Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:22:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người Thăng Long  (Đọc 44560 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #40 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:31:59 pm »

Thượng hoàng Thánh Tông nghiêm khắc với cô con gái:

- Phép nước đã đặt rồi. Con là con gái chưa chồng, ta cấm con bén mảng đến chỗ đó.

An Tư về cung riêng, hậm hực, bỏ cơm, gắt gỏng thị nữ. Công chúa thấy tất cả những thú vui, những đồ quý giá... vẫn ham thích xưa nay trở nên vô nghĩa, vô giá trị: những bộ xiêm bằng vóc bằng lụa dệt cầu kì, may cầu kì, những đôi hài xinh xắn, những chiếc quạt trầm, quạt đồi mồi chạm trổ tinh xảo, những chiếc quạt Hới ghép mỗi nan hai mặt cật chuốt láng bóng, lá vẽ hoa điểu, lá đề một bài thơ và chữ của danh sĩ hai nước ta và Tàu, những hộp đựng chất thơm quý giá, những hộp đựng các loại phấn thoa mặt, những chiếc gương đồng thau hình tròn hình bầu dục, những chiếc hộp gỗ trắc lót nỉ đựng đồ trang sức, bức tranh mực nước vẽ cuộc gặp gỡ giữa chàng họ Chử với nàng Tiên Dung, cho chí cây đàn độc huyền chế bằng gỗ hoàng đàn đã từng thức đêm với An Tư nhiều phen... Tất cả những cái đó, chỉ mới hôm qua thôi, còn được nàng công chúa út coi là rất quý báu, rất thân thiết.

An Tư ngồi đứng không yên. Trời đã tối rồi. Các loại đình liệu, các loại đèn cầy, đèn lồng, đèn đĩa, các cây hoàng lạp, bạch lạp trong cung đã thắp sáng. Những viên nội giám và cung nữ cầm đèn lồng đi tuần sát vườn ngự, ao ngự. Những tay đàn trong ban nhã nhạc nội cung đã kéo nhau đi qua vườn nhài để đến điện Đại Minh. Những nội giám làm việc ở bếp ngự cũng đã đội những cái mâm gỗ sơn son trên bày những đĩa bát đồ nấu sơn hào hải vị, tấp nập theo gót các nhạc công. Nhìn cảnh ấy lòng An Tư càng bồn chồn nghĩ mãi, An Tư thấy chỉ một cách có thể toại ý...

An Tư gọi một thị nữ theo hầu rồi cả hai người ra khỏi cung riêng. An Tư đến cung Quan Triều. Nàng công chúa út nghĩ rằng Thánh Tông vốn nghiêm khắc và quả quyết, một khi người đã nói là người không đổi ý. Còn Trần Ích Tắc và Trần Tú Hoãn thì chính họ cũng chỉ có một thẻ tín bài là phần của họ. Cho nên nếu có ai đưa An Tư vào tiệc thì người đó chỉ có thể là Nhân Tông hoàng đế. Vua Nhân Tông vốn chiều cô em út mà nếu nhà vua có cho em cái thẻ đi nữa thì Nhân Tông vẫn đến dự tiệc được. Chiếc thẻ ấy nó nằm kia, trên án sách của nhà vua trong cung Quan Triều.

Chẳng may, An Tư đến cung Quan Triều nhưng không được gặp nhà vua. Hoàng đế Nhân Tông chiều nào cũng giữ lệ quần ngựa tập bắn cung ở trường bắn của lính tứ sương. Chiều nay, nhà vua cũng không bỏ lệ và bây giờ nhà vua vẫn chưa về cung. Thư phòng cung Quan Triều im lặng như tờ tuy đám thị nữ đội đèn vẫn đứng thị lập ở các chân cột. An Tư bồn chồn ngồi đợi anh. Nhưng nàng ngồi không yên, lại đứng lên... Thế rồi thình lình, trong quầng sáng của cây đèn long trúc An Tư nhìn thấy bộ mặt ngạo mạn đang cười chế giễu mình. Bộ mặt ấy có một quai râu đen lánh, đẹp một cách đáng ghét, mắt sáng như mắt quỷ, hàm răng to bóng trắng bong như răng một gã lục lâm chọc trời hoặc một gã hải tặc quấy biển. “Thưa lệnh bà, tiểu tướng là người chỉ huy việc xét thẻ tín bài ở cửa cung!”. Chiếc tín bài sơn son méo theo hình cái vỏ trai nằm kia, trên án sách nhà vua! An Tư mắt long lanh, mặt đỏ bừng lên, đôi chân nhũn ra nhưng bàn tay thì quả quyết. An Tư chộp lấy cái tín bài, hai tay ôm nó khư khư trước ngực. Nàng công chúa út nhìn trước nhìn sau. Nàng công chúa út không thấy ai cả. Những thị nữ đội đèn vẫn đứng như tượng đá. Xưa nay những thị nữ đội đèn có ai kể đến sự hiện diện của họ đâu. Cả những đốm sáng trên đĩa đèn hình như cũng không lay động. An Tư muốn bỏ chiếc tín bài xuống án. Đôi tay An Tư đột nhiên run bần bật nhưng một giọng nói mơ hồ thoảng đâu bên tai: “Tiểu tướng chỉ theo lệnh trên đưa thẻ tận tay những người có tên.” Cái cười ngạo mạn phô hàm răng của hải tặc. Cái cười, phải rồi, chính cái cười đó xúi giục An Tư như một sức mạnh thần linh run rủi. Nàng công chúa út ôm luôn cái thẻ tín bài ra khỏi cung Quan Triều, mặc kệ nét mặt hoảng hốt của những thị nữ đội đèn.

An Tư đi được một lát thì các nội giám phò đương kim hoàng đế từ nhà Dục Đường về đến cung Quan Triều. Đức vua đã tắm gội ở Dục Đường sau buổi quần ngựa bắn cung. Bây giờ chỉ còn việc thay áo đi dự tiệc.

Đã sang giữa canh một. Tiếng nhạc nhã từ điện Đại Minh, nơi sẽ diễn ra đêm tiệc, văng vẳng đưa lại cung bực lả lơi của bản Đạp Thanh. Chắc khách khứa đến đã khá đông rồi. Nhân Tông ra lệnh cho các nội giám ra khỏi cung Quan Triều, trừ Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác. Đó là viên tướng sẽ phò đương kim hoàng đế đến dự tiệc. Đó cũng là người duy nhất được biết hoàng đế đến vui đêm hội này đằng sau chiếc mặt nạ nào? Nhân Tông lấy chiếc mặt nạ ra, nó đây. Chính tay nhà vua tài hoa đã vẽ lên một chiếc mo nang bình thường cái mặt nghịch ngợm của Liêu Thủ Tâm, thằng hề liến thoắng, sủng thần của vua Lê Ngoạ Triều. Cái mũi hếch lên, đôi mắt nheo lại trong một cái cười châm chọc, và hai cái ria lệch lạc, hai cái ria đã từng mua vui cho cả một triều đình và cũng làm cho lắm bậc quan to hống hách phải bầm gan tím ruột. Nhân Tông đeo chiếc mặt nạ lên. Không khí chúa tôi giữa nhà vua và Trịnh Mác lập tức bay biến ngay. Trịnh Mác phì cười và nhà vua cũng phì cười. Nhân Tông bắt Trịnh Mác cầm hai cái gương giơ chéo cho mình xem. Soi chán rồi, nhà vua lột mặt nạ ra bắt Trịnh Mác phải đeo lên cho nhà vua coi... Ơ hay, sự vui đùa làm cho con người ta trẻ trung sung sướng thế này mà làm sao người đời cứ đặt ra rồi bám khư khư lấy mọi thứ lễ nghi phiền toái bó buộc người ta, làm cho người ta già đi, xấu đi?

Lúc ra đi, Trần Nhân Tông tìm không thấy thẻ bài của mình. Nhà vua tìm rồi Trịnh Mác cũng tìm đều không thấy. Thư phòng riêng trong cung Quan Triều đâu phải là nơi dễ vào? Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác chợt nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của một thị nữ đội đèn. Trịnh Mác bước lại gần trợn mắt giật giọng:

- Bỏ đèn xuống... ta hỏi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #41 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:32:40 pm »

Người thị nữ sợ hãi líu lưỡi lại nhưng những lời đứt nối mau chóng làm cho Trịnh Mác và Nhân Tông hiểu ai là người đã vào thư phòng cung Quan Triều và lấy đi cái thẻ hình vỏ trai sơn son.

Lúc ấy đang là lúc Nhân Tông vui vẻ nên nhà vua trẻ muốn cười to lên. Nhân Tông bảo Trịnh Mác:

- Thôi! Tha cho nó! Nó có dính dáng gì đến đâu.

Nhân Tông đeo cái mặt nạ mo nang và ra khỏi cung Quan Triều. Trịnh Mác theo sau...

Đêm nay, Điện tiền tướng quân Nguyên soái Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng chỉ huy việc canh phòng và tuần sát. Các chức Điện tiền Tướng quân chia nhau mỗi người trấn một cửa cung. Hoàng Mãnh coi cửa nách bên phải quen gọi là cửa Vân Hội. Viên tướng trẻ đeo kiếm quý, mặc áo chiến màu đại hồng. Dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng lợp lụa trong suốt, Hoàng Mãnh đẹp lắm, một vẻ đẹp vũ dũng và nghịch ngợm. Hoàng Mãnh xét thẻ bài của những người dự tiệc. Anh tò mò cố nhìn để đoán xem những người đưa thẻ cho anh là ai nhưng rồi cũng chịu. Những chiếc mặt nạ mo nang vẽ đủ kiểu mặt, kiểu người làm Hoàng Mãnh hoa cả mắt. Này đây, một ông già hom hem, này đây mặt của một cô thôn nữ vùng đồi Lim, này đây một vẻ mặt của người đẹp Chiêm Thành, này đây bộ mặt đen của một nhà sư Tây Vực... Rồi có cả mặt của những người nổi tiếng đã qua đời, mặt ma, mặt quỷ, mặt thánh, mặt thần... Hoàng Mãnh chỉ nhận ra Nhân Túc vương Trần Toàn với bộ mặt của một ông Phỗng chột. Vả chăng, Trần Toàn cầm lăm lăm trong tay cái dùi đục nổi tiếng thì ai mà chẳng nhận ra được.

Các đức ông, các lệnh bà đeo mặt nạ mo nang lũ lượt đến cửa Vân Hội... Họ cười nói, họ trao tín bài cho quan Điện tiền trấn cửa. Trong điện Đại Minh và các dãy hành lang, giải vũ vây quanh đã đông lắm rồi. Mấy cái sân rộng lát gạch son có cắm sẵn những chiếc lọng để nếu đông người quá thì chơi bời cả ngoài sân...
Một người mặc áo lụa xanh, dáng dong dỏng cao đeo một cái mặt nạ mo nang đi tới cửa Vân Hội. Hoàng Mãnh đã quen cái mặt hề này rồi. Các phường trò ở kinh kì thường diễn tích cổ về cái bác Liêu Thủ Tâm đã từng mua vui cho cả một triều đình. Mãnh cười và chìa tay đòi thẻ nhưng người áo xanh lại ghé đầu sát vào Mãnh và thầm thào:

- Ta đây! Ta đây! Đừng có mà làm mọi người để ý.

Mãnh sửng sốt. Sau lưng người áo xanh là Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác cũng nhăn răng nhìn Mãnh mà cười. Người áo xanh ghé đầu hé cái mo nang cho Mãnh nhìn thoáng được một phần ba mặt và lại nói khẽ:

- Ta vào nhé.

Hoàng Mãnh lưỡng lự định thi lễ nhưng người áo xanh ngăn lại và đi qua cửa. Hoàng Mãnh nhìn theo mãi cái người mang bộ mặt Liêu Thủ Tâm. Anh tò mò muốn xem bậc đế vương đùa nghịch như thế nào nhưng chỉ được một lát, bóng người áo xanh kia đã trà trộn vào đám đông và trong đám đông cũng có nhiều người mặc áo xanh, cái màu xanh lẫn lộn của các viên quan cấp thấp.

Cuối canh hai đã có người đánh rơi chén, bát xuống nền gạch. Tiếng gốm vỡ, tiếng nhạc tấu huyên thuyên và tiếng cười nói trong tiệc ồn ào náo nhiệt như chợ cầu Đông vào lúc đầy người. Có tiếng Nhân Túc vương Trần Toàn lè nhè cầm trịch cho tất cả phải uống ba bát rượu thông luôn:

- Một! - Có tiếng dùi đục nện đánh chát một tiếng.

- Hai! - Lại một tiếng dùi đục nữa.

- Ba này! - Tiếng dùi đục thứ ba.

Đó là hiệu lệnh từ lúc này ăn uống là phụ, vả chăng sau ba bát rượu thì cái cột trong điện Đại Minh cũng say rồi, mọi người tuỳ ý nghĩ trò giở ra mà vui chung. Mấy người lính đô Củng Thần theo lệnh đã có từ trước, vào tắt bớt đèn đóm cho nó tranh tối tranh sáng. ánh sáng giảm đi nhưng tiếng nói cười ồn ào hơn và thỉnh thoảng có giọng nữ cười rú lên như người bị cù nách.

Từ cửa Vân Hội đến điện Đại Minh chỉ cách một cái sân không rộng lắm. Hoàng Mãnh thấy hội đêm diễn ra lúc huyên náo, lúc lặng đi. Chính cái lúc lặng đi ấy kích thích trí tò mò của viên tướng trẻ.

Mãi đến gần nửa đêm mới thấy Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đến dự tiệc. Hưng Nhượng vương cầm trong tay cái mo nang vẽ bộ mặt “dở khóc dở cười”. Ông hoàng trẻ cũng đã say khướt rồi. Tối nay ở phủ đệ Hưng Đạo, Hưng Nhượng vương uống rượu với một người bạn quen trong chốn giang hồ. Người này suốt năm đi lang thang khắp nơi, hành tung bí mật. Có thể là dòng dõi cựu thần nhà Lý. Nhưng không hề bao giờ anh ta tỏ ý oán ghét nhà Trần mà cũng không bao giờ tỏ ý luyến tiếc nhà Lý. Nhưng anh ta không chịu ra làm việc công. Anh ta khi thì ở đỗ lại một ngôi chùa vắng vẻ, vẽ cho xong một bộ tranh phong cảnh cho người tri kỉ, khi thì theo đám dân chài ra khơi đánh cá. Người ta không hề biết quê quán tung tích của anh ta mà chỉ biết tên anh ta xưng ra là Đỗ Vỹ. Trần Quốc Tảng đã kết bạn với Đỗ Vỹ ở bãi biển Vân Đồn. Vốn cũng là người quen rong chơi lang bạt kì hồ, Trần Quốc Tảng rất quý Đỗ Vỹ. Qua vài năm tình bạn càng thắt chặt thêm. Mỗi lần gặp bạn, Trần Quốc Tảng lại nhận ra ở người bạn tri kỉ những khả năng tiềm tàng vô cùng to lớn. Đỗ Vỹ là một người uyên bác thấu hiểu tình đời. Đỗ Vỹ yêu thiên nhiên say sưa, yêu từ màu sắc, âm thanh, yêu từ vẻ đường bệ đến thói thất thường của thiên nhiên. Đỗ Vỹ chơi đàn rất hay, vẽ tranh rất giỏi mà võ nghệ cũng xuất chúng. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì một du khách quanh năm nơi đất khách quê người thì phải đủ tài giữ mình bằng một thứ vũ khí có khi chỉ là một cái quạt. Anh cũng có một cái tính kì quái là không bao giờ chịu lân la đến những nhà công hầu, không chịu đẩy mức giao tiếp với những người quyền quý khỏi mức quen biết thông thường. Trần Quốc Tảng là một người bạn trong công hầu biệt lệ của Đỗ Vỹ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #42 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:33:30 pm »

Hôm nay Đỗ Vỹ về kinh xem hội thề. Trần Quốc Tảng bắt gặp bạn ở ven hồ Lục Thuỷ bèn chèo kéo Đỗ Vỹ đến vương phủ chơi. Buổi chiều, Trần Quốc Tảng mở tiệc tay đôi uống với bạn. Đến đầu canh ba, Đỗ Vỹ nhắc Trần Quốc Tảng và giục bạn đi dự hội. Trần Quốc Tảng không muốn đi, cứ ở nhà tiếp bạn nhưng Đỗ Vỹ tạ từ nói rằng mình phải lên đường ngay để sáng mai còn kịp dự cuộc săn đuổi với phường săn bên rừng dâu da kề bên con sông Thiên Đức. Vốn hiểu tính nhau, Trần Quốc Tảng không nài ép. Nhưng trước khi từ giã, Trần Quốc Tảng trao cho Đỗ Vỹ một vật - đó là một nửa mảnh phù Hưng Đạo:

- Cha em cần tìm được một người để trao một việc lớn. Cha em giao cho em toàn quyền chọn và em thấy chỉ có anh là đáp ứng đủ mọi điều kiện cha em yêu cầu.

Đỗ Vỹ cười:

- Ta cần đến lúc nào? Và ở đâu?

- Khoảng tháng sau ở Vạn Kiếp, vì cha em không muốn cho ai biết việc này.

Tiễn Đỗ Vỹ xong thì Trần Quốc Tảng cũng đi dự tiệc để trốn tránh cái lẻ loi sau chén rượu biệt li.
Đưa thẻ bài cho Hoàng Mãnh rồi Trần Quốc Tảng mới đeo cái mo nang lên mặt chuệnh choạng bước vào điện Đại Minh. Trần Quốc Tảng không thích không khí những bữa tiệc như thế này. Ông hoàng trẻ thường tìm thấy thú vui trong những cuộc gặp gỡ giữa đôi ba người tri kỉ tri âm. Chàng không thích sự ồn ào, càng không thích sự ồn ào diễn ra rồ dại trong một đêm để rồi cả năm sau đó bị ràng buộc bởi trăm điều rối rắm của triều nghi, lễ giáo, đạo lí, của phép vua, lệ làng.

Tiệc rượu mo nang lúc ấy đang lắng xuống, chắc là vừa qua một đợt quá đỗi náo nhiệt. Những người dự tiệc cười hét mệt quá đang phải ngồi dựa vào cột mà hổn hển. Loáng thoáng đã thấy những người kéo chệch cái mặt nạ ra cho dễ thở đôi chút.

Tuy vậy, vừa thấy một người đến muộn đeo mặt nạ “dở khóc dở cười” bước vào chân cao chân thấp, mọi người lại ồn lên. Một bà dáng trẻ trung, cổ tay tròn vo, da tay ngăm ngăm đen sấn đến, kéo anh “dở khóc dở cười” ra trước đám đông, ép anh ta khai ra xem vừa vui thú ở đâu mà bây giờ mới đến. “Dở khóc dở cười” cũng biết tôn trọng lề thói của tiệc. Anh ta nói rằng mình vừa phải tiếp ông Phật say ở chợ cầu Đông. Bà kia cất tiếng cười giòn tan. Bà ta đeo mặt nạ vẽ một cô gái đẹp kiêu kì, đuôi mắt có chấm một cái nốt ruồi “thương phu trích lệ”. Bà “thương phu trích lệ” cười ré lên, hỏi rằng Phật say và anh “dở khóc dở cười” đã nói chuyện gì thì kể ra cho mọi người nghe.

- Chúng tôi bàn đến cái sự huyền bí của thuật nhập định phái Phật Tây Vực.

“Dở khóc dở cười” thuật lại luôn một chuyện nhập định của phái Thiền Tông Tây Vực. Ai luyện được thuật này thì có thể ngủ như người đã chết trong một tháng trời và cũng có thể nhịn ăn trong hàng chục hôm. Thế là người ta dồn “dở khóc dở cười” xem anh ta đã nhập định được chưa? Anh ta đáp là được rồi. Cả tiệc đua nhau ép “dở khóc dở cười” thi thố tài năng cho mọi người được xem. “Dở khóc dở cười” đáp:

- Nếu muốn xem tôi trổ tài thì cũng được thôi nhưng phải có hai người ra phụ cho tôi.

Tất cả mọi người bằng lòng điều kiện của anh ta. “Dở khóc dở cười” len ngay vào đám đông để chọn người. Đôi mắt anh ta, từ hai cái lỗ nhỏ khoét trên cái mo nang chợt loé lên một ánh nghịch ngợm. “Dở khóc dở cười” đi đến đâu, người ta thôi nói cười đến đấy. Người ta vẫn ghê ghê sợ sợ những thuật huyễn hoặc của các thiền sư Tây Vực. Những lời đồn đại về họ kể từ thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi đều dần dần đi quá sự thực chính là nguyên nhân dẫn đến sự sợ hãi ấy. “Dở khóc dở cười” chộp lấy cái cổ tay nần nẫn của “thương phu trích lệ” giơ lên:

- Bà này là một nhé.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #43 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:34:20 pm »

“Thương phu trích lệ” rú lên một tiếng, muốn giật tay ra để chạy nhưng giật sao cho nổi. Gân sức của “dở khóc dở cười” vốn đã có công phu luyện tập nhiều năm rồi.

- Đứng yên nào! Có gì mà phải giãy giụa thế? - “Dở khóc dở cười” chộp cổ tay một người mặc áo xanh đeo mặt nạ Liêu Thủ Tâm: - Hai nhé!

Đám đông reo hò khoan khoái vì thoát nợ. “Dở khóc dở cười” dắt hai người phụ trò ra trước tiệc và giảng giải trò vui của mình. Anh ta nói là sẽ hoá phép cho rượu trong cái nậm sẽ biến hết rồi rượu sẽ hiện ra trong cái bát không mà bà “thương phu trích lệ” sẽ cầm trong tay giơ cao lên khỏi đầu để cho ai cũng nhìn thấy. Anh ta sẽ làm cho thịt lợn quay hiện ra trong một cái phễu giắt ở cạp quần “Liêu Thủ Tâm”. Sau đó “dở khóc dở cười” giắt vòi phễu vào cạp quần Liêu Thủ Tâm. Còn “thương phu trích lệ” thì được anh ta giao cho một cái bát không và bắt bà ta giơ cái bát lên cao.

“Dở khóc dở cười” bảo bà “thương phu trích lệ”:

- Nghiêng cái bát xem trong đó có cái gì không nào?

“Thương phu trích lệ” nghiêng cái bát, cái bát không đựng cái gì hết.

- Lật úp hẳn cái bát xuống chứ!

Cái bát được lật úp hẳn xuống. Đúng là cái bát không.

- Giơ cao cái bát lên!... Nghe xem có tiếng rượu chảy vào bát không...? Có nghe tiếng róc rách chưa?

Những người chung quanh cũng lắng nghe... Hình như có tiếng róc rách thật. Đúng thật, có tiếng róc rách nhỏ thôi nhưng đúng là tiếng của chất lỏng đang chảy thật...

Thình lình có người kêu oái lên làm cho ai nấy giật mình. Người ta ngơ ngác tìm xem ai kêu? Và người ta thấy “Liêu Thủ Tâm” đang nhảy cẫng lên rũ quần phành phạch. Té ra lúc mọi người đang mải nhìn cái bát trong tay “thương phu trích lệ” thì “dở khóc dở cười” nghiêng cái nậm lên lén rót rượu vào cái phễu giắt ở cạp quần của “Liêu Thủ Tâm” làm cho con người đã từng lừng tiếng hơn ba kỉ trước phải nhảy cẫng lên vì buồn nhột ướt dính nhem nhép...

Cả tiệc rũ ra mà cười nghiêng ngả...

Chính vào lúc đó người ta thấy Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng đứng ở đầu giải vũ nhìn vào. Đằng sau lưng Bảo Nghĩa hầu là một tì tướng thông hiệu mặc bộ áo chiến lấm láp bụi đường trường. Trần Bình Trọng bước lên một bước nhìn nghiêng nhìn nghé vào đám đông trong điện Đại Minh như muốn tìm người nào đó.

Có bốn người từ trong tiệc rẽ đám đông đi về phía Bảo Nghĩa hầu. Một người mang mặt nạ vẽ bộ mặt trầm ngâm của một nhà sư thuộc phái Phật Tâm Tông, một người nữa thì mo nang vẽ mặt Lang Liêu, ông thần bánh chưng bánh dầy; mặt nạ của người thứ ba là bộ mặt thái sư hoá hổ Lê Văn Thịnh, quan to triều Lý; người thứ tư là Liêu Thủ Tâm, Chắc rằng Bảo Nghĩa hầu biết bốn người này là ai. Chỉ thấy ông kính cẩn tránh đường để họ mau chóng ra khỏi điện Đại Minh bằng cửa Vân Hội, người đeo mặt nạ thiền sư Phật Tâm Tông sực nhớ điều gì đó bèn gọi Bảo Nghĩa hầu lại gần ghé tai nói nhỏ một câu. Bảo Nghĩa hầu lập tức quay trở lại điện Đại Minh, tìm ông “Phỗng” chột và cũng ghé tai ra lệnh.

Chỉ thấy Phỗng chột ngẩn người ra, rồi thình lình như người tỉnh ngủ và tỉnh rượu, ông ta nhanh nhẹn giơ cao dùi đục ra lệnh cho tất cả mọi người:

- Ba bát rượu liền! Rồi các đức ông, các lệnh bà còn cái trò gì thì xin cứ giở ra cho mãn canh mãn võ. Nào... Một này!

Bốn người kia ra khỏi điện Đại Minh thì cũng lột mặt nạ mo nang ra. Chính là Thượng hoàng Thánh Tông.
Thượng tướng quân Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trưởng họ Trần và đương kim hoàng đế Nhân Tông. Viên tì tướng thông hiệu sụp lạy xuống ngay thềm cửa Vân Hội và tâu:

- Tâu bệ hạ, thần ở Vân Đồn về mang tin cấp báo. Tướng giặc Toa Đô đã từ đảo Quỳnh Châu đem binh thuyền ra biển. Quân thuyền mộ trong đám dân binh ven biển lưỡng Quảng. Chúng lên đường tính đến lúc này đã được năm ngày rưỡi.

Thế là giặc đã xuất quân!

Chúng tiến đánh đâu? Chúng mượn gió đông thuận đường đánh vào lộ Hải Đông chăng? Hay chúng đánh chiếm Chiêm Thành?

Thượng hoàng Thánh Tông đăm chiêu:

- Về cung Thánh Từ rồi ta sẽ bàn!

Bây giờ hai vua và các đức ông đã bỏ mo nang rồi, lính túc vệ cẩm y vội hùng dũng theo hầu, phò hai vua về cung Thánh Từ.

Viên tướng Điện tiền Hoàng Mãnh nhìn theo họ, lòng bồn chồn. Không khí chiến chinh đột nhiên xâm chiếm tâm trí người đeo kiếm.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #44 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:37:37 pm »

Chương 7

Vào cuối tháng quý thu, Trần Nhật Duật lên châu Mai để lo lễ cưới của Hoàng Mãnh. Theo như dự định cũ, lễ cưới đáng lẽ làm vào mùa đông nhưng tình hình đất nước buộc triều đình muốn cố kết sớm lòng dân miền tây bắc và hai họ cũng muốn lo sớm cho đôi trẻ.

Sau khi được tin Toa Đô lên đường, triều đình khẩn cấp phái các tướng giỏi ra biên giới để sẵn sàng đối phó. Không khí chuẩn bị chiến tranh sôi động trong các vương phủ, trong các trại quân. Nhưng nửa tháng sau, được tin đoàn chiến thuyền của Toa Đô đã đâm xổ vào Chiêm Thành, mọi hoạt động dường như chững lại. Người ta lại từ các làng quê trở về kinh thành. Các phường thủ công lại tiếp tục việc làm, các cửa hàng cửa hiệu lại tấp nập kẻ mua người bán. Thuyền bè các nơi lại châu mũi về bến Đông hoặc đổ hàng lên phố, hoặc cất hàng để đem về các lộ xa. Mọi hoạt động ngoài dân gần như đã trở lại bình thường của một thời thái bình nếu như không có những cuộc diễu rước thị oai của gã Đạt Lỗ Hoa Xích qua các phố phường kinh thành.

Tuy vậy ở trong triều, trong tầng lớp các vương hầu giữ các chức vụ trọng yếu, mọi hoạt động đều ráo riết hướng về chuẩn bị chiến tranh chống giặc. Những buổi luyện quân và nghe giảng về binh pháp ở Giảng Vũ đường diễn ra căng thẳng hơn trước. Việc điểm mặt, điểm tên trong những buổi đó tiến hành kĩ lưỡng hơn. Đã có những viên tướng bị giáng chức vì lơ đãng phạm điều lệ học hành, luyện tập. Đã có những vụ nã bắt kín đáo những kẻ thì thụt ra vào sứ quán của gã Đạt Lỗ Hoa Xích...

Trần Nhật Duật lên đến châu Mai vào một ngày cuối thu. Trời châu Mai vào lúc này bềnh bồng mây trắng xám. Rừng châu Mai xanh thẫm lại và loáng thoáng đã có những khoảng cây lá chuyển sang sắc đỏ lửa. Núi đá châu Mai đã từng lúc phủ sương lam nhàn nhạt và khí núi đã gây gây mỗi buổi chiều sớm về.

Nhà họ Trịnh ở bản Mai Hạ nên Trần Nhật Duật đóng lại ở bản Mai Thượng. Mai Thượng trở thành một trại quân của đoàn tuỳ tùng hộ tống Chiêu Văn vương vừa là nơi ở của họ nhà trai.

Đám cưới của Minh tự Điện tiền tướng quân Hoàng Mãnh lấy con gái yêu của Mai Sơn hầu Trịnh Giốc Mật là một sự việc hiếm có trên miền sơn cước. Cả hai bản Mai Thượng và Mai Hạ hàng ngày phải tiếp hàng trăm khách từ các nơi về mừng hai họ và cô dâu chú rể. Theo phong tục châu Mai, trước lễ rước dâu, chú rể phải đứng mời quan khách ở nơi nhà gái thết đãi, cô dâu ngược lại phải có mặt ở nơi họ nhà trai mời khách đến uống rượu mừng. Ai cũng tấm tắc khen chú rể thật là một trang nam tử văn vũ song toàn, diện mạo khôi ngô kì vĩ. Và ai cũng khen cô dâu, nàng Hai, quả là một cô gái đẹp duyên dáng, đảm đang, có một chút sắc rợn huyền bí của núi rừng. Tiệc mở liên tiếp mấy ngày liền nhưng nàng Hai lúc nào cũng tươi tỉnh mời rượu mọi người. Rõ ràng là cô dâu chú rể vừa lòng nhau. Đám này thật là một mối hảo lương duyên.
Hôm nay là ngày rước dâu. Chú rể đã về Mai Thượng từ chiều hôm qua. Ngược lại cô dâu cũng xuống Mai Hạ từ sáng hôm trước nữa. Hai họ ráo riết sửa soạn cho cuộc đón dâu suốt hai ngày đêm. Hoàng Mãnh đã thuật lại cho Chiêu Văn vương nghe binh tình bên nhà gái. Họ cương quyết đem trai đinh trong họ ra giữ dâu. Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác lúc tiễn Hoàng Mãnh về Mai Hạ đã bảo thẳng rằng họ Trịnh vũ dũng thượng võ muốn có một chàng rể xứng đáng. Chiêu Văn vương cũng cho là phải bởi vì ông hiểu tinh thần thượng võ của con người sơn cước châu Mai. Ông bảo em nuôi:

- Qua sông thì phải luỵ đò. Vào nhà ai thì phải theo nếp nhà nấy. Được, rồi ta sẽ cho họ biết thế nào là trai Thăng Long.

Nhưng bà Trương thì lo lắm và mấy người trong họ nhà trai cũng lo lắm, chỉ trừ cô chị họ Hoàng Mãnh lại rất hứng thú. Đó là cô Mơ, cô gái của một làng biển Thanh Hoá. Trần Nhật Duật cũng có cảm xúc giống như cô ta.

Hoàng Mãnh thuật lại cách bố phòng bên họ nhà gái. Trịnh Mác đã cho gọi tất cả trai đinh trong họ và toàn thể gia nhân của nhà họ Trịnh. Họ đều sắm sẵn mỗi người một cái gậy gỗ vông cao một đầu một với. Côn gỗ vông tuy không thể đánh ai chết hoặc mang thương tật nhưng chắc ai bị đánh trúng một đòn thì cũng đau lắm. Tổng số quân của Trịnh Mác lên tới ngót năm trăm. Đội quân đó dàn thành ba tuyến phòng ngự quanh bản Mai Hạ xinh đẹp. Họ đóng thành từng điểm nhỏ mươi người một. Việc cắt canh làm đúng như luật quân, có mõ gọi, có mõ trả lời, có chia phiên, có đội đi tuần sát và ở nhà Mai Sơn hầu Trịnh Mác giữ lại một đội hai mươi người khoẻ mạnh, giỏi võ do chính Trịnh Mác chỉ huy.

Càng nghe bà Trương càng hoảng sợ. Bà nguyền rủa những tập tục ác chết người. Bà bảo: “Có định làm dâu nhà người ta mãn đời hay không? Hay chỉ định ở chơi một vụ chiêm”. Trần Nhật Duật bật cười. Ông phải giảng giải thêm cho bà Trương:

- Không đến nỗi thế đâu. Họ có năm trăm tay côn nhưng đám trai tráng châu Mai hiếu động, được dịp tụ bạ thì nô nức thế thôi. Chứ họ coi đám cưới này là một mối duyên lành. Họ cũng nhân dịp này có các cô gái châu Mai đến làm giúp nhà Mai Sơn hầu thì cũng tìm cho mình một người hiền hậu mà kết ngãi đá vàng đó thôi. Chị dưỡng đừng lo.

Nhưng bảo bà Trương không lo thế nào được.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #45 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:38:48 pm »

Sự thật thì Trần Nhật Duật nói rất đúng. Đám trai tráng châu Mai chỉ cầm gậy vông làm phép mà thôi. Tục cướp dâu ở đây được các nhà dân thường ưa chuộng. Những lễ cưới vùng sơn cước tuy không phiền toái như lễ cưới vùng đồng bằng nhưng lại rất tốn kém, đồ dẫn cưới rất nhiều, nào trâu bò gà lợn, nào rượu ngon gạo tốt, nào bạc trắng lụa hoa, nào gối áo cưới... Vì vậy trai gái nhà nghèo dựa luôn vào tục cướp dâu mà phá lệ. Con gái hẹn con trai đem bạn đến “rước” dâu. Qua một ngày, thế là đã thành vợ thành chồng. Bạn bè cô dâu chú rể kéo đến mỗi người một tay, đốn gỗ, cắt cỏ tranh làm một nếp nhà cho đôi vợ chồng trẻ. Mỗi lần đi giúp bạn làm tổ ấm, trai gái lại gặp nhau và những vụ cướp dâu khác lại diễn ra suốt một mùa cưới. Cho nên họ Trịnh cho gọi trai tráng đến đông như thế nhưng thật ra Trịnh Mác biết rằng họ đến như những người đi dự hội hè, còn muốn giữ dâu, nhà họ Trịnh chỉ trông cậy ở vài anh em thân trong họ. Đó chính là đội quân nhỏ hai chục người ở liền trong ngôi nhà sàn to rộng có hàng rào tre gai vây quanh của Mai Sơn hầu. Đồng thời, Trịnh Mác có nói cứng cũng chỉ vì theo tục lệ cổ truyền, còn anh ta với Minh tự Hoàng Mãnh vốn thân thiết còn hơn cả anh em ruột. Bà Trương nghe nói vậy cũng yên tâm. Tuy vậy, Chiêu Văn vương vẫn hào hứng cười, đuôi mắt rạn chân chim nheo tít lên nom rất đa tình:

- Nhưng đã đúc trống rồi thì cũng phải gióng lên. Rượu đã rót rồi thì cũng phải uống cho cạn chén.

Ông trình bày cho mọi người nghe kế cướp dâu của ông. Đôi mắt to đen của Chiêu Văn vương thoáng loé lên ánh sáng của xuân tình.

Ông bảo cô Mơ:

- Sáng hôm nay sẽ phải nhờ đến cô em một tay. Xong việc này thì thằng Mãnh nó phải nhớ ơn cô suốt đời.
Chỉ thấy Mơ chúm chím cười. Người con gái e thẹn chính là vì họ có điều chi vương vấn trong lòng. Mơ đi sắm sửa để lên đường. Các dũng thủ Thăng Long, bạn của Hoàng Mãnh cũng bắt tay vào việc nai nịt cho gọn ghẽ.

Một lát sau, Mơ từ trong phòng bước ra, cô mặc chiếc áo đổi vai màu nâu non, thắt chiếc thắt lưng hoa lí làm tôn tấm thân cường tráng; một cái khăn vuông chít trên đầu, màu thâm của khăn, màu đen của món tóc mai tương phản với làn da trắng hồng của cô gái vùng biển. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt bồ câu ngơ ngác của Mơ và tươi nhất là màu môi của cô gái.

Sững sờ nhìn Mơ, Trần Nhật Duật tưởng đâu đám cưới này là đám cưới của ông, một đám cưới không xa hoa kiểu cách mà bình dị và hạnh phúc vô vàn, đám cưới của hai con người bách tính lê dân không có một giọt máu quý của kim chi ngọc điệp chảy trong huyết quản.

Theo phong tục của châu Mai không có lễ đưa trầu xin dâu, nhưng Trần Nhật Duật cứ làm vì ông hiểu rằng nếu nhà trai tôn trọng tập tục châu Mai thì họ nhà gái cũng sẽ chịu tất cả nghi thức của tập tục Thăng Long.

Đoàn nhà trai đi xin dâu đưa trầu chỉ có mười bốn người. Người dẫn đầu chính là một người chị của bà Trương, một bà lão trên sáu mươi tuổi, phúc hậu, nhiều con. Người thứ hai là Trần Nhật Duật, người thứ ba là Mơ bưng một cơi trầu têm cánh phượng với những trái cau tròn trĩnh vỏ xanh non đã được người con gái khéo tay ấy dùng dao nhọn trổ lên những hình chim đậu cành mai, hoặc hai con bướm vờn nhau... Triệu Trung là người thứ tư. Viên tướng vong Tống mặc một bộ áo lụa màu gan gà nho nhã để giấu bớt vẻ lực lưỡng gân guốc của tấm thân trải nhiều chinh chiến. Triệu Trung chỉ huy năm người con trai và năm người con gái đội đồ lễ. Năm người con trai đều kén trong đội dũng thủ của Hoàng Mãnh. Năm cô con gái đều là các chị em họ của chú rể. Họ đều mang thắt lưng màu lộng lẫy.

Cả đoàn thung dung theo gót Trần Nhật Duật tiến về bản Mai Hạ. Chỉ có Chiêu Văn vương và Triệu Trung cưỡi ngựa. Con Bão Đêm bây giờ, quả như dự đoán, đã thành một con ngựa tuyệt đẹp, trường mình, cổ cao, mảnh, thanh tú, bốn vó thẳng, dài, gân guốc. Trần Nhật Duật hôm nay nom lịch sự lạ thường. Ông mặc áo vóc tía thắt lưng xanh đi văn hài thêu chỉ bạc. Trần Nhật Duật chít một chiếc khăn lụa màu tam giang, chiếc khăn chít khéo đã tôn thêm vẻ quý phái lịch sự vốn sẵn có của ông. Trần Nhật Duật cầm trong tay một chiếc quạt. Đôi mắt ông long lanh, nghịch ngợm và trẻ trung.

Trang trại nhà họ Trịnh nằm trong một cái lũng nhỏ, ba mặt là vách núi không cao lắm. Khi mới đến cửa lũng, đoàn đưa trầu nhà trai đã nghe thấy tiếng cười nói ồn ào vẳng lại. Đoàn đến điếm canh đầu tiên, Trần Nhật Duật làm chủ ngay cuộc chạm trán ấy. Ông tiến thẳng đến điếm, cười ha hả bảo những chàng trai áo chàm cầm côn vông:

- Đã chén rượu no say chưa các tráng sĩ? Nếu chưa thì đây, hãy uống mừng cho ngày vui của em ta.

Ông bảo đoàn tuỳ tùng đưa ra một vò rượu ngon và một vai lợn quay. Những chàng trai sơn cước dựa ngay côn gỗ vông vào vách điếm. Họ cung kính chắp tay vái Chiêu Văn vương.

- Kính lạy đức ông.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #46 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:43:11 pm »

Họ rót rượu ra bát và uống mừng Chiêu Văn vương, mừng hai họ, mừng cô dâu chú rể, mừng tuổi trẻ và mùa hôn phối. Trần Nhật Duật mỉm cười khi thấy trong điếm canh có cả các cô nàng sơn cước. Ở hai điếm canh sau, mọi sự cũng diễn ra tương tự như thế. Đúng như Chiêu Văn vương đoán trước, trai gái châu Mai coi dịp này như một hội hè linh đình, ở các điếm đều có các cô gái sơn cước đến hát vui với các chàng trai côn gỗ vông. Uống thêm tí rượu cho long lanh mắt, cho hồng má rồi họ dựa côn vông vào vách điếm, vác kèn lau ra thổi những điệu xuân tình. Những chiếc váy nhiều nếp thêu màu lộng lẫy xoay đi xoay lại, các cô gái khe khẽ hát, mắt đong đưa.Tình yêu đã gạt tập tục sang một bên và thực ra, khi cần thì nó xếp luôn tập tục đó sang hủ tục.

Trang trại nhà họ Trịnh tưng bừng náo nhiệt. Trịnh Giốc Mật bày hương án giữa nhà, rước biển Ân Tứ trang trọng đặt lên án. Mai Sơn hầu và các bô lão của các bản châu Mai ra đón Trần Nhật Duật từ bên ngoài cổng lớn. Bá tước Trịnh Mác cũng dàn đội quân dũng thủ để nửa khoe nửa doạ họ nhà trai. Trịnh Mác vái lạy Chiêu Văn vương:

- Lạy chú, cháu nghe tin chú lên nhưng việc nhà bộn quá chưa đem đầu đến lạy chú được.

Cũng muốn đe Trịnh Mác, Chiêu Văn vương cười bảo:

- Này ông bá tước, ở đất Thăng Long người ta giữ dâu bằng cái cười còn lợi hại hơn côn vông đó.

Trịnh Mác cười thẹn. Anh ta đã từng biết sức mạnh chứa đựng trong các câu nói ỡm ờ của gái kinh kì rồi. Trần Nhật Duật nhìn quanh. Khác hẳn lần ông đến trang trại ngót ba năm về trước, nhà họ Trịnh vẫn đông người nhưng sắp xếp ngăn nắp hơn, gia đinh dũng thủ có kỉ luật đội ngũ hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ những năm tháng học hành ở kinh kì của Trịnh Mác có hiệu lực và nửa năm luyện tập dưới quyền chỉ huy của Minh tự Hoàng Mãnh, đội quân sơn cước thu được nhiều kết quả. Ông bà Trịnh Giốc Mật mời nhà trai lên nhà sàn uống nước ăn trầu. Cô Mơ bưng cơi trầu cánh phượng tới. Chiêu Văn vương cười nói:

- Tạ ơn Thượng hoàng ân tứ cho hai trẻ, hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi có cơi trầu đến trình các cụ, xin được đón em dâu tôi về nhà riêng.

Họ nhà gái hỉ hả đón cơi trầu từ tay Mơ bưng đặt lên ban thờ gia tiên. Ông bà Trịnh Giốc Mật tươi cười, trong khi đó chị bà Trương cứ lấm lét nhìn Trịnh Mác cao lớn dềnh dàng đứng sau lưng cha mẹ. Hôm nay là lễ cưới của chị gái Mác nhưng anh ta mặc quần áo chiến ngắn tay, hẹp ống, cổ áo không cài hai khuy bên trên để hở một chút lồng ngực vuông nở. Mác đeo một chiếc hoa tai bạc bên tai phải, chiếc khăn chàm quấn thật to. Nom Mác dữ tợn tuy cái miệng rất tươi cũng không kéo lại được.

Đôi bên mời lẫn nhau một vài tuần trà nước trầu thuốc. Đã sắp đến lúc đoàn xin dâu ra về. Bỗng đâu có tiếng tù và văng vẳng đưa lại. Trịnh Mác bước ra sân ngoài nhưng thình lình Triệu Trung cầm chiếc áo khoác vẫn vắt vai, trùm lên đầu Trịnh Mác. Chiêu Văn vương và các dũng thủ Thăng Long nhảy phắt ra cửa. Họ tháo luôn thắt lưng, dùng mấy sải lụa màu làm thành một thứ binh khí lợi hại. Chỉ một thoáng, họ đã cướp được mấy chiếc côn gỗ vông và chia nhau người trấn cửa lớn, người chẹn cửa sổ. Triệu Trung dùng sức giật chiếc thang gỗ ra ném luôn cái thang xuống vườn dưới.

Từ mé vách núi sau nhà, có mấy người bám chão tụt xuống. Đó là Hoàng Mãnh và mấy anh phù rể nữa. Họ xông qua cửa trang trại vào sân trong. Họ la tưởng như đến mấy chục người.

Trịnh Mác đã gỡ được cái áo trùm đầu. Ông bá tước trẻ tuổi mặt đỏ phừng phừng nhảy từ sân nhà cao xuống sàn để giúp các đinh tráng bên họ nhà gái. Chỉ thấy giải lụa xanh trong tay Chiêu Văn vương múa phần phật, Trịnh Mác bị lụa quấn chân giật ngã chổng kềnh ra đất.

Đánh lúc đối phương không phòng bị. Lẽ thường của binh pháp đã giúp cho họ nhà trai chiếm ưu thế hoàn toàn trong trang trại Trịnh Giốc Mật. Từ lối cổng chính, những ngũ dũng thủ Thăng Long khác cũng đã mở thông đường xông vào tiếp tay. Chiêu Văn vương quát giật giọng bảo Hoàng Mãnh:

- Đi cho mau! Kìa!

Hoàng Mãnh xông về phía bếp. Nàng Hai đang coi sóc gia nhân làm tiệc trong đó! Đám đàn bà chạy re lên sàn trên vừa chạy vừa cười hoảng sợ. Mãnh gọi nàng Hai:

- Nàng ơi! Ra sân mau!

Nhưng kì lạ thật, nàng Hai quắc mắt cầm luôn cái cặp tre cời bếp giáng cho Mãnh một cái vào đầu. Mãnh ngẩn người nhìn cô vợ chưa cưới xong. Nàng Hai nổi cáu nói dỗi:

- Cướp đi chứ nhìn gì? Này nhìn này!

Và cô nàng lại giáng cho Mãnh một cặp cời lửa nữa. Nhưng lần này thì cô nàng không đánh trúng. Mãnh bắt cái cặp cời lửa giật phắt lấy quẳng đi. Anh sấn đến bốc nàng Hai vác lên chạy ra sân trong khi cô nàng vừa kêu cứu vừa đấm thùm thụp hai tay vào lưng Mãnh.

Trần Nhật Duật vừa đỡ cây côn gỗ vông của Trịnh Mác vừa liếc mắt theo dõi em nuôi. Chiêu Văn vương hô:

- Con Bão Đêm!

Hoàng Mãnh hiểu ý chạy ra cổng lớn. Mơ đã tháo cương con Bão Đêm đứng chờ sẵn ở đấy. Nàng Hai giãy giụa. Mãnh phát cho nàng Hai một cái thật lực vào lưng làm cho cô nàng phải kêu lên vì đau và sung sướng. Anh đang sắm nắm nhảy lên lưng con Bão Đêm thì chợt cô nàng kêu toáng lên:

- Có người kìa! Có người kìa!
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #47 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 09:45:05 pm »

Mãnh ngoảnh nhìn. Trịnh Mác đang vung cái côn gỗ vông xông đến đánh một đòn bổ thượng. Mãnh không đỡ và cũng không đánh lại. Anh rê cương, cả con ngựa và Mãnh lướt sang một bên. Cây côn gỗ vông giáng hụt xuống đất gãy làm đôi... Một nhún chân, một gót chân thúc mạnh, Hoàng Mãnh nghe gió reo vui bên tai. Con Bão Đêm hí một tiếng vang lên mừng rỡ. Nó cất vó nhảy vọt qua đám trai sơn cước của điếm canh thứ nhất. Con ngựa tung bờm giang rộng vó phi nhanh. Hoàng Mãnh tưởng như con ngựa có cánh. Anh không nghe tiếng vó ngựa, chỉ nghe thấy tim đập nhanh và tiếng đập của một trái tim nữa kề sát trái tim anh.

Ngay hôm nhị hỉ của vợ chồng Hoàng Mãnh, Chiêu Văn vương phải lên đường về kinh vì có chỉ vua triệu rất gấp. Chiêu Văn vương cười bảo hai em:

- Ta cũng muốn đưa hai em về nhị hỉ bên nhà gái. Ta với hai em là chỗ thân tình, cho nên chẳng sợ ai cười là tham ăn đến nỗi dự cả cỗ giáp mông đâu. Ngặt vì có chỉ vua triệu gấp. Trước khi ngược sông Đà, Thượng hoàng đã hẹn sẽ giao cho ta một việc quan trọng. Ta cũng tưởng ít nhất cũng phải dăm bữa nữa, nào ngờ có chỉ triệu gấp thế nên ta phải xuôi ngay hôm nay.

Đám cưới của Hoàng Mãnh thế là xong xuôi êm đẹp cả. Sau khi Hoàng Mãnh cướp được nàng Hai đem về Mai Thượng thì họ nhà trai mới dềnh dàng kéo xuống Mai Hạ. Nhà gái hỉ hả mời khách dự một bữa tiệc gồm toàn món sơn hào quý. Hoàng Mãnh và các dũng thủ phù rể đến Mai Hạ thấy Chiêu Văn vương ngồi nói chuyện thân mật với ông bà Trịnh Giốc Mật. Bá tước Trịnh Mác cũng thay bỏ áo chiến, mặc áo dài gấm xanh tay thụng. Anh ta đón anh rể từ cổng. Họ tay bắt mặt mừng đưa nhau lên nhà sàn lạy chào ông bà Mai Sơn hầu và Chiêu Văn vương. Trẻ con thôn bản đốt những chiếc pháo lệnh nổ như sấm. Các chàng trai và cô gái kéo nhau đến xem mặt chú rể làm cho Hoàng Mãnh vốn táo tợn cũng phải thẹn rúm người lại. Thế rồi rượu cần kèn lau, ông già bà già thì ăn uống với nhau trên nhà sàn. Đám trẻ chẳng thiết ăn uống, tiệc chuyển thành hội, người ta kéo nhau ra sân, ra vườn, dìu nhau xuống suối lên rừng. Tiếng kèn lá, đàn môi nỉ non đó đây. Tiếng kim chen tiếng thổ, trai gái hát đối đáp nhau những lời ướm hỏi hẹn hò, nhờ rừng núi chứng giám cho lời thề yêu nhau chung thuỷ suốt đời.

Chập tối, Chiêu Văn vương về Mai Thượng. Ông bàn với bà Trương là sẽ đưa bà và dâu con về Thanh Hoá lễ tổ bên ngoại chú rể và ăn tết cơm mới tháng mười ở đó luôn thể. Nhưng nửa đêm quan khâm sai mang chỉ vua lên đến nơi. Thế là ngày nhị hỉ chỉ còn bà Trương và cô Mơ đưa cô dâu chú rể về nhà gái. Hoàng Mãnh đã trả vợ cái vòng vía. Cô dâu đền chồng một chiếc xuyến bạc đeo tay “cho nhớ”.

Khi từ biệt bà nhũ mẫu, Chiêu Văn vương nói:

- Việc châu Ái, em vẫn lưu tâm, chị dưỡng đừng lo.

Bà Trương cười gượng. Số là ở quê bà có một người con gái tiến cung làm cung nữ triều tiên đế Trần Thái Tông. Tiên đế ban cho bà ta một cái bãi dâu ven con sông chảy qua làng để ăn lộc. Thiếp ban cho bà ta ghi rõ cái bãi rộng ba mươi mẫu. Nhưng trải qua mấy chục năm ròng, cái bãi được con sông bồi phù sa rộng ra gấp mấy lần. Dân làng tiếp tục khai phá phần đất mới. Chủ bãi đợi đất khai phá trồng trọt đã thuần thục mới ỷ quyền thế đòi đất. Dân làng cử ông câu đương họ Trương viết đơn trình quan trấn thủ để xin quan khu xử cho dân được trồng tỉa phần đất trời cho. Nhưng quan trấn thủ cũng sợ uy thế bà cung phi đành khuyên dân làng chẳng nên đương đầu với bà ta. Dân làng ấm ức lắm. Ông câu đương cũng vậy. Nhân lễ cưới Hoàng Mãnh, người làng đi châu Mai theo bà Trương. Ông câu đương dặn con gái nói với bà Trương để bà nhờ Chiêu Văn vương can thiệp giúp. Chiêu Văn vương trong một lần về thái ấp Vạn Kiếp với Hưng Đạo vương, được ông dẫn đi xem những đồng ruộng, đất bãi trong thái ấp và giảng giải cho em nghe về tình cảnh người dân trong đồng quê và sự cần thiết ruộng đất đối với họ, Trần Quốc Tuấn đã dặn em:

- Vua lấy dân làm trời. Còn dân lấy ăn làm trời. Em chớ nên coi thường bí quyết cầm quyền chính đó.

Vì thế, khi nghe bà Trương nói việc, Chiêu Văn vương bằng lòng ngay. Ông biết bà cung phi này rất quý ông, lại còn rất nể ông nữa. Ông nói chắc bà dễ xuôi tai. Nhưng nếu bà không nghe thì Chiêu Văn vương sẽ đem phần đất bãi dâu của chính ông ở bãi sông Cơ Xá ngay cạnh kinh thành để đổi cho bà ta. Thế là xong thôi.

Việc đi châu Ái lần này với lí do thu xếp đất bãi và ăn tết cơm mới thực ra che giấu ước muốn của Chiêu Văn vương được trở về một nơi lưu giữ khoảnh sâu sắc thắm thiết trong lòng ông. Ông nhớ những rặng dừa lao xao trưa hè, nhớ tiếng hò vời vợi của những người lái bè trên dòng sông Mã mênh mang, nhớ những con đường làng quanh co, vệ đường lấm tấm những bông hoa cỏ trắng tinh khiết, tầm thường nhưng ý nhị và kín đáo, nhớ tiếng nói tiếng cười quen thuộc ở một nếp nhà quen thuộc.

Ấy thế rồi lại không về được châu Ái. Trần Nhật Duật hấp tấp từ giã bà Trương và Mơ. Ông muốn hẹn một ngày về thăm cái làng nghèo ven biển Đông nhưng đã mấy lần hẹn và cả mấy lần thất hứa rồi.

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo.

Nói ra câu ấy bây giờ chẳng xuôi. Trần Nhật Duật ngậm ngùi lên ngựa. Con Bão Đêm như hiểu lòng chủ, nó gằm cổ quẩn mấy vòng thương nhớ trên trảng đất đầu làng Mai Thượng trước khi cất vó phi về hướng nam.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 11:22:03 am »

Chương 8

Hai ngày sau, Trần Nhật Duật và đoàn tuỳ tùng về đến Thăng Long. Trần Nhật Duật lập tức tiến triều.
Trước cung Thánh Từ là thư phòng của Đinh Củng Viên, ông quan giữ chức Hành khiển nội cung của Thượng hoàng Thánh Tông. Trần Nhật Duật được Đinh Củng Viên cho biết Thượng hoàng đang bàn việc với đức ông Chiêu Minh và chỉ bàn tay đôi. Ông tính ngồi chờ ở thư phòng của Đinh Củng Viên nhưng một viên nội giám đã từ trong cung Thánh Từ ra thưa với Chiêu Văn vương:

- Thượng hoàng truyền triệu đức ông vào chầu hầu.

Chiêu Văn vương vào lạy chầu hai anh. Ông thấy cả hai người đều mặc áo lụa mát và chắc rằng họ đã làm việc lâu rồi vì bên cạnh, trên một cái bàn tròn thấy bày đầy bánh trái và chè ngọt mà một số đĩa đã bị khuyết. Chiêu Minh vương cười:

- Thế nào, ông mối đã bị ăn cái đấm cái đạp nào chưa?

Trần Nhật Duật cũng cười:

- Thưa anh, chỉ bị uống cả rượu phạt lẫn rượu thưởng thôi ạ.

- Thế nào là rượu thưởng mà thế nào là rượu phạt?

- Dạ, thưởng công ông mối lương duyên còn rượu phạt của các cô gái châu Mai...


- Hẳn là phạt những người đi đất khác chứ gì?

- Dạ đúng thế.

Thượng hoàng bảo:

- Tốt lắm, em về đây vừa hay. Ta đang mong. Này chú Ba, thế thì việc tuần sát vùng biển ta giao cho
Quốc Tảng.

- Chọn người ấy là đúng nhưng ta không nên vượt quyền đức ông Hưng Đạo. Tuần sát là việc quân. Đã là việc quân thì phải do nguyên soái chọn tướng.

Trần Nhật Duật ngẩng nhìn hai anh chăm chú. Trần Quang Khải hiểu ý em nói ngay:

- Chúng ta đã quyết định giao quyền Tiết chế các quân cho đức ông Hưng Đạo. Việc chọn tướng sẽ do anh trưởng quyết định lấy.

Thốt nhiên Trần Nhật Duật nghĩ tới câu luận bàn về anh hùng của đức ông Hưng Đạo. Phải chăng Chiêu
Minh vương là một người anh hùng, một người hiểu mình, hiểu người và biết thắng mình?

Thượng hoàng giao cho Chiêu Văn vương một công việc quan trọng. Đó là việc thu xếp mọi mặt cho một cuộc họp quan trọng đông người. Thượng hoàng dặn em:

- Họp đông nhưng bàn việc lớn. Phải giữ cho thật kín đáo. Ăn uống chè rượu phải biện tại chỗ mà phải đề phòng quân gian tế bỏ độc. Em nên nhớ bọn vua chúa phương bắc thời nào cũng ỷ mình là thiên triều, chúng không thể nào bỏ được mộng xâm lăng nước ta đâu. Chỉ duy cái sự có mặt của nước Đại Việt ta ở
phương nam cũng đã làm cho chúng tức tối ghen thù rồi đó.

Trần Nhật Duật hỏi Thượng hoàng về đất họp ở đâu? Thượng hoàng trầm ngâm suy nghĩ giờ lâu rồi mới đáp:

- Ở vùng Lục Đầu Giang!

Trần Nhật Duật nhìn anh đăm đăm. Ông đã hiểu rằng một khi đã định giao quyền nguyên soái cho một người chi Vạn Kiếp thì hai anh mình đã tính đến mọi lẽ hơn thiệt, nhưng chọn Lục Đầu Giang làm nơi hội họp là một quyết định can đảm của Thánh Tông sau khi đã nghiền ngẫm thấu đáo lòng người. Sông Lục Đầu nằm trong miền đất phân phong của chi trưởng. Ngày xưa Hiển hoàng Trần Liễu được phong thái ấp ở vùng này. Về sau các đức ông của ngành Trưởng đều được ban phong thái ấp quanh sông Lục Đầu từ địa giới lộ Lạng Giang cho tới vùng quần đảo Vân Đồn, Ngọc Sơn, Bạch Long Vĩ... Từ đó chi trưởng thành tên là chi Vạn Kiếp. Đi phó hội ở vùng sông Lục Đầu chính là đến họp trong đầm rồng ổ cọp của chi trưởng. Ông hỏi Thánh Tông:

- Thưa anh, ta lấy bao nhiêu quân túc vệ?

Thánh Tông mỉm cười:

- Lấy quân túc vệ lần này thì nhiều đến đâu cũng không đủ. Mà đã an toàn thì không đem quân tuỳ thân cũng vẫn an toàn. Em hãy lấy một quân là cùng. Cũng là để giữ cho tai mắt giặc ở Thăng Long không nhận ra. Còn thì lấy quân gia đồng bản thổ. Họ vừa hầu hạ trong cuộc họp vừa canh phòng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 11:23:41 am »

Dùng quân gia đồng bản thổ có nghĩa là dùng quân của các vương hầu chi trưởng! Hai anh của Trần Nhật Duật thật đã biết đánh tan mối hiềm nghi nếu có trong lòng các đức ông chi Vạn Kiếp. Trần Nhật Duật thấy mình không một chút e ngại. Ông tin ở sự xét đoán người của mình, ông tin ở sự sâu sắc của anh ruột. Tình nghĩa máu mủ tông tộc trong vài năm lại đây cũng đã mỗi lúc mỗi tốt đẹp hơn. Đó là cái cớ để mà vững tin.

Ở hoàng cung ra về, Chiêu Văn vương sắp sửa ngay việc lên đường đến vùng Lục Đầu Giang vào sáng hôm sau. Buổi chiều, Chiêu Quốc vương đột ngột đến vương phủ Chiêu Văn. Tuỳ tùng cận vệ chỉ có một gã đô vật đã từng nổi tiếng lừng lẫy một thời bây giờ giải nghệ và giữ việc dạy võ nghệ cho đội quân gia nô của vương phủ Chiêu Quốc. Gã ta cũng có tên huý tên hèm nhưng bằng ở khổ người và tật tính, người ta chỉ gọi gã là Đô Trâu.

Chiêu Quốc vương nói là nghe tin Trần Nhật Duật ở sông Đà về nên đến chơi thăm em. Nhưng cách nói năng của Chiêu Quốc vương khác mọi khi mặc dù cái khác đó rất kín đáo và nhỏ bé.

Mọi việc thu xếp để lên đường đã ổn thoả rồi, Trần Nhật Duật hồ hởi tiếp anh. Ông đưa Chiêu Quốc vương vào đình sen. Mùa này sen đã hết hoa, lá úa và xơ xác rách nát, cảnh đình sen đẹp một vẻ tiêu sơ. Trần Nhật Duật sai pha trà cỗi châu Mai đãi anh. Thị nữ hầu trà bưng lên hai chén trà men nâu có nắp đậy, đặt trên một cái khay chạm.

Chiêu Quốc vương mở nắp một chén trà, khói thơm bốc lên thoảng qua.

- Trà cỗi tháng thu! - Đôi mắt Chiêu Quốc vương sáng lên. Thật là một đôi mắt đẹp, đuôi mắt dài, màu đen thăm thẳm. Những lúc Chiêu Quốc vương lim dim mắt, người ta có cảm giác như màn đêm phủ xuống không gian bí mật... Chiêu Quốc vương nhắp một ngụm trà. Thứ trà có pha thêm gỗ cây mai già mọc trên núi đá châu Mai quả có hương vị đặc biệt. Chiêu Quốc vương chợt mỉm cười, mắt sáng lên nhìn em, ngâm khẽ:

Bạch vân nhất phiến khứ du du

Thanh phong phổ thượng bất thăng sầu

Thuỷ gia kim dạ thiên chu tử

Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu (1)


Chiêu Văn vương cười gượng. Trần Ích Tắc vốn có một ma lực hấp dẫn rất mạnh. Ở chỗ vắng hay ở chỗ đông người, mặc dù Ích Tắc ít nói nhưng vẫn là cái xoáy mà nước chung quanh cứ cuồn cuộn xoay tròn. Ít lâu nay, Trần Ích Tắc và Tô Nghĩa Đông thường tụ họp với vài danh sĩ áo gấm để thưởng thức những thi phẩm cùa phái thơ Hoa gian. Những thi phẩm này lời lẽ bóng bẩy, tứ thơ lẳng lơ đã một thời được thi nhân tài tử triều Nguỵ Tống ngâm ngợi. Người ta gọi các thi sĩ phái thơ này là thi sĩ phái Hoa gian hay phái Hoa nguyệt, phái thơ của những kẻ miệt mài trong những đêm trai gái truy hoan.

Câu thơ Trần Ích Tắc vừa ngâm, gợi đúng cái nút thắt trong lòng Trần Nhật Duật nhưng Chiêu Quốc vương nói về việc này mà thực ra đang nghĩ về việc khác. Con người ấy biết tạo cho mình một bộ mặt đẹp, một dáng điệu ung dung tưởng như một con người thoát tục, không một chút bụi trần vương tới, không một thú vui trần tục nào quyến rũ được, nhưng tất cả chỉ để che giấu những khát vọng luôn luôn thay đổi và càng ngày càng mạnh hơn, càng ngày càng đen tối hơn.

Bây giờ thì Chiêu Quốc vương lại cụp mi mắt xuống

- Em sắp đi đông bắc à?
- ...

- Thượng hoàng đã giao cho ta việc đó nhưng ta từ chối không nhận. Ta chẳng muốn làm việc gì mà trong
lòng không muốn.

Mặc dù đã nhiều năm trước đây, Chiêu Quốc vương là thần tượng của Trần Nhật Duật nhưng lần này Chiêu Văn vương vẫn im lặng nhìn anh. Một làn heo may nhẹ thổi. Bức tranh lụa cổ vẽ cảnh Lưu Linh say ngủ bay lên, đầu trục gỗ gõ lộp cộp vào ván vách. Chiêu Văn vương cũng không hề có ý định giấu anh việc đi đông bắc. Ông biết đây là một việc trọng yếu mà Thượng hoàng và Thái sư Chiêu Minh vương đã đắn đo kĩ trong việc chọn người để giao việc. Ông chỉ nghĩ rằng Chiêu Quốc vương đáng được giao việc ấy và ông cũng ngạc nhiên tại sao anh mình lại từ chối không nhận nó.

Chiêu Quốc vương trầm ngâm nhưng không phải vì nghĩ về công việc mà là thử trầm ngâm để tìm lời thích hợp với ý nghĩ.

- Con đường đông bắc mạo hiểm quá!

- Không! Đó là con đường tất phải đi!

Chiêu Văn vương không kìm được phải thốt lên. Trần Ích Tắc nhìn em. Ích Tắc không muốn tranh cãi với em. Xưa nay Ích Tắc chưa hề làm như vậy mỗi khi có ý kiến khác ý kiến của mình về một việc gì đó. Ông ta quen để cho mọi việc tự nó nó đến sau khi ma lực hấp dẫn của mình đã hoành hành. Chiến thắng tự nhiên sẽ đến như một trái chín bình thản rụng về gốc.

- Thế tất phải như vậy! - Chiêu Văn vương tiếp:

- Giặc đang lăm le ngoài bờ cõi, triều đình và tông thất phải thành một khối bền vững, mối đại thống phải như rễ sâu gốc chắc mới mong chống trả với giặc được.

Chiêu Quốc vương chỉ cười và gọi Đô Trâu vào, sai gã về vương phủ lấy một bọc quà tặng. Đô Trâu đi rồi,
Chiêu Quốc vương mới thủng thẳng nói:

- Giặc ngoài chỉ mới lăm le nhưng thù trong đã có sẵn từ mấy đời rồi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM