Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:53:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nho tướng Nguyễn Công Trứ - Vu Gia  (Đọc 26279 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #10 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:05:40 pm »

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi, lấy hiệu Quang Trung, tiến quân ra Bắc. Dân chúng đất Bắc nói chung, Thái Bình, Sơn Nam nói riêng hầu như nô nức đón chờ. Và Nguyễn Công Tấn càng thấm thía lời dạy của mưu thần Nguyễn Trãi: Lật thuyền mới thấy dân như nước. Rõ ràng là chuyện Cần vương mà lâu nay ông khuyến dụ chẳng qua người người qúi ông mà vâng vâng dạ dạ, chứ thực ra lòng dân chẳng còn ai tin vào ông vua hèn, bầy tôi nhược.

Mạch suy nghĩ của Nguyễn Công Tấn dường như chưa dứt, thì đại quân của người anh hùng áo vải Tây Sơn giành hết thắng lợi này tới thắng lợi khác. Mấy chục vạn quân Thanh, kể cả Tuần phủ sứ Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín trốn chạy về Tàu. Những bậc hiền giả cao minh ông hằng kính trọng như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, v.v... sớm về với Tây Sơn. Ai cũng có cái lý cho riêng mình, nên ông chẳng trách buồn ai. Khi nghe bài chiếu Dụ cựu triều văn võ của Quang Trung: "Những người bị tù đều nhất loạt được tha. Những người trốn tránh đều không truy nã" thì Nguyễn Công Tấn cho rằng, đó là phép an dân, chẳng có gì cao minh cả. Quan trọng là thời gian. Hễ trước sau như một mới là bậc quân tử, đúng là kẻ thấm nhuần đạo thánh hiền. Thánh nhơn đã dạy: Quân tử đạo giả tam: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ (Đạo quân tử có ba điều: có nhân tức chẳng lo rầu, có trí tức chẳng lầm lạc, có dũng tức chẳng sợ sệt). Ông sẽ coi. Sống ỡ thác về, chẳng có gì phải lo sợ. Cùng lắm, ông sẽ hành động như Đức Khổng tử, chống gậy hát ngêu ngao: Thái Sơn kỳ đồi hồ, lương mộc kỳ hoại hồ, triết nhân kỳ suy hồ (Ôi non Thái bạt ngàn, lương mộc nát tan, triết nhân suy tàn). Nhưng trong thâm tâm, ông muốn nước nhà ổn định để đứa con trai của ông có điều kiện giúp ích cho đời. Cái tài của cậu Củng nhà ông sớm lộ rõ. Song với ông, cái đức mới là quan trọng. Đức thắng tài vi quân tử. Tài thắng đức vi tiểu nhân. Và đó là bổn phận của ông, của người cha biết lo cho tương lai con cái.

Và Nguyễn Công Tấn đã dốc hết kinh nghiệm ở đời, lẫn chữ nghĩa cho con. Nguyễn Công Tấn cố quên nhà Lê, nhưng mùa đông năm Qúi Sửu (tháng 10, Cảnh Thịnh thứ 1, 1793) được tin vua Chiêu Thống băng hà nơi đất khách, ông đã khóc. Có người cho ông biết, gia đồng của Phạm Như Tùng và Lê Huy Vượng có công khó nhọc với vua, nên được nhận làm con nuôi, đặt tên là Duy Khang. Trước giờ lâm chung, vua Chiêu Thống có di mệnh với các bề tôi và Duy Khang rằng: "Gặp khi vận nhà suy kém, không thể liều chết để giữ xã tắc, phải chạy sang đất người để khôi phục. Không ngờ lại bị người lừa dối để đến nỗi như thế này, không còn biết làm sao được. Ngày sau, các người trở về nước nhà được, nhất thiết phải mang nắm xương tàn của ta về chôn ở nước nhà để làm cho chí của ta được rõ".

Đúng là đức nhà Lê đã hết, và biết đến bao giờ, rồi ai là người thực hiện được cái chí nhỏ nhoi của vị vua cuối cùng triều Lê ? Ôi, chỉ chút đớn hèn mà trở thành kiếp ăn nhờ ở đậu... Bệ hạ ơi... Nguyễn Công Tấn gục đầu xuống bàn, nén tiếng khóc mà nước mắt cứ đổ, đôi vai già cứ rung...

Nắm xương tàn về quê cha đất tổ là đúng rồi, bởi cáo chết ba năm còn quay đầu về núi huống gì con người, nhưng "chí" gì được tỏ ? Chẳng có chí gì cả, bệ hạ ơi ! Con không được trách cha. Bề tôi không được trách thiên tử. Nhưng... vua hèn thì tôi nhục. Cũng là cái chết, nhưng có cái chết mà không chết, còn bệ hạ thì đã chết trong lòng mọi người từ khi bỏ nước ra đi. Thần khóc chưa hẳn đã khóc cho bệ hạ mà khóc cho đức của nhà Lê ta kiệt. Nếu cõi âm có thật, thần không biết bệ hạ, thậm chí cả hạ thần ăn nói làm sao với liệt tổ liệt tông...

Nguyễn Công Tấn mệt mỏi đứng dậy, từ từ đi lại bàn thờ đốt nắm nhang ra vái tứ phương.

*

* *

Gà đã gáy sang canh, Nguyễn Công Trứ giật mình mới hay mình đã khóc. Nguyễn Công Trứ tự trách mình quá vô tâm vô tình để khi hiểu được cha thì cha đã ra người thiên cổ. Ông vùng dậy, quay vào thư phòng, khêu ngọn đèn dầu lạc, vung bút một hơi, rồi ngâm lên sang sảng như bao lần đọc trước mặt cha:

Vũ trụ chức phận nội,

Đấng trượng phu một túi kinh luân.

Thượng vị đức, hạ vị dân,

Sắp hai chữ "quân, thân" mà gánh vác.

Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,

Không công danh thời nát với cỏ cây.

Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,

Phải hăm hở ra tài kinh tế.

Người thế giả nợ đời là thế,

Của đồng lần thiên hạ tiêu chung.

Riêng nhau hai chữ anh hùng.

Khí phách lắm, hào hùng lắm và cũng... chững chạc lắm lắm ! Nguyễn Công Trứ tưởng chừng như thân phụ đang mỉm cười, bằng lòng với chí định của con mình.

Bên ngoài, tiếng học bài của con, tiếng lợn trong chuồng đòi ăn và tiếng vo gạo của vợ... báo hiệu ngày mới đã về
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #11 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:07:13 pm »

Chương 4

Tròn nửa đời người, Nguyễn Công Trứ mới cảm nhận hết mùi cay đắng. Ngày đỗ đầu xứ sau một kỳ sát hạch Tiến Ích (Ngày xưa, chừng một năm, các trường Đốc học ở tỉnh, Giáo thụ ở phủ, Huấn đạo ở huyện, đều có mở các kỳ khảo hạch khả năng các sĩ tử để xem việc học hành có tiến bộ hay không. Những kỳ khảo hạch này gọi là hạch Tiến Ích) cùng với các thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Nguyễn Công Trứ thấy trước mắt con đường tương lai rộng mở. Có lẽ, ông là ông đầu xứ thường hay lê la với đám hát cô đầu, với những sòng tổ tôm, mạt chược. Thân phụ ông cũng có lúc la rầy, nhưng chứng nào tật nấy. Con một có cái hư của con một, con bầy có cái hỏng của con bầy. Và thân phụ của ông chỉ còn biết thở dài. Hỏng kỳ thi hương lần này do ông nhiều hơn là do số mệnh.

Ngày đỗ đầu xứ, ông đi hát xướng những mấy ngày liền, thân phụ ông đã đe nẹt:

- Anh nhớ rằng đỗ đầu xứ kỳ thi hạch Tiến Ích không là gì hết. So sánh chẳng có gì hay, nhưng nói cho anh biết, ngày bằng tuổi anh, thầy đã được quyền viết chữ sĩ có bộ nhơn kèm theo rồi, và với dòng họ cũng nở mày nở mặt. Anh đã nên bề gia thất, thầy không muốn quở mắng anh nhiều. Mọi việc ở đời nên biết dừng lại đúng lúc, đúng nơi. Anh nghiệm lấy mà sống để khỏi xấu mặt với tiền nhân.

Thật là bỉ mặt với tổ tông. Nguyễn Công Trứ cột chặt cửa thư phòng không để cho vợ con quấy rầy. Ông thẩn thờ nhìn vòng khói nhang chập chờn hư ảo trên bàn thờ gia tiên. Ông cầu xin tiền nhân chứng giám cho lòng ông. Lúc này, ông mới thấy hết cái tài hay chữ, cái danh đầu xứ vùng Hoan Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh) đã hại ông. Và hình ảnh thân phụ như hiện về trong ông với nụ cười hiền từ nhưng không kém phần nghiêm khắc. Ông khẽ nhếch môi cười, vì ông hiểu được nụ cười của thân phụ. Ai không vui khi trồng cây được hái quả ngọt lành. Ngay từ nhỏ, ông đã được cho là người sáng dạ và thân phụ ông thường cười bằng mắt trước những lời khen của những người quen biết. Theo mẫu thân kể lại, thì năm Giáp Thìn, Cảnh Hưng thứ 45 (1784), quân lính kiêu căng, kéo bè kết cánh kéo vào tận phủ chúa đòi ban thưởng và đập phá dinh thự Tán quận công Nguyễn Khản (anh ruột Nguyễn Du). Thân phụ ông buồn lắm, nhưng còn nhờ vào đứa con trai thông minh dĩnh ngộ nên khuây khỏa nỗi buồn. Với mẹ, thì cậu Củng thời nhỏ cái gì cũng nhất thiên hạ. Và... Nguyễn Công Trứ thở dài, nhìn làn khói nhang khi mờ khi tỏ qua luồng ánh sáng dọi vào vách phên tre đã tróc cứt trâu.

Nhớ lại ngày ấy, hai cha con đi chơi, ngang qua cái cống được xây ghép bằng đá xanh, thân phụ của ông chỉ vào, nói:

Đá xanh ghép cống, hòn dưới chống hòn trên

Cậu bé Củng nhìn quanh và dừng lại mái ngói lợp âm dương của ngôi nhà bên đường, nói ngay:

Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước

Ông không ngờ câu đối bất chợt của đứa bé bảy tuổi đã làm cho thân phụ vui, quên vận nước đang hồi điên đảo. Rồi dường như cũng vào năm đó, thân phụ ông tiếp khách, lâu lâu lại kéo thuốc lào, thả khói thơm lừng. Khách hỏi thân phụ ông đã dạy ông phép làm thơ chưa. Thân phụ ông cho rằng con còn nhỏ chưa đến lúc khai tâm. Bé Củng thấy cha vê thuốc lào vào điếu, vội đốt đóm hầu. Việc này không ai buộc, nhưng cậu bé Củng thích tiếng kêu ro ro của nó và thích ngửi mùi thơm dễ chịu, nên tình nguyện và chưa một lần bị quở mắng. Thấy khói thuốc lào quánh đặc từ miệng, từ mũi của thân phụ bay ra, cậu bé Củng ứng khẩu:

Nín hơi biển động ba từng sóng

Há miệng rồng bay chín khúc mây

Khách vỗ đùi khen hay. Thân phụ của ông tròn mắt nhìn. Như được động viên, cậu bé Củng sung sướng đọc tiếp:

Ba từng sóng dội vang trời bể

Năm sắc mây bay thấp thoáng trời

Khách xoa đầu cậu bé sáng dạ, tương lai phong vân đắc lộ, sự nghiệp kinh nhân và xin phép chủ nhà được phép khai tâm cho đứa bé. Và đó là người thầy đầu tiên của Nguyễn Công Trứ. Ngày theo song thân giã từ người thầy đức độ trở lại quê cha đất tổ ở làng Uy Viễn này, ông nào có biết gì. Ông cứ tưởng vì lo kiếm thầy giỏi để ông có điều kiện được học những điều hay điều tốt của thánh hiền nhằm lớn lên giúp nhà, giúp nước, chớ nào biết Đức Ngạn hầu muốn về quê ẩn dật giữ tròn chữ trung, bảo toàn danh tiết.
Trước ngày lên đường, cậu bé Củng đến tạ ơn người thầy đầu tiên câu đối:

Tuy tôn sư chi giáo trạch vô cùng, hà cảm xá cận nhi cầu viễn

Nhi quốc gia chi học qui hữu định, tương sử tự hạ tiệm thăng cao

(Tuy ơn giáo dục của tôn sư vô cùng, đâu dám bỏ nơi gần mà tìm nơi xa

Nhưng phép học hành của quốc gia có định, nên phải từ chỗ thấp mà bước lên chỗ cao)
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:08:03 pm »

Năm đó, tuổi của ông vừa tròn con giáp. Nguyễn Công Trứ nhớ lại và thầm cười một mình. Kể cũng lạ. Ngày ấy chẳng hiểu sao, ông nói toàn những giọng trổ trời, nghịch ngợm, nhưng người lớn nghe được cứ cho rằng, đó là văn chương khẩu khí. Hồi mới học phép làm thơ, gặp lúc trời mưa giông, có người ném gánh cỏ cho trâu xuống đất, chạy vào núp mưa dưới mái hiên. Vừa tạnh hạt, người nọ vội chào chủ nhà rồi chạy ra xốc gánh cỏ, bươn thẳng. Cậu bé Củng ứng những lời thầy dạy, tức cảnh đọc sang sảng:

Tạnh cơn phong vũ lò ngay mặt

Sẵn gánh càn khôn ghé thẳng vai

Ai nấy đều tấm tắt khen hay và khí khái, làm cậu bé Củng xấu hổ không biết trốn vào đâu. Nếu ở nhà, chắc chắn cậu sẽ sà vào lòng mẹ.

Và nào chỉ vậy. Một lần khách đến thăm nhà, thân phụ cho người sai ông lên hầu trà. Khách thấy ông vội ngớ người và khen lấy khen để. Khen thật chứ không phải là khen lấy lòng. Bởi trước đây, người khách ấy không biết ông là con nhà ai cũng đã thốt lên: "Khả úy đoan đoan đích hậu sinh” (Kẻ hậu sinh này rất đáng sợ).

Sự thể chẳng là một hôm ở nhà thầy học, ông theo bạn bè về quê hương người trưởng tràng chơi, giữa đường gặp đoàn xe ngựa, dù lọng rợp trời, ai nấy đều tránh dạt hai bên đường, riêng cậu bé Củng cứ như chôn chân tại chỗ, tròn mắt nhìn, vì mọi thứ đối với cậu đều lạ mắt quá.

Bị cho là vô lễ, cậu bé Củng bị lính bắt, vội khóc lóc hô hoán rầm trời. Các bạn bè, kể cả anh trưởng tràng chẳng ai dám bước ra nói một lời van xin. Kiệu của vị quan lớn tới hỏi đầu đuôi, và ra vế đối:

Khách khoa bảng, khách văn chương, giữa quan khách, khách lại gặp khách

Bé Củng lấy tay áo chùi nước mắt, nhìn vào chiếc kiệu, đối ngay:

Ai anh hùng, ai hào kiệt, trong trần ai, ai dễ biết ai ?

Nhắc lại chuyện đó, thực tình Nguyễn Công Trứ không hiểu sao mọi người cứ cho ông là thần đồng. Chẳng lẽ hễ ai biết ứng đối nhanh, biết làm thơ hay là làm vương làm tướng được hết hay sao ? Tuy còn nhỏ, nhưng Nguyễn Công Trứ đã thấy đó là điều lạ.

Còn đang nghĩ vu vơ, thì thân phụ ông vuốt râu mỉm cười, sung sướng bảo:

- Cậu ấm (vì con quan) hãy tạ ơn quan bác và ứng khẩu kính quan bác bài thơ.

Ấm Củng đỏ mặt, lí nhí trong miệng xin khách ra đề. Khách cũng đưa tay vuốt chòm râu ra chiều sung sướng, dõi nhìn ra ngoài vườn rồi bảo bé Củng vịnh cây cau.

Ấm Củng nhìn hàng cau cao vút ngoài vướn, lấy ý, lựa vần rồi xin phép, đọc liền một mạch:

Ơn chúa vun trồng kể xiết bao,

Càng ngày càng một rấn lên cao.

Lưng đeo vai bạc sương vừa nhuốm,

Đầu đội tàn xanh nắng chẳng vào.

Buồng chất cháu con khôn xiết kể,

Nhà nhiều quan khách dễ khuyên chào.

Kình thiên một cột đưa tay chống,

Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao.

Nghe xong, khách cười khà, khen nức nở. Thân phụ của ông cũng lấy làm sung sướng. Nhưng thời của cậu ấm Củng sớm đi qua. Mới mười bốn, mười lăm tuổi, Nguyễn Công Trứ đã được gia đình kiếm vợ những mong sớm có người nối dõi tông đường. Và cậu ấm cứ vẫn là cậu ấm chẳng nên thân chút nào. Những lời khen của người lớn, nhất là khi trở thành "ông đầu xứ", thì Nguyễn Công Trứ càng tự tin – tự tin đến độ quá quắt.

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Khi Nguyễn Công Trứ đỗ đầu xứ, Nguyễn Trùng Quang ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh) nghe tiếng, ghé đến thăm và mời Nguyễn Công Trứ đến nhà chơi. Đúng hẹn, Nguyễn Công Trứ đến chỉ thấy ngoài cửa sổ đề câu đối:

Sinh nê nhi bất nhiễm

Hữu xạ tự nhiên hương

(Sinh nơi bùn mà không nhiễm

Có chất xạ tự nhiên thơm)

Nhếch môi cười thầm trong bụng, Nguyễn Công Trứ ung dung bước vào chào chủ nhà và thấy trên bàn có sẵn giấy bút nên xin được đề mấy chữ. Nguyễn Công Trứ không đợi nhiều. Chủ nhà gật đầu mời ông phóng bút ngay:

Cửa sấm dám đâu mang trống lại

Đất người đành phải vác chiêng đi

Tuy rút ra từ hai câu tục ngữ: “Đánh trống trước cửa nhà sấm" và "Vác chiêng đi đánh xứ người”, nhưng ông đầu xứ Nguyễn Trùng Quang hiểu người khách trẻ muốn nói gì, vội vàng đứng dậy chắp tay vái Nguyễn Công Trứ và xin chịu làm em, mặc dù tuổi có lớn hơn.

Nguyễn Công Trứ từ chối. Nguyễn Trùng Quang viết bên dưới câu đối nôm của Nguyễn Công Trứ hai câu thơ chữ Hán:

Kinh nhân văn tự đề giai cú,

Tuyệt thế anh tài kiến thiếu niên.

(Văn tự kinh người đời, đề đôi giai cú,

Anh tài tuyệt cõi thế, thấy kẻ thiếu niên)
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:09:01 pm »

Từ chối không được, Nguyễn Công Trứ bèn cúi đầu tạ lễ, rồi hai người cùng ngồi lại đàm đạo văn chương. Khi chia tay, Nguyễn Trùng Quang viết tặng riêng cho Nguyễn Công Trứ hai câu thơ nói lên lòng thành thật của mình:

Khắc chấn danh gia năng hữu tử

Bất tài tiện đệ nhượng vi huynh

(Nối nghiệp danh gia sanh được con tài giỏi

Kém tài, tiện đệ nhường bậc đàn anh)

Nguyễn Công Trứ sướng lắm và hai người thường hay qua lại, rủ nhau đi viếng chùa này, đi thăm cảnh nọ. Một hôm nghe Nguyễn Trùng Quang báo có vị sư trụ trì một chùa không xa lắm, chữ nghĩa cũng giỏi. Nguyễn Công Trứ chờ dịp thuận tiện đi viếng cảnh chùa.

Đi đường cũng mệt, gặp cảnh chùa vắng lặng, Nguyễn Công Trứ bước thẳng xuống bếp hi vọng gặp ai đó xin miếng nước. Không dè khi vào tới bếp, vị sư đứng bên trong lên tiếng:

Khách khứa quản chi ông bếp núc

À, chắc vị sư giỏi chữ đây rồi ! Nguyễn Công Trứ thấy lòng phấn khởi, quên cả sự mệt nhọc đường trường. Nguyễn Công Trứ bình tĩnh rót tô nước vối uống một hơi ngon lành rồi nhìn vị sư đang vẫn sắp lại mấy vại cà, đối ngay:

Trai chay mà có vại cà sư

Vị sư đứng bật dậy tròn mắt nhìn người khách trẻ. Còn Nguyễn Công Trứ thì mỉm cười. Ở vùng Nghệ Tĩnh
vại cà và bà vãi đều nói là vại, nên câu đối của ông vô tình lại khá thâm thúy.

Vị sư chắp tay lên ngực, ngước mặt nhìn trần nhà, nói:

Xin chứng minh cho, Nam Mô A Di Đà Phật

Nghe vậy càng làm cho hào khí của Nguyễn Công Trứ bốc lên, quên hẳn mọi thứ trên đời. Với Nguyễn Công Trứ lúc này phải rạch ròi hơn thua trên tài trí, chữ nghĩa thánh hiền. Nguyễn Công Trứ đưa tay sửa lại nồi nước vối trên bếp, tiếp lời:

Còn chiếu giám đó, Đông trù Tư mệnh tướng quân

Dù là kẻ tu hành không thích hơn thua, nhưng nghe người khách trẻ chế nhạo mình, vị trụ trì cũng khẽ nhíu mày. Bên mời phật, bên nhờ vua bếp ra minh chứng, quả thực là hay, là tài trí. Vị sư nói tiếp:

Đọc ba mươi sáu quyển kinh, không thiên địa thánh thần nhưng khỏi tục.

Nguyễn Công Trứ hiểu ý nhà sư, nhưng đã bước vào trường chữ nghĩa rồi, chẳng lẽ chịu thua ? Nguyễn Công Trứ đối ngay:

Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người

- Mô Phật ! Thí chủ đây có phải người đầu xứ của vùng Hoan Châu không ?

- Xin đừng trách bần tăng có mắt không tròng. Mời thí chủ quá bước lại trai phòng đàm đạo. Bần tăng nghe danh đã lâu, nhưng bữa nay mới gặp mặt. Danh bất hư truyền. Hay lắm, hay lắm!

*

* *

Hỏng kỳ thi hương lần này (1807) tuy không có nỗi buồn nào bằng, nhưng nghĩ lại, Nguyễn Công Trứ nghiệm ra bài học nhớ đời. Những năm gần đây, từ kẻ sĩ đến thường dân đều truyền miệng bản Truyện Kiều của Nguyễn Tiên Điền. Cái tài, cái hay của bản thơ nôm, Nguyễn Công Trứ đã thấy và lúc này ông có cảm giác như Nguyễn Tiên Điền nhắc nhở mình: Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Đúng là, biết khôn cớ sự đã rồi. Khổng tử đã dạy: Tam thập nhi lập. Thế mà, ông đã làm được gì đâu. Thân phụ ông cũng là Đức Ngạn hầu thật đấy, nhưng nào có gì ngoài cái nhà tranh ba gian, một miếng vườn nho nhỏ và mấy chồng sách cũ. Ông rất qúi, rất kính trọng cuộc sống đạm bạc của thân phụ trước hoàn cảnh nước nhà nghiêng ngữa. Mọi ước mơ của thân phụ, ông là người duy nhất phải gánh vác, chu toàn mà chưa có gì ra hồn. Nhìn vợ con khổ cực, Nguyễn Công Trứ ứa nước mắt, gắng gượng làm vui. Phải gắng vậy ! Phải gắng vậy ! Nguyễn Công Trứ thầm dặn lòng như thế và nhúng cây bút lông vào nghiêng mực.

Cảnh muộn đi về nghĩ cũng rầu,

Trông gương mà thẹn với hàm râu.

Có từng gian hiểm mình càng trí,

Song lắm phong trần lụy cũng sâu.

Năm ấy đã qua thời chẳng lại,

Giống kia có muộn mới còn lâu.

Khi vui diễu cợt mà chơi vậy,

Tuổi tác ngần này đã chịu đâu.

Tận nhân lực tri thiên mệnh. Ông đã tận lực đâu. Vẫn thói nào tật nấy. Mất bò mới lo làm chuồng. Phải gắng vậy ! Phải gắng vậy ! Nếu buông xuôi, thì ông chỉ là anh đồ gàn làm khổ vợ con và lúc chết xuống suối vàng đâu dám gặp mặt tổ tiên. Ở đời đâu phải ai cũng “tam thập nhi lập”, đâu thiếu người ngoài bốn mươi mới nên danh phận, chớ nào chỉ mình ông. Phải gắng thôi ! Phải gắng thôi !
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:10:08 pm »

Chương 5

Cư tang mẹ chưa xong, Nguyễn Công Trứ đã được thăng Tham tán quân vụ Bắc thành, Hình bộ thị lang ở tào hình và tham gia dẹp giặc Phan Bá Vành. Với tuổi "tri thiên mệnh", nhiều người tưởng đã mỏi gối chồn chân, nhưng với Nguyễn Công Trứ vẫn thấy mình còn... trai chán. Đứng bên nấm mộ của mẹ cùng khói nhang trầm thoang thoảng, Nguyễn Công Trứ thấy lòng ấm lại. Dù sao, ông cũng trả được cái hiếu với quê hương, tổ tiên, cha mẹ. Về đời sống vật chất cũng chưa phải là dư dả, nhưng về đời sống tinh thần vào những năm cuối đời, thân mẫu ông khá bằng lòng. Ai trồng lúa chẳng mong tới ngày gặt lúa và còn chi sung sướng hơn là ôm về nhà những bông lúa trĩu tay ? Mẹ ông đã ôm được những hạt vàng ấy vào lòng, khiến ông cũng thấy thanh thản. Tội nghiệp. Hơn hai mươi năm mất chồng, mười sáu năm nhìn thằng con lận đận trên đường tìm kiếm công danh, cộng với cái nghèo cái khó của gia đình có thêm những miệng ăn, thêm những lo toan mới, thân mẫu ông đứng vững được với những con cháu quả là người đàn bà có nghị lực phi thường. Chính bản thân ông có lúc không còn tin vào mình: Việc đời đã chắc chắn đâu, Lỡm lờ con tạo một màu trêu ngươi. Nhưng rồi nghĩ tới tổ tiên, cha mẹ, vợ con, ông lại quyết vượt lên từ khó khăn, buồn chán để thử thách “con tạo xoay vần”.

Và ngày mong đợi đã đến !

*

* *

Tứ thập nhi bất hoặc (Được bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, đạt được sự lý chẳng còn nghi hoặc – Khổng tử). Nguyễn Công Trứ vững tin vào kỳ thi đang cận kề. Kỳ thi này mà hỏng tiếp là coi như hết đời. Và ông sẽ không biết ăn nói sao với tiền nhân khi giã từ cuộc sống, còn trước mắt là mẹ già cùng vợ con. Cách đây mấy năm, vợ ông đã khóc khi đọc được câu đối của ông dán ở thư phòng:
Anh em ơi ! băm sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác
Trời đất nhẽ, một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh.
Tuy cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nhưng vợ ông chưa bao giờ để ông lộ rõ cái nghèo, cái thiếu trước bạn bè. Chưa có khi nào cô ta trách hờn khi ông đi chơi đây đó những mấy ngày liền, kể cả những lúc cùng bạn bè đón cô đầu về nhà hát xướng thâu đêm. Nào có ai ngờ cháu gái của Hồng Trạch hầu về làm bạn đời với với con trai một của Đức Ngạn hầu lại vất vả đến thế. Họ Nguyễn làng Uy Viễn của ông cũng thuộc hàng tộc to họ lớn, nhưng vẫn chưa sánh vào đâu với họ Đặng của Hồng Trạch hầu. Ông là cháu ngoại của ngài Cảnh Nhạc bá – họ Nguyễn ở Thượng Phúc (Hà Đông), nhưng cũng “mang tiếng” cháu ngoại họ Đặng của Hồng Trạch hầu, bởi trước đây, thân phụ của ông từng là rể của dòng họ Đặng. Nếu người mẹ trước không qua đời, thì thân phụ của ông sẽ không tục huyền với người con gái thứ hai của ngài Cảnh Nhạc bá và không có ông bây giờ. Và ông tơ bà nguyệt khéo xe, 14 tuổi, ông lại gõ cửa vào làm rể nhà họ Đặng.

Thấy vợ ông vất vả vì chồng con, nhiều người mượn cớ ru con, hát mỉa:

Ai ơi, chớ lấy học trò,

Dài lưng, tốn vải, ăn no lại nằm.

Mỗi lần nghe như vậy, vợ ông không khỏi buồn lòng. Ông biết, nhưng hơi đâu phiền miệng lưỡi thế gian. Một hôm đang ôm con nằm trên chiếc võng tre ở đầu hè, những lời lẽ ấy theo gió đưa lại, vợ ông cau mày ra chiều bực tức. Ông tủm tỉm cười, nhón chân đẩy chiếc võng, hát đáp lại:
Dài lưng đã có võng đào,

Tốn vải đã có áo bào vua ban.

Vợ ông nghe vậy liền hứ một tiếng và nguýt yêu chồng.

- Nói nghe phát ham ! – Vừa nói, cô vừa chuyền đứa con đang thiu thiu ngủ qua tay chồng.

Nguyễn Công Trứ nhìn dáng vợ đi với nụ cười tươi tắn. Ông biết trong lòng vợ mình đang rộn lên niềm vui mới. Công thành danh toại, áo mũ vua ban chưa cần biết tới, chỉ cần mấy lời đối đáp như vậy là đã thỏa lòng. Mặc dù, chữ nghĩa đâu đem nói tay đôi với đàn bà, nhưng cũng phải cho họ biết chồng ta bụng đầy chữ và ta chịu cực chịu khổ nuôi chồng ăn học không phải vì phước mỏng, phận hèn, mà vì cái nghĩa lớn ở đời. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, đâu phải cô gái nào lớn lên cũng được đầu ấp tay gối với người bụng đầy chữ đâu. Dù cho ruộng cả ao liền, không bằng cái bút cái nghiên anh đồ...

Nguyễn Công Trứ cười thầm trong bụng, nhón chân đẩy tiếp chiếc võng dỗ con vào giấc ngủ. Ngẫm lại, ông thấy mình đã vướng vào thói tục của đàn bà. Ông đặt nhẹ con xuống võng, rồi đi vào phòng học lấy giấy bút đề ngay câu đối:

Mạc vị khốn hành phi ngọc nhữ

Cảm tương bần tiện cố kiên nhân

Nghĩa là:

Vận khó trời còn trau chuốt ngọc

Lúc nghèo ta có lụy chiều ai

Dán câu đối lên, Nguyễn Công Trứ ngắm tới ngắm lui, đọc đi đọc lại, rồi cầm sách ra bờ tre ôn bài.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:10:58 pm »

*

* *

Mấy ngày nay, Nguyễn Công Trứ biết vợ vất vả lắm. Vừa chạy ăn từng bữa, vừa lo kiếm tiền cho ông có quần áo, bút mực... để đến ngày hoàng đạo ông lên đường ứng thí.

Nhìn dáng hao gầy của vợ, Nguyễn Công Trứ cảm thấy xốn xang trong lòng. Ông đâm ra hối hận những giây phút vui chơi quá đà của mình. Ông lẳng lặng ra sau nhà rửa mặt, sửa lại áo quần rồi nhẹ nhàng qùy xuống sau người mẹ già khi hương đèn bàn thờ gia tiên rực sáng.

Thương lắm ! Ơn cha nghĩa mẹ cao dày ! Nguyễn Công Trứ rưng rưng nước mắt khi nghe lời cầu khẩn của mẹ già trước linh vị tiền nhân:

(...) Kính nghĩ tiên linh ta,

Kiệm cần gây cơ nghiệp, trung hậu giữ gia thanh.

Qua cuộc biển dâu, dầm sương dãi gió,

Vững tay chèo lái, vượt thác băng ghềnh.

Đời càng vững cây bền gốc,

Ngày thêm thắm lá tươi cành.

Con cháu nhiều bề thành đạt,

Tổ tiên muôn thuở hiển vinh.

Nhân ngày trưởng nam lai kinh ứng thí,

Ngưỡng mộ tôn linh,

Dâng bày lễ nhỏ,

Ngưỡng vọng tổ tiên ban phúc ấm,

Độ trì con cháu, mã đáo thành công (...)

Nguyễn Công Trứ xì xụp lạy theo mẹ. Những lúc thế này, ông mới ý thức hết thế nào là "nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Dù có lớn tới đâu, có nên bề gia thất, nói chung có là... gì chăng nữa, con vẫn nhỏ nhoi trước mẹ.

Mọi người trong nhà muốn ông được thư giãn tinh thần, nhưng nào có được gì. Lễ vật dọn xuống, ai cũng muốn dành hết cho ông, song ăn sao ngon miệng, khi thấy trong ánh mắt mẹ già, và ánh mắt những đứa con thơ như muốn nuốt chửng tất cả. Tội nghiệp ! Nhớ tới gương mặt xanh xao của vợ, ông không cầm được nước mắt. Ông vùng dậy mài mực, lấy giấy bút thay mặt vợ viết câu đối dán lên cột:
Nhờ trời phù hộ chồng tôi, miếng khoa giáp ăn xanh phường sĩ tử

Ơn chúa yêu vì bố nó, nợ trần hoàn trang trắng mặt nam nhi.

Như giãi bày được nỗi niềm thầm kín bấy lâu, Nguyễn Công Trứ thấy lòng nhẹ hơn và còn nhận ra rõ hơn
trách nhiệm của người con, người chồng, người cha trong gia đình. Dẫu biết mỗi đời người đều có số phận
riêng, nhưng ông tin và cũng không muốn bằng lòng với số phận. Ông muốn dùng tất cả nghị lực để vượt qua số phận đã an bài. Tận nhân lực tri thiên mệnh. Chưa làm việc gì hết sức mình mà trách trời than đất, thì có tội với trời đất. Trời đất nào có bỏ ai, chê ai ?

Nguyễn Công Trứ đang chìm đắm vào dòng suy nghĩ mới, thì người vợ đảm đang của ông đã đứng bên cạnh từ lúc nào và níu chặt cánh tay ông.

- Thầy nó hiểu được lòng em thế là đủ rồi. – Mặt vợ ông hồng lên và vùi đầu vào ngực chồng, nói nhỏ: - Thiếp chúc chàng thượng lộ bình an, mã đáo thành công.

Trên căn trung, thân mẫu ông lại ra đứng lặng trước bài vị của chồng và tổ tiên nhà chồng. Ông biết mẹ đang gửi lòng thành vào làn khói nhang vòng vèo, những mong tổ tiên phù hộ cho thằng bé Củng của bà ứng thí kỳ này sẽ được bảng hổ đề tên. Thực ra, bao năm qua, ông chưa bao giờ bị thân mẫu quở mắng, hoặc vợ than phiền về cái thú mê hát cô đầu của ông. Nhưng có nhiều đêm thấy mẹ van vái đất trời khiến ông có muốn đến với tiếng trống chầu, tiếng đờn kìm réo rắt cùng những cô đào đủ sắc thừa thanh cũng không thể nào cất bước nổi đôi chân ra khỏi bờ giậu. Những lời van vái của mẹ với đất trời không ai nghe rõ, nhưng với tấm lòng của người con, ông hiểu hết, nghe hết.

Giờ lên đường đã tới. Căn nhà trở nên yên ắng lạ thường. Nhìn lại thấy vợ con quấn quýt, Nguyễn Công Trứ tự trấn an bằng tràng cười và lấy đôi bàn tay gõ lên bàn, bắt nhịp:

Cùng đạt có riêng chi mệnh số,

Hành tàng nào hẹn với văn chương.

Đường công danh sau trước cũng là thường,

Con tạo hóa phải rằng ghen ghét mãi.

Duyên ngư thủy còn dành cơ hội lại,

Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu.

Trong trần ai, ai kém ai đâu ?

Tài bộ thế, khoa danh, ờ lại có.

Thơ rằng: “Độc thư thiên bất phụ

Hữu chí sự cánh thành"(1)

Giang san đành có cậy trong mình,

Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ.

Đã sinh ra ở trong phù thế,

Nợ trần ai đành cũng tính cho xong.

Nhắn lời nói với non sông,

Giang san hầu dễ anh hùng mấy ai.

Thanh vân trông đó mà coi.

(1) Trời không phụ người đọc sách

Người có chí thì nên

Cả nhà đều cười vui vẻ. Nguyễn Công Trứ lần nữa lại lạy gia tiên, từ tạ mẹ già. Vợ ông đi theo ra khỏi bờ
giậu, khoát tay nải lên vai chồng. Nguyễn Công Trứ cầm lấy tay vợ, bóp nhẹ, nói đủ hai người nghe:

- Tới giờ lên đường rồi. Mẹ con ở nhà mạnh khỏe, chăm sóc bà hộ tôi và chờ tin vui.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:11:45 pm »

Miệng nói, chân xăm xăm bước đi, Nguyễn Công Trứ không dám quay đầu lại. Ông biết lần đi này, mọi người đều trông chờ vào ông. Rủi thời... Vâng, sẽ không còn con đường nào khác là lao vào cuộc hành lạc để chắt lấy ở đấy những an ủi chua chát nhằm đắp vào thân xác muôn nỗi đớn hèn gây nên bởi cái túng cái nhục. Đã ngoài tứ tuần rồi chứ còn trẻ đâu. Song Nguyễn Công Trứ vững tin ở bản thân. Mười hai năm qua, mười hai năm đói nghèo túng quẫn đã nung nấu ý chí vượt khó của ông. Nhớ lại trước khi ứng thí lần thứ nhất, ông rất lạc quan:

Chửa chán ru mà quấy nữa đây ?

Nợ nần dan díu mấy năm nay !

Mang danh tài sắc cho nên nợ,

Quen thói phong lưu hóa phải vay.

Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,

Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.

Còn trời, còn đất, còn non nước,

Có lẽ ta đâu mãi thế này.

Nhưng cái tài nghệ sĩ không hợp với cửa Khổng sân Trình. Xưa nay, xuất xử thường hai lối, song có xuất mới mạnh miệng nói đến xử, chớ xuất không được, thì có nói hay đến đâu, đúng đến đâu cũng không ai nghe và không ít người sẽ cho là thứ đồ gàn. Trò đời là thế. Vai mang túi bạc lè kè, nói quấy nói quá, ai nghe cũng ừ. Đã không có lợi thì phải có danh, chớ lợi rằng không, danh lại chẳng có thì khó thuyết phục được ai. Những người thân quen của ông cho đó là trò đời phải thế. Vâng phải thế. Bởi đó là sự thách thức để con người vượt qua được chính mình, nếu không có cửa ải nghiệt ngã ấy thì cuộc đời đáng chán xiết bao.

Được ăn được nói, được gói được mở, không phải chỉ dựa vào ba câu thơ ngông nghênh mà xong. Ngạo mạn, khinh đời thì đời cũng trả lại cho ta cái giá không rẻ và cuối cùng đời ta gánh chịu, gia đình, dòng họ ta gánh chịu. Đời vẫn là đời, cuộc sống vẫn tuôn trào, bốn mùa hoa lá vẫn sinh sôi, chớ không vì mấy bài thơ ngông nghênh của chàng cuồng sĩ mà thay đổi.

Ra đi lần này, Nguyễn Công Trứ biết nhiệm vụ mình lớn lắm. Ngoài việc trả nghĩa cho quê hương, tổ tiên, chòm xóm, ông còn phải giúp vợ con tránh khỏi cái cảnh "Nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa". Nhớ tới mẹ già, vợ con những năm qua mà ứa nước mắt:

Chiều ba mươi công nợ rối canh thân, ước những mười năm dồn lại một

Sớm mồng một rượu chè tràn qúy tỵ, trông cho ba bữa hóa ra mười.

Người dân quê ông, gia đình ông... đâu phải hạng lười nhác gì cho cam. Một nắng hai sương nào ai quản ngại, nhưng cái đói cái nghèo cứ bám dai như đỉa đói. Không lấy vợ sinh con thì bất hiếu. Nhiều con hơn nhiều của. Ai cũng khen nhà ông có phước. Con một cháu bầy. Ông không dám phủ nhận cái phần phước ấy, nhưng ông đã nhìn ra được cái đói cái nghèo xuất phát từ nơi ấy. Đất đai muôn đời vẫn chừng đó, nhưng con người cứ mắc tính ưa sinh sôi nẩy nở kiểu phước ấm con một cháu bầy thì chẳng khác nào giành nhau sự đói nghèo. Nhưng biết làm sao được, một khi trời kêu ai nấy dạ. Nguyễn Công Trứ lại thở dài. Nghĩ cho cùng, Cái hình hài đã chắc thiệt chưa, Mà lẽo đẽo khóc sầu chi rứa mãi. Đã mang tiếng ở trong
trời đất, Phải có danh gì với núi sông.

*
* *

Từ khi triều Nguyễn dựng đế nghiệp, cả huyện Nghi Xuân chưa có ai thành đạt trên đường khoa cử. Nổi tiếng như họ Nguyễn ở làng Tiên Điền dường như cũng không có ai văn hay chử tốt ngoài Tố Như tiên sinh. Cách đây mấy năm, Tố Như được cử đi sang Tàu, nhân dân cả vùng Hoan Châu nói chung, huyện Nghi Xuân nói riêng cùng tưởng chừng như chính mình được đi sứ. Chính bản thân Nguyễn Công Trứ cũng vững
tin mảnh đất sản sinh nhân tài và đã lấy làm hãnh diện là con dân của quê hương.

Khi được tin Nguyễn Công Trứ không những đỗ kỳ thi Hương mà còn đỗ đầu, ai nấy đều vui mừng, hào hứng. Bởi hai mươi năm thay mệnh trời dẫn dắt con dân, triều Nguyễn chỉ mới tổ chức được kỳ thi Hương chớ chưa có kỳ thi nào khác, nên đỗ được kỳ thi này là danh giá lắm, huống gì được đỗ đầu như ông. Sự học chẳng bao giờ phí cả. Và ông tin không bao lâu nữa, Hoàng triều sẽ tổ chức đầy đủ hơn các kỳ thi, bởi thánh nhân đã dạy: Nhân tài quốc gia chi yên khí, khoa mục sĩ tử chi thản đồ (Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, mà khoa cử là con đường rộng mở của học trò). Đúng là chẳng có gì vui hơn đại đăng khoa. Bao khổ cực dồn nén theo tháng ngày bỗng dưng tiêu tán sạch, thay vào đó là niềm vui rộng mở không chỉ ở bản thân người đỗ đạt mà còn ở những người thân. Thậm chí, từ quan tri huyện cho đến những người dân quê suốt một đời lam lũ chưa hề biết Nguyễn Công Trứ là ai cũng rạng rỡ nét mặt. Quê mình có người đỗ giải nguyên đấy ! Vâng, địa linh sinh nhân kiệt mà. Thái bình rồi, hễ không học thì thôi, còn đã học thì sớm muộn gì bảng hổ cũng đề tên...

Đại loại những câu như vậy, Nguyễn Công Trứ nghe nhiều lần vẫn không thấy chán. Lúc này, ông mới thấy hết được giá trị của chữ nghĩa thánh hiền. Tố Như tiên sinh người ở làng Tiên Điền và bản thân ông chưa nuôi ai bữa cơm nào, chưa giúp ai bữa khoai nào, vậy mà nhân dân cả làng cả huyện mừng vui. Qúy lắm. Thương lắm. Càng nghĩ, Nguyễn Công Trứ càng thấy trách nhiệm mình với quê hương nặng hơn so với những gì ông đã nghĩ lâu nay.

- Thiếp còn mấy đồng, sáng mai chàng lấy đi vui chơi với bạn bè vài ngày.

Nguyễn Công Trứ trở mình, kéo vợ vào lòng. Tội nghiệp, chẳng biết chạy vạy thế nào, nợ nần tới đâu mà mấy ngày qua ông được sắm thêm giày thêm áo. Bà con đến chúc mừng lúc nào cũng có chè ngon, có cau trầu têm sẵn. Đành rằng xấu lá xấu nem, nhưng thấy mẹ già và vợ con khổ quá ông chẳng an tâm. Trước đây, thực lòng, ông không để ý mấy, bởi cái buồn, cái chán vây chặt lấy ông. Thói ngông nghênh của ông là thói ngông nghênh của anh nhà nho bất đắc chí đang cố vượt qua được chính mình.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:12:23 pm »

Người ta ở trong phù thế,

Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên.

Đem bẩm trời, trời cũng phải khuyên,

Khuyên khuyên chữ anh hùng yên sở ngộ.

Thơ rằng: "Tạo hóa có ghen chi mệnh số,

Giang san nào oán với văn chương".

Phận tài hoa đành có lúc vẻ vang,

Đường khoa mục xa nhau đà mấy bước.

Sóng vỗ lớp sau như lớp trước,

Chí vẫy vùng ai có kém ai đâu.

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu,

Trần ai ai biết công hầu là ai.

Bao giờ rõ mặt mới hay...

Khoác lác một chút. Huênh hoang một chút. Tất cả cũng chỉ để thỏa mãn chút tự ái vặt chớ nào có ích lợi
gì. Cha chết không bằng hết ăn. Cái vòng danh lợi quay tít mù khiến con người chẳng được yên. Nguyễn
Công Trứ mỉm cười trong đêm, nói:

- Tôi vui lắm, thỏa mãn lắm rồi. Mẹ nó cứ giữ số tiền ấy rồi bàn với bà sắm mâm cơm tạ ơn tổ tiên, nội
ngoại cho phải đạo.

Bà Minh đưa tay bịt miệng chồng.

- Thầy nó đừng lo. Hai bên nội ngoại cũng đã tính cả rồi, thậm chí dân làng Uy Viễn còn bàn việc giúp ta sửa lại căn nhà để xứng đáng với người đỗ đầu trường Nghệ, mở ra tia hy vọng cho con em họ sau này. Bà con họ nói, thầy nó khai mạch cho làng, nên làng phải có trách nhiệm.

Nghe vợ nói, Nguyễn Công Trứ ứa nước mắt. Thì ra, những người dân quê củ mỉ củ mì như thế họ lại rành mạch đâu ra đấy. Ai có công với làng với xóm, dù chỉ một chút tiếng thơm, họ đều ghi lòng tạc dạ. Đúng là thức đêm mới biết đêm dài, sống lâu mới biết lòng người ra sao. Hồi công chưa thành, danh chưa toại, ông cứ trách đời trách người mà có lúc... quên trách mình.

Thế thái nhân tình gớm chết thay,

Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.

Hễ không điều lợi, khôn thành dại,

Đã có đồng tiền, dở hóa hay.

Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,

Hẳn hoi không hết một bàn tay.

Suy ra cho kỹ chi hơn nữa,

Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.

Nguyễn Công Trứ định nói vài lời với vợ thì gà đã gáy sang canh và bà Minh đã chìm sâu vào giấc ngủ. Ông nhẹ nhàng sửa lại cái đầu của vợ trên cánh tay của mình và nhìn vào màn đêm với nụ cười vui. Ông tin chắc mấy đêm qua và cả đêm nay, trong giấc mộng nếu có, bà Minh sẽ không có những giấc mộng dữ. Thực ra, cuộc đời cũng khá đơn giản nhưng con người tự tìm lấy cái rắc rối đó thôi. Khôn – dại, vui – buồn... ngó thế mà có khi cả một đời người vẫn chưa ngộ được. Chính ông đã có lúc phải than thầm:

Cảnh muộn đi về nghĩ cũng rầu,

Trông gương mà thẹn với hàm râu.

Có từng gian hiểm mình càng trí,

Song lắm phong trần lụy cũng sâu.

Năm ấy đã qua thời chẳng lại,

Lộc kia có muộn mới còn lâu.

Khi vui diễu cợt mà chơi vậy,

Tuổi tác ngần này đã chịu đâu !

Nói chung, buồn thì buồn, nhưng ông cố tự động viên mình. Giỏi như Khương Tử Nha mà phải quá tứ tuần mới thành đạt, huống gì là ông. Hơn nhau ở chỗ là cái trí và cái tài khi hữu sự. Ông không dám chê ai, nhưng ăn cơm vua hưởng lộc nước mà chẳng giúp được gì cho nước cho dân thì chẳng thà làm anh dân cày có ích hơn. Ông tin mình không phải hạng người như thế. Ông tâm nguyện, dù gặp phải hoàn cảnh nào cũng cố mà sống cho ra người để xứng đáng với tấm lòng tin yêu của những người dân quê ông và của người thân, ít ra cũng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Khi tiếng heo kêu ở đầu hè, Nguyễn Công Trứ mới thức giấc và biết vợ mình đã đi chợ từ lúc trời chưa rõ mặt người.

Giấc ngủ ngon thật !
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 08:04:50 pm »

Chương 6

Họp tới họp lui những mấy ngày mà kế hoạch quân cơ cũng chưa ổn. Nguyễn Công Trứ cứ yên lặng ngồi nghe. Vì đây là lần đầu tiên ông vừa làm Tham tán quân vụ, vừa làm Binh bộ thị lang, lại vừa coi sóc Tào Hình. Đi ra tướng võ, đi vào tướng văn rất hợp với chí nguyện của ông. Nhưng cái danh chỉ đủ để lòe người, quan trọng vẫn là cái thực. Phải hăm hở ra tài kinh tế. Hăm hở, ai cũng hăm hở cả, song tài cán ra sao phải thể hiện bằng công việc, không chỉ có những người hôm nay luận công, luận tội, mà cả đến thế hệ mai sau. Ông cha vô tội, quê hương vô tội, ấy mà làm không khéo để đời sau chê trách là đắc tội với quê hương, với tổ tiên. Nhớ lại sau khi thi rớt khóa thi đầu tiên của triều Nguyễn (khóa Đinh Mão, 1807), ông đã nuôi chí, và sáu năm sau, khóa thi hương năm Qúi Dậu, 1813, ông đã đặt bút viết trước khi lều chõng lên đường:

Anh em ơi, băm sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tứ xác
Trời đất nhẽ, một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh.
Khóa này tuy chỉ là ất bảng (tú tài), song Nguyễn Công Trứ vẫn tự tin. Hơn mười năm đi qua, Nguyễn Công Trứ vẫn không mất niềm tin ấy. Khi còn là chức biên tu Quốc sử quán (Minh Mệnh thứ 2, 1821), ông đã chú ý cuộc khởi nghĩa của nông dân do Phan Bá Vành lãnh đạo. Có lửa mới có khói. Với ông, đây là hệ quả tất yếu của một triều đại chưa mấy ổn định, cùng với việc quản lý một dải đất quá rộng so với các triều vua khác trong lịch sử nước nhà. Ông đã nhìn ra việc ấy lúc Gia Long thống nhất sơn hà, nên đã có suy nghĩ và đón xe vua khi vua Gia Long ra Bắc để chịu sự thụ phong của nhà Thanh (1803) để dâng “Thái bình thập sách”. Nội dung chưa được gọi là hoàn chỉnh lắm so với thực tế đất nước, nhưng về mặt cơ bản ông vẫn còn thấy dùng được.

Giữ lòng trung ái

Chăm đạo dâu con

Mở mang học hành

Chuyên cần nghề nghiệp

Phát triển nông tang

Trừ bỏ dị đoan

Sửa đổi phong tục

Thanh thải tham tàn

Tiến cử tài đức

Giữ nghiêm luật lệ

Nông dân nghèo khổ theo Phan Bá Vành, và Phan Bá Vành làm loạn cũng chẳng qua quan không ra quan, dân chẳng ra dân. Một phần do thiên tai lụt lội, một phần do những người được gọi là "cha mẹ dân" thiếu trách nhiệm, khiến cuộc sống của họ ngày càng đi vào ngõ cụt. Nếu không có nạn đói năm Tân Sửu (1821), thì chưa chắc Phan Bá Vành đã tập hợp được đội quân đông đảo như vậy. Trên trời có ông sao Rua, Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành. Một anh nông dân của thôn Nguyệt Lãm, làng Minh Giám (huyện Vũ Tiên, trấn Nam Định) được nhân dân tôn sùng và trực chiến với quan quân triều đình những năm sáu năm nay không phải là chuyện đơn giản. Khi bàn tới việc này, nhiều người cho đó là đội quân ô hợp liều mình, ông chỉ cười thầm. Hạ thấp địch đồng nghĩa với hạ thấp mình, và không xứng đáng ăn cơm vua hưởng lộc nước. Ông tin những người có quan tâm tới cuộc nổi loạn này, không ai không biết bài vè được truyền tụng trong nhân gian:

Quân ngài khéo kiếm

Chọn những quân ròng

Xứ Bắc cũng lắm

Xứ Đông cũng nhiều

Không riêng ngoài trấn, trong triều

Cả từ mường mán cũng theo mà về.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #19 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 08:05:31 pm »

Dĩ nhiên, ta không loại phần "tô vẽ" của những quân sư, nhưng không thể cho đó là đội quân ô hợp liều mình. Đánh giá thấp anh nông dân Phan Bá Vành là tự giết mình. Ngay từ những ngày đầu, quân của Phan Bá Vành đã tiến đánh các huyện Tiên Minh và Nghi Dương, và triều đình đã tung ra cả một đội quân lớn, có thủy đội lấy ở Nghệ An, Thanh Hóa ra phối hợp còn chưa ăn thua gì, lại còn để y ta liên kết với Thủ ngự sứ (một chức quan võ nhỏ thời nhà Nguyễn) Vũ Đức Cát ở cửa Ba Lạt và Phan Bá Vành thu lượm hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Thế lực của Phan Bá Vành ngày càng lớn mạnh, mở rộng ra cả vùng Nam Định, Thái Bình đã cho thấy Phan Bá Vành không phải không có thực tài. Thống chế Trương Phúc Đặng, trấn thủ Sơn Nam Hạ Lê Mậu Cúc, danh tướng đất Bắc, phò mã của Hoàng triều còn phải chịu thua, đủ thấy việc dẹp loạn Phan Bá Vành không đơn giản như một số người nghĩ. Nhìn vào bản họa đồ, Nguyễn Công Trứ thấy đây là vùng đất bồi khá rộng, có khi đến cả ngàn mẫu. Khi nước triều lên, thì đây là biển nước mênh mông. Khi nước triều xuống, thì đây là bãi lau sậy bạt ngàn. Nơi ấy chắc chắn có những kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho những vạn chài di động và chính những kênh, rạch ấy nuôi sống đội quân của Bá Vành. Đất nước ông bà nào có bỏ bê ai. Xưa kia, Triệu Quang Phục cũng đã dựa vào đầm Dạ Trạch mà đánh quân xâm lược những mấy năm liền, khiến cho bọn giặc ăn không ngon ngủ không yên, chớ nào phải chuyện giỡn chơi. Danh tướng Lê Mậu Cúc chết, thống chế Trương Phúc Đặng bị vua Minh Mệnh giáng bốn cấp, lột áo mũ, không cho lính hầu, đến nỗi xấu hổ quá, thừa lúc đêm vắng nhảy xuống hồ tự vận, cho thấy việc muốn thắng Phan Bá Vành không chỉ có binh ròng tướng mạnh là đủ. Và nếu có thắng bằng binh ròng tướng mạnh thì quân sĩ đôi bên ắt phải thiệt hại nhiều, mà họ có tội tình chi.

Đảo mắt nhìn khắp những người có mặt, từ quan Hiệp Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Hữu Thận, đến Thống quản Phạm Văn Lý, Binh tào Thân Văn Duy,v.v... Nguyễn Công Trứ không thấy ai có khả năng một chọi một với Phan Bá Vành. Nguyễn Công Trứ biết họ đang lo lắng. Nuôi quân ba năm dụng một giờ. Họ hưởng ơn vua lộc nước bao năm để bây giờ nhận liên tiếp mấy đạo dụ của vua mà chưa giải quyết được gì. Ghẻ nhọt bây giờ đã lở loét, hôi thối rồi, không chịu khó chữa trị có khi lụy tới thân. Nguyễn Công Trứ thở dài thật khẽ.

Thượng thư Nguyễn Hữu Thận, Hiệp Tổng trấn Bắc thành nhìn Nguyễn Công Trứ hỏi:

- Tướng quân Uy Viễn có cao kiến gì trong vụ này ?

Nhìn khắp mọi người một lượt, rồi nhìn vào tấm họa đồ, Nguyễn Công Trứ vừa đưa tay chỉ, vừa nói:

- Giặc Bá Vành đang ở đây. Từ cửa sông Trà Lý, sông Lân, chúng có thể đi sâu vào đất liền, vừa liên lạc được cửa Ba Lạt, vừa ngược cửa Thái Bình, cửa Vạn Úc, lên cửa Nam Triệu hoặc xuống cửa Đáy, cửa Lạch Trào... Nói chung, về mặt địa lợi, ta yếu thế hơn Bá Vành. Do đó về mặt nhơn hòa, chúng ta phải tiếp tục khoan sức dân. Lúc này, quan địa phương nào nhũng nhiễu dân lành, ta cứ xử mạnh tay trước, báo về triều đình sau. Được vậy, ta mới hi vọng nắm phần thắng.

Ngừng một chút, Nguyễn Công Trứ vừa nhíu mày, vừa theo dõi phản ứng của những người có mặt, rồi điềm tĩnh nói:

- Bẩm quan lớn, hạ chức nghĩ, đứa khôn mạnh dỗ, đứa ngạo mạnh cho ăn. Muốn dẹp yên giặc Bá Vành, chúng ta phải dựa vào dân. Ức Trai tiên sinh đã từng dạy: Lật thuyền mới thấy dân như nước. Chúng ta càng xa rời dân thì khí thế của giặc càng lên cao. Tóm lại, theo ý hạ chức, muốn phá giặc Bá Vành, chúng ta phải dùng trí hơn dùng sức.

Mọi người đăm chiêu suy nghĩ. Có người gật gù ra vẻ tâm đắc. Có người làm ra vẻ chưa bằng lòng lắm với ý kiến đề xuất của ông. Hồi lâu, Tham hiệp Nghệ An Nguyễn Đức Nhuận lên tiếng, phá tan bầu không khí yên tĩnh mà có phần căng thẳng:

- Ý kiến các ngài đều sai, nhưng...

Trừ Nguyễn Công Trứ, mọi người như chợt tỉnh cơn mơ, đổ dồn ánh mắt vào quan Tham hiệp Nghệ An.
Nguyễn Đức Nhuận chờ mọi người tập trung chú ý mới nói tiếp:

- Vụ này dùng sức thì như chúng ta đã biết, còn dụng trí cũng chưa chắc đã thành công. Nghĩa quân Ba Vành đâu đâu cũng có, kể cả các huyện Giao Thủy, Chân Định, Vũ Tiên, Kiến Xương và cả vùng Thiên Trường. Hạ chức nghĩ, nếu chúng ta chỉ sai một ly ắt đi một dặm, và không khéo chúng ta trở thành những Trương Phúc Đặng.

Ý kiến mà chẳng ý kiến. Đầu quân thì ở sông Bo, Cuối quân còn ở bến đò kênh Kem. Điều đó, hỏi đứa trẻ chăn trâu cũng biết, cần gì phải nói. Nguyễn Công Trứ thở dài chán ngán. Ông chú ý khi Nguyễn Đức Nhuận nhắc tới cái chết của Trương Phúc Đặng, ai nấy đều đổi sắc mặt. Thế đấy ! Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Binh pháp từ xưa đã dạy rồi, ấy mà cả buổi, ông chưa nghe ai nói gì đến điểm mạnh, điểm yếu của quân tình Bá Vành. Nguyễn Công Trứ thất vọng trước lớp người mà trước đây ông đã đánh giá tốt về họ. Nhân vô thập toàn, nhưng thiếu nhân cách là thiếu tất cả. Trước khi vào cuộc họp bàn, ông đã dự kiến đến ý kiến của từng vị quan lớn nhỏ có mặt, song kiểu ý kiến cho có ý kiến thì ông không thể hình dung ra nổi. Nguyễn Công Trứ thở dài và khẽ nhếch môi cười. Hào khí của hôm nào đã tắt, thậm chí đã nguội lạnh trong ông. Mấy ngày qua, các cô đầu xứ Bắc đã sử dụng bài hát nói của ông như một lời mời mọc khách. Bởi đó không chỉ là cái chí của ông mà còn là cái chí của những người trai đất Việt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM