Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:33:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam  (Đọc 160906 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 11:02:25 am »

PHÙNG XUẤT NGHĨA

   Phùng Xuất Nghĩa quê ở làng Trích Sài vùng Hồ Tây, huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông là người cương trực, thường lên án bọn quan lại, cường hào ức hiếp dân, bênh vực người nghèo.

   Ngày 1 tháng 10 năm Quý Dậu, Tự Đức thứ 26 (20/11/1873), quân Pháp do Francis Garnier đánh chiếm thành Hà Nội xong rồi lấn ra phủ Hoài Đức, huyện từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì của các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh… Triều đình Huế đã ra lệnh bãi binh, ngăn cấm nhân dân nổi dậy chống Pháp. Mặc cho triều đình đầu hàng, nhân dân các huyện giáp ranh với Hà Nội vẫn tập hợp lực lượng, tự trang bị vũ khí, thành lập các đội nghĩa binh đánh Pháp ở khắp nơi. Phùng Xuất Nghĩa được cụ đồ Tịch ở làng Cổ Nhuế giúp đỡ đã đứng ra thành lập Nghĩa hội, tuyên truyền phát động nhân dân đứng lên đánh Pháp. Ông vốn là người giao du rộng, được nhiều thân hào, thân sĩ trong vùng kính trọng nên vừa xướng nghĩa đã có đông đảo người yêu nước gồm các nhà nho, người lao động, dân buôn bán, thợ thủ công, làm công cho Pháp ở các làng Trích Sài, Quán La, Võng Thị, Bưởi, Nghi Tàm vùng ven Hồ Tây tham gia. Phùng Xuất Nghĩa tuyển chọn những người khỏe mạnh hăng hái vào đội nghĩa quân. Nghĩa quân tự trang bị vũ khí bằng dáo mác, gậy gộc, súng kíp. Những người còn lại chuyên lo việc điều tra tin tức của địch báo cho quan quân phe chủ chiến, quyên góp tiền bạc, lương thực ủng hộ nghĩa quân. Phùng Xuất Nghĩa tổ chức Lê Tế cờ long trọng ở gò Ngũ Nhạc trong làng Trích Sài giáp ranh với làng Cổ Nhuế, có đông đảo nhân dân vùng Hồ Tây tham dự rồi dẫn quân đi tìm giặc Pháp để tiêu diệt. (Theo Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trần Quốc Vượng chủ biên, Nxb Quân đội nhân dân).

   Do lực lượng của ông ít, vũ khí thô sơ, nên đội quân của Phùng Xuất Nghĩa chủ yếu tập kích các đồn giặc vào ban đêm, phục kích các cánh quân đi càn, đi tuần tiễu. Ông còn chỉ huy đánh phá các kho vũ khí quân lương, cướp thuyền chở lương của bọn công giáo phản động chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho quân Pháp. Những hoạt động quân sự, tình báo của Phùng Xuất Nghĩa gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, nhiều lần tung quân đi đánh song đều bị ông đánh cho thất bại. Giặc Pháp thuyết phục dụ dỗ ông theo chúng, ông khảng khái từ chối. Chúng tra tấn ông cực kỳ man rợ bắt ông khai ra các đồng chí, song ông vẫn kiên trinh.

   Phùng Xuất Nghĩa hy sinh khiến nhân dân vùng Hồ Tây vô cùng thương xót và kính trọng, nhiều gia đình lập bàn thờ thờ ông và lưu truyền sự tích anh hùng của ông đến mãi ngày nay.






HOÀNG KẾ VIÊM

   Hoàng Kế Viêm sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thìn (1820), quê ở làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhưng sinh ra ở Bình Hòa, nay là Khánh Hòa. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), ông kết duyên với Hương La công chúa, con gái thứ 5 vua Minh Mệnh, nhưng chẳng bao lâu công chúa mất.

   Hoàng Kế Viêm theo học trường Quốc tử giám, năm 1843  đỗ cử nhân, ông ra làm quan sơ bổ Tư vụ, hàm Quang lộc Tự khanh. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), lãnh Lang trung bộ Lại. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), vì có tang mẹ, ông nghỉ 3 năm. Chưa đoạn tang, nhưng đầu năm 1852, miền Bắc có giặc cướp, vua triệu ông về kinh lĩnh chức Án sát Ninh Bình. Năm Tự Đức thứ 7 (1854) thăng Bố chính Thanh Hóa. Năm Tự Đức thứ 12 (1859) thăng chức Bố chính kiêm Tuần vũ Hưng Yên. Năm 1861, các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên bị giặc Tạ Văn Phụng, người công giáo, tay sai của thực dân Pháp tàn phá, nhưng tỉnh Hưng Yên do ông cai quản vẫn bình yên.

   Năm Tự Đức thứ 16 (1863), Hoàng Kế Viêm lãnh Tổng đốc An - Tĩnh, ông lo mở mang kinh tế, cho đào sông Thiết Cảng để thuyền bè qua lại dễ dàng.

   Đầu năm Tự Đức thứ 23 (1870) ông được đổi về triều. Ông đã thẳng thắn can ngăn vua bỏ săn bắn, chơi bời. Vua nghe theo. Triều đình thăng Hoàng Kế Viêm làm Lạng - Bình - Ninh - Thái Tổng đốc quân vụ đại thần (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh (gồm cả Bắc Giang) Thái Nguyên (gồm cả Bắc Kạn). Hoàng Kế Viêm nhậm chức, đốc thúc quân sĩ chuẩn bị lực lượng chiếm đồn, đồng thời cho người tin cậy thu thập tình hình, tháng 12/1870, ông viết báo cáo về triều đình tình hình biên giới phía Bắc. Ông đã cầm quân đánh các toán phỉ trên vùng biên giới phía Bắc, trừng trị bọn quan lại tham nhũng, khoan hồng đối với những người bị quan lại áp bức mà mộ quân chống lại. ông cũng thu phục được tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, giao cho Phúc cai quân vùng đất Lào Cai ngày nay. Ông đã cùng với Kinh lược sứ Bắc Kỳ đề nghị với triều đình 9 điều cần phải làm đối với các tỉnh biên giới phía Bắc vừa bình định xong nạn thổ phỉ.

   Tháng 10/1871, theo đề nghị của Hoàng Kế Viêm, triều đình Huế đã quy định một số biện pháp để quản lý số người Trung Quốc ở Việt Nam từ Ninh Bình trở ra Bắc. Ngày 20/11/1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, thành Hà Nội mất, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh Bắc Kỳ. Ngày 20/12/1873, Hoàng Kế Viêm giữ chức Thống đốc quân thứ Tam Tuyên.

   Tôn Thất thuyết, Tham tán quân thứ Tam Tuyên, tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, huy động quân ở một số quân thứ và nghĩa quân về phục kích ở Cầu Giấy và cho một toán quân vào Hà Nội khiêu khích giặc Pháp. Francis Ganier đang hội đàm buổi thứ hai với Trần Đình Túc ở trong thành. Thấy bên ngoài thành có động, Francis Garnier bỏ họp đem quân ra ngoài thành nghênh chiến rồi bị phục kích chết. Tàn quân của Garnier rút vào thành cố thủ. Hoàng Kế Viêm định đem quân về đánh thành Hà Nội, nhưng nghe lời bàn thiệt hơn của Hà Ninh tổng đốc Trần Đình Túc nên không động binh, đợi triều đìnhký Hòa ước.

   Lẽ ra nhân đà chiến thắng đó, Triều đình lệnh cho các quân thứ ở Bắc Kỳ cùng quân Cờ Đen áp đảo thành Hà Nội và các tỉnh thành Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định và các đồn lính khác của quân Pháp thì triều đình sợ trở ngại cho thương lượng nên mật điều Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết, Lưu Vĩnh Phúc về phòng thủ ở quân thứ Tam Tuyên, không cho hoạt động ở Hà Nội nữa.

   Để thưởng công cho các tướng thắng trận Cầu Giấy, đồng thời cũng để tách các ông ra khỏi Hà Nội, tháng 3/1874 (tháng 2 năm Giáp Tuất), triều đình phong Hoàng Kế Viêm làm Hiệp biện đại học sĩ, phong tước Tử; Tôn Thất Thuyết làm Binh bộ Hữu Tham tri, phong cho tước Nam, Lưu Vĩnh Phúc làm Phó Lãnh binh quân thứ Tam Tuyên.

   Năm Tự Đức thứ 29 (1875) Hoàng Kế Viêm khuyến khích việc khai hoang, đắp đê sông Nhị Hà, mở mang trường học.

   Năm Tự Đức thứ 31 (1878) ông được thăng Đông các Đại học sĩ. Hai năm sau (1880), ông được phong Tĩnh biên sứ kiêm cả đạo Lạng Giang và Đoan Hùng.

   Ngày 25/4/1882, trung tá Hải quân Hăngri Rivierơ (Henri Rivière) theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ Lơ mía rơ Đơ vi lơ (Le myre se Vilers) rời Sài Gòn đem theo hai chiến hạm cùng 300 quân ra tăng cường cho lực lượng viễn chinh Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ. Ngày 4/3/1882, Henri Rivière đóng quân ở Đồn Thủy nắm ,quyền chỉ huy tối cao toàn lực lượng viễn chinh Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ. Ngày 25/4/1882, quân Pháp tấn công thành Hà Nội, đến 11 giờ thành Hà Nội vỡ. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.

   Triều đình muốn thương thuyết đầu hàng Pháp, bắt Hoàng Kế Viêm phải đuổi quân Cờ Đen lên Tuyên Quang và Sông Đà, Hoàng Kế Viêm về đóng ở Thục Luyện (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

   Triều đình điều đình với Pháp không xong, ngày 12/3/1883, quân Pháp đánh chiếm Hòn Gai. Ngày 22/3/1883, Hoàng Kế Viêm kết hợp với Lưu Vĩnh Phúc đánh Hà Nội, nhưng không kết quả. Ngày 28/3/1883 quân Pháp đánh chiếm Nam Định. Sau khi thành Nam Định mất, Hoàng Kế Viêm bị triều đình giáng xuống hàm Tổng đốc.

   Ngày 19/5/1883, Hoàng Kế Viêm triệu tập tướng Lưu Vĩnh Phúc và một số tướng lĩnh khác lại kéo quân về Cầu Giấy, Hà Nội đánh một trận phục kích lớn, giết chết trung tá Hải quân Henri Rivière và những binh lính Pháp. Đây là trận thắng vô cùng lớn lao. Song triều đình sẵn có tư tưởng đầu hàng, nên đã ra lệnh rút quân về Kinh, nhưng Hoàng Kế Viêm không tuân lệnh đã chỉ huy quân dân chiến đấu bảo vệ thành Sơn Tây.

   Ngày 14/12/1883 quân Pháp do Đô đốc Cuốc bê chỉ huy tiến đánh thành Sơn Tây. Thành Sơn Tây thất thủ, Hoàng Kế Viêm về đóng quân ở Thục Luyện.

   Hoàng Kế Viêm về Huế bị giáng xuống Thượng thư bộ Công. Năm Bính Tuất (1886), dưới triều Đồng Khánh ông xin về hưu không được. Pháp và Đồng Khánh muốn lợi dụng uy tín của ông trong việc phái ông ra Quảng Bình phủ dụ dân chúng nhưng chúng đã thất bại. Cuối cùng, cuối năm 1887, Triều đình phải để cho ông về hưu tại làng Văn La, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

   Tại quê hương, ông xuất tiền bạc khai khẩn đất hoang cho dân chúng làm ăn. Năm Kỷ Dậu (1909) ông mất tại làng Văn La, thọ 90 tuổi.

   Vua Duy Tân thương tiếc vị huân hiền của quốc gia ban cho tên thụy là Văn Nghi.

   Hoàng Kế Viêm sáng tác nhiều thơ văn, nay còn các tác phẩm “Phê thị trần hoàn”, “Khôn Y lục” (Thân thế, sự nghiệp công chúa Hương La)…
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 01:56:27 pm »

NGUYỄN MẬU KIẾN

   Nguyễn Mậu Kiến, hiệu Kinh Đài, sinh ngày 8 tháng 5 năm Kỷ Mão (6/1819) trong một gia đình giàu có, có truyền thống văn học ở xã Động Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

   Tuy sinh trưởng trong một gia đình giầu có nhưng Nguyễn Mậu Kiến từ nhỏ đã có lòng yêu nước, thương dân. ông thường xuyên xuất tiền, thóc để cứu tế cho dân Sơn Nam bị mất mùa trong các năm 1856 - 1857. Ông hiến một phần ruộng đất làm ruộng "binh điền" để trợ cấp cho các gia đình có con em đi tiễu phỉ ở biên giới, ven biển. ông còn cúng ruộng "học điền" để khuyến khích việc học, in sách phát không cho học trò.

   Ông có uy tín để dàn xếp những vụ xung đột giữa tín đồ đạo Thiên chúa gây ra với tín đồ đạo Phật ở tỉnh Nam Định, do bọn gián điệp đội lốt cha cố gây ra hòng làm rối loạn hậu phương của ta mở đường cho giặc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ.

   Ông học giỏi, nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 1863, khi ông đã 44 tuổi mới thi đỗ giám sinh (ngang cử nhân). Hai năm sau, năm 1865, Nguyễn Mậu Kiến mới thi đỗ khoa Hoành từ là khoa thi đặc biệt thời Tự Đức lấy ngang với đỗ Hoàng giáp để kén chọn nhân tài. Niên hiệu Tự Đức thứ 20, ông được cử làm Lang trung bộ Lại kiêm bang biện Nam Định. Sau làm đến Quang lộc Tự khanh.

   Nguyễn Mậu Kiến từ chối không ra làm quan, mà trở về quê huy động nhân công đào sông tiêu nước phát triển nông nghiệp ở huyện Tiền Hải, nơi Nguyễn Công Trứ tổ chức khai hoang vào các năm 1824, 1828. Sau nhiều lần Triều đình triệu, năm 1867, ông nhận chức Lại bộ Lang trung, sung chức bang hiện hai tỉnh Nam Định và Hải Dương. Năm 1868, giặc Cờ vàng do Hoàng Sùng Anh từ nhà Thanh tràn sang cướp phá Cao Bằng, Lạng Sơn, Triều đình cử ông làm Bang biện quân thứ Lạng Sơn cùng với Đề đốc Phan Bân, Tán tương Mai Quý đi đánh dẹp Trước nguy cơ giặc Pháp đem quân đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1871, Nguyễn Mậu Kiến đã cùng với hai con là Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản chiêu mộ quân đánh Pháp. Đúng như phán đoán của ông, sáng ngày 20/4/1873, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội.

   Ngày 02 tháng 10 năm Quý Dậu (10/12/1873), tàu chiến Pháp từ sông Vị Hoàng bắn đại bác vào thành Nam Định. Thành Nam Định thất thủ, Nguyễn Mậu Kiến cùng hai con lui quân về Thái Bình để bảo toàn lực lượng rồi bắt tay xây dựng căn cứ kháng chiến tại Kiến Xương. Nghĩa quân do ông chỉ huy lên tới 2.000 người.

   Lo sợ trước lực lượng kháng chiến ở Thái Bình do Nguyễn Mậu Kiến là người chỉ huy tối cao, Garnier từ Nam Định theo sông Hồng xuống cửa Vân Môn đánh phá Động Trung. Nghĩa quân chặn đánh chúng dọc tuyến sông Hồng, khiến cho chúng thiệt hại nặng nề cả về quân số và vũ khí.

   Nhưng với sức mạnh của tàu chiến, vũ khí chúng đã tràn được vào Động Trung, đốt nhà của Nguyễn Mậu Kiến và nhiều kho lương song Nguyễn Mậu Kiến đã chỉ huy nghĩa quân chiếm lại đồn Chân Định, xây dựng lại căn cứ, duy trì cuộc chiến đấu. Nghĩa quân luôn luôn tập kích các đồn binh Pháp, nên chúng  không dám đóng đồn ở Thái Bình.

   Nguyễn Mậu Kiến cũng như phần đông các bạn bè của ông kháng lệnh, vẫn duy trì quân đội, tiếp tục cuộc chiến trừng trị những tên từng theo giặc để bảo vệ độc lập dân tộc. Tự Đức đã xuống chiếu tước hết chức tước, phẩm hàm rồi bắt sung vào làm lính ở quân thứ Thái Nguyên - Tuyên Quang.

   Nhưng không may trong lúc Nguyễn Mậu Kiến cùng các đồng chí của mình tích cực hoạt động trên nhiều phương diện để phòng thủ Bắc Kỳ thì bệnh sốt rét ác tính tái phát và ông đã hy sinh tại quân doanh Đồn Vàng, Hưng Hoá ( nay là thị trấn huyện Thanh Sơn, Phú Thọ).





LÊ VĂN TỐN

   Lê văn Tốn sinh năm 1852, quê ở thôn Kinh Truật, nay thuộc xã Liên Sơn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ tú tài khi mới 18 tuổi. Noi gương Tam Đăng Phạm Văn Nghị, ông bỏ học văn theo học võ và tìm đọc các sách binh thư với mong muốn trở thành một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận chống Pháp.

   Năm 1873 quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Lê Văn Tốn đã chiêu mộ nghĩa quân xuống An Hoà tham gia nghĩa quân Phạm Văn Nghị đánh Pháp. Ông chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc được phong chức Bang biện. Tháng 2/1874, Triều đình Huế ký hoà ước với Pháp buộc thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa giải tán nghĩa quân, ông trở về quê. Ông biết dã tâm của bọn Pháp là thôn tính cả nước Việt Nam, trước sau chúng sẽ đưa quân ra đánh Bắc Kỳ lần nữa, nên không ngừng luyện tập võ nghệ và liên kết với hào kiệt trong vùng để khi đất nước có biến thì chiêu mộ quân đánh Pháp.

   Năm 1882 quân pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai rồi đem quân đi đánh các phủ huyện (nay thuộc tỉnh Hà Nam ) Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình. Ông cùng các chiến hữu chiêu mộ quân đột kích quân Pháp và đánh bọn “giáo dũng” làm tay sai cho Pháp đi đánh chiếm các phủ huyện.

   Sau trận 19/5/1883 tiêu diệt Henri Riviere ở Cầu Giấy, Đinh Công Tráng về Hà Nam, Nan Định phát động phong trào khởi nghĩa đánh Pháp thì Lê Văn Tốn cùng với tiến sĩ Ngự sử Lê Văn Mai lập tức đưa quân bản bộ đến gia nhập nghĩa quân Đinh Công Tráng.

   Ông đã giúp Đinh Công Tráng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân quyên góp lương thực nuôi quân Lê Văn Tốn cũng là nhà quân sự đa mưu, túc kế, đã cùng tiến sĩ, ngự sử Lê Văn Mai, Cai Hành bầy mưu tính kế cho từng trận đánh, khiến cho nghĩa quân ra quân trận nào là thắng ròn rã trận đó như các trận ở Trang, Thông, Bưởi.

   Trong trận nghĩa quân tiến đánh Kẻ Non là huyện lỵ Thanh Liêm do lực lượng quân Pháp mạnh lại có bọn "giáo dũng" tiếp sức Lê Văn Tốn bị quân Pháp bắt đưa về giam giữ ở Hà Nội. Trong thời gian ở tù, Lê Văn Tốn đã chiến thắng những lời dụ dỗ được ông, giặc Pháp đã dùng mọi cực hình tra tấn, song ông vẫn hiên ngang bất khuất, trơ như đá, vững như đồng ở nơi tù ngục ông đã làm bài thơ tỏ rõ ý chí của mình, của nghĩa quân:
         
         Ở TÙ

      Biết mấy năm nay tới tỉnh Ninh
      Quan quân đón rước thật là vinh
      Sớm trưa đủng đỉnh gông trên cổ.
      Lính tráng canh giờ giáo cửa dinh
      Tiêu tướng ngày xưa không khác tớ(*)
      Chu Vương thưở nọ cũng như mình
      Rồi ra mới hết thân là quý
      Gặp gỡ tao mày thực thánh minh.


   (*) Tức Tiêu Hà, thừa tướng của Hán Cao tổ, bị Cao tổ bắt tù. Văn Vương nhà Chu bị vua Trụ bắt đi tù).

   Ngày 17/12/1886, giặc Pháp xử chém ông ở Hà Nội. Trên đường ra Pháp trường ông ung dung đọc bài thơ.

         ĐỌC LÚC RA PHÁP TRƯỜNG

      Ai ơi chớ nghĩ tớ là thường,
      Nào đã công thần, đã bá vương.
      Lính tráng đón đưa năm bảy lũ,
      Tiếng tăm lững lẫy chín mười phương.
      Lầu rồng, gác tía xênh xang ở.
      Thẻ ngọc, đai vàng đủng đỉnh mang.
      Thiên hạ ai ai là chẳng sợ,
      Theo xem nô nức thật đầy đường.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:00:19 pm »

PHẠM THẬN DUẬT

   Phạm Thận Duật sinh năm 1825 , quê ở làng Yên Mô Thượng, tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình - nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

   Khoa Canh Tuất, triều Tự Đức (1850), Phạm Thận Duật 26 tuổi đỗ cử nhân trường Nam Định.

   Năm Tân Hợi (1851) Phạm Thận Duật vào kinh thi Hội, chỉ lọt tam trường, không trúng cách.

   Năm Nhâm Tý (1852) ông được cử làm giáo thụ phủ Đoan Hùng. (Khi đó Đoan Hùng còn thuộc tỉnh Sơn Tây).

   Năm Ất Mão (1855), ông nhận chức Tri châu Tuần Giáo tỉnh Hưng Hóa, được thăng Tòng lục phẩm.

   Năm Bính Thìn (1856) ông kiêm nhiệm Tri châu Luân Châu. Trong thời gian ở Tuần Giáo, ông soạn sách “Hưng Hóa ký lược”. Nhận xét về cuốn Hưng Hóa ký lược, Phó giáo sư Phan Văn Các, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong bài "Hưng Hóa ký lược - cuốn địa phương chí đặc sắc của Phạm Thận Duật” in trong tập "Phạm Thận Duật toàn tập” kết luận như sau: "Có thể nói với Hưng Hóa ký lược , Phạm Thận Duật đã thể hiện một tư duy khoa học sắc sảo, vượt ra ngoài khuôn khổ đào tạo kiểu từ chương khoa cử đương thời, vươn tới chiếm lĩnh những tri thức  bách khoa và thực tiễn để có cống hiên đích thực cho khoa học và cho đất nước”.

   Năm Đinh Tỵ (1857) ông được thăng Tri phủ tòng ngũ phẩm, đảm nhiệm tri huyện Quế Dương và Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh.

   Năm Mậu Ngọ (1858), ông giữ chức Tri phủ Lạng Giang tỉnh Bắc Ninh kiêm Tri huyện Quế Dương. Với cương vị Tri phủ Lạng Giang, ông đã phải đối phó với bọn phỉ quấy rối ở thượng du.

   Từ năm 1866, Phạm Thận Duật được điều lên tỉnh làm Bang biện, kiêm đồn điền sứ. Đến tháng 10 năm 1867, ông đã thành lập ba sở đồn điền ở Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Kim Anh với quy mô khá lớn. Tiếc thay chỉ một năm sau, Tự Đức ra lệnh bãi bỏ ba đồn điền này. Phạm Thận Duật ban bố nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, song từ năm 1867 trở đi giặc cướp liên miên, Phạm Thận Duật được thăng Án sát. Do có công lao đánh phỉ, năm 1870, ông được thăng Bố chính Bắc Ninh. Đúng lúc đó Thanh phỉ do Ngô Côn cầm đầu từ Cao Bằng, Lạng Sơn tràn xuống đánh phá Bắc Ninh. Tiễu phủ Ông Ích Khiêm và Bố chính Phạm Thận Duật đã sử dụng mưu lược. Ông Ích Khiêm giả núng thế chạy xuôi, Phạm Thận Duật giữ thành Bắc Ninh bằng một đạo cô quân. Ngô Côn vây thành quyết chiếm thành, Phạm Thận Duật cố giữ, tiêu hao giặc. Ông Ích Khiêm được bổ sung lực lượng, bất ngờ đưa viện binh quay lại từ ngoài đánh vào. Phạm Thận Duật dẫn quân từ trong đánh ra, ép giặc vào giữa. Ngô Côn bị trúng đạn, chết dưới chân thành.

   Năm 1871, tên Tịch, thủ hạ của Ngô Côn tự xưng là Đại nguyên soái lại nổi lên ở Bắc Ninh, bè lũ tới trên 4000 tên, Phạm Thận Duật hợp sức với quân triều đình đánh tan. Ông được thưởng quân công một cấp. Phạm Thận Duật đang làm Bố chính tỉnh Bắc Ninh được triều đình cử làm Tuần phủ Hà Nội kiêm chánh đốc thông bảo cục (Sở đúc tiền), kiêm tri phòng khẩu sự vụ (phụ trách những việc khẩn yếu). Công việc của Phạm Thận Duật là bố trí lại bộ máy cai trị của tỉnh Hà Nội đã bị tan tác sau khi Pháp đánh chiếm. Trong thời kỳ Pháp chiếm đóng, nhiều lưu manh và giáo dân ỷ vào giặc Pháp đi cướp bóc của cải, chỉ điểm cho Pháp bắt những người yêu nước, nên tình hình an ninh không bảo đảm, mâu thuẫn giữa giáo dân Thiên chúa với những người theo đạo Phật nặng nề. Phạm Thận Duật phải mất khá nhiều thời gian để giải quyết việc này.

   Phạm Thận Duật thuộc phe chủ chiến, nên trừng trị thẳng tay bọn cộng tác với Pháp hạ thành Hà Nội và đánh phá nhiều nơi khác, bọn ngụy quyền do Pháp đặt ra, nay bị Pháp bỏ rơi vẫn quấy rối, nhũng nhiễu dân chúng, gây ra nhiều vụ mất an ninh.

   Trong bộ "Châu bản triều Nguyễn” còn lại đến nay còn bản tấu đứng tên Tuần phủ Hà Nội Phạm Thận Duật về việc: "Sau khi quân Pháp rút, quan quân Hà Nội phải đánh dẹp một toán phản loạn 500 người, cầm đầu là bọn đã theo Tây tấn công phủ Lý Nhân (thuộc tỉnh Hà Nội). Những tên cầm đầu đã bị hành quyết làm răn”. (Bản chính công văn hành chính của triều Nguyễn, trong đó có lời "châu phê" (phê sau) của nhà vua cho nên có tên như vậy. Nhóm biên soạn "Phạm Thận Duật toàn tập" căn cứ vào bản dịch tóm tắt các chân bản thời Tự Đức hiện còn lưu giữ ở Viện Hán - Nôm - Hà Nội).

   Phạm Thận Duật thẳng tay trừng trị bọn Việt gian giáo dân đạo Thiên chúa đã tiếp tay cho giặc Pháp, phản bội Tổ quốc, mặc dù trong điều 2 Quy ước ký kết giữa Nguyễn Văn Tường với Pháp, đại diện Soái phủ Sài Gòn về những sự kiện vừa xảy ra ở Bắc Kỳ ký ngày 5 tháng 1 năm 1874, ghi: “Triều đình Huế phải  ra ngay bản Tuyên bố ân xá tất cả những người vừa qua đã cộng tác với Pháp”.

   Phạm Thận Duật bổ nhiệm các quan chức ở tỉnh Hà Nội, ở các phủ huyện là những người yêu nước, có công chống Pháp, bảo vệ dân trong thời gian Pháp đánh chiếm Hà Nội, xử tội bọn quan chức do Pháp dựng lên, cách chức, hạ cấp bậc các quan chức khi quân Pháp đánh, bỏ chạy. Ông cũng dâng sớ về triều phong thưởng cho những người không kể là quan hay lính nhưng có tinh thần dũng cảm chiến đấu. Ông còn xuất công quỹ trợ cấp cho vợ con những binh sĩ hy sinh khi bảo vệ thành Hà Nội và các lị sở khác. Vì vậy ông đã nhanh chóng ổn định bộ máy cai trị ở tỉnh và các phủ huyện đã bị tan tác khi Pháp hạ thành Hà Nội và các phủ huyện (gồm Hà Nội và Hà Nam) và kiên quyết trừng trị những toán phản loạn đã từng theo Pháp tấn công thành Hà Nội và các phủ huyện.

   Phạm Thận Duật không phải chiến đấu trực tiếp với giặc Pháp như Nguyễn Tri Phương, song từ quan văn, ông đã phải làm võ tướng đánh dẹp Thanh phỉ và bọn giặc Tạ Văn Phụng, tay sai của giặc Pháp đánh phá các tỉnh ở Bắc Kỳ, làm do thám cho giặc Pháp, chia rẽ giáo, lương, chuẩn bị cho giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai.

   Cuối năm 1875, Phạm Thận Duật được cử làm Hộ lý tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên), giữa năm 1876 ông bị ốm nặng phải nghỉ điều trị, sau đó về kinh làm Tham tri bộ Lại, kiêm phó Đô ngự sử Viện đô sát.

   Nhận chức vụ ở kinh chưa được 2 tháng, triều đình cử Phạm Thận Duật trở lại Bắc với chức vụ "Khâm sai kinh lý hà đê sứ” chỉ huy việc trị thủy vùng tả ngạn sông Hồng.

   Quan điểm của ông và của Hoàng Diệu là không bỏ đê mà đắp ngay đê bao lớn ở những nơi đê đã bị vỡ như ở Văn Giang; đắp đê ngăn mặn; khơi thông dòng chảy. Ông cũng đề xuất chuyển dần chân mùa sang chân chiêm theo lối hai bát úp một, lấy lợi phù sa bồi đắp để bù lại.

   Với chức vụ khâm sai Hà đê sứ (và cả khi còn giữ chức thự Tuần phủ Bắc Ninh) ông đã gửi tới vua Tự Đức 19 bản tấu về công tác đê điều (từ tháng 12 năm 1875 đến tháng 7 năm 1878).

   Cuối thu 1878, Phạm Thận Duật trở về kinh được thăng Thượng thư bộ Hình, sung Phó tổng tài Quốc sử quán, kiêm quản Quốc tử giám. Năm 1879, ông được cử làm đại thần Viện cơ mật.

   Giữa năm 1879, mẹ ông mất, ông về cư tang, vua Tự Đức ban cho ông 50 quan tiền làm đám. Ngay sau đó, ông có lệnh triệu về Kinh để cùng triều đình lo toan công việc. Ông dâng sớ xin lưu lại ít lâu thì bị vua Tự Đức quở, ông đành phải vào Kinh. Trên đường ông thấy dân tình xáo xác vì vụ mùa vừa mất, lòng thương dân của ông xáo động. Vừa vào đến kinh, ông đã dâng sớ xin triều đình tư sức cho các quan tỉnh đốc thúc dân chúng trồng thêm rau, củ, ngũ cốc để cứu đói. Vua Tự Đức chấp nhận và cho thực thi.

   Với cương vị Phó tổng tài quốc sử quán, ông đã kiểm duyệt lại bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Ông đã đầu tư nhiều công sức cho công trình trên, đến đầu năm 1882 ông đã làm xong, xin cho chép lại sạch sẽ và đưa khắc in.

   Trong thời gian làm Thượng thư bộ Hình ông đã có nhiều kiến nghị về phòng thủ đất nước.

   Năm 1882, Phạm Thận Duật được cử làm Khâm sai chánh sứ, Nguyễn Thuật làm phó sứ sang Thiên Tân. Song giữa lúc ấy thì Phạm Thận Duật nhận được tin từ Bắc Kỳ đưa sang là Henri Rivière đánh chiếm tỉnh thành Nam Định và vua Tự Đức ốm, chết ngày 19 tháng 7 năm 1883. Tình hình phế lập của triều đình Huế rối ren, quân Pháp tấn công cửa Thuận An. Triều đình Huế phải ký Hiệp ước Harmand với nội dung là triều đình Huế chấp nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Trung Kỳ, Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp.

   Phạm Thận Duật đành phải trở về nước trên đường về bị ốm phải nằm lại điều trị, tính ra kéo dài một năm.

   Bất chấp Hiệp ước Hannand, nhiều sĩ phu ở Bắc Kỳ phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc, Đường Cảnh Tùng tiếp tục đánh Pháp.

   Vua Hiệp Hòa tỏ ra bạc nhược, thân Pháp nên Viện cơ mật đầu độc chết, đưa Kiến Phúc lên ngôi (trong 4 ngày có 3 vua).

   Phạm Thận Duật chuyển từ Thượng thư bộ Hình sang Thượng thư bộ Hộ và kiêm nhiệm cả Công bộ Tả tham tri (trong đó có việc xây dựng thành lũy, đồn binh), ông vẫn có chân trong Viện cơ mật. Vua Kiến Phúc còn nhỏ tuổi, nên quyền hành đều thuộc về Viện cơ mật, ông là nhân vật thứ ba sau Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Với cương vị Thượng thư bộ Hộ, ông đã xử lý nghiêm khắc nhiều vụ tham nhũng tiền và thóc như ở Thanh Hóa, có hàng chục kẻ bị chém, hàng trăm quan tỉnh, phủ, huyện bị mất chức, giáng, phạt.

   Ngày 25/7/1885, Phạm Thận Duật được thăng Vinh Lộc đại phu, chánh thất phẩm nhận nhiệm vụ khâm sai đại thần ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ Cần vương, tổ chức kháng chiến, xây dựng phong trào Cần vương ở Bắc Kỳ. Hai bà vợ ông được phong hàm tòng nhất phẩm phu nhân. Ngày 26 tháng 7/1885, xa giá vua theo đường núi Nghệ Tĩnh để ra Bắc. Phạm Thận Duật cùng hai con là Phạm Luyện, Phạm Cầu và đoàn tùy tùng quay ra Quảng Trị để theo đường biển ra Bắc trước. Ông bị ốm phải ở lại thôn Hà Trung, huyện Triệu Phong điều trị. Ngày 29 tháng 7 năm 1885, ông trên đường ra bến đò vừa đến Quán Dốc thuộc thôn Hà Trung thì bị Tri phủ Triệu Phong là Tôn Thất Thị đưa lính đến bắt cùng hai con là Phạm Luyện, Phạm Cầu và cả đoàn tùy tùng. Tôn Thất Thi nộp ông cho Pháp. Ngày 31/7/1885, quân Pháp đưa ông và đoàn tùy tùng về giam ở Thương Bạc. Ngày 1/9 ông bị quân Pháp đưa xuống tầu ra giam ở nhà tù Côn Đảo. Ngày 23/11/1885, Pháp đưa ông cùng một số người nữa đi đày ở quần đảo Tahiti. Ông đang bị ốm nặng, nên ngày 29/11/1885, ông mất ở trên tầu thuộc vùng biển Malaixia. Các bạn tù thủy táng ông ở dưới biển.

   Mãi đến năm 1995, nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, UBND tỉnh Ninh Bình, Viện Sử học Việt Nam, hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã long trọng tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp Phạm Thận Duật, đã dựng nhà bia tưởng niệm ông tại Yên Mô Thượng. Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Tin tức buổi chiều, Văn hóa và thể thao, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam... đều có bài viết, bài nói về thân thế, sự nghiệp của Phạm Thận Duật; Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu tập phim tài liệu: "Phạm Thận Duật - cuộc đời và sự nghiệp”. Tháng 11 năm 2000, Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam và Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin đã xuất bản cuốn "Phạm Thận Duật toàn tập”. Cuốn sách đã nêu rõ thân thế sự và sự nghiệp trên chính trường, chiến đấu cùng các trước tác của ông.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:03:07 pm »

TẠ HIỆN

   Tạ Hiện còn có tên là Tạ Quang Hiện, sinh năm Tân Sửu (1841), người làng Quang Lang, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình, nay là xã Quang Lang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tạ Hiện từ khi nhỏ ưa hoạt động, giỏi võ nghệ, bơi lặn giỏi, đỗ tú tài võ. Ông đã giữ chức Đốc binh quân vụ tỉnh Tuyên Quang.

   Tháng 9/1872, Tạ Hiện chỉ huy một số thuyền nhỏ của Nghệ An đánh tan 30 chiến thuyền lớn của bọn hải tặc Trung Quốc tại Hàm Giang (Quảng Yên). Sau chiến thắng này, Tạ Hiện được phong Phó quản cơ.

   Ngày 31/12/1873, quân Pháp trao trả tỉnh thành Hải Dương, triều đình cử Tạ Hiện làm Lãnh binh, (Nguyễn Huy Tự làm Hộ đốc, Nguyễn Hữu Đỗ làm Bố chính).

   Tháng 10/1879, thành lập đồn Cối Sơn, tỉnh Quảng Yên, Tạ Hiện được cử chỉ huy đồn. Ông chỉ huy quân lính đánh dẹp bọn phỉ Tàu, nên vùng này được yên lành.

   Năm 1883, triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi nước ta phải chịu sự bảo hộ của Pháp.

   Tháng 8/1882, Tạ Hiện được thăng Chưởng vệ, lãnh Đề đốc Bắc Ninh. Tháng 2/1883, triều đình giao cho Tạ Hiện chỉ huy đội Hùng nhuệ thay Thống chế Hoàng Văn Thụ bị giáng chức.

   Ngày 27/3/1883, thành Nam Định thất thủ, Tạ Hiện xin triều đình đổi về giữ chức Đề đốc Nam Định để khôi phục lại tỉnh thành.

   Tháng 9/1883, triều đình ra lệnh triệt binh, Tạ Hiện không chịu, kiên quyết ở lại cùng nhân dân kháng chiến. Ông phái người nộp trả ấn Đề đốc, rồi cùng một số đồng chí, lui về phủ Kiến Xương (Nam Định) phát lệnh tố cáo giặc Pháp xâm lược, chiêu mộ hương dũng đánh Pháp nhiều trận kịch liệt. Ông còn mở rộng địa bàn hoạt động xây dựng căn cứ chống Pháp ở các huyện Hưng Nhân và huyện Thán Khê, Duyên Hà khi đó thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông cũng phối hợp với Đổng quân vụ Đinh Gia Quế thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đánh quân Pháp nhiều trận lớn trên hai bờ Tả ngạn và Hữu ngạn sông Luộc.

   Cuối năm 1883, Tạ Hiện tập trung tới 4.000-5.000 nghĩa quân, đánh chiếm lại tỉnh thành. Họ đã làm chủ vùng nông thôn: thu thuế, tuyển lính, xử án...

   Trong những chiến công nghĩa quân do Tạ Hiện chỉ huy trên các chiến trường ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, có những trận đánh lớn vào đồn giặc ở Trà Lý (Thái Bình), đền Trần (Nam Định) trận đánh úp đồn Quỳnh Côi (Thái Bình) gây cho địch nhiều thương vong và thu được nhiều vũ khí. Nghĩa quân dựa vào dân thực hiện chiến tranh du kích, thiên biến vạn hóa, thoắt ẩn, thoắt hiện. giặc Pháp tung quân đi càn quét lại không thấy nhưng lại thường bị đánh úp, bị phục kích. Có trận nghĩa quân mặc quần áo lính khố xanh, công khai hành quân ban ngày.

   Lực lượng nghĩa quân Tạ Hiện ngày càng đông, mạnh mẽ, được huấn luyện tốt, có ý thức căm thù giặc và ý thức kỷ luật cao.

   Tạ Hiện đã phối hợp với nhiều thủ lĩnh nghĩa quân như Đinh Gia Quế ở Bãi Sậy trong các năm 1883, 1884. Bang Tốn và một số tướng lĩnh của ông đã sát cánh chiến đấu với nghĩa quân Bãi Sậy. Ông cũng phối hợp với Nguyễn Thiện Thuật, Lã Xuân Oai, Phạm Huy Quang, Cai Kinh, Lưu Vĩnh Phúc, đánh quân Pháp ở cầu Quan Âm (Bắc Lệ, Lạng Sơn) ngày 24/5/1884.

   Đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Phạm Thận Duật tấn công đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ ở kinh đô Huế. Bị quân Pháp phản công, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị phát động phong trào Cần vương, Tạ Hiện đã nhiệt liệt hưởng ứng, ông được vua Hàm Nghi thăng thự Đô thống. Từ đó nghĩa quân của ông hoạt động càng mạnh, gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất.

   Từ tháng 10 năm 1886, nghĩa quân Tạ Hiện hoạt động mạnh trở lại. Nghĩa quân đánh úp đền Quỳnh Côi. Nghĩa quân do Bang Tốn chỉ huy và nghĩa quân do sư So ở chùa Thiền Quang chiếm lại được phủ Kiến Xương, tấn công huyện Trực Định (Kiến Xương). Nghĩa quân còn đánh đồn Thanh Quan, đồn Vụ Bản và nhiều trận khác. Daufès trong cuốn La Garde indigène de 1’Indochine de sa création à nos four, tập I, Toukin, Avignou 1933 đã phải thừa nhận: "Đội lính khố xanh đã xung đột nhiều trận với các đội nghĩa quân của Tán Thuật, Lãnh Giang, Tổng Kinh, Đốc Sung, Đề đốc Tạ Hiện, Đốc Tít… chỉ huy càn quét, bình định vùng giữa sông Luộc và sông Trà Lý, đột phá làng mạc, tàn sát nhân dân. Nghĩa quân tránh những trận đánh lớn, chỉ lẻ tẻ chiến đấu. Nghĩa quân của ông thường đào hố ngụy trang dụ địch đến là nhẩy ra bắt gọn chúng, nên chúng gọi là "giặc vồ”.

   Về cái chết của Tạ Hiện, có nhiều tư liệu khác nhau, nhưng đáng tin là cuốn “Lịch sử quân sự Đông Dương” thì đầu năm 1887, Tạ Hiện bị địch bắt và bị giết vào đêm mùng 2 tháng 2 năm 1887 ở Bình Bắc, Phả Lại, Đông Triều. Các cụ già ở quê Tạ Hiện cũng xác định ông bị giặc Pháp bắt và giết ở quê vợ tại Đông Triều, hiện ở đó còn đền thờ ông.

   Ngoài võ công lừng lẫy, Tạ Hiện còn là nhà thơ, nay còn lại bài "Cái nợ tang bồng”.

      Cái nợ tang bồng tí tẻo teo,
      Nay đòi mai hỏi tiếng ong eo.
      Nay ta quyết kéo trời Nam tại
      Kéo để giang sơn đổ lộn phèo


(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, trang 214 nhóm Chu Thiên, Văn học, Hà Nội, 1970)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:06:07 pm »

PHẠM HUY QUANG

   Phạm Huy Quang sinh năm 1847 tại làng Phù Lưu, huyện Đông Quan (nay là xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

   Ngày 1 tháng 7 năm 1868, Phạm Huy Quang đậu cử nhân đứng hàng thứ năm. Đầu năm Tự Đức thứ 22 (1869) có dụ ở kinh đô triệu ông vào nhận chức Hàn lâm Cung phụng, tập sự ở viện Đô sát. Sau đó ít lâu Phạm Huy Quang xin chuyển về Đông đạo ngự sử Bắc Kỳ với dụng ý ngăn chặn bớt sự tham nhũng của quan lại. Năm Tự Đức thứ 25 (1872) ông về Hải Dương thị sát với Tổng đốc Phạm Phú Thứ. Ông kiểm tra các tỉnh Quảng Yên, Hải Dương, Hưng Yên, một phần Nam Định. Đây là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng. Nhà vua đã ra điều lệnh cho lập xã thương và nghĩa thương để cứu đói cho dân khi mất mùa. Ông cùng Phạm Phú Thứ điều tra thì số thóc trên bị quan lại, tổng lý vay chi tiêu vào mục đích khác. Ông đã tìm đủ mọi chứng cứ, bắt những kẻ tham nhũng phải bồi thường cho các nhà kho. Ông đem thóc đó phân phát cho dân bị đói. Năm 1874, Phạm Huy Quang được thăng Hàn lâm Điển bạ kiêm Giám sát Ngự sử Bắc Ninh.

   Tới Bắc Ninh, Phạm Huy Quang gặp lại bạn cũ là cử nhân Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, phó bảng Lã Xuân Oai, người làng Thượng Đồng, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định ( nay là xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) khi đó đang ở Bắc Ninh,    Phạm Thận Duật, Bố chính tỉnh Bắc Ninh. Các ông trở thành bạn cùng chí hướng, thấy rõ Tự Đức là một ông vua mang nặng tư tưởng đầu hàng giặc Pháp, phải tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp nên phân công Lã Xuân Oai liên lạc với quân Thanh để mua súng bắn nhanh do phương Tây sản xuất. Còn ông (Phạm Huy Quang), cùng với Ngô Quang Huy, Phạm Thận Duật, giúp Nguyễn Cao người làng Cách Bi huyện Quế Dương thành lập đội nghĩa dũng Bắc Ninh.

   Tháng 11/1873, quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình để ép triều đình Huế nhượng lục tỉnh Nam Kỳ cho giặc Pháp.

   Mặc dù triều đình đầu hàng giặc, phe chủ chiến vẫn quyết tâm đánh Pháp. Ngày 3/12/1873, quân triều đình dưới sự chỉ huy của Tán tương Trương Quang Đản cùng nghĩa quân Nguyễn Cao, Phạm Huy Quang tập kích quân Pháp chiếm lại phủ Thuận Thành.

   Chán cảnh Triều đình đầu hàng giặc, mùa xuân năm 1875, Huy Quang xin từ quan mở trường dạy học. Song với lòng yêu nước thiết tha, ông lại bỏ hết gia tư, điền sản cho việc mộ quân, thiết lập các đồn mới để liên kết với các cánh quân khác cùng khởi nghĩa.

   Cuối năm 1888, Phạm Huy Quang được tin nghĩa quân chuẩn bị đánh ra Nam Định đã từ Phủ Gạch về đồn Đọ bàn kế hoạch phối hợp tác chiến. Song do Khán Quyết đã chỉ điểm, quân Pháp biết rõ hành trình của Phạm Huy Quang, chúng cho Khán Quyết và hai tên lính tập giả làm phu khiêng cáng vào làng Đọ chờ sẵn. Khi Phạm Huy Quang bàn việc ở đồn Đọ xong lên cáng trở về đồn Phủ Gạch để bàn kế hoạch đưa quân đi đánh phối hợp. Khán Quyết và hai tên phu cáng ra khỏi làng Đọ chúng không đưa ông về Phủ Gạch mà về đồn Châu Giang. Ông đòi xuống, chúng ra hiệu cho Bang Văn chỉ huy một toán lính bám theo sau ập đến bắt ông giải về đồn Châu Giang. Quân Pháp tra tấn ông không moi được tin tức gì, ngay sáng hôm sau chúng đưa ông ra bãi bắn chết.

   Phạm Huy Quang hy sinh song phong trào kháng chiến chống Pháp còn duy trì tới năm 1892 mới tan rã. (Danh nhân Thái Bình - Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1 - Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb văn học, Hà Nội. 1977).





NGUYỄN CAO

   Nguyễn Cao, sinh năm 1840 tại làng Cách Bi huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Cao lúc nhỏ được gửi đến ở nhà ông tú tài Nguyễn Gia Giao ở xã Liễu Ngạn, phủ Thuận Thành, sau theo học thày Phạm Văn Nghị ở Tam Đăng. Năm Đinh Mão (1867) Tự Đức thứ 20, ông đỗ Giải nguyên (đỗ đầu Cử nhân). Ông không ra làm quan ở mà nhà dạy học.

   Tháng 11/1873, quân Pháp từ Hà Nội đánh chiếm Gia Lâm, Siêu Loại, Nguyễn Cao chiêu mộ được hơn 1000 nghĩa dũng cùng Bố chính Phạm Thận Duật đánh quân Pháp. Ngày 4/12/1873, nghĩa quân của ông tấn công quân Pháp ở Gia Lâm, Thuận Thành, diệt nhiều giặc Pháp, bắt sống 150 ngụy quân, giải phóng một vùng rộng lớn. Ngày 15/3/1874, Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước "Hòa bình và liên minh” có lợi cho Pháp. Sau khi Hòa ước ký, Nguyễn Cao buộc phải giải tán nghĩa quân.

   Ông có công cùng Phạm Thận Duật đánh dẹp giặc nên triều đình ép ông làm Tri huyện Yên Dũng rồi Tri huyện Lạng Giang. Ông làm quan thanh liêm, trừng trị bọn trộm cướp, quan lại nhũng nhiễu dân, tổ chức cho dân khai hoang, phục hóa, cải thiện đời sống. Triều đình thăng ông chức Bố chính Thái Nguyên rồi đi kinh lý khẩn hoang ở Nhã Nam.

   Ngày 25/4/1882, quân Pháp tấn công thành Hà Nội, đến 10 giờ cùng ngày, thành vỡ, Tổng đốc Hoàng Diệu tự tử. Nguyễn Cao đang làm Tán lý quân vụ tỉnh Bắc Ninh đã chăm lo, củng cố thành Tỉnh Đạo. Ông lại đem quân về Hà Nội cùng các cánh quân khác bao vây Hà Nội. Ngày 27/3/1883 Nguyễn Cao đã cùng nhiều quan lại khác chỉ huy 4000 quân Tứ Tổng đột nhập vào phố Hàng Đậu tấn công Cửa Đông, buộc quân Pháp phải rút vào trong thành cố thủ.

   Đêm 11/3/1883, Nguyễn Cao đóng quân ở Gia Lâm, cho quân nã đại bác vào đồn Đồn Thủy, vị trí đóng quân của quân Pháp. Ngày 15/5/1883, quân Pháp đổ bộ sang Gia Lâm, Nguyễn Cao dàn quân ra đánh. Hai bên kịch chiến đến tận ngày hôm sau.    Ngày 16/3/1883 Nguyễn Cao bị thương nặng ở bụng. Sau khi vết thương lành, ông được cử giữ chức Tán lý quân vụ Bắc Kỳ.

   Triều đình Huế nhu nhược liên tiếp nhượng bộ Pháp nhiều quyền lợi của quốc gia, rút hết quân đội ở các vị trí chiến lược quan trọng, ngăn cấm nhân dân vũ trang đánh Pháp. Mùa Xuân năm 1884, Bắc Ninh trở thành chiến trường nóng bỏng. Ngay từ những ngày đầu tiên Nguyễn Cao đã cùng với Hoàng Văn Hòe đã đối phó với quân Pháp. Các ông phối hợp với nghĩa quân Ba Báo liên tục tấn công quân Pháp ở Phả Lại và sông Cầu. Khi thành Bắc Ninh mất, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hòe cùng nhiều quan lại, sĩ phu rút về thành Tỉnh Đạo. Đầu năm 1884 Nguyễn Cao cùng Ngô Quang Huy, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Văn Hòe, Dương Khải thành lập "Đại nghĩa đoàn” hay còn gọi là “Tam tỉnh nghĩa quân” tiếp tục đánh Pháp. Đại nghĩa đoàn có hơn 5000 quân tuyển mộ từ các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đánh Pháp. Trong số tướng chỉ huy có Đội Văn tức Vương Văn Vang người thôn Thuận An xã Chạm Lộ, tổng Tam Á, huyện Thuận Thành, nay thuộc xã Chạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Quang tức Nguyễn Trọng Đạo và tú tài Nguyễn Trọng Huyên là hai anh em họ Nguyễn quê ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay thuộc xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tham gia.

   Nghĩa quân Đại Nghĩa đoàn dựng đại đồn trong cánh rừng Báng ở làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, chia quân đóng giữ các vị trí sung yếu uy hiếp quân Pháp ở lưu vực sông Cà Lồ (tỉnh Phúc Yên cũ). Các ông xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Bắc Giang cùng các đồn binh ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng khống chế vùng ngã ba Phượng Nhỡn nơi hợp lưu của các sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu tạo thành Lục Đầu Giang.

   Tháng 7/1884 nghĩa quân Đại nghĩa đoàn tấn công quân Pháp ở Ngọc Trì (nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh). Nghĩa quân còn củng cố các căn cứ ở Đình Bảng, Vân Cốc, Trung Đồng.

   Theo Hiệp ước Pháp - Thanh, quân Thanh và quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc rút về nước. Đại nghĩa đoàn tan rã, Nguyễn Cao về làng Kim Giang, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Tây) dạy học.

   Tháng 7/1885 vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, Nguyễn Cao lại đứng ra vận động các sĩ phu Bắc Kỳ chống Pháp. Đầu năm 1886 vua Hàm Nghi phong cho ông chức Tán lý quân vụ Bắc Kỳ. Được ít lâu tình hình khó khăn, ông lại lui về Kim Giang bí mật tập hợp đồng chí.

   Tháng 4 năm Đinh Hợi (5/1887), quân Pháp bắt được một tờ sớ của Hồng lô Tự khanh Tán tương quân vụ Ngô Quang Huy gửi vua Hàm Nghi có nói tới Nguyễn Cao. Bọn Pháp tung mật thám đi dò xét, ở làng Kim Giang có tên Việt gian tố cáo ông với giặc Pháp để tiến thân. Hôm đó ông không có nhà, học trò đến báo cho ông biết và xin ông tránh đi. Ông nói: "Bọn kia mất ta, tất sẽ tróc nã tìm trong dân chúng. Ta không nỡ vì một thân này mà để tai họa cho vài trăm người”. Rồi ông ung dung đi về nhà. Giặc đưa lính về bắt, chúng nhốt ông vào cũi giải về Hà Nội. Ông cắn lưỡi tự tử, chúng cứu chữa ông để khai thác các sĩ phu chống Pháp ở Bắc Kỳ. Có tên Việt gian đến dụ dỗ ông, chê bụng ông tối tăm không hiểu thời thế. Ông đập bát, lấy mảnh bát khoét rốn rút ruột ra cho chúng xem và thét: "Chúng bay xem, ruột tao trắng như ngó cần!”. Bấy giờ người đứng xem chật ních đều sợ hãi, bưng mặt mà chạy. Bọn giặc Pháp đưa ông đi cấp cứu. Ông nhịn ăn, uống, luôn miệng chửi bới quân thù, rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, ông cắn lưỡi tự tử. Hôm đó là ngày 24 tháng ba năm Đinh Hợi (14/4/1887).

   Cái chết của ông làm kẻ thù khiếp sợ, kích động lòng yêu nước của nhân dân. Ông đã chết, giặc Pháp vẫn đưa thi hài ông sang Tòa án Nam xét xử. Chúng xử ông tử hình, đem thi thể ông ra bãi Dừa bên hồ Hoàn Kiếm nay là bồn nước ga xe điện Bờ Hồ (cũ) thành phố để chém đầu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:08:43 pm »

NGUYỄN LÂM

   Nguyễn Lâm gọi tên đầy đủ là Nguyễn Tri Lâm, sinh ngày 19 tháng 4 năm Giáp Thìn (5/1844). Ông là con trai thứ hai Tổng thống quân vụ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quê làng Chi Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông gọi Gia Định Tán lý quân thứ đại thần Nguyễn Duy là chú ruột.

   Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cả văn học lẫn võ công, Nguyễn Lâm lại có tinh thần ham học, thông tuệ từ nhỏ nên học giỏi có tiếng. Là con nhà quan nhưng tính tình ông rất hòa nhã, khiêm nhường không cậy mình là con quan đại thần mà kiêu ngạo. Khi ông bước vào tuổi thiếu niên (14 tuổi) thì cha và chú phải vào cầm quân đánh Pháp ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, nên ông đã luyện tập võ nghệ, đọc binh thư để nối nghiệp cha, chú đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi.

   Năm 1859, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha kéo vào Nam Kỳ hạ thành Sài Gòn. Vua Tự Đức phong cha ông làm Tổng thống quân vụ đại thần - giữ chức Gia Định Quân thứ Thống đốc quân vụ đại thần cùng chú ông là Nguyễn Duy đang giữ chức Gia Định Quân thứ Tán lý đại thần xây dựng Đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

   Ngày 25/10/1861, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha điều động đại lực lượng binh thuyền tấn công chiến lũy Kỳ Hòa. Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy cùng các tướng cố thủ chiến lũy Kỳ Hòa gây tổn thất nặng nề cho Liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Chiến lũy Kỳ Hòa vỡ, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, Nguyễn Duy tử trận, cả ba tỉnh Đông Nam Kỳ lọt vào tay giặc Pháp. Từ đó Nguyễn Lâm càng nung nấu chí căm thù giặc Pháp, chuyển hẳn sang học võ, đọc binh thư để sau này chỉ huy quân đội Khi ông vừa tròn 18 tuổi, ông đã theo cha giúp việc quân. Năm Nguyễn Lâm 20 tuổi đã là một thanh niên tuấn tú, lập được nhiều chiến công. Vua Tự Đức có lòng yêu gả công chúa Đồng Xuân cho, phong làm Phò mã đô úy.

   Năm Tự Đức thứ 24 (1871), Nguyễn Lâm thấy cha đã 72 tuổi, luôn luôn bận rộn việc quân ở Bắc Kỳ bèn làm sớ xin theo đi Tam Tuyên quân thứ để đỡ đần cha xông pha nơi trận mạc và tiện phụng dưỡng cha già. Khi ông ra tới Hà Nội thì triều đình giao cho cha ông làm Tổng đốc Hà - Ninh để đối phó với âm mưu xâm lược của quân Pháp. Vì vậy khi con trai ra Bắc, ông liền giữ con ở lại thành Hà Nội giúp việc.

   Sáu giờ sáng ngày 20/11/1873, (1 tháng 10 năm Quý Dậu) quân Pháp nã đại bác cấp tập vào thành. Nguyễn Tri Phương phán đoán từ trước vì ông súng đạn ít, ông cho nghi binh ở cửa Bắc, cửa Tây, tự mình giữ cửa Đông Nam, giao cho Nguyễn Lâm giữ cửa Tây Nam. Đúng như phán đoán của Nguyễn Tri Phương, Francis Garnier cũng nghi binh ở cửa Bắc, cửa Tây chia làm hai cánh quân đánh cửa Đông và cửa Nam. Nguyễn Tri Phương cùng các tướng thân lên mặt thành chỉ huy quân sĩ. Quân Pháp bắn đại bác dữ dội vào thành rồi cho quân tiến sát tường thành. Đại bác của ta đặt trên mặt thành bắn vọt ra xa không trúng đội hình quân Pháp. Nguyễn Lâm đứng trên mặt thành chỉ huy quân sĩ lăn đá gỗ, bắn những tên tới gần, dùng câu liêm đẩy thang của chúng, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của giặc. Đạn đại bác của giặc phá vỡ cửa thành Tây - Nam, quân giặc ồ ạt tràn vào. Nguyễn Lâm chỉ huy quân đánh giáp lá cà. Ông trúng đạn hy sinh, năm đó ông mới 29 tuổi. Quan lại làm sớ tâu về kinh, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ: "Làm tôi thì chết theo điều trung với nước, làm con thì chết theo điều hiếu với cha, thật đáng khen ngợi! Phò mã Nguyễn Trí Lâm không phải trách nhiệm cầm quân ra trận, nay chết về việc hiếu nghĩa, trên trả được nợ nước, dưới không phụ tình cha. Thực đáng là bậc tu mi đứng trong hoàn vũ. Vậy truy tặng hàm Binh bộ Tả thị lang để biểu dương”.

   Vua lại cấp cho 300 quan tiền tuất để lo việc tẩm liệm, sắc cho quan lại Hà Nội cấp binh phu tống tiễn linh cữu về kinh và an táng tại làng. Năm Tự Đức thứ 28 (1875) vua lại phê lập nhà thờ Trung hiếu tại làng để thờ cúng Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy là cha và chú.

   Trong bài văn tế của quan Khâm mệnh triều đình có những câu:

   “…Nhĩ tử Nguyễn Lâm, tiên nhĩ dĩ vong oanh oanh liệt liệt hào tố nhất trường.
   Thị huynh, thị đệ, thị phụ, thị tử cổ chi Biên môn đãi bất quả thử!
   Ô hô! Vi thần năng trung ư quốc!
   Ô hô! Vi tử nang hiếu ư thân!
   Duy trung chữ hiếu, nhất môi hàm tụng...”


   Như vậy là cả cha, chú và ông đều hy sinh trong sự nghiệp chống giặc Pháp xâm lược ở cuối thế kỷ XIX.





Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:10:56 pm »

HOÀNG VĂN HÒE

   Hoàng Văn Hòe sinh năm Mậu Thân (1858). Quê ông ở làng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Tân Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Khoa thi năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870) ông đỗ cử nhân tại trường thi Hà Nội. Năm 1858, quân Pháp đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Năm 1859, quân Pháp đánh tỉnh thành Sài Gòn, thì Nguyễn Tư Giản dâng sớ về kế sách đánh Pháp, Hoàng Văn Hòe làm bài thơ:

         LỜI HÔ HÀO ĐÁNH GIẶC

      Vua nước lo hôm sớm
      Kinh xưa khói mịt mùng
      Quân ta mau tiên phát
      Thẳng đến thành Hoàng Long.


   Bài thơ có tác dụng thôi thúc mọi người gia nhập đội quân do nhà yêu nước Phạm Văn Nghị chiêu mộ vào Nam giết giặc.

   Ngày 11 tháng 10 năm 1873, Thiếu tá Hải quân Francis Garnier dời Sài Gòn đem binh thuyền ra đánh Bắc Kỳ. Ngày 20/11/1873, Garnier tấn công thành Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, bị giặc bắt đã tuẫn tiết. Cuối tháng 11/1873 , quân Pháp vượt sông Hồng đánh chiếm huyện Gia Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hoàng Văn Hòe chiêu mộ quân đánh Pháp, khích lệ những người tham gia đội quân kháng chiến ông làm bài thơ:

         KHẨU HIỆU

      Sơn mãng do tiềm thử
      Giang ba hốt phí kình
      Xích mi vị năng phá
      Bạch diện bất tu binh
      Tân đảm lao thần lự
      Yên trần thảng cổ kinh
      Nhạc quân đương tảo phát
      Thống ẩm Hoàng Long thành.


Dịch nghĩa:

      Chuột vẫn còn lẩn ở núi cỏ rậm,
      Cá kình bỗng làm sôi sục sóng sông
      Giặc lông mày đỏ chưa phá được
      Cánh thư sinh mặt trắng thì không biết việc binh
      Làm nhọc lòng vua phải nằm gai nếm mật
      Kinh đô cũ gió bụi âm thầm
      Quân của ông Nhạc nên sớm xuất phát.
      Tiến thẳng đến uống say ở thành Hoàng Long.


   (Khẩu hiệu tức là lời hô hào đi đánh giặc. Nguyên chú: Quý Dậu niên (1873) Hà Thành hữu sự, dư thời mộ dũng tòng thứ. (Năm Quý Dậu (1873) Hà Nội có việc, tôi lúc bấy giờ mộ quân đi theo quân thứ.
   Xích mi: tên gọi nhóm giặc bôi lông mày đỏ thời Tây Hán. Ởđây chỉ giặc Pháp.
   Ông Nhạc đây chỉ Tống Nhạc Phi đời Tống chống quân xâm lược Kim
   Khi Nhạc Phi đem quân đánh Kim có hát: "Ta quyết đánh thẳng vào thành Hoàng Long mà uống say”. Đây ví Hoàng Long với Thăng Long lúc đó bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ nhất. Hoàng Văn Hòe viết bài này kêu gọi lấy lại thành Thăng Long).


   Hoàng Văn Hòe đã đem đội nghĩa quân của mình chiến đấu dưới sự chỉ huy của Phạm Thận Duật và Trương Quang Đản tiến đánh quân Pháp, ngày 4 tháng 12/1873 tiêu diệt đồn binh Pháp đóng ở Gia Lâm. Ngày 21/12/1873 giải phóng huyện Siêu Loại Gia Lâm, (Siêu Loại, đều thuộc trong phủ Thuận Thành). Năm 1874, triều đình Huế ký Hòa ước với Pháp , Hoàng Văn Hòe tiếp tục dùi mài kinh sử, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, Tự Đức thứ 33 (1880). Sau đó ông lại trúng tuyển khoa Yếm bác. Ông được bổ làm Tri phủ Kiến Xương, hàm Thị độc.

   Sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Hannand (8/1883) Hoàng Văn Hòe từ quan, gia nhập nghĩa quân Tạ Hiện chiến đấu ở vùng Nam Định, Thái Bình. Sau đó Hoàng Văn Hòe cùng Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Dương Khải thành lập Đại nghĩa đoàn, còn gọi là Tam tỉnh nghĩa quân. Đại nghĩa đoàn có hơn 5000 quân tuyển từ các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

   Nghĩa quân đánh thắng quân Pháp nhiều trận lớn như trận Ngọc Trì, tên nôm là làng Bến nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Sau vài tháng chiến đấu, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thiếu súng đạn, bị quân Pháp truy kích liên tục nghĩa quân tan rã, một số gia nhập các lực lượng kháng chiến khác. Để tăng cường lực lượng phe chủ chiến ở triều đình, Tôn Thất Thuyết tiến cử ông với vua Hàm Nghi. Vua triệu ông về triều giữ chức Sử quán Biên tu kiêm Kinh diên Khởi cư trú.

   Đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 7 năm 1885 , Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân tiến đánh Tòa khâm sứ, đồn Mang Cá. Hoàng Văn Hòe được giao chỉ huy một cánh quân đánh vào đồn Mang Cá, ông hy sinh anh dũng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #57 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:14:00 pm »

BÙI VĂN DỊ

   Bùi Văn Dị tức Bùi Ân Niên sinh ngày 17/5/1833 tức ngày 28 tháng 3 năm Quý Tỵ. Cụ thân sinh là Bùi Văn Hy, đỗ tú tài thời Minh Mệnh. Ông quê ở làng Châu Cầu, xã Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, nay là thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

   Ngay từ thuở nhỏ, Bùi Văn Dị đã có tư chất thông minh, có trí nhớ tốt. Năm 13 tuổi đã vượt qua kỳ thi khảo hàng xứ để dự thi Hương. Hai khoa thi Hương năm 1850 và 1 852, ông đều thi đỗ tú tài khi mới 18 tuổi và 20 tuổi. Năm 1855, ông 23 tuổi, thi đỗ cử nhân. Năm Ất Sửu (1865) ông vào Huế dự khoa thi tiến sĩ, đỗ thứ tư, hạng trúng cách. Song vào thi Đình lại bị trượt, nên chỉ xếp đỗ Phó bảng cùng với người em họ con ông chú ruột là Bùi Văn Quế.

   Ông lần lượt được bổ làm Tri phủ các huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng tỉnh Bắc Ninh. Được một thời gian ông về cư tang. Năm 1871, các đại thần Bùi Tuấn, Nguyễn Tư Giản vốn biết tài ông, tiến cử ông thăng Án sát Ninh Bình, sau ông vào Nội các.

   Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất, Tự Đức cử ông cùng Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thượng Phiên ra xử lý các vụ Pháp chiếm bốn tỉnh thành ở Bắc Kỳ. Ông được triều đình cử làm Án sát Ninh Bình. Sau ông được về kinh thăng hàm Quang lộc Tự khanh, làm việc ở Nội các. Ông học vị không cao nhưng nổi tiếng về tài văn chương, nên vẫn được đề cử làm quan Duyệt quyển.

   Năm 1876 ông được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh. Ông dẫn đầu sứ bộ hoàn thành nhiệm vụ. Các quan lại nhà Thanh đánh giá ông rất cao.

   Cuối năm 1878, ông lại được sung vào Nội các. Cũng năm đó ông được duyệt quyển thi Hội, thi Đình lần thứ hai. Theo quan chế của triều đình, dùng quan ở Nội các không đặt quan nhị phẩm, song vì ông có nhiều công lao, được giao thêm chức quyền Tham tri bộ Lại để chính thức phẩm trật.

   Năm 1881, ông làm Đại thần của quản lý nha Thương bạc, là cơ quan chuyên trách việc giao thiệp với Pháp và trông nom các thuyền luôn qua lại.

   Tháng 4 năm 1882 , Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Giặc Pháp được một số giáo dân phản động và giáo dân được quân Pháp huấn luyện, trang bị vũ khí như Tạ Văn Phụng, giúp sức đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ, Bùi Văn Dị dâng sớ đề nghị triều đình kiên quyết chống đánh. Ông được triều đình cử giữ chức Khâm sai phó Kinh lược sứ Bắc Kỳ, ông vẫn dẫn một đội quân nhỏ đi kiểm tra các tỉnh. ông tổ chức các cuộc tấn công giặc, phòng thủ không cho giặc lấn chiếm các vùng chung quanh tỉnh thành.

   Khi Henri Rivière đem quân di Nam Định, Bùi Vãn Dị Khâm sai phó kinh lược sứ Bắc Kỳ và Trương Quang Đản Tổng đốc Ninh - Thái (Trương Quang Đản là con trai Trương Đăng Quế sau về làm Tuần phủ Quảng Trị cùng với em trai là Trương Văn Để tham tri bộ Binh, người phái chủ chiến mà Tôn Thất Thuyết tin cậy đã đầu hàng Pháp, hai anh em đưa Tam cung về Huế và còn dẫn quân đi đón bắt vua Hàm Nghi theo lệnh của quân Pháp). , kéo quân về Gia Lâm, Văn Giang đối diện với đồn Thủy để chống đánh quân Pháp. Trong khi đó thì Hoàng Kế Viêm chỉ huy quân thứ Sơn Tây cùng tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc kéo quân về đóng ở Hoài Đức, Từ Liêm. Quân Pháp bị hai gọng kìm phía Bắc (Gia Lâm) và phía Tây (Hoài Đức, Từ Liêm) kẹp lại. Tên Đại tá Béc tơ đờ Vile, kẻ thay Henri Rivière giữ thành Hà Nội thấy rõ mối nguy hiểm của hai cánh quân Bắc Ninh và Sơn Tây. Ngày 18/3/1883 hắn cho tầu vượt sông Hồng tấn công các làng ven sông như Gia Quất, Thượng Cát, Ngọc Lâm ở Gia Lâm. Bùi Văn Dị trực tiếp chỉ huy quan quân chặn đánh quyết liệt, làm chết và bị thương hơn 30 tên, số còn lại hốt hoảng chạy xuống tầu về Đồn Thủy. Sau trận này triều đình cử ông làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh, tức là làm Tham mưu cho đạo quân Bắc Ninh là một trong hai đạo quân mạnh của triều đình ở Bắc Kỳ (Bắc Ninh và Sơn Tây). Bùi Văn Dị, Trương Quang Đản phối hợp với Hoàng Kế Viêm mưu đánh chiếm lại thành Hà Nội, song không giành được thắng lợi.

   Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3/1883, quân ta từ Gia Lâm và Hoài Đức tấn công vào thành, riêng quân của Hoàng Kế Viêm đánh vào kho thóc, là nơi mấy hôm trước quân Pháp còn đóng nhiều, hiện còn đóng ít. Béc tơ đờ Vile nghi rằng ý định của quân ta bấy giờ là để đánh úp quân Pháp ở Đồn Thủy kéo đến cứu viện rồi thừa hư qua sông mà chiếm Đồn Thủy, nơi trung tâm của địch. Cho nên địch không tiếp viện cho kho thóc, nhưng quân ta cũng không chiếm được vị trí này.

   Ngày 28/3, Béc tơ đờ Vile đem 200 quân qua sông đánh phục thù. Chúng lục lọi các xóm bờ sông rồi tiến về Gia Quất, dưới sông có tầu chiến gắn đại bác yểm trợ. Bùi Văn Dị, Trương Quang Đản tự mình đốc chiến. Quanh làng có lũy đất và lũy tre, rào tre là chiến lũy của quân ta, quân ta bắn chặn, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Tại làng Gia Quất, hai bên đấu súng rồi đánh giáp lá cà. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trong khi quân ta chiến đấu, thì trai tráng, dân binh trong làng không đi tản cư, trợ chiến bằng giáo mác, gậy gộc, khua chiêng trống, thùng chậu uy hiếp quân Pháp. Theo lời Vile thuật lại thì: “người An Nam đánh đến cùng, giật cả súng của lính Pháp”. Như vậy là trận đánh ở Gia Quất rất kịch liệt. Quân ta ở Gia Quất rút lần về hướng Bắc Ninh và hướng Bát Tràng. Căn cứ Thượng Cát vẫn tiếp tục chống cự với địch, giữ từng ngõ xóm, từng nhà, đến khi quân ta rút thì quân Pháp đốt luôn cả làng Thượng Cát cũng như chúng đã đốt rụi cả làng Gia Quất.

   Bùi Văn Dị và Trương Quang Đản tập hợp quân trên sông Đuống để phản công, toan đi vòng cắt đường rút lui của địch. Quân Pháp phán đoán được ý đồ của quân ta luôn hối hả chạy ra bờ sông Hồng, trên đường rút, chúng đốt thêm nhiều làng xóm nữa.

   Giặc rút, quân ta trở lại Gia Quất, Thượng Cát chôn cất tử sĩ, giúp nhân dân, sửa chữa nhà cửa, một mặt củng cố trận địa sẵn sàng đánh địch.

   Đầu tháng 5/1883, quân Pháp ở Hà Nội bị hai cánh quân Bắc Ninh và Sơn Tây tạo thành thế hai gọng kìm ép chặt. Đêm 815/1883 đại bác của quân thứ Bắc Ninh do Bùi Văn Dị, Trương Quang Đản đặt ở trên bờ đê sông Hồng ở Gia Lâm nhả đạn vào Hà Nội, ở Đồn Thủy, ở căn cứ tại nhà thờ Hàm Long, có đêm bắn tới 80 phút, gây thiệt hại cho quân Pháp, khiến quân Pháp rất hoang mang. Đêm 15/5/1883, quân ta tập kích vào căn cứ quân Pháp ở nhà thờ Hàm Long. Henri Rivière hốt hoảng xin viện binh ở Hải Phòng, của Hạm đội Pháp đóng ở Hạ Long và của Sài Gòn.

   Việc vua quan nhà Nguyễn ký hàng ước 25/8/1883 làm cho Bùi Văn Dị suy sụp tinh thần đến phát bệnh và là cái cớ để không nhận chức Tổng đốc Ninh - Thái, cùng lúc Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng từ chối chức Tổng đốc Sơn Tây, ông về ở ẩn tại Thanh Hóa. Đến năm đầu Kiến Phúc (18 84) ông được triệu về kinh sung vào kinh diên làm "nhật giảng quan" giảng dạy cho vua Kiến Phúc, Ưng Lịch (sau là vua Hàm Nghi). Sau đó ông bị ốm, xin về dường bệnh ở Hải Quật, huyện Yên Định, Thanh Hóa.

   Khi vua Hàm Nghi lên ngôi, ông được cử làm Tả Tham tri bộ Lại. Khi toàn bộ đất nước rơi vào tay quân Pháp, ông chán cảnh quan trường, chọn đất Hải Quật, Thanh Hóa dựng một nhà tranh, lấy hiệu là Hải Nông làm nơi ẩn dật.

   Mặc dù ông từ chối ra làm quan nhiều lần, song cuối năm 1887, ông lại phải buộc về triều làm Thượng thư bộ Lại, Phụ chính đại thần. Trong dịp này ông được xét đặc cách nhận học vị tiến sĩ. Đến triều Thành Thái (1890) ông lại đi thi, đậu tiến sĩ. Ông được thăng Phó đô ngự sử, Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ, Phụ chính đại thần và Quốc sử quán tổng tài. Sau đó ông xin từ chức, chỉ giữ chức phụ đạo đại thần kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán.

   Ông mất năm 1895 ngay tại Quốc sử quán, thọ 63 tuổi. Ông có nhiều tác phẩm như "Dư Hiên tùng bút", "Du Hiên thi thảo” (văn), “Vạn lý hành ngâm” (văn), “Tồn am thi tập”, “Thời chính Tạp biên”, "Trĩ Chu thù xướng” (văn).

   
(Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)
- Lịch sử 80 năm chống Pháp - Chống xâm lăng của Trần Văn Giầu
- Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn. NXB Thuận Hóa)
.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:16:37 pm »

NGUYỄN QUANG

   Ngày 25/4/1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ 2. Nguyễn Cao, Nguyễn Huy Quang, Nguyễn Thiện Thuật đã thành lập "Đại nghĩa đoàn", còn gọi là "Tam tỉnh nghĩa quân" để đánh Pháp.

   Đông đảo sĩ phu, hào kiệt ba tỉnh hưởng ứng, trong đó có Nguyễn Quang. Tên thực của ông là Nguyễn Trọng Đạo, quê ở làng Phù Khê, nay thuộc xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông giữ chức Án sát tỉnh Bắc Ninh, đã cùng em họ là tú tài Nguyễn Trọng Huyên chiêu mộ quân rồi gia nhập Tam tỉnh nghĩa quân.

   Bộ Tư lệnh Đại nghĩa đoàn giao cho Nguyễn Quang nhiệm vụ chọn vị trí đóng đồn trại, phòng thủ. Nguyễn Quang là một trong những người đề xuất đóng đồn binh ở xã Đình Bảng, nay thuộc huyện Từ Sơn. Từ Đại đồn Đình Bảng, Nguyễn Quang còn thiết lập các đồn nhỏ khống chế lưu vực sông Cà Lồ ở các huyện Kim Anh, Đa Phúc của Bắc Ninh, Sơn Tây; các huyện Phổ Yên, Phú Bình của Thái Nguyên và dãy núi Thằn Lằn trong đó có đỉnh Sóc Sơn, đền thờ Thánh Gióng. Với tầm nhìn chiến lược của mình, Nguyễn Quang đã ủng hộ chủ trương của các thủ lĩnh Đại nghĩa đoàn xây dựng căn cứ ở vùng núi Nham Biền nay thuộc huyện Yên Dũng nằm trên bờ Hữu ngạn sông Thương. Nguyễn Quang cùng với Nguyễn Trọng Huyên có mối giao lưu rộng rãi với các nho sĩ, tổng lý vùng Từ Sơn, Yên Phong, Đông Anh, Tiên Du, đã đảm nhận việc phát triển lực lượng và tiếp nhận lương thực, thực phẩm của đồng bào ủng hộ. Các ông còn tham gia các trận đánh bảo vệ căn cứ, chặn đánh quân Pháp khi chúng đánh phá các căn cứ của Đại nghĩa đoàn. Song thế giặc quá mạnh, lực lượng nghĩa quân lại mỏng, thiếu vũ khí và lương thực, Nguyễn Quang phải trở về Phù Khê. Biết không khôi phục được lực lượng, tết năm 1885, ông đến lễ ở nhà thờ họ rồi tới xã Văn Môn, tổng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tuẫn tiết. Nhân dân Văn Môn đã lập miếu thờ người hào kiệt chống Pháp kiên cường.





ĐỖ PHÁT

   Đỗ Phát tự là Tử Tuấn, sinh năm Quý Dậu (1813) tại thôn Quần Anh, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

   Năm Canh Tý (1840) ông 28 tuổi, đỗ cử nhân. Khoa thi Hội năm Quí Mão (1843) ông 31 tuổi, đỗ tiến sĩ.

   Năm Mậu Thân (1848), Tự Đức nguyên niên, ông được bổ làm Tri phủ ở Ứng Hòa rồi thăng Đốc học Nghệ An. Sau thăng Tư nghiệp Quốc Tử giám. Không bao lâu, ông mắc bệnh, phải xin về quê nghỉ.

   Vào khoảng năm 1862, ông được cử làm Tham biện, chiêu mộ quân ra dẹp giặc dã ở Quảng Yên, bảo vệ vùng bờ biển và các đảo ở vùng Đông Bắc. Sang năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864), ông được thăng hàm Quang lộc Tự khanh, sung làm Toản tu ở Quốc sử quán. Sau ông xin vê quê ở Nam Định chiêu mộ dân khai hoang vùng ven biển và thành lập các đồn binh "hải phòng" bảo vệ bờ biển. Do ông làm tốt việc chiêu dân khai hoang lập trại ấp mới, quy hoạch đồng ruộng, kênh mương để dân ổn định cuộc sống, nên được thăng làm Hồng lô Tự khanh giữ chức Doanh điền phó sứ ở Nam Định kiêm Thương biện lo phòng thủ mặt biển.

   Khi các vùng dân cư mới được ổn định, các đồn "hải phòng" được thiết lập giữ việc đảm bảo an ninh, tuần tra vùng biển được thiết lập, ông được điều về kinh làm Tế tửu Quốc tử giám. Nhưng do sự ráo riết chuẩn bị xâm lược Bắc Kỳ của thực dân Pháp, chúng trang bị vũ khí cho nhiều toán thanh niên ở xứ đạo để hậu thuẫn cho chúng khi chúng đánh ra Bắc Kỳ, ông lại được điều ra Nam Định làm Doanh điền Phó sứ kiêm tuần phòng mặt biển. Ngày 21 tháng 10 năm Quý Dậu (10/12/1873), tầu chiến Pháp từ sông Vị Hoàng bắn đại bác vào cửa Đông thành Nam Định, do việc chuẩn bị phòng thủ không tốt, súng đại bác của giặc có sức công phá lớn, nên cửa thành Đông bị vỡ, quân Pháp tràn vào thành. Thành mất, vua Tự Đức đổ tội để mất thành cho các quan tỉnh Nam Định, các quan đều bị giải về kinh, riêng ông xin ở lại để ổn định tình hình, thu thập tàn quân, hợp lực với nghĩa quân chống Pháp, vua chuẩn cho.

   Ông đã cùng các quan trong phe chủ chiến và các thủ lĩnh nghĩa quân lập nhiều căn cứ chống Pháp trong tỉnh, đánh thắng quân Pháp nhiều trận. Ông đang cùng với các tướng lo đối phó với giặc Pháp thì triều đình Huế lại đưa vụ án để mất thành Nam Định ra nghị bàn. ông phải chịu phạt trượng và đi đầy. Con ông là Bình Thành xin chịu tội thay cha, vì thế ông chỉ bị cách chức, cho lập công chuộc tội. Ông một lòng vì nước, vì dân nên vẫn cùng các tướng phe chủ chiến và thủ lĩnh nghĩa quân, củng cố đồn lũy đánh giặc Pháp. Một thời gian sau, ông được khôi phục hàm Biên tu, lĩnh chức Dinh điền sứ.

   Năm Nhâm Ngọ, Tự Đức thứ 35 (1882) ông qua tuổi 70 xin về hưu được thăng chức Thị lang. Ông mất năm Quý Tỵ (1893), thọ 81 tuổi.

   Nhân dân ở những nơi ông chiêu dân lập ấp khai hoang ở Giao Thủy, Hải Hậu nhớ công ơn, lập đền miếu thờ ông.

   
(Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn
- Lược truyện các tác gia Việt Nam do Trần Văn Giáp chủ biên).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 02:21:42 pm »

NGUYỄN HỮU CƯƠNG

   Nguyễn Hữu Cương sinh năm 1855. Ông là con thứ hai nhà văn thân nổi tiếng Nguyễn Mậu Kiến. Ông quê ở làng Động Trung, nay là xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nguyễn Mậu Kiến là một nhà nho yêu nước, lại là một nhà hoạt động quân sự, nên đã rèn dạy các con, chẳng những giỏi văn thơ mà còn thành thạo các môn bắn súng, cưỡi ngựa, luyện chữ viết, học vẽ, cầm ca...

   Quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), triều đình Huế ký Hòa ước với Pháp. Cha ông - Nguyễn Mậu Kiến phản kháng lệnh bãi binh của Tự Đức, bị tước hết quan tước sung vào lính ở quân thứ Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau Nguyễn Mậu Kiến về sơn phòng Hưng Hóa, cùng Hoàng Kế Viêm và các văn thân phe chủ chiến chuẩn bị đánh Pháp. Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Hữu Bản được cha cho lên quân thứ tập dượt việc chinh chiến.

   Năm 1883, Nguyễn Mậu Kiến mất do bị sốt rét ác tính, hai anh em ông trở về Nam Định lại chiêu mộ nghĩa quân chuẩn bị đánh Pháp. Sau ngày 25/4/1882, Henri Rivière hạ thành Hà Nội, Nguyễn Hữu Cương cùng với anh trai là Nguyễn Hữu Bản sang Nam Định cùng Đề đốc Lê Văn Điếm, Án sát Hồ Bá Ôn giữ thành Nam Định. Nguyễn Hữu Bản cùng các tướng chỉ huy quân sĩ giết được tên trung tá Carô (Carreau), Nguyễn Hữu Bản hy sinh anh dũng tại cửa Đông ngày 27/4/1883, Nguyễn Hữu Cương lui về quê cùng với em ruột là Nguyễn Hữu Phu, cháu ruột là Nguyễn Công Úc - Bang Úc, Nguyễn Năng Thố (con cô con cậu ruột)... xây dựng nhiều cứ điểm chống Pháp ở vùng Kiến Xương.

   Năm 1884, triều đình bổ nhiệm Tạ Hiện là Chưởng vệ doanh Hùng Nhuệ ở Huế ra thay Đề đốc Lê Văn Điếm tử trận trong trận quân Pháp đánh thành Nam Định, chỉ huy việc đánh Pháp. Nguyễn Hữu Cương và em là Nguyễn Hữu Phu đã đón Tạ Hiện về căn cứ chống Pháp ở Động Trung để bàn bạc kế hoạch hợp đồng tác chiến giữa quân triều đình và nghĩa quân, đồng thời cổ vũ tinh thần cho nghĩa quân.

   Khi Ưng Lịch lên ngôi, đặt niên hiệu là Hàm Nghi, Bố chính Đồng Sĩ Vịnh đã giới thiệu Nguyễn Hữu Cương về kinh đô Huế dâng tờ tấu lên, được vua Hàm Nghi tiếp nghe ông trình bày kế hoạch chống Pháp. Ông ở lại kinh đô gần 3 tháng gặp gỡ Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường. Song chỉ có Tôn Thất Thuyết là thiết tha chống Pháp.

   Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết giao cho Nguyễn Hữu Cương trở ra Bắc chiêu lập quân sĩ mạnh giỏi, huấn luyện, đưa vào Huế bảo vệ kinh thành. Ông phụng mệnh ra Bắc, tới Quảng Bình thì được tin kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương.

   Tới Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Cương đi Hưng Hóa là trung tâm kháng chiến thời đó. ông đã được gặp Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân, Vũ Hữu Lợi, Phan Đình phùng, Đề đốc Đinh Trạch, Đốc Ngữ, Đề Kiều... Các ông đã họp cuộc họp quan trọng tại làng Cố Đô, huyện Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây nhất trí hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi và chia nhau về các địa phương chiêu mộ quân đánh Pháp.

   Ít lâu sau Nguyễn Thiện Thuật về nước được vua Hàm Nghi phong là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần gia chấn trung tướng quân. Nguyễn Hữu Cương chiến đấu trực tiếp dưới quyền Đô thống Tạ Hiện, và được cử giữ chức Tán tương quân vụ mặt trận Thái Bình. Nguyễn Hữu Cương đã chỉ huy nghĩa quân đánh nhiều trận lớn gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Quân Pháp kéo về Động Trung đánh phá căn cứ kháng chiến, triệt phá nhà ông. Quân Pháp truy lùng ông không được, cho quật mả tổ tiên ông, song dân làng bảo vệ, nên việc này không thành. Toàn quyền Pôn Bê (Paul Bert) mời ông ra làm Án sát tỉnh Hưng Yên ông không nhận, công sứ Nam Định mời ông làm Tri phủ Kiến Xương, ông đều từ chối.

   Ông mở trường dạy học, làm thơ, nay còn tập Mai Hồ thi thảo

   Ông bị mật thám Pháp theo dõi, song vẫn có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà chí sĩ yêu nước như Trần Xuân Sắc, Phan Bội Châu, phó bảng Ngô Đình Chí (Thanh Hóa), tú tài Chu Lê Hành (Hưng Yên), Đặng Đoàn Bằng (Hành Thiện Nam Định). Năm 1904, giáo sư Nhật Bản Thạnh Xuyên Thị Sỹ Nguyên từng du học ở Mỹ cũng tới nhà ông trao đổi về công việc chấn hưng của Nhật Bản. Những cuộc thăm hỏi, bàn luận thời cuộc của các nhà chí sĩ đã tạo điều kiện cho Nguyễn Hữu Cương tiếp xúc được với các tác phẩm của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc) và bản dịch về triết học, văn học của JJ Rousseau, Montesquieu, Tônstôi, Banzắc theo các bản dịch ra tiếng Trung Hoa. Nguyễn Hữu Cương còn thông gia với các sĩ phu như Lương Văn Can ở số 4 Hàng Đào, Hà Nội; với Tam nguyên Trần Bích San (Vị Xuyên, thành phố Nam Định); cử nhân Ngô Sách Đôn (Từ Sơn, Bắc Ninh), phó bảng Vũ Nhuận Phủ (Hải Dương) là các nhà hoạt động trong Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du. Khi Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, Nguyễn Hữu Cương đã cho nhiều con cháu xuất dương và giúp tiền bạc thậm chí còn vay nợ một khoản tiền lớn giúp thanh niên du học, không trả được, Tòa án Pháp tịch biên gia sản của ông.

   Nguyễn Hữu Cương có mối liên hệ chặt chẽ với trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội vào tháng 3/1907. Ông đã tập hợp được nhiều nhân sĩ tiến bộ ở Thái Bình vận động thành lập Đông Kinh nghĩa thục ở Thái Bình và mở các hiệu buôn Đông Động (Đống Năm, Đông Quan), cửa hàng chợ Mới, cửa hàng Đồng Sâm, cửa hàng Cổ Rồng... Các cửa hàng trên đều góp tiền vào quỹ Đông Du.

   Năm 1908, Nguyễn Hữu Cương cùng Lê Đại, Vũ Hoàng, tức Bẩy Quang, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí có xu hướng bạo động, các ông liên lạc với nhóm sĩ quan yêu nước trong Đảng Nghĩa Hưng do Hoàng Hoa Thám phái người về thành lập ở Hà Nội, sau việc không thành. Giặc Pháp đàn áp khốc liệt vụ "Hà Thành đầu độc”. Giặc Pháp không đủ chứng cứ nên không bắt được ông.

   Cũng trong năm 1908, ở Nam Trung Kỳ có phong trào chống thuế rộng lớn, thì tại Thái Bình Nguyễn Hữu Cương cũng đi vận động, diễn thuyết ở những nơi công cộng trong tỉnh kêu gọi mọi người chống thuế.

   Nguyễn Hữu Cương ở trong nước vẫn liên lạc với Nguyên Thiện Thuật và Phan Bội Châu để bàn kế sách cứu nước, cứu dân. Nhà cầm quyền Pháp đã bắt Nguyễn Hữu Cương đem xuống Hải Phòng đưa xuống tàu, đày biệt xứ vào Cần Thơ. Ngày 12 tháng 5 năm 1912, Nguyễn Hữu Cương mất ở Cần Thơ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM