Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:00:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gió Lửa  (Đọc 68549 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #180 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:42:57 pm »

Mở mắt ra, Nhật thấy Mai mình dựa vào gốc cây, miệng hát, tay giơ cao lên trời, mặt chan hòa nước mắt, không biết đã đến mỏm đá này từ lúc nào. Thư hai tay ôm vai mẹ, miệng mím chặt, mặt căm lại như khắc vào đá.

Gió, lại gió. Cơn gió bần bật thổi tung đống tàn than đang cháy, thổi những tàn tro còn đốm lửa bốc lên cao, kết thành những bông hoa rực đỏ bay tản ra, tắt dần, rắc trên sông Mã chút bụi xót lại của một cuộc đời. Từ tro bụi mà ra, sẽ rồi lại trở về với tro bụi. Sống ở, chết về. Trên bước về, dấu vết mà làm chi ? Danh vọng mà làm gì ? Phú quí ư, rồi cũng đến thế ! Sự nghiệp ư, có hơn chi một cơn gió giữa bao la.
Thư lên tiếng đọc kinh. Mai ngưng hát, đọc theo :

« Con lậy Chúa con, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa con, xin Chúa con hãy thẩm nhận lời con kêu van: hãy lắng nghe tiếng con cầu xin. Nếu Chúa con chấp tội, nào ai được rỗi bởi Chúa con hằng có lòng lành cùng vì lời Chúa con phán hứa. Con đã trông cậy Chúa con. Linh hồn con cậy vì lời hứa ấy, vì đã trông cậy Chúa con...Lậy Chúa con ! xin ban cho linh hồn chồng con được nghỉ ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng »

Trời tối dần. Thư dìu mẹ đến cạnh, tay đưa cho Nhật một bọc vải có buộc phong thư. Nhật dịu dàng nhìn Thư, nhìn Mai, đỡ lấy rồi đứng lên. Chàng khẽ nắm lấy bàn tay Mai vẫn run run như một cánh chim non lìa tổ. Gió, lại gió. Ðám tro tàn lại bốc lên bay về phía sông Mã đang gầm gừ khúc biệt hành. Trong vũ trụ này, thực ra vật chất bất sinh, bất diệt. Những tàn tro nay không còn đốm lửa nào, dẫu có xóa chỉ xóa đi hình hài, nhưng hẳn giữ Thức nguyên lành trong bao la.

Phong thư của Thức gửi Nhật vẻn vẹn :

« ... duyên anh em mình có vậy, đến lúc cuối còn gặp được nhau là đã thỏa lòng ta. Nhờ Nhật chu toàn cho mấy việc. Thứ nhất là lên Bùi Phong tạ từ thầy hộ cho ta. Thứ nhì, giúp cho chị và cháu về giáo phận Bùi Chu. Nguyễn Ánh hàm ơn giám mục Bá đa Lọâc chắc không hại đến giáo hữu ở đấy, hẳn chị và cháu đặng an bình. Dặn Quốc Thư rằng chỉ đến đời vua sau, tất nếp cũ lập lại, người giáo phải lo trước để cẩn thận giữ gìn. Thứ ba, ta gửi phiến đá Băng Vân và sách Tề Nhân Thế đạo. Sách chỉ một mình Nhật được mở ra, xong rồi đem cả đá lẫn sách chôn vào huyệt tổ họ Hà trên bờ sông Mê thuộc bản Mê Hạ, dưới giặng Giăng Màn, từ Bùi Phong đến mất ba ngày đường. Thứ tư, xin dặn lại rằng ai nhớ ta, hãy hãy ném một cánh hoa xuống dòng sông Mã là đủ đẹp. Khi ném, chớ quên nhắc ta « đừng lấy trí nhân ra mà kiêu mạn ! » là đủ tình. Trí nhân dẫu cần, nhưng không đủ để con người đạt hạnh phúc. Cái cần, cả đời ta, ta cũng chưa đạt, nói chi đến đủ. Vì vậy, ta đành khất nợ kiếp này, cúi lạy chư vị Chúa, Phật, Thánh thần trên trời, cùng lạy toàn thể chúng sinh trên trái đất này mà ta hằng yêu quí. »

Nhật thẫn thờ, đọc đi đọc lại. Ở gian bên, Thư trằn trọc sột soạt đi đi lại lại. Nhật khêu đèn, tay mở bọc vải Thức trao lại. Quyển sách được bọc kỹ càng trong giấy có thoa sáp chống nước, để dưới một phiến đá to bằng nắm tay. Nhật cầm hòn đá lên. Nó lạnh một cách không ai tưởng tượng ra nổi, ánh lên mầu xanh nhờn nhợt như mặt mũi người thiếu máu. Thắp hương, Nhật thì thầm khấn rồi mở bọc giấy. Quyển sách gáy da xông lên mũi một mùi hương âm ẩm. Trang đầu, tựa đề Tề Nhân Thế Ðạo viết theo kiểu đại tự bằng son, nét có đôi phần ẻo lả chứ không rắn rỏi chắc chắn như nét chữ của Thức. Nhật hồi hộp. Nhớ lại những buổi luận bàn với Thức, Nhật chắc rằng những dòng chữ trong mấy chục trang sau là những công thức gom hết trí lực một đời người bỏ ra để tìm kiếm những cơ chế an sinh và công bình xã hội, điều kiện Thức cho là cần để mỗi người trong đó đạt được hạnh phúc. Nhật giở trang sau, rồi trang sau nữa. Mắt trợn lên, môi run bần bật, cứ thế Nhật vội vã giở cho đến trang cuối cùng. Trong nước mắt nhạt nhòa, chỉ vỏn vẹn đúng bốn chữ đú đởn, nhẩy múa với nhau :

« TỀ NHÂN THẾ ÐẠO »

Ðưa quang gánh xuống con thuyền đang dập dềnh quay quanh sợi chão neo vào chiếc cầu gỗ ven bến, Nhật lại chạy lên đón lấy hai tay nải Mai khệ nệ tay xách nách ôm. Ở đầu dốc, Thư ngả người về phía sau, tay ghìm đòn xuống giữ thăng bằng, chân từng bước đi xuống. Nhà thuyền hò lên : « Mau lên, nước lên rồi ! » Mai ngửng đầu nhìn. Bên kia, mặt trời đã ló ra khỏi mỏm núi. Trời xanh vắt điểm dăm ba đám mây nhè nhẹ trôi dài ra kéo thành những sợi trắng dần dần mất hút vào tít tắp xa xôi. Khi Thư xuống đến bến thì có tiếng gọi. Mẹ-bề trên cùng hai ba người phụ việc trại tất tả xuống dốc :

- Ðừng đi đâu mà vội ... Ðợi chúng tôi một tí nhé !

Ðến ven bến, Mẹ chạy đến, đưa hai tay nắm lấy tay Mai, vừa lắc vừa nói :

- Khổ thân, chúng tôi đến giúp gồng gánh thì đã đi cả rồi ...

Lấy tay lau vệt mồ hôi trên thái dương Mai, Mẹ xuýt xoa :

- Ði đường xa, còn là mệt - Quay nhìn nhà đò, mẹ tiếp - thư thư cho nhé, ngày rộng tháng dài mà.

Quay sang nắm lấy tay Thư, Mẹ nhìn Toàn Nhật :

- Xin Chúa ban phúc lành. Dịp tiễn thầy, tôi lại xin mời. Bao giờ thầy lên được trại thì xin cứ lên. Thầy chăn
dắt chính quả chính giác giúp người trên trại chúng tôi thì chúng tôi đội ơn vô cùng ...

- A di đà Phật.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #181 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:43:41 pm »

Mai nhìn quanh. Nàng biết là những người cùi hủi trong trại không ra bến vì có lệnh cấm họ gần gũi người lành lặn. Thật ra, chẳng cấm họ cũng tránh để khỏi lại ngậm ngùi về thân phận mình. Mai nhìn Mẹ-bề trên, búi tóc bạc xòa ra dưới chiếc mũ rộng vành, nước mắt rưng rưng. Mẹ-bề trên lắp bắp :

- Cấm dì khóc. Dì khóc tôi cũng khóc. Già mà khóc người ta cười cho ...

Mắt đã đỏ hoe, Mai ôm lấy Mẹ bề trên, nói nhỏ :

- Mẹ chào tất cả anh chị em trong trại hộ con. Rồi con cũng sẽ về thăm. Ơn Chúa, thế nào con cũng về.

Mai quay sang các dì phụ việc trại, nắm lấy tay từng người, cổ họng tắc lại. Có dì khóc rưng rức, có dì cứ níu chặt tay, không chịu bỏ ra, Mẹ-bề trên phải gượng mắng bằng giọng yếu ớt cũng đã chớm vị mặn của nước mắt.

Nhà thuyền chống sào đẩy ra, theo triền sông xuôi xuống. Trên bờ, Mẹ-bề trên lại tất tả leo lên dốc.
Thuyền đi được vài trăm sải, Nhật vỗ nhẹ vào Mai rồi đưa tay chỉ. Bìa rừng dọc ven sông, thấp thoáng bóng người. Nhìn kỹ, có cả bóng áo chùng xám của Mẹ-bề trên, của các dì. Vang lên trong không trung lời câu kinh của hàng trăm người cùi hủi đã bỏ trại kéo nhau ra :

« ... Lậy ơn Ðức Chúa Blời, xin ban bình an trong đời chúng tôi, vì đừng kể một chúa tôi, chẳng ai cứu giúp bênh vực chúng tôi...Chúng tôi cầu xin cùng Ðức Chúa Blời là Ðấng hay ban lòng muốn thanh sạch, trí luận ngay chính cùng sức làm việc công bình, xin rủ lòng thương ban cho chúng tôi được sự bình an thế gian chẳng thể ban được...»

Nhìn xuống mặt sông, muôn vàn cánh hoa dại màu vàng được thả trôi theo dòng nước lờ lững trôi, trôi đến cho Trọng Thức, trôi xa để sang một thế giới nào đó, có thực đấy, nhưng nào ai hay biết. Mai nắm tay con, nước mắt chan hòa. Hai mẹ con đọc theo :

«...thì lòng chúng tôi mới dễ chiều về đàng lành mà giữ cho nên các điều Chúa tôi răn dạy. Chúng tôi xin bấy nhiêu sự vì Ðức Chúa Giê-Su Kirixitô là Chúa chúng tôi. Amen »

Nhật dõi mắt nhìn. Người trong trại đưa bàn tay cụt ngón lên vẫy. Họ kẹp những chiếc khăn trắng lắc qua lắc lại, thả hoa vàng xuống nước, đọc kinh xong lại cùng nhau hát những bản Thánh ca. Giọng họ cao vút lên đến đỉnh trời, xa đến tận cuối đất, chở đi niềm ước vọng dầu thế nào cũng không bao giờ mất được trong mỗi cuộc sống.

Nhật ngồi xuống bên cạnh Thư, lặng lẽ ngắm những cánh hoa vàng. Một lát sau, Nhật dịu dàng :

- Cháu ơi, cha cháu tự thiêu mình đi như vậy là vị kỷ hay vị tha? Nếu chỉ vị kỷ, làm sao có được những cánh hoa trên sóng nước?

Thư lặng người đi. Chàng biết là Nguyễn Ánh xưng đế và chính quyền mới lập chắc chắn sẽ truy nã cha mình. Chàng biết là cha mình chết đi thì mẹ con chàng sẽ an lành. Chàng hiểu ý cha, mẹ con chàng về Bùi Chu là tạo cơ hội cho tương lai của chính chàng, khỏi phải chôn vùi trong rừng sâu núi thẳm. Vả lại, dưới mắt chàng, những cánh hoa vẫn bập bềnh trôi theo mạn thuyền. Thư lẩm nhẩm « Lạy vong linh cha, tha cho con tội lầm lẫn » rồi nắm lấy tay Nhật.

Nhìn Thư, Nhật bỗng thấy đó chính là Thức. Vẫn chiếc hàm cương nghị bạnh ra và đôi môi lúc nào cũng hơi mím lại. Vẫn cặp mắt có chút lo lắng dọ hỏi. Vẫn nụ cười bướng bỉnh như thách thức. Thiếu chăng, nhưng may thay, là vết sẹo đâm xuống chân mày, dấu vết của tù ngục để lại trên trán Thức trong vụ án năm Canh Tý. Mầu nắng giữa trời cao lồng lộng vàng óng như mầu lụa mỡ gà dệt mẻ đầu mùa, vừa tươi vừa thơm tho. Bất giác, Nhật muốn ôm cả vũ trụ này vào lòng mình bỗng nay chẳng còn bất cứ một giới hạn nào nữa.

Rời Bùi Chu, Toàn Nhật xuôi về phía sông Lam bằng đường bộ. Ðã cuối đông, trời vẫn rỉ rả trút xuống những cơn mưa kéo dài cả tuần lễ. Ðường đi lầy lội, làng xóm vắng lặng, mỗi lần ghé vào Nhật chỉ nghe thấy tiếng chó sủa và những cặp mắt trắng dã thập thò ngó ra từ những cánh liếp đóng không chặt. Nhưng không ai mở cửa cho một nhà sư. Năm nay, nước sông tràn lên làm úng lúa, mót về được hột đực hột cái, bở bùng bục, sấy lên không đầy được một vốc.

Dân đói lại lũ lượt hàng đàn lê chân về phía bắc. Quan quân của tân triều nhà Nguyễn chặn lại, hỏi « ... định đi làm giặc hả ? ». Ðó là dân Thanh - Nghệ, đất «tắm gội » của vua Lê - chúa Trịnh, xưa nay xung quân đều thuộc những đội quân ưu tú được cựu triều tin tưởng. Dân kêu « ... đói thì đầu gối phải bò ! ». Quan quân, phần lớn là người gốc Bình Thuận được phái vào trấn giữ và chia cắt Ðàng Ngoài ra làm hai, nạt nộ « ... bò ra để rồi quay vào giết chúng tao hả ? ». Quan ra lệnh cho lính từ đằng sau lũy bắn quàng ra. Có kẻ trúng đạn, rú lên « ... mới lên ngôi vua đã bắn vào dân đen, ối trời ơi, trời có mắt không hả trời ! ».

Thế là lại giặc dã. Ðã hơn hai trăm năm đánh nhau, tưởng yên, nhưng rồi lại phải làm giặc, trước tiên là để có miếng mà ăn. Ăn chỉ cần cơm, cơm hẩm ăn với những con cá đẽo bằng gỗ. Cá gỗ chấm nước mắm ớt để mút. Phải thật cay, cá gỗ mới ngon, cay đến cháy rát lưỡi khiến chẳng cần ăn nhiều cơm. Quan quân binh lính cười bảo nhau « Bọn ăn cá rô cây ! Cấm chúng vào Nam, bọn ma đói đó cái gì cũng ăn ... ». Người chết đói, xác còng queo nằm rải rác trên đường. Không ai còn sức mà nghĩ đến chuyện chôn cất. Có khi cả làng cùng ôm nhau chết đói chết lạnh, lấy ai mà chôn. Quan quân sợ dịch, ra ruộng đào đất úng, rồi chở hàng xe bò xác người, vừa quẳng xuống vừa chửi « ... làm các ông một phen khó nhọc, bón thế này thì sang năm lúa tốt, tha hồ mà ăn ! ».

Luồn lách tránh né đám quan quân, Nhật cuối cùng đến sông Lam, xin nhà đò cho xuôi xuống Tiền Khẩu, định từ đó men sông Ngàn Cả về Thanh Chương. Ngồi góc khoang thuyền, Nhật ngửng lên. Người lái đò tay cầm đĩa khoai lang luộc chìa ra :

- Sư ông, mời sư ăn khoai.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #182 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:44:32 pm »

Nhật nhìn đám năm đứa con ông gày gò hốc hác mắt đang hau háu, mỉm cười :

- A di đà Phật, sáng nay tôi đã ăn lót dạ rồi. Ông mời bà và các cháu ăn đi, cám ơn ông.

Bụng Nhật bỗng cồn cào chất chua. Thứ phản ứng của thân thể đang cần chất sống làm chàng khẽ nhăn mặt, rồi vừa cười vừa nhủ lòng « Thân ơi, xác ơi. Mi đừng dày vò ta nữa ... ». Nhật tưởng đến những vị sa môn ngồi kiết già trên những rặng núi Hy Mã Lạp Sơn chót vót cao, tê tái lạnh. Họ không ăn cả tháng. Họ thấy gì ? Cảm gì ? Biết gì ? Tìm ra được gì ? Mũi Nhật đánh bắt mùi bát sữa dê nóng bốc mùi hôi nồng nặc, thấy rõ ràng sữa đang trôi qua cổ họng chàng như đãù đang trôi qua cổ họng Sa môn Gotama sau ngày đắc quả thành Phật. Nhật soi mắt xuống nước. Nước vẫn trôi, dòng sông Lam vẫn chảy, xưa đã bềnh bồng xác mẹ chàng trầm mình vì tình phụ. Dòng sông xanh dập dềnh những bóng mây trắng bay ngược phía thuyền trôi, lâu lâu lại điểm dăm cánh én nháo nhác đi tìm mùa xuân muộn màng chưa tới. Bóng mây lúc vỡ thành muôn vàn xoáy nước, lúc lại hợp lại thành những khuôn mặt người, nào là Huệ, là Lữ, là Chúa Út..., nhưng chỉ thoáng sau đã tan ra, giạt theo dòng nước chở về đủ mọi hình tướng từ thời vô thủy.

Tự bản thể, tất cả đều là vô thường. Ðến hay đi, đi hay đến, là một. Từ Chân Như đi, về lại Chân Như, chẳng quá nửa sát na. Nào là tham - sân - si, nào là bi - trí - dũng, rồi thậm chí thấp hơn ở mức nhân - lễ
- nghĩa - trí - tín cũng vậy. Có, khác gì không ? Từ không thành có, rồi có lại hóa ra không, chỉ là chuyển động về Chân Như - tathatha- vốn là tự thân nhiệm mầu của vạn pháp. Tùng vô sở lai, diệc vô sở khứ. Vậy còn lấy gì để phân biệt ra sướng - khổ, ân - oán, trắng - đen, phải - trái, quân - thần, phụ - tử ?
Toàn Nhật cảm thấy lòng thư thái, bất giác mỉm cười. Gió lại thổi. Lá rừng rơi xào xạc, rồi chim cất cánh bay. Nắng lên huy hoàng. Có phải những chiếc lá kia chính là lá Pippola đã giúp sa môn Gotama tỉnh thức? Chỉ một chiếc lá Pippola đã đủ mang cái thực tại mầu nhiệm thể hiệân trùng trùng duyên khởi. A, một chiếc lá tưởng như nhỏ nhoi mà quán chiếu được chân lý vô ngã trong cõi vô thường.

Ðứng dưới chân đồi, Nhật ngửng lên nhìn lòng lắng xuống một niềm bình thản. Trên kia là nơi Nhật trải qua cả một thời niên thiếu. Vẫn mái tranh lợp ẩn dưới vòm cây đề nay đã thành đại thụ xum xuê lá. Vẫn những gốc chè thoai thoải lưng đồi đang trồi nụ. Vẫn con đường đất nện, hai bên hoa dại trắng xóa, dẫn lên cái thiên đường của tuổi thơ đầy bươm bướm, chuồn chuồn, cánh cam, bọ ngựa ... Vẫn mùi hương của đất, của cây, của cỏ, tỏa ra ướp thơm vạn vật, nhắc nhở cho con người sự có mặt của cuộc sống bùng lên từ những mảnh đất dẫu là khô cằn sỏi đá nhất.

Nhật hít đầy hơi vào lồng ngực, hình như có nỗi nỗi hân hoan nào đó bỗng ùa đến phá sự an nhiên vô tư lự của chàng. Tự cợt mình, chàng cười ha hả, ừ thì thế, có sao đâu ! Vắt chân lên cổ, Nhật vừa chạy lên đồi vừa gọi « Mợ ơi ! mợ ... » như một đứa trẻ con. Tiếng guốc lẹp kẹp, rồi tiếng xô cửa. Lưng còng, búi tóc bạc xổ tung, một người đàn bà mắt đã lòa, tay chống gậy chạy vội ra, rối rít :

- Ai, ai đấy?

Nhật đứng sững lại, hai tay nắm lấy bàn tay lão bà, miệng reo :

- Con đây mợ, Nhật đây.

Lão bà quơ tay lên sờ vào mặt, vào mũi, vào cổ, vào vai Nhật, miệng líu ríu :

- Mắt mợ lòa rồi, chẳng thấy được con nữa. Ðầu không tóc thế này ... Mợ biết là con đi tu, nhưng lắm lúc lại quên mất, lẫn rồi con ạ !

Mạnh Thuyên, người con trưởng gia đình La Sơn Phu tử từ trong nhà bổ ra ôm chầm lấy Nhật, mừng mừng tủi tủi :

- Chú tệ thật, hẹn về sớm mà sao mãi đến nay mới thấy mặt.

Ðặng-bà xua tay :

- Ối dào, đừng trách em - Tay lôi Nhật, Ðặng-bà tiếp - vào nhà, vào nhà đã.

- Thầy đâu anh ? Nhật quay sang Thuyên.

- Trong kia, nhưng thầy không khỏe, còn nằm ...

Nhật bước theo Thuyên vào một căn phòng kín cửa, bước đến cạnh giường, nhìn xuống. Phu tử nay chỉ còn da bọc xương, cặp mắt lờ đờ bỗng sáng lên, miệng chậm chạp từng chữ :

- Anh về, thầy mừng lắm. Có nhắn được lời thầy cho Nguyễn Du và Ngô Thì Nhậm không? Còn Thức, anh có tin gì của Thức không ?

Nhật nhói đau trong dạ, nhìn thầy, nhỏ nhẹ :

- Thưa thầy, Du sẽ nhận ra làm quan với Tân Triều. Nhậm bị đánh chết ở Thăng Long. Anh Thức con cũng mất rồi. Mất cách đây hai tháng ...

Nghe một tiếng như tiếng nấc, rồi Phu tử lả người ra, thở dốc. Mạnh Thuyên xốc bố ngồi lên, tay với bát thuốc đổ vào miệng. Ðặng-bà nhìn xuống cái ghế đẩu, lặng lẽ không nói, nước mắt rỉ qua cặp con ngươi trắng dã, méo mó nhướng lên, cứ giật giật từng chập.

Tối hôm đó, Nhật kể lại cho gia đình Phu tử những chuyện xảy ra trong trại hủi nằm ở thượng nguồn sông Mã ngoài Thanh Hóa. Bức thư tuyệt mệnh của Trọng Thức gửi vợ con rất ngắn, vẻn vẹn như sau:

« ... suốt đời vì anh mà em khổ. Khổ chia ly. Rồi lại khổ cả đoàn tụ. Nhìn cảnh Hy Doãn Ngô Thì Nhậm bị đánh đến chết trên sân Văn Miếu, anh hiểu là tân triều nhà Nguyễn sẽ truy lùng tróc nã anh. Ðể lụy cho em và con, anh nào đành lòng. Sức anh so với điều anh mong thực hiện quả là không tương xứng. Than ôi, lực bất tòng tâm. Vậy xa em và con bây giờ, hay một vài năm nữa có lẽ không khác gì được.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #183 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:45:16 pm »

... Quốc Thư con, cha mong con về giáo phận Bùi Chu là để con thêm điều kiện học hỏi và khỏi bị gạt ra rìa đời. Chí tiến thủ, đừng sờn. Ðiều cha không đạt, con - hay là sau này, con của con - sẽ có cơ thành. Ðẻ con trai, con đặt tên nó là Nguyễn Trường Tộ. Tộ có nghĩa là vận may cho cả quốc gia xã hội. Vận may đó các con hãy vun đắp lên, làm mát lòng ta nơi chín suối. »

La Sơn Phu tử nghe, không một lời, cười mếu máo rồi vẫy Mạnh Thuyên dìu mình lên gường nằm. Ðặng-bà dựa lưng vào vách, lẩm bẩm một mình, thỉnh thoảng lại thở dài. Một lát sau, Ðặng-bà lên tiếng hỏi tin Mai và Quốc Thư. Nghe Mai nhắn là qua tết hai mẹ con sẽ lên thăm, Ðặng-bà tươi lên, rồi hỏi :

- Mẹ con nó chắc có giữ được tập sách Trọng Thức lao tâm lao lực viết từ gần chục năm nay ? Tên tập sách là « Tề Nhân Thế Ðạo ».

Nhật ngạc nhiên, lần mở tay nải.

- Tựa tập sách là do chính mợ đề cho Thức bằng mực son đỏ...

Những vết nhăn chi chít ở đuôi mắt hằn lên như vết chân chim, Ðặng-bà lim dim chìm vào một cõi xa vắng. Bà hồi tưởng lại thuở Hoàng đế Quang Trung mới băng hà, Trọng Thức trốn khỏi Phú Xuân, lật đật trở về Bùi Phong, cùng Nguyễn Thiếp xì xào to nhỏ ba ngày liền. Lúc ấy, Thái tử Quang Toản còn nhỏ, cậu là Bùi Ðắc Tuyên phụ chính, vừa nắm quyền đã bắt giết Nguyễn Huy Tự và hục hặc ngay với Tư đồ Vũ Văn Dũng. Tây Vương Nguyễn Nhạc cũng có ý soán ngôi, gọi đám thủ hạ ở Qui Nhơn sửa soạn giáp mã. Ðồng thời, Nguyễn Ánh ở Ðàng Trong hớn hở mang quân uy hiếp Bình Thuận. Thiếp hỏi :

- Danh Kỷ nghĩ thế nào?

- Kỷ kết với Dũng, không khéo nay mai sẽ đụng độ với Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Nhưng chẳng ai bảo được ai, cũng chẳng ai nghe ai ! Lại có tin đồn chiến hạm Ypha Nho và Pha-Lang-Sa đang đến cửa Thị Nại ...

Thiếp thở ra, thản nhiên :

- Song Ngư nước cạn, non sông chúa Nguyễn lại về tay chúa Nguyễn, cứ chờ ...

Trọng Thức cắt ngang :

- Về tay chúa Nguyễn là về luôn tay cả một đám phiêu lưu xâm lược, trục lợi cho Công Ty Ðông Ấn. Thưa thầy, nếu thầy đến Phú Xuân thì lại khác. Ðức hạnh của thầy sẽ làm những kẻ tham quyền chỉ tìm phú quí danh vọng chùn lòng, chùn tay. Có thế mới giữ được công chính, tiếp tục khai mở công việc của Tiên Hoàng...

- Ðức hạnh ! Xưa Danh Kỷ ton hót với Nguyễn Huệ muốn lấy cái đức hạnh của thầy hầu yên đám sĩ phu Bắc Hà. Ngày nay, thu phục được Ngô Thì Nhậm làm việc đó, họ còn cần chi ta ! Anh không thấy họ chỉ giao cho thầy Sùng Chính Viện, dịch sách Tiểu Học, dịch Kinh Thi, Kinh Thư ra tiếng Nôm sao ?

- Thưa thầy, công việc đó tối quan trọng chứ đâu là nhỏ. Thầy lại là Chánh khảo kỳ thi Hương đầu tiên bằng chữ Nôm, để lại vết xe cho hậu thế làm theo. Ðó là chuyện trăm năm hi hữu ...

- Hừ ! Thầy cũng biết là anh có nhúng vào việc này với Danh Kỷ. Quả hắn cũng có tâm phục thầy thật. - Nguyễn Thiếp cười tủm - Huệ chữ nghĩa ít, bám vào Kỷ nên sợ đức hạnh. Nay hắn chết đi rồi, Kỷ vẫn còn đó, có gì đáng lo ?

Thức chột dạ. Thầy chàng chỉ hiểu Huệ qua thủ đoạn của Kỷ, còn trước sau chưa thấy tầm nhìn của một kẻ mà sự hiểu biết không có bó buộc trong vòng chữ nghĩa. Chàng kể cho thầy nghe những giằng co giữa quan niệm chính trị và xã hội của Kỷ và đạo Tề Nhân mang cách nhìn đã nhen nhúm trong cuộc cách mạng của những nước Âu Tây. Thiếp hỏi :

- Huệ có định đổi đạo, theo phép Tề Nhân không ?

Thức đáp :

- Thưa, không hẳn là rõ rệt, nhưng chỉ bảo « Ðừng vội, lịch sử đi bước của lịch sử, chậm nhưng chắc. Lớp kẻ sĩ thường to miệng, nói ra là đốt giai đoạn, nhưng khi đưa việc cho làm thì lại trì hoãn neo kéo về phía sau. Nếu không tiến, thế là lùi đấy. Chẳng dân tộc nào dậm châm tại chỗ được nữa ».

Thiếp hắng giọng, vẻ khó chịu :

-Tề nhân ? Thế nào mà tề nhân cho được ? Thượng hạ bằng đẳng, quân thần phụ tử lộn xòng, ông cũng như thằng à ?

Thức giải thích. Thiếp nghe, bàn cãi nhưng khi đuối lý lại mang tư cách là thầy ra để chặn họng. Hai thầy trò lời qua tiếng lại hai ngày, không ăn không ngủ, chỉ uống nước vối và hút thuốc lào, tiếng sòng sọc rít qua khe cửa. Ðặng-bà lo, cứ nhấp nhổm bên ngoài. Tối hôm cuối cùng, Thiếp mở cửa phòng, tay đẩy
Trọng Thức ra, miệng gầm gừ :

- Anh nay khôn lớn, có cánh cứ bay. Bay cho đến cái xã hội cộng hòa gì gì đó, nào có cần chi đến tôi nữa !
Tiếng sập cửa sắc gọn như tiếng sập của lưỡi dao treo trên máy chém. Nó quyết liệt cắt đứt những gì làm cho Thức chảy nước mắt, ngồi im trên góc phản kê gian ngoài. Ðặng-bà nhìn Thức ngậm ngùi. Bà vào, tìm dưới gầm giường, lục lọi một lúc rồi ra ngồi cạnh Thức. Bà kể chuyện nàng Mây, con gái Hà Công, đã trộm mật kíp, quyển sách tiên tri mọi việc nơi trần thế của bản Mê Thượng, giúp Ðèo Kha tìm đường « kíu» nước cho Mê Hạ thế nào ba mươi năm về trước. Kha trúng độc chết. Mây đến Bùi Phong. Mở ra thì cuốn mật kíp chỉ toàn giấy trắng, trừ một trang có vẽ cái đồ bản đập chặn nước mà Thiếp đã bỏ công tìm ra. Rồi đập bị phá, sau đó Hà Công đến Bùi Phong bắt Thúc Khải vào Ðàng Trong, đợi rồng bay để tạo nghiệp đế. Trên đường, Hà công vứt xác Mây khi đi qua chân núi Bạch Tượng. Từ đó, dân xã Nam Hoa hàng đêm nghe tiếng đá rền rĩ như than khóc trong hai mươi năm liền. A, thì ra đó là chân núi Bạch Tượng, nơi Thức đã gặp Băng Vân, người con gái muốn thoát kiếp đá trở về làm người, nhưng nay đã bị chôn chặt vào những tinh thể nham thạch trong phiến đá chàng vẫn đeo theo trên mọi bước đường luân lạc. Nhìn Thức nước mắt lại rưng rưng, Ðặng-bà đặt cuốn mật kíp lên phản, nhẹ nhàng bảo :

- Ðể con ghi chép cho đời sau những điều con ấp ủ !
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #184 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:46:11 pm »

Bà nắn nót tô bốn chữ « Tề Nhân Thế Ðạo » rồi hai tay đưa cho Thức, tiếp :

- Thầy không làm được việc của con. Ai có thời người nấy ! Thở dài, Ðặng- bà nói như than - Và ai rồi cũng có phận nấy, con ạ !

Nghe kể xong, Nhật cầm sách « Tề Nhân Thế Ðạo » trân trọng đưa gần mắt Ðặng-bà. Lấy tay sờ soạng rồi đưa lên mũi ngửi mùi mực, Ðặng-bà mắt lòa nên không biết sách vẫn như xưa, chỉ cứ là một thếp giấy trắng chưa có đến một chữ.

Xuống trại, Toàn Nhật nhắm phía rặng Giăng Màn thẳng bước. Chiếc áo nâu sồng thấp thoáng trong rừng cây rạc, lá nhọn tua tủa chĩa ra như những vạt dao sắc, xanh nhờn nhợt thứ màu đến từ nơi không có sinh khí. Sau hai ngày đường, bản Mê Thượng hiệân ra trong tầm mắt. Bản vắng hẳn người từ thời Nguyễn Nhạc xưng là Thái Ðức Hoàng đế ở Qui Nhơn. Dạo sau này, một số người vùng đó lại kéo về, hẳn để tránh tai vạ từ ngày triều Tây Sơn sụp đổ. Hỏi thăm, Nhật lần đến đập Cheo Reo. Ðập nay chỉ còn là những phiến đá ngổn ngang trong dòng nước sông Mê đã nối liền Mê Thượng và Mê Hạ, cuồn cuộn xuôi xuống hạ lưu, nước nổi bọt trắng xoá hai bên bờ.

Nhật lần bước trên ven sông, nghe trong đáy nước có lời than khóc, oán hờn, căm giận của đám tráng đinh bỏ mình, kẻ để « chặn » nước, người để « kíu » nước, tất cả chỉ vì ai đó trong tộc họ Hà năm xưa đã táng mả vào hàm rồng. Nhưng đất phải cằn, cằn đến độ đạp chân vào là tóe lửa, để rồng bay lên. Thế là để rồng bay, đập Cheo Reo xây ra để chặn nước. Nước đã «chặn» rồi, tất có kẻ « kíu » ! Tất có Ðèo Kha. Tất phải đoạt mật kíp mới tìm được phép phá Cheo Reo. Phá rồi, xương cốt ông tổ họ Hà, từ họ Hồ, rồi lại thành họ Nguyễn phải mang vào Ðàng Trong. Vùng Tây Sơn chọn chỗ đất cằn không khó. Nắng đổ lửa làm cháy tóc. Rồng bay, Biện Nhạc reo lên. Ðúng, kia kìa, rồng bay trong mây đó. Khổ thay, sông Ngư nước sắp cạn rồi. Con rồng ấy lại xà xuống. Ðể con rồng khác bay lên. A ha, con cháu nhà rồng vốn đâu có phải chỉ một. Những con rồng con cùng giống với giun sán trong bụng mọi người lúc nào mà chẳng toan tính bay lên. Từ Ðàng Trong cho đến Ðàng Ngoài, ở trên rừng, ở dưới biển, rồng con mai phục với giun sán trong cả đại tràng lẫn tiểu tràng. Rồng muốn gặp Tiên nên thập thò, chỉ đợi dịp là tung cánh đập vào bầu trời bỏ ngỏ.

Nhật men đến cồn sông, đảo mắt tìm một ngọn đồi trọc phía tay phải nhìn từ phía thượng nguồn. Từ gốc một cây đề, sáu bộ về phía đông và tám bộ phía nam là nơi họ Hà xưa để mả. Giữ chắc tay nải, Nhật cẩn thận tuột xuống dò dẫm. Ðúng là đây. Một hõm đất rộng bằng hai lần cái nia. Lạ chưa, đất như đất sình lõm sâu xuống, chung quanh lá rạc xỉa ra như chĩa dao canh gác.

Bật hồng thắp hương, Nhật mở tay nải, để phiến đá Băng Vân lên trên sách Tề Nhân Thế Ðạo vẫn còn trắng chữ. Phiến đá đổi màu, từ xanh sang trắng bệch, rồi trong suốt, ở giữa là một giọt máu đỏ lồng lộn như muốn phá chạy. Trời bỗng tối xầm xuống. Lá rạc mọc quanh mả sao bỗng ngả nghiêng xô đẩy dẫu chẳng có lấy một cơn gió. Có tiếng gầm gừ hầm hè lạ hoắc. Rồi một tiếng sét. Trời rách toạc làm hai mảnh. Ở giữa ánh xanh lè, lân tinh từng đợt nối nhau chớp lóe lên từ cuối đất. Nhật hoảng sợ. Lần đầu chàng mất tự chủ, hai tay nắm chặt, chân cứng ra như bị vọp bẻ. Nhật khẽ niệm :

- A di đà Phật.

Dứt lời niệm Phật, Nhật tập trung tinh thần, trân trọng tưởng đến lời tuyệt mệnh của Trọng Thức, hai tay nâng phiến đá và sách Tề Nhân lên ngang mày, rồi ném xuống lỗ huyệt. Một tiếng cười đinh tai nhức óc bỗng vang lên lanh lảnh.

Nhật mở choàng mắt, nhìn xuống. Giữa lỗ huyệt, trên mặt đất sình, một người đầu đội mũ đỉnh nhọn có đính hồng ngọc, thân phủ mấy lớp áo choàng đủ màu, cái nọ so le với cái kia, cổ tay đeo vòng dát vàng,
cầm một chiếc roi cá đuối quật vùn vụt vào một người đàn bà lõa lồ nằm dưới chân, miệng hét :

- Mở mắt ra mà xem. Chế Mân đây, hỡi Huyền Trân. Ta chết, tro xác hỏa thiêu còn nóng, mà mi đã bỏ ta theo trai, dập dờ ba tháng liền trên sóng nước với thằng Trần Khắc Chung. Thế mà cành vàng với lá ngọc
...

Chưa dứt lời, Chế Mân lại quật roi xuống. Huyền Trân, chắc vậy, quặn người rú lên não nùng, miệng khóc thét, chắp tay cuống quít lạy.

- Bay bảo nhập gia tùy tục. Tục lệ nước ta là chết theo chồng thì bay kháo nhau thế là mọi rợ, rồi sai người đi cướp con gái về. Lấy nó, ta đã dâng hai châu Ô, Rí để dẫn cưới, lòng chân thành mong mỏi từ nay hai nước hết can qua chinh chiến. Nhưng gả con cho ta, phải chăng bay chỉ rắp tâm lấy đất của nước ta? Không phải ư ? Sao con gái bay trốn về rồi bay lại không biết trả lại ta hai châu Ô, Rí ? Bay là loài người hay là hổ beo, rắn rết ? Từ vua đến quan, bay độc chỉ còn trái tim dã thú, mưu quyền trục lợi, chẳng sá gì đến xương máu con người ...Tiến hành chiến tranh diệt chủng, bay gọi thế là tầm ăn dâu, dần dần lùa dân ta vào Phan Rang, Phan Rí, đốt cho tan hoang thành Ðồ Bàn, đập vỡ tượng Brahma, Vishnu và Shiva, tiêu hủy dấu vết văn hóa Chàm.

Vì thế, ta nguyền :

Chính bay sẽ tiêu hủy sách vở, gia phả, đền đài do chính tay bay làm nên, vì đứa nào đứa nấy chỉ tẹp nhẹp bòn rút của riêng mà không biết đến của chung. Bởi vậy bay sẽ không có quá khứ. Không quá khứ, bay mù mờ trong hiện tại, luẩn quẩn hỏi bay là ai. Cũng vì thế bay không thể biết tương lai của bay ra sao, suốt hai trăm năm nghi hoặc, vòng vo đi rồi để lại trở về nơi khởi điểm.

Ta nguyền cho bay đi cướp nước người thì hai trăm nữa lúc nào cũng có kẻ dòm ngó cướp nước bay. Ðường dọc đất nước ta, từ Thuận Hóa trở vào châu Ô, cho đến Rang, Rí vốn là vương quốc Chàm, sẽ đầy Thần Sấm, Con Ma để rải mưa bom nắng lửa vào rừng, vào núi, trên sông, dưới biển...

Muốn hóa giải lời nguyền, mỗi đứa bay phải đọc một vạn lần Kinh sám hối.

Toàn Nhật run rẩy chắp tay, mồm tụng:

« Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Lại từ vô thủy đến nay, chúng con chất chứa nghiệp ác nhiều như cát sông Hằng, gây tội lỗi đầy cả đại địa, hết bỏ thân này lại thụ thân khác. Ba nghiệp của thân, thứ nhất là nghiệp giết hại...Kinh dạy : Nghiệp này làm chúng sinh đọa vào địa ngục, ngã quỉ để chịu khổ.Khi có tâm thức này, thường ôm lòng thâm độc, không dạ xót thương, hoặc vì tham lam mà giết, hoặc vì si mê giận dữ khinh mạn mà giết, phá hồ tháo nước, nhân gió phóng lửa...
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #185 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:46:52 pm »

Lại từ vô thủy đến nay, hoặc khởi binh đánh nhau, giao tranh nơi biên trường, hai bên giáp mặt giết hại lẫn nhau, hoặc tự mình giết, hoặc sai người giết, hoặc nghe ai giết sinh tâm vui mừng, hoặc giận dữ khoa mác múa đao, hoặc chém, hoặc đâm, hoặc xô xuống hầm hố, lấp hang phá ổ, hoặc dùng xe, ngựa lăn cán dày đạp chúng sinh, gây ra tội vô lượng vô biên...

Lại từ vô thủy đến nay, đối với chúng sinh, hoặc dùng roi gậy, gông xiềng, hoặc kìm kẹp tra khảo, hoặc trói buộc giam cùm, tuyệt cơm tuyệt nước, dùng những cách ác độc làm khổ ải chúng sinh...



Ngày nay chí thành hướng về mười phương chư Phật, Tôn Pháp, Thánh chúng, cầu xin hết lòng sám hối.»
Ðột nhiên, trời bỗng sáng rỡ nhưng không thấy mặt trời. Mở mắt ra nhìn, không còn Chế Mân mà nay là Ðèo Kha, chàng thanh niên thân hình như đồng mun, lưng quấn khố, tay đưa sáo đinh bia lên ngang miệng. Dưới chân, không còn Huyền Trân mà là nàng Mây, tim còn ghim mũi tên do chính cha mình bắn ra, tóc xõa xuống đất sình, miệng vẫn nhếch ra để lộ chiếc răng nanh khểnh như thể thách thức.

Tiếng nói lại cất lên :

- Chế Mân sinh ra Ðèo Kha, Huyền Trân sinh ra nàng Mây. Rồi ngược lại. Nhân và quả là vậy. Thật ra, nếu từ nhân đến quả là bất dịch thì làm gì có thời gian. Thời gian qua cảm thức của hình tướng vô thường, không tồn tại trong sự bất dịch. Vậy nhân - quả có ngay trong kiếp này, không đợi đến kiếp sau. Ác giả ác báo. Nghe đây :

Ta nguyền cho bay đắm đuối vào vực sâu của quyền lực và danh lợi. Triều đại nào cũng vậy, chỉ hai đời sau là vua bay hóa cọp, quan tướng thành rắn rít, cả bọn chúng đều biến thành đĩ bợm để đánh lừa dân bay. Vua quan mà đĩ bợm, hàng dân trông vào đâu ? Dần dà, để tồn tại, đi với ma phải mặc áo giấy cho nên dân bay rồi cũng phải đánh đĩ. Trong cái vực sâu đó, lòng tham lam và tính tàn bạo sẽ khiến cha giết con, vợ phản chồng, anh em đâm chém nghi kỵ nhau, máu chảy hai trăm năm đất có thấm cũng chẳng thể khô. Muốn hóa giải lời nguyền này, mỗi đứa chúng bay phải tụng một vạn lần Kinh sám hối ...

Toàn Nhật như bị thôi miên, mấp máy miệng, bắt đầu tụng:

« Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô quán Tự Ðại Bồ Tát

Sở dĩ ngày nay chúng con sám hối chính vì là từ vô thủy nhẫn lai, còn ở địa vị phàm phu bất cứ sang hèn tội. lỗi khôn lường...Mười điều ác nghiệp, tám vạn bốn ngàn trần lao...tuy nhiều nhưng không ngoài ba chướng : phiền não, nghiệp chướng và quả báo...Nay đem hết lòng thành, vận tâm thù thắng sám hối ba chướng. Muốn trừ diệt ba chướng phải phát bẩy tâm.

Thứ nhất, tâm tủi hổ, là tự nghĩ ta với đức Thích Ca đồng là phàm phu, mà đức Thế Tôn đã thành đạo đến nay trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, chúng ta thì lại cùng nhau say đắm lục trần trôi lăn trong vòng sinh tử, chưa biết bao giờ ra khỏi...

Thứ hai, tâm e sợ, đã là phàm phu thì thân khẩu ý nghiệp thường thuận ưng với tội lỗi...

Thứ ba, tâm lìa dứt, vì đường sinh tử chỉ là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, hư giả như bọt nước nổi, tan, xoay vần qua lại như bánh xe lăn; còn thêm sinh, lão, bệnh, tử và tám điều khổ nung nấu không dừng...

Thứ tư, tâm phát Bồ Ðề. Kinh dậy « Pháp thân do vô lượng công đức trí tuệ sinh ra, do tu sáu pháp Ba la mật sinh ra, do từ, bi, hỉ, xả sinh ra, do tu 37 pháp trợ Bồ Ðề sinh ra. Muốn được thân đó thì phải phát tam Bồ Ðề, cầu được nhất thiết chủng trí, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, chứng quả Tát bà nhã, thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sinh, chẳng tiếc thân mệnh tài sản »…

...Thứ bẩy, tâm quán xét tội tính. Tội không tự tính, do nhân duyên sinh, do điên đảo thành. Ðã do nhân duyên sinh thì cũng do nhân duyên diệt. Sinh tội tức gần gũi bạn ác, diệt tội tức tịnh tâm sám hối...Khởi bẩy tâm, tưởng mười phương chư Phật, ngày nay cung kính chắp tay, phơi bày tâm can, cầu khẩn tỏ lòng sám hối.

Một cơn lốc không biết ở đâu bất ngờ ụp xuống xoáy tròn. Ðất đá bay tứ tung, va chạm vào nhau nghe ầm ầm đinh tai nhức óc. Tiếng Chế Mân lại thét lên đến rách màng nhĩ :

-Ðã huyễn hoặc, bay lẩn quẩn tô vẽ ngay cả cái thảm kịch chém giết lẫn nhau, tự lừa chính mình bằng cách kiêu mạn đòi làm đỉnh cao cái này, tiền đồn cái nọ. Ngoài sự hợm hĩnh không coi ai ra gì, tưởng mình hơn thiên hạ mà thật chỉ hơn ở chỗ lắt léo vặt vãnh, ta lại nguyền cho bay thêm căn bệnh anh hùng. Bởi anh hùng nên chỉ thấy sức mạnh. Chỉ thấy sức mạnh nên kéo dài thảm kịch chiến tranh chém giết. Bay không biết rằng một đất nước hạnh phúc có nhiều hiền triết hơn anh hùng. Một đất nước may mắn là một đất nước không có anh hùng. Không cần anh hùng. Nơi nào anh hùng quá nhiều, nơi ấy không dung kẻ hiền triết. Người có lòng tử tế, tâm ngay thẳng, tránh phải nhìn, phải nghe, đành tìm nơi rừng sâu, núi cao, hay biển vắng mà ẩn trốn.

Thế là bay cứ thế hệ trước hô anh hùng để giết thế hệ sau. Ông cha bay ngoa ngôn đặt bẫy xập con cháu, đời nối đời triền miên u mê, máu vấy tay mình lại đem lên tô cờ tô quạt, cứ hết đánh đứa này đến đuổi đứa nọ, bỏ sức vào những việc vừa hàm hồ, vừa giai đoạn...

Thế là, ha ha, anh hùng nhưng nghèo, đói và dốt . Vì thế nên nhục. Nhục lắm nên lại căm, lại hiềm, lại luẩn quẩn trò khôn vặt, chỉ đợi dịp là hò hét rủ nhau làm anh hùng. Dịp nào? Cứ đợi ngoại bang đến là đất nước bay sinh ra anh hùng. Anh hùng tập hợp bay lại. Bay đoàn kết với nhau để đánh đuổi cho đến lúc ngoại xâm kéo nhau ra. Sau chiến thắng vẻ vang, bay hô hào xây dựng lại bằng năm, bằng mười khi trước ? Nhưng không, từ máu tham và sự mê đắm quyền lực, bay hục hặc, chia rẽ, kéo bè, kết đảng rồi sâu xé lẫn nhau. Kẻ bên ngoài thấy thế lại dòm ngó hòng trục lợi. Chính vì lẽ ấy mà lại sẽ có ngoại xâm ! Thế là tiếp tục loanh quanh cái vòng đánh đuổi, nhưng không thoát ra được nghèo, đói và dốt ...
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #186 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 04:47:35 pm »

Tụng đi, muốn hóa giải căn bệnh anh hùng hão huyền, mỗi đứa bay phải tụng một vạn lần Kinh sám hối.
Toàn Nhật tụng :

« Quán tự tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất diệt, bất sanh, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ,tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh, diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.

Bỗng tiếng Chế Mân lại ồm ồm vang lên:

- Còn bọn sĩ phu nước bay, chúng chỉ biết ngâm vịnh và lừa dối. Khi Huyền Trân sang Chiêm, chúng dè bỉu chép miệng «Tiếc thay cây quế giữa rừng. Ðể cho thằng Mán thằng Mường nó leo » . Cướp được đất, chúng lại hợm hĩnh xướng họa là « Hai châu Ô Rí vuông nghìn dặm. Một gái thuyền quyên có mấy mươi ». Ðể che cái tội phỉnh lừa để cướp đất, chúng lại ngụy tạo ra cái huyền thoại tình yêu Huyền Trân - Khắc Chung lãng mạn mà quên bẵng đi mụn con ta và tình vợ chồng giữa ta với Huyền Trân. Bọn đó, ta nguyền
cho chúng mắc hai căn bệnh.

Thứ nhất là bệnh chỉ nhìn thấy chóp mũi, hời hợt với cả người lẫn mình.

Thứ hai là bệnh đại ngôn, gì cũng hô lên là biết, là có, cứ thế tự ru ngủ mình cho đến độ tin là biết thật, có thật.

Hai trăm năm nữa, chúng thời nào cũng phải sống nhục nhã, rồi chết nhục nhã. Nhục nhã sống vì hèn, cong lưng tùng phục, giả đạo đức, miệng một đằng lòng một nẻo. Nhục nhã chết vì hèn, bỏ vào quách rồi lưng vẫn không thẳng. Cả đời chúng không để lại được dăm chữ dẫu cứ mở miệng là ngâm là vịnh, kiêu căng cho mình hơn người, song thật ra chúng chỉ lặp lại bắt chước chẳng khác gì loài khỉ.

Nghe đây :

Muốn hóa giải lời nguyền, chúng nó phải làm việc trí tuệ ... và phải tụng một vạn lần Kinh sám hối.

Toàn Nhật lại tụng :

« Nay xin sám hối bốn nghiệp của miệng...Từ vô thủy đến nay, nghiệp ác khẩu ở trong bốn nẻo, sáu loài, tạo nhiều tội lỗi. Lời lẽ hung bạo, mắng nhiếc, hủy nhục, gây họa kết thù, oán thán trời đất, trách móc quỉ thần, chê bai hiền thánh, vu oan giáo họa gây ra tội nghiệp vô lượng vô biên.

Lại từ vô thủy đến nay, nghiệp vọng ngữ nói gian nói dối trong ý mưu cầu lợi dưỡng, danh dự, khiến dấu diếm tình thực, man trá đủ điều, trong tâm mê muội, ngoài mặt dạn dầy, chuyện có nói không, chuyện không nói có, ...lường đảo dối hoặc người đời, đến như cha con, vua tôi, bè bạn mà nói năng gì cũng không khi nào thành thực, khiến người khác lầm nghe mình mà phải tan nhà mất nước. Ðã thế, còn trò yêu thuật, thường tự khen tự khoe đã chứng tới bực tứ thiền, tứ vô sắc định, an na bát na,...bày trò lạ mê hoặc để mong người cung kính cúng dâng.

Lại từ vô thủy, vì nghiệp ỷ ngữ, nói năng thêu dệt tạo ra bao nhiêu tội lỗi. Dùng âm từ hoa mỹ, văn chương bóng bẩy, xuyên tạc sai lầm, trang sức cho trái quấy, khéo đặt chuyện dâm ô, phóng túng tư thù, không kể lời nghị bàn công chính, dẫu người ta là trung thần, hiền nhân hay chí sĩ vẫn cứ làm văn thêu dệt cho nên tội, để người đời sau tin cho là thật...

Lại từ vô thủy, khen trước mặt, chê sau lưng, tới người kia nói chuyện người này, chỉ biết lợi mình, không nhìn thấy hại đến kẻ khác, dèm siểm để ly gián, vu oan khiến vua tôi nghi kỵ nhau, cha con bất hòa, vợ chồng ly tán, họ hàng thân thích xa nhau, mất nghĩa thầy trò, đoạn tình bè bạn, cả đến hai nước đang giao hảo mà phải hủy bỏ minh ước, gây sự oán thù đem binh đánh nhau giết hại trăm họ.
Những tội gây ra như thế vô lượng vô biên, ngày nay xin chí thành lập tâm sám hối. »

Trời bỗng tối xầm khiến trái đất như trôi vào một thứ chất lỏng đen như mực. Tất cả đắm chìm vào sự im lặng tuyệt đối không thể tưởng tượng nổi. Thời gian cong đi rồi biến mất, chẳng còn để lại bất cứ dấu vết nào kể cả trong ý niệm. Ðột nhiên, Chế Mân lại quát:

- Ta chưa thấy từ cổ kim có giống nào như bay. Bay huyễn hão, rồi sinh ra tị hiềm đố kỵ. Ta không cần nguyền, bay cũng đã sa vào cái mẽ bề ngoài, cái nhỏ nhen bên trong.

Có tám cảnh thiên đường, chỉ cần bay có ba đứa là chẳng đứa nào trong bọn bay lên được vì thằng nọ đạp vào đầu thằng kia.

Có bảy tầng địa ngục, không cần ai bảo, bọn bay đứa này lôi đứa kia, rồi xuống đấy cả...

Buồn cười lắm, thằng tầng số sáu khinh thằng tầng số bảy, thằng tầng số năm hài lòng vì thấy có thằng ở tầng số sáu, và chỉ biết tiên tiến vươn lên tầng số bốn. U mê như thế, làm sao ra khỏi địa ngục cho được.
Nay ta làm phúc bảo cho : muốn ra khỏi địa ngục, mỗi đứa bay phải đọc một vạn lần Kinh sám hối. Ðừng
hẹp hòi, tụng Kinh của bất cứ tôn giáo hay quốc gia nào cũng được ...

Nhật lẩm nhẩm A di đà Phật, rồi tụng những bài kinh học được ở trại hủi ven bờ sông Mã :

«Lạy Chúa con, là Ðấng rất trọng, rất công thẳng phép tắc vô cùng, có quyền phạt linh hồn và xác con xuống luyện ngục cùng mất sự vui trên Thiên đàng đời đời. Con nguyện dốc lòng từ nay về sau giữ mười sự răn, chừa mọi sự dữ, mà con cầu cùng Ðức Chúa Trời tha tội cho con, vì con cậy đã có công Chúa Giê-Su là Con một Ðức Chúa Trời đã chuộc tội chịu chết cho con.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #187 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 05:05:09 pm »

Lạy ơn Ðức Chúa Trời chỉ một lòng tha thứ liên mãi, chúng con sấp mình kêu xin Chúa cho linh hồn ngườichúng con, xin Chúa chớ để các linh hồn ấy phải tay ma quỉ , cho các linh hồn ấy được nghỉ ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng.

Lạy ơn Ðức Chúa Giê-Su ! Chúa con đã phán rằng : bay hãy xin thì bay sẽ được, vậy con xin Chúa con lòng lành vô cùng thương đến các linh hồn nơi luyện ngục, xin Chúa con nghe lời con cầu xin kêu van Chúa con mở cửa cho các linh hồn ấy được vào và được sự sáng vô cùng hằng soi cho liên. Amen.

Nhật mắt nhắm, tay chắp, cứ thế tụng niệm. Ban đầu, tất cả mọi nhận thức rã thành từng mảnh lềnh bềnh trôi qua sông Mê, về sông Lam, rồi ra cửa Hội để thấm chất mặn của cả một đại dương nước mắt. Về sau, những nhận thức đó lại tụ lại, thu về một, sáng lên bảy sắc xong là tan ra, trở thành không hình, không thể, không tướng, không có, không không ... Cứ thế, chỉ một chớp mắt là rã ra rồi chỉ một chớp mắt là tụ lại.

Nghĩ về những bước đường vào Ðàng Trong, Nhật ngậm ngùi tưởng đến những vạt áo chàm thấp thoáng bên những ngôi cổ tháp rải rác suốt từ Bố Chính vào tới Phú Yên, chứng tích một nền văn hóa đã có thời vô cùng rực rỡ. Từ đồng bằng sông Nhị đã cằn cỗi không còn đủ sức nuôi cho đủ ăn, con đường Nam tiến của cư dân Ðàng Ngoài gần như là một sự bó buộc của thiên nhiên khắc nghiệt. Vì thế, máu đổ nhưng làm sao mà tránh được. Vậy thì họ tội tình gì ? Nhưng có hay không cũng thế. Có, sám hối. Không, cũng sám hối. Bởi trên con đường đó đã có kẻ thua người thắng, kẻ được người mất. Khi vào, người dân Ðàng Ngoài không hề mang sự chiến thắng làm vật cản để họ hòa mình vào dân tộc Chiêm. Họ tiếp thu phong tục, quần áo, văn ngữ, âm nhạc để cùng chung sống và gầy dựng tương lai qua đàn con cháu đã cộng sinh hai chủng tộc. Nhưng thế quyền lại khác ! Ðám Tốâng nho hoành hành bằng thứ ý thức hệ cặn bã của phong kiến lại buộc hàng dân vào cái nề nếp trói buộc đệ ổn định thứ Ðế quyền cũ rích. Ðến thời Võ Vương, chúng bắt người Ðàng Trong ăn mặc kiểu người Tầu, chứ chẳng phải là cách trang phục của dân Ðại Việt ở Ðàng Ngoài.

Nhật chạnh lòng hồi tưởng hình ảnh Chế Mân quất roi vào Huyền Trân, rồi Ðèo Kha quất roi vào nàng Mây. Sợi ân ân oán oán cứ ràng buộc lấy nhau như dây kết rối. Mây đã chết cho Ðèo Kha mà vẫn chưa trả hết nghiệp của Huyền Trân cho Chế Mân sao? Chiếc răng khểnh cứ như trêu chọc nhắc Nhật hình bóng Chúa Út, kẻ chẳng phản bội một ai, đã yêu, đã sống. Rồi nàng chết, và chỉ xin chàng gọi nàng bằng cái tên thật, là Khinh Vân, nhẹ hơn một đám mây bay nhanh qua đời. Cái chết của nàng là chuyện anh em Tây Sơn đâm chém nhau. Còn cha giết con, vợ phản chồng ? Thì đã có Hà công, có Hoàng Tế Lý, Ðặng Thị Huệ, Trịnh Sâm...Rồi Ðàng Trong đánh Ðàng Ngoài, rồi dân giáo chốùng dân lương...Quả là có, có hết, và cứ tiếp tục có.

Có những kẻ sống trong vực sâu của quyền lực và danh vọng hão huyền. Chúng nhan nhản trong chính sử, chẳng ai cần kể tên. Nhưng bên cạnh chúng vẫn có những Nguyễn Lữ, những Trịnh Bồng, thẳng tay vất bỏ quyền lực. Có những Ngô Thì Nhậm, chịu chết vì trận đòn thù trên sân Văn Miếu chứ không trốn chạy, chết để bảo vệ lý tưởng của mình. Có những Trọng Thức, suốt một cuộc sống chỉ lao tâm vào một việc là tìm ra phương pháp mang lại cho xã hội cách xây dựng nền công chính. Có những Dương Quang, kẻ hát lên giục những con chim đập cánh sổ lồng để bay cao, bay xa. Có những Ðặng Thị Mai bỏ cả đời mình vào để xoa dịu nỗi đau đớn bất hạnh của những người cùi hủi.

Ðẹp thay, có biết bao nhiêu những người vô danh mang tình nhân ái đùm bọc con người. Hy sinh thân mình cho con người, kể cả những kẻ cùi hủi, sự hy sinh đó cao quí và thiết thực chứ chẳng mù mờ như là hy sinh cho quê hương đất nước, cho tổ quốc thiêng liêng, cho lập trường ý thức… Ðó là loại ngôn từ khẩu hiệu, nhiều khi chỉ ngụy trang tư lợi, dễ mang ra đánh lận người đời đưa họ sa vào cảnh máu rơi lệ đổ để phục vụ cho những thế quyền... Và quan trọng trên hết mọi sự là có những Quốc Thư, cái tuổi trẻ kia, lớp kế thừa và đồng thời là động cơ thúc đẩy sự sống còn của cả dân tộc. Nghe lời cha, Thư sau này đặt tên con trai là Nguyễn Trường Tộ. Ðến thời Tự Ðức, Tộ đã dâng lên triều đình nhà Nguyễn hàng loạt những bản điều trần để canh tân đất nước. Rồi sau Tộ, biết bao nhiêu là những người con khác tiếp tục dấn thân cho một tương lai sáng sủa và tốt đẹp hơn.

Vì tương lai ấy, với mỗi người trong chúng ta, sự sám hối không thừa. Dẫu chỉ là sám hối trong một khoảng khắc, ta sẽ thấy được chính ta. Và giây phút kỳ diệu đó đủ gột sạch những nơi tâm tư còn mang nỗi ân oán có vấy dăm ba lớp bụi lầm của lịch sử.

Nhật tiếp tục tụng niệm những lời Kinh sám hối của mọi tôn giáo, mọi ngôn ngữ. Thoáng ngửi thấy mùi hương của một loài hoa lạ, chàng hé mắt ra nhìn. Ơ kìa, râu tóc chàng đã trắng xóa, rủ xuống dòng sông Mê tung tóe bọt nước trên hai bờ, trôi đi, trôi đi. Lỗ huyệt xưa để mả tổ tiên họ Hà nay đã lấp đầy đất, những cây rạc cao lên quá đầu người. Nhưng sao lại có hoa ? Hoa gì mà lạ thế ? A di đà Phật. Nhật lại nhắm mắt, tiếp tục tụng niệm, lòng thanh thản dần, nhẹ hững đi như ánh nắng vàng mầu nhiệm khiến muôn loài tái sinh. Cứ thế, dễ đến hai trăm năm. Lần sau cùng, khi Nhật hé mắt nhìn, những cây rạc trên bờ huyệt đang hóa thân thành một loại cây đong đưa những cánh hoa cong mình vươn lên phía có ánh sáng.
Nhập thành một với vũ trụ, Nhật nghe âm vang trong lòng lời kinh mỗi lúc một thiết tha :

Nam mô quy y Kim Cang Thượng Sư

- Tự qui y Phật, xin nguyện chúng sinh thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.

- Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sinh thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển.

- Tự qui y Tăng, xin nguyện chúng sinh thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.

Trời cao vút xanh, xanh biếc. Mây trắng trôi theo nhau, lơ lửng, khoan thai, quyện vào rồi lại tan ra. Ðằng xa, một đàn chim âu cả trăm con tung bay, cánh óng ánh màu lửa thắp sáng không trung. Văng vẳng có tiếng sáo. Lại tiếng sáo diều hệt như tiếng sáo xưa ở Phố Hiến. Trong không trung, tiếng ai từ trên cao vọng lại :

Mi nghe tiếng sáo người mà chưa biết nghe tiếng sáo đất ? Mi nghe tiếng sáo đất mà chưa nghe biết tiếng sáo trời ? Kìa gió thổi nên muôn tiếng nghe không giống nhau. Nhưng mà khiến cho nó tự thôi đi, hoặc nó tự gào lên, ấy là ai ?

Rừng rạc lá sắc như dao đã lác đác hồng. Hoa gì đây ? Lạy đấng Hóa Công, trời đã vào Xuân. Kìa, cả một rừng lá rạc đã hóa thân thành rừng hoa đào. Ô hay, lá rạc có thật hay không? Tên nó không thấy có trong bất cứ quyển từ điển Thảo Vật nào. Nhưng hề chi, vì hoa đào có thật. Còn loài hoa mầu hồng thắm kia, vào mùa Xuân, ta cứ gọi nó là hoa đào, mặc dù hoa ngào ngạt thoảng về một mùi hương rất lạ.

Cùng những lời Kinh sám hối, nước cứ trôi về cuối sông Mê rồi ra biển rộng. Nếu đúng vậy, lời nguyền của Chế Mân hẳn sẽ hóa giải vào năm hai ngàn lẻ hai hay lẻ ba.

Huyền Trân là một nhân vật có thật trong lịch sử. Chế Mân cũng có thật. Vì thế, những lời nguyền không phải là chuyện tưởng tượng mà là có thật. Thật như xác quyết rằng chỉ có sự tỉnh thức mới làm tiêu ma đi cái nghiệp chướng đã từ hai trăm năm qua vẫn cứ đâu đây ám ảnh.

Nam Dao

5-10-1998
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM