Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:39:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam  (Đọc 160891 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:50:43 am »

VĂN ĐỨC GIAI

Văn Đức Giai sinh năm Đinh Mão (1807), người xã Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Năm Quý Mão (1843), ông 37 tuổi, thi đỗ Hương cống. Năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), ông 38 tuổi thi đỗ Tiến sĩ. Ông sớm mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu. Thi đỗ tiến sĩ, nhưng ông vẫn ở nhà nuôi mẹ đau yếu. Hơn 10 năm sau, mẹ ông mất, ông mới nhận chức Đốc học lần lượt ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó ông được triều đình điều về kinh đô Huế đứng đầu tòa Ngự sử. Ông nổi tiếng là người cương trực, các quan có chức tước to hơn, nhưng làm việc sai trái, ông đều dâng sớ đàn hặc.

Tháng 2 năm 1861, triều đình cho ông mộ quân nghĩa dũng tòng chinh vào Nam chống nhau với quân Pháp ở quân thứ Gia Định. Ông dũng cảm, có cơ mưu trong chiến trận, đánh thắng nhiều trận lớn. Ông được thăng tới chức Bố chính Phú Yên. Ông được vua Tự Đức ban khen, cho đổi tên là Khuê (viên ngọc quý). Từ đó ông có tên mới là Văn Đức Khuê.

Năm Nhâm Tuất (ngày 5/6/1862), triều đình Huế ký hòa ước với Pháp, ông phải bí mật tìm đường ra Huế. Đầu năm 1863, Triều đình cử ông ra làm Tán lý quân vụ ở quân thứ Hải - Yên (Hải Dương - Quảng Yên) cùng với Trương Quốc Dụng đánh dẹp. Hai ông đánh thắng một số trận tiêu diệt nhiều sinh lực giặc, thu được nhiều súng bắn nhanh do thực dân Pháp cung cấp cùng kế hoạch bành trướng của đạo Thiên chúa ở Bắc Kỳ.

Trong một trận ác chiến diễn ra vào tháng 6/1884 , hai ông bị giặc Tạ Văn Phụng bao vây, các ông mở đường máu phá vây, nhưng không thành. Hai ông hy sinh. Triều đình truy tặng ông chức Tuần phủ.
Nhân dân vùng Quảng Yên lập đền thờ hai ông gọi là "Song Trung từ". Bài vị hai ông được đưa vào "Hiền lương từ” ở Kinh đô Huế.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:53:51 am »

VÕ DUY DƯƠNG

Võ Duy Dương quê ở thôn Cù Lâm Nam, nay là thôn Nam Tường, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1889 , quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Gia Định, ông hưởng ứng phong trào chống Pháp đã đi chiêu mộ nghĩa quân. Võ Duy Dương được cử làm Chánh quản đạo, Thủ khoa Huân được cử làm Phó quản đạo.

Tháng 5 năm ấy, triều đình biệt phái Võ Duy Dương ra dẹp giặc cướp ở tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi đó ở Nam Kỳ giặc Pháp vẫn không ngừng lấn tới. Tháng 4 năm 1860 phó Đô đốc Charmer nhiều lần tấn công đại đồn Chí Hòa, đều bị tướng chỉ huy là Tôn Thất Hiệp chỉ huy quân sĩ đánh lui. Tháng 8 năm 1860 , Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Thế Hiển được Triều đình cử vào thay Tôn Thất Hiệp chỉ huy đại đồn Chí Hòa. Trong khi đó, giặc Pháp cũng mới nhận được viện binh, tầu chiến, đại bác từ Pháp ráo riết chuẩn bị tấn công đại đồn Chí Hòa. Hai ông đã củng cố, xây dựng thêm đồn lũy, đào thêm hầm hào, đặt thêm súng thần công để chống giặc.

Đêm 23 tháng 2 năm 1861, quân Pháp, quân Tây Ban Nha tấn công ác liệt vao đại đồn Chí Hòa. Mặc dù chúng bị thiệt hại nặng nề: 1 quan 5 Tây Ban Nha, 4 sĩ quan cao cấp và 1 805 lính bị giết. Song đến ngày 25/2/1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ. Tán lý Nguyễn Duy, Tán lý Tôn Thất Trí tử trận, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hiển đều bị trọng thương. Quân triều đình phải rút về Biên Hòa.

Ngày 12/4/1861 tỉnh thành Định Tường (Mỹ Tho) thất thủ, Triều đình cử Đỗ Thúc Tịnh làm Khâm phái quân vụ vào Nam. Đoàn có nhiều nhân sĩ, võ tướng đi theo như Nguyễn Văn Nhã, Võ Duy Dương, Phan Trung. Võ Duy Dương được thăng “Bát phẩm Thiên hộ (quan võ)”.

Ngay từ khi vào Nam Kỳ lần thứ hai, Võ Duy Dương mộ được 1 000 quân, theo quy định ông được trao thêm chức Quản cơ.

Tháng 9 năm 1861, Trương Định giữ chức Phó quản cơ Gia Định chiêu mộ được hơn 6000 quân đánh Pháp. Võ Duy Dương đã cùng với Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt đến giúp ông chỉ huy nghĩa quân. Trong các chiến công của Trương Định có phần công lao của Võ Duy Dương.

Tháng 11 năm 1861, Võ Duy Dương Dương đến Mỹ Quý (nay thuộc Nhị Quý, Cai Lậy, Tiền Giang) đắp đồn Tân Thành cho Trần Xuân Hòa (tức Phủ Cậu) trấn giữ. Quân Pháp tấn công liền trong 57 ngày đêm, thành vỡ, Trần Xuân Hòa chạy thoát nhưng rồi bị bắt và cắn lưỡi tử tiết vào ngày 6 tháng giêng năm 1862.

Ngày 16 tháng 12 năm 1861, quân Pháp mở chiến dịch tấn công vào tỉnh thành Biên Hòa. Ngày 18 tháng 12 năm 1861, tỉnh thành Biên Hòa thất thủ.

Triều đình Huế lo sợ cử Phan Thanh Giản vào Gia Định xin giảng hòa kí kết Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Đây là hòa ước nhục nhã đầu tiên triều đình ký với Pháp. Nhân dân Nam Kỳ phản đối, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ rạ như khởi nghĩa Trương Định, khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, khởi nghĩa Thủ khoa Huân.
Trương Định hy sinh thì Võ Duy Dương trở thành lãnh tụ chính ở vùng Tiền Giang với căn cứ là Đồng Tháp Mười (Định Tường).

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân cũng giúp Võ Duy Dương tổ chức binh đội, vận động nhân dân tiếp tế lương thực, thực phẩm vào chiến khu.

Võ Duy Dương cho quân lấy ca tra là loại cây có sợi, đập dập bện dây lòi tói, buộc bè gỗ chăng ngang sông Lòng Tàu để cản tàu giặc. Ông còn có sức khỏe, có biệt tài bắt và thuần hóa trâu rừng thành trâu chiến. Đó là con trâu đực đầu đàn của một đàn trâu rừng có cặp sừng nhọn, vô cùng hung dữ. Khi xung trận, ông cưỡi trâu ngụy trang bằng bèo lục bình nam muống lặng lẽ bơi dưới ngòi lạch rồi bất ngờ xông thẳng vào trận địa giặc, hai tay ông sử dụng côn đánh tới tấp vào bọn giặc, trâu thì húc, dày xéo lên lũ giặc. Bọn giặc khiếp đảm, tháo chạy tán loạn đến khi chúng hoàn hồn, tổ chức phản công thì ông cưỡi trâu biến mất dưới những con ngòi lạch chằng chịt ở Đồng Tháp Mười.

Để phòng thủ, Võ Duy Dương đã lợi dụng địa hình các gò nổi để xây dựng một hệ thống phòng thủ từ ngoài vào trong. Ông lại chia các đồn tiền, hậu, tả, hữu để ứng cứu lẫn nhau khi có chiến sự. Hoạt động của nghĩa quân rất táo bạo, các toán nghĩa quân dùng thuyền nhẹ xuất phát từ căn cứ đi đánh phá các đồn binh, lị sở của quân Pháp và tay sai, đánh giao thông địch, cướp các đoàn xe, thuyền chở lương của địch.

Trong suốt ba năm (1864 - 1866) , quân Pháp chưa dám hành quân càn quét, kể cả do thám ở vùng ven Đồng Tháp Mười. Quân Pháp phải mất nhiều năm chuẩn bị, đến tháng 4/1886, mới điều động một đạo quân lớn tấn công vào căn cứ của Thiên hộ Dương ở Đồng Tháp Mười. Thiên hộ Dương và các tướng đã đón đánh địch từ xa. Đạo quân thứ nhất do Bupbê chỉ huy bị chết khá nhiều quân mới chiếm được đồn Sa Tiền. Đạo quân thứ hai do Đêrômờ cũng bị giết chết khá nhiều, xác chúng nằm rải trên đường hành quân mới chiếm được đồn Ấp Lý và bị chặn lại ở đồn Tiền. Đạo thứ ba do tên Ganly Pátsơbôgiơ còn bị thương vong nặng nề hơn, hai đạo quân trên mới chiếm được đồn Gò Bắc. Tên chỉ huy phải xin viện binh mới có đủ lực lượng tấn công đồn Tả. Đồn này được xây dựng kiên cố, có 350 nghĩa quân trong đó có cả hàng binh người Pháp, người Filippin, đồn được trang bị tới 40 đại bác. Trận đồn Tả diễn ra ngày 16/4/1866 là trận quyết liệt nhất, 2 tiểu đội địch chết và bị thương. Quân ta rút khi không còn nghĩa quân. Ngày 24/4/1866, quân Pháp tấn công Cái Thia - Mỹ Tho, bắt được nghĩa quân người Pháp là Lanh ghê (Linquet).

Sau khi rút khỏi căn cứ Đồng Tháp Mười, đem quân phối hợp với con Trương Định là Trương Tuệ (tức Trương Quyền) và thủ lĩnh nghĩa quân người Cămpuchia là A Soa tấn công quân Pháp nhiều trận. Trong đó có những trận điển hình như ngày 7/6/1866, tấn công quân Pháp ở Tây Ninh tiêu diệt được nhiều địch, trong đó có hai sĩ quan. Quân Pháp phải cố thủ trong đồn chờ viện binh. Ngày 14/6/1866 nghĩa quân Việt và Campuchia lại đánh lui nhiều đợt tấn công của quân Pháp tới cứu nguy cho đồn binh Tây Ninh. Tên quan tư lính thủy đánh bộ Macsetxơ (Marchaisse) bị giết tại trận.

Đến tháng 7/1866, Võ Duy Dương phát triển lực lượng chiêu mộ quân chống Pháp ở ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Sẵn lòng căm thù giặc Pháp nhân dân gia nhập nghĩa quân rất đông và đóng góp quân lương.

Triều đình Huế tuy phải thực hiện "Hiệp ước hòa bình và hữu nghị” do triều đình ký với Pháp và Tây Ban Nha ngày 5/6/1862, trong điều khoản 9 quy định: "Triều đình Huế nhận trách nhiệm truy lùng, bắt giữ và giao nộp cho Pháp tất cả những ai có hành động chống đối chính quyền Pháp mà ẩn náu trong các vùng thuộc triều đình cai trị”. Nhưng thực ra Viện Cơ mật ở Huế thường có ý định liên lạc và khuyến khích các hoạt động chống Pháp để tìm cách giành lại mấy tỉnh đã mất. Vì thế người của Triều đình vẫn bí mật liên hệ với Võ Duy Dương, Trương Quyền, A Soa. Tuy vậy trước áp lực của Pháp, Tự Đức đã thực hiện yêu cầu của Pháp.

Không rõ vì lý do gì ba tháng sau, triều đình Nguyễn nói với Pháp là cho Võ Duy Dương, Trương Tuệ trở ra Bình Thuận đi khẩn hoang, rồi lại dặn quan tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa gặp họ thì cho đổi tên đi và cấp cho ngựa về kinh, chứ không ở lại đấy.

Sự kiện này Đại Nam thực lục chính biên viết như sau:

Tháng 9 năm Bính Dần (10/1866): “Trước Nguyễn Hữu Cơ đến tỵ sở, đi qua Gia Định bảo sứ Pháp rằng: bè lũ Võ Duy Dương nên cho ra thú dồn đi khai khẩn, khi đến Vĩnh Long đem việc ấy nói kín với Phan Thanh Giản, bèn tư cho các tỉnh Vĩnh Long, Gia Định, An Giang, Hà Tiên và các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc, phàm bè lũ Duy Dương đều cho ra thú đi khẩn hoang. Lại sắc cho tuần phủ Bình Thuận, Khánh Hòa hễ thấy tên Dương, tên Tuệ thì đem đổi tên, cấp cho ngựa trạm về Kinh, phái đi nơi khác, cho hết điều tiếng”...


Phan Thanh Giản hặc tâu việc này với Tự Đức, Nguyễn Hữu Cơ bị phạt giáng hai cấp. Song việc Võ Duy Dương ra Bình Thuận vẫn được thực hiện. Trước khi đi Thiên hộ Dương “ủy người về kinh dâng sớ kín”.

Trong tháng 10/1866, triều đình Huế được tỉnh thần Thuận Khánh báo rằng: "Duy Dương đi thuyền về tỉnh Bình Thuận đầu thú gặp gió bị đắm ở phần biển Thuần Mẫn, sai tìm xác cho đồ vật đem chôn, cấp cho mẹ hắn mỗi tháng 5 quan tiền, 1 phúng gạo”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:13:47 pm »

TRƯƠNG QUỐC DỤNG

Trương Quốc Dụng còn có tên là Khánh, tự Dĩ Hành, người làng Phong Phú, huyện Thanh Hà, phủ Hà Thanh, trấn Nghệ An, nay thuộc làng Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm Đinh Tỵ (1797).

Năm Ất Dậu (1825) 29 tuổi, ông đỗ Hương cống, đến năm Kỷ Sửu (1829) 33 tuổi, đỗ Tiến sĩ. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ nhiệm ngạch Hàn lâm viện Biên tu, rồi thăng đến Lang trung ở bộ Hình. Sau đó vì tính tình cương trực, thẳng thắn không được lòng vua bị cách chức, rồi cho làm một chức quan nhỏ ở bộ Lại.

Năm Quý Tỵ, triều Minh Mệnh năm thứ 14 (1833) ông được trở lại làm Tư vụ theo đạo quân của Triều đình đi chinh phạt Phiên An. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Tham tán đại thần đánh lui quân xâm lược. Khi tình hình biên giới Tây Nam được ổn định, ông được triệu về Kinh làm Viên ngoại lang ở bộ Hộ. Sau đó triều đình chuyển ông làm Án sát tỉnh Quảng Ngãi, sau đó chuyển làm Án sát tỉnh Hưng Yên.

Đến đầu đời Thiệu Trị, Trương Quốc Dụng được thăng Tả Thị lang bộ Lễ rồi chuyển sang làm việc cùng một lúc ở ba bộ Hình, bộ Lại, bộ Công. Năm Đinh Mùi, triều Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), ông được thăng Tả Tham tri bộ Công.

Đầu triều Tự Đức, Trương Quốc Dụng được sung làm Giảng quan tại Kinh diên, lại phụ trách trông coi Khâm thiên giám. Sau thăng đến Thượng thư bộ Hình, kiêm Tổng tài Quốc Sử quán.

Trương Quốc Dụng còn có tài làm thơ, thơ của ông lời lẽ trau truốt, ý nghĩa sâu sắc, thiên về tả cảnh.

Thơ của ông in trong "Nhu Trung thi văn tập". Trong đó có những bài xuất sắc như:

NƯỚC TRỜI MỘT VẺ

Thu thủy công trường thiên nhất sắc,
Vẻ thu thiên rất mực phong quang
Trăng trăng bạc, gió gió vàng
Giục lòng khách tha lương tình khiển hứng
Chén rượu hoàng hoa còn chếch choáng
Câu thơ bạch tuyết lúc ngâm nga
Bạn cùng người tuyết nguyệt phong hoa
Lấy thi tửu, cầm ca làm thích chí
Có lưu lạc mới trải mùi thế vị
Lúc phong lưu càng lắm vẻ xuân tình
Tỉnh ra rồi mới giật mình.




TRUNG THU VỌNG NGUYỆT

Kim dạ nguyệt minh nhân tân vọng
Bất tri thu tú tại thùy gia
Sẵn giang sơn hứng thú cầm ca
Xin chớ để trăng già cười khách tục
Tửu nhất hồ, cầm nhất trương ca nhất khúc
Thú Nam Lâu nào có thua ai
Biết trăng hãy hỏi trăng chơi


Ông còn là người cải cách lịch. Trước kia ta cứ theo lịch Đại Thống của Trung Hoa mà làm in ra ban cho dân gian, không sửa chữa, thêm bớt. Khi ông trông coi Khâm Thiên giám mới tham khảo Sách Đại lịch Tương Khảo đời Khang Hy nhà Thanh, đối chiếu với lịch của phương Tây, từ đó làm ra lịch của ta rất chính xác. Hồi ấy các giáo sĩ phương Tây so sánh thấy nguyệt thực nhật thực của ta làm ra chính xác hơn lịch Trung Hoa.

Ông còn có các tác phẩm khác như Công hạ ký văn, Thối thực ký văn, Văn quý tân thể.

Song, Trương Quốc Dụng còn là một võ tướng can đảm, mưu lược. Năm Nhâm Tuất (1862), Tự Đức thứ 15, giặc biển ở Hải Yên (Hải Dương - Quảng Yên) bao vây tỉnh thành Hải Dương, quan lại cao cấp. Vua sai ông làm Thống đốc quân vụ đại thần cùng với Đào Trí, Phan Tam Tỉnh đi cứu Hải Dương. Ông dùng kỳ binh giải được vây, đuổi giặc đến Bình Giang, chém được hơn 450 dầu giặc, bắt sống hơn 100 tên. Thắng trận, ông được thăng Hiệp biện đại học sĩ.

Năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864) thực dân Pháp huấn luyện, đào tạo Tạ Văn Phụng là dân theo đạo Thiên chúa thành một kẻ gây bạo loạn ở Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh để thăm dò lực lượng quân sự ở Bắc Kỳ, quấy rối hậu phương, thu thập tin tức tình báo cung cấp cho quân Pháp, phát động dân theo đạo Thiên chúa ở Bắc Kỳ khi quân Pháp đánh vào thì nổi dậy đánh chiếm các phủ huyện, làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, đưa đường cho quân Pháp. Ông đã cùng Tán lý Văn Đức Giai, Tán tương Trần Huy San dẹp cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên. Trong trận đánh ở đồn La Khê, giặc Tạ Văn Phụng dùng bộ binh, thủy lính vây kín bốn mặt. Ông cùng Văn Đức Giai, Trần Huy San đều tử trận.

Vua sai quan về tế, truy tặng ông hàm Đông Các điện Đại học sĩ. Năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870), ông được đưa vào thờ ở đền Trung Nghĩa. (Theo Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:19:25 pm »

ĐỖ QUANG

Đỗ Quang còn gọi là Đỗ Tông Quang, tên chữ là Huy Cát, người làng Phương Điếm, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nay Phương Điếm thuộc xã Phùng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm Giáp Thìn (1808) trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm Mậu Tý (1828), khi ông 21 tuổi đỗ Hương cống khoa thi Hương năm Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng 13 (1832) khi ông 29 tuổi, đỗ Tiến sĩ, đứng hàng thứ nhất. Khi đỗ Tiến sĩ ông không ngồi kiệu, võng mà đi bộ về làng. Đỗ Quang lần lượt giữ các chức "Hàn lâm Trực học sĩ biên tu; Tri phủ Diễn Châu; Phúc khảo quan trường Gia Định, Lang trung bộ Công, Án sát sứ Quảng Trị. Năm đầu Thiệu Trị (1841) cất làm Thị lang bộ Công, lại đổi Trực học sĩ Viện Hàn lâm sung sử quán Toản tu. Năm Ất Tỵ Thiệu Trị thứ 5 (1845) chuyển Thị lang bộ Lại. Ông được sung làm Kinh diên giảng quan và tham gia duyệt quyển thi Đình. Năm 40 tuổi, thăng chức Tham tri bộ Lễ, Tự Đức năm đầu (Mậu Thân - 1848), được bổ làm thự Tuần phủ Định Tường.

Đỗ Quang làm quan nổi tiếng thanh liêm, ông thường xuống tận các thôn xóm tra xét bọn quan lại ức hiếp, chiếm ruộng của dân. Bọn quan lại, hào lý kinh hãi đem vàng bạc đến biếu, ông không nhận. Sau vì tầu ngoại quốc trốn thuế ông bị tội miễn quan. Hôm ông đi, dân khóc như mưa. Vua bảo: "Nghe tin Đỗ Quang ở Định Tường bị khứ chức, dân hạt ấy khóc như mưa, nếu không phải ngày thường được lòng dân sao có như thế”. Cho khởi phục làm Hàn lâm viện Trước tác rồi lãnh Án sát Nghệ An, lại chuyển Hồng lô Tự khanh, sau thăng Bố chính Nghệ An, cho cái án trước ở Định Tường phải di chuyển, bồi thường. Tổng đốc là Tôn Thất Cáp dâng sớ nói là người lương chinh xin miễn cho; xuống chế cho miễn, lại lãnh Bố chánh Nam Định. Năm Tự Đức thứ 9 (1856), đổi Quang tộc tự khanh, sung Biên lý bộ Lại, sung Kinh diên giảng quan. Vua khen cách giảng luận lời lẽ đơn giản tỏ rõ cùng với Tô Trân xấp xỉ ngang nhau, tiến Lại bộ Thị lang.

Năm Tự Đức thứ 13 (1860) ông là thự Tuần phủ Gia Định. Mùa xuân năm 1861, quân Pháp cử binh đổ bộ lên đánh. Quân ta ở các tỉnh và Đại đồn tạm thua. Lúc ấy Đỗ Quang đóng ở Biên Hòa vì chuyện này mà bị cách chức, nhưng vẫn được lưu dụng. Đỗ Quang bí mật sai người tới dụ các hào mục và sĩ dân ở Gia Định khuyên họ đứng ra mộ quân để đợi thời cơ. Mùa đông năm đó, quân Pháp vây hãm Biên Hòa, ông bèn tới Tân Hòa để cùng Phó Lãnh binh Trương Định đem quân đến chiếm giữ những chỗ hiểm yếu để chống cự  (Đại Nam chính biên liệt truyện, đệ nhị tập, quyển 31).

Tự Đức năm thứ 15 (1862), triều đình Huế nhu nhược, đầu hàng giặc, ký Hòa ước và lệnh bãi binh, điều ông về kinh đô Huế thăng chức Tham tri bộ Hộ, bổ ông giữ chức Tuần phủ Nam Định. Lần này ông khéo léo nhưng kiên quyết từ chối, đưa ra những lời lẽ yêu nước rất thắm thiết để phản đối triều đình cắt đất cầu hòa: “Ngày thần ra về, kẻ sĩ và nhân dân đón chật đường mà nói rằng: “Từ nay cha bỏ con, quan bỏ dân, quan về quan lại làm quan, còn dân thì không được làm dân của triều đình nữa”. Tiếng khóc nghẽn đường, thần cũng phải gạt nước mắt ra đi. Trộm nghĩ, thần tầm thường, kém cỏi, không tài cán, nhưng lần này quanh quẩn với dân vốn không dám nghĩ đến ngày được sống trở về. Nay thần được gọi về triều đình, còn nghĩa dân thì không được gọi về triều đình mà góp sức đóng của nữa, không biết đặt mình vào đâu. Như thế là thần trên phụ triều đình, dưới phụ trăm họ rõ ràng không thể chối cãi được. Nếu thần lại nhận chức ở Nam Định thì đối với nhân dân Gia Định biết nói sao đây? Đối với công luận thiên hạ, biết thế nào? Thần còn chút lòng biết xấu hổ nên cúi xin (Thượng hoàng) tha cho về vườn ruộng để cho hả cái nỗi phẫn oán của nhân dân và còn giữ được tiết liêm xỉ của kẻ hạ thần”.

Vua xem xong lời tâu, và cho triệu kiến dụ rằng: “Trẫm đã biết lòng nhà ngươi là Đỗ Quang, mà ngươi là Đỗ Quang cũng nên biết bụng trẫm, không nên như thế”. Tờ sớ giao cho bộ Các giữ. Gặp lúc quê mình ở Hải Dương có quân thổ khấu làm rối loạn, mẹ Quang và gia quyến phải lánh nơi khác, Tổng đốc Nam Định là Nguyễn Đình Tân dâng sớ kể tình trạng, vua sai hậu cấp cho rồi cho về thăm mẹ và cho bạc cùng thuốc men. Quang đón mẹ về làng, rồi liền đó cáo lệnh được chỉ hậu cho.

Mùa đông năm sau tới kinh, được thự Tham tri bộ Hộ, vua nói: "Đỗ Quang ngày nay đổi khác không như trước, và chí khí người trượng phu có nhầm lẫn về sáng như thu công về chiều, vậy ngày xây dựng công nghiệp còn nhiều, người chớ lấy đó mà nhụt chí, nên cố gắng lên”.

Tự Đức năm thứ 17 (1864), Quang làm thự Tuần phủ Bắc Ninh vào bệ từ. Vua dụ rằng: "Ngươi vốn có khí tiết, hễ gặp việc phần nhiều hay tranh chấp lý luận, nhưng việc có kinh, có quyền, không nên cố chấp, phải khả thủ thương lượng, châm chước mới được việc”. Rồi đổi thự Tham tri bộ Binh, kiêm Hữu phó đô ngự sử ở viện Đô sát, sung Tham tán quân vụ Hải An quân thứ, lại thự Tuần phủ Lạng Bình, rồi mắc bệnh xin giả hạn. Rồi có chỉ đổi Hộ Tuần phủ tỉnh Bắc Ninh. Vua bảo Đỗ Quang từ khi Nam Kỳ trở về đến nay, thường vin là bất tài, vô dụng, không từng làm được một việc gì, ý thường như bất mãn, muốn nghỉ việc về hưu, trẫm thường răn bảo, giao bộ theo chỉ, sức cho gấp chữa bệnh, để chóng khỏi tới nhận chức, rồi theo lời tới tỉnh Bắc làm việc.

Tự Đức năm thứ 19 (1866) việc ngoài biên đã cáo xong, lại dâng sớ trần tình xin nghỉ, được sắc ủy lạo lưu lại vào bảo: “ý trẫm gấp dùng người, mà ngươi cứ lấy tình riêng làm rườm tai ta mãi, lòng ngươi có yên không”. Lại gia cho ban thưởng và nói: “biết ngươi tình cảnh thanh bần nên ban cho”. Được hơn tháng, bệnh nặng thêm, cho về nghỉ, về đến nhà rồi chết, thọ 60 tuổi. Tin cáo phó tới tai vua, vua dụ rằng: "Đỗ Quang ra làm quan 30 năm có lẻ, thanh bạch, trung chính, chăm chỉ, cẩn thận, được tiếng trong ngoài, trước đây ở Nam Kỳ dẫu gặp gian nan vẫn giữ một tiết, kịp tham tán quân vụ ở Hải An tỏ có công lao. Hàng năm tới nay nhân ngoài biên có báo động nên đặc cách khởi phục còn trong khi có lệnh để vỗ yên nơi trọng khẩn, không ngờ lệnh thê ngày thêm, bèn cho nghỉ việc về làng. Ta vẫn nghĩ tới người, đương lúc cần dùng không may vội chết, thực là đau xót", cho truy tặng Lễ bộ thượng thư, còn con đợi chỉ sẽ lục dụng, lại ban lộc cho mẹ để sinh sống và sai hữu tư thình tới hỏi thăm. Em Quang là Vinh cũng đỗ Hương tiến”. (Đại Nam chính liên liệt truyện).

Triều đình Huế ban chế rằng: "Cố Tuần phủ Đỗ Quang nổi danh khoa giáp, rạng rỡ hàng quan. Trong triều, ngoài triều, từng trải đã lâu, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng từ Nam ra Bắc mấy bận bôn ba, vất vả, tận tụy, khổ ải gian nan , người người ca ngợi”.

Ngoài các chức tước đã phong, nhà vua còn phong ông tước "Tự thiện đại phu”. Dân làng Phương Điếm lập đền thờ ông, sau tôn ông làm Thành hoàng, thờ cùng Nguyễn Chế Nghĩa (phò mã nhà Trần).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:24:33 pm »

TRẦN XUÂN HÒA

Trần Xuân Hòa người tỉnh Quảng Trị, là con Trần Tuyên, nguyên Bố chính tỉnh Vĩnh Long. Trần Xuân Hòa đỗ cử nhân năm 1847 được làm Tri phủ, lại là con quan, nên thường gọi là Phủ Cậu.

Tháng 2/1861, Đại đồn Chí Hòa bị quân Pháp tấn công. Trần Xuân Hòa hăng hái đứng ra mộ nghĩa dũng đánh giặc Pháp ở Định Tường. Ông thường dùng chiến thuật phục kích để tiêu diệt sinh lực giặc. Ông chỉ huy đánh thắng quân Pháp nhiều trận trong đó có 6 trận lớn giết nhiều lính Pháp và lính mã tà.

Do ông đánh giặc lập được nhiều thành tích ông được triều đình thưởng hàm Thị độc học sĩ. Trần Xuân Hòa chủ yếu hoạt động ở vùng Cai Lậy, lập Tổng hành dinh ở vùng Thuộc Nhiêu và Nhị Quy đánh phá các đồn lính Pháp. Quân của ông hoạt động mạnh mẽ, tiêu diệt nhiều sinh lực Pháp, tên Đại tá Hải quân Pháp phải thân cầm quân đi đánh. Quân Pháp đem quân đánh chiếm các xứ Mỹ Trang, Bang Lềnh thuộc tỉnh Định Tường, Trần Xuân Hòa dàn quân chống đánh quyết liệt. Song thế giặc mạnh quân ta phải rút lui.

Ngày 6/1/1862, Trần Xuân Hòa chuẩn bị đi đánh đồn Cái Bè, nhưng bị quân Pháp dưới quyền chỉ huy của đại úy hải quân Rieuner bao vây ở Cái Bè và Cai Lậy, ông bị bắt rồi bị xử giảo ngày hôm sau (7/1/1862). (1)

Có nhiều thơ văn ca ngợi ông, viếng ông. Sau đây là bài:

MỘ PHỦ CẬU Ở THUỘC NHIÊU

Qua chơi ta nhớ nghiệp tiền triều,
Nghĩa sĩ mộ còn cách Thuộc Nhiêu.
Huỳnh thổ một gò nên thạch trụ (2)
Bạch vân mấy thức lộng hà kiều (3)
Kiếp căn thần tử tuy dày mỏng,
Nần nợ quân vương trả ít nhiều
Giận chẳng ngờ Tây dương nắng mộ (?)
Can thành (4) đầu mất khí nào tiêu.


II

Tiêu tán binh rồi xác thịt chôn,
Ngàn thu chỉ có liệt oanh tồn
Bia danh ái quốc bia còn dựng,
Dấu ngựa Cần vương dấu đã mòn
Bắc khuyết (5) cỏ cây còn lã chã,
Đông lâu ve đố cũng thon von!
Tôi con đâu cũng tôi con vậy,
Kẻ ấm lương đăng kẻ lạnh hồn. (6)






-------------------------------------------------------------------------
(1) Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, viết ngày 6 tháng Giêng năm 1862 Phú Cậu, thủ lĩnh nghĩa quân bị sa vào tay giặc.
(2) Một gò đất vàng nhô lên như cái cột đá giữa dòng nước cháy.
(3) Đám mây trắng lồng bóng xuống nước dưới cầu.
(4) Can thành: Người tướng có tài ngăn giặc giữ nước như cái mộc che binh khí, cái thành chống giặc.
(5) Cửa khuyết ở phía bắc, chỉ nơi vua ở
(6) Tác giả có ý trách cũng là tôi con nhà vua mà kẻ được hương khói, người thì mồ mả vắng lạnh.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:27:56 pm »

ĐỖ THÚC TĨNH

Đỗ Thúc Tĩnh tự là Cấn Trai, sinh năm Mậu Dần (1818). Tổ tiên người Quảng Ngãi. Cha là Như Tùng, nhân theo cha mà nhập tịch ở làng La Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông do chân tú tài mà làm Tri huyện An Định. Thúc Tĩnh từ nhỏ, mồ côi cha, nhà nghèo mà chăm học, thờ mẹ và tôn trọng anh, cẩn thận, có tiếng hiếu hữu. Tự Đức năm đầu (1848) đỗ tiến sĩ được bổ Biên tu, thự Tri phủ Thiệu Hóa, sau đổi về Diên Khánh. Bấy giờ Diên Khánh đất bỏ hoang, dân hao mòn. Thúc Tĩnh tìm mọi cách vỗ về, mộ dân phiêu tán đến, cấp cho đất ở, làm nhà cửa, cấp cho điền khí, kẻ ốm đau thời thuốc thang, kẻ đói rét thời khẩn cấp, được người ta gọi là Đỗ Phụ (1).

Năm thứ 7 (1854), có Chỉ gọi về làm Giám sát ngự sử, nhưng dân ái mộ, triều đình giữ lại cho địa phương và thăng hàm thự Thị độc, lưu giữ ở địa phương để hoàn thành việc lập ấp an dân. Chưa được bao lâu lại xuống chiếu bổ viên Ngoại lang Binh bộ. Quan tỉnh thấy việc mộ (dân) lập (ấp) đã sắp xong, xin cho lưu lại làm nốt. Vua dụ rằng: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm cần cán vào hạng nhất trong hàng phủ huyện, cho thực thụ thị độc vẫn lưu lại đấy làm việc để khuyên khích cho những viên quan tốt". Thế rồi việc mộ dân lập ấp thành hiệu, được 143 người và 241 mẫu ruộng. Quan tỉnh đem việc tâu lên, được cất lên Hồng lô Tự khanh. Rồi qua Án sát Khánh Hòa, chuyển sang Bố chính, sau lại đổi về biện lý Binh bộ.

Năm Tự Đức thứ 14 Tân Dậu (1861), Gia Định, Định Tường nối nhau thất thủ, Thúc Tĩnh dâng sớ xin đi vào Nam dẹp giặc. Vua khen là người trung nghĩa khảng khái, cho sung Khâm sai mang dụ chỉ đi. Lại cấp cho 30 lạng bạc, đi ngựa trạm đến 2 tỉnh Long, Hà tuyên thị cho sĩ dân và chiêu mộ nghĩa dũng, rồi hợp lực cùng Tổng đốc Trương Văn Uyển, Tuần phủ Phan Khắc Thận thương biện việc quân. Phàm mọi việc được tùy tiện mà làm: Binh lương cho phép trù định lấy, viên biền, cho phép cắt đặt lấy, lính dõng cho phép tổ chức huấn luyện lấy, tiền thóc, cho phép quyên phát lấy, đến như tướng sĩ, ai có công, được khen thưởng, sợ hãi rút lui, được chém đầu đem rao để thị uy. Đặc biệt ban cho quyền trọng như vậy để mong công việc có thành hiệu. Sau chuẩn cho lĩnh Tuần phủ Định Tường. Thúc Tĩnh dâng sớ xin triệu tập binh sĩ, tích trữ lương, chọn chỗ hiểm lập đồn luyện quân để phòng lúc đánh, lúc giữ. Lại xin thuê những người Tây Dương và người Thanh hiện ở Gia Định để làm nội ứng mặt thủy, mặt bộ. Vua nghe lời và dụ rằng: "Thúc Tĩnh tiết tháo xem xét tình hình, trù nghĩ phương lược, mọi khoản đều hay. Hiện nay triệu tập binh dõng, tích trữ tiền, lương đều kể có hàng vạn. Tuy còn đương lắng chờ cơ hội, chưa thể vội vã đem dùng, nhưng vì nước làm việc như vậy tin là có lòng trung thành mưu tính sâu xa. Thương tình nhà ngươi vất vả, cho thăng thự Lại bộ thị lang vẫn lĩnh chức cũ”.

Năm thứ 15 (1862) Thúc Tĩnh chết.

Ông là người khảng khái, dũng cảm thao lược, có chí mà chưa đạt, vua rất lấy làm tiếc, truy tặng Tuần phủ và gia cấp cho gấm lụa bạc tiền. Con là Hữu Điển được ấm thụ chức Tư vụ, thăng mãi đến Tri phủ Ninh Hòa.

(Quốc sử quán triều Nguyễn -
Đại Nam chính biên liệt truyện, -
Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn)
.





---------------------------------------------------------------------
(1) Đỗ Phụ đời Tấn (Trung Quốc) làm quan ở Tương Dương dẫn nước sông vào tưới cho hơn vạn khoảnh ruộng. Dân được nhờ ơn, gọi là Đỗ Phụ (theo Từ Hải).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:30:50 pm »

NGUYỄN NGỌC THĂNG

Nguyễn Ngọc Thăng sinh năm 1798, con cụ Nguyễn Công và cụ Trần Thị Kiêm, quê tại ấp Giồng Keo, làng Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông hiếu học lại thông minh nên trong khi học chữ nho vẫn đến các lò võ trong vùng để học võ.

Ông đăng lính vào thời vua Thiệu Trị. Nhờ biết võ nghệ, huấn luyện tốt quân sĩ, củng cố đồn lũy vững chắc, ông được thăng Cai cơ. Đầu năm Tự Đức nguyên niên (1848), ông được thăng Lãnh binh.

Ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm các pháo đài bảo vệ thành Gia Định từ xa. Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng không chờ lệnh mà đem quân cấp tốc đi ứng cứu. Nhưng trước sức mạnh của đại bác, tàu chiến, súng bắn nhanh quân Pháp đã chiếm được hết các pháo đài và cửa biển Cần Giờ. Quân giặc theo đường sông tiến sát tỉnh thành rồi đổ bộ đánh phá. Đến 10 giờ sáng ngày 17/2/1859 thành Gia Định vỡ.

Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng được lệnh đóng giữ đồn Cây Mai. Ngay lập tức ông đã điều động quân lính và nhân dân xây dựng hệ thống phòng thủ, đắp lũy thêm cao, đào hào thêm sâu, bố trí lực lượng phòng thủ ở những vị trí xung yếu. Đội quân của Nguyễn Ngọc Thăng đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Nhưng do quân Pháp có ưu thế về quân binh, vũ khí, nên sau một thời gian cầm cự, lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng phải bỏ đồn rút về Gò Công, khi đó vẫn thuộc phủ Tân An, tỉnh Gia Định.

Khi chủ tướng Trương Định hy sinh trong mặt trận tập kích bất ngờ do tên phản bội Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) dẫn quân Pháp vào bao vây, đánh úp, Nguyễn Ngọc Thăng tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở hữu ngạn sông Soài Rạp cho đến cửa Tiểu, thuộc Gò Công. Trong nhiều trận đánh ông đã phối hợp với nghĩa quân do Trương Quyền, con của Trương Định chỉ huy hoạt động ở vùng Tây Ninh và nghĩa quân do Thiên hộ Dương chỉ huy chiến đấu ở vùng Đồng Tháp Mười.

Ngày 27/6/1866, trong một trận giao chiến với quân Pháp, Nguyễn Ngọc Thăng trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân lợi dụng đêm tối, dùng ghe đưa về quàn ở tỉnh Mỹ Lồng, bên cạnh mé sông để nhân dân trong vùng đến điếu phúng. Mộ ông đặt tại một con giồng nhỏ ở Mỹ Lồng thuộc làng Mỹ Thạnh. Sau khi ông mất, vua Tự Đức phong sắc, áo, mão và một thanh gươm. Những di vật này đặt tại ngôi miếu thờ ông ở ấp Giồng Keo bị hư hỏng trong chiến tranh và thất lạc.

Ông còn được thờ ở đình làng Nhơn Hòa, nay thuộc phường Cầu Ông Lãnh (quận I, thành phố Hồ Chí Minh) và tại đình làng Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Hàng năm vào dịp lễ Cầu Yên, tại hai nơi này đều tế lễ long trọng để ghi nhớ công ơn người anh hùng chống Pháp.






THÂN VĂN NHIẾP

Thân Văn Nhiếp sinh năm 1804, người xã Yên Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông đỗ Hương cống khoa thi Hương năm Tân Sửu. Thiệu Trị thứ nhất (1841) tại trường thi Thừa Thiên. Ông được Hậu bổ Khánh Hòa, thăng Tri huyện Tân Định. Năm 1858 ông đang làm Bố chính Quảng Nam thì liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, quân ta bị thiệt hại nặng nề, ông bị cách chức.

Quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông sung chức Tham biện cơ mật, giữ chức Hiệp tán quân vụ Biên Hòa, ông tổ chức lực lượng nghĩa quân giúp Tổng đốc Biên Hòa đánh Pháp.

Ngày 16/12/1861, quân Pháp tấn công tỉnh thành Biên Hòa, Thân Văn Nhiếp đã cùng quan tỉnh Biên Hòa chống đánh kịch liệt Song thế giặc mạnh cả về binh lực và vũ khí, ngày 18/12/1861 tỉnh thành Biên Hòa thất thủ, quân triều đình rút về rừng núi Phước Tuy.

Ít lâu sau Thân Văn Nhiếp nhận lệnh vua đi xem xét địa thế các châu thuộc khu vực Quảng Trị để chuẩn bị căn cứ chống Pháp lâu dài. Sau ông thăng Tham tri bộ Binh, năm sau thăng Tuần phủ, Hộ lý Tổng đốc Bình Định - Phú Yên. Ông đã làm sớ khuyên vua Tự Đức nên bãi bỏ mọi việc ăn chơi, làm hao tổn tiền bạc của nước, kiệt quệ sức lực của dân; nên chăm lo việc dân việc nước.

Ngày 24/12/1865, một nhóm nghĩa quân do các phó tướng là ông Rồng, ông Được, ông Long tấn công đồn Cai Lậy, thiêu hủy nhiều căn nhà, chỉ có 25 tên lính tập giữ đồn chống trả mãnh liệt nên nghĩa quân phải rút lui.

Ngày 01/5/1868 một nhóm nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Thân Văn Nhiếp đột kích thành phố Mỹ Tho, tấn công kho lương thực, hạ sát người giữ kho.

Năm 1870, Thân Văn Nhiếp được thăng Tổng đốc Bình Định, Phú Yên. Ông chăm lo bố phòng, chuẩn bị kháng chiến, lập căn cứ ở nơi có địa hình hiểm trở, trang bị vũ khí hiện đại để chống đánh giặc có hiệu quả. Năm 1872, ông đang khẩn trương chuẩn bị chống giặc Pháp khi chúng từ Nam Kỳ đánh ra miền Nam Trung Kỳ, thì bị ốm chết, được truy phục nguyên hàm Tổng đốc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:34:53 pm »

HỒ HUÂN NGHIỆP

Hồ Huân Nghiệp tên chữ là Thiệu Tiên, Thiệu Thiên, sinh năm 1828, người làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Trương Định gửi giấy cử Huân Nghiệp giữ chức Tri phủ Tân Bình. Huân Nghiệp cố từ chối không nhận vì nhà có mẹ già. Nghĩa hào hai huyện Bình Dương, Tân Bình lại gửi cho Hồ Huân Nghiệp một bức thư trong đó có đoạn: "Trong khi quốc gia lâm nạn, trượng phu ắt phải vì nước quên nhà. Vậy ông là người xứng đáng làm tiên hiền cho cả binh dân, lẽ nào chỉ hiếu mà bỏ trách nhiệm non sông".

Hai bạn thân của ông là cử nhân Lê Xuân Khánh và tú tài Phan Như Châu đều khuyên ông ra gánh vác việc nước. Hồ Huân Nghiệp tạm nhận để việc binh, việc dân có kẻ chủ trương. Buổi ấy, hạt Gia Định bị giặc Pháp chiếm, quan lại phủ, huyện do Trương Định đặt ra đều ẩn náu trong nhà dân mà làm việc. Huân Nghiệp đã nhận việc điều động binh lính tiếp tế cho Trương Định. Nhờ có nguồn lương thực dồi dào đó mà nghĩa quân ăn no đánh thắng. Tân Hòa thất thủ, ông không nao núng, vẫn bí mật làm việc như cũ.

Ngày 12/3 năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức 17 (17/4/1864), giặc Pháp bắt được ông, giải về huyện lỵ cũ Tân Bình. Bọn Tây tra hỏi Huân Nghiệp tên những người cầm đầu nghĩa quân, nhưng ông không trả lời. Chúng còn hỏi Hòa ước đã định, sao còn sinh sự hại dân. Ông khảng khái cãi lại. Bọn Pháp không làm sao cho ông thua lý được. Chúng đem ông ra chém. Tên cố đạo biết chữ Hán thấy Huân Nghiệp là một người nho học, muốn tìm cách làm cho ông được tha, hắn đem giá chữ thập ra bảo ông lạy, ông không chịu khuất, lấy giá chữ thập vứt xuống đất.

Đến lúc sắp phải hành hình, Hồ Huân Nghiệp rửa mặt, sửa khăn áo rồi ung dung dọc bốn câu thơ:

LÂM HÌNH THỜI TÁC

Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi
Thử thân sinh tử hà tu luận
Duy luyến cao đường bạch phát thùy


Dịch thơ:

LÀM LÚC SẮP BỊ HÀNH HÌNH

Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ
Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ
Thân này sống chết khôn màng nhắc
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ
. (1)

Ông bị giặc Pháp chém, ai thấy cũng xót xa.

Nguyễn Thông trong Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX có viết rằng:

“Phan Văn Đạt xướng nghĩa đầu tiên, thân chịu chết để giữ trọn điều nhân. Trương Định bị thua, chạy trốn, thu thập tàn quân, chiếm cứ Tân Hòa, bỏ mình vì nghĩa. Ví thử khi Gia Định chưa mất được cầm quyền binh nhờ quốc oai và địa thế thì mưu lược sắp đặt há chỉ có thế mà thôi đâu. Còn Hồ Huân Nghiệp ở nhà thờ mẹ, gặp thời loạn lạc không thể không đạt được chí muốn của mình. Nhưng bài thơ ông làm khi ông lâm chung, lời nói mạnh mẽ. Thật đúng là bậc trượng phu tiết nghĩa.

Từ khi người Tây gây biến ở lục tỉnh, sĩ phu và dân chúng liều mình đứng lên, khẳng khái chịu chết kể không xiết được, như Đỗ Trình Thoại (2) ở Tân Hòa, Nguyễn Lịch ở Tân An đều là những tấm gương chói lọi. Còn như ở chốn làng xa, ngõ hẻm, những trinh phụ, liệt nữ trọng nghĩa không chịu ô nhục, chống giặc đến chết, chính tôi biết được có hơn chục người. Tiếc rằng thời thế đổi đời, đường xá cách trở, sự tích không sao biết rõ được.

Than ôi! Người ta đang cơn loạn lạc, hầu dễ mấy ai chịu quyên sinh để giữ vững khí tiết. Thế mà những người nêu cao được tiết tháo nhưng việc làm lại bị che lấp, không ai biết mà truyền lại, cho nên không được triều đình ban khen. Cũng trong đám người trọng nghĩa mà có người may, người không may, đáng thương lắm thay!”.






-----------------------------------------------------------------------
(1) Ca Văn Thỉnh - Bảo Định Giang dịch- (Thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, NXB Văn Hóa, 1962).
(2) Đỗ Trình Thoại: đậu cử nhân đời Triệu Trị, làm Tri huyện Long Thành bị cách Về nhà. Quân ta thua ở Gia Định. Tây chiếm Tân Hòa, Thoại chiêu mộ quân dân đánh đồn giặc, bị tử trận.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:40:22 pm »

PHAN VĂN ĐẠT

Phan Văn Đạt tên chữ là Minh Phủ, sinh năm 1828, cha là Phan Văn Mỹ, người thôn Bình Thạch, huyện Tân Thạnh, Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Thuở nhỏ Phan Văn Đạt thông minh, học giỏi, thông hiếu kinh sử, sở trường về thư từ và có phong cách như người lớn. Năm 1848, ông đậu cử nhân tại trường thi Gia Định (có sách viết ông đậu cử nhân năm Canh Thân - 1860). Nhà ông nghèo, không có tiền ra kinh đô Huế để bổ nhiệm làm quan. Bạn bè phải giúp đỡ mới có tiền lệ phí. Ông ở Huế một thời gian thấy quan lại đều là bọn đục khoét dân, xu nịnh, nên ông bỏ quan về quê làm thuốc và dạy học.

Tính tình ông ngay thẳng, không quỵ lụy bọn quan lại, nên được mọi người kính mến. Dân làng có chuyện xích mích đều đến nhờ cậy phân xử. Vì vậy mọi người dân bảo nhau: "Sợ chênh lệch thì nhờ mặt cân, muốn hết tranh giành thì nhờ ông Phan”.

Năm 1859 quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, ông căm thù chúng, nhưng còn cha già nên đành ở nhà phụng dưỡng, lo tròn chữ hiếu.

Tháng 3 năm Tự Đức 14 Tân Dậu (1861), thân phụ ông qua đời, ông bảo các bạn: “Việc riêng của tôi thế là xong. Từ nay về sau tôi sẽ tùy theo tạo hóa vần xoay”.

Cũng thời gian đó, tỉnh thành Thuận Hóa thất thủ, quan quân triều đình lui về giữ Biên Hòa. Phan Văn Đạt cùng với người cháu họ bên ngoại là Trịnh Quang Nghị và hương thân Gia Định là Lê Quang Dũng khởi binh đánh Pháp. Trai tráng các huyện theo về rất đông, ông chia quân đóng giữ phía nam Biện Kiều, thôn Bình Thạnh, Gia Định. Tại đây ông ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân chống Pháp. Tiếng tăm của ông vang dội, người các huyện Bình Dương, Tân Lập, Tân Long, Tân An, Tân Hòa nổi dậy hưởng ứng rồi gia nhập nghĩa quân của ông.

Khi Phan Văn Đạt mới khởi binh, thế lực còn yếu, lại thấy quan quân của triều đình đóng ở Biên Hòa không tiến đánh, nên bàn với nhau đóng quân ở nơi hiểm yếu chờ cơ hội. Vì nghĩa quân để mất thế chủ động, nên ngày 16 tháng 7 năm Tân Dậu (1861), tướng Pháp là Ba Xu đóng đồn ở phủ Tân An dò biết tình hình liền đem quân về đánh úp Biện Kiều. Phan Văn Đạt, Lê Cao Dũng cùng 6 nghĩa quân bị bắt, Lê Quang Nghị đóng đồn ở Ô Khê (Tây Nam Biện Kiều) cũng bị quân Pháp tập kích, ông cố sức đánh phá vòng vây chạy thoát.

Giặc Pháp dùng cực hình tra tấn Phạm Văn Đạt, Lê Cao Dũng và 6 nghĩa quân. Song các ông không hề run sợ, không khuất phục, ông bảo với bẩy anh em: "Tôi thì chắc chết, còn các anh thì không can gì. Nhờ các anh em nói lại với các bạn đồng tâm nên cố sức cho thành công".

Thấy ông can trường như vậy, tên chỉ huy Pháp lấy làm lạ, hỏi tên thông ngôn. Tên này trỏ vào Phan Văn Đạt nói rằng: “Người này là hiệt kiệt nhất trong Đảng, nên bắn phứt đi cho rồi!" .

Vì thế Phan Văn Đạt bị hành hình, chúng tàn bạo lấy móc sắt móc vào cổ họng ông treo lên cột buồm tầu của chúng tại Vũng Gù (Tân An) suốt ba ngày cho đến chết. Năm đó ông mới 34 tuổi. Nhân dân vô cùng thương xót: đốt vàng mã, cúng tế ông. Bà chị ông Trần Quang Nghị sai người tìm được thi hài ông đưa về chôn cất ở phía nam Biện Kiều, nơi ông khởi nghĩa.

Tháng 9 năm Tân Dậu (10/1861), vua Tự Đức truy tặng ông hàm tri phủ, trật tòng ngũ phẩm và cho nhân dân lập miếu thờ.





ĐẶNG VĂN TÒNG

Đặng Văn Tòng là con ông Đặng Văn Trước, người tỉnh Bình Định theo cuộc Nam tiến vào Bến Đồn. Ông có công lập ra làng Gia Lộc, tham gia chống quân Cao Miên xâm lược, trở thành tiên hiền làng Gia Lộc, được nhân dân lập miếu thờ.
Đặng Văn Tòng chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp từ khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Ông được phong là Lãnh binh. Ông liên kết với Lãnh binh Két khởi nghĩa ở Long Giang, Gò Dầu, nay là quận Hiếu Thiện đánh nhiều trận lớn.
Khi Thống đốc Nguyễn Tri Phương được triều đình cử về chỉ huy đại đồn Chí Hòa, đã giao cho ông chỉ huy một trong năm điểm tựa bảo vệ chiến lũy Biên Hòa.

Khi đó quân Pháp đang đi thăm dò, điều tra sự bố phòng của quân ta ở chiến lũy Chí Hòa. Nghĩa quân tăng cường tuần tra tiêu diệt các toán thám báo này.

Ngày 15/10/1860, nghĩa quân bắn bị thương tên đại úy hải quân Harmand khi hắn đi tuần bằng thuyền trên sông Thị Nghè. Cũng trong tháng 10/1860, quân ta lại phóng lao giết chết tên đại úy thủy quân lục chiến Barhe lúc hắn cưỡi ngựa đi tuần ở chùa Hải Tường. Tên Đại tá D'Arière vô cùng lo lắng vì bị quân ta bao vây khống chế. Song Nguyễn Tri Phương chỉ thế thủ, nếu khi đó ông tiến công quân Pháp thì cầm chắc thắng lợi trong tay và cục diện chiến trường Nam Kỳ sẽ đảo ngược.

Ngày 25/10/1860, mặt trận Hoàng Hải (Trung Quốc) kết thúc bằng một Hiệp ước, từ đó quân Pháp được rảnh tay. Tên Đề đốc Charur được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp đi cứu quân của Đại tá D'Arière bị vây khốn ở Gia Định.

Ngày 7/2/1861, một lực lượng lớn quân Pháp từ Trung Quốc kéo về có 2 hộ tống hạm L'Impératrice Eugénee, Remommer, 4 hộ tống hạm hạng nhẹ, 16 thông báo hạm, 17 quân vận hạm, 1 tầu bệnh viện và một số thuyền buồm với 3.000 quân về tới Gia Định.

4 giờ sáng ngày 24/2/1861, quân Pháp bắn đại bác vào 5 vị trí điểm tựa, trong đó có vị trí do Lãnh binh Đặng Văn Tòng chỉ huy và đồn lũy Chí Hòa. Quân ta phản pháo song vô hiệu vì tầm bắn không tới tầu chiến đậu ngoài biển và pháo đặt ở chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước.

Chiến lũy điểm tựa vỡ, Đặng Văn Tòng cho quân rút về chiến lũy Chí Hòa. Quân ta quần nhau với quân Pháp từ 9 giờ sáng đến 18 giờ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, song quân ta bị tổn thất nặng nề. Ngày hôm, sau quân Pháp tiếp tục tấn công, hơn 1.000 quân sĩ ta tử trận, xác để lại chiến trường, chỉ đưa được thương binh đi. Quân Pháp chết 1 quan 5 Tây Ban Nha, 4 sĩ quan cao cấp, 121 hạ sĩ quan, 1805 binh lính chết trận. Song quân ta tổn thất nặng nề hơn: Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, Nguyễn Duy tử trận. Đại đồn Chí Hòa thất thủ.

Lãnh binh Đặng Văn Tòng chạy tới Tha La thì bị Việt gian chỉ điểm cho giặc Pháp bắt. Chúng đầy ông sang đảo Guy Am và ông chết ở đó.

Lãnh binh Đặng Văn Tòng có 10 người con đều tham gia chống Pháp, trong đó có 4 người tham gia Thiên Địa hội bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Hai người kết bè trốn thoát, hai người bỏ xác ngoài đảo trong đó có anh Đặng Văn Thoại.

Họ Đặng bị giặc Pháp gán cho tội làm giặc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2011, 03:49:10 pm »

PHẠM PHÚ THỨ

Phạm Phú Thứ sinh năm Canh Thìn (1820) trong một gia đình nhà Nho, thuộc hàng thế gia, đời đời có người đỗ đạt, làm quan. Quê ông ở làng Đông Bàn, nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông có tư chất thông minh từ nhỏ, 5 tuổi đã đi học, chăm học. Năm lên 8 tuổi, mẹ mất, ông được cha nuôi nấng chu đáo, cho học hành đến nơi, đến chốn. Năm Nhâm Dần (1842), ông 23 tuổi, thi Hương đỗ đầu. Năm Quý Mão (1843), ông 24 tuổi, thi Hội đỗ Tiến sĩ. Vua Thiệu Trị đổi chữ Thứ là rộng lượng sang chữ Thứ là đông đảo. Từ đó ông dùng tên là Phạm Phú Thứ, tự Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, Trúc Ân.

Ban đầu ông từ ngạch Hàn lâm viện thụ hàm Biên tu được bổ làm Tri phủ Lạng Giang (Bắc Ninh). Năm năm sau, dưới triều Tự Đức, ông được thăng Hàn lâm Thị độc. Sau được sung vào chức Kinh diên Khởi cư trú.

Phạm Phú Thứ không ngần ngại phê phán các quan trễ nải việc nước, tham nhũng. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) bấy giờ nhân mưa rét, thấy nhà vua nào là bãi triều, nào là nhà Kinh diên cũng ít ra ngự. Phú Thứ dâng sớ can ngăn, phê phán vua ham chơi, lơi lỏng việc triều chính song ông lại bị cách chức, kết án khổ sai, đầy đi cắt cỏ ngựa ở trạm Bưu chính Thừa Nông (Huế). Một năm sau, do bà Từ Dũ khuyên can vua, ông mới được phục hồi chức Hàn lâm viện rồi đi công cán ở Quảng Đông (Trung Quốc). Tại đây ông tiếp xúc với sách báo phương Tây, thôi thúc ông phải cải cách kinh tế lạc hậu, bế quan tỏa cảng của triều đình Huế. Cũng trong dịp ở Quảng Đông, ông được chứng kiến phố phường ở đây đang đẩy nhanh tốc độ phát triển công thương nghiệp. Nhìn sang Ma Cao, nhượng địa của Anh quốc đã nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại quốc tế. Cửa hàng, cửa hiệu san sát, ống khói các nhà máy vươn cao, nhả khói lên bầu trời. Phố xá tấp nập, trên bến, dưới thuyền. Các hoạt động kinh tế sôi động biểu thị của sự ấm no, hạnh phúc trái ngược hẳn với không khí im lìm, lặng lẽ của xứ Huế.

Nhìn quang cảnh náo nhiệt của xứ người, ông càng thấy Việt Nam muốn giàu mạnh, muốn tự cường thì phải mạnh dạn xóa bỏ quan điểm thủ cựu của triều đình Huế, phải giao lưu với thế giới, phải tiếp nhận nền khoa học kỹ thuật tiên tiến của châu Âu.

Đi sứ về, ông chưa đề đạt những kiến nghị lên vua được, ông được bổ làm tri phủ Tư Nghĩa. Ở đây dân rất nghèo, ông khuyến khích nhân dân khai hoang, đắp đập, đào mương. Ông khuyến khích các làng xã lập kho nghĩa thương để trợ giúp nhau khi đói kém. Sau đó ông được điều về kinh làm viên ngoại lang bộ Lễ. Gặp lúc quân Man ở Vách đá nổi loạn, vua thấy ông trước đã làm quan ở Tư Nghĩa, nên phái theo quân đánh dẹp. Việc thành công, năm 1856, ông được cử làm Án sát Thanh Hóa.

Điều tâm huyết của ông từ khi đi công cán ở Quảng Đông, mãi đến khi ông làm Án sát Thanh Hóa mới có cơ hội thực hiện. Ông khuyến nghị với triều đình Tự Đức tổ chức đóng tầu, thuyền vận tải. Ông chỉ đạo đóng chiếc tầu bọc đồng mang tên Thụy Nhạc, hoàn thành trong một thời gian ngắn.

Năm 1858, Phạm Phú Thứ được bổ nhiệm làm Án sát tỉnh Hà Nội. Ông đã dâng sớ lên triều đình đề đạt một "phương án về cải cách kinh tế, quốc phòng”.

Đầu tháng 9 năm 1858, khi nghe tin giặc Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng (1/9/1858) ông dâng sớ thỉnh nguyện triều đình xin cho tất cả các quan viên nguyên quán ở Quảng Nam hiện tại kinh đô Huế được trở về quê hương chiêu tập dũng binh chống Pháp xâm lược. Nhưng đề xuất của ông bị triều đình bác bỏ.

Năm 1859, Phạm Phú Thứ được thăng Hàn lâm thị độc đại học sĩ, giữ chức Tham biện nội các. Trên đường đi kinh lý ở miền Trung ông ghé lại quê nhà ở xã Đông Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông càng hiểu rõ nỗi khổ của nhân dân. Trở về kinh đô, ông dâng sớ lên triều đình đắp đê Cu Nhí, huyện Điện Bàn, đào kênh Ái Nghĩa ở huyện Đại Lộc, để tưới và tiêu nước và giao thông đường thủy thuận lợi. Trước nguy cơ giặc Pháp tái chiếm Đà Nẵng và các phủ huyện, ông đề đạt với các quan tỉnh Quảng Nam khẩn cấp xây dựng đồn lũy, bố phòng ở các cửa sông, các vị trí sung yếu, bổ sung và luyện tập cho dân binh có đủ năng lực chiến đấu tại chỗ.

Năm 1860 , ông được thăng Tả tham tri bộ Lại và thăng hàm Quang lộc Tự khanh.

Năm Quý Hợi (1863), Tự Đức thứ 16, ông được cử vào phái bộ của triều đình sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông. Yêu sách của sứ bộ không đạt kết quả. Phạm Phú Thứ đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi để học hỏi kỹ nghệ, tìm hiểu kỹ nghệ phương Tây về công nghiệp, nội thương, ngoại thương, giao thông vận tải đưa về nước cách tân. Từ tháng 9/1863 đến tháng 3/1864, bất cứ đi tới đâu từ La Caire của Ai Cập, đến Rôma nước Ý đặc biệt khi tới Pháp lừ Toulou đến Marseille sau đến đến Paris thủ đô nước Pháp, sau đó sang Madrid thủ đô Tây Ban Nha không một sự kiện mới lạ nào không được ông ghi chép, nhận xét đầy đủ. Riêng về công nghệ được ông quan tâm hàng đầu, ông đã đến thăm hàng chục cơ sở công nghiệp nhẹ như xưởng sản xuất giấy, đến công nghiệp nặng chế tạo máy sản xuất như máy bơm nước, máy tiện, chế tạo ô tô, tầu hỏa, tầu thủy, sản xuất súng đạn. ông cũng không bỏ qua các xí nghiệp làm phim ảnh, mạ vàng, đúc chì và cả các hiệu ảnh cùng quy trình chụp ảnh, tráng phim, rửa ảnh. Đến thăm các nhà máy, ông không coi là người tham quan, mà thực sự cầu thị, ông đã tìm hiểu kỹ cả quy mô, cấu tạo của từng loại nhà máy, quy trình sản xuất, vận hành máy móc và hiệu quả của từng nhà máy để khi nước ta có điều kiện có thể ứng dụng được Thời gian ở Ai Cập không lâu, nhưng ông đã vẽ kiểu, đo kích thước tổng thể và từng chi tiết xe trâu đưa nước vào ruộng. Ông đã đưa về Quảng Nam áp dụng, từ đó phải phát triển ra Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Những ghi chép trên, Phạm Phú Thứ in thành tập tên “Tây hành nhật ký” dày 330 trang bằng chữ Hán. Cùng với tập sách "công nghệ" này còn có tập thơ “Tây phù thi thảo” của Phái bộ. Ông đã dâng hai quyển sách đó lên vua Tự Đức. Cảm kích tấm lòng của ông đối với tương lai của đất nước, Tự Đức tặng ông hai câu thơ:

Lịch thiệp dĩ thân nam tử chí
Mẫu thời vị tất phó không chương


Có nghĩa là:

Thỏa chí nam nhi khi giao thiệp
Lo đời không chịu để tờ không.


Song các điều trần của ông cũng giống như các điều trần của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đều bị Tự Đức coi là những ý nghĩ ngông cuồng không xét đến mà vẫn bo bo giữ đầu óc thủ cựu, bế quan, tỏa cảng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM