Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:29:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Sơn thất hổ tướng  (Đọc 12271 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:37:35 pm »

Một hôm, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nam tuần đến Quy Nhơn. Nghe đồn chúa Nguyễn có con tuấn mã tên Xích Kỳ, Tuyết đợi đêm khuya lén vào hành cung bắt ngựa rồi lên yên chạy thẳng lên vùng An Khê. Trời vừa hửng sáng thì ngựa đã qua khỏi đèo Vĩnh Viễn. Con Xích Kỳ là cống vật của Cao Miên, chúa rất yêu quý. Ngựa bị mất trộm, Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bị tội chết. Nhờ Trương Phúc Loan ra sức cầu xin mới được miễn. Tuyên cho người đi tìm khắp Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nghĩa, nhưng không tìm ra bóng dáng. Khi xa giá chúa Nguyễn trở về Phú Xuân thì trong Dinh tuần phủ Quy Nhơn bỗng thấy hiện trên vách mấy chữ lớn: "Kẻ trộm ngựa Chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn". Tuyên xem thấy, hết hồn. Dặn tả hữu đừng tiết lộ, việc được im.

Tuyết sau khi theo thầy học thành tài, trở về Tuy Viễn, những mong cứu đồng bào ra khỏi ách chuyên chế của chúa Nguyễn, song không biết làm cách nào, đành ôm ấp mộng mà chờ người đồng khí đồng phương. Kịp khi nghe tin Tây Sơn vương chiêu mộ hào kiệt, Tuyết liền đem bộ hạ lên sơn trại đầu quân và rất được hoan nghênh.

Tại đây, Tuyết gặp lại Trần Thị Lan, cô cháu gái của sư phụ đang sống cùng với chị dưới trướng Bùi Thị Xuân. Họ cùng nhau kết duyên trăm năm.
Khi Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Tuyết được phong tả Đô đốc, cùng với Hữu Đô đốc Nguyễn Văn
Lộc tháp tùng Nguyễn Nhạc tấn công huyện Tuy Viễn. Chiếm được huyện lỵ, Nguyễn Văn Tuyết ở lại trấn giữ.

Khi Nguyễn Huệ ra Thuận Hóa rồi Thăng Long thì Nguyễn Văn Tuyết cũng đi theo và lập được nhiều công trạng. Sau khi bình định Thăng Long, Đô đốc Tuyết ở lại Bắc thành cùng với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân.
Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), ba đạo quân Mãn Thanh tiến vào Thăng Long, Tây Sơn tạm thời lui quân. Nguyễn Văn Tuyết cưỡiXích Kỳ về Phú Xuân báo cáo tình hình.

Ngày 25 tháng 11, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế. Nguyễn Văn Tuyết lãnh chức Đại Đô đốc cùng với Đại Đô đốc Nguyễn Văn Lộc thống lãnh đạo tả quân kiêm cả bộ binh lẫn thủy quân. Tuyết giữ nhiệm vụ kinh lược Hải Dương, ứng tiếp mặt Đông.

Ngày mồng bốn tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), đồng một loạt với các cánh quân khác, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã tấn công đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương. Trại giặc vỡ tan, quân lớp bị tiêu diệt, lớp bị đạp lên nhau mà chạy. Chạy một mạch thẳng về Tàu. Diệt xong giặc ngoại xâm, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân. Vua Quang Trung mất, ông cùng bà Bùi Thị Xuân phò vua Cảnh Thịnh lo việc trấn giữ kinh thành. Sau hai vợ chồng được cử ra gìn giữ Bắc thành.

Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ kéo đến Thăng Long. Liệu chống không nổi, Đại Đô đốc Tuyết cùng phu nhân đưa vua Bửu Hưng cùng cung quyến sang sông Nhị Hà, chạy lên vùng núi phía Bắc, có Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Văn Dung theo hộ giá. Đoàn ngự giá đến Xương Giang, bị quân Nguyễn bao vây. Hai ông bà Đại Đô đốc Tuyết phá được vòng vây phò xa giá chạy thoát được mươi dặm thì Lê Chất kéo quân kỵ mã đuổi theo kịp. Nhớ tình quen biết cũ, Nguyễn Văn Tuyết đã trao đổi với Lê Chất về nghĩa vua tôi, song Lê Chất vin vào thù cha mà khước từ. Không thể thuyết phục được, Nguyễn Văn Tuyết đành ra lệnh cho phu nhân phò xá vua Bửu Hưng chạy trước còn mình ở lại đánh nhau với Lê Chất.

Nguyễn Văn Tuyết với cây ngân côn tung hoành ngang dọc giữa lớp lớp quân nhà Nguyễn bao vây. Lê Chất đối với Văn Thuyết có phần thua kém, song nhờ binh đông tướng nhiều, nên càng kéo dài cuộc chiến đấu, Nguyễn Văn Tuyết càng tuyệt vọng.

Thình lình một viên đạn trúng vào chỗ ngực của Nguyễn Văn Tuyết. Con Xích Kỳ cũng liên tiếp bị thương.
Chủ tướng nhào xuống ngựa. Xích Kỳ cũng quỵ theo.
Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802).
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:38:23 pm »

5 - Lê Văn Hưng
   
Lê Văn Hưng người thôn Kiên Dõng, huyện Bình Khê (Tây Sơn), cách thôn Kiên Mỹ một thôn (Thuận Nghĩa).

Là một võ sĩ có sức mạnh và sở trường về môn đánh côn (hay gọi là roi trường). Thuật đánh roi của ông Hưng rất mãnh liệt. Khi đánh ra một đòn, hàng trăm người không đỡ nổi. Binh khí đụng đến đường roi, lớp văng lớp gãy. Người thì bị bươu đầu, gãy tay. Môn đánh đòn giải vây này được truyền từ ông cố họ Lê. Tại Bình Định sau này còn lại một truyền nhân có thể sử dụng đòn roi giải vây này của họ Lê là ông Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền. Tính đến đời ông Hồ Ngạnh là tám đời.

Tại An Nhơn cũng có một tay roi xuất sắc, đó là ông Khách Bút và truyền nhân là ông Hương mục Ngạc. Song, thế roi của ông Khách Bút là lối đánh song đấu, nghệ thuật cao, tay roi lẹ. Còn thế roi họ Lê dùng sức mạnh đánh với đông người. Một lần ra đòn, hàng chục mạng người mang thương tích.

Vốn là một thanh niên sức mạnh, giỏi võ nhưng thiếu học, tánh khí lại ngang tàng, nên Lê Văn Hưng sớm trở thành một người sống ngoài vòng pháp luật. Tuy sống bằng nghề cướp bóc, nhưng Hưng vẫn được nhân dân địa phương quý mến, bởi vì ông và thuộc hạ không bao giờ khuấy phá đồng bào trong vùng. Thuộc hạ có đến vài mươi, song chưa hề có lời than vãn về hành tung của nhân dân trong huyện Tuy Viễn. Vì Hưng và thuộc hạ chỉ đi "làm ăn" ở khác huyện hoặc khác tỉnh.

Là người có mưu lược nên việc nghiên cứu thăm dò hiện trường khi đã hoàn toàn vừa ý, Hưng mới khởi xướng "xuất hành". Trong đám cướp, Hưng luôn luôn là tay roi cản hậu...

Một hôm, Hưng tổ chức một vụ cướp lớn ở Phú Yên, khổ chủ giàu có lại biết võ nghệ và trong nhà gia nhân và lực điền đều có rèn luyện võ nghệ. Việc cướp diễn ra như ý muốn. Sau khi khống chế được gia chủ, gia nhân cùng trai tráng và chủ nhân đuổi theo bọn cướp. Gặp nhau ở giữa đồng. Hưng ở lại sau, bị 30 người bao vây. Đánh ngang ngọn roi, Hưng tạo thành một vòng tròn, càng lúc càng rộng ra. Rồi sử dụng thế roi "toàn phong tảo diệp", Hưng đánh văng roi một số đông trai tráng. Ỷ mình có "đôi miếng trong mình", nên khổ chủ vừa lăn vào đánh vừa đôn đốc một số còn lại nhào vô. Hưng nương tay đã nhiều lần, nhưng đối phương vẫn liều mạng bám sát. Trời gần sáng mà trận chiến vẫn chưa giải quyết xong, Hưng đành phải dùng tận lực đánh dữ dội để rút theo đồng bọn. Cuối cùng, khổ chủ trúng một roi, hộc máu chết tươi.
Trong các vụ cướp trước đây, quan nha ít lưu tâm, nhưng vụ cướp lần này gây ra án mạng, nên chánh quyền không thể bỏ qua. Biết thủ phạm là Hưng, Tuần phủ Phú Yên hợp lực cùng Tuần Phủ Quy Nhơn cho truy nã gắt gao. Hưng đành bỏ nhà trốn vào rừng. Nhân Tây Sơn vương mộ binh, Hưng bèn đến ghi danh nhập ngũ. Trong khi tập luyện, ông đã gây chú ý cho các viên tướng chỉ huy như biểu diễn thuật cưỡi ngựa không yên cương, lên xuống ngựa đang chạy nhanh, nhất là môn bắn cung trên mình ngựa. Do đó chức vụ trong quân đội mỗi ngày một thăng và cuối cùng ông trở thành võ tướng phụ trách huấn luyện kỹ thuật đánh roi cho nghĩa binh.

Năm 1773, Nguyễn Nhạc xưng vương, Lê Văn Hưng được phong Đề đốc theo Đô đốc Trần Quang Diệu và Đô đốc Võ Văn Dũng kéo quân ra chiếm huyện Lỵ Bồng Sơn và Phù Ly, rồi cùng tiến đánh thành Quy Nhơn.
Mùa Đông năm ấy, Đề đốc Hưng theo Chinh nam Đại tướng quân Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú, Diên, Bình. Sau khi đại thắng, Lê Văn Hưng được cử trấn thủ đất Diên Khánh.

Mùa thu năm Giáp Ngọ (1774), viên Lưu thủ đất Long Hồ trong Nam là Tống Phước Hiệp cử đại binh ra đánh Tây Sơn.

Quân nhà Nguyễn đánh chiếm Bình Thuận, rồi tiến ra Diên Khánh. Trấn thủ Lê Văn Hưng đem binh cự địch. Sau nhận thấy địch quân đông và có trọng pháo yểm trợ, liệu không thắng nổi, bèn bỏ thành trống, rút toàn lực lượng về Phú Yên, hợp cùng Nguyễn Văn Lộc chống địch.

Quy Nhơn được cấp báo, Nguyễn Huệ kéo quân giải vây. Hai bên liên lạc với nhau, cùng hợp lực công kích hai đầu, đánh tan thủy, bộ binh của Tống Phước Hiệp. Tống bỏ chạy về Gia Định. Lê Văn Hưng lại trở vào trấn thủ Diên Khánh.

Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Sài Côn, rồi sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận. Từ khi Lý Tài làm phản, Bình Thuận giao cho Lê Văn Hưng kiêm nhiệm trấn thủ, nên bị mất dễ dàng. Nhưng khi ra đến Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chận đánh, phải thối lui vào Bình Thuận. Lê Văn Hưng truy kích, đánh cho một trận tơi bời. Lê Văn Quân kéo tàn quân chạy về Gia Định, từ ấy quân Nguyễn rất sợ Lê Văn Hưng và Nguyễn Phúc Ánh gọi Hưng là Lê Vô Địch.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:39:33 pm »

Cuối năm Canh Tý (1780), Nguyễn Phúc Ánh xưng vương, năm sau (1781) cử binh đánh Diên Khánh. Tôn Thất Dụ kéo binh từ Bình Thuận ra đến Diên Khánh, chưa kịp hạ trại đóng quân thì bị Lê Văn Hưng cho đoàn voi chiến xông trận. Đoàn voi này do bà Bùi Thị Xuân huấn luyện, rồi tăng phái cho Lê Văn Hưng một đội thiện chiến để phòng bị mặt Nam. Quân nhà Nguyễn vốn đã sợ uy danh Lê Văn Hưng, nay lại thấy đoàn voi dũng mãnh ào ạt tiến đến dày xéo, nên khiếp đảm rùng rùng bỏ chạy. Quân nhà Nguyễn chưa đánh đã tan.

Đầu năm Quý Mão (1783), Nguyễn Phúc Ánh lại trở về Gia Định tổ chức quân ngũ, sai người sang Xiêm cầu viện. Nghe được tin này Nguyễn Nhạc sai Lê Văn Hưng tháp tùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Trương Văn Đa vào đánh Gia Định.

Thủy binh Tây Sơn đến cửa Cần Giờ, đợi lúc thủy triều dâng, gió từ biển thổi mạnh vào đất. Tiền quân Châu Văn Tiếp dùng hỏa công chống trả song thất bại tại đồn thủy binh Dác Ngư. Tướng trấn giữ là Tôn Thất Mậu đem quân ra giao chiến, song chỉ một vài hiệp liền bị Lê Văn Hưng giết chết. Nguyễn Phúc Ánh bỏ Gia Định chạy về Ba Giồng. Qua đến tháng 4 hai bên đánh nhau tại Đông Tuyên (Kiến An, Định Tường). Quân Nguyễn vừa thấy quân Tây Sơn hùng hổ kéo đến thì đã muốn chạy trốn. Do đó mới vừa giáp trận thì binh liền tan rã. Lê Văn Hưng tả xông hữu đột, bắt sống được tướng Nguyễn Huỳnh Đức lập công đầu. Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú Quốc. Lê Văn Hưng theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.

Sau khi vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh, Lê Văn Hưng được triệu về Phú Xuân.

Năm Giáp Dần (1794), vua Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng vào đánh Phú Yên. Lê Văn Hưng kéo đến đèo Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy.

Nguyễn Quang Huy người Phú Yên, thiện dụng cây móc câu bạc, gọi là ngân câu, thường ưa cưỡi ngựa bạch. Quân sĩ thường gọi là Bạch mã Ngân câu Tướng quân. Huy đã có sức mạnh lại tinh thông võ nghệ, giỏi binh pháp, được vua Thái Đức ái trọng, phong chức phòng ngự sử cho vào trấn Bình Thuận.

Tháng 3 năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Quang Huy bị đại binh Tôn Thất Hội tấn công. Ít quân, cô thế, Quang Huy phải rút quân về Phú Yên, chiếm cứ một vùng hiểm yếu trong dãy Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội. Khi gặp được nhau, hai bên vui mừng vì tình bạn cũ, vì có người tài giỏi giúp sức, nên đã đánh chiếm Phú Yên được dễ dàng. Lê Văn Hưng để Nguyễn Quang Huy ở lại trấn thủ Phú Yên, kéo quân về Phú Xuân.

Tại Phú Xuân, thái sư Bùi Đắc Tuyên dựa vào sự tin cẩn của Cảnh Thịnh, quyền thế của Bùi Thái Hậu, nên càng ngày càng lộng hành.

Lê Văn Hưng vì người đồng châu, tánh tình thật thà, bảo sao nghe vậy. Hưng vốn không có học, chỉ giỏi việc đánh nhau, không thích bàn chuyện triều chính, nên được Bùi Đắc Tuyên trọng dụng.

Nguyên Lê Văn Hưng lúc còn trẻ, chưa đi làm ăn cướp, có ở nhờ nhà họ Dương trong thôn. Hưng giao tình với người tớ gái của chủ nhà tên là Ngọc Bích. Hưng tặng cho Ngọc một chiếc nhẫn vàng hẹn năm năm sau đến cưới, song mải mưu đồ sự nghiệp nên Hưng lỗi hẹn. Chờ đến ngày hẹn mà không thấy tình lang, Ngọc Bích nhịn ăn mà chết.

Trong trong thời gian trấn thủ Diên Khánh, Hưng thường nhớ đến tình xưa. Có kẻ giỏi thuật thần tiên chiêu hồn Ngọc Bích lên. Hồn hẹn cùng Hưng rằng 13 năm sau sẽ đến hầu khăn túi.

Về Phú Xuân, Lê Văn Hưng được Bùi Đắc Tuyên trọng dụng. Một hôm trong buổi lễ mừng sinh nhật của Hưng, một thương gia giàu có tại Phú Xuân đem đến mừng một ca cơ hiệu Ngọc Bích. Hưng cho là một chuyện hy hữu, vì chẳng những tên trùng mà dung nhan cũng phảng phất người tình cũ nhà họ Dương. Hưng cầm tay vuốt ve thì trông thấy nơi ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái có vết hằn sâu như vết một chiếc nhẫn. Do đó tình thương yêu càng nồng đắm.

Tính tình của Lê Văn Hưng rất trung thực, nên dù được thái sư Bùi Đắc Tuyên biệt đãi song càng ngày Hưng càng thấy rõ Tuyên là một kẻ đại gian thì có thái độ phản đối mạnh.

Bùi Đắc Tuyên nhận thấy Lê Văn Hưng không còn là con bù nhìn để mình khuynh loát, sai khiến nữa, nên tìm cách xúc xiểm vua Cảnh Thịnh trừ đi.

Nhân Lê Văn Hưng sau khi thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang Huy trấn thủ, rút quân về Phú Xuân. Tuyên khép tội Hưng là không thỉnh mệnh trước, cấu kết nha trão hầu mong làm vây cánh, có ý muốn tạo phản, tâu vua chém đầu răn chúng. Vua Cảnh Thịnh nghe lời chuẩn tấu. Lê Văn Hưng ung dung nhận lấy cái chết.

Sự việc này đã dẫn đến việc Võ Văn Dũng từ Bắc Hà về Phú Xuân bắt giết cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở.

Nội tình nhà Tây sơn đang rối ren lại càng mau tan rã.

Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:40:28 pm »

6 - Lý Văn Bưu
   
Lý Văn Bưu còn gọi là Mưu, người làng Đại Khoang, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nhà giàu, nổi danh từ
thuở niên thiếu.

Vùng Đại Khoang là một vùng rộng lớn, người thưa giáp ranh với vùng Thuận Truyền, Thuận Hạnh, huyện Tây Sơn, cũng đất rộng người thưa. Vùng này gò đống kéo dài, cây dại gai gốc mọc đầy, chen lẫn với chà là, sim, ổi, nên rất thích hợp với việc săn bắn và nuôi bò, ngựa. Vì vậy, gia đình ông Lý Văn Bưu chuyên về việc chăn nuôi ngựa. Ngựa của họ Lý bán khắp nơi, kể cả tỉnh Phú Yên, Quảng Nghĩa.

Nhà giàu có, buôn bán rộng rãi, nhất là ở trong một vùng xa xôi hẻo lánh, nên để đề phòng trộm cướp, nhà nuôi nhiều thanh niên và thầy dạy võ. Cho nên Lý Văn Bưu được rèn luyện võ nghệ từ thuở ấu thơ. Ngoài võ nghệ ông còn chuyên về cưỡi ngựa và huấn luyện ngựa. Phần đông ngựa của ông nuôi đều chọn giống rất kỹ lưỡng và nuôi dưỡng rất công phu. Thượng khách ở các tỉnh xa thường đến mua ngựa phải đặt hàng trước hàng năm. Tài nuôi ngựa chiến của gia đình họ Lý được truyền từ đời ông cao tổ. Nhờ ở kinh nghiệm, tài thiên tư và địa thế thuận tiện như đất đai rộng, có gò, có cây lớn cây con mọc chen nhau từng vùng từng đám, có suối, có hồ, nên rất thích hợp cho bầy ngựa chiến trở thành tuấn mã.

Các tay hào kiệt đến với ông rất nhiều, một phần vì mến tài đức, võ nghệ, một phần vì ngựa tốt. Nhìn tướng mạo, tầm vóc, tính nết của khách hàng, ông đã chọn cho khách được con tuấn mã vừa ý. Người nho nhã phong lưu thì thích ngựa có nước kiệu êm. Kẻ tính tình năng động thì ưa ngựa có nước phi thần tốc... Có người thích ngựa thiên lý để ngày đi trăm dặm mà ngựa không đổ mồ hôi. Lại có những người mua được ngựa hay, xong chưa thuần phục, hay dở chứng hung hăng ép chủ vô rào, không chạy theo lệnh của chủ... Đều được đem đến nhờ ông thuần hóa, huấn luyện thành ngựa hay. Quả nhiên, chỉ trong vòng một tuần lễ thì Lý Văn Bưu đã thuần phục một con tuấn mã. Còn có đôi khi ông cũng là người mua lại ngựa của bọn trộm ngựa ở phương xa đem đến với điều kiện ngựa phải là ngựa tốt, ngựa hay. Một đôi khi chủ ngựa bị mất trộm đến "trường ngựa" của ông xin chuộc lại. Bao giờ ông cũng vui vẻ nhượng lại, sau khi biết rõ đó là chủ cũ của con tuấn mã và là một trang hảo hán anh hùng. Với bọn hào trọc phú hay là bọn bất lương thì ông cho chuộc lại với giá gấp đôi. Có đôi khi xảy ra kiện tụng, song nhờ vào uy tín, giàu có, với một trường ngựa hàng ngàn con thì sự thua kiện của ông chưa khi nào xảy ra.

Võ Văn Dũng năm 20 tuổi cũng đã từng đến trường ngựa này cùng với bạn lái buôn, mua ngựa đem vào Phú Yên bán và chuyện gặp gỡ lão sư họ Trương xảy đến.

Tiếng tăm của họ Lý vang xa, bà Bùi Thị Xuân thường hay đi săn vùng Thuận Ninh đã tìm đến kết bạn. Chẳng bao lâu, họ đã trở nên đôi bạn tâm đắc. Bà Bùi đã học được họ Lý cách nuôi và huấn luyện ngựa chiến. Từ phương pháp huấn luyện ngựa, bà Bùi Thị Xuân đã áp dụng vào việc huấn luyện voi. Đồng thời, bà Bùi đã tiến cử Lý Văn Bưu lên Tây Sơn vương và được trọng dụng. Họ Lý giúp nhà Tây Sơn tổ chức, huấn luyện đoàn chiến mã. Trường ngựa của ông đã biến thành trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa trận cho nhà Tây Sơn.

Nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Lý Văn Bưu được phong làm Đô đốc.

Trong trận đánh quân Xiêm năm 1784, ông cũng lập được công lớn. Khi quân Thanh kéo vào Thăng Long, ông tháp tùng vua Quang Trung ra Bắc tảo Thanh, phục vụ dưới đoàn quân do Đại Đô đốc Bảo chỉ huy.
Lý Văn Bưu đã cùng Đặng Văn Long đem kỵ binh xuyên qua Chương Đức (Hà Đông) để tiến đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (Hà Nội), chiếm cứ hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục. Hai đồn này là tiền đồn của Khương Thượng, bị chiếm rất nhanh và yên lặng. Nhờ vậy mà khi đánh đồn Khương Thượng, quân Thanh không hay biết.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, tình cảm của nhà Tây Sơn càng ngày càng suy sụp, vua Cảnh Thịnh cướp thành của vua Thái Đức, Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu bị nghi ngờ... Trong Nam, nhà Nguyễn mạnh lên, đã nhiều phen xâm lấn đất Quy Nhơn, nạn phe đảng trong triều khiến cho Lý Văn Bưu chán nản và lấy cớ tuổi già sức yếu xin được trở về cố hương, sống trở lại với nghề nuôi ngựa nơi mảnh đất hoang vu, khô cằn, nhưng đầy yên lành. Ngày ngày Lý công cưỡi ngựa rong chơi trên các dãy đồi hoa sim nở tím, tâm hồn thanh thản với trời mây.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:41:15 pm »

7 - Nguyễn Văn Lộc
   
Nguyễn Văn Lộc người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn. Thuở nhỏ nhà nghèo phải đi ở chăn trâu cho một phú hộ trong làng. Nhờ có sức khỏe và can đảm nên được đàn trẻ cùng bọn tôn làm thủ lĩnh. Ngày ngày chăn trâu ngoài đồng, rảnh rang chuyên đi đánh nhau. Một hôm, vì ham chơi nên để trâu ăn lúa, về nhà bị chủ đánh mắng, hăm dọa, nên bỏ nhà ra đi.

Sau 10 năm trở về đã thành một thanh niên cường tráng, sống bằng nghề làm thuê, gánh mướn.
Một hôm đi chơi về khuya, bị đám canh tuần bắt trói vào cột đình, vu cho là đi ăn trộm. Trong đêm tối, nhân đám dân tuần ngủ quên, Lộc dùng miếng mảnh sành cắt dây trốn thoát. Dân canh tuần hơn 10 người đuổi theo điều bị đánh ngã, không đứng dậy nổi. Trời tối như mực, Lộc chạy lạc vào cánh đồng lúa chín, người giữ ruộng ngỡ là ăn trộm. Hô hoán ầm ĩ, người trong xóm tủa ra vây bắt. Người mỗi lúc mỗi đông, kẻ gậy người hèo, đuốc thắp sáng cả đồng, Lộc dùng tay đánh ngã hết lớp này đến lớp khác, nhưng không thoát khỏi vây. Liệu không thể dùng quyền, Lộc bèn giật lấy một cây roi của một tuần đinh rồi dùng chiêu thức đánh giải vây ra sử dụng. Đó là thế "toàn phong tảo diệp". Một ngọn roi vung ra, hàng chục người ngã rạp. Gậy, hèo văng tứ phía. Hoảng hồn, mọi người ùn ùn kéo nhau, xô lấn nhau mà chạy. Đuốc đang cầm tay vội quăng xuống đất, nhân bóng tối và hỗn loạn, Lộc lẹ làng thoát thân.

Từ đấy, tiếng đồn Nguyễn Văn Lộc võ nghệ siêu phàm được lan truyền.

Khi Tây Sơn vương tụ hội quần anh mưu đồ đại nghiệp, Nguyễn Văn Lộc liền đến gia nhập và được tiếp đãi vào hàng thượng tân.

Khi Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Lộc được Phong làm Hữu Đô Đốc, cùng với Tả Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết theo đạo binh Nguyễn Nhạc tiến đánh huyện lỵ Tuy Viễn, rồi tấn công thành Quy Nhơn.

Mùa thu năm Quí Tỵ (1773), Nguyễn Văn Lộc tháp tùng Nguyễn Lữ và Võ Văn Cao đi vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận để xem xét tình hình dân chúng và liên lạc với hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá, vận động nhân dân địa phương hưởng ứng cuộc Nam tiến của quân Tây Sơn.

Phái đoàn về tâu rõ tình hình: mọi tầng lớp nhân dân ba tỉnh đều chán ghét chế độ độc tài tham nhũng của
quan lại nhà Nguyễn, ai nấy đều mong có cuộc đổi thay.

Còn quan quân nhà Nguyễn thì chỉ lo bóc lột nhân dân, không nghĩ gì đến việc an nguy quốc gia, cho nên việc phòng thủ rất lỏng lẻo. Mùa Đông năm ấy, Nguyễn Văn Lộc cùng Lê Văn Hưng theo Chinh Nam tướng quân Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Quân đi đến đâu nhân dân hoan nghênh đến đó. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị giết, Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống.
Đại thắng, quân Tây Sơn rút về. Nguyễn Văn Lộc ở lại trấn thủ Phú Yên.

Mùa Đông năm Giáp Ngọ (1774), được tin Châu Văn Tiếp dựng cờ khởi nghĩa tại Trà Lương, huyện Tuy An, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc đem quân vây đánh. Quân của Châu Văn Tiếp chưa giáp trận đã tan rã. Tiếp tẩu thoát, leo lên núi thượng đạo vào Gia Định, cung thuận Định vương Nguyễn Phúc Tần.

Mùa thu năm ấy, Tống Phước Hiệp cử đại binh chiếm Bình Thuận, tấn công Diên Khánh. Lê Văn Hưng trấn thủ Diên Khánh lui quân về Phú Yên, kết hợp với Nguyễn Văn Lộc chờ binh Nguyễn Huệ kéo vào đánh bại thủy, bộ binh của Tống Phước Hiệp, chiến thắng xong, Nguyễn Văn Lộc theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.
Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Văn Lộc được thăng chức Thủy sư Đô đốc theo Tiết Chế Nguyễn Huệ đem đại binh ra đánh Thuận Hóa.

Thành Thuận Hóa do Phạm Ngô Cầu trấn thủ, phó tướng Hoàng Đình Thể phụ tá. Phạm Ngô Cầu là tướng vô mưu lại tham lam, chỉ lo việc vơ vét của dân để làm giàu, còn việc quân thì giao cho kẻ thuộc hạ. Do tính tham lam, lòng đố kỵ, nghi ngờ, nên Cầu đã trúng kế Nguyễn Huệ ly gián giữa Cầu và Đình Thể. Nguyễn Huệ làm một phong thư để gởi cho Hoàng Đình Thể khuyên về hàng Tây Sơn, mà lại bắn vào cho Phạm Ngô Cầu xem. Cầu bắt đầu nghi ngờ Thể.

Khi binh Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân, Ngô Cầu sai Đình Thể đem binh ra đánh, rồi đóng cửa thành không tiếp viện. Thể và hai con cùng tướng sĩ chết tại trận tiền.

Nguyễn Văn Lộc một mình một ngựa xông vào phá cửa thành, vượt qua chướng ngại cùng binh giữ thành, xông thẳng vào dinh trấn thủ. Người ngựa đến đâu, thây người ngã ra đến đó. Vượt qua cổng dinh, Nguyễn Văn Lộc bắt gặp Phạm Ngô Cầu đang cùng gia đình khuân của cải chạy trốn. Bắt sống được Phạm Ngô Cầu, Nguyễn Văn Lộc lập công đầu.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:43:00 pm »

Thành Phú Xuân vừa hạ xong, Nguyễn Văn Lộc lại lên ngựa cùng Nguyễn Lữ, Võ Văn Nhậm tiến quân đánh lấy các doanh trại thuộc Quảng Trị, Quảng Bình. Chỉ trong mấy hôm, đất Thuận Hóa được bình định xong.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Văn Lộc ở lại giữ thành Phú Xuân cùng với Nguyễn Lữ để Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà diệt chúa Trịnh.

Tháng 11 năm Mậu Thân (1789), Quang Trung lên ngôi Hoàng đế, kéo quân ra Bắc diệt quân Thanh. Nguyễn Văn Lộc được phong Đại Đô đốc chỉ huy cánh quân phía tả, tiến lên Lạng Sơn, Phượng Nhãn, giữ vùng Yên Thế, chận đường rút lui của địch. Tôn Sĩ Nghị cùng binh tướng trên đường rút chạy về Nam Quan, bị quân của Đại Đô đốc Lộc đánh giết. Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân.

Sau khi vua Cảnh Thịnh lên ngôi, Nguyễn Văn Lộc được cử vào trấn thủ Quảng Nghĩa.

Năm Đinh Tỵ (1797), Nguyễn Phúc Ánh kéo thủy binh ra đánh Quy Nhơn, song thất bại, bèn kéo quân ra đánh Quảng Nam. Thành Quảng Nam bị vây, nhờ có Lâm Thị Bạch cố thủ và viết huyết thư cầu cứu Nguyễn Văn Lộc đem binh ra đánh lui Nguyễn Phúc Ánh, giải vây cho thành Quảng Nam.
Tháng giêng năm Canh Thân (1800), Nguyễn Văn Lộc kéo binh vào kết hợp với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vào cứu Quy Nhơn, bị Tống Viết Phước cầm chân tại Bình Đê. Vốn biết rõ địa thế của Quảng Nghĩa, Lộc đã đề nghị chia quân làm ba đạo theo ba ngõ đèo Bến Đá, núi Sa Lung và núi Cung Quăng vượt qua khỏi Bến Đá vào thẳng Quy Nhơn.

Tháng năm năm Tân Dậu (1801), thành Quy Nhơn thất thủ. Trước đó, Phú Xuân cũng thất thủ. Tướng nhà
Nguyễn là Lê Văn Duyệt cùng Lê Chất đem quân vào cứu Quy Nhơn, bị Tây Sơn chận đánh. Sau được tin Thuận Hóa hoàn toàn bị chiếm, Diệu và Dũng đem quân ra Nghệ An. Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Quang Huy đóng ở Dương An.

Kỳ Sơn ở phía Đông Nam thành Quy Nhơn. Đó là một hòn thổ sơn chạy dài theo hướng Bắc Nam, bao quanh đến vài mươi dặm. Hình núi không đều, hai đầu mở rộng và cao, chính giữa hơi eo và thấp. Ở đầu phía Bắc nổi lên hai đỉnh đứng song song, một là hòn Phụng Sơn, một là hòn Xuân Sơn. Đầu phía Nam cũng có một đỉnh cao gần hai ngọn kia, tên là Mai Sơn. Trên núi gồm nhiều hòn đá lớn và có một cái hầm rộng ăn sâu vào núi, có tên là Qui Khanh tức là Hầm Rùa, vì trước miệng hang có một hòn đá hình giống con rùa. Thế núi rất hiểm trở.

Vốn là người ở Kỳ Sơn, nên Nguyễn Văn Lộc biết rõ những nơi hiểm yếu. Với 80.000 quân, trấn phục hơn 20 cứ điểm hiểm trở, Nguyễn Văn Lộc đã cầm chân hơn 30 vạn quân của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành. Nhờ vậy mà thành Quy Nhơn được giữ vững.

Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Văn Lộc nghe tin vua Cảnh Thịnh bị bắt, ông tự động giải tán quân sĩ, một mình lên núi Kỳ Sơn ẩn náu, dùng Hầm Rùa làm chốn nương thân.

Nguyễn Quang Huy cũng lên núi Dương An trú ẩn, thỉnh thoảng về Phú Yên thăm quê hương và ra Kỳ Sơn thăm ông Lộc.

Tuy nhà Tây Sơn mất, song Nguyễn Văn Lộc trong lòng vẫn nuôi chí phục hưng. Một hôm, ông Lộc hỏi ông Huy:

- Cựu thần nhà Tây Sơn, văn cũng như võ, còn khá nhiều tay tài tuấn, sao không hợp sức lại cùng lo việc phục hưng. Như thế chẳng hóa ra là không tận trung với cựu chúa hay sao?

Ông Huy đáp:

- Những anh hùng nghĩa sĩ ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa cho đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn phận sự cho đến giờ chót, như thế là tận trung. Nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng ta tận trung với ai? Bầy tôi của vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền Bắc, hết lớp này đến lớp khác đã chẳng lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước. Phải nghĩ đến dân đến nước trước. Không có thể làm lợi cho dân, cho nước thì nằm yên chớ đừng nên gây rối thêm. Trung với một người, một nhà, mà làm khổ cho dân cho nước thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến. Trung ấy không phải là trung.

Nguyễn Văn Lộc nghiệm thấy đúng, nên không còn nuôi mộng phục hưng nhà Tây Sơn nữa.

Từ ấy không còn ai trông thấy ông xuất hiện nữa.

Mây trời năm tháng thong dong.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:43:53 pm »

Tây Sơn Lục Kỳ Sĩ

Trong các bậc kỳ tài đến giúp nhà Tây Sơn, ngoài "Thất hổ tướng", "ngũ phụng thư" còn có "Lục kỳ sĩ". Bao gồm: Võ Xuân Hoài, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, La Xuân Kiều, Triệu Đình Tiệp, Cao Tắc Tựu. Đây là sáu nhân tài về văn chương, học thức sâu rộng, giúp Tây Sơn Vương mưu lược an dân, trị nước, nhất là thời Tây Sơn mới dựng nghiệp.

Nguyễn Thung ở thôn Thuận Nghĩa (Tây Sơn) là người giàu có trong vùng, giỏi chữ nghĩa. Khi Nguyễn Nhạc xây dựng cơ sở khởi nghĩa ở vùng Tây Sơn, ông đem gia tài tặng tất cả cho Nguyễn Nhạc và theo nghĩa quân Tây Sơn. Với tính tình hào phóng, nhân hậu, Nguyễn Thung được rất được lòng mọi người. Sau khi Nguyễn Nhạc lấy được thành Quy Nhơn, xưng vương, ông được bổ làm Tri huyện Tuy Viễn (gồm 3 huyện: Bình Khê, An Nhơn và Tuy Phước). Truyền rằng: khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ngôi mộ của ông ở Thuận Nghĩa bị vua Gia Long ra lệnh quân lính khai quật hốt xương cốt đem đổ xuống sông Côn. Tuy nhiên, vỏ mộ được xây kiên cố nên còn tồn tại đến sau này mới hư đổ mất tích do lụt lội.

Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, đức cao học rộng là hai ngôi sao về văn học đương thời ở Bình Khê và An Nhơn. Cao Tắc Tựu đẹp người, học rộng tinh thông binh pháp, tính tình điềm đạm. Thường ngày ông ít nói, nhưng khi bàn luận binh pháp thì ông rất sôi nổi, làu thông kinh sử, mọi người rất kính phục. La Xuân Kiều người Phù Cát, một văn sĩ nổi tiếng trong vùng, giỏi chữ nôm, thông minh hoạt bát, lại có tài cỡi ngựa, bắn cung. Triệu Đình Tiệp, học rộng, ưa thực tế ghét phù hoa, tánh thanh khiết nghiêm nghị, trọng tín nghĩa và giỏi việc cai trị.

Họ là những nhân vật rường cột khi nhà Tây Sơn hình thành, sau này khi sự nghiệp mở rộng thành công, họ là người hoạch định chính sách trị nước, an dân, qui định thi cử có thêm nhiều nhân tài đến với nhà Tây Sơn. "Lục kỳ sĩ" được người đương thời kính trọng, nhà vua tin dùng. Thất hổ tướng, Lục kỳ sĩ, Ngũ phụng thư đã trở thành mười tám viên đá tảng dựng nên nền móng nhà Tây Sơn. Đáng tiếc là sau khi nhà Tây Sơn không còn, sự trả thù của Gia Long vô cùng tàn khốc, những tác phẩm văn chương của họ bị tiêu
hủy, không ai dám cất giữ, lưu truyền, nên bị thất lạc. Ngày nay, hầu như ít còn lưu lại dấu tích. Thật là
một mất mát của lịch sử và văn hóa nước nhà!

HẾT
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM