Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:03:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam  (Đọc 160888 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 08:54:08 am »

ĐẶNG NHƯ MAI

Năm 1865, linh mục Pháp lấy tên Việt là Chu đến truyền đạo ở hai thôn Bàn Thạch và Mạc Vĩnh thuộc các huyện Thanh Chương và Quỳnh Lưu (Nghệ An), Đặng Như Mai người Nghệ An đã cùng thày học là tú tài Trần Tấn cùng phó tổng Phan Điểm, Hoàng Đức Đề, Nguyễn Mỹ Nghị, Nguyễn Văn Vinh đã nêu khẩu hiệu "Bình Tây sát tả" đốt phá các làng theo đạo Thiên Chúa và tiêu diệt đám giáo dân quá khích.

Sau ký hòa ước với Pháp, triều đình bỏ lệnh cấm đạo. Linh mục Chu tố việc Trần Tấn, Đặng Như Mai làm năm 1865. Để lấy lòng bọn Pháp, triều đình Pháp đánh trượng, thu văn bằng, chức tước của những người tham gia.

Đến tháng 5/1868, Linh mục Chu chưa thỏa mãn với án xử của triều đình, tiếp tục khiếu nại lên bộ Lễ. Triều đình sợ mất lòng Pháp xử tử những người chỉ huy vụ "Bình Tây sát tả". Trần Tấn, Đặng Như Mai làm thơ phản đối thực dân Pháp và triều đình theo giặc.

Tháng 5/1872, triều đình chuẩn bị ký Hòa ước mới với Pháp cho Ngụy Khắc Đản ra Nghệ An dàn xếp vụ này. Tháng 2/1874 Trần Tấn, Đặng Như Mai phát động nhân dân “Quyết đánh cả triều lẫn Tây”.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra 2 tháng sau khi triều đình ký Hiệp ước Giáp Tuất, nên còn mang tên là khởi nghĩa Giáp Tuất. Cuộc khởi nghĩa nổ ra từ tháng 2 đến tháng 5 thì lên đến đỉnh cao. Khẩu hiệu nêu ra là "Bình Tây sát tả" (tức là diệt Tây và đạo Thiên chúa). Sở dĩ có khẩu hiệu này vì một số dân theo đạo Thiên chúa quá khích, được Pháp tập hợp thành lực lượng vũ trang, trang bị vũ khí dẫn đường cho quân Pháp đánh phá làng xóm, phá đình chùa, tàn sát dân bên lương.

Lực lượng tham gia khởi nghĩa đông và mạnh. Ngày 31/5/1874, quân khởi nghĩa chiếm đóng lị sở Hà Tĩnh. Vài ngày sau nhiều huyện ở Nghệ An lọt vào tay nghĩa quân. Cuối tháng 6, nghĩa quân chiếm thành Nghệ An.

Đầu tháng 7/1874, khởi nghĩa từ Nghệ An lan ra các tỉnh khác. Nghĩa quân vượt đèo Ngang vào chiếm châu Bố Chính (Quảng Bình), một bộ phận nghĩa quân tiến ra Thanh Hoá.

Cùng lúc đánh chiếm lỵ sở Hà Tĩnh, Nghệ An một số nghĩa quân còn đốt phá các làng công giáo, đàn áp giáo dân. Được sự đồng ý và khuyến khích của giám mục Garthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) nhiều làng công giáo đã tự vũ trang, thành lập những đội quân tự vệ, chống lại nghĩa quân rồi kéo về thành Nghệ An hỗ trợ cho quan quân đang bị nghẽn ở đó.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra thì triều đình Huế sai Khâm sai Nguyễn Văn Tường, Tổng thống quân vụ Lê Bá Thận hội quân với quân Pháp vây đánh. Trần Tấn, Đặng Như Mai liền rút quân lên rừng, liên minh với các lực lượng nghĩa quân Trần Quang Cán, Nguyễn Vĩnh Khanh, Trương Quang Thư, Nguyễn Huy Điểm (Tá Khanh) chỉ huy đánh Pháp.

Quân triều đình, quân Pháp đem toàn lực tấn công, Trần Tấn, Đặng Như Mai lui về huyện Cam Môn, Trần Tấn bị bệnh ốm chết. Con là Trần Hướng tiếp tục sự nghiệp của cha thì bị bọn tổng lý ở xã Hữu Bình, bắt nộp cho Pháp. Trần Quang Cán hy sinh trong chiến đấu. Đặng Như Mai đem quân chiếm Phủ Quỳ châu xây dựng căn cứ, bị nội phản bắt giao cho quân Pháp. Chúng xử tử ông ngay. Cuộc khởi nghĩa tan rã.






ĐOÀN HỮU TRƯNG

Đoàn Hữu Trưng sinh khoảng năm 1844 , quê ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Ông là con nhà thường dân, nhưng hay chữ, chưa đi thi mà trong vùng đã cầm chắc là đỗ đại khoa. Chính vì vậy mà Tùng Thiện vương Miên Thẩm, hoàng thân và là nhà thơ nổi tiếng ở kinh thanh Huế gọi gả con gái là Thể Cúc cho và cho ở rể. Đó là vào năm 1864, Trưng mới 20 tuổi. Sau ở trong phủ gò bó, nên Trưng xin ra ngoài ở.

Đoàn Hữu Trưng là tác giả của nhiều thơ ca. Ông đã cùng một số sĩ phu thành lập “Đông Sơn thi tửu hội” ở kinh thành. Bề ngoài là uống rượu, làm thơ, nhưng bên trong là bàn quốc sự.

Sau điều ước 1862, triều đình nhà Nguyễn ngày càng mục nát, từ vua và phần lớn các đại thần đều sợ giặc, đầu hàng giặc. Ông đã thể hiện tâm tư, tình cảm của mình trong bài thơ dài: "Trung nghĩa ca". Ông tố cáo vua Tự Đức và quan lại cắt đất đầu hàng.

“Một dây bó chặt chữ hòa,
Của tiền trả mãi , tỉnh ba cắt đành...
...Tiếc thay nghiệp cũ gian nan
Ba thành bằng mất, ai hoàn lại cho
Đua chen Hoa lộn với Hồ
Mùi tanh nhuộm khắp một bầu giang sơn”


Trong khi đó thì giặc Pháp liên tục lấn tới, bắt ép triều đình phải thỏa mãn lòng tham không đáy của chúng.Vua Tự Đức xây “Vạn niên cơ” Khiêm Lăng khởi công từ tháng 10/1864. Cũng vào thời gian đó đất nước bị thiên tai nghiêm trọng. Giặc dã cũng hoành hành dữ dội, chưa kể quân Pháp đã đánh chiếm xong, ổn định tình hình ba tỉnh phía Đông, đang đánh phá dữ dội ba tỉnh phía Tây. Ở Bắc Kỳ thì Tạ Văn Phụng, tay sai của Francis Garnies đánh phá Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Ở Quảng Ngãi thì "Mọi Đá vách” nổi loạn.

Vì vậy Đoàn Hữu Trưng cùng với em trai là Đoàn Tử Trực và một số người trong hoàng tộc có tư tưởng chống Pháp ở phe chủ chiến như Tôn Thất Cúc, Hồng Tập và Trương Trọng Hòa, Nguyễn Văn Quý quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/6/1866, tức ngày 8 tháng 8 năm Bính Dần, Tự Đức thứ 19.

Mục tiêu của cuộc khởi nghĩa là lật đổ Tự Đức đưa Đinh Đạo là con trai An phong công Hồng Bảo, Hồng Bảo là con trưởng Thiệu Trị, nhưng Trương Đăng Quế đã âm mưu lập Tự Đức làm vua. Vì vậy Hồng Bảo đã có âm mưu lật Tự Đức từ năm 1854. Việc không thành, Tự Đức ép Hồng Bảo uống thuốc độc chết, các con như Đạo, Bảo phải đổi sang họ mẹ là họ Đinh. Đoàn Hữu Trưng không chủ trương phế truất vua Tự Đức, mà đưa lên làm Thái thượng hoàng.

Nhưng do vũ khí không được chuẩn bị, lực lượng chủ yếu là 3.000 binh lính làm việc tại công trường xây Khiêm Lăng chỉ có một ít giáo mác còn phần lớn là chày giã vôi nên không chống lại được với quân đội thiện chiến, được trang bị vũ khí tốt. Đoàn Hữu Trưng cũng không tính đến việc không thành thì rút đi đâu, nên khi thất bại đã bị bắt một cách nhanh chóng.

Cuộc khởi nghĩa thất bại, Đoàn Hữu Trưng và Đoàn Tử Trực bị tội lăng trì (tùng xẻo). Cả gia đình Đinh Đạo gồm tám người bị thắt cổ chết. Tùng Thiện vương Miên Thẩm cũng bị bắt giữ, nhưng sau không có chứng cứ nên được tha. Tiểu thư Thể Cúc sau khi chồng bị hại, bị đổi sang họ mẹ, rồi vào tu ở nhà chung.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 09:01:36 am »

PHAN TÒNG

Phan Tòng còn gọi là Phan Ngọc Tòng sinh năm 1818, quê ở làng An Bình Đông, tổng Bảo An, quận Ba Tri sau đó là xã An Đức, nay thuộc thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1867, quân Pháp chiếm Bến Tre, phong trào chống giặc nổi lên khắp trong tỉnh. Vốn là thày đồ ở làng, Phan Tòng đứng lên tập hợp dân chúng dựng cờ khởi nghĩa. Sau ông gia nhập cuộc khởi nghĩa của Phan Tôn - Phan Liêm (1). Ông chiến đấu dũng cảm lập được nhiều công lao được phong làm Đốc binh. Tối ngày 9 tháng 11  năm 1867, tên De Chapeaux chỉ huy khoảng 40 lính bao vây làng Hương Điểm, nơi nghĩa quân hoạt động. Chúng đóng quân trong chùa, đợi đến sáng thì đàn áp. Ngay đêm hôm đó, nhân trời mưa to gió lớn, hơn 100 nghĩa quân tấn công dữ dội vào chùa, đâm bị thương tên De Champeaux. Bọn giặc hoảng sợ rút chạy ngay trong đêm, để lại một số xác chết.

Để trả thù, ngày 12/11, chúng bao vây làng Hương Điểm. Nghĩa quân do Đốc binh Phan Tòng chỉ huy đem quân chặn đánh dọc các kênh rạch, tiêu hao một số tên, mãi 2 giờ chiều chúng mới tới Hương Điểm. Sáng 13/11, quân Pháp bao vây, lùng sục, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt, quân Pháp đi đến xóm ngõ nào cũng bị đánh. Nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, Trương Tấn Chí, cháu của Trương Tấn Bửu cầm cờ xông lên trước bị trúng đạn hy sinh. Giặc phải rút ra khỏi làng co cụm lại ở chợ, không dám tấn công vào làng. Ngày 14/11, giặc Pháp sai Tôn Thọ Tường đến dụ hàng không được, sáng 15/11, giặc Pháp lại tung quân đi đàn áp, chúng tìm được một số lượng lớn vũ khí nghĩa quân giấu ở chợ Hương Điểm. Palin Vial cho tầu chiến chạy dọc bờ sông Hàm Luông để truy kích nghĩa quân. Đến 4 giờ chiều, quân Pháp đổ bộ vào ấp An Thới làng An Lái. Chúng sợ không dám vào làng, mà đóng ở cái cồn gọi là Giồng Gạch còn gọi là Gò Trụi. Nắm vững thời cơ quân Pháp đóng ở ngoài trời, không có công sự, 2 giờ sáng ngày 15/11, nghĩa quân bao vây rồi tiến đánh cực kỳ ác liệt. Nghe súng nổ, nghĩa quân ở các nơi kéo đến tiếp ứng càng đông. Trận đánh giáp lá cà, đẫm máu diễn ra dữ dội. Đốc binh Phan Tòng dũng cảm chỉ huy trận đánh. Đến nay giai thoại ở vùng Ba Tri còn kể trên đầu ông đội khăn tang mẹ, chỉ huy nghĩa quân xông thẳng vào quân giặc mà đâm chém. Nghĩa quân vừa đánh vừa hét "hè" để uy hiếp giặc, vì thế dân gọi là "giặc hè". Trận này quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, nhưng nghĩa quân cũng bị tổn thất.

Mặc dù bị thua đau, ngày 16/11/1867, quân Pháp vẫn tấn công dữ dội vào Ba Tri, Bảo Thạnh. Nghĩa quân đốt chợ Bảo Thạnh, rút về Mù U. Giặc tập trung quân thủy, quân bộ tấn công ác liệt Mù U. Nghĩa quân không chống cự nổi chạy tan tác.

Sau các trận đánh dữ dội của giặc Pháp trên, nghĩa quân bị thất bại nặng nề, Phan Liêm, Phan Tôn bỏ ra Huế, ông vẫn ở lại xây dựng lực lượng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu. Ông dấy binh ở Ba Tri năm 1869, đánh thắng quân Pháp nhiều trận oanh liệt.

Cuối năm 1870, quân Pháp hành quân tấn công Ba Tri. Đêm đến chúng đóng quân trên một cái gò cát gọi là Giồng Gạch (còn gọi là Gò Trại). Phan Tòng chủ động chỉ huy nghĩa quân tấn công vào cứ điểm của giặc, với khẩu lệnh khi xung phong thì hô “Hè” để uy hiếp tinh thần giặc. Vì vậy nhân dân còn gọi trận đánh này là "trận giặc Hè”. Trong trận đánh giáp lá cà này, Phan Tòng đã hy sinh cùng một số nghĩa quân.

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu xúc động làm 10 bài thơ viếng:

VIẾNG PHAN TÒNG
(Trích)


Thương ôi, người ngọc ở Bình Đông
Lớn nhỏ trong làng thảy mấn trông
Biết đạo, khác bầy con mắt tục
Dạy dân nắm giữ tấm lòng công
Đặng danh vừa rạng bề nhà cửa
Vì nghĩa riêng đền nợ núi sông
Một trận trải gan trời đất thấy
Lo xưa nào thẹn tiếng anh hùng.


IV

Ba Tri vừa vắng tiếng hơi chàng,
Gió thảm mưa sầu khá xiết than
Vườn luống trông xuân hoa ủ dột
Ruộng riêng buồn chủ lúa khô khan
Bầy ma bất chính duầng làm nghiệt,
Lũ chó vô cô cũng mắc nàn
Người ấy vì ai ra cớ ấy
Chạnh lòng trăm họ khóc quan Phan


(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX).

Về sau hàng năm cứ vào ngày ông hy sinh, dân làng An Bình Đông vẫn tổ chức ngày giỗ hội và lễ cầu hồn để tưởng nhớ tới Phan Tòng và các nghĩa sĩ đã hy sinh.





-----------------------------------------------------------------------
(1) Phan Tôn, Phan Liêm, con Phan Thanh Giản khởi nghĩa năm 1867- 1868, sau trận thất bại ở Hương Điềm (15/1 l/1868) Phan Tôn, Phan Liêm bỏ ra Huế. Sau đó theo Nguyễn Tri Phương ra thành Hà Nội. Năm 1873, Hà Nội thất thủ. Pháp bắt Phan Tôn, Phan Liêm đưa sang Pháp. Sau Phan Liêm làm khâm sai đại thần đàn áp khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam, Phan Tôn làm thượng thư triều Đồng Khánh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 09:04:42 am »

TÀI LIỆU BIÊN SOẠN CHÍNH

Sách lịch sử:
- Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1894
- Việt sử cương mục tiết yếu
- Đại Nam thực lục chính biên, tập 34, 35, NXB Khoa học xã hội, 1974.
- Công văn tấu tập, ký hiệu A545, Thư viện Khoa học xã hội.
- Hà Nội thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trần Quốc Vượng chủ biên, NXB Quân đội Nhân dân.
- Hội đồng lịch sử Hà Bắc: Lịch sử Hà Bắc tập I.
- Ban nghiên cứu lịch sử Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, Những mẩu chuyện và thời niên thiếu của Bác Hồ, NXB Sự thật, 1985.
- Lịch sử 80 năm chống Pháp.
- Hà Nam nhân vật lịch sử và văn hóa
- Trần Văn Giầu: Chống xâm lăng quyển I, II, NXB Xây dựng, Hà Nội 1956
- Tôn Quang Phiệt: Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1958.
- Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập I, NXB Khoa học xã hội.
- Nguyễn Phan Quang - Lê Hữu Phước: Khởi nghĩa Trương Định, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.
- Phan Trần Chúc - Lê Quế: Nguyễn Tri Phương, NXB Quốc Văn, Hà Nội, 1946.
- Ban liên lạc Cựu chiến binh Việt Nam ở Cămpuchia thời kỳ 1945- 1954: Quân tình nguyện Việt Nam ở Cămpuchia thời kỳ 1945-1954.
- Phan Khoang: Việt Nam Pháp thuộc sử, Sài Gòn 1974.
- Đào Đăng Vỹ: Nguyễn Tri Phương, Bộ Văn hóa - Giáo dục và thanh niên, Sài Gòn, 1974.
- Phạm Văn Sơn: Quân dân Việt Nam chống Tây xâm, Sài Gòn, 1963.
- Nguyễn Văn Hầu: Cuộc khởi nghĩa Bẩy Thưa, Tân Sinh, Sài Gòn, 1956.

Sách Văn học:
- Phan Bội Châu toàn tập, nxb Thuận Hóa
- Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, NXB Văn học, Hà Nội, 1970.
- Thơ văn yêu nước Nam Bộ.
- Dương Quảng Hàm: Văn học sử yếu, nha Học chính Đông Pháp, Hà Nội, 1943.
- Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc sử quán triều Nguyễn
- Phan Bội Châu niên biểu
- Truyện Trương Định
- Ông Nghè, ông Cống triều Nguyễn
- Sơn Nam: Bến Nghé xưa, NXB Trẻ 1997.
- Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
- Phạm Phú Thứ với tư tưởng Canh tân, NXB Đà Nẵng, 1995.
- Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969.
- Nhóm Trà Lĩnh: Đặng Huy Trứ: Con người và tác phẩm, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
- Kỳ Xuyên Văn Sao, bản dịch của Lê Thước.
- Văn học yêu nước cách mạng Hà Nam Ninh.
- Phạm Thận Duật toàn tập, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
- Danh nhân Thái Bình.
- Các nhà khoa bảng Việt Nam.
- Vè Thái Bình.
- Vũ Ngọc Khánh: Giai thoại ông đồ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2002.

Địa chí:
- Địa chí Bến Tre

Sách tiếng Pháp:
- André Massen: "Hà Nội, giai đoạn 1873 - 1888".
- Dulleman: Cuộc chiến tranh chống cướp bóc
- Histoire militaire de l'Indochine Francais
- Parlin Histoire de la Cochindume
- Toboulel: Le geste francais en Indochine
- P.Vial: Les premièrè années de la Cochine (Những năm đầu ở Nam Kỳ).
- Annales de la, prapagagation de la Foi
- L'Amiral Dpéet la conquête du Ton Kin Dideb.
- Histoire militaire de l'Indochinoir
- Những người Pháp ở Bắc Kỳ và việc can thiệp của người Pháp.
- Xứ Bắc Kỳ và sự can thiệp của Pháp (bản dịch thư viện KHXH).

Sách tiếng Nga:
- K.Xtannhin Kêvich: Vòng quanh thế giới trên lầu Coóc xin: Tuyển tập tác phẩm, 1977.

Sách tiếng Trung Quốc:
- Dương sự thủy mạt: Bản dịch của trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội.
- Chiến tranh Trung - Pháp, quyển 7.

Báo cáo:
- Báo cáo của công sứ Thái Bình Ô e (Auer), hồ sơ số 71, 844, F6, 686, Cục lưu trữ Trung ương.
- Simôni: Báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương.
- Thư tín chính trị (Contes pondances pliliquen) (Thư của De Vile gửi cho Henririvière).

Tạp chí:
- Tạp chí Nghiên cứu lịch sử các số 3/1977; Số 2/1990, số 4/1994, số 6/2000.
- Tạp chí Xưa và nay số 223 tháng 1/2004; số 223/2005.
- Tạp chí Toàn cảnh số 5/1999.

Gia phả:
- Gia phả họ Lê Xuân ở Rạch Giá.




Hết tập 1
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:31:12 am »




284 ANH HÙNG HÀO KIỆT CỦA VIỆT NAM - TẬP 2

Tác giả : Vũ Thanh Sơn
Nxb Công an Nhân dân 01/2009
Số trang : 180. Kích thước : 14.5 x 20.5cm

Số hóa : hoi_ls





NGUYỄN THÔNG
LÊ ĐÌNH DIÊN
LÊ CẨN
NGÔ VĂN DẠNG
ĐẶNG XUÂN BẢNG
VŨ CANH
PHẠM TÀI
NGUYỄN ĐẠI
PHÙNG XUẤT NGHĨA
HOÀNG KẾ VIÊM
NGUYỄN MẬU KIẾN
LÊ VĂN TỐN
PHẠM THẬN DUẬT
TẠ HIỆN
PHẠM HUY QUANG
NGUYỄN CAO
NGUYỄN LÂM
HOÀNG VĂN HÒE
BÙI VĂN DỊ
NGUYỄN QUANG
ĐỖ PHÁT
NGUYỄN HỮU CƯƠNG
NGUYỄN HỮU BẢN
HOÀNG VĂN TUẤN
NGUYỄN GIẢN
HOÀNG PHAN THÁI
LÊ VĂN MAI
NGUYỄN THÀNH THÀ
NGUYỄN XUÂN ÔN
LÊ VĂN ĐIẾM
TỔNG ĐỐC HOÀNG DIỆU
CAI TRÍ
NGUYỄN ĐỒNG
DƯƠNG HỮU QUANG
LÃNH CỒ
LÊ VĂN THỨ
HỒ BÁ ÔN
NGUYỄN DOÃN CỬ
NGUYỄN QUANG BÍCH
NGUYỄN VĂN GIÁP
ĐỐC NGỮ
TRẦN VÀNG
TÁN DẬT
VƯƠNG VĂN DOÃN
NGÔ QUANG ĐOAN
ĐỀ KIỀU
HOÀNG HOA THÁM
NGUYỄN KHÁN - NGUYỄN CÁN
CAI HẬU
HÒA THƯỢNG THÍCH THANH ĐIỀU
HÒA THƯỢNG THÍCH THANH QUYẾT
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:40:53 am »

NGUYỄN THÔNG

   Nguyễn Thông sinh năm 1827, quê xã Tân Thạch, huyện Tân Bình, Gia Định, nay là chợ Kỳ Sơn, huyện Long An. Ông đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu, Tự Đức thứ 2 (1849) năm 23 tuổi, nhận chức Huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang, sau thăng đến Bố chính. Ông có tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Năm 1856, ông được về Huế làm việc trong nội các tham dự khảo duyệt lộ Cương mục và soạn sách nhân sự kim gián.

   Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông 33 tuổi đang làm việc ở Huế, đã tình nguyện tòng quân trở lại Nam Kỳ làm việc dưới quyền Thống đốc Tôn Thất Hiệp. Ông đã cùng Trà Quý Bình lập Đồng Châu xã chống Pháp.

   Năm Tự Đức thứ 14 (1861), Kinh lược sứ Phan Thanh Giản tiến cử người có văn học, ông được thăng lĩnh Đốc học tỉnh Vĩnh Long. Sau đó được thăng thị giảng học sĩ lĩnh Án sát Khánh Hòa.

   Cũng trong thời gian này Nguyễn Thông liên lạc được với các sĩ phu, các thủ lĩnh khởi nghĩa, theo dõi, giúp đỡ cuộc kháng chiến của Trương Định và các cuộc khởi nghĩa của Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt. Ông không trực tiếp cầm súng đánh Pháp mà sáng tác thơ văn ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ.

   Thơ văn Nguyễn Thông toát lên tinh thần yêu nước, hy sinh tính mạng mình cho đất nước. Trong thơ cũng thể hiện rõ tình yêu làng xóm, cây đa, giếng nước, yêu nhân dân, yêu đồng bào thắm thiết. Trong văn thơ của ông cũng bộc lộ tâm trạng day dứt, đau xót trước cảnh đất nước bị họa xâm lăng, lên án bọn xâm lược và bọn Việt gian bán nước, bọn đầu hàng giặc.

   Khi viết về Trương Định, ông vô cùng trân trọng tường thuật lại tài năng quân sự, đức độ của Trương Định. Trong đó có đoạn: "... Nhưng các người ứng nghĩa không muốn giải binh, cố lưu ông Định ở lại. Họ nói với nhau rằng: "Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được triều đình giảng hòa, chắc chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại bọn Tây lấy binh lực ăn hiếp ta bắt hòa, nhưng chúng không thành thực, nay triều đình giảng hòa với chúng, bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lấy một mảnh đất để cùng nhau bảo toàn sinh mạng". Mọi người đều cho là phải, liền cử Trương Định giữ binh quyền. Lúc ấy có Phạm Tuất Phát ở Tân Long đem thư các hào nghĩa đến cử Định làm chủ soái để ra sức trừ giặc. Tức thì mọi người xây đàn tôn Trương Định làm chủ soái...". và “…Định bị thương nặng, liệu không thoát khỏi, rút dao mang sẵn trong mình, tự vẫn chết. Năm ấy ông 44 tuổi”.

   Trong "Truyện Phan Văn Đạt”, Nguyễn Thông kể lại việc Phan Văn Đạt, Đỗ Trình Thoại khởi binh đánh Pháp. Ông viết: “Người Tây bắt được Văn Đạt, dọa tra tấn cực hình, nhưng Văn Đạt không hề run sợ, tên chủ giặc lấy làm lạ hỏi tên thông ngôn. Tên thông ngôn trỏ Văn Đạt nói rằng: "Người này là kiệt hiệt nhất trong đảng" . Vì thế Văn Đạt bị giết, năm ấy ông mới 34 tuổi. “Ta Hồ Huân Nghiệp" có đoạn: “Đến lúc sắp phải hành hình, Huân Nghiệp sửa mặt, sửa khăn áo ung dung đọc bốn câu thơ rồi chịu chém. Ai nâý cũng rơi nước mắt. Ông mất mới 36 tuổi”.

   Tại miệt Gò Công, ông hợp tác với Trương Định phát động một phong trào chống Pháp rộng lớn. Năm 1862 , ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị mất, ông giữ chức Đốc học Vĩnh Long, vẫn liên lạc với các sĩ phu yêu nước và theo dõi, giúp đỡ cuộc kháng chiến của Trương Định. ông còn tích cực hưởng ứng phong trào "tỵ địa". Khi quân Pháp chiếm cả ba tỉnh miền Tây, ông cùng nhiều người yêu nước lỵ địa ra Bình Thuận. Ông xướng lập ra "Đồng Châu thư xã" nơi hội tụ các nhà văn thân yêu nước bình luận văn thơ. Đồng Châu thư xã còn in các tác phẩm văn thơ yêu nước. Tại đây đã in cuốn "Việt sử cương giám khảo lược" của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ông. Đồng Châu thư xã không chỉ đơn thuần là nơi các nhà nho bình luận văn thơ, xuất bản sách, mà Nguyễn Thông còn tổ chức lực lượng chống Pháp.

   Nguyễn Thông tỵ nạn ở Bình Thuận nhưng vẫn da diết nhớ quê hương. Tâm sự đó được biểu hiện trong thơ. Trong bài thơ "Tiễn vợ là Ngô Vũ Khanh về Nam thăm quê", đã nói rõ cảnh biệt ly "Vầng trăng ai xẻ làm đôi".

      Nhị thiên sinh nguyệt nhất chu hoan
   (Một vầng trăng sáng chia đôi, một chiếc thuyền lênh đênh trở về).

   
   Bài thơ kết bằng hai câu:
      Tạc dạ thuận lo giang thương mộng,
      Tiên tỳ hoàn bội đáo gia san.


   Dịch nghĩa:
   Đêm hôm qua nằm mơ tưởng cái thú canh rau cần chả cá vược (những thú ở quê) ở trên sông quê hương
   Và giấc mơ ấy đã theo vòng xuyến của vợ về quê nhà trước rồi


   Nguyễn Thông nhớ quê hương không lúc nào nguôi. Có một người nông dân biếu ông một đời chim đa đa để ăn thịt. Chợt ông nhớ người xưa gọi chim đa đa là chim hoài Nam. Ông thả cho chim bay về Nam và làm bài thơ:

      Cành Nam nay thả mày về lại
      Bạn cũ gà rừng mặc sức chơi
      Bên suối uống ăn nên cẩn thận
      Chút thân đừng để lọt tay ai.


   Tại Bình Thuận, Nguyễn Thông làm nhiều bài thơ tiễn bạn ra Bắc, vào Nam. Trong đó có bài thơ "Tiễn Nguyễn Thiện Quan vào Gia Định". Thiện Quan xưa là bạn chiến đấu với ông. Nay được vua Tự Đức cử vào Gia Định làm Lãnh sự để giao thiệp với Pháp. Bài thơ thấm đậm nỗi buồn rầu, lo lắng:

      …Không biết gọi nhau lần sau ở chỗ nào,
      Vậy nên ngồi buồn rầu rầu tóc bạc đầu thành ông già cả rồi.
      Bây giờ triều đình đang có việc lo về miền Nam
      Tôi bực không có thiên Trù hải tặng ông,
      Ngoảnh đầu về miền Nam bâng khuâng nhìn mây lồng càng rợp


   Cuối năm 1867, Nguyễn Thông được điều về Khánh Hòa làm Án sát. Ông đã dâng biểu cho Tự Đức cải cách chính sự, chú trọng chọn người hiền tài làm quan, trừ bọn tham nhũng, tăng cường võ bị, cải tiến thuế và thực hiện chính sách khoan hậu với nhân dân. Sau đó ông bị bệnh, ông xin về nghỉ. Năm 1870 , ông về Huế làm Biện lý bộ Hình. Sau đó ông được điều về Quảng Ngãi làm Bố Chính.

   Trong ba năm làm Bố chánh, ông đã thực hiện chủ trương “Thực lực binh cường”, đã hô hào, giúp đỡ nhân dân đắp đập, đào kênh, làm thủy lợi, đắp đường giao thông. ông đã tập trung công sức trong một thời gian dài khẩn hoang ở vùng La Ngư. Chính thời gian này ông đã dâng sớ cho Tự Đức về “Biểu về việc doanh điền”. Khu khẩn hoang La Ngư đã kết hợp tài tình giữa doanh điền với căn cứ kháng chiến. Vì vậy giặc Pháp buộc triều đình Huế cản trở công việc của ông.

   Nguyễn Thông cũng đã xây dựng Phan Thiết thành một khu vực có sản xuất nông nghiệp có đánh cá, xây dựng thành khu thương mại, có lò nấu nước mắm, và dự kiến mở mang trường học, khai hóa dân trí. Ý tưởng của ông không thực hiện được vì chính sách "bế quan tỏa cảng" của triều Tự Đức.

   Bằng hành động của mình ông đã là nhà khuyến nông, nhà bảo vệ sinh thái. Thể hiện rõ nhất là bài ký: “Đinh gia Yển ký”. Bài Ký này đầu tiên được các ông Cao Tư Hanh, Đoàn Lê Giang nhắc đến trong tập "Tác phẩm Nguyễn Thông”, do sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ngãi ấn hành năm 1984, nhưng các tác giả chưa có toàn văn bài ký để công bố. Đến năm 1994, nhà giáo Nguyễn Đình Thảng được ông Trần Tê, cháu ngoại cụ Nguyễn Duy Tư, người sáng tác "Bài phú Đập ông Cá" tặng cho một bản chép tay nói là chép từ một tấm bia dựng năm 1910. Ông Nguyễn Đình Thảng đã dịch nghĩa bài ký đó và đăng trên Tạp chí "Cấm Thành" số 1 năm 1984. Ông Nguyễn Đình Thảng viết: "Nghe đâu tấm bia này hiện vẫn còn ở xã Bình Mỹ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)”. Sau đó Bài ký được ông Ca Văn Thỉnh và ông Bảo Định Giang dịch, đưa vào tập "Nguyễn Thông con người và sự nghiệp”.

   Bấy giờ hạt Quảng Ngãi đất rất xấu, dân nghèo. Nguyễn Thông làm tại chức được hơn một năm, đào ngòi cứ, đắp đập, đắp bờ dẹp yên tệ lại nhũng, trấn áp bọn cường hào, dân được dễ chịu. Nhưng công việc cũng chưa xong, lại có án mạng, tội nặng đem xử nhẹ, bị phạt ly chức. Dân được tin liền kêu xin cho ông. Năm Tự Đức 27 (1874) lại được khởi phục làm Tư vụ lĩnh Lễ bộ chủ sự. Triều đình lại cử lĩnh Quốc tử giám tư nghiệp tham gia khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

   Năm 1877 triều đình cử ông về Bình Thuận làm Dinh điền sứ, tổ chức khai hoang ở Tây Nguyên. ông tổ chức khai hoang, thành lập các ấp trại mới. Các nông trại đều được chính ông khảo sát và đều được bảo vệ bằng "trong lũy, ngoài hào", trồng tre mây tạo thành hàng rào kiên cố. Ông cho đắp đường giao thông, đào kênh mương từ trong trại, ấp ra cánh đồng, từ cánh đồng trại ấp này sang trại ấp khác. Ông còn cho giữ lại những dải rừng cây rậm rạp ở hai bên đường và mương dẫn nước. Thời bình thì phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông, nhưng thời chiến thì trở thành hào, lũy, phục vụ chiến đấu. ông còn xây dựng lực lượng dân binh, trang bị vũ khí, và huấn luyện quân sự thường xuyên.

   Những việc làm của ông ở Tây Nguyên làm cho bọn cầm quyền Pháp ở Sài Gòn lo ngại. Chúng vin cớ hòa ước đã ký không được xây dựng căn cứ quân sự và gửi thư ra triều đình Huế phản đối. Tự Đức và triều thần vốn sẵn có tư tưởng đầu hàng, nên đã run sợ trước lời buộc tội của thực dân Pháp, lệnh cho ông đình chỉ những việc ông đang làm. Để ngăn cách ông với dân cư ở khu mới khai hoang ở Tây Nguyên, triều đình Huế cử ông làm Phó sứ điền nông kiêm đốc học tỉnh Bình Thuận.

   Năm Tự Đức thứ 32 (1879), địa phương gặp có báo động, vì có người Man nổi dậy, vua sai Nguyễn Thông cùng với Phan Trung điền nông sứ xử trí. Khi xong việc, Nguyên Thông được thăng Hồng lô Tự khanh sung Điển nông phó sứ kiêm lĩnh Học chính rồi sau mất năm 1894 thọ 68 tuổi. Mộ phần ông hiện nay còn ở Bình Thuận.

   Nguyễn Thông không những là nhà cải cách chính trị, nhà quân sự, nhà giáo dục, nhà khuyến nông, nhà thương nghiệp mà ông còn là nhà thơ, nhà sử học, nhà địa lý. Đến nay tác phẩm còn lại có các tập Ngoạ du sào thi, văn tập, Kỳ Xuyên thi văn sao, Độn Am văn tập, Kỳ Xuyên công độc, Việt sử Cương giám khảo lược.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:46:42 am »

LÊ ĐÌNH DIÊN

   Lê Đình Diên sinh năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 (1824), người làng Mọc Cựu, xã Nhân Mục Cựu, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (1). Lê Đình Diên sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học. Ông học giỏi, có tư cách được cử làm trưởng tràng của cụ nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan.

Ông thi đậu cử nhân khoa Mậu Thân, Tự Đức thứ 2 (1848). Ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Dậu dưới triều Tự Đức (1849). Ông làm bài thơ, dịch như sau:

      Người đời đánh cá biển khơi
      Ta lại đánh cá ở nơi núi rừng
      Nơi núi rừng vốn không có cá
      Núi quanh co như thể sướng dồn,
      Người đời kiếm củi đầu non,
      Ta lại kiếm mãi ở mom biển ngoài
      Ngoài biển cả, khảo ai ra củi?
      Chỉ nhấp nhô sóng đuổi núi cao
      Người đều cày ruộng bằng trâu
      Ta lại đem bút thay trâu mà cày
      Cây bút vắng tiếng trâu hì hục
      Chữ từng hàng gấm vóc nở hoa
      Người đều miệng đọc ngâm nga
      Ta nay tâm đọc lại là phần hơn,
      Tâm đọc sách không vang thành tiếng
      Mà Thiên kinh, vạn quyển làu trơn
      Thành cầu tâm đắc là hơn...


   Lúc đầu ông được bổ chức quan Hàn lâm Biên tu, rồi thăng tri phủ Tân Yên. Ông vốn tính thẳng thắn, không xu nịnh quan trên, nên quan phủ, tỉnh không ưa, dâng sớ về triều nói xấu ông. ông bị cách chức, năm 1858 , ông được khai phục chức Biên tu, Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm 1860 thăng hàm Tu soạn, điều bổ làm Đốc học Nghệ An, sau làm Đốc học Hà Nội. Năm 1870  chán cảnh triều đình Huế ký các Hiệp ước đầu hàng giặc Pháp, để mất lục tỉnh Nam Kỳ vào tay giặc Pháp nên ông cáo quan về nghỉ, mở trường dạy học ở số nhà 39 phố Hàng Đậu. Trường của ông khi mới thành lập chỉ có năm gian nhà tranh, tre, nứa, lá. Sau học trò góp tiền xây nhà gạch, lớp ngói. Căn nhà vừa là nơi dạy học vừa là nơi thờ gia tiên. Nhà tiền tế có bức hoành phi: Quân tử thành mệnh do một học trò cũ là Vũ Nhự, đốc học Hà Nội cung tiến năm 1881. Nay là số nhà 39 phố Hàng Đậu, Hà Nội.

   Tên lái buôn Jean Dupuis ngày càng ngang ngược. Một lần ông nằm trên võng có hai phu võng khiêng qua Cửa Bắc, nhìn thấy hai tên Pháp và một tên người Nam, đang tò mò xem xét, có vẻ như ghi chép ở Cửa Bắc. Ông nằm trong võng thò đầu ra mắng chúng không được nhòm ngó. Ngay lập tức một thằng Tây xông tới đánh ông ngã quị xuống đất. Hai phu võng vừa đỡ ông dậy vừa kêu cứu. Nhân dân nghe tiếng liền đem gậy gộc đổ ra đường đánh đuổi chúng. Ngay chiều hôm đó thân hào, tư văn Hà Nội họp ở Văn Miếu thành lập đội quân trên 300 người, tôn tiến sĩ Lê Đình Diên làm thủ lĩnh, cử nhân phường Kim Cổ Ngô Văn Dạng trực tiếp chỉ huy. Ngô văn Dạng nhận thấy phải tổ chức trừng trị quân Pháp nên đánh hai trận ngày 7 và ngày 9 tháng 11 năm 1873. Song cả hai trận đánh trên không đem lại hiệu quả lại bị quan tỉnh Hà Nội theo lệnh triều đình Huế bắt giải tán nghĩa quân. Ngày 20/11/1873 khi Francis Gernier đánh thành Hà Nội thì tiến sĩ Lê Đình Diên và cử nhân Ngô Văn Dạng đã tập hợp được một số nghĩa quân, dân binh đánh vào sau lưng quân Pháp, hỗ trợ cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đánh giặc ở trong thành.

   Thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết Tự Đức lại cử Nguyễn Trọng Hợp giữ chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ ra Hà Nội đàm phán với Pháp. Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên cùng đồng môn dựng bia cho thày Vũ Tông Phan tại ngôi trường Tự Tháp cũ, gạt Nguyễn Trọng Hợp ra khỏi tổ chức, Hợp không được tham gia dựng bia thày nên cay cú với Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên lắm. Giặc Pháp cũng như Nguyễn Trọng Hợp sợ hãi, hằn học tìm cách đối phó. Chúng cho tay chân rình rập đánh trọng thương tiến sĩ Lê Đình Diên. Giặc Pháp và triều đình Huế đã sai Nguyễn Trọng Hợp ra Hà Nội đàn áp dữ dội nho sĩ Hà Nội. Chúng phá nhà thờ Vũ Tông Phan để xây dinh thự cho tên Phó Toàn quyền Đông Dương (nay là báo Nhân dân). Nhưng các nho sĩ Hà Nội và nhân dân đã bảo vệ được tấm bia và chuyển đến nơi an toàn.

   Lê Đình Diên mất năm khoảng năm 1885.






------------------------------------------------------------------------
(1) Vùng Mọc từ thập kỷ 70 của thế kỷ XIX trở về trước chia làm hai xã là Nhân Mục Môn và Nhân Mục Cựu. Nhân Mục Môn gồm Quan Nhân, Giáp Nhất, Chính Kinh (Hoa Kinh) và Cự Lộc. Nhân Mục Cựu gồm hai thôn Thượng Đình và Hạ Đình. Khoảng đời Tự Đức (1848-1883), Thượng Đình và Hạ Đình tách thành 2 xã Thượng Đình và Hạ Đình độc lập nhau. Lê Đình Diên quê ở Hạ Đình, nay thuộc phường Hạ Đình.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:49:39 am »

LÊ CẨN

   Khoảng năm 1872 khởi nghĩa Vũng Liêm (sau gọi là Vĩnh Long) nổ ra, giặc Pháp gọi là giặc Cầu Vông. Cuộc khởi nghĩa này do hai ông Lê Cẩn và Nguyễn Giao chỉ huy.

   Lê Cẩn cùng Nguyễn Giao vốn là người nghĩa hiệp thường bênh vực kẻ yếu, cứu giúp người nghèo, được nhân dân quý trọng, nên khi hai ông dựng cờ xướng nghĩa có rất nhiều người dân theo. Họ tự sắm vũ khí, đem theo cả lương thực đến đầu quân.

   Lê Cẩn và Nguyễn Giao xây dựng đại bản doanh ở ngay quận lỵ Vũng Liêm. Quân dân đào hào dọc quận lỵ Vũng Liêm ngăn tầu chiến Pháp từ sông Cổ Chiên đi vào. Hai ông còn đắp thành lũy ở ấp Vạn Điểm là nơi có địa thế hiểm trở để phòng thủ.

   Lê Cẩn và Nguyễn Giao được quân sĩ tôn làm Đốc binh để có danh nghĩa chỉ huy nghĩa quân, tập hợp quần chúng.

   Giúp việc hai đốc binh có nhiều trợ thủ đắc lực như Phó Mai đã hoạch định kế hoạch đánh chiếm chợ Vũng Liêm, đốt chợ giết tên chủ quận là Nguyễn Việt một tay sai tàn bạo của thực dân Pháp.

   Sau vụ này giặc Pháp đem quân đến đánh phá Vũng Liêm và vùng chung quanh dữ dội. Giặc Pháp sai Tôn Thọ Tường một tên chó săn cho Pháp đến làm chủ quận Vũng Liêm thay tên Nguyễn Việt bị nghĩa quân giết chết.

   Cuộc kháng chiến của Lê Cẩn, Nguyễn Giao còn làm cho tên Tham biện Pháp là Alix Salicetti, người Việt gọi hắn là Bôi Xê là một tên nham hiểm đang dùng mọi thủ đoạn đàn áp, mua chuộc nghĩa quân phải khiếp sợ. Các thủ lĩnh nghĩa quân bàn với nhau là phải trừng trị tên này. Đốc binh Lê Cẩn nói: “Thằng này vốn tính kiêu căng, ngạo mạn tôi đưa thư trá hàng, dụ có vào ổ phục kích rồi ta đổ ra đánh giết...”.

   Mọi người chưa rõ kế hoạch trá hàng như thế nào, Lê Cẩn trình bày cụ thể, mọi người thấy được liền chấp thuận và bổ sung vào kế hoạch. Salicetti nhận được thư xin hàng của hai Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao quyết định đến nơi tổ chức lễ đầu hàng. Tôn Thọ Tường vốn là kẻ đa nghi, can ngăn, Salicetti vẫn giữ ý kiến của mình chỉ đem vài chục quân hộ vệ tới Vũng Liêm…

   Ngày 15 tháng 2 năm 1872 , Salicetti thấy bốn bề vắng lặng, đã nghi hoặc. Song hắn vẫn cưỡi ngựa qua Cầu Vông. Quả nhiên tới đầu Cầu Vông đã thấy vài chục nghĩa quân tụ tập ở đó, nhưng không có vẻ gì là quy thuận cả. Song hắn chưa kịp ra lệnh cho lính đối phó thì Đốc binh Lê Cẩn với thế võ nhẩy sào từ trong bụi rậm chống gậy tầm vông nhẩy vọt ra ôm lấy vật hắn từ mình ngựa xuống mặt cầu. Qua phút hàng hoàng, bọn lính đã kịp thời lên đạn nhưng không dám bắn. Trong khi đó chiêng trống vang lên, nghĩa quân từ nơi mai phục ở hai bên đường đổ ra đánh giết quân Pháp. Cả mấy chục tên đều bị giết không sót một tên. Trong khi đó Lê Cẩn và tên Salicetti vẫn vật nhau, rồi cả hai rơi xuống sông và cùng chết đuối. Nguyễn Giao chặt đầu tên giặc Pháp bêu ở phố.

   Vài ngày sau tên Đốc phủ sứ Trần Bá Lộc đem quân tới Vũng Liêm, hắn ra lệnh cho bọn lính: "Vùng này chứa chấp bọn phiến loạn phải giết hết".

   Bọn lính tràn vào ấp giết tất cả già trẻ, lớn bé kể hàng trăm người, đốt phá trụi Vũng Liêm.






NGÔ VĂN DẠNG

   Ngô Văn Dạng sinh năm Ất Mùi - Minh Mệnh 16 (1835) người làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình khoa bảng, ông đỗ cử nhân khoa Giáp Tý, Tự Đức 17 (1864). Ông không ra làm quan mà dời quê lên ngụ ở phường Kim Cổ, huyện Thọ Xương, Hà Nội mở trường dạy học (nay là số nhà 12 phố Hàng Bông) nên cũng gọi là ông Cử Kim Cổ.

   Từ khi triều đình Huế cắt Hà Nội thành nhượng địa của thực dân Pháp thì Văn Miếu Hà Nội giao cho quan tỉnh Cầu Đơ (sau đổi là Hà Đông) quản lý. Vì vậy trung tâm văn hóa của Hà Nội chuyển về đền Ngọc Sơn nằm ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn là trụ sở của hội Phả đền, sau đổi thành hội Hướng Thiện do ông Nghè Vũ Tông Phan làm Hội trưởng, tiếp đó là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu làm Hội trưởng. Ông cử Ngô Văn Dạng thường xuyên đến đền Ngọc Sơn, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc in ấn sách để tổ chức lễ kỷ niệm các anh hùng dân tộc.

   Ông cử Kim Cổ là một nhà sư phạm mẫu mực, học trò người Hà Nội và các tỉnh theo học rất đông, khoa thi nào cũng có người đỗ Đại khoa..

   Dựa vào thế lực của giặc pháp và sự nhu nhược, đầu hàng của triều đình Huế, tên lái buôn Jean Dupuis rất ngang ngược, ngang nhiên cho quân cướp phá phố phường.

   Cử nhân Ngô Văn Dạng đã cùng với thày là Hoàng giáp Lê Đình Diên phát động nhân dân Hà Nội phản đối sự lộng hành của Jean Dupuis. Ông sử dụng lực lượng đông đảo nhân dân ngăn chặn, đánh đuổi quân lính của Jean Dupuis, lính Vân Nam, đám tàn quân của Tạ Văn Phụng cùng dân công giáo quá khích cướp phá các phố.

   Một lần Hoàng giáp Lê Đình Diên ngăn cản hai tên Pháp và một tên người Nam nhòm ngó địa thế Cửa Nam, ông lên tiếng xua đuổi chúng. Lập tức một tên lính Pháp xông lại đánh ông làm ông ngã từ trên cáng xuống đất. Ông Huấn đạo huyện Thọ Xương dạy học ở gần đó liền đưa học sinh ra đánh giặc giải vây cứu thày. Ông cử Ngô Văn Dạng nhận được tin liền lập tức đến thăm thày đang phục thuốc ở trường phố Hàng Đậu và thông báo cho các thân sĩ, nho sinh cùng nhân dân Hà thành biết. Ngay chiều hôm đó, các học trò và cả cựu học trò các trường Kim Cổ của cử nhân Ngô Văn Dạng, trường Vũ Thạch của ông cử Nguyễn Huy Đức và nhân dân Hà thành tổ chức cuộc họp ở Văn Miếu bàn việc trừng trị Jean Dupuis và tên Lý Dương Tài cầm đầu 200 tên thổ phỉ Tàu đánh thuê cho Jean Dupuis.

   Cuộc họp đã quyết định thành lập đội nghĩa quân, trong đó 242 người ở trong văn hội Thọ Xương và môn sinh các trường lớn, 150 người là các văn hữu ở các huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Đông), 92 người là thanh niên các phố phường và nông dân, các Nghĩa hội. Các nhà nho và quân sĩ tôn Hoàng giáp Lê Đình Diên làm thủ lĩnh, cử nhân Ngô Văn Dạng làm chỉ huy trưởng. Cử nhân Ngô Văn Dạng chia quân làm nhiều đội theo đơn vị trường học và khu dân cư, cắt đặt các xuất đội trưởng chỉ huy. Các lớp huấn luyện võ nghệ tổ chức vào ban đêm để giữ được bí mật. Ban ngày nghĩa quân chia nhau đi các phố phường và vùng nông thôn quyên góp tiền bạc để mua vũ khí, ủng hộ lương thực, thực phẩm để nuôi quân. Cử nhân Ngô Văn Dạng còn xây dựng các cơ sở hậu cứ ở vùng nông thôn ngoại thành, đề phòng trong thành gặp khó khăn thì rút ra đó củng cố, bổ sung lực lượng.

   Đội nghĩa quân của cử nhân Ngô Văn Dạng đang khẩn trương luyện tập thì nhận được thông sức của Thái tử Thiếu bảo Nguyễn Tri Phương Đổng suất Quân vụ Đại thần kiêm Kinh lược Bắc Kỳ cho các tỉnh, huyện, phủ phải gấp rút chuẩn bị lực lượng, trang bị vũ khí để đánh quân Pháp xâm lược.

   Khi đội quân nghĩa dũng đã được huấn luyện về sử dụng vũ khí, thế tiến lui, phục kích, công đầu, diệt viện thì ông cử Ngô Văn Dạng quyết định trừng trị bọn Jean Dupuis. Mục tiêu được chọn là kho đạn 200.000 viên của quân Pháp ở bờ sông Hồng. Ngày 7 tháng 11 năm 1873, Ngô Văn Dạng làm lễ xuất quân. Trước giờ xuất phát, ông cử đọc hai câu thơ:
      
      Chí tại tiêm cừu thành khổ nhục
      Tâm năng cứu quốc khởi cam sinh

Dịch:
      "Chí đã quyết định giết kẻ thù mà thành ra bị đánh dấu
      Lòng biết dốc, biết cứu nước lẽ nào cam chịu sống uổng”


   Khi màn đêm buông xuống, Ngô Văn Dạng phái một đội cảm tử quân bí mật đột nhập vào kho đạn rồi dùng kế hỏa công. Kế hoạch trên bị lộ, bọn giặc bắn trả dữ dội. Nghĩa quân không có súng bắn nhanh để tiêu diệt bọn lính, nên không tiếp cận được kho đạn, nên trận đánh không thành.

   Không chịu bó tay, hai ngày sau ngày 9 tháng 7 năm 1873, Ngô Văn Dạng tổ chức trận đánh phục kích trên bờ đê lối Jean Dupuis và bọn lính từ tầu chiến lên đi qua. Trận đánh không diệt được Jean Dupuis nhưng bắt sống được mấy tên lính Vân Nam và Ngô Văn Dạng đã lệnh tha cho chúng. Hai trận đánh không thành, nhưng đã làm cho Jean Dupuis và quân lính của hắn hoảng sợ không dám hống hách, cướp bóc trong phố như trước nữa. Quan tỉnh Hà Nội là Bùi Thúc Kiên nghe tin phái đoàn Pháp sắp ra dàn xếp việc Jean Dupuis, nên phải chấp hành dụ của triều đình khiển trách tiến sĩ Lê Đình Diên và cử nhân Ngô Văn Dạng tha cho mấy tên lính Vân Nam và bắt giải tán nghĩa quân. Việc này khiến nhân dân Hà Nội bất bình.

   Ngày 20/11/1873 khi Francis Garnier đánh thành Hà Nội, Ngô Văn Dạng lại tập hợp nghĩa quân đánh vào sau lưng quân Pháp. Thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, thành mất nhưng nghĩa quân Ngô Văn Dạng vẫn không ngừng phục kích, tập kích quân Pháp cho đến khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ theo Hiệp ước ký với triều đình, ông mới giải tán nghĩa quân, tiếp tục dạy học. Học trò của ông sau này có nhiều người tham gia vào các tổ chức chống Pháp. Ông mất năm 1885.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:54:08 am »

ĐẶNG XUÂN BẢNG

   Đặng Xuân Bảng sinh năm Mậu Tý (1828) tại xã Hành Thiện, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Đặng Xuân Bảng có diện mạo khôi ngô tuấn tú, trán cao, mắt sáng, tiếng nói sang sảng. Từ nhỏ, ông chỉ theo học cha là Đặng Xuân Hòe.

   Năm Canh Tuất (1850) ông 23 tuổi đỗ cử nhân, được giữ chức Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Năm Bính Thìn (1856), khi ông 29 tuổi, đỗ tiến sĩ.

   Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Đặng Xuân Bảng đã trải qua các chức quyền Tri phủ Thọ Xuân ( Thanh Hóa), Giám sát ngự sử ở Nội các, Chưởng ấn ở Lại khoa, Án sát Quảng Yên, Bố chính Tuyên Quang, Bố chính Thanh Hóa, Bố chính Hà Nội, Bố chính Sơn Tây. Năm 1870 ông được phong Tuần phủ Hưng Yên, tháng 6/1872 nhận chức Tuần phủ Hải Dương, quyền Hộ Tổng đốc.

   Khi đó thực dân Pháp đã ổn định xong bộ máy cai trị ở Lục tỉnh Nam Kỳ, ông phán đoán quân Pháp sẽ đánh chiếm Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Để bảo vệ đất nước, Đặng Xuân Bảng dâng nhiều tờ sớ biểu lên triều đình tâu bày về tình hình tài chính thiếu hụt, hiện trạng quân đội yếu kém cùng các biện pháp khắc phục. Ông cũng kiến nghị với triều đình mở cửa sông Cấm thành cảng biển để buôn bán với nước ngoài, xuất hàng nông sản, thủ công nhập máy móc, tàu thuyền hơi nước, vũ khí của châu Âu về. Ông cũng đề cập đến việc xây dựng lực lượng bảo vệ, phòng thủ bờ biển, hải đảo và biên giới. Song Tự Đức cùng triều đình bảo thủ không chấp nhận.

   Từ cuối năm 1871, quân Pháp nhận được viện trợ và vũ khí từ Pháp gửi sang, cho tầu chiến xâm phạm hải phận Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Trước tình hình đó, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng thương nghị với các quan. Mọi người đều xin đánh. Song không thể làm trái lệnh của triều đình mà chỉ phái người theo dõi các hoạt động của quân Pháp, ngăn cản không cho các giáo sĩ Pháp, Tây Ban Nha, giáo dân tiếp xúc với bọn Dupuis. Đặng Xuân Bảng cũng cho tu sửa thành trì, đặt thêm súng thần công trên thành, ra lệnh cấm trại, không cho lính ra ngoài mà phải sẵn sàng chiến đấu.

   Những hành động ngang ngược của Jean Dupuis và Francis Garnier khiến cho Tuần phủ Đặng Xuân Bảng và Án sát Nguyễn Đại không khỏi nghi ngờ dã tâm của giặc Pháp đối với Bắc Kỳ, song không dám trái lệnh của triều đình Huế.

   Ngày 15 tháng 10 năm Quý Dậu (4/12/1873), quân Pháp đi tầu chiến đến đánh thành Hải Dương. Thoạt đầu chúng uy hiếp bằng cách mời quan tỉnh xuống tầu của chúng để thương thuyết. Tuần phủ Đặng Xuân Bảng và các quan thừa biết đây là thủ đoạn lừa bịp để bắt sống những người chỉ huy giữ thành nên Đặng Xuân Bảng trả lời: “Chưa có lệnh của triều đình nên không hành đồng tùy tiện”. Không lừa được Đặng Xuân Bảng và đồng sự của ông, quân Pháp bắn đại bác dữ dội vào thành. Đặng Xuân Bảng, Án sát Nguyễn Đại cùng các quan chống cự kiên quyết, đánh bật nhiều đợt xung phong của giặc. Song thế lực quân ta yếu dần, nguyên nhân chính là: "Pháo thần công và súng kíp nhỏ bị trọng pháo đặt trên tầu chiến đè bẹp”. Biết không giữ nổi thành, Đặng Xuân Bảng tổ chức phản công quyết liệt rồi rút lui về Mao Điển để bảo toàn lực lượng. Do triều đình có nhận xét thành Hải Dương "mất trong thế lấy lại”, nên sau khi mất thành, triều đình triệu ông về Huế để chờ xét xử trách nhiệm. Song xét Đặng Xuân Bảng có phòng bị không sơ xuất, quyết chiến đấu giữ thành, rút lui bảo toàn lực lượng, nên ông không bị khiển trách. Tuy vậy đến năm 1876 , Tự Đức điều ông về Hưng Hóa chiêu mộ phu thành lập đồn điền để đới công chuộc tội.

   Từ năm 1878, ông nhận được lệnh về triều nhận chức Đốc học và công việc tâm huyết của ông từ khi bước vào chốn quan trường. Cũng năm đó và 10 năm sau. Năm 1888 triều đình điều ông về kinh giao cho chức vụ cao hơn, song ông đều tìm được lý do xin ở lại làm đốc học và triều đình đã chấp nhận.

   Năm 1888, thực dân Pháp đã cơ bản đàn áp được phong trào Cần vương, thực hiện bóc lột kinh tế và chính sách ngu dân về văn hóa, nên ông xin nghỉ hưu ở tuổi 61.

   Đặng Xuân Bảng về hưu, song với kinh nghiệm 2 năm mở đồn điền, ông đã tổ chức nhân dân khai hoang lập ấp Tả Hành, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lịch sử làng Hành Thiện còn ghi nhận ông đã gián tiếp giúp nhiều hộ dân từ nghèo trở thành giầu có.

   Làm quan to, có danh vọng, song ông rất quan tâm đến việc sửa sang, trùng tu, bảo tiền, tôn lạo các di tích như chùa, đền Văn Xương, Văn Chỉ. Ông còn xây dựng đường làng bằng đá phiến.

   Đặng Xuân Bảng về hưu song ông vẫn kiên trì thực hiện sự nghiệp giáo dục bằng hành động mở trường dạy học, viết sách. Ông đào lạo được nhiều cử nhân Hán học có tài, có đức. Tiêu biểu cho lớp người đó là Vũ Tuân, người Hải Dương, đỗ phó bảng năm 1901. Để chấn hưng việc học, ông làm Tiên chỉ hội Tư văn làng và hội Tư văn huyện, thường tổ chức các buổi bình thơ, văn trong đó có thơ văn yêu nước của trường Đông Kinh nghĩa thục. Chỉ trong 12 năm nghỉ hưu, Đặng Xuân Bảng đã viết tới 20 cuốn sách trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ học, giáo dục, địa lý, địa chí, văn hóa ứng xử, tức đạo làm người. Thí dụ về Lịch sử có các cuốn sử tiêu biểu như Sử học bi khảo, Việt sử cương mạc toát yếu. Đặng Xuân Bảng có quan hệ mới mẻ khi nhìn nhận đánh giá một số vấn đề lịch sử. Ông là người đầu tiên đã khẳng định vị trí không thể phủ định được của triều Tây Sơn trong lịch sử. Ông viết về triều Tây Sơn như sau:

   "Bên trong dẹp giặc cướp, bên ngoài đánh đuổi quân Thanh, khiến cho núi sông Hồng Lạc vẫn vững vàng như cũ. Huống chi lúc ấy, nhà Lê đã mất, triều Nguyễn ta chưa lên; sự truyền nối các đời Đinh, Lý, Trần, Lê đối với đất Bắc Kỳ trong 18 năm ấy nếu không thuộc về Tây Sơn thì còn thuộc về ai nữa". (Việt sử cương mạc toát yếu).

   Đặng Xuân Bảng có quan niệm nhìn nhận về công nghiệp, thủ công nghiệp, nêu cao vai trò của công nghiệp thủ công, buôn bán là điểm tiến bộ. Ông viết: “Ngày trước, phần công nghệ chỉ có đám hạ lưu làm, còn như bậc thượng lưu, trung lưu không mấy người nghĩ tới. Vì triều đình chỉ chú trọng vào khoa cử, khiến cho những người tài trí, thông minh cứ chăm chú miệt mài vào cuộc thi cử đó, đến nỗi già đời không có ích gì cho quốc dân; Do đó các nguồn lợi lớn về công nghệ như khai hoang đều rơi vào tay người Hoa cả”.

   Ông là người ham thích đọc sách, đến già cũng không biết mỏi, đọc cả các sách thiên văn, địa lý, tính mạng (số tướng) y bốc (bói toán), lục nhâm, thái ất, độn toán thích nhiều về thuyết “lập thân hành kỳ”. Ông thích bài nói và việc làm của cổ nhân, sự việc thiện ác, báo ứng nhất là sự tích các danh vật nước ta, và có đọc binh thư, binh pháp cổ. Ông thường nói: người nước ta chỉ học Bắc sử, không học quốc sử nhiều; cho nên các sự việc của nước ta về các mặt sơn xuyên (núi sông), phong tục (bờ cõi). quan danh (tên quan) chế độ v.v... tuy các bậc lão thành học nhiều cũng không biết hết. Do đó, ông rộng khảo các sách và làm các bộ sách: Nhân sự kim giám thư, (khoảng năm 1857-1858), Nam phương danh vật bi khảo, Độc sử bi khảo. Khi làm Tri phủ Yên Bình (1861) có viết bài "Tuyên Quang phú” là một tài liệu dân tộc học lịch sử rất quý. Tương truyền ông còn có bộ "Thiệu đình Việt sử” nhưng nay chưa tìm thấy.

   Đặng Xuân Bảng là người giầu tính dân tộc, làm nhiều sách về Việt Nam, nghiên cứu nhiều về Việt Nam như các sách Độc sử bị khảo, Nam phương danh vật bị khảo v.v….

   Về Văn hóa, Đặng Xuân Bảng có Như tuyền thi tập (thơ chữ Hán), Nam phương danh vật bi khảo, Huấn tục quốc âm ca (những bài ca Nôm do Đãng Xuân Bảng san bổ, nhuận sắc và in), Thành tổ hạnh thực diễn âm (thơ Nôm về sự tích Thiền sư Dương Không Lộ, Nhị Độ mai (dịch ra Nôm từ truyện Nhị độ mai của Trung Quốc và nhiều sách khác.

   Đặng Xuân Bảng là người đầu tiên ở Bắc Kỳ thiết lập được một thư viện tư nhân mang tên thư viện Hy Long với số lượng sách "chứa đầy sáu gian nhà ngói”. Ông còn tổ chức in sách, bán sách tại nhà. Đây là thư viện lớn nhất Bắc Kỳ thời đó.

   Đặng Xuân Bảng mất năm 1910, thọ 83 tuổi. Trong đám tang ông, có trên 300 học trò đến chịu tang. Nhân dân ấp Tả Hành chịu ơn ông tổ chức khai hoang lập ấp đã tôn ông làm Thành hoàng thờ ở đình.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:56:05 am »

VŨ CANH

   Vũ Canh húy là Tề người làng Tập Mỹ, tổng Bồ Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nay là thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

   Thuở nhỏ ông đi học rất thông tuệ, nhưng lại có thiên hướng võ nghiệp, được cha mẹ đón thày về dạy võ, ông miệt mài học và luyện tập nên trở thành người rất giỏi võ. Ông sung vào lính, trúng tuyển kỳ thi võ, được thăng làm Giám kho Phủ Lý. Quan Giám kho Vũ Canh ở kho Phủ Lý là một trong số những người Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chọn lựa về tăng cường cho thành Hà Nội. Ông đã xây dựng, chấn chỉnh hệ thống kho lương, kho thuốc súng, kho bạc, kho quân trang. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương rất hài lòng về những việc quan giám Vũ Canh làm ở Hà Nội, đã dâng sớ lên vua Tự Đức phong cho Vũ Canh chức “Vũ Canh tướng công Đô úy tinh binh Cai đội”.

   Trước việc tên lái buôn Jean Dupuis ngang ngược, ngông cuồng, đòi có "nhượng địa” tại Hà Nội, đòi có muối, than đá chở đi Vân Nam bán. Hắn đòi thu thuế ở Hà Nội, xé các thông cáo của Hà - Ninh Tổng đốc dán bố cáo của hắn. Hắn còn cho 150 tên thổ phỉ ở Vân Nam do hắn mộ về bắt cóc các quan đưa xuống tầu, cướp mấy thuyền gạo của quan quân, cướp phá các hiệu buôn.


   Vũ Canh không thể làm ngơ, ông xin với Tổng đốc cho ông trừng trị chúng. Vì Tổng đốc phải chấp hành lệnh của vua Tự Đức không được ngăn cản chúng, mà chỉ để ông tập hợp một số quân lính giỏi võ hành động như “dân anh chị” trừng trị chúng nhiều phen đích đáng. Vũ Canh còn phối hợp với Bá hộ Trần Chí Thiện, Hào mục Nguyễn Văn Hổ và hai con trai là những người có thế lực, có uy tín ở Hà Nội đang chỉ huy những toán vũ trang tự phát, những dân binh thông thuộc đường phố, trừng trị bọn lính Pháp đi lẻ, đánh giết bọn thổ phỉ Vân Nam và đám thanh niên công giáo quá khích, mù quáng được các cố đạo Pháp, Jean Dupuis vũ trang. Các ông còn hô hào dân các phố phường hễ thấy bọn Tây, bọn phỉ Vân Nam, bọn giáo dân quá khích lập tức đổ ra đánh giết, gõ chuông, trống, chậu thau, mâm đồng uy hiếp chúng.

   Bọn Jean Duypis rất sợ hãi, mỗi khi ra phố phải kéo đi đông, vũ trang đầy mình, không dám cướp bóc bừa bãi như trước.

   Ngày 21/1/1873 tên Francis Garnier đem tàu chiến từ Sài Gòn ra Hà Nội với chiêu bài "Giải quyết vụ Dupuis”, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương thấy rõ dã tâm của Gamier ra Hà Nội là để đánh thành, nên ra lệnh chuẩn bị chiến đấu. Vũ Canh là người kiên quyết chống giặc Lang Sa dã tích cực thực hiện mệnh lệnh trên.

   Ngày 12/11/1873, Garnier gởi “Tối hậu thư” cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đòi ông phải nộp thành cho chúng. Nguyễn Tri Phương không trả lời, tăng cường phòng ngự. Vũ Canh là người tích cực thực hiện mệnh lệnh của quan Tổng đốc. Ông còn cho phân tán kho tàng, phát trước lương thực, đạn dược cho quân lính, phân tán kho gần 4 cửa thành để cấp phát được nhanh chóng. Ngày 19/11/1873, Garnier lại gửi “Tối hậu thư”  một lần nữa, Nguyễn Tri Phương vẫn không trả lời chỉ khẩn trương chuẩn bị chiến đấu. Một số quan lại hoang mang, lo sợ. Vũ Canh đã trấn an họ và thề sống chết với thành.

   Vũ Canh không yên phận là quan hậu cần mà ông giao việc này cho người tin cậy, xin chỉ huy một đội quân tham gia giữ cửa Bắc. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chấp nhận, giao cho ông chỉ huy 100 quân và biểu dương ông trước toàn quân.

   Ngày 20/11/1873 , quân Pháp bắn đại bác dồn dập vào thành mở đầu cho trận tấn công. Được sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, con trai ông là Nguyễn Lâm cùng các tướng đại bác, thần công đặt trên mặt thành bắn trả. Song quân Pháp sử dụng vũ khí tối tân đã sát thương nhiều quân ta. Quân ta phải lùi dần trước hỏa lực áp đảo của quân Pháp. Chúng phá được cổng thành, Nguyễn Tri Phương thân ra đốc chiến, Vũ Canh luôn đi bên cạnh hộ vệ ông. Song thế giặc rất mạnh, ông cùng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã hy sinh anh dũng trong trận này.

   Dân làng Tập Mỹ làm sớ về triều xin tôn ông làm Thành hoàng thờ cùng với chín vị thần khác. Vua Tự Đức chuẩn tấu sắc cho làng Tập Mỹ thờ phụng, lại ban cho bạc và ruộng tế.

   Năm Tự Đức thứ 28 (1875) truy tặng Kiến công đô úy tinh binh cai đội.

   Năm Khải Định thứ 2 (1917) gia phong ngài Vũ Canh Tướng công đô úy chi thần là Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần.

   Năm Khải Định thứ 9 (1929) gia phong ngài Dực bảo Trung Hưng linh phù Vũ Canh Tướng công đô úy tôn thần là Đoan túc Tôn thần.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2011, 10:59:47 am »

PHẠM TÀI

   Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn có ghi tên hai ông Phạm Tài và Nguyễn Cao vào danh mục 500 vị, thờ ở đền Trung Nghĩa thuộc kinh đô Huế. Song việc đó cũng bị lui vào quá khứ.

   Mãi đến năm 1988, ông Phạm Đình Bao ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tìm thấy tấm bia mộ bằng đá. Theo lời ông Bao thì đấy là bia mộ Phạm Tài tổ 5 đời dòng họ Phạm Đình ở Diêm Điền.

   Phạm Tài là một vị tướng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Tổng thống quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển quê ở làng Luyến Khuyết, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Thự Tổng đốc hai tỉnh Gia Định Biên Hòa. Các ông xây dựng nhiều đồn lũy trong đó có đại đồn Chí Hòa.

   Ngày 23/2/1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công đại đồn Chí Hòa. Ngày 25/2/1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương. Nguyễn Duy em trai Nguyễn Tri Phương tử trận.

   Chưa rõ sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ thì Phạm Tài và Nguyễn Cao (đồng hương với Phạm Tài) chiến đấu ở đâu và trở về Diêm Điền lập đồn đánh Pháp từ bao giờ vì mãi tới tháng 11/1873, quân Pháp mới đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất.

   Tấm bia mộ của Phạm Tài có kích thước 45x30 gồm 52 chữ như sau:

   “Bản triều khai quốc công thần Tiền quân Khâm sai Cai cơ chỉ huy sứ Phạm Tài chi hầu chi mộ”.

   "Lạc Ngạn Gia Định Phạm Nguyễn đồng quy huân nghiệp bỉnh thanh sử chi công thủy”. Hách hách. Hoang Nguyễn phục nghĩa hưng xúy tảo binh nghịch lỗ khai thác hồng cơ”.


   Đại ý:

   Phạm Tài là một vị tướng triều Nguyễn, giữ chức Tiền quân khâm cai cơ chỉ huy sứ, tước hầu.

   Ông đã chiến đấu bảo vệ thành Gia Định. Sau khi thành Gia Định thất thủ Phạm Tài về quê ở Diêm Điền lập đồn binh chống Pháp, được truy phong “Khai quốc công thần”.


   Còn cụm từ 4 chữ "Phạm Nguyễn đồng quy”, theo trí nhớ của ông Phạm Đình Bao, cháu 5 đời của Phạm Tài thì "Nguyễn” ở đây là Nguyễn Cao, một vị tướng là người đồng hương cửa biển Diêm Điền.

   Hai ông lập đồn lũy kháng chiến lâu dài, hiện vật còn đến nay là hai khẩu thần công.

   Cũng thời gian trên còn phát hiện một tấm bia đá ở đền Thuận Nghĩa trên bờ sông Diêm Hộ thuộc thị trấn Diêm Điền. Bia có kích thước 80 x 60cm, bị gãy đôi, chữ mờ. Bia khắc ở phía trên 5 chữ: "Thuật Nghĩa từ bi ký”.

   Bia có 3 nội dung:
   - Lược ghi công tích của Phạm Tài và Nguyễn Cao.
   - Ý thức nhân dân sùng bái hai vị
   - Tên họ người đứng đầu lập bia là cựu lý trưởng xã Diêm Điền (và tu tạo đền).

   Dòng lạc khoản ghi rõ:
   “Bảo Đại Nguyên niên, tứ nguyệt nhị thập, nhị nhật. Diêm Điền xã tu tạo miếu vũ, cựu lý trưởng Phạm Hữu Biên cẩn chi”.

   Cuối năm 1989, tỉnh Thái Bình đã xếp hạng di tích nơi này.




NGUYỄN ĐẠI

   Nguyễn Đại người xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông đỗ Cử nhân khoa thi Hương khoa Mậu Ngọ, năm Tự Đức thứ 11 (1858) tại trường thi Hà Nội. Ông làm quan tới chức Án sát Hải Dương, giúp việc về quân sự, an ninh cho Tổng đốc Đặng Xuân Bảng.

   Sau khi được Chính phủ Pháp phê duyệt kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ, đến tháng 10/1872, Dupré lại sai Sơnê thám sát vịnh Hạ Long lần thứ hai. Tuần phủ Đặng Xuân Bảng, Án sát Nguyễn Đại cùng các quan quan tâm đến việc tầu chiến Pháp xâm nhập vào địa bàn mình quản lý, song chưa có lệnh của triều đình, nên chỉ giám sát các hoạt động của chúng.

   Tháng giêng năm 1873, bất chấp sự ngăn cấm của triều đình Huế, tên lái buôn kiêm mật thám Jean Dupuis đưa đoàn thương thuyền vào Cửa Cấm, tới sông Lục Đầu, tới Bắc Ninh, Hà Nội rồi theo sông Hồng sang Vân Nam.

   Lệnh của vua ban ra Án sát Nguyễn Đại cũng như Tuần phủ Đặng Xuân Bảng không dám có các hoạt động ngăn trở.

   Ngày 20/11/1873, Garnier, Jean Dupuis tấn công thành Hà Nội. Chiếm xong Hà Nội, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Nhận rõ bộ mặt xâm lược của Garnies, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng, Án sát Nguyễn Đại cùng các quan tăng cường công tác phòng thủ tỉnh Hải Dương.

   Ngày 4/12/1873, Francis Garnier sai trung úy Hải quân Balny đem tàu chiến tấn công tỉnh thành Hải Dương. Trước khi nổ súng Balny quỉ quyệt mời các quan tỉnh xuống tàu để thương thuyết (Tên Balny bị quân ta và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết trong trận Cầu Giấy ngày 21/1/1873). Án sát Nguyễn Đại cũng như Tuần phủ Đặng Xuân Bảng biết rõ đây là thủ đoạn của giặc Pháp lừa bắt nên từ chối, nhưng trả lời với thái độ mềm mỏng: "Chưa có lệnh của triều đình nên không hành động tùy tiện”.

   Không lừa được các quan tỉnh thành Hải Dương, Balny cho đại bác trên tầu chiến nã đạn đại bác vào thành. Nguyễn Đại đã cùng Tuần phủ Đặng Xuân Bảng chỉ huy quân sĩ kiên cường đánh trả quân Pháp. Ông đích thân lên mặt thành đốc thúc quân sĩ bắn mãnh liệt cản đường quân giặc đang ồ ạt tấn công thành.

   Song do triều đình Huế chủ trương "Hòa với giặc Pháp" nên đề nghị của Nguyễn Đại tăng quân số, đổi mới trang bị, cho đặt thêm đại bác ở trên mặt thành, thiết lập các vị trí quân sự bảo vệ thành từ xa không được Tự Đức chấp nhận. Vì vậy trong thành không có sự chuẩn bị chiến đấu, quân sĩ trang bị vũ khí lạc hậu, không được huấn luyện, tinh thần chiến đấu sa sút. Khi quân Pháp tấn công nã đại bác cấp tập vào thành thì từ quan văn, quan võ đến lính đều khiếp sợ. Nên đến 11 giờ trưa thành vỡ, Nguyễn Đại phải chỉ huy đội quân cảm tử ở lại đánh chặn quân Pháp để Tổng đốc đưa quan quân rút về Mao Điền.

   Mặc dầu triều đình nghị hòa với Pháp, Nguyễn Đại vẫn khẩn trương chấn chỉnh lại quân đội bổ sung thêm khí giới tích  cực chuẩn bị phản công, cướp lại thành. Sau ông bị quân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Bọn cai ngục hành hạ, đánh đập ông, ông quắc mắt lên quát: "Tao là Nguyễn Đại, người Hà Nội, cử nhân, Án sát Hải Dương, vì tao đánh quân Pháp nên bị chúng nó bắt cầm tù, chúng mày không được vô lễ". Từ đó bọn cai ngục không dám hành hạ ông.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM