Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 07:02:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời  (Đọc 52365 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #40 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 01:57:51 pm »

Kỳ cuối

Ngọn gió nên đời anh hùng

Với Phạm Xuân Ẩn, cũng có thể lắm, làm nên đời anh hùng, có phần của những quả thị theo gió rơi xuống, thơm lừng trong túi áo. Bên trong hột thị, chú bé vẫn đinh ninh là có con Tấm, con Cám thật…

“Có ba nền văn hóa trong những người Việt Nam như tôi”. Henry Kamm trích lời ông Ẩn, nhưng bài viết Kamm chỉ đưa ra biểu tượng của những nền văn hóa ấy ở lòng yêu nước, yêu con người, dũng cảm, khôn ngoan và độ lượng. Những đặc tính lớn ấy cụ thể trong đời sống của ông như thế nào?

Thẻ hoạt động báo chí của Tổng cục Chiến tranh chính trị quân đội Sài Gòn cấp cho Phạm Xuân Ẩn

“Khổng học trong ông già tôi nặng lắm. Gốc từ thời ông bà ông cố ông sơ từ bao giờ. Lớ quớ là tôi ăn đòn liền. Văn hóa văn minh Việt Nam nhân nghĩa lễ trí tín thấm sâu vào trong lối sống. Cụ Hồ trước lúc mất cũng như suốt đời Cụ là những bài học đối nhân xử thế. Ông nội tôi cũng găng lắm. Tôi vô lớp bét Đồng Ấu về, ông hỏi: thầy dạy em đi học để làm gì. Dạ, để học tính, học đọc, học viết. Thế là ông đánh cho một trận liền: Mày bỏ khúc đầu. Thầy bao giờ cũng dạy: Tiên học lễ, hậu học văn…”

Dường như giờ đây là một người ông thấu hiểu nỗi khốn khổ của trẻ con nên ông thương thằng cháu nội lắm, thương cả trẻ con nói chung. Ông vẫn còn thấy hình ảnh của mình khổ vì không sao hòa hợp được các quan niệm của ông, cha mình. “Mình kẹt cái đó”, vừa thương tuổi thơ, thương cả cha mình vừa không có gì trách giận, chỉ trách giận bản thân mình. Bằng chứng để tự giận mình là mọi đứa trẻ ngày ấy không gặp vấn đề như ông. Lứa trẻ con ngày đó nhiều đứa đã hòa hợp được mà nên người, còn ông thì không. Ông vẫn nhớ mình luôn được cha mẹ dạy rất kỹ các phép tắc: “Đi đường thấy chai bể không được phớt lờ đi qua, mà phải lượm để vào gốc cây cho ai đi qua vô ý không đạp phải. Khách đến chơi, không được leo lên sa lông, ghế ngồi hóng chuyện. Đến chơi nhà ai nếu không được phép thì không ngó nghiêng hay tự ý vào phòng trong…” Ông nói sơ qua về lối dạy dỗ thường của gia đình truyền thống Việt Nam nặng Nho giáo.

Thế còn văn hóa Pháp? Ảnh hưởng ra sao? “Từ lúc học trung học là đã thuộc văn hóa, lịch sử, văn chương Pháp. Lịch sử Việt Nam chỉ học cấp dưới, lên trung học là thôi. Học địa lý Pháp là phải thuộc từ cục đá, con sông, có hình ảnh chứ như bây giờ thấy toàn vẽ không. Chỉ có một nước nó không cho học là Liên Xô. Á Châu mà nó trừ Nga!”. Ông nhớ lại thuở đi học ấy. Cách dạy của Pháp tuy có nhồi sọ thật, nhưng lần đầu tiên có thêm cho người học sinh nhiều khái niệm mới. “Khái niệm về vấn đề quốc gia, nhà nước lúc ấy học sinh mới được dạy. Sách giáo khoa dày cộp, phải học kỹ. Đi thi trả lời loạng choạng là rớt liền. Thí dụ nó dạy ăn cắp của nhà nước là ăn cắp của mọi người, phải nói đúng khái niệm, chứ không thể nói kiểu xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa như bây giờ ta nói. Phải học thuộc lòng. Cả cách đối xử với mọi người: lúc lên thang, ngồi xe có phụ nữ. Học từng tí”.

Còn sự ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, thì rõ ràng ông đã học được nhiều điều thiết thực làm thay đổi các suy nghĩ thông thường. Câu chuyện ông hay kể lại về mình “có cái thông minh, có cái ngu”. Người ta hỏi vì sao làm đường phải ngoằn ngoèo. Nghĩ một lúc thì trả lời là làm thế cho tài xế phải chú ý mà không dám ngủ gật! Đâu phải! Thực tế hơn nhiều: con đường chạy sao cũng gặp các khu mồ mả, đất riêng của dân. Có khi do tiền không có nhiều phải làm đường uốn vòng vèo tránh khúc khó. Thời Pháp quy định sĩ quan cấp nào không được lái xe. Binh nhì, hạ sĩ, lái xe Jeep, sĩ quan không được đi xe đạp. Nếu cần phải ngồi xích lô giữ tư thế. Không được đi xe điện. Đến thời Mỹ, viên trung tá hẳn hoi cũng xắn tay áo sửa xe. Cái gì thuận lợi, tốt cho cuộc sống thì làm… Văn hóa thực dụng kiểu Mỹ đã dạy nhiều thứ…

Ông kể nhiều chuyện đời sống và các câu chuyện đơn giản ấy của thời cuộc đã tạo nên con người: “Nặng chất Việt Nam, yêu nước số một là người Việt Nam. Pháp thì mở ra những khái niệm công bằng tự do bác ái. Mỹ thì nặnglà vấn đề lao động, thực tế. Có làm mới có sáng kiến và kỷ luật. Cai trị bằng luật. Thế giới nhiều luật sư nhất là Mỹ. Tranh chấp việc bầu cử Tổng thống giữa Bush và Gore vừa rồi mỗi bên 500 luật sư theo dõi ở Florida. Trưởng cảnh sát ở cấp quận là phải bầu…”

Phạm Xuân Ẩn đang hành nghề báo chí - Ảnh do gia đình cung cấp

Dưới dàn cây bóng mát, ông có thể vừa cho chim ăn, vừa trò chuyện nhỏ nhẹ và các câu chuyện đều mang ý nghĩa rất gần gũi đời sống. “Rất Mỹ”. Cái cảm giác đó không rõ bắt đầu từ cái gì. Khó lòng tách bạch, bởi ở ông toát lên một nét nhân văn rất Việt Nam. Rõ ràng không phải là một ông già yếu ớt lo sợ trước cuộc đời xáo động. Có thể “Chung sống hòa bình” với các bệnh tật, trào lộng hồn nhiên mà không lộ liễu. Ở ông vừa có một cậu bé tinh nghịch yêu súc vật cây cỏ, một người tò mò kỹ thuật nhưng lại sống bằng nghề phân tích và tư duy trừu tượng. Ông không viết ra như Đoàn Giỏi, Sơn Nam, cũng chẳng nghiên cứu bác học như cụ Vương Hồng Sển, nhưng ông sống thấm đẫm quê hương. Có lẽ cái dáng vẻ thi nhân của ông mà ký giả nước ngoài cảm thấy mà họ không thể chứng minh. Đời ông hoàn toàn xa cách với thi ca.

Ông làm cái nghề, ngay từ lúc mới nhận nhiệm vụ đã không muốn, cái nghề của khôn ngoan, của suy xét trước sau không được sai một ly. Một ly là mất mạng, là hỏng việc nước… Có thể đó phải là con người luôn mở to mắt nhìn, toan tính cho rõ, tránh những sai lầm. Vậy mà lại dáng thi nhân và một triết gia. Vẻ phong nhã thi sĩ và cái khôn ngoan triết gia có thể chắc chắn đã thấm vào ông từ nền văn minh Á Đông mềm mại nhất. Nó bắt đầu từ đâu nhỉ? Thật khó biết rạch ròi. Bắt đầu từ cái thuở trước Đại chiến Thế giới thứ hai?

“Lúc tôi 9, 10 tuổi, sống ở Sài Gòn, bắt đầu biết cảm nhận cái thành phố nhiều chỗ để chơi này”. Chú bé 10 tuổi xuống xưởng Ba Son, vào Sở Thú học làm Tazan leo cây đa, đu để rớt ào xuống sông lại bơi vào đeo toòng teng trên rễ đa. Làm quen với một ông thợ xưởng Ba Son xin ông đúc cho đồng xu nặng để đánh đáo: “Ổng cưa cho miếng, và mài bóng lên. Vào khoảng năm 1928 khi chưa có tiền xu đồng nặng, tới năm 1935 là nhẹ rồi, dùng làm cái chọi. Mãi sau này mới có đồng nửa xu”. Một chú bé nghịch ngợm, ham chơi, say khám phá, cho đến bây giờ thành một người nhiều tuổi vẫn yêu mãi cái thành phố thuở xưa ấy. “Lúc đó dân còn thưa thớt, ở xa. Dinh Đốc lý Sài Gòn một cái, Chợ Lớn một cái. Thành phố thoải mái. Tôi thì có tật lang bang chơi nhiều, đi khắp, cái gì cũng biết. Tây thì sống ở mạn bến Bạch Đằng, Sở Thú, dinh Norodom. Tây luôn lựa đất cao ở, họ không chịu được phong thấp của xứ nóng. Vùng cao nhất Sài Gòn là vùng Sở Thú. Cây lớn. Lúc đó mới chỉ là vườn bách thảo. Sau dần mới có đem thú vô. Tây thì luẩn quẩn ở đó thôi, khu của người Pháp. Bao giờ cũng vậy: nhà ông toàn quyền, dinh Norodom (nay là dinh Thống nhất). Vừa hành chính chen lẫn khu nhà ở. Xây ở tỉnh nào cũng vậy, luôn có nhà ông chánh tức là tỉnh trưởng, rồi đến tòa án, khám lớn. Dân sang trọng cũng ở gần đó…”
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 02:11:04 pm »

Trong ký ức cậu bé, Sài Gòn xưa còn nhỏ, ra khỏi là đến Gia Định. Bên kia cầu Thị Nghè là Gia Định. Đakao đã là ngoại ô. Sài Gòn lúc đó nhiều Tây, có tới 50 ngàn người Pháp cai trị toàn Nam Kỳ. Xuống bờ sông là hải quân. Nhà cửa chạy từ Sở Thú xuống tới Đại Sứ quán Mỹ bây giờ, là doanh trại trung đoàn bộ binh thuộc địa 11 của Pháp 11e Régiment d’ Infanteric Coloniale (11e R.I.C). Ông vẫn còn nhớ: “Nhà kiểu doanh trại, nay hình dáng gốc vẫn còn y nguyên, chỉ sửa bên ngoài”.

Xem ra chú bé này nghịch đủ mọi thứ: “Cúng lăng Ông, lẻn vô coi hát bội. Năm nào cũng cúng lớn. Đứng coi ai cao phía sau. Phía trước ngồi. Nam nữ lúc đó còn thụ thụ bất thân. Tôi đứng, nhổ nhang sướng lắm. Nhang lớn, bằng cái cẳng cái. Thích Tết. Noel vào nhà thờ Gia Định coi lễ. Ở đó, trước trống trơn, có cả ao hồ, xe điện từ Gò Vấp, Hóc Môn ra Chợ Lớn. Đi xe điện mấy xu. Muốn đi ciné thì lên xe điện ra Đakao gần Cầu Bông. Đi sớm chút. Thường đi một mình, hoặc với đứa em gái 8 tuổi. Nếu đi một mình thì khoái hơn, chui vô mua giấy xe điện. Có nhiều suất coi: 1 tới 3 giờ, 3 tới 5 giờ, 5 tới 7 giờ, 7 tới 9 giờ. Coi suất 3 tới 5 giờ có lợi: ra còn coi Tây đầm đi Patin ở góc Đinh Tiên Hoàng, nay xây tùm lum rồi. Coi đã, lên xe về. Chủ nhật thì đi bộ, cầm cái ná bắn chim. Nhà ở đường Cây Thị (gần Hàng Xanh), trồng toàn cây thị, lúc đó ruộng hết, không có nhà. Chiều mát Tây đầm chạy xe hóng mát vòng vòng Hàng Xanh, Cầu Bông, chạy về đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ, về Sài Gòn. Mùa thị chín, phố thơm lắm. 4, 5 giờ sáng đã ra lượm thị. Trái chín vàng bỏ túi thơm như các chị thường làm. Hễ thấy có gió thổi nhiều là chạy ra liền ngồi chờ.

Ông già tôi khi rảnh hay đem ra dạy học. Hay đánh lắm. Vì con lười, chơi không. Vì vậy tôi hay trốn đi chơi. Còn đem theo cả vắt cơm. Đạn để bắn chim thì vò viên tròn phơi khô bằng đất sét. Vò viên bây lớn, se lại phơi khô, để cái bao, bên đây giàn thun, vắt cơm muối mè. Nói là đi chơi chút, là đi luôn. Bắn chim xong tắm. Sông bần mọc đầy. Mà sông sạch lắm, nước trong vắt. Hồi đó có nhà Phú Hữu sản xuất gạch đỏ, rất giàu. Tôi sang đó lấy đất sét nắn nồi, soong, ba ông đầu rau. Củi cây mục bẻ chỗ nào cũng có. Gia Định lúc đó nhiều rừng cao su. Từ chợ Gia Định có đường Chi Lăng mọc cao su, tay trái là mả. Lấy mủ cao su làm banh đá nặng lắm. Rồi bắt cá dưới ruộng. Nghĩa địa thấp, mưa ngập nước, hòm mục, sọ người trồi lên, cá đẻ vào đó. Hễ thấy bọt, nắm lấy xương sọ đổ rút ra rổ là có cá!”…


Phạm Xuân Ẩn và các đồng nghiệp tại văn phòng của The New York Herald Tribune ở Sài Gòn - Ảnh do gia đình cung cấp

Đúng là chú bé chơi thật đã, chẳng biết sợ là gì. Có lẽ chú đã lục lọi khắp các ngõ ngách của cái thành phố tuổi thơ của chú không còn bỏ sót xó nào. Không có phố nào không có kỷ niệm. Cho tới lúc thành chiến sĩ tình báo rồi, đi làm phóng viên cho hãng Reuters rồi, những con phố vẫn chưa thôi “dính dấp”.

“Thời kỳ làm cho Reuters, tôi đi làm lái xe vòng sau dinh Độc Lập. Thời kỳ 1961 - 1962 Lệ Xuân cấm chơi bạc nên các tay chơi phải tụ tập ở quán, cá độ bằng số xe qua lại. Xe tôi đi qua cứ bị ném đá hoài. Có đứa còn quát chửi theo, Đ.M cái xe này cứ qua đây hoài! Thì ra là số tôi số NBC - 253 cộng lại là 10, số bù, đám cá cược gặp xui. Ông Tuyến biết chuyện bảo tôi: “Đi lối khác đi. Tránh đường đó đi”.

Đánh bài cào, nhảy đầm, cái gì ông cũng chơi cũng thử. Thích nhất là hay chơi vòng vòng đây đó. Một lần nhà văn Nguyễn Khải hỏi ông: “Làm nghề tình báo giữa cái sống cái chết, ngay trong đầu não địch, căng thẳng vậy làm sao sống được”. Ổng trả lời: “Chơi!” Và nói giỡn: Đi nhảy đầm ôm mấy cô là quên hết…

Cậu bé lớn lên, thành người hoạt động tình báo, chứng kiến Sài Gòn trải qua bao rung chuyển đổi thay. Sài Gòn chống Mỹ, Sài Gòn biểu tình, Sài Gòn trong bom đạn Mậu Thân, Sài Gòn giải phóng. Từ cậu bé xài những đồng xu đầu tiên bằng đồng điếu, (tiền xưa Bảo Đại lỗ vuông) cho tới hôm nay vẫn chưa thôi “chơi” những “trò chơi” của cuộc sống. Vẫn đòi hỏi gắng sức cho công việc không hề có kết thúc.

Bao nhiêu người bạn bè đi xa đã trở về gặp gỡ, phỏng vấn mãi không thỏa mãn mong muốn biết rõ về cuộc đời của ông. Kể cả những người đã từng sống với ông nhiều quãng đời quá khứ. Cũng có những người bạn của ông khác chính kiến đã ra đi, hẹn về gặp rồi không bao giờ trở về nữa. Họ đã nằm lại một xứ sở khác, để không bao giờ còn được thỏa lòng mong ước thấy lại Sài Gòn với những con người kiệt xuất của nó như Phạm Xuân Ẩn.

Những nhà báo nước ngoài không ngừng miêu tả nhịp sống Sài Gòn hôm nay với đủ cách nhìn. Các nhà khoa học Nhật Bản thì tính rằng giao thông của thành phố này có thể gặp rắc rối, mật độ dân cư đi lại dày đặc, tốc độ đi lại trung bình của xe cộ đã giảm xuống chỉ còn 10-12km/giờ. Nhà báo khác thì so sánh những tòa nhà cao ốc và thích chụp các ngõ hẻm hơn. Hậu trường của cái thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 này đã biến đổi. Khách sạn thuộc địa, tòa thị chính, nhà thờ xây theo kiệu Gô-tích hình như đang mờ dần đi sau các cao ốc văn phòng. Người ta nói tới những chiếc cầu vượt sông, các dự án tuyến đường xe điện, các chung cư và trung tâm thương mại lớn. Khách nước ngoài và Việt kiều có thể đi du lịch vòng vòng bằng xích lô để thấy những hàng quán, dòng người và những biển quảng cáo nhiều màu. Tùy theo cách nhìn mỗi người, họ có thể nói về xây dựng, phát triển, hay là chỉ thấy những bác xích lô đẫm mồ hôi, những người ăn xin tàn tật. Hoặc chỉ thấy các vũ trường, các nhà hàng với món xúp cua, tôm… Tất cả đều đúng với Sài Gòn vì nó có những thứ ấy trong nhịp điệu tăng trưởng của mình. Chỉ có điều, những doanh nhân ở các liên doanh với Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia hay Singapore, giờ đây đã là một thế hệ mới. Những vũ trường Queen B hay Cheers, Tropical Rainforest Gossip hay Pink Cadillac… hoặc là các quán ăn uống rực sáng đèn giờ đây không chỉ dành cho những vị khách thời thượng của ngày xa xưa.

Phạm Xuân Ẩn chạy xe máy trên một đường phố ở Sài Gòn

Thời đại mới, có lớp người mới với những phẩm chất mà lớp người xưa không có. Những gì ưu tú của lớp người xưa, bây giờ có thể không giống cái ưu tú của thời nay. Nhiều phẩm chất mới khác đang hình thành. Lớp người mới không còn phải dùng đến thứ can đảm, chịu đòn tra, hoặc làm những việc chiến đấu đạn bom. Thử thách hôm nay khác. Nhưng vượt lên trên hết, cái chất Việt Nam đã chắt tận lòng của mình gửi vào con người. Sức mạnh tinh thần đã được truyền đi một cách mầu nhiệm, bí ẩn. Nó mầu nhiệm bí ẩn đến mức ta khó chỉ ra rạch ròi.

Nó giống như là tôi không thể nào chỉ ra nổi trong người tình báo Anh hùng Phạm Xuân Ẩn, đâu là phần cái rễ cây đa và nước sông trong mát cho cậu nô nghịch thuở thiếu thời, còn đâu là phần của những câu hát ru của bà mẹ, ngọn roi dạy dỗ một cách đớn đau của người cha. Đúng như lời của một triết gia “Linh hồn chính là quá khứ” (L’âme, c’est le Passe). Mà quá khứ của cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc này đã gửi vào các cá nhân của nó bao gồm những gì? Đó vẫn là một câu hỏi, một sự khám phá mãi không thôi…

Với Phạm Xuân Ẩn, cũng có thể lắm, làm nên đời anh hùng, có phần của những quả thị theo gió rơi xuống, thơm lừng trong túi áo. Bên trong hột thị, chú bé vẫn đinh ninh là có con Tấm, con Cám thật…

Nhà báo, Thiếu tướng tình báo, anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn (tức Trần Văn Trung), được báo chí Mỹ coi là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ XX. Nhiều người so sánh ông ngang tầm với nhà báo, điệp viên huyền thoại Liên Xô Richard Sorge hoạt động tại Nhật Bản trong Thế chiến II.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tám, 2011, 06:47:31 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 02:33:29 pm »

PHỤ LỤC

Một số hình ảnh Tang lễ Thiếu tướng, AHLLVTND Phạm Xuân Ẩn

Phần này do Bộ đội Cụ Hồ sưu tập thêm, không có trong sách.

Gia đình, bạn bè, đồng đội và nhân dân vô cùng đau buồn, thương tiếc trước sự ra đi của ông

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) chia buồn cùng thân quyến, gia đình Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Nghi lễ Chào đồng chí, trước lúc tiễn ông ra đi


Con cháu ông đăm đăm nhìn người cha, người ông huyền thoại trước lúc chia tay

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiễn đưa người đồng chí của mình về nơi an nghĩ cuối cùng...

...và biết bao người không kìm được nỗi tiếc thương, trào nước mắt...


Tổ quốc mãi mãi khắc ghi những công lao to lớn của ông

Hoa tràn ngập ngày tiễn đưa Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Chuyến đi cuối cùng

Mộ của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại lễ tang : "Đồng chí Phạm Xuân Ẩn mãi mãi là một trí thức lớn, một tinh hoa của ngành tình báo Việt Nam…"

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong sổ tang : "Tôi đã đặt niềm tin và ngưỡng mộ anh Ẩn..."

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương (Mười Hương) đang thắp hương tiễn biệt Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn tại Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.

Đại tá Nguyễn Văn Tào (Tư Cang) đã viết một bài thơ như sau để tưởng nhớ Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn qua đời.

Và thế là kết thúc cuộc đời của một nhà tình báo.
Một người trung với Đảng, hiếu với Dân
đã hoàn thành món Nợ của mình đối với Dân tộc.
Anh là người sống suốt thời kỳ loạn lạc.
Anh thực sự xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng"
Xuân Ẩn ơi, từ nay Anh sẽ thực sự là "Ẩn".
Bạn bè sẽ luôn đau buồn trước sự mất anh.


Cuộc đời của một trong những nhà tình báo vĩ đại đã kết thúc như thế.

HẾT
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tám, 2011, 06:49:09 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM