Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:01:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam  (Đọc 160887 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2011, 02:53:32 pm »

LÊ TRỰC

   Lê Trực còn gọi là Lê Văn Trực, sinh năm Tân Sửu (1841), quê làng Thanh Thủy, tổng Tuần Lễ, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. nay thuộc huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.

   Năm Mậu Thìn, Tự Đức thứ 11 (1858), ông 28 tuổi, thi đỗ cử nhân võ được sung vào Võ học đường học tập chờ khoa thi Hội. Năm Kỷ Tỵ (1869). Tự Đức thứ 22, qua sát hạch ở Võ học đường ông được tham gia Hội thí, đỗ thứ nhì, hạng thứ trúng cách, song vào thi Đình lại đỗ thứ ba, được ban chức Đệ Tam giáp Tiến sĩ võ xuất thân. Trước năm 1882 từng giữ chức Đề đốc Hộ thành Hà Nội.

   Ngày 3 tháng 4 năm 1882 giặc Pháp do Henri Rivière chỉ huy đổ bộ ra Hà Nội. Theo lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu. Lê Trực cùng các tướng củng cố thành trì, cổng thành được thay bằng cánh mới bằng gỗ lim dầy, tường thành được đắp cao từ 0,5 đến 2 mét.

   Sau khi gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu không được trả lời, 10 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1882, Henri Rivière cho bắn đại bác dồn dập vào thành rồi cho quân tấn công. Thành vỡ. Lê Trực lui về quê ở tại Quảng Bình. Tại quê hương, ông vẫn nung nấu ý chí chống Pháp, bí mật liên kết với những người yêu nước chuẩn bị vũ khí. lương thực đợi thời cơ khởi nghĩa đánh Pháp.

   Tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân tấn công đồn Mang Cá, Tòa Lãnh sự Pháp, khu nhượng địa Pháp, nhưng việc không thành. Các tướng phải phò giá vua ra Quảng Trị, nhà vua hạ chiếu Cần vương. Lập tức Lê Trực cùng các đồng chí hưởng ứng, chiêu mộ quân dựng cờ khởi nghĩa kéo quân lên thượng nguồn sông Gianh xây dựng căn cứ.

   Lê Trực được vua Hàm Nghi phong là Đề đốc, cho dự việc quân cơ với các đại thần. Ông vốn là người Quảng Bình, là Lãnh binh lại thông thuộc địa hình vùng núi Quảng Bình nên được các đại thần giao cho việc chỉ huy xây dựng các đồn trại.

   Tháng 12/1885, sau khi quân Pháp chiếm được Vinh liền cho quân ngược sông Ngàn Sâu tiến vào trung tâm kháng chiến của vua Hàm Nghi. Lê Trực xin đem nghĩa quân đi đánh trận đầu với quyết tâm thắng lợi để tăng sĩ khí cho quân ta và gây nỗi khiếp đảm cho quân Pháp.

   Tháng 3/1886, Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện, bên cạnh vua Hàm Nghi chỉ còn Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Tiệp, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân. Tình hình ở Quảng Bình hết sức khó khăn vì quân Pháp đóng nhiều đồn bốt vây quanh căn cứ của vua Hàm Nghi. May sao khi đó ở Bắc Kỳ, quân ta đánh mạnh, quân Pháp phải rút bớt lực lượng ở Trung Kỳ ra Bắc. Nhân đó Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân đem quân vây hãm Quảng Khê, Chợ Đồn, Đồng Hới. Song quân Pháp tuy lực lượng ít, nhưng được trang bị vũ khí hiện đại, chống trả quyết liệt, nên nghĩa quân không tiêu diệt được mục tiêu. Đến tháng 11/1886 nghĩa quân do Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy đã đánh bật hai cuộc hành quân của quân Pháp vào Nam Lưu.

   Vua bù nhìn Đồng Khánh, tay sai đắc lực của thực dân Pháp sai Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi và các quan đầu hàng, bị thất bại, tên đại úy Mutê chỉ huy đồn Minh Cầm viết thư dụ hàng Lê Trực tới ba lần, đều bị Lê Trực vạch mặt là quân Pháp chia rẽ lương giáo.

   Trong bức thư cuối cùng Mutê buộc Lê Trực đầu hàng không điều kiện, nếu không sẽ bị bắn chết, Lê Trực khảng khái trả lời: "Tôi vì vua vì nước sống chết một lòng chứ không dám vì tham sống mà quên nghĩa”.

   Ngày 19/6/1887, Mu tê đánh úp căn cứ của Lê Trực ở vùng núi Thanh Thủy vào ban đêm. Hầu hết các bộ tướng nghĩa quân như Phạm Tường, thủ hạ số 1 của Lê Trực, cả vợ con Lê Trực cũng bị bắt. Lê Trực chạy thoát vào ẩn náu trong rừng một thời gian.

   Đối với những người bị bắt giặc đưa Phạm Tường về làng Thọ Ngoã quê ông để hành hình, còn tất cả mọi người không kể lớn bé, già trẻ đều bị giết ở Minh Cầm.

   Lê Trực tập hợp được một số nghĩa quân tiếp tục chiến đấu, ông không ở nơi nào cố định, xuất quỷ nhập thần đánh giết quân Pháp khiến cho quân Pháp hoảng loạn..

   Cuối năm 1887, đầu năm 1888, Tôn Thất Tiệp, Tôn Thất Đàm, Lê Trực phá thế bao vây của giặc Pháp, đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cuối hè năm 1888 tình hình nghĩa quân Quảng Bình được cải thiện. Nhưng ngày 1 tháng 11 năm 1888, tên Trương Quang Ngọc và tên Nguyễn Đình Tình ở trong đội bảo vệ nhà vua làm phản đưa quân Pháp vào bắt vua. Tôn Thất Tiệp cầm kiếm xông ra bị một tên giặc đâm lén chết. Tôn Thất Đàm nhận được tin, họp các quan căn dặn các quan không nên theo giặc rồi vào rừng thắt cổ tự tử.

   Vua bị bắt, các đại thần bị giết hại, sự nghiệp không còn gì, trong khi đó giặc vẫn giết hại nhân dân để truy bức ông. Cuối tháng 12 ông tự ý ra cho giặc bắt để chúng khỏi giết hại nhân dân. Đồng Khánh và bọn quan Nam triều muốn giết ông, nhưng thực dân Pháp muốn mua chuộc ông nên giam giữ ông một thời gian rồi đưa về quê quản thúc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:03:02 pm »

BẠCH XỈ

   Bạch Xỉ tên thực là Đoàn Chí Tuân, còn có tên là Đoàn Đức Mậu, Bạch Xỉ chỉ là hiệu. Ông sinh năm 1855, người làng Hà Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, dòng dõi nho học, có truyền thống yêu nước.

   Ông học giỏi nhưng không đi thi. Năm ông 17 tuổi (1873), giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Ông đã đi khắp các tỉnh, giao kết với bạn bè đồng chí hễ có thời cơ là nổi dậy đánh đuổi giặc Pháp.

   Năm 1885, ông 30 tuổi, khi vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng, hạ chiếu Cần vương, ông đến sơn phòng Hà Tĩnh đón xa giá vua để phò vua giúp nước. Tôn Thất Thuyết không trọng dụng, ông liền về quê ở Hòa Ninh mộ quân đánh Pháp. Chỉ trong vòng 2 tháng, ông mộ được 490 người. Điều đặc biệt là ông không như các sĩ phu khác nêu khẩu hiệu “Bình Tây, sát tả”, coi đạo Thiên chúa cũng là kẻ thù, mà ông thực hiện đoàn kết lương giáo. Trong đội quân của ông có 25 người theo đạo Thiên chúa. Ông quyên tiền mua được 21 khẩu súng bắn nhanh, sản xuất 40 cung nỏ cùng hàng trăm đao, kiếm, giáo mác, 22 ngựa chiến. Dân chúng ủng hộ lương thực đủ nuôi quân trong 2 năm. Song địa thế ở Hòa Ninh trống trải lại bị tên cố đạo cản trở, Bạch Xỉ phải chia quân làm ba bộ phận hợp tác với các thủ lĩnh khác để chiến đấu. Trong 4 năm (1885-1888), nghĩa quân do ông tổ chức. huấn luyện, trang bị vũ khí, cung cấp một phần quân lương ở cả ba chiến trường đều chiến đấu dũng cảm gây cho quân Pháp và quân triều đình Đồng Khánh bị tổn thất nặng nề. Do nghĩa quân Bạch Xỉ, Hoàng Phúc hoạt động mạnh, gây cản trở làm cho cuộc Bắc du các tỉnh Bắc Huế của Đồng Khánh khởi hành ở Huế ngày 17/6/1886 diễn ra một cách tẻ nhạt.

   Hoàng Phúc hy sinh, Bạch Xỉ chỉ huy nghĩa quân cùng với nghĩa quân do Nguyễn Hưng Vinh phối hợp với nghĩa quân Cao Thượng Chí và nghĩa quân do Đinh Hiển chỉ huy phối hợp với nghĩa quân Mai Lượng chỉ huy liên tiếp trong 2 năm 1887, 1888 đánh thắng quân Pháp nhiều trận.

   Chỉ có Bạch Xỉ và nghĩa quân Hòa Ninh vẫn tiếp tục chiến đấu. Ông thu thập số nghĩa quân Cao Thượng Chí và Mai Lượng, tuyển thêm quân, được đồng bào ủng hộ trên 60 thúng lúa, ngô. Bạch Xỉ đem quân gia nhập nghĩa quân Hương Sơn do Phan Đình Phùng chỉ huy. Nghĩa quân sáp nhập vào nghĩa quân Hương Khê. Bạch Xỉ trở thành một bộ tướng bên cạnh Cao Thắng, Nguyễn Chánh tại đại bản doanh.

   Trong 2 năm (1888-1889) nghĩa quân Bạch Xỉ trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã đóng góp tích cực vào các trận chiến thắng của nghĩa quân Hương Khê.

   Bạch Xỉ nhiều lần đề nghị với Phan Đình Phùng lập vua mới để kế tiếp vua Hàm Nghi. Phan Đình Phùng và các tướng cực lực phản đối. Song ông vẫn kiên trì đề nghị trên và còn đề nghị liên kết lương giáo chống Pháp. Phan Đình Phùng và các tướng nghi ngờ ông về lòng trung thành với Tổ quốc. Bạch Xỉ bí mật rút hết quân sĩ về Đại Hàn, cố tìm người trong Hoàng tộc để Tôn quân diệt địch, nhưng không tìm được. Ông lợi dụng sấm Trạng Trình có câu: "Bạch Xỉ sinh, thiên hạ bình” và câu thơ truyền miệng trong dân gian: Một lũ thày tăng (thằng Tây) ra trị nước, có ông Bạch Xỉ mới nên đời, liền lên ngôi, hiệu là Long Đức hoàng đế; cắt đặt 28 thủ hạ vào các chức vụ của triều đình, gọi là nhị thập bát tú. Ông truyền hịch kêu gọi nhân dân lương cũng như giáo mau mau đứng lên kháng chiến cứu quốc.

   Ông được một số người cả lương và giáo ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh hưởng ứng, đưa số quân khi rút khỏi Hương Khê có 450 người lên trên 600 người và ủng hộ lương thực. Bạch Xỉ đánh quân Pháp ngay trên chiến trường do Phan Đình Phùng chỉ huy. Nghĩa quân Bạch Xỉ đã đánh thắng quân Pháp nhiều trận, tiêu biểu như:

   - Giữa tháng 5/1892 nghĩa quân phục kích đoàn vận tải từ Minh Cầm lên đồn Tri Bản và Hương Khê ở tả ngạn sông Ngàn Xâu. Đội quân cung nỏ bắn chặn bọn lính khố xanh đi đầu và đi cuối. Đội nghĩa quân ở trên cao nổ súng uy hiếp để đội quân ở giữa dùng đoản đao, mã tấu chém giết bọn lính vận tải. Bạch Xỉ còn bố trí một đội quân chặn viện từ đồn Tri Bản lên. Kết quả bọn địch bị chết và bị thương gần hết, nghĩa quân thu 9 súng, 15 hòm đạn, 12 gánh quân lương.

   - Tháng 1/1893 nghĩa quân phục kích toán lính khố xanh đi chợ Phiên Un, diệt gọn, thu 7 súng, nhiều gánh hàng.

   - Tháng 6/1894, giữa mùa nắng, gió Tây Nam thổi mạnh. Đang đêm nghĩa quân đem quân đốt hàng rào, gió thổi vào đồn cháy nhà cửa và bắn súng vào. Bọn giặc bị chết bỏng và trúng đạn rất nhiều.

   Ngày 18/12/1895, Phan Đình Phùng mất sau khi bị thương trong một trận đánh, giặc Pháp tổ chức các trận đánh lớn vào căn cứ Hương Khê để bắt các tướng lĩnh và nghĩa quân, Bạch Xỉ tổ chức một số trận đánh, thu hút hỏa lực về phía mình. Tháng 3/1895, Bạch Xỉ chỉ huy quân tấn công đồn Tri Bản, đặt hầm chông, quân giặc đuổi theo, sa xuống hầm chông bị chết và bị thương một số.

   Tháng 5/1896 , giặc Pháp cơ bản đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Hương Sơn, tập trung toàn bộ quân lực đánh Bạch Xỉ. Chúng bắt trói Bạch Xỉ khiêng về nhà lao Vinh dụ dỗ không được chúng tra tấn ông đến chết ở nhà lao Vinh vào cuối năm 1897.

   Bạch Xỉ anh dũng hy sinh năm 42 tuổi, đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc.

   Ngoài ra, Bạch Xỉ còn là một nhà thơ. Thơ của ông được giới thiệu cùng tiểu sử trong tập "Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX”  và sách “Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX”, trong tập “Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam” của Phi Bằng, NXB Tâm Thanh Huế (1934).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:04:29 pm »

HOÀNG THỊ TÁM

   Hoàng Thị Tám là con gái ông Hoàng Văn Phúc một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở Nam Quảng Bình. Tuy ít tuổi nhưng nhờ giỏi võ, mưu lược, cô trở thành một tham mưu tài giỏi của cha. Khi ra trận cô luôn đi hàng đầu, làm gương cho quân sĩ. Ông Hoàng Phúc hy sinh, nghĩa quân tan rã. Hoàng Thị Tám càng nung nấu chí căm thù giặc Pháp quyết trả thù cho cha và nghĩa quân đã hy sinh. Tới Hà Tĩnh cô thuê một căn nhà mở cửa hàng bán than tìm cách liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng.

   Trong khi chưa tìm được chủ soái, cô nghĩ mình xa lạ, lại là phận gái không thể đứng ra chiêu tập nghĩa quân được, song cô có cách đánh riêng đó là làm binh vận. Cô gặp gỡ lính tập, trò chuyện, còn đãi đằng rượu thịt chúng, cô khơi gợi tình nghĩa vợ con, làng xóm đang phải sống lầm than, đất nước thì chìm đắm trong vòng nô lệ. Vậy ai gây nên cảnh đó, chính là giặc Pháp và vua quan bán nước. Cô khuyên họ bỏ súng về nhà, nếu có điều kiện thì đem súng lên rừng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thấy cô qua lại trò chuyện, lại đãi đằng cả rượu thịt cho lính tập, dân phố tỏ ý khinh cô ra mặt. Song Tám vẫn bền lòng cam chịu chờ đến thời cơ. Lòng kiên trì của Tám đã đem lại kết quả là một số lính bỏ về quê quán, số khác đem súng lên rừng theo nghĩa quân. Số còn lại không chịu đi tập, đi hành quân đánh nghĩa quân. Giặc đổi số lính tập đó đi nơi khác, cho mật thám theo dõi Tám. Cô liền thuê thuyền tới Hương Sơn nơi có căn cứ của cụ Phan Đình Phùng. Phan Đình Phùng đã biết đến cô gái cắp gươm theo hầu cha từ năm trước khi ông vào gặp tướng Hoàng Phúc. Nhưng vốn là người thận trọng, cụ Phan cho rằng nếu chỉ có lòng căm thù giặc thì chưa thể đánh thắng giặc được, mà phải có tài cầm quân, có mưu lược, nên lưu cô lại đại bản doanh chờ thử thách.

   Dăm ngày sau, người chỉ huy đội tuần tra về bẩm báo với Phan Đình Phùng là có khoảng 30 lính tập, vũ trang đầy đủ do một viên quản chỉ huy đến đóng ở ngôi miếu cách căn cứ khoảng 30 dặm. Hoàng Thị Tám tình nguyện xin đi bắt sống bọn lính đó, không tốn một viên đạn, chỉ xin đến ngày thứ ba ông Phan cho 20 nghĩa quân đem thừng đến miếu trói giặc. Tám rời căn cứ, đến cái chợ cách miếu khoảng mươi dặm, cô vào chợ mua quang gánh, nồi niêu, bát đĩa, rượu thịt. Ngay sau đó cô gánh hàng đến gốc đa gần ngôi miếu nơi bọn lính trú quân. Cô bán rẻ, lại nói cười có duyên nên chúng hả lòng, hả dạ. Hôm sau bọn chúng kéo đến đông hơn và đích thân tên quản bảo sáng mai cô đem nhiều rượu thịt vào hẳn trong miếu bán cho chúng. Đúng hẹn, Tám gánh hàng đến, nhưng chúng không thể ngờ rượu đã được bỏ thuốc mê. Cô vừa tới bọn lính đã xúm xít đứa dắt tay đứa kéo cô vào trong miếu. Cô Tám rót rượu cho tất cả mọi đứa, không bỏ sót một ai. Nhưng chỉ đến chén thứ ba, có đứa chưa hết chén thứ hai đã ngấm thuốc, đứa nằm, đứa ngồi gục đầu xuống gối ngủ mê mệt. Chính lúc đó 20 nghĩa quân xuất hiện trói chúng thu súng, dội nước lã cho chúng tỉnh rồi áp giải về căn cứ. Phan Đình Phùng đã khen ngợi cô và giao cho cô chỉ huy đội nữ trinh sát địch vận.

   Khi đó Cao Thắng chế tạo được rất nhiều súng bắn nhanh theo kiểu 1874, Reminton của quân Pháp, song thuốc đạn thì hiếm. Hoàng Thị Tám lãnh trách nhiệm sang Xiêm La mua thuốc súng. Cô cùng đội nữ trinh sát, địch vận chuyển nhiệm vụ gánh muối, cá khô, quế thanh sang Xiêm bán, và nhờ những người Việt yêu nước ở Xiêm La mua thuốc súng để đội của cô chuyển về. Trong mấy năm đội của Tám đã chuyển về nước tới năm, bẩy ngàn cân thuốc súng cùng hàng ngàn hạt nổ.

   Sau khi Cao Thắng hy sinh được ít lâu thì Phan Đình Phùng bị thương rồi mất, từ đó không ai biết cô Hoàng Thị Tám ở đâu, có người nói cô phẫn uất, lâm bệnh chết trong rừng, có người nói cô ở lại Xiêm. Nay thị xã Đồng Hới có một đường phố mang tên cô Tám.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:06:30 pm »

PHAN ĐÌNH PHÙNG

   Phan Đình Phùng tự là Nhân Trai, hiệu Châu Phong sinh năm Giáp Thìn (1844). Ông người làng Đông Thái, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Đức Phong, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh

   Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao. Ông là người hiếu học, thông minh, đậu cử nhân khoa Bính Tý (1876), đậu Đình nguyên Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1877). Sơ bổ làm Tri huyện huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm Tự Đức thứ 31 (1878) ông về Kinh đô Huế sung chức Ngự sử Đô sát viện.

   Tính tình ông thẳng thắn, nhưng yêu nước thiết tha, nên từ chức Ngự sử Hình khoa chưởng ấn trong triều, ông về Hà Tĩnh chỉ giữ chức Tham biện sơn phòng dưới quyền chánh quản sơn phòng Nguyễn Chính, phó quản sơn phòng Phan Trọng Mưu, nhưng vẫn dốc lòng làm hết phận sự.

   Được sự tham mưu của Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết tháng 11/1884 , vua Hàm Nghi đã ban dụ cho củng cố sơn phòng Hà Tĩnh, ông được phục chức rồi bổ làm Tham biện sơn phòng Hà Tĩnh. Phan Đình Phùng còn chiêu mộ dân địa phương chế tạo cung nỏ, tên tẩm thuốc độc, còn cùng Chánh, phó sơn phòng sứ đặt thêm chức Nha sơn phòng sứ ở Đông Chi thuộc huyện Hương Sơn.

   Phan Đình Phùng một lòng vì nước, vì dân đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị, ông đến bái yết, được phong làm Tán lý quân vụ coi các nghĩa quân chống Pháp ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Ông theo lời Tôn Thất Thuyết đứng lên mộ quân chống Pháp và lãnh trọng trách thống nhất các lực lượng nghĩa quân. Ông dựa vào địa hình rừng núi suối ngòi ở xã Đông Thái, Hương Sơn (Vụ Quang) một vùng rừng núi quanh co, hiểm trở lập căn cứ chống Pháp lâu dài.

   Phan Đình Phùng tổ chức nghĩa quân làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 600 nghĩa quân. Đại đồn Vụ Quang, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân, nơi làm việc của Tán lý Phan Đình Phùng thường xuyên có 500 quân trở lên.

   Phan Đình Phùng không dựa vào đồn luỹ để cố thủ mà dựa vào sự hiểm trở của núi rừng sông suối, xây dựng trận địa. Nghĩa quân phối hợp việc đánh địch tại căn cứ với việc tập kích, phục kích giặc, phát động phong trào toàn dân đánh giặc.

   Ngay từ buổi đầu kháng chiến, ông đã nhận thức muốn chống Pháp thuận lợi phải có sức mạnh toàn dân. Vì vậy sau khi đưa tổ chức nghĩa quân của Nghệ - Tĩnh vào nề nếp, ông giao cho Cao Thắng - một viên tướng trẻ nhưng có năng lực tiếp tục củng cố lực lượng kháng chiến, tổ chức các cuộc chiến đấu ở Nghệ Tĩnh, còn ông ra Bắc vận động các lực lượng chống Pháp thống nhất hành động.

   Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về trực tiếp lãnh đạo phong trào. Thanh thế của nghĩa quân Phan Đình Phùng ngày càng lớn mạnh.

   Năm 1889, Phan Đình Phùng bắt tên phản bội Trương Quang Ngọc kẻ đưa đường cho giặc Pháp bắt vua Hàm Nghi, về trị tội.

   Tháng 10/1894, với kế " Sa nang úng thủy", nghĩa quân đã làm cho 3 sỹ quan Pháp và nhiều binh lính Pháp, lính Nam bị nước cuốn trôi mất xác. Không tiêu diệt được bằng quân sự. tháng 5/1894, Toàn quyền La nét xăng (Lanessen) sai Hoàng Cao Khải viết thư cho người đem đến dụ ông hang, song không được, chúng lại bắt thân nhân quật mả tổ tiên của ông, ông vẫn không nản. Giặc cho tên Tiễu phủ sứ Lê Kinh Hạp đến để bắn giết người anh ruột của ông là Phan Đình Thông. Ông khẳng khái nói: Nay tôi chỉ có một ngôi mộ to nên giữ là nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình thì ngôi mộ của cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình, thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?

   Phan Đình Phùng vẫn quyết tâm kháng chiến một lòng, một dạ vì dân, vì nước. Đến cuối năm 1895, ông bị thương trong một trận giao chiến đẫm máu với quân Pháp, lại mắc bệnh lị nặng. Biết mình không qua khỏi, ông làm bài thơ tuyệt mệnh:

         LÂM CHUNG THỜI TÁC

      Nhung trường phung mệnh tập canh đông
      Vũ lược y nhiên vị tấn công
      Cùng lộ ngao thiên nan trạch nhạn.
      Phỉ đồ biến địa thượng dồn phong,
      Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
      Tứ hải nhân dân thuỷ hoả trung,
      Trách vọng dũ long ưu dũ đại
      Tướng môn thâm tự quý anh hùng.


Dịch thơ:

      Nhung trường vâng mệnh đã mười đông
      Vũ lược còn chưa lập được công.
      Dân đói kêu trời xao xác nhạn
      Quân gian chật đất rộn ràng ong.
      Chín lần xa giá non sông cách,
      Bốn bể nhân dân nước lửa nồng,
      Trách nhiệm càng cao, càng nặng gánh
      Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng.

               (Trần Huy Liệu dịch)

   Phan Đình Phùng mất ngày 28 tháng 12 năm 1895 khi mới 49 tuổi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #84 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:09:24 pm »

CAO THẮNG

   Cao Thắng sinh năm 1864 người thôn Yên Đức, xã Tuần Lễ (nay thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Giặc Pháp xâm lược, ban đầu vào năm 1874 ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Trần Quang Cán lãnh đạo, sau sáp nhập vào lực lượng của Trần Tấn, Đặng Như Mai.

Năm 1885 Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi khởi nghĩa, thì Cao Thắng cùng với em trai là Cao Nữu, bạn là Nguyễn Kiểu chiêu mộ quân về theo. Ba người chiến đấu xuất sắc, lập được nhiều chiến công, đều được phong là Quản cơ. Khi Phan Đình Phùng ra Bắc liên minh với các thủ lĩnh ở Bắc Kỳ đã giao cho Cao Thắng phát triển lực lượng ở Nghệ - Tĩnh, ông đã cùng Cao Nữu, Nguyễn Niên, Nguyễn Kiểu về ẩn phục trong rừng thuộc làng Lê Đông, huyện Hương Sơn. Từ đây các ông toả đi các huyện chiêu nạp quân sĩ đưa về rừng Lê Đông huấn luyện quân sự. Cao Thắng còn cướp súng giặc làm mẫu để chế tạo ra hàng loạt súng kiểu 1874 của Pháp. Bấy giờ quân Pháp mới đóng đồn ở Hạ Trại, đồn còn đóng tạm, chưa có hào. Cao Thắng, Cao Đạt bàn kế hoạch đánh chụp (đánh úp) để cướp súng. Hai ông đem 40 nghĩa quân, trang bị đoản đao, lợi dụng trời tối đột nhập vào đồn, giết và làm bị thương hơn 20 tên, cướp được 24 khẩu súng và mấy ngàn bạc.

Nhưng muốn đánh thắng giặc thì phải có nhiều súng vì thế phải chế tạo lấy súng đạn. Cao Thắng cho người về làng rèn Trung Lương, huyện Can Lộc đưa 16 thợ rèn giỏi về căn cứ tìm cách chế tạo ra súng đạn. Mặc dù súng do các ông chế tạo không hoàn hảo song cũng có thể dùng được. Thâu ngày thâu đêm các ông làm gấp được 500 khẩu súng (Theo báo cáo của Lenormaud: "Có đến 1200-1500 khẩu súng do Cao Thắng sản xuất đã được nghĩa quân Phan Đình Phùng sử dụng năm 1895. Nếu kể cả súng bị huỷ hoại do các xưởng chế tạo của Cao Thắng bị quân Pháp tiến đánh thì có thể đã có nhiều ngàn súng kiểu Tây được sản xuất như vậy rồi").

   Từ khi chế được một ít súng, thanh thế của nghĩa quân Cần vương ở Nghệ Tĩnh ngày một mạnh.

   Cao Thắng bố trí quân chặn đánh quân Pháp và quân triều đình ở Tĩnh Di. Đến bốn giờ chiều Cao Thắng thấy quân Pháp và quân triều đình đã mệt mỏi và có ý khinh thường, dàn quân ra mai phục ở giữa rãnh đồng khoai. Ông lấy đội quân tính nhuệ ra khỏi tầm đạn của địch. đi vòng ra phía cạnh sườn phải của quân địch. Đội quân của chính phủ đương khi bất ý, nghe thấy tiếng súng liên thanh đổ vào cạnh sườn mình, nghe thấy tiếng nổ hình như ở bên lỗ tai. Đột nhiên tiếng người kêu cứu, tiếng người rên thở rầm rĩ cả lên. Quân chính phủ bị chết và bị thương lên đến hơn 50 người. Quân sĩ lộn xộn, tinh thần chiến đấu không còn, thấy vậy mấy viên mẫu binh (sĩ quan Pháp) cho thổi kèn, quân sĩ vội vàng tháo lui chẳng theo hàng lớp gì.

   “Thấy quân địch lộn xộn rút lui nên quân ở trận tuyến chính cũng nhẩy lên tấn công. Đạn ở mặt trước bắn sang, đạn ở mặt sườn bắn lại, hai bên đều giáp công, quân chính phủ rút lui rất vất vả.

   Nhờ có trận đánh đó lòng sốt sắng của nhân dân lại hưởng ứng lên nhiều và danh tiếng ông Cao Tất Thắng cũng thêm lừng lẫy”
(Nguyễn Phan Quang, bài Cao Thắng chế tạo súng kiểu Tây. Nghiên cứu lịch sử số 291 (3, 4/1997). Nguyễn Phan Quang chỉ viết trận này xảy ra vào năm Kỷ Sửu (1889), không viết rõ ngày tháng).

   Năm 1892, Cao Thắng dùng mưu bắt sống Tuần vũ Đinh Nho Quang làm chấn động dư luận Nghệ Tĩnh.

   Ngày 14 tháng 10 năm Quý Tỵ, tức ngày 21 tháng 11 năm 1893 , Cao Thắng tình nguyện dẫn đội quân cảm tử tấn công xuống Nghệ An, đốt phá nơi đóng quân, kho tàng của địch để gây thanh thế cho nghĩa quân. Sau khi chiếm được mấy đồn, đến đồn Nu, nay thuộc xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, ông hăng hái dẫn đầu đoàn nghĩa quân xông lên bị tên Phiến bắn ông bị trọng thương rồi hi sinh năm ông mới 29 tuổi. Tại làng Khê Thượng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nhân dân lập đền thờ Cao Thắng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #85 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:10:42 pm »

LÊ NINH
   
   Lê Ninh, vì là con quan nên còn gọi là Ấm Ninh, hiệu Mạnh Khang sinh năm 1857. Ông là con quan Bố chính Lê Kiêm, người xã Trung Lễ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Đức Trọng, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.

   Lê Ninh lớn lên trong lúc giặc Pháp đưa quân ra đánh chiếm  Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Với chí khí đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, khôi phục chủ quyền đất nước. Lê Ninh không học lối khoa cử thi đỗ làm quan mà ông chỉ ham tập võ nghệ, đọc binh thư để sau này cứu nước. Ngay từ khi giặc Pháp chưa đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882). Lê Ninh đã lặng lẽ chuẩn bị kháng chiến, đem của cải trong nhà ra chiêu mộ hào kiệt các nơi, sắm sửa vũ khí, mua ngựa chiến, luyện quân, biến nhà mình thành đại bản doanh của nghĩa quân, lập căn cứ ở làng Trung Nghĩa, xã Cổ Ngư.

   Khoảng tháng 9 năm 1885, sau hơn một tháng kể từ ngày Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn tấn công Toà Khâm sứ Pháp, đồn Mang Cá, Khu nhượng địa Pháp ở Kinh thành Huế (đêm 4 rạng ngày 5/7/1885) không thành. Tôn Thất Thuyết rước vua ra sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương. Lê Ninh đem quân xuống đánh tỉnh thành Hà Tĩnh, giết Bố chính Lê Đại là kẻ theo Pháp (Lê Đại người xã Phan Xá, huyện Phong Doanh, nay là huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Tỵ, Tự Đức 22 (1869) làm Bố chánh Hà Tĩnhh. Khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, Đại cùng quan văn, quan võ tỉnh Hà Tĩnh đều theo nghĩa quân. Nhưng sau phản lại theo quân Pháp và vua Đồng Khánh phản công nghĩa quân. Lê Đại bị Lê Ninh giết trong trận đánh thành Hà Tĩnh).

   Đánh xong ông thu chiến lợi phẩm rồi lên sơn phòng Hà Tĩnh yết kiến vua Hàm Nghi. Vua phong ông làm Bang biện quân vụ phối hợp với Phan Đình Phùng xây dựng căn cứ chống Pháp ở Trung Lễ. Quân Pháp cùng tên tay sai Nguyễn Thân đem quân đến triệt hạ làng Trung Lễ, tàn sát người già. trẻ em (Nguyễn Thân tay sai đắc lực của thực dân Pháp người huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi). Lê Ninh lên vùng Bạch Sơn phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng giết giặc. Lê Ninh chiến đấu kiên cường dũng cảm. Ở căn cứ ông còn làm nhiều thơ phú ca ngợi cảnh đẹp của đất nước và chiến công tố cáo tội ác của giặc Pháp. Sau đây là bài Tự vịnh.

         TỰ VỊNH

      Hồi ức tiền niên nhập Tĩnh thành
      Bồi hồi ngũ dạ quý hư danh.
      Tâm phao vạn tuyến cương thường trọng
      Thân lịch thiên trùng chương vụ khinh
      Đãi đán hữu hoài phù địa trục,
      Chẩm qua khả tất yết thiên kinh.
      Thuỷ chung hoà tự hoàn ngu tống.
      Lam thuỷ, Hồng Sơn thệ thử sinh.

            (Tuyển tập thơ văn Việt Nam tập IV, NXB Văn hoá. 1953)

Dịch thơ:

      Nhớ lại năm qua lấy Tĩnh thành.
      Suốt đêm khắc khoải thẹn hư danh
      Lòng vò trăm mối cang thường trọng
      Thân trải muôn trùng chướng khí khanh
      Trục đất ước xang chờ sáng gấp,
      Đạo trời muốn tỏ gối gươm linh
      Chứ hoà ngu cả tôi vua Tống
      Thề với Hồng Lam trọn kiếp mình.

            (Khương Hữu Dụng dịch)

   Năm 1887, Lê Ninh ốm mất tại căn cứ. Nghĩa quân sợ quân giặc trả thù đào mả, đem thi hài ông chôn giấu ở bãi dâu quê vợ ông ở làng Phục Hậu, huyện Hưng Nguyên. Em trai và các con ông là Lê Khai, Lê Phác,. Lê Trực thay ông chỉ huy nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #86 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:12:31 pm »

PHAN ĐÌNH THÔNG

   Phan Đình Thông là con ông Phan Đình Tuyển, ông Tuyển có hai bà, bà cả sinh ra Phan Thị Đạt, Phan Đình Thông, Phan Đình Thuật, Phan Đình Tuấn, Phan Đình Phùng, Phan Đình Vận. Phan Đình Thông đỗ tú tài. Quê ở làng Đông Thái nay là xã Đức Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.(Phan Đình Thông đã dỗ cử nhân, Phan Đình Tuấn mất sớm, Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên tiến sĩ. Phan Đình Vận đỗ phó bảng).

   Ông là người nuôi Cao Thắng làm con nuôi, dạy cho Cao Thắng võ nghệ và lòng yêu nước. Trong thời gian làm con nuôi Phan Đình Thông, Cao Thắng đi học nghề rèn, nhờ đức tính cần cù và sáng dạ, Cao Thắng trở thành một thợ cả tài giỏi, nổi tiếng trong vùng.

   Năm 1885, khi Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi chiêu tập nghĩa quân đánh Pháp thì Phan Đình Thông và con nuôi đều tham gia. Phan Đình Phùng xây dựng Đông Thái thành một đại đồn. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải đưa đại quân đến đánh. Phan Đình Thông cùng em vượt vòng vây. Phan Đình Phùng về căn cứ Hương Sơn, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Phan Đình Thông đem quân đóng ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1886, ông đóng quân ở đồn binh tại huyện Thanh Chương thì bị một tên thủ hạ làm phản nửa đêm thừa lúc ông đang ngủ dẫn đường cho quân Pháp bao vây căn cứ. Phan Đình Thông chỉ huy quân sĩ đánh trả, song quân Pháp bao vây chặt căn cứ, nghĩa quân chống trả một cách yếu ớt rồi chạy toán loạn, Phan Đình Thông bị giặc bắt.

   Theo lệnh tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Nguyễn Chính cùng Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp định dùng ông làm con tin để chiêu dụ Phan Đình Phùng ra hàng. Trong một bức thư gửi Phan Đình Phùng, Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp dùng lời doạ dẫm: “…Ngày nay trong họ hàng làng xóm được an hay nguy chỉ can hệ ở nơi bác, tính mạng ông anh bác mất hay còn, cũng chỉ can hệ ở nơi bác...”.

   Phan Đình Phùng hy sinh tình cảm riêng của gia đình, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết đã khẳng khái bảo: "Nay ta chỉ có một ông anh rất to đang bị nguy vong là cả mấy triệu đồng bào... Ta bây giờ thì chỉ có một cái chết mà thôi”. Ông nhắn với người đưa thư về nói lại với Lê Kính Hạp: "Nếu ai có làm thịt anh ta, nhớ gửi cho ta bát nước canh!”.

   Bọn Nguyễn Chính, Lê Kính Hạp đã theo lệnh giặc Pháp và tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải giết hại Phan Đình Thông. (Đào Trinh Nhất: Phan Đình Phùng. Tân Việt, Sài Gòn 1950 - Nhìn lại lịch sử của Phan Duy Kha).





ĐỘI QUYÊN

   Đội Quyên tên thật là Lê Quyên, còn gọi là Lê Văn Quyên hiệu Đại Đẩu sinh năm 1859 tại làng Nội Yên nay thuộc xã Đa Phúc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình làm ruộng và thợ rèn. Ông cũng là một thợ rèn giỏi đã chế tạo được súng kíp.

   Năm 1885, Lê Quyên tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Ninh, người La Sơn, Hà Tĩnh lãnh đạo. Năm 1887, Lê Ninh mắc bệnh qua đời ở ngay căn cứ Cổ Ngư, Lê Quyên cùng với Lê Phất người làng Trung Lễ còn gọi là Kiểm Phất cùng các em Lê Ninh là Lê Khai, Lê Phác, Lê Trực gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng.

   Tướng quân Phan Đình Phùng biết hai ông Lê Quyên, Lê Phất là thợ rèn giỏi liền phân công về xưởng sản xuất vũ khí do Cao Thắng phụ trách. Lê Quyên đã cùng với Cao Thắng nâng cao chất lượng súng trường bắn nhanh theo mẫu súng 1874 của Pháp mà Cao Thắng đã sản xuất từ trước. Lê Quyên đã cùng Cao Thắng phải tôi thép qua nhiều công đoạn. Nòng súng được chế tạo bằng hai cách là dùng thép cây dựng ngược dùng sức nước khoan theo phương pháp cổ truyền. Phương pháp thứ hai được các ông sáng tạo là dát thép mỏng thành thép tấm nung đỏ quấn lại rồi rèn. Tuy vậy nòng súng các ông chế vẫn không làm được rãnh xoắn như của Pháp.

   Với phương pháp sản xuất thủ công và trí tuệ, những người thợ rèn của nghĩa quân Phan Đình Phùng đã chế tạo ra hàng trăm khẩu súng trường kiểu 1874. Lê Quyên được phong chức đội.

   Ngày 21/11/1893, Cao Thắng bị trọng thương rồi hy sinh trong trận đánh đồn Nu (nay thuộc xã Xuân Thành, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), thì Đội Quyên là người quản đốc sản xuất vũ khí, Lê Phất là trợ thủ của ông. Trong trận đánh đồn Quả Cảm năm 1895, Lê Phất hy sinh, một mình Đội Quyên phải gánh vác công việc sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho nghĩa quân. Ông còn phải tổ chức một đội quân mạnh để bảo vệ xưởng sản xuất vũ khí.

   Ngày 28/12/1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất vì bị bệnh nặng ở căn cứ. Quân Pháp thừa cơ đánh phá căn cứ. Đội Quyên cho chôn giấu các bán thành phẩm vũ khí, đốt xưởng rồi dẫn quân ra Đông Thành (Nghệ An) cùng Lãnh Ngợi tập hợp nghĩa quân tập kích các đồn binh Pháp, trừng trị bọn tay sai, bán nước.

   Khi Lãnh Ngợi hy sinh. Đội Quyên đã về Hà Tĩnh theo Lãnh binh Ngô Quảng nhưng không gặp. Ông ra Nam Đàn, Nghệ An tìm Phan Bội Châu. Ông Phan thấy ông là người có tài năng về quân sự, phân công ông gây dựng cơ sở chống Pháp ở Nam Đàn. Tại đây ông được sự giúp đỡ nhiệt tình của tú tài Hoàng Xuân Hành, cử nhân Vương Thúc Quý, đặc biệt là của cô Nguyễn Thị Thanh. Khi giặc Pháp truy lùng hai ông gắt gao nhất, cô Thanh đã đưa hai ông về nhà mình ở Kim Liên ẩn náu. Cô còn tìm nơi an toàn, bố trí người canh gác để ông mở lớp dạy võ cho thanh niên.

   Trong chuyến Đội Quyên về huyện Quỳnh Lưu vận động cách mạng thì bị giặc Pháp bắt. Bọn Pháp chưa biết ông là Đội Quyên - một người gây cho quân Pháp bao nỗi kinh hoàng nên chỉ giam tạm ở đồn Can Lộc. Ông đã thuyết phục viên quyền trưởng đồn cho mình trốn thoát.

   Năm 1904, Lê Quyên có mặt trong ngày thành lập hội Duy tân ở Quảng Nam do Phan Bội Châu, Nguyễn Thành chủ trương. Dự Hội nghị xong ông được phân công trở về Nghệ An làm công tác vận động tài chính cho hội, để đưa thanh niên đi Đông du.

   Năm 1905, Đội Quyên cùng Tú Ngô, Giám Hành tức Hoàng Xuân Hành, người làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, cử nhân Vương Thúc Quý người làng Kim Liên, cô Nguyễn Thị Thanh phát động phong trào Cần vương trong huyện. Lê Võ thực hiện chủ trương của Phan Bội Châu đã ra Bắc, lên Yên Thế thoả thuận với thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lập "đồn điền Tú Nghệ" ở Phồn Xương, đồng thời phát động phong trào chống Pháp ở Nghệ An, Hà Tĩnh để phối hợp với Yên Thế chống Pháp. Làm xong nhiệm vụ này, Đội Quyên về Nghệ An xây dựng căn cứ Bố Lư ở huyện Thanh Chương, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, vũ khí để khi khởi sự đã có sẵn thực lực.

   Năm 1912, do thắng lợi của Cánh mạng Tân Hợi (Trung Quốc), Phan Bội Châu giải tán Duy Tân hội thành lập Việt Nan Quang phục hội thì Đội Quyên và Nguyễn Thị Thanh lại chuyển sang hoạt động cho tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Bằng kinh nghiệm chế tạo súng bắn nhanh khi cùng Cao Thắng tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, ông đã thành lập xưởng chế tạo súng bắn nhanh trang bị cho Quang Phục quân.

   Tại hội nghị các thủ lĩnh tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở Nghệ An - Hà Tĩnh đã giao cho Đội Quyên làm Tổng chỉ huy Việt Nam Quang Phục quân Nghệ - Tĩnh. Ông gấp rút xây dựng căn cứ kháng chiến ở Bố Lư, tích cực luyện tập các động tác chiến đấu, cách sử dụng vũ khí, đặc biệt là súng bắn nhanh cho thanh niên. Ông còn cho mở một con đường từ căn cứ Bố Lư tới biên giới Lào để khi gặp nguy hiểm có thể qua Lào thoát sang Xiêm La mà ông đã chuẩn bị. Trong một đợt đi công tác Đội  Quyên bị ốm phải nằm lại nhà bạn là Đặng Nguyên Cẩn ở Lương Điền thì bị bọn tay sai của giặc Pháp dò biết báo cho giặc Pháp đến bắt. Mặc dù bị ốm ông vẫn chống cự kịch liệt, giết chết vài tên bằng khẩu súng lục và giành một viên cho mình để tự sát vào đêm 20 tháng 8 năm 1917, hưởng thọ 57 tuổi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #87 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:15:49 pm »

NGUYỄN HUY THUẬN

   Tháng 7/1885 vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương. Tại Hà Tĩnh có rất nhiều người hưởng ứng như Lê Ninh khởi nghĩa ở La Sơn, Nguyễn Thoại khởi nghĩa ở Hương Khê, Ngô Quảng khởi nghĩa ở Nghi Xuân, Nguyễn Trạch, Nguyễn Khương khởi nghĩa ở Can Lộc, Nguyễn Huy Thuận khởi nghĩa ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.

   Nguyễn Huy Thuận còn gọi là Nguyễn Thuận, thường gọi là Bá hộ Thuận. Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, quê ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Ông không đỗ đạt, dành tiền mua được chức Bá hộ, nên thường gọi là Bá hộ Thuận. Ông hưởng ứng chiếu Cần vương lập căn cứ chống Pháp ở Truông Xai, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông hoạt động chủ yếu ở vùng Thạch Hà. Năm 1888 khi Phan Đình Phùng thống nhất các lực lượng khởi nghĩa ở Nghệ An, Hà Tĩnh ông được Phan Đình Phùng cử giữ chức Quân thứ Thạch Hà (tức Thạch thứ). Ông hoạt động liên tục trong nhiều năm, đêm 23/8/1893 ông đã chỉ huy nghĩa quân tấn công tỉnh lỵ Hà Tĩnh, phá trại giam, thả tù nhân, đốt một số sổ sách giấy tờ rồi rút lui an toàn.

   Khi quân Pháp dốc toàn bộ binh lực đánh vào Trại Chè là một căn cứ quan trọng của nghĩa quân Hương Khê do Nguyễn Thoại chỉ huy. Để cứu nguy cho Nguyễn Thoại, Phan Đình Phùng đã lệnh cho Bá hộ Thuận là người chỉ huy quân thứ Thạch Hà đem quân tiến đánh thành Hà Tĩnh khiến cho quân địch phải bỏ dở cuộc càn quét kéo quân về tiếp ứng và giải vây cho tỉnh thành.

   Sự kiện trên đã được đánh giá trong sách "Phan Đình Phùng" như sau: “Trong khi giặc đang lúng túng, mất công tìm kiếm trong rừng (lúc này địch tập trung càn quét vùng Ngàn Xâu, sông Cả, Trường Xim) thì nghĩa quân đánh sát vào tỉnh ỵy Hà Tĩnh. Đồng thời các quân thứ ở các nơi khác nhau như Kỳ Anh, Nam Huân, Voi... địch bị tập kích mạnh, chúng phải vất vả tiếp ứng cho nhau, mới giữ được các vị trí”.

   Sự phối hợp của các quân thứ nghĩa quân Cần vương ở Hà Tĩnh cũng được Trần Văn Giàu đánh giá trong "Chống xâm lăng" như sau: "Việc phối hợp tác chiến giữa các quân thứ trên các địa bàn rộng lớn gồm 4 tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình đã làm phân tán lực lượng của quân Pháp và hỗ trợ hiệu quả cho nhau để chống càn và tiêu diệt giặc”.





VƯƠNG THỨC

   Vương Thức sinh năm 1830 người làng Trung Lương, huyện Đông Thành, nay là làng Xuân Đào, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

   Năm 1879 , dân làng bầu Vương Thức làm lý trưởng. Ông nhận lời đứng ra gánh vác công việc của dân làng. Dân hàng tổng cử ông làm tuần kiểm lo việc canh phòng, trị an. Ông hăng hái nhận chức vụ trên vì với chức vụ này ông có thể công khai thành lập các đội tuần đinh, trang bị vũ khí, rào làng dưới danh nghĩa chống trộm cướp. Ông đem toàn bộ số tiền, thóc dân hàng tổng nộp thuế để mua vũ khí, rào làng, chi tiêu vào việc quân. Vương Thức tổ chức lễ Tế cờ ra mắt nghĩa quân rất trang trọng. Nguyễn Xuân Ôn tới dự cử, ông Vương Thức làm Đội trưởng Xuân nghĩa đội. Đội quân hơn 300 người do Vương Thức chỉ huy được biên chế vào đội quân Đông Bắc do Đề đốc Phan Bá Niên chỉ huy và đổi tên làng Trung Lương thành Xuân Đào.

   Trận đọ súng đầu tiên giữa nghĩa quân do Vương Thức chỉ huy là trận tập kích đồn Cồn Đông. Đồn có hơn 100 lính nguỵ do một tên Pháp chỉ huy. Mặc dù không có kết quả chỉ tiêu diệt được 1 tên lính và làm bị thương vài tên, song trận đánh đã có tiếng vang lớn, đã thu hút nhiều người gia nhập nghĩa quân và ủng hộ tiền bạc, lương thực cho nghĩa quân. Rút kinh nghiệm trận đánh trên, Vương Thức đã kịp thời bổ sung cho trận phối hợp với cánh quân do Đề đốc Phan Bá Niên chỉ huy đội quân do Chiêu Hoạt con trai cụ Nghè chỉ huy đánh địch tại Thừa Sũng - Đồng Mờm ở vùng giáp ranh hai huyện Yên Thành và Diễn Châu. Trận này nghĩa quân tiêu diệt hàng trăm tên địch. Trong một trận khác, Vương Thức dùng kế dụ địch ra khỏi đồn Cồn Đông sa vào ở phục kích để diệt địch. Trận này do một nghĩa quân sơ xuất để lộ trận địa, nên nghĩa quân chỉ bắn chết được hai tên.

   Cuối năm 1886 , nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn đánh nhiều trận lớn gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Tháng 6/1887, trong trận đánh ở xóm Hồ, chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn dẫn đầu đoàn quân xông lên đánh giáp lá cà với quân Pháp. Quân Pháp phải rút, sau được viện binh phản công, ông Vương Thức luôn luôn đi sát bên chủ tướng cùng chủ tướng ở lại chặn giặc cho đại bộ phận nghĩa quân rút lui. Vương Thức chỉ huy 20 cận vệ chiến đấu quyết liệt để bảo vệ chủ tướng. Phần lớn anh em hy sinh, Vương Thức cũng bị bắt. Nguyễn Xuân Ôn rút kiếm tự tử nhưng bị quân Pháp ngăn lại. Quân Pháp giải cụ Nghè Ôn về giam ở nhà lao Huế. Vương Thức bị quân Pháp bắt giam ở nhà lao Diễn Châu và Vinh, đến năm 1889 mới được tha thì sức lực kiệt quệ không đi nổi.

   Vương Thức mất ngày 1 tháng 7 năm Canh Dần (1890) thọ 60 tuổi. Ông còn được lịch sử Đảng Cộng sản tỉnh Nghệ An biểu dương một cách trân trọng, được ghi trong Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam. Ngôi nhà thờ ông được ngành Văn hoá - Thông tin đưa vào danh mục xếp hạng di tích lịch sử.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #88 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:17:50 pm »

NGUYỄN THỨC TỰ

   Nguyễn Thức Tự, hiệu Đông Khê, sinh năm Tân Sửu (1841), quê làng Đông Chữ, nay thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Thức Tự thông minh, hiếu học từ nhỏ, ông thi đỗ Đầu xứ vào năm 27 tuổi, khoa thi năm Mậu Thân (1868) đỗ cử nhân. Ông đi thi Hội nhiều lần nhưng không đỗ.

   Năm 1873, Nguyễn Thức Tự làm Hậu bổ ở Hà Tĩnh, lần lượt làm tri huyện Hương Khê, Thạch Hà, tri phủ Đức Thọ. Năm 1880 giữ chức Chánh Sơn phòng sứ tỉnh Hà Tĩnh vìvậy nhân dân gọi ông là Sơn. Năm 1884 ông xin về mở trường dạy học, gọi là trường Đông Khê.

   Năm 1885 khi vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần vương, Nguyễn Thức Tự xếp bút nghiên hưởng ứng, ông bỏ tiền của nhà đi khắp nơi xây dựng đồn luỹ phòng thủ, chiêu mộ nghĩa quân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên. Nguyễn Thức Tự luôn luôn cùng chủ tướng Phan Đình Phùng, tướng Cao Đạt bàn bạc các thế trận, ông là người thầy kiệt xuất về chiến tranh du kích, đánh mai phục, nổi tiếng là trận Nhà Làng.

   Sau khi cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng bị quân Pháp dập tắt. Nguyễn Thức Tự từ quan về quê trở lại nghề dạy học. Nguyễn Thức Tự không chỉ đơn thuần dạy chữ lệ thuộc vào kinh sách sẵn có mà nội dung bài giảng dạy của ông là đào tạo học trò trở thành ngươi yêu nước thương dân. Trong 30 năm dạy học, Nguyễn Thức Tự đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

   Nguyễn Thức Tự rất nâng niu tài năng của học trò, ông đã tập hợp trên 100 bài phú hay nhất của học trò, trong đó có nhiều bài của Phan Bội Châu như "Công biểu chu du ngu hồ, Đào viên kết nghĩa. Xuân thu hoá công..” trong tập Đông Khê hiên luật phú để các thế hệ học sinh nghiên cứu học tập.

   Ông đã soạn tập Gia huấn ca để dạy dỗ con cháu. Thơ của ông cũng được in trong tập Đông Khê thi tập, Đông Khê thư tập, Đông Khê lịch sử, sự trạng...

   Nguyễn Thức Tự còn có tấm lòng hào hiệp giúp đỡ tiền bạc cho học sinh nghèo có chí như Phan Bội Châu. Năm Đinh Mùi (1907) ông thấy nhiều người trong làng Đông Chữ nghèo khó không đủ tiền nộp thuế phải bị tù tội đã hiến cho làng 5 sào ruộng tốt để lấy hoa lợi trợ sưu cho người nghèo.

   Đức độ của Nguyễn Thức Tự, sự nghiệp chiến đấu và giáo dục của ông được giới trí thức và nhân dân Nghệ An ghi nhận bằng đôi câu đối treo ở sinh từ của ông:

      Lục thuỷ thanh sơn, vũ trụ thường lưu xuân sắc
      Tả đồ, hữu sử, gia đình vĩnh đại thủ hương.


Hoàng Anh Tài dịch:

      Đây nước biếc, đó non xanh, xuân sắc lâu dài trong vũ trụ.
      Tả bản đồ, hữu sử sách, gia đình bền vững nếp thi hương.


   Trở về già, ông vẫn một lòng đau đáu nghĩ đến đất nước bị giặc Pháp thống trị, đến nhân dân bị lầm than, được ông thổ lộ một phần khi ông đi chơi thành phố Vinh năm 1898 về:

      Vừa mới đi thăm tỉnh Nghệ về.
      Nhìn xem phong cảnh nghĩ mà ghê.
      Trên trời dây thép giăng chằng chịt,
      Dưới đất kèn đồng thổi tò le.
      Phố xá nghênh ngang bồi cưỡi ngựa.
      Lâu đài nghi ngút đĩ ngồi xe,
      Ai lên nhắn với ông Tinh Bạch
      “Sao để trời Nam mãi thế hề?”.


   Ngày 25 tháng 4 năm Quý Hợi (10/06/1923), Nguyễn Thức tự mất tại làng Đông Chữ. (Tác giả Hán Nôm Nghệ Tĩnh, trang 93 viết ông mất năm 1917).

   Phần mộ và nhà thờ Nguyễn Thức Tự ở Nghi Lộc đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #89 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2011, 03:23:43 pm »

TRẦN QUANG DIỆM

   Trần Quang Diệm, sinh năm 1848 , người làng Bút Trận, nay là xã Diễn Thái huyện Diễn Châu. tỉnh Nghệ An. Cha mẹ ông mất sớm, nhà nghèo, việc học gián đoạn, mãi đến khoa thi Đinh Mão (1867), khi ông đã 28 tuổi mới đậu cử nhân. Ông được bổ làm huấn đạo huyện Thanh Chương, sau đó thăng tri huyện Tùng Thiện (Sơn Tây).

   Sau ông chán ghét triều đình Tự Đức thực hiện chính sách đầu hàng giặc Pháp nên cáo quan về làng sống ẩn dật.

   Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương. Trần Quang Diệm đã cùng Nguyễn Xuân Ôn hưởng ứng dựng cờ khởi nghĩa. Ông được phong chức Tán lý quân vụ quân thứ An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh).

   Để phát động nhân dân tham gia nghĩa quân Cần vương. Trần Quang Diệm đã công bố bản:

         BỐ CÁO VIỆC PHỤNG CHỈ CẦN VƯƠNG

   …Nước Việt ta từ đời Hồng Bàng đến nay, trời gây đất mở, mênh mông non cao, nước trong; tổ dựng tông bồi, rực rỡ thói thuần, tục tốt. Vua Đinh Tiên Hoàng dùng gậy lau dấy quân lên, dẹp các sứ quân mà mở đầu nền chính thống; vua Lê Thái Tổ từ núi Lam Sơn khởi nghĩa, đuổi giặc Minh còn truyền bài cáo Bình Ngô. Non sông nước Nam, sách trời đã định lẽ nào để cho người ngoài ngủ ngáy ngay trên giường mình nằm được ư?

   Thế mà giặc Pháp gây hấn, tanh hôi khác loài, cướp kinh thành ta, làm cho chúa thượng phải chạy, rong xe ra phía bắc, tới sở sơn phòng Hà Tĩnh, đặt thành nơi hành tại, xuống chiếu Cần vương, tỏ lời cáo cấp. Những người nghe được tin đều rơi nước mắt. Đương khi nước nhà có việc, không phải là lúc thần tử yên vui. Bảo rằng: "Vua lo thì tôi phải nhục, vua nhục thì tôi phải chết”, chính là việc lúc này đây. Nếu không hăng hái đẩy sức mạnh như hùm gấu thì lấy gì để đẩy trừ được dã tâm của giặc như sói lang. Tất cả nhân dân ta ai là không làm, không phải là người dũng cảm. Cho nên ai nấy, người có của giúp của, kẻ có công giúp sức cùng một lòng, một đức, cùng nhau vượt bước khó khăn lúc này. Chớ có bảo tay không mà cam ngồi chịu trói.

   Nếu như ai cũng chỉ lo riêng lấy thân mình, cứ điềm nhiên ngồi ngó, thì rồi người không biết nghĩ xa, tất sẽ bị nỗi lo gần. Lúc đầu, chúng mới giở cái mưu, rồi sau dần dần chúng giở cái thói tàn ngược như hùm sói nuốt chửng. Nước mất nhà tan hối sao kịp nữa!

   Tôi lại nghe rằng: triều đình nuôi kẻ sĩ 300 năm, mà không ai có một nghề gì giúp việc Cần vương. Minh Hoàng nhà Đường luống những thở than, nhà nước nuôi binh lính hơn 30 năm, mà không lấy một người hy sinh cho việc Cần vương, Văn công đời Tống lấy làm xấu hổ.

   Mọi công việc trong vũ trụ đều là bổn phận chúng ta. Bốn phương trời còn có nhiều đồn luỹ, há không trải là cái nhục của sĩ phu đó ư?

   Tôi đây chỉ là một người học trò, lạm nhận chức nhỏ, gắng gượng làm việc, mong báo nước mảy may, ví không để được tiếng thơm lại muôn thuở thì cũng khỏi bị lên tiếng xấu lại trăm năm. Còn trung thần nghĩa sĩ như người xưa đã bảo thì dù tôi không làm được như thế nhưng trong lòng vẫn ham chuộng.

   Than ôi! Dân nước ta hãy ngẫm nghĩ, cố gắng lên, chớ cho lời nói là viễn vông mà coi thường. Đó là điều tôi rất mong mỏi.

   Nay đặc biệt bố cáo.


               (Chu Thiên dịch theo nguyên văn chữ Hán)

   Nhân dân Nghệ Tĩnh đã nhiệt liệt hưởng ứng lời Bố cáo của ông, trai tráng và cả những người đứng tuổi, người đã từng trải việc binh cũng hăng hái gia nhập nghĩa quân. Nhân dân nô nức đem thóc gạo, trâu lợn ủng hộ nghĩa quân làm quân lương.

   Trần Quang Diệm chia quân làm cơ đội, cắt đặt người huấn luyện các thao tác chiến đấu, cách sử dụng vũ khí. Ông thương yêu quân sĩ nhưng cũng giữ nghiêm kỷ luật chiến trường và không được nhũng nhiễu phiền hà dân.

   Để chuẩn bị chiến đấu, Trần Quang Diệm xây dựng căn cứ chống Pháp tại núi Thàng ở Xanh Gám, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

   Trần Quang Diệm hết lòng giúp Hiệp đốc quân vụ An - Tĩnh dành nhiều trận lớn gây cho quân Pháp và quân triều đình nhiều thiệt hại nặng nề. Khi Nguyễn Xuân Ôn đang điều trị bệnh, bị quân Pháp ập vào bắt rồi đưa về giam ở Huế, Trần Quang Diệm vẫn cùng các tướng lĩnh tiếp tục chiến đấu.

   Năm 1891, Trần Quang Diệm bị bắt giam ở Huế. Ông bị giam mấy năm mới được thả, về nhà thì mất vào năm 1907.

   Trần Quang Diệm còn là một nhà thơ đến nay còn các tập Ngọc Đường thi tập lời bình của Nguyễn Xuân Ôn. Ngắm trăng, Phụng chỉ Cần vương bố cáo văn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM