Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:56:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152753 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #230 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 01:59:45 pm »

Quả là sau khi quân Trịnh thua chạy ở Cửa Luộc thì toàn Bắc Hà rung động, quan tướng chỉ tính đường rút chạy. Nhưng không phải quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long “không gặp sự kháng cự nào” như Lơ Roa đã viết.

Để bảo vệ ngôi chúa của mình, chúa Trịnh đã cố gắng huy động lực lượng còn lại (chủ yếu là binh thị hậu và 1.500 quân nghĩa dũng Sơn Tây của Hoàng Phùng Cơ) lập một phòng tuyến cuối cùng ở ngay ngoài thành Thăng Long. Trong đà thắng lợi, Nguyễn Huệ lại chỉ huy quân thủy Tây Sơn chọc thủng phòng tuyến đó một cách nhanh chóng, để lại cho lịch sử nghệ thuật quân sự nước ta một kiểu mẫu nữa về nghệ thuật đột kích đường thủy.

Khi đã phá tan phòng tuyến Trịnh ở Cửa Luộc, quân Tây Sơn chiếm luôn Phố Hiến. Sau một ngày củng cố lực lượng, thuyền chiến Tây Sơn lại giương buồm gấp rút tiến lên Thăng Long. Thủy quân chủ lực của Trịnh đã bị đánh tan nên quân Trịnh ở Thăng Long không còn đủ sức lập phòng tuyến trên sông nữa mà chỉ tập trung phòng thủ ở những bến sông trọng yếu, đón đánh quân Tây Sơn đổ bộ. Có thể coi như lực lượng ngoại binh Trịnh chuyên làm nhiệm vụ đánh dẹp, cả thủy bộ, đều đã bị nướng sạch ở Cửa Luộc. Quân Trịnh còn lại ở Thăng Long chỉ còn khoảng hai vạn (gồm khoảng một vạn binh Thị hậu, hơn 3.000 thủy binh Thị hậu, khoảng 1.500 binh Ngoại phủ và khoảng 1.500 quân nghĩa dũng của Hoàng Phùng Cơ). Số quân này chia thành hai cụm phòng thủ chính.

Theo hướng tiến của quân thủy Tây Sơn, chúa Trịnh giao cho Hoàng Phùng Cơ (quận Thạc) gần như toàn bộ số thủy binh Thị hậu372, cùng với quân nghĩa dũng của y đóng thành một cụm phòng thủ thủy bộ liên hoàn ở phía trước, tức là khu vực ven sông thuộc Thanh Trì hiện nay. Còn đích thân chúa Trịnh Tông (còn gị là Trịnh Khải) chỉ huy số bộ binh, tượng binh còn lại dàn trận ở quanh phủ chúa.
-----------------------------
372 Các sách Hoàng Lê nhất thống chí, Lịch triều tạp kỷ, Lê quý kỷ sự, Cương mục đều thống nhất chép là Tứ thị thủy quân. Sau này khi nói đến trận Thúy Ái, các sách trên cũng đều nhắc đến đội Tiền ưu của Nguyễn Trọng Yên và đội Tiền trạch của Ngô Cảnh Hoàn. Lịch triều tạp kỷ còn kể đến cả “thuyền đội Trung trạch bị giặc bắn tan chìm nghỉm”. Đó đều là tên các đội thuyền trong binh Thị hậu của phủ chúa.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #231 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:03:00 pm »

Cụm phòng thủ của Hoàng Phùng Cơ ở Thanh Trì chia làm hai bộ phận thủy, bộ khác nhau. Các đơn vị thủy binh Thị hậu, theo Phan Huy Chú, có khoảng hơn 50 thuyền với trên 3.000 lính đóng ở bến Thúy Ái.

  Theo Hoàng Lê nhất thống chí: “bấy giờ gió đông nam đang thổi mạnh, đường thủy trở nên rất xung yếu. Sau khi các đội thuyền của Liễn Trung hầu (tức Đinh Tích Nhưỡng – T.G.) đã bị đánh bại, quân địch chiếm được cả một dải đất yên ổn chạy dài theo ven sông, rồi thuận đường kéo thẳng lên Kinh Kỳ. (Chúa Trịnh) Tông sai cả bốn hiệu lính thủy dốc hết quân xuống ngăn địch ở cửa Thúy Ái”.

  Vũ Tuấn Sán trong Nghiên cứu lịch sử (số 119, 2-1969, tr. 13), có một chuyên khảo rất công phu và có giá trị về các địa danh có liên quan đến các điểm bố phòng và các trận đánh của Tây Sơn trong cuộc tiến quân lần này (1786). Điều tra thực địa cũng như trong thư tịch của chúng tôi cho phép xác nhận đội tin cậy cao của những chỉ dẫn đó. Bến Thúy Ái (Thúy Ái châu) là một địa danh (đến đầu thời Nguyễn là tên xã) đương thời thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng, nay thuộc xã Nam Lĩnh, huyện Thanh Trì, ngoai thành Hà Nội. Đó là một dẻo bờ sông Hồng, trước đây bị một lạch nước nhỏ tách riêng ra như một bãi bồi, có lẽ vì thế có tên là Thúy Ái châu (châu có nghĩa là một bãi bồi giữa sông, như Mạn Trù châu, Đằng châu…). Hẳn là quân thủy Trịnh đã dựa vào bãi này để đóng quân.


Như ở Cửa Luộc, tại đây quân thủy cũng được dùng làm lực lượng tiên phong chặn quân thủy Tây Sơn, trước khi có những trận đánh quyết định ở trên bộ.

Hỗ trợ cho quân thủy ở Thúy Ái, đồng thời tạo thành một chốt phòng thủ trên bộ, Hoàng Phùng Cơ và hơn 1.00 quân nghĩa dũng dựa vào hồ Vạn Xuân đóng đồn dàn trận.

  Hồ Vạn Xuân, theo Vũ Tuấn Sán, là Hồ Vạn Xoan, ở cách Thúy Ái phía tây-bắc khoảng 2 ki-lô-mét, theo hướng tiến thẳng vào Thăng Long. Như vậy trận địa của Hoàng Phùng Cơ ở phía sau Thúy Ái.

Quân thủy Tây Sơn muốn vào Thăng Long, trước hết phải đụng độ với cụm phòng thủ này.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #232 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:07:37 pm »

Ngày 20-7-1786, quân thủy Tây Sơn bắt đầu mở cuộc tiến công vào quân Trịnh ở Thăng Long373. Trận đánh đầu tiên nhằm vào quân thủy Trịnh ở Thúy Ái là của Nguyễn Huệ. Theo sử chép về diễn biến trận đánh thì khoảng sáng hôm đó thuyền chiến Tây Sơn ập đến bất ngờ, quân Trịnh không kịp sẵn sàng ở trên thuyền. Vì vậy, cuộc đụng độ giữa quân thủy hai bên không diễn ra chủ yếu trên mặt nước mà vừa trên mặt nước, vừa trên bộ. Khi thuyền chiến Tây Sơn ập đến, quân thủy Trịnh còn đang tản mát trên bờ, chỉ có một số ít, như Ngô Cảnh Hoàn, Nguyễn Trọng Yên và quân của thuyền Trung Trạch là kịp xuống thuyền chiến đấu.

Đơn vị đánh vào Thúy Ái là những thuyền chiến tiên phong của Tây Sơn. Một đoạn trong Binh lược, tức binh thư soạn vào thời Nguyễn, cho biết đội binh thuyền tiên phong này có nhiệm vụ đổ bộ tập kích bất ngờ vào cụm phòng thủ của Hoàng Phùng Cơ, sau đó tạo thành một mũi kỳ binh trên bộ đánh úp sau lưng quân Trịnh, chiếm đại bản doanh của chúng là phủ chúa: “Như xưa Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh nhau với Thạc Võ Công ở bến Thúy Ái, xuất quân kỳ theo đường tắt mà vào thành nhà Lê. Chúa Trịnh vừa chạy về miền Tây (ý muốn nói Sơn Tây) thì trong phủ đã dựng cờ Tây Sơn rồi”.

  Theo Binh thư yếu lược (tr. 189 – 190) thì nghệ thuật tác chiến thời xưa thường sử dụng lối đánh gồm các mũi chinh phụ khác nhau, tạo ra những đòn đột kích bất ngờ cho đối phương. Nghệ thuật đó, binh pháp xưa gọi là phép đặt kỳ, với các lực lượng kỳ binh, chính binh. Thông thường thì kỳ binh tuy là phụ, nhưng lại là bộ phận tinh nhuệ đánh đòn quyết định. Trong trận đánh vào Thăng Long lần này, Nguyễn Huệ đã vận dụng rất tài giỏi lối đánh đó, dùng lực lượng đổ bộ làm kỳ tạo ra một mũi đột kích đường bộ, trong khi rải quân làm chính binh theo đường thủy đánh thẳng vào mặt chính của trận địa Trịnh, đúng như điều Binh thư yếu lược đã tổng kết: “Khi hai quân thủy, bộ tiếp nhau, làm chính hay kỳ, tùy theo tình thế mà dùng. Nếu lấy thủy binh làm chính thì bộ binh làm kỳ, nếu lấy bộ binh làm chính thì lấy thủy binh làm kỳ”.

Với tình hình quân Trịnh và nhiệm vụ chiến thuật như vậy, quân thủy Tây Sơn trong đơn vị tiên phong đã chọn lối đánh thích hợp nhất là đổ bộ bất ngờ.
-------------------------------
373 Thư Le Roy gửi Veren ngày 6-10-1786, trong Sử địa, Số 9 – 10, tr. 227. Ngày 20-7-1886, tức 25 tháng Sáu năm Bính Ngọ, là ngày chúa Trịnh, theo Lê quý dật sử, dàn trận ở lần Ngũ Long và hai ngày sau, ngày 27-6, Trịnh Khải chết. Một số tác giả khi viết về trận này lại xếp vào ngày 21-7-1786 (xem Nguyễn Lương Bích…, Sách đã dẫn, tr. 148).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #233 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:13:04 pm »

Hoàng Lê nhất thống chí (tr. 104) chép: “Thuyền địch đến bến Nam Dư tức thì bỏ thuyền nhảy lên bộ, đánh úp vào đám lính thủy ở cửa Thúy Ái”.

Nam Dư đầu thời Nguyễn là một xã bên cạnh Thúy Ái, sau đó một phần nhập với Thúy Ái thành một xã chung. Bến Nam Dư và cửa Thúy Ái cách nhau không bao xa. Quân Tây Sơn đánh quân thủy Trịnh ở Thúy Ái bằng cả quân đổ bộ lẫn thuyền chiến. Một bộ phận đổ bộ đánh chiếm những thuyền quân Trịnh chưa kịp lên, trong khi đó thuyền chiến dùng pháo bắn áp đảo, tiêu diệt những thuyền chiến có quân Trịnh kịp lên đối phó. Chính vì vậy, trận Thúy Ái còn là một trận đối thủy. Ngô Cảnh Hoàn, Nguyễn Trọng Yên và toàn bộ binh sĩ trên thuyền Trung Trạch bị chết trong trận đối thủy này.

Trận đánh kết thúc rất nhanh, dường như Hoàng Phùng Cơ ở hồ Vạn Xuân không hề biết gì cả. Theo Hoàng Lê nhất thống chí (tr. 104), sau đó toàn bộ quân Tây Sơn “kéo ùa lên bộ, xông vào trận của quận Thạc”. Quân Trịnh ở hồ Vạn Xuân đang ăn cơm bị quân thủy Tây Sơn đổ bộ ập đến bất ngờ, bị tiêu diệt gần hết.

Cụm phòng thủ phía trước của quân Trịnh bị đập tan tành, quân thủy Tây Sơn ồ ạt tiến về khúc sông Hồng đối diện với trận địa trên bờ mà chúa Trịnh đã dàn sẵn chờ đợi, trong khi đó cánh quân tiên phong đổ bộ bí mật tiến về phía sau lưng quân Trịnh.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #234 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:17:55 pm »

Trận đánh quân Trịnh ở bến Tây Long là trận đánh quyết định cuối cùng trong cuộc hành quân ra Bắc lần này của quân Tây Sơn. Đó là một trận đổ bộ lớn nhằm áp đảo quân Trịnh ở mặt chính diện, tạo điều kiện cho cánh quân độ bộ ở Thúy Ái bất ngờ đánh chiếm phủ chúa. Khu vực đổ bộ được xác định là bến Tây Long (còn gọi là Tây Luông), đây là bến sông Hồng dẫn thẳng tới lầu Ngũ Long, trung tâm của trận địa quân Trịnh.

  Bến Tây Long được Vũ Tuấn Sán xác định vào khoảng bãi sông phía sau lưng Ngân hàng quốc gia hiện nay. Lầu Ngũ Long ở khoảng Bưu điện thành phố cũ và khu Nhà khách Chính phủ hiện nay. Bức tranh trong sách của Baron cho ta một hình ảnh gần gũi hơn về bãi sông Hồng ở Thăng long thời đó. Bản đồ Hà Nội vẽ năm 1831 có ghi rõ Tây Luông ở khoảng Bảo tàng Lịch sử hiện nay, cạnh đó về phía bắc là tiền quân đồn. Chính đây là Tiền Lâu, nơi quân Tiền bộ Trịnh đóng để án ngữ đường từ bến Tây Long lên. Các đơn vị khác theo Hoàng Lê nhất thống chí, được rải ra các đồn xung quanh, chủ yếu bảo vệ phủ chúa Trịnh chứ không phải là khu nội thành Thăng Long nơi vua ở. Điều này có liên quan đến khẩu hiệu “chính trị” của Tây Sơn lúc đó là “Phù Lê diệt Trịnh” và mục tiêu tiến công của quân Tây Sơn nhằm vào bản doanh của chúa Trịnh chứ không phải Thăng Long nói chung. Sau đó, Nguyễn Huệ chỉ đóng quân ở phủ chúa. Võ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh ở lần Ngũ Long. Ngày hôm sau (21-7-1786), Nguyễn Huệ mới vào trong thành ra mắt vua Lê.

Theo cách bố trí của quân Trịnh thì quân hiệu Tiền bộ có nhiệm vụ khống chế mặt sông này (là mặt thành Tiền Lâu).

Quân Tây Sơn trong đổ bộ bao giờ cũng hết sức dũng mãnh và nhờ có hỏa hổ, sức đột phá càng tăng lên gấp bội. Băng qua làn đạn của quân Tiền bộ, thủy binh Tây Sơn dùng hỏa hổ tiến sát vào trận địa Trịnh tỏ rõ truyền thống giáp chiến tuyệt vời của một đội quân khởi nghĩa, nhanh chóng phá tan thế trận của đối phương.

Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 316) ghi lại rất sinh động cuộc đổ bộ này:

“Bấy giờ, thủy quân Tây Sơn bức bách đến bến Tây Luông, đô bộ, dàn trận. Quân tiền bộ của chúa nổ súng bắn. Quân giặc (tức Tây Sơn – T.G.) cúi rạp mình xuống tránh đạn, rồi sấn vào giao chiến. Chúa Trịnh chính mình mặc áo chiến bào, xuống lầu, lên voi, tay cầm cờ lệnh, chỉ huy các quân theo lệnh để đánh giặc, nhưng quân sĩ nhìn nhau, chẳng ai chịu tiến lên cả. Giặc bắn hỏa hổ, tung quân ập ra đánh giết. Chư quân kinh hãi, tan vỡ, bỏ cả giáo mác và áo giáp ở bờ sông, chạy thục mạng, chúa ở trên mình voi ngoái nhìn lại thấy không còn một tướng sĩ nào cả”.

Trong khi quân độ bộ ở Tây Long áp đảo quân Trịnh thì bộ phận kỳ binh đã đột nhập vào phủ chúa, kéo cờ Tây Sơn đắc thắng càng làm quân Trịnh hoảng hốt, tranh nhau tìm đường trốn chạy. Theo Lê quý kỷ sự (tr. 36), “Nhà chúa thấy việc đã hỏng, bèn thúc voi quay về phủ, thì đã thấy ngoài phủ cờ giặc phấp phới rồi. Chúa Trịnh vội tế voi nhằm phía Sơn Tây mà chạy”.

  Về trận này, Lơ Roa nhận xét: “Quân (Tây Sơn – T.G.) nhân lúc thắng thế, tiến thẳng ra kinh đô và ngày 20-7 vào đó không gặp sự kháng cự nào. Thượng đế đã lấy mất trí suy đoán của quan binh chúng tôi, vì ai nấy đều thi nhau trốn chạy tán loạn và bỏ mặc hết, cốt để cứu lấy mạng sống của họ. Ngời ta kể rằng lính Bắc Hà chỉ bắn có 12 phát súng vào quân Nam Hà thôi, rồi họ bỏ chạy và đốt cháy vài tòa nhà, do đó một phần tư thành phố bị thiêu rụi” (Thư ngày 6-10-1786, tài liệu đã dẫn).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #235 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:20:22 pm »

Như vậy, chỉ trong vòng hai ngày tổng công kích, hai vạn quân thủy Tây Sơn đã làm tan rã hoàn toàn quân đội Trịnh. Tình hình tư liệu về cuộc hành quân đánh Trịnh năm 1786 rất phong phú, cho phép ta hình dung chi tiết hơn vai trò cũng như nghệ thuật tác chiến của quân thủy Tây Sơn, đặc biệt trong trường hợp quân thủy vươn lên đảm nhiệm độc lập một hoạt động quân sự có ý nghĩa chiến lược.

Quân thủy Tây Sơn trong cuộc hành quân lần này luôn giữ vai trò lực lượng đột kích chiến dịch, trong đó pháo thuyền là bộ phận nòng cốt. Suốt thời gian chiến dịch, quân thủy hoàn toàn đảm nhiệm việc chuyển quân, cơ đông. Trong hai vạn quân Tây Sơn ra Bắc lần này, có một bộ phận khá lớn là bộ binh, những người thực hiện nhiệm vụ tiến công đường bộ xuất sắc trong chiến dịch Thuận Hóa vừa qua. Kể từ Phú Xuân đến tận Thăng Long, cả trong hành quân cũng như trong chiến đấu, không mấy khi thấy quân bộ phải hành quân độc lập.

Các hình thức tác chiến trong chiến dịch này nổi nhất là các trận đổ bộ và một vài trận đối thủy. Trận Cửa Luộc, Thúy Ái, Tây Long đều là những trận đánh bằng đổ bộ rất thành công, cũng như trong trận Phú Xuân trước đó vừa đúng một tháng, đổ bộ liền với sự yểm hộ của pháo thuyền. Cách đánh này đã tạo ra hình thái kết hợp thủy, bộ rất nhuần nhuyễn trong quân đội Tây Sơn. Đặc biệt trong trận tổng công kích vào Thăng Long, quân đổ bộ ở Thúy Ái đã được phát triển thành một mũi kỳ binh độc lập trên bộ, đánh dấu bước phát triển rất cao của nghệ thuật phối hợp thủy bộ cũng như nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của Nguyễn Huệ. Trong các trận đổ bộ này, ngoài hỏa lực của thuyền chiến, nghĩa quân độ bộ còn được trang bị hỏa hổ – một vũ khí đột kích lợi hại trong điều kiện bãi đổ bộ đã bị đối phương khống chế.

Trong kế hoạch phòng thủ, quân Trịnh chú ý đến việc chống lại Tây Sơn bằng những trận đối thủy, nhằm đánh trúng vào lực lượng nòng cốt của quân Tây Sơn. Ở Cửa Luộc cũng như ở Thăng Long, quân Trịnh đều có ý định dùng quân thủy trước tiên để cản phá bước tiến của Tây Sơn. Vì vậy, ngoài các trận đổ bộ, quân thủy Tây Sơn còn có những trận đối thủy, chủ yếu do các pháo thuyền đảm nhiệm.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #236 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:22:41 pm »

Trận đánh tan quân thủy Đinh Tích Nhưỡng xứng đáng là một trận đối thủy tiêu biểu của quân thủy Tây Sơn. Như ta đã biết, trên thế giới lúc đó, trong các trận đối thủy, giáp chiến đã được thay thế căn bản bằng đấu pháo. Ở phương Đông nói chung, do truyền thống và một số hạn chế riêng, nên sự thay thế này không dứt khoát như phương Tây. Trong đối thủy, giáp chiến vẫn đóng vai trò khá quan trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của các trận đối thủy, đấu pháo vẫn là thủ đoạn tác chiến căn bản và quyết định. Thành bại của giai đoạn này có liên quan đến thành bại toàn trận đánh.

Trận đồ của Đinh Tích Nhưỡng chứng tỏ viên tướng lão luyện thủy chiến này có ý định dùng hỏa lực mạnh đã chuẩn bị sẵn để cản đường Tây Sơn, hoặc ít ra cũng gây tổn thất lớn cho thuyền chiến Tây Sơn trước khi bước vào một trận giáp chiến.

  Quân Nhưỡng dàn trận chữ nhất, trên sắp sẵn pháo lớn. Đó là trận đồ đấu pháo thường thấy trong nghệ thuật thủy chiến ở phương Đông, phổ biến dùng đánh trong sông. Trận đồ Tam tài hoành cũng thuộc loại này. Thuyền chiến dàn hàng ngang, so le để có thể di động lên xuống, thay đổi vị trí cho nhau. Khi vào trận, pháo trên hàng thuyền đầu bắn xong, lùi lại nhường cho hàng sau tiến lên, cứ thế để tạo ra lưới hỏa lực liên tục không đứt quãng vì thời gian nạp đạn. Pháo thuyền nước ta vốn chỉ có 1 – 3 khẩu trên một thuyền. Kỹ thuật pháo đương thời phải mất từ 5 – 10 phút mới có thể bắn được một phát, tầm bắn chỉ trong khoảng vài trăm mét, độ chính xác lại không cao, trong khi đó thuyền đối phương thường nhiều, vì vậy rất cần hỏa lực dày đặc và liên tục. Tất nhiên, kỹ thuật đúc súng và khả năng cung cấp đạn dược thời đó không cho phép thực hiện sự liên tục trong một thời gian dài. Vì vậy, trong một khoảng thời gian nào đó mà chưa tiêu diệt được đối phương thì pháo thuyền coi như mất sức chiến đấu, chỉ còn lại khả năng giáp chiến.

  Để minh họa cho cách đánh trên, có thể dẫn lại đây đoạn mô tả trận đối thủy của Nguyễn Viết Tuyển với Tướng Tây Sơn Quỳnh Ngọc hầu năm 1788 trong Lê quý kỷ sự (tr. 89): “Tuyển chia thuyền làm mười hàng. Ở các mũi thuyền đều đặt pháo lớn. Hễ gặp địch thì hàng thuyền cứ theo thứ tự lần lượt bắn. Tiếng súng liên miên không ngớt, đạn bay đầy sông, bắn vỡ luôn vài chục chiếc thuyền giặc”.


Đối phó với thế trận này, Nguyễn Huệ chủ trương lợi dụng đêm tối đánh nghi binh làm tiêu hao hỏa lực của địch, sau đó mới dùng ưu thế hỏa lực của ta uy hiếp và liên tiếp đánh giáp chiến. Quân thủy Trịnh đã mắc mưu và thất bại.

Trong trận đối thủy nhỏ ở Thúy Ái, pháo thuyền Tây Sơn đã tiêu diệt nhanh chóng những thuyền chiến Trịnh có khả năng chiến đấu, tạo thế áp đảo, diệt nhanh gọn quân thủy Trịnh tại đây, mở rộng đường cho đại quân tiến lên đổ bộ ở Thăng Long.

Cùng với thắng lợi giòn giã của các trận thủy chiến ở Gia Định,chiến công của quân thủy Tây Sơn trên chiến trường Bắc Hà còn rất mới mẻ này đã chứng tỏ sức mạnh dồi dào và khả năng tác chiến cao của quân thủy Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài giỏi của Nguyễn Huệ.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #237 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 02:26:34 pm »

Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM