Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:56:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam  (Đọc 160904 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #170 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:32:28 am »

LÊ VÕ

Lê Võ còn gọi là Ấm Võ, tên chữ là Ngoạn Ngọc, hiệu là Trúc Khê tiên sinh lại có hiệu là Dạt Trúc tiên sinh. Ông là con trai quan Bố chính Lê Khanh và bà Nguyễn Thị Thục.

Ông sinh năm Giáp Tuất (1871), người làng Trung Lễ (Lạc Thiện), nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Lê Võ vốn là dòng dõi con nhà tướng bốn người anh đã chết vì nước. Ông có tướng lạ: tay vượn, mày diều, mặt mũi sắc sảo. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng cùng với anh trai là Lê Trực. Năm 1887, Lê Trực tử trận ở Trung Lễ, ông được cử thay anh giữ chức Thương biện quân vụ khi còn rất trẻ.

Năm 1891, phong trào Cần vương ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị đàn áp, ông về sống ở quê, năm 23 tuổi, ông vào Huế xin khai ấm sinh nhưng vì ông tham gia phong trào Cần vương nên không được xét. Lê Võ nghe tin ở Quảng Nam có nhiều danh sĩ, liền lẻn vào Quảng Nam xin vào học quan Đốc học Quảng Nam là Trần Đình Phong. Tại đây ông kết bạn với các danh sĩ nổi tiếng như Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.

Năm 25 tuổi, ông vào Huế được tập ấm vào học ở trường Quốc Tử giám.

Năm 1905 Phan Bội Châu vào khuyên ông không nên theo con đường cử nghiệp mà nên mở một cuộc vận động lớn trong nước theo con đường Tân học. Phan Bội Châu trở ra Bắc bàn bạc với các đồng chí, Lê Võ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Kỳ vận động. Chuyến đi của Lê Võ có kết quả là cùng các ông Hội đồng Hiến, Thần Sơn Ngô Quảng đứng ra quyên góp được tới 20.000 đồng và tìm được một số đông đảo thanh niên để xuất dương. Sau khi tập hợp được các đồng chí ở cả Trung, Nam, Bắc Kỳ, Phan Bội Châu, Lê Võ lại gặp nhau và quyết định hai ông cùng Cường Để xuất dương. Kết quả chuyến đi Trung Quốc của Phan Bội Châu, Lê Võ, Cường Để đã bàn bạc với các nhà cách mạng Trung Hoa là Tôn Văn, Hoàng Hưng thành lập được trường "Đồng Văn học hiệu" ở Trung Hoa, do người Nhật quản lý, đào tạo học sinh cho Việt Nam và Trung Quốc.

Các ông phân công nhau, Phan Bội Châu lưu trú ở Đông Kinh, (Nhật Bản) sắp xếp công việc ngoại giao, Lê Võ sang Tàu và sang Xiêm cổ động Việt kiều đi học.

Lê Võ ở Xiêm La một thời gian, sau đó ông qua Lào trở về Thanh Chương (Nghệ An), ông tìm các đồng chí. Khi đó mới biết sau vụ chống thuế ở Quảng Nam - Quảng Ngãi thì "Việt Nam Duy tân hội" và "Đông du" ở trong nước bị nhà cầm quyền Pháp đàn áp, bị tổn thất nặng nề. Lê Võ lên Yên Thế Bắc Giang (trước đó Phan Bội Châu đã thảo luận với Hoàng Hoa Thám) về việc lập đồn điền "Tú Nghệ" ở Yên Thế và lập căn cứ kháng chiến ở Nghệ Tĩnh để làm thế ỷ dốc với nhau.

Song công việc tiến hành gặp khó khăn vì thiếu vốn để mở đồn điền "Tú Nghệ” ở Yên Thế, các chí sĩ ở Nghệ An người bị hy sinh, người ở trong tù nên kế hoạch lập căn cứ ở Nghệ Tĩnh cũng không thực hiện được.

Năm 1909, Lê Võ ra Bấc liên hệ với các đồng chí chưa bị bắt để tiếp tục vận động thanh niên xuất dương. Song Lê Võ bị ốm kéo dài nên phải ở lại Đại Đồng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dưỡng bệnh tới 6 tháng trời mới bình phục.

Cuối năm 1910, Lê Võ ra Hà Nội để liên lạc với các đồng chí. Ông không thể ngờ có một kẻ phản bội đã bám theo ông, ngầm báo với Pháp lập mưu bắt ông ở phố Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chúng giải ông về Nghệ An, giam ở nhà lao Vinh. Tổng đốc Nghệ An Đoàn Đình Nhân thân hành hỏi cung và tra tấn ông. Song ông kiên trinh sắt đá không hề khai ra đồng chí của mình

Lê Võ bị nhà cầm quyền Pháp và Nam triều ở Nghệ An kết án tử hình. Toàn quyền Albert Sarraut giảm án tử hình đầy ông ra Côn Đảo.
Ông bị tù 15 năm ở Côn Đảo, năm 1926 được ân xá, bị an trí ở Hà Tĩnh.

Năm 1927 ông đi khẩn hoang mở trang trại ở Công Khanh, huyện Nghi Xuân. Song những năm hoạt động bí mật và tù đầy đã làm sức khỏe ông suy giảm.

Đầu năm 1941 thì ông bị xuất huyết dạ dày, ông mất ngày 12 tháng 3 năm Tân Tỵ (Bảo Đại thứ 6-8/4/1941) thọ 68 tuổi.





N' TRANG LƠNG

N'Trang Lơng tên thực là N'Trang, vợ là Lơng, phong tục người Mơ Nông gọi tên vợ sau tên chồng, nên gọi là N'Trang Lơng, Ama Trang Lơng, Pu Trang Lơng, gốc bộ lạc Biệt. Ông sinh năm 1870 "đầu làng" của làng M' Nông. Vừa đứng lên đánh Pháp, N'Trang Lơng đã tập hợp được chung quanh mình nhiều "đầu làng", tù trưởng trong và ngoài dân tộc M'Nông.

Theo Henri Bernard và một số tác giả khác trong những năm nổ ra cuộc khởi nghĩa, đồng bào M'Nong chỉ có khoảng 3 000 người sống trên cao nguyên. Ngay từ khi mới phát động khởi nghĩa, N'Trang Lơng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền. Trong bài thơ kêu gọi dân tộc M'Nông khởi nghĩa có đoạn:

   Dân M'Nông ơi! Vùng lên đi
   Con gái đánh bằng chày giã gạo,
   Con trai cầm dao găm, giáo mác,
   Tất cả giơ lên như bông lau lách,
   Giết cho được tên Hăng ri mét đồn trưởng đồn Bát mô ra...


Hưởng ứng lời kêu gọi của thủ lĩnh N'Trang Lơng, nhân dân M'Nông, XTiêng dân tộc anh em ở Tây Nguyên đã xiết chặt đội ngũ theo thủ lĩnh N'Trang Lơng bền bỉ chống Pháp suốt từ năm 1912 đến năm 1935 và đã thực hiện được mục tiêu giết tên Hăng ri mét. Phong trào phát triển rộng rãi tới hầu hết các buôn làng M'Nông, XTiêng. Ông chia nghĩa quân làm hai lực lượng: Lực lượng tập trung, cơ động và chiến đấu tại chỗ. Ông còn tổ chức một lực lượng đặc biệt làm nhiệm vụ tuyên truyền và thám báo (Bal Ty Lah Bôn Lan). N'Trang Lơng trực tiếp chỉ huy 150 tay súng, gồm những nghĩa quân Biệt, Nông đóng tại căn cứ Bu Siết, Bu Luk. Thủ lĩnh Amprad, chỉ huy nghĩa quân R'Hong, Biệt tại căn cứ Dak Huich. Thủ lĩnh B'Heng Reng chỉ huy nghĩa quân Bunor ở căn cứ Bupa Man... Khi tác chiến các thủ lĩnh tác chiến độc lập hoặc phối hợp với các thủ lĩnh khác, hoặc do N'Trang Lơng điều động. Khi truyền lệnh từ thủ lĩnh N'Trang Lơng đến các thủ lĩnh địa phương các buôn làng về lệnh chiến đấu, giao lương, tiếp tế đều có hiệu lệnh riêng theo truyền thống của người M'Nong. N'Trang Lơng rất coi trọng công tác này, ông đã cùng vợ, con và viên đội Bal Ty Lah đến buôn Tauch là một buôn có tên Rad làm tay sai đắc lực cho tên Henri Matre, tên Rad đe dọa buộc đồng bào phải phục tùng tên Henri Matre. Sau khi N'Trang Lơng đến, dân làng đã theo nghĩa quân.

N'Trang Lơng còn tổ chức hậu cần, cứu thương rất chu đáo ở từng khu vực và riêng từng trận đánh.

Nghĩa quân N'Trang Lơng mở đầu trận đánh vào đồn Bou Pustra đầu năm 1912, chỉ huy sở của quân Pháp đặt ở chân núi Nam Lyr. Quân Pháp bị thất bại hoàn toàn.

Trong 2 mùa khô 1912 - 1914 nghĩa quân N'Trang Lơng liên tiếp bẻ gẫy các cuộc hành quân của quân Pháp vào các đơn vị quân đồn trú Pháp và các đoàn khảo sát vũ trang tìm cách xâm nhập vào Tây Nguyên.

Đầu tháng 8/1914, lợi dụng việc tên Hăngrimet chỉ huy đồn Bumêra bày trò đầu thú, ngày 2/8/1914 N'Trang Lơng bố trí người trá hàng, dụ Hăngrimét, chỉ huy đồn Bumêra đến Buno. Tại đây, bất thình lình N'Trang Lơng xông vào giết chết Hăng ri mét tên xâm lược có nợ máu với nhân dân M'Nong. 40 tên lính khố xanh đi theo cũng bị diệt hết. Thừa thắng, tới 4/8, nghĩa quân lại đột nhập vào đồn Bumêra tiêu diệt số lính còn lại trong đồn và phóng hỏa đốt đồn.

Từ đó thanh thế của N'Trang Lơng vang dội khắp miền Nam Tây Nguyên, người gia nhập nghĩa quân càng đông.

Cuộc chiến đấu của nghĩa quân N'Trang Lơng trong giai đoạn này rất quyết liệt và cũng vô cùng dũng cảm, và đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Cuộc chiến đấu kiên cường dũng cảm của nghĩa quân N'Trang Lơng khiến giặc Pháp phải thừa nhận: "Tất cả đều quyết tâm một lần nữa đánh đuổi chúng ra ra khỏi Cao nguyên M'Nông".

Trong trận quyết chiến ngày 23/5/1935 NTrang Lơng bị trọng thương, bị bắt và hy sinh ngày 25/6/1935, chấm dứt cuộc khởi nghĩa chống Pháp của đồng bào M'Nông Tây Nguyên kéo dài 23 năm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #171 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:36:20 am »

HOÀNG TRỌNG MẬU

Hoàng Trọng Mậu tên thật là Nguyễn Đức Công, tự là Báu Thụ, cũng gọi là Trần Báu Thụ, sinh năm 1874, quê ở làng Cẩm Trường, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hoàng Trọng Mậu là con trai thứ tư trong gia đình cụ Cử Tân. Ông thông minh và đã đậu Đầu xứ nên còn gọi là Đầu xứ Công.

Tháng 2 năm 1908 Hoàng Trọng Mậu được Ngư Hải Đặng Thái Thân trao cho thư kêu gọi Đông du của Phan Bội Châu từ Nhật Bản gửi về.
Tháng 4/1908 ông tức khắc từ bỏ cử nghiệp, đem hết của riêng mình từ giã vợ và bốn con lên đường sang Nhật. Hoàng Trọng Mậu được vào học trường Đồng Văn thư viện. Ông vào học chậm nửa năm, song ông nghiên cứu các sách chữ Nhật thuộc các môn khoa học, không thòi giờ nào nghỉ ngơi, ông lại chú ý nghiên cứu các sách về quân sự và còn tập luyện. Ông tham gia Công Hiến hội với cương vị ủy viên Bộ văn thư.

Song Chính phủ Nhật thông đồng với thực dân Pháp ở Đông Dương, giải tán phong trào Đông du, trục xuất Phan Bội Châu và lưu học sinh Việt Nam. Hoàng Trọng Mậu về Trung Quốc tiếp tục học tập, nghiên cứu.

Đầu năm 1909 nghe tin trong nước cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám được phục hồi, Phan Bội Châu giao cho ông chuẩn bị lực lượng về nước tiếp ứng.

Khoảng đầu tháng 3 năm 1912, Phan Bội Châu tuyên bố giải tán hội Duy tân, thành lập một tổ chức cách mạng mang tên "Việt Nam Quang Phục hội". Bộ Chấp hành có mười ủy viên, Hoàng Trọng Mậu được cử làm ủy viên trưởng phụ trách Quân vụ. Ông cùng với Nguyễn Thức Đường (tức Trần Hữu Lực) được ủy nhiệm viết lời "Tuyền cáo của Việt Nam Quang Phục hội". Ông viết ba chương cuốn "Việt Nam Quang Phục quân sách lược", hai chương đầu do Phan Bội Châu viết. Hoàng Trọng Mậu còn tham gia chọn Quốc kỳ và quân kỳ. Quốc kỳ hình ngũ tinh liên châu (hai chuỗi năm ngôi sao), nền vàng, sao đỏ làm Quốc kỳ, nền đỏ sao trắng làm quân kỳ. Vàng là thể hiện giống người nước ta; đỏ là thể hiện nước ta ở phương Nam thuộc hỏa, hỏa sắc đỏ. Sắc trắng thuộc về kim giữa việc sát phạt cho nên chọn làm quân kỳ. Việt Nam Quang Phục Hội in Quân dụng phiếu ký tên Phan Bội Châu và Hoàng Trọng Mậu.

Việt Nam Quang Phục hội không được sự ủng hộ của chính quyền Quảng Đông nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, thiếu thốn tài chính, giấy tờ tùy thân hợp pháp. Trong khi đó thì ở trong nước, sau vụ Phạm Văn Tráng và Nguyễn Khắc Cần ném tạc đạn ở khách sạn ''Con Gà vàng", giặc Pháp điên cuồng khủng bố tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở trong nước, bắt và phá vỡ nhiều cơ sở.

Ngày 19/1/1914, Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng bị chính quyền Quảng Đông bắt giam. Đứng trước khó khăn chồng chất đó, Hoàng Trọng Mậu vẫn kiên trì liên kết với đảng cách mạng Trung Hoa, tổ chức lực lượng quân cách mạng về nước đánh Pháp.

Ông chủ trương sang Thái Lan để chuẩn bị vũ khí, tiền bạc cho các trận đánh tiếp theo. Việc đi này rất nguy hiểm vì mật thám Pháp và chính quyền của Long Tế Quang bủa lưới bắt các nhà cách mạng Việt Nam ở khắp nơi. Song ông vẫn kiên quyết đi, xuất phát từ Ung Châu đến Hương Cảng đợi tầu đi Thái Lan thì các ông bị cảnh sát Anh bắt giao cho cảnh sát Pháp giải về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Trong nhà tù, Hoàng Trọng Mậu vẫn lạc quan ngâm thơ:

   "Thiên niên cố quốc quyên đề thảm;
   Vạn lý cô thần hạc khiếu ai"


Tạm dịch:

   "Nghìn năm nước cũ quyên kêu thảm;
   Muôn dặm tôi xa hạc khóc thương"


Thực dân Pháp tra tấn dã man, rồi lại mua chuộc, ông vẫn hiên ngang bất khuất, chúng kết án tử hình ông với tội danh: "Việt cảnh quán thông, mưu đồ phản nghịch" (Vượt biên ra liên hệ với nước ngoài để mưu đồ phản nghịch) và xử bắn vào ngày 20 tháng 12 năm Ất Dậu (22/01/1916) tại trường bắn Bạch Mai (Hà Nội).





NGUYỄN KHẮC CẦN

Nguyễn Khắc Cần tức Nguyễn Văn Túy, quê ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội. Ông là hội viên Việt Nam Quang phục hội. Mùa đông năm Nhâm Tý (1913), Nguyễn Khắc Cần sang Trung Quốc nhận mệnh lệnh của Trung ương Việt Nam Quang Phục hội thi hành bản án tử hình đối với tên trùm thực dân Abbert Sarraut và các tên tay sai đầu sỏ Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn.

Ngày 25/4/1913, Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Thụy điều tra biết bọn sĩ quan Pháp thường tụ tập ăn uống ở khách sạn Hotel tại đường Paulbert, nay là phố Tràng Tiền. Nguyễn Văn Thụy cảnh giới Nguyễn Khắc Cần liệng bom vào, giết chết hai trung tá Pháp là Monggơra và Sapuy (Chapuis) chết tại chỗ, một số tên Pháp và tay sai người Việt bị thương(1). Thi hành xong bản án lợi dụng lúc bọn giặc đang hoảng loạn, la hét, hai chiến sĩ ung dung đi bộ trên đường rồi lên một chiếc xe tay kéo nhanh qua Gia Lâm về Yên Viên. Hai anh em ẩn náu ở Yên Viên, vài hôm thấy giặc không lùng sục, Nguyễn Khắc Cần và Phạm Văn Thụy được lệnh trở về Trung Quốc nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi, ngày 7/5/1913, hai ông vừa từ trên ga xe lửa bước xuống một ga xép thì bị lính kín áp tới lục soát. Vì trong người hai ông có một số giấy tờ khả nghi, nên chúng bắt cả 2 người giải về Hà Nội.

Sau hành động làm kinh hoàng giặc Pháp và bọn Việt gian bán nước ở Thái Bình và Hà Nội, giặc Pháp điên cuồng khủng bố các cơ sở Việt Nam Quang Phục hội ở trong nước. Chúng bắt cả những người chúng nghi ngờ có liên quan đến phong trào Đông du và vụ Hà Thành đầu độc. Tại các tỉnh Bắc Kỳ, các nhà tù chật ních các chiến sĩ cách mạng. Tổng số chiến sĩ Việt Nam Quang phục hội ở Hà Nội và những người có liên quan lên tới 254 người. Tất cả những người bị bắt đều bị chúng tra tấn dã man để ỉấy khẩu cung.

Ngày 5/9/1913, Hội đồng Đề hình Pháp họp mở phiên tòa tra hỏi 84 người trong số 254 người được coi là liên quan. Chúng xử tử 7 người với tội danh: âm mưu ám sát hoặc đồng lõa ám sát là: Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Phạm Đệ Quý, Vũ Ngọc Thịnh, Phạm Hoàng Khuê (Quế) Phạm Hoàng Triết, Phạm Văn Tiên - người ám sát chủ đồn điền Đặng Vũ Hành ngày 25/5/1913. Lương Văn Phúc bị kết tội đồng mưu trong vụ ném bom ở Thái Bình chỉ bị kết án khổ sai chung thân vì mới 18 tuổi. 8 người bị lưu đày trong đó có ông Tư Diếc ở Quan Nhân, 5 người phát phối, 2 người bị kết án 5 năm, 11 án khổ sai hữu hạn, 5 án cầm cố, 9 án tù từ 20 tháng đến 2 năm.

Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng và các đồng chí của hai ông tuy chưa đạt được mục tiêu mà Trung ương Việt Nam Quang Phục hội đề ra, đế quốc Pháp khủng bố, lực lượng Việt Nam Quang Phục hội bị thiệt hại nặng nề nhưng đã thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào Hà Nội cũng như đồng bào cả nước.

 (1) Sách "Nhân Chính trên những chặng đường lịch sử”, Nxb Chính trị quốc gia viết quả bom (lựu đạn) do Nguyễn Khắc Cần ném là do ông Tư Diếc (Nguyễn Vãn Diếc) ở làng Mọc Quan Nhân chế tạo, giặc Pháp bắt ông đày đi Côn Đảo.

Sách Việt Nam nghĩa liệt sử, Đặng Đoàn Bằng viết "Hiệp sĩ Nguyễn Khắc Cần" viết quả tạc đạn ném ở khách sạn Hà Nội là do Hán Minh (?) ném nhầm vào quan binh Pháp. Pháp truy nã ráo riết người đảng, bọn chó săn cũng đề phòng rất nghiêm ngặt, nên ông không thục hiện được kế hoạch của mình. Ông lại cùng Nguyễn Thế Trung định ra ngoại quốc. Đến Lạng Sơn thì gặp phải người Pháp, nên cả hai bị bắt. Nguyễn Khắc Cần muốn cho Hán Minh chạy thoái cho nên mới nhận với người Pháp chính ông là người ném tạc đạn ở khách sạn. Vì vậv ông bị giết cùng Nguyền Thế Trung.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #172 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:38:49 am »

NGUYỄN THẠC CHI

Nguyễn Thạc Chi còn có các tên là Hai Thạc, Nguyễn Quýnh Chi, Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trung Thường, Nguyễn Trọng Thạc, Nguyễn Mạnh Hiếu, tự là Thường Sinh. Ông là con thứ hai quan Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục huyện Mỹ Hào tỉnh Hải Dương, nay là xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là người trầm tĩnh, khoan hòa, học rộng, nghe nhiều. Khi cha ở Trung Quốc, anh trai là Nguyễn Tuyển bị đày ra Côn Đảo, Nguyễn Thạc Chi còn ở tuổi thiếu niên, phải theo người nhà đi trốn tránh. Vào tuổi thanh niên, ông cùng chú là Nguyễn Thiện Kế sang Trung Quốc Đông du và quyên tiền cho thanh niên du học.

Nguyễn Thạc Chi cùng chú thường xuyên Hoa - Việt đi về để vận động và đưa thanh niên Bắc Kỳ sang Trung Quốc du học.

Mùa thu năm 1912 Nguyễn Thạc Chi dự Hội nghị với Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Ngọc Quyến, Mai Lão Bạng, Hoàng Trọng Mậu... thành lập Việt Nam Quang Phục hội. Hội nghị phân công Nguyễn Thạc Chi làm nhiệm vụ vận động cách mạng ở trong nước.

Năm 1912 Nguyễn Thạc Chi cùng Nguyễn Hải Thần đem 6 quả tạc đạn, 300 đồng Đông Dương theo đường Lạng Sơn đánh vào Bắc Kỳ với nhiệm vụ giết tên Toàn quyền Abbert Sauaut; phá khoa thi Hương ờ trường thi Nam Định (11/1912). Việc không thành ông phải quay trở về Trung Quốc.

Năm 1916 chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Những người lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội nắm lấy cơ hội đó yêu các đại sứ Đức ở Xiêm giúp vũ khí, tiền bạc cho Việt Nam đánh Pháp. Nguyễn Thạc Chi cùng Nguyễn Thượng Hiền sang Xiêm liên lạc với công sứ Đức - Áo giúp đỡ Việt Nam đánh Pháp. Việc chưa có kết quả, hai ông trở về Trung Quốc.

Sau đó ít lâu ông nhận nhiệm vụ về nước tập hợp những người cùng chí hướng chống Pháp. Ông dự Đại hội ở nhà ông Lý trưởng xã Đồng Trung tục gọi là làng Chuôm, nay thuộc xã Việt Hưng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên gần ga Xuân Đào thì bị giặc Pháp bao vây làng rồi ập vào bắt. Nguyễn Thạc Chi bị đế quốc Pháp kết án tù chung thân đầy ra giam ở nhà tù Côn Đảo.

Cuộc nổi dậy chống chế độ nhà tù đế quốc nổ ra vào 14 giờ ngày 14/2/1918, tức là ngày mùng 4 tết năm Mậu Ngọ, Nguyễn Thạc Chi cùng Phạm Cao Chẩm lãnh đạo 89 tù nhân banh II dùng búa đập chết tên giám ngục Simon và 2 tên lính mã tà. Nguyễn Thạc Chi còn hô mọi người cướp súng của lính gác, nhưng tên hạ sĩ quan là Larmierrier phản kích kịp thời. Lát sau tên quản đốc Andouard dẫn lính đến chi viện. Hắn ra lệnh cho lính xả súng vào đám đông và truy sát tận tuyệt. Nguyễn Thạc Chi và Phạm Cao Chẩm cùng 89 người bị chúng giết chết.

Nguyễn Thạc Chi không những chỉ là một nhà cách mạng kiên cường, mà còn là một nhà thơ, nhà giáo dục. Đến nay gia phả còn chép một số thơ của ông, con cháu nội ngoại cũng thuộc nhiều thơ của ông như: Thơ từ Côn Đảo gửi về, Bài ca chúc Cha thượng thọ, Năm bài ca Luân lý.





THÁI PHIÊN

Thái Phiên hiệu Nam Xương, sinh năm 1882 quê ở làng Nghi An, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ông sống và làm việc ở Đà Nẵng từ nhỏ. Ông là người yêu nước thiết tha, tính tình cương trực, căm thù giặc Pháp cướp nước và bè lũ Việt gian tay sai của giặc Pháp    Tháng 5/1905, Thái Phiên cùng với Tiểu La Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển tham gia thành lập Duy tân hội. Ông trở thành một yếu nhân của Duy tân hội ở Quảng Nam, hoạt động có nhiều hiệu quả, được Phan Bội Châu tin cẩn. Thái Phiên cũng như Trần Cao Vân, Lê Ngung, Phan Thành Tài đều là những yếu nhân của phái Duy Tân với xu hướng Duy Tân tự cường rồi mới "dần mưu tính việc khác".

Từ năm 1909 trở đi, nhất là sau khi Đỗ Đăng Tuyển một yếu nhân của Duy Tân hội ở Quảng Nam bị bắt thì một mình Thái Phiên phải lo gây dựng lại tổ chức Duy tân hội ở Quảng Nam, đồng thời bắt liên lạc vói Lê Ngung để gây dựng lại tổ chức Duy tân hội ở tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ trương của Phan Bội Châu chuyển Duy tân hội sang tổ chức Việt Nam Quang Phục hội. Năm 1914, Thái Phiên cùng Lê Ngung tổ chức một cuộc họp các nhà yêu nước tại Trung Kỳ tại thành phố Đà Nẵng. Thái Phiên và Trần Cao Vân nhiều lần cử người sang Trung Quốc, Xiêm La để đặt kế hoạch phối hợp.

Sau cuộc tiếp xúc với vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân triệu tập các yếu nhân Việt Nam Quang Phục hội ở các tỉnh Trung Kỳ họp Đại hội lần thứ hai vào trung tuần tháng 3 năm Bính Thìn (1916) tại nhà một đảng viên ở chợ Cầu Cháy làng Xuân Yên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đại hội kiểm điểm lực lượng cách mạng quyết định kế hoạch khởi nghĩa với danh nghĩa: "Việt Nam quân Chính phủ".

Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh của vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân thông báo cho các ủy viên ủy ban khởi nghĩa quyết định vào giờ Tý ngày 2 tháng 5 năm Bính Thìn, tức 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916. Mật hiệu khởi nghĩa là "Năm Thìn, tháng Tỵ”. Tại Huế, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị mất liên lạc với các trại lính, nhưng vẫn quyết định điều động thuyền đến bến Thương Bạc rước vua Duy Tân ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Vụ mưu khởi nghĩa không thực hiện được, vì không nổ được pháo lệnh, không đốt được lửa trên đèo Hải Vân, nên các nơi đều phải rút. Chỉ riêng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, dân binh dù không có lệnh, vẫn bao vây tòa Đại lý Pháp, phá kho thu được hai khẩu súng trường rồi kéo vào phủ đường, nhưng tri phủ đã bỏ trốn. Ngay ngày hôm sau giặc Pháp thẳng tay đàn áp, chém giết nghĩa quân, hầu hết các thủ lĩnh nghĩa quân đều bị bắt. Tại Quảng Ngãi, Lê Ngung tự tử trước khi bị bắt vây mà chúng vẫn chặt đầu ông đem bêu. Các ông Nguyễn Thụy, Trần Thân, Võ Cầu, Mai Tuấn, Hứa Thọ đều bị chém. Ở Quảng Nam số người bị chém lên đến hàng trăm. Thái Phiên, Trần Cao Vân rước vua ra khỏi thành, định đưa về Nam Ngãi. Nhưng ngày hôm sau vua tôi mệt nhọc vào nghỉ ở chùa Ngũ Phong thì giặc Pháp ập vào bắt.

Ngày 17 tháng 5 năm 1916, giặc Pháp chém các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu ở An Hòa (Huế), cách kinh thành không đầy 1 cây số. Chúng chôn hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân một hố. Sau một nữ đồng chí là Trịnh Thị Hưng (hay Hương) bí mật dời hài cốt từ nơi xử án về an táng tại khu rừng gần chùa Châu Lâm ở Kinh thành Huế.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #173 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:42:08 am »

VUA DUY TÂN

Năm 1907 vua Thành Thái yêu nước bị giặc Pháp phế truất đầy ra Vũng Tầu. Hoàng tử Vĩnh San khi đó mới lên 8 tuổi được thực dân Pháp đưa lên làm vua, đặt niên hiệu là Duy Tân, vì chúng hy vọng nhà vua ít tuổi chỉ ngồi làm bù nhìn. Sọng trái với sự mong đợi của chúng, vua Duy Tân bẩm tính thông minh, giỏi đối đáp, có lòng yêu nước từ nhỏ.

Biết được những thông tin đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Kỳ là Thái Phiên, Trần Cao Vân đã thực hiện bằng mọi cách tiếp xúc với nhà vua. Kết quả vua Duy Tân nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa. Đầu năm 1914, Thái Phiên triệu tập cuộc họp các yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội của 5 tỉnh miền Trung quyết định khởi nghĩa. Vua Duy Tân báo cho Thái Phiên, Trần Cao Vân biết là đến hết ngày 10/5/1916 thì 2500 lính mộ tập trung ở Huế sẽ phải sang Pháp, nên phải khởi sự ngay. Thái Phiên, Trần Cao Vân quyết định khởi nghĩa vào tối ngày mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 5/ 1916 ở 5 tỉnh. Song các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa không biết rằng quân Pháp đã biết cuộc khởi nghĩa từ 2 ngày trước nên đã có kế hoạch ngăn chặn. Kẻ địch khẩn trương nhưng bí mật đối phó, ra lệnh giới nghiêm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế tước vũ khí của lính khố xanh, cho lính Pháp, lính khố đỏ tuần phòng nghiêm ngặt.

Theo lời hẹn trước của Thái Phiên và Trần Cao Vân, vua Duy Tân cải trang như người bình dân: đầu chít khăn đen, mặc áo ngắn màu đỏ, quần vải trắng, chân đi đất, cùng bốn thị vệ tin cậy ra khỏi thành. Kế hoạch bị lộ, quân Pháp kịp thời đối phó, nhiều cánh quân khởi nghĩa chưa xuất phát đã bị bao vây, bị bắt. Vua và tùy tùng đi về hướng Tây - Nam Thừa Thiên, song vì có kẻ làm phản nên cả đoàn Khâm sứ Charles buộc triều đình Huế khép vua vào tội: "Vua một nước dưới quyền bảo hộ của Pháp đang chiến đấu với kẻ thù là Đức mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội, phải tội tử hình". Song bọn cầm quyền Pháp vẫn thuyết phục Duy Tân làm vua bù nhìn cho chúng. Khâm sứ Trung Kỳ điện ra Hà Nội mời Toàn quyền Đông Dương vào thuyết phục. Nhà vua vẫn trả lời: "Nếu ông buộc tôi tiếp tục ở lại ngôi vị Hoàng đế An Nam. Ông cần xem tôi như một vị hoàng đế đã trưởng thành. Tôi không cần cả Hội đồng Phụ chính lẫn lời khuyên của ông. Tôi sẽ điều hành công việc của đất nước tôi trên cơ sở như các quốc gia khác, trong đó có nước Pháp".

Bọn cầm quyền Pháp giao cho Thượng thư bộ Hộ là Hồ Đắc Trung thi hành án tử hình. Ông Trung bàn với các quan không nên tử hình vua, triều đình tán thành, làm vãn bản cứu vua. Nhờ đó vua Duy Tân chỉ bị đưa đi đày ở đảo Reunion ở Ấn Độ Dương.

Năm 1936 mặt trận Bình Dân Pháp do Đảng Cộng sản và các đảng cánh tả ở Pháp thành lập, lập Chính phủ thực hiện nhiều cải cách như phóng thích tù chính trị ở chính quốc và các thuộc địa. Cựu hoàng Duy Tân nắm lấy thời cơ đề cập đến quyền tự chủ của đất nước. Nhà vua dự cuộc mít tinh do Mặt trận Bình dân tổ chức tại cảng La Pointe des Galets, phát biểu tại diễn đàn, phía sau là lá cờ đỏ búa liềm. Ông yêu cầu Bộ trưởng Thuộc địa trả tự do cho ông, chuyển ông về sống tại Paris. Song yêu cầu này không được Chính phủ Pháp đáp ứng. Do bị sức ép của giai cấp tư sản và các thế lực cánh hữu cùng những biến động do phát xít Đức và Chủ nghĩa phát xít Ý gây ra, Mặt trận Bình dân phải tự giải tán, Chính phủ Bình dân đổ. Giấc mơ của cựu hoàng Duy Tân về độc lập dân tộc cũng bị dập tắt.

Năm 1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngày 18/6/1940, vua Duy Tân nghe được bản Hiệu triệu của Đờ Gôn người đứng đầu phe kháng chiến. Trong 2 năm sau, vua Duy Tân liên lạc được với tổ chức Pháp Tự do ở trong vùng, và bị chính quyền thân Đức bắt giam một tháng. Mùa thu năm 1942, phái Đờ Gôn chiếm được đảo Reunion, để thoát khỏi đảo, nhà vua đăng lính và làm điện báo viên trên tầu Léoperd. Do có sự can thiệp của Đờ Gôn ngày 18/6/1945, nhà vua được đưa về Paris. Tại đây nhà vua có các cuộc đi thăm Việt kiều, thăm lính thợ bị giam ở Kelarman... Nhà vua luôn luôn đả kích các lỗi lầm của Pháp ở Đông Dương... Quan điểm yêu nước của nhà vua đi ngược với âm mưu sử dụng nhà vua vào mục đích xâm lược Việt Nam. Vì vậy chúng đưa ông sang sư đoàn 9 bộ binh đóng ở Đức để chuẩn bị sang Viễn Đông tham chiến. Tại đây các hoạt động nhằm mượn đường quân sự trở về nước của nhà vua quá lộ liễu, bọn Pháp chuyển nhà vua qua trung đoàn thiết giáp cũng đóng ở Đức để cách ly.

Ngày 29/10/1945, Đờ Gôn ký Nghị định đặc cách cho vua Duy Tân lên cấp tiểu đoàn trưởng. Ngày 14/12/1945, Đờ Gôn gặp nhà vua. Nhưng vua Duy Tân sau cuộc gặp đó đã tuyên bố rằng Chính phủ Pháp đã công nhận nền độc lập của Việt Nam, chờ cơ hội để ký kết việc thống nhất ba kỳ, viện trợ kinh tế và quân sự, cũng như giúp Việt Nam về phương diện ngoại giao và quốc phòng. Nhà vua không biết ngày 3/12/1945 bộ Thuộc địa Pháp đã ký Quyết định số 7312/102 trả Hoàng tử Vĩnh San về lại đảo Reunion, tiếp tục cuộc sống lưu đày từ năm 1916.

Ngày 24/12/1945, vua Duy Tân rời Paris bằng chiếc máy bay Lockheed Lodester kiểu C60 và chiều 26/12/1945 trên chặng đường thứ hai từ Ford Lamy hướng về Bangui, phi cơ hết xăng (?) phải hạ cánh khẩn cấp xuống vùng đồi ở làng Bossakô và máy bay vỡ nát bốc cháy. Vua Duy Tân, hành khách và cả phi hành đoàn đều chết. Như vậy việc vua Duy Tân trên đường về đảo Reunion từ biệt vợ con để trở lại Paris chuẩn bị về "cầm cờ tái chiếm Việt Nam cho Pháp" không hề có. Trước sau vua Duy Tân vẫn là người yêu nước, chống Pháp.





LÊ ĐÌNH DƯƠNG

Lê Đình Dương quán làng Đông Mỹ (Na Kham có sách viết là La Kham), tổng Khương Thượng (Gò Nổi, Phù Kỳ), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con Thượng thư Tổng đốc Hà - An (Hà Nội - Hưng Yên) Lê Đình Đĩnh. Lê Đình Dương là y sĩ, ông là anh em ruột với y khoa bác sĩ Lê Đình Thám, bác sĩ Lê Đình Kiền, bác sĩ Lê Đình Củng, thạc sĩ y khoa Lê Đình Quy.

Lê Đình Dương tham gia tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở tỉnh Quảng Ngãi ngay từ khi mới thành lập. Ông cùng với Lê Ngung, Nguyễn Súy là yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội ở Quảng Ngãi. Lê Đình Dương còn là một trong những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền Nam Trung Kỳ trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất.

Tháng 9/1915, Thái Phiên triệu tập các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Kỳ họp Đại hội lần thứ nhất tại Huế để thảo luận kế hoạch bạo động. Tại cuộc họp này, Lê Đình Dương và Nguyễn Thụy tìm gặp, tiếp xúc với viên trung tá người Đức là Harmaudes chỉ huy đội lính Lê dương đóng ở Bình Đài (đồn Mang Cá) để vận động hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Nhờ cố đạo Bàn Gốc cũng là người trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội làm môi giới, Lê Đình Dương và Nguyễn Thụy đã thỏa thuận được với thiếu tá Harmandes khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, họ sẽ hưởng ứng. Ông cũng thuyết phục được các đội trưởng người Việt dưới quyền Harmandes như Đoàn Văn Còn, Nguyễn Đình Trứ, Hà Lại, Đào Duy Phong nhận làm hậu thuẫn cho cuộc khởi nghĩa. Trong đó Nguyễn Đình Trứ, Hà Lại sẽ cùng Phạm Thành Chương chỉ huy công phá trấn Bình Đài. Không bao lâu, trung tá Harmaudes được thăng hàm đại tá, Tổng chỉ huy quân đội toàn miền Trung đã lên kế hoạch lấy cớ đi phát lương để ngầm cổ vũ tân cựu binh người Việt hưởng ứng khởi nghĩa. Nhờ có sự vận động tích cực của Lê Đình Dương và các ông Phan Thành Tài, Trương Bá Huy, Đỗ Tự nên lực lượng khởi nghĩa ở Quảng Nam mạnh hơn các tỉnh. Đến trước ngày khởi nghĩa, tỉnh Quảng Nam đã vận động được khoảng 80% lính tập tham gia. Chỉ tính riêng ở tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ đến trước ngày khởi nghĩa đã có 240 Phục Quốc quân, 200 tân binh. Các ông còn vận động đổng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi Phú Túc, Bà Nà ở Hòa Vang và Nước Hai ở Trà Mi để xây dựng khu căn cứ. Lê Đình Dương đã đóng góp phần tích cực vào công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Ngãi.

Song cuộc khởi nghĩa bị bại lộ không thực hiện được, chỉ riêng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, dân binh dù không có hiệu lệnh vẫn bao vây tòa đại lý Pháp, phá kho thu được một số đạn và 2 khẩu súng trường rồi kéo vào phủ đường nhưng cũng như đại lý Pháp, tri phủ đã bỏ trốn. Ngay đêm đó Phục Quốc quân và dân binh rút lui. Tại Huế, vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân và hầu hết các thủ lĩnh đều bị bắt, bị giết hại. Lê Đình Dương cũng bị giặc bắt. Chúng dùng đủ cực hình tra tấn ông, song không moi được ở ông lời khai báo nào. Giặc đày ông lên nhà lao Buôn Ma Thuột ông vẫn kiên cường đấu tranh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #174 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:44:20 am »

LÊ NGUNG

Lê Ngung còn gọi là Tú Ngung vì ông đỗ tú tài, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1908 các thủ lĩnh Duy tân hội phát động phong trào "chống thuế" "xin xâu" ở Quảng Nam, Quảng Ngãi thì hầu hết các yếu nhân của Duy tân hội người bị xử chém, người bị đày ải ở các nhà tù. Tuy nhiên ở Quảng Nam vẫn còn Thái Phiên, ở Quảng Ngãi vẫn còn Lê Ngung. Vì vậy từ năm 1909, Thái Phiên cùng Lê Ngung thường xuyên gặp gỡ nhau để phục hồi phong trào.

Việt Nam Quang Phục hội được thành lập thay thế Duy tân hội, và phát triển về nước một cách nhanh chóng. Lê Ngung có nhiều đóng góp vào sự trưởng thành của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội các tỉnh Nam Trung Bộ và cùng với Thái Phiên trở thành thủ lĩnh của tổ chức này.
Đầu năm 1914, Lê Ngung đã cùng Thái Phiên tổ chức một cuộc họp mặt các nhà yêu nước ở Trung Kỳ tại Đà Nẵng. Hội nghị nhất trí phải gấp rút khởi nghĩa, nên đã phân công người chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào. Trong số các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa thì Lê Ngung là người nôn nóng khởi nghĩa nhất. Ông cho rằng Thế chiến thứ nhất nổ ra, Đức đánh Pháp, Pháp phải rút lực lượng ở Đông Dương về phòng thủ là cơ hội tốt nhất để khởi nghĩa đánh Pháp. Tháng 8 năm 1914, khi Đức bắt đầu tiến quân đánh vào nước Pháp, ông đã viết thư gửi Thái Phiên nói rõ: "Ngày Đức - Pháp đánh nhau chính là thời cơ độc lập của nước Việt Nam". Nhưng đề nghị của Lê Ngung không được Thái Phiên và các nhà lãnh đạo khác chấp nhận, vì cho rằng lực lượng khởi nghĩa chưa mạnh, lực lượng quân sự của Pháp chưa thật suy yếu.

Trước tình hình chiến tranh xảy ra ngày càng ác liệt, tháng 01 năm 1915 Lê Ngung lại viết thư lần thứ hai đề nghị tiến hành khởi nghĩa. Tuy nhiên Thái Phiên và các nhân vật chủ chốt khác vẫn chưa đồng ý vì lực lượng quân Pháp còn mạnh, lực lượng vũ trang ở các tỉnh vẫn chưa phát triển đều.

Lần thứ ba, ngày 3 tháng 7 năm 1915 Lê Ngung biết được tin, quân Đức đang tiến đến gần Paris, Chính phủ Pháp phải rút một bộ phận quân đội viễn chinh ở Đông Dương về bảo vệ nước Pháp. Lê Ngung lại gửi thư cho Thái Phiên và gửi ra nước ngoài cho Phan Bội Châu thúc giục khẩn thiết: "Thời hồ, thời hồ, thời bất tái lai! Kim trì bất phấn cô đãi hà thời?” (Thời cơ! thời cơ! Thời cơ không trở lại. Ngày nay không phấn đấu đợi đến lúc nào?).

Lần này thì Thái Phiên và các đồng chí chấp nhận và quyết định triệu tập Hội nghị các nhà yêu nước các tỉnh miền Nam Trung Kỳ tại Huế để bàn định. Kế hoạch được lập ra, nhưng lại bị bại lộ từ hai ngày trước, mà ủy ban khởi nghĩa không hề biết. Kết quả là toàn bộ ủy ban khởi nghĩa và vua Duy Tân bị bắt.

Giặc Pháp bắt được hầu hết các ủy viên ủy ban khởi nghĩa và nhiều binh lính, dân binh ở Quảng Ngãi. Lê Ngung bị bao vây, chiến đấu tới cùng rồi uống thuốc độc để sẵn trong người tự tử. Tuy vậy giặc vẫn lập Tòa án kết án ông ''Lục thi trảm niên", nghĩa là dù chết rồi vẫn đem thi hài ra chém bêu đầu ở làng Cam Lê cùng 13 đồng chí của ông. Các thủ lĩnh khác như Nguyễn Thụy, Trần Thiểm (Thêm), Võ Cần, Mai Tuấn, Hứa Thọ bị bắt và bị chém đầu. Phạm Cao Chẩm cùng nhiều binh lính người Việt bị đày đi Côn Đảo, Châu Doãn Địch và 25 người khác bị đày ở nhà lao Thái Nguyên.





NGUYỄN THỤY

Nguyễn Thụy còn có tên là Nguyễn Sụy, sinh năm Canh Thân (1880), quê tại thôn Hổ Tiếu, xã Tư Nghĩa Hạ, nay là ấp Hố Thanh, xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông xuất thân từ một gia đình bá hộ nổi tiếng trong vùng. Ông là người thông minh, giao du rộng, tính tình khảng khái, cương trực.

Nguyễn Thụy đỗ cử nhân Hán học khoa Quý Mão (1903) tại trường thi Bình Định. Ông cũng giỏi chữ Quốc ngữ, học rộng, đọc nhiều tân thư của Trung Quốc, giao du với bạn bè ở nhiều tỉnh, tính tình khảng khái, cương trực và rất trung hiếu. Mặc dù thi đỗ cử nhân, bạn bè rủ ra làm việc nhưng ông đều từ chối, mà nói: "Nước có đạo, nên ra làm quan, nước vô đạo nên ở ẩn".

Để góp phần truyền bá lòng yêu nước trong nhân dân, ông làm giáo viên dạy chữ Quốc ngữ ở trường Vạn Tường. Cũng trong thời gian dạy học, ông hưởng ứng phong trào Duy tân do Phan Bội Châu sáng lập. Ông cắt tóc ngắn, bắt học trò cũng cắt tóc ngắn và thường ra Hà Nội mua sách Tân thư về đọc. Đầu năm 1908 phong trào "khất thuế" "xin xâu" của nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam lan nhanh khắp tỉnh rồi lan sang tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 3/1908, Nguyễn Thụy cùng với Nguyễn Bá Loan (ấm Loan) và Lê Khiết đứng ra vận động phong trào chống Pháp như ở Quảng Nam dưới chiêu bài "xin khất thuế". Cử nhân Nguyễn Thụy làm tân thơ khích lệ đồng bào đấu tranh. Thơ của ông được hàng vạn đồng bào học thuộc lòng cùng đồng thanh ca vang như sấm dậy, khiến bọn Pháp và lũ tay sai run sợ, chúng đóng chặt các cổng thành. Lực lượng nhân dân đến bao vây càng đông, Nguyễn Thụy cùng ban lãnh đạo liền rút bớt lực lượng bao vây thành, phân tán thành những nhóm nhỏ, đi lùng bắt bọn Việt gian, tay sai của Pháp. Giặc Pháp bắt được hầu hết những người lãnh đạo phong trào "xin xâu" như Cử Thụy, Cử Quảng, tú tài Phạm Cao Chẩm, Tú Huyên, đi đày Côn Đảo. Sau khi mãn hạn tù, ông đã nhanh chóng trở thành yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội ở Quảng Ngãi. Ông cùng Lê Ngung, Võ Cầu, Mai Tuấn nhanh chóng phát triển tổ chức của hội ra toàn tỉnh.

Cuối năm 1915 Pháp thua Đức trong chiến tranh châu Âu, quân Đức tấn công thủ đô Paris. Bọn Pháp ở Đông Dương ráo riết bắt lính, lính thợ sang Paris làm bia đỡ đạn cho chúng, vơ vét tài nguyên ở Đông Dương chở về nước phục vụ chiến tranh. Các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Ngung, Nguyễn Thụy... nhân cơ hội này mưu tính cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Hầu hết đồng bào, thân sĩ đều hưởng ứng, một phần ba người Việt trong quân đội Pháp tình nguyện làm nội ứng cho quân khởi nghĩa. Cử Thụy đã bí mật tổ chức nghĩa binh, vận động dân chúng quyên góp rất có kết quả. Nhưng đại sự đã lộ ở Quảng Ngãi từ ngày 29 tháng 3 năm Bính Thìn (chiều 1/5/1916). Việc bại lộ, Cử Thụy lệnh cho các toán nghĩa đang tiến về thành Quảng Ngãi rút lui để bảo toàn lực lượng. Nghĩa quân bỏ lại nhiều gươm giáo Trong mấy ngày liền, lính Pháp và bọn tay sai tầm nã khắp nơi bắt trên 100 đảng viên Việt Nam Quang Phục hội đầy đi Côn Đảo. Tri phủ Tư Nghĩa Nguyễn Mậu dẫn tổng lý, tập binh bao vây, đóng tại nhà Cử Thụy, bắt mẹ ông làm con tin, kê khai tài sản, tầm nã Cử Thụy gắt gao. Thương mẹ và để giặc không bắt thêm các đồng chí, đêm hôm ấy Cử Thụy lẻn về nhà tắm rửa sạch sẽ. Ngay 5 giờ sáng chúng giải ông về tỉnh. Dọc đường ông nằm trong võng vén màn cho đồng bào xem mặt.

Ngày 10 tháng 5 năm 1916 (tức ngày 9 tháng 4 năm Binh Thìn) giặc Pháp và bọn tay sai Nam triều đưa Cử Thụy, Lê Triết, Trần Thân, Mai Tuấn, Hứa Thọ và một số đồng chí ra cửa bắc thành Quảng Ngãi chém đầu. Đồng bào, đồng chí bí mật quyên góp làm lễ truy điệu và để tang ông.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #175 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:47:10 am »

PHAN THÀNH TÀI

Phan Thành Tài, hiệu Đức Đạt sinh năm 1869 người làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Phan Thành Tài rất nhiệt huyết với Tân học do Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp chủ trương. Năm 1906 Trần Quý Cáp được bổ nhiệm làm giáo thụ phủ Thăng Bình. Theo Tiểu sử Trần Quý Cáp viết: "... Đến nơi (Thăng Bình), Tiên sinh mở lớp Tân học ngay trong trường giáo, rước thày về dạy chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, học trò xa gần đến học có hơn đôi trăm người".

Cùng với trường Thăng Bình, ở Quảng Nam còn có nhiều trường nữa, trong đó có hai trường lớn, nổi tiếng là trường Diên Phong mở tại Phong Thử huyện Điện Bàn (sau dời về Phước Bình). Giáo sư của trường có Tiến sĩ Trần Quý Cáp, cử nhân Phan Thúc Duyên, Mai Ái và Phan Thành Tài. Ông Tài là người tổ chức, quản lý và là giáo viên chính của trường. Trường Diên Phong cũng như các trường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... chỉ tồn tại đến năm 1908 khi phần lớn cán bộ giảng dạy của trường như Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài, tham gia lãnh đạo phong trào chống thuế bị bắt. Trần Quý Cáp bị xử chém, Phan Thành Tài bị bắt đi đày...

Sau khi ra tù Phan Thành Tài lại bí mật cùng các đồng chí hội họp để thành lập tổ chức yêu nước chống Pháp mới. Năm 1912, Việt Nam Quang Phục hội thành lập ở tỉnh Quảng Đông phát triển về trong nước. Quảng Nam là nơi có phong trào mạnh thì Phan Thành Tài lại tham gia và trở thành một yếu nhân trong tổ chức này. Chiến tranh lần thứ nhất bùng nổ, Đức đánh. Pháp phải rút bớt lực lượng quân đội Pháp ở Đông Dương, bắt lính khố đỏ, lính thợ người Việt sang Pháp đánh Đức. Trước tình thế đó, những người đứng đầu tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Kỳ muốn nhân cơ hội này tổ chức lực lượng vũ trang đánh đổ Pháp.

Tháng 9 năm 1915 tại cuộc họp ban Lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội toàn Trung Kỳ. Dự cuộc họp có Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đỗ Tự, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Võ Văn Trứ để bàn việc khởi nghĩa và thống nhất mời vua Duy Tân tham gia.
Sau cuộc tiếp xúc giữa vua Duy Tân với Thái Phiên và Trần Cao Vân vào ngày 12 tháng 3 năm Bính Thìn (1916) nhà vua nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa. Từ đó Phan Thành Tài luôn luôn ở bên cạnh Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng vạch phương hướng hành động, chỉ đạo cho các tỉnh tích cực chuẩn bị cuộc khởi nghĩa.

Trong một cuộc Hội nghị của Việt Nam Quang Phục hội Trung Kỳ đã quyết định bầu ủy ban khởi nghĩa có Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Ngung, Đỗ Tự và Nguyễn Thụy. Theo Việt Nam Pháp thuộc sử của Phan Khoang thì Phan Thành Tài được cử làm Nam - Nghĩa kinh lược. Ông được ủy ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm tỉnh Quảng Nam nơi có căn cứ để đón vua Duy Tân. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, quân Pháp và quân Nam triều chiếm đóng làng Bảo An, tàn sát dân chúng, đốt phá nhà cửa. Chúng đe dọa nếu Phan Thành Tài không về hàng thì chúng giết cả làng. Thương dân, ông tự về làng cho chúng bắt. Giặc Pháp xử tử ông vào ngày 9 tháng 7 năm 1916.





LÊ CHÂU HÀN

Lê Châu Hàn còn có tên là Lê Cảnh Thái hay Ấm Hàn (có tư liệu viết là Hàng) và em là Lê Châu Nam, còn có tên là Lê Cảnh Vạn hay Viên Thông con cụ Lê Hữu Khánh làm quan tới Quang lộc Tự khanh, Triều liệt đại phu Đông các đại học sĩ, quê ở làng Mỹ Thị, huyện Diên Phước, sau thuộc xã Hòa Long, huyện Hòa Vang, nay thuộc khối Đa Mỹ Tây, phường Bảo Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lê Châu Hàn đỗ tú tài dưới triều vua Thành Thái, song ông là người yêu nước, thiếu thời đã cùng em là Lê Châu Nam (tức Lê Cảnh Vạn) gia nhập tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, hoạt động tại các tỉnh Nam Trung Kỳ do hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân lãnh đạo. Hai ông Hàn, Nam trở thành những yếu nhân của tổ chức Việt Nam Quang Phục ở Nam Trung Kỳ.

Đầu năm 1914, Thái Phiên cùng với Lê Ngung một người yêu nước ở tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp mặt các nhà yêu nước ở Trung Kỳ tại Đà Nẵng. Lê Châu Hàn, Lê Châu Nam cũng dự hội nghị đó. Hội nghị nhất trí phải chuẩn bị khởi nghĩa. Hai ông có cha làm quan to trong triều, có cơ hội gần gũi vua Duy Tân một ông vua yêu nước, nên được Thái Phiên và Trần Cao Vân giao cho tiếp xúc. Sau mấy lần trò chuyện với anh em họ Lê, vua Duy Tân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, giao cho hai ông bố trí cho nhà vua gặp hai nhà cách mạng Thái Phiên, Trần Cao Vân.

Lê Châu Hàn đã bố trí cuộc gặp gỡ đó một cách an toàn ở Cửa Tùng, nhà vua đã tán thành và tham gia cuộc khởi nghĩa.

Song cuộc khởi nghĩa thất bại, hầu hết các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội ở Nam Trung Kỳ trong đó có Lê Châu Hàn, Lê Châu Nam bị bắt. Các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân bị xử chém. Vua Duy Tân đưa đi đày, Lê Châu Hàn, Lê Châu Nam nhờ có thế lực của cha nên chỉ bị giam ở nhà tù 10 năm thoát khỏi án tử hình.





LÊ CHÂU NAM

Lê Châu Nam còn có tên là Lê Cảnh Vận, Lê Cảnh Thông. Ông là con quan Triều liệt đại phu Lê Hữu Khánh, là em trai Lê Châu Hàn. Ông sinh ra trong một gia đình cự tộc họ Lê ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Mặc dù là con quan đại thần, nhưng trước nạn đất nước bị giặc Pháp thống trị, cả dân tộc bị trói buộc trong vòng nô lệ, ông đã cùng với người anh trai là Lê Châu Hàn gia nhập tổ chức Việt Nam Quang Phục hội Trung Kỳ do Thái Phiên, Trần Cao Vân khởi xướng. Nhờ uy tín của cha từng là thày dạy học cho vua Thành Thái và vua Duy Tân khi còn là Hoàng tử, nên ông có dịp thân cận với nhà vua. Hai thủ lĩnh Thái Phiên, Trần Cao Vân giao phó đặc trách công tác tư tưởng cách mạng với vua Duy Tân. Nhà vua yêu nước đã hưởng ứng và trở thành linh hồn của cuộc khởi nghĩa Bính Thìn (1916). Lê Châu Nam được tham đự bàn cơ mun hành động với các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Ngung, Lê Cơ, Nguyễn Sụy (Nguyễn Thụy), Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Lê Châu Hàn, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu. Ông được giao cho giữ mối liên lạc giữa nhà vua và ban lãnh đạo khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa vào ngày mùng 3 tháng giêng năm Bính Thìn quyết định khởi sự vào 9 giờ đêm hôm đó. Song do sự phản bội của những tên Việt gian bán nước mà cuộc khởi nghĩa bị lộ, giặc Pháp đã kịp thời đối phó. Các ông thấy đã đến giờ mà không thấy súng thần công nổ làm hiệu lệnh thì bỗng nhiên giặc Pháp kéo đến, đồng thời nghe tiếng kêu khói ở trong cung vang động. Thái Phiên biết đại sự đã đổ vỡ, ông Thái Phiên bèn bảo Lê Châu Nam qua bến Ngự báo hung tin. Nhà vua nghe xong thở dài: "Thôi việc như rứa thì hay rứa, chừ thày đi tìm mời thày phó" (tức Thái Phiên đến nhận mệnh). Ông vội ra đi và liền ngay sau đó, ông lại đến gặp lại nhà vua với hai thị vệ thân tín là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu phò vua Duy Tân xuất bôn. Chính ông là người cõng vua Duy Tân băng thành trong đêm khởi nghĩa năm Bính Thìn (1916). Vì thế ông bị giặc Pháp bắt cùng vói các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu. Tất cả đều bị kết án tử hình, hành quyết vào ngày 17 tháng 5 năm 1916. Riêng ông may mắn thoát chết nhờ uy thế của thân phụ và Thượng thư Bộ Hình Hồ Đắc Trung mà chỉ bị án tù 10 năm, nhưng thực dân Pháp giam giữ ông tới vài chục năm mới thả. Ông trở về thì phong trào Việt Minh đang lên cao, ông tích cực hoạt động và tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đêm 1 tháng 8 năm Giáp Thìn (1946) ông bị chết một cách thê thảm. Ông được táng ở nghĩa địa Lê tộc cùng với cha mẹ, anh là Lê Cảnh Hàn tại phường Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.



Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM