Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:36:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre  (Đọc 67302 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:46:58 am »

Phối hợp với phong trào chiến tranh chính trị toàn Miền chống sự can thiệp trắng trợn vào miền Nam của đế quốc Mỹ, ngày 1 tháng 5-1965, Tỉnh ủy tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị lớn vào thị xã. Hơn 6.000 người từ các xã Phước Thạnh, Hữu Định, Tam Phước, Tường Đa, Phú An Hòa đã tập trung tại ngã ba Tân Thành căng băng, trương cờ biểu tình kéo vào dinh tỉnh trưởng đòi Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, đòi chấm dứt bắn phá, rải hóa chất độc giết hại nhân dân. Đồng bào thị xã đã xuống đường phối hợp đấu tranh và lôi cuốn một số sĩ quan, binh sĩ, viên chức đồng tình ủng hộ. Tên tỉnh trưởng buộc phải chấp nhận yêu sách và hứa hẹn giải quyết.

Ngày 8-6-1965, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã chính thức ra lệnh cho quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham gia tác chiến ở miền Nam. Đến tháng 12-1965, lực lượng quân Mỹ và chư hầu ở miền Nam đã lên đến 20 vạn tên. Đế quốc Mỹ đã chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” để xâm lược nước ta.

Trước tình hình đó, ngày 10 tháng 6 năm 1965, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên bố cực lực phải đối hành động xâm lược nghiêm trọng của đế quốc Mỹ.

Ngày 20-7-1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: “Dù đế quốc Mỹ có tăng 10 vạn, 20 vạn quân Mỹ hay nhiều hơn nữa; dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam cũng quyết đánh đến thắng lợi hoàn toàn”(1).

Đáp lời kêu gọi của Bác, quân và dân miền Nam đã lập nên những chiến công xuất sắc ở Vạn Tường, Đất Cuốc, Bầu Bàng, Pờ-lây-me diệt hàng ngàn tên Mỹ. Ở Bến Tre, từ tháng 8 đến tháng 11, quân ta đã dồn dập đánh địch trên khắp các địa bàn. Tại xã An Quí (Thạnh Phú), bộ đội tỉnh 2 lần đánh thiệt hại nặng đồn Băng Cung, uy hiếp nặng khu vực này buộc địch phải dùng máy bay B52 ném bom giải tỏa. Tại xã Tân Thủy (Ba Tri), Tân Thiềng (Chợ Lách) ta diệt gọn 5 trung đội hải thuyền của địch. Trên sông Hàm Luông, ngày 4 tháng 10 ta đã bố trí trận địa phục kích đối diện ở hai bên bờ sông đoạn xã Địnhh Thủy, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày và đoạn Cồn Ốc xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm) bắn chìm, cháy 3 tàu, tiêu hao nặng tiểu đoàn biệt động quân số 41. Đây là trận đánh điểm đầu tiên mở ra một kinh nghiệm mới cho việc đánh tàu trên sông nước Bến Tre sau này.

Ngày 27 tháng 12 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ 12. Sau khi phân tích một cách sâu sắc khoa học và toàn diện tình hình, hội nghị khẳng định: “… Nhân dân ta có cơ sở chắc chắn để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch”(2). Trung ương còn khẳng định phương châm đấu tranh là: “phải tiếp tục kiên trì đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công”(3).

Tháng giêng năm 1966, Mỹ ngụy mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất trên toàn miền Nam. Với chiến lược 2 gọng kềm “tìm diệt và bình định”, đế quốc Mỹ mưu toan đảo lộn tình hình, thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho chúng. Chúng sẽ tăng cường xây dựng ngụy quân và gấp rút triển khai kế hoạch “bình định có trọng điểm”.

Ngay từ giữa năm 1965, tại Bến Tre, địch đã xây dựng thêm tiểu đoàn chủ lực thứ tư của trung đoàn 10 sư đoàn 7 và tăng thêm lực lượng cơ gới. Đến đầu năm 1966, chúng lại tiếp tục xây dựng thêm 10 đại đội bảo an, 1 đại đội tuần giang và tăng cường cối 106,7 ly cho các chi khu Hương Mỹ, Trúc Giang, Chợ Lách nâng số quân ngụy toàn tỉnh lên 12.000 tên. Số cố vẫn Mỹ cũng lên đến 286 tên. Chúng củng cố các tiểu chi khu Chẹt Sậy, Nhơn An, Thanh Tân để lập vành đai bảo vệ phía tả ngạn thị xã, chia cắt chiến trường hai huyện Châu Thành và Mỏ Cày.

Trong bối cảnh chung đó, Tỉnh ủy chủ trương: “… Để chấp hành nghị quyết của Trung ương Cục và Khu ủy Khu 2, nhằm hợp đồng chiến trường toàn Miền bẻ gãy ý đồ phản công chiến lược mùa khô và kế hoạch hai gọng kềm của Mỹ ngụy, toàn Đảng bộ, quân và dân Bến Tre phải kiên quyết đánh ngăn chặn các cuộc càn quét, lần chiếm giành dân của địch; giữ thế tấn công và liên tục tấn công không cho địch giành lại thế chủ động trên chiến trường; kiên quyết đánh địch bằng 3 mặt, tấn công bằng 3 mũi để tiêu diệt, tiêu hao sinh lực Mỹ, ngụy và chư hầu làm tan rã dần lực lượng chúng, kiên quyết xây dựng lực lượng vũ trang về số lượng lẫn chất lượng, đẩy mạnh xây dựng vùng giải phóng…” Tỉnh ủy đã nhấn mạnh nhiệm vụ củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở để làm hạt nhân lãnh đạo tại chỗ, động viên nhân dân sản xuất, bồi dưỡng sức dân, tăng cường công tác đô thị, vùng tôn giáo, mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc chống Mỹ cứu nước.


(1) Hồ Chí Minh tuyển tập.
(2), (3) Những sự kiện lịch sử Đảng tập III - sách đã dẫn trang 354, 358.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:48:58 am »

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, quân và dân Bến Tre đã mở nhiều mặt trận tiến công địch. Từ tháng giêng đến tháng 3 năm 1966, các lực lượng vũ trang khắp nơi trong tỉnh đã diệt nhiều đồn tua, diệt hơn 200 tên địch và thu nhiều vũ khí. Trong khi quân địch còn lo đối phó thì đêm 13 rạng 14 tháng 4, ta tiến công vào “trung tâm huấn luyện Hưng Điền” cách thị xã khoảng 2.000 mét về phía đông bắc. Địch đã tập hợp về đây hơn 400 tên dân vệ, bảo an và lực lượng “xây dựng nông thôn”(1). Bọn chúng là những tên ác ôn có kinh nghiệm đàn áp, bắn giết, kềm kẹp nhân dân; ta đã xây dựng và gài được 2 cơ sở trong lực lượng này.

Tiểu đoàn 516 được tăng cường 1 đại đội trợ chiến 1 đại đội đặc công đánh vào mục tiêu này. Các trận địa cối của ta ở tả ngạn thị xã, tây Châu Thành, Giồng Trôm đã được lệnh kềm chế pháo địch, 12 giờ đêm ngày 13 tháng 4, ta đã bắt liên lạc với 2 cơ sở. Bộ đội ta nhanh chóng triển khai đội hình và nổ súng xung phong. Qua hơn 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, diệt 300 tên, bắt sống 98 tên thu 200 súng và gần 2 tấn đạn dược, phá hủy 3 xe quân sự.

Diệt “Trung tâm huấn luyện Hưng Điền” ta đã đánh trúng vào đối tượng nòng cốt bình định của địch ở nông thôn.

Sau trận diệt cứ điểm xã Diệu, ở Ba Tri (tháng 4 năm 1964) thì đây là trận tiến công vào một cứ điểm lớn thứ hai của địch ngay sát thị xã bằng lực lượng 2 mũi quân sự và binh vận kết hợp. Nó đã thể hiện quyết tâm, tình độ chỉ huy của cán bộ và trình độ hợp đồng chiến đấu của bộ đội ta.

Giữa lúc đó, địch tập trung lực lượng lấn chiếm bình định Ba Tri. Huyện Ba Tri - vùng ven biển đông người, nhiều của có 17 xã với hơn 90 ngàn dân. Nhân dân ở đây phần đông theo đạo Cao Đài và Thiên chúa. Trong những năm giải phóng (1964-1965) nhiều thanh niên đã đi bộ đội, nhiều gia đình đã đóng góp lương thực, tiền của cho kháng chiến. Đây cũng là nguồn dự trữ nhân vật lực dồi dào của tỉnh.

Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1966, địch tập trung 2 tiểu đoàn của trung đoàn 10 sư đoàn 7, 8 đại đội bảo an, 12 đoàn bình định, 1 chi đoàn xe bọc thép M 113 do tên tỉnh trưởng và một tên thiếu tướng (phụ trách bình định Trung ương) trực tiếp chỉ huy đánh vào các xã Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh và một số ấp ở xã An Bình Tây. Đồng thời chúng dùng bom pháo uy hiếp các xã xung quanh, đánh phá ác liệt vùng căn cứ của ta. Chúng dùng thuốc khai quang phá trống rừng “lạc địa”(2) để đánh bật lực lượng cơ sở ra khỏi căn cứ này. Chúng đã lợi dụng một số tín đồ Cao đài ở Ba Mỹ để lập 1 đại đội vũ trang gọi là đại đội “bảo vệ đạo” và mua chuộc được một số chức sắc Cao đài vào bộ máy tề xã, tề ấp. Chúng xây cất trường học, trạm y tế, nhà bảo sanh, phân phát giống lúa mới để lừa mị, gạt gẫm đồng bào ta. Những tháng cuối năm 1967, chúng đánh chiếm các xã Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, Tân Xuân và một số ấp còn lại của An Bình Tây.

Ngay khi địch triển khai bình định, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ba Tri tích cực chống phá kế hoạch bình định của chúng. Huyện ủy đã chủ trương để lại một số cán bộ bám xã phát động quần chúng đấu tranh. Tháng đầu, bộ đội địa phương và du kích liên tục đánh địch ở nhiều nơi, diệt 300 tên, phá hủy 2 xe bọc thép. Nhiều cuộc đấu tranh chính trị trực diện đã nổ ra tại chỗ. Nhưng do chưa nhận thức hết âm mưu và quyết tâm của địch - tưởng như lần gom dân lập ấp trước đây - nên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và đoàn thể quần chúng không có những biện pháp đánh địch có hiệu quả. Mặt khác, lực lượng địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần; ta phải lùi dần, phong trào bị núng thế.

Tháng 7 năm 1966 Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa đồng chí Nguyễn Văn Phiên (Tư Cường) - ủy viên Thường vụ về làm Bí thư Huyện ủy. đồng thời Ban chỉ huy Tỉnh đội đã cử đồng chí Lê Phát Tân (Hai Hồ) - Tỉnh đội phó, tham mưu trưởng cùng với tiểu đoàn 516 đến phối hợp cùng lực lượng địa phương hoạt động trên các địa bàn này. Trong khi đi chuẩn bị chiến trường đồng chí Hai Hồ bị địch phát hiện và bao vây. Đồng chí đã cùng đồng chí Đức (chiến sĩ bảo vệ - đảng viên) đánh trả lại địch đến viên đạn cuối cùng và đã anh dũng hy sinh. Tháng 3 năm 1967 Thường vụ Tỉnh ủy lại cử tiếp đồng chí Trịnh Văn Nở (Tư Nguyễn) - Tỉnh ủy viên, chính trị viên Tỉnh đội về tăng cường cho Ba Tri. Cuộc chiến đấu chống phá bình định diễn ra dai dẳng và quyết liệt.

Hỗ trợ quân dân Ba Tri chống phá bình định, du kích, bộ đội tỉnh, bộ đội địa phương các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày, thị xã, các đơn vị binh chủng đã tiến công vào đồn bót trên các đoạn giao thông 6 và 26. Ta đã đánh sập cầu Chẹt Sậy và diệt gọn 1 đại đội bảo an trong khu phố Mỹ Lồng. Trong thế chung đó, Ba Tri đã tổ chức sắp xếp, bố trí lại lực lượng để đánh phá bình định.


(1) Bọn bình định.
(2) Chỉ vùng rậm rạp khó đi, dễ lạc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:51:13 am »

II

GIỮ VỮNG THẾ TIẾN CÔNG BA MẶT,
ĐÁNH BẠI CUỘC CÀN “SÓNG THẦN 5”,
DIỆT HẠM ĐỘI NHỎ TRÊN SÔNG

Giữa năm 1966 đến đầu năm 1967, đế quốc Mỹ đã ồ ạt tăng quân vào miền Nam và tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng đã nâng tổng số quân viễn chinh Mỹ từ 31 vạn tên lên hơn 44 vạn tên và mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai hòng xoay chuyển tình thế, định ép ta “đàm phán” theo ý muốn của chúng.

Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi khẳng định; “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phong và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập, tự do…”(1).

Tháng 10 năm 1966, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương họp và ra nghị quyết “đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam”(2). Bộ Chính trị chỉ rõ: Ta phải có những cố gắng lớn hơn nữa về mọi mặt, ra sức đánh phá cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của bọn xâm lược, tạo thời cơ và điều kiện cho những hoạt động lớn tiếp theo.

Cuối tháng 10 năm 1966, theo sự chỉ đạo của quân khu ủy, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị về tình hình nhiệm vụ nhằm củng cố và nâng cao quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Tiếp đó, Ban chỉ huy Tỉnh đội mở hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn tỉnh. Hội nghị đã nghiên cứu, học tập cách đánh Mỹ của du kích Đức Hòa, Đức Huệ, Củ Chi nhằm bồi bổ thêm kinh nghiệm đánh Mỹ của quân và dân tỉnh nhà và phát động phong trào thi đua học đạt danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới” trong các lực lượng vũ trang.

Cuối năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân khu đã cử đồng chí Bùi Thanh Khiết (Hai Thanh) - phó Tư lệnh Quân khu đi cùng tiểu đoàn 261, 1 đại đội pháo tăng cường cho Bến Tre, chuẩn bị cho chiến dịch Đông xuân 1966-1967. Cùng thời kỳ này, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã chú trọng xây dựng, phát triển một số đơn vị binh chủng: Phân đội đặc công nước được phát triển thành một đại đội, thành lập phân đội săn tàu, đại đội súng máy cao xạ 12,8 ly, trung đội sơn pháo 70 ly, phát triển phân đội trính sát kỹ thuật vô tuyến điện để nắm tình hình địch.

Đông xuân 1966-1967 ta mở chiến dịch Bình Đại - Ba Tri. Hướng tiến công chủ yếu là Bình Đại lấy Châu Hưng làm trọng điểm. Để nghi binh đánh lạc hướng địch, đêm 9-10, 2 đại đội của tiểu đoàn 516 san bằng 2 đồn ở xã Phú Khánh (Thạnh Phú - vùng giáp Mỏ Cày); ngày 11-10 chặn đánh quân cứu viện trên sông Hàm Luông bắn chìm cháy 4 tàu, tiêu hao nặng tiểu đoàn biệt động quân số 41 và tiếp tục đón đánh trung đoàn 10 sư đoàn 7 càn vào Bình Khánh, Phước Hiệp, diệt 130 tên, bắn hư 1 xe bọc thép M113. Trên hướng chính, quân ta tập kết bí mật, an toàn.

Vào chiến dịch, ta tập trung tiểu đoàn 261 và tiểu đoàn 516 vào hướng chính. Toàn bộ lực lượng của ta tập kết trên địa bàn các xã thuộc cánh B Giồng Trôm (Phong Mỹ, Châu Hòa).

Đêm 4-1, phân đội dặc công của tiểu đoàn 261 diệt gọn đồn dân vệ Châu Hưng; một bộ phận của tiểu đoàn 516 đánh thiệt hại nặng đồn Giồng Quéo. Cùng đêm này, bộ đội địa phương và du kích diệt gọn một trung đội “tuyên vận” tại chợ xã Phú Thuận. Dưới áp lực mạnh mẽ của ta bọn dân vệ trong các đồn bót ở khu vực này rút chạy. Địch đã đưa tiểu đoàn biệt động quân số 32 của khu chiến thuật Tiền Giang, đại đội bảo an số 893 của chi khu Bình Đại, liên đoàn dân vệ  Thới Lai đến tái chiếm(3).

Đêm 6-1, tiểu đoàn 261 và tiểu đoàn 516 vượt sông Ba Lai tiến công diệt gọn 2 đại đội và tiêu hao 1 đại đội của tiểu đoàn biệt động quân 32.

Bị thiệt hại nặng, địch tăng thêm đại đội bảo an số 994 từ chi khu đến.

Nắm chắc địch, đêm 8-1 toàn bộ lực lượng ta lại tiến công quân địch. Ta đã diệt hoàn toàn tiểu đoàn biệt động quân số 32, đánh tiêu hao nặng đại đội bảo an; giết và làm bị thương 300 tên, thu 50 súng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, bắn hư một máy bay dakota C47. Toàn bộ lực lượng ta đã vượt sông Ba Lai, qua lộ 26 về trú quân tại xã Lương Hòa, Long Mỹ an toàn.

Phối hợp với hướng chính, pháo cối ta đã bắn và ghìm các trận địa pháo địch ở cầu kinh Chẹt Sậy, thị trấn Giồng Trôm. Bộ đội địa phương và du kích kết hợp với cơ sở nội tuyến lấn đồn Vang Quới và liên tục vây ép các đồn bót, giải tán phòng vệ dân sự, cảnh cáo tề điệp ác ôn, bức rút 11 đồn bót địch. Ta đã giải phóng hoàn toàn xã Thạnh Tân, phước Thuận, Thới Lai và Châu Hưng.


(1) Những sự kiện lịch sử Đảng tập III sách đã dẫn, trang 373, 375.
(2) Những sự kiện lịch sử Đảng - sách đã dẫn trang 375-377.
(3) Tương đương với 1 đại đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:52:06 am »

Tại Ba Tri, Thường vụ Huyện ủy đã chủ trương phân tán bộ đội địa phương kết hợp với du kích và cán bộ xã ấp lập thành từng đội công tác luồn vào vùng địch trừ gian diệt ác hỗ trợ cho du kích mật tại chỗ đánh địch. Cán bộ, đảng viên tiếp tục trở về bám dân khôi phục xây dựng cơ sở, giáo dục, tổ chức quần chúng đấu tranh. Bộ đội tỉnh phục kích diệt 2 đại đội bảo an ở Giồng Trung và xã Vĩnh Hòa, đồng thời đưa cối 60 ly luồn sâu pháo kích vào chi khu. Du kích Phước Tuy, An Bình Tây đánh địch bằng lựu đạn gài. Du kích xã Tân Xuân diệt ác ôn giữa ban ngày. Ở Phú Ngãi, du kích đã dùng mìn định hướng treo trên cây bất ngờ đánh diệt 20 tên địch. Nhiều cuộc đấu tranh chống địch cào nhà, đòi được tự do đi lại làm ăn phát triển rộng và ngày càng mạnh. Nhiều tên ác ôn bị trừng trị. Nhiều ban tề, nhiều binh sĩ ngụy tỏ ra cầu an, sợ chết. Vùng địch tạm chiếm không còn ổn định nữa. 2 tiểu đoàn chủ lực, 8 đại đội bảo an, 1 đoàn bình định phải cắm chặt tại đây trong một thời gian dài.

Thắng lợi của chiến dịch “Bình Đại - Ba Tri” tương đối lớn. Tuy nhiên tại trọng điểm bình định của địch ở Ba Tri, lực lượng vũ trang chưa đánh được những trận quyết định làm đòn xeo cho phong trào. Tình hình ở đây chưa chuyển lên được.

Phát triển thế tiến công, Tỉnh ủy, Tỉnh đội quyết định chuyển hướng sang cù lao Minh, tập trung lực lượng diệt chi khu Hương Mỹ, cô lập uy hiếp chi khu Thạnh Phú, Mỏ Cày, mở vùng, mở đường hành lang Thạnh Phú - Mỏ Cày trên bộ và trên sông. Đêm 13 tháng 3 năm 1967, tiểu đoàn 261, 516 và đại đội bộ đội địa phương Mỏ Cày đã tiến công chi khu Hương Mỹ. Do công tác chuẩn bị chiến trường không kỹ và hợp đồng chiến đấu không chặt nên quân ta không hoàn thành nhiệm vụ. Hơn 100 chiến sĩ và dân công bị thương vong. Đó là bài học về công tác chuẩn bị chiến trường - nhất là việc chỉ huy hợp đồng chiến đấu. Sau trận này tiểu đoàn 261 về hoạt động ở Mỹ Tho. Tỉnh ủy đã chủ trương xây dựng tiểu đoàn mới. Giữa tháng 4-1967, tiểu đoàn 520 được thành lập.

Đầu tháng giêng năm 1967, quân Mỹ nhảy vào địa bàn Thạnh Phú mở cuộc càn với qui mô lớn mang tên “Sóng Thần 5” mở đầu cho việc sử dụng bộ binh Mỹ đổ bộ vào chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngày 6 đến ngày 15-1, địch tung vào các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Phú, An Nhơn, An Qui và An Thạnh 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 1 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, 57 tàu thuyền chiến đấu của hạm đội 7, 152 máy bay, hàng trăm pháo các cỡ và 12 chiếc xe tăng. Chúng đã tiến hành công tác chuẩn bị chiến trường rất kỹ. Ngay từ tháng 10-1966, chúng đã cho máy bay trinh sát chụp ảnh, dùng tàu nhỏ thọc sâu vào các cửa sông, bãi biển thăm dò, cài cắm do thám, gián điệp nắm tình hình. Để đánh lạc hướng và ngăn chặn các cuộc hành quân di chuyển của ta, từ ngày 2 đến ngày 5 tháng giêng chúng đã sử dụng lực lượng của tiểu khu đánh vào các xã An Thạnh, Thạnh Phú, An Qui và chũng đặt tên cuộc càn này là “Cửu Long 1”.

Trước tình hình đó, Huyện ủy, Huyện đội đã có những nhận định đánh giá đúng mức và đã chỉ đạo các địa phương vùng ven biển tổ chức chuẩn bị thế trận, chống phá càn quét của địch.

Đứng chân trên địa bàn Thạnh Phú, lực lượng vũ trang của ta có tiểu đoàn 518, mỗi xã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích được trang bị khá và từng trải qua nhiều thử thách trong chiến đấu. Nhân dân ở đây kiên cường bám trụ. Những lực lượng này được tổ chức và xây dựng thành thế đánh địch bằng ba mũi có phương án, kế hoạch hợp đồng chiến đấu cụ thể. Ở vùng ven biển các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, nhân dân đã cải tạo địa hình, xây dựng ô, ổ chiến đấu sẵn sàng đánh địch. Trước khi hành quân, địch đã ném 3 lượt bom B52 vào xã Thạnh Phong.

Ngay khi một cánh quân địch vừa đặt chân đến Hồ Cót (Giao Thạnh) lập tức chúng đã bị lực lượng vũ trang ta đón đánh. Hàng chục tên Mỹ chết và bị thương; 1 máy bay trực thăng, 1 máy bay ném bom bị bắn rơi; 2 tàu bị bắn chìm và cháy. Lực lượng chính trị đã tổ chức liền 4 cuộc đấu tranh trực diện với quân Mỹ đòi không được ném bom, không được phá hủy nhà cửa và hầm trú ẩn của đồng bào làm chậm bước tiến quân của chúng trong nhiều giờ. Ngày 8-1, địch dùng trực thăng định đổ quân xuống xã An Nhơn, du kích đã bắn cháy 4 chiếc làm chúng không đáp xuống được. Tài xã Giao Thạnh, tổ chiến đấu của công trường huyện đã dùng 1 quả bom lép sửa lại, mưu trí giăng bẫy đánh tan xác 1 trung đội Mỹ. Tổ chiến dấu của công trường được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương Chiến công giải phóng hạng 3. Tại cồn Lớn, Khâu Băng, cồn Chim, cồn Điệp, Giồng Hạo… với phương thức đấu tranh ba mặt kết hợp với vũ khí thô sơ và xã ấp chiến đấu, các lực lượng tại chỗ đã bám sát Mỹ mà đánh. Quân địch đi đến đâu cũng bị bắn tỉa, sụp hầm chông, vướng chất nổ. Ban đêm ta pháo kích vào khu vực trú quân làm chúng mất ăn mất ngủ. Lực lượng phụ nữ đã dũng cảm đấu tranh ngăn chặn bàn tay tội ác của chúng. Có bà mẹ đã dùng cây chổi quét nhà đập đầu tên Mỹ khi nó hiếp con bà. Ở cồn Tra, 80 chị em phụ nữ vây quanh bọn giặc Mỹ “than khóc” tác động địch làm chúng phải dừng quân tại chỗ 1 ngày. Ở cồn Lớn, Bầu Mít 57 chị em ăn mặc rách rưới, hàng chục cháu nhỏ trần truồng “kêu khóc” làm cho một số binh sĩ Mỹ phải chùn tay trong khi gây tội ác. Tại Thạnh Phong, một tiểu đội bộ binh Mỹ chống lệnh hành quân buộc địch phải đưa trực thăng xúc về hậu cứ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:53:38 am »

Qua 15 ngày đêm kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, quân và dân Thạn Phú đã giết và làm bị thương 233 tên Mỹ và chư hầu, 1 đại tá ngụy, bắn rơi 4 máy bay trực thăng, bắn chìm bắn cháy 2 tàu; phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác. Một lần nữa, trên mảnh đất căn cứ địa cách mạng lâu đời này, chỉ bằng lực lượng địa phương với thế trận đã được chuẩn bị sẵn quân dân Thạnh Phú đã giáng một đồn quyết liệt vào bọn xâm lược Mỹ. Sau trận đánh càn thắng lợi - nhất là với những kết quả trong đấu tranh chính trị trực diện với quân Mỹ mà ta vừa giành được, Tỉnh ủy đã kịp thời tổ chức nhiều đội tuyên truyền “người thật việc thật” đi khắp tỉnh để phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ. Nhân dân và lực lượng vũ trang Bến Tre đã khẳng định thêm niềm tin và quyết tâm đánh Mỹ của mình.

Tháng 7-1967, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp để tiếp thu nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đao của Trung ương Cục và Khu ủy về việc súc tích lực lượng chuẩn bị đón thời cơ tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương phát động toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân ra sức chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chớp thời cơ hợp đồng với chiến trường toàn miền xông lên tiến công địch giành thắng lợi quyết định.

Tháng 8, tháng 9, cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang đã được học tập “nghị quyết thời cơ” của Thường vụ Tỉnh ủy. Tháng 10, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã chỉ đạo mở một đợt hoat động quân sự đồng loạt tiến công vào tất cả các chi khu và 118 đồn bót trong tỉnh.

Trong những ngày tháng sôi động đó, đêm 23 tháng 11 một tổ bộ đội đặc công nước do đồng chí Hoàng Lam chỉ huy đã tiến công hạm tàu sửa chữa cơ động của Mỹ tại vàm Bến Tre. Tàu địch mang số hiệu 833, dài 300 mét, rộng 70 mét. Nơi đây địch canh phòng rất cẩn mật. Cứ 5 phút chúng ném xuống quanh tàu một loạt lựu đạn, mìn hơi. Ít phút chúng lại cho một dòng điện cực mạnh phóng xuống nước đề phòng ta đột nhập. Trên bờ sông có bót Giồng Xoài do một đại đội bảo an đóng giữ cùng công an, mặt vụ ngày đêm tuần tra canh gác bảo vệ tàu. 9 giờ đêm khi tổ chiến đấu tiếp cận tàu thì máy bay trực thăng, tàu tuần tiễu sục sạo, quần đảo liên tục. Sau khi bám sát, theo dõi hoạt động của địch, cả tổ hội ý chớp nhoáng giữa dòng sông và đã đưa khối thuốc nổ 200kg đặt vào buồng máy con tàu. 2 giờ khuya, một tiếng nổ lớn vang lên, dội vào thị xã Bến Tre và các vùng phụ cần. Một cột nước dâng cao gần 100 mét, một đám cháy trùm kín khúc sông. Tàu “833” bị nhận chìm. Ba trăm tên sĩ quan phần lớn là chuyên viên kỹ thuật Mỹ, Úc, Tân Tây Lan cùng 10 tàu đang sửa chữa và 12 khẩu pháo bị tan xác. Đơn vị đặc công nước được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương Quân công giải phóng hạng 2. Trong khi địch còn đang choáng váng, đêm 29-12, các chiến sĩ bộ đội đặc công nước lập thêm một chiến công mới - tập kích căn cứ nổi của Mỹ trên sông Hàm Luông (vàm Thủ Cửu xã Phước Long huyện Giồng Trôm) nhận chìm 15 tàu, trong đó có 1 tàu hải quân số “821” dài 250 mét, rộng 70 mét; diệt 500 tên Mỹ, phá hủy 22 khẩu pháo và 6 xe bọc thép M113. Đây là những chiến công xuất sắc vang dội cả nước. Chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông của Mỹ ngụy bước đầu đã bị đánh bại trên chiến trường Bến Tre.


Đồng chí Lê Minh Đào - Tỉnh đội trưởng trao danh hiệu 8 chữ vàng “Cởi sóng Hàm Luông, nhậm chìm hạm Mỹ” của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cho đơn vị đặc công nước.

Cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ đã bước sang năm thứ ba. Nhưng, chúng vẫn chưa giành được quyền chủ động chiến trường mà chỉ chuốc lấy từ thất bại đến thất bại khác. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải thừa nhận rằng: “Nói chung, chúng ta đang ở thế thủ. Chưa bao giờ có cuộc cuộc chiến tranh nào giành được thắng lợi mà ở trong thế thủ cả”(1).

Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng, với tinh thần tự lực tự cường và sở trường hai chân ba mũi, quân và dân Bến Tre đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, liên tục tiến công địch. Bến Tre đã góp phần cùng cả nước làm thất bại những âm mưu và biện pháp chiến lược của kẻ thù giành thắng lợi ngày càng lớn và đã tạo ra thời cơ rất thuận lợi cho cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968.


(1) Theo thời báo Mỹ Lốt-ăng-giơ-lét, số ra năm 1966.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:56:20 am »

Chương sáu

CUỘC TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1968

I

TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN

Cuối năm 1967, quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam đã lên tới 54 vạn tên, quân ngụy 60 vạn tên. Cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ đã đến đỉnh cao.

Ở Bến Tre, quân và dân ta luôn giữ thế chủ động đánh địch bằng ba mặt, tấn công bằng ba mũi, đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. 44 xã giải phóng được giữ vững. Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang được xây dựng và phát triển ngày càng cao.

Tháng 12-1967, hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nghị quyết chuyển cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định.

Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(1) nhằm đạt tới những mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Tiếp thu Nghị quyết của cấp trên và căn cứ vào tình hình cụ thể của Bến Tre, hội nghị Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ: Phát huy truyền thống của quê hương Đồng khởi, với tư tưởng tự lực tự cường, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đoàn kết một lòng, tập trung cao độ cùng với quân và dân cả nước tổng công kích và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định.

Tỉnh ủy chủ trương: … dồn tất cả lực lượng lấy cho được thị xã, rồi từ thị xã tỏa ra giải phóng nông thôn. Tàn bộ vùng nông thôn phải chớp lấy thời cơ tự lực tiến công quân địch. Phải dành ưu tiên cho thị xã; khi thị xã cần gì - kể cả cán bộ, vũ khí và mọi phương tiện khác - thì các nơi phải sẵn sàng và phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy quyết định: rút đại đội bộ binh và lực lượng đặc công của các huyện để bổ sung cho lực lượng tỉnh. Đồng thời để lại một khung cán bộ khoảng trên dưới 20 đồng chí làm nòng cốt cho các huyện để thành lập đại đội mới.

Với tinh thần khẩn trương xây dựng, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã có 4 tiểu đoàn bộ binh (516, 2, 3, 4), 1 tiểu đoàn đặc công, công binh; các đại đội săn tàu, đại đội 12 ly 8, ĐKZ 75, cối 82 ly, thông tin, trinh sát và 7 tiểu đoàn dân quân du kích. Ở Mỏ Cày, Giồng Trôm, mỗi huyện có 1 tiểu đoàn bộ binh thiếu. Các huyện Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Chợ Lách mỗi huyện có 1 đại đội bộ binh và 1 tiểu đoàn dân quân du kích. Riêng huyện Mỏ Cày có 2 tiểu đoàn dân quân và 1 đại đội liên quân du kích. Ở thị xã có 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội biệt động.

Các tiểu đoàn bộ binh và đại đội binh chủng trực thuộc tỉnh được trang bị mạnh. Mỗi tiểu đoàn bộ binh có 1 khẩu B40, 1 trung liên, 1 M 79. Mỗi trung đội được tăng cường 1 khẩu B 40 và 1 đại liên. Các tiểu đoàn dân quân du kích, phần lớn được trang bị súng trung liên, súng tự động Mỹ và súng trường K 44.

Đi đôi với việc tổ chức trang bị, các đơn vị đã gấp rút huấn luyện theo các phương án tác chiến mới nhằm nâng cao khả năng tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng binh chủng với qui mô ngày càng lớn. Các đơn vị còn được học mười chính sách của Mặt trận trước khi đánh vào thành phố.

Lực lượng quần chúng đã được huy động đông tới 32 ngàn người và tổ chức thành đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn (tất cả có 10 trung đoàn). Các Ban chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội là những đồng chí Huyện ủy viên và một số cấp ủy viên của các xã.

Lúc này ở Bến Tre lực lượng địch có 13.118 tên gồm 4 tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn 10 sư đoàn bộ binh 7, 30 đại đội bảo an, 5.502 dân vệ và một số đơn vị công an, cảnh sát.

Địch chú trọng càn quét, đánh phá sâu vào căn cứ ở các địa bàn Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày, Thạnh Phú. Vào những tháng cuối năm 1967, quân Mỹ đã trực tiếp mở 9 cuộc càn quét ven sông Cửu Long (đoạn Châu Thành của Bến Tre giáp với Mỹ Tho) để bảo vệ căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho). Quân ngụy hoạt động ở các vùng ven thị xã, thị trấn và giao thông thủy bộ. Chúng tập trung một lực lượng lớn để phóng giữ thị xã.


(1) Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - sách đã dẫn trang 166.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:58:24 am »

Thị xã Bến Tre - một trong những thị xã nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích khoảng 20km2. Nam giáp sông Bến Tre (rộng 150 mét); bắc giáp xã Sơn Đông và xã Tam Phước, đông giáp xã Hữu Định.Từ hướng đông lên hướng bắc và qua hướng tây là đồng bằng, vườn lõm tạo thành một vòng cung bao quanh thị xã. Trong nội ô có 5 phường, rộng hơn 1km2. Đường sá đan nhau như một hình tam giác, tụ điểm tại ngã ba Tháp. Ngoại ô có 6 xã: Mỹ Thạnh An, Mỹ Hóa, Bình Nguyên, Bình Phú, Phú Khương và Phú Hưng. Các con rạch: Kiến Vàng, Cái Cá, Cá Lóc, Gò Đàng từ sông Bến Tre chạy vào thị xã. Về hướng bắc và tây bắc có sân bay Tân Thành. Thị xã nhỏ, dân đông, phố xá chi chít. Ở các xóm nghèo, mỗi nhà địch dựng hàng rào dây thép gai bao bọc nằm trong hệ thống ấp chiến lược “Ấp Tân sinh” của Mỹ ngụy.

Tại thị xã, địch đã tập trung một lực lượng quân sự gồm 3.723 tên, chiếm 1/4 số quân toàn tỉnh. Chúng đã tổ chức bố trí lực lượng chiếm giữ những vị trí quan trọng. 3 tiểu đoàn chủ lực và 1 đại đội thám sát thuộc trung đoàn 10, sư đoàn bộ binh 7 đóng tại sân bòng đá, cầu Bà Mụ, Phú Khương, ngã ba Tháp, trong đó có 1 tiểu đoàn cơ động, 9 đại đội bảo an dân vệ chiếm giữ cầu Gò Đàng, khu chợ Ngã năm, cầu Nhà thương, chợ Bến Tre, trung tâm cải huấn, cầu Cá Lóc… Tiểu đoàn 72 pháo binh (gồm pháo 155 ly, 105 ly, 106,7 ly) bố trí tại sân bay Tân Thành và sân bóng đá thị xã. Tàu tuần giang thường trực tại sông Bến Bre. Xe nồi đồng, GMC… túc trực tại bãi quân xa tiểu khu. Địch bố trí từng tiểu đội chốt chặn ở các ngã ba, ngã tư đường, đồng thời chúng bố trí hỏa lực trọng liên, đại liên, cối 60 ly, súng M79… trên các nhà lầu, dinh tỉnh trưởng, tòa án để khống chế những vị trí then chốt trong nôi ô.

Ngày 10-1-1968, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị gồm các đồng chí cán bộ chủ chốt để quán triệt nghị quyết hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Sau đó, Tỉnh ủy, Ban chỉ huy tỉnh đội mở nhiều hội nghị để thảo luận nhiệm vụ và kế hoạch tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân. Cán bộ quân sự đã nghiên cứu kỹ phương án tác chiến tấn công thị xã.

Trong việc chọn hướng tấn công chủ yếu, cán bộ ta đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và cuối cùng hội nghị đã quyết định chọn hướng nam thị xã làm hướng tấn công chủ yếu. Hướng này đảm bảo được yếu tố bí mật bất ngờ và tuy có bị con sông Bến Tre ngăn cách nhưng khi đã vượt qua sông, lực lượng ta tiếp cận ngay mục tiêu chủ yếu - dinh tỉnh trưởng.

Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ huy Thống nhất gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Cánh (Bảy Đấu) Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Trung Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Song (năm Hỏa), Lê Minh Đào - Tỉnh đội trưởng kiêm chỉ huy trưởng, Nguyễn Văn Thạnh (Mười Thi) - chính trị viên, Nguyễn Văn Ba (Lê Phục) - tham mưu trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung) - Khu ủy viên khu 8 cũng được tăng cường trong Ban lãnh đạo của tỉnh.

Các tiểu đoàn bộ binh: 516, 2, 3, 4 và các đại đội binh chủng được tập trung lại và tổ chức thành trung đoàn. 7 tiểu đoàn dân quân du kích đều tập trung cho trọng điểm thị xã. Lực lượng quần chúng dành cho thị xã 10 ngàn người, số còn lại được bố trí ở phía sau sẵn sàng chờ lệnh.

Các tổ chức phụ trách công tác hậu cần có hệ thống từ tỉnh đế xã ấp. Công tác phát động quần chúng để quyên góp “đảm phụ quỹ giải phóng” được Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ.

Ngày 27-1-1968, Ban chỉ huy Thống nhất nhận được lệnh tấn công của Quân khu.

Ngày 28-1-1968, tại xã Tân Trào huyện Giồng Trôm, Ban chỉ huy Thống nhất đã triệu tập cán bộ chỉ huy quân sự các cấp để nghe bổ sung tình hình và phát lệnh tiến công.

Đêm 28, 29-1-1986, các đơn vị được lệnh hành quân đến địa điểm tập kết.

Lực lượng của hướng chủ yếu gồm tiểu đoàn bộ binh 516, 1 đại đội đặc công bộ, 2 trung đội đặc công nước, 1 cối 120 ly, 2 cối 82 ly, 2 ĐKZ 75 ly, 3 sơn pháo 70 ly, đều có mặt tại xã Lương Phú huyện Giồng Trôm, các thị xã 7km về hướng nam.

Lực lượng hướng thứ yếu 1 có tiểu đoàn bộ binh 3, tiểu đoàn bộ binh 4, 1 đại đội đặc công bộ đóng tại xã Hữu Định (Châu Thành) cách thị xã 5km về hướng đông, lực lượng thứ yếu 2 gồm tiểu đoàn bộ binh 2, 1 đại đội đặc công đóng tại xã Tam Phước, Tường Đa (huyện Châu Thành) cách thị xã 8km về hướng tây bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2011, 07:59:35 am »

Đêm 30 và ngày 31-1-1968, Sở chỉ huy của Ban chỉ huy mặt trận đóng tại xã Nhơn Thạnh (huyện Giồng Trôm) cách thị xã 1.800 mét về hướng nam.

Trong lúc bộ đội ta đã áp sát thị xã, 15 giờ ngày 31-1-1968, Bộ Tổng tham mưu ngụy thông báo đến tên tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa là Việt cộng đã tràn ngập từ Buôn Ma Thuột trở ra Quảng Trị (thuộc vùng rừng núi) còn ở đồng bằng chưa thấy hiện tượng gì nhưng phải đề phòng.

22 giờ đêm 31-1 lực lượng ta chiếm lĩnh vị trí chiến đấu.

Đúng 1 giờ ngày 1-2-1968, cùng một lúc với tỉnh Mỹ Tho, cụm hỏa lực ở hướng chủ yếu bắn vào trung thâm hành quân Sở chỉ huy trung đoàn 10 (sư đoàn bộ binh 7), Tỉnh đoàn bảo an… Trong lúc đó trung đội đặc công nước do đồng chí Hoàng Lam chỉ huy đã ém quân sẵn tại bờ sông Bến Tre nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng (bãi quân xa) diệt ngay 6 xe nồi đồng và bám giữ đầu cầu tạo điều kiện cho tiểu đoàn 516 vượt sông.

Tiểu đoàn bộ binh 516 có nhiệm vụ đánh chiếm dinh tỉnh trưởng đã chia thành 2 mũi vượt sông Bến Tre bằng 70 chiếc ghe. Mũi 1 vượt sông cách bến Lở khoảng 100 mét về hướng đông. Vừa đánh tàu địch, vừa vượt sông và khi chiếm được bờ bắc quân ta tiến theo đường Hùng Vương. Đến bến lở, quân địch trong dinh tỉnh trưởng dùng các loại hỏa khí bắn trả ác liệt. Các đại đội phân tán đội hình thành trung đội, tiểu đội và lợi dụng từng dãy nhà, góc phố chiến đấu với địch. Cùng lúc đó, mũi thứ 2 đã nhanh chóng vượt sông, chiếm được bờ bắc và tiến thẳng theo đường Nguyễn Huệ. Bộ đội ta đã diệt 1 số tua, lô cốt; đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an số 289 và trung đội dân vệ tại cầu Cá Lóc. Tại đại lộ Phan Thanh Giản(1) quân địch đã chiếm các điểm cao và dùng súng trọng liên, đại liên, cối 60 ly bắn chặn đường tiến của quân ta.

Như vậy, tiểu đoàn 516 không đánh chiếm được mục tiêu chủ yếu - Dinh tỉnh trưởng.

Trong lúc đó, các đơn vị ở hướng thứ yếu 2, do một tổ nữ vũ trang dẫn đường từ Bình Phú tiến vào thị xã có nhiệm vụ hợp đồng chiến đấu với tiểu đoàn 516. Vào gần nội ô, tổ dẫn đường bị hy sinh. Tiểu đoàn 2 hành quân lạc hướng. Cũng lúc này ở hướng thứ yếu 1, tiểu đoàn 3 và 2 trung đội đặc công bộ đã chia thành 2 mũi: một mũi đánh tiêu hao nặng tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 10, diệt trận địa pháo tại sân bóng đá; mũi khác đánh chiếm một góc Sở chỉ huy trung đoàn 10 và đánh hỏng đài phát thanh. Tiểu đoàn 4 bí mật tiếp cận bao vây, đánh tiêu hao nặng 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 3 - trung đoàn 10 tại vườn Ươm, cầu Bà Mụ. Cùng đêm 2 trung đội đặc công đã tập kích sân bay Tân Thanh phá hủy 4 máy bay, diệt 1 trận địa pháo.

5 giờ sáng ngày 1-2, tất cả các lực lượng ở các cánh, các mũi đồng loạt nổ súng. Đại đội đặc công đã tiến đánh Sở chỉ huy trung đoàn 10, giết tên trung tá chỉ huy trung đoàn và phá hủy 3 xe quân sự. Đồng thời lực lượng ta truy lùng địch và bắt sống tên trung tá công binh. Đêm 1-2-1968, bộ đội ta làm chủ hầu hết thị xã và bao vây chặt dinh tỉnh trưởng.

Ngay từ 8 giờ sáng ngày 1-2, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 10 đã từ Mỹ Hóa đánh vào thị xã để giải vây dinh tỉnh trưởng. Khi vừa đến cầu Cái Cá, tiểu đoàn này bị quân ta chặn đánh. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Bộ đội ta đã đánh “xáp lá cà” với địch, đẩy lùi hàng chục đợt xung phong của chúng. Có tiểu đội súng không còn một viên đạn, anh em đã chiến đấu đến người cuối cùng. Đồng chí Hoàng Lam đại đội phó đội đặc công nước đã anh dũng hy sinh.

Ngày 2-2-1968, pháo dịch ở hạm tàu trên sông Hàm Luông (căn cứ Bình Đức - Mỹ Tho) bắn vào nội ô; các loại máy bay ném bom, máy bay trực thăng bắn hủy diệt khu chợ Bến Tre làm hơn 300 đồng bào ta chết và bị thương.

Cũng trong thời gian này, tiểu đoàn 516 đã diệt gọn 1 đại đội bảo an từ cầu Rạch Vong chạy về thị xã.

Ngày 3-2 lực lượng ta vẫn bám giữ các khu vực trong thị xã. Lực lượng công an vũ trang, tự vệ mật cùng các cơ sở cách mạng lùng quét bộ máy kềm kẹp của địch.

Chiều ngày 3-2, tiểu đoàn bộ binh 516 đánh chiếm tiểu khu bảo an, phá hủy kho súng với trên 1.000 khẩu. Địch tiếp tục dùng máy bay, pháo binh bắn phá dữ dội, hủy diệt hầu hết các khu phố. 16 giờ cùng ngày từ căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho) 21 chiếc trực thăng chở một tiểu đoàn Mỹ định đổ quân xuống sân bóng đã thị xã. Các đơn vị phòng không của ta bắn bị thương 1 chiếc, buộc chúng phải quay lên sân bay Tân Thành và đổ quân tại đây.


(1) Đại lộ Đồng khởi hiện nay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2011, 06:45:57 am »

Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Thống nhất cùng với đồng chí Bí thư thị xã họp và nhận định: Quân Mỹ đã nhảy vào Bến Tre và theo tin trinh sát kỹ thuật, chúng có thể đổ thêm 1 tiểu đoàn Mỹ để đánh ta. Lực lượng ta chưa đủ khả năng để lấy ngay dinh tỉnh trưởng. Ban chỉ huy Thống nhất quyết định: Tổ chức 1 lực lượng gọn, nhẹ, được trang bị tốt đứng lại trong thị xã chiến đấu kềm chân địch, giữ vững các khu vực đã làm chủ. Các tiểu đoàn bộ binh và các đại đội binh chủng rút ra ngoại ô lập trận địa sẵn sàng đánh quân Mỹ.

Đúng như nhận định của ta, 7 giờ sáng ngày 4-2-1968, 21 chiếc máy bay trực thăng chở 1 tiểu đoàn quân Mỹ từ Mỹ Tho sang đổ xuống đồng Cây đa xã Phú Hưng. Tiếp đó tiểu đoàn Mỹ từ sân bay Tân Thành chia làm nhiều mũi hành quân xuống thị xã. Đến đình Tân Thành chúng bị du kích xã Phú Khương và bộ đội đặc công chặn đánh; 11 giờ chúng mới đến nội ô. Sau đó chúng chia thành nhiều mũi hành quân qua cầu Cá Lóc trên tỉnh lộ 26 và khi đến cách cầu Gò Đàng 500 mét, 1 đại đội Mỹ đã lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 516. Bộ đội ta nổ súng mãnh liệt, nhanh chóng chia chắt đội hình địch, dồn chúng xuống bờ sông Bến Tre. Chỉ trong vòng 30 phút chiến đấu, ta diệt gọn đại đội Mỹ. Địch cho máy bay ném bom và pháo binh bắn gần 1 vạn quả xuống trận địa. 16 giờ tiểu đoàn Mỹ từ Phú Hưng hành quân vào thị xã. Khi đến cầu Cá Lóc, tiểu đoàn này đã bị tiểu đoàn 516 và 1 trung đội của tiểu đoàn 4 chặn đánh. Như vậy trong ngày 4-2-1968 quân ta đánh 2 trận lớn với 2 tiểu đoàn Mỹ và đã tiêu diệt gọn 1 đại đội, tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn Mỹ.

Tại vùng ven thị xã và huyện Châu Thành, bộ đội ta kết hợp với lực lượng chính trị, binh vận và du kích liên tục đánh địch, đã bức hàng, bức rút các đồn Phú Tư, Cây đa, Chợ giữa, Thầy cai, Sơn Đông, Bình Phú, Mỹ Thành, vàm Cái Sơn. Ở tỉnh lộ 27 ta làm chủ một đoạn dài từ xã Thành Triệu đến xã Sơn Đông. Du kích và bộ đội đặc công huyện diệt đồn cống số 2, cống số 3, cắt đứt liên tỉnh lộ 6A, làm gián đoạn giao thông địch từ Mỹ Tho đến thị xã Bến Tre.

Tại thị trấn Mỏ Cày, trong đêm 31-1 - rạng ngày 1-2-1968, đại đội 1 và trung đội đặc công huyện diệt đồn Việt Hoa. Dân vệ trong đồn Cầu chợ hoảng sợ bỏ chạy. Bộ đội ta chiếm và làm chủ dãy phố trường trung học Hàm Luông, chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài của chi khu. 7 giờ sáng 1 đại đội bảo an do tên quận trưởng chỉ huy đến phản kích. Bộ đội ta chặn đánh chúng tại ngã ba Thơm, diệt gần 1 trung đội; tên quận trưởng chết; số còn lại tháo chạy về chi khu. Đồng thời quân ta tiến đánh công sở Đa Phước Hội, diệt một số dân vệ, tề xã, chiếm luôn công sở và làm chủ chợ Mỏ Cày, dồn ép địch vào chi khu. Phối hợp chiến đấu với bộ đội, lực lượng quần chúng, dân quân du kích đã rào đường, đắp ụ trên các trục lộ giao thông sát chi khu. Chiều ngày 2-2-1968 tại chợ Mỏ Cày, 200 quần chúng họp mít tinh tuyên truyền tin chiến thắng.

Ngày 3-2-1968, Ban chỉ huy huyện đội đã điều đại đội liên quân du kích lên thành lập đại đội 2. Để vây ép quân địch, tiểu đoàn dân quân du kích và đại đội 2 đào chiến hào dài khoảng 1km từ ngã ba Thơm qua Giồng Giữa. Sáng ngày 4-2-1968 đại đội bảo an từ chi khu ra chợ Mỏ Cày phản kích ta lần thứ 2. Đại đội 1 chặn đánh diệt gần 2 tiểu đội địch. Sau đó chúng cho máy bay, pháo binh bắn phá hủy diệt các dãy nhà, khu phố, hơn 50 đồng bào ta chết và bị thương. Bộ đội ta kiên cường bám trụ, liên tục chiến đấu đã làm chủ thị trấn Mỏ Cày trong 7 ngày đêm. Trong trận chiến đấu ác liệt này, đồng chí Mười Sinh - đại đội trưởng và 20 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.

Phối hợp với thị xã, thị trấn trên các địa bàn nông thôn, cuộc tiến công và nổi dậy đã diễn ra ở nhiều nơi trong các vùng sâu, vùng yếu. Nổi bật là huyện Chợ Lách.

Huyện Chợ Lách nàm trên chót mõm của dải đất cù lao Minh, chiều dài khoảng 40km, gồm 8 xã có 50.000 dân phần lớn theo đạo Thiên chúa, Cao đài, Hòa hảo, Phật giáo. Cũng như nhiều địa phương khác, nhân dân ở đây bị địch kềm kẹp gắt gao. Việc xây dựng cơ sở cách mạng gặp nhiều khó khăn. So với các huyện khác thì lực lượng cách mạng ở Lách còn yếu. Để chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy, Huyện ủy, huyện đội đã chú trọng móc nối lại cơ sở và nhanh chóng tổ chức lực lượng nhất là lực lượng vũ trang tập trung huyện. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, huyện đã xây dựng và cung cấp 1 đại đội bộ binh, 1 trung đội đặc công cho tỉnh. Sau đó, ta đã gấp rút xây dựng 1 trung đội bộ binh, 1 tiểu đội trinh sát đặc công cho huyện và ở mỗi xã phát triển 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích làm lực lượng nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng.

Chi khu Chợ Lách chịu sự chỉ huy trực tiếp của tiểu khu Vĩnh Long. Địch lấy Chợ Lách làm trọng điểm bình định. Mỗi xã có 3, 4 ấp chiến lược. Lực lượng của chúng có 1.000 tên gồm bảo an, dân vệ, biệt kích… phần đông là người địa phương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2011, 06:46:46 am »

Mặc dù lực lượng ta ít nhưng với quyết tâm cao, Huyện ủy, huyện đội đã nắm vững thời cơ phát động được phong trào nổi dậy của quần chúng, kết hợp 3 mặt tại chỗ tấn công địch khắp các địa bàn trong huyện. Với cách đánh thọc sâu thối động quân địch, ta chọn đồn Cái Mít thuộc xã Sơn Định làm điểm của cuộc tiến công. Đồn này cách thị trấn 600 mét, có hai cơ sở mật của ta. Đêm 31 rạng 1-2-1968, các lực lượng ta tiếp cận mục tiêu chiến đấu. 7 giờ sáng 1-2-1968, cơ sở ta dụ tên trưởng đồn Cái Mít ra ngoài “dự tiệc” và bắn chết ngay tên này. Lập tức một tiểu đội vũ trang của ta nổ súng vào đồn. Lực lượng quần chúng có cả gia đình binh sĩ nổi trống mõ áp đảo địch. Sau 2 giờ bao vây và phát loa kêu gọi, toàn bộ binh sĩ trong đồn kéo ra hàng, ta thu 14 súng (có 1 trung liên). Phát huy thế tiến công địch bằng ba mặt, ta bức hàng đồn Phú Thuận và Phú hiệp vào 14 giờ ngày1-2-1968. Bọn dân vệ ở đồn Cống hoảng sợ; ta liền cử em Cam (15 tuổi) cùng gia đình binh sĩ vào đồn nói rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận đối với binh sĩ ngụy; bên ngoài ta phát loa kêu gọi, 15 tên dân vệ ra hàng. Ta san bằng đồn và thu vũ khí. Bọn dân vệ đồn Cây Bàng, Cây Đa, Đình Thiếc tháo chạy.

Đêm 1-2, Ban chỉ đạo họp đánh giá tình hình và vạch kế hoạch tiếp tục tấn công địch. Ngày 2-2-1968 100 quần chúng và gia đình binh sĩ kết hợp với du kích và 1 tiểu đội bộ đội địa phương huyện bao vây công sở xã Phú Phụng, ta bắn chết tên cảnh sát ác ôn. Số tề và dân vệ trọng đồn kéo ra hàng, ta thu 23 súng (có 1 trung liên). Xã Phú Phụng với 5.500 dân hoàn toàn được giải phóng.

Ngày 3 và 4-2-1968, ta liên tiếp bức rút công sở xã Vĩnh Bình, đồn Hưng Nhơn, Bình Thạnh, Hòa Thanh, Cây Cuội, Vàm Cống, Tân Bường, Tân An, Thôi Lộ, Song Lân. Bọn tề và dân vệ xã Bình Hòa Phước hoang mang rút chạy sang cù lao Tân Phong (Mỹ Tho). Cơ sở binh vận ta kết hượp lực lượng quần chúng và gia đình binh sĩ áp sát tuyên truyền kêu gọi. Chúng quay trở về và nộp 80 súng cho cách mạng. Nổi bật là tại xã Đồng Phú. Trong những ngày đầu tiến công và nổi dậy, bọn dân vệ rút chạy về công sở xã. Quân địch ở đây tăng lên 76 tên do 3 tên ác ôn cầm đầu. Ban chỉ đạo huyện cử nữ đồng chí Tám Phụng Huyện ủy viên - Bí thư xã, người có nhiều kinh nghiệm công tác phong trào trong vùng sâu, vùng yếu, trực tiếp chỉ huy diệt công sở này. Bằng ba mũi giáp công ta đánh 2 lần nhưng không dứt điểm được. Đồng chí Tám Phụng đã có sáng kiến vận động vợ 3 tên ác ôn cùng 30 gia đình binh sĩ vào đồn kêu gọi chúng, đồng thời dùng 1 tiểu đội vũ trang và 200 quần chúng kéo pháo giả nghi binh bao vây chặt công sở; sau 7 ngày đêm, toàn bộ tề và dân vệ mang súng ra hàng. Xã Đồng Phú với 9.000 dân thoát khỏi ách kềm kẹp của địch.

Như vậy trong 10 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân dân Chợ Lách đã giải phóng hoàn toàn 4 xã, 25 ấp, bức hàng bức rút 40 đồn tua và công sở, giết chết và làm bị thương 19 tên trong đó có 2 tên Mỹ, 335 hảng binh, thu 413 súng các loại.

Kể từ năm 1960, đây là cuộc tiến công và nổi dậy đầu tiên của quân và dân huyện Chợ Lách. Nó làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm về phương thức tiến công địch bằng ba mặt ở vùng sâu, vùng yếu. Nó góp phần tạo nên thế chiến lược mới trên chiến trường trong những ngày đầu xuân Mậu Thân 1968.

Kết thúc đợt 1, tuy chưa dứt điểm được thị xã nhưng quân và dân ta đã diệt, tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng vành đai và hình thành thế bao vây thị xã đã làm tan rã phần lớn bộ máy kềm kẹp của chúng từ tỉnh đến xã ấp, mở rộng thêm vùng giải phóng và làm chủ nhiều đoạn giao thông thủy bộ, dồn địch vào thế bị động đối phó.

Tháng 3-1968, Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 8 mở hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thắng lợi của đợt 1 và đề ra kế hoạch tiến công đợt II. Để bổ sung lực lượng cho trên ngày 5-3-1968 tiểu đoàn 3 được lệnh về Quân khu.

Căn cứ tình hình cụ thể của tỉnh nhà, Tỉnh ủy chủ trương: Kiện toàn tổ chức, biên chế lại lực lượng vũ trang tỉnh, huyện. Tăng cường cán bộ lãnh đạo và chỉ huy cho thị xã, chuẩn bị đón nhận chỉ thị mới của cấp trên. Lực lượng khởi nghĩa của quần chúng được đưa về địa phương.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã giải thể tiểu đoàn 4, tổ chức thành 3 đơn vị mũi nhọn đứng chân hoạt động ở vành đai để vây ép thị xã. Tiểu đoàn 516, tiểu đoàn 2 và các đại đội binh chủng được tổ chức thành chiến đoàn nhẹ làm quả đấm của tỉnh và bám trụ lại các xã Hữu Định, Phước Thạnh, Song Phước, Phú An Hóa, Quới Sơn… sẵn sàng đánh bại các cuộc phản kích của địch, giữ vững thế tiến công, tạo điều kiện để bước vào đợt II.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM