Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:07:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Kỳ Cố Sự (Chuyện kể Nam Bộ)  (Đọc 81948 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #80 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2011, 06:30:17 am »

ANH EM MÂY VÀ MƯA

Ngày xưa, ở Bến Tre có hai anh em nhà nọ, người anh tên Mây, còn người em tên Mưa. Khi cha mẹ chết, hai anh em đùm bọc lẫn nhau. Lúc bấy giờ bọn địa chủ cấu kết với nhau để bóc lột, bức hiếp dân lành… Vì gia đình thân quyến không còn ai, nên hai anh em Mây Mưa rủ nhau đi ăn cướp. Không biết học với ai mà cả hai võ nghệ tinh thông, nhứt là tài nhảy cao. Bà con đồn rằng nhà lồng chợ Bến Tre cao như vậy mà Mây Mưa nhảy qua nhảy lại như chơi.

Hai anh em không tụ tập thuọc hạ đông như các đám cướp khác, chỉ có hai anh em Mây Mưa lập ổ cướp ở một khu rừng nhỏ, gọi là “Đám lá tối trời”. Họ chỉ đánh cướp của bọn nhà giàu gian ác, bọn cường hào áp bức dân lành, chỉ cướp tiền bạc chớ không giết ai bao giờ, và không hề chạm tới phụ nữ.

Mây Mưa thường la cà trong xóm ấp, mỗi người một nơi, hễ thấy chuyện bất bình là ra tay can thiệp, gặp người nghèo khổ thì cho tiền, giúp đỡ. Do đó, tiếng tăm của Mây Mưa được đồn đại khắp nơi. Những người nghèo, thân cô thế cô xem họ như bậc “anh hùng hiệp sĩ” che chở cho họ; bọn giàu có quyền thế thì khi nghe đến tên của họ là run sợ; còn bọn quan lại địa phương thì lo sợ họ hô hào quần chúng nổi dậy, lật đổ chúng, nên cho lính ngày đêm rình rập để bắt Mây Mưa.

Nhiều lần Mây Mưa bị bao vây bất ngờ, nhưng cả hai đều thoát được, họ nhảy phóng qua đầu bọn lính mà chạy vào rừng mất dạng. Cuộc săn bắt kéo dài cả năm vẫn không được gì, tiếng đồn Mây Mưa có thuật tàng hình không ai bắt được nổi lên khắp nơi. Những người nể phục đã thần thánh hóa họ, người nghèo mong đợi họ đến giúp bọn gian ác thì nơm nóp lo sợ. Nhà cầm quyền rối trí, treo giải thưởng rất cao cho ai hạ được họ. Nhưng không ai dám và cũng không ai muốn đương đầu với họ. Tên Phủ Thơm trấn nhậm trong vùng, lãnh phận sự tróc nã Mây Mưa. Phủ Thơm chỉ ngồi nhà sai lính đi tìm, bọn này sau bao lần truy lùng để trở về tay không, không lập được công trạng gì cho chủ. Thế nhưng sự đời thiệt trớ trêu trong số người có cảm tình với Mây Mưa, có con gái của tên Phủ Thơm. Cô đã gặp Mây một lần trong dịp về thăm quê ngoại, trái tim cô đã xao xuyến rung động. Mây yêu cô vì sắc, cô mến Mây vì tài và tấm lòng nghĩa hiệp. Cô thường lến vào một khu vườn rậm kín để cùng Mây tâm tình. Quá si mê người đẹp, Mây không nghĩ đến sự nguy hiểm cho tánh mạng, thường lén đến gặp cô để than thở cho tình cảnh trái ngang.

Người em tên Mưa khóc lóc, khuyên anh chấm dứt cách đùa giỡn với tử thần như thế, nên tránh xa cô gái để khỏi bị tai họa. Nhưng Mây đã quá lụy về tình, như kẻ mù không còn phân biệt đâu là tối, đâu là sáng. Vì thế, Mưa giận anh và bỏ đi nơi khác, cả hai ẩn dật một thời gian: người anh thì si tình, người em thì giận anh nằm nhà dưỡng sức.

Tên Phủ Thơm biết con gái mình dan díu với Mây, bèn tương kế tựu kế không rầy la con mà ngầm theo dõi con gái mình, cho lính rình bắt. Thế là lần này Mây bị bắt một cách dễ dàng khi vừa từ giã người yêu.

Được tin Mây bị bắt, Mưa than khóc mấy ngày rồi tự đến nạp mình cho tên Phủ Thơm để được chết bên người anh. Tên Phủ Thơm được trọng thưởng. Nếu chỉ tội cướp của tôi, Mây Mưa bị ở tù chung thân là cùng, nhưng bọn thực dân Pháp đã xử tử anh em Mây Mưa. Mây vẫn bình tĩnh trước cái chết, còn Mưa thì mỉm cười khi đầu sắp lìa khỏi cổ như mãn nguyện được chết bên cạnh anh.

Hai hôm sau, cô con gái của Phủ Thơm bỏ nhà đi mất. Có người nói cô nhảy xuống sông tự tử. Có người nói cô đi tu chuộc tội cho cha.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #81 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2011, 06:31:05 am »

PHÚ ÔNG MẤT VÀNG

Hồi xưa, ở Tân An có một phú ông vàng bạc quá nhiều không biết làm gì cho hết, ông bèn đổ vô bốn cái ché, đậy nắp ràng dây cẩn thận rồi đem chôn ở góc ao trước nhà. Bên trên ông trồn bốn bụi sen làm dấu.

Trên ao, ông cho cất nhà thủy tạ để chiều chiều ra đây hóng mát, thưởng thức hương sắc hoa sen, nhưng cái chính là để lúc nào ông cũng thấy bốn ché vàng sờ sờ trước mắt mà không ai biết.

Bỗng một hôm, không thấy bốn bụi sen ở góc ao đâu nữa, ông biểu gia nhân xuống mò đúng chỗ chôn mấy ché vàng thì thấy vàng đất không cánh mà bay mất.

Ông nhờ thầy bói nổi tiếng trong vùng bói giùm một quẻ. Quẻ ứng điềm “thất vật”, thầy bói bàn:

- “Của này tự nó bỏ ông mà đi chứ không do ai trộm cắp! Ông muốn tìm thì tôi chỉ hướng cho, nhưng dù có gặp được của, ông cũng không đem về được”.

Thế là phú ông theo hướng thầy bỏi chỉ mà đi mấy ngày đường, qua bao nhiêu làng xóm, đến một ấp kia ông chợt thấy có một cái mương trước nhà nó có bốn bụi sen giống hệt mây bụi sen của ông.

Vừa mừng vừa lo, phú ông tìm cách làm sao lấy lại được mấy ché vàng bị mất.

Chủ nhà nọ là một nông dân nghèo nhiều đời, nhưng hiền lần chất phác, chăm chỉ làm ăn.

Phú ông vào nhà làm quen, trước hỏi chuyện làm ăn, mưa nắng, sau ngỏ thiệt là bốn bụi sen và bốn ché vàng đó là của mình.

Vợ chồng anh nông dân thiệt tà đáp:

- Nếu sen và vàng là của bác thì bác cứ lấy về.

Phú ông ngỡ ngàng trước sự thiệt thà của vợ chồng anh nông dân, nhưng cũng nói vớt vát.

- Tiền tài đã bỏ nhà tôi mà đến ở với chú em, tức là tiền tài thấy chú thím chăm chỉ làm ăn, nên mới cho chú thím, tôi còn giành giật làm chi!

Vợ chồng anh nông dân làm gà nấu cơm thiết đãi phú ông hết sức tử tế. Đêm ấy vợ chồng cặm cụi gói mấy đòn bánh tét.

Rạng ngày sau, khi phú ông từ giã ra về, thì anh nông dân biếu ông bốn đòn bánh tét. Ông đi đến trưa, khát nước mới ghé vào một nhà nọ bên đường để xin uống nước. Thấy mấy đứa nhỏ ăn mặc rách rưới, cung kính rửa tô múc cho ông một tô nước mưa trong vắt và lấm lét ngó mấy đòn bánh tét coi bộ thèm thuồng lắm

Ông già tinh ý, uống nước xong ông bỗng có ý định kêu mấy đứa trẻ lại cho phứt mấy đòn bánh tét để khỏi mất công xách về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #82 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:07:58 am »

BÀ HỘ CHO VAY

Vào những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ này ở Bến Cỏ (ngày nay thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) có một bà nhà giàu, tên là Hộ, bà Hộ là một địa chủ giàu có. Ruộng đất nhiều, nhà cao cửa rộng, nhưng không bao giờ bà bỏ qua một cơ hội nào để bóp hầu, bóp họng người khác.

Ngoài việc bóc lột tô tức, bắt tá điên nộp công mễ và làm công mễ, đóng góp tiền thế chân mướn ruộng, bà con cho vay lời. Bà chẳng bao giờ chịu thiệt cho ai một xu.

Hôm nọ có người láng giềng đang cày ruộng, thấy bà hộ đi chợ bèn nhờ bà mua giúp một cái ấm đất. Bà nhận lời, mua về cho người ấy một cái ấm đất giá hai cắc bạc.

Đang lúc bận cạy ruộng, lại không mang theo tiền nên ngươi ấy chưa trả tiền mua cái ấm nọ cho bà. Thế là người ấy nợ bà ta hai cắc bạc.

Ngày tháng trôi qua, người ấy quên bẵng số nợ. Một năm, hai năm rồi ba năm… đến mấy mươi năm sau, một hôm bà Hộ đến đòi nợ. Người ấy lúc bấy giờ mới nhớ liền mang hai cắc bạc ra trả. Nhưng bà Hộ không nhận, bà bảo:

- Ông nợ tôi hai cắc bạc, đến nay đã mấy mươi năm thì phải trả đủ cả vốn lẫn lời chứ. Tôi chỉ tính cho ông vay lời bốn phân một năm thôi.

Người nợ băn khoăn hỏi:

- Vậy thì tôi phải trả bao nhiêu:

Bà Hội bình thản tính:

- Này, vay 2 cắc, năm đầu phải trả lời 8 xu. Tổng cộng là 2 cắc 8 xu. Năm sau, 2 cắc 8 xu tiền lời là 1 cắc 2 xu và tổng cộng cả vốn lẫn lời là 4 cắc. Năm thứ ba, 4 cắc thì phải trả tất cả là 5 cắc 6. Năm thứ 5 như vậy là 5 cắc 6 xu. Tôi tính tròn phải trả là 8 cắc. Năm thứ 6, để tính coi nào… ừ… từ phải trả 1 đồng 1 cắc 2 xu.

Bà ngồi tính rành rẽ vốn lời từng năm và cuối cùng số tiền lên đến mức bằng giá mười mẫu ruộng theo thời giá lúc bấy giờ. Năm ấy gặp năm nắng hạn mất mùa lớn, do vậy con nợ của bà Hộ không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Không trả nợ thì bà không để yên cho đâu. Thế là người ấy đành giao 10 mẫu ruộng duy nhứt của mình cho bà Hộ để trừ nợ.

Đó là câu chuyện đến nay người dân ở Bến Cỏ còn nhắc lại. Họ gọi câu chuyện này là chuyện “Hai cắc mươi mẫu điền”.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #83 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:10:06 am »

BẢY GIAO, CHÍN QUỲ

Hồi xưa, ở chợ Cả Sê - lúc ấy thuộc tỉnh Mỹ Tho, có hai anh em ruột: người anh tên là Bảy Giao, người em tên là Chín Quỳ. Cha mẹ họ mất sớm, chỉ để lại cho mấy mẫu ruộng xấu. Vốn người lực lưỡng, hai anh em có chí muốn đem sức ra thi thố với đời. Nghe nói ở Bình Định có nhiều tay giỏi võ, họ mới bán hết ruộng đất của mình rồi đeo khăn gói ra ngoài đó học võ, chẳng bao lâu họ thông thuộc đủ 18 ban võ nghệ. Hai chàng nức chí muốn lập công danh. Nhưng gặp lúc triều đình mở rộng cửa văn, khép chặt cửa võ, họ không biết làm gì để kiếm ăn, cuối cùng đành phải trở về quê cũ. Về đến làng, hai anh em mở lớp dạy võ để kiếm sống, nhưng tiếc thay tài nghệ không đủ nuôi miệng.

Túng thế, họ rũ nhau đi làm cái nghề “trèo tường khoét vách”. Dần dần bạo dạn, họ trở thành những tay đón đường cướp của rất thạo. Nhưng họ chỉ lấy tiền bạc của bọn nhà giàu đem chia cho những người nghèo khổ mà họ gặp.

Sau mười năm làm nghề “lục lâm”, áo rách vẫn hoàn áo rách,. Bảy Giao nói với Chín Quỳ:

- Chúng mình định đem tài sức giúp thiên hạ nhưng không gặp thời. Sống trốn tránh lẩn lút thế này không thích. Thôi chúng mình hãy bỏ nghề này, đi chỗ khác làm ăn!

Hồi ấy ở Cồn Tàu(1) chưa được khai phá, nửa trên toàn là cây gừa(2) nửa dưới toàn là cây dừa nước, cây mọc chi chít vàm như rừng. Ở đó có một vị thần rất linh, có hai bộ hạ là cọp và heo rừng rất dữ tợn, quấy nhiễu cả một vùng. Từ lâu thần đã báo cho biết hễ ai đến chặt phá cây rừng ở đó thì phải nộp một mạng người. Có nhiều người vô ý đến chặt một gánh củi chưa ra khỏi cồn đã bị thần sai bộ hạ quật chết tươi. Vì thế lâu rồi không ai dám bén mảng đến đó. Một nhánh củi khô của thần cũng còn nguyên vẹn.

Hia anh em nghe được tin ấy, bèn đến Cồn Tàu khấn với thần rằng:

- Chúng tôi nghe tiếng ngài linh thiêng, hễ ai đến phá rừng thì phải dâng một mạng. Nay chúng tôi cũng xin cúng một mạng, nhưng xin ngài một điều hãy rộng lòng cho trong ba năm đừng quấy nhiễu chi hết. Đủ ba năm ngài muốn bắt đứa nào cũng được, hay cả hai anh em chúng tôi cũng xin vui lòng.

Thấy họ cam đoan như thế, thần vui lòng cho họ đến.

Từ đó, họ chèo một chiếc ghe đến đốn cây chặt lá đưa ra chợ bán. Hết chuyến này họ làm chuyến khác. Chẳng bao lâu họ chặt trọc cả một khu rừng hoang. Thần lỡ lời hứa, phải để họ làm, nhưng trong bụng rất căm tức. Sắp sửa hết hạn ba năm, hai anh em nhớ tới lời hẹn, bèn nhờ thợ rèn rèn cho họ hai cây côn nặng hàng trăm cân. Đoạn, họ đến Cồn Tàu khấn với thần rằng;

- Chúng tôi y ước, đến nộp mạng. Mời thần cho người đến lấy!

Nói rồi họ cởi áo, mỗi người cầm một cây côn đứng đấu lưng vào nhau, thủ thế. Thần sai bô hạ thứ nhất là cọp đen ra lấy mạng. Cọp đen từ trong hang tiến ra nhảy ngay vào mình Chín Quỳ. Chính Quỳ nhanh thay choảng một côn. Cọp đen ngã lăn ra chết giấc. Thấy thế thân ta nổi xung thiên, sai ngay bộ ha thứ hai là heo rừng ra hạ thủ. Heo to bằng con nghé, răng nanh dài hơn gang tay, miệng đầy bọt, chạy xộc xộc xong vào Bảy Giao. Chàng vụt luôn một côn trúng vào đùi. Heo tuy què một cẳng nhưng được thần tiếp sức cho nên vẫn còn hung dữ, nhảy xổ vào Bảy Giao định cắn. Chín Quỳ quay người sang cứu anh. Hai người chật vật lắm mới hạ nổi con heo dữ.

Thần ta thấy một lúc mất luôn hai bộ hạ đắc lực của mình thì sợ quá, không dám làm gì nữa. Hai anh em đơi mãi đến chiều mới trói heo và cọp lại đưa xuống ghe và khấn rằng:

- Nay ngài thương chúng tôi, đã không giết hại lại còn thưởng cho thịt, chúng tôi rất cảm ơn. Vậy từ nay, hủy bỏ hết những lời hứa trước.

Khấn xong đem về nhà xẻ thịt cho làng xóm cùng ăn.

Người ta nói từ đó thần hết linh. Mọi người đổ xô đến Cồn Tàu khai phá, cấy lúa làm ăn và bây giờ trở nên một vùng đất phì nhiêu.


(1) Địa danh của tỉnh Trà Vinh xưa, nay là tỉnh Cửu Long.
(2) Cây gừa: một loại cây cao lớn mọc ven sông rạch ở Nam Bộ, rễ rất dài.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #84 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:11:32 am »

BỐI BA CỤM

Bảy tám chục năm về trước, hầu hết ghe thương hồ từ miệt Lục tỉnh về Sài Gòn - Chợ Lớn, hay đi ngược lại, đều phải ngang qua Ba Cụm, nay thuộc làng Tân Bửu, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ba Cụm nằm ở khoảng giữa sông Chợ Đệm - trước có tên là Tân Long, sau gọi là sông Bình điền - nước từ Bến Lức chảy lên, từ Rạch Cát chảy xuống, giáp nước từ Ba Cụm Nếu thuận con nước, xuồng ghe chèo đi luôn. Nếu gặp con nước nghịch, xuồng ghe ùn lại Ba Cụm rất đông, cắm sào đậu nố cơm ăn, chờ tới khi nước lớn hoặc chụp ròng mới chèo đi tiếp. Chính vì vậy quán xá nổi lên bán mấy thứ lặt vặt cho đám ghe thương hồ: mắm, muối, thuốc rê, giấy bút, cao đơn hoàn tán… Lúc đầu gọi là quán Ba Cây Da, về sau gọi là quán Ba Cụm, rồi thành chợ Ba Cụm(1). Ghe thương hồ câu đặc cả một khúc sông, hàng hóa đầy ắp… khêu gợi lòng tham của mấy kẻ ăn không ngồi rồi. Từ đó nạn bối thường xảy ra và lang rộng. Trên sông dập dìu những “bán vàm” bơi len giữa những ghe buôn, bán đủ đủ thứ đồ ăn uống, chè cháo, một số “bán vàm” này cũng trở thành xuồng bối.

Nồi cơm sắp chín, cũng chưa chắc ăn được với mấy “ông bối”. Bối Ba Cụm có tay nghề cao và nhiều mánh lới. Thời gian nấu một nồi cơm hay ăn một bữa cơm, bất kỳ ngày hay đêm là đã xong một mẻ bối. Bối Ba Cụm đã gây lo sợ trong ghe thương hồ Lục tỉnh. Mặc cho chủ ghe canh giữ đồ đạc, hàng hóa, bối Ba Cụm cứ hành nghề, hễ ra tay là ít khi thất bại.

Ở Ba cụm, nhiêu tay đi bối đã nên nhà nên cửa. Đi bối thường có cặp: bối anh, bối em để truyền nghề và giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều người không cho bối là ăn trộm trên sông và cũng không phải là ăn cướp, vì bối bợ gọn món đồ mà khổ chủ nào trông thấy món đồ đó trước đó ít phút.

Dù bối là gì đi nữa, thì nó vẫn là một thứ trộm cắp trên sông. Hiện nay người ta vẫn còn kể cho nhau nghe nhiều chuyện về bối Ba Cụm, có mấy chuyện sau đây:

Chuyện thứ nhứt:

Một chiếc ghe đậu gần một lùm bần chờ nước ròng, ngồi trên mui hóng gió chiều là một cô chủ ghe bận quần lành mới láng lướt. Hai thằng bối bơi xuồng ngang thấy chíp liền. Bối anh nói với bối em:

- Khuya này tao lột quần con mẹ này cho mày coi.

Bối em trong bụng chưa tin.

Khuya, cô chủ ghe lót nóp nằm trên mui ghe, gió mát khiến cô ngủ ngon lành.

Bối anh bứt một cọng mái giầm trâu bự bằng ngón tay cái, tước bỏ lá rồi khoanh lại thật chặt. Nó hé ống quần của cô chủ ghe đang nằm ngủ cho cuộn mái giầm vào. Cọng mái giầm bị khoanh tròn từ từ bung ra ngọ nguậy trong ống quần. Cô khi giật mình, hồn thất phụ thể, tưởng rắn chiu vô. Cô bèn… đêm khuya tứ bề vắng vẻ ai đâu mà ngại… cô bèn tuột quần nhanh hất nó ra mép mui ghe, định la cho con rắn “ôn hoàng dịch lệ” kia bò đi nơi khác.

Nào ngờ, ở dưới xuồng núp theo hông ghe, thằng bối anh đứng lên đưa tay với lấy cái quần trước mắt người, nhưng vì đang truồng chồng ngồng đành nghẹn ngào mà làm thinh.

Bối em:

- Thiệt tui không ngờ!

Hết con nước làm ăn, hai thằng bối về nằm nhà. Chợt nhớ nhà bên cạnh mới rước dâu về hồi trưa.

Bối anh nói với em:

- Khuya này, tới gà gáy mày nhóm lửa. Đợi con dâu mới bưng nồi ra sàn nước vo gạo, tao “ẵm” cái nội gạo về cho mày nấu. Nồi cơm chín rồi, nhà bên đó mới tá hỏa lên cho coi.

Nói rồi, chờ cho nhà bên ấy tắt đèn đi ngủ, thằng bối anh chui lỗ chó qua hàng rào xương rồng ngăn cách vườn sau của hai nhà. Nó lấy cái gáo múc nước của nhà kia, đem về máng trên cái cây cắm gần lu nước của nhà mình.

Gần sáng, nhà bên kia đã có tiếng người thức dậy nấu cơm khuya. Đúng là “động tĩnh” của nàng dâu mới, đi lấy gạo đổ vào nồi rồi bưng ra sàn nước để vo.

Đặt nồi lên sàn nước, cô quơ lấy cái gáo. Không thấy cái gáo đâu. Cô nói thầm trong bụng hồi chiều còn thấy cái gáo ở đây mà bây giờ biến đi đâu. Vậy là cô quay vào nhà để lấy cái gì đó ra múc nước.

Cô quay lưng đi thì thằng bối anh chui qua hàng rào. Nó để cái gáo mà nó đã lấy cắp lại trên mé sàn nước, rồi nhẹ tay nhắc cái nồi gạo bò về giao cho thằng bối em vo nấu.

Bên kia hàng rào, cô dâu láy cái tô ra múc nước, chợt thấy cái gáo nằm chình ình. Ngẩn ngơ nhìn cái gáo, ngó lại thì nồi gạo đâu mất. Điếng hồn, nghĩ chắc rằng hồi nãy vào nhà lấy tô, mình đã bưng nồi vô theo. Cô lại tìm kỹ trên sàn nước một lần nữa rồi vô nhà coi cái nồi gạo có ở trong không. Cô kiếm từ chỗ khạp gạo đến cái sóng chén, ở đây cũng không thấy nồi. Cô bần thần, nhớ lại hồi nãy cái gáo nằm sờ sờ mà mình còn không thấy… Chắc cái đêm tân hôn “mắc dịch” này đã làm cho mình mệt quên hết rồi sao!

Khổ cho phận làm dâu mới. Cô trở ra sân nước ngó lại một lần nữa rồi rón rén lên phòng, thò tay vào mùng lắc cẳng chồng và nói nhỏ:

- Anh, anh xuống bếp nghe em nói cái này.

Anh chồng bứ xứ đứng nghe chuyện bưng nồi gạo rồi không thấy gáo, rồi thấy gáo lại mất nồi.

Anh chồng nói, nhà này xưa nay đâu có ma, rồi cầm đèn cùng vợ ra sàn nước.

Hai vợ chồng mới lục đục trong đêm, không khỏi đánh thức bà mẹ. Bà cùng đi ra sàn nước để hỏi coi chuyện gì. Cô dâu ú ớ kể lại.

Nghe vừa hết chuyện, bà liền ngóng qua hàng rào và dóng tiếng:

- Thằng Hai có ở nhà không?

- Dạ có, chi vậy thím.

- Thằng chết bầm. Em nó mới về nhà chồng. Đừng có giỡn nhây. Đem trả cái nồi gạo lại không?

- Dạ cháu nấu giùm cho cô dâu mới về xóm bối.


(1) Trong Gia Định thành thông chí, tập thượng, quyển I và II, Trịnh Hoài Đức viết: “… Dọc theo sông phố xá trù mật, có ghe nhỏ bán củi, dầu rái, bao lác (bao hàng). Qua mười hai dặm rưỡi đến quán Ba Cây Da (tục danh là quán Ba Cụm) có cổ miếu gọi là miến Ba Cây Da. Nước sông có chất phèn và mặn…”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #85 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:12:32 am »

Chuyện thứ hai:

Ở chợ Đệm - trên ba Cụm một đồi - có Sáu Bang, một tay bối “lành nghề”.

Tay bối này được một điều là “không ăn quẩn cối xay”, mà đã đi xa và làm được một mẻ khá to, của một bà nhà giàu ở một mình với một cô hầu.

Nhà này là nhà tường tô, nền đúc, trộm không đào ngạch chui vào được.

Sáu Bang xem xét chẩn thuận, thừa lúc trời chạng vạng, bà già xuống nhà bếp ăn cơm, cửa nhà trên chỉ khép hờ, liền lẻn vào nằm dưới sàn bộ ván gỗ ngồi ăn trầu, tiếp khách của bà già.

Bà già ăn cơm xong thì cũng tối hẳn. Đứa tớ gái dọn dẹp bếp núc, đóng cửa sau, cửa trước, gài song hồng. Rồi cô ta đốt cái đèn trứng vịt để lên ván cho bà chủ ngồi ăn trầu, cô xuống bếp nghỉ. Bà già ngồi lại, cầm dao róc cau. Rủi cho Sáu Bang, bà già trật tay làm trái cau rớt xuống đất. Bà để dao xuống bưng đèn thòng chân xuống đất định xỏ chân vào chiếc giầy cườm và rọi đèn lượm trái cau.

Nằm dưới sàn, Sáu Bang thấy cử động của bà già, liền với tay cầm lấy trái cau, đặt trong chiếc giày của bà.

Tội nghiệp chân vừa xỏ và giày thì đụng trái cau, bà già khen trái cau khéo rơi. Bà để đèn lại chỗ cũ, chỉ có việc với tay lượm trái cau. Bà tiếp tục bửa cau ăn trầu, ngậm miếng trầu nhai giập giập, bưng đèn vào nhà trong đi ngủ.

Vậy là sáng ra, thiếu điều bà giẫy tê tê. Hô hoán lên bị ăn trộm. hàng xóm đến xem và chia buồn cùng lời khuyên muộn:

- Ban đêm trước khi đi ngủ phải rọi đèn soi khắp xó nhà.

Chuyện thứ ba:

Trên một chiếc xuồng “bán vàm”, bơi lái là một người đàn ông sồn sồn, mũi xuồng là một người còn trẻ vừa bơi vừa lo việc buôn bán.

Xuồng bơi ngang qua một chiếc ghe chở khô, đậu tách ra khỏi đoàn, đang chờ cơn nước. Chủ ghe này từ một người bà con ở Bà Điểm một con gà nòi đang để đàng mũi ghe, úp trong một cái bội nhỏ.

Thằng cha bơi lái - một tay chơi đá gà - thấy con gà là khoái ngay; gà đuôi lao, đóng vẩy phủ địa, cựa nghiêng đai dài hai phân hơn… chắc là rặt gà nòi Cao Lãnh, gà Bà Điểm là sao đá nổi.

Bị con gà ám ảnh, một lát sau, lúc trời chạng vạng, nó quành trở lại, thấy chủ ghe đương ngồi so dây đờn cò trên mui, con gà chiến vẫn còn chụp trong bụi ở trrước mũi ghe. Nó quây quả ơi về nhà cách đó không xa lắm, lên nhà xách cây đờn nhị xuống, thằng em thấy vậy hỏi:

- Anh làm gì vậy?

- Tao bắt con gà nòi.

Nói xong, nó kề tai nói nhỏ mấy câu.

Xuống xuồng, chỗ ai nấy ngồi, bơi trở lại chếc ghe.

Trăng mùng mười lên cao, mặt sông sáng mờ mờ, nước chảy đã yếu. Từ xa tiếng cò đơn kéo bản Nam Ai vẳng lên nghe ai hoán não nùng như thúc giục thằng lớn bơi mạnh tay hơn. Có mấy ghe bên mua chào gà, nhưng nó nói hết, rồi bơi luôn sợ nước ròng chiếc ghe nọ sẽ nhổ sào.

Dứt bản Nam Ai, đờn cò kéo luôn bản Bình Bán, thằng lớn hát nương theo khi xuồng gần tới ghe chở khô. Nghe giọng hát chắc lọi, chủ ghe dóng tiéng:

- Giọng hát nhe mùi đa, có rảnh ghé làm vài bản chơi.

Thằng anh chỉ chờ có vậy, nó cho xuồng sát ghe, thấy chủ ghe ngồi ngó về phía con gà, bên cạnh có đĩa khô nướng, một cái ly và rượu trong chai bắp chuối ba xị đã lưng, nó nói với thằng em:

- Mày làm cho tao dĩa gỏi gà, để tao lai rai với ông anh.

Chờ thằng em làm xong dĩa gỏi bưng để lên mui, nó nói tiếp:

- Mầy bơi bán quanh đâu đây, lát nữa lại rước tao, tao ở đây hòa với ông anh vài bản, lâu ngày mới gặp được người “tri kỷ”.

Nói xong, nó xách đờn leo lên mui, ngồi án ngang mặt chủ nghe. Mở đầu hai người làm sương sương mỗi người mấy ly, gọi là ra mắt buổi sơ giao rồi mới tiếp tục bản Bình Bán bỏ dở hồi nãy. Tiếng đờn cò, đờn nhị quyện vào nhau réo rắt làm chủ nghe hứng khởi thêm.

Thằng em nãy giờ lục đục với nồi cháo gà, mấy cọn rau, mấy cọng hành, bây giờ mới chịu xô xuồng tách ra.

Nó bơi vòng trước mũi ghe một khoảng xa, rồi nhẹ nhàng áp vào hông ghe phía bên kia, đưa ta đỡ cái bội bắt con gà. Con gà nghe mùi hành xông lên từ tay thằng bói tưởng là rắn hổ bành nên làm thinh để cho bắt. Thằng em bỏ con gà vào bao cột lại rồi bơi đi.

Một lát nó bơi trở lại, thằng anh từ giã chủ ghe, chủ ghe có ý muốn cầm lại, nhưng thằng anh nói nồi cháo còn nhiều phải bán cho hết trước nước ròng.

Thằng anh leo xuống xuồng, thấy coi bao hàng có con gì rục rịch ở trong. Nó nhìn thằng em mỉm cười, rồi cầm dầm bơi thẳng.

Dù còn lại một mình, nhưng chủ ghe đang say “tình tri kỷ”, ngồi nán lại độc diễn thêm mấy bản nữa. Chợt nhìn xuống thấy nước đã đứng, nên bỏ đờn, leo xuống định nhổ sao, kêu mấy đứa nhỏ dậy chèo đi chợ đệm. Nhưng vừa bước xuống dòm thấy cái bội trống trơn, chủ nghe chỉ còn có nước kêu trời:

- Thiệt đúng là “bối Ba Cụm”!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #86 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:14:02 am »

NHẠC PHI ĐÂM TẦN CỐI

Sử sách Trung Quốc đều ghi chuyện tên gian thần Tần Cối hãm hại Nhạc Phi chứ không có chuyện Nhạc Phi “đâm Tần Cối”(1) Ấy thế mà trên sân khâu hát bồi ở một vùng quê Nam Bộ đã có lần sự việc đó diễn ra.

Truyện kể rằng, thuở nọ, có một bà lão bị đau nặng. Con cháu lo hạy thuốc thang mãi không khỏi bệnh. Sau cùng vị lương y nổi tiếng hỏi riêng người nhà: Trước khi bệnh, bà lão có chứng kiến một cảnh thương tâm nào không? Người nhà suy nghĩ mãi, mới tìm ra một việc. Một hôm, trước khi bị bệnh, bà cụ có xem hát bội ở làng diễn tuồng “Phong ba đình” trong đó kể chuyện tướng nhà Tống là Nhạc Phi vì tận trung với nước mà đành chịu để gian thần Tần Cối hãm hại đến chết, tuy ông có thừa tài sức để tiêu diệt hắn. Thế là sau đêm hát bà lão ngã bệnh. Ông xác định bịnh của bà lã là tâm bệnh và phải chữa bằng phương pháp tâm lý.

Ông biểu người nhà rước một gánh hát bội diễn lại vở “Phong bà đình”, nhưng phải thương lượng với ông bàu cho kết thúc vở tuồng bằng một lớp Nhạc Phi đâm chết Tần Cối và cố đưa bà lão ra xem. Quả nhiên, xem xong vở tuồng bà lão vui vẻ, tươi tỉnh trở lại và tự nhiên khỏi bịnh(2).


(1) Nhạc Phi tự Bằng Cử, hiệu Vũ Mục, tướng tài đời Nam Tống, yêu nước kiên trì đánh Kim để lấy lại vùng đất bị Kim chiếm. Sau bị gian thần Tần Cối ngăn trở hãm hại.
(2) Theo tìm hiểu nghệ thuật tuồng. Văn hóa nghệ thuật xuất bản H.1962.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #87 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:15:41 am »

CHUYỆN ÔNG Ó(1)

* ÔNG Ó MƯỢN TRÂU

Một hôm, ông Ó đến làng kia, thấy một anh nhà giàu đang làm đất để cấy. Ông Ó mới hỏi:

- Cha Cha! Hôm nay mà cấy chưa rồi à?

Anh nhà giàu trả lời:

- Năm nay làm nhiều ruộng, thuê người làm được có ít, trâu thì bịnh nên thiếu trâu cày. Còn vài chục công nữa mà không có trâu, phải làm tay như vậy thiệt khổ quá. Mà thuê người thì sợ tốn nhiều tiền.

Ông Ó vừa cười vừa nói:

- Nhà tôi ở gần mé rừng, nên có anh em gởi trâu để cho chúng ăn cỏ rừng. Đồng bên tôi thì cấy xong cả rồi, anh có chỗ nhốt thì tôi cho mượn vài con để làm ít bữa.

Anh nhà giàu tham lợi tưởng thiệt, ra mặt đon đả mời bằng được ông Ó vào nhà trầu nước tử tế, xong cho đầy tớ theo ông Ó đi bắt trâu về.

Nguyên năm nào cấy xong, mấy chủ trâu cũng thường làm chuồng gởi trâu tại mé rừng đó. Về tới nhà, ông Ó liền ra nói với mấy đứa trẻ chăn trâu, cho mượn bốn con trâu tơ không xỏ mũi, lấy dây chuối cột cổ, giao cho mấy tên đầy tớ nhà giàu kia, dứt đem về. Cái nghề trâu tơ khi đi xa, hễ nghe tiếng nghé ngọ thì giựt dây chạy trở lại. Mấy tên đầy tớ đành tay không ra về, thưa với chủ là trâu giật đứt dây chạy mất rồi. Anh nhà giầu đành chịu. Vài ngày sau, lại gặp ông Ó giữa đường cái, hắn trách ông Ó sao lại nói gạt hắn. Ông Ó liền cười trả lời:

- Vậy, không biết tiếng ông Ó ở xóm Dưa sao?

THAM THÌ THÂM

Có một bữa kia, ông Ó đi chợ mau đồ ăn. Ông đến thớt thịt định mua một ít, nhưng thằng cha bán thịt thấy ông ăn mặc lôi thôi thì có vẻ khinh, nói giá thiệt mắc (đắt) để ông mua không được, bỏ cho đi khuất mắt… Ông Ó biết vậy, giận lắm, liền nghĩ ra một mẹo làm cho cha này biết tay. Thường đi chợ về phải đi ghe, mà lúc đó ở dưới bến không có chiếc ghe nào. Ông ó thủng thỉnh quày trở lại thớ thịt lúc nãy, nói với ông lái thịt:

- Ông bán thịt coi có mòi đắt lắm, sao không thấy xuống xóm tôi mua heo.

Anh lái thịt lộ vẻ mừng rỡ:

- Dưới ông có nhiều heo lắm hả?

Ông Ó trả lời:

- Nhà tôi có một bầy heo mười mấy con, ai mua một lúc cả bầy tôi mới bán. Một hai lần có ghe lại mua, nhưng họ trả rẻ lắm không bán.

Anh lái thịt mừng quýnh vì thấy có một món lời ngon lành. Anh ta bèn nải nỉ mời bằng được ông Ó về nhà đãi cơm nước tử tế. Xong, cho ghe đưa ông Ó về nhà mua heo luôn thể. Ghe cặp bến thì vừa lúc gặp bà Ó đi xuống bénh gánh nước. Ông Ó vội nói thiệt lớn:

- Có ông này muốn mua bầy heo của nhà mình đây!

Bà vợ biết ý chồng, bèn xuýt xoa ra vẻ tiếc rẻ:

- Thiệt tiếc quá! Khi ông vừa đi khỏi thì có ghe lại mua, bắt đi rồi! Tội đi gánh nước về rửa ráy chuồng trại đây!

Anh lái heo nghe nói chưng hửng, đành cho ghe về không, nghĩ bụng không biết có phải mình bị gạt không?


(1) Những câu chuyện mang tính chất tiếu lâm hay châm biếm ở Nam Bộ thường gội là “Truyện ông Ó”. Nguyên ngày xưa ở xóm Dưa (bấy giờ thuộc làng Hộ Phước, tổng Minh Đạt, tỉnh Bến Tre) có một vùng trước gọi là rừng vông, sau nhân dân khai phá, trông nhiều thứ như bầu bí, dưa cải, khổ qua… Tới nay thành danh là xóm dưa. Có hai vợ chồng già đến làm ăn ở đó. Người chồng ngoài nghề ruộng còn có thêm một nghề phụ là gài bẫy bàn để bắt ó biển đem ra chợ bán, nên nhiều người biết tiếng. Đặc biệt những câu chuyện ông kể được mọi người truyền tụng và gọi chung là “Truyện ông Ó”.
Những truyện ông Ó đã được Bùi Quang Nho tập hợp và xuất bản vào năm 1900
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #88 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:17:46 am »

NÓI CÓ SÁCH

Thủa ấy, có quan huyện, tính ham chuyện lạ, nghe người ta nói ông Ó nói láo hay, nên cho đòi đến để coi tài nói láo của ông Ó tới đâu. Gặp quan, ông Ó bình thản trả lời:

- Bẩm ông, tôi nói láo có sách cứ không phải đặt điều mà nói ra được. Ông muốn tin thì cho phép tôi về nhà lấy sách đem lại nói cho ông nghe.

Quan huyện tưởng thiệt nên cho ông về nhà lấy sách.

Một hồi khá lâu, không thấy ông quay lại, quan bèn cho người đi đòi ông tới định quở, ông Ó ung dung trả lời:

- Dạ, bẩm ông, nói láo là như vậy đó! Xin ông xét lại coi có đúng không?

Quan huyện biết mình mắc mợp(1) đành làm thinh cho ông Ó ra về.

ÔNG Ó Ở HUẾ

Có nhiều quan lớn ở Huế về trấn nhậm tại Lục tỉnh Nam Kỳ nghe tài ông Ó đối đáp lanh lợi, khi về kinh hay đem chuyện ông Ó ra nói là người nói láo hay nhứt ở Lục tỉnh Nam Kỳ. Có một đông cung (con vua) tính ham vui, nghe nói như vậy trong lòng ao ước được nghe ông Ó nói láo chơi. Muốn làm vừa lòng đông cung, nên có nhiều quan khi đi trấn nhậm Nam Kỳ, đòi đưa ông Ó ra, thuận lúc có ghe bầu chở lương thực về kinh, họ gởi ông Ó ra Huế.

Ngày kia, có người dắt ông Ó tới ra mắt đông cung, nhằm lúc đông cung đang cỡi voi đi săn với các quan. Ngài gặp ông Ó ngoài đường, thì rất mừng, hỏi liền:

- Bấy lâu nay ta nghe ngươi nói láo hay, vậy hãy nói cho ta nghe thử!

Đông cung vừa dứt lời, ông Ó liền thưa:

- Bẩm đức ông, nếu như đức ông muốn nói cái chi thì xin mớm(2) trước, tôi mới nói được.

- Thôi, tùy ý nhà ngươi, muốn nói cái chi làm cho ta mắc nợp thì nói.

Ông Ó nghĩ thầm: Sao lại có người nhàn hạ rong chơi suốt ngày, và thích nghe những chuyện tán dóc như vầy được! Đã vậy, ta gạt cho mà coi.

Ông Ó bèn thưa, tôi nói gạt như thế nào đức ông cũng mắc nợp, nhưng đức ông đương ở lưng chừng, “thượng bất chí, hạ bất đáo” (đầu không tới trời, chân không đạp đất), thì không thể gạt được.

Đông cung muốn thấy tài nói láo của ông Ó ra sao, lật đật leo xuống đứng dưới đất ngang với ông Ó, rồi nói:

- Rồi, bây giờ ngươi hãy nói đi!

Ông Ó lễ phép thưa, tôi đã nói rồi!

Đông cung nghe nói đành chịu, không bắt lỗi ông Ó vô lễ với mình được, nhưng trong bụng ngài nghĩ sẽ tìm cách trị tôi.


(1) Mắc mợp cũng có ý như “mắc lớm”.
(2) Gợi ý.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #89 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:18:29 am »

NÓI GẠT QUAN LỚN

Một hôm, đông cung đãi yễn các quan đòi ông Ó tới nói láo cho các quan nghe. Lúc đó, ai cũng muốn biểu ông nói liền nghe chơi. Nhưng ông Ó làm thinh một hồi lâu, không nói gì hết. Các quan hỏi vì cớ làm sao mà ông không chịu nói, lại coi bộ buồn rầu quá vậy? Ông Ó mới thưa:

- Thưa các quan, khi tôi nghe đông cung đòi, thì thôi lật đật chạy tới, không rõ đạp con gì, nó cắn tôi một cái bây giờ chỗ ấy nhức nhối hết sức, tôi trong người đê mê không thể nói được.

Các quan tưởng thiệt, xúm lại hỏi cắn chỗ nào. Người thì biểu lính đi gọi thầy thuốc, người thì biểu đi lấy thuốc, tỏ vẻ ân cần với ông Ó, để ông giúp vui cho. Các ông lớn sung sướng quá thì dễ sanh buồn, vì chẳng có việc gì làm… Một hồi lâu, thầy thuốc tới. Khi đó ông Ó mới nói với các quan:

- Ấy là tôi nói láo cho các quan nghe chơi, chớ không có chi hết, vì các quan mguốn nghe tôi nói láo để mua vui mà lại!

MƯU CẦU PHÚC LỢI

Mấy hôm ở lại kinh đô Huế, ông Ó đi dạo khắp. Mấy cuậ lính hầu các quan thấy ông thì hỏi:

- Ông ở Đồng Nai ra đây có việc chi, hay là đi nói pha trò cho các quan nghe.

Ông Ó trả lời

- Tôi là thầy địa lý có danh trong Đồng Nai, các quan lớn ngoài này, người nào ở trấn Đồng Nai đều biết tôi. Đức ông nghe danh nên đòi tôi ra đây đặng chỉ một vài cái bí nhiệm cho ngài học. Ngài ham học địa lý lắm, chẳng biết để làm gì, vì huyệt của nhà ngài đã phát to nhứt rồi còn gì!

Mấy thầy đội, thầy cai nghe nói như vậy, bèn rước ông về nhà. Với ai, ông cũng hẹn sẽ tới. Cho đến ngày ông ra về, họ theo đón đường xin coi giùm huyệt rất đông, kẻ thì coi cho ông bà, người thì coi cho cha mẹ. Lúc đó, ông Ó mới nói:

Đức ông, ngài rước tôi ra đây đặng nói láo cho ngài nghe để mua vui, chớ có phải địa lý địa liếc gì đâu. Nếu không thì việc gì tôi phải đi nói láo cho đông cung và các cậu nghe làm gì!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM