Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:46:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người Thăng Long  (Đọc 44456 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #100 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:33:10 pm »

Bây giờ thì cái vị Đại Hãn ấy đã yên nghỉ ở đất tổ, bên dưới thảm cỏ bốn mùa thay đổi sắc, mùa đông tuyết trắng phau phau, mùa xuân cỏ non xanh mịn, mùa hạ rực rỡ muôn hoa, mùa thu cỏ áy vàng. Làm tướng được chết trên chiến trường là một cái chết đẹp, cái chết da ngựa bọc thây thế nhưng nó phải là một cái chết trong một trận chiến lẫm liệt. Đằng này quân Việt không chịu tiếp chiến. Cuộc chinh thảo diễn ra trên bốn tháng rồi mà quân Việt chỉ cho xảy ra một số trận đánh nhỏ. Sức nhanh của quân kị Thát Đát, tài phá luỹ công thành của quân Hán, trí dũng thao lược của các tướng đều không thi thố được. Rút cục, trời nóng trời mưa cứ giáng lên đầu quân, lương thiếu cỏ hết cả ngày chỉ lo ăn...

A Lý Hải Nha ngẫm nghĩ. Viên tướng xâm lược già chợt thấy lo lắng. Trong những cuộc chinh thảo khác, quân Thát Đát muốn đánh lúc nào thì đánh, còn trong cuộc chinh thảo này lúc họ muốn đánh thì không được đánh. Như vậy... như vậy bây giờ đến lượt quân Việt muốn đánh lúc nào thì đánh! A Lý Hải Nha bỗng lo thót ruột. Gánh nặng cuộc chinh thảo này đè lên vai y. Nguyên chúa đã dặn phải thắng. Nguyên chúa đã giao cả giáo vàng truyền quốc. Nguyên chúa đã giao cả tính mệnh và ngai vàng của hoàng tử Thoát Hoan cho y. Phải thắng, phải lập được một nước để Trấn Nam vương trị vì và y thì phụ chính.

Nhưng đêm hôm nay, A Lý Hải Nha đã hiểu rằng thắng quân Việt là một điều ảo tưởng, còn thua, thậm chí thua to thì chưa biết thế nào. Chỉ còn một chút kì vọng le lói như ngọn đèn trước gió. Đó là đạo quân Toa Đô đến hội sư ở Thăng Long, đem đến một nguồn sinh lực mới. A Lý Hải Nha sẽ dùng cánh quân sinh lực này mở một cuộc truy lùng mới: truy lùng vua Việt, cả hai cha con vua Việt, truy lùng tiêu diệt Hành trung doanh quân Việt.

Hà, Toa Đô cũng là trò yêu của ta, gã không may mắn có máu hoàng tộc, gã không phải là hoàng tử thân vương, nhưng gã là một viên tướng, một chiến tướng bách chiến đã giành lấy ấn kiếm nguyên soái bằng những gian lao, bằng xông pha tên giáo, bằng những chiến tích và kinh nghiệm thu được, bằng nửa đời người mang gươm phò Nguyên chúa. Gã thao lược và thiện chiến hơn Thoát Hoan. Có thể bàn việc với gã như bàn luận giữa các tướng thực thụ, như giữa những chiến binh thực thụ. Gã không có chút máu Đại Hãn nào trong huyết quản nhưng gã sẽ là người đuổi bắt cha con vua Việt, Toa Đô cũng sẽ là người tìm ra tung tích Hành trung doanh của quân Việt. Được rồi, đến lúc đó, A Lý Hải Nha sẽ đem hết tài nguyên soái bách chiến ra, chỉ huy một cuộc chiến thắng lớn, thắng lừng lẫy.

Chỉ cần Toa Đô đem quân về đúng hẹn, quân đủ, khí giới đủ, quân thế còn sắc sảo. Mà sao cái thằng này đến muộn vậy? Hay quân của nó cũng ốm dở?

A Lý Hải Nha chợt sững người. Câu hỏi của gã choảng đúng vào huyệt. Tất cả kinh nghiệm một đời chinh chiến đã chỉ cho viên tướng già này biết rằng đội quân Toa Đô chắc chắn bây giờ đang xơ xác. Đây là đạo quân đã phải đánh nhau hai năm trường ở một nơi xa, chiến trường lại nhiều rừng núi, nhiều muỗi, lắm vắt và nóng nực ẩm thấp hơn ở đây.

Đặt hi vọng chuyển thế chiến trường vào đạo quân Toa Đô té ra là một ảo tưởng vô duyên. A Lý Hải Nha định nói điều ấy với Thoát Hoan nhưng nghĩ đi nghĩ lại viên tướng già lại ngậm miệng bởi vì nếu nói thì lại phải nói cho cùng kì lí: chẳng những không trông mong gì được ở đạo quân Toa Đô mà còn phải lo cứu cho đạo quân ấy khỏi bị tiêu diệt trên đường di chuyển. Tốt hơn hết là cứ để Toa Đô đến đây, Thoát Hoan sẽ nhìn tận mắt lực lượng này và quyết định lấy việc phải làm.

Chờ đến gần trưa vẫn không thấy thuyền mang cáo của Toa Đô đến Hành trung doanh. Các nêu cờ báo tin loạn xạ. Không hiểu ở những nơi ấy quân Việt có hành binh không mà nêu nào cũng báo tin đồn trại bị tiến công. Một số ụ lửa chuyên dùng để báo tin nguy cấp cũng thấy khói hiệu bốc lên. A Lý Hải Nha muốn Thoát Hoan khỏi sốt ruột nên ra lệnh cho các tướng đi xét quân tình ở quanh Thăng Long.

Bọn thị mã dắt ngựa đến cửa lều trận. Các tướng Thát Đát lên ngựa trước, các tướng Hán giữ phận hèn lên ngựa sau. Chúng theo nhau phi ngựa qua các phố phường Thăng Long vắng teo. ở các nơi đồn trú của quân Nguyên, Thoát Hoan nhận thấy rất rõ tình trạng quân lính chẳng những đói mệt mà kỉ luật lơi lỏng. Đó là điều tất nhiên sẽ xảy đến với một đội quân đóng lâu tại chỗ và mất quyền làm chủ trên toàn chiến trường. Thoát Hoan còn nhận thấy những con ngựa Vân Nam cũng xuống sức nhiều. Xứ này lắm ruồi vàng quá. Ngựa Vân Nam bị ruồi vàng đốt, rùng mình phát sốt, bốn gối rung như cẳng cò gặp rét. Thoát Hoan vốn là tay sành ngựa. Chỉ nhìn những con ngựa chảy nước mũi, Thoát Hoan đã hiểu rằng đàn ngựa thế là ốm hết rồi. Bây giờ mà muốn dẫn quân cưỡi chúng đi đánh những trận lấy nhanh, lấy thần tốc thì cũng không ra khỏi cửa doanh được lấy chục dặm đường. Rồi đỗ lại nghỉ ngựa thì chỉ có chờ quân Việt đến cất vó là xong.

Tình thế này mà lọt đến tai mắt quân Việt thì “lôi thôi” to.

Thoát Hoan bày tỏ sự lo ngại của mình với A Lý Hải Nha. Viên tướng già này nghiêm khắc nhắc Thoát Hoan:

- Nhận ra tình trạng này phải có tầm mắt của tướng bên ta. Tôi chỉ lo có ai nói điều đó với bọn con gái Việt.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:33:52 pm »

Thoát Hoan sầm mặt xuống. Viên tướng trẻ biết rằng thầy gã đe gã về cái tội đã tiếp nhận những mĩ nữ nước Việt. Đó là điều cấm trong bộ luật Yassa. Điều luật ấy nó thế này: “Cái sướng nhất của người chiến binh Thát Đát là đánh thắng quân địch, cướp của cải của chúng, đuổi bọn tôi tớ của chúng phải tế ngựa bỏ chạy, là dùng bụng vợ và con gái chúng làm ổ ngủ”. Thế mà Thoát Hoan đã nhận mĩ nữ Việt như một cống phẩm lúc bình thường của phiên trấn nội phụ. Đành rằng hôm ấy Thoát Hoan đã tỏ ra tôn trọng lời can của A Lý Hải Nha nhưng viên Đại Nguyên soái trẻ biện bạch rất khéo rằng cứ nhận mĩ nhân để ru ngủ vua tôi nước Việt rồi quân Nguyên không giữ lời hứa mà cứ tấn công. Quả thật sau đó quân Nguyên vẫn tấn công nhưng Thoát Hoan đâm say mê nàng công chúa phương nam nom rất yểu điệu mà dữ như chó sói. Hàng ngày, Thoát Hoan vẫn đến căn lều nhốt mĩ nữ Việt. Hàng ngày, Thoát Hoan phải nhìn mặt nàng con gái Việt, dần dần thói quen đó thành thói nghiện. Thoát Hoan chuyện trò với các cô gái đó mặc dù họ không đáp lời gã. Thế mà Thoát Hoan vẫn ra lệnh nới bớt các điều cấm đối với nàng công chúa Việt và những người theo hầu. Những mệnh lệnh ấy được ban ra mà không hỏi qua A Lý Hải Nha làm cho viên tướng già này đã mấy lần nghiêm sắc mặt nhắc học trò yêu về bổn phận của một viên tướng đi viễn chinh.

Thoát Hoan cười dàn hoà:

- Bọn chúng ở đây như chim trong lồng, làm sao mà mang nhau đi đâu được.

A Lý Hải Nha giữ ý không tranh biện với Thoát Hoan. Vả chăng viên tướng già đã sai tì tướng tâm phúc canh phòng căn lều nhốt mĩ nữ người Việt rất chặt chẽ. Y cũng đã sai bọn tâm phúc sắp sẵn thuốc độc để khi cần thì bắt mĩ nữ nước Việt uống chết.

Thoát Hoan lại lảng sang chuyện khác:

- Còn bọn hàng tướng Việt thì phải giải về Đại Đô để đề phòng chuyện bất trắc.

A Lý Hải Nha đáp rằng cái bọn đầu hàng thì chẳng dùng làm gì được, tuy nhiên y đã sai tướng giải bọn Trần Ích Tắc và Trần Kiện... về Trung Quốc rồi. Gã cười nhạt:

- Cái bọn mà không trung thành cả với bố chúng nó thì hỏi chúng còn có thể trung thành được với ai?

Đúng lúc ấy, một viên tì tướng của thuỷ trại Chương Dương phi ngựa tới. Con ngựa chạy quá sức, bốn vó loạng choạng suýt sụm xuống. Viên tì tướng báo tin dữ: “Chiếc thuyền mang cáo của Nguyên soái Toa Đô đã bị quân Việt chẹn bắt cách Chương Dương có sáu dặm sông. Quân tuần tiễu của thuỷ trại Chương Dương đã cố sức đánh để cứu chiếc thuyền này nhưng đội quân Việt thông thạo sông nước quá. Họ cho người lặn hẳn xuống nước đem dùi đục thuyền. Chiến thuyền của ta bị đắm mất mấy chiếc. Thế là quân thuỷ bị bọn người Việt bắt sống ngay dưới nước.”

Thoát Hoan giật nảy mình, muốn tuốt gươm chém ngay viên tướng thông hiệu nhưng sau thấy vô lí, hắn tra gươm vào vỏ. Viên Đại Nguyên soái trẻ rất thông minh. Y rất lo người Việt bắt được tờ cáo bí mật sẽ hiểu rõ ngay vì sao y cho gọi cánh quân Toa Đô về hội sư ở Thăng Long. Như vậy, quân Việt sẽ vây đánh rát hơn. Thoát Hoan vội dẫn các tướng về lều trận của y. Một loạt mệnh lệnh được ban ra:

- Lệnh cho các đồn trại quanh Thăng Long phải tăng vọng tiêu phòng. Đặc biệt là đồn A Lỗ, nơi Vạn hộ hầu
Lưu Thế Anh đặt hành doanh chỉ huy tải lương cỏ.

- Lệnh cho đội quân kị phải chăm vỗ ngựa tốt hơn và lúc nào cũng phải sẵn sàng lên yên.

- Lệnh cho thuỷ trại Chương Dương phải canh giữ cẩn mật hơn nữa. Nơi này đóng phần lớn chiến thuyền của đạo quân xâm lược. Đó là phương tiện để tấn công tiến đánh ở xứ này và để ù té chạy khi cần thiết.

- Lệnh cho Thiên hộ Mã Vinh lập đồn chắn cửa sông Tô Lịch, đồn đặt ngay cửa Giang Khẩu. Trong sông Tô Lịch, Thoát Hoan sai đem một đội thuyền nhẹ vào đóng ở bến cửa thành. Đấy là phương tiện để các tướng trong Hành trung doanh đi khỏi Thăng Long khi cần thiết.

- Giao cho quân thuỷ công việc tìm gặp và dẫn đường cho đạo quân Toa Đô.

Bấy nhiêu mệnh lệnh ban ra nhưng những ngày sau đó, quân Việt đột nhiên hoạt động dữ dội. Họ đánh đồn lẻ, họ đốt trại, đốt kho lương kho cỏ bằng tên lửa. Họ đánh úp các ụ nêu cờ, nêu đèn làm cho các tuyến thông báo tin tức luôn luôn bị rối loạn và gián đoạn. A Lý Hải Nha cũng mất hẳn bình tĩnh. Viên tướng già đích thân xuống thuỷ trại Chương Dương để chỉ huy việc tìm gặp đạo quân Toa Đô. Bây giờ thì không còn chờ dựa vào cánh quân này mà lại là lo cứu cho nó khỏi bị tiêu diệt... A Lý Hải Nha hiểu rằng quân thế đôi bên đang có sự thay đổi lớn.

Đến nửa đêm, tin dữ từ biên giới đưa về: “Quân Việt mai phục bắn chết cả nhà tên Việt gian Trần Kiện và cả đội quân hộ tống cũng mất đứt luôn”.

Đúng là quân thế đôi bên đang có sự thay đổi lớn rồi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:34:49 pm »

Chương 18

Hành trung doanh của đức ông Hưng Đạo đóng trong một bản người Man Đại Hoàng vùng thượng đạo phủ Thiên Trường. Hành cung của hai vua đặt ở bản bên chỉ cách Hành trung doanh chưa đầy bốn dặm đường. Chung quanh nơi hai vua và đức ông Hưng Đạo đóng, người ta gặp gần đủ mặt những vương hầu giữ các chức vị trọng yếu trong triều: binh tướng tuỳ tùng của Hành cung và Hành trung doanh cũng rất đông, người đi kẻ lại tấp nập hối hả, voi gầm, ngựa hí, khói bếp bốc lên mù mịt.

Trần Nhật Duật đến Hành trung doanh vào lúc giữa trưa, nắng như chàm lửa. Ông đến bằng đường thuỷ trên một chiếc thuyền nhẹ mười sáu cặp mái chèo. Chiếc thuyền nhẹ lướt như bay trên mặt con sông Bôi mùa này nước chảy lững lờ, màu nước xanh như màu lá rừng hai bên bờ. Ông gặp chiếc thuyền của đức ông Nhân Túc, quan lệnh phủ Tông Chính. Chiếc thuyền của đức ông Nhân Túc chở đầy bài vị thần chủ của các bậc tiên đế, tiên hậu, tiên vương, tiên phi... để đưa đi cất giấu. Nhân Túc vương nhìn thấy Trần Nhật Duật ở thuyền bên kia thì mừng quớ lên:

- Ôi! Cháu Sáu! Cháu ta lẫm liệt quá!

Trần Nhật Duật vái chào ông chú và nhận thấy cái mũi của đức ông Nhân Túc bớt đỏ đi. Chắc rằng đức ông Nhân Túc thiếu rượu. Trần Nhật Duật sai quân trạo nhi ghé sát thuyền vào thuyền của đức ông Nhân Túc và biếu ông chú một vò rượu mít với một bó cá mực khô, đặc sản của hương Hoằng. Trần Toàn cố chèo kéo cháu lên thuyền với mình để chú cháu vừa hàn huyên vừa nếm thử “tí hương rượu mít” nhưng Chiêu Văn vương thác việc quân bận lắm xin đi ngay.

Hành trung doanh đang lúc đông người. Viên tướng coi quản quân tuỳ tùng của Hành trung doanh là Dã Tượng reo mừng khi thấy Chiêu Văn vương bước lên bờ:

- Kính lạy đức ông! Chúc đức ông mạnh khoẻ!

- Chào tướng quân, ta chào tướng quân! Quốc công ta đang ở đâu?

- Thưa đức ông, Quốc công đang bàn việc cơ mật với đức ông Chiêu Minh trong lều trận treo màn cửa
bằng vóc đỏ kia ạ.

Dã Tượng đưa Chiêu Văn vương đến lều trận của Hưng Đạo vương. Viên tì tướng giám quân hô to:

- Đức ông Phó đô tướng đã đến!

Lính hầu vén màn vóc đỏ. Chiêu Văn vương bước vào lều trận, thấy hai đức ông Hưng Đạo, Chiêu Minh cùng các phó quan và một số tướng đang làm việc. Chiêu Văn vương chắp tay vái, miệng chào lớn, vui vẻ:

- Kính lạy hai anh! Em đã đến!

Trần Quốc Tuấn mừng rỡ đứng dậy, reo lên đáp lễ và bước ra tận chỗ Chiêu Văn vương đứng, cầm tay ông dắt lại bên văn án:

- Nom em Sáu mạnh lắm phải không chú Ba?

So ba đức ông, Chiêu Văn vương còn trẻ lắm. Ba người cách nhau mỗi người hơn mười tuổi. Trần Quang Khải cười nói:

- Thưa anh trưởng, em Chiêu Văn có gầy hơn hồi ở Thăng Long.

- Gầy một chút nhưng gân guốc cứng cáp hơn nhiều chứ. - Trần Quốc Tuấn ngả người ra đằng sau ngắm

Trần Nhật Duật thêm một lát: - Nom khí phách lắm... Anh hùng lắm!
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #103 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:35:28 pm »

Trần Quốc Tuấn như nhìn thấy chính mình ba mươi năm về trước. Ông tiếp:

- Ta cứ tưởng em nhanh lắm cũng phải sớm mai mới tới đây được. Thế này càng hay. Chúng ta lập kế quyết chiến với giặc đây.

Tả hữu dâng trà để các tướng giải khát. Rừng cây hầm hập gió tây thổi về. Ngoài rừng xa, tiếng con tu hú đầu mùa đã gọi hè về...

Trần Quốc Tuấn mời mọi người uống trà. Trần Quang Khải hóm hỉnh nhìn Trần Nhật Duật:

- Nom trán em sáng bóng thế kia, chắc sắp có tin mừng.

Trần Nhật Duật gượng cười im lặng. Trần Quang Khải cũng thôi không nói nữa. Trần Quốc Tuấn thì hồn nhiên mời trà và ông nhắc qua lại thế quân đôi bên cho Trần Nhật Duật nghe. Theo lời ông thì đạo quân của Thoát Hoan đã mất sức nhanh hung hãn. Chúng bị thiếu lương, thiếu cỏ, quân tướng mỏi mệt, bệnh dịch phát sinh, hành hạ khổ sở, mỗi ngày người chết bó chiếu chôn không kịp, đứa ngắc ngoải nằm la liệt chốn quân doanh. Đường lương của chúng bị nghẽn hẳn. Ở mặt đông bắc, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng kiểm soát tất cả các đường bộ, còn trên mặt sông mặt biển, Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư chẹn giữ nghiêm mặt các cửa sông trọng yếu. Cả hai tướng đã gửi cáo về Hành trung doanh đem đầu mình ra đặt, cam đoan không để một xe, một thuyền vận tải nào của giặc đi lọt. Tính ra bây giờ giặc chỉ còn hơn tám nghìn thạch gạo chứa ở đồn A Lỗ. Số lương này không dùng được quá hai mươi ngày. Từ năm hôm nay, đức ông lưu thủ kinh thành là Trung Thành vương đã được lệnh xuất quân đánh liên tiếp các đồn lẻ của giặc chung quanh Thăng Long, đánh các ụ lửa, đánh các nêu cờ nêu đèn và đốt các kho lương kho cỏ của giặc. Dân binh Thăng Long đánh giỏi quá. Chỉ ba hôm sau, giặc đã rối loạn, các nêu cờ, nêu đèn báo tin loạn xị. Đến nỗi Thoát Hoan phải đem hai tu man kị sĩ Thát Đát ra đóng ở mé ngoài nam Thăng Long để ứng cứu cho những nơi bị quân ta đánh. Tu man quân cưỡi ngựa này đã từng đem lửa đi đốt tuyết châu Âu, bây giờ đến nông nỗi đi chữa lửa cho các đồn binh quân bộ.

- Mà chữa cháy cũng không xong. Ngay chúng nó cũng dính mấy trận mai phục của em Trung Thành vương. Có một trận, voi bên ta đuổi chúng qua kẻ Mơ đến tận phường Hồng Mai làm cho binh tướng chúng nó phải cho nổ pháo hiệu gọi quân bên rừng đa sang cứu viện.

Tóm lại, đạo quân Thoát Hoan tuy chưa bị tổn thất nặng nhưng đói ốm, tê liệt và rối loạn thế trận.
Đạo quân của Toa Đô còn khốn khổ hơn thế nữa, Toa Đô đánh hai năm liền không đặt vững nổi chân lên đất Chiêm Thành mà còn bị liên quân Việt - Chiêm đánh cho tổn thất rất nhiều quân mã. Cuối cùng âm mưu chiếm Chiêm Thành dùng làm đất xuất quân đánh tập hậu vào nước Đại Việt không thực hiện được.

Chiêu Văn vương toan từ biệt hai anh lên đường thì Trần Quang Khải hỏi ông:

- Em đến đây bằng ngựa hay bằng thuyền?

- Thưa anh, em đến bằng thuyền.

Trần Quang Khải đưa em ra khỏi lều trận. Hai anh em im lặng đi bên nhau. Trần Nhật Duật tự nhiên thấy điều chi ngượng ngùng trong dáng điệu của anh.

- Có một người hầu của An Tư trốn thoát từ chỗ thằng Thoát Hoan trở về. Phải nói người này rất can đảm và tài giỏi mới trốn thoát như thế. Nhưng cũng cần nói thêm rằng tất cả những người kia, kể cả An Tư cũng phải hi sinh tất cả thì người này mới trốn được. Cô ta mang theo những tin tức rất quý...

Đột nhiên Trần Nhật Duật thấy bồn chồn trong lòng. Ông đứng hẳn lại nhìn sang anh.

- Người ấy đến hành doanh trình diện. Ta kiếm một cớ sai người ấy xuôi hương Hoằng. Chẳng may...

Trần Nhật Duật bủn rủn cả chân tay. Ông hỏi giọng lạc hẳn đi:

- Người hương Hoằng? Anh ơi! Sao cơ?

- Không, không, không. Không sao cả! Chỉ là vì cùng lúc đó, đức ông Hưng Đạo lại đòi em phải về đây gấp.

Trần Nhật Duật thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.

Trần Nhật Duật chợt thấy chua chát, có những việc đáng ra phải làm xong rồi mà ông đã để quá muộn chỉ vì e ngại một chút máu khác nòi hoàng tộc. Nửa năm chinh chiến đã cho ông thấy cách nghĩ ấy thật lầm lạc, thậm chí còn đáng ghét nữa. Có đem thử lửa đi nữa vàng vẫn là vàng, thau vẫn là thau.

- Đã đi hương Hoằng rồi à?
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #104 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:38:18 pm »

Chương 19

Dẫn đường cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đến Hàm Tử và dự trận đánh xong, cậu bé Hoàng Đỗ lại được lệnh triệu về Hành trung doanh ngay. Nửa đường Hoàng Đỗ đã gặp Hành trung doanh đang di chuyển. Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn sai cậu dẫn đường tắt trở lại bãi Màn Trò. Đây chính là cái bãi đã chứng kiến cả hai trận Hàm Tử và Chương Dương và là cửa ngõ về Thăng Long.

Điều đó làm cho Hoàng Đỗ hồi hộp. Đúng là Quốc công có ý định giải phóng Thăng Long rồi!

Hoàng Đỗ dẫn Quốc công về làng Xuân Đình, một ngôi làng nhỏ có một luỹ tre xơ xác nhưng êm đềm biết bao. Cảnh quê gợi nhớ bao kỉ niệm thời thơ ấu. Nơi này chính là nơi chôn rau cắt rốn của cậu, là nơi cậu sống những ngày ấu thơ trong tủi nhục của kiếp nô tì, là nơi cậu đã lập công và được Bảo Nghĩa vương phóng thích và nhận làm em nuôi.

Hành trung doanh bận tíu tít, Trương Hán Siêu thảo lệnh triệu hai đức ông Chiêu Minh và Trung Thành sang
sông để bàn việc quân với Quốc công Hưng Đạo vương. Chắc việc quân cơ mật có nhiều điều khiến đức ông phải đắn đo suy tính nên căn lều trận của đức ông được lệnh cấm cửa. Chính Dã Tượng, viên tướng chỉ huy quân tuỳ tùng đứng canh.

Đến lúc trời tối mịt, quân canh cửa dẫn đến cho Dã Tượng một người dân binh thông hiệu của hành doanh Kiêu Kỵ. Anh ta bị thương rất nặng nhưng mang về một tin rất quý. Đó là tin của Đỗ Vỹ, do thám nổi tiếng của quân ta mà Trần Quốc Tuấn đã phái đi từ trước khi có chiến sự bên kia biên giới. Đỗ Vỹ báo tin rằng mối quan hệ giữa A Lý Hải Nha và Thoát Hoan không chỉ là mối quan hệ trên dưới. Mà A Lý Hải Nha còn được Hốt Tất Liệt giao Thoát Hoan cho và bắt Thoát Hoan nhận làm thầy.

Dã Tượng vội vào báo cho Quốc công tin đó. Chỉ thấy Quốc công trợn mắt nhìn sững. Chắc phải có điều gì trọng yếu nên đức ông mới nghĩ ngợi lung như thế chứ?

Đêm hôm ấy Trung Thành vương và Chiêu Minh đại vương từ bên kia sông Cái sang tới Hành trung doanh.
Hai đức ông trình Quốc công tình hình giặc ở vùng ven kinh thành.

Trước hết, tin đáng lưu ý là giặc mở kho phát gạo cho binh lính. Giặc lùng sục các nhà dân trong kinh thành, cướp ruột tượng của đàn bà, cướp khăn, cướp khố của đàn ông. Chắc là để đựng gạo.

Thứ hai là hệ thống truyền tin của giặc bằng ụ lửa hiệu cờ, đèn lồng đang hỗn loạn.

Thứ ba là giặc giết bò kéo xe quân dụng. Thịt chia cho quân ăn ngay, và phần lớn đem sấy khô.

Thứ tư là đồn Giang Khẩu mới dựng một cọc nêu để làm hiệu cấp cứu nếu bị tấn công. Lúc nào ở dưới chân nêu cũng có một tì tướng giặc chực sẵn.

Đêm nay đức ông hoàng Bảy Trung Thành vương mặc áo chiến vải thâm bình thường nhưng chinh chiến chỉ làm sâu thêm cặp mắt đẹp có quầng thâm, cái mũi thêm thanh tú, vầng trán phẳng thông minh thêm ưu tư.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #105 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:39:00 pm »

Đức ông Chiêu Minh thì sâu sắc hơn, đôi mắt vốn dĩ trầm tư càng thêm cứng rắn sắc sảo.

Căn lều trận của Trần Quốc Tuấn vốn không rộng, ông sai dẹp hết văn án và ghế, nền lều trải chiếu cói và vài tấm thảm da dê. Gần nửa đêm, Trần Quốc Tuấn sai gọi Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu đến lều trận. Đức ông Chiêu Minh cũng cho mời ông già chép sử Lê Văn Hưu, cho phép ông cùng được ngồi nghe các tướng bàn việc quân. Ông già này đã từng làm phó quan của Chiêu Minh đại vương. Năm xưa ông đỗ Bảng nhãn, đã từng làm việc trong viện Hàn lâm và viện Thái sử. Trần Quốc Tuấn vốn trạc tuổi ông già chép sử lại rất mến ông nên đã kết bạn với ông. Trần Quốc Tuấn sau mỗi lần đàm đạo với Lê Văn Hưu thường thấy lòng trầm lắng xuống. Lê Văn Hưu bàn chuyện thời xưa mà tưởng đâu như chuyện quanh mình vậy. Người ta có cảm giác mọi việc của các bậc đế vương, của công hầu, của sĩ dân đều đã được khối óc kia nghiền ngẫm kĩ lưỡng rồi thận trọng chép vào sách sử một dòng nào đó kể lại một việc có dính líu đến sự hưng phế của xã tắc, đến sự còn mất của một triều vua, đến sự thịnh suy của một dòng họ, đến danh thơm tiếng xấu nghìn đời của một con người. Sau mỗi lần đàm đạo với Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn thường tự hỏi mình xem đã thực hiểu chưa về phép tắc xét đoán trời, xét đoán người của ông già chép sử. Trần Quốc Tuấn vẫn liệt Lê Văn Hưu vào loại người ít ỏi của mỗi thời, thậm chí của nhiều thời nữa. Ông cho rằng ông già chép sử này là một bậc quốc sĩ mà những người hiểu biết hễ gặp phải kính phải nể. Vốn đã từng làm nhiều chức quan to, Lê Văn Hưu đã từng được dự hầu nghe nhiều cuộc họp bàn của các vương hầu còn đông và long trọng hơn thế này nhiều, nhưng ông già chép sử hiểu rằng cuộc họp này tuy chỉ tính có đôi nước cờ nhưng là mấy nước khá tinh tế và hiểm hóc.

Quả có thế. Trần Quốc Tuấn vừa mới nói vài điều mà cuộc họp căng thẳng ngay.

Ý kiến của Quốc công Tiết chế cực kì giản dị. Hiện nay, các cánh quân giặc không liên lạc được với nhau, lương thiếu, cỏ thiếu, trời nóng nực, bệnh dịch hoành hành. Tình thế này địch cần rút lui nhưng tại sao địch tỏ ra nửa muốn bỏ chạy, nửa muốn bám lấy đất này? Chính là vì cuồng vọng của địch lớn quá, bây giờ thua to đứa nào cũng lo về nước bị Hốt Tất Liệt trừng trị.

Trần Quốc Tuấn dằn mạnh từng tiếng:

- Binh pháp có câu: “Có thể đoạt được lòng tướng địch”. Nay hai thằng giặc tâm thần bất định. Chúng muốn chạy lắm mà chưa dám chạy. Chúng chưa dám chạy thì ta xua cho chúng chạy cho nhanh.

Hai đức ông hoàng Ba và hoàng Bảy cùng vỗ đùi khen kế diệu.

- Thế thì phải nổ sét ngang tai thằng nhãi Thoát Hoan. Còn thì phải xuyên cho thằng giặc già A Lý Hải Nha một mũi dao găm thấu gan thấu ruột thì mới thúc thằng này phải vắt chân lên cổ mà chạy.

Trung Thành vương chầm chậm nói:

- Cứ như lời Quốc công ta nói thì tôi thấy đuổi thằng nhãi Thoát Hoan không gì bằng lúc này ta đốt đồn Giang Khẩu và đốt luôn đội thuyền nhẹ của nó đậu ở sông Tô Lịch.

Các tướng cân nhắc thấy Giang Khẩu là một đồn nằm giữa vùng có nhiều đồn địch. Nếu từ đây vào Giang Khẩu sẽ phải qua mấy chục dặm rải rác nhiều đồn địch, có trại quân, có thám mã của giặc đi lại. Nếu đi bên bờ phải con sông Cái thì vướng một vùng đầm lầy và phải vượt con sông rộng mênh mông ấy nữa. Như vậy muốn diệt gọn nó thì phải tướng giỏi, quân tinh nhuệ. Trung Thành vương nghiêng đầu, đôi mắt ông thật đẹp sắc sảo đang đăm đăm nhìn một vết gì đó trên tấm thảm da dê. Cuối cùng ông nói:

- Giang Khẩu là một đồn thấp vài trăm quân, bến thuyền cũng chỉ có vài ngũ lính canh. Ta chỉ cần một đô tinh nhuệ, nửa đêm phóng hoả đốt đồn, đốt thuyền, chọn cung thủ giỏi rình bắn chết tướng giặc. Trận đánh ắt xong. Chỉ cần một tướng lĩnh mệnh vào Kiêu Kỵ, lấy quân của Nguyễn Chế Nghĩa đi xuyên qua rừng đa chờ chập tối sang sông. Đầu canh hai đốt đồn rồi sang sông hạ thuyền nhỏ xuôi dòng mà về đây, quân kị của giặc có nhanh tài giời cũng không đuổi nổi thuyền xuôi dòng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #106 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:43:28 pm »

Kế này hẳn giống dự kiến của Quốc công nên thấy ông tươi mặt. Lê Văn Hưu vốn là ông già sâu sắc. Ông tò mò nhìn đức ông hoàng Bảy. Người đánh trận này phải là đức ông hoàng Bảy, vừa thuộc đường, vừa thuộc trận địa, lại chính là người bày ra kế hạ đồn này kì diệu thế. Nhưng giữa Trung Thành vương và Quốc công còn có một mối thù riêng từ thuở còn trai trẻ. Chuyện xảy ra vì một mối tình không thể chia sẻ được của lệnh bà Thiên Thành. Bây giờ lệnh bà Thiên Thành đã là vợ của Quốc công còn Trung Thành vương đã lập vương phi với một người khác rồi nhưng chuyện xưa nay còn ngang trái tới đâu?

Đột nhiên Trần Quốc Tuấn bàn sang chuyện khác:

- Phần thằng giặc già A Lý Hải Nha. Thằng này thao lược. Phải cho nó một đòn nặng mới được.

Trần Quang Khải mỉm cười:

- Đánh A Lỗ!

A Lỗ không phải là một trại quân khó đánh. Nó là nơi tướng giặc Lưu Thế Anh đặt hành doanh chỉ huy việc tải lương và trữ lương. Quân không tinh nhuệ lại phần lớn là lính tải, lính coi ngựa, lính chèo thuyền và bọn câu kê làm sổ sách tính toán lương tiền. Đó là một trại quân ô hợp, của cải để ngổn ngang. Nếu A Lỗ bị diệt, ngựa giặc sẽ đói. Trần Quốc Tuấn tin rằng A Lỗ bị diệt ngày nào, A Lý Hải Nha chạy ngày đó. Vậy quân tinh nhuệ của ta sẽ giãn ra chọn đất mai phục. Giặc sẽ bị đánh tả tơi ở các triền sông Thiên Đức, Lục Đầu... Giặc sẽ bị đánh tả tơi ở cửa Đầu Quỷ, ở cửa quan Anh Nhi...

Trần Quốc Tuấn tỏ ý chí quyết chiến. Ông bảo Trương Hán Siêu:

- Nhà ngươi về tụ tập thư nhi thảo lệnh cho các hành doanh tiến quân về các trận địa mai phục đã giao trước.

Các đức ông ra khỏi lều trận chuẩn bị cho hai trận Giang Khẩu và A Lỗ. Theo lệnh Quốc công, dân Xuân Đình thu xếp rất nhanh hai chục chiếc thúng cóc. Ông chọn một tay cung thủ giỏi tên là Hoa Xuân Hùng cho đi theo đội quân vào Kiêu Kỵ.

Lê Văn Hưu vẫn tò mò kín đáo nhìn Quốc công. Bỗng thấy Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trung Thành vương và cầm lấy bàn tay nuột của ông hoàng nổi tiếng lịch sự kinh thành. Trần Quốc Tuấn trang trọng nói:

- Ta xem chiều trời đêm mai còn chuyển gió mùa đông bắc. Có thể trời trở lạnh đôi chút. Em đem cái này đi phòng sẵn.

Quốc công trao cho Trung Thành vương một chiếc áo ấm.

Đêm sang đầu canh tư, không gian chuyển sang màu chì lỏng. Lê Văn Hưu cúi đầu ngẫm nghĩ. Một điều thật là đẹp đẽ đã xảy ra nhưng ông biết chép thế nào vào trong sử nhỉ?

...

Suốt một ngày hôm sau người ta thấy các cánh quân ta lên ngược về xuôi, tíu tít. Hành trung doanh làm việc hết mình để sửa soạn những trận đánh sẽ xảy ra trên đường rút chạy của giặc. Nào chuyện lương khô cho những người lính phải nằm lâu ở nơi mai phục, nào số thuyền cần thiết cho các bến đò ngang chở đỡ chân lính thông hiệu, nào đôn thúc các lộ Tam Đái, Quy Hoá nộp nứa để làm cầu phao cho các triền sông Thiên Đức, Lục Đầu, nào lấy dân phu làm gấp hai triệu mũi tên cho hành doanh Lục Đầu và làm kho cỏ vùng sông Sách dành sẵn cho đội voi trận.

Đến chiều, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản dẫn quân sang sông để tiến về sông Như Nguyệt. Sau đó thì tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn hai quân Thượng đô trảy qua để sang lộ Hồng. Phạm Ngũ Lão mang theo cả dàn trống đồng. Lính thông hiệu phi ngược xuôi hò hét:

- Tránh ra, tránh ra cho ngựa quan trảy.

Dân binh lộ Khoái và lộ Quốc Oai thì lại tiến về vùng giáp kinh thành để rút quân tinh nhuệ mặt trận này đem lên mai phục ở các triền sông đông bắc.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #107 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:44:25 pm »

Sẩm tối Chiêu Minh vương qua sông. Chu sư của đức ông hoàng Ba cũng đã sẵn sàng nhổ neo. Trần Quốc Tuấn đón Chiêu Minh đại vương và cùng tế ngựa ra ven sông Cái. Tiếng quân reo, tiếng tù và, pháo hiệu làm huyên náo cảnh sông vốn êm tĩnh. Chiêu Minh đại vương nói với Trần Quốc Tuấn:

- Bên chỗ em tưởng đánh dứ mà hoá đánh thật.

Tiếng nói bị bạt gió nên Trần Quốc Tuấn nghe không rõ phải hỏi lại:

- Chú Ba bảo cái gì thật?

- A... Có nhiều trận đánh dứ để quấy rối giặc nhưng chúng nó chống cự yếu quá thành ra quân ta ùa vào
đồn diệt luôn. Chúng nó hết kiếp rồi.

Hai đức ông phá lên cười. Bên kia sông, lửa đuốc kéo giăng giăng thành nhiều đường trên cánh đồng rộng mênh mông. Đó là dân mé nam kinh thành trở về làng gặt lúa chiêm sớm. Thật là hay. Công giữ nước là của dân, bây giờ dân được hưởng.

Đêm hè, gió lộng nên mát lạnh, hơi lạnh quá. Hiệu lửa từ hành doanh Kiêu Kỵ báo về: đức ông Trung Thành đã đem quân lén qua sông từ lúc chạng vạng tối. Bây giờ là canh hai. Trần Quốc Tuấn bảo Trần Quang Khải:

- Ta chờ hiệu lửa rồi lên đường là vừa. Chắc khoảng canh một trận đánh bắt đầu. Nếu đánh nhanh thì bây giờ xong rồi.

Hai đức ông nhìn về phía Thăng Long. Có nhiều đám cháy quá. Làm sao phân biệt được là cháy gì và cháy ở đâu.

Giữa canh ba hiệu nêu Kiêu Kỵ báo tin chiến thắng Giang Khẩu nhưng cũng vào lúc đó đoàn thúng cóc từ
Thăng Long thuận dòng xuôi về Thiên Mạc cặp bến. Trung Thành vương chạy như bay lên ra mắt hai đức ông:

- Kính lạy hai đức ông. Nhờ phúc ấm của tổ tông đồn Giang Khẩu đã ra tro, đoàn thuyền giặc đậu trên sông Tô Lịch đã ra tro, tướng giặc Mã Vinh đã bị bắn chết.

Binh lính chung quanh reo lên:

- Đức ông hoàng Bảy muôn tuổi. Đức ông lưu thủ kinh thành muôn tuổi.

Trần Quốc Tuấn gỡ chiếc bài vàng chạm rồng đeo ở cổ mình choàng lên ngực Trung Thành vương.

- Chiến chinh mới biết anh hùng. Em ta thật là hòn ngọc của họ Đông A.

Trần Quốc Tuấn ngoảnh sang Trần Quang Khải:

- Còn em sẽ xuôi về Thiên Trường đón ngự giá tiến quân diệt Toa Đô. Mặt Thăng Long này sẽ giao cho em lưu thủ.

- Như vậy anh trưởng không phò giá đem quân chiến thắng về kinh thành chăng?

- Đúng đó. Thăng Long sẽ giải phóng sớm. Bây giờ ta tiến quân đánh A Lỗ rồi sang ngay sông Lục Đầu đánh mai phục lớn. Giặc có thể còn sang phục thù cho nên ngay lần này phải đánh cho tan niềm tin vô địch của chúng.

Trần Quốc Tuấn dặn ông già Lê Văn Hưu:

- Tiên sinh đi theo đức ông Chiêu Minh. Lễ ban sư hội triều sẽ cực kì long trọng, cần đến sử bút của tiên sinh... Rồi có thể lúc đó đức ông Chiêu Minh nổi hứng sẽ làm được một vần thơ tuyệt diệu. Tiên sinh sẽ chép bài thơ tráng khí võ công ấy vào chính sử cho muôn đời sau.

Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho Hành trung doanh lên đường. Hành trung doanh tiến về phía A Lỗ.

Lệnh lên đường đến hành doanh của Chiêu Văn vương lúc trưa. Đầu tiên là các đạo quân sơn cước phải hoả tốc về ngay đất cũ. Thế là Hoàng Mãnh và Hà Chương ra đi. Hoàng Mãnh đến từ biệt Chiêu Văn vương. Viên hổ tướng dũng thủ vô địch kinh thành đã bị thương trong trận Hàm Tử. Một nhát kiếm chém trúng bả vai, nhát kiếm ấy lẽ ra giáng trúng cổ Trần Nhật Duật. Vết thương ở vùng thịt mềm, không nặng lắm và đã được dịt thuốc dấu. Nó cũng chẳng làm cho tính của Hoàng Mãnh đổi đi tí nào. Anh chàng Minh tự ngang ngược tinh ma cười nói với ông anh lúc chia li:

- Thế là anh lại xuôi nam, em lên bắc. Sao mà khéo thế!

Như vậy có hai khu vực quyết chiến. Một ở đông bắc, một ở vùng hạ lưu sông Cái. Ở khu vực này quân ta sẽ đánh tiêu diệt tàn quân của Toa Đô.

Trần Nhật Duật được tin hai vua sẽ ngự giá thân chinh đánh thắng Toa Đô và ông được cử làm quan tướng hộ giá, có nghĩa là bộ não của đạo ngự binh tinh nhuệ.

Trần Nhật Duật ra ngay những mệnh lệnh khẩn cấp. Phát lương khô cho tất cả quân tướng trong đạo quân
riêng. Sửa soạn buồm lái cho tất cả thuyền bè. Đưa các binh tướng bị thương vào các làng xa nhờ dân làng chăm sóc giùm.

Binh lính reo mừng nhận lệnh. Ai nấy lăn xả vào công việc sửa soạn đi chiến trường mới.

Mờ sáng hôm sau, Trần Nhật Duật ra lệnh cho đạo quân của ông lên đường. Một cánh quân bộ thì đi đường thượng đạo. Còn cánh quân chính hành binh bằng đường thuỷ theo sông Cái. Thuyền tướng treo hiệu phướn của Chiêu Văn vương. Đoàn thuyền của đức ông hộ giá lên đường. Những lá buồm nâu dữ dội căng gió. Thuyền bồng bềnh dàn rộng ra trên mặt sông mênh mang. Trống đồng đánh điệu xuất quân hùng tráng. Binh lính đứng trên sạp thuyền, mui thuyền cất tiếng hò một điệu sông xa:

Hò... ơ... ơ

Làng tôi có bãi dâu xanh.

Có nàng dệt lụa nghĩa tình sắt son

Ơ... ơ

Nàng ơi nuôi mẹ, dạy con

Anh đi đánh giặc, giặc tan anh sẽ về...

Hò... ơ... ơ

Đoàn thuyền thuận dòng xuôi băng băng. Trần Nhật Duật lên đứng trên mui thuyền tướng nhìn về hướng trước mặt. Đó là vùng hạ lưu sông Cái nơi ông làm tròn một tướng mệnh mới. Xa hơn nữa một chút là lộ Thanh Hoá Ngoại. Lộ Thanh Hoá Ngoại có hương Hoằng và một người con gái làng biển hiền hậu, dũng cảm, sắt son...

...............

Thăng Long năm Toàn Thắng.

Hết

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM