Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:49:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: NGƯỜI LÍNH công binh bến vượt Tích tường  (Đọc 166963 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 11:27:30 am »


Bên Tích tường mà tôi nói đến là vào thời gian T11- T12/1972. Khi đó tiểu đội tôi đã đặt bến vượt phục vụ D6/E95. Lúc đó phía Bờ Nam đối diện với bến có doi cát lớn và không có khe nước nào cả.  Doi cát có nhiều mít mọc, bến phía Nam chếch lên gần đầu doi cát. Chúng tôi qua sông chỉ trên dòng chính của sông Thạch hãn ( khả năng đã chọn chỗ hẹp nhất của sông tại quãng này). Tôi nghĩ bến Tích tường gần ngã 3  đường,   từ thôn Linh Phong đi  ra sông. để chính xác thì phải đi thực địa lại nhưng không thể cuối doi cát như Bác đã khoanh đỏ.
Bến Thượng phước, về địa điểm thì có thể Bác Lê xuân Tường và Nguyễn văn Cường( C17) đã đi lại nhiều lần và đã đối chiếu với bản đồ nên rõ nhất. Tôi chỉ đi thực địa tại bến Thượng phước,  đường xuống bến không thay đổi  ( làng ) nhưng dòng sông thì đã thay đổi ( lở -bồi khác trước), không có bản đồ nên không chỉ ra chính xác trên bản đồ được.


     Bác nguyenhuuluanc17, Tôi dịch lại vị trí bến Tích Tường theo mô tả của bác đây. Bãi mít chắc là chỗ có chấm đen biểu diến nơi có nhà ở của dân. Những chỗ còn lại đều ký hiệu ruộng lúa. Còn bến Thượng Phước thì chính xác rồi, căn cứ vào độ cong của con sông . Không phải là có biến đổi của dòng chảy đâu bác ạ. Ngay trên bản đồ cũ UTM của Mỹ ngày đó vẫn giống bây giờ. Tuy nhiên vào mùa nước, các bãi cát đó sẽ bị ngập hết, đúng như trên bản đồ. Lúc đó dòng sông sẽ mở rộng ra đến đường chẫm chấm màu xanh. Các bãi cát sẽ không nhìn thấy nữa.

Bến vượt Tích Tường và bến vượt Thượng Phước
Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 11:47:05 am »

NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH BẾN VƯỢT TÍCH TƯỜNG   ( P6)

                             NGUYỄN HỮU LUÂN

Tôi và Thiện vừa kịp đẩy thuyền lên bờ thì đợt pháo dàn thứ 2 bắt đầu khai hỏa. Cả hai chúng tôi nằm chết dí tại bờ sông, mặt đất như bầm dập ra, đất đá bắn rơi bồm bộp xung quanh. Những tia chớp của đạn pháo lóe lên liên tục suốt dọc hai bên bờ sông .
Không rõ chúng tôi nằm được bao lâu, tiếng pháo dàn vừa ngớt tôi quờ tay ra xung quanh tìm Thiện. Cùng lúc cậu cũng quờ tay nắm lấy tay tôi và bóp bóp làm hiệu – Còn sống cả - Cả hai chợt rụt tay lại vì chạm phải những mảnh pháo còn nóng bỏng. Chúng tôi nằm im chờ cho đợt pháo dàn dứt hẳn,  rồi vùng dậy đẩy thuyền lao vội qua sông trong phút tạm dừng ngắn ngủi cuả đợt pháo dàn tiếp theo. Cứ như thế suốt đêm Thiện cùng đồng đội  tải trang bị chiến đấu và thương binh qua sông dưới những đợt pháo cho đến khi trời sáng.
Một đêm  căng thẳng và ác liệt. Rồi liên tục những đêm sau, tiểu đội tôi  tiếp tục qua sông bất chấp nguy hiểm rình dập  tại bến vượt Tích tường, phục vụ tiểu đoàn 6 chốt  vững chắc tại đầu cầu bờ Nam .
    Đến cuối tháng, tiểu đội nhận nhiệm vụ chiến đấu mới : lập thêm bến vượt Như lệ. Trận chiến đang nóng bỏng nơi đây từng giờ - từng ngày. Lúc phân công nhiệm vụ, Thiện nói nhỏ  “ Cho em xuống bến Như lệ với anh nhé ”. – “  Ác liệt và nguy hiểm lắm “, tôi trả lời – “ Em  sẽ không sao đâu mà “ Rồi cậu  nháy mắt và nhoẻn cười  láu lỉnh với tôi .
Để lại một tổ ở Tích tường, Thiện cùng 5 người chúng tôi hành quân xuống Như lệ trong buổi chiều cuối năm. Những trận đánh đang chờ chúng tôi phía trước
Thiện hy sinh tại bến vượt Như lệ trong lúc chuẩn bị vượt sông,  khi đang độ tuổi 18 tràn đầy sức trẻ và mơ ước. Những khi Tết đến, tiếng pháo trong đêm làm tôi miên man trong giấc mơ. Tôi như thấy Thiện đang cầm trong tay những bánh pháo đỏ đi trong phiên chợ Tết với khuôn mặt hớn hở.  “ Em rất thích đi bán pháo Tết “  và cậu vẫn trở về thăm chợ Tết mỗi  khi mùa xuân  về.

                                                                                                                                                         ---Hà nội 5/2011---
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2011, 02:18:41 pm »

Gửi các cựu chiến binh D5/e95/f325, các cựu chiến binh Quảng trị

Nhờ  trợ giúp tìm thông tin về liệt sỹ là người nhà của bạn tôi.
Liệt sỹ:
Vũ Xuân Cường
Sinh ngày: 2-2-1945
Quê quán: Xã  Cát trù- Huyện Cẩm Khê- Tỉnh Phú Thọ
Nhập ngũ: Tháng 6- 1963
Hy sinh: 8- 9- 1972   tại phía Nam thị xã Quảng Trị
Chức vụ: Tiểu đoàn phó-  D5/E95 Sư 325
 Theo Nguyễn Dũng và A. Qui , LS Cường hy sinh bị pháo bắn trong chiến đấu tại phía Nam thị xã Qtri, chưa rõ hài cốt đã  được qui tập ở đâu chưa.
Gia đình hiện đang tìm mộ liệt sỹ Cường. Nhờ  các bạn nếu  thông tin  trợ giúp để tìm liệt sỹ Cường.

NGUYỄN HỮU LUÂN
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2011, 04:38:44 pm »

Gửi các bạn cựu chiến binh mặt trận Quảng trị,

Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng Quảng trị 5/1972 – 5/2011, xin chúc các cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Quảng trị năm xưa lời chúc sức khỏe và  an lành.
Những năm tháng khốc liệt ấy đã qua để lại  cho những người còn sống nhiều kỷ niệm không thể quên.  Nhớ lại và suy ngẫm là điều tôi muốn trao đổi với các bạn.
Hôm nay  qua diễn đàn  tôi gửi  tới  CCB những kỷ niệm cùng suy ngẫm của tôi :
Với lính đã tham chiến đều biết phương thức tấn công đánh chiếm chốt. Những nguyên tắc cơ bản thường thực hiện như sau :
1-   Bí mật bất ngờ
2-   Tập kết quân và vũ khí vào vị trí thuận lợi để tập kích
3-   Chọn và Chủ động thời gian nổ súng
4-   Dùng hỏa lực mạnh phủ đầu tiêu diệt cơ quan đầu não hoặc hỏa lực đối phương
5-   Diệt gọn
Với Quảng trị 1972, tại những điểm chốt mà ta và địch đã giành giật nhiều ngày đêm thì yếu tố  bí mật -bất ngờ dường như đã không còn.Làm thế nào mà tập kích chiếm lại  được chốt  mà giảm được tổn thất ?
Câu truyện tôi kể dưới đây để các cựu binh ôn lại , các chỉ huy hiểu thêm tâm lý của người lính chiến  và  cùng nhớ lại,suy ngẫm và cười ra nước mắt .

       MỘT TRẬN TẬP KÍCH CHỐT CỦA “ LÍNH MỚI HÀ NỘI “

Tích tường –Như lệ cuối năm 1972. Cuộc chiến tại đây không lúc nào ngừng. Chúng tôi nhận lệnh đêm nay phục vụ cho trận tập kích chiếm chốt bên sông.
Những tốp lính bộ binh đã tập kết tại bến vượt Như lệ. Không yên lặng như mọi ngày, hôm nay thấy từng nhóm chụm vào nhau bàn bạc, có vẻ sôi nổi. Tôi nghe thấy 2 cậu lính trẻ ở góc hào dặn dò nhau  “ Mày phải bám sát  sau tao đấy, nếu tao bị thương thì đừng sợ. Tao mà bị thương nặng thì đừng khiêng tao đi nữa nhé, không thì nguy hiểm đấy”.
Chưa có lệnh chuyển quân, tôi tranh thủ tiếp cận tốp lính chiến.  Thấy một cậu đang đứng nói với nhóm gần bến vượt, tôi hỏi “ Lính mới tham chiến hả “ – “ Bọn em mới được bổ xung – đêm nay là trận đầu tiên. Chúng em là lính tân binh Hà nội”
“ Anh cũng ở Hà nội đây - Hàng bột , các em ở đâu ?” .
“ Em ở Bạch mai, thằng này ở Hàng cháo - Đống đa, gần nhà anh đấy”. Ngừng lại một chút rồi cậu nói rất nhanh “  Em nghe nói chốt này ác liệt lắm, đánh trận này chắc chết, bọn em xác định rồi.”.  Bọn em bàn với nhau “ Đằng nào cũng chết, chúng mình nắm tay nhau cùng xông lên,   để được chết cùng với nhau”.
Tôi bảo “ Các cậu không được làm liều” – “ Sống chết có số rồi anh ạ “ , cậu trả lời tôi tỉnh khô.
 Đã có lệnh chuyển quân,  từng tốp lính bộ binh  được sang sông, sắp tới giờ nổ súng. Đưa  người lính cuối cùng qua sông mà tôi vẫn tự hỏi “ Lính ta định làm thế hay nói đùa chơi vậy ?”.
Rồi khi đêm đến, chúng tôi hối hả qua sông thực hiện nhiệm vụ trong  tiếng súng bộ binh  tập kích chốt xen lẫn tiếng đạn pháo vang lên khắp nơi.
Đã quá nửa đêm, tiếng súng tiểu liên đã ngừng. Chúng tôi chờ tốp lính tham chiến, lính vận tải trở lại bến vượt.
Rồi nghe tiếng ồn ào, tiếng cười và tốp lính hiện ra trong đêm. Tôi ra hiệu,  nhắc mọi người yên lặng rồi hướng dẫn để  vận tải đưa thương binh đi trước. Tiếp cận tốp lính tôi chợt nhận ra Cậu lính  bộ binh hồi tối ở bến vượt.
Nhận ra tôi cậu mừng rỡ và kể : “ Như bọn em đã bàn với nhau, chúng em tiếp cận mỏm đồi địch đang chốt giữ. Rồi chúng em từng nhóm,  cầm súng- nắm tay nhau đồng thanh hô “ Xung phong” vừa chạy vừa bắn từ dưới chân đồi. Địch cũng nã súng về phía chúng em, chúng em càng  hô to hơn và bắn trả cả loạt dài về phía đỉnh đồi. Khi đến được đỉnh đồi, bọn em cũng ném lựu đạn vào phía  hào và hầm.  Từ các phía chúng em ập vào, chẳng thấy một tên địch nào cả, chúng nó bỏ chốt chạy hết.Thế là bọn em chiếm được chốt, kiểm điểm thì chỉ có 1 lính bị thương nhẹ. Chúng em phân công người canh chốt, băng cho thương binh và đưa về tuyến sau. Em phải về cứ báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới. Bọn em chiến thắng trận này. “
Tôi cùng mừng lây với chiến thắng của đồng đội, một trận đánh diễn ra chẳng giống với trận đánh nào. Có lẽ địch chưa thấy trận tập kích chốt nào mà hô  “xung phong” vang vọng,  rồi tiểu liên bắn liên tục từ dưới chân đồi như thế,  hoảng quá nên  lập tức rút chạy.
Điều bất ngờ này có lẽ là chiến thuật mới chăng ? - Ôi “ Lính mới Hà nội “.
Nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ điều này, tôi kể lại để các CCB cùng ôn lại suy ngẫm và cười ra nước mắt.


                                                                                      --- NGUYỄN HỮU LUÂN ----
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2011, 05:34:23 pm »

À, chắc lính VNCH lần đầu tiên thấy "Biển người" thực sự?
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2011, 06:03:21 pm »

@Nguyễn Hữu Luân: Tôi đã đọc bài MỘT TRẬN TẬP KÍCH CHỐT CỦA “ LÍNH MỚI HÀ NỘI “ của bác. Đọc xong tôi không thể nào cười được mặc dù đã cố hết sức. Kẻ thù của chúng ta không hề đơn giản như bác nêu trong câu chuyện đó. Đối với lính bộ binh chúng tôi, lính phía bên kia thiện chiến hơn nhiều, dày dạn máu lửa hơn nhiều. Lính mình thì huấn luyện vừa bắn xong đạn thật bài 1, chân ướt chân ráo vào tới nơi cán bộ giao cho khẩu AK với mấy quả lựu đạn đưa vào tập kích chiếm chốt. Tôi đã giáp mặt với lính mũ nâu (biệt động quân ở chốt An tiêm, Chợ Sãi, Nại Cửu), lính mũ nồi xanh nước biển (thủy quân lục chiến ở trận Cửa Việt)...chưa thấy bọn nào "hiền" như bác kể. Có thể có ngoại lệ không...tôi dám chắc là không vì các sắc lính VNCH tham chiến ở QT đều là thứ dữ cả. Tôi nghĩ nên tôn trọng đối phương. Đánh giá thấp đối phương cũng sẽ làm giảm nhẹ ý nghĩa của sự hy sinh, gian khổ, xương máu mà chúng ta đã phải đổ xuống rất nhiều để có được chiến thắng bác nhỉ. Vài lời trao đổi với bác. Tôi đọc loạt bài về lính công binh vượt sông bằng xuồng coa su của bác thấy rất được. Chào bác! 
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 08:28:04 am »


 Gửi Bác chienc3.1972,

Trước hết chúng ta cùng nhớ lại và suy ngẫm. Vào giai đoạn chiến dịch bảo vệ thành cổ 6/72-9/72 cả hai phía đều tung vào trận những lực lượng tinh nhuệ nhất ( 304,320, 325, sau thêm 312) , bên kia ( dù, thủy quan lục chiến, biệt động) . Lính 325 khi đó huấn luyện số mới nhất cũng đã 9 tháng, đã qua diễn tập. Phía bên kia cũng thiện chiến như Bác đã gặp ở An tiêm, Chợ Sãi, Nại Cửu .... Nhưng còn giai đoạn sau thì sao ? 
Cuối năm 1972, bổ xung quân bên Bác có nhận quân thái bình, Hà nội không ?  Tôi nghĩ phía bên kia phần bổ xung quân cũng không khác ta đâu.
Với lính không được đào tạo bài bản + liều và ngông như lính Hà nội ( anh hùng xa lộ mà ) thì nghĩ gì làm nấy,
Tôi nói vậy vì đó là một trận đã xảy ra như thế? chỉ có điều may mắn đã thuộc về quân ta . Ôi  sự liều lĩnh và yêng hùng cũng được một lần may thôi.
Sau này có những chốt chẳng có đánh mà lính cũng bỏ chốt (  Ở cả hai phía ). Chiến trận thì cũng có nhiều cái không tính trước, có thể xảy ra ngoài dự đoán , nhưng may mắn thì có thể một lần thôi. Đi đêm chắc cũng có ngày gặp ma, Tôi sẽ có câu chuyện nữa về lính chốt để Bác ngẫm thêm.
Chào , nguyen huuluanc17
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #27 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2011, 06:50:18 am »

@nguyenhuuluanc17: Chào bác! Khi tham chiến tôi chỉ là một tên lính BB ở cánh Đông. Các bác ở cánh Tây. Khi đó tôi chỉ biết quanh khu vực chốt của đơn vị mình thôi. Sau này xem tài liệu mới biết đối diện với khu vực tác chiến của e95/f325 khoảng cuối năm 1972 là sư dù (lính mũ nồi đỏ) thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân lực VNCH. Không phủ nhận trong chiến tranh cũng có khi may hơn khôn! Đám "lính mới Hà Nội" đó cũng không phải có chiến thuật gì mới mà nó na ná như cảnh phim chiến đấu của Hồng quân TQ...Lính "anh hùng xa lộ" cũng có thể có thằng nói phét thành thần bác nhỉ. Có khi lúc đánh chốt thì chui vào một xó, im tiếng súng mới ló đầu ra chẳng thấy ai cả tưởng chiến thắng rồi..."Em phải về cứ báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới. Bọn em chiến thắng trận này.“ Đơn vị tôi cũng có thằng lính Quảng Ninh như vậy. Mong rằng không đúng trường hợp bác kể. (mà bác cũng chỉ nghe kể lại thôi mà). Chào bác, chúc bác khỏe tiếp tục viết loạt bài rất hay "NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH BẾN VƯỢT TÍCH TƯỜNG" của mình.
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 09:30:55 am »

 
Lời tựa :  Những người lính trong trận chiến tại Quảng trị 1972 đã nghe, đã nhìn và đã chứng kiến những con người, những hành động anh hùng  diễn ra thầm lặng và nghĩ rằng đó là điều rất bình thường. Nhiều người trong số họ đã nằm lại trên mảnh đất này và đã chôn sâu những điều mình đã thấy. Với số mệnh hay là sự may mắn tôi còn có mặt ở đây, và với sự thôi thúc tôi muốn nói lại, viết lại những sự kiện, những con người anh hùng đó từ những ký ức,  từ ghi chép và những  thông tin của các CCB Quảng trị .


            NGƯỜI LÍNH Ở CHỐT BÃI MÍT – TÍCH TƯỜNG ( P1)                                                                                                          NGUYỄN HỮU LUÂN



Bến vượt Tích tường mở đầu cho đợt tham chiến thứ 2 của tiểu đội tôi  tại mặt trận Quảng trị ( các nhiệm vụ phối thuộc thực hiện ở cứ trung đoàn, tôi không  cho là tham chiến). Không có những trận đánh lớn như chiến dịch bảo vệ thành cổ nhưng những trận chiến tại các chốt vẫn diễn ra dai dẳng ngày đêm trên toàn tuyến phòng thủ dọc theo sông Thạch hãn.
   Tiểu đội đóng quân gần bến vượt, trên cánh đồng ven sông với những bụi cây mọc lúp súp. Những chiếc hầm chữ  A được nối với nhau bằng đoạn  chiến hào sâu ngang ngực đủ để  che chắn đạn pháo –  dấu máy bay trinh sát và thuận tiện khi chiến đấu. Ở  hầm lâu rồi cũng thấy quen, nó ấm cúng  như ngôi nhà. Tươm hơn nếu hầm nào mà lính kiếm được chiếc chiếu ni lông trải ra thì  vừa chống được ẩm,  nhìn  vào thấy sạch sẽ, tinh tươm như ở nhà vậy .
   Mấy hôm nay mưa rơi rả rích. Những cơn mưa báo cho chúng tôi đợt gió mùi Đông Bắc đang tràn về. Lính chiến chỉ có hai bộ quân phục ka ki, rét thì tự khắc phục vậy. Cắt cái tăng* rách làm 4 mảnh để lính khoác chống mưa, mới chỉ che được nửa người. Qua sông vài chuyến ai nấy rét run, hai tay cóng co quắp, răng gõ vào nhau lập cập. Đêm ở sông về , rét quá chỉ có cách là rít hơi thuốc lào để xua cái lạnh đã ngấm vào tận trong ruột. Bắn một hơi dài thuốc lào Độc lập, say đã đời luôn! Thấy mình bay lơ lửng đâu đó chứ không phải đang trong hầm.  Chẳng còn nghe thấy tiếng bom - pháo hay mùi khét của chiến tranh nữa.
Đối diện với bom- pháo như cơm bữa cũng thấy quen rồi, còn mưa rét làm cho trận chiến thêm vị gian khó. Một cậu lính của tiểu đội bị ốm- Sốt nằm liệt ở hầm. Thế cũng chưa là gì so với lính trên chốt bên sông, bất kể là bị thương hay đau ốm thì đến đêm mới chuyển ra cứ được.
   Chiều nay trời đã hửng, mặt trời lấp ló sau đám mây và những tia nắng chiều cũng làm cho không khí ấm áp trở lại. Không như mọi ngày, không thấy bóng dáng chiếc VO10 lượn trinh sát trên sông lúc chiều muộn.
Trời chưa tối, tôi kêu lính tiểu đội đi kiểm tra bến và chuẩn bị xuồng sẵn sàng vượt sông tối nay. Để xuống được sông phải qua một điểm chốt bộ binh đặt sát bờ, nơi con đường mòn nhỏ dẫn ra sông che lấp bởi cỏ gianh cao ngang người. Sau trận tập kích của địch vào Nham biều, việc phòng thủ được tăng cường. Dọc bờ Bắc đối diện làng Tích tường đã chăng dây thép gai và cài mìn chống địch đột kích. Lính được thông báo, chỉ đi lại trong khu vực của mình để tránh dẫm phải mìn.
   Từ cứ tiểu đội, tôi ra thẳng bên vượt. Che người trong đám cỏ gianh ngắm nhìn dòng sông và phía bờ đối diện. Bên kia có doi cát nhô ra đẩy dòng nước xô sang nơi tôi đứng. Mùa này nước sông xanh, chảy chầm chậm, thỉnh thoảng gợn sóng lăn tăn khi gió thổi. Doi cát kéo dài theo dòng chảy từ thôn Thượng phước xuống Nham biều, phía bờ Nam từ làng Như lệ rồi đến Tích tường. Những tên làng đầy gợi cảm – “ Nếu không có chiến tranh, cuộc sống nơi đây thanh bình biết bao”- tôi thầm nghĩ. Cuộc chiến đã tàn phá nhiều ngôi nhà, dân làng đã di tản hết không còn ai ở lại. Doi cát bên sông với hàng mít mọc tự nhiên, những cây mít cổ thụ vươn cao giờ chỉ trơ cành, có cây còn bật cả gốc trìa ra bộ rễ sù sì bởi bom pháo địch.
   Bãi mít do một đơn vị khác chốt giữ, nghe nói được bổ xung từ chiến trường C sang. Từ bên này nhìn sang tôi thấy mờ mờ những cửa hầm nhỏ hướng ra phía sông nhưng không thấy bóng dáng người lính nào.
Tiểu đoàn 6 bộ binh đang chốt giữ bên bờ Bắc , được lệnh chiếm giữ một số điểm chốt bờ nam liên kết với chốt “ bãi mít “ để tăng cường khả năng phòng thủ. Trận chiến  vẫn ác liệt ngày đêm trên dải đất ven sông này.


* Tăng : Tấm ni lông to,dày trang bị cho từng người lính chiến làm mái che, khoác che mưa, làm phao để vượt sông, hoặc liệm khi mai táng liệt sỹ hy sinh,  v.v...
Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2011, 10:05:24 pm »


NGƯỜI LÍNH Ở CHỐT BÃI MÍT – TÍCH TƯỜNG ( P2)
                                     
                                               
                                                         NGUYỄN HỮU LUÂN

Chiều đang xuống trên sông, không gian khá yên ắng. Không nghe thấy tiếng ù-ù quấy rối của máy bay trinh sát, thỉng thoảng mới vọng lại tiếng pháo nổ cầm canh phía xa. Đưa mắt nhìn, quan sát làng Tích tường ở xa đến khi quay lại đoạn bên vượt tôi giật mình khi thấy giữa sông một khối di động tiến về phiá tôi đang đứng. Nhìn kỹ, một cái đầu đội mũ tai bèo đang lại gần.  - Quân ta - nhưng sao lại bơi qua sông lúc này ? ”. Vừa nghĩ  tôi vừa chuyển súng sang tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Chiều chưa tối nên đã nhìn rõ hơn người đang bơi trên sông, một lính  vai trần đang bơi hướng đến bến vượt. Lùi lại theo con đường mòn nằm lọt giữa đám cỏ tranh, tôi chăm chú theo dõi chờ đợi.
   “ Đứng lại, giơ tay lên” tôi quát khi người lính vừa đặt chân lên đầu con đường mòn. “ Em là lính F  X12 đây, chúng em chốt ở bên kia sông ” – người lính đáp. Hai tay không có súng giơ cao lên khỏi đầu, rồi đứng nép vào bụi cỏ gianh ngay rìa sông.
Những giọt nước vẫn đang chảy dài, nhỏ từ trên vai, ngực  trên làn da đen sạm  của người một người cao, rắn chắc. Tôi nhìn vào khuôn mặt có phần hốc hác với đôi mắt thiếu ngủ, phờ phạc. Người lính trong lúc nhìn tôi vẫn đảo mắt xung quanh như muốn ghi lạị đoạn đường mòn dẫn lên  điểm chốt chiến đấu phía trên.
“ Em vượt sông để xin tiếp tế lương thực cho đơn vị, em sẽ trình bày với các anh”
Tôi kêu lính của tiểu đội ra báo với chốt bộ binh rồi dẫn cậu ta xuống đoạn hào tránh pháo.
   “ Em là lính chốt ở bãi mít, thuộc đơn vị X12 “ vừa nói cậu vừa chìa ra một băng vải có ghi phiên hiệu đơn vị cho tôi xem, rồi lại nói tiếp. “  Chúng em bị đói vì không nhận được tiếp tế. Đại đôi của em chiến đấu nhiều ngày, hy sinh và bị thương nên quân số hao hụt, hiện chỉ còn 3 lính và 1 chỉ huy mới được đề bạt .
Chúng em vẫn cố thủ ở chốt này, nhưng mấy ngày nay không giao chiến. Ban ngày tất cả phải trực chiến, đêm xuống 3 lính chúng em phải thay nhau trực để có thời gian nghỉ. Đêm qua, khi đi kiểm tra thấy có ca bỏ trực, chỉ huy đã quát chúng em .  Em đề nghị chỉ huy phải cùng chúng em trực đêm thì anh ta đã quát nạt, đe dọa rằng ai bỏ trực sẽ bị bắn.
Chúng em muốn qua sông  nhờ các anh giúp đỡ nhưng không dám đi đêm vì không biết đường và sợ dẫm phải mìn. Trưa nay bọn em bàn nhau, cử em vượt sông để xin tiếp tế mới trụ lại chốt được. Chúng em cần lương thực và vật dụng cần thiết”. Người lính nói với đôi mắt hoe đỏ.
   Lắng nghe với đôi chút hoài nghi – Sao lại  như thế ? – tôi nghĩ. Đành rằng các chốt bờ Nam phải quyết tử chiến đấu nhưng đêm xuống đều có bộ phận qua sông tiếp vận cho chốt, - có thể  đã bị đứt liên lạc với cứ chăng ? .
 Nhưng giờ trợ giúp cho lính trên chốt là việc cần gấp. Mấy lính tiểu đội tôi nghe chuyện, sốt sắng về hầm lấy lương thực, nhưng cũng chỉ dồn được 2 ruột tượng gạo.
- “ Em cần cho 4 người , cho em thêm” – cậu nói.
Tôi dẫn cậu ta theo đường hào xuống chốt bộ binh. Gặp nhau ở chốt, nhóm trưởng Hùng lắng nghe và cử người nhanh chóng thực hiện yêu cầu tiếp tế . Nghĩ đến tình cảnh  ở chốt, chúng tôi dồn luôn cho  cậu mấy nắm cơm để lính có ngay bữa tối.
Đứng bên ngoài hầm bộ binh, vẫn thấy cậu ta nhìn quanh- Tôi hỏi , ‘ Còn cần gì nữa ? ”.
-   Không đủ rồi anh ạ, cậu ta khẽ nói trong khi vẫn nhìn đâu đó về phía  đường mòn.
Trời tối hẳn, nhóm tiếp vận của tiểu đoàn cùng cậu ta được qua sông đầu tiên.
Để an toàn tôi cho xuồng vòng vào chốt “ Bãi mít” rồi mới đưa người của đơn vị mình về bến vượt thường ngày.
Không rõ chúng tôi đã qua sông được mấy chuyến, nằm sát mép sông chờ nhóm tiếp vận trở lại. Sương đã phủ đầy mặt sông nhìn qua ánh pháo sáng chiếu thưa thớt – Chắc cũng quá nửa đêm rồi ,  đêm nay đi nốt chuyến này là  nghỉ.
Tôi  đang  nghĩ thầm thì chợt có tiếng chân  rồi bóng người tiến  lại gần.
-   “ Các  anh ơi, em là lính giữ chốt,các anh cho người sang ngay không thì mất chốt “- người lính nói nghèn nghẹn trong đêm.
“ Có chuyện gì vậy ?” – tất cả chúng tôi ngồi bật dậy vây quanh người lính.
     -  “ Em biết các anh qua sông ở bến này, em chốt ở bãi kia, chúng em vừa được các anh tiếp tế ” . Vừa nói cậu vừa chỉ tay về hướng bãi mít.
  Khi ánh pháo sáng bừng lên, tôi  thoáng thấy khuôn mặt người lính. Một lính trẻ , khuôn mặt bầu – Không phải người lính  vượt sông lúc chiều.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM