Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:38:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: NGƯỜI LÍNH công binh bến vượt Tích tường  (Đọc 166988 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #300 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2013, 05:16:30 pm »

   

   
    NHỮNG NGÀY ĐẦU CHIẾN ĐẤU Ở QUẢNG TRỊ  1972  (  tiếp )

     
     Nhớ lại  con đường hành quân vào Quảng trị 1972 của C17- E95. Tìm lại trên bản đồ con đường chúng tôi đã đi qua. Cũng xuất phát từ bến Tắt – điểm đầu con đường  Trường sơn Đông rồi vượt sông Bến hải sáng 11/7/72. Chúng tôi cũng theo  tuyến  đường  Trường sơn đông ( HCM Đông )  1972  tiến  vào Quảng trị.  Dẫn ra  bản đồ của tuyến đường  xưa  ( bản đồ nhỏ ),   đối chứng với  ngày nay  - tuyến đường HCM đông -  cùng địa danh  mới  là thành phố Đông hà -  Tôi phác thảo lại đường hành quân của C17 từ  bến Tắt ( 11/7/72 ) đến  thôn Trà liên Tây ( 14/7/72) để   nhớ lại những ngày đầu vào chiến trường của người lính  C17 chúng tôi và các bạn có thể hình dung con đường chúng tôi đã qua trong thời gian ấy . Tránh  qua vùng khu phi quân sự ,    vòng qua  vùng địa danh  nổi  tiếng  Cồn tiên,  vòng qua Cam lộ, vượt sông Cam lộ đi theo hướng Đông – Đông Nam tiến xuống QL 1 rồi vượt qua  QL 1 gần cầu Lai phước   vào thôn Trà liên Tây.
         
                  ĐƯỜNG  HÀNH QUÂN CỦA C17 VÀO CHIẾN TRƯỜNG QUẢNG TRỊ  1972


     


     Đường hành quân của chúng tôi  chếch lên phía Tây Cam lộ ( qua rìa Cam lộ ) - không qua thị trấn Cam lộ như  đường HCM hiện nay  để  đảm bảo bí mật. an toàn  và vượt qua sông Cam lộ ở đoạn hẹp hơn.
Mất 4 ngày và 1 đêm hành quân chúng tôi mới  di chuyển  được từ bến Tắt đến Trà lien Tây.  Bây giờ  nếu  ta  đi bộ theo dọc tuyến Trường sơn Đông  ra quốc lộ 1  đến Trà lien Tây chỉ  mất  1 ngày  đường thôi  với khoảng 50 km ( Bến tắt – Đông hà  là  38 km )



Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #301 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2013, 11:16:52 am »

                     

             
   NHỮNG NGÀY ĐẦU CHIẾN ĐẤU Ở QUẢNG TRỊ  1972   ( tiếp )
       

      Chúng tôi nghỉ ở bãi cát đầu  làng của thôn Trà liên,  có nhiều đụn nhỏ  cát trắng với phi lao mọc lưa thưa.  Trời đã tối, nhìn xóm  làng là khối đen, không  thấy ánh  lửa hay ánh đèn .  Nhóm du kích địa phương   dẫn từng tốp  lính của C17 ( theo sắp xếp)  vào  nhà dân.  Là  A cuối  của trung đội 2 theo thứ tự  sẽ  thuộc  diện “ Chót  - Chét “ ,   chúng tôi  nằm  dài trên đám cỏ hay ngồi dựa vào ba lô nghỉ sau  nhiều ngày hành quân vất  vả,  mệt mỏi. Tôi ngủ thiếp  một lúc, được đánh thức dậy khi  có hai du kích đưa tổ 3 người của tôi  vào sâu trong làng.  Không  có người ra đón,  qua  cái sân nhỏ  có bậc thềm cao,   cả toán bước vào  gian chính diện.   Chúng tôi  dạt sang  trái , đặt ba lô xuống sàn nhà còn anh du kích bước  xuống gian nhà ngang  trao đổi với chủ nhà  thấp thoáng qua ánh sáng chập chờn hắt lên từ cửa hầm . Bà “ Mệ “   bước vào  nói  với chúng tôi   
-     Các Chú nghỉ  cả trên này , gia đình ở hầm và nhà dưới   rồi
      3  gian  nhà chính với  một chiếc phản, rộng rãi -  ngoài mấy chiếc  ghế không có đồ gì khác.  Chúng tôi lấy lương khô ăn tối  qua ánh  trăng mờ chiếu qua cửa sổ,  chốc chốc thấy  ánh chớp bom  hắt sáng lên bầu trời phía xa . Thôn  nằm gần vùng chiến sự, không được lộ ánh sáng  lúc đêm,   duy nhất chỉ có ngọn đèn dầu chiếu  trong hầm  có cửa che .
     Giấc ngủ đầu tiên trong  nhà sau nhiều tháng ngủ võng ở rừng trên  phản gỗ - cảm giác khoan khoái và ấp áp làm sao ?  Và có lẽ chúng tôi đã được tận hưởng niềm vui bé nhỏ sau nhiều ngày hành quân  gian khổ nhưng  điều đó là không thể  có được  …  Đang ngủ say, Tất cả giật mình , hoảng hốt  vì   những tiếng nổ rền vang  và  chớp lửa chói sáng lòa nối tiếp – chỉ còn biết lăn xuống đất và  nằm úp mặt dưới gầm phản. Một lúc khi tiếng nổ đã hết,  tiếng rít của máy bay đã qua, màn đêm yên tĩnh trở lại chúng tôi mới định thần và hiểu được  cái ấy là gì  :          
    “  B52 đánh bom đấy “   
     Cảm giác   về  những loạt bom  B52  đầu  tiên  gây ức chế  và gây sợ hãi  nhất  trong đêm –   Trong khi bản năng  sống sót để thoát khỏi nguy hiểm  thôi thúc,  còn ta không biết  ẩn nấp hay trốn chạy đi đâu ?  Xung quanh là đêm tối và hoàn toàn xa lạ  ….  Ánh chớp chói lòa – tiếng nổ đinh tai kéo dài trong lần đầu tiên ấy  gây một cảm giác kinh hoàng , chân tay trở nên thừa  không biết làm gì còn đầu rúc vào tận góc giường  ….  (  sau này  khi đã quen ta  không  còn sợ  vì  đã nghe thấy tiếng nổ là  bom không trực tiếp rơi  vào chỗ ta nữa )..
     Từ khoảng nửa đêm tới trước bình minh,  cả 3 thằng lính khoảng 3-4 lần chui gầm phản - mà chưa hết giật mình, hoảng hốt - .  Đêm đầu tiên  ở Trà liên Tây thật đáng nhớ ...
               (  Không biết CCB tralientay có  hưởng  cảm giác như chúng tôi không ??...)
         
         Vài  Hình ảnh  để  nhớ lại

         Một bãi bom B52 rải theo tọa độ định trước chùm lên khu vực có chiều dài  khoảng  2km và chiều ngang  1km .
                                 
                                                       
ẢNH  B52  RẢI  BOM
                               
          

                           
                                      Bãi  bom  B52 rải  theo tọa độ  và    dấu vết  trên mặt đất

           
          


                                                                                                                                 ( Còn tiếp )




 
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #302 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2013, 05:29:47 pm »

Cám ơn bác Luân trắng đã kể lại những ngày đầu ở Quảng trị.

Cũng quãng thời gian này C20 chúng tôi cùng sư đoàn bộ vượt sông Bến Hải vào Quảng Trị.
Sở chỉ huy của sư đoàn ở phía sau đâu đó trên núi, còn C20 chúng tôi chia thành nhiều nhóm nhỏ toả đi những nơi sư đoàn tham chiến. Tiểu đội tôi được phân vào tham gia giữ thị xã. Tụi tôi đi cùng C viên trưởng. Tuần đầu tiên tiểu đội theo lệnh dừng lại ở làng Vĩnh Phước (định trên bản đồ), một làng nhỏ cách đường 1 vài trăm mét, mới xem lại bản đồ thấy làng này ở phía Tây Bắc làng Trà Liên Tây chừng gần hai cây số, nơi C17 của bác Luân trắng đóng (tới 4.1973 C20 mớ về Trà Liên Tây).

Có mấy ấn tượng lần đầu in đậm trong tôi. Đấy là từ trên vùng đồi cao trước khi xuống đồng bằng, lần đầu thấy xóm làng xa xa với mái nhà lợp mái tôn trắng xoá dọc theo sông Thạch Hãn, ở đấy đâu đó những cuộn khói bốc lên, đâu đó pháo bắn tới.

Đấy là đi trên đường đến Vĩnh Phước, lần đầu thấy rõ một không khí thù hận trên câu khẩu hiệu dữ dằn viết nguệch ngoạc trên bức từng dài bao quanh một trường học "Lấy máu Nga Sô đem hoà rượu đế. Chặt đầu cộng sản đem nấu măng tươi".

Đấy là lần đầu bị pháo 105 bắn vào ngay khu vực hầm tiểu đội đào trong buổi đầu tiên đến làng Vĩnh Phước. Không ai thương vong, nhưng nhìn mấy cây đổ ngổn ngang và những hố đạn pháo cạnh hầm, biết sự khốc liệt đang rất gần.

Đấy là lần đầu thấy cảnh giao quân bổ sung cho thành cổ. Mỗi chiều quãng 7-8 giờ tối, một nhóm cán bộ từ trong thành ra nhận quân tăng cường từ ngoài Bắc để đưa vào thành. Vĩnh Phước cách thành cổ chừng 7 cây số và cách núi cũng chừng ấy nên là một điểm giao quân. Việc giao quân diễn ra rất nhanh. Mấy cán bộ dẫn quân tăng cường đã chia lính thành các nhóm nhỏ với một danh sách kèm theo. Mấy người ra nhận quân nhanh chóng dẫn quân của mình vào thành. Có anh ra kể, chỉ kịp dẫn vào thành, chia cho mỗi hầm một vài lính, chưa kịp nhớ tên thì ngay hôm sau đã một số hy sinh hay bị thương chuyển về tuyến sau.

Tuần đầu chúng tôi chỉ chia thành các toán nhỏ đi nắm địa hình căn cứ Ái Tử. Lúc đó Ái Tử vẫn còn là những dãy nhà gỗ đổ ngổn ngang, rất nhiều thứ lạ mắt trong đống đồ đạc, quân dụng Mỹ của lính sư đoàn 3 chạy bỏ lại.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #303 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2013, 06:44:04 pm »

.
     Bác NguyenHuuLuanc17 và bác TraLienTay ! Bản đồ Vĩnh Phước, Lai Phước, Trà Liên Tây, Ái Tử đây .

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Bảy, 2013, 06:49:39 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #304 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2013, 09:34:53 pm »

 
    @tralientay, TTNL &  Các " Cựu " đã tham gia chiến dịch TX quảng trị 1972,

   Thật cảm động khi các CCB  tralien tay và TTNL đã cho thêm  thông tin về cuộc chiến những ngày đầu F325 vào Quảng trị 1972.
    Theo tài liệu thời điểm đó là bắt đầu đợt 2 của chiến dịch tái chiếm TC Quảng trị  từ 14/7 - 27/7/1972 :
    -   Phía  VNCH  đưa sư đoàn TQLC vào thay sư  đoàn DÙ tiếp tục chiến dịch     
    -   Phía ta : thành lập BCH bảo vệ thị xã từ ngày 14/7/72 do Tham mưu phó B5 là chỉ huy trưởng, chính ủy  là cục phó cục chính trị B5  Và  Các
     phó  là  -   E trưởng 48, tỉnh đội phó Quảng trị, chủ tịch UB quân quản Quảng trị 
        E95  bắt đầu tham chiến. Ngày 13/7  D4/E95  được đưa vào thị xã làm nhiệm vụ cơ động  phía tây bắc thị xã.  Đến ngày 22/7  B5 lệnh đưa 
     toàn bộ E95 vào  chiến đấu trong thị xã QT.
        Khoảng cuối T7/72 các đơn vị hỏa lực,  Trinh sát, Công binh của F325 cũng tham chiến tại TX Quảng trị .
         (  Theo tài liệu Nhớ lại cuộc chiến đấu bảo vệ TC Quảng trị hè 1972 ).

   Đến ngày 15/7 toàn bộ E 95 đã vào đến Quảng trị, các đơn vị BB đã bắt đầu  tham chiến tại  thị xã QT . Các C trực thuộc của E95 (14,   
  17,19,20,25 ) tập kết quanh khu vực  xã Triệu giang,  khu  vực Ái tử , Nham biều sẵn sàng chờ lệnh  tham chiến tại thị xã.

   
        Những trận đánh ác liệt nhất của E95 và các đơn vị  phối thuộc của F325 kéo dài đến  cho đến ngày 16/9/72.





   
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #305 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2013, 10:53:04 pm »


Sau quãng một tuần ở Vĩnh Phước, tiểu đội tôi được lệnh chuyển đến làng Nhan Biều, làm nhiệm vụ theo dõi, thu thập thông tin toàn bộ chiến sự quan sát được từ phía bên này sông. Chúng tôi lập hai đài quan sát bên bờ Thạch Hãn, một ở đầu cầu Quảng Trị, một trông sang phía Nam thị xã và thành cổ (vị trí màu đỏ trên hình). Chúng tôi phải đếm, xác định vị trí và số lượng các trận bom, trận pháo; bơi qua thành lấy tin; có lúc bơi qua đầu cầu bên kia xem là ta hay địch,...

Chúng tôi làm công việc này từ quãng 20/7 đến 16/9. Tuy không trực tiếp nổ súng, lượng bom đạn quanh hai đài quan sát cũng nhiều, may cả tiểu đội không ai thương vong.
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #306 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2013, 03:13:32 pm »

 

 
   NHỮNG NGÀY ĐẦU CHIẾN ĐẤU Ở QUẢNG TRỊ  1972   ( tiếp )
   

     Sáng ra,   B , A trưởng cùng  nhóm trưởng  tổ “ 3 người “ đi khảo sát  khu đóng quân và phân công  cảnh giới  - trực chiến .  Chúng tôi đi  vòng quanh  xóm  đóng quân.  Những  ngôi nhà vuông vắn, không rộng nhưng sạch sẽ có dậu cây xanh mát làm rào ngăn cách (  không nhớ  là loại cây gì )   .  Loáng thoáng  nhìn thấy  người dân – gần vùng chiến sự nên dân chỉ ra đường khi có công việc.  Thật ngạc nhiên , thôn chỉ cách TX Quảng trị  với  trận chiến ác liệt chừng 7km theo đường chim bay, cách  Ái tử chừng 4km và  gần ngay đường QL1  đoạn Đông hà – TX Quảng trị mà  tôi không hề thấy  dấu vết của chiến tranh hay bom đạn trong  xóm ,  không  như  ở Quảng bình hay những làng ở  Cam lộ với dấu tích chiến tranh  bày  trước mắt . 
     Hôm nay  lính  nghỉ  tại chỗ :  lau súng – đạn,   tắm giặt sau nhiều ngày hành quân.     Không được đào hầm ( chẳng rõ vì sao)  dù   thấy  máy bay trinh sát và ném bom ở gần đấy.  Đêm  đến, chúng tôi  ngủ ngay  dưới  gầm giừờng  để đề phòng  bom – pháo .  Chỉ có  đợt ném bom gần mới tỉnh  còn ở xa thì  cũng  không biết nữa, nghe  cũng quen rồi,  không  hoảng như đêm trước.
      Ngày 16/7,  các B cử lính  đi lấy gạo và  vũ khí -đạn chuẩn bị  chiến đấu. Tôi tháp tùng  C phó đi báo cáo và nhận lệnh  bên xóm  dưới.  Chúng tôi   băng qua dải cát giữa hai xóm  về phía Ái tử. Con đường cát  trắng lóa Nắng .   Đã nghe tiếng máy bay và  pháo nổ phía xa  tôi đã   cảm thấy sức nóng  của trận chiến.
Những ngày tiếp sau, C17  trong trạng thái trực chiến, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu của trung đoàn.
      Ngoài  những lúc  phải chuẩn bị cho chiến đấu, tôi có ý tìm hiểu cuộc sống của dân trong vùng VNCH.  Đi  khảo sát xóm đóng quân,  trở  về tôi  đi chậm  quan sát kỹ  hơn  những ngôi nhà  của xóm.  Nhà nào cũng  nuôi bò, ít thì 2 con, nhiều 3-4 con trong chuồng hay cột ở góc vườn .   (   Cuối tháng 7, chiến sự lan ra ác liệt ,  dân sơ tán  hết khỏi  vùng.    Bò của  xã Triệu giang,  Ái tử  thả  tự do nhập thành nhiều đàn – nhuộm  vàng cả các đồi trên vùng  đất dọc sông Vĩnh phước và Ái tử  ).     Chỉ  thấy phụ nữ và trẻ con  trong thôn. Nam giới và nữ thanh niên không đi lính VNCH còn lại  ra nhập du kích địa phương   -    Trẻ con chỉ chơi quanh hầm,  nghe tiếng máy bay là  xuống hầm ngay ,  Đúng   với  cảnh Chiến tranh  chẳng khác gì  miền Bắc . Trên đường đi,   gặp  các “ Mệ”  ngậm  điếu  thuốc quấn “ Sâu kèn “ ( *)  vừa hút vừa Rê  qua lại  trên môi  rất  điệu nghệ  .  Một ấn tượng   về   nét đặc trưng của Phụ nữ Quảng trị  thời đó..
       Ngày tiếp  không  có phiên trực,   thấy  bà  chủ nhà  ra đồng  tôi   bám theo  tìm hiểu  tiếp .   Thôn Trà liên Tây nằm trọn ở  khúc cong của sông Thạch hãn,  ruộng lúa  nằm  ven sông  vẫn  xanh tươi dù  trong tầm  bắn pháo và  không biết bao lượt máy bay  phản lực ném bom kèm  bom B52 chỉ  dội xuống  vùng lân cận .  Chị chủ nhà leo lên chiếc guồng nước đã đặt sẵn bên ruộng,  đạp nước chừng  nửa tiếng là đủ nước .  Ngồi nghỉ chút,  rồi lội xuống  tỉa lúa hay nhổ ít cỏ dại  chừng ấy  thời gian  là xong.  Chà , làm ruộng ở Trà lien tây  nhàn thật ,  chứ  không phải tát nước rã tay như các vùng khác.  Nhìn   thôn xóm  với  cánh đồng  xanh  trải dài,  không  nghĩ  là chiến tranh đang cận kề quanh đây  .  Rồi được nghe dân kể , Thôn trà liên Tây  có  miếu thờ Thái phó Nguyễn Ư  Dĩ  ( cậu của chúa  Nguyễn Hoàng )  nên được   Ngài che chở   tránh được bom đạn chiến tranh .  Không  biết có phải vậy không hay  vì lý do nào khác mà  đến giờ làng chưa bị chiến tranh chạm đến.

                                                                                                                                  ( Còn tiếp )
 
* Thuốc " sâu kèn " :  quấn từ  một lá thuốc lá phơi khô theo hình con sâu , không xử lý - rất nặng, Lính ta  hút  là ho ngay.  


       Bản đồ Trà liên tây và  các vùng chiến sự : thành cổ Quảng trị,  Ái tử, triệu long,  An tiêm, Tân định, Bích la  (  trích dẫn từ TTNL )


            



Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #307 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2013, 03:14:38 pm »

   
   NHỮNG NGÀY ĐẦU CHIẾN ĐẤU Ở QUẢNG TRỊ  1972   ( tiếp )


        Những ngày tiếp,  vẫn trực  chiến như  ngày đầu.  Không có thông tin  về tình hình chiến sự .  Lính được  yêu cầu ở tại chỗ , tránh đi lại trong thôn để giữ bí mật .  Qui định vậy , chứ  lính  muốn cũng chẳng biết đi đâu . Lệnh như vậy  lính  không  hái rau cải thiện   được ,   mấy  bữa nay phải xin canh rau của  chủ nhà.    Món ăn  đều cay, Canh rau muống của Quảng trị nấu cũng cho ớt.    lính Bắc ăn đều kêu cay ,  Tôi đùa bảo  trong này có lẽ chỉ có món chè là không cay thôi ( không cho ớt ).                                                     
      Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng,  OV 10 quần đảo  suốt ngày rồi  phản lực ném bom  khu vực  phía bên kia sông , B52  rải bom gần phía Tây  Ái  tử. Vẫn   chưa có lệnh tham chiến.
     Tối 19/7  trung đội 1  nhận lệnh đi phối thuộc chiến đấu  với bộ binh E.  B1 hành quân  đi  Nham biều.
     Sáng 20/7 trung đội 2  của chúng tôi  chuẩn bị  rời  làng.  Chiều tối   hành quân ra  vùng Vĩnh phước, cứ men bờ sông  mà đi.   Đêm đến địa điểm mới,  đào hầm tránh bom  gần sáng  mới xong.   Trời đổ mưa, loay hoay mãi  không ngủ được.   Địa điểm này là cứ của  C17 ,   cách đường  QL1 chừng  3 km  sát  bờ song Vĩnh phước.     Hôm sau  lại vòng ra QL1 để  dỡ   cột nhà , lấy gỗ những nhà dân đã di tản  về làm  hầm tại hậu cứ.   
Sáng 21/7,  lệnh của đại đội, tiểu đội A6 của tôi  nhận nhiệm vụ  làm hầm chỉ huy cho E trưởng và  CTV trưởng  tại  hậu cứ.   Mang theo toàn bộ  trang bị, chúng tôi hành quân  dọc  sông lên phía Tây.  Dến quá  trưa  , đến hậu cứ E95.   Từ giờ phút này A tôi bắt đầu  tham chiến, nhận lệnh trực tiếp từ E trưởng và trợ lý công binh  trung đoàn.    Toàn bộ Trung đoàn 95 tham chiến bảo vệ thành cổ Quảng trị từ ngày 22/7/1972 theo lệnh của B5. Sở chỉ huy chiến dịch rời sang  hầm dinh tỉnh trưởng  và giai đoạn 3 của chiến dịch BVTX quảng trị từ 22/7 đã bắt đầu  cho đến  ngày kết thúc 16/9/1972.
                                                                                                                                     ( Hết )

       
                ẢNH Cầu sắt Quảng trị  và Tháp canh  tại bờ Bắc sông Thach hãn năm 1972    ( trích từ KTC thành cổ )


              




Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #308 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2013, 04:33:34 pm »

 

  KÝ  ỨC  NGƯỜI LÍNH
                                                                                                                     
                                                                                                                     NGUYỄN HỮU LUÂN

     Hai chúng tôi ngồi trên cửa hầm  ẩn   giữa  đồi  sim - mua .  Đêm tối  trùm  lên  vùng đồi khô cằn trải dài tới  triền núi phía Tây chỉ  còn một màn đêm đen .  Trên cao  bầu trời  đen thẫm  dường như  rộng  ra  bởi  những ngôi sao lấp lánh tít xa .  Sau lưng dòng  Thạch hãn vẫn lững lờ chảy mặc cho trận chiến đang nóng bỏng bên  Tích tường  .  Ngồi quay lưng lại, vẫn  biết  pháo sáng đang soi  dọc sông bởi khuôn mặt  Minh  lúc ẩn  lúc  hiện  trong  bóng tối.   Lăn lộn  bao ngày,  đêm nay  chúng tôi mới có  phút rỗi  tâm sự.   Ngồi  đối diện ,  cả hai  có cảm giác thư  thái  chẳng chút  bận tâm  đang ở nơi chiến trận . Vẫn có những  chớp bom  phía  miền Tây –    nhưng  không khoan nổi  đêm đen  nên  dường như  xa lắm.  Lúc này đây chẳng có  bom – pháo nào quấy phá được người lính .  Không phải là coi thường,   nhưng  trận mạc  đôi khi cũng  dành  tặng cho họ những  khoảnh khắc  an bình . 
     -   Anh  có nhớ nhà không ? Em mới vài tháng mà  nhớ  lắm Anh ạ.
     -   Nhớ chứ…  Lúc  ở Quảng bình rỗi rãi nhớ nhiều . Từ lúc vào chiến đấu  không có  thời gian để nghĩ  ngợi  và  nhớ nữa.

     Chúng tôi nói  chậm và  ngắn  như  còn  dành thời gian để  suy tư.  Trong nỗi nhớ , tôi kể cho Minh   giờ phút  đoàn  tàu chở chúng tôi đi B  qua Hà nội.  Ngang  qua  phố  Trần phú,  Cửa nam, Sinh từ   rồi  ga Hàng cỏ  xuống phía Nam.  Đám  lính sống ở  Hà nội  thò đầu qua cửa sổ ném vội  mẩu giấy khi  tàu qua  đoạn chắn với dòng  địa chỉ và lời nhắn  “   Con  đã  đi B ngày ….  Bố mẹ giữ gìn sức khỏe nhé ”  rồi  gào lên  : “  Chuyển  hộ  lính  đi B !  Chuyển giúp nhé … ! “  trong tiếng ầm ầm của đoàn tầu  quân sự  chạy xuyên  qua  phố  lẫn trong tiếng còi  vang  báo  sắp vào  ga.  Tàu  lướt qua sân ga,  những bức thư  của lính  thả bay  bay  xuống sân  ga  – giờ này  chỉ còn  nhân viên  và  công nhân trực ca đêm .  Bức thư  viết vội,  loằng ngoằng  địa chỉ  người  gửi - người nhận  kèm theo dòng chữ  “   Chúng tôi đi B  - Nhờ  dán tem và  gửi  giúp  thư này  “ .  Sớm  nay  bất ngờ nhận lệnh  đi chiến đấu , chẳng còn làm được gì khác ngoài đóng gói quân trang – vũ khí rồi  tất  tả  hành quân ra  tàu.
 Đứng ở bậc lên xuống, tôi cố  nhìn  như muốn lưu lại con phố  thân quen.  Qua  chắn tàu  Kim liên,  một thanh niên cố phóng xe đạp đuổi theo , mắt dán theo  ô cửa sổ  tìm kiếm như thể đã nhìn thấy người  thân   trên chuyến tàu vậy.
     -   Lính tăng cường  bọn em huấn luyện cấp tốc rồi đi B luôn. Trước ngày  lên đường  được về thăm  nhà  chứ không như  quân cơ động  các
     anh.   Bom  đánh  sập các  cầu chính trên  QL 1  nên  chúng em chỉ  đi  ô tô vào ban đêm,  nhiều đoạn phải hành quân bộ.

    Yên lặng, chỉ nghe tiếng gió khua lá khô , hơi mát  của  sương đêm lan tỏa  .  Rồi Minh vỗ vào người tôi phá vỡ  tĩnh lặng.

    -   Hết chiến tranh, anh  định  làm  gì ?
    -   Anh sẽ đi học tiếp.  Có thời gian phải  về thăm  gia  đình nơi sơ tán cũ  . Chú  chủ nhà  đã lớn tuổi mà vẫn  lấy đi  lính,  được  vài tháng bổ xung cho chiến trường B5,  nghe nói đã báo tử . Chỉ còn  mình chị chủ nhà với 3 đứa nhỏ không biết  sống ra sao ?  Còn  mấy thằng bạn thân  nữa chứ ,  nhập ngũ   hết rồi mà chẳng có tin tức gì ?   Cô bạn gái ở nước ngoài  viết thư về   vẫn nhắc  sao không  gửi thư ?  Sao chẳng báo tin về các bạn bè …?  Nếu được ra Bắc chắc phải viết thư  cho các bạn nữa .

    -   Em mà về thì phải sửa lại nhà,  để  thêm phòng cho em gái ở,  nó bắt đầu học  cấp 3.   Rồi  còn đi làm để  phụ giúp  bố em.  Phương Bắc đâu hả  anh  ?  Mình  hướng  về  phương  Bắc  cho đỡ  nhớ đi anh.   

    -   Em  thấy chòm sao cái gầu không ?  Hướng theo cạnh lớn của nó  thẳng ra là sao Bắc đẩu đấy.  Nó đấy , kia kìa…
     -   Ôi  nó nhấp nháy sáng hơn những ngôi sao khác nhỉ ?   Ở trường , em  đã được học cách tìm sao, thế mà chẳng  nhớ  gì. Giờ  chỉ thích tìm sao Bắc đẩu thôi.
 
     Đêm  đã khuya,   không gian yên tĩnh trở lại.   Chợt  một ngôi sao sa  rạch  một  vệt sáng dài  rồi tắt lịm nơi  cuối trời.  Ngước lên, tôi chỉ cho Minh  ngôi Sao Bắc đẩu đang lấp lánh nơi phương xa,    chất chứa  bao niềm mong nhớ  của người lính.   Tôi  tưởng như  đang  ở nhà ?  Ồ, sao cái sân và khoảng trời như bé lại thế này ?  Mẹ và em gái ngồi chụm đầu bên cái bàn học … Đôi mắt người bạn gái với hàng ni cong  ngước lên như  nhắn hỏi …  Ừ mình  nhất định sẽ  về  học tiếp,  về nhà  và  gặp bạn bè .  Có nhiều việc  đang phải làm tiếp  …  Bao giờ  thì mình  được  trở về ?…
Loạt bom B52 đánh gần đã kéo chúng tôi trở về thực tại. Trong chớp mắt , cả hai đã lăn gọn trong hầm.   Tiếng bom dịch  xa dần, tiếng phản lực ào qua .  Nằm yên đi,  chắc còn loạt tiếp nữa đấy và  cả hai  thiếp đi .  Không biết  hai người lính  còn  mơ  tiếp  gì  trong đêm ấy ...

                                                                                                                      ( Còn tiếp )


Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #309 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2013, 03:20:24 pm »



 
  KÝ  ỨC  NGƯỜI LÍNH
                                                                           
                                                                                                          
 NGUYỄN HỮU LUÂN


     Hai chúng tôi ngồi trên cửa hầm  ẩn   giữa  đồi  sim - mua .  Đêm tối  trùm  lên  vùng đồi khô cằn trải dài tới  triền núi phía Tây chỉ thấy màu đen đặc.  Trên cao  bầu trời  đen thẫm  dường như  rộng  ra  bởi  những ngôi sao lấp lánh tít xa .  Sau lưng dòng  Thạch hãn vẫn lững lờ chảy mặc cho trận chiến đang nóng bỏng bên  Tích tường  .  Ngồi quay lưng lại, vẫn  biết  pháo sáng đang soi  dọc sông bởi khuôn mặt  Minh  lúc ẩn  lúc  hiện  trong  bóng tối.   Lăn lộn  bao ngày,  đêm nay  chúng tôi mới có  phút  thư rỗi .   Ngồi  đối diện  nhau,  cả hai  có cảm giác thư  thái  chẳng chút  bận tâm  đang ở nơi chiến trận . Vẫn có những  chớp bom  phía  miền Tây –    nhưng  không khoan nổi  đêm đen  nên  dường như  xa lắm.  Lúc này đây chẳng có  bom – pháo nào quấy phá được người lính .  Không phải là coi thường,   nhưng  trận mạc  đôi khi cũng  dành  tặng cho họ những  khoảnh khắc  an bình . 
-   Anh  có nhớ nhà không ? Em mới vài tháng mà  nhớ  lắm Anh ạ.
-   Nhớ chứ…  Lúc  ở Quảng bình rỗi rãi nhớ nhiều . Từ lúc vào chiến đấu  không có  thời gian để nghĩ  ngợi  và  nhớ nữa.
Chúng tôi nói  chậm và  ngắn  như  còn  dành thời gian để  suy tư.  Trong nỗi nhớ , tôi kể cho Minh   giờ phút  đoàn  tàu chở chúng tôi đi B  qua Hà nội.  Ngang  qua  phố  Trần phú,  Cửa nam,  Sinh từ   rồi  ga Hàng cỏ  xuống phía Nam.  Đám  lính nhà  ở  Hà nội  thò đầu qua cửa sổ ném vội  mẩu giấy khi  tàu qua  đoạn chắn với dòng  địa chỉ và lời nhắn  “   Con  đã  đi B ngày ….  Bố mẹ giữ gìn sức khỏe nhé ”  rồi  gào lên  : “  Chuyển  hộ  lính  đi B !  Chuyển giúp nhé … ! “  trong tiếng ầm ầm của đoàn tầu  quân sự  chạy xuyên  qua  phố  lẫn trong tiếng còi  vang  báo  sắp vào  ga.  Tàu  lướt qua ga,  những bức thư  của lính  thả  bay xuống sân  ga  – giờ này  chỉ còn  nhân viên  và  công nhân trực ca đêm .  Bức thư  viết vội,  loằng ngoằng  địa chỉ  người  gửi - người nhận  kèm theo dòng chữ  “   Chúng tôi đi B  - Nhờ  dán tem và  gửi  giúp  thư này  “ .  Sớm  nay  bất ngờ nhận lệnh  đi chiến đấu , chẳng còn làm được gì khác ngoài đóng gói quân trang – vũ khí rồi  tất  tả  hành quân ra  tàu.
 Đứng ở bậc lên xuống, tôi cố  nhìn  như muốn lưu lại con phố  thân quen.  Qua  chắn tàu  Kim liên,  một thanh niên cố phóng xe đạp đuổi theo , mắt dán theo  ô cửa sổ  tìm kiếm như thể đã nhìn thấy người  thân   trên chuyến tàu vậy.
     -   Lính tăng cường  bọn em huấn luyện cấp tốc rồi đi B luôn. Trước ngày  lên đường  được về thăm  nhà  chứ không như  quân cơ động  các anh.     Bom  đánh  sập các  cầu chính trên  QL 1  nên  chúng em chỉ  đi  ô tô vào ban đêm,  nhiều đoạn phải hành quân bộ.
Yên lặng, chỉ nghe tiếng gió khua lá khô , hơi mát  của  sương đêm lan tỏa  .  Rồi Minh vỗ vào người tôi phá vỡ  tĩnh lặng.
     -   Hết chiến tranh, anh  định  làm  gì ?
     -   Anh sẽ đi học tiếp.  Có thời gian phải  về thăm  gia  đình nơi sơ tán cũ  . Chú  chủ nhà  đã lớn tuổi mà  vẫn  lấy đi  lính,  được  vài tháng bổ xung cho chiến trường B  nghe nói đã báo tử . Chẳng biết chị chủ nhà với 3 đứa nhỏ  xoay sở  sống ra sao ?  Còn  mấy thằng bạn  nữa chứ ,  vào lính mấy tháng rồi mà chẳng có tin  gì ?   Bạn bè  ở nước ngoài  viết thư về   vẫn nhắc  sao không  gửi thư ?  Sao chẳng báo tin về các bạn  …?  Nếu được ra Bắc chắc phải viết thư  cho  bạn nữa . Anh  nhất định sẽ về .
     -   Em mà về thì sẽ sửa lại nhà,  để có thêm phòng  cho em gái,  nó đã  học  cấp 3.  Rồi  còn đi làm để  phụ giúp  bố em.   Phương Bắc  phía nào  hả anh ?  Mình  nhìn  về  phương Bắc  cho đỡ  nhớ đi anh …
     -   Em  thấy chòm sao cái gầu   không ?   Hướng theo  cạnh lớn  thẳng ra  là  sao Bắc đẩu đấy.  Nó đấy,  ở kia kìa  .
     -   Em  thấy rồi.  Nó  lấp lánh hơn những ngôi sao khác … Trước đây,  được  học cách tìm sao mà chẳng  để ý.   Giờ  em   muốn  thấy   Sao Bắc đẩu thôi .
      Đêm  đã khuya,   không gian yên tĩnh trở lại.   Chợt  một ngôi sao sa  rạch  một  vệt sáng dài  rồi tắt lịm nơi  cuối trời.  Ngước lên, tôi chỉ cho Minh  Sao Bắc đẩu đang lóng lánh  như  chất chứa bao niềm mong nhớ  của người lính.  Nhắm mắt,  tôi  liên tưởng  như  đang ở nhà vậy.  Ồ,   cái sân và  khoảng trời  sao   thấy  hẹp .  Thấy  mẹ đang cặm cụi cùng  đứa em bên bàn,  thấy đôi mắt của người bạn học với hàng mi cong như  đang nhắn hỏi …  Ừ , mình  nhất định sẽ  về , còn  nhiều  việc  dang dở  đang chờ …   
Tiếng nổ của loạt bom B52 đánh gần  đã đưa chúng tôi trở về thực tại,  trong chớp mắt cả hai nhào gọn  xuống  hầm. Nằm chờ đi, sẽ còn loạt bom nữa đấy . Chúng tôi nằm và  thiếp đi,   không biết  những người  lính  chiến đã mơ tiếp  những gì trong  đêm ấy…
     Những tưởng  sẽ còn những đêm hàn huyên, nhưng  chiến trận chẳng chiều người lính.  Trưa hôm sau,  tôi có lệnh đi nhận nhiệm vụ mới.  Tiễn tôi xuống chân đồi Minh còn dặn
     -   Nếu ra Bắc Anh  đến nhà em nhé,  nhất định đấy.  Chẳng  biết  bao giờ em sẽ  được về nhà ?   Em  rất lo cho mẹ.  Nếu  Em không trở về…  Không biết mẹ sẽ ra sao  ?   và  Minh vẫn còn đứng đó  cho đến lúc cả hai  bị che khuất bởi những tán cây rừng ,   vượt qua mấy quả đồi  rồi  mà  vẫn vấn vương , biết  bao giờ  được gặp lại  ? … 
     Nhiệm vụ mới  vẫn ở Tích tường ,  tiểu đội đi  lập  bến vượt phục vụ bộ binh chốt bên bãi sông.  Đêm nay , bên  Tích tường  không nổ súng ,  lính  tiếp tế  đã qua sông từ chập tối . Đã  quá nửa đêm, ba  lính nằm  co mình trong hầm  trực chiến .  Pháo sáng rọi dọc sông ánh lên trắng lóa,   rõ  cả  hạt đất trên vách hào đỏ màu  phù sa  lẫn  những vệt rễ cây  đen thẫm.   Đã quen địa hình   và còn nắm được cả qui luật  pháo bắn,  đêm vượt  sông Thạch hãn như  bến đò ngang .  Thằng Hiện nằm phía trong đã ngủ từ lúc nào, tôi trực còn  thằng Thiện  không ngủ,  nằm ngửa nghĩ ngợi gì đó. Ngoái đầu sang phía tôi rồi  giọng trong  trẻo của  nó cất lên :
     -   Vào  chiến đấu anh  có  sợ  không ?   Trước khi nhập ngũ,  Bà nội đi xem bói  cho Em  rồi bảo “ Cháu  đi  đánh nhau  không  chết đâu,  đi rồi  sẽ về “ .   Ác liệt thế này , nhưng Em không thấy sợ. Em  được đặc cách tốt nghiệp cấp 3 rồi .  Hết chiến tranh  em  sẽ   học  nghề  tiếp.
Chỉ  có tiếng pháo bắn cầm canh “ Ùng – oàng “  lúc xa lúc gần ,  chợt rộ lên tiếng súng  tiểu liên “ Tặc tặc tặc tặc  …  “  vang lên bên kia sông  khiến chúng tôi  phải dõi theo.  Yên tĩnh trở lại, Thiện  lại tiếp
     -   Súng nổ không ròn bằng pháo Tết của em !  Pháo  em làm nổ  ròn cả băng  nghe đã tai, bán rất chạy.  Tết đến,    em  làm pháo  mang sang Nam định bán rất lời  anh ạ. 
     Trong căn hầm,  dường như chiến trận đang diễn ra chỉ   thoáng  qua  rồi cuộc sống thường nhật sẽ trở  lại.  Tôi lắng nghe  về ước muốn của nó :  rất gần thôi mà  không chạm vào được .
      Những  ngày  cuối năm này, không chỉ  chiến sự  mà thời tiết cũng đột ngột thay đổi . Cơn mưa  bởi gió Đông Bắc kéo  cả ngày  lẫn đêm . Mưa  giăng trên sông với gió lạnh  tràn về.  Đêm  vài đợt vượt  sông,  gần sáng  quần áo ướt quá, ai nấy rét run- co quắp cả tay. Cái lạnh đã ngấm tận ruột,   lính  đành  lánh tạm vào hầm tránh rét.  Tôi sát tay  vào ngực,  xoa mạnh hai tay cho đỡ cóng trong khi  thằng Thiện vớ ngay ống điếu  thuốc lào, bắn một phát  nhả khói khắp hầm rồi đẩy điếu cho thằng Hiện.  Hơi thuốc tỏa ra cũng mang  lại chút hơi ấm .  Thấy tôi co ro, thằng Thiện dúi cho tôi điếu thuốc  sâu kèn rồi bảo :
     -   Anh bắn một hơi đi , sẽ đỡ lạnh đấy.
Cố hít một hơi dài ,  người bỗng nhẹ bẫng,   như  đang bay-  lơ lửng, lắc lư chẳng còn biết gì nữa . Ôi!  Say thuốc  sướng thật. Nghe thoảng thoảng hai thằng nói với nhau :
     -   Con gái  nó chúa ghét bọn hút thuốc lào đấy . 
     -   Sao mày biết ?
     -    Bạn gái tao nó bảo, con trai hút thuốc  lào mồm hôi lắm. Tao mà hút thuốc lào  nó  không chơi  đâu . Rõ  là tiếng nói của  thằng Thiện rồi  tôi lại bồng bềnh  trong cơn say.
     -   Đã yêu chưa ?
     -   Chưa. Hai đứa mới thích nhau thôi. Ngày nào nó cũng muốn  được tao đèo đi học.
     Lơ mơ say,  nghe  thằng Thiện nói  quên hết  chúng tôi  đang đối mặt với bom – pháo và cái chết rình rập .  Mà dường như  cái chết cũng không làm nó  sợ,   sự vô tư, vui tính của nó đã xua đi  gian khổ và khốc  liệt nơi chiến trường .
Lại nhận lệnh mới,  Tiểu đội được tăng cường  để  lập thêm bến vượt   tại Như  lệ.  Nhóm xuống Như  lệ  có thêm    Lê văn Huỳnh .  Huỳnh là  lính sinh viên  ĐH xây dựng bổ xung cho C tôi  đợt cuối tháng  8/72 .   Sau chiến dịch  bảo vệ thành cổ Quảng trị, ra củng cố Huỳnh được biên chế vào tiểu đội   tôi.   Gặp mặt nhau trong đêm , sáng ra  đi đào hầm .   Tôi có  cảm nhận về Huỳnh :  nói ít,  trầm mặc  và rất  khác  lạ.   Sau dáng thư sinh kia,  đang  ẩn chứa  điều gì  ?    Lời giải đáp đã rõ khi  tôi đọc được    “  bức thư gửi lại “ cùng cuốn sổ tay cất dưới đáy ba lô  của  Huỳnh. 
 
                             “              Quảng trị  11/9/72
                                         Toàn gia đình kính thương !

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi  đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất ” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột …      “


     Khi  dự cảm thấy  mình sẽ hy sinh  Huỳnh  lặng lẽ  thực hiện  :   viết  để gửi  lại  ước  muốn cùng lời nhắn nhủ  tới những người  thân yêu   và  sẵn sàng    “  sống trọn đời cho tổ quốc  “   …   Ôi !   Lính SV  vậy đấy . 
     Những ngày cuối năm 1972 ,  Noen rồi năm mới ,  chiến sự ở Như  lệ  càng ác liệt .  Giành giật nhau từng mét đất  quanh các  “  chốt “ .   Đêm  đêm ,    tôi – Huỳnh – Thiện  trên  chiếc  xuồng  cao su  qua sông  sang  chốt  Như  lệ .  Ba người lính trên cùng một thuyền  mang  suy  tư  khác nhau vượt  sông vào    chiến trận  …  không  thấy ai  run sợ.
Vẫn biết  chiến tranh là tàn khốc  Nhưng !  không  thể ngờ …. Thiện ơi, Huỳnh ơi,   Lan  - Chuyên ơi ! Không thể , không thể sống lại những đồng đội sướng khổ - vui buồn  cùng nhau ấy.  Quả đạn pháo đã  trúng  chiếc thuyền của  tôi ,  mình  tôi  -  người  duy nhất  sống sót .  Tôi đi đầu để kéo thuyền xuống  sông ,  mảnh  pháo  chỉ sượt  qua  người  xé rách áo te tua và găm mảnh vào vai phải  .  Bốn người còn lại  hứng trọn toàn bộ  mảnh đạn  pháo,   không rõ  ai đó  còn  kêu   lên  “ Cứu tôi  “ trong phút hấp hối mà tôi nghe trước khi ngất đi.

 
“ Bức thư gửi lại “  của LS LÊ VĂN HUỲNH  tại bảo tàng thành cổ Quảng trị


     Trạm quân y tiền phương ở Cam lộ chật cứng thương binh  nằm chờ đêm xuống.  Quá nửa đêm, thương binh  nặng đặt  nằm giữa thùng  xe vận tải ,  các lính thương nhẹ  bao bọc  quanh . Xe chạy  theo  QL 9  lên miền Tây Quảng trị , vượt sông Bến hải  ra quân y viện  Vĩnh linh .   Cùng trong   tốp chuyển thương tôi gặp  người  lính cùng đại đội với Minh. 
     -     Anh hỏi Minh – liên lạc đại đội phải không ?  Hy sinh  ở Tích tường rồi  anh ạ.
     Cảm giác đau  đớn trào lên,   không còn biết đau  ở đâu nữa .
28 tháng chạp -  Tết Quí Sửu  1973  sắp đến.  Tôi chậm chậm bước trên phố Hà nội,  rẽ vào cái ngõ nhỏ hỏi thăm nhà Minh. Ngôi nhà cửa khóa, hàng xóm bảo cả nhà đi sơ tán B52  vẫn chưa  về,   có lẽ   phải sau Tết .
Tần ngần trước ngôi nhà .  Viết thư báo tin à ? Viết gì đây -  Minh vẫn đang ở Quảng trị hay  đã hy sinh rồi ? …
 Phố xá vắng vẻ, mưa xuân bay lất phất như rắc bụi  trên phố. Tết đang gõ cửa mọi nhà . Làng pháo Bình Đà  bận rộn chuẩn bị  lễ bắn pháo Bông trong đêm giao thừa ở Hồ Hoàn Kiếm.  Năm mới với   mùa xuân hòa bình đầu tiên đang  về  trên ngõ phố của Hà nội. Những người thân của lính chiến vẫn đang ngóng chờ  tin họ, hẳn là vậy mà .  Và bức thư đã viết  không  bao giờ được gửi như  cố giữ lại chút  hy vọng mong manh ấy.
     Điều dễ lý giải nhất  ta thường nói với nhau  “  Số mệnh  và  sự may mắn  ”  và tất cả  cùng đồng thuận như  vậy.   Nhưng điều đó là bởi những người  còn đang sống nghĩ  và nói vậy ,  còn những phía khác nữa thế nào ? …  Có phải  các vị thần muốn thể hiện uy quyền của mình  :   “  Cho cái bọn biết sợ  và nợ việc  ở  lại để  chúng  còn  ‘cày’ ,  bắt  chúng nó lúc nào mà chẳng được  “ .   Cái mũi lưỡi  hái đã sượt qua cổ, ngực và ngoặc vào  vai rồi tuột ra,  để  nó  còn “ cày “   trả nợ  đã .
     Hòa bình về ,    tốp lính  SV  đã về học tiếp   gặp lại nhóm bạn  phổ thông .  Chúng tôi hàn huyên về thủa học trò,  chuyện chiến đấu của lính,  kể  tiếp những  câu  chuyện  bị gián đoạn  bởi chiến tranh   những  điều  còn chưa  kịp nói …  Nhắc chuyện lúc  ở chiến trường,   nhớ  bạn bè,   nhớ  đôi mắt với hàng mi cong …   Người  bạn gái  tháo kính cho  bọn chúng tôi  ngắm.  Nhìn  vào đôi mắt,   ký ức về người   lính và dòng Thạch hãn năm xưa chợt hiện ra .  Thấy tôi chững người ,   cô  bạn  ngạc nhiên hỏi
     -   Sao  vậy,   Mắt mình không đẹp nữa à ? 
     -   Vẫn đẹp  chẳng hề  thay đổi,  mà nó  còn  gợi  nhớ   lúc mình  đang ở nơi  chiến trận.
Tôi nhìn vào đôi mắt,    thấy  một dòng sông mênh mông với chiếc thuyền bơi  dưới làn đạn.   Những những quả đồi  chợt bùng lên  chớp lửa – khói bom  kéo dài  và hình ảnh  người đồng đội đã  vĩnh viễn  nằm lại trên mảnh đất TÍCH TƯỜNG _ NHƯ LỆ  năm ấy …  ký ức về cuộc chiến  ùa về  khiến tôi nao lòng.
     Những người lính chúng tôi vậy đấy,  chẳng thể quên được những ký ức  chiến trận năm xưa. .. Rồi  tôi  tự nhủ :  Mình sẽ về thăm lại những vùng đất đã chiến đấu,   thắp hương cho đồng đội đã hy sinh –  những ngôi mộ “ chưa biết tên “  và  những người ngã xuống  vẫn còn chưa tìm thấy .  Gánh lấy , “ cày “  nốt những việc còn dang dở .  Nói thay cho những người lính:   Những điều muốn nói  mà chẳng còn ai nghe thấy  được .  Ừ -  vậy  nên các vị thần  đã đưa ta vượt qua  cửa tử để  còn có  thợ  tự nguyện  ‘ cày ’  suốt  đời và tôi  vẫn tâm niệm vậy đấy.
 
       
                                                                                                                                  Hà nội,   9/2013
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM