Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:53:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: NGƯỜI LÍNH công binh bến vượt Tích tường  (Đọc 167341 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #240 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2012, 12:04:58 pm »

@nguyenhuuluan
Hoá ra công binh Quảng trị cũng biết chớp ảnh đấy . Cám ơn bạn nhé . Mà này , tôi đi chớp ảnh đêm sông hương sao bạn lại đi chớp hình tôi ?
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #241 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2012, 11:13:23 pm »




Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #242 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 04:18:38 pm »


                                          LÍNH  CÔNG BINH   &   TÌNH  ĐỒNG ĐỘI     


   Đã  gần 2 tháng.từ lúc đơn vị tôi vào chiến đấu  tại Quảng trị.  Chiến sự mỗi lúc một ác liệt  được cảm nhận qua  những trận bom – pháo  nhiều và dữ dội hơn . Ngày,  máy bay quần đảo và khói  bom bốc cao từ  Đông sang Tây.  Đêm,  pháo sáng thả trắng  sông và những  ánh chớp sáng lòa  kèm tiếng nổ  rền của bom  B52  phá tan màn đêm . Chúng tôi  không  hề biết  trận chiến đang  ở giai đoạn quyết định  của chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng trị.  Cán bộ tiểu đội -  trung đội  khung  huấn luyện  của C17 được điều đi làm chỉ huy  bộ binh  trên chốt   (  chốt thiếu  lính và cả  chỉ huy   ). Các tiểu đội C tôi đã  đi phối thuộc chiến đấu gần hết .  Lính trong thành cổ  quyết tử giữ  “chốt”  ,  lính lớp ngoài   được lệnh sẵn sàng tham chiến  bất kể ngày hay đêm . 
Cứ trung đoàn được lệnh  di chuyển,  lùi ra  xa hơn vùng chiến sự.  A tôi nhận lệnh làm hầm cho E bộ.  Chúng tôi  hành quân về khu đóng quân mới,  bám theo sông VĨNH PHƯỚC   mà đi , nơi mới cách chỗ ở cũ mất  nửa ngày đường. Tới  nơi là vừa chập tối,  đành tìm khu vực hầm cũ,  sửa thành nơi  nghỉ tránh bom – pháo. Sáng sớm,  tiểu đội  đã có mặt tại vị trí  làm hầm cho E bộ.  Cũng như mọi lần,  công binh sẽ  làm  cho E trưởng và CTV .    Lúc mới vào Quảng trị , A tôi  đã  thực hành làm hầm cho E bộ.   Cứ  lúc đầu  cách đường QL 1 không  xa,    dân sống dọc đường  đã di tản hết,  chúng tôi ra dỡ nhà  hoang rồi đóng bè chở về.  Chỉ một ngày đã có một  bè gỗ đưa về  cứ - thừa gỗ  làm  hầm.  Với nền đất  phù sa ven sông,  xẻng xắn ngọt,  đào chẳng  mất nhiều  thời gian . Lính được dịp  thể hiện kỹ thuật làm hầm của công binh  - đó  là  những cái hầm đầu tiên  trên chiến trường Quảng trị  cho E bộ. Hầm làm  nhanh  lại đẹp,  không biết có phải vì thế nên chuyển cứ  A tôi được gọi về  làm hầm  cho E ? .
     Hối hả  chạy đua với thời gian để hoàn thành chiếc hầm cho E trưởng,   còn CTV đã  vào thành cổ chỉ huy chiến dịch rồi. . Làm  1 hầm à ?  Thế thì cũng nhanh thôi - Lính  nghĩ vậy.  Tưởng vậy mà không phải vậy ?  Khu vực này  không  là đồng bằng  cũng chưa phải rừng núi, chỉ có những  đám cây nhỏ mọc thành cụm .  Vị trí làm hầm  cũng  không dễ chọn , gỗ làm hầm không thể  lấy tại chỗ vì cây  nhỏ.  Phải đi xa  mới có  rừng , chặt  cây to  rồi vác về.   Lấy được gỗ chuyển về đã mệt nhưng  ở đây đào hầm cũng  mất sức không kém . Đất không phải kèm sỏi  thông thường mà lẫn những tảng đá bằng cái rổ hay cái thúng con. Nếu gặp khối đá to  chúng tôi sẽ  được chuyển vị trí khác còn địa chất thế này thì vẫn phải đào – không thay đổi được.   
Trưa và chiều tối, chúng tôi và E trưởng  ngồi ăn  cùng một  khóm cây, cách  nhau chừng   dăm  gốc cây rừng. Bữa ăn của chúng tôi  : đạm bạc,  gian khổ.  Mấy tháng rồi không có món mặn, muối cũng  phải dè sẻn. Món chính là canh  rau  dại thả chút mỳ chính để chạy cơm .   Bữa ăn của E trưởng cũng chẳng  khác lính chúng tôi là mấy,  có thêm ít ruốc mặn – có cố  ăn nhiều cũng không thể vì chỉ thấy muối  (    Những hạt muối trắng nổi rõ còn ruốc  lốm đốm thôi – )
      Gắng hết sức,  sau 3 ngày cái hầm cho E trưởng mới xong.   Lính  làm xong được cái hầm cũng cảm thấy  kiệt sức .  Nhưng thôi,  xong việc rồi. Có lẽ  chỉ đào 1 hầm nên cả tốp như trút được gánh nặng .  Mấy đêm nay mệt quá lính chẳng  thiết nói chuyện hay tâm sự. Còn đêm nay trước lúc ngủ, lính chúng tôi lại  tán chuyện cho khây khỏa  :  “ Sáng mai  rút  quân  hả anh ? ”   một lính  hỏi nhỏ trong bóng tối . Tôi chỉ ừ ào cho qua. vì  chưa rõ .  Rồi tiếng một  lính  giọng phấn khích :   “  Khu rừng  lấy gỗ có đàn bò  hoang, hôm qua  phủ  vàng một góc đồi đấy.  Không biết   lính   nào  sáng qua làm l con  rồi , lại còn  có  con bị dính bom chết, phí quá . Ta có ‘ làm ‘ một con  không ?   Dạo này  thiếu chất   thèm   quá ,   cho bọn em quây 1 con nhé .... “  .  Biết lính  chịu khổ nhưng  vẫn phải  nhắc  “ Ta  đang ở E bộ,  không   liều  được đâu “
Số là  chiến sự ác liệt,  dân   di tản  hết  còn  bò  được đem thả  rông,  tụ tập thành  đàn  chạy  hoang trên  đồi núi.   Lính  kháo  cho nhau biết  và  “ thịt “ để cải thiện rồi. 
      Sáng ra , đang chuẩn bị rút thì  có lệnh  từ thủ trưởng E  :  “  Làm  thêm 1 cái hầm nữa “ .  Thời  gian  3 ngày,  với yêu cầu : sâu - rộng thế này,  lớp đất đỉnh hầm phải  dày ... thế này, đặc biệt  phải có tôn che chống nước ngăn  với lớp đất phủ. .. . So với cái vừa làm ,  cái này “ Oách “ hơn hẳn .   Hầm này  nằm dưới chân đồi ,   bên dưới  lớp đất mặt toàn   đá mẹ - đá con.  Hết ngày đầu  mới  đào  sâu  được  hơn nửa mét .  Chỉ có cái cuốc chim là tạo được công lực – nhưng  cậy  được  vài viên đá  lại phải thay cán mới, còn hai cái  xẻng công binh Mỹ với đầu cuốc gặp củ đá  to  gặm không nổi . Loay hoay , hao tổn sức, mất  nhiều thời gian mà công việc chẳng được  như mong muốn.  Đêm đến,   tốp lính khuân gỗ cũng tham gia  đào.   Làm  cho đến lúc tất cả mệt nhoài,  về chỗ ngủ là thiếp đi chẳng còn tỉnh giấc  lúc B52  rải bom  nữa.   
       Kế hoạch làm hầm  rõ là chậm ,   liệu có  cách  để nhanh hơn -   chúng tôi vẫn chưa nghĩ  ra ?     Đành hô nhau  làm  từ  mờ  sáng,  cả tốp dồn sức đào khi  cái  bụng  đang lép kẹp.     Rồi  lúc  tốp lấy gỗ đi rừng ,  lính còn lại  đánh vật với đá mẹ và đá con.  Gần trưa, nhóm  chuyển gỗ  vẫn chưa về , chúng tôi  đang sốt ruột thì thấy  một mình Bình lấp ló sau rặng cây,  ra hiệu  -  Có gì bí mật vậy ? .  Chúng tôi đến chỗ Bình,  những giọt mồ hôi còn đọng trên khuôn mặt nhưng đầy phấn khích .  Rồi cậu nói với giọng  phân bua  “  Bọn em gặp con bê bị thương, chẳng biết do bom hay pháo, nó không  đi được nữa. mà bỏ đấy nó cũng  chết thì phí  quá !   Nhóm đã bàn với nhau  lấy 2 cái đùi,  bồi dưỡng lính cho lại sức .    Cũng biết là chưa  được phép nhưng  việc  này  thực không có vi phạm  đâu  –,  nếu  có gì chúng em chịu -  đành vậy “ .   
       Việc đã thế này thì còn nói gì nữa !    Nhưng làm thế nào đây ?  Để chuyện này không lộ ra , chẳng nhẽ chỉ có  chúng tôi “ bồi dưỡng “, còn thủ trưởng với  lính liên lạc thì không ?  Khó thật đấy !  Lính Công binh đưa mắt  nhìn nhau mà chẳng nói  rồi một lính chỉ vào tôi - ý là phải  quyết định.  Thần ra một phút rồi tôi kéo Bình ra một góc và nói nhỏ mấy câu  “  Thế này nhé  ; bảo thằng  X  kéo bò ra  để  vệ đường tăng ấy , em  nói với liên lạc là con bò bị bom đêm qua và dẫn  nó đi lấy nốt cái đùi trước  nhé  - Cứ  thế mà làm, đừng nói gì  ... “
       Cái bếp Hoàng cầm của chúng tôi và của  cậu liên lạc đỏ lửa  buổi trưa hôm ấy đến thiếu cả củi đun , chả bù cho mọi ngày không có gì mà nấu .  Đến bữa trưa, chúng tôi lại ngồi đối diện với thủ trưởng ,  cũng như mọi ngày chắn bởi mấy gốc cây rừng.   Lính công binh đang “ cày “  như  đang vỡ đất, còn tôi vừa ăn vừa  lắng nghe  động tĩnh gì từ bên đối diện.  Chừng vài phút tiếng  người lính cất lên :  “  Các cậu  thịt bò từ đâu vậy ?  “  -   Tất cả lính công binh ngừng ăn, một lính ngồi gần thúc cùi tay vào lưng tôi  ý bảo “ Trả lời  đi “
“ Báo cáo thủ trưởng,  chúng em đi chặt cây gặp con bò bị thương do bom đánh đêm qua gần đường tăng,  bỏ nó chết thì  phí quá trong khi  lính đang không có ăn để hồi sức.  Đành thịt để lính bồi dưỡng   ạ “
Tôi dừng nói , tất cả chúng tôi yên lặng . Rồi tiếng người lính già cất lên  “  Mình  theo cách mạng mà ‘cái này’  chưa  cách mạng được “ .    Rồi tôi thấy, một mái tóc  điểm bạc chụm bên mái tóc đen  của  người lính trẻ thấp thoáng sau  tán cây rừng  với  lời tâm sự trong  buổi trưa ấy.
Tôi đã  thật và hiểu ông cũng thật lòng .  Ông  đã cống hiền  gần cả cuộc đời tham gia cách mạng và chiến đấu.  Cách mạng với ông  là  chấp nhận hy sinh mọi thứ kể cả  tính mạng của mình.    Còn chúng tôi đang  tuổi 18 –đôi mươi  mới bắt đầu với  dấn mình trong cuộc chiến  nhưng  trong trận chiến đấu này hai thế hệ  lính  đang  cùng  chia sẻ  sự gian khổ, ác liệt , hy sinh và  cả ngọt bùi  -  đó  là tình đồng đội.   
       Bữa trưa  ấy  có lẽ  là bữa  ngon nhất  của lính chúng tôi  ở chiến trường Quảng trị.  Dưỡng chất  như ngấm  ngay vào máu và tăng sức mạnh  cho cả  đám lính công binh .  Chiều rồi đêm hôm ấy , chúng tôi đã đào không biết mệt .  Đám lính đào hầm và chuyển cây từ rừng về  cho đến tận đêm khuya. .  Rồi đêm ngày thứ 3, chiếc hầm cũng hoàn thành đúng mệnh lệnh.  Sáng hôm sau, đám lính công binh rời cứ E bộ để nhận nhiệm vụ mới – Chúng tôi hành quân  xuống phía Nam  về   bến vượt Thành cổ Quảng trị .


                                                                                    Quảng trị - 5 / 2012
                                                                                     
                                                                                      Nguyenhuuluan C17
Logged
duck8d5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 621


Phum Xâng ngày ấy!


« Trả lời #243 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2012, 05:01:01 pm »

    Hôm nay Hội quán Cát Tiên lại gặp nhau, cùng bàn về kỷ niệm 32 năm, chiến dịch tấn công cứ điểm Nong Chan- CongXiLop (23/06/80- 23/6/2012). Nhằm tưởng nhớ và bày tỏ tấm lòng đối với những đồng đội đã hy sinh và ngày càng thắt chặt hơn “Nghĩa tình đồng đội”.
    Nhân dịp này, các “chiến binh” vừa trở về từ Hà Nội gửi lời cám ơn chân thành về nghĩa cử chu đáo và tận tình của các anh.

              Anh và Em!
    HoàngSơn- Đức- Dũng- Haanh
Humxam- Bé- Nẫm- Hoàng- Nam- Phước- Thà
    Gửi các anh ở phương xa
Những câu nồng thắm thiết tha trong đời

    Lộc- Thắng- Tuấn- Cúc đáp lời
Chúc bao đồng đội giữa trời xanh trong
    Tích Tường- Như Lệ- Thắng- Hùng
Sáu chín bảy một (6971) ấm nồng Huấn- Thân

    Trà Liên Tây- Tấn Lộc- Tân
Tây Nguyên dào dạt Chiến- Luân* chung lòng
    Mây trời Quảng Trị đã hồng
Lời thơ bỏng cháy mênh mông tình người.

* Hai anh: Trắng và Đen.
* In hoa: Tên của đàn em và các anh.

                               * Thay mặt Hội quán Cát Tiên chúc các anh: VUI- KHỎE

Logged

Chốn xưa gian khó vô vàn
Cao Mê Lai nước mắt tràn xót xa
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #244 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2012, 04:22:16 pm »


   Hôm nay Hội quán Cát Tiên lại gặp nhau, cùng bàn về kỷ niệm 32 năm, chiến dịch tấn công cứ điểm Nong Chan- CongXiLop (23/06/80- 23/6/2012). Nhằm tưởng nhớ và bày tỏ tấm lòng đối với những đồng đội đã hy sinh và ngày càng thắt chặt hơn “Nghĩa tình đồng đội”.
    Nhân dịp này, các “chiến binh” vừa trở về từ Hà Nội gửi lời cám ơn chân thành về nghĩa cử chu đáo và tận tình của các anh.

                                .......

                               * Thay mặt Hội quán Cát Tiên chúc các anh: VUI- KHỎE



     @duck8d5 và các bạn ,

      Xin gửi lời chúc các bạn nhiều niềm vui  trong cuộc sống - hội các Bạn ngày đông vui.
      Gửi Bạn mấy lời :

   
          GỬI BẠN

     Gặp gỡ một  chiều mưa
     Bên nhau nâng chén rượu
     Mưa bay ngoài khung cửa
     Cho  mình lại  gần  hơn


     Bạn từ phương xa tới
     Chúng tôi đợi nơi này
     Gió nào đưa ta lại
     Men nào ta nồng say


     Những cựu binh một thủa
     Hàn huyên những chuyện xưa
     Sen Tây Hồ chớm nở
     Hương thơm ngát mặt hồ


     Thời gian như ngắn lại
     Không gian bỗng gần hơn
     Nối vòng phương Nam  ấy
     Với nhau mãi tháng ngày


   
Logged
duck8d5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 621


Phum Xâng ngày ấy!


« Trả lời #245 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2012, 08:41:41 pm »


            GỬI BẠN

     Gặp gỡ một  chiều mưa
     Bên nhau nâng chén rượu
     Mưa bay ngoài khung cửa
     Cho  mình lại  gần  hơn
     ...

     Thời gian như ngắn lại
     Không gian bỗng gần hơn
     Nối vòng phương Nam  ấy
     Với nhau mãi tháng ngày
 
* Đức- Bão Hòa- Mỹ Hoa cám ơn những lời thơ đậm đà tình nghĩa của Anh.

                          * Chúc các anh: VUI- KHỎE
Logged

Chốn xưa gian khó vô vàn
Cao Mê Lai nước mắt tràn xót xa
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #246 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 03:58:56 pm »


    Nhớ lại những ngày này  40 năm trước.  Từ Quảng bình C17  hành quân vào  mặt trận Quảng trị  và  tham gia chiến đấu  trong đội hình của E95 –F325 cho đến ngày giải phóng  30/4/1975.     Trích nhật ký  T6 / 1972  để  nhớ về  những ngày  tháng  năm  ấy .


                      NHỮNG NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC       


      Trích nhật ký

   


26/6 
     Còn lại hai người :  tôi &  Hiện ở lại trông gỗ còn tất cả trở lại Pháp kệ  (-  Quảng trạch  Quảng bình) . Cảm thấy không thích lắm khi nhận 4 mệnh lệnh -  Không phải là chống đối nhưng phải nói vài câu .  ΠОЧЕМУ  ( Tại sao ) ?  …
    Buổi chiều -  máy bay thả bom bi  trong xóm và bên Quảng Hải.
    Tối  - Đêm trăng nhớ nhà,  nhớ bạn  đã lâu không nhận được tin gì của Q và D. Châu  cả.
    Được trở về nhà bây giờ đúng là 1 chuyện thần tiên.  Những giờ phút chỉ có trong giấc mộng và mơ tưởng .

27/6 

    Viết thư nốt cho mẹ  &  hai Bác – Hôm nay самолёты  Aмериканские  ( Máy bay Mỹ )   bắn phá  Q T  ( Quảng thanh )  , dọc con đường đi Tuyên hóa.   Ничево  ( Không  sao ) .    Lực lượng phòng không yếu không ảnh hưởng đến sự bắn phá của máy bay Mỹ.
    Gặp bọn công binh sư đi thành lập E3.  Có tin đồn rằng F 325 quân khu 4 xin.


28/6 

    Vẫn tiếp tục sống tại nơi trường học.  Sáng đi chợ . Thay đổi được  1  bữa ăn ngon  - Viết thư cho Triện .

29/6 

    Hai chúng tôi sống những ngày cuối trong đợt công tác này .   Không hiểu sao lại thiếu gạo.  Bữa chiều sẽ ăn cháo mất.  Và  sự thật  đã  ăn cháo.


   30/6 

    Sống ở  Q T  ( Quảng thanh ) - ở Pháp kệ nơi mà chỉ kịp đặt chân đến đã đi ngay.  Ở Tam đa và ở cả  Quảng thạch  .  Chúng tôi nhận nhiệm vụ mới. Thế là hết tháng 6.   Tháng 7 sẽ lại đến với chúng tôi  trong nhiệm vụ mới .  Có ai tưởng rằng như vậy không .  Tất cả đều thay đổi ,  các dự kiến  đều đảo lộn tất cả.

   
                  Ngày 1/7/1972 –   C17  E95  F325  xuất phát từ Quảng trạch bắt 
                        đầu vào chiến đấu tại  chiến trường Quảng trị   
 
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #247 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 06:18:58 pm »


      


     Bác nguyenhuuluanc17 còn giữ được nhật kí nguyên vẹn quá. bây giờ là báu vật đấy.

     Bảo, "người đẹp thì chữ xấu". Thế mà bác người đẹp chữ lại đẹp nữa chứ !
Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #248 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2012, 11:50:51 am »



     Bác nguyenhuuluanc17 còn giữ được nhật kí nguyên vẹn quá. bây giờ là báu vật đấy.

     Bảo, "người đẹp thì chữ xấu". Thế mà bác người đẹp chữ lại đẹp nữa chứ !



    @TTNL,

   Cũng  nhờ sự may mắn, tôi chỉ bị thương ở  bên bờ Bắc  Thạch hãn , gần cứ nên  đồng đội chuyển ba lô  cho ( có cuốn nhật ký trong đó) -  Đó cũng là  sự may mắn  nữa ngoài  thoát cái chết trong gang tấc  .   Mặc dù nhiều sự kiện hồi đó còn nhớ nhưng ngày tháng thì không  thể chính xác được .  Nhờ đối chiếu  thời gian và sự kiện đã ghi trong nhật ký  nên  khi viết lại  mình cảm thấy như có người bạn đồng  hành năm xưa.
      Những  CCb mà  còn có  cuốn nhật ký lúc  chiến đấu thì  đáng quí thật . C17 của tôi  cũng chẳng có nhiều đâu, các  lính TS thì hầu như đều có nhật ký cả vì việc ghi chép là nhiệm vụ , lại còn ngoài súng lúc nào cũng có chiếc bút  và  thời gian nên thuận lợi hơn rất nhiều bọn  chúng tôi đấy.
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #249 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 04:37:08 pm »



    Những ngày này  của 40 năm trước .  Đại đội  C17/ E95 / F325  hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng trị.  Hồi ức về những  ngày ấy , tôi nhớ giây phút chúng tôi vượt  qua ranh giới Bắc _ Nam của sông Bến hải ,  nhớ  những đồng đội đã hy sinh tại Quảng trị 1972  và nhớ người lính  NGUYỄN VĂN MÁNG 



                             MÁNG    VẪN    CHƯA    VỀ      

   
     Đòan quân  theo thứ tự biên chế  đi thành hành một, những ngừời lính  C17 cõng ba lô nặng trĩu , cách quãng  đang leo dốc núi trên con đường  Đông Trường sơn. Hôm nay đã là ngày thứ tư chúng tôi hành quân vào chiến trường Quảng trị. Ngọn  núi  này có thể sẽ là  đỉnh  cao nhất của cung đường  Quảng bình – giao liên báo  cho biết,  leo đến đỉnh sẽ  hết nửa ngày đường.  Từ sáng đền giờ chúng tôi  liên tục leo dốc  chưa  nghỉ.  Những lính sức yếu giờ đã tụt lại trong tốp cuối,  cách  đoàn một quãng  khá xa . Họ vẫn  đi, chậm thôi   gắng sức mà đi  với tiếng thở  ở cả  mũi  với mồm.  Đoàn quân đi  dưới  tán cây của khu rừng ,  sương đêm vẫn còn ướt  vệt đường đi , lính phải bấm mũi chân  mà leo,  chỉ nghe thấy tiếng thở  ngắn mà nặng và tiếng lá khô lạo sạo  theo cùng tiếng bước chân.
     Chúng tôi đã ghé qua xóm  “ Quân vào “  Cự nẫm,   nhận lương thực-  thực phẩm   đủ  để vượt  Trường sơn.  Với trang bị cá nhân, vũ khí – khí tài chiến đấu  của  Công binh  được chia đều cho từng người lính , mỗi người ngót nghét 60 kg . Nặng quá thì  tự san sẻ, người khỏe gánh  cho người yếu.  Dù đã được luyện tập leo núi   hay  diễn tập  chiến đấu nhưng  chưa mang nặng và  leo liên tục  hàng giờ  thế này ,   ai nấy  đều thấm mệt.  Cái ông nhạc sỹ  vuợt  Trường sơn mà  có lời  hát  -  Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn , đá mòn mà đôi gót không mòn ...  -   hẳn viết  lúc đang thăng hoa ,  chứ chả như chúng tôi  đang  vừa thở  vừa bấm từng bước chân  lên dốc.   Chính trị viên  Bảo “ chốt  đuôi  “ động viên lính gắng mà theo kịp đội hình đi với  giao liên  phía trước.
Tôi đi ở  đoạn gần  với  tốp cuối,   chợt nghe thấy có tiếng lao xao phía cuối đội hình.    Những lính yếu nhất đang   đi   trong  tốp này , không biết có sự cố gì ? Ngó  qua  đám lá  rừng  thấy   mọi người đang cụm lại. Có chuyện  rồi đây ...  Đứng lại chờ  xem  có sự gì  và tranh thủ nghỉ lấy  lấy hơi.  Vài phút qua đi vẫn không thấy lính đi lên,   hạ  ba lô và  khí tài cho đỡ nặng tôi   tụt xuống  chỗ đám lính.  Tất cả đang xúm quanh  người Lính :   Nguyễn văn  Máng. Máng ngồi tựa vào một thân cây bên đường , cái cổ  nghoẹo  sang bên, mặt   tím tái.Máng không thở được,  hai tay ôm lấy ngực  mặt lộ vẻ đau đớn.  Những người lính xúm quanh, người quạt, người  xoa  ngực-   xoa lưng , người cho uống nước, cố cho Máng hồi lại .   Rồi Máng cũng tỉnh  lại,  không nói  chỉ nhìn  chúng tôi  với đôi mắt  ướt  :   Máng  đang đau  ngực,  đau tim hay  còn nỗi đau nào khác  ?   Nhìn Máng, tôi nhớ  lính  tiểu đội đã  kể :    Máng  có  bệnh tim mạch, lúc khám  bộ đội  cũng có biết nhưng lúc đó đâu có chụp vi tính, siêu âm tim mà cũng chẳng  điện tim .  Nghe tim – phổi xong ông Bác sỹ   kết luận  :   “  Tim có vấn đề “  chuyển chuyên khoa.  Nhưng việc  quân  là  số  một , Máng  nhìn cũng lành lặn ,  mắt  tai – chân tay  bình thường  mà.  Thời chiến  cả nước ra trận,   “ Tất cả cho tiền tuyến “ -  “ Gạo không thiếu một cân. Quân không thiếu một người “,   thế là  Máng  có tên  trong danh sách nhập ngũ  tháng 12/1971 . Hỏi  Máng thì cậu  chỉ nói  :  “  Ồi,  Đi  cùng đợt với các bạn  cho vui ” .  Và thế là Máng  biên chế vào   đại đội C17 của chúng tôi từ ngày ấy.
     Máng đã tỉnh hẳn,  lính chúng tôi mừng rỡ vây quanh  nhưng  giờ Máng  lại  khóc,  giọt nước mắt chảy trên   đôi má  .   Tôi  chắc là  Máng đau và  khó thở   lắm.  CTV hội ý ,   ba lô – trang bị chiến đấu của Máng  chuyển cho đồng đội mang. 2 chiến sỹ nữa cũng giảm tải  để dìu Máng, khi cần sẽ khiêng .   Chẳng có cách nào khác, CTV động viên Máng đi tiếp,  nếu  cần đơn vị  sẽ khiêng Máng về   trạm giao liên gần nhất  ở  chân núi bên kia –   Phải leo tiếp lên đỉnh rồi  tụt xuống ,   đi đến tối mới đến..   Máng chống cây gậy  đứng lên.  2 lính  dìu bên cạnh , tất cả lại tiếp tục đi..   Những người lính tiếp  tục leo dốc, Trang bị lại chất nặng thêm   và còn  thêm   nỗi lo  về  người đồng đội.
 
     Đến quá trưa,  tốp cuối cùng với Máng  cũng lên đến đỉnh núi .  Tốp đến trước  chuẩn bị  ăn trưa đang  chờ chúng tôi.  Ban chỉ huy đại đội hội ý  :   Động viên Máng đi tiếp, cần thiết sẽ cáng đi đến đến trạm gần nhất -  Máng không thể đi tiếp sẽ  cho ra quân ,  trở ra Bắc.  Chúng tôi  xuống dốc.  Có  nhiều đoạn đường rất dốc,  đoạn đầu  còn cố bấm chân mà xuống. Gặp đoạn đường nhỏ khó đi ,  chân  run  nhiều lính  thả mình chạy ào xuống rồi   ngắm cái cây trước mặt  ôm để hãm lại..  Mặt nhăn  nhó , nước mắt  chảy vẫn đọng trên má nhưng  Máng vẫn đi với  hai lính dìu  bên cạnh.    Đại đội chúng tôi cũng đến  trạm nghỉ  trước khi trời tối.  Với chúng tôi đó là  một ngày hành quân vô cùng gian truân ,  mà  tôi  tự hỏi :  Máng  lấy sức lực từ đâu để đi tiếp đến trạm  nhỉ ?   
     Đêm đến, đại đội  hội ý  rồi  thống nhất : Động viên Máng đi tiếp, bao giờ Máng thấy không thể đi được nữa thì đưa vào trạm -  Đại đội hỗ trợ,  khi cần thiết sẽ  khiêng võng Máng .   Sáng ra, chúng tôi lại tiếp tục lên đường ; trèo dốc,  lội suối,  rồi chạy băng qua trọng điểm  bị  bắn  phá với những  quả đồi trơ trọi. Một ngày nữa qua,  tối đến tôi đến thăm Máng ,  sức khỏe cũng không khá lên  nhưng Máng  nhất định đi  tiếp.  Trước lúc ngủ, tôi nắm tay Máng  dặn  :  “  Máng à  -  Máng mà trở về cho anh  gửi lá thư  !
Dăm  ngày sau, chúng tôi xuống đến đồng bằng.   Giờ   đang trên đất Vĩnh linh rồi,  không phải leo dốc cũng đỡ nhọc, đổi lại chúng tôi phải đi đêm để vượt qua  trọng điểm.  Chúng tôi phải chạy băng qua trọng điểm trước khi trời tối , Chạy thật nhanh,  chạy đến tức thở    Tôi nhìn thấy Máng cũng chạy , đến nơi mặt lại tím tái và nhăn nhó vì đau .  Tối nghỉ gặp tôi Máng  nói với giọng  ngọng    “   Em chưa về đâu  “  .
     Rồi  cả  đại đội cũng  đến  sông Bến  hải, chúng tôi đi  phía thượng nguồn mà  lội  ngay ban ngày. Chẳng ai  bảo ai, đi đến giữa dòng sông chúng tôi cúi  vốc uống một ngụm  nước – uống nước nguồn bờ Bắc, nhặt một hòn đá cuội  bỏ và ba lô  làm kỷ niệm.  Tôi nhìn sang , Máng cũng  làm như vậy, Cậu  vẫn quyết tâm đi  không ỏ cuộc. Một phút nữa thôi, một bước chân thôi  tất cả chúng tôi  sẽ bước sang đất bờ Nam  và chiến đấu. và tôi biết câu trả lời của   Máng  :   “  Em  chưa về  đâu “ .
     Chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng trị,  các tiểu đội phân lẻ đi phối thuộc với bộ binh không  gặp nhau lần nào. Máng cũng theo tiểu đội đi chiến đấu chứ không  ở cứ đại đội ngày nào .  Tháng 9,   đại đội  ra củng cố   ở  Cam lộ mới gặp lại Máng.  Đen hơn,  da vẫn tai tái, giọng ngọng nhưng rắn rỏi,  lại  nói nhỏ  với tôi “   Em chưa về đâu  “ .   Được vài ngày chúng tôi lại chia tay nhau,  mỗi  người  đi  chiến đâu ở một nơi.
     Những ngày  trước hiệp định ngừng bắn,  trung đoàn dồn toàn lực cho mặt trận Tích tường – Như lệ  rồi  Đá đứng.   Trận chiến  diễn ra cả ngày lẫn đêm.   Ác liệt – đẫm máu – hy sinh..  Sau ngày ngừng bắn  27/1/73  Tích tường – Như lệ - Đá dứng vẫn chiến tiếp,  C17 nhận lệnh  lập bến vượt  và phối thuộc với bộ binh  tại Đá đứng .  Máng  cùng tiểu đội đi Đá đứng , cũng vượt sông,  gài mìn,  chăng hàng rào, phá mìn .   Biết nói sao  khi  10 liệt sỹ  của C17 đã hy sinh tại Như lệ - Đá đứng  trong đó  có Nguyễn văn Máng .    Máng hy sinh,   mảnh pháo nhỏ  tạo một lỗ  bằng hạt thóc bắn  trúng  vào vùng tim.   Đồng đội bảo :  “  Không  ai nghĩ vết thương  bé như vậy  có thể giết chết  Máng “ .  Liệu có phải tại  mảnh pháo hay  trái tim khuyết tật đã chon thời điểm ấy để ‘ nghỉ ngơi ‘ ?  .   Vẫn còn thắc mắc mà không có câu trả lời.  Trong đêm,  đồng đội chôn Máng nơi đang giao chiến ;  gần  bờ sông  trên cánh đồng bỏ hoang  được hai bên  lập thành  “ chốt “ chiến đấu.  Máng  nằm lại  Đá đứng với  nhắn nhủ gì  ? Hay    cau cửa miệng mỗi khi gặp  tôi  “   Em chưa về đâu  “  ....
     Chúng tôi đã quay lại Như lệ - Đá đứng để tìm Máng và  9 liệt sỹ đã hy sinh tại đây .   Những người lính lang thang trên cánh đồng,    rồi bãi cát  ở  ven sông Thạch hãn .  Ở Đá đứng chúng tôi tìm  thấy  liệt sỹ  : thấy  Sản và  Ngại .   Dòng Thạch hãn xưa  tại Đá đứng nay là  hồ chứa nước của công trình  thủy lợi Nam Thạch hãn,  hai bờ   sông  giờ cây đã  phủ   xanh không còn nhận  ra  địa hình chiến đấu năm xưa nữa   .   Còn Máng,    tìm mãi, tìm mãi  nhưng vẫn chưa thấy ... Máng đang ở đâu ?     Tôi vẫn chưa gặp  lại Máng    và           MÁNG   VẪN  CÒN  CHƯA    VỀ  ...
 

                                                                                                           7/2012
                                           
                                                                                                             NHL


            Thông tin  LS

        Liệt sỹ  NGUYỄN VĂN MÁNG 
        Quê quán:  Trung Kiên, Văn Lâm, Hải Hưng   
        Nhập ngũ:  12/1971-
        Đơn vị  C17-E95-F325
         Hy sinh:  14/ 02/ 1973 (  12  tháng Giêng  Năm  Quý Sửu)   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM