánh sáng kỳ lạ khiến ngài ngự rùng mình và trái tim như tuột rơi đâu mất. Mùi da thịt thơm ngát như mùi sen chớm nở thoảng lên khiến Thần Tông sững sờ. Vẻ quyến rũ vô tình của sư bà khiến cho người ta quên mất hai nếp nhăn khắc khổ đã hằn vết bên khoé miệng tuyệt đẹp. Thần Tông bất giác tự hỏi: "Sư bà bao nhiêu tuổi nhỉ? Hai mươi. Năm mươi… Hay đã thiên thu…?".

Tên thị vệ cũng ngẩn người nhìn, thẫn thờ buông kiếm.

Lưỡi kiếm tuột từ cổ xuống, đậu hững hờ trên vai sư bà.

- Đức hoàng đế vạn tuế…!

Sư bà khẽ nói trong miệng, giọng buông thõng và đôi hàng mi lại đổ sóng soài như cố che giấu điều gì. Đôi bàn tay như lụa lần tràng hạt. Tiếng mõ lại đều đều vang lên. Nhưng không giấu được sự run rẩy.

Thần Tông bỗng cảm thấy như say sóng.

Dáng vẻ lạ lẫm và mùi hương thoảng lên từ da thịt của người đàn bà luống tuổi đã tự giam mình trong cửa Phật lâu ngày khiến ngài cứ thấy da diết nhớ. Đang đứng trước mặt bà mà lại nhớ. Dường như cái giấc mơ cố hữu đang trở lại.

Có phải các gương mặt thiếu nữ mà ngài rượt đuổi mỗi đêm? Nhưng đây lại là một sư bà luống tuổi! Không rõ nhớ gì. Nhưng thổn thức và trống vắng mà cồn cào lo sợ. Sợ giây phút cái hình ảnh đang hiển hiện trước mặt kia bỗng chốc sẽ tan biến vào thinh không như một ảo giác.

Thần Tông bỗng hạ giọng, như nài nỉ:

- Sư bà động Trầm, người có thể về trông nom việc tụng kinh niệm Phật trong nội cung ta được chăng?
Sư bà vẫn không ngẩng đầu.

Thần Tông lại khẩn khoản:

- Nội cung của ta đang cần một người như sư bà để giáo hoá Phật đạo cho các cung nữ.

Lời từ chối bật ra từ lồng ngực rung động:

- Kẻ tu hành xin cảm tạ đặc ân của Đức hoàng đế. Kẻ tu hành này đã quen uống nước suối ăn mầm cây trong động Trầm. Không quen với các nghi lễ quí phái chốn kinh thành…

Thần Tông ngạc nhiên, thoáng sợ:

- Ngươi từ chối ư? Đó là niềm mong ước của cả ngàn tăng ni…

Sư bà vụt nhìn lên, chói chang mắt Thần Tông:

- Đức hoàng đế bỏ qua cho kẻ tu hành này… Lễ sắp tàn. Xin hoàng đế gia ân cho kẻ tu hành này được trở về động Trầm.

Thần Tông lại thêm một lần nài nỉ khiến mọi người chung quanh lại thêm sửng sốt:

- Thôi được… sư bà sẽ về chùa Trầm. Nhưng trước khi sư bà trở về, ta muốn lưu sư bà lại một tuần trăng để cùng đàm đạo đôi điều về Phật pháp…

Thần Tông hấp tấp phất tay áo trở gót không kịp để sư bà từ chối. Khi vua vừa quay mình, từ đôi mắt sóng sánh của sư bà hai dòng lệ trào ra, nối nhau chảy xuống theo những nếp nhăn khắc khổ trên miệng và chảy vào đầu lưỡi, đầy vị mặn.

"Nghiệp chướng!"

Hai tiếng nấc khẽ trong khoé miệng của sư bà.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:28:22 pm »

ĐOẠ XỨ

Má đỏ thầm phai…

Sư bà chùa Trầm quì trước bệ rồng.

Vua Thần Tông nhấp môi vào chén nước sâm từ tay viên Thái giám đứng hầu bên ngài dâng lên mà mắt vẫn đăm đăm vào sư bà. Người đàn bà lạ lẫm vừa rơi xuống từ một đỉnh núi phủ đầy tuyết sương, trên mắt, trên môi, trên đôi vai mỏng còn nồng mặn mùi rễ cây oải hương và gió thổi quấn quyện từ địa ngục.

Ngập ngừng, những lời nói của Thần Tông buông, treo lơ lửng đầu lưỡi:

- Sư bà hãy đem Phật đạo giáo hoá các cung nhân của trẫm!

Những ngón tay dài và mảnh, trong suốt, chắp lại trước ngực. Có thể thấy rõ những mạch máu màu tím đang nhẩn nha chảy, lan toả chút hơi ấm trên mu bàn tay. Mười búp tay tiểu thư hao gầy dưới những móng tay cũng màu tím. Đôi hàng mi sững lặng in bóng lên màu da bạc. Đôi môi đầy đặn như môi Phật, màu trắng. Một bóng tối mờ ảo phủ trên gương mặt. Mong manh. Xa xôi. Không thời gian. Chung quanh ngừng lặng. Vẻ xa hoa của hoàng cung trở nên trơ trẽn trước gương mặt này.

Một nỗi buồn vô cớ thấu vào tận đáy tim Thần Tông.

Sư bà chợt ngẩng đầu, đưa mắt nhìn qua vai Thần Tông. Vẻ hư vô trong mắt bà lóe lên đỉnh điểm một vẻ đẹp không tả xiết. Vẻ đẹp của người đã từng sống và từng chết đi, rồi tái sinh ở thế giới bên kia.

Xa xa, cửa Càn Nguyên điện nhuộm vàng. Hoàng hôn rớt lại trong một vệt ráng chiều thấm máu trên đường chân trời. Thần Tông giật mình nhận ra trong mắt sư bà một ánh lạnh lẽo. Một con thuyền quen lênh đênh trên đại dương trong đêm tối. Với những gỗ những ván ngâm mặn mòi trong nước biển. Không tay chèo không bánh lái, lấy lênh đênh làm bến đỗ. Không ao ước bình yên. Biển cũng trở thành nhạt nhẽo. Giông tố cũng trở thành cợt đùa. Mà những con sóng xô nhanh chỉ là tiếng ru đều đặn giục lênh đênh.

Khẽ nói:

- Kẻ bần ni sợ mình bất túc, tâu bệ hạ. Nơi này không phải là xứ của bần ni. Xứ của bần ni là động Trầm…

Từ trên ngai vàng, Thần Tông cúi nhìn xuống mái đầu cạo trọc mà những gốc tóc nhô lên sớm đã thưa thớt chớm bạc:

- Sư bà bình thân. Ta đã hỏi quan Tây thượng cáp môn sứ về bà. Tiếng tăm về năng lực giáo hoá của sư bà đã được đồn thổi khắp xứ Đoài, về đến tận kinh kỳ. Trẫm vốn sùng đạo, những mong dùng Phật đạo để lấy lẽ từ bi làm phép trị nước.

Sư bà nói mơ màng:

- Các tiên đế vốn là người sùng đạo…

- Phải, trẫm noi gương các tiên đế, lại thêm mong cho khắp thiên hạ không còn kiện tụng tù ngục, nhà nhà cất tiếng âu ca… Muốn vậy, màu cà sa của Phật phải bao trùm khắp cõi phàm. Các tiên đế đã giành lại giang sơn, mở mang bờ cõi. Công lao ấy núi Thái Hằng cũng không thể so bì. Nhưng để được như vậy, máu cũng chảy thành sông… Từng đi kinh lý vùng biên ải, trẫm đã nhìn thấy xương người phơi trắng trên bờ cõi. Trẫm đau lòng khi nhìn thấy cảnh đó. Với Phật pháp, non sông của trẫm sẽ không lặp lại cảnh núi xương sông máu…

Sư bà nhìn vào đôi mắt rực ánh hào quang của Thần Tông:

- Thưa, có phải vì vậy mà vừa mới lên ngôi, tháng Hai năm Mậu Thân ngày Ất Mão, Bệ hạ xuống chiếu tha cho các tù nhân ở phủ Đô hộ. Ngày Nhâm Tuất, người lại xuống chiếu tha cho một trăm ba mươi kẻ bị biếm truất?

Mắt Thần Tông sáng rỡ:

- Sư bà ở chốn hang động, xa lánh phàm trần mà cũng rành việc nước?

Sư bà tiếp giọng đều đều:

- Người còn đi khắp các chùa quán để cảm tạ đức Phật dã giúp cho người chiến thắng quân Chân Lạp ở bến Ba Đầu? Rồi hôm này người lại mở đại lễ khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp?

Thần Tông ngạc nhiên lẩm bẩm:

- Kỳ lạ! Bà này sao quá rành rẽ nhất cử nhất động của ta…!

Câu nói đó không qua tai sư bà.

- Tâu Bệ hạ, chẳng có gì lạ… Đầu ngón tay út của Bệ hạ nhấc lên cũng đủ gây mưa móc hay sóng gió trong thiên hạ. Bần ni tuy ngụ nơi thâm sơn cùng cốc nhưng không phải những âm ba chốn kinh thành quyền quí không dội tới. Kẻ xuất gia muốn hành đạo tất phải hiểu việc đời!

"Khẩu khí chẳng phải tầm thường. Mà sao người tu hành này lại cứ toát ra một sự huyền bí khiến ta không thể dằn lòng để rời xa bà ta vậy? Mà bà ta ở độ tuổi có thể sinh ra ta. Cái thân hình có lẽ ngày xưa rất quyến rũ kia đã bị cuộc đời tu hành khắc khổ mài mòn trở nên vóc hạc xương mai. Có một sức hút kỳ lạ ở người đàn bà này. Cái mũi côi cút trên gương mặt. Đôi môi ấy hẳn xưa đã từng sống động và khao khát. Lông mày màu khói nhạt mượt như lụa. Cái cổ cao không thể nào thanh mảnh hơn thế, khi chắp tay cúi xuống hiện rõ vẻ kiêu hãnh của một con ngựa yêu kiều. Trên đầu, làn da trắng xanh chỉ có những chân tóc bị cạo che phủ hắt sáng như toả hào quang…".

Một giấc mơ xa xôi, dịu dàng và cam chịu, khác với sự nôn nóng thường nhật của một ông vua muốn gì được nấy đang manh nha trong lòng Thần Tông. "Không thể hiểu nổi… tại sao giữa muôn nghìn tăng ni Phật tử, ta lại chỉ nhìn thấy bà và lập tức cưỡng bà về cung… Tại sao khi bà ta xuất hiện, mọi thứ xung quanh đều nhạt nhoà, không hiện hữu…". Thần Tông không ngớt ngẫm nghĩ và càng lúc càng thấy lạ trước mình. Ngài chằm chằm nhìn tận mặt của sư bà, dò hỏi, cố đuổi theo một ý nghĩ vô hình vừa loé lên rồi chập chờn trêu cợt bay xa để ngài phải miệt mài theo dõi. Thần Tông quên cả việc đáp lại câu nói của sư bà.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:29:10 pm »

Giai âm trong giọng nói của sư bà vẫn cất lên như tiếng của một ngọn suối đang chảy âm u dưới vòm đá:

- Nhưng tâu Bệ hạ… Xin người thứ lỗi… Lòng nhân đức như trời biển của người thật là đáng trân trọng, làm cảm động đến cả thánh thần. Vậy nên năm rồi nhiều nơi hạn hán ruộng đồng nứt nẻ không có nước cấy cày, người đã trai giới cầu đảo, an chay niệm Phật cầu mưa. Lòng thành của đấng cửu trùng đã cảm động tới Trời Phật. Bệ hạ lại muốn dùng Phật đạo từ bi để giáo hoá chúng sinh khỏi cảnh đầu rơi máu chảy. Điều đó tốt vậy thay!

- Đa tạ sư bà…

- Trước khi Đức Thái Tổ mang cơ nghiệp nhà Lý thì nước Nam ta vẫn là xứ man rợ, Phật đạo có nhen nhóm nhưng chưa phổ độ đến chúng sinh. Cùng với Đức Thánh Tông cho tạo tác văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Thất thập nhị hiền, thì Linh Nhân Thái hậu và Đức Tiên đế Nhân Tông đã lập hơn một trăm
chùa nguy nga lộng lẫy, Phật đạo ngày càng rạng rỡ…

- Đúng vậy. Nhờ ơn các bậc Tiện hoàng, chưa bao giờ Phật đạo lại được phổ độ rộng khắp như ngày nay!

Sư bà làm cử chỉ gần như phản đối:

- Phải, bây giờ khắp nơi đua nhau xây chùa tạo quán, lũ lượt người người nhập chùa làm tăng ni Phật tử. Đi đâu cũng bắt gặp bóng áo cà sa cầm bát đợi bố thí vàng rực khắp góc chợ sân đình.

- Càng nhiều bóng áo cà sa, vương quốc của ta càng bớt những kẻ ác phạm. Ta đang mong bóng áo cà sa của nhà Phật nhuộm mọi hang cùng ngõ hẻm. Khi mới lên kế nghiệp đế vương ta đã thề cùng trời đất quỷ thần…

- Nhưng chẳng lẽ Bệ hạ không thấy rằng trong vương quốc của Bệ hạ đâu phải đã hết những kẻ ác phạm? Năm ngoái Bệ hạ xuống chiếu tha cho bao kẻ gian ác đáng ra phải trừng phạt tại Đô hộ phủ thì năm nay những kẻ đó lại đang hoành hành làm khốn khổ chúng dân. Năm ngoái Bệ hạ rộng lượng xuống chiếu phục chức cho những kẻ bị biếm truất thì năm nay bọn thamm ô quan lại đó lại đang ngất ngưởng trên chức trọng quyền cao để bòn rút xương tuỷ của dân đen…

Nét mặt Thần Tông cau lại. Mắt ngài đã bắt đầu phóng ra những luồng giận dữ. Sư bà nhận thấy nhưng không nao núng. Đôi mắt vẫn chiếu rọi vào mắt Thần Tông khiến đức vua thấy chói chang. Tổng quản Thái giám đứng hầu bên cạnh đức vua lên tiếng quát khẽ:

- Sư bà… Không được lộng ngôn mạn thượng!

Ánh mắt nộ khí của Thần Tông bắt gặp phải cái nhìn chứa chất nỗi đau đớn mênh mang của sư bà. Trong thoáng chốc, Thần Tông buốt lạnh nhận ra trong đó một nỗi buồn hoài huỷ xót thương cho kiếp người. Và rực lên như ánh hoàng hôn loé rạng bên cơn giông ẩn hiện thăm thẳm ở cuối trời.

Ngài muốn biểu hiện một cử chỉ nào đó của quyền lực tối thượng với người đàn bà đang quì trước mặt. Nhưng rút cuộc ngài chỉ im lặng. Năm ngón tay choãi ra trên đầu rồng tay vịn ngai vàng. Ngài trở lại là một đứa trẻ đang bị lạc cả phần hồn lẫn phần xác, chơi vơi trên đồng cỏ mênh mang.

Ngài bỗng muốn được người đàn bà kỳ lạ đang quỳ trước mặt ấy choàng tay ôm vào lòng. Bà ta có biết ru không nhi? Sư bà có thể ru ta với lời ru của một người mẹ hay với sự nóng ấm của lồng ngực người đàn bà? Tại sao ở bà ta lại toát ra nỗi quyến rũ huyền hoặc. Yêu tinh hay thần nữ? Một kẻ tu hành hay là một kẻ bị giáng xuống nơi trần thế này để chịu kiếp nạn?

Thần Tông chú mục vào khoé miệng khoé mắt đã hằn nhiều nếp nhăn khắc khổ của sư bà để kìm giữ ngọn lửa cứ chợt muốn cháy bùng lên ở trong lòng.

Sư bà vẫn không rời mắt khỏi gương mặt Thần Tông. Cái gương mặt vừa quen vừa lạ như thấp thoáng vẳng lên từ một cõi xa xôi huyền bí nào đó trong cuộc đời oái oăm này. Nỗi đau cô quạnh nhói lên trong vùng ngực mảnh mai của sư bà.

*

**

Đoạ xứ!

Bến Đá sông Gâm. Bè nứa với chiếc nón lá của người tỳ kheo. Cơn giông sầm đổ. Rồi trời quang mây tạnh và hoa gạo như những bụm máu qua vai một người con trai. Thác Oán. Túp lều lau sậy le lói bếp lửa. Người đàn ông cá bơn… Ta tưởng dứt bỏ lòng trần, đường tu trọn kiếp. Nào ngờ…

*

**

Đoạ xứ!

Sư bà cố tìm lại nét thư sinh ngời ngợi mà ngang tàng thân thiết xưa kia. Đâu đây dường như vãn phảng phất gương mặt tưởng chừng xa xôi quên lãng mà thật ra vẫn ám ảnh lẩn khuất sâu thẳm trong đáy cùng tâm trí sư bà. Dường như chúng đang được cầm tù trong vài đường nét còn lộ chút thân thuộc. Cái thân hình nhỏ nhắn xanh xao của một đứa trẻ mà dục vọng đã rừng rực ám ảnh như định mệnh. Ngai vàng tôn nghiêm quá lạc lõng trước vị đế vương nhỏ bé này. Không rõ đức vua mong muốn điều gì? Một lần nữa sư bà lại rúng vai rùng mình sợ hãi nghĩ đến nỗi cám dỗ tục luỵ cõi trần!

- Tâu Bệ hạ… Người đã nhận ra người còn thiếu điều gì trong khi dùng phép từ bi vô tận của Phật đạo chăng?

Viên Tổng quản Thái giám đứng hầu bên cạnh ngai vàng lại một lần nữa giật mình cố trừng mắt về phía sư bà.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #67 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:30:38 pm »

Thần Tông giơ mấy ngón tay:

- Sư bà là kẻ tu hành lẽ nào chẳng hiểu đạo từ bi có thể cải hoá khắp lượt chúng sinh. Tôn vinh Phật đạo và cai trị bằng cách giáo hoá Phật đạo khắp thiên hạ, phép trị quốc của ta vậy là đã đầy đủ.

- Vậy Bệ hạ nghĩ sao về những kẻ đã được ân sủng của ngài mà trở lại làm điều thất đức? Bởi vì hạt thiện mà gieo không đúng chỗ ắt sẽ mọc lên mầm ác. Cũng vậy, lời giáo hoá của chốn thanh bần sao có thể len lỏi vào nơi cung cấm ngào ngạt son phấn. Bần ni xin tạ ơn lòng đoái thương của Bệ hạ mà không dám nhận
trọng trách Bệ hạ vừa giao phó. Xin Bệ hạ rộng lượng gia ân cho bần ni được trở về ngay động Trầm.

- Không được!… Sư bà đừng trái lời trẫm… Bay đâu!

Thần Tông giật giọng, mấy ngón tay trắng mảnh co lại, đấm mạnh lên ngai vàng.

- Xin tuận lệnh! Tâu bệ hạ!

Viên Tổng Thái giám đứng hầu vội rạp mình rồi lui bước, khuất vào phía sau bóng tối nội điện.

Hai tấm rèm nặng trĩu sau lưng Ngài ngự được từ từ kéo ra. Luồng ánh sáng chói loà từ đằng sau tấm rèm đập vào mắt. Hàng trăm cung nữ nối nhau quì mọp. Dào dạt mùi phấn sáp chế từ bột nếp, chu sa và hoa hồng. Mùi xạ hương, mùi trầm xông ướp trong xiêm áo của các cung nữ cùng ganh đua ngào ngạt. Xiêm áo ba bảy lớp trăm hồng ngàn tía.

Sư bà cúi mặt, khó thở với vị phàm trần nồng nặc, nhưng vẫn phải sững sờ vì vẻ đẹp rực rỡ của các cô gái hầu hết đang tuổi trăng tròn…

Sư bà biết rằng tất cả những cô gái đẹp của trăm miền được Thần Tông tuyển nạp về đây mới chỉ trong vòng hai năm trời từ khi người lên nối đức tiên đế lên ngôi hoàng đế trị vì thiên hạ. Sư bà chợt hiểu đâu là cái căn nguyên của ngọn lửa rừng rừng lúc như thiêu đốt lúc như lặn tắt trên gương mặt, trong đôi mắt của con người ngồi trên ngai vàng kia. Bất giác sư bà cúi xuống khẽ thở dài:

Thần Tông nhìn sư bà, dịu giọng:

- Hãy xem… các cung nhân của ta đã sẵn sàng. Sư bà hãy theo ta!

- Tâu bệ hạ… Bần ni không thể…

Nhưng Thần Tông đã đứng dậy. Viên Tổng quản Thái giám lén nhẹ trở lại chỗ cũ bên ngai vàng từ lúc cánh rèm kéo lên vội đưa tay đỡ ngài ngự. Sư bà định nói nữa nhưng nhìn Thần Tông đã đứng dậy quay gót, bất đắc dĩ, sư bà đành bước theo Thần Tông.

Hai hàng cung nữ quì bất động trên điện ngọc. Chỉ thấy những tấm lưng thon, những bờ vai mỏng, những mái tóc dày rung rung. Và phảng phất đâu đó những hơi thở rộn ràng cố ghìm nén lại trong lồng ngực. Vốn quen với khoảng không gian trong trẻo và lạnh lẽo của hang động Trầm, mỗi bước đi sư bà mỗi thấy bức bối ngột ngạt.

Tay đỡ đức vua, Tổng quản Thái giám không ngăn được gườm mắt khi đi qua sư bà. Từ hôm sư bà vào cấm cung đến nay, mâm Lục đầu bài bỏ ngỏ. Sự bất thường chưa từng có ở Tử Cấm Thành, từ ngày Hoàng đế lên ngôi.

Theo lệ của triều đình, ngoại trừ Hoàng hậu là người làm chủ trong cung cấm, còn thì mọi phi tần cung nữ đều được ghi trên mỗi tấm thẻ bài màu xanh. Thần Tông lên ngôi hai năm, số thẻ bài nằm chất đầy mấy chiếc tráp lớn để chật trên giá. Đã vậy, mùa thu năm ngoái, Hoàng thượng còn xuống chiếu cho con gái các quan và các nhà hào phú trong thiên hạ đến tuổi cũng chưa được lấy chồng, phải chờ đợt tuyển chọn người vào hậu cung, ai bị loại mới được tính tới chuyện hôn thú… Buổi tối, sau khi Hoàng thượng dùng ngự thiện, viên Tổng quản Thái giám quì xuống, hai tay dâng chiếc mâm bày các Lục đầu bài để ngửa. Vua liếc nhìn qua, trong đám phi hậu cung tần, vua thích ai thì cầm tấm thẻ có tên người đó lật úp xuống. Được lệnh truyền, các Thái giám nội thị cứ theo thẻ được chọn mà sửa sang, chuẩn bị đưa người vào nội thất hầu hạ đức vua.

Trừ ngày đầu tháng, Đức vua thường ngự ở cung Nghênh Xuân của Hoàng hậu, còn các ngày trong tháng, viên Tổng quản Thái giám thường là người biết tường tận mọi ham muốn sở thích của vua mà chọn lựa phi tần mỹ nữ cho vừa lòng ngài ngự.

Những ngày xuân, tiết trời ẩm ướt, cây hăng hăng lộc, cái rét vẫn ngấm ngầm làm tê tái thịt da, Tổng quản thận trọng đặt lên mâm lục đầu bài những chiếc thẻ mang tên các cung tần đến từ phương Nam với nước da nâu hồng ấm áp, mắt to mi rợp, môi mọng hơi trề như nũng nịu. Tổng quản biết, các cung tần này đầu gối tay ấp bên vua sẽ như mang ánh nắng phương nam chói gắt đến sưởi ấm cho ngài, làm tan hơi lạnh của tiết đông xuân. Mùa hạ, trên mâm Lục đầu bài chen chúc tên của các mỹ nữ tuyển từ Bắc phương. Mí mắt dài hẹp tản khoé thu ba trên làn da trắng muốt như bạch hoa trà. Tóc đen dài vấn vít quấn cao trên đầu, cài chặt bằng trâm vàng, trâm bạc hoặc cành thoa có gắn hoa sen còn hàm tiếu thơm ngào ngạt. Cẩn trọng hơn, tổng quản còn xem ai có làn da mát lạnh giữa mùa hè thì mới chọn khi lâm hạnh, vua hài lòng như được đắm trong dòng suối mát.

Bây giờ, Đức vua đã cho vời sư bà đã ngoài sáu chục tuổi này vào giữ trong cung làm gì đây? Viên Tổng quản Thái giám không dám nghĩ tiếp. Ông ta băn khoăn nhìn sư bà bước đi, mong manh lạc lõng giữa hậu
cung muôn hồng nghìn tía.

- Sư bà! Các cung nhân của trẫm thành thạo về đường son phấn mà vụng dại về đường phụng thờ Phật.
Ta lưu sư bà trong cung để sư bà uốn nắn điều này…

Mắt không rời sư bà, Vua nhắc lại:

- Hậu cung của Bệ hạ đã quá đủ đầy. Mà Phật đạo thì quá xa lạ với những chỗ huyên náo. Xin Bệ hạ đừng buộc kẻ kém cỏi này phải nói ra những lời lạc lõng.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2011, 11:31:29 pm »

Môi sư bà run rẩy như cố ghìm tiếng nấc:

- Xin Bệ hạ cứ trọn hưởng lạc thú, cho sớm trọn kiếp này…

Nhìn những giọt nước mắt long lanh bên khoé mắt sư bà, Thần Tông ngạc nhiên, gần như mừng rỡ:

- Sư bà sao lại khóc? Trẫm đã làm sư bà đau lòng ư?

Sư bà cố kìm những giọt nước mắt:

- Tâu Bệ hạ! Bần ni chỉ là phận con sâu cái kiến, có đáng kể gì đối với Đấng cửu trùng. Xin người đừng để tâm. Chỉ có điều, xin Bệ hạ hiểu cho rằng, với một kẻ đã rắp tâm xa lánh cõi phàm, chỉ quen ăn rau rừng, uống nước suối, nhìn ngắm đất nâu và cỏ xanh, thì việc bắt buộc phải ở lại nơi này, cũng không khác gì bị hãm vào đoạ xứ… Xin hãy cho bần ni được về chốn cũ.

Đức vua nổi giận:

- Sư bà! Nên nhớ rằng, bà dầu đã dâng mình cho Phật đạo, nhưng bà sống ngày nào thì vẫn ăn ở đi lại trên
đất của Thiên tử. Nếu bà quá ngang ngược, ta sẽ không dung tha.

Sư bà ai oán ngẩng nhìn. Đôi mắt chỉ biểu lộ sự tuyệt vọng, ngao ngán, mà không oán giận:

- Vậy thì, Bệ hạ cứ một mực như thế, xin hãy nghe. Bần ni chỉ xin nói lại lời di chúc của đức Phật mà thôi.
Quyển bốn, Phá tăng sự, đã nói: lúc Bồ Tát còn là hoàng tử ở trong cung, khi vui vẻ chơi đùa, hay nói lảm nhảm. Một mình của ngài có ba bà phu nhân và sáu vạn mỹ nữ. Ngài nói, nếu ta không làm chuyện tục lậu với họ, e rằng người ngoài nói ta không phải là kẻ trượng phu…

Mắt Thần Tông sáng rỡ:

- Sư bà thật hiểu rộng biết nhiều. Ta này đường đường là vua một nước, mấy trăm mỹ nữ cung tần, chưa có chi là nhiều…

- Nếu Bệ hạ quả thực sùng đạo Phật, vậy có thể làm theo đức Phật dạy được chăng? Phật dạy: "Tỳ kheo các người, nên tự cạo đầu, bỏ hết đồ trang sức, mác áo nâu màu xấu, cầm bát xin ăn cho sống qua ngày.
Phải tự biết như thế mới là phải phép, hễ hơi có lòng kiêu ngạo là phải dẹp đi ngay!".

- Khổ ải như thế phỏng có ích gì đối với một bậc đế vương?

- Theo chỗ bần ni biết, Bệ hạ và những người trong cung cấm, dù vui chơi, tận hưởng xa hoa thỏa chí mà tâm vẫn phiền não. Đó là vì chưa xem phép "biết đủ" của đức Phật. Cái phép "biết đủ" tức là chỗ vui vẻ yên ổn. Con người biết đủ, dẫu nằm trên đất lạnh vẫn yên vui. Kẻ không biết đủ dẫu ở lầu cao cửa rộng giữa son phấn ngọc ngà cũng không xứng ý. Không biết là đủ, dù giàu cũng là nghèo, Biết đủ, dù nghèo cũng như giầu. Kẻ không biết đủ thường bị ngũ dục lôi đi. Người biết đủ lấy thế mà thương xót…!

Thần Tông cả cười:

- Dương như ta đã nghe những lời này nhiều lắm rồi. Từ kiếp trước! Nhưng ta thấy, thiên hạ chỉ có những kẻ không có thì mới tự an ủi rằng mình đang "tri túc". Còn những bậc đế vương xưa nay, dẫu có cả thiên hạ trong tay cũng không bao giờ tự cho là đủ. Nếu không, việc ra sức động binh mở mang bờ cõi, sơn hào hải vị đầy bàn, son phấn mỹ nhân bao bọc quanh mình… chẳng là hão huyền sao…!

Sư bà rạp đầu, chắp hai tay vái dài Thần Tông:

- Muôn tâu! Xin Bệ hạ gia ân, cho phép bần ni ra khỏi đoạ xứ này!

- Không được. Sư bà phải ở lại!

Thần Tông ghé vào tai sư bà, khẽ nói:

- Sư bà nên biết, hình như những năm qua, đêm đêm ta mơ thấy gương mặt của sư bà…

Câu nói thầm đó tựa như tiếng sét bên tai sư bà. Lồng ngực mảnh mai run rẩy của sư bà không ghìm nổi tiếng nấc. Sư bà buột miệng:

- Quá lắm! Từ Lộ! Hai kiếp của người rốt cục cũng chỉ đầy đoạ thân ta mà thôi!

Thần Tông giật nẩy mình khi nghe hai tiếng "Từ Lộ". Đứng sững. Cau mày như nhớ lại một điều gì. Giây lâu. Có một cái gì như bóng mây thoáng qua. Cố nhớ lại một hình bóng nào đó. Nhưng rốt cục, chỉ thấy gương mặt thiếu nữ nhạt nhoà. Đôi mắt sũng nước như lá. Và trong không gian ngòn ngọt nhàn nhạt mùi sữa dã nhân.

Thần Tông bất chợt đưa hai tay về phiá sư bà đang khóc nức nở. Như một đứa trẻ đòi mẹ che chở. Lại như một người tình khao khát được ôm ấp. Mắt vua cũng giàn giụa nước.

Nhưng sư bà động Trầm bỗng sững lại.

Từ phiá sau Thần Tông, một cung nhân tha thướt trong bộ xiêm áo màu hồng. Đôi mắt xám mênh mang với con ngươi ánh nâu như mắt mèo hoang. Môi mọng màu hoang thổ. Tóc mượt như lụa không thèm búi chảy tràn xuống bờ vai thon mảnh. Thấp thoáng sau tấm sa mỏng, chiếc rốn màu chu sa ẩn hiện theo bước đi kiêu hãnh của loài ngựa hoang.

Duờng như không gian tràn ngập nàng. Cung nhân hồ ly.

Dù không quay lại, Thần Tông vẫn biết dó là Ngạn La. Ngài ngự rụt đôi tay đang đưa về phía sư bà, cất tiếng vọng lại:

- Ngạn La! Sao bây giờ nàng mới đến?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM