Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:18:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vài chuyện ngắn chọn lọc trên các tạp chí văn nghệ quân đội  (Đọc 115557 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 10:35:54 am »

                                 Tiếp theo         ;


- Đừng khóc nữa. Ở tuổi anh em mình, nước mắt chỉ làm thêm mù quáng. Gà sắp gáy lần thứ nhất rồi.

Một lần nữa Hoàng Lương sửa lại đầu mẹ cho cân trên gối, lấy chiếc khăn đắp từ cổ xuống chân như sợ mẹ lạnh rồi bước vội ra khỏi nhà, như sợ mình sẽ khóc to lên, sợ cái thói quen từ thuở nhỏ, khi anh đã khóc thì không thể nào kìm nín ngay được, tiếng ức ức bóp nghẹt từng nhịp thở.

Anh rảo bước dưới hàng phượng, hàng mít và muôn vàn cây cối có giá trị về kinh tế. Anh đi một lần cuối cùng trên tuổi thơ mà mãi mãi rồi đây không còn ai nhắc lại nữa. Anh đi qua những Rú Hội, Cồn Trăn, Đền Mượu, những di tích lịch sử mà con trai thứ mười tám của Lý Công Uẩn đi dẹp giặc miền Tây bị thương về đến đây ngã xuống chết, mối vùi thành mộ, nhân dân lập đền thờ. Anh đi trên năm tháng chiến tranh mà giặc Mỹ đã dùng mọi loại bom, mọi loại máy bay để huỷ diệt mảnh đất này, nhưng con người vẫn sống vẫn kiêu hãnh, sản xuất và lao động trên nhiều ngành nghề khác phục vụ cho tiền tuyến. Bao nhiêu chiến sĩ trẻ mà anh chưa biết mặt, thế hệ sau anh đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang. Nhiều lần anh tự hào về mảnh đất quê hương anh. Thế mà bây giờ anh đi như trốn chạy, bóng anh đơn chiếc đan qua các thân cây, qua thôn xóm không ánh đèn, lơ thơ sáng dưới ánh sáng lờ mờ của chòm sao chiến sĩ. Anh đi trong bất lực, trong đau khổ, trong u uất. Có tiếng rì rào phía trước, gà gáy ư? Không phải, người nào đó vừa đi vừa nói chuyện. Có lẽ là các bà đi chợ sớm. Anh sợ gặp họ, anh nấp vào bóng cây, im lặng chờ họ đi qua, rồi anh lại bước, lại chạy, anh chạy cho ấm người, trong đầu óc mung lung không rõ mình đang né tránh một cuộc đời đói khổ hay vội vàng tính toán mong muốn đến sự giàu sang.

Người lái xe nằm trên võng, giật mình khi nghe anh gọi và hỏi lại:

- Cụ khoẻ hẳn rồi hả thủ trưởng?

- Ừ đã bình thường.

- Cái xã của thủ trưởng tệ hại thật, rào đường không cho xe con lên. Thủ trưởng phải góp ý với họ chứ. Chưa lần nào em gặp được cụ, lần sau nhất định em phải đưa một chiến sĩ đi theo, nó trông xe để em còn lên thăm cụ.

- Tiếc là cậu chưa được gặp cụ, cụ nhắc đến cậu luôn. Mình cũng chỉ là làm tướng ở chiến trường, còn ở nhà và ở quê chẳng có nghĩa lý quái gì. Nhưng rào đường cũng có cái hay của nó… Thôi ta đi nhé!

Xe vượt hơn ba mươi kilômét đường xóc xuống ngã ba Diễn Châu bắt đầu nhập vào đường số một để chạy ra phía Bắc, Hoàng Lương hỏi lái xe:

- Cậu là thượng uý à?

- Vâng ạ!

- Lương thượng uý bây giờ một tháng được bao nhiêu?

- Gọi theo lối mới, nghĩa là đưa lương vào hệ số thì em được khoảng sáu nghìn, đấy là kể cả hai mươi phần trăm thâm niên và hai mươi phần trăm người ta vẫn nói đùa là trả tiền xương máu cho quân đội.

- Còn trung tướng như mình thì mỗi tháng được bao nhiêu?

Lái xe mỉm cười, đưa mắt liếc trung tướng rất nhanh, óc nghĩ: Cái ông này cứ như trên trời rơi xuống không biết cả lương mình bao nhiêu nữa.

- Em cũng chẳng rõ lương trung tướng là bao nhiêu thủ trưởng ạ. Nhưng chỉ nhìn vào lương là sống vất vả lắm, dù là lương trung tướng hay đại tướng. Dân gian đã ghép từ "lương bổng" là có nghĩa của nó. Lương ít nhưng bổng lộc phải nhiều. Thủ trưởng thuộc loại có lương mà không có bổng.

- Bổng lộc gồm những khoản nào?

- Không có trong sổ sách và không có quy tắc, nhưng ở đâu cũng có cũng làm. Thủ trưởng trong sáng quá, thần thánh quá, nên họ không dám đặt ra với thủ trưởng đấy thôi.

- Tớ mà thần thánh à?

- Nói là thần thánh thì không đúng. Nhưng thủ trưởng có cách sống khác quá, cách biệt quá nên thủ trưởng không hiểu mọi người xung quanh mình. Lái xe chúng em vốn bỗ bã, mong thủ trưởng tha lỗi cho, với những nhận xét nông cạn. Thủ trưởng rất hiểu con người, nhưng hiểu họ để phục vụ cho mục đích của thủ trưởng, ví dụ như đưa người đi chỉ huy trung đoàn sư đoàn, cử người làm tác chiến hay tham mưu trưởng, cử người chỉ huy đánh vận động, hay đánh tập kích là thủ trưởng giỏi, nhưng thủ trưởng không hiểu việc riêng của từng người, nỗi đau của từng người. Thủ trưởng có đau bao giờ đâu mà thủ trưởng hiểu nỗi đau của người khác. Lái xe đưa mắt liếc Hoàng Lương chờ đợi những câu quát mắng, hoặc chấn chỉnh với những nhận xét hồ đồ, nhưng thấy Hoàng Lương vẫn im lặng, anh ta nói tiếp:

- Thủ trưởng đi lúc nào cũng được, về lúc nào cũng được, vì thủ trưởng có quyền tất cả. Đang đêm thủ trưởng lên chốt, đánh thức anh em dậy báo động chiến đấu, nói vài điều thăm hỏi rồi thủ trưởng về. Uy tín thủ trưởng tăng lên vì sự sát sao với chiến sĩ. Nhưng thủ trưởng cứ ở hai năm, ba năm như họ xem, họ phải lo trăm thứ, thiếu trăm thứ. Đời cũng so le quá, người như thủ trưởng được ở giữa thành phố thì lại không biết làm gì với thành phố cả, cứ muốn ra mặt trận, còn những người lính kia gắn liền với thành phố với hậu phương như rễ cây bám vào đất, thì họ không được lấy dăm mươi ngày về hậu phương trong một năm.

- Nhưng sao cậu lại bảo cuộc chiến đấu này là để phục vụ cho mục đích của riêng tớ?

- Nói ra thì bị bắt bẻ và cho là sai thủ trưởng ạ. Nhưng không ít cấp trên biến cuộc chiến đấu của dân tộc, biến xương máu của chiến sĩ cho mục đích của họ, trong đó thủ trưởng cũng có chút ít.

- Nhận xét mới mẻ quá. Tàn nhẫn quá, và cũng hư hỏng quá… Nhưng mà tớ sẽ nghĩ…

Về đến Hà Nội Hoàng Lương vào phòng riêng, đóng cửa, cần thiết lắm anh mới ra ngoài. Các sĩ quan Bộ tổng tham mưu nghĩ rằng anh đang nghiền ngẫm nghiên cứu những vấn đề mới mẻ về chiến trường sau một chuyến đi, làm sao dành được thắng lợi, hạn chế thương vong. Nhưng thực ra anh ngồi im trong phòng, hoặc đi đi lại lại, chẳng làm gì hết, chẳng nghĩ gì đến quân sự. Hình ảnh người mẹ gầy gò, da bọc xương, nằm đầu ngoẹo về một bên cứ như bức tranh lúc đóng lên tường, lúc ghim vào óc anh. Những ngày này ở quê anh cả chị dâu và các cháu đã xoay xở ra sao để đón tiếp khách, để đưa mẹ tới nghĩa trang. Anh như người bị đuổi ra khỏi gia đình, bị tước quyền làm con, làm em, tước mất quyền những người bình thường làm phận sự bình thường. Anh gọi tài vụ lên hỏi các khoản tiền của anh lâu nay còn lại, tài vụ cho biết trừ những đợt mà anh đã trích để ủng hộ đồng bào các tỉnh bị bão lụt, đến trước năm 1985 lương anh còn lại đã gửi tiết kiệm được một trăm nghìn đồng, sau đổi tiền hạ xuống mười lần nên từ một trăm nghìn chỉ còn mười nghìn và cho đến bây giờ tổng cộng lại anh có năm mươi nghìn. Xếp theo hệ số mới lương cấp tướng cũng không dư dật bao nhiêu. Vì chi cho các khoản…

- Thôi… thôi… tính rắc rối quá. Cậu cho mình xin năm chục nghìn.

Trung tướng Hoàng Lương lại cần đến tiền! Tin ấy làm xôn xao cả đám nhân viên thuộc cơ quan Bộ quốc phòng và kèm theo bao nhiêu lời bình phẩm. Nhất định sẽ có điềm gì xảy ra. Đất nước rồi sẽ thay đổi tư duy hay một tai vạ nào sẽ đến. Không phải là tai vạ thì cũng là một chuyện buồn. Đám nhân viên nháy nhau để chứng minh lời phán đoán của họ là đúng, khi thấy cô văn thư cầm bức điện gửi Hoàng Lương: "Mẹ đã chết. Em về ngay!".

"Mẹ trung tướng Hoàng Lương đã chết" Cơ quan chính sách và các đầu mối liên quan bắt đầu hoạt động, thành lập ban tổ chức chuẩn bị xe cộ, hương hoa, lời điếu. Họ hỏi nhau. Cụ thọ bao nhiêu nhỉ. Có chắt hay chít rồi. Đã là hồng tang chưa? Bàn xem những ai đi dự đám tang. Phải đàng hoàng, đầy đủ các bộ phận, đại diện cho Bộ quốc phòng, Bộ tổng tham mưu. Khoảng mười sáu người tất cả, phải sử dụng bốn hoặc năm xe con, vì còn lái xe và một số đồng chí tranh thủ nhờ xe về thăm quê. Điện gửi Bộ chỉ huy quân sự Nghệ Tĩnh cho một xe đón ở ngã ba Diễn Châu cùng đi lên Đô Lương. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vì đây là đoàn cán bộ cao cấp. Ngày… giờ xuất phát. À có cần xe thông tin không? Thế nào cũng có một vài vị tướng cùng đi…
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 10:38:16 am »

                    Tiếp theo :

Nghe đồng chí phụ trách tổ chức báo cáo lại kế hoạch, Hoàng Lương hỏi:

- Như vậy là có khoảng trên ba mươi người về nhà tôi?

- Đúng. Phải đàng hoàng anh ạ.

- Sẽ mất hết đàng hoàng. Vì ô tô con không vào được xã tôi, phải đi bộ mười ki-lô-mét. Xem ra sĩ quan bộ ta từ cấp tá trở lên số đông bụng phệ, ì ạch lắm mà cuốc bộ thì…

- Hay là điện cho sư đoàn A đóng gần đó đến đắp đường.

- Ở quê tôi làm như thế không những họ chẳng cho đắp đường mà họ còn đào mộ mẹ tôi lên. Nhưng mà thôi, cảm ơn các đồng chí, đừng cử đoàn nào vào cả, tốn kém…

- Tốn kém cũng phải chịu chứ anh. Vì danh dự của quân đội. Anh Lương này, tôi nói thật với anh nhé. Anh xa rời cuộc sống nhiều quá, anh không hiểu đời thường.

- Đúng. Tôi không hiểu đời thường và chính đồng chí cũng không hiểu đời thường. Đồng chí báo lên trên giúp ý kiến tôi là đừng ai đi vào cả. Tôi sẽ bàn sau. Bây giờ tôi cần ra nhà bà con ngoài phố có chút việc riêng.

Hoàng Lương đến nhà người bác ở phố Hàng Bông. Ở đây bằng nguồn tin khác từ Bộ quốc phòng chuyển tới mọi người đã biết mẹ anh mất. Gặp người bà con làm giám đốc nhà máy thuốc lá Nghệ Tĩnh ra hợp đồng kinh tế đang chuẩn bị đi vào Hoàng Lương hỏi:

- Mấy giờ xe anh chạy?

- Độ một tiếng nữa. Chú cần gì không?

- Anh cho tôi đi nhờ về quê.

- Bộ quốc phòng không có xe à?

- Có, nhưng tôi không thích.

- Chú sẽ ra bằng cách nào?

- Chỗ anh không có xe nào ra à?

- Có, nhưng xe tải, ra để nhận vật liệu.

- Càng tốt, cho tôi ngồi ca-bin, êm gấp trăm lần xe tăng.

Người bà con nhìn anh, mỉm cười nói:

- Tướng gì mà giản dị thế!

Ông bác vốn tính khảng khái:

- Ước gì tướng lĩnh cả nước được như chú ấy thì quân và dân ta… được nhờ to.

Hoàng Lương cười buồn lắc đầu, rồi nói:

- Anh chờ tôi một tý, tôi gọi điện thoại về cơ quan.

Hoàng Lương gọi điện về gặp đồng chí thư ký riêng của anh hỏi tình hình. Đồng chí thư ký cho biết, ban tổ chức đang bàn chuyện nên mua vòng hoa ở đây, hay vào Đô Lương mua.

- Này, này, đồng chí nói giúp với ban tổ chức tôi đề nghị không một ai vào trong quê cả. Tôi đi một mình, tôi đại diện cho cơ quan là đủ rồi.

- Mấy giờ thủ trưởng đi để chuẩn bị xe?

- Không phải chuẩn bị xe, tôi đi nhờ.

- Ấy không được đâu. Phải có bảo vệ đi theo.

- Chẳng ai bảo vệ mình chặt chẽ bằng bà con mình. Tôi đi nhờ xe người anh em làm giám đốc nhà máy thuốc lá tỉnh nhà. Một giờ nữa xuất phát. Cậu nói giúp tiền mua hoa, tiền chi đám tang, giữ lại, sau này trợ cấp cho gia đình tôi.

Đồng chí thư ký khẽ cười. Nhớ đến chuyện quy định của chính phủ trợ cấp cho những bà mẹ có con đi B là mười tám đồng mỗi tháng, mà trung tướng chỉ dặn gửi mười bốn đồng… Chắc là trung tướng đùa, nên thư ký không báo cáo lại với tổ chức chuyện đó.

Về đến xã, thấy nhiều người đang vác gỗ đào hố giữa đường, giám đốc nhà máy thuốc lá xuống xe chào hỏi mời họ hút thuốc lá. Họ cho biết vừa có đám tang mẹ một trung tướng, nhiều quan khách từ tỉnh, huyện, trung ương tới dự nên lệnh của trên phải dỡ cọc rào đường. Đám tang xong rồi ta lại tiếp tục rào đường.

- Các ông để cho vài ngày nữa rồi hãy rào có được không?

Một người hỏi:

- Để xe ông lên chứ gì?

Giám đốc nhà máy thuốc lá nói đùa:

- Các ông có biết lâu nay các ông hút thuốc lá của ai không?

Vẫn người vừa hỏi lúc nãy trả lời:

- Chúng tôi biết ông là giám đốc nhà máy thuốc lá rồi. Nhưng hút cứ hút, mà rào đường cứ rào.

Hoàng Lương bước xuống, mọi người reo lên theo cách gọi riêng:

- À, bác Hoàng! À chú Lương. Thằng con trai tôi dạo trong chiến trường nó ở đơn vị bác đấy. Ai cũng thi nhau kể, con mình cháu mình, em mình ở đơn vị Hoàng Lương. Sau đó họ chuyển sang chuyện đám tang: Đông quá, vui quá, quả là hồng tang, cứ như ngày hội. Tiếc là chú về muộn.

Hoàng Lương bắt tay từng người cảm ơn, rồi nói với giám đốc nhà máy thuốc lá:

- Thôi anh em mình đi bộ. Phép vua thua lệ làng!

Đám người rào đường rộn lên: không đi bộ, cứ đi xe, chúng tôi chờ vài ngày nữa rào đường cũng được. Trung tướng sao lại đi bộ. Họ kéo cuốc xẻng lấp chiếc hố vừa đào.

Xe chuyển bánh, đám người rào đường đưa cuốc xẻng lên vẫy chào, trẻ con chạy theo sau reo hò, la hét, rất nhiều đứa chạy xuống ruộng vượt lên trước xe chắn đường, chổng đít vào xe vỗ vỗ cười phô hết cả hàm răng.

Giám đốc nhà máy thuốc lá vào thắp nén hương cắm lên bàn thờ vái cụ rồi ra về. Căn nhà lá lúc này hết sức vắng vẻ chỉ còn hai anh em. Chị dâu ra đồng còn các cháu đi làm theo công việc. Góc bàn thờ để mấy vòng rơm, gậy tre cho các con trai ruột chống và đội trong suốt thời gian đám tang. Hoàng Lương đưa mắt nhìn như muốn tìm, đâu là vòng xoăn dùng cho mình đội đầu, đâu là gậy dùng cho mình chống. Người anh cả hiểu ý đưa cho Hoàng Lương chiếc kim băng với mảnh vải đen: Chú cài vào áo bằng thứ này hợp hơn. Rồi giọng anh cả chậm rãi:

- Không ai biết mẹ chết rồi chú mới đi, kể cả chị dâu chú và các cháu. Sáng hôm sau anh báo tang và cho cháu đầu ra điện cho chú. Khách đông lắm, chưa có đám tang nào ở quê ta đông như thế. Bí thư tỉnh uỷ, huyện uỷ cũng vào khiêng quan tài. Họ đến vừa lúc đưa tang và từ nghĩa trang họ nói với anh những lời chia buồn rồi đi luôn, không ai trở lại nhà ta nữa. Tất cả đều yên ổn, tốn kém chẳng là bao. Dưới suối vàng chắc mẹ vui lòng lắm.

Hoàng Lương ngồi im, tâm hồn anh mang nỗi đau mất mẹ, và một nỗi đau cao hơn cứa sâu vào tim gan anh hơn, là không được sống như người dân bình thường, không được có mặt lúc phát tang mẹ và đưa tang mẹ, bởi một lý do anh là một trung tướng, một trung tướng trong sáng và quá nghèo. Một trung tướng lạc lõng giữa đời thường.
   CTL
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 01:34:04 pm »

                                       Đất ấm
                                       Tác giả :Đỗ Văn Nhâm

Chuyện của ông Phấn có lẽ gần với sự thật. Tôi lịm dần đi sau khi Lộc hy sinh, được chuyển ra tuyến ngoài, xa hẳn trung đoàn từ đấy. Bộ đội ta trụ lại. Đồi không tên nên Lộc được gói bọc cẩn thận, chưa kịp chuyển ra. Một ngày đêm bom pháo...
Mãi rồi cũng tìm được tảng đá có hình con gấu. Đồi không tên của tôi và Lộc đây rồi. Tôi bồi hồi đứng, một lúc mới nói được lời cảm ơn ông Phấn, người dẫn chúng tôi lên đúng chỗ cần tìm. Ông Phấn nhìn tôi, dường như có câu hỏi trong cái nhìn ấy. Tôi nói để ông yên tâm, công việc chúng tôi làm phải gượng nhẹ, và nếu làm hư hại cà-phê, chúng tôi xin bồi thường. ..

Không mấy chú ý đến lời hứa của tôi, ông Phấn gật đầu, quay đi, kiểu đi ban nãy, như tìm kiếm gì đó...

Đội quy tập đã dọn sạch cỏ rả đất cát chung quanh con gấu đá. Tôi đặt lễ, thắp hương rồi thầm thì gọi bạn.

Ba mươi năm trước trận hỗn chiến diễn ra ở đây. Và, Lộc bạn tôi vẫn còn nằm lại nơi này. Dấu tích quả bom lớn, nổ cách công sự ba chục bước chân làm chúng tôi ứa máu miệng ba ngày, giờ là một cái hố rộng, nông và um tùm cỏ dại.

Đơn vị cũ của tôi, Trung đoàn Thăng Long nổi tiếng, đã tìm kiếm đồng đội nhiều năm. Nhưng danh sách liệt sĩ chưa quy tập được còn dài lắm. Đôi khi bí bách, việc tìm Lộc chẳng hạn, trung đoàn cần đến những cựu chiến binh. Tôi xin nghỉ phép trở lại Ia Đ'răng chuyến này vì thế. Trước khi lên tàu, tôi đến thăm bà cụ Ngự, mẹ Lộc, cụ đổ bệnh đã lâu.

Có chú gấu đá làm vật chuẩn nên việc xác định khu vực đoạn chiến hào cũ khá thuận lợi. Đây là đoạn chiến hào Lộc đã sống những giây phút cuối tuyệt vời xứng danh một con người. Lúc đó tôi nằm bên kia hố bom, cũng trong một đoạn chiến hào cũ, cạnh xác anh trung đội trưởng còn ấm nóng. Súng hết đạn, chân tay bầm giập, không thể làm gì cứu bạn.

Một tuần bom đạn ngút trời, cả hai bên cùng bị thương vong. Nhưng giữ được Đồi không tên, án ngữ con đường đất đỏ dưới chân nó đến chiều hôm ấy, chúng tôi thắng.

Từ keo cuối cùng ấy chăng? Mệnh lệnh rút quân. Tưởng chuyện rời khỏi Đồi không tên, khi mặt trời đã lặn và sương mù đã dâng tràn thung lũng, sẽ tuyệt nhiên êm thấm. Nhưng mà không. Đài quan sát lần đầu khinh xuất.

Quá nửa trung đội đã lùi xuống chân dốc thì địch lên. Sáu chiếc xe tăng và bảy chục lính. Không hò hét, không pháo cối dọn đường mà lặng lẽ dàn trận. Rồi bất ngờ tăng tốc cuồn cuộn bùng lên như lũ quét.

Cà phê Đồi không tên bây giờ thật xanh. Mừng cho ông Phấn mà vẫn chạnh lòng. Ngày xưa máu đã đổ xuống thành từng vũng.

Cái hố hình chữ chi đang rộng dần, sâu dần. Lộc nằm đâu dưới đấy... Nhớ lại trận đánh cuối cùng cuộc đời chiến sĩ của mình, tôi vẫn cho rằng ngày ấy anh trung đội phó đừng dẫn tôi trở lại thì hơn. Để cứu nguy cho ba người, cuộc hỗn chiến không cân sức đã xảy ra. Mà rốt cục chỉ một tôi sống sót.

Đã khai quật hết đoạn chiến hào cũ. Lặng lẽ và kiên tâm, chúng tôi xem xét kỹ lưỡng từng xẻng đất. Rải rác ít vỏ đạn tiểu liên gỉ sét, mấy mẩu quai dép đúc, chiếc bàn chải ngày xưa cả tổ dùng chung... Những thứ gắn bó với tuổi hai mươi của tôi và Lộc. Và không còn gì khác.

Vùn vụt chiều buông. Sương mù giăng mắc mỗi lúc một dày. Gió hoàng hôn hun hút lạnh. Cả đội quy tập ngơ ngác buồn. Việc lớn chưa nên, bát cơm nóng hổi, thức ăn ngon ngọt của hòa bình đắng trong miệng.

Các chiến sĩ trẻ đốt một đống lửa lớn giữa lòng hố bom rồi bảo nhau thu xếp chỗ nằm. Tôi dựa lưng vào đụn cỏ khô nhìn vô định trời đêm. Nhớ vợ con và nghĩ về bà cụ Ngự giờ đang mòn mỏi tin con. Hồi còn khỏe, cụ và người con gái, em Lộc, đã vào Tây Nguyên. Đọc hết tập hồ sơ mộ chí của cơ quan chính sách. Đi hết mấy nghĩa trang. Sau Trung đoàn Thăng Long đánh một chiếc xe con, cử anh cán bộ trinh sát giỏi nhất hộ tống hai mẹ con cụ leo khắp mấy quả đồi nằm giữa lòng thung lũng Ia Đ'răng. Rồi chiếc xe đó tiễn cụ xuống tàu Thống Nhất trong hiu hắt và những lời hứa.

Tuần trước tôi cũng đã hứa.

Trời đêm rụng một vì sao.

Có tiếng bước chân nhè nhẹ. Đấy là ông Phấn. Ông ra mời chúng tôi vào nghỉ trong nhà ông. Một căn nhà nhỏ, xinh và chỉ một chiếc giường. Ông bảo, đêm ngoài trời sương gió nhiều, lạnh, chịu sao thấu! Tôi cảm ơn và thưa lại rằng chúng tôi hơn một chục người.

- Nhưng mà lạnh, ba bốn người một giường càng ấm. Còn thì cỏ khô... Nền sạch sẽ lắm.

- Thế thì phiền cho ông quá. Với lại, ông nhìn kìa... Bọn trẻ đã ngủ cả rồi.

- Vậy thì xin mời ông. Ông và tôi, dẫu sao cũng chẳng còn trẻ nữa.

- Cảm ơn ông! Ông về nghỉ đi. Thú thực, tôi không buồn ngủ, cũng không thể ngủ. Tôi muốn canh gác cho bọn trẻ và sống cùng quá khứ.

- Sống cùng quá khứ ư?

- Vâng.

- Nghĩa là...

- Tôi đã sống ở đây, lâu rồi... Đã từng uống nước dòng suối trước nhà ông. Đã chiến đấu nhiều ngày trên đồi.

- Cái đó thì tôi đoán được lúc ông nói về tảng đá. Tôi hiểu ông bây giờ trở về tìm bạn.

- Vâng... Đi tìm bạn tôi. Anh ấy là một anh hùng. Một chàng trai hai mươi tuổi, trẻ lắm, đẹp lắm!

- Dạ. Chiến tranh... cái thời chết trẻ bao nhiêu người!

Tuổi ngũ tuần trong lòng đầy gió. Lạnh, chưa hẳn do đất trời nên lạnh. Im ắng quá. Tôi chất thêm củi vào đống lửa. Ông Phấn đun nước, pha cà-phê. Ông bảo ông muốn thức cùng tôi.

Cà phê ngon thực.

Một lúc sau ông chủ trang trại rụt rè nói:

- Nè, ông... Ông thử coi lại xem, chuyện tìm kiếm ấy mà... có nhầm lẫn chi không. Mấy chục năm chứ ít đâu...

- Chính xác là ba chục năm dư mười bảy ngày. Ba chục năm... ông biết tôi biết, vật đổi sao dời nhiều lắm. Con đường đất đỏ ngày xưa chúng tôi chốt chặn, nay nắn thẳng sang bên kia đồi, thoáng rộng hẳn ra và được trải nhựa. Rồi cà-phê và cao-su. Cả thung lũng Ia Đ'răng cũng đã là một Ia Đ'răng khác. Ngổn ngang, nhộn nhịp, tươi xanh. Thị trấn mọc lên... Heo hút lùi xa. Khác, mà nhiều thứ vẫn không thể khác. Đồi không tên thành trang trại của ông. Nhưng con gấu đá còn đó. Bạn tôi cho nổ lựu đạn trên tay ngay đoạn chiến hào bên cạnh nó.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 01:35:49 pm »

                         Tiếp theo:

Ông Phấn không nói gì nữa. Tôi cũng im lặng.

Chưa đến 9 giờ tối mà đêm như đã khuya khoắt lắm. Lạnh, vừa đủ lạnh cho ông Phấn và tôi ngồi xích lại gần nhau. Sương gió và tĩnh lặng. Cỏ khô và ngọn lửa. Cà-phê và thuốc lá. Bây giờ thì thuốc lá và thi thoảng chiêu một hớp rượu nhỏ cùng khô mực. Tuổi tri thiên mệnh ngoái lại nhiều hơn là hướng tới. Tôi kể cho ông Phấn nghe chuyện tôi và Lộc lạc nhau giữa rừng sâu. Hai đứa đi gùi gạo. Vừa đi vừa trò chuyện suốt một quãng đường dài. Đi và nói, một lúc bỗng giật mình, phía sau rừng đêm vắng bặt tiếng người. Tôi đã lên chót đỉnh bời bời gió núi. Gọi nhỏ. Gọi to. Rồi gào ngỡ vỡ toang lồng ngực. Chỉ có tiếng nai nghẹn tắc dưới lòng thung. Buồn, lo và sợ hãi. Chả biết sương đêm hay nước mắt ướt nhòe tuổi hai mươi. Tôi bèn giương súng lên trời... Lời gọi bạn vạch một vòng cung đỏ và tiếng vọng thật dài. Tiếng giật mình hốt hoảng... "Cái gì thế?". "Thằng quỷ! Mày ở đâu?". "Tao đây... dưới này... ở dưới này...". Giọng Lộc khê nồng. Trời ơi, hắn ngủ! Vấp phải một cái gì đấy, cậu ta ngủ nghiêng vào sườn núi, tưởng nhân thể nghỉ chốc lát mà thiếp đi luôn. Mừng tức thở, bực đầy hông, tôi dò dẫm lần xuống, véo tai Lộc một cái thật lực, đau buốt lòng mình đến giờ.

- Chúng tôi đã tìm nhau như vậy đấy. Dùng cả tiểu liên mà gọi. Bây giờ thì chịu. Đại bác tầm xa cũng chịu. Ba thước đất hóa nghìn trùng.

Ông Phấn thở dài, vào nhà đem ra một giỏ hoa trái lớn, đặt lễ, thắp hương trên lưng con gấu đá, bảo:

- Tôi và ông cùng gọi ông Lộc. Thử coi... Với lại, cho lòng ông nhẹ nhõm.

Ông Phấn cúi đầu. Tôi âm thầm gọi bạn. Lộc ơi! Mình đây! Sáng mình nói dối. Đừng giận nhá. Đúng là mẹ ốm. ốm xoàng thôi. Cậu ở đâu? Mẹ đã lặn lội vào đây. Mẹ buồn lắm. Anh em trung đoàn cũng đi tìm mãi. ở đâu thì bảo. ở đâu thì báo. Lộc ơi! Lộc về cho mẹ khỏe...

Tôi rưng rưng đứng giữa đỉnh đồi. Đôi chân trần bồn chồn trên đất đai không có tiếng nói. Trời đêm im lặng trên đầu. Từ cõi lòng sâu thẳm bất chợt bật lên một câu hỏi:

- Ông Phấn này, khi làm đất, ông có san ủi chứ?

- Tôi thì không. Tôi mua lại của người ta. Nhưng nghe bảo hai máy ủi làm ròng rã một ngày đêm mới xong.

- Làm cả đêm?

- Dạ. Máy móc thì ít. Đất muốn vỡ thì nhiều. Cứ sôi lên...

- Đất đá dồn đi những đâu, ông biết không?

- Tôi không hay. Chắc là các tụ thủy, hố bom...

Đúng! Hố bom! Có thể là những hố bom. Đã hơn ba giờ sáng. Tôi gọi bọn trẻ dậy. Thêm mấy đống lửa nữa được đốt lên. Cuộc tìm kiếm tiếp tục, lần này giữa lòng hố bom gần khu vực con gấu đá.

Ông Phấn mổ gà, nấu một nồi cháo lớn.

Sườn đồi bên này sẽ là nơi làm việc sau cùng, nghĩa là vào ban đêm, trong mắt những người thợ, phía trước đầu máy lúc sáng lúc tối tất cả chỉ là đất đá cây cối, và hố bom gần nhất sẽ bị lấp đầu tiên. Một chút suy nghĩ tính toán đó hay hương hồn Lộc xui khiến chúng tôi đã bắt đầu đúng. Rạng sáng, hiển hiện bạn tôi. Một bọc ni-lông đã cứng quèo, rách nhiều chỗ, mấy chiếc áo mầu nâu, một lọ thủy tinh nhỏ đựng mẩu giấy ghi danh... Thời gian và bom đạn... Lộc còn lại những gì?

Đánh nhau được một chập, tôi bị thương. Trung đội trưởng bắn cháy chiếc xe tăng gần nhất, cõng tôi chạy dọc chiến hào một đoạn thì trúng đạn. Anh hộc lên một tiếng và đi rất nhanh. Những điểm xạ hai viên một "đặc điểm nhận dạng" của Lộc đã tắt nhiều giây. Cậu ta ở đâu? Đang trườn về phía tôi? Bị thương hay đã chết? Tôi căng mắt nhìn về hướng con gấu đá. Một lúc, giữa tơi bời lửa đạn sáng tối, thấp thoáng những bóng đen lao tới. Bấy giờ thì chúng hò hét. Một bóng người nghiêng ngả đứng lên, đứng thẳng, hai tay chầm chậm giơ lên. Lộc? Tôi chưa kịp nghĩ tới tình huống tồi tệ nhất, quả lựu đạn trên tay Lộc chớp lửa.

"Đôi bàn tay vốn dĩ không có tiếng nói đã ròn rã một lời quyết tử!". Tôi nói với các chiến sĩ trẻ. Và nhớ lại không phải một mình Lộc ngã xuống lúc đó, nên bảo anh em mở rộng lòng hố bom. Qua nhiều sỏi đá, cây cối mục nát một lúc sau thấy dấu vết một con người. ít ỏi lắm, nhưng đúng là một con người. Ông Phấn chú mục vào những con số trên mảnh inox cỡ bốn đốt ngón tay, và nấc nghẹn. Không - ba - bốn - một - bốn - năm, người mang số lính đó là bạn ông; ngày xưa anh ta ở phía bên kia.

Chúng tôi tắm rửa cho Lộc bằng dầu thơm và lòng tâm nguyện.

Tôi ngồi với Lộc được một lát thì ông Phấn đến. Lại có những câu hỏi trong đôi mắt ấy.

- Nè, ông - Ông Phấn bắt đầu - Nếu gặp lại một người lính đối địch, từng đấu lê với ông, giả dụ thế, ông làm chi?

- Làm gì nhỉ - Tôi cười - Mọi chuyện đã qua quá lâu rồi. Tôi cũng gặp lại khối người.

- Dạ. Chuyện đã qua... Không, tôi muốn nói... Lúc hai bên giương súng vào nhau?

- Ông biết tôi sẽ làm gì rồi, hỏi chi nữa, ông Phấn. Thú thực tôi bắn không tồi. Thậm chí thời lính mới còn được gọi đi chỉnh súng cho cả trung đoàn.

- Thiệt may mắn cho tôi. Hôm ấy tôi là một thằng lái xe tăng, nhưng còn ở khá xa.

Một thoáng bất ngờ nhẹ nhõm. Hai bàn tay chầm chậm xiết lại.

Một đại đội bộ binh và đại đội xe tăng của Phấn nhận lệnh đè bẹp Đồi không tên. Trên bản đồ hành binh tác chiến của gã thiếu tá, nó là một vòng tròn tối sẫm nhức nhối căm hờn. Đại đội của Phấn, quân viện binh mới được điều đến đã nghe lính tráng đồn nhau, trên Đồi không tên toàn những tay súng chính quy Bắc Việt thiện chiến. Phấn và Huỳnh cũng tính nước tháo lui. Chuẩn bị dàn trận, Phấn đánh pan máy, nháy Huỳnh lủi xuống gầm xe. Gã thiếu tá huơ súng ngắn quát ầm ĩ. Phấn giả đò kỳ cục sửa máy, toan tính lần lữa chạy sau cùng.

- Huỳnh là em họ tôi. Lại cùng sinh viên văn khoa Sài Gòn. Cùng trốn lính mà không thoát. "Khi lá cờ vàng ba sọc đỏ thôi bay. Đời lính tráng tan tành tro bụi". Thơ của Huỳnh đó. Còn câu nầy nữa: "Anh sẽ về cùng con tàu thật sớm. Giành lại em. Và tuyên án giữa ban mai". Huỳnh tính xử gã thiếu tá đó.

Ông Phấn đốt thuốc mù mịt, ho sặc sụa. Tôi rót cho ông tách trà nóng. Một giọng khàn đặc chắp nối một mảnh đời buồn.

Tiếng súng trên Đồi không tên thưa dần. Phấn cho xe bò lên. Phấn vẫn sợ gã thiếu tá. Phấn cũng sợ viên thiếu úy trưởng xe. Mới tới lưng đồi mà không thấy trước mặt đùng đùng một cuộc phản kích. Lại giả đò trục máy. Không nghe tiếng viên thiếu úy. Phấn bỏ xe, chạy. Tạm hoàn hồn Phấn mới hay chính viên thiếu úy trưởng xe dắt díu tay mình lùi vào một bụi rậm. "Một đại đội Việt Cộng bị diệt gọn!". Bọn chiến tranh tâm lý sư đoàn loan báo. Viên thiếu úy rỉ tai Phấn: "Tin vịt ấy. Việt Cộng đánh xong, rút ngay. Họ chỉ để lại một tiểu đội kiếm thương binh và những người chết.".

Chuyện của ông Phấn có lẽ gần với sự thật. Tôi lịm dần đi sau khi Lộc hy sinh, được chuyển ra tuyến ngoài, xa hẳn trung đoàn từ đấy. Bộ đội ta trụ lại. Đồi không tên nên Lộc được gói bọc cẩn thận, chưa kịp chuyển ra. Một ngày đêm bom pháo... Những cuộc chiến giành đi giật lại... Có ai hy sinh sau đó? Có, cũng đã về nghĩa trang. Hồ sơ liệt sĩ chưa quy tập trận này không còn ai, ngoài Lộc.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 01:37:46 pm »

                            Tiếp theo:

Ngẫm nghĩ tiếp, tôi nhận ra một điều cần làm rõ:

- Ông Phấn, em họ ông có thể là một người nhát gan, có thể không. Nhưng đã định đào tẩu, lại còn thơ nữa, thơ của một người thối chí, làm sao dám xông lên hòng bắt sống bạn tôi?

 - Vì thế nên nằm gần ông Lộc?

- Đúng!

- Tự Huỳnh không bao giờ hung hăng như thế. Tôi rành bụng dạ nó lắm. Có thể do gã thiếu tá thúc sau lưng. Có thể bị chết ở chỗ nào đó. Bom đạn tùm lum mà. Rồi máy ủi...

- Thôi, ta nói chuyện khác đi. Chuyện làm ăn chẳng hạn. Ông lên đây làm ăn thế nào?

- Chuyện dài lắm. Mà vẫn phải nhắc tới Huỳnh. Tôi nói gọn thế này. Trận ấy tôi thoát chết. Tưởng Huỳnh cũng trốn thoát, vì không nghe báo nó tử trận. Tôi lĩnh án đào binh lao công đến ngày giải phóng, về quê lấy vợ sinh con. Cuộc sống êm đềm. Không thấy Huỳnh về, tôi nghĩ nó phiêu dạt đâu đó. Nó vốn là một chàng lãng tử. Một năm, hai năm, rồi mười năm... Chú thím Tư lần lượt qua đời. Trước khi mất chú Tư ủy thác nó cho tôi. Đây là lần thứ hai. Lần đầu, lúc hai đứa bị bắt lính. Đâu đâu cũng gặp bộ đội mấy anh đi kiếm tìm liệt sĩ. Tôi chắc thằng Huỳnh chết rồi. Ai đi kiếm nó, những người như nó? Tôi đã hỏi những người cần hỏi. Mỗi người nói một khác. Cuối cùng tôi lên đây. Lại hỏi, lại kiếm tìm quanh Đồi không tên... Mệt mỏi, chưa biết tính sao thì gặp người muốn nhượng lại vườn đồi này. Lúc đó cà-phê mới trồng, ngó đã hay hay. Tôi đưa trước cho người ta một ít tiền, nhảy xe đò về quê bàn thêm với vợ. Cổ bảo, biết đâu được cả hai việc. Đúng, vợ chồng tôi mua, vừa thêm một chỗ làm ăn vừa tìm kiếm Huỳnh lúc rảnh. Gặp ông và mấy anh lên kiếm ông Lộc, bụng nghĩ ổng nằm trong vườn mình, tôi xắn tay cùng, với lại như vợ tôi nói, biết đâu đấy. Quả thực, tôi cũng đã xăm soi đào bới nhiều nơi. Không ngờ hôm nay mới gặp. Mừng, nhưng vẫn đau. To con như Huỳnh mà chỉ còn... như thế này.

Ông Phấn lại ho sặc sụa. Khuôn mặt, đôi mắt của một người hơn năm mươi nhìn thấy mặt trời, tối sầm. Tôi nói:

- Ông đừng buồn quá. Dù sao ông cũng đã làm trọn một lời ủy thác.

- Ông và mấy anh sẽ rước ông Lộc về nghĩa trang. Còn Huỳnh, người em xấu số của tôi...

- Ông tính sao?

- Tôi sẽ chọn một nơi thoáng đãng, sạch sẽ.

- Ông nói phải lắm. Chúng tôi có thể giúp được gì không?

- Cảm ơn ông nhiều. Tôi muốn ngồi lại với Huỳnh một lúc.

- Còn điều này nữa... Tôi buộc lòng phải nói. Nếu ngày xưa không phải em ông lao lên định bắt sống bạn tôi, thì là người khác. Lúc đó tôi nhìn không rõ lắm. Nhưng chắc không phải một người, Lộc dứt khoát không chịu một đổi một đâu. Các bạn của ông chắc vẫn còn ở đó. Xin ông lưu ý cho...

Mặt trời lên, tan sương, gió nhẹ, nắng ấm chan hòa thung lũng Ia Đ'răng. Chúng tôi đưa Lộc xuống chân đồi. Xe trung đoàn đến đón vừa đậu lại dưới đó.

Tôi vừa đi vừa nghĩ, phải báo tin cho bà cụ Ngự sớm nhất.
   ĐVN
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 02:02:01 pm »

                                        Trang bản thảo chép thuê                 
                                        Tác giả :Chu Lai
Cơn mưa đầu mùa bất thần ập xuống. Tổ trinh sát trùm vội tấm ni-lông lên đầu. Và họ sẽ cứ ngồi còng lưng suốt đêm như vậy nếu trận mưa không dứt. Để rồi sáng mai, họ lại phơi đầu chịu trọn một ngày nắng chói chang, không một tàu lá chở che…
Chưa có cái nắng nào gay gắt như nắng ở miền đất đỏ nơi đây. Da trời sau cơn mưa và rừng cao su sau kỳ thay lá mới, cùng mang màu xanh thắm cũng chẳng làm cho nắng dịu đi. Tiếng súng ì ầm từ đường ranh vọng về như càng làm cho màu nắng chói chang hơn.

Trưa hôm đó, một quân nhân cao lớn đang thả bước trên phố dẫn xuống chợ. Toàn bộ con người anh: từ cái mũ, vai áo, ống quần cho tới bao súng, chiếc xà-cột đều trát màu đỏ quạch. Đế giày của anh nặng chịch, thỉnh thoảng lại để rơi ra những lát đất, cánh tay phải bị thương đeo trước ngực. Bụi bặm và mệt nhọc. Anh có vẻ là một sĩ quan vừa bước ra khỏi trận đánh về đây. Có lẽ anh đang tìm kiếm ai, cặp mắt trũng sâu, hấp háy nắng cứ đảo hai bên hè đường ở cái thị trấn nhỏ gần biên giới này.

Đi quanh quất, lên xuống mãi rồi, mặt lộ vẻ vui mừng, anh dừng lại dưới một tấm biển màu xanh: "Photocopy".

Dưới nữa, cánh cửa sắt mắt cáo đang đóng im lìm. Nắng xế hắt lên những ô cửa han gỉ một vẻ buồn cũ, phong rêu như hàng năm nay không có bóng người qua lại, ra vào. Điều cảm nhận làm anh ngập ngừng… Bên kia đường, một cô gái mặc đồng phục thanh niên xung phong có cầu vai may bó khít trông thật nở nang, đang loay hoay tháo gỡ miếng tôn quăn queo, trên có hàng chữ bằng vôi trắng nguệch ngoạc: "Nhà đi vắng! Cám ơn". Anh qua đường.

Người sĩ quan dùng tay trái khéo léo giúp cô gái nhổ nốt chiếc đinh cuối cùng rồi bắt chuyện.

- Chị vừa ở trên "chốt" về?

- Sao anh biết? - Cô gái vui vẻ hỏi lại và hất mạnh mái tóc ngắn ra sau, để lộ khuôn mặt bầu bĩnh, rám nắng cùng đôi mắt lấp láy.

- Trông quần áo chị là biết à.

Cô gái cười thật giòn, cái cổ tròn trĩnh hơi ngoẹo sang bên:

- Đàn ông mà nhận xét tinh ghê! Thế còn anh? Chắc không phải vừa ở Sài Gòn lên chớ?

Anh cán bộ cười xòa. Thế là hai người quen nhau một cách khá dễ dàng, bởi lẽ họ đã cùng mang màu đất đỏ trên quân phục không bao giờ giặt sạch được nữa, và họ đã cùng "ở chốt".

- Chị chắc ở đại đội "nhõng nhẽo?".

- Sao cơ? Anh nói gì, tui nghe không hiểu? - Cô gái chúm môi cố nhịn cười.

- Chà! Lính của đơn vị nữ thanh niên xung phong duy nhất, đi đâu cũng chả lẫn được.

- Sao không lẫn được? - Cô gái hỏi lại.

- À, cứ to đùng… Không, cứ duyên dáng, dịu dàng như văn công quân giải phóng ấy.

- Anh cũng nhộn nhỉ?

- Nhộn vừa thôi. Sao? Nhà ai đi đâu mà chị tháo tấm biển của người ta?

- Nhà em đó anh - Cô thanh niên xung phong đã chuyển thành tiếng em thân mật hơn: - Phiền quá. Chả hiểu thầy mẹ em nghe ai mà đùng rầm sơ tán cả về Bình Long. Ông bả sợ mai mốt bọn phản động Cam-pu-chia thọc qua đây thiêu trụi sạch trơn. Thiệt rầu hết sức! Nghe tin, em giận quá trời, xin phép đơn vị về ngay. Thế là - Cô gái cười khúc khích - Thế là đâu lại vào đó. Ba cái thằng "Thổ" sức mấy hả anh?

- Ông bà già là dân công-tra hay sao mà gọi "thầy mẹ?".

- Thì bà con vùng này hầu hết gốc Bắc mà anh.

- Thế đâu cả rồi? Thầy mẹ chị ấy?

- Đi chặt tre về vót chông từ hồi mơi kia. Ủa! Đứng hoài đây ta. Anh vào nhà uống nước đã.

- Thôi, để lúc khác. Này chị, liệu cái tiệm Photocopy kia có nhận đánh máy thuê không?

- Em mới về không rõ. Nhưng trước vẫn có đấy. Nhà con nhỏ bạn em mà. Con bé đánh máy ngon lắm. Cứ gọi là như múa nhé! Hay là… Em thử sang hỏi xem. Nhưng thôi, con nhỏ lúc này kỳ lắm! A kìa! Họ mở rồi đó.

Có tiếng cửa sắt rít lên ken két. Người sĩ quan lau nhanh mồ hôi, tạm biệt người bạn mới quen, bước rảo qua đường.

Bên trong cánh cửa, căn phòng mờ mờ tối hiện ra với mùi dầu mùi mực in và mùi kim khí mốc thếch. Cái bàn in photo bụi bậm chiếm trọn một góc phòng. Chiếc máy chữ cỡ trung nằm lênh khênh trên chồng bìa giấy ngổn ngang làm người khách nhẹ người. Anh bước nhanh tới, suýt quên cả chào người đàn bà trạc tứ tuần đang lạ lẫm nhìn mình.

- Chào thím!

- Dạ! Có chi không chú? - Người đàn bà hỏi miễn cưỡng bằng cái giọng bắc rành rọt.

- Thưa không có chi. Tôi muốn hỏi nhà ta có nhận đánh máy không ạ?

- Chú muốn đánh máy?

- Dạ!

Bà ta đưa mắt nhìn chiếc máy chữ, thoáng lưỡng lự. Người khách mỉm cười giải thích:

- Tôi là phóng viên quân đội, vừa ở trận địa về. Thím đừng lo. Không phải tài liệu phi pháp gì đâu. Thím có thể xem…

Bà chủ nhà nhìn lấy lệ tấm thẻ nhà báo, vẻ mặt vẫn có chiều lo toan. Anh phóng viên nhìn vào khuôn mặt sắc sảo, có đôi vết tàn nhang và chắc cũng có một thời xuân sắc đó, hồi hộp chờ đợi. Hầu như cả cái thị trấn biên giới này, chỉ có độc một hiệu photo đây thôi.

- Có cần lắm không, chú?

- Dạ, cần! Rất cần! - Anh trả lời vội vàng và chợt nhìn thấy cái nón trên tay bà ta - Thím chắc… tính đi đâu?

- Đi chạy chợ kiếm tiền đong gạo chú ạ. Không sao. Chú đưa tôi xem thử.

Người đàn bà đón tập giấy nhàu nát trên tay anh, lật qua lật lại như đong, như cân.

- Nói thực với chú là máy hư lâu rồi.

Dáng chừng bà ta chê ít - anh nghĩ - Nhưng vẫn gặng hỏi:

- Chắc sửa được, thím?

- Chưa tìm được người, vả lại, đã lâu không có khách nên chưa tính sửa.

- Vậy… sao thím?

- Photo, chú có chịu không?

- Dạ chịu! Tay tôi đau không chép được.

- Trông chú có vẻ mất nhiều máu. Thế chú định in mấy bản?

- Chừng hai, ba gì đó, thím.

Bà cười:

- Ở đây chúng tôi chỉ nhận photo với số lượng lớn. ít quá khó làm mà tốn cho chú. Mực mắc lắm?

- Tốn là chừng bao nhiêu, thím.

- Chú chịu không nổi đâu. Vừa đổi tiền xong, dễ mấy ai đã có được tiền trăm. Lại là bộ đội mấy chú. Thấy chú đau tay, tôi cũng muốn làm nhưng… chú cảm phiền vậy - Bà ta cầm lấy nón.

Anh phóng viên thừ mặt, ngồi nán thêm chút nữa rồi cũng đành chặc lưỡi, đứng dậy. Cánh tay anh lúc ấy đột nhiên thấy nhức hơn. Bí thật! Sáng ngày mốt có người bạn ra ngoài đó, anh cần gửi gấp bài báo. Tòa soạn đang cần bài về biên giới. Vậy mà trong cả cái thị trấn biên giới heo hút này, anh không hề quen một ai để có thể nhờ chép hộ bản thảo cả. Và cũng sáng ngày mốt, anh phải trở lại "chốt" rồi. Còn nhiều việc dở dang ngoài đó. Hay cứ gửi bản nháp ra: càng không ổn! Bản thảo viết trên "chốt" lộn xộn, gạch xóa lèm nhèm, chữ nghĩa lụn vụn như củi que xếp lại, đến mình còn không đọc nổi nữa là mấy vị biên tập. Anh suy tính đắn đo.

Vừa lúc đó, ở nhà trong, bất chợt có tiếng dép thật nhẹ đi ra. Một cô gái khoảng mười chín, đôi mươi, dong dỏng cao, mặc bộ đồ hoa xanh nhã nhặn. Nước da trắng xanh và mái tóc buông xõa kiểu học trò. Ở cái xứ đất đỏ làm cao su, làm rẫy, cạo mủ này, một cô gái ăn mặc kiểu đó, dáng dấp và nước da ấy kể cũng hiếm. Khuôn mặt thanh thoát của cô ta gợi nhớ được cái nhan sắc thuở nào của người mẹ. Duy có đôi mắt sau cặp kính trắng là phảng phất điều gì như tư lự, không vui. Theo thói quen, anh phóng viên thầm nhận xét như vậy khi đế giày vải cộm đất của anh đã chạm vào bậc cửa.

- Cho cháu xem một chút được không, chú? - Cô gái nói, một giọng nói rất Nam Bộ cất lên khẽ khàng, có phần rụt rè. Anh phóng viên ngập ngừng quay lại, miễn cưỡng chìa tập bản thảo quăn quéo ra.

- Ít vậy viết tay được không chú?

- Viết tay?

- Dạ!

- Được!... được chứ! Nhưng… tốn công lắm.

- Để cháu coi - Mấy ngón tay nhỏ nhắn lật giở từng trang - hơn ba mươi trang… Được, chú à.

- Chữ tôi khó xem lắm.

Cô gái liếc mắt sơ qua trang giấy:

- Không khó lắm đâu chú.

Người mẹ đã ra đến đường, còn quay lại, nói hùn vào:
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 02:03:39 pm »

              Tiếp :


- Ừ! Phải đó. Con có rảnh chép đỡ cho chú. Đỡ buồn mà lại có tiền xài. Ấy, chữ em nó đẹp lắm, chú đừng lo! Đây! Đây! - Bà đi nhanh vào nhà trong lấy ra một quyển vở tập bìa xanh - Chữ em nó đấy. Được không chú?

- Má sao kỳ quá hà! - Cô gái khẽ nhíu lông mày trách mẹ, rồi giằng lấy quyển vở. Anh thoáng nhìn thấy những hàng chữ đều đặn, nghiêng nghiêng. Anh thấy vui hẳn lên.

- Không cần chép đẹp lắm. Rõ ràng, dễ xem là tốt rồi. Nếu có thể được, chiều mai tôi đến lấy. Còn phải tranh thủ soát lại rồi gửi đi. Liệu kịp không cô?

- Dạ, kịp! - Cô gái trả lời bình thản.

- Thế thì tuyệt quá! - Cám ơn! Cám ơn em… à, cháu nhiều lắm. Thế còn… còn… - Anh trở nên lúng túng trong lúc cô gái ý tứ cầm tập giấy lẳng lặng đi vào.

- Thế còn… còn… - Anh quay sang bà mẹ - Thím à! Thế này quả không phải, nhưng - Anh nói khô khan và lóng ngóng mở túi ngực - Tôi không có ý ngã giá, trả công… Nếu đánh máy được thì dễ, nó có giá chung rồi. Đằng này… thôi! Tôi còn hai chục đồng, thím cầm đưa cho cháu. Gọi là thù lao sức lao động.

Người mẹ vặn vẹo quai nón trong tay:

- Ấy! Rồi hẵng, để tôi hỏi cháu xem ý nó thế nào.

- Thôi, khỏi thím! Mẹ gật đầu là con cũng ưng mà (Thực ra anh ngượng đến chết nếu phải cò kè chuyện tiền nong với con gái. Các bà mẹ bao giờ cũng cụ thể hơn). Thím cứ cầm giùm. Nếu cô ấy kêu thiếu, tôi xin hoàn thêm. Gọi là đôi chút… - Anh thoắt nóng bừng mặt.

- Chà! Nắng ơi là nắng - Người mẹ nhìn ra đường làm ra vẻ thờ ơ khi cầm tiền nhét vào túi.

Ra tới đường, anh thở phào. Thế là ổn. Mẹ nói tiếng Bắc, con nói tiếng Nam nghe thật vui tai! Kể ra, nếu đánh máy chỉ mất khoảng bảy, tám đồng là cùng. Mà thôi! Chả nhằm nhè gì. Trên chốt có cái quái gì để tiêu tiền đâu. Ấy vậy mà ở đây, trong lúc tiền còn đang nằm cả ở bàn thu đổi, hai mươi đồng bạc hẳn cũng cần cho bữa ăn của gia đình này. Anh mỉm cười nhìn lên đỉnh dốc, một chiếc xe chở nước về trận địa đang ậm ạch bò lên. Nước trắng xóa trào cả xuống tốp bộ đội quân cảnh đang án ngữ tại ngã ba. Xa nữa, chìm trong ánh nắng rung rinh, một hàng dài công an biên phòng đang hành quân vào phía trảng dầu. Bụi đỏ cuộn lên phủ đầy đầu tóc các cô thanh niên xung phong đang cuốc bộ cùng chiều. Tiếng cười ré lên. Nhưng phía dưới chợ, trong dãy tiệm giải khát vẫn có nhiều người đang thong thả chiêu từng ngụm nước ngọt. Kỳ lạ thật, nơi đây chỉ cách trận địa non chục cây số mà cuộc sống vẫn êm ả, cách biệt như chẳng hề dính líu gì.

* * *

Hình như đã lâu lắm rồi, người trong phố dốc mới lại thấy căn phòng riêng của cô gái có ánh đèn.

Cô đang ngồi trên cái gác xép thật xinh, bày biện sơ sài. Trên tường còn in lại dấu vết ghim, gài của những tấm tranh, ảnh nhỏ to. Từ khung cửa sổ, hương sầu riêng thoang thoảng bay vào. Xa hơn chút nữa, nghe thấy cả tiếng vỏ trái su nứt nổ giòn khô.

Dưới ánh đèn bàn tỏa màu dìu dịu, xếp giấy trắng mới chỉ có một hàng chữ đậm nét, mềm mại ở trang đầu "Những người giữ chốt" - Đó là tên bài báo mà cô nhận chép trưa nay. Cô thôi không bần thần tô đi tô lại cái đầu đề nữa, mắt ngước lên. Sau cặp kính, cái nhìn của cô gái thẫn thờ? Có cái gì mờ mờ ảo ảo, không rõ hình thù đang trỗi dậy trong lòng cô…

Đúng! Lâu lắm rồi cô mới lại lên căn gác xép này, từ cái ngày ba của cô đi xa. Ánh đèn xanh, chiếc bàn hình bầu dục, chiếc đi-văng da màu trứng sáo, mái trần thấp có vết bò của rắn mối, giá sách ba ngăn ở góc phòng, mùi vị nồng thơm của giấy, của gỗ, của khoảng vườn dưới kia, tiếng động ban đêm… Tất, tất cả đều vô cùng quen thuộc đang thức dậy trong cô những năm tháng xa xưa… Ngày ấy cô còn chưa hiểu rõ ràng, nhưng thật luyến nhớ làm sao. Tuổi học trò yên ả của cô đã trôi qua ở căn gác này, trôi qua những bữa cơm sum họp thật vui. Lâu lâu, căn gác lại rung lên trong những tiếng nổ xa xôi để rồi lại tiếp chìm trong yên lặng. Một vài lần nghe bọn bạn kháo nhau có xác mấy ông "Việt Cộng" phơi ở dưới chợ, cô chỉ rùng mình và sau một giấc ngủ ngon, sáng ra, bầu trời lại thật đẹp! Ngày ấy hình như còn có cả tình yêu nữa. Anh con trai học trên cô hai lớp, tên Thanh, thông minh, khỏe mạnh, người vùng sông nước An Phú Đông… Đã có lần cô được xuôi thuyền trên dòng sông mênh mang ấy. Phải rồi! Thanh hay ngồi trên thành cửa sổ nói mãi không thôi về những chuyện hội thảo, xuống đường… Còn cô, cô vẫn ngồi ở ghế này, tai chẳng muốn nghe mà mắt vẫn nhìn lên. Thanh thật bướng bỉnh, chỉ ưa bàn chuyện học đường, chuyện hội họp. Giờ thì Thanh không còn nữa!...

Có lẽ khuya lắm rồi. Nhà ai, tiếng vót chông xào xạo, nhỏ dần. Nghe tiếng dao đưa ngọt, biết mũi chông đã nhọn lắm. Đã một đôi lần, cô chuyển bút xuống trang giấy. Nhưng ngòi bi tuồng như chạm vật cứng, nó không chịu lướt đi. Tập bản thảo hoen ố nước mưa và đất cát vẫn nằm im góc bàn. Những hàng chữ lụn vụn leo kín cả hai bên lề những trang giấy.

Ừ, lúc nhận chép, mình đâu có ngờ rơi vào tâm trạng này. Từ bữa đổi tiền đến giờ, má hay phàn nàn thiếu đủ này kia. Giúp má được đồng nào hay đồng đó, mình nghĩ vậy thôi. Vả lại mình cũng tò mò muốn biết "họ" viết lách thế nào. Từ ngày giải phóng tới giờ, mình đâu có sờ tới quyển sách mới nào đâu. Nếu như trước kia thì có bao giờ mình phải nhận cái việc "thuê mướn" ấy. Trước kia… Một nỗi chua xót dâng lên khiến cô cay cay sống mũi. Không bao giờ! Ngày ấy không bao giờ có cái cảnh này cả. Thỉnh thoảng tối thứ bảy, ba ở Sài Gòn về, mình cũng ngồi ở đây, bên khung cửa này, chép bản thảo cho ba. Và thế nào sáng mai, ba cũng thưởng cho một chầu đi Lái Thiêu… Sóng biển, xa lộ, cây trái đung đưa và những chiều trên đường về, da thịt đỏ sắc nắng… Bây giờ không có ba nữa. Ba ở đâu?... Ba có hay, má và con đang sống những ngày chờ đợi nôn nao, ba có hay con đang cắn bút trên trang bản thảo của người ta…

Bâng khuâng, cô cầm tập bản thảo nhoè ố dịch vào quầng sáng đèn. Những hàng chữ xiên xẹo lờ mờ hiện ra:

Cơn mưa đầu mùa bất thần ập xuống. Tổ trinh sát trùm vội tấm ni-lông lên đầu. Và họ sẽ cứ ngồi còng lưng suốt đêm như vậy nếu trận mưa không dứt. Để rồi sáng mai, họ lại phơi đầu chịu trọn một ngày nắng chói chang, không một tàu lá chở che…

Viết "thật" quá! Cô rời tập bản thảo. Chả làm sao tìm được những áng văn óng ả như của ba ngày xưa. "Họ" đang viết về cuộc sống ở "trên ấy" đây. Cũng tội cho chú ấy, mới dòm, tưởng là người lính bình thường. Ba ngày xưa khác cơ. Bao giờ cũng đi, về bằng xe riêng, quân phục chải chuốt… Cũng phải thôi, vất vả như "họ" lấy đâu ra văn hay! Tuy vậy, con mắt cô vẫn tò mò lướt qua trang giấy. Chữ với nghĩa cứ rối tinh lên:

Không ai bảo ai. Cục cơm vắt đều được nhét kín trong lần áo ngực để mai còn có thể nhai được mà giữ sức tuần này qua tuần khác… Mưa rổn rảng trên lá dầu. Mưa thấm ướt những lưng áo cả chục ngày nay không được giặt. Ôi chao! Thèm biết bao một mái nhà, một ánh lửa ấm cúng dưới kia. Cẩn thận nhé, đồng chí ơi! Chúng nó đang rình rập ở xung quanh. Ráng đừng để mắt díp lại…

Bất giác, cô khẽ rùng mình như chính những giọt mưa kia đang rơi xuống người. Cô co vai lại và chợt ngửi thấy mùi nắng thơm trên vải áo của mình… Họ thèm một mái nhà, một ánh lửa… Vườn sầu riêng, gác xép tuổi thơ này… Cũng thật tội! Thanh! Thanh nữa! Cô thấy buốt nhói trong ngực. Chắc Thanh cũng phải trải qua tất cả cảnh này. Tại sao Thanh lại đi? Đáng lẽ năm nay Thanh ra trường rồi. Không thể yêu nhau được nữa thì thôi, việc gì Thanh phải bỏ cuộc sống êm ấm mà đi như vậy? Cô gái thảng thốt như nhìn thấy cặp mắt to, trung thực và nghiêm nghị của người con trai đang ẩn hiện trước mắt.

Bình minh trên trảng dầu đến sớm như trên biển. Cây lá bỗng dưng ánh vàng lên, nhìn từ xa cứ ngỡ có một thành quách cổ xưa đang hiện ra nguy nga với những nàng công chúa sắp dạo gót trong rừng… Nhưng chỉ có những cô thanh niên xung phong đang bắt đầu một ngày rào lấp. Đông quá! Vui quá! Thật là trên lá dưới người. Tưởng như cả nước đang đến đây. Những cánh tay trần cùng với đất đá loang loáng trong nắng, những tấm lưng tròn con gái ướt đẫm mồ hôi và những tiếng cười ran lên đây đó.

Cô gái chớp chớp mắt, lắc đầu. "Mình không tin ngoài ấy lại vui đến thế". Cuộc sống này khó hiểu quá đi thôi. Lưng tròn con gái ướt đẫm mồ hôi… Con Lan có ở chỗ ấy không? Ngay cả nó nữa, đứa bạn gái thân nhất cũng nỡ bỏ mình ở lại mà đi thanh niên xung phong. Cô đưa tay khép bớt cửa sổ lại. Nó đang ở đây, ngay trước cửa nhà mình. Nó được về phép. Chiều qua nhìn thấy nó khoác ba-lô nhảy xuống xe, mình muốn chạy ù ra mà chân cứ như có ai trói lại. Mình mong ngóng nó sang chơi từng phút ấy, vậy mà tối qua nó sang,mình lại lảng ra vườn! Nhìn thấy vóc dáng mạnh mẽ, cái nhìn rừng rực của nó, mình không chịu nổi. Liệu nó có giận mình không? Lan ơi! Tao đang khổ sở vì cô đơn, khổ sở vì tập bản thảo này, mày có cách gì giúp tao được không? Hãy giúp tao hiểu được cuộc sống mà mày đang đam mê này nữa. Mày sang với tao đi!...
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 02:05:28 pm »

                   Tiếp


Xế chiều hôm sau, nhà báo trẻ lại đi xuống dốc, nét mặt tươi cười. Đêm qua anh ngủ được. Cánh tay đã bớt đau. Vết thương đang kéo da non. Với tâm trạng sảng khoái, anh mường tượng những ngón tay thon thả của cô gái đang lia bút những hàng cuối cùng. Chưa biết chừng cô bé dễ thương ấy đã viết xong từ trưa, đang ngoẹo cổ soát lại giùm mình. Cha! Cha! Chắc bản thảo sáng sủa phải biết!

Hết dốc. Anh dừng lại. Cánh cửa sắt mắt cáo vẫn im lìm vệt nắng phong rêu. Anh đưa tay bấm chuông.

Khuôn mặt người mẹ ló ra:

- Mời chú vào nhà.

- Xong chưa thím? Anh vui vẻ hỏi ngay.

- Để tôi hỏi cháu. Mai ơi! - Không tiếng trả lời - Mai!

Vẫn im lặng - Chú ngồi chơi uống miếng nước - Bà ta đi vào nhà trong.

Anh ngồi đợi, ngước mắt nhìn bâng quơ. Đỉnh đầu, chiếc móc quạt trần treo trơ trọi. Phía dưới, một chiếc tủ kính kiểu cổ có mạng nhện chăng. Một con chuột từ đó phóng qua chân anh rột rẹt… Nhà có vẻ nghèo?

Lát sau, người mẹ đi ra nói như xin lỗi:

- Cháu nó nói chưa viết xong chú ạ!

- Ấy chết!... Cô ấy hẹn chiều nay… Thế viết tới đâu rồi, thím?

- Cháu nó không nói.

- Ơ hay! - Anh sốt ruột đứng dậy - Thím gọi giùm cô ấy tôi hỏi một chút. Nếu còn ít, tôi đọc cho cô ấy chép luôn.

- Dạ!... Mai ơi! Mai!

Vẫn im lặng. Quái thật! Hay chữ nghĩa mình quá lỉnh kỉnh, cô ấy dò không được, ngại ra mắc cỡ? Hay tiền nong quá ít? Hay… thì cũng phải ra cho người ta hỏi một chút chứ - Anh thấy nhồn nhột ở sống lưng.

- Sáng mai chú lại vậy. Để tôi bảo cháu - Bà mẹ nói với giọng ngượng ngùng.

Anh cố giữ vẻ điềm tĩnh:

- Thôi cũng được. Sáng mai vậy. Chào thím.

Anh bước nhanh ra cửa. Tự nhiên anh thấy bực bội với chính mình. Cô ta tránh mặt: thật vô lý!

Đang cắm đầu đi, chợt có tiếng reo khẽ khiến anh giật mình, ngẩng lên: cô gái ở đại đội "nhõng nhẽo" đứng bên kia đường đang vẫy anh:

- Em đang soạn đồ để sáng mai quá giang xe về "chốt". Anh có cùng đi không? Hồi đêm nghe súng nổ nhiều, em chắc đang đánh lớn. Nôn ruột quá!

- Đi à? Có… à, tất nhiên là đi - Anh ậm ừ.

- Thế công việc xong chưa, anh?

Anh cười gượng gạo:

- Xin lỗi, cho phép hỏi gia đình cô bạn của… Cô tên gì nhỉ?

- Lan.

- Gia đình cô bạn của Lan thế nào?

- Sao anh?

- Tôi nhờ cô ấy viết hộ bản thảo mà lúc hẹn đến, lại tránh mặt không tiếp.

- Nó làm gì kỳ cục quá trời vậy? - Cô gái kêu lên - Để em chạy sang hỏi xem. Việc quân sự mà giỡn.

- Khoan! Cô ta là người thế nào, hả Lan?

- Được lắm anh à. Trước nó cùng học luật với em. Giải phóng về, nghỉ luôn. Mai bây giờ ở nhà làm vườn, thỉnh thoảng ra rẫy. Có việc thì đánh máy, in photo.

- Nhìn qua cách sống, cô ta có vẻ khó hiểu… như người cổ.

Nét mặt Lan chợt rầu rầu:

- Anh nói cũng đúng. Có lẽ Mai nó xa lánh xung quanh cũng một phần vì ba nó là thiếu tá tâm lý chiến đi học tập chưa về. Ông ngày trước làm văn, làm báo, viết cả quân sự nữa.

- Lan nói sao? - Anh phóng viên dừng ly nước đá trên môi, chăm chú.

- Dạ!...

- Ông già cô ấy là sĩ quan tâm lý chiến đang cải tạo à?

- Dạ!

- Có viết văn viết báo nữa?

- Dạ!

- Hèn chi…

- Sao anh?

- Không… không có sao.

Lắng đi một chút, anh phóng viên khẽ hỏi:

- Dạo này hai người còn chơi với nhau không?

Cặp mắt Lan sa sầm xuống:

- Ít lắm! Từ ngày thôi học tới giờ, Mai nó sống như cấm cung. Ngày xưa hai đứa em rất thân nhau. Từ ngày em đi thanh niên xung phong, nó lạnh nhạt hẳn đi. Mấy lần về phép em đều qua mà nó không cho em gặp. Ức ghê! - Cô gái tự nhiên rơm rớm nước mắt - Dạo này nó cũng buồn. Nghe đâu, cậu bạn trai của nó mới hy sinh gần đây. Nó càng cách biệt mọi người.

Anh phóng viên nhìn đăm chiêu sang ngôi nhà photo, hơi trầm giọng:

- Lan có định sang chào bạn sáng mai đi không?

- Có nên không anh? Sợ nó lại không chịu ra.

- Cứ sang, Lan ạ, chắc lúc này cô ấy cần có bạn. Nếu sang Lan nói giùm sáng mai tôi lại. Thôi, bản thảo cứ để đó, không cần phải chép nữa, Lan nhé!

- Dạ!

* * *

Lúc người phóng viên tới, ở nhà trong, Mai đã nghe thấy hết. Mai nhìn rõ cả vẻ mặt chú ấy thoáng bực bội. Mai muốn ra lắm mà hai chân cứ như bị dán cứng xuống đất. Ra, biết ăn nói gì với người ta? Đã trót không ra lúc đầu, sau làm sao còn dám gặp? Chắc chú ấy giận mình lắm. Mình có sai lời hứa bao giờ đâu. Ngày xưa, Thanh hay nói: "Em hỏi tại sao anh yêu em? Anh không biết. Nhưng có một điều em khác nhiều cô gái khác là em không biết nói dối". Thế mà bây giờ… Mình có muốn như vậy đâu. Nhưng mình không tài nào viết nổi nữa. Khuya hôm qua,mới chép được mấy trang mà đầu óc ê ẩm, cứ nghĩ đâu đâu. Cuối cùng lại gạch xóa nhiều hơn cả bản thảo của chú ấy. Biết nông nỗi này, từ chối phắt ngay từ đầu lại xong. Để bây giờ kẹt cả hai: lỡ việc chú ấy mà mình lắm điều khó xử.

Mai ăn quấy quá lưng chén cơm rồi lững thững đi lên gác. Cô nhăn mặt khi nhìn thấy tập giấy trắng. Oái oăm! Số phận trớ trêu sao! Con gái một viên sĩ quan tâm lý chiến Sài Gòn đang cải tạo, ngồi chép bản thảo thuê cho nhà báo Cách mạng. Đẹp chưa? Chưa nói người ấy hiểu ra sẽ khinh mình mà ngay chính mình cũng khinh mình.

Thôi! Sáng mai cứ đem trả quách cho chú ấy và nói dối bị đau bụng. Sượng mặt một lúc là cùng chứ gì. Nhưng còn… bài báo của người ta cần gửi đi bị lỡ chuyến? Vẻ mặt chú ấy chân thành quá. Người đầy bụi bặm, cánh tay bị thương… chú ấy vừa ở nơi nắng mưa chết chóc về đây. Ba ngày xưa đâu có đi vào những nơi ấy. Con mắt chú ấy đầy hy vọng khi mình nhận chép giùm bản thảo. Không! Không được đâu. Mình không lòng nào. Hay… cô mở rộng cánh cửa sổ và thoáng nghĩ tới Lan… Không! Làm thế hèn lắm. Khi nó sang chơi, mình lánh mặt, bây giờ thấy kẹt lại mò sang. Mà nó cũng không rảnh. Nghe nói sớm mai nó lại đi. Ngoài ấy, súng nổ suốt đêm. "Nắng, mưa, cơm vắt, những bộ quần áo cả tuần không được thay…". Trời ơi! Chỉ còn đêm nay nữa, biết tính sao đây?

Nào! Thử lần nữa coi. Bàn tay vô tình của cô gái lần giở những trang cuối. Vẫn những hàng chữ lụn vụn nối tiếp nhau…

Sau một đêm ngủ chập chờn, chúng tôi thức dậy. Chác! Chác! Đấy! Bọn phản động đang chào bình minh bằng mấy phát bắn tỉa vào đội hình trinh sát. Lại yên tĩnh. Trung đội trưởng Tâm đang ngơ ngác tìm cái gì ở dưới những lá dầu khô? Thấy anh lộ vẻ thất vọng, tôi cũng đứng dậy. Ấy! Có cái gì đang ngọ nguậy trong nách tôi. Tôi thò tay vào giật nảy mình. Một cái gì nóng hổi, đang phập phồng trong đó. Tôi nín thở lôi vật đó ra và chút nữa cười phá lên: một chú sóc màu hung đang giương đôi mắt lay láy và ngoáy tít râu ngỗ ngược nhìn tôi. Tâm lao tới, mắt toát ra vẻ âu yếm pha chút giận hờn:
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 02:09:37 pm »

                       Tiếp :


- Đây rồi! Cô mình đây rồi mà để tôi tìm hoài. Con gái đi ngủ lang không biết mắc cỡ ư? Con sóc cái đó anh.

Thế là bỗng dưng chúng tôi trở thành bạn thân. Tâm có đôi mắt màu xám tro, thăm thẳm và thâm trầm. Con mắt của người trinh sát nức tiếng dũng cảm trên toàn chiến lũy chốt chặn. Hôm qua, cũng đôi mắt tưởng như hơi quá nghiêm nghị ấy, tôi đã gặp anh khóc lúc đứng trước cái hố ngổn ngang gần trăm xác chết của bà con vừa bị bọn lính Cam-pu-chia giết bằng lưỡi cuốc.

Lúc này nhìn thấy thân hình nở nang và những động tác dẻo dai của Tâm đang đùa vui với con sóc nhỏ, tôi hỏi:

- Chắc ông là người vùng sông nước?

- Sông Sài Gòn anh ạ!

- Trước khi lên đây Tâm ở đâu?

- Tôi đi học.

- Năm thứ mấy rồi?

- Đang học năm thứ hai.

- …

Cô gái chợt lặng đi trong hơi thở bị dồn nén. Hàng chữ trước mắt cô nhảy nhót. Ai thế? Chú ấy viết về ai thế?... Đôi mắt thăm thẳm. Đôi mắt nghiêm nghị. Miền sông nước Sài Gòn. Một buổi nào Thanh đã đưa mình đi thuyền ở nơi ấy… Con sóc con ngỗ ngược ngoáy râu… Xưa kia Thanh cũng thường nuôi thú và hay tinh nghịch mang thú tới trường… Mang máng nhớ một tiết học, bà giáo già nghiệt ngã đang dõng dạc giảng về: "Những yếu tố thiết yếu để trở thành luật sư" thì, không hiểu Thanh dạy từ bao giờ, con vẹt nhảy thoắt lên bàn, hướng về phía bà giáo cất cái giọng trầm khàn: "Thanh ơi, có khách…"… Tâm! Thanh chứ. Sao lại là Tâm?

Bàn tay cô gái cũng run run mở trang kế tiếp. Hiện tại, quá khứ, thực và hư cứ dằng dịt hiện về trong đầu Mai.

Cái bữa Thanh từ biệt mình đi bộ đội, mình đã tỏ ra thờ ơ. Gia đình anh ấy đi theo cách mạng, anh có thể học tới đầu tới đũa, có đâu chịu lỡ dở như mình: "Phải rồi! Anh không muốn dây vào gia đình ngụy như tôi, anh bỏ đi chứ gì. Anh đâu còn yêu tôi. Anh muốn chạy trốn, nhưng việc gì mà phải đi đâu cho khổ". Mình còn nhớ, nghe nói thế, Thanh đã trừng mắt lên, con mắt thăm thẳm màu xám tro. Tưởng rằng Thanh sẽ quát lên. Nhưng không! Anh ấy chỉ thở dài và quay đi… Thế là xa nhau từ đấy. Khi nghe tin anh ấy hy sinh mình vừa buồn, vừa giận lại vừa thương… Thanh không yêu mình nữa. Thanh ích kỷ, Thanh chỉ nghĩ tới riêng mình. Mình việc gì mà phải sầu khổ cho nhiều.

… Ngay đêm hôm ấy, tiểu đoàn xuất kích. Gần sáng, họ trở về lấm láp và im lặng khác thường. Cả trung đoàn địch đã bị quét sạch ra khỏi đường ranh. Nhưng họ không vui. Trong ánh nắng trong vắt sau mưa, một chiếc G.M.C sơn màu xám biếc đang bon về phía sau. Trên xe, hai hàng vệ binh quân phục chỉnh tề, lưỡi lê lóa nắng đang uy nghi đưa Tâm, người lính trinh sát dũng cảm của họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Người con trai vùng sông nước ấy đã bắn tới trái đạn B.40 thứ mười hai vào giữa sào huyệt kẻ thù, tạo cửa mở cho cả đội hình tràn lên chiếm chốt. Một tù binh cấp tiểu đoàn tên Khơ Ron khai rằng: "Nếu bên các ông không có những trái đạn kinh khủng đó bắn tới thì chưa chắc chúng tôi đã bật ra. Và như thế, theo kế hoạch của Quân khu 23, ngày mai chúng tôi sẽ thọc xuống tận chợ, cách đường ranh 9 cây số đốt phá…".

Cô gái bàng hoàng. Những hàng chữ nhoè đi. Ngoài trời, mây đang vần vũ. Gió đánh tung cánh cửa số tràn vào. Mái tóc mềm cô gái bay tung. Tiếng trái sầu riêng nào đứt cuống, rơi mạnh xuống đất. Cô gái nhắm chặt mắt lại không muốn đọc nữa, cô sợ một điều gì đó ghê gớm hơn sẽ đến. Nhưng những dòng chữ đã không buông tha, cứ cuốn lấy cô.

"… Lúc Tâm chưa ngã xuống, có một đêm nằm gác giò lên nhau, tôi hỏi:

- Này! Ông đẹp trai thế, ở dưới ấy có người thương chưa?

Tâm cười lặng lẽ (một điều ít thấy ở anh):

- Kể ra cũng có. Nhưng chúng tôi xa nhau tính từ ngày tôi nhập ngũ. Cô ấy không hiểu tôi, nhưng tôi tin sớm muộn gì cô ta sẽ nhìn ra lẽ phải. Một cô gái tốt và thông minh. Tôi… tôi không quên được cô ấy…

Mắt nhức nhối, tôi nhìn theo chiếc xe đang đưa người đồng đội của tôi về nghĩa trang rợp mát lá su. Giữa hai hàng vệ binh, con sóc nhỏ nhảy lên thành xe ngơ ngác như đang tìm ai…".

Thanh ơi! Cô gái bật khóc nức nở.

* * *

Sau trận mưa đêm qua, không khí buổi sáng thật mát mẻ. Ngự trị lên tất cả cảnh vật là màu xanh thắm của da trời, của rừng cao-su bạt ngàn.

Xuống hết dốc, anh bước tới góc hè quen thuộc và nhà báo hơi sững lại.

Trước mặt anh, cánh cửa sắt mắt cáo mở ra từ lúc nào. Nắng theo đó ùa vào. Căn phòng đầy nắng và gió như thoáng đãng hơn. Trước cánh cửa rộng mở, cô gái đang đứng nhìn ra bằng đôi mắt mở to, nghiêm trang.

Anh thấy hình như cô phờ phạc xanh xao hơn. Người phóng viên cất giọng nhẹ nhàng:

- May quá, cô có nhà! Nếu có thể được, cô làm ơn cho tôi xin lại bản thảo. Tôi không còn thời gian nữa cô ạ! Mong cô cảm phiền.

- Dạ! - Cô gái đứng lặng nhìn anh một thoáng như muốn nói điều gì rồi nhẹ nhàng bước đi vào.

Anh phóng viên khẽ nhếch mép: kỳ quặc. Lẽ ra cô ấy cũng phải nói gì chứ? Có chép được hay không? Vẫn chỉ lặng lẽ thế! Thật khó hiểu. Không biết cái bản thảo khốn khổ của mình có còn nguyên vẹn hay lại bị gián nhấm, mạng nhện chăng mất rồi!

Có tiếng dép nhẹ đi ra:

- Thưa chú đây - Giọng cô thật ngoan.

- Cám ơn! - Anh lơ đãng đưa tay ra và định đứng dậy đi luôn. Nhưng… anh bỗng sững sờ: kẹp giữa những ngón tay thon thon của cô gái, tập giấy trắng bong có những hàng chữ nghiêng nghiêng quen thuộc hiện ra đẹp làm sao, và bên ngoài, tập bản thảo được bọc ngay ngắn bằng một tấm bìa xanh nõn chuối.

Anh nhìn lên: cô gái vẫn đứng đó, đôi mắt có quầng thâm đang đăm đắm nhìn anh như mới gặp lần đầu. Người phóng viên chợt lúng túng. Anh thấy ngợp trước ánh mắt vời vợi như chất chứa điều gì ấy.

- Thưa chú! - Cô gái lên tiếng đột ngột - Nhân vật Tâm trong truyện chú viết, tên thực là Thanh. Cháu biết anh ấy.

"Không phải đâu!" Anh phóng viên định kêu lên như thế. Thanh nào?... Rồi như một chớp loé, anh chợt hiểu. Thế rồi dù biết chắc Tâm không phải là Thanh, người phóng viên vẫn im lặng.

Vừa khi đó, một giọng cười khúc khích phá tan không khí lặng lẽ ấy:

- Đã hài lòng chưa, đồng chí nhà báo ơi!

Anh phóng viên ngẩng lên gật đầu chào cô thanh niên xung phong quân phục thẳng nếp, AK lên nước xanh biếc đang cùng với nắng ùa vào làm sáng rực căn phòng.

- Đúng tám giờ xe chạy. Em chờ anh ở cổng thị đội - Nói xong, Lan ngồi xuống trước bạn, mặt hồng hào tươi tắn - Mai! Tao đi đây. Tao viết thư về, mày phải trả lời đấy nhé.

Cô gái nhìn bạn khẽ mỉm cười, gật đầu.

Người phóng viên nhận thấy mình chẳng còn lý do gì nán lại đây nữa, anh chào cô gái rồi bước ra đường.

Một đoàn xe lam trên chất đầy những bàn chông đang nối nhau đi về phía đường ranh, vụt qua trước mặt anh.

Và, chính cái lúc những âm thanh biên giới cùng với nắng gió đang dồn dập tràn về, lan tới tận những ngóc ngách sâu nhất của cái thị trấn nhỏ bé này, anh chợt nhìn thấy tờ hai mươi đồng màu xanh nằm thẳng thắn giữa hàng chữ nghiêng nghiêng, khoảng giữa những trang bản thảo.
  CL
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 08:54:09 pm »

            CÂU CHUYỆN NGÀY CHỦ NHẬT

Truyện ngắn. VŨ CAO

Buổi trưa chủ nhật. Đồng chí đại đội trưởng ngồi chơi với bảy tám chiến sĩ trong buồng ngủ của một tiểu đội. Đủ thứ chuyện. Chuyện chiến thuật, chuyện xạ kích, chuyện chém tre đẵn gỗ trên ngàn, chuyện tình duyên dã ngoại, đủ cả. Nhưng chuyện quanh quẩn mãi cũng thưa dần. Có anh đã lẻn đi kiếm người tu-lơ-khơ. Bỗng đồng chí đại đội trưởng bảo:

- Không biết các đồng chí thế nào. Chứ tôi thì tôi hay nhớ đến những chuyện chiến đấu cũ lắm. Nhất là thời kỳ học chiến thuật này. Lắm lúc học cũng vất, buổi sáng chỉ chạy một tiếng là nắm xôi tiêu mất rồi! Nhưng nếu nghĩ đến những khi vào sống ra chết ở mặt trận trước kia, tôi thấy như mình được động viên. Trước kia đánh nhau thật là gay, thật là gian khổ, có phải không các đồng chí?

Biết đại đội trưởng là người hay chuyện, một chiến sĩ xen vào:

- Chắc đồng chí lại muốn kể một câu chuyện gì ly kỳ lắm chứ gì? Đồng chí kể đi! Phải chuyện gì thật ly kỳ vào! Mấy khi, chủ nhật!

Đại đội trưởng nhìn quanh như để dò ý tứ anh em:

- Chuyện thì nhiều. Bảy tám năm chiến đấu thì hàng nghìn câu chuyện. Ly kỳ cũng nhiều cái ly kỳ. Nhưng tôi muốn kể cho các đồng chí nghe một câu chuyện mà đại đội ta trước đây đã đóng những nhân vật chính. Những lúc rỗi như lúc này cũng nên ôn lại kỷ niệm của đại đội ta. Phải không các đồng chí? Nhất là các đồng chí đây nhiều người mới. Tôi là người cũ, tôi kể chuyện cũ nghe!

Những cái đầu tóc ngắn xích lại gần nhau. Đồng chí đại đội trưởng kéo xong hơi thuốc lào bắt đầu kể.

*

* *

Hôm ấy là 13 tháng 3 năm 1954.

Sau hai hôm đào trận địa, đơn vị đồng chí đại đội phó Hạ được lệnh mở mũi chủ công vào Him Lam.

Quả bộc phá đầu tiên nổ từ lúc trời còn sáng. Nhưng người này lên, người khác lên, đột phá khẩu vẫn chưa mở được. Xung kích vẫn nằm im dưới các giao thông hào. Đại đội phó Hạ nhìn đồng hồ: tám giờ ba mươi.

mấy cỗ trung liên vẫn rầm rập xả vào lô cốt tiền duyên. Đại bác nổ vỡ từng mảng trời trước mặt. Hạ nằm sát lại cây gỗ chắn ngang:

- Bắn thật mạnh vào, cố lên. Đơn vị bạn đã chiếm được đồi bên kia rồi. Chỉ còn chờ chúng ta nữa là đánh thắng trận mở màn của chiến dịch!

Hạ đã khản tiếng. Con người trắng trẻo hiền lành như một thư sinh ấy, lúc thường hễ ai hỏi chuyện vợ con là đỏ mặt, giờ đây biến thành một đồng chí chỉ huy vô cùng linh hoạt và dữ dội. Được đề bạt đại đội phó sau chỉnh quân chính trị, hôm nay trước tiểu đoàn, anh lại được nhận nhiệm vụ chủ công, anh rất lo. Lời căn dặn của đồng chí chính trị viên, mấy câu hát động viên của mấy đồng chí văn công lúc chiều, khiến anh nghe xúc động gai cả người. Làm thế nào để thắng thật nhanh lại ít thương tổn. Trong đầu anh chỉ nghĩ có vậy. Nhưng tình thế lúc này đã đến lúc quyết liệt. Mấy tổ lên đánh hàng rào thương vong gần hết, đã phải sử dụng đến bộc phá của đại đội bạn. Khẩu đại liên đã phải dội nước vào nòng bao nhiêu lần rồi. Trung liên thì có khẩu bị đại bác bắn tung đất vào miệng tắc không bắn được, chữa xong lại bắn, lại chữa. Mấy hỏa điểm của địch vẫn ào ạt bắn ra.

Hạ thấy ruột nóng bỏng. Anh bảo trung đội phó Trang nằm bên cạnh:

- Đồng chí phải bình tĩnh, đơn vị bộc phá của đồng chí dù còn một người, đồng chí cũng phải ở lại đây chỉ huy đến cùng.

Trang hổn hển:

- Nhưng còn ai nữa đâu mà chỉ huy!

Hạ nghiêm nghị:

- Sao lại không còn! Cán bộ lúc này không thể rút xuống dưới!

Trời vào khuya. Nhưng hỏa pháo của địch bắn lên có lúc trông rõ từng gốc cây chặt cụt lởm chởm trên xoải đồi. Đạn chéo nhau xạt xạt như dao chém. Trăm linh năm từ Độc Lập Bản Kéo đổ từng hồi vào trận địa ta. Hạ chưa từng thấy một trận hỏa lực nào bão táp như lần này. Anh nghĩ bụng: Bây giờ là phút quyết định, mình bảo Trang như vậy nhưng chính mình cũng phải hết sức bình tĩnh và sáng suốt.

Một quả đại bác tung hàng rổ đất lên người Hạ. Anh chớp chớp mắt. Miệng anh đã dính đầy đất, đắng nghét vì hơi đạn. Anh bảo Trang:

- Đồng chí nhớ chứ, gian khổ là thế mà ta kéo pháo vào lại kéo pháo ra được. Tất cả chỉ là để tiêu diệt toàn bộ Điện Biên...

Bỗng có tiếng bộc phá nổ, đất chuyển dưới ngực. Hạ hồi hộp nhìn lên. Một bóng người sập xuống như khúc cây đổ.

- Ai đấy?

- Báo cáo đại đội. Kỳ đây, C1 nó bắn dữ lắm. Tôi đánh ống bộc phá vừa rồi nhưng hàng rào vẫn còn đến bẩy thước nữa. Anh em thương vong còn nằm ở trên.

Hạ thấy nhói trong ngực. Bao nhiêu đồng chí hy sinh rồi mà vẫn còn bẩy thước hàng rào chưa phá! Bộ đội làm thế nào để xung phong? Anh chỉ muốn lao mình lên xem thế nào. Nhưng anh đang ở cương vị chỉ huy, bỏ anh em đi sao được? Anh nhìn sang Trang, khẽ lắc đầu. Anh tự hỏi: Cũng lạ, Trang là một cán bộ đã từng đánh Phủ Thông, Nghĩa Lộ, đã được khen ba lần, tại sao đến bây giờ lại đâm ra rút dát? Có phải vì tình hình bỗng trở nên gay go quá chăng?

Trang vẫn chúi mặt vào thân cây để tránh đạn, bỗng ngóc cổ bảo anh:

- Báo cáo đồng chí Hạ. Hai khẩu trung liên bị nó bắn gẫy mất chân...

Hạ gạt đi:

- Gẫy chân thì làm ra chân mà bắn!

Nói rồi, anh gọi liên lạc:

- Xuống báo cáo tiểu đoàn, cho ngay một tổ bộc phá, chọn những anh em tốt nhất, tất cả đảng viên càng tốt. Báo cáo là còn bẩy thước rào nữa, mau lên!

Thấy bộc phá của ta ngừng, địch bắn ra càng mạnh. Đại bác nổ sau chân, nổ trước mặt, nổ bên phải, nổ bên trái. Hạ bỗng có cái ý nghĩ tự hào: Tất cả Điện Biên đang ra sức bắn dồn vào chúng tao, nhưng gan chúng tao sẽ đương đầu với chúng mày, gan thi với lửa!

Năm phút sau, Hạ thấy tiểu đội phó Tấn bò lên, theo sau là bốn đồng chí.

Hạ vội vã:

- Tấn à? Mấy người tất cả?

Tấn đáp:

- Báo cáo, năm người tất cả. Tôi, Xoan, Nhân, Song và Diện. Đồng chí tiểu đoàn phó cho chúng tôi lên nhận lệnh đồng chí.

Hạ ghé tai hỏi:

- Chắc chắn cả chứ? Sao không lấy tất cả là đảng viên?

Tấn giọng kiên quyết:

- Tôi bảo đảm là tốt. Tiểu đoàn đã chọn chúng tôi làm một tổ, tôi phụ trách, tôi bảo đảm.

Thấy Tấn nói rắn rỏi, Hạ yên tâm. Hạ biết Tấn đã lâu. Tấn là một đảng viên được thử thách nhiều. Trước khi vào bộ đội, năm 51, Tấn chở thuyền vũ khí cho bộ đội ta ở Đông Triều. Bị giặc bắt tra tấn, Tấn không chịu xưng khai. Sau được tha, Tấn tòng quân, tỏ ra một chiến sĩ tích cực, đặc biệt có tinh thần thương yêu anh em. Trong tiểu đội, có đồng chí Đa bị ghẻ lở đầy người. Tấn hàng ngày nấu nước lá cho Đa tắm, nhờ đó Đa khỏi. Chuyện ấy được nêu lên thành một màn kịch sinh hoạt để anh em học tập. Trận Sốp Hào, ta bị lộ, một mình Tấn đã dũng cảm bò vào sát cột cờ, rồi dẫn cán bộ vào nghiên cứu tình hình cho bộ đội tấn công.

Hạ trao nhiệm vụ cho Tấn:

- Mũi của ta là mũi chính, đơn vị bạn chỉ còn chờ ta là giải quyết trận này. Đồng đội đã thương vong. Cậu là đảng viên, phụ trách phá cho xong bẩy thước hàng rào còn lại, quan sát kỹ lưỡng đột phá khẩu để bảo đảm cho bộ đội ta lên. Tôi tin ở cậu.

Thấy Hạ nói với mình như với một người em, Tấn cảm động lắm, chỉ đáp được một tiếng “rõ” rồi quay lại phổ biến nhiệm vụ cho toàn tổ nghe. Tấn bảo Nhân:

- Đồng chí Nhân lên bộc phá trước.

Nhân nổi tiếng trong đơn vị là dũng cảm, những cũng nổi tiếng là hay nói bừa. Nhân thường hay đùa bảo: “Thằng nào cứ hay nói miệt tao, ra trận thằng ấy sẽ biết!” Riêng Tấn thấy Nhân dù sao cũng là một chiến sĩ tốt, chỉ phải cái tội hay vạ mồm vạ miệng. Mà cái tội đó chẳng qua trước kia do Nhân nghèo khổ phải lang bạt kỳ hồ, lúc buôn nồi lúc buôn củi, ăn nói lỗ mãng quen đi. Lỗ mãng nhưng thẳng thắn, không xu nịnh ai. Riêng đại đội này, về mặt dũng cảm chiến đấu, mấy người ăn đứt được Nhân. Tấn vì thành thực mến Nhân, nên thường hay tâm sự với Nhân, cho nên Nhân chỉ sừng sổ với mọi người, chứ đối với Tấn thì lại dịu.                     
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM