Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:00:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vạn Lý Trường Chinh  (Đọc 40108 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #70 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:06:49 pm »

Khoảng 6 giờ sáng ngày 25, trung đoàn hồng quân tới được cầu Ðại Ðộ đúng như dự định, và chiếm được đầu cầu bên này. Khi trông thấy cầu Ðại Ðộ thì tất cả hồng quân đều giật mình trước sự nguy hiểm của cây cầu. Quốc quân đã lột đi những tấm ván lót cầu về phía hồng quân rồi, và cây cầu chỉ còn lại 9 sợi xích, mỗi sợi lớn bằng miệng một cái tô lớn, đang đung đưa song song với nhau. Thật xa bên dưới, tiếng nước chảy cuồn cuộn và réo đến điếc tai. Không ai có thể lội qua khúc sông này được, và cây cầu là phương tiện duy nhất để qua bên kia sông. Bên kia sông là thị trấn Lục Ðịnh, có hai trung đoàn quốc quân canh phòng, và đã xây cất một chiến lũy kiên cố dọc theo triền núi. Quốc quân tin tưởng đến nỗi reo hò thách thức hồng quân tiến qua cầu.

Hồng quân bắt buộc phải chiếm cây cầu ngay, và tuyển lựa được 33 người gan dạ nhất cho vào toán cảm tử vượt cầu. Toán cảm tử tiền phong đều còn rất trẻ, dưới tuổi hai mươi. Tất cả đeo súng Mauser, dao găm và lựu đạn quanh thắt lưng. Khi toán cảm tử phóng chạy ra cầu thì hồng quân dùng súng máy bắn yểm trợ rất dữ dội, giúp cho toán cảm tử tới được cây cầu, nhưng hoả lực đáp lễ của quốc quân cũng rất ác liệt. Khi tới sát cây cầu, toán cảm tử tiền phong không dám bước lên những sợi giây xích sắt, vì như thế dễ trở thành mục tiêu cho xạ thủ quốc quân. Tất cả đều dùng tay đánh đu vào những giây xích sắt, và từ từ nhích tiến sang phía bên kia cầu. Sức nặng của 33 hồng quân cảm tử làm cho cây cầu lúc lắc rất mạnh, như một chiếc võng lớn. Nhờ sự lúc lắc ấy, toán cảm tử hồng quân trở thành một mục tiêu di động, khiến quốc quân khó bắn trúng được.

Nhưng dần dần quốc quân cũng bắn trúng được mục tiêu của họ, nhất là khi quốc quân dùng súng máy quạt hàng loạt dọc theo những sợi giây xích sắt. Nhiều hồng quân đã bị bắn trúng và rơi xuống dòng sông chết tan xác. Trong số 33 hồng quân cảm tử đầu tiên chỉ có ba người sống thoát, đu được sang tới đầu cầu bên kia. Nhưng bây giờ bên phía hồng quân không cần phải tuyển lựa người tình nguyện nữa. Ngay khi một người bị bắn rơi xuống sông thì hàng chục người khác lao ra, thay thế cho người đã bị bắn hạ. Thật là một cuộc chạy đua bằng tay với tử thần! Quang cảnh một trận đánh hy hữu này đã gây xúc động nhiều cho hồng quân, và họ bỗng cảm thấy họ trở thành những người bất tử, và họ phải chiến thắng mọi trở lực trước mặt. Khi hàng ngàn hồng quân cứ tiếp tục dùng tay chuyển qua cây cầu xích sắt, bất kể bao nhiêu người đã bị bắn hạ rơi xuống sông, thì phía quốc quân trở nên kinh hoàng, một nỗi kinh hoàng khi tin chắc rằng sẽ bị tràn ngập và bại trận.

Quốc quân nhận thấy hồng quân sắp sửa tiến tới đầu cầu còn ván gỗ, nên bằng một quyết định tuyệt vọng, quốc quân dùng dầu hôi đổ lên cây cầu và châm lửa đốt lửa phá cầu. Một số hồng quân nhanh nhẹn nhất đã tới được chỗ cầu còn ván, liều mạng chạy băng qua khoảng lửa cháy, và liệng lựu đạn vào đám quốc quân đông đảo đang đứng bên kia đầu cầu. Càng lúc càng có thêm hồng quân vượt qua được khoảng lửa cháy, và một trận cận chiến xảy ra, nhưng càng lúc hồng quân càng chiếm ưu thế khi số hồng quân qua được cầu đông thêm.

Bên này cầu, Mao ra lệnh chặt thật nhiều cây, cưa thành từng khúc và kéo lên cầu thay thế những ván cầu đã bị quốc quân tháo gỡ đi. Sau đó hồng quân ùa tiến qua cầu như thác lũ. Hai trung đoàn quốc quân thấy thế nguy liền bỏ chạy. Hồng quân lập tức củng cố lại các đơn vị và chờ đợi cánh quân của Lâm Bưu tới. Lâm Bưu dẫn một quân đoàn vượt qua sông Ðại Ðộ tại An Sơn Trang, và được lệnh tiến lên phía cầu Ðại Ðộ để gặp Mao. Ngay đêm đó hồng quân kinh ngạc khi thấy nhiều binh sĩ quốc quân quay trở lại, và tình nguyện gia nhập hồng quân. Họ phải đi theo hồng quân không phải vì họ thích cộng sản, mà vì họ kinh sợ cơn giận dữ của Tưởng Giới Thạch, khi họ thất bại không giữ được cây cầu chiến lược này. Mao vui lòng chấp nhận sự đầu hàng của binh sĩ quốc quân. Mao thấy không cần phải đuổi theo đám tàn quân Quốc dân đảng nữa, vì đã có Tưởng Giới Thạch trừng phạt họ.

Ngày hôm sau Lâm Bưu và quân đoàn của Lâm Bưu tới nơi, sau khi đánh bại được các ổ phục kích của quốc quân. Ngay sau khi người lính hồng quân cuối cùng qua cầu Ðại Ðộ, hồng quân lập tức tháo gỡ những khúc cây và những ván đóng trên cầu liệng xuống sông, với mục đích không cho quân của Tưởng Giới Thạch dùng được cây cầu ngay. Mao và các cấp lãnh đạo hồng quân họp bàn để quyết định nên tiếp tục cuộc Vạn Lý Trường Chinh theo con đường nào. Bây giờ không còn lực lượng của Tưởng Giới Thạch ngăn cản giữa lực lượng của Mao và chiến khu của Hạ Long và Trương Quốc Ðào nữa. Hai phe cộng quân chỉ còn cách nhau khoảng 100 dậm nữa. Nhưng giữa họ là rặng núi Ðại Tuyết Sơn cao vòi vọi và quanh năm phủ tuyết. Hồng quân phần lớn là người miền nam nên không quen với việc trèo núi, và cũng không quen với tuyết lạnh.

Đây những vùng có dân cư và những người Tây Tạng đầy thù nghịch. Hồng quân cũng có thể đi vòng phía đông rặng Ðại Tuyết Sơn, nhưng chắc chắn sẽ gặp phải đại quân của Tưởng Giới Thạch, một điều vô cùng nguy hiểm cho đám tàn quân cộng sản đã vô cùng mỏi mệt. Sự lựa chọn thứ ba và hợp lý nhất của hồng quân là phải trèo qua ngọn núi Ðại Tuyết Sơn cao hơn 16 ngàn bộ. Trong hồng quân có một số người thuộc bộ lạc Lô Lô đã từng đi qua núi Ðại Tuyết Sơn. Với sự hướng dẫn của người Lô Lô, Mao và hồng quân bắt đầu tiến vào rặng núi Ðại Tuyết Sơn và phải đụng độ với bộ lạc Phàn, một giống dân rất hiếu chiến, đã hùng cứ tại rặng núi này từ lâu đời.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #71 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:07:35 pm »

Vượt Rặng Ðại Tuyết Sơn

Trước khi tiến vào rặng Ðại Tuyết Sơn, hồng quân được giải thích cặn kẽ những nguy hiểm của cuộc hành trình trước mặt: nào là cao độ rất thiếu dưỡng khí, nào là băng tuyết và cái lạnh khủng khiếp trên núi, nào là phải cảnh giác cho một cuộc đụng độ với thổ dân hiếu chiến. Hồng quân được lệnh phải dùng một miếng vải mỏng che mắt để tránh bị mù, khi nhìn thấy ánh sáng chói lòa của mặt trời trên tuyết. Họ phải mang lương thực đủ dùng cho ít nhất là mười ngày. Khi trèo núi, nhất là lúc gần tới đỉnh núi, họ phải bước đều không được đứng lại nghỉ, vì nếu dừng lại nghỉ thì họ sẽ không thể nào tiếp tục đi được nữa. Họ cũng không được nói chuyện nhiều để tiết kiệm giữ lại dưỡng khí của họ. Khi leo lên tới đỉnh núi, họ sẽ ngồi xuống và trượt xuống chân núi bên kia, và cứ thế họ sẽ phải trèo hết năm ngọn núi của rặng Ðại Tuyết Sơn.

Ðối với Chu Ân Lai thì rặng núi Ðại Tuyết Sơn là chướng ngại lớn nhất của cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Chính tại đây Chu Ân Lai đã nhiễm cảm lạnh và xuýt chết. Lâm Bưu cũng bị bệnh sốt rét trở lại và phải được khiêng bằng cáng. Nhiều binh sĩ rất e sợ, ngần ngại khi phải tiến vào rặng núi. Ngay trước khi tới được chân núi, hồng quân phải đi qua một vùng rất rậm rạp. Ðây là những rừng nguyên thủy, dầy rậm đến nỗi ánh sáng mặt trời ít khi chiếu tới mặt đất ẩm ướt bên dưới. Dường như lúc nào cũng có mưa. Mặt đất trong vùng phủ đầy lá cây thối mục cao tới đầu gối, khiến cho sự đi lại cực kỳ khó khăn. Không thể nào tìm được một chỗ để ngủ, hồng quân đành phải nằm ngủ ngay trên đất bùn, hoặc ngồi dựa vào thân cây mà ngủ.
Thỉnh thoảng những con dê rừng hoặc lợn rừng vùng chạy khỏi ổ, và dễ dàng làm mồi cho hồng quân vốn đang thèm thịt. Hồng quân cũng cố gắng mua được đôi chút bắp tại các làng dưới chân núi. Phải mất vài tuần lễ mới vượt qua được rặng Ðại Tuyết Sơn nên hồng quân phải lo chuẩn bị đem theo lương thực như bắp, khoai tây và bí ngô phơi khô. Những cơn mưa đầu mùa hạ cũng giúp họ có nước uống giữa cái nóng nực của tháng sáu. Rồi hồng quân cũng tới được chân núi, bỏ lại sau lưng họ những khu rừng âm u. Khi hồng quân càng lên cao thì nhiệt độ càng xuống thấp. Bây giờ trước mắt hồng quân là một khoảng trống mênh mông, chỉ có đá và tuyết trắng trong một sự im lặng lạ lùng. Trên đầu họ, những đỉnh núi lẩn vào trong mây trắng. Những trận mưa đá thường xuyên, hạt mưa to bằng những củ khoai tây, rơi xuống liên tiếp. Không còn rừng cây che chở nữa, hồng quân phải hứng chịu từng đợt mưa đá, nhiều người bị thương tích, sưng đầu sứt trán vì mưa đá.

Quần áo của hồng quân không thích hợp với cái lạnh của rặng núi cao. Phần đông chỉ mặc những quần áo nhẹ bằng vải sợi, và do đó không cản nổi sự lạnh buốt như kim châm của miền núi. Tuy vậy đoàn người vẫn tiếp tục tiến bước vào một vùng vô định. Nhiều người đã bắt đầu bày tỏ sự bất mãn đã đem theo một số dân chúng, khiến cho binh sĩ phải săn sóc giúp đỡ dân chúng, trong lúc chính họ cũng điêu đứng không tự giúp mình được. Có lần binh sĩ phải dừng lại cho một thiếu phụ sinh đẻ được một đứa con trai trong một hốc núi. Tuy sản phụ và hài nhi tránh được gió máy, nhưng không sao tránh được cái lạnh thấu xương. Nhưng may mắn cả hai mẹ con đều sống sót và đi được tới Thiểm Tây.

Mao đã phải dùng ớt và gừng nấu lên cho binh sĩ dùng để tăng sức chịu đựng chống lại cái lạnh giá. Trên núi người ta không thể tìm kiếm được củi để nấu ăn nên hồng quân phải ăn đồ ăn sống. Hồng quân vẫn thường ăn cơm, nay phải ăn bắp sống nên nhiều người mắc bệnh tiêu hóa. Vì công cuộc vượt núi kéo dài hết ngày này sang ngày khác, nên nhiều hồng quân đã bắt đầu nghi ngờ sự hướng dẫn của người Lô Lô. Rồi cái lạnh của cao độ ảnh hưởng tới tâm trí họ nên nhiều người bị khủng hoảng thần kinh. Tâm trí hỗn loạn cùng với sự kiệt quệ của thể xác đã khiến nhiều binh sĩ chỉ cần té xuống tuyết, nói lảm nhảm vài câu, rồi nằm yên vĩnh viễn tại rặng núi ác hiểm này.

Tệ hơn nữa là khi hồng quân tiến vào một con đường đèo thì các bộ lạc người Phàn đứng trên núi cao, đẩy những khối đá xuống tấn công hồng quân để phản đối hồng quân tiến vào khu vực của họ. Mao không có cách gì lại gần để thương thuyết với bộ lạc Phàn và dụ họ đi theo hồng quân như đối với người Lô Lô. Người Phàn ẩn nấp tại những hốc núi cao mà hồng quân không thể leo lên được. Ðể tránh phi cơ oanh tạc của quốc quân, hồng quân phải thức dậy từ lúc nửa đêm và bắt đầu trèo lên đỉnh núi kế tiếp. Trời hay mưa, rồi đổ tuyết và những cơn gió lạnh, hung dữ liên tục quật mạnh vào đoàn người đang cố trèo lên cao. Nhiều hồng quân đã ngã gục, chết vì đói lạnh và kiệt sức. Nhiều người mệt mỏi, chỉ ngồi xuống định tạm nghỉ, nhưng không bao giờ đứng dậy được nữa. Không khí trên núi cao rất ít dưỡng khí, ngay đến người khỏe mạnh cũng chóng mệt, và gây khó khăn cho những người yếu và bị thương. Vì không đủ dưỡng khí để thở, nhiều thương bệnh binh đã chết khi được khiêng qua núi. Nước uống trên núi là một vấn đề hết sức gay go. Không có lửa để đun tuyết tan thành nước, và ngay cả diêm và lửa cũng khó cháy lên được tại một nơi thiếu dưỡng khí như thế. Một phụ nữ cho biết bà ta mất hẳn kinh nguyệt khi vượt qua rặng Ðại Tuyết Sơn.

Ðến tháng bảy thì hồng quân xuống được rặng núi và tiến vào một vùng đồng bằng. Ðây là khu vực tây bắc của tỉnh Tứ Xuyên. Quân số hồng quân chỉ còn lại 25 ngàn người sống sót sau rặng Ðại Tuyết Sơn, kể cả đàn bà và trẻ con. Khi hồng quân di chuyển qua cái đèo cuối cùng để tiến vào Tứ Xuyên, thì bỗng có một tảng đá ném về phía hồng quân. Trên tảng đá có một tín hiệu: "Chúng tôi là hồng quân của Trương Quốc Ðào. Bản doanh của chúng tôi tại Y Niên, chỉ cách đây 15 dậm."
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #72 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:08:13 pm »

Ðám hồng quân mệt mỏi tả tơi rất vui mừng khi nhận được tín hiệu trên, và họ tưởng đó là hồng quân của tỉnh Thiểm Tây, mục tiêu cuối cùng của cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Nhưng thực ra Thiểm Tây vẫn còn xa lắm. Nhưng dù sao thì gặp được quân bạn cũng là điều tốt. Tuy hồng quân vui mừng, nhưng Mao Trạch Ðông thì rất lo ngại gặp phải lực lượng của Trương Quốc Ðào. Mao vẫn biết Trương Quốc Ðào là người vẫn chống đối Mao, và lúc này Trương Quốc Ðào đang mạnh hơn trong khi lực lượng của Mao thì hầu như kiệt quệ, cả tinh thần lẫn thể xác và lực lượng vũ khí.

Mao Trạch Ðông và Trương Quốc Ðào là những lãnh tụ sáng lập cộng đảng Trung Hoa tại Thượng Hải năm 1921. Nhưng sau đó Mao không gặp lại Trương Quốc Ðào nữa, một phần vì hai người có hai quan điểm trái ngược nhau. Trương Quốc Ðào là một người cộng sản rất trung thành với đường lối cách mạng thành thị của Nga sô, và chống lại đường lối thiên về nông dân của Mao. Khi Tưởng Giới Thạch mở những cuộc tấn công phe cộng thì Trương Quốc Ðào và một số đảng viên khác chạy trốn về Tứ Xuyên và thành lập quân đội riêng tại đây. Dần dần Trương Quốc Ðào muốn trở thành một sứ quân, và có tham vọng trở thành một người lãnh đạo tối cao của Trung Hoa.

Tại Y Niên, Trương Quốc Ðào nồng nhiệt chào mừng Mao. Nhưng khi được biết Mao là chủ tịch cộng đảng Trung Hoa thì họ Trương quyết liệt phản đối. Trương cho rằng quyết định của đại hội Tuân Nghĩa không có giá trị, vì lúc đó các đảng viên cao cấp không có mặt tại đại hội. Trương Quốc Ðào nhấn mạnh Mao chỉ là một thủ lãnh du kích quân mà thôi. Mao và Chu Ân Lai rất lo ngại sự chống đối của Trương Quốc Ðào có thể đưa tới sự xung đột công khai giữa hai đạo hồng quân, và phe Mao yếu thế hơn nên có thể bị tiêu diệt tại đây. Mao còn thêm lo ngại khi thấy Chu Ðức có vẻ đứng về phía Trương Quốc Ðào, vì Chu Ðức vẫn bất mãn phải tuân lệnh những người dân sự như Mao, hoặc có thể Chu Ðức nghĩ rằng Trương Quốc Ðào là người có thể chiến thắng. Một phần nữa có thể Chu Ðức khâm phục quân đội của Trương Quốc Ðào vừa đông vừa mạnh mẽ, so sánh với đám hồng quân tả tơi của Mao.

Phe Mao thì cố tránh một cuộc đụng độ với Trương Quốc Ðào. Mao đề nghị hai đạo hồng quân nên đứng độc lập với nhau, và cùng tiến về Thiểm Tây. Nhưng Trương Quốc Ðào phản đối ý kiến này. Theo họ Trương thì tại sao hai đạo hồng quân không kết hợp làm một ngay tại đây, và tiến về Tây Tạng thành lập một căn cứ hùng mạnh, có thể đương đầu với đại quân của Tưởng Giới Thạch. Thực ra nếu hai đạo hồng quân kết hợp làm một thì Trương Quốc Ðào ở thế mạnh hơn vì quân của họ Trương đông hơn, được trang bị đầy đủ và còn đang sung sức. Khi phần đông quân của Mao phản đối ý kiến tiến về Tây Tạng, thì Trương Quốc Ðào đề nghị hai đạo quân kết hợp làm một và đóng ngay tại chỗ.

Mao tin chắc rằng những nghi ngờ của mình về mưu đồ phản bội của Trương Quốc Ðào là đúng. Mao nhận thấy họ Trương chỉ lo xây dựng quyền lợi và địa vị riêng của mình. Mao sợ rằng khi sang Tây Tạng, phe Mao sẽ bị phe Trương Quốc Ðào lấn át, và có thể bị tiêu diệt tại đó. Trong lúc Mao và Trương Quốc Ðào còn đang thương thuyết tìm một giải pháp mà cả hai bên có thể đồng ý, thì quân của Tưởng Giới Thạch tiến tới. Mao và Trương phải hoãn cuộc họp, và hồng quân thành công đánh tan được các toán quân tiền phương của Quốc dân đảng. Rồi bỗng nhiên Trương Quốc Ðào từ bỏ yêu sách của mình, và đồng ý tiến về Thiểm Tây và hai đạo hồng quân vẫn hoạt động riêng biệt. Mao rất hài lòng, nhưng Mao mất Chu Ðức, cánh tay mặt quân sự của Mao. Chu Ðức nhập vào đạo quân của Trương Quốc Ðào và giữ chức tư lệnh đạo hồng quân của Trương Quốc Ðào.

Cả hai đạo quân khởi hành tiến vào một chướng ngại cuối cùng trước khi tới được Thiểm Tây: đó là chuyến vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang. Tuy nhiên hai đạo hồng quân không cùng khởi hành một lúc. Trương Quốc Ðào đề nghị hai đạo hồng quân đi theo hai con đường khác nhau để tránh cuộc truy kích của Tưởng Giới Thạch. Mao chưa bao giờ mừng như thế, cất được gánh nặng bị Trương Quốc Ðào tiêu diệt để chiếm địa vị lãnh đạo cộng đảng Trung Hoa. Cả hai bên đồng ý sẽ gặp lại nhau sau khi vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang. Nhưng sau đó Mao không bao giờ gặp lại lực lượng của Trương Quốc Ðào nữa. Sau này Trương Quốc Ðào cho biết lực lượng của Trương đã đụng độ với một lực lượng rất hùng mạnh của Tưởng Giới Thạch, và bị chặn đánh không thể tới điểm hẹn được. Chu Ðức thì nói khác hẳn Trương Quốc Ðào. Theo Chu Ðức thì đạo quân của Trương Quốc Ðào không thể vượt qua được một con sông lớn trong lúc có nạn lụt, và do đó không thể tới điểm hẹn đúng kỳ hạn.

Ðúng ra Trương Quốc Ðào nhất quyết tiến về Tây Tạng, lập một căn cứ mới để thực hiện giấc mộng làm chúa tể Trung Hoa. Nhưng toan tính của họ Trương bị thảm bại, và một năm sau Trương Quốc Ðào và Chu Ðức phải lần mò về Thiểm Tây với một dúm quân thân tín. Phần còn lại của đạo quân hùng mạnh này đã bị Tưởng Giới Thạch đánh tan. Nhiều đảng viên cao cấp tại Diên An đứng lên buộc tội Trương Quốc Ðào đã đào ngũ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhưng Mao ra công che chở nên họ Trương không bị trừng phạt. Sở dĩ Mao bênh vực Trương Quốc Ðào vì Mao biết thế nào họ Trương cũng bất mãn bỏ ra đi, và cũng để bảo vệ Chu Ðức, người bạn từng sống chết chiến đấu với mình từ những ngày đầu tiên của hồng quân.
Mao lại bổ nhiệm Chu Ðức làm tư lệnh hồng quân, và Chu Ðức đã tạo ra được nhiều chiến công lớn trong công cuộc chống lại quân xâm lăng Nhật bản. Riêng Trương Quốc Ðào tự biết bị thất sủng và ở vào vị thế bất lợi trong cộng đảng, bị lạc lõng giữa những kẻ thù, nên họ Trương bỏ trốn khỏi Diên An và đầu hàng Tưởng Giới Thạch. Về sau Trương Quốc Ðào bỏ trốn sang Gia nã đại, và đến năm 1976 thì từ trần tại Gia nã đại.

Ðạo hồng quân dưới quyền lãnh đạo của Mao sắp phải vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang để tiến tới Thiểm Tây.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #73 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:09:00 pm »

Ði Qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang

Một sử gia hiện đại nhận xét chuyến đi vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang gần Tây Tạng, từ khoảng giữa tháng 8 tới đầu tháng 9-1935, là một giai đoạn khó khăn nhất cho số phận gần 30 ngàn hồng quân. Giống như rặng Ðại Tuyết Sơn, khu vực gần Cánh Ðồng Cỏ Hoang do một giống người hung hãn chiếm cứ. Những người sinh sống gần Cánh Ðồng Cỏ Hoang thuộc giống người Mân, có một luật lệ rất nghiêm khắc: bất cứ người Mân nào trợ giúp người lạ đi vào khu vực người Mân thì sẽ bị trừng phạt bằng một cái chết luộc sống. Chính vì thế, Mao Trạch Ðông phải ra lệnh cho hồng quân ăn trộm hoặc ăn cướp thực phẩm của người Mân, trong lúc sửa soạn tiến vào Cánh Ðồng Cỏ Hoang. Nếu không làm thế thì hồng quân sẽ chết đói hoặc phải ăn cỏ và vỏ cây. Người Mân thì không chịu bán thực phẩm cho hồng quân.

Tuy vậy thực phẩm không phải là mối lo chính của hồng quân khi đi ngang cánh đồng kỳ bí này. Sự nguy hiểm đến từ thời tiết và mặt đất của cánh đồng. Cánh Ðồng Cỏ Hoang là một bình nguyên mênh mông và lầy lội, trải rộng hàng trăm dậm, cao hơn mặt biển khoảng từ sáu ngàn tới chín ngàn bộ, nhưng không phải là một vùng núi. Trên cánh đồng không có lối đi rõ rệt. Khi người ta bước lên những bụi cỏ để đi thì bụi cỏ lún xuống, và một chất nước màu đen ứa lên, và khi bước chân đi thì bụi cỏ lại trồi lên như cũ, không để lại một dấu vết gì cả. Chất nước màu đen ứa lên đó có một mùi hôi giống như nước tiểu của ngựa, và làm người ta muốn ói mửa khi hít phải.

Về mùa hạ, cỏ xanh mọc khắp nơi và cánh đồng này là nơi nuôi súc vật rất tốt cho người Tây Tạng. Nhưng về mùa đông, từng cơn gió lạnh cắt da thịt thổi về từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, đem theo ngày đầu là những trận mưa bão, và ngày kế tiếp là mưa tuyết. Cỏ tại cánh đồng mọc cao tới vai người và rất dầy rậm. Một ưu điểm của những cỏ này là có thể cắt để làm những mái nhà trú ẩn mỗi khi có cơn mưa bão hoặc mưa tuyết.

Khi tiến vào cánh đồng, hết ngày này sang ngày khác, hồng quân chỉ trông thấy cỏ hoang ngút ngàn tới vô tận, không có bờ bến gì cả. Cỏ hoang mọc lên rồi chết đi thì cỏ mới lại mọc lên từ khóm cỏ đã chết, cứ thế làm thành từng tầng, bên cạnh những vũng nước đen xì và lạnh buốt. Cây cối không mọc được tại đây; chim chóc cũng ít khi liều lĩnh bay vào cánh đồng, ngay cả côn trùng cũng không có. Tất cả chỉ là một sự trống không với một sự mênh mông của cỏ dại, mùa hạ thì mưa như thác lũ, còn mùa đông thì gió cuồng loạn đem theo tuyết lạnh. Những đám mây đen như chì quanh năm bao phủ bầu trời, biến cả vùng thành một khu vực thật là ảm đạm thê lương. Vào những ngày không có nắng thì không thể tìm được phương hướng, vì nhìn chung quanh, chỗ nào cũng cùng một màu và một hình thể như nhau.

Trong một năm, ít nhất có tám tháng mưa tại cánh đồng, và nước không có chỗ thoát nên ứ đọng lại, và do đó cả một vùng mênh mông ấy trở thành một cánh đồng lầy. Mặt đất tại cánh đồng không khô như những nơi khác, trái lại chỉ có những gò đất nhỏ giữa một cánh đồng lầy lội đầy bùn. Những gò đất này chỉ đủ lớn cho một vài người đứng thôi. Sự kiện này khiến cho hồng quân không thể di chuyển từng đoàn được. Họ phải phân tán thành từng nhóm vài người, và cứ thế từng người một nhẩy lên những gò đất. Nếu nhảy hụt té xuống bùn thì sẽ bị hút xuống rồi bị chôn sống trong khối bùn đặc quánh như hồ ấy. Bùn ở đây không giống như cát lún. Bất cứ ai té xuống bùn thì phải được người khác mau lẹ kéo lên ngay lập tức, nếu không nạn nhân sẽ bất lực và bị hút dần xuống. Nạn nhân càng vùng vẫy thì càng chìm xuống mau hơn. Hàng trăm hồng quân đã chết như vậy.

Vấn đề chính của hồng quân là phải tìm được người hướng đạo, dẫn lối cho đi ngang qua được cánh đồng. Trong lúc tiến qua các khu rừng trước khi tới cánh đồng, hồng quân đã hết sức tuyển mộ người Mân làm hướng đạo, nhưng vì lệnh nghiêm khắc của nữ vương người Mân, nên không một người Mân nào chịu đi theo giúp hồng quân. Sự thù nghịch của người Mân dữ dằn đến nỗi về sau Mao phải kể lại: "Mỗi lần tìm mua được một con cừu hoặc tuyển mộ một người hướng đạo thì ít nhất một hồng quân phải thiệt mạng." Cuối cùng Mao ra lệnh bắt giữ một số người Mân và cưỡng bách họ phải phục vụ cho hồng quân.

Các người Mân bị bắt đành phải dẫn đường cho hồng quân, vì bị lưỡi lê của hồng quân thúc vào lưng. Hồng quân giải thích cho người Mân biết họ phải thành thực dẫn đúng đường, nếu không bất cứ hành động phản trắc nào cũng bị trừng phạt bằng cách bị ném xuống chôn sống tại những chỗ bùn lún. Các người Mân đã chứng tở rất thành thực hướng dẫn hồng quân, và một số quyết định đi theo hồng quân. Hành động đi theo hồng quân của người Mân không phải vì họ thích chủ nghĩa cộng sản, vì đối với tâm trí thô sơ của họ, họ chẳng hiểu biết gì về chính trị. Họ phải theo hồng quân là vì họ sợ trở về quê cũ, họ có thể bị nữ vương của họ luộc sống vì tội hợp tác với người ngoại chủng.

Hồng quân khởi đầu tiến vào Cánh Ðồng Cỏ Hoang vào giữa tháng 8-1935, và đi theo bìa phía đông, tại đó cánh đồng lầy không sâu lắm, và thỉnh thoảng còn có một giải đất hẹp mà thổ dân vẫn thường xử dụng. Mọi người phải mang theo đồ ăn và củi đốt cho đủ tám ngày. Lúc đó Chu Ân Lai vẫn còn nằm ốm liệt giường, vì bị cảm lạnh khi trèo qua núi Ðại Tuyết Sơn. Chu Ðức đi theo đạo quân của Trương Quốc Ðào, nên Lâm Bưu được chỉ định làm quyền tư lệnh hồng quân. Lâm Bưu dẫn binh sĩ cùng với các hướng đạo người Mân dẫn đầu hồng quân. Theo sau đội tiền phong của Lâm Bưu là toàn thể hồng quân đi theo một sợi giây thừng kết bằng lông đuôi ngựa. Sợi giây thừng đó đánh dấu những lối đi an toàn do toán hướng đạo đi trước móc vào ngọn những cây sậy hoặc cây cỏ cao. Khi hồng quân đi khá sâu vào cánh đồng thì họ bị từng đàn muỗi khổng lồ to bằng những con ruồi bay tới tấn công. Khi bị những con muỗi đáng sợ này đốt, nạn nhân sẽ bị những cơn sốt ghê gớm, được gọi là "sốt rét đen", và chỉ trong vòng vài ngày đã có hàng trăm hồng quân gục xuống trước chứng bệnh kỳ lạ này.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #74 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:09:36 pm »

Nhưng may mắn cho hồng quân, thời tiết bất thần thay đổi, và những luồng gió lạnh băng giá từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn thổi tới đã giết chết đàn muỗi, nếu không thì con số hồng quân bị muỗi độc giết chết sẽ còn nhiều nữa. Nhưng những luồng gió lạnh buốt cũng đem theo băng tuyết mù mịt khiến hồng quân không còn nhìn thấy đường đi nữa. Họ đành phải dừng lại vài ngày chờ mưa tuyết ngừng. Tại những gò đất lớn, hồng quân phải cắt sậy làm thành những túp lều nhỏ làm chỗ tránh mưa gió và tuyết. Nhưng khi trận bão tuyết chấm dứt thì người ta thấy từng nhóm hồng quân chết cứng tại những gò đất nhỏ, không đủ làm một túp lều. Những người chết bị liệng xuống chôn trong đám sình lầy. Trước khi chết, các toán hồng quân xấu số ngồi quay đầu chụm lại với nhau để lấy thêm hơi ấm của nhau, nên khi chết rồi, họ vẫn ngồi nguyên một tư thế như vậy, và từ đằng xa người ta tưởng họ vẫn còn sống. Khi cơn bão tuyết chấm dứt thì tất cả cánh đồng phủ một màn tuyết trắng, và những toán đi sau không còn tìm thấy sợi giây chỉ đường nữa. Họ cố gắng bới tuyết để tìm, nhưng sợi giây đã mất tích luôn. Các toán đi sau phải dừng lại chờ tin tức của toán tiền phong.

Khi hồng quân tiếp tục đi thì vấn đề lương thực trở nên vô cùng gay go. Hầu hết phần lương thực ít ỏi gồm bột mì ăn cắp được của người Mân lúc đầu nay đã hết. Bây giờ hồng quân không còn gì để ăn giữa một cánh đồng mênh mông, và trước mặt họ chỉ còn có cỏ đồng lầy. Một số binh sĩ đem luộc thắt lưng và giầy bằng da để ăn. Một số đào rễ những cây cỏ lên ăn, nhưng phần lớn những rễ này đều có chất độc. Rất nhiều hồng quân ăn phải rễ và củ độc đã bị trúng độc và thiệt mạng. Một số khác hái cỏ ăn. Thứ cỏ này không có chất dinh dưỡng gì, và khi ăn vào, ruột của người ăn bị chảy máu và rất nhiều hồng quân mắc phải các chứng kiết lỵ và tiêu chảy. Sự đói khát lên đến mức cùng cực khi những hồng quân đi sau bới phân của người đi trước để tìm ra những hạt đậu, những đồ ăn chưa tiêu hoá vì người ăn trước bị bệnh tiêu chảy; họ đem rửa sạch những hạt đậu lấy từ trong phân rồi ăn. Lần đầu tiên Mao phải ra lệnh giết ngựa để lấy đồ ăn.

Về nước uống thì còn nguy kịch hơn. Khi có tuyết, hồng quân lấy tuyết chờ tan ra rồi uống thì cũng đỡ. Nhưng khi hết tuyết, một số khát quá, liều uống nước múc lên từ cánh đồng lầy, và lập tức họ bị trúng độc ngay. Nước trong bụng họ không tiêu, cứ lọc cọc trong bụng họ, rồi đầu váng mắt hoa, đầu gối nhũn ra và nhiều người đã gục xuống vì uống nước tại cánh đồng lầy. Một số đành phải uống nước tiểu của chính mình. Khi đêm tối tới, họ không thể cắm trại để ngủ được, vì không có chỗ nào khô. Họ đành phải ngủ ngồi, hoặc quỳ gối xuống, gục vào nhau làm điểm tựa mà ngủ. Muốn đốt một ngọn lửa cũng rất khó khăn vì không có củi và cỏ khô. Hầu hết mọi người đều vừa đói vừa khát vừa bệnh hoạn khi đi qua cánh đồng. Sự đói khát giữa cái lạnh khủng khiếp cùng với sự kiệt sức tại đây là một thử thách lớn lao. Tuy nhiên hồng quân không còn một lựa chọn nào khác hơn là cứ phải tiến tới. Họ còn phải trải qua những cảnh rất đau lòng khi trông thấy một số đồng đội trượt chân, lún dần xuống bùn, một cái chết từ từ xảy ra trước mắt họ, mà họ không thể nào cứu được.

Trong chuyến vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang, những toán đi trước gặp dễ dàng hơn. Các toán đi sau mỗi lúc một khó khăn hơn và chậm chạp hơn, vì những gò cỏ sau khi bị nhiều người và vật đi qua đều xẹp lún xuống, nước tràn lên và người đi sau rất hoảng sợ, e bước nhầm phải chỗ bùn. Ðặc biệt là những gò cỏ này không chắc chắn như đất liền. Khi bước chân lên, người ta cảm thấy một sự rung rinh dưới chân như muốn đổ xuống. Về sau, ngay chính những hướng đạo người Mân cũng hoang mang không định được hướng đi, và nhiều người đã đi lạc. Ði lạc trong cánh đồng này là chắc chắn chỉ gặp cái chết.

Một bộ trưởng cộng sản kể lại kinh nghiệm của mình: "Thoạt đầu chúng tôi dường như cùng đi theo một con đường, nhưng sau vài toán quân đi qua thì con đường biến thành một rãnh nước. Không có chỗ để cắm trại. Không có chỗ nào khô, không cây cối. Nhiều người rất yếu đuối và bệnh hoạn khi họ tới cánh đồng. Một vài người nằm đại xuống bùn và không bao giờ đứng lên nữa. Chúng tôi mất nhiều người tại Cánh Ðồng Cỏ Hoang, hơn là tại rặng núi Ðại Tuyết Sơn. Mỗi buổi sáng chúng tôi kiểm điểm lại nhân số xem còn bao nhiêu người sống sót. Chúng tôi thấy nhiều người chưa chết. Mắt họ vẫn mở, nhưng họ không thể đứng dậy nổi. Chúng tôi sóc nách họ lên nhưng họ khuỵu xuống, rồi chết tại chỗ."

Một yếu tố nữa làm nhiều người chết tại Cánh Ðồng Cỏ Hoang là vì cao độ. Không khí tại đây thiếu dưỡng khí làm cho nhiều người yếu dần đi, rồi lờ đờ ngất xỉu. Các bác sĩ thường dùng muối và long não cho người ngất xỉu ngửi, có người tỉnh dậy, nhưng cũng có người nằm im luôn. Một nguyên nhân khác gây chết chóc là vì hồng quân thiếu muối ăn. Nhưng lý do chính là sau một năm lặn lội trải qua quá nhiều gian nan cực khổ, sức người đã kiệt quệ dần, rồi tại chướng ngại chót này, sự đói khát, sự lạnh giá, phải chịu mưa ướt liên miên, thời tiết thay đổi bất thường rồi thiếu dưỡng khí và muối, tất cả đã gây khốn đốn cho đoàn người đã tả tơi đang chạy đua với tử thần. Vì thế, sự tổn thất nhiều nhân mạng tại cánh đồng này là điều tất nhiên.

Ngày 27-8, toán hồng quân tiền phong ra khỏi Cánh Ðồng Cỏ Hoang, và đến đầu tháng 9 thì toàn thể hồng quân tới được vùng đất khô bên ngoài cánh đồng lầy. Thế là họ vượt qua được chướng ngại cuối cùng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Ngay sau đó, Mao nghi ngờ sự phản bội của Trương Quốc Ðào và e sợ lực lượng hùng mạnh của Trương Quốc Ðào tấn công, nên ra lệnh cho hồng quân gấp rút tiến về phía bắc, mặc dù lúc đó đa số hồng quân chỉ muốn nằm xuống nghỉ ngơi một vài ngày. Thực ra người ta không có bằng chứng gì Trương Quốc Ðào sẽ tấn công Mao. Sự hoảng sợ bỏ chạy của Mao là do chính bản chất phản trắc của Mao. Mao là người phản trắc nên tưởng ai cũng sẽ phản trắc với mình. Trên đường tiến về Thiểm Tây, Mao cẩn thận đặt các ổ phục kích đề phòng quân của Trương Quốc Ðào đuổi theo. Ðám tàn quân của Mao còn bị đội kỵ binh Hồi giáo của viên sứ quân họ Mã tấn công. Tuy nhiên họ Mã không phải là đối thủ của Mao. Chỉ một trận phục kích của Mao, bốn trung đoàn kỵ binh của họ Mã đã bị hồng quân đánh tan.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #75 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:10:14 pm »

Tới Diên An

Khoảng cuối tháng 10-1935, hồng quân đã tới được Lô Giang, bên trong khu vực sô viết tại Thiểm Tây. Hồng quân đã hoàn thành một cuộc trường hành dài sáu ngàn dậm. Lần đầu tiên hồng quân được an tâm nghỉ ngơi trong những hang động, tại những ngọn đồi đất hoàng thổ màu vàng xám đặc biệt của miền bắc Trung hoa. Ðây là một vùng rất thiếu nước. Mỗi hồng quân được thưởng hai quan tiền bạc và lần đầu tiên được ăn uống thỏa thích, vì thực phẩm tại Diên An tương đối có sẵn hơn là tại những nơi hoang dã mà họ đã phải đi qua trong suốt một năm vừa qua. Ðối với cái đám tàn quân vừa trải qua những khó khăn sinh tử của một cuộc chạy trốn dài thì Diên An quả thực là một thiên đường. Họ được ăn uống ngon lành đầy đủ như những ngày tết tại Giang Tây. Ðàn bà địa phương rất đỗi kinh ngạc khi trông thấy các nữ chiến sĩ hồng quân. Họ tự hỏi những người phụ nữ cắt tóc ngắn, mặc quân phục, đeo súng lục ở thắt lưng kia có phải cũng là đàn bà như họ không. Họ hồ nghi và mời các nữ binh hồng quân vào nhà để dò hỏi. Mãi đến khi họ sờ ngực các nữ binh này, và theo các nữ binh vào phòng vệ sinh thì họ mới tin các nữ binh ấy là đàn bà như họ.

Mao và các lãnh tụ cộng sản được các đơn vị hồng quân thuộc căn cứ địa phương đón rước trọng thể. Cuộc Vạn Lý Trường Chinh đã thực sự chấm dứt, và cũng chấm dứt sự đau khổ cho những bàn chân đau đớn mỏi mệt đến tận cùng sức chịu đựng của con người. Những người cộng sản thành công trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh tới được Diên An chỉ là một đạo quân ít ỏi, gồm có những bộ xương biết di chuyển, quần áo tả tơi, ho xù xụ, râu tóc rối bù như người tiền sử. Họ đã đi từ miền nam phong phú tới gần Vạn Lý Trường Thành, trải qua những gian nan, những chướng ngại mà tưởng sức người không thể vượt qua được. Mao vẫn mặc cùng một bộ quần áo lúc ra đi tại Giang Tây, chỉ có khác đi là bây giờ bộ quần áo ấy rách tả tơi và dầy cộm vì bám bụi đất đường xa. Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, hồng quân đã vượt qua mười tám rặng núi, hai mươi bốn con sông lớn, đi qua mười một tỉnh của Trung hoa, đã chiếm được mười hai thành phố, đụng độ với quân đội của mười sứ quân, và phải đương đầu với một triệu quân của Tưởng Giới Thạch. Họ cũng phải đi qua sáu khu vực của người thiểu số.

Trong suốt cuộc Trường Hành, Mao trải qua một giai đoạn cực kỳ vất vả về thể xác và căng thẳng về tinh thần. Thoạt đầu Mao phải tìm mưu kế đoạt lại quyền lãnh đạo, và sau đó là nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo hồng quân. Hàng ngày Mao phải tham dự những cuộc họp quân sự, đặt kế hoạch tiến quân, đọc những tài liệu và phải làm những quyết định quan trọng và ngay tức khắc. Mao phải đương đầu với những khó khăn triền miên, nào là bị địch quân bao vây, những cuộc tấn công bất thần của Tưởng hoặc sứ quân của Tưởng, phải khuyến khích hồng quân khi tinh thần họ suy giảm, sự thiếu thốn lương thực và thuốc men và sự chống đối Mao trong nội bộ cấp lãnh đạo. Mao làm việc bất cứ ở đâu, bên một tảng đá, trên một miếng ván làm bàn viết, đôi khi ngồi dưới một miếng vải dầu khi trời mưa. Trong những lúc bận làm việc và lo nghĩ đến mất ngủ như thế, thì trên người Mao lúc nào cũng đầy chấy rận và các loại ký sinh trùng khác của một lối sống thiếu vệ sinh.

Cuộc Vạn Lý Trường Chinh đối với Mao không những chỉ là một chiến dịch chạy trốn khi địch quân quá mạnh, mà còn là một sự khẳng định mối quyết tâm của Mao đối với người Trung Hoa. Trong suốt cuộc Trường Hành, nhiều khi sức mạnh thể chất không đủ để giữ vững được sự cố gắng liên tục, mà còn cần cả sức mạnh của tinh thần nữa. Chính vì thế lúc nào Mao cũng khuyến khích hồng quân tạo ra được một tinh thần chịu đựng, và tinh thần ấy đã trở thành một sức mạnh vật chất. Mao và hồng quân đã thực sự sống thiếu thốn tất cả, ngoại trừ một niềm hy vọng mãnh liệt sẽ chiến thắng. Ngay kẻ thù của Mao cũng không thể không thán phục Mao về tài lãnh đạo của Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Những thành quả của cuộc Vạn Lý Trường Chinh là công của tất cả những hồng quân vô danh, còn sống hay đã ngã gục trong cuộc chạy trốn. Công lao của họ không kém gì công lao của Mao hoặc bất cứ lãnh tụ cộng sản nào khác, những người được vô cùng trọng đãi, hưởng mọi ưu tiên và được hầu hạ trong suốt cuộc Trường Hành. Ðây là một biểu lộ tinh thần yêu nước cao cả, và lòng hy sinh vĩ đại của người dân Trung Hoa. Ðó là những nông dân nghèo nàn suốt cuộc đời gục mặt xuống mảnh đất cầy, những thiếu niên vác những khẩu súng cao hơn người, kéo lê những bàn chân tê cứng vì tuyết lạnh, những người thợ mỏ vừa ca hát vừa nhai những chiếc thắt lưng da đã được nấu chín để chống đỡ cơn đói khi không còn gạo nữa. Tất cả đã ngạo nghễ coi thường mọi khó khăn nguy hiểm, và coi thường cả mạng sống của mình, để nhất quyết thực hiện được một cái gì.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #76 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:10:50 pm »

Bây giờ họ đến được cái bến an toàn tại Diên An. Căn cứ sô viết tại miền bắc Trung Hoa bao gồm các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ, và được gọi tắt là Thiểm Cam Ninh. Ðây là vùng nghèo mạt nhất của Trung Hoa. Những đồi núi hang hốc vùng này vốn là sào huyệt của các đảng cướp lâu đời. Vùng tây bắc Trung Hoa quả thực là một nơi lý tưởng cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng, vì là một vùng đã nghèo khổ nhất mà lại có nhiều bất công xã hội nhất. Một trận đói khủng khiếp kéo dài luôn ba năm tại đây, từ năm 1929, đã gây chết chóc trong suốt một giải đất từ Tuy Viễn tại biên giới Mông Cổ tới các vùng Thiểm Cam Ninh. Người ta ước tính có từ ba tới sáu triệu người đã chết đói, thế mà tai họa này không được thế giới biết đến. Ngay cả những người Trung Hoa miền Nam cũng không nghe nói tới nạn đói này. Ðiều tệ nhất là trong lúc hàng triệu người đang chết đói thì vẫn có các sứ quân giầu có, các nhà giầu cho vay lời, các thương gia ngũ cốc vẫn tiếp tục đầu cơ tích trữ làm giầu thêm. Các trợ cấp về gạo và thực phẩm không thể tới được tay người đói vì lý do chính trị. Các tướng miền đông không chịu cho chở gạo tới miền tây, sợ gạo sẽ lọt vào tay các sứ quân thù nghịch.

Có khoảng 20 ngàn hồng quân tới được Diên An. Nhưng con số này bao gồm cả quân số của khu vực sô viết Thiểm Cam Ninh. Theo Chu Ân Lai thì quân số của Thiểm Cam Ninh có ít nhất 10 ngàn người. Vậy quân số của Mao thực sự sống sót trong cuộc Trường Hành gian nan chỉ có vào khoảng từ bảy đến tám ngàn người. Và nếu một phần ba quân số này là những người được tuyển mộ dọc đường thì trong số một trăm ngàn hồng quân ra đi từ Giang Tây, chỉ có khoảng năm ngàn người sống sót.

Con số năm ngàn người làm cuộc Vạn Lý Trường Chinh còn sống sót trở thành một khối nòng cốt của cộng đảng Trung Hoa, và cùng chia nhau miếng đỉnh chung khi cộng sản chiến thắng năm 1949. Các chức vụ quan trọng trong guồng máy đảng và chính quyền đều rơi vào tay con số năm ngàn người này. Tuy nhiên cũng chính trong số năm ngàn người này đã có những cuộc cấu xé tranh dành quyền lực một cách hung hãn tàn bạo nhất, đặc biệt là Mao Trạch Ðông. Trong suốt thời gian nắm quyền từ năm 1949 cho đến lúc chết năm 1976, Mao đã phát động khoảng mười cuộc trả thù tiêu diệt những đồng chí từng chia xẻ gian nguy với Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, như Cao Cương, Bành đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Ðặng Tiểu Bình, Hạ Long... Người cuối cùng chết về tay Mao là Lâm Bưu, một người có công hãn mã với Mao trong cuộc Trường Hành và sau này trong lúc Mao gặp khó khăn phải đương đầu với Lưu Thiếu Kỳ. Cùng chết với những đối thủ chính trị của Mao là hàng triệu nạn nhân Trung Hoa vô tội khác.

Thực ra khó có thể quyết đoán được yếu tố nào là yếu tố chính đã đưa hồng quân đến chiến thắng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Trước hết có thể là tinh thần kỷ luật của hồng quân và chiến thuật du kích để đương đầu với một địch quân đông đảo gấp bội lần. Có thể là sự can đảm xuất chúng của hồng quân trước những chướng ngại thiên nhiên và một kẻ địch quá mạnh mẽ. Có thể chỉ là một sự may mắn đã giúp hồng quân tránh được thảm bại. Có thể hồng quân chiến thắng được là nhờ yếu tố may mắn cộng với sự cương quyết can đảm của hồng quân, và sự sáng suốt của cấp lãnh đạo. Yếu tố may mắn cũng là một yếu tố quan trọng, vì chính kẻ thù thứ yếu của hồng quân lúc đó là các sứ quân liên kết với Tưởng Giới Thạch, nhiều khi đã trở thành đồng minh rất tốt cho hồng quân. Ngay quân xâm lăng Nhật Bản cũng gián tiếp là một đồng minh quan trọng của hồng quân.

Tưởng Giới Thạch là người vô cùng quyết tâm tiêu diệt cộng sản, và đã tung tất cả sức mạnh của Quốc dân đảng cho mục tiêu này. Nhưng các sứ quân liên kết với Tưởng đã thực sự giúp đỡ hồng quân qua được những giai đoạn khó khăn nhất: Sứ quân Quảng Ðông đã cố tình quay đi chỗ khác, mở ngỏ đường cho hồng quân trong cuộc bao vây lần thứ năm của Tưởng. Sứ quân Long Vân của tỉnh Vân Nam cũng làm ngơ cho hồng quân vượt qua sông Kim Sa. Sứ quân Lưu Vệ Hồi đã ngầm giúp cho hồng quân vượt cầu Ðại Ðộ. Sứ quân Dương Hổ Thành tại Sơn Tây cố tình vắng mặt suốt một năm để cho hồng quân có thời gian hồi phục sức mạnh. Nếu các sứ quân này cũng quyết liệt như Tưởng Giới Thạch thì hồng quân không thể nào tới Diên An được. Sở dĩ các sứ quân trên đây giúp đỡ hồng quân vì họ sợ Tưởng Giới Thạch sau khi diệt xong cộng sản sẽ quay lại tiêu diệt chính họ, vì họ biết quá rõ tâm địa của Tưởng.

Cuối cùng chính người Nhật đã giải cứu hồng quân tại Giang Tây năm 1931, vào đúng lúc Tưởng tung ra đợt bao vây lần thứ ba. Năm 1936-1937, Nhật Bản lại trở thành cứu tinh cho hồng quân một lần nữa. Nếu lúc đó Nhật Bản không phát khởi cuộc Trung Nhật chiến tranh tại Lư Cầu Kiều thì các sứ quân miền bắc sẽ ủng hộ Tưởng Giới Thạch trong chiến dịch bao vây tiêu diệt phe cộng tại Diên An. Khi Nhật Bản chiếm Mãn Châu, hồng quân có được cơ hội ngàn năm một thuở, củng cố căn cứ tại Thiểm Tây, dùng chiêu bài Kháng Nhật để chiêu dụ các sứ quân miền bắc, và tước khí giới quân Quốc dân đảng tại miền bắc.

Dù nguyên nhân nào là chính yếu thì cuộc Vạn Lý Trường Chinh cũng đã là một kỳ công của hồng quân Trung Hoa. Mặc dù một số chi tiết trong cuộc chạy trốn này đã được chính phe cộng sản thêu dệt phóng đại thêm, nhưng cuộc Vạn Lý Trường Chinh quả thực là một biến cố duy nhất trong lịch sử nhân loại, như một huyền thoại đã đánh thức người Trung Hoa vùng dậy và kiêu hãnh sau nhiều thế kỷ ngủ vùi và phân hóa.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #77 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:12:01 pm »

Cuộc Trường Chinh Tiếp Tục Và Kết Thúc

Cái đám hồng quân rách rưới lếch thếch theo Mao Trạch Ðông tới được Thiểm Tây vào tháng 10 năm 1935, trở thành những anh hùng của cuộc cách mạng Trung Hoa trong các thập niên sau đó. Chỉ có năm ngàn người sống sót và tới được căn cứ sô viết Thiểm Tây-Cam Túc, ngay dưới chân Vạn Lý Trường Thành. Những con người Trường Chinh này trở thành nòng cốt cho đảng cộng sản Trung Hoa, và là những tiếng nói quyết định trong chính trường Trung Hoa trong suốt nửa thế kỷ sau đó. Biết bao huyền thoại đã nói về chuyến đi độc nhất trong lịch sử của họ, và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chinh phục toàn thể Hoa Lục mười bốn năm sau. Hạ Long cùng 35 ngàn quân của căn cứ sô viết tại vùng tây bắc Hồ Nam cũng làm một cuộc Trường Chinh nhỏ, tìm đường lên Diên An gia nhập với hồng quân của Mao Trạch Ðông, nhưng chỉ 10 ngàn quân của Hạ Long tới được Diên An.

Tuy nhiên yếu tố quan trọng giúp cho sự sống sót của phe cộng là sự xâm lăng của quân phiệt Nhật. Những cuộc bao vây tiêu diệt mới của Quốc dân đảng chắc chắn sẽ tiêu diệt đám năm ngàn hồng quân sống sót trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhưng vào tháng 7-1937, quân Nhật đã chính thức mở cuộc Trung Nhật chiến tranh, và toàn thể Hoa Lục tràn ngập trong ngọn lửa chiến tranh cho tới năm 1945.

Vì ở thế quá yếu kém, Mao Trạch Ðông phải tìm cách lập một mặt trận thống nhất với Quốc dân đảng, nói là để kháng Nhật, nhưng thực sự là quân cộng sản đang cần thời gian để bồi dưỡng. Tưởng bắt buộc phải bãi bỏ kế hoạch tiêu diệt cộng sản vì bị bắt cóc tại Tây An tháng 12-1936. Hồng quân phải tập họp thành Bát lộ quân, và chịu sự chỉ huy của các tướng Quốc dân đảng. Tuy nhiên sự hòa hoãn giữa Quốc dân đảng và cộng sản chỉ là bề ngoài. Quân Nhật mở rộng địa bàn chiến tranh khắp lãnh thổ Trung Hoa, chiếm hết các thành phố lớn và các địa điểm chiến lược dọc bờ biển. Tưởng Giới Thạch phải dời thủ đô từ Nam Kinh
vào Trùng Khánh, một thành phố Tứ Xuyên nằm sâu trong nội địa Trung hoa.

Trong khi đó Mao và phe cộng hoàn toàn thoải mái tại các vùng đồi núi của miền tây bắc. Phe cộng thiết lập một trường đại học cách mạng và lôi cuốn được hàng triệu thanh niên từ các đô thị lớn. Trong suốt 11 năm, Diên An trở thành cái nôi của cách mạng Trung Hoa. Dưới sự che chở của Mặt Trận Thống Nhất, phe cộng gấp rút gia tăng lực lượng, dùng những khẩu hiệu tuyên truyền ái quốc để tuyển mộ những nông dân miền bắc. Phe cộng chỉ dùng chiến thuật du kích để quấy nhiễu quân Nhật, và tránh những trận đánh lớn với quân Nhật để bảo toàn lực lượng. Nhờ thế Bát lộ quân năm 1937 chỉ có 45 ngàn binh sĩ, nhưng một năm sau, quân số của Bát lộ quân lên tới 150 ngàn người. Bảy năm sau khi thế chiến chấm dứt, Bát lộ quân đã có nửa triệu quân. Khi Nhật Bản đầu hàng sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima, thì các sư đoàn của Mao đã kiểm soát được một khu vực rộng 200 ngàn dậm vuông và 20 triệu dân.

Trái lại với cái không khí cách mạng trong khu vực cộng sản, khu vực của Quốc dân đảng chỉ đầy rẫy sự tham nhũng thối nát và bất công. Quân đội của Tưởng đông tới 4 triệu quân, nhưng tinh thần rất thấp và thiếu kỷ luật. Dân chúng bất mãn trong vùng Quốc dân đảng bỏ trốn qua khu vực cộng sản khi cuộc nội chiến Quốc Cộng bắt đầu năm 1946. Ðến năm 1948 thì quân số của hồng quân cũng tăng lên tới 4 triệu người, và hồng quân bỏ chiến lược du kích, và dùng trận địa chiến giao tranh với quân Quốc dân đảng. Hồng quân mau lẹ chiếm được Mãn Châu, và đầu năm 1949, Bắc Kinh đầu hàng hồng quân để bảo toàn những kho tàng lịch sử bên trong thành phố. Sau đó hồng quân vượt qua sông Dương Tử, và từng thành phố một rơi vào tay hồng quân. Tưởng Giới Thạch đem theo nửa triệu quân rút ra hải đảo Ðài Loan.

Ngày 1-10-1949, trên khán đài Thiên An Môn Bắc Kinh, Mao Trạch Ðông tuyên cáo thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và trong suốt bảy năm sau đó, Mao và các đồng chí trường chinh đã làm thay đổi hẳn bộ mặt Trung Hoa. Bề ngoài Mao giả vờ liên kết với những đảng phái yêu nước khác, và thành công ban bố một kỷ luật mới cho toàn thể đất nước. Những khối người khổng lồ đã được động viên để chinh phục các nạn lụt lội và nạn đói trước kia xảy ra hàng năm tại Trung Hoa. Nhiều công trình lớn như đê điều, đập và hồ trữ nước được xây cất để kiềm chế những con sông lớn hoặc dự trữ nước chống lại nạn hạn hán. Một kế hoạch cải cách ruộng đất đã bãi bỏ mọi đất tư hữu, và hệ thống hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung tất cả nông dân cùng với nông cụ và súc vật của họ.

Về mặt quốc tế, Trung cộng đã tạo được sự tự tin và kiêu hãnh khi đơn phương giao chiến bất phân thắng bại với Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ tại bán đảo Cao Ly. Trận chiến Cao Ly bắt đầu từ năm 1950. Trong khi đó Trung cộng được Nga sô viện trợ kỹ thuật để xây cất những nền móng căn bản của kỹ nghệ. Tuy nhiên, nhiều thành phần trong xã hội Trung Hoa đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Trước hết là hàng triệu địa chủ và phú nông đã bị giết trong các đợt cải cách ruộng đất đẫm máu. Rồi thành phần giới tư sản muốn ở lại giúp xây dựng một nền kinh tế mới cho Trung cộng, đã bị chính quyền cộng sản tịch thu và chiếm các cơ sở thương mại kỹ nghệ của họ. Nói chung, trong giai đoạn 7 năm đầu tiên, chính quyền cộng sản Bắc Kinh được đại đa số quần chúng ủng hộ. Sau bao nhiêu năm bị nhục ngoại xâm, phân hóa, tham nhũng, nghèo đói, và bệnh hoạn, lần đầu tiên đời sống của đại đa số dân Trung Hoa được cải thiện rõ rệt.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #78 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:12:49 pm »

Tuy nhiên cái thời trăng mật này không kéo dài lâu. Những dấu hiệu hỗn loạn đã bắt đầu xuất hiện. Trước hết là sự việc thủ tướng Nga Krushchev chỉ trích sự thần thánh hóa Stalin tại Nga sô năm 1956. Kế tiếp ngay đó là giới trí thức chỉ trích chính quyền tại Ba Lan và Hung gia lợi. Ðảng cộng sản Hung gia lợi đã sụp đổ mau lẹ trước sự tấn công của giới trí thức, và điều này làm Mao Trạch Ðông hoảng sợ. Lập tức Mao liền kêu gọi giới trí thức lên tiếng về các chính sách của chính quyền. Bằng khẩu hiệu Bách Hoa Tề Phóng (Trăm Hoa Ðua Nở) và Bách Gia Tranh Minh (Trăm Nhà Ðua Tiếng), Mao muốn đặt một cái bẫy để quơ trọn giới trí thức chống đối bằng một mẻ lưới duy nhất. Thế rồi hàng loạt những bài báo chỉ trích của giới trí thức đã làm chính quyền Trung cộng rúng động.

Lập tức Mao Trạch Ðông tung ra chiến dịch cải tạo, và hàng trăm ngàn trí thức và những người bị gán là "phe hữu" đã bị bắt và gửi tới những trại lao động cải tạo. Có người bị giam giữ tới hai chục năm. Kể từ đó giữa Mao và giới trí thức Trung Hoa nghi kỵ nhau, và Mao không cho giới trí thức tham dự vào công cuộc cải tiến kinh tế. Mao đặt hết niềm tin vào những thành phần mà Mao tin là trong sạch và chưa bị nhiễm độc, đó là nửa tỷ nông dân. Giới sinh viên học sinh được Mao tổ chức thành Hồng vệ binh.

Tính khí Mao lãng mạn và thiếu kiên nhẫn. Tính khí ấy được gia tăng nhờ kinh nghiệm của cuộc Vạn Lý Trường Chinh thành công, nên Mao nhiệt tình tin rằng sự quyết tâm của con người có thể vượt qua được mọi trở ngại, dù lớn lao đến thế nào. Ðó là lý do dẫn Mao tới những thất bại khủng khiếp của kế hoạch Ðại Nhảy Vọt năm 1958, khi mà toàn thể nông thôn Trung Hoa được tổ chức thành những đại công xã đông hàng vài chục ngàn người, trong đó nông dân sống trong một hoàn cảnh bán quân sự. Vợ chồng bị phân tán trong những đơn vị sản xuất khác nhau, và con cái được giao cho các nhà giữ trẻ trông nom. Ðời sống tại đại công xã đã giết chết đời sống gia đình mà người Trung Hoa rất quý trọng đã từ hàng ngàn năm. Ngay tại thành phố, dân chúng cũng phải gia nhập những đại công xã thành thị. Thoạt đầu dân chúng hồ hởi tuân theo sự hướng dẫn của Mao. Nhưng kết quả cho thấy Mao đã phạm một sai lầm sinh tử. Nền kinh tế mới phôi thai của Trung cộng sụp đổ hoàn toàn, nạn đói tràn lan. Người ta ước tính có ít nhất 20 triệu người Trung Hoa đã chết đói vì kế hoạch điên rồ của Mao Trạch Ðông.

Nhưng Mao không chịu nhận lỗi lầm của mình. Mao cho rằng nguyên tắc của Mao đúng, nhưng các cán bộ nông thôn đã thi hành sai. Tuy vậy Mao cũng phải nhường chức Chủ tịch nhà nước cho Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ còn là phó chủ tịch đảng và Mao vẫn giữ chức Chủ tịch đảng. Trong một thời gian, Mao vắng mặt trên chính trường, và không còn điều khiển công việc quốc gia. Sau hai thất bại lớn của Mao, đảng cộng sản Trung Hoa bắt đầu phân hóa. Trong kỳ đại hội đảng năm 1959, thống chế Bành Ðức Hoài, một chiến hữu trường chinh của Mao, đã đứng lên can đảm chỉ trích những sai lầm của Mao. Nhưng Mao thành công quy tụ được đủ hậu thuẫn để chống lại Bành Ðức Hoài. Kết quả là Bành Ðức Hoài, một anh hùng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, bị cách chức bộ trưởng quốc phòng. Sau đó ba chiến hữu trường chinh khác của Mao là Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Ðặng Tiểu Bình đã áp dụng một chính sách kinh tế thực dụng, giải tán đại công xã, cho phép nông dân được làm chủ những mảnh đất nhỏ để khuyến khích sản xuất. Chính sách kinh tế mới này đã giúp Trung Hoa vượt qua được những khó khăn do chính sách của Mao gây ra, và đời sống dân chúng trở lại bình thường trong những năm đầu của thập niên 1960.

Mao không bao giờ chịu thua hoàn cảnh. Bên trong khu vực Cấm Thành của vua chúa ngày trước, Mao vẫn âm thầm bàn mưu tính kế để trở lại với quyền lực chính trị tuyệt đối của mình trước kia. Mao nhất quyết phải hạ cho bằng được hai chiến hữu trường chinh là Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình. Hai người này đã thành công với chính sách kinh tế của họ và uy tín của hai người ngày một lên cao, có nhiều triển vọng làm lu mờ ngôi sao của Mao Trạch Ðông. Mao phải mở cuộc Cách mạng Văn hóa, dùng hàng triệu Hồng vệ binh và sự hậu thuẫn của quân đội, với mục đích tấn công các đối thủ chính trị đang muốn loại bỏ Mao, bằng cách bầu Mao vào chức Chủ Tịch Danh Dự, một chức vụ hữu danh vô thực.

Mùa hè năm 1966, Mao chứng tỏ cho các đồng chí biết rằng sức khỏe của Mao còn rất tốt, bằng cách bơi trên dòng nước chảy xiết của con sông Dương Tử hùng mạnh. Rồi cùng với sự trung thành của bộ trưởng quốc phòng Lâm Bưu, Mao và bà vợ Giang Thanh tung ra hàng chục triệu Hồng vệ binh tấn công các đảng viên chống đối Mao. Hồng vệ binh giơ cao tập sách hồng "Tư Tưởng Mao Trạch Ðông", buộc tội phe nhóm của Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình là những kẻ đương quyền đi theo đường lối tư bản, phản lại chủ nghĩa cộng sản và chống đối Mao chủ tịch. Trong giai đoạn này, các chiến hữu trường chinh tàn sát nhau không thương xót. Các lãnh tụ lớn của cuộc Vạn Lý Trường Chinh bị giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao gồm có Lưu Thiếu Kỳ, Bành Ðức Hoài, Hạ Long, Ðào Chú. Các lãnh tụ bị hành hạ và bị đi đầy gồm có Ðặng Tiểu Bình, Trần Nghị... Ngoài ra kho tàng văn hóa cổ xưa của Trung Hoa cũng bị Hồng vệ binh tàn phá rất nhiều. Cả trăm triệu người dân thường cũng bị thương tổn về thể xác hoặc tâm hồn, trong cuộc hỗn loạn do Mao phát động để đoạt lại quyền lực.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:13:31 pm »

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu là người hưởng lợi nhất, vì tình trạng hỗn loạn, trường học, xưởng thợ biến thành bãi chiến trường của hai phe chống đối nhau, nên Lâm Bưu phải tung quân đội ra tái lập trật tự. Tình trạng Trung Hoa lúc đó gần như thời kỳ sứ quân trước kia, vì quyền lực rơi vào tay các tướng tư lệnh địa phương của Lâm Bưu. Mao định dùng cuộc Cách mạng Văn hóa để tước đoạt lại quyền lực của Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ bị loại, nhưng quyền lực của Lưu Thiếu Kỳ rơi vào tay Lâm Bưu. Lâm Bưu trở thành người mạnh nhất Hoa Lục, khi mà toàn thể Trung Hoa nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội. Trong kỳ đại hội đảng năm 1969, Lâm Bưu được chỉ định làm người thừa kế cho Mao Trạch Ðông. Khi một người đã nắm được quyền lực rồi thì ít khi chịu từ bỏ. Hai chiến hữu trường chinh Mao Trạch Ðông và Lâm Bưu bây giờ trở thành hai kẻ tử thù. Mao tránh vỏ dưa Lưu Thiếu Kỳ thì lại gặp vỏ dừa Lâm Bưu. Lâm Bưu dự định diệt Mao và phe Giang Thanh để trở thành chúa tể của Hoa Lục, nhưng Mao thâm độc hơn, đã dùng quỷ kế giết chết Lâm Bưu trước khi Lâm Bưu kịp ra tay.

Khi Lâm Bưu bị diệt rồi thì trận chiến tam giác giữa ba phe Lâm Bưu, Giang Thanh và Chu Ân Lai trước kia bây giờ chỉ còn lại hai. Giang Thanh dự định hạ nốt Chu Ân Lai để đạt mộng trở thành một Võ Tắc Thiên thứ hai của Trung Hoa. Giang Thanh rất căm giận khi Chu Ân Lai cắt nhắc Ðặng Tiểu Bình lên chức phó thủ tướng. Ðặng Tiểu Bình vốn là nạn nhân của Giang Thanh trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Chu Ân Lai đã sống sót được cuộc Cách mạng Văn hóa nhờ thiên tài ngoại giao của ông. Lúc đó Mao đã già và đang bị chứng bệnh Parkinson, nên Mao ủng hộ cả chính sách ôn hòa của Chu Ân Lai lẫn đường lối cực đoan của bà vợ Giang Thanh.

Mặc dầu những xung đột nội bộ, Trung Hoa cũng đã đạt được nhiều thành quả quốc tế, nhờ chính sách ngoại giao mới của Chu Ân Lai. Trước hết là Trung cộng loại được Trung hoa quốc gia của Ðài Loan ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, và trở thành một trong năm hội viên của Hội đồng này vào năm 1971. Năm 1972, tổng thống Nixon của Mỹ viếng thăm Bắc Kinh, và các quốc gia tây phương thiết lập ngoại giao với Trung cộng. Nhưng Chu Ân Lai không sống được lâu để nhìn thấy thành quả của mình. Chu Ân Lai bị bệnh ung thư, và Ðặng Tiểu Bình hầu như trở thành thủ tướng chính thức của Trung cộng. Trong khi đó thì bệnh tình của Mao Trạch Ðông cũng ngày một nặng thêm, và nhóm của Giang Thanh gia tăng hoạt động trong cuộc chạy đua chiếm quyền lực.

Tháng 1-1976, Chu Ân Lai từ trần, hưởng thọ 78 tuổi. Người ta tưởng Chu Ân Lai trẻ hơn Mao tới 4 tuổi, sẽ là người thay thế Mao. Khi Chu Ân Lai chết, Mao chỉ định Hoa Quốc Phong làm thủ tướng kế nhiệm Chu Ân Lai, vì Mao không mấy an tâm với Ðặng Tiểu Bình. Một lần nữa Ðặng Tiểu Bình lại bị hạ bệ, và phải lẩn trốn vì sợ bị phe Giang Thanh ám sát. Vì Ðặng Tiểu Bình là người kế tục chính sách thực tiễn của Chu Ân Lai, nên khi Ðặng Tiểu Bình bị loại thì có một làn sóng công phẫn trong quần chúng. Tháng 4-1976, trong dịp lễ Thanh Minh tưởng niệm người chết, cả triệu dân chúng tụ họp tại công trường Thiên An Môn và đặt vòng hoa tại Ðài Kỷ Niệm Anh Hùng Nhân Dân để tưởng niệm Chu Ân Lai. Những vòng hoa này mang những lời chống đối Giang Thanh và phe nhóm. Ðây quả thực là một cuộc biểu tình chính trị đúng nghĩa nhất, kể từ khi chính quyền cộng sản thiết lập năm 1949. Phe Giang Thanh đã mở một cuộc tàn sát đẫm máu tại Thiên An Môn.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM