Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:38:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre  (Đọc 67306 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:19:43 am »

Chương hai

CUỘC ĐỒNG KHỞI NĂM 1960

I

TIẾP THU NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG,
GẤP RÚT CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA

Đầu năm 1959, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 họp dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch.

Sua khi phân tích tình hình phong trào cách mạng miền Nam và xuất phát từ nhận định về bản chất độc tài hiếu chiến của chính quyền Ngô Đình Diệm, hội nghị khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”; “theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang[39] để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”(1).

Hội nghị Trung ương còn nêu rõ: Vì bản chất của đế quốc Mỹ là hiếu chiến chúng có thể can thiệt bằng quân sự để cữu vãn chính quyền tay sai. Trong điều kiện đó, cuộc khởi nghĩa sẽ chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.

Tháng 12-1959, hội nghị Khu ủy Khu 8 (Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ) họp tại Hồng Ngự có đại biểu các tỉnh tham dự. Khu ủy nhận định rằng: các tỉnh miền Trung Nam Bộ đã trải qua một thời kỳ đen tối, cơ sở cách mạng bị tổn thất - có nơi tổn thất nghiêm trọng - nhưng lực lượng lãnh đạo và cơ sở quần chúng vẫn tồn tại. Đội ngũ tuy còn ít nhưng tất cả đều là những đảng viên, cán bộ và quần chúng trung kiên, vững vàng quyết tâm tiêu diệt địch.

Khu ủy quyết định phát động quần chúng nổi dậy phá thể kềm kẹp của địch giành quyền làm chủ nông thôn.

Khu ủy quyết định tháng 1-1960 phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã ấp theo những phương châm hành động sau:

Phải phát động phong trào rộng khắp, không thể “nổi cộm” từng điểm nhỏ khiến địch có thể tập trung lực lượng đàn áp; ta không giữ được phong trào.

Phải đưa cho được đông đảo quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh với địch nhưng giữ cho được thế đấu tranh hợp pháp, trực diện của quần chúng. Hoạt động vũ trang phải khôn khéo, tránh “lấn dây” sang đấu tranh vũ trang đơn thuần.

Trước khi đồng chí Nguyễn Thị Định vê Bến Tre, Bến tre đã nhận được điện tóm tắt nghị quyết Khu ủy về chủ trương và yêu cầu chỉ đạo đối với cuộc khởi nghĩa.

Để tranh thủ thời cơ, trong điều kiện chiến trường bị chia cắt, đi lại khso khăn, sau khi nghiên cứu kỹ nội dung chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Võ Văn Phẩm - Bí thư Tỉnh ủy đã hôi ý với các đồng chí Thường trực về quyết định tranh thủ triển khai ngay tại 2 khu vực:

Khu vực I: Cù lao Bảo và cù lao An Hóa do đồng chí Võ Văn Phẩm trực tiếp truyền đạt cho các đồng chí trong Tỉnh ủy như: đồng chí Nguyễn Văn Trung - phụ trách huyện Giồng Trôm; đồng chí Phan Văn Giảng; huyện Châu Thành; đồng chí Nguyễn Thanh Liêm (Tư Chi): huyện Bình Đại, Ba Tri.

Khu vực II: Cù lao Minh, Thường vụ Tỉnh ủy đã ủy nhiệm đồng chí Lê Minh Đào truyền đạt tới Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày; đồng chí Huỳnh Thanh Mua - Bí thư huyện Thạnh Phú; đồng chí Lê Văn Quang - Bí thư huyện Minh Tân (Mỏ Cày Bắc).

Đồng chí Lê Minh Đào còn có nhiệm vụ giữ và duy trì liên lạc với Khu ủy, đón đồng chí Nguyễn Thị Định đi chỉ đạo bổ sung cho cù lao Minh và đưa đồng chí Định sang gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Tỉnh ủy viên ở cù lao Bảo.

Giữa lúc mọi việc chuẩn bị cho khởi nghĩa đang được triển khai thì ngày 30-12-1959, đồng chí Nguyễn Thị Định về đến xã Minh Đức huyện Mỏ Cày.

Để tranh thủ thời gian, ngày 1 tháng 1-1960, tại nhà chị Bảy Tốt ở ấp Tân Huề xã Minh Đức huyện Mỏ Cày, đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã truyền đạt tinh thần nghị quyết Trung ương lần thứ 15 và chủ trương cụ thể của Khu ủy cho các đồng chí; Hai Thủy - Tỉnh ủy viên (lúc này đã được trên điều động nhưng chưa đi); Ba Đào - Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sông (Năm Hỏa) - Bí thư Mỏ Cày; các đồng chí Ba Cầu, Sáu Huấn, Bảy Tranh - Huyện ủy viên huyện Mỏ Cày và đồng chí Lê Văn Quang - Bí thư Huyện ủy huyện Minh Tân.

Sau đó, cuộc họp đã đánh giá tình hình địch ta và quyết định phát động một tuần lễ nổi dậy đồng loạt trong toàn tỉnh bắt đâu từ ngày 17-1-1960. Ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh được chọn làm điểm của tỉnh do Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.

Cuộc họp đã xác định nội dung, yêu cầu của khởi nghĩa: Dùng mọi cách phát động quần chúng nổi dậy mạnh mẽ liên tục, phá thế kềm kẹp giành quyền làm chủ của nhân dân; ra sức phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; củng cố và phát triển cơ sở Đảng; giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.

Yêu cầu của cuộc khởi nghĩa là phải đánh và phá tan bộ máy kềm kẹp ở xã ấp; phong trào phải diễn ra trên diện rộng, cùng một lúc nhiều nơi đồng khởi căng lực lượng địch ra, phân tán sự đối phó của chúng. Thuật ngữ “Đồng khởi” ra đời từ đây.

Cuộc họp còn đề ra yêu cầu kết hợp hoạt động giữa nông thôn và thị xã. Thị ủy phải theo dõi sát tình hình địch, củng cố đường giao liên công khai và bí mật, kịp thời báo cáo lên Tỉnh ủy hoạt động của địch tại thị xã; đồng thời dùng thanh niên mật đánh đồn công an và cầu Nhà thương (thị xã) gây tiếng vang hỗ trợ cho phong trào chung.

Cuộc họp cũng đã ra quyết định về công tác binh vận: về chính sách đối với địa chủ, ngụy quân, ngụy quyền và lấy danh nghĩa những người đấu tranh cho hòa bình, thống nhất để kêu gọi quần chúng và dùng tiểu đoàn 502(2) để nghi binh tác động tinh thần địch.

Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thị Định theo đường liên lạc đã được chuẩn bị sẵn, sang báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ở khu vực cù lao Bảo.


(1) Những sự kiện lịch sử Đảng, tập III - sách đã dẫn trang 125.
(2) Tiểu đoàn 502 lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Kiến Phong đã tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn quân ngụy tài Gò Quảng Cung ngày 28-9-1959.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:20:58 am »

II

ĐỒNG KHỞI

Ngày 17-1-1960, cuộc Đồng khởi đã bùng lên tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Và từ ngày 17 đến 24 tháng 1, phong trào Đồng khởi đã lan rộng ở nhiều xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Địa. Đông đảo quần chúng nhân dân có các tổ, đội hành động làm lực lượng xung kích kết hượp với cơ sỏ nội tuyến đã nhất tề vùng dậy diệt ác, phá kềm, lấy đồn, xây đồn đập tan hệ thống kềm kẹp của địch giành quyền làm chủ  xã ấp. Vừa khởi nghĩa vừa tổ chức phát triển lực lượng lại vừa đánh trả quyết liệt quân địch phản kích, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre bước sang trang sử mới hết sức hào hùng.

Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh là 3 xã giáp ranh nhau với chiều ngang khoảng 4km, chiều dài hơn 10km; đông bắc giáp sông Hàm Luông, tây bắc giáp sông Vàm Nước Trong, đông nam giáp xã Tân Trung, An Định, có sông Cái Quao và rạch ông Bồng nối liền nhau. Hình thể 3 xã như một cù lao hình chữ nhật bên trong có nhiều kênh rạch nỏ chia cắt. Ở đây vườn dừa um tùm, bãi mía rập rạp, đường sá quanh co, phức tạp. Trong kháng chiến chống Pháp, tại đây đã có những trận đánh đồn Vàm Nước Trong (Định Thủy), Cầu Sập (Phước Hiệp); năm 1957-1959 đã có những trận diệt ác trừ gian. Lúc này mỗi xã đều có một chi bộ với 4, 5 đảng viên; có tổ chức thanh niên mật; có sở nội tuyến trong đồn bót.

So với 2 xã Phước Hiệp và Bình Khánh thì Định Thủy có những thuận lợi hơn nên được chọn làm ngòi nổ của cuộc Đồng khởi.

Đồng chí Hai Thủy, Tỉnh ủy viên được phân công về Định Thủy trực tiếp chỉ huy cuộc Đồng khởi.

Ngày 14-1-1960, đồng chí Nguyễn Thị Định đã từ cơ quan Tỉnh ủy đến Định Thủy.

Xã Định Thủy có một đồn dân vệ đóng tại Vàm Nước Trong. Cơ sở nội tuyến của ta đã nắm chắc số dân vệ trong đồn. Với ý định lấy thêm súng, ta lập kế và điều được tổng đoàn dân vệ lưu động Minh Đạt gồm 12 tên do đội Tý chỉ huy đang ở xã Hòa Lộc về Định Thủ. Ngày 15-1-1960, chúng đóng quân tại công sở cách đồn Vàm Nước Trong 500 mét. Chúng tổ chức rước gánh hát bán vé lấy tiền. Chớp thời cơ, ta lập kế hoạch tiêu diệt chúng. Nhưng kế hoạch bị lộ, chúng kéo quân về đóng tại đình Định Phước và bố trí canh gác cẩn mật.

Sáng 16-1, chi bộ họp rút kinh nghiệm và lập kế hoạch tiến công mới. 10 giờ đêm 16-1, ba mũi gồm 3 tổ hành động đã áp sát đình Định Phước. Một mũi do đồng chí Lê Văn On cùng hai thanh niên tiến thẳng vào đình định giết tên lính gác. Đội Tý nghe tiếng động bật dậy đánh thức đồng bọn. Ta không hành động mà bí mật rút lui.

6 giờ sáng ngày 17-1, Ban lãnh đạo ra lệnh: bí mật triển khai lực lượng bám sát chúng, gặp những tên đi lẻ diệt ngay, lấy súng.

8 giờ sáng ngày 17-1, được tin đội Tý dẫn một lính cận vệ ra quán trà ở ngã tư Định Thủy, tổ hành động của ta gồm 3 đồng chí: Bảy Thống, Ba Giai, Chín Chim giả đi quét mộ ghé vào tiệm uống trà rồi bất ngờ quật ngã đội Tý, giật súng tên dân vệ, bắn tên đội Tý ác ôn chết tại chỗ.

Nghe tiếng súng nổ, vợ đội Tý và 2 lính dân vệ trong đình chạy ra, ta bắt cả 3 tên. Lập tức 2 tổ hành động đã được bố trí sẵn cùng với 200 thanh niên và quần chúng tràn vào dinh áp đảo địch. Bốn tên đầu hàng, 2 tên chạy thoát. Ta thu 1 súng, 3 lựu đạn, 5000 viên đạn. Trận chiến đấu kết thúc vào lúc 9 giờ ngày 17-1-1960.

Trong khi ta diệt tổng đoàn dân vệ, cơ sở nội thuyến đã lãnh đạo anh em binh sĩ khởi nghĩa lấy gọn đồn Vàm Nước Trong và kết hợp với lực lượng quần chúng chiếm công sở, giải tán tề xã, thu 15 súng, 10 lựu đạn và trên 1.000 viên đạn.

Nhân dân xã Định Thuỷu từ lúc tiếng súng diệt địch nổ đã võ trang dao, mác, nổi tống mõ tràn ra khắp các ngả đường lùng bắt tề điệp, ác ôn, quét sạch mọi tổ chức kềm kẹp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:21:58 am »

20 giờ ngày 17-1-1960, gần 2.000 đồng bào Định Thủy trương cờ, đốt đuốc, sôi sục tinh thần vùng dậy họp mít tinh mừng thắng lợi. Tại cuộc mít tinh, đồng chí đại diện Tỉnh ủy kêu gọi: Hãy phát huy thắng lợi, tiến công kiên quyết, sẵn sàng đối phó với quân địch đến phản kích.

Đêm 17-1, với 28 khẩu súng vừa mới thu được của địch, ta tổ chức các đội vũ trang kịp thời hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy ở xã Phước Hiệp và Bình Khánh.

Từ tay không vùng dậy, đến đây nhân dân Định Thủy có súng, có lực lượng vũ trang và bước đầu hình thành cách tiến công địch bằng ba mặt. Đó là vốn quý, là những kinh nghiệm sáng tạo vô giá đầu tiên trong phong trào Đồng Khởi.

Tại xã Phước Hiệp, 18 giờ ngày 17-1, nhân dân đã vùng dậy cùng tổ hành động bao vây đồn dân vệ; lùng bắt do thám, chỉ điểm, tề ngụy; giải tán các tổ chức phản động. 20 giờ, tổ hành động dùng loa truyền quân lệnh của tiểu đoàn 502 gọi dân vệ trong đồn ra hàng. Đến nửa đêm, một tiểu đội vũ trang xã Định Thủy sang hỗ trợ.

Sáng ngày 18-1-1960, quận trưởng Mỏ Cày cho lính bảo an đi 3 đò máy theo rạch cầu ông Bồng vào Phước Hiệp. Tiểu đội vũ trang vừa mới thành lập nổ súng bắn chìm một đò, bắn chết tên trung úy chỉ huy. Bọn chúng tháo chạy về thị trấn Mỏ Cày. Đêm 18-1, do sở hở của ta, số dân vệ trong đồn xé rào rút chạy. Tên đội chỉ huy chạy lạc sang Định Thủy bị ta bắt sống. Xã Phước Hiệp hoàn toàn giải phóng.

Tại xã Bình Khánh, trong 2 ngày 15 và 16 tháng 1 năm 1960, địch tăng cường bọn công an tỉnh; công an Ngô Quyền về xã lùng sục, khủng bố nhân dân. Chúng đi từng tốp 1, 3 tên dò la tình hình theo dõi quần chúng.

Bám sát địch, đồng chí Năm Thơ - đảng viên hoạt động công khai được chi bộ giao nhiệm vụ - đã theo sát tên đội, tên công an và hai tên dân vệ thường đi lẻ vào nhà dân xin “nhậu”.

Sáng 17-1, tại ấp 8 xã An Định (cách đồn Bình Khánh 1km) đồng chí Năm Thơ cùng 6 thanh niên tổ chức tiệc rượu “mời” bọn này đến dự để giật súng. Nhưng địch đã có ý đề phòng nên việc không thành. Không để mất cơ hội, tiệc rượu vừa xong, anh em ta lại rủ bọn chúng tiếp tục đi nhậu tại nhà đồng chí Văn Anh ở ấp Phú Lợi Hạ. Ta khích bọn này xuống ao bắt cá tra kiếm “đồ nhậu”. Hai tên dân vệ cùng với một thanh niên của ta xuống ao bắt cá. Tên đội cầm súng ngồi gác trên bờ. Nhanh trí đồng chí Văn Anh vãi mẻ chài tùm lên đầu một tên lính. Chúng vùng vẫy, ta đập chết 1 tên còn 1 tên xé chài chạy thoát về đồn. Cùng lúc, 2 thanh niên ôm cổ quật nhào tên đội công an giật súng lôi ra đình trị tội. Lập tức tiếng trống lệnh Đồng khởi vang lên. Nhân dân nhất tề nổi dậy, ào ạt xuống đường diệt ác, phá kềm, bao vây đồn Bình Khánh, đưa gia đình dân vệ vào đồn gọi chúng đầu hàng. Kẻ địch ngoan cố bắn trả. Ban lãnh đạo tỉnh tăng cường một tiểu đội vũ trang do đồng chí Bảy Song chỉ huy đến hỗ trợ vây chặt đồn Bình Khánh. Quân ta diệt bọn ngoan cố trên tháp canh và nhanh chóng đột nhập vào đồn diệt và bắt sống một số tên. Ta thu 6 khẩu súng và đốt đồn. Xã Bình Khánh hoàn toàn giải phóng hồi 2 giờ đêm 20-1-1960.

Ba xã điểm - vùng Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo - đã giành toàn thắng. Đây là trận đột phá có tác dụng rung chuyển và cổ vũ mạnh mẽ sự vùng dậy của nhân dân trong tỉnh. Các xã được chọn làm điểm chỉ đạo của mỗi huyện cũng đều giành được thắng lợi càng thúc đẩy thêm khí thế cách mạng sôi nổi. Phong trào khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng trong toàn tỉnh Bến Tre.

Từ ngày 17 đến 24-1-1960, 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, nhân dân đã nhất tề nổi dậy, 22 xã diệt ác, lấy đồn, đập tan bộ máy kềm kẹp, giải phóng hoàn toàn xã ấp. 25 xã khác đã diệt ác, bao vây đồn bót, giải phóng nhiều ấp.

Cùng với vùng nông thôn rộng lớn, tại thị xã Bến Tre, lực lượng tự vê đã đánh bót Lò Tương, diệt ác ở phương 1, diệt công an ở ngã Ba Tháp, trừ gian ở xa Phú Khương và đưa 200 phụ nữ ấp Mỹ An vào thị xã phối hợp đấu tranh.

Trong tuần lễ Đồng khởi trên, 300 tên tề điệp, dân vệ ác ôn đã bị bắt; 37 đồn bót bị bức rút, bức hàng; ta giải phóng 22 xã và 18 ấp, thu 150 khẩu súng cùng nhiều đạn và lựu đạn.

Ngày 19 tháng 1-1960, tại xã Bình Khánh huyện Mỏ Cày, 2 đồng chí Nguyễn Tám Cang (Hai Thủy) và Lê Minh Đào đã tập trung số vũ khí thu được tổ chức thành 3 tiểu đội: 1 tiểu đội đưa về hoạt động phá kềm kẹp tuyên truyền võ trang ở Minh Tân do đồng chí Ba Châu làm tiểu đội trưởng; 1 tiểu đội đưa về Thạnh Phú do đồng chí Xi làm tiểu đội trưởng, 1 tiểu đội đưa về Mỏ Cày do đồng chí Cho làm tiểu đội trưởng. Đồng thời ta chọn một số cán bộ khá, vũ khí tốt (súng trường mas, mituyn) lập đội vũ trang đầu tiên của tỉnh mang phiên hiệu Đại đội 264 Ban chỉ huy đại đội gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Song (Bảy Song), Lê Phục (Mười Phục), Đinh Văn Chức (Tám Chức).

Các công trường sản xuất vũ khí được xây dựng. Công trường tỉnh đặt ở xã Bình Khánh do đồng chí Ba Tam và Ba Thành phụ trách đã sản xuất được “súng ngựa trời”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:23:31 am »

Ngay sau ngày Đồng khởi, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các xã họp nhân dân, lập tòa án xét xử tề ngụy và các tên địa chỉ đã thu tô, giật đất của nông dân. Các tên tề ngụy không có nợ máu với dân được giao cho gia đình bảo lãnh, giáo dục, còn những tên địa chủ dựa vào thế ngụy quyền để thu tô, giật đất, phải thoái tô, trả ruộng cho người cày. Ở Mỏ Cày, trong tuần lễ Đồng khởi ta đã chia 600 công đất, bắt địa chủ thoái tô 750 giạ lúa cho nông dân. Nhân dân hồ hởi đóng góp tài chánh, lương thực cho cách mạng. Trong tháng 1 năm 1960 số tiền thu được lên tới 10 triệu đồng.

Trong những năm bị mất quyền làm chủ, vui không được cười, buồn không được khóc, đến đây nhân dân phấn khởi, bàn bạc mọi việc trong xã. Quyền làm chủ và ấp thuộc về nhân dân lao động.

Như vậy là 7 ngày đầu Đồng khởi đã mở ra một cục diện mới. Phần lớn hệ thống kềm kẹp của địch bị tan rã, khí thế cách mạng của quần chúng lên cao và đang ở thế áp đảo quân thù.

Ngay trong tuần lễ Đồng khởi, chi khu quân sự Mỏ Cày đã dùng từng trung đội bảo an phản kích, đóng đồn trở lại tạ hai xã Định Thủy, Bình Khánh.

Ngày 21-1-1960, ngụy quyền tỉnh Bến Tre đưa tiểu đoàn thủy quân lục chiến về đóng tại Phước Hiệp. Chúng tìm cách tung ra giải tỏa, tiếp tế cho các đồn Định Thủy, Bình Khánh đang bị ta bao vây.

Các đơn vị vũ trang ta đã đánh trả chúng. Tiểu đội vũ trang xã Định Thủy phục kích tại cầu rạch cầu Ông Bồng bắn chìm chiếc ghe chở bọn bảo an từ Phước Hiệp sang, diệt 8 tên thu 1 súng (26-1-1960). Đại đội vũ trang 264 chặn đánh địch ở An Thạnh, An Hóa (Bình Khánh) diệt 10 tên (3-2-1960). Trong trận này, lần đầu tiên súng ngựa trời của ta xuất hiện. Và cũng trong trận này em Hiếu thiếu nhi xã Bình Khánh đã dùng mã tấu xông lên chém chết tên trung úy Lương thủy quân lục chiến. Em Hiếu hy sinh nêu cao gương anh hùng của thiếu niên Bến Tre.

Ngày 4-2-1960, một phụ nữ xã Phước Hiệp bị lính bảo an hãm hiếp. Huyện ủy Mỏ Cày đã tổ chức 20 chị em khiêng nạn nhân lên quận đấu tranh và huy động 200 chị em khác đi theo hỗ trợ. Đoàn biểu tình kéo tới gần quận lỵ thì bị tiểu đoàn lính dù đi theo bảo vệ cho tên tướng Lê Văn Tỵ - Tổng tham mưu trưởng quân ngụy đang kinh lý Mỏ Cày ra cản đường. Chị em đã dùng lý lẽ tranh thủ được sự đồng tình của tên đại úy chỉ huy tiểu đoàn và xông thẳng vào quận lỵ. Nhân dân thị trấn và các xã lân cận đông tới 5.000 người cũng ùn ùn kéo vào vây kín trụ sở quận, tố cáo lính bảo an hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc, tàn sát nhân dân. Tên quận trưởng hoảng sợ buộc phải đưa nạn nhân đi chữa bệnh và hứa trừng trị bọn lính bảo an, hứa không khủng bố, bắn giết nhân dân.

Cuộc đấu tranh chính trị trực diện đã giành thắng lợi, quần chúng càng thêm tin tưởng vào nghệ thuật đấu tranh đạt hiệu lực cao của mình; còn lãnh đạo, qua sự kiên này đã có thể rút ra kết luận quan trọng là trong đấu tranh vũ trang vẫn có khả năng giữ thế hơp pháp để tiếp tục đấu tranh chính trị.

Giữa tháng 2-1960, Thường trực Tỉnh ủy họp ở Mỏ Cày quyết định phân công đồng chí Lê Minh Đào, Trần Khắc Chung (bảo vệ đồng chí Bí thư) sang tập hợp các đội vũ trang ở cù lao Bảo và thành lập đại đội vũ trang tập trung thứ 2 mang phiên hiệu Đại đội 269. Ban chỉ huy đại đội gồm các đồng chí: Trần Khắc Chung (Sáu Chung), Trần Bì (Vệ Quốc), Nguyễn Hữu Vị (Tám Vị).

Sau khi thành lập, đại đội 269 đã hỗ trợ cho các xã phía nam Giồng Trôm diệt ác ôn phá kềm kẹp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Minh Đào cũng đã tổ chức đưa về Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm mỗi nơi một tiểu đội để hoạt động phát động quần chúng mở rộng địa bàn theo kinh nghiệm của cù lao Minh. Sau đó đại đội 269 được điều sang cù lao Minh cùng đại đội 254 củng cố tổ chức, huấn luyện, chuẩn bị chiến trường để phối hợp đánh địch phản kích thắng từ trận đầu theo yêu cầu của chính trị (đối tượng là đại đội thủy quân lục chiến do tên trung úy Nước chỉ huy đang đàn áp đẫm máu nhân dân tại xã Phước Hiệp).

Theo kế hoạch dự định của ta, chiều 23-3-1950, 2 đại đội của ta dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Minh Đào đã tổ chức ba điểm phục kích địch trên đường bộ đoạn từ Phước Hiệp sang Định Thủy và đường thủy - Rạch cầu Ông Bồng. Quân ta diệt 47 tên địch (có 1 trung úy), thu 20 súng (có 2 trung liên).

Chỉ qua 2 tháng tập hợp xây dựng, lần đầu tiên lực lượng vũ trang Bến Tre ra quân trận đầu thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt nhanh gọn bằng 1 diệt 1, đánh đúng đối tượng ác ôn gây ảnh hưởng rất tốt với phong trào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:25:05 am »

Tháng 3-1960, Ngô Đình Diệm đến Bến Tre khảo sát tình hình và trấn an bọn ngụy quân, ngụy quyền tỉnh, quận.

Ngô Đình Diệm đã ra lệnh tung hết lực lượng bảo an tỉnh, quận đi chiếm lại các đồn bót đã mất và tập trung lực lượng chính quy chủ lực đến “dập tắt cái ung độc Kiến Hòa ngay từ đầu để tránh nguy hại về sau”.

Ngày 25-3-1960, Diệm huy động gần 10.000 quân gồm thủy quân lục chiến, dù, biệt động và 70 xe quân sự, 17 tàu, 47 khẩu pháo 105 ly do tên Đỗ Cao Trí chỉ huy mở cuộc vây quét lớn vào 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.

Cùng ngày, tàu chiến địch chạy trên các sông Hàm Luông, xe cơ giới chở đầy lính đổ quân trên đường giao thông Mỏ Cày - Thạnh Phú vây chặt 3 xã.

Sáng ngày 26-3, cùng một lúc, chúng chia nhiều mũi bao vây chia cắt từng khu vực; mỗi khu vực có 2 tiểu đoàn. Chúng chà đi xát lại, lục soát từng bụi cây, đám cỏ quyết tìm diệt lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não của tỉnh, quyết dập tắt phong trào Đồng khởi ở 3 xã điểm. Đội quân “áo rằn” đi đến đâu là bắn giết, đốt phá, cướp bóc thẳng tay. Chúng đã chôn sống 36 thanh niên, trung niên và giết chết 80 đồng bào ta.

Nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh đứng trước một thử thách mới. Từ tay không vùng lên khởi nghĩa giành được quyền làm chủ đã là việc rất khó. Nhưng cái khó hơn và trọng yếu hơn lại là giữ vững quyền làm chủ đã giành được. Đây không chỉ là sự sống còn của ba xã mà còn là sự sống còn của phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre mà ba xã là nơi đột phá đầu tiên “đầu có qua thì đuôi mới lọt”. Nhận thức ro điều này, Ban lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ huy cuộc chống càn ở đây đã nghiên cứu, phân tích tình hình địch ta một cách cụ thể, cân nhắc các ý kiến của cán bộ nêu ra, tìm cách đánh sao cho thích hợp với lực lượng vũ trang còn nhỏ bé của ta.

Tỉnh quyết định tập trung lực lượng chủ động đánh trận đầu giành cho được thắng lợi để hạ uy thế địch, tạo uy thế ta; sau đó sẽ phân tán lực lượng phối hợp với du kích đánh địch.

Bám sát địch, nắm chắc địa hình, ta tổ chức phục kích ở ấp 6 Phước Hiệp - chỗ nhất định địch sẽ đi qua. Ta tập trung số súng có trong tay kể cả ngựa trời, đào công sự sát bờ mía, lấy lá mía ngụy trang trận địa. Khi địch lọt vào trận địa, súng ngựa trời và các loại súng khác nổ đồng loạt vào đội hình của chúng. Bộ đội ta từ các hầm nhảy lên dùng mã tấu chém địch, dùng súng bắn rượt địch. Bị bất ngờ, bọn địch còn sống sót đạp lên nhau cuốn chạy. Chúng bỏ lại 50 xác chết; ta thu một số súng. Sau trận này, địch dè dặt hơn. Bộ đội ta lừa thế, tránh mũi nhọn của chúng và cùng với các tiểu đoàn vũ trang xã lập thành những tổ du kích bắn tỉa, gài lựu đạn, quần nhau với địch hết ngày này qua ngày khác. Sau 10 ngày chiến đấu, quân ta diệt 200 tên địch, làm bị thương 100 tên khác.

Nhân dân hết lòng đùm bọc tiếp tế lương thực cho bộ đội, du kích, lo nuôi dưỡng thương binh. Các bà, các chị, các cụ lão tìm cách tranh thủ binh lính địch, đánh lừa, cầm chân chúng để bộ đội ta có thời gian tránh né, di chuyển.

Quân địch vẫn khủng bố, tàn sát ác liệt. Thêm một số đồng bào, chiến sĩ ta bị chết, bị thương. Để bảo toàn lực lượng, tránh thương vong cho đồng bào, ta muốn rút quân, nhưng địch vẫn bao vây chặt ba xã.

Các đồng chí lãnh đạo từ trong thế bị địch bao vây đã phân tích khả năng đánh thắng và khả năng tồn tại của ta. Sau khi phân tích và thấy rõ nhược điểm của địch, bộc lộ ngày càng lớn, Ban lãnh đạo đã nhất trí chủ trương phát động quần chúng từ chỗ rụt rè, ngán sợ địch đứng lên đấu tranh phủ đầu ngăn chặn, phân hóa binh sĩ tại chỗ không cho chúng cướp phá, hãm hiếp; đồng thời tổ chức lực lượng ra quận lỵ trực diện đấu tranh đòi địch rút quân. Bộ phận này do chị Ba Định và đồng chí Út Thắng - ủy viên Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày phụ trách. Địa điểm chỉ huy ngoài lộ Mỏ Cày - An Định. Bộ phận lực lượng vũ trang bám trụ, bảo toàn lực lượng, tránh những chạm súng không cần tiết và giữ không để có trường hợp chiến sỹ ta tự động nổ súng hoặc dao động bỏ hàng ngũ v.v… do đồng chí Ba Đào phụ trách. Bộ phận trung tâm nắm các tin tức trong vùng, tin tức đấu tranh chính trị và lực lượng vũ trang để phối hợp phát động trong vùng đang bị bao vây, đồng thời liên lạc với các huyện, liên lạc với trên (lúc này ta đã có máy vô tuyến) do đồng chí Hai Thủy phụ trách.

Với cách tổ chức, chỉ huy như trên, ta đã vươn lên giành chủ động sau 2 ngày bị bao vây và kịp thời phát động đấu tranh chính trị lên thành cao trào.

Sáng sớm ngày 1-4-1960, hàng ngàn nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh dùng hàng trăm ghe thuyền chở người già, trẻ con, mùng mền, nồi chảo, heo gà… “tản cư” lên thị trấn Mỏ Cày. Lớp thì nằm, lớp thì ngồi la liệt các đường phố kêu la “khóc lóc” tố cáo lính chủ lực tàn sát dã man người vô tội, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết, cướp bóc của cải của nhân dân. Tiếp đó 5.000 phụ nữ ở các xã xung quanh cũng “tản cư ngược” đến thị trấn để tránh địch hãm hiếp, cướp bóc. Hơn 10.000 người tràn ngập thị trấn Mỏ Cày, vào đầy các trường học, bệnh viện, thánh thất, nhà bưu điện, văn phòng nghị sĩ quốc hội và vây khu trụ sở quân. Nhân dân - lớp đưa đơn, lớp nói miệng - yêu cầu quận trưởng cho nhân dân tạm nương náu; khi lực lượng “áo rắn” rút, dân trở về ngay và báo cho quận trưởng biết lính chủ lực chửi quân địa phương, chửi cả quận trưởng, tỉnh trưởng.

Tên quận trưởng Mỏ Cày bị kích động đi báo cáo với tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng bực mình lên Sài Gòn tố giác lính thủy quân lục chiến sát hại nhân dân, coi thường các “nhà chức trách địa phương”.

Cuộc đấu tranh kéo dài 12 này đêm. Nhân dân thị trấn Mỏ Cày đã tận tình tiếp tế cơm nước, phối hợp đấu tranh.

Trước sức mạnh đấu tranh quyết liệt của quần chúng, ngày 16-4-1960, đại diện ngụy quyền Sài Gòn tới Mỏ Cày hứa với nhân dân sẽ rút hết lính thủy đánh bộ về.

Trong lúc đó, lực lượng vũ trang ta và cơ quan Tỉnh ủy từ trong vòng vây của kẻ thù đã di chuyển an toàn lên huyện Minh Tân (Bắc Mỏ Cày) và sang huyện Giồng Trôm là công tác võ trang tuyên truyền hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, buộc địch phải đưa quân đối phó.

Ngày 30-4-1960, quân địch rút khỏi 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.

Qua trận này, Tỉnh ủy kết luận: Bọn lính chủ lực của địch không thể tiêu diệt được lực lượng vũ trang non trẻ của ta và mũi đấu tranh chính trị đã phân hóa nội bộ địch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bằng cả lực lượng đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và binh vận, ta đã làm thất bại cuộc càn quét quy mô lớn của địch, bảo toàn lực lượng ta, giữ vững quyền làm chủ xã ấp.

Đây là một kinh nghiệm lớn, một sáng tạo về phương thức đánh địch của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:26:39 am »

Cuối tháng 4-1960, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng họp tại căn cứ Châu Bình huyện Giồng Trôm. Hội nghị đã tổng kết kinh nghiệm cuộc Đồng khởi mùa xuân và nhất trí kết luân: Hiện nay phong trào đang ở thế chủ động tiến công; khí thế quần chúng rất sôi nổi; thế trận nhân dân chống địch đã hình thành. Địch thì đang trên đà thất bại, hoang mang, dao động. Thời cơ thuận lợi cho ta ngày càng nhiều và sắp đến đây các tỉnh sẽ nổi dậy tiến công địch mạnh hơn, căng địch ra, phân tán lực lượng của chúng làm chúng khó tập trung quân đội đối phó với tỉnh ta. Đó là những điều kiện thuận lợi để ta tiếp tục đưa phong trào trong tỉnh tiến lên mạnh mẽ, đều khắp.

Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Đình làm Bí thư Tỉnh ủy và cử đoàn đại biểu gồm đồng chí Võ Văn Phẩm - Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Bảy Đấu - Tỉnh ủy viên lên Khu ủy báo cáo tình hình Đồng khởi của Bến Tre và xin chỉ thị mới.

Sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định phát động các cuộc Đồng khởi đêm được gọi là “Đồng khởi nhồi”, “Đồng khởi bồi” vào hai ngày 19-5 và 19-8-1960 nhằm củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng xã ấp chiến đấu, chuẩn bị cho cao trào Đồng khởi mới.

Lúc này, địch dùng lực lượng bảo an chiếm đóng lại 27 đồn bót đã bị san bằng trong cuộc Đồng khởi mùa xuân. Dựa vào các đồn bót này, những tên hội tề và dân vệ lưu vong trở về lập lại bộ máy kềm kẹp nhân dân. Quần chúng lại nổi dậy xuống đường cùng các tiểu đội vũ trang lùng bắt tề ngụy mới mọc lên, bao vây các đồn bót. Quân địch phải nằm im trong đồn. Quyền làm chủ xã ấp vẫn thuộc về nhân dân. Đầu tháng 6-1960, đại đội 269 phục kích đánh địch ở ngã tư Châu Bình (Giồng Trôm) diệt 1 trung đội bảo an (có 1 trung úy và 5 tên đội ác ôn) thu vũ khí (có 2 trung liên). đại đội 264 diệt tổng đoàn dân vệ Minh Thuận (Mỏ Cày) bắt sống tên chỉ huy tổng đoàn và vũ trang tuyên truyền vùng Cái Mơn (Chợ Lách) - một vùng Thiên chúa giáo có lực lượng vũ trang phản động mà xưa này địch cho là “bất khả xâm phạm”.

Đến đây lực lượng ta được củng cố phát triển lên một bước.

Lực lượng vũ trang tại các xã đều phát triển thành tiểu đội và được trang bị hai, ba khẩu súng cùng dao mác, gậy gốc, mã tấu. Thanh niên nam nữ trong xã được tập hợp lại tự may sắm quần áo bộ đội, mang súng giả, tập quân sự, tập hành quân chiến đấu. Các xã chưa Đồng khởi tổ chức phát triển các tổ, đội hành động, tự vệ mật. Ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm - nơi có phong trào mạnh - mỗi huyện đã xây dựng 1 trung đội vũ trang tập trung. Ở thị xã Bến Tre, tự vệ mật được phát triển trong công nhân nhà máy điện, công nhân bến phà, học sinh trường trung học.

Tại căn cứ Châu Bình (Giồng Trôm) cuối tháng 6-1960, Tỉnh ủy quyết định xây dựng một đại đội tập trung cơ động của tỉnh mang phiên hiệu đại đội 261.

Ban chỉ huy đại đội gồm các đồng chí Trần Khắc Chung, Nguyễn Văn Nguyễn, Đào Công Sinh.

Ngày 1-7-1960, trường huấn luyện tân binh, đào tạo cán bộ tiểu đội được thành lập tại huyện Thạnh Phú mang tên trường Võ Tấn Nhứt khai giảng khóa đầu có 130 học sinh tham gia học tập.

Lực lượng chính trị phát triển mạnh được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có sinh hoạt thường xuyên, có kinh nghiệm đấu tranh trực diện với địch. Xã nào cũng sẵn sàng một lực lượng từ 300 đến 1.000 người đi đấu tranh chính trị theo lệnh cấp trên. Đến mùa thu năm 1960, Bến Tre có thể huy động từ 5.000, 10.000 đến 20.000 lực lượng cho 1 cuộc đấu tranh và có khả năng hợp đồng tiến công địch trên diện rộng.

Các ban chuyên môn giúp việc Tỉnh ủy, Huyện ủy được hình thành.

Ban quân sự tỉnh được thành lập có cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần và tổ chức công trường sản xuất, sửa chữa vũ khí.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:27:44 am »

Trải qua đợt Đồng khởi mùa xuân và các đợt Đồng khởi đệm, phong trào cách mạng Bến Tre đã từng bước lớn mạnh. Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang phát triển nhanh và chất lượng ngày càng cao. Các cơ quan tham mưu của tỉnh đã hình thành và được kiện toàn từng bước để thích ứng với yêu cầu tổ chức và chỉ đạo những cuộc đấu tranh chính trị, quân sự qui mô lớn.

Sau khi bị thất bại liên tiếp, ngụy quyền Sài Gòn đưa đến Bến Tre 10 đại đội lính bảo an, 2 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 21 chủ lực ngụy đóng giữ thị xã. Chúng tung toàn bộ lực lượng bảo an và biệt động trong tỉnh tăng cường cho các đồn bót, yểm hộ cho bọn tề, bọn dân vệ lưu vong trở lại xã ấp.

Với lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã phát triển vào có kinh nghiệm chiến đấu, tại các xã, ấp quân và dân ta đã chặn đánh quân địch, giam chân chúng trong các đồn bót; đồng thời liên tục mở các cuộc đấu tranh chính trị trực diện với bọn ngụy quân ngụy quyền ở các xã quận để phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự.

Ngày 19-8-1960, đại đội 261 lần đầu tiên xuất quân đã phục kích tiêu diệt gọn 1 đại đội bảo an địch ở ngã tư Phước Hiệp thu 20 súng.

Tháng 9-1960, Xứ ủy Nam bộ quyết định phát động toàn Nam Bộ Đồng khởi.

Khu ủy Khu 8 ra chỉ thị lấy ngày 23-9-1960 là ngày các tỉnh trong toàn Khu Đồng khởi.

Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương mở cuộc Đồng khởi đợt 1 trong toàn tỉnh thời gian từ 15 đến 20 ngày. Hướng chính là huyện Giồng Trôm, hướng phụ là huyện Mỏ Cày. Điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy là 5 xã: Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Phú, Châu Hòa, Châu Bình thuộc huyện Giồng Trôm.

Cuộc Đồng khởi đợt 2 này có nhiều thuận lợi. Nhưng cũng có khó khăn: Đó là yếu tố bất ngờ không còn, địch đã tăng cường đề phòng, đối phó - nhất là các đồn bót ở xã ấp.

Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ thị cho các thị trấn, thị xã phải đẩy mạnh hoạt động để thu hút quân địch, phân tán bớt sức đối phó của chúng ở nông thôn.

Ngày 21 và 22 tháng 9 năm 1960, hang vạn nhân dân được huy động vào thị xã mua gạo, muối, dầu lửa dự trữ, tung tin tiểu đoàn 502 sắp đánh lớn. Lớp lớp nối tiếp nhau đi vào thị xã; nhiều bà, nhiều chị ra vào chợ không biết bao nhiều lần và nhân dân gọi đây là cách “đi chợ nhồi”. Thị xã tràn ngập người đi chợ. Giá cả tăng vọt. Nhân dân xôn xao bàn tán. Ngày 23-9-60 - theo kế hoạch - dân không đi chợ, nhà buôn dẹp quầy hàng, đóng cửa tiệm. Thị xã Bến Tre bỗng nhiên lặng ngắt. Ngụy quyền tỉnh hốt hoảng. Tiếp đó trưa ngày 23-9, đại đội 261 - lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh - phục kích tiêu diệt gọn 1 trung đội bảo an tại Tân Thạch trên đường từ Mỹ Tho vào thị xã. Cùng lúc, trung đội vũ trang huyện Giồng Trôm cũng tiêu diệt gọn một trung đội bảo an tại Lương Quới trên đường từ Giồng Trôm vào thị xã. Đêm 23-9 tự vệ thị xã diệt đồn dân vệ cầu Nhà thương, tước vũ khí của dân vệ cầu Cái Cối. Tưởng rằng ta sắp tiến công thị xã, sáng ngày 24-9, địch vội vàng điều hai tiểu đoàn đang đóng ở Giồng Trôm về phòng giữ thị xã Bến Tre. Chiều 24-9, nhân dân các xã Lương Hòa, Long Mỹ, Bình Hòa (Giồng Trôm) đã chuẩn bị sẵn một ngàn cây dừa, cây chuối kết thành chiếc bè khổng lồ theo dòng nước thủy triều đang xuống tấp vào cột cầu Bình Chánh làm sập cầu. Con đường từ thị xã đi Giồng Trôm, Ba Tri bị đứt.

Như vậy là quân chủ lực của địch bị hút về thị xã, đường giao thông bị cắt, kế hoạch nghị binh làm lạc hướng phán đoán của địch do Tỉnh ủy đề ra được đồng chí Nguyễn Văn Trung (Hai Trung) - Tỉnh ủy viên cùng huyện Giồng Trôm thực hiện một cách trọn vẹn.

Đúng 17 giờ ngày 24-9-1960, tiếng trống, tiếng mỏ nổi lên vang động khắp nơi trong tỉnh. Bến Tre bừng bừng khí thế bước vào Đồng khởi đợt 2.

Năm xã “điểm” của tỉnh: Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Phú, Châu Hòa, Châu Bình do Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ huy nối liền nhau trên bờ sông Ba Lai (huyện Giồng Trôm) là nơi có cơ sở quần chúng mạnh, có đội vũ trang vừa mới xây dựng, có cơ sở nội tuyến vững chắc trong các đồn dân vệ. Đặc biệt tại đồn Châu Phú ta có cơ sở nội tuyến là anh Chống - đại đội trưởng đại đội bảo an - với danh nghĩa là “nghĩa binh công giáo”.

15 giờ ngày 24-9, bọn lính ở đồn Châu Phú được lệnh của đại đội trưởng gom súng để kiểm tra. Trong lúc đó, một tiểu đội của đại đội 261 giả làm lính bảo an kéo thẳng vào đồn. Cơ sở nội tuyến kêu gọi binh lính đầu hàng, đồng thời bộ đội ta xông vào tước súng; nhân dân kéo đến san bằng đồn. Ngay sau đó, lực lượng ta cùng cơ sở nội tuyến dùng xe lam tiến vào bót nhà thờ Châu Phú. Địch không kịp trở tay; ta thu gọn đồn này không tón một viên đạn. Lực lượng ta tiếp tục sang đồn Châu Thới. dẫn đầu các gia đình binh sĩ, đại đội trưởng Chống vừa kêu gọi địch đầu hàng vừa đạp bung cửa đồn. Quân ta tràn vào đồn, bọn lính buông súng đầu hàng.

Cùng lúc, nhân dân các xã Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Bình, Châu Hòa cùng với các tiểu đội vũ trang trong xã kết hợp với nội tuyến san bằng các đồn bót ở dọc sông Ba Lai mở ra một vùng giải phóng rộng lớn. Ta thu 100 súng, bắt tên 100 tù binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:29:08 am »

Đêm 24-9-1960, nhân dân họp mít tinh mừng thắng lợi và bàn kế hoạch chống địch càn quét.

Sáng 25-9-1960, hơn 2.000 đồng bào kéo vào thị trấn Giồng Trôm, thị xã Bến Tre và nhà thờ La Mã (Hiệp Hưng) loan tin đại đội trưởng Chống cùng đại đội nghĩa binh đã theo cách mạng, yêu cầu “chánh quyền” bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân; không được khủng bố bắn phá và đòi bồi thường chồng con đi lính bị mất tích. Đồng thời tại thị xã Bến Tre, ta đã thả 30 tù binh, giáo dục 100 tên khác rồi cho về với gia đình. Binh sĩ địch bàn tán xôn xao; gia đình binh sĩ ngụy hết lời ca ngợi chính sách khoan hồng, nhân đạo của cách mạng.

Cùng với 5 xã điểm, đêm 24-9-1960, hàng vạn nhân dân ở gần 100 xã trong tỉnh đồng loạt nổi trống mõ, đốt ống lói, đốt đuốc, thắp đèn sáng rực xã ấp biêu tình thị uy vây đồn, phát loa gọi hàng, chiếm đồn bót địch. Đèn, cây, dây, mõ là bốn thứ mới ngày hôm qua địch dùng để bắt dân lùng diệt Cộng sản thì hôm nay nó là vũ khí của mỗi người dân vùng dậy lùng bắt tề ngụy, đập tan ách kềm kẹp của chúng.

Trước uy lực của toàn dân Đồng khởi, tại Giồng Trôm, 20 đồn bót đã nộp súng xin hàng. Tại Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, hàng chục đồn bị diệt, hang chục xã được giải phóng.

Tại huyện Mỏ Cày, kẻ địch ở đây đã bố trí đề phòng, đã tăng cường lực lượng cho một số đồn bót, khống chế chặt từng khu vực.

Ngày 30-10-1960, Ban lãnh đạo tỉnh điều đại đội 261 từ Giồng Trôm sang tăng cường cho Mỏ Cày. Đại đội 261 sau khi vượt sông Hàm Luông đã kết hợp vơi nội ứng lấy đồn Cái Quao, giải phóng xã An Định và tiếp đó xuống Hương Mỹ. Bọn dân vệ ở bót Tân Trung hoảng sợ rút chạy. Bộ đội ta bao vây, bức hàng đồn Minh Đức. Một loạt xã tại Nam Mỏ Cày nổi trống Đồng khởi, giành quyền làm chủ. Ở Bắc Mỏ Cày, trung đội vũ trang huyện cùng nhân dân bức hàng các đồn Thanh Tân, Tân Phú Tây, bao vây cô lập đồn Cái Mơn. Một loạt xã kể cả vùng nhân dân theo đạo Thiên chúa cũng thừa cơ nổi dậy giành quyền làm chủ.

Đồng khởi đợt 2 rộ lên trong khoảng 20 ngày và tiếp tục đến cuối năm.

Trong tháng 10-1960, địch đã tung lực lượng ra phản kích. Hàng loạt cuộc đấu tranh chính trị trực diện chống địch khủng bố, càn quét đã diễn ra khắp các xã, thị trấn, thị xã.

Tại nhà thờ La Mã, Cái Mơn hàng trăm giáo dân Thiên chúa đưa đơn kiến nghị buộc cha cố không được tiếp tay cho giặc. Tại quận lỵ Trúc Giang, hơn 1.000 dân các đạo giáo biêu tình phản đối quận trưởng đưa lính đi càn quét khủng bố nhân dân, đòi rút quân đang càn quét về.

Trong khi đó, với vùng giải phóng đã mở rộng, đại đội võ trang tập trung của tỉnh đã cơ động, chủ động đánh địch càn quét. Tháng 12-1960, tại Giồng Trôm đại đội 261 và 1 trung đội huyện vây đồn Sơn Đốc (Hiệp Hưng) để diệt viện đã tiêu diệt gọn 1 đại đội bảo an quân và 3 tên đại úy chỉ huy chi khu, bắt sống 32 tên, phá hủy 3 xe quân sự, thu toàn bộ vũ khí. Tiếp đó, tại huyện Mỏ Cày, đại đội 261 và trung đội của huyện phục kích đánh địch càn quét ở cầu Kinh nhỏ (An Thới) và cầu Kinh lớn (An Thạnh) diệt 1 đại đội bảo an quận, bắt sống 17 tên.

Chiến thắng ở Sơn Đốc, An Thới, An Thạnh đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre, báo hiệu bước phát triển mới của đấu tranh vũ trang trên địa bàn tỉnh.

Cuố năm 1960, trong 115 xã ở tỉnh Bến Tre đã có 51 xã hoàn toàn giải phóng, 21 xã được giải phóng 1 phần. Nhân dân làm chủ 300 ấp trong tổng số 500 ấp. Hệ thống kềm kẹp của địch ở nông thôn bị đập tan nát.

Ngày 28-12-1960, Đại hội nhân dân tỉnh Bến Tre khai mạc tại huyện Ba Tri. 400 đại biểu các nơi về dự. Đại hội đã bầu ra ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh làm chức năng của chính quyền cách mạng tỉnh Bến Tre.

Cuộc Đồng khởi năm 1960 là biểu tượng của tiềm năng cách mạng và năng lực sáng tạo của quần chúng được phát huy cao độ. Nó là sản phẩm đầu tiên của nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15. Nó là cao trào cách mạng của quần chúng lây lực lượng chính trị làm chính kết hợp với lực lượng binh vận và lực lượng vũ trang còn nhỏ bé tiến hành một cuộc khởi nghĩa từng phần nhằm phá tan bộ máy chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ.

Cao trào Đồng khởi Bến Tre đã góp phần xuất sắc vào cao trào tiến công và nổi dậy ở các tỉnh Nam Bộ và toàn miền Nam. Nó mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của 60 vạn nhân dân tỉnh Bến Tre.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Sáu, 2011, 06:38:55 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:32:38 am »


Nhân dân Bến Tre biểu tình chống chế độ Mỹ Diệm


Quang cảnh Đồng khởi ngày 17-1-1960


Nhân dân xử tội tề điệp


BỘ THAM MƯU CỦA CUỘC ĐỒNG KHỞI 1960
Trái sang phải: Nguyễn Tâm Cang, Lê Minh Đào, Võ Văn Phẩm
Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Trung, Phan Văn Giảng
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 09:34:59 am »



Bọn địch hoảng sợ, xua lính ra ngăn chặn bước tiến của đội quân tóc dài



Lễ thượng cờ Mặt trận



Cuộc mít-ting chào mừng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
ra đời ngày 20-12-1960




Nhà ông Bảy Song (xã Bình Khánh), nơi thành lập trung đội vũ trang
đầu tiên của tỉnh (19-1-1960)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM