Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:15:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam  (Đọc 160902 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #90 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:25:11 pm »

TRẦN XUÂN SOẠN

   Trần Xuân Soạn sinh năm 1849, người làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. tỉnh Thanh Hoá. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Ông là người văn hay võ giỏi, mới ít tuổi đã am hiểu binh thư chiến lược. Gặp khi triều đình tuyển lính, Trần Xuân Soạn ứng mộ song không hợp cách nên bị loại. Ông vào làm bếp cho Nhuệ Vũ quân Phó quản Bắc Ninh.

   Quân Thái Bình Thiên quốc bị nhà Thanh đánh chạy sang ta “thổ phỉ hóa". Tôn Thất Thuyết đem quân tiễu phỉ dẹp mãi không yên. Trần Xuân Soạn một mình xông pha tên đạn, làm cho quân giặc vô cùng khiếp đảm. Kết quả cả toán quân bị phá vỡ. Trận đương thua hoá ra thắng. Trần Xuân Soạn thắng trận trở về với nhiều chiến lợi phẩm. Tôn Thất Thuyết khen ngợi và thăng cho một lúc ba trật: suất đội- phó quản- chánh quản. Trong một ngày thăng lên bị cấp thật là trường hợp hiếm hoi, người xưa nói "Nhất nhật thăng tam cấp".

   Tự Đức năm thứ 30 (1877). Trần Xuân Soạn được thăng Chánh Lãnh binh Bắc Ninh. Năm sau thăng Phó Đề đốc năm sau nữa vì có công đánh tan giặc Khách trên sông Sỏi (Yên Thế) được đặc cách thăng Chánh Đề đốc.

   Năm Tự Đức thứ 35 (1882) Trần Xuân Soạn được cử vào kinh thành làm Ngự môn Đề đốc. Tháng giêng năm 1884, Tôn Thất Thuyết thành lập “Phấn nghĩa quân" ở các tỉnh Trung Kỳ và Bắc Kỳ, đã giao cho Trần Xuân Soạn rèn luyện và chỉ huy. Khi kinh thành Huế thất thủ, Trần Xuân Soạn cùng Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật... phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Hà Tĩnh rồi chỉ đạo phong trào chống Pháp ở Thanh Hoá.Từ khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ban chiếu Cần vương thì phong trào chống Pháp ở Thanh Hoá ngày càng mạnh mẽ. Ông đã cùng với các sĩ phu như Đinh Công Tráng, Phạm Bành chỉ trương xây dựng cứ điểm Ba Đình để giữ cửa ngõ miền Trung. Sau đó tuy không trực tiếp chỉ huy cứ điểm, nhưng ông có nhiệm vụ đóng quân ở phủ Quảng Hoá để hỗ trợ cho Ba Đình và giữ mối liên hệ giữa Ba Đình với Mã Cao.

   Tháng 9 năm 1885, Đồng Khánh - tay sai đắc lực của thực dân Pháp xuống dụ tước hết quan tước tịch thu gia sản của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Xuân Soạn. Đồng Khánh xuống chiếu cho bọn quan lại địa phương nếu bắt dược Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn cho xử chém ngay. Song mặc cho tính mạng bị nguy hiểm, gia sản bị tịch biên, vợ con thân nhân phải sống trong cảnh bơ vơ, màn trời chiếu đất, ông vẫn quyết tâm kháng chiến. (Do Nguyễn Hữu Độ nguyên tả thị lang, Hộ lý Hà Ninh tổng đốc được tin vua Hàm Nghi dời kinh đô đã trở về Huế được Pháp đưa lên làm thành viên của viện Cơ mật và biệt phái làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Độ cùng Phan Đình Bình nguyên Tuần phủ lãnh An - Định tổng đốc được Pháp cho làm thượng thư bộ Hộ, có chân trong viện cơ mật. Độ và Bình tính cực cùng Pháp đưa Ưng Chân, con nuôi Tự Đức lên vua lấy hiệu là Đồng Khánh, ngày 19/9/1885. Năm đầu vẫn dùng niên hiệu Hàm Nghi. Đến ngày 4/2/1886 mới dùng niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên. Thực dân Pháp cấp cho Đồng Khánh 40.000 lạng bạc, 40.000 quan tiền còn kho tang, thuế khóa quân Pháp nắm hết. Vừa lên ngôi vua bù nhìn Đồng Khánh đã viết thư cảm ơn tổng thống Pháp. Tôn Đờ cuốc xy làm "Bảo hộ quân vương". tôn Khâm sứ Sam pô làm bảo hộ công. Ngày 28/1/1889. Đồng Khánh chết. ở ngôi 3 năm).

   Tháng 2 năm 1887 căn cứ Ba Đình và Ma Cao thất thủ. Trần Xuân Soạn cùng Hà Văn Mao rút về Điền Lư (nay là xã Điền Lư, huyện Bá Thước) dự định dựa vào rừng núi hiểm trở để xây dựng lại phong trào. Tại đây ông đã cùng Hà Văn Mao tổ chức phòng thủ chống quân Pháp càn quét nhiều lần. Sau đó Trần Xuân Soạn vào Nghệ An để liên minh với Thủ lĩnh phong trào chống Pháp ở Nghệ An là Nguyễn Xuân Ôn.

   Ngày 25 tháng 5 năm 1887, Nguyễn Xuân Ôn bị quân Pháp bắt giải về giam ở Vinh, Trần Xuân Soạn lại trở ra Niên Kỷ (ở Bá Thước) với Hà Văn Mao tiếp tục phong trào chống Pháp ở miền tây Thanh Hóa. Các ông đã tổ chức nhiều trận đánh gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Giặc Pháp và bọn tay sai không bắt, giết được ông, không gọi ông về đầu hàng đã trả thù ông một cách man rợ là đào mộ cha ông, lấy xương xếp ở giữa đường để thiêu huỷ, hòng buộc ông đầu thú, nhưng ông vẫn không chịu khuất phục.

   Khi vua Hàm Nghi bị bắt phong trào kháng chiến chống Pháp ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh suy yếu dần. Khi Phan Đình Phùng ốm mất ở căn cứ, quân Pháp tấn công vào núi Vụ Quang chiếm căn cứ này. Tại Nghệ An các tướng lĩnh của Nguyễn Xuân Ôn cũng dần dần bị tiêu diệt. Ở Thanh Hoá, căn cứ Ba Đình, Mã Cao thất thủ. Ông sang Long Châu để tập hợp lực lượng mưu đồ phục quốc. Ông cùng Tôn Thất Thuyết vận động nhà Thanh giúp nhưng triều đình Mãn Thanh và Chính phủ Pháp đã ký hiệp ước thân thiện nên nguồn tiếp viện bị ngăn chặn. Ông cùng với Tôn Thất Thuyết vận động một số nhân sĩ ở Hoa Nam có cảm tình với cách mạng Việt Nam giúp đỡ tổ chức được một toán quân, nhiều lần kéo về biên giới Việt - Trung hoạt động. Nhưng quân Pháp chiếm được Lạng Sơn, Cao Bằng ngăn chặn đường về của ông, ông đành sống tha hương ở Trung Quốc.

   Trong thời gian ở Trung Quốc, mẹ, vợ và hai con trai nhỏ của ông bị địch khủng bố dữ dội, tịch thu gia sản, phải thay tên đổi họ trốn tránh suốt 15 năm trời, nhưng không làm ông sờn lòng, nản chí. Trần Xuân Soạn mất tại thị trấn Thiều Châu, Trung Quốc ngày 17 tháng 12 năm 1923, thọ 74 tuổi .
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #91 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:28:43 pm »

TỐNG DUY TÂN

   Tống Duy Tân sinh năm Mậu Tuất (1838) tại thôn Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nghèo nhưng có chí, chăm học và học rất giỏi.

   Năm Tự Đức thứ 11 (1858) ông đỗ cử nhân. Năm Giáp Tý (1864) ông được bổ làm Huấn đạo Quảng Xương, sau thăng Đốc học Phú Yên.

   Tuy làm quan cho triều đình nhưng ông chán ghét cảnh đất nước bị giặc Pháp xâm lược, lục tỉnh Nam Kỳ đã lọt vào tay giặc Pháp. Ngày 20/11/1873, quân Pháp hạ thành Hà Nội và đánh chiếm các tỉnh thành Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định. Ngày 5 tháng giêng năm 1874, triều đình ký Quy ước cam kết với Pháp như triều đình không tăng quân ở các tỉnh Bắc Kỳ; quân Pháp tự do đi lại trên đường bộ, đường sông ở Bắc Kỳ... Tiếp đó triều đình lại ký Hiệp ước Hoà bình và liên minh có 22 điều khoản thì đều nhượng bộ Pháp. Khoa thi Hội năm Ất Hợi, niên biểu Tự Đức thứ 28 (1875) ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Ông được bổ làm Tri phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

   Tống Duy Tân bất bình với triều đình nên từ quan lấy cớ phải nuôi mẹ già, về làng dạy học. Về sau Tôn Thất Thuyết nhiều lần mời ông ra làm quan để tăng cường lực lượng cho phe chủ chiến, ông mới nhận chức Đốc học Thanh Hoá. Tiếp đó ông lại được cử làm Thương biện Tỉnh vụ rồi Chánh sứ Sơn phòng.

   Năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn chỉ huy “Phấn nghĩa quân" đánh úp quân pháp ở Mang Cá. Tòa Khâm sứ, khu nhượng địa của Pháp ở Kinh thành Huế không thành, hộ tống vua ra Quảng Trị phát lệnh Cần vương. Tống Duy Tân đã nhiệt liệt hưởng ứng. Ông cùng các ông Cao Điển trước là Suất đội Vũ Lâm bỏ về, Nguyễn Sự Chí dựng cờ khởi nghĩa. Nhân dân địa phương theo ông chống Pháp rất đông, vũ khí do nghĩa quân tự đem đến, nếu thiếu thì xưởng rèn mới cung cấp. Tống Duy Tân còn gửi một đạo quân đến chiến đấu ở căn cứ Ba Đình, dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng, Phạm Bành.

   Nghĩa quân Tống Duy Tân còn mang tên Nghĩa quân Hùng Lĩnh. Quân Pháp đem quân đến đánh nhiều lần, nhưng Tống Duy Tân dựa vào địa hình hiểm trở đặt trận địa mai phục, tập kích đánh bại tất cả cuộc hành quân của quân Pháp.

   Ngày 10/9/1886, công sứ Pháp tỉnh Thanh Hoá gửi thư cho Tống Duy Tân vừa dụ hàng. vừa đe doạ ông. Cũng trong tháng 9/1886, Tống Duy Tân viết thư trả lời. Toàn văn bức thư như sau:

      THƯ TRẢ LỜI CÔNG SỨ PHÁP TỈNH THANH HOÁ

   Nguyên sơn phòng chánh sứ Tống... đáp thư.

   Ngày mồng 10 tháng này kinh tiếp được thư gửi đến, trong có câu “chỉ mong đức hoàng đế được yên ổn giàu có sang tôn vinh, dân gian các tỉnh đều được an cư lạc nghiệp”, chúng tôi bất giác rơi nước mắt, lấy làm đa tạ tấm lòng của quý sứ.

   Bản tâm chúng tôi không phải không muốn như thế, nhưng vì đại nghĩa bắt buộc, muốn thôi mà không được, phương chi hiện nay các toán lính ở Thiệu Hoá, Thọ Xuân tràn qua vơ vét, các toán ở Hoằng Hoá, Hậu Lộc luôn luôn đến đòi hỏi lôi thôi, chúng tôi dù có ngồi nhìn, người ta cũng chẳng dung nào, nên mới có hành động như thế, lúc đầu cũng là để phòng bị chống bọn giặc khác mà thôi. Còn về phần quý quan, quân mạnh thế lợi khác mà thôi, chúng tôi vốn biết rõ, có dám nói là chống lại đậu, mà không biết tại sao, mồng 6 tháng 6, quân Pháp tự đến bắn súng vào, ngày 17 tháng 8 lính tập đốt phá làng xóm làm cho anh em thủ hạ của chúng tôi nhất thời phấn khích, nhiều người rất bất bình, việc đó đã qua, bất tất kể lại dài dòng nữa.

   Chúng tôi nghĩ quý sứ đã có lòng muốn yên dân, thế mà ở miền dưới thì quan phủ Hà Trung dẫn quân đi đốt phá, phía trên thì bang tá Quảng Hoá thả lính ra cướp bóc. Tức như xã Bản Thuỷ đã ra thú, nộp bạc mà ngày mồng 7 tháng này vẫn còn bị cướp bóc của cải và đồ thờ tế. Lại như các xã Đa Bút, Ngọc Bôi bị quân Pháp và dân giáo đến cướp phá giữa ban ngày. Những hành động như thế đều là dựa vào uy danh người Pháp để mưu tính lợi riêng mà thôi, thế mà lại bắt chúng tôi khuyên dân ra đầu thú thì sao có thể khuyên được.

   Chúng tôi đây, nước mất thì nhà tan, không còn có hệ lụy gì thực như là thế cưỡi hổ, tiến thoái đều khó. Chúng tôi cùng với thủ hạ dựa vào rừng sâu mà giữ, quân Pháp đến thì đi, quân Pháp đi thì về, may ra mà ông Bá Di không chết thì núi Thú Dương vị tất đã là đất nhà Chu, thầy Đào tử vẫn còn thi lịch Giáp Tí vẫn còn là của nhà Tấn. Vạn nhất trời không giúp họ Lưu thế không thể nào được nữa, thì chúng tôi sẽ uống rượu say một phen, yết đức tiên đế ở dưới đất, tìm ông Điền Hoàng ở ngoài hải đảo mà thôi.

   …Nếu quý sứ có lòng tốt bảo hộ, thì xin tạm đặt hạt chúng tôi ở ngoài vòng, đợi sau khi mọi việc yên ổn, sẽ xử trí sau, thì may lắm, may lắm. Vậy xin phúc đáp.

   Hàm Nghi năm thứ 2 (1886) ngày tháng 9 .


(Chu Thiên dịch theo tài liệu sưu tầm của nhóm nghiên cứu lịch sử địa phương)
   
   (Bá Di con vua Cô Trúc đời Thương. Chu diệt Thương. Bá Di cùng em là Thúc Tề không chịu thần phục nhà Chu bỏ lên núi Thú Dương, hái rau vi ăn, chết đói ở đó.
   Đào tử: Đào Tiềm người đời Tấn.Tấn mất ngôi, ông không chịu theo niên hiệu triều đại mới mà vẫn ghi niên hiệu Nghĩa Hy nhà Tấn, hoặc chỉ dùng can chi mà ghi năm tháng.
   Lưu: họ vua Hán).


   Tháng 10 năm 1886, Đồng Khánh ra dụ kêu gọi nghĩa quân đầu thú. Đối với vua Hàm Nghi, nếu quay về, Đồng Khánh phong cho tước công, hoặc cho làm Tổng trấn Bắc Kỳ, hoặc làm Tổng trấn ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và dụ hàng 18 thủ lĩnh nghĩa quân trong đó có Tống Duy Tân. Tống Duy Tân phản đối, tiếp tục kháng chiến.

   Quân Pháp huy động lực lượng lớn tấn công Ba Đình, Mã Cao, các căn cứ trên lần lượt bị thất thủ. Phong trào chống Pháp ở Thanh Hoá trải qua những ngày tháng rất gay go, gian khổ. Tống Duy Tân phải tạm lánh ra huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây).

   Năm 1889, Tống Duy Tân trở về Thanh Hoá tìm gặp những đồng chí cũ để phục hồi phong trào chống Pháp, ông trở thành thủ lĩnh chính của phong trào chống Pháp ở tỉnh Thanh Hoá. Tống Duy Tân đã nối liền được phong trào chống Pháp từ Nghệ Tĩnh - Thanh Hoá với sông Đà. Nghĩa quân Tống Duy Tân và nghĩa quân của các thủ lĩnh khác dưới sự chỉ đạo của ông ngày càng lớn mạnh và đã ghi được nhiều chiến công oanh liệt.

   Tháng 9/1892 , Tống Duy Tân rút về Niên Kỷ được một thời gian thì bị tên Cao Ngọc Lễ, học trò của ông đánh hơi thấy, báo cho quân Pháp đến vây bắt. Bọn xâm lược nhốt ông vào cũi giải từ Niên Kỷ về huyện Quảng Hoá (Vĩnh Lộc ngày nay), Công sứ Thanh Hoá Bouleche chờ sẵn ông ở phủ, sai mở cũi cho ông ra.

   Giặc Pháp biết không khuất phục được ông, giao cho Nguyễn Thuật, Tổng đốc Thanh Hoá xử ông. Nguyễn Thuật là bạn nên đối đãi với ông rất hậu, song biết ông không đầu hàng, nên khép ông vào tội tử hình. Chúng chém ông ở bãi đất gần nhà Đoan Thanh Hoá.

   Tống Duy Tân không chỉ là nhà quân sự, ông còn là nhà thơ. Tống Duy Tân nổi tiếng là người yêu nước đã kiên cường chống giặc Pháp được Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở nước ngoài nhắc đến nhiều lần.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #92 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:34:11 pm »

CẦM BÁ THƯỚC

   Cầm Bá Thước người dân tộc Thái, sinh năm 1857 tại chòm Lùm Lưa, xã Điền Lư, tổng Trịnh Vạn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Dòng họ Cầm Bá Thước từng giữ chức cai tổng, tính tình hào hiệp, thương yêu dân.

   Năm 1883 ông được cử giữ chức Bang biện hai châu Thường Xuân và Lang Chánh. Khi Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn thành lập "Phấn nghĩa quân" ông nắm trong tay nguồn tài sản quý là quế Thanh, ông đã bán lấy tiền giúp Phấn nghĩa quân mua vũ khí, lương thực.

   Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Tân Sở, Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương, Cầm Bá Thước khi đó là một tù trưởng trẻ, mới 27 tuổi, đã lập tức hưởng ứng. Ông đã lấy ngay xã Điền Lư quê mình làm nơi tụ nghĩa mà trung tâm là Mường Kho. Điền Lư trở thành căn cứ quân sự, trung tâm kháng chiến chống Pháp ở miền núi, trung du Thanh Hoá. Cầm Bá Thước rất có uy tín trong đồng bào Thái, Mường, Việt ở miền Tây -Thanh Hoá. Vì vậy ông vừa xướng nghĩa, trai tráng trong vùng đã đem vũ khí gia nhập rất đông. Nhân dân các dân tộc miền Tây Thanh Hoá tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm, tiền bạc làm quân lương. Nghĩa quân Cầm Bá Thước phát triển nhanh chóng địa bàn hoạt động không chỉ ở Thường Xuân, Lang Chánh mà còn lan sang Ngọc Lặc, Như Xuân (Thanh Hoá). Ông phối hợp với nghĩa quân Lang Văn Thiết, Lang Văn Hạnh ở phủ Quỳ Châu (Nghệ An) đánh Pháp.

   Tháng 10/1885 quân Pháp kéo đến đánh, ông chỉ huy nghĩa quân đánh bại các cuộc tấn công của giặc Pháp. Tháng 11/1885, Cầm Bá Thước chủ động đem quân tấn công quân Pháp ở đồn Bái Thượng. Sau các trận đánh thắng trên, thanh thế nghĩa quân Cầm Bá Thước ngày càng vang dội. Ngày 12/3/1886, nghĩa quân Cầm Bá Thước phối hợp với nghĩa quân Đinh Công Tráng, nghĩa quân Tống Duy Tân nghĩa quân Trần Xuân Soạn, nghĩa quân Lê Khắc Tháo đánh tỉnh thành Thanh Hoá, chiếm Toà công sứ, đánh bị thương tên phó sứ và tên quan hai. Sáng hôm sau quân Pháp và quân triều đình hợp lực phản công, nghĩa quân đánh trả tiêu hao thêm một số quân địch rồi rút khỏi thành phố. Trên đường rút, nghĩa quân tiến công huyện lỵ Đông Sơn, tịch thu ấn triện, đốt sổ sách rồi thả tù phạm, tước vũ khí của quan quân rồi rút lui an toàn.

   Giữa năm 1886, Cầm Bá Thước tham gia hội nghị Bồng Trung. Các thủ lĩnh nghĩa quân trong tỉnh giao trách nhiệm cho ông xây dựng Trịnh Vạn thành một căn cứ vững chắc. Hội nghị cũng đã thống nhất chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các căn cứ với nhau, chi viện cho nhau khi bị quân Pháp tấn công, tạo thành thế trận liên hoàn, khép kín. Ở hội nghị Bồng Trung trở về, Cầm Bá Thước khẩn trương xây dựng căn cứ Trịnh Vạn.

   Do bị quân Pháp vây ép, Cầm Bá Thước phải chủ động bỏ Trịnh Vạn rút về cứ điểm Cọc Chẻ để bảo toàn lực lượng. Ông xây dựng thêm nhiều hào luỹ, đồn trại, giành lại thế chủ động, đem quân tấn công các đồn lẻ của địch. Nhưng thời gian này giặc Pháp tập trung đông quân để tiêu diệt nghĩa quân của ông; Tình thế không cho phép ông kéo dài cuộc chiến đấu, ông phải rút vào rừng núi giáp với Nghệ An, xây đồn trại, lập căn cứ mới ở Hòn Bòng, xã Xuân Lệ, huyện Thường Xuân. Lực lượng nghĩa quân phục hồi nhanh chóng, từ tháng 2/1895 nghĩa quân liên tục phục kích, tập kích táo bạo vào các cánh quân Pháp đi càn quét. Giặc Pháp tung quân truy kích ráo riết, ngày 13/5/1895, Cầm Bá Thước sa vào tay giặc Pháp ở bản Cà. chúng tìm mọi cách mua chuộc để ông làm tay sai cho chúng, khống chế nhân dân. Ông vẫn kiên cường không khuất phục. Chúng xử tử ông khi ông mới 37 tuổi.

   Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tên ông được đặt cho một huyện ở Thanh Hoá là huyện Bá Thước và nhiều đường phố khác.





HÀ VĂN MAO

   Hà Văn Mao người dân tộc Mường, thuộc dòng dõi quan Lang Châu Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vì ông làm Cai tổng nên nhân dân gọi ông là Cai Mao.

   Đời vua Kiến Phúc (1884), Cai Mao chống lệnh triều đình Huế đánh giết số người theo đạo Thiên chúa làm tay sai cho giặc Pháp. Triều đình sợ Pháp trách cứ, đem quân đàn áp. Hà Văn Mao phát động dân tộc Mường, dân tộc Việt ở miền Tây Thanh Hoá chống cả triều đình lẫn Tây.

   Ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế ký Hiệp ước Patơnốt, bán rẻ chủ quyền đất nước cho giặc Pháp, Hà Văn Mao lập tức kêu gọi nhân dân đánh Pháp. Vốn có sẵn uy tín trong dân tộc Mường, ông đã nhanh chóng xây dựng được một đạo quân hơn 1000 người, lập căn cứ ở Điền Lư (Mường Khô) và lập đại đồn ở xã Hỗn Bản, huyện Cẩm Thuỷ.

   Để ngăn chặn các cuộc tấn công của nghĩa quân Hà Văn Mao, từ ngày 25/3/1886, thiếu tá Terillion đưa quân từ Nam Định vào tăng cường cho quân Pháp ở Thanh Hoá. Hội nghị các thủ lĩnh nghĩa quân ở Bồng Trung đã giao cho Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao xây dựng căn cứ dự phòng Mã Cao. Ngay sau khi dự Hội nghị Bồng Trung về, Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn lo tổ chức lực lượng kháng chiến trong toàn tỉnh, nên Hà Văn Mao là người chịu trách nhiệm chính xây dựng căn cứ mới Mã Cao.

   Ngày 3/2/1887, quân Pháp tập trung binh lực lớn chia làm nhiều đường tấn công căn cứ Mã Cao. Nghĩa quân cầm cự được vài ngày thì Mã Cao thất thủ, Hà Văn Mao rút quân về Điền Lư tiếp tục kháng chiến. Đến tháng 1/1887, qua các trận chiến đấu liên tục, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, cứ điểm Điền Lư bị quân Pháp chiếm rồi phá huỷ.

   Tháng 4/1887, Hà Văn Mao lại trở về căn cứ Điền Lư và ông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kháng chiến của Cầm Bá Thước trong việc xây dựng phong trào kháng chiến ở miền núi, tỉnh Thanh Hoá. Tới cuối tháng 11, thêm một số tướng lĩnh và nghĩa quân hy sinh, Đề đốc Trần Xuân Soạn lại đi Trung Quốc cầu viện, lực lượng nghĩa quân còn ít, nhưng Hà Văn Mao vẫn hành quân lưu động ở các huyện miền núi Thanh Hoá và liên tục tập kích, phục kích quân Pháp.

   Về sự hy sinh của Hà Văn Mao có nhiều ý kiến, sách Đại Nam thực lực chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (tập 37, trang 258) thì trong một trận tấn công vào Điền Lư, ông đã bị chúng bắt. rồi đưa về chém ở tỉnh lỵ Thanh Hoá. Sách Bài ngoại mậu kiến liệt truyện của Phan Trọng Mưu thì ông bị bắt và đã tự tử để bảo toàn lanh dự. Truyền thuyết ở quê ông truyền lại sau khi thất bại ông trở về Điền Lư tự sát. Theo các cố lão thì căn nhà nơi ông tự sát năm 1974 vẫn còn. Sách "Kỷ niên về Trung Kỳ và Bắc Kỳ” của Masson, Paris 1903 thì ông thoát khỏi sự truy lùng của người Pháp ở Niên Kỷ và đoán chừng là chết vì bị thương. Tác giả Pierre Grossin viết trong cuốn “Tỉnh Hoà Bình” thì cho rằng ông đã chạy thoát rồi hợp tác với một thủ lĩnh Mường ở Hoà Bình là Đốc Tâm, sau khi đã giả chết bằng cách lấy quần áo mình mặc cho một xác người để đánh lạc hướng điều tra của Pháp.

   Song ý kiến cho rằng ông bị Pháp bắt trong trận chiến đấu tháng 11/1887 và tự sát để bảo toàn danh tiết được nhiều người chấp nhận.

   Đã có nhiều sách viết về phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ta hồi cuối thế kỷ XIX, về phong trào Cần vương ở Thanh Hoá của các tác giả người Pháp, Mỹ, Nhật, Úc có viết về Hà Văn Mao. Đáng chú ý là cuốn “Ý nghĩa của sự bình định: Thanh Hoá dưới sự thống trị của người Pháp (1885 -1908)” của Niana Shapio Adams do trường Đại học Yale xuất bản ở Mỹ năm 1978 nhận xét về Hà Văn Mao như sau: “Ông là người chiến sĩ thật sự đã liên kết với một số nhà thủ lĩnh khác của địa phương để chống lại người Pháp dưới vùng đồng bằng cũng hiệu quả như vùng rừng núi trên quê hương ông”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #93 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:35:36 pm »

ĐINH CÔNG TRÁNG

   Đinh Công Tráng sinh ngày 14 tháng 1 năm Nhâm Dần (1842) là con cụ lang y nổi tiếng Đinh Văn Thành. Quê ông làng Nham Tràng, tên Nôm là làng Tràng xã Nham Kênh, huyện Thanh Liêm nay thuộc xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

   Trước việc nhà Nguyễn phải nhượng Lục tỉnh Nam Kỳ cho Pháp và chúng cho tàu chiến thám thính ở vùng biển Bắc Kỳ, ông phán đoán thế nào giặc cũng đánh ra Bắc. Ông thành lập đội phu tuần của tổng đông đảo, trang bị súng kíp, cả súng trường bắn nhanh mua ở biên giới Đông Bắc. Ông huấn luyện kỹ thuật chiến đấu, võ thuật cho họ  nên đội tuần phu của ông nổi tiếng thiện chiến.

   Sẵn đội tuần phu làm nòng cốt, ba ngày sau khi quân Pháp đánh phủ Lý Nhân, Đinh Công Tráng gửi hịch đi các nơi kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân. Ông biến nhà mình thành đồn luỹ, lấy thóc trong kho ra nuôi quân. Chỉ vài ngày quân số lên tới 400 người, chia làm bốn đạo đóng quanh làng Tràng. Ông còn phối hợp với dân binh của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị xây dựng căn cứ Nham Tràng (Theo Địa chí Hà Nam).

   Đạo quân của ông phục kích, tập kích địch trên đường quan lộ dọc huyện Thanh Liêm - Phủ Lý, Ninh Bình. Ngày 14/12/1873, Đinh Công Tráng tấn công trại Cần nay thuộc xã Thanh Tân, Thanh Liêm là kho lương của cha cố Pháp và giáo dân tàng trữ để tiếp tế cho Pháp. Nghĩa quân Đinh Công Tráng gây khiếp sợ cho quân Pháp. Chiến công của ông lừng lẫy, Tự Đức phong cho ông chức Hiệp quản.

   Trước sự đầu hàng giặc Pháp một cách nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, Đinh Công Tráng trả chức tước cho triều đình, đi các nơi tìm các người cùng chí hướng đánh Pháp. Ông lên Sơn Tây là thủ phủ của ba tỉnh Sơn - Hưng - Tuyên, trung tâm kháng chiến của phe chủ chiến trong triều đình và của các thủ lĩnh nghĩa quân. Thống tướng Hoàng Kế Viêm đã biết tài cầm quân và ý chí kiên cường chống Pháp của ông, phong ông là Lãnh binh. Đinh Công Tráng đã chiến đấu chống Pháp ở lưu vực sông Thao, sông Đà thuộc tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây dưới sự chỉ huy của Nguyễn Quang Bích và Bố Giáp, sau đó ông về tham gia giữ thành Sơn Tây, đánh quân Pháp ở Hà Đông, ngoại thành Hà Nội.

   Đinh Công Tráng về gây dựng lại phong trào chống Pháp ở Hà Nam, Nam Định. Khi ông vừa ra lời kêu gọi đồng bào đã tích cực gia nhập lực lượng nghĩa quân đánh Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn nghĩa quân của ông đã lên tới 5000 người.

   Khiếp sợ trước lực lượng nghĩa quân đông đảo lại đo một lãnh binh tài trí chỉ huy, bọn xâm lược Pháp ở Bắc Kỳ điều động quân lính ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định... mở cuộc càn quét  lớn vào vùng sông Đáy, hòng đè bẹp nghĩa quân Đinh Công Tráng. Cuộc chiến đấu đã diễn rạ vô cùng quyết liệt, quân cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Nhưng giặc Pháp tăng quân đưa tàu chiến gắn đại bác vào khống chế vùng sông Đáy, đã đẩy nghĩa quân bật khỏi đất Hà Nam.

   Không cam chịu thất bại, Đinh Công Tráng vào Thư Điền ở tỉnh Ninh Bình tiếp lục xây dựng lực lượng chiến đấu. Tại đây ông được Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi phong ông là Bình Tây Đại tướng quân.

   Tiếp đó Đinh Công Tráng vào Thanh Hoá cùng các ông Phạm Bành, Hà Văn Mao, Hoàng Bật Đạt, Trần Xuân Soạn xây dựng căn cứ kháng chiến tại vùng rừng núi thuộc các xã Kim Ân và Thanh Bằng thuộc huyện Quảng Hoá, tỉnh Thanh Hóa.

   Sau đó các ông nhận thấy căn cứ dễ bị quân Pháp bao vây, tiêu diệt, mà cần phải xây dựng một căn cứ mới ở vùng hiểm trở vừa có thế công, thế thủ, nhưng phải nằm trên đường thiên lý Bắc Nam (đường số 1 ngày nay). Sau nhiều chuyến đi khảo sát địa hình, cuối cùng các ông đã chọn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê thuộc huyện Nga Sơn. Phía Đông, phía Tây và phía Nam giáp huyện Tống Sơn (nay là hai huyện Hà Trung và Hậu Lộc), phía Bắc giáp tỉnh Ninh Bình.

   Các thủ lĩnh tín nhiệm cử Đinh Công Tráng và Phạm Bành là những người từng xây dựng nhiều chiến luỹ ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá phụ trách việc xây dựng và sau đó chỉ huy căn cứ mới này.

   Từ căn cứ Ba Đình, Đinh Công Tráng, Phạm Bành khống chế đạo đường thiên lý Bắc - Nam, đánh chặn các đoàn xe vận tải của địch thu chiến lợi phẩm. Nghĩa quân còn tập kích các đồn lính Pháp đóng ở Nga Sơn, Tống Sơn và cả ở vùng núi Tam Điệp tỉnh Ninh Bình.

   Đinh Công Tráng rút một bộ phận nghĩa quân lên Cự Bảo, Hồ Sen. Quân Pháp truy kích, Đinh Công Tráng phải rút sang Thượng Lào, rồi bất ngờ về hoạt động ở vùng Nông Cống. Trong khi đó căn cứ Mã Cao của các thủ lĩnh nghĩa quân Ba Đình khác bị thất thủ. Không nản chí, Đinh Công Tráng vào Nghệ An gây dựng phong trào kháng chiến.

   Đinh Công Tráng là viên dũng tướng lại mưu lược, nếu bày trận ra đánh thì quân Pháp không hại được ông. Vì chúng đánh úp khi ông đang ngủ, lại mất cảnh giác không tổ chức canh gác nên mới bị giết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #94 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:38:12 pm »

NGUYỄN PHƯƠNG

   Nguyễn Phương người làng Hương La, huyện Ngọc Sơn nay là huyện Tĩnh Gia, đỗ tú tài, giữ chức Tham biện phủ Tĩnh Gia.

   Nguyễn Phương và bộ tham mưu đã xây dựng Ổn Lâm - Kỳ Thượng thành căn cứ quân sự, trải dài theo vành đai Đông Bắc - Tây Nam, từ Ngã ba Chuồng đến tận vùng rừng núi bao gồm Ổn Lâm, Kỳ Thượng đến giáp xã Yên Thái huyện Như Thanh ngày nay, với chiều dài 20 cây số, rộng 8 cây số.

   Lực lượng nghĩa quân có trên 1000 người, Nguyễn Phương chọn ra 300 người trẻ khoẻ, dũng cảm, được huấn luyện võ nghệ thành lập Đoàn nghĩa dũng cảm tử quân. Đây là đội quân chủ lực cơ động của cuộc khởi nghĩa.

   Nhờ có sự chỉ đạo. thống nhất đã đưa phong trào Cần vương trong tỉnh Thanh Hoá phát triển ở hầu khắp các phủ huyện. Nghĩa quân phủ Tĩnh Gia do Nguyễn Phương chỉ huy cũng phát triển nhanh chóng.
 
   Quân Pháp mở nhiều trận càn quét vào căn cứ nghĩa quân. Nguyễn Phương giao cho các tướng chặn đánh các toán quân từ các đồn Mưng, đồn Thị Long đi càn quét vào vùng nghĩa quân hoạt động.

   Cuối tháng 4/1886 Nguyễn Phương lại chỉ huy nghĩa quân cùng nghĩa quân của Đề Sơn tiến đánh huyện lỵ Nông Cống, đốt phá huyện đường tiêu diệt tri huyện, lãnh binh, bang tá. Cũng đêm đó nghĩa quân còn đánh phá huyện lỵ Quảng Xương, đồn Thị Long và đồn Eo Sơn. Tại phủ lỵ Tĩnh Gia, Lãnh Bòng tấn công đồn, quân Pháp hoảng loạn vút súng bỏ chạy, nghĩa quân thụ toàn bộ vũ khí.

   Trước những hoạt động mạnh mẽ, có hiệu quả của nghĩa quân phủ Tĩnh Gia, quân Pháp tăng cường 1 đại đội Âu - Phi, một đơn vị của lính pháo thủ Bắc Kỳ, 300 lính khố xanh về Tĩnh Gia. Chúng cho quân càn quét, đốt phá các làng Cốc Hạ, Côn Phương, Hữu Cốc.

   Nguyễn Phương và bộ tham mưu phán đoán quân Pháp sẽ đánh vào khu trung tâm, Nguyễn Phương bố trí trận địa mai phục từ xa, đánh phủ đầu trên đường hành quân của chúng. Tháng 3/1886, ông đánh một trận phục kích xuất sắc ở Cấp Ké, tiêu diệt nhiều tên, số còn lại tháo chạy.

   Để đánh vào đầu não của quân Pháp, Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân quyết định đánh thành Thanh Hoá, nghĩa quân phủ Tĩnh Gia là lực lượng chủ công. Nguyễn Phương cho Đề Sơn dẫn một đơn vị nghĩa quân cải trang làm người đi chợ lọt vào thành trước, vũ khí giấu trong hàng hoá. Nguyễn Phương chỉ huy 300 quân đi đường sông, vũ khí giấu dưới đáy thuyền có nhiệm vụ tấn công trại lính Âu - Phi. Tôn Thất Hàm chỉ huy 200 nghĩa quân đánh các đồn lính khố xanh ở ngoài thành.

   Nửa đêm ngày 10/3/1886, quân ta tấn công mãnh liệt, trung uý Frank và Chánh văn phòng Toà sứ bị thương nặng, Quân Pháp bị bất ngờ nhưng có vũ khí mạnh, có công sự phản công mãnh liệt, nên sau khi gây thương vong lớn cho quân Pháp, gieo vào lòng chúng nỗi kinh hoàng rồi rút khỏi tỉnh lỵ.

   Sau trận nghĩa quân đánh thành Thanh Hoá, quân Pháp cay cú mở nhiều trận càn quét vào ba huyện của phủ Tĩnh Gia. Song nghĩa quân được nhân dân ủng hộ và nghĩa quân toàn tỉnh phối hợp đánh chúng ở khắp nơi, khiến chúng bị động đối phó. Nhờ đó nghĩa quân Nguyễn Phương vẫn giữ vững căn cứ Ổn Lâm - Kỳ Thượng từ tháng 4/1886 đến năm 1887 .

   Khi căn cứ Ba Đình và Mã Cao thất thủ (1887), quân Pháp tập trung quân tấn công Ổn Lâm - Kỳ Thượng. Chúng bao vây, đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm. Quân Pháp tấn công vào khắp các đồn trại, tàn sát nhân dân, đốt phá các làng trong vùng nghĩa quân hoạt động. Biết không thoát khỏi tay giặc, Nguyễn Phương cắn lưỡi tự tử khi ông ở tuổi 55, quyết không để giặc bắt. Lãnh Quýnh, Lãnh Bòng bị quân Pháp chém ở cầu Hạc. (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử quân sự số 4/2004 - Phong trào chống Pháp ở Nông Cống cuối thế kỷ XIX, huyện uỷ, UBND huyện Nông Cống xuất bản).




HOÀNG BẬT ĐẠT

   Hoàng Bật Đạt quê ở xã Bộ Đầu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, ông là bạn thân và là anh em cọc chèo với Phạm Bành, quê ở làng Trương Xá cùng huyện.

   Tháng 7/1885, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương, ông đã cùng với Phạm Bành chiêu mộ quân đánh Pháp ở huyện Hậu Lộc. Hai ông làm lễ Tế cờ ở nghè Lục Trúc, xã Phúc Lộc vào ngày 16 tháng 1 năm Bính Tuất (1886), Sau đó các ông liên kết với các ông Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân tổ chức đánh Pháp trên toàn tỉnh Thanh Hoá.

   Ông cùng các thủ lĩnh nghĩa quân Cần vương Thanh Hoá tấn công tỉnh thành Thanh Hoá, huyện Đông Sơn vào đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng 2 năm Bính Tuất. Giữa năm 1886 các thủ lĩnh phong trào Cần vương ở Thanh Hoá, họp Hội nghị Bồng Trung (Vĩnh Lộc) là quê hương của ông nghè Tống Duy Tân đã quyết định xây dựng căn cứ ở Ba Đình, huyện Nga Sơn. Ông được phân công cùng Đinh Công Tráng, Phạm Bành chỉ huy căn cứ quan trọng này. Ông đã cùng các vị chỉ huy căn cứ đánh cho quân Pháp đại bại trong trận đánh ngày 18/12/1886 và trận đánh ngày 6 tháng 1 năm 1887 rồi chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng.

   Ba Đình, sau đó là căn cứ Ma Cao thất thủ, ông tạm lánh về quê tìm đường sang Trung Quốc để mua vũ khí về tổ chức nghĩa quân tiếp tục đánh Pháp. Song một thủ hạ phản bội báo cho giặc Pháp nơi trú chân của ông tại Chi Nê, tỉnh Hoà Bình. Ông bị giặc Pháp bắt đưa về giam ở nhà lao Thanh Hoá và chịu mọi cực hình tra tấn. Ông hiên ngang, bất khuất chửi bọn giặc Pháp cướp nước và bọn tay sai theo giặc không khai một lời.

   Giặc Pháp giết ông cắm đầu ông vào ngọn sào đưa về quê ông để uy hiếp nhân dân. Trước khi bị giặc hành hình ông đã làm đôi câu đối tỏ rõ ý chí của mình trao cho các bạn tù:

      Cố ý cứu sinh ư phục Việt,
      Cam tâm thề tử bất thần Tây.


Dịch:

      Chí cứu muôn dân nên phục Việt
      Lòng thề một chết, chẳng hàng Tây.


   Con trai ông là Hoàng Xuân Viễn nối chí cha tham gia phong trào Đông du do Phan Bội Châu khởi xướng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #95 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:40:08 pm »

PHẠM BÀNH

   Phạm Bành sinh năm 1825, người làng Trương Xá, nay thuộc xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864) làm quan đến chức án sát rồi đốc học Nghệ An. Ông là vị quan thanh liêm, rất quan tâm đến cuộc sống của binh sĩ và nhân dân. Anh ông là Phạm Thanh đỗ Thám hoa, làm quan cũng nổi tiếng thanh liêm.

   Năm 1885 khi vua Hàm Nghi xuất bôn, phát hịch Cần vương, ông đã 60 tuổi, sức yếu nhưng ông vẫn bỏ quan về quê cùng Hoàng Bật Đạt chiêu mộ quân khởi nghĩa đánh Pháp. Với uy tín sẵn có của mình, ông nhanh chóng thống nhất lực lượng kháng chiến ở Hậu Lộc tạo thành một khối thống nhất. Ông tổ chức Tế cờ khởi nghĩa ở nghè Lục Trúc, xã Phú Cốc. Sau đó mở rộng phạm vi hoạt động liên kết với các lực lượng kháng chiến của Hà Văn Mao, Nguyễn Khế, Lê Toại. Các ông lập căn cứ ở vùng rừng núi thuộc xã Kim Âu và Thạch Bằng ở huyện Quảng Hoá, Thanh Hoá.

   Ngày 7 tháng 2 năm Bính Tuất (1886) Phạm Bành đã phối hợp với các lực lượng nghĩa quân khác ở Thanh Hoá tấn công tỉnh thành Thanh Hoá và huyện lỵ Đông Sơn.

   Sau trận đánh thành Thanh Hoá không thành, giữa năm 1886, các thủ lĩnh phong trào Cần vương ở Thanh Hoá, họp Hội nghị ở Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc thống nhất lực lượng, hành động chống Pháp. Các thủ lĩnh cũng quyết định xây dựng một căn cứ chống Pháp có hiệu quả. Hội nghị đã quyết định một việc quan trọng là xây dựng căn cứ Ba Đình ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá và giao cho Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng cùng một số tướng thực hiện.

   Phạm Bành cùng các đồng chí về xây dựng căn cứ ở đồng bằng. Địa điểm xây dựng là ba thôn Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh, nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Tháng 5/1886 , Phạm Bành, Đinh Công Tráng kéo quân về núi Yến, vận động nhân dân dời đi nơi khác để nghĩa quân xây đồn luỹ chống giặc.

   Trong chiến đấu, Phạm Bành khi đó đã 60 tuổi, sức yếu vẫn cùng các chỉ huy khác có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất động viên, khích lệ chiến sĩ chiến đấu. Ngày 18 tháng 12 năm 1886, Phạm Bành, Đinh Công Tráng cùng các chỉ huy căn cứ Ba Đình đánh bại cuộc tấn công qui mô lớn của hai tên trung tá Medingiơ và Đốt chỉ huy.

   Ngày 6 tháng giêng năm 1887, Bộ tư lệnh quân đội Viễn chinh Pháp phái tên đại tá Britxô (Brissaud) trực tiếp chỉ huy chiến dịch công phá Ba Đình. Để bảo tồn lực lượng và trên thực tế một số đã hi sinh, một số bị thương và cũng không sao chịu nổi mùi hôi thối của xác giặc chung quanh căn cứ từ trận ngày 18 tháng 12/1886 , Phạm Bành, Đinh Công Tráng và các tướng họp đột xuất bàn kế hoạch rút quân khỏi Ba Đình vào đêm 20 tháng 1/1887 (27 tết). (Theo tài liệu của Pháp thì con số tổn thất về người của địch ít nhất cũng trên 200 tên chết và bị thương trong trận tấn công Ba Đình về phía nghĩa quân theo tài liệu của Pháp khoảng 150 người).

   Để nghi binh tiếng trống chèo, tiếng hát tiếng loa địch vẫn vang lên không dứt. Các tay súng bắn tỉa phục trên bờ thành bắn rất trúng đích các điểm loé sáng từ phía quân Pháp. Nghĩa quân chôn bốn khẩu súng thần công và những vũ khí không đem theo được Bộ chỉ huy quyết định chia làm 2 hướng, 1 hướng do Đinh Công Tráng chỉ huy, một cánh do Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Viết Toại rút về hướng Nam. Cánh quân vừa ra khỏi căn cứ thì giặc Pháp phát hiện, phải chiến đấu quyết liệt để mở đường máu, thêm một số chiến sĩ hi sinh.

   Cuộc rút lui đã hoàn thành đúng kế hoạch, làm thất bại âm mưu tiêu diệt nghĩa quân ở căn cứ Ba Đình.

   Sau khi rút khỏi căn cứ Ba Đình, Phạm Bành cùng một số tướng lui về củng cố căn cứ Mã Cao. Song lực lượng quân Cần vương Thanh Hoá đã bị tổn thất, quân Pháp tập trung đánh phá Mã Cao. Thành Ma Cao vỡ, Phạm Bành lánh về quê để liên lạc với các đồng chí tập hợp lực lượng khôi phục phong trào. Bọn Pháp và lũ tay sai dụ dỗ ông đầu hàng không được đã hèn hạ bắt mẹ già và con ông là Phạm Tiên, hẹn trong 10 ngày nếu ông không ra thú chúng sẽ hành hình mẹ ông và con trai ông ở nhà lao Thanh Hoá. Vì thương mẹ và con, ông đã tự ra cho giặc bắt, nhưng trong mình giấu sẵn một liều độc dược. Sau khi đã biết chắc mẹ và con trai thoát khỏi tay giặc về quê an toàn, ông uống thuốc độc tự tử, hôm đó là ngày 18 tháng 3 năm Đinh Hợi (11/4/1897). Ông mất đi trong sự thương tiếc của đồng bào.




NGUYỄN ĐÔN TIẾT

   Nguyễn Đôn Tiết sinh năm 1836 người làng Thọ Vực nay thuộc xã Hoàng Đức, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. ông đậu Phó bảng năm Kỷ Mão (1879), được bổ nhiệm làm tri phủ. Song ông chán cảnh triều đình Huế đầu hàng Pháp, ông cáo quan về quê nhà mở trường dạy học, tuyên truyền trong nhân dân lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, căm thù bọn cướp nước và bán nước.

   Tháng 8 năm 1885, ông hưởng ứng Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi, dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ quân đánh Pháp, xây dựng làng Thọ Vực làm căn cứ chống Pháp. Đông đảo nhân dân tham gia nghĩa quân, trong đó có con trai ông là Nguyễn Hữu Tư và đã trở thành một bộ tướng xuất sắc. Khi các thủ lĩnh nghĩa quân Thanh Hoá quyết định xây dựng căn cứ Ba Đình ở huyện Nga Sơn, ông đã cho con là Nguyễn Hữu Tư đến chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng.

   Đêm 12 rạng ngày 13 tháng 3 năm 1886, ông và các lực lượng nghĩa quân khác ở tỉnh Thanh Hoá tấn công tỉnh thành Thanh Hoá, huyện lỵ Hoằng Hoá, huyện lỵ Đông Sơn. Việc không thành, ông cùng nhiều thủ lĩnh nghĩa quân khác bị giặc Pháp bắt. Nằm trong nhà tù Thanh Hoá, bọn thực dân Pháp và quan lại Nam triều tra tấn ông cực kỳ man rợ để khai thác bí mật của nghĩa quân. song ông kiên cường bất khuất, dũng cảm chịu đựng Nằm trong nhà tù, nhận được tin Phạm Bành tuẫn tiết, ông làm câu đối khóc:

      Quân tử trọn đời lòng tỏ trắng;
      Tướng quân dẫu chết, mặt còn hồng.


   Giặc tra tấn ông chết đi, sống lại nhiều lần, vẫn không khai thác được gì ở ông. Chúng đầy ông đi nhà tù Lao Bảo là nhà tù ở nơi rừng thiêng nước độc, bọn cai tù cực kỳ tàn ác ở tỉnh Quảng Trị. Do tuổi cao, bị tra tấn tàn bạo, ông lâm bệnh, chết ở nhà tù Lao Bảo.

   Con trai cả của ông là Nguyễn Hữu Tư chiến đấu ở chiến luỹ Ba Đình. Ông chỉ huy một cách quân phá vây ngày 20 tháng 1 năm 1887 đã anh dũng hy sinh.

   Con trai thứ hai của ông là Nguyễn Đôn Dự hoạt động trong phong trào Đông du bị thực dân Pháp bắt, đầy ra Côn Đảo và hy sinh ở đó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #96 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:42:19 pm »

NGUYỄN HỮU HẠNH

   Nguyễn Hữu Hạnh người làng Kim Bôi, nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, ông đậu cử nhân võ. Ông là phụ tá của Trần Xuân Soạn ở kinh đô Huế. Do lập được nhiều chiến công trong chiến đấu và có tài tổ chức, xây dựng quân đội, Nguyễn Hữu Hạnh được Tôn Thất Thuyết tin cậy giao cho cùng Trần Xuân Soạn tổ chức Phấn Nghĩa quân. Đây là đội quân nòng cốt tấn công vào khu nhượng địa của Pháp ở Huế và ở đồn Mang Cá đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 7 năm 1885.

   Khi quân Pháp phản công, cuộc tập kích có nguy cơ thất bại thì Tôn Thất Thuyết giao cho Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy một bộ phận nghĩa quân chặn giặc Pháp ở cửa Đông Ba để Tôn Thất Thuyết Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn hộ giá vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành Huế. Hoàn thành nhiệm vụ chặn giặc, Nguyễn Hữu Hạnh rút lui theo kịp hộ tống vua Hàm Nghi ra Tân Sở.

   Đến sơn phòng Quảng Trị, Ba cung (hai mẹ vua Tự Đức và mẹ vua Hàm Nghi) không chịu đi. Tôn Thất Thuyết giao cho ông hộ tống Ba cung trở về Huế giao cho Nguyễn Văn Tường. Thực hiện xong nhiệm vụ, ông quay lại Tân Sở thì vua đã đi vào rừng Quảng Trị, ông tìm không được, liền về quê ở làng Kim Bôi chiêu mộ quân đánh Pháp. Trong đội ngũ nghĩa quân của ông La Văn Hạnh người cùng làng Kim Bôi, sát nhà ông, là trợ thủ đắc lực, trong việc huấn luyện, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu chống quân Pháp. Ông Thiều Gia, người làng Phúc Triều, ông đỗ tới tam khoa tú tài, không sao đỗ nổi bằng cử nhân. Thiều Gia là người giỏi thơ văn giữ việc thảo hịch, thư từ liên lạc với các thủ lĩnh nghĩa quân khác và làm thơ tố cáo tội ác của giặc Pháp cướp nước.

   Trong trận các lực lượng nghĩa quân tỉnh Thanh Hoá phối hợp tập kích tỉnh thành Thanh Hoá và huyện lị Đông Sơn thảng 2 năm Bính Tuất (3/1886). Trận này về quân số thì nghĩa quân áp đảo giặc Pháp và Nam triều, nhưng vì có mật vụ báo trước, nên giặc Pháp cho quân chặn các ngả đường tiến vào thành phố. Đội quân của ông chưa tiếp cận được mục tiêu đã bị quân mai phục của Pháp nổ súng đánh chặn. ông La Văn Hạnh vác cờ đi đầu bị trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân chống cự một cách yếu ớt rồi tan tác
.
   Sau trận đánh thành Thanh Hoá không thành, nghĩa quân do Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy tan rã. Ông lẩn quất ở cánh rừng gần làng, với ý định về làng khôi phục lực lượng. Nhưng làng Kim Bôi bị quân Pháp bao vây, lùng sục dữ dội, nhiều người bị bắt, làng xóm bị đốt phá. Nguyễn Hữu Hạnh đợi đêm tới vượt sông Mã tới căn cứ Vân Đồn ở phía bắc núi Nưa do chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân thiết lập. Tống Duy Tân biết ông là người có tài tổ chức lực lượng nghĩa quân và chỉ huy chiến đấu giỏi, bổ sung ông vào ban chỉ huy đồn Vân Đồn hoạt động ở vùng tây Nam huyện Hoằng Hoá. Ông đã tích cực xây dựng đồn luỹ Vân Đồn, huấn luyện quân sĩ trở thành thiện chiến. ông cũng chỉ huy nghĩa quân đánh nhiều trận.

   Việc ông Nguyễn Hữu Hạnh tham gia chiến đấu ở căn cứ Vân Đồn được giữ bí mật, vì để lộ giặc Pháp sẽ tàn sát con cháu ông, triệt phá làng Kim Bôi. Khoảng năm 1890, căn cứ Vân Đồn vỡ, ông trở về nhà sống cuộc đời dân dã được vài năm thì mất. Có người ở Vân Đồn bí mật tới viếng kể chuyện, đến lúc đó con cháu mới biết suốt từ năm đánh thành Thanh Hoá thất bại đến năm 1890 ông chiến đấu ở Vân Đồn.





LÊ VĂN THỨC

   Lê văn Thức là người làng Nhuận Thạch, nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông là cai tổng, thường gọi là Cai Hoà. Ông làm tổng lý, nhưng không a dua theo Pháp như nhiều kẻ khác mà luôn luôn đứng về phía nhân dân phản đối sưu cao, thuế nặng, bắt phu, bắt lính của bọn quan phủ, quan huyện tay sai giặc Pháp.

   Năm 1885 vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, sai Trần Xuân Soạn về Thanh Hoá phát động phong trào khởi nghĩa. Cai Hoà hưởng ứng bằng cách vận động con em, gia nhập nghĩa quân. Ông thường bàn với lý trưởng Chới ở làng Triều Xá tìm cơ hội đánh giết giặc Pháp. Dịp may đã đến, vào đầu tháng 3 năm Bính Tuất (7/4/1886) một toán lính Pháp đi tuần tra, đến làng Triều Xá, chúng vào nghỉ ở nhà Lý trưởng Chới.

   Cai Hoà được Lý trưởng Chới thông báo, liền quyết định đánh. Một kế hoạch cướp súng và tấn công quân Pháp được vạch ra. Trong lúc lính Pháp ở trong nhà đã ăn uống xong, đang đùa với nhau, súng vẫn chụm ở ngoài sân. Bỗng một đoàn người già trẻ, trai gái, đem lễ vật là chuối tiêu và trứng gà luộc hợp khẩu vị của lính Pháp bước vào. Một cụ già đại diện nói: “Nghe tin các quan Pháp về, dân xã chúng tôi đến chào mừng và có chút lễ mọn đem kính biếu”. Bọn Pháp khen ngợi. Dân đến mỗi lúc một đông, trong đó có nhiều trai tráng, bất thình lình một số người xông vào cướp súng, rồi gậy gộc phang vào đầu giặc Pháp, gạch đá ném túi bụi vào chúng. Ta cướp được súng nhưng không có đạn. Bọn lính Pháp sau phút hoảng loạn, chúng bình tĩnh trở lại, giành lại được vài ba khẩu súng, chĩa súng vào đám đông bóp cò. Bên ta một số người bị thương, bọn lính Pháp chết 2 tên và rất nhiều tên bị thương. Bọn lính Pháp chạy ra bãi Mả Mồ, chấn chỉnh đội hình bắn trả.

   Sau khi quân Pháp rút. Lê Văn Thức và Lý Chới biết thế nào giặc Pháp cũng quay lại đàn áp trả thù liền cho người già, trẻ con ở ba làng Triều Xá, Triều Tiến, Nhuận Thạch bồng bế con cái gồng gánh đồ đạc, dắt trâu, khiêng lợn lánh sang các làng khác. Lê Văn Thức tổ chức trai tráng thành đội ngũ, anh em tự trang bị vũ khí chủ yếu là giáo mác, dao phát bờ, gậy gộc, rào làng chuẩn bị chiến đấu.

   Quả nhiên mấy ngày sau, quân Pháp điều động một lực lượng lính Pháp, lính khố xanh. khố đỏ bao vây, tiến đánh ba làng trên. Chúng cũng đề phòng quân của Lê Khắc Tháo, Trần Xuân Huấn, Nguyễn Hữu Lâm tới chi viện đã cho quân đóng chặn các ngả đường vào ba làng trên.

   Quân Pháp bắn như đổ đạn vào các làng rồi cho quân tiến vào làng. Nghĩa quân chỉ có vài khẩu súng cướp được của giặc nhưng không có đạn nên không đánh được từ xa. Khi quân giặc đột phá vào làng Triều Xá, ông Lê Văn Thức đích thân chỉ huy nghĩa quân đánh giáp lá cà với giặc. Nhưng thế giặc mạnh, ông phải cho quân rút khỏi làng. Bọn Pháp truy kích ráo nết. cuối cùng chúng bắt được Lê Văn Thức và một số nghĩa quân, đã dùng một cực hình tra tấn buộc ông phải khai ra những người đồng mưu với mình, song chúng không moi được gì. Ngày 4 tháng 3 năm Bính Tuất (714/1886) Lê Văn Thức bị giặc Pháp chém rồi treo đầu ở cửa Tả thành Thanh Hoá. Ba ngày sau mới cho người nhà đem xác về chôn. Khi con cháu thay áo thấy trong vạt áo của ông có câu đối viết bằng máu:

      Nhất phiên đan tâm ưng bất tử
      Bách niên cơ sự phó lai sinh.


Dịch:

      Một tấm lòng son ưng chẳng chết.
      Trăm năm cơ sự để người sau.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #97 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2011, 09:56:23 am »

LÊ NGỌC TOẢN

   Lê Ngọc Toản người xã Cổ Định (nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, trong một gia đình có thế lực trong vùng. Ông đỗ cử nhân được bổ nhiệm làm tri phủ Đoan Hùng (Phú Thọ).

   Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, Lê Ngọc Toản hưởng ứng, bỏ quan về quê dấy nghĩa. Lúc đầu khi mới dựng cờ khởi nghĩa, ông xây dựng căn cứ ngay tại làng Cổ Định. Về sau ông xét thấy địa hình Cổ Định không có lợi thế về quân sự nên đã chọn Ngàn Nưa - nơi địa thế hiểm trở, xưa đã từng là căn cứ địa của Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh xây dựng căn cứ.

   Lực lượng nghĩa quân Lê Ngọc Toản có khoảng 200 người, đa số là tráng đinh các tổng Cổ Định, Lai Triều, Hữu Định, Đô Xá tham gia. Nghĩa quân huấn luyện tại triền núi Nưa hiểm trở, xa khu dân cư. Ông xây dựng đồn binh ở Ba Động và Sả Hèo nằm cách nhau 1 km. Bộ chỉ huy cũng đóng tại đây. Hai đồn này nằm trên trục đường nối liền hai tổng Cổ Định - Lai Triều, lại có đường thông tới các huyện Thọ Xuân, Như Xuân. Đồn tiền tiêu đóng ở làng Tương Định nay thuộc xã Tân Thọ án ngữ đường Cầu Quan - Quán Giắt.

   Bộ chỉ huy nghĩa quân đóng ở đồn Ba Động. Lê Ngọc Toản cử Lê Duy Tán làm quản binh, đảm trách nhiệm vụ huấn luyện, chỉ huy tác chiến. Lê Ngọc Toản rất coi trọng lương thực, ông cử Lê Xuân Trường là người quen biết rộng, có uy tín trong vùng làm Đốc vận quân lương.

   Hoạt động của nghĩa quân chủ yếu ở vùng Tây Bắc huyện Triệu Sơn (xưa thuộc Nông Cống) chủ yếu là đoạn đường từ Cổ Định đi Quán Giắt ra Cầu Thiều. Nghĩa quân thường xuyên quấy rối địch ở đồn Hoàng Lộc gần Quán Giắt, chặn đánh các toán quân do thám, tuần tiễu của giặc Pháp gây nhiều khó khăn cho việc lùng sục, càn quét của chúng.

   Cuộc khởi nghĩa của Lê Ngọc Toản chịu sự chỉ huy chung của bộ chỉ huy chung của tỉnh Thanh Hoá do Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn và Chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân chỉ huy.





ĐỘI TÁM

   Đội Tám tên thật là Lê Xuân Tuyển, sinh năm 1831  trong một gia đình ngư dân ở làng Đông Thành, xã Hà Lộ, tổng Ngọc Chuế, huyện Hoằng Hoá, nay thuộc xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Lê Xuân Tuyển là một ngư dân quen nghề sông nước, nên năm Tân Hợi (1851) ông được tuyển làm lính thuỷ. Nhiệm vụ của ông là vận chuyển lương thực dùng vào việc quân từ các tỉnh Bắc Kỳ vào Kinh đô Huế. Do ông mẫn cán hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên được bổ nhiệm làm Đội trưởng. Từ đó ông có tên là Đội Tám.

   Năm 1864, Đội Tám được chỉ định chỉ huy chiến thuyền đánh bọn hải phỉ ở vùng đảo Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Yên. Với tài dụng binh, ông không bày trận đánh bọn hải phỉ vốn thạo thuỷ chiến, mà tổ chức một trận đánh úp diệt được nhiều chiến thuyền, bắt sống được tên cầm đầu hải phỉ. Vùng biển Quảng Yên được giữ yên. Tháng 10 năm Bính Dần (1866) vua Tự Đức tin cậy giao cho Đội Tám áp tải quân lương, trông coi việc đóng chiến thuyền bọc đồng cho triều đình. Năm Kỷ Tỵ (1870) ông chỉ huy việc thao diễn binh lính hoàn hảo, được triều đình thưởng tiền. Đến năm Nhâm Thân (1872) ông được thăng chức Chánh đội trưởng suất đội. Cuối năm 1883 vua Hàm Nghi lên ngôi, Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết xây dựng Tân Sở ở Quảng Trị thành căn cứ quân sự để khi cần thiết thì chuyển triều đình về đó chỉ đạo kháng chiến. Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn tin tưởng giao cho ông nhiệm vụ quan trọng xây căn cứ này. Sau đó ông lại được giao chở vàng bạc, vũ khí ở Kinh đô ra, chuyển lương thực ở các tỉnh Bắc Kỳ vào dự trữ ở Tân Sở.

   Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở sơn phòng Tân Sở, ông được cử ra đóng ở sơn phòng Hà Tĩnh. Tháng 7/1885 Tôn Thất Thuyết tấn công quân Pháp ở Kinh thành Huế, việc không thành, các ông rước vua ra Tân Sở, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương. Đội Tám đã hưởng ứng chiếu Cần vương bằng hành động phát động thân hào, thân sĩ, nhân dân ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá thành lập các đội nghĩa binh đánh Pháp. Khi quân Pháp chiếm được tỉnh thành Thanh Hoá một cách dễ dàng vì quan quân sợ giặc mở cửa thành đầu hàng, Đội Tám bỏ về quê ở Hoằng Hoá. Lúc này phong trào Cần vương ở Thanh Hoá phát triển rầm rộ, các thủ lĩnh nghĩa quân ở Thanh Hoá cử ông làm Tán lý Lãnh binh. Ông tổ chức nghĩa quân ở vùng biển Hoằng Hoá rồi liên lạc với các thủ lĩnh Phạm Bành, Nguyễn Đôn Tiết. Các thủ lĩnh Cần vương Thanh Hoá quyết định xây dựng chiến luỹ Ba Đình với kiến trúc đặc biệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh là xếp các sọt bùn tạo nên tường thành. Nhiệm vụ này được giao cho Đội Tám người có đóng góp quan trọng trong việc xây.dựng căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị thực hiện. Tháng 9 năm 1886, chiến luỹ xây xong, Đội Tám cho chuyển lương thực, thực phẩm dự trữ chứa trong các kho nửa chìm, nửa nổi. Số lương thực này đủ cho đội quân phòng thủ sử dụng trong 6 tháng. Các thủ lĩnh phong trào Cần vương Thanh Hoá rất hài lòng với cấu trúc của chiến luỹ này. Khi trên 300 nghĩa quân được lựa chọn ở các cánh quân trong tỉnh tới, Đội Tám được phong chức Chánh Đề đốc phụ trách việc huấn luyện chiến thuật phòng ngự, tấn công cho anh em. Sau trận này quân Pháp tập trung quân Pháp, lính Nam triều, giáo dũng trở phá các căn cứ của phong trào Cần vương toàn tỉnh. Nhiều thủ lĩnh hy sinh, bị bắt, bị hành hình. Đội Tám về quê trú ẩn, giặc phát hiện được, bắt ông đi tù vài năm rồi thả về. Ông sống cuộc đời bình dị ở quê, mất năm Kỷ Dậu (1909) ở tuổi 79.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #98 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2011, 09:58:29 am »

NGUYỄN TRỌNG TÂY

   Nguyễn Trọng Tây người làng Phù Lưu, Nguyễn Thế Sanh và Thiều Kim Nê người làng Viện Giang, đều ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay cả hai làng đều thuộc xã Đông Tân, huyện Đông Sơn. Cả ba ông Nguyễn Trọng Tây, Nguyễn Thế Sanh, Thiều Kim Nê đều đỗ cử nhân võ.

   Tháng 7 năm 1885, sau trận tấn công quân Pháp ở Kinh thành Huế đêm 4 rạng ngày 5 không thành, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn rước vua Hàm Nghi ra Tân Sở, hạ chiếu Cần vương. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đông đảo sĩ phu hưởng ứng, ba ông cử nhân võ cũng chiêu mộ quân đánh Pháp. Công việc mới khởi đầu thì có kẻ đi mật báo cho giặc Pháp biết. Quân Pháp kéo về vây hai làng Phù Lưu và Viện Giang. Nguyễn Thế Sanh và Thiều Kim Nê đem quân ra chống cự, bị giặc Pháp bắt, chém ngay tại chỗ. Nguyễn Trọng Tây phá vòng vây chạy thoát cùng một số nghĩa quân gia nhập cuộc khởi nghĩa do Lê Khắc Tháo ở Bái Giao lãnh đạo. Khi các thủ lĩnh phong trào Cần vương ở Thanh Hóa họp hội nghị ở Bồng Trung quyết định xây dựng căn cứ Ba Đình ở huyện Nga Sơn, giao cho Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh chỉ huy, Nguyễn Trọng Tây được Lê Khắc Tháo cử về tham gia xây dựng căn cứ Ba Đình và tham gia chỉ huy chiến đấu ở đó.

   Nguyễn Trọng Tây được Đinh Công Tráng, Phạm Bành cử chỉ huy một trong ba đồn. Ông còn được lệnh đem quân đi tập kích các đồn binh Pháp và Nam triều đóng ở Nga Sơn, Tống Sơn (Thanh Hóa), Tam Điệp (Ninh Bình) và chặn đánh các đoàn xe vận tải của giặc Pháp trên đường thiên lý.

   Nguyễn Trọng Tây chỉ huy quân sĩ đánh bại trận càn quy mô lớn vào ngày 18 tháng 2 năm 1886 ở hướng Tây Nam do tên trung tá Meldinggiơ chỉ huy. Ông còn tham gia trận đánh ngày 6 tháng giêng năm 1887 do tên trung tá Đốt chỉ huy. Nguyễn Trọng Tây hy sinh trong trận nghĩa quân chủ động rút khỏi căn cứ vì không chịu nổi mùi hôi thối của xác giặc chết ở chung quanh căn cứ.






LÊ CHÍNH

   Lê Chính còn gọi là Bang Hiền là con cụ Lê Đức có theo học chữ nho, nhưng không đi thi, ở nhà dạy học. Mặc dù theo học nghiệp văn, song ông chuộng cả văn lẫn võ. Do gia cảnh nghèo, nên mãi đến năm 1850 ông mới đỗ cử nhân khoa thi Hương ở Nam Định.

   Năm Kỷ Mão (1879) Lê Chính vào Huế thi Hội, thi Đình và đỗ Phó bảng.

   Lê Chính vốn nặng lòng yêu nước, trong thời gian ở Huế đã dâng biểu lên vua Tự Đức về chiến lược phòng thủ đất nước, về các chính sách kinh tế, phát triển công nghiệp, tu bổ đê đập, khơi sông ngòi, dẫn thuỷ nhập điền. Những bản tường trình của ông về các vấn đề trên được Tự Đức đưa ra viện cơ mật thảo luận, song không được thi hành.

   Cũng trong thời gian lưu lại kinh đô, ông đã được tiếp xúc với Tôn Thất Thuyết là một trong những người đứng đầu phe chủ chiến trao đổi về tình hình đất nước, đặc biệt về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh ở các địa phương. Tôn Thất Thuyết rất ủng hộ ý kiến của ông. Lê Chính quyết tâm đi theo con đường vũ trang đánh Pháp.

   Khi Tự Đức mất, Ưng Lịch nối ngôi, lấy hiệu là Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã cử ông về Thanh Hoá tham gia lực lượng kháng chiến do Trần Xuân Soạn tổ chức. Ông được cử giữ chức Bang biện quân vụ tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xưởng. Ông đã thống nhất lực lượng vũ trang của các xã thành một lực lượng nghĩa quân thống nhất tổng Văn Trinh.

   Với nhãn quan của người đã từng nghiên cứu binh thư, ông đã chọn "Cồn Cá Gáy" rộng tới 18 mẫu có cây um tùm, chung quanh là ruộng chiêm trũng, nước ngập sâu để xây dựng cứ điểm.

   Căn cứ vào quân số có sẵn ở các xã trong tổng và địa hình, ông chia quân làm bốn đơn vị do thủ lĩnh nghĩa quân các xã chỉ huy đóng ở các chốt quan trọng như núi Văn Trinh, núi Hoà Trung, núi Đá Chẹt...

   Khi giặc Pháp từ Nghệ An đánh ra tỉnh Thanh Hoá, chúng bị nghĩa quân tổng Văn Trinh chặn lại tiêu diệt ở các cứ điểm trên. trong đó phải kể đến trận đánh ở núi Hoà Trường do Cử Lưỡng chỉ huy. Lê Chính bố trí quân trong đám cây cỏ rậm rạp ở bến sông Hoằng. Bọn giặc vừa từ ca nô lốc nhốc kéo lên bãi, nghĩa quân đồng loạt bắn tên tẩm thuốc độc giết chết nhiều tên. Trong khi bọn giặc hoảng loạn thì nghĩa quân nhất tề xông ra dùng mã tấu, đoản đao, kiếm đánh giáp lá cà giết chết gần hết bọn chúng. Bọn còn lại trên ca nô tháo chạy mặc những tên chết, những tên bị thương gào khóc.

   Trận này nghĩa quân thắng lớn, thu được nhiều vũ khí, quân trang. Giặc bị chết gần hết, xác phơi trên bãi, nổi lềnh bềnh trên sông Hoằng.

   Quân Pháp muốn tấn công tỉnh thành Thanh Hoá từ phía Nam nhất thiết phải san phẳng được các cứ điểm tổng Văn Trinh. Ngày 24 tết năm Bính Tuất (1886) quân Pháp huy động hàng trăm canô chở đầy lính theo sông Hoà Trường tiến vào. Lê Chính lệnh cho dân cư ở cồn Cá Gáy và các làng lân cận tản cư vào huyện Nông Cống, chỉ còn nghĩa quân ở lại. Ông bố trí trận địa mai phục và khôn khéo cải trang dẫn chúng tới trận địa phục kích rồi biến mất trong những bụi cây. Cũng lúc đó tên, đạn của nghĩa quân phục ở hai bên bắn ra cấp lập. Bọn giặc hốt hoảng tháo chạy.

   Sau trận này, quân Pháp càn quét liên tục vào tổng Văn Trinh, nhưng Lê Chính vẫn chỉ huy nghĩa quân hoạt động liên tục trong 10 năm, đến năm 1895 mới tan rã. Các đồng chí của ông như Đỗ Đức Mậu, Đốc Nhất, Cử Lưỡng hy sinh, ông rút lên miền núi cùng chiến đấu với Cầm Bá Thước. Khi ông Thước hy sinh, ông cải trang ra dạy học ở Hà Nam, mất năm 1922 thọ 98 tuổi. (Theo bài Đội nghĩa quân Văn Trinh trong phong trào Cần vương tỉnh Thanh Hoá cuối thế kỷ XIX của giáo sư Đinh Xuân Lâm, TCLSQS).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #99 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2011, 10:01:51 am »

NGUYỄN TỬ TƯƠNG

   Nguyễn Tử Tương sinh ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (5 tháng 6 năm 1844) ở thôn Thư Điền, xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

   Nguyễn Tử Tương bản tính thông minh, học giỏi, văn chương phóng túng không chịu gò bó trong "khuôn vàng, thước ngọc” của nho học. Ông muốn nối chí cha đang giữ chức án sát tỉnh Quảng Yên nên còn học thêm võ nghệ. Ông không ngừng cùng bạn bè luyện tập, được giới võ lâm trong vùng kính nể. Vì văn chương phóng túng, chuộng võ hơn văn chương, nên ông đi thi mấy lần đều bị quan giám khảo đánh trượt, lận đận mãi đến năm 24 tuổi mới thi đỗ tú tài, năm sau đó thi cũng chỉ đỗ tú tài. Chán con đường khoa cử, ông xuống Quảng Yên giúp cha cầm quân đánh dẹp giặc Tầu Ô, hải phỉ lập được nhiều chiến công.

   Chiến công của ông đánh dẹp quân Tàu Ô, hải phỉ được triều đình biết tới. Mặc dầu ông mới đỗ tú tài vẫn được bổ nhiệm chức Bang biện sơn phòng tỉnh Thuận Hoá. Từ đó ông có tên gọi là "Bang Tương". Do ông có công lao xây dựng lực lượng biên phòng và bảo vệ biên giới phía Tây tỉnh Thuận Hoá, dẹp yên nạn trộm cướp, lưu manh ở miền Tây Thuận Hoá nên ông được thăng Thương biện tỉnh vụ.

   Ngày 25/4/1882, quân Pháp do Henri Riviere hạ thành Hà Nội. Triều đình Huế đã không chống cự, còn ra lệnh bãi binh chiêu hồi các tướng đang đánh Pháp về Kinh đợi chỉ, ngăn cấm nhận dân không được tổ chức lực lượng vũ trang đánh Pháp. Nguyễn Tử Tương liền từ quan về quê ở Ninh Bình. Tại đây ông đã liên lạc với nhiều sĩ phu yêu nước như Đinh Văn Tâm ở xã Hàng Sơn, Ba Chu ở xã Quán Vinh, Nguyễn Thể Kháng ở xã Áng Ngữ, Đinh Văn Phú và Đinh Hữu Khang ở xã Tri Hối đều thuộc tỉnh Ninh Bình, chuẩn bị lực lượng để khi có thời cơ thì nổi dậy đánh Pháp xâm lược và vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc.

   Khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, nghĩa sĩ khắp nơi hưởng ứng. Thời cơ đã tới, Nguyễn Tử Tương liền cùng các ông Đinh Văn Tâm, Nguyễn Thế Khánh, Phạm Văn Chu, Đinh Văn Phú, Đinh Hữu Khang dựng cờ nổi trống phát động nhân dân hưởng ứng. Nguyễn Tử Tương còn liên hệ với Trần Xuân Soạn quê ở Thanh Hoá. Ong cũng tới Tiên Động ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Vĩnh Phúc liên hệ với Nguyễn Quang Bích, được Nguyễn Quang Bích thừa lệnh vua Hàm Nghi phong là Tán tương quân vụ phụ trách nghĩa quân Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định. Khi đã có lực lượng được trang bị vũ khí, Tán tương quân vụ Nguyễn Tử Tương bàn với ông Tú Đập đánh tỉnh thành Ninh Bình vào đêm 20 tháng 4 năm Bính Tuất (23/5/1886). Nhưng do chuẩn bị chưa tốt việc liên lạc với các cánh quân chưa chặt chẽ, đặc biệt là thiếu đội quân mạnh ở Hoà Bình do Đề Đập chỉ huy. Quân của ông đã đột nhập vào tỉnh lỵ Ninh Bình, nhưng xét thấy không đủ lực lượng công thành, nên ông cho đốt cổng Đông, chợ Phủ rồi rút lui.

   Bị quân Pháp truy kích, Nguyễn Tử Tương rút quân lên miền núi tiếp tục huấn luyện, chiêu mộ thêm quân. ông đã phối hợp với nghĩa quân Nam Định, nghĩa quân Hà Nam đánh các trận ở Nho Quan, Ý Yên, Phủ Lý gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Năm 1887, thực dân Pháp phát động lệnh các xã phải truy bắt ông nộp cho chúng, song nhân dân vẫn bảo vệ ông.

   Nguyễn Tử Tương ở rừng núi lâu ngày bị mắc bệnh sốt rét, bụng bang. Năm 1898 ông về nhà chữa bệnh, bị tên Cựu Bưởng phản bội báo cho giám binh Ninh Bình đến bắt. Thực dân Pháp và tay sai dụ dỗ ông ra làm quan, chúng sẽ chữa khỏi bệnh và cho ông hưởng vinh hoa phú quý, nhưng ông nhất định phản kháng. Đêm 16 tháng 10 năm Mậu Tuất (29/11/1898) Nguyễn Tử Tương dùng dao găm tự vẫn để tỏ thái độ bất hợp tác đối với giặc.






ĐINH VĂN PHÚ - ĐINH HỮU KHANG

   Vào thời Tự Đức, chi họ Tri Hối ở làng Sào Long, xã Tri Hối có anh em ông Đinh Văn Phú và Đinh Hữu Khang, cả hai ông đều đỗ tú tài đến khoá thứ tư.

   Năm 1885 khi Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá, Lãnh sự Pháp ở kinh thành Huế thì quân Pháp phản công. Hai ông cùng một số quan văn võ trong phe chủ chiến đã rước vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị.

   Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương. Các sĩ phu, nhân dân Trung Kỳ, Bắc Kỳ đều nhiệt liệt hưởng ứng trong đó có Đinh Văn Phú và Đinh Hữu Khang ở Thái Bình. Ông Đinh Văn Phú và ông Đinh Hữu Khang chiến đấu dũng cảm, mưu trí tiêu diệt nhiêu quân địch- ông Phú được vua Hàm Nghi ban cho Ngân tiền có ghi chữ "Thưởng công”.

   Khi hai ông Đinh Văn Phú, Đinh Hữu Khang mất xã Thiên Hối và ấp Tân An gần làng Sào Long tôn làm thành hoàng thờ hai ông.

      Đời sau có thơ vịnh hai ông:

         VỊNH CỤ NỀN ANH ĐINH VĂN PHÚ

      Xếp hề thư kiếm, dấy dao cung
      Việc nước cùng em gánh vác chung
      Tàn bạo, không dung ma quỷ trắng
      Quật cường quyết cứu nước non Hồng
      Sắc phong sán lạn lòi bao đức
      Tiền tặng huy hoàng chữ thưởng công
      Huyết thực ngàn thu thần mấy xã
      Đời sau nên mối chí anh hung.



         VỊNH CỤ NỀN EM ĐINH HỮU KHANG

      Tú tài mới đỗ bốn khoa liền,
      Vì nước cùng anh xếp bút nghiên,
      Sát tả sục sôi lòng cách mạng
      Bình Tây bỗng nhẹ gót chinh yên
      Vào sinh ra tử từng bao trận
      Lội suối trèo non trải chục niên
      Thành bại lẽ thường chi xá kể,
      Anh hùng tâm sự đối Hoàng thiên.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM