Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:32:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đòn Rồng  (Đọc 174555 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #110 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:24:41 pm »

Biển Nam Trung hoa
Giờ địa phương: 20h00’ thứ Tư 21/02/2005
Giờ GMT: 12h00’ thứ Tư 21/02/2005


 
Chiếc máy bay quân sự đầu tiên của Nhật bay vượt qua vĩ tuyến 25 cắt ngang mỏm phía Bắc của Đài Loan là một chiếc máy bay trinh sát có hệ thống báo động sớm AWACS thuộc loại Boeing 767-200 kiểu mới, bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2003

     Chiếc máy bay quân sự đầu tiên của Nhật bay vượt qua vĩ tuyến 25 cắt ngang mỏm phía Bắc của Đài Loan là một chiếc máy bay trinh sát có hệ thống báo động sớm AWACS thuộc loại Boeing 767-200 kiểu mới, bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2003. Đây là loại máy bay rất dễ bị tấn công nên thường được bảo vệ cẩn thận ở mức cao nhất nhằm giúp nó có thể tránh được khả năng tấn công của máy bay đối phương. Phía dưới cách đó 8 km, hải quân Nhật bản đang đặt dấu ấn của họ lên cán cân quyền lực mới ở Thái Bình Dương.
 

Khu trục hạm lớp Asagiri của Nhật

     Các tàu khu trục lớp Kongou mang tên Myoko và Kirishima, các tàu khu trục lớp Asagiri mang tên Umigiri và Sawagiri tiến qua eo biển Luzon vào Biển Nam Trung hoa để giao chiến với Trung quốc.

     Tàu Yokohama chở tăng và quân đổ bộ, với 550 lính thủy đánh bộ trên boong, đã được triển khai để thay thế tàu USS Peleliu, nhưng lần này làm hai nhiệm vụ cùng một lúc là cứu các con tin là thường dân, đồng thời tìm cách giành lại quyền kiểm soát bãi đá ngầm Discovery và dàn khoan của BP-Nippon Oil ở đó. 3 tàu ngầm SSK lớp Harushio là Fuyushio, Wakashio và Arashio, đi tuần tra ở phía trước. Các tàu SSK lớp Yuushio mang tên Yukishio và Akishio đi ở phía sau. Các tổ lái từ hai máy bay lên thẳng Sea King và Sea Stallion đã thả các thiết bị thu tiếng động để phát hiện tàu ngầm của kẻ thù.




 Những chiếc máy bay chiến đấu F-14 Tomcat mang tên lửa không đối không và máy bay cường kích F/A-18 Hornet mang bom điều khiển bằng lade cùng tên lửa chống rađa cất cánh từ tàu USS Harry S. Truman đã thâm nhập sâu vào vùng không phận mà Trung quốc đã tuyên bố thuộc chủ quyền của họ



     Cách 100 km phía trước lực lượng đặc nhiệm của Nhật là tàu sân bay USS Harry S. Truman. Những chiếc máy bay chiến đấu F-14 Tomcat mang tên lửa không đối không và máy bay cường kích F/A-18 Hornet mang bom điều khiển bằng lade cùng tên lửa chống rađa cất cánh từ tàu USS Harry S. Truman đã thâm nhập sâu vào vùng không phận mà Trung quốc đã tuyên bố thuộc chủ quyền của họ. Mục tiêu của các biên đội này là những căn cứ quân sự của Trung quốc trên đảo Woddy thuộc quần đảo Hoàng Sa. Với những chiếc Tomcat yểm trợ trên không, những chiếc Hornet bay vào tấn công căn cứ đó.

     7 chiếc Su-27 cất cánh khẩn cấp từ căn cứ trên đảo Hải Nam để nghênh chiến, chỉ trong vòng vài phút, phi đội Su-27 đã tiếp cận được đối phương và giao chiến với những chiếc Tomcat, đây là trận thử sức đầu tiên từ trước đến nay giữa hai loại máy bay này. Máy bay Su-27 được các kỹ sư hàng không vũ trụ Xô Viết thiết kế nhằm mục tiêu đánh bại các loại máy bay F-14, F-15, F-16 và F-18 của Mỹ. Chúng được phát triển dựa theo thiết kế của Mỹ nhưng có được một lợi thế cơ bản là đối thủ cạnh tranh của chúng đã được chế tạo và đã đi vào hoạt động trước đó, nên thiết kế Su-27 đã khắc chế được nhiều nhược điểm trên dòng Tomcat của Mỹ. Máy bay Su-27 của Nga là một trong những máy bay đầu tiên được lắp các tên lửa không đối không gắn thiết bị chủ động tìm kiếm mục tiêu, cho phép phi công “bắn và quên luôn”, tức là phi công có thể không cần tiếp tục theo dõi mục tiêu ngay sau khi đã phóng tên lửa đi. Mỗi máy bay Su-27 mang được 10 tên lửa, 6 quả gắn trên hai cánh, 2 quả ở phía dưới ống chứa động cơ, và 2 quả gắn dưới thân. Để tấn công mặt đất, nó còn được trang bị loại rôckét 130 ly bắn thành từng chùm 5 quả một, ngoài ra, chúng cũng có thể mang theo loại tên lửa Moskit chống tàu rất đáng gờm. Vài ngày trước đó, khi thực hiện nhiệm vụ không chiến chống lại các lực lượng Việt Nam,  lợi thế về công nghệ của các máy bay Su-27 chỉ có tính chất thứ yếu. Nhưng lúc này, khi những chiếc Tomcat có vai trò phòng thủ trên không để bảo vệ tàu sân bay Mỹ ở phía dưới, thì sự thật nghiệt ngã cuối cùng đã đến với Lầu Năm Góc và Nhà Trắng: Công nghệ quân sự thời kỳ Chiến tranh Lạnh của Liên Xô sau khi được chuyển giao cho một cường quốc Cộng sản khác tồn tại lâu hơn đã khiến cho người Mỹ phải gánh chịu các hậu quả.

     Cuộc chiến bắt đầu khi những chiếc máy bay của hai bên vẫn còn cách nhau rất xa. Thiết bị cảnh giới trên một chiếc Tomcat đã phát tín hiệu cảnh báo cho phi công, anh này xác định đó là tín hiệu của rađa dẫn đường đang chỉ dẫn cho một quả tên lửa vừa mới khai hỏa ở cự ly cách xa hơn 110 km. Các nguyên tắc giao chiến của Mỹ lúc đó cho phép các máy bay Tomcat khai hỏa. Hai chiếc Tomcat mang theo 8 tên lửa không đối không tầm xa có điều khiển loại Phoenix, các tên lửa này được dẫn đường nhằm đến những mục tiêu khác nhau nhờ hệ thống rađa vừa dò tìm vừa theo dõi mục tiêu loại AWG-9. Mặc dù đây là thiết bị ra đa loại cũ có từ những năm 1970,  những nó đã được cải tiến liên tục và cho đến nay vẫn còn là một thứ vũ khí đáng gờm. Không trung ngay lập tức dày đặc một màn tên lửa, 14 quả tên lửa Phoenix đã được phóng về phía mục tiêu, một quả không phát hỏa được nên còn nằm nguyên trên bệ phóng, một quả khác bị mất điều khiển sau khi phóng ra đã lao thẳng xuống biển. Chiếc máy bay có quả tên lửa không nổ đã vứt bỏ quả tên lửa hiện đã thành vô dụng này. Mặc dù các phi công Tomcat đã làm đúng những gì cần thiết khi lâm trận, nhưng điều mà người Mỹ không biết trước khi cuộc chiến tranh bắt đầu là đối phương đã triển khai hệ thống gây nhiễu đánh lừa thiết bị dò tìm mục tiêu gắn ở đầu tên lửa Phoenix, các thiết bị này có chức năng điều khiển tên lửa tìm được chính xác mục tiêu. Chỉ có 2 trong 7 chiếc Su-27 chịu thua trước các tên lửa Phoenix, 5 chiếc còn lại tiếp tục tiến lại gần phi đội Tomcat để tham gia cuộc không chiến tầm gần( ) với hỏa lực là súng và các tên lửa hồng ngoại, được dẫn tới mục tiêu bằng công nghệ bám theo hơi nóng mà các động cơ máy bay tỏa ra. Khả năng vận động khéo léo và sự luyện tập là chìa khóa chiến thắng đối với những cuộc không chiến loại này, và mặc dù các máy bay Su-27 có khả năng vận động dễ dàng hơn so với những chiếc Tomcat, nhưng các phi công Trung quốc không được huấn luyện tốt như những phi công Mỹ với các hệ thống huấn luyện Red Flag và Top Gun của họ.

     Các phi công Mỹ tránh sang một bên và bắt đầu tấn công kẻ thù bằng hàng loạt động tác bay cao cấp mà họ vẫn gọi theo biệt ngữ là các kỹ thuật bay kiểu yô-yô, những cú ngoặt gia tốc tối đa, những động tác bay vừa tấn công vừa xoay đảo liên tục theo trục dọc, bay xoắn cắt kéo, bay zic-zắc và bổ nhào. Một phi công Tomcat hy sinh, không phải do trúng tên lửa không đối không, mà do trúng đạn canon của đối phương khi anh ta sơ ý không kịp phát hiện ta một chiếc Su-27 nên đã lái vòng chiếc máy bay của mình ngay trước mũi một chiếc Su-27 đó. Một phi công phụ trên chiếc Tomcat khác chợt thấy tín hiệu báo có tên lửa đang bám theo máy bay của anh ta ở phía đuôi. Anh ta đoán ngay rằng quả tên lửa bám theo góc như vậy sẽ chắc chắn là một quả tên lửa hồng ngoại và kịp thời báo cho phi công chính. Viên phi công này lập tức cho máy bay của mình chuyển hướng đột ngột về phía mặt trời, gần như đồng thời, anh chàng phi công phụ trên chiếc Tomcat này nhấn nút bắn ra vô số quả pháo sáng tạo thành những nguồn nhiệt mạnh nhằm nhử quả tên lửa. Việc này đã có tác dụng. Trong khi làm cho kẻ tấn công mình bị ngược nắng, người phi công chính lái chiếc Tomcat đã thực hiện một cú lật để đổi ngược hướng bay, trong tích tắc, chiếc Tomcat đã đoạt được thế chủ động, đưa được chiếc Su-27 đối phương vào tầm ngắm bắn của tên lửa AIM-7 Sparrow điều khiển bằng rađa trước khi đối thủ của anh ta nhận ra được tình thế này. Mặc dù trong cự ly chiến đấu gần như vậy, tầm hoạt động của tên lửa AIM-7 Sparrow chỉ có hiệu quả ở mức thấp nhất nhưng thế chủ động đã không còn ở về phía chiếc Su-27 nữa. Viên phi công Su-27 nhận thấy trên màn hình rađa của mình một tín hiệu cho biết chiếc Tomcat đằng sau đã bắt được mục tiêu và đưa được chiếc Su-27 vào cự ly khai hỏa, anh ta bèn thả ra các đám mây kim loại gây nhiễu. Chiếc Su-27 đã đánh lừa được quả tên lửa Sparrow đầu nhưng không làm được như thế đối với quả thứ hai được phóng ra liền sau đó, nó trúng đạn và đâm sầm xuống biển. Một Su-27 khác đã sử dụng buồng đốt tăng tốc phía sau của nó quá nhiều nên động cơ bị kẹt khi tiếp tục định tìm cách tăng tốc, nhiên liệu cạn dần khiến cho một động cơ ngừng hoạt động. Nó không còn khả năng chiến đấu và ngay lập tức bị một chiếc Tomcat tiêu diệt, viên phi công bật dù ngay sau khi anh ta nhận thấy mình đang bị tấn công.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #111 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:26:47 pm »

     Trong khi cuộc chiến giữa những chiếc Tomcat và Su-27 đang diễn ra dữ dội trên không thì những chiếc Hornet vẫn tiếp tục sứ mệnh tấn công mục tiêu mặt đất của chúng ở quần đảo Hoàng Sa. Khả năng phòng thủ không đối không của những chiếc Hornet này bị hạn chế vì người ta đã tháo các tên lửa chống máy bay AIM-7 Sparrow và AIM-9 Sidewinder của chúng gắn thêm bom chùm và bom thông thường điều khiển bằng lade cùng với một số tên lửa chống rađa loại HARM và AGM-65F Maverick. Chỉ huy của phi đội Hornet này lái một chiếc có hai chỗ ngồi – viên phi công phụ ngồi phía sau phụ trách hệ thống vũ khí và có thể tập trung kỹ thuật chiến tranh điện tử. Đầu tiên, các thiết bị gây nhiễu gắn trên những chiếc Hornet phát đi một loạt sóng cực ngắn cường độ cao phủ kín không trung với năng lượng rađa trong một giải tần số rộng. Cách gây nhiễu như thế được gọi là gây nhiễu tiếng ồn hay còn gọi là gây nhiêu âm( ). Tiếp đó các thiết bị gây nhiễu dùng những phương pháp tinh vi hơn liên quan đến các xung điện từ giả được làm đồng bộ hóa một cách khéo léo kết hợp với những thay đổi xung điện dựa trên hiệu ứng Doppler nhằm tạo ra những mục tiêu giả khiến cho rađa của kẻ thù bị lẫn lộn. Đôi khi màn hình rađa của đối phương gần như bị mờ hẳn do các tín hiệu  gây nhiễu ồ ạt tạo ra một loạt các tia như chùm pháo hoa tỏa ra từ tâm màn hình rađa làm cho các nhân viên điều khiển rađa hoàn toàn lẫn lộn.

     Phía Trung quốc phóng lên ít nhất 4 tên lửa đất đối không, nhưng chúng đã bị làm chệch hướng một cách dễ dàng bởi những biện pháp đối phó hữu hiệu của không quân Mỹ, chỉ vài giây sau đó, các trạm rađa và hệ thống phòng không đã bị phá hủy. Các tên lửa HARM tự tìm mục tiêu đã nhận dạng được hai trận địa phòng không có rađa hướng dẫn và lập tức phá hủy chúng. Các trạm rađa khác hiểu ngay ra rằng mình đang bị tên lửa chống ra đa săn đuổi nên lập tức ngừng hoạt động. Một trận địa tên lửa SAM thứ ba đã bị phát hiện khi nó bắn một quả tên lửa SAM mà chưa kịp khóa rađa lại. Chiếc máy bay của viên phi công đã phát hiện ra trận địa SAM được trang bị những quả bom lớn điều khiển bằng lade. Anh ta cắt một quả bom,  không giống như với việc đánh mục tiêu bằng tên lửa HARM, viên phi công này phải tiếp tục bám mục tiêu bằng lade cho đến khi quả bom rơi trúng đích. Mặc dù thiết bị bám sát mục tiêu bằng lade hoạt động rất ổn định và không cần phải định hướng bằng tay, nó vẫn hạn chế sự vận động của anh ta. Viên phi công đã không phát hiện ra quả tên lửa do một chiếc Su-27 bắn từ trên cao. Khi thiết bị báo động tên lửa của anh ta phát tín hiệu thì đã quá muộn. Tuy nhiên, phát tên lửa đã không nổ, nó chỉ bay sạt qua rất gần buồng lái của chiếc Hornet mà không gây thiệt hại gì. Viên phi công lái chiếc Hornet vừa mới kịp nghĩ là mình đã thoát thì quả tên lửa thứ hai phát nổ, chiếc Su-27 đã bắn một loạt hai quả tên lửa – quả thứ nhất trượt mục tiêu nhưng quả thứ hai đã nổ trúng đích và chiếc máy bay Hornet bị tiêu diệt ngay lập tức. Quả bom, do không được điều khiển nên không thể tìm tới được mục tiêu ở mặt đất, nó thậm chí còn không nổ được do không tín hiệu điều khiển tác động lên chốt hãm lade, đây là một thiết bị điều khiển kíp nổ được gắn vào quả bom nhằm tránh gây thiệt hại cho thường dân trong các cuộc chiến tranh.
 
 
Cuộc tấn công mặt đất vẫn tiếp tục

     Cuộc tấn công mặt đất vẫn tiếp tục. Sau khi các hệ thống phòng thủ đã bị vô hiệu hóa, phi đội Hornet liền chuyển sang sử dụng các quả chùm có diện tàn phá rộng để rải xuống đường băng và các khu vực chứa máy bay. Tất cả các máy bay đậu trên mặt đất đều trở thành mục tiêu ngon lành cho cuộc không kích, chúng hoặc là bị phá hủy hoặc bị hỏng nặng bởi các quả bom nhỏ và các mảnh vụn văng tung tóe. Đường băng lỗ chỗ những cái hố nhỏ và các quả mìn nhỏ cũng được bắn ra từ đám bom chùm.

     Trong vòng 20 phút, toàn bộ số máy bay Su-27 tham chiến hoặc bị bắn rơi hoặc rút lui. Hai chiếc Su-27 phải hạ cánh trước khi chúng có thể tới được căn cứ chính trên đất liền. Trung quốc không có lực lượng máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Mỹ mất hai chiếc Tomcat và một chiếc Hornet đã tấn công trận địa tên lửa SAM. Một vài chiếc Tomcat phải tiếp nhiên liệu trên không trên đường về. Một chiếc Tomcat khác bị hư hại đến mức nó không thể hạ cánh xuống tàu sân bay; tổ lái bật dù nhảy ra, để mặc cho chiếc máy bay lao xuống biển gần sát mạn tàu. Họ được máy bay lên thẳng cứu hộ vớt lên bình yên vô sự. Viên chỉ huy phi đội Tomcat, người đã đích thân bắn rơi một máy bay kẻ thù và cùng tham gia bắn rơi một chiếc khác, nói với vẻ châm biếm: “Tôi cho rằng trận đánh này cho thấy vấn đề không phải ở chỗ máy bay tốt như thế nào, mà vấn đề là chỗ nếu phi công không được huấn luyện tốt và không có sự hỗ trợ thì kết quả sẽ chẳng ra sao cả!”

     Cách 1.200 km về phía Nam, nhóm tàu sân bay Nimitz tiến vào khu vực xung đột qua eo Balabac. Với đội hình hỗn tạp tương tự gồm các máy bay Tomcat và Hornet, các máy bay Mỹ đầu tiên đã đánh chìm tàu khu trục lớp Luhu mang tên Haribing, đã bị trúng ngư lôi của Việt Nam lúc bắt đầu cuộc xung đột. Sau khi phi đội đầu làm xong nhiệm vụ quay trở về tàu sân bay, một phi đội khác cất cánh để tiêu diệt các vị trí của Trung quốc trên bãi đá ngầm Mischief. Chúng không gặp phải sự kháng cự nào.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #112 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:31:41 pm »




Các máy bay chiến đấu đa chức năng Dassault Rafale của Pháp hướng tới quần đảo Trường Sa   


     Các máy bay chiến đấu đa chức năng Dassault Rafale của Pháp hướng tới quần đảo Trường Sa sau khi cất cánh từ thành phố Hồ Chí Minh, nơi chúng vừa từ châu Âu đến hạ cánh chỉ trước đó vài giờ. Tốp Rafale này bắn rơi 3 máy bay tiếp nhiên liệu trên không bay ì ạch của Trung quốc, sau đó chúng lần lượt bắn cháy bốn chiếc Su-27 đang nặng nề mang bom khi chúng đang trên đường tới chỗ hỗ trợ cho hải quân Trung quốc. Lần thứ hai trong Chiến dịch Đòn Rồng, các máy bay Việt Nam đã cất cánh từ Campuchia và Lào. Xuất phát từ Viêng Chăn, được tiếp nhiên liệu tại Vinh trên bờ biển Đông Bắc Việt Nam, chúng đánh vào căn cứ hải quân của Trung quốc trên đảo Hải Nam cách đó 800 km. Từ cố đô Luang Prabang của Lào, họ đã tấn công các đơn vị bộ binh của PLA đóng ở biên giới phía Bắc.

     Nhóm tàu sân bay HMS Ark Royal rời vùng biển Brunây đi về phía khu vực nguy hiểm nhất ở Biển Nam Trung hoa. Các tàu chiến Anh chạy theo hướng Bắc đến giữa quần đảo Trường Sa, vùng biển nơi này khá nông, người Anh đoán rằng các tàu ngầm Ming và Romeo của Trung quốc đang nằm đợi ở đây. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, nhiệm vụ chống tàu ngầm đã trở thành một công việc chuyên môn của hải quân Anh, do vậy khi họ một lần nữa tham gia lực lượng phối hợp với Mỹ ở khu vực châu Á, hải quân Anh đã đảm nhận cùng nhiệm vụ đó. Trước khi các tàu chiến của Hải quân Anh tới được khu vực này, họ đã nhận được tin tức về việc lực lượng Mỹ đã thất bại khi tấn công vào căn cứ không quân và hải quân Trung quốc đóng tại đảo Terumbi Layang-Layang. Kể từ khi chiếm được căn cứ này từ tay người Malaixia, quân Trung quốc đã triển khai ở đây những hệ thống phòng không và rađa tinh vi nhất của họ; thêm vào đó, họ bố trí hơn 20 máy bay chiến đấu Su-27 và máy bay tấn công mặt đất Fencer. Tình báo phương Tây đã không nắm được quy mô phòng thủ ở căn cứ này. Trong đợt tấn công đầu tiên, ba chiếc Tomcat và bốn chiếc Hornet đã bị bắn rơi. Người Mỹ không thể tiến hành ngay một cuộc tấn công thứ hai vì họ phải lên lại lịch biểu để thực hiện một số cam kết khác, đồng thời họ cũng cần sửa chữa lại một số máy bay bị hư hỏng trong chiến đấu. Bên cạnh đó, việc chuyển chế độ bảo dưỡng máy bay từ lịch bảo dưỡng thời bình sang lịch bảo dưỡng thời chiến vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, người Mỹ đã hoạch định xong kế hoạch tiến hành một cuộc không kích ồ ạt, tất cả chỉ chờ cho đến khi mọi việc đã  được chuẩn bị sẵn sàng. Căn cứ không quân trên đảo Terumbi Layang-Layang có một vai trò cực kỳ quan trọng đối với lực lượng Trung quốc, từ đây, không quân Trung quốc có thể cất cánh và triển khai được một sức mạnh khủng khiếp trên toàn bộ vùng Biển Nam Trung hoa, vị trí Terumbi Layang-Layang tương đương với việc Trung quốc có được một tàu sân bay cực lớn và không thể bị đánh chìm, đây chính là cứ điểm chiến lược có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho các lực lượng đồng minh.

     Trong lúc đó người Anh nhận được câu hỏi liệu lính biệt kích thuộc phi đội Tàu Đặc Biệt trên chiếc HMS Albion có thể giúp vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của Trung quốc ở đó không?
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #113 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:39:08 pm »

Biển Thái Bình dương
Giờ địa phương: 03h00’ thứ Năm 22/02/2005
Giờ GMT: 15h00’ thứ Tư 21/02/2005



Tàu Hạ chạy với tốc độ 6 hải lý sâu dưới mặt nước 20 mét


     Cách Tây Thái Bình Dương 5.000 km về phía Đông, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân 092 lớp Hạ của Trung quốc đang bị tàu USS Connecticut lớp Seawolf lần theo dấu vết. Tàu Hạ chạy với tốc độ 6 hải lý sâu dưới mặt nước 20 mét. Đã hơn một tháng nay kể từ khi tàu này rời khỏi Trung quốc. Cho đến thời điểm đó, tàu này mới chỉ nhận được ba chỉ thị của cấp trên, sau mỗi lần nhận chỉ thị, nó lại tiếp tục duy trì hành trình hướng tới bờ Đông biển Thái Bình Dương. Khi tàu USS Peleliu bị tấn công, tàu Hạ ở cách quần đảo Mariana hơn 2.000 km về phía Đông và cách quần đảo Marshall 1.000 km về phía Bắc. Mặc dù về nguyên tắc thì cả hai nhóm đảo này đều là các lãnh thổ độc lập nhưng Lầu năm góc vẫn coi chúng như là một phần lãnh thổ của Mỹ. Cảng biển gần nhất trong khu vực này được xây dựng trên đảo Wake, đây là một địa điểm rất xa xôi và hẻo lánh, tuy nhiên, người Mỹ cũng xây dựng một căn cứ không quân ở đó. Khu vực này của Thái Bình Dương là nơi vắng vẻ hiu quạnh nhất của đại dương này, nó xa xôi đến mức tiếng kêu la về thảm họa môi trường do việc làm mà chỉ huy tàu USS Connecticut sắp gây ra đã sớm chìm nghỉm.
 

Hải quả ngư lôi MK48 ADCAP được phóng ra

     Chiếc tàu của Mỹ đang ở độ sâu 360 mét và tàu Hạ vẫn chưa phát hiện ra nó. Hai quả ngư lôi Mk48 ADCAP được phóng ra. Sau giai đoạn đầu lao đi với tốc độ 55 hải lý chúng đã tăng tốc lên 70 hải lý. Mất 1 phút 18 giây thì hai quả ngư lôi chạm được vào tàu Hạ. Gần như ngay lập tức, thân tàu sụp xuống do sức nổ và khi nó chìm xuống dưới 300 mét, nó bị sức ép của nước nghiền nát, giết chết toàn bộ 104 người trong khoang.

     Tuyên bố của Lầu Năm Góc giải thích rằng lò phản ứng hạt nhân, được bịt kín trong khoang áp lực của chính nó, được chế tạo để chịu đựng được việc con tàu ngầm bị phá hủy. 12 đầu nổ hạt nhân có thể văng ra xa tới hàng nghìn mét ngoài và rơi trở lại lòng biển. Chúng đủ chắc chắn để nằm nguyên vẹn ở đáy đại dương mà không rò rỉ. Tàu ngầm Trung quốc đã ở trong tầm có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Thêm 4 ngày nữa, nó có thể bắn tên lửa hạt nhân vào mục tiêu Trân Châu cảng ở Hawaii.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Chín, 2007, 12:38:56 am gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #114 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:40:27 pm »

Trụ sở hãng Boeing, Seattle
Giờ địa phương: 07h00’ thứ Tư 21/02/2005
Giờ GMT: 15h00’ thứ Tư 21/02/2005



     Chuông điện thoại réo hai lần trước khi Reece Overhalt, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành hãng Boeing, nhấc máy. Trợ lý riêng của ông nói với ông rằng Jamie Tống đang gọi từ Bắc Kinh. Cách đây 30 năm, Tống và Overhalt đã cùng học với nhau ở Harvard, cả hai đã cùng ở tại khu Elliot House, tại đó, phòng của họ đối diện nhau qua một hành lang. Suốt buổi sáng, Overhalt đã theo dõi tình hình sụt giá cổ phiếu của Boeing. Một lệnh bán ồ ạt từ Hồng Kông đã làm các nhà đầu tư ở châu Âu hoảng hốt, và bây giờ đến lượt ở Mỹ. Overhalt đã ra lệnh điều tra ngay lập tức xem ai là người đứng sau vụ bán này, nhưng ông biết cuộc điều tra sẽ có thể kết thúc mà kết quả chỉ là một công ty chỉ định nào đó với số vốn vẻn vẹn 2 USD( ) đăng ký hoạt động ở lãnh thổ British Virgin Islands và sẽ không ai biết gì hơn. Ông đợi sau khi thư ký của Tống chuyển máy cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc.

     Với vẻ niềm nở, mặc dù bị kìm lại phần nào bởi sự thận trọng nào đó, hai người trao đổi những câu xã giao.

     - Betty thế nào? Tống nói.

     - Khỏe, khỏe… Còn Helen thì sao? Bà ấy khỏe chứ? Overhalt hỏi thăm, phân vân không biết Tống muốn gì.

     Tống nói:

     - Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề. Chúng tôi nghĩ sẽ có ích trong hoàn cảnh hiện nay nếu ngài đến thăm Bắc Kinh. Ngài là người bạn cũ của Trung quốc và chúng tôi nghĩ ngài có thể giúp chúng tôi trong những vấn đề rắc rối hiện nay của chúng tôi. Ngài có thể nói như thể tôi đang nói, công khai như thế, rằng đây là một đề nghị nghiêm túc. Chúng tôi có thể đảm bảo giữ bí mật; tôi đảm bảo với ngài chúng tôi sẽ không tìm cách tuyên truyền sự có mặt của ngài ở đây.

     Overhalt bối rối. Ở cương vị của ông trong giới công ty Mỹ, ông thường gặp các Tổng thống và các Thủ tướng, nhưng bản thân Overhalt là một người thận trọng; trước hết ông là một cán bộ cao cấp của công ty Boeing… khi Overhalt còn đang suy nghĩ thì Tống nói xen vào:

     - Reece, tôi biết ngài đang phải nghĩ gì. Không cần trả lời lúc này. Hãy suy nghĩ đi. Gọi lại cho tôi sau 3 giờ nữa được không?
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #115 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:41:20 pm »

Nhà Trắng, Washington, DC.
Giờ địa phương: 11h00’ thứ Tư 21/02/2005
Giờ GMT: 16h00’ thứ Tư 21/02/2005



     Tổng thống đang thông báo tình hình cho phái đoàn các thống đốc bang thì có điện thoại từ văn phòng của Overhalt. Tổng thống và Overhalt biết nhau từ thời họ còn là sinh viên chưa tốt nghiệp ở trường Harvard. Chính tại Harvard họ đã gặp Tống khi ông này theo học một khóa sau đại học về các đề quốc tế ở đó.

     - Tôi hiểu là người bạn cũ của chúng ta đã liên lạc - Tổng thống nói. - Tôi vừa mới xem một băng hình về cái thằng chó đẻ đó trên truyền hình. Hắn ta chẳng thay đổi chút nào. Ngọt xớt và trơn tuột như một con lươn và thâm hiểm chẳng kém gì.

     - Jamie gọi điện cho tôi cách đây một giờ. Ông ta gọi tôi là “người bạn của Trung quốc” và muốn tôi bay qua đó gặp ông ta. Bằng lời lẽ rất không cụ thể ông ta ám chỉ đến một giải pháp. Tôi muốn nói với ông rằng tôi không thích điều này tý nào. Có kẻ nào đó đang gây sức ép với giá cổ phiếu của tôi và các nhà đầu tư của tôi không thích điều đó. Dù sao thì ông có thể cho tôi biết ông nghĩ thế nào về việc này được không? Tôi có thể giúp gì cho chính phủ được không?

     - Reece, tôi cho rằng đi Bắc Kinh là một ý kiến rất hay đối với anh. Tôi có thể nói cho anh biết các sự kiện đang diễn ra rất nhanh. Nói riêng với nhau, tôi không hoàn toàn dám chắc chúng sẽ kết thúc ở đâu. Nhưng chúng tôi có thể cần một người nào đó như anh – được cả hai bên tin cậy, nhưng không làm việc cho bên nào cả. Tôi muốn anh đi Bắc Kinh. Sứ quán của chúng ta ở đó sẽ dành cho anh mọi sự giúp đỡ cần thiết.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #116 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:42:38 pm »

Biển Nam Trung hoa
Giờ địa phương: 01h00’ thứ Năm 22/02/2005
Giờ GMT: 17h00’ thứ Tư 21/02/2005




     Trong đêm tối, các phi công Pháp đã bắn rơi thêm 2 máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu IL-16 nữa. 10 máy bay Su-27 bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của Việt Nam vào đảo Hải Nam. Một lực lượng phối hợp gồm các đơn vị đặc nhiệm của Anh, Ôxtrâylia và Niu Dilân đã làm tê liệt hệ thống phòng thủ ở Terumbi Layang-Layang. Lính đặc nhiệm phối hợp đã thâm nhập qua hàng rào vòng ngoài và phá hủy các thiết bị rađa trước khi bị phát hiện khi đang trên đường rút ra dọc theo đường băng. Quân Trung quốc tổ chức giao chiến với họ, nhưng các chuyên gia chất nổ đã kịp đặt thuốc nổ vào 7 chiếc máy bay. Loạt  tiếng nổ dữ dội đã đẩy quân Trung quốc vào tình trạng rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng đặc nhiệm đồng minh thoát ra ngoài. Quân Anh có hai người bị thương, một người chết. Không có thương vong nào về phía Niu Dilân và Ôxtrâylia. Không rõ số thương vong về phía quân Trung quốc. Phần lớn phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến Su-27 đang đậu trên đường băng căn cứ Terumbi Layang-Layang đã bị phá hủy.

     Trong lúc toán lính biệt kích tìm đường thoát ra ngoài thì căn cứ của Trung quốc bị vô hiệu hóa bởi một phi đội máy bay Hornet được sự yểm trợ trên không của những chiếc Tomcat và những chiếc Sea Harrier của Anh cất cánh từ tàu Ark Royal. Cuộc đột kích thứ hai này đã đánh chìm tàu khu trục Zhuhai (DDG 166) lớp Luda III và hai tàu hộ tống đang tuần tra quanh căn cứ. Tổng cộng Trung quốc mất 12 trong số hơn 40 tàu chiến tạo thành lực lượng đặc nhiệm Biển Nam Trung hoa của họ, các tàu chiến này đều bị đánh chìm do các đợt máy bay liên tục xuất phát từ ba tàu sân bay thực hiện các đợt công kích dữ dội nhằm vào hạm đội Trung quốc. Vào lúc rạng sáng, Bộ tư lệnh quân đội Trung quốc đã ra lệnh cho tất cả các tàu rút về hướng Bắc tới những khu vực mà chúng sẽ được yểm trợ nhiều hơn từ trên không. Một ngoại lệ là tàu khu trục nhỏ lớp Sovremenny do Nga đóng, có tên ban đầu là Vazhny, sau khi Trung quốc mua lại đã đổi thành Lưu Hoa Thanh, đã lẻn ra khỏi chỉ huy sở hạm đội miền Nam. Mây dày đặc phía trên và nó đã đi vào Biển Nam Trung hoa mà không bị các vệ tinh và máy bay do thám phát hiện.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #117 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:46:32 pm »

Bán đảo Nam Triều tiên
Giờ địa phương: 05h00’ thứ Năm 22/02/2005
Giờ GMT: 20h00’ thứ Tư 21/02/2005



     Khi tổng thống Nam Triểu tiên Kim Hồng Cư gọi điện thoại cho vị đồng nhiệm người Mỹ James Bradlay, ông đã nhận được những lời chúc mừng từ phía tổng thống Hoa kỳ. Bradlay nói rằng ông vui mừng về việc Nam Triều tiên đã chính thức đưa các lực lượng quân sự của họ tham gia cuộc chiến với miền Bắc. Bradlay đang phải chịu trách nhiệm với một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều và cảm ơn việc Nam Triều tiên sẽ tự đứng ra giải quyết các vấn đề của chính họ. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn giữ cam kết và sẽ triển khai ngay việc cung cấp kỹ thuật cũng như các cố vấn quân sự cho quân đội Nam Triều tiên. Trước đó, chính Mỹ đã cung cấp thông tin và chỉ dẫn việc phóng lần đầu tiên các tên lửa đất đối đất MC Donnell Douglas Sea Slam từ ba tàu khu trục nhỏ lớp Ulsan của Nam Triều tiên mang tên Chung-fu, Che-ju, và Masan. Tất cả sĩ quan hải quân Nam Triều tiên đều đã được cố vấn Mỹ đào tạo kỹ càng, bản thân họ đã tham gia các cuộc tập trận với hải quân Mỹ để chuẩn bị cho một hoạt động như vậy. Từ trước đến nay, các tên lửa đất đối đất nằm trong trang bị của quân đội Nam Triều tiên chưa bao giờ thực hiện được một cuộc khai hỏa với độ chính xác tuyệt đối như vậy. Lần này, tên lửa sau khi rời bệ phóng đã bay là là trên mặt biển rồi lướt qua mặt đất gồ ghề quanh khu phi quân sự, cuối cùng chúng cắt ngang đường bay và lao thẳng vào những boongke ngầm che dấu bộ máy quân sự đang đe dọa Seoul.

     Quân Mỹ và Nam Triều tiên đã rời khu phi quân sự, họ rút khỏi các vị trí cần bảo vệ ở Bàn Môn Điếm và ngay dọc giới tuyến. Không có một bóng người trên các tháp quan sát và trong làng đình chiến. Những ngôi nhà tạm được dựng lên làm nơi thương lượng tranh chấp trong việc phân chia ranh giới trong những năm qua, hiện trống không. Trận tuyến thuộc loại vững chắc nhất trên thế giới này đang trong tình trạng báo động cao nhất. Một lực lượng phòng thủ nòng cốt gồm các nam nữ binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của lục quân Mỹ đã được triển khai tại Trại Greaves, vị trí gần khu phi quân sự nhất. Trên quân phục của mọi người đều gắn khẩu hiệu của đơn vị họ: “Vượt lên trước hết”.

     Quả tên lửa đầu tiên của Nam Triều tiên đập trúng vào một vách đá chỉ cách một lối vào đường hầm vài mét. Một quả khác bay vượt qua đỉnh đồi và trượt xuống phía cánh đồng mà không nổ. Tuy nhiên, quả thứ ba đã thành công, nó nã trúng vào hàng xe tăng được cất giấu trong đường hầm. Khoảng không gian chật hẹp của đoạn đường hầm đã khiến cho vụ nổ trở nên mạnh mẽ hơn, các mảnh nổ đã làm cháy cả kho dự trữ nhiên liệu và kho đạn dược gần đó. Những chiếc xe tăng xếp gần lối ra vào đều bị phá hỏng. Đám xe bọc thép ở bên ngoài bị phá hỏng đã chặn đứng lối ra khiến cho những chiếc xe ở phía sau trở nên vô dụng. Trong 45 phút tiếp theo, những quả tên lửa được máy tính chỉ đường đã tìm ra đường đi của chúng bên trong những đường hầm dùng làm nơi được che giấu lực lược Bắc Triều tiên. Một số quả tên lửa khác bay trượt mục tiêu và nổ vô hại ở xung quanh miệng hầm nhưng cuộc tấn công đã đạt được kết quả mong muốn, nó đã buộc người Bắc Triều tiên lộ ra các quân bài của họ: do bị đe dọa khi không thể triển khai vũ khí và trang thiết bị quân sự ra khỏi các căn hầm cất giấu, phía Bắc Triều tiên đành chuyển tất cả lực lượng ra ngoài trời để có thể sử dụng chúng có hiệu quả hơn. Các con đường gần biên giới đột nhiên tràn đầy các xe bọc thép, pháo và các phương tiện tiếp tế. Trên con đường quốc lộ mang tên Kim Nhật Thành nối liền giữa Bình Nhưỡng với Bàn Môn Điếm cũng vậy, đột nhiên có rất nhiều xe cộ xuất hiện hơn ngày thường. Quốc lộ Kim Nhật Thành là con đường được xây dựng với mục đích khi cần thiết có thể sử dụng làm đường băng cất hạ cánh cho các máy bay chiến đấu, tất nhiên, nó cũng có thể sử dụng cho xe tăng hạng nặng. Sự xuất hiện nhiều mục tiêu quân sự trên các tuyến đường gần biên giới đã khiến cho hệ thống do thám của quân đội Nam Triều tiên phải hoạt động hết công suất, các dữ liệu trinh sát tức thời được đưa vào xử lý qua hệ thống máy tính quân sự, đồng thời với việc tính toán các kết quả quan sát, không quân Nam Triều tiên nhận được lệnh báo động chiến đấu ở cấp cao nhất, hết phi đội này đến phi đội khác gồm các máy bay F-16, F-5 và F-4 gầm rú trên các đường băng khắp miền Nam, chúng cất cánh và đều hướng về phía Bắc nhằm tới khi phi quân sự. Mệnh lệnh dành cho các phi công là tiêu diệt mọi cái mà họ thấy trên mặt đất.
 
 
Chúng tự tìm kiếm cho mình một tòa nhà cao tầng nào đó để lao thẳng vào và biến mình thành một quả cầu lửa khổng lồ gây ra cảnh tàn phá khủng khiếp
 



Dịch vụ cứu hộ bị quá tải

     Tổng thống Kim Hồng Cư biết ông đã có một trong những quyết định liều lĩnh và rủi ro nhất trong lịch sử quân sự hiện đại. Đứng trước sự hủy diệt gần như chắc chắn, miền Bắc không còn sự lựa chọn nào ngoài việc mở cuộc tấn công trên bộ và bằng tên lửa vào Seoul, nhiệm vụ của quân đội Nam Triều tiên là phải chặn cuộc tấn công đó lại. Tuy nhiên nếu các nhà chiến lược quân sự của Nam Triều tiên trong khi vạch kế hoạch phòng thủ mà nhận định sai tình hình, thì việc xe tăng Bắc Triều tiên có mặt trên các đường phố Seoul chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi, chỉ cần vài giờ đồng hồ là việc này có thể sẽ xảy ra. Máy bay Bắc Triều tiên đã thâm nhập không phận Nam Triều tiên. Một lực lượng khá đông phi cơ, kết hợp giữa các máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến như MiG-23 và MiG-29, cùng với phi đội máy bay chiến đấu nòng cốt gồm các máy bay MiG-19 và MiG-21 đã cất cánh về hướng thủ đô của Nam Triều tiên. Phần lớn số máy bay này đã giao chiến với lực lượng không quân Nam Triều tiên. Kết quả không chiến nhanh chóng trở nên rõ ràng, với tình trạng bảo dưỡng tồi và thời gian biểu huấn luyện nghèo nàn, lực lượng không quân Bắc Triều tiên sớm bị đánh bại. Hết máy bay này đến máy bay khác bị các tên lửa đất đối không từ các trạm phòng không và tên lửa không đối không trên các máy bay đánh chặn của Nam Triều tiên bắn rơi, nhưng trong mỗi đợt xuất kích từ 30 đến 40 máy bay như vậy cũng có vài chiếc đã đến được Seoul.

     Do không có chỉ dẫn cụ thể về mục tiêu nên những chiếc máy bay này tự do thả bom và phóng rốcket xuống các khu vực dân thường. Một vài chiếc trong đó lao xuống mặt đất trong những cú bổ nhào cảm tử, từng chiếc một nghiêng ngả trên bầu trời, chúng tự tìm kiếm cho mình một tòa nhà cao tầng nào đó để lao thẳng vào và biến mình thành một quả cầu lửa khổng lồ gây ra cảnh tàn phá khủng khiếp. Hàng nghìn người chết trong những vụ bổ nhào tự sát đó. Tại tòa nhà số 63, một công trình được xây dựng trông giống như hai bàn tay đang chắp để cầu nguyện, có hơn 500 người chết, nhiều người mắc kẹt trong những khu cầu thang và thang máy đã bị đóng lại khi cuộc không kích bắt đầu. Còi báo động rền rĩ khắp thành phố, hàng triệu người tìm cách trú ẩn ở đường xe điện ngầm và tầng hầm các tòa nhà. Tất cả các bệnh viện đều đầy ứ nạn nhân. Dịch vụ cứu hộ mặc dù vẫn được quan tâm chuẩn bị trong hàng chục năm để ứng phó cho những tình huống như thế nay nhưng ngay lập tức đã bị quá tải, hàng trăm xác người chết bị bỏ mặc trên các đường phố, các tòa nhà để mặc cho cháy mà không có lực lượng cứu hỏa.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #118 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:51:20 pm »

Quảng trường Thiên an môn, Bắc Kinh
Giờ địa phương: 08h00’ thứ Năm 22/02/2005
Giờ GMT: 24h00’ thứ Tư 21/02/2005





     Những cơn gió lạnh buốt trong tuần qua đã quét đi lớp không khí ô nhiễm vẫn treo lơ lửng phía trên bầu trời thành phố Bắc Kinh trong hầu hết mùa đông. Mặt trời làm tan đi cái giá lạnh và chiếu những tia sáng lấp lánh trên quảng trường Thiên An Môn. Tất cả mọi ngả đường quanh quảng trường đều bị cấm đi lại, người ta trang hoàng chúng bằng những lá cờ đỏ tươi xen lẫn các băng rôn, khẩu hiệu. Trên vỉa hè là các cháu học sinh quàng khăn đỏ xếp hàng mười, mỗi em cầm một lá quốc kỳ, rừng quốc kỳ đỏ rực được giơ cao trên đầu theo sự chỉ huy của người hô khẩu hiệu. Loa phóng thanh được gắn trên các cột đèn liên tục phát đi bản quốc ca và các bài hát Trung quốc có chủ đề ca ngợi chiến công giải phóng đất nước khỏi quá khứ bị nô lệ cho ngoại bang. Rất nhiều quan chức đảng từ cấp tỉnh đã được triệu tập về Bắc Kinh. Họ được bố trí tập trung tại các bậc lên xuống của Đại Lễ Đường Nhân Dân nằm ở phía Tây quảng trường và trên sân viện bảo tàng Lịch Sử Cách Mạng Trung quốc nằm ở phía Đông để theo dõi cuộc duyệt binh diễu hành. Các nhóm quay phim thuộc đài truyền hình Trung ương Trung quốc được tự do đi lại khắp quảng trường. Suốt buổi sáng, hệ thống truyền hình quốc gia liên tục chiếu các bộ phim nói về nỗi thống khổ của Trung quốc trong thời kỳ đất nước này bị các lực lượng nước ngoài chiếm đóng. Người Anh bị chỉ trích vì đã gây ra cuộc Chiến tranh Thuốc phiện thế kỷ 19 và chiếm đoạt Hồng Kông. Người Mỹ bị lên án vì họ đã ủng hộ Tưởng Giới Thạch - lãnh tụ Quốc dân đảng trong những năm 1940, đặc biệt, Mỹ bị lên án gay gắt do việc hỗ trợ cho lực lượng Quốc dân đảng phiến loạn của Tưởng chiếm cứ đảo Đài Loan, gây chia cắt đất nước Trung quốc. Những bộ phim về Chiến tranh Triều tiên trong những năm 1950 được phát liên tục trên các kênh truyền hình cho thấy quân Trung quốc đã đánh bại liên quân Anh, Mỹ và các lực lượng đế quốc như thế nào. Đoạn phim đen trắng chiếu cảnh quân lính bị tàn sát và cảnh những người sống sót hốc hác, lạnh cóng với dáng vẻ đầy chán nản. Người Nhật được miêu tả là những tên tội phạm trong cả thiên niên kỷ. Người Nhật đã đối xử với những đồng bào châu Á của họ một cách tàn bạo và gây đau khổ cho nhân dân châu Á nhiều hơn bất kỳ một lực lượng phương Tây nào khác. Phim chiếu cảnh binh lính Nhật đang tàn sát dân thường Trung quốc trong những vụ hành quyết hàng loạt, lính Nhật chặt đầu và đánh đập người Trung quốc. Một nông dân Trung quốc bị trói vào cột đèn, đầu thõng xuống. Những tên lính Nhật lột da anh ta cho đến khi anh ta chết vì choáng và mất máu.





 
     Trong cảnh tượng khủng khiếp này, giọng bình luận của bình luận viên Đài truyền hình Trung ương vang lên: “Nhân dân Trung quốc sẽ không bao giờ trở lại kiếp nô lệ cho ngoại bang. Nhân dân Trung quốc sẽ mãi mãi tự do và kiêu hãnh cho dù phải ăn rễ cây và sống trong hang động, bất chấp thái độ thù hận của cả thế giới đối với Trung quốc. Chủ tịch và Tổng bí thư Vương Phong muôn năm”.

     Đoàn xe quân sự tham diễu hành từ phía Tây chầm chậm lăn bánh tiến vào quảng trường. Đi đầu là hàng xe tăng chiến đấu hạng nặng. Tiếp đến đại bác đặt trên xe tự hành, các dàn phóng rốcket, súng sử dụng đạn tự đẩy, súng cối, tên lửa đất đối đất và đất đối không, các vũ khí điều khiển chống tăng và các vũ khí phòng không. Tiếp theo là một nghi lễ diễu hành, trong đó những hình ảnh tàu ngầm, máy bay và tàu chiến hải quân được chiếu trên những màn hình khổng lồ dựng khắp quảng trường. Kết thúc cuộc diễn binh là một trình diễn đặc biệt của các đơn vị tên lửa. Dẫn đầu đoàn tên lửa là các xe vận tải hạng nặng mang theo bệ phóng di động chứa tên lửa CSS-4, hay còn gọi  là tên lửa Đông Phong 5. Tên lửa Đông phong năm được đưa PLA tuyên bô đưa vào trang bị trong quân đội Trung quốc từ năm 1981, nó có tầm bắn 15.000 km và mang theo một đầu đạn duy nhất có sức công phá 5 megaton. Tiếp đó là những tên lửa CSS-N-3 hay còn gọi là tên lửa Châu Long 1, đây là loại tên lửa nhỏ hơn được phóng từ tàu ngầm với tầm bắn khoảng 3.000 km, tên lửa này mang được đầu đạn cỡ khoảng 2 megaton. Ngoài ra còn một số tên lửa khác, tùy viên quân sự các đại sứ quán có thể nhận biết được chúng rất dễ dàng.
 


Tên lửa Đông Phong 5
 


Tên lửa Đông Phong 32

     Đi cuối đoàn tên lửa là một nhóm xe vận tải hạng nặng kéo theo bệ phóng di động với những ống silo khổng lồ, chứa trong đó là thứ vũ khí hiện đại nhất của Trung quốc: Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 32. Tuy xuất hiện cuối cùng trong cuộc diễu binh nhưng những tên lửa Đông Phong 32 này được coi là niềm tự hào của các lực lượng vũ trang Trung quốc. Nó chiếm vị trí ngay phía Nam bậc đài cột cờ. Được trưng ra trực tiếp cho cả thế giới thấy, tên lửa này ngay lập tức được công nhận là vũ khí có thể bắn được nước Mỹ hoặc bất cứ địa điểm nào ở châu Âu. Tên lửa Đông Phong 32 sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 12.000 km. Đặc điểm kỹ thuật vượt trội so với tên lửa Đông Phong 5 là tên lửa Đông Phong 32 có độ chính xác rất cao, khả năng bắn trúng mục tiêc của tên lửa này được cải thiện bằng một hệ thống kỹ thuật dẫn hướng kiểu mới do một nhóm các nhà khoa học Nga cung cấp. Tuy chỉ mang theo một đầu nổ nhẹ hơn loại Đông Phong 5 nhưng tên lửa Đông Phong 32 lại nguy hiểm hơn nhiều, nó được phóng đi không phải từ một hầm chứa cố định mà từ một các bệ phóng cơ động, chính vì vậy, vệ tinh do thám sẽ gần như không thể phát hiện ra vị trí của tên lửa Đông Phong 32 cho đến khi nó được phóng đi. Ban ngày, tên lửa này có thể ẩn náu trong các địa điểm cát giấu đã được ngụy trang kỹ càng, còn ban đêm, nó có thể triển khai rất cơ động đến các vị trí bắn để sẵn sàng khai hỏa. Trong những năm 1990, các tên lửa cơ động với các đầu nổ hạt nhân đã ám ảnh Lầu Năm Góc, vì Mỹ đã không lần ra được dấu vết để tiêu diệt được các tên lửa Scud của Irắc trong Chiến tranh Vùng vịnh. Những quả tên lửa Scud này được ngươi Iraq giấu dưới những chiếc cầu, trong các hầm trú ẩn, hay để lẫn trong khu vực dân sự dân cư đông đúc, nơi mà kẻ thù không thể đánh bom vì sợ bị quốc tế lên án. Hiện nay, Trung quốc không giữ bí mật về khả năng tên lửa của họ nữa. Việc trưng ra các thứ vũ khí hiện đại dường như là hành động chế nhạo đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Trung quốc đã tính toán rằng chỉ cần gay ra một vụ nổ trên đất Mỹ cũng sẽ đủ để ngăn chặn lính Mỹ dính líu vào các cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung quốc. Trong lịch sử của mình, người Mỹ chưa bao giờ trải qua một cuộc xung đột quốc tế xảy ra ngay trong lòng nước Mỹ.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #119 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2007, 10:52:17 pm »

     Đầu nổ của tên lửa Đông Phong 32 được sơn màu đỏ và màu bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời mùa đông, chĩa thẳng về phía Bắc hướng vào Thiên An Môn nơi Chủ tịch Vương Phong, được hộ tống bởi các tướng lĩnh PLA bên cạnh, đã tiến lên diễn đàn để phát biểu trước nhân dân Trung quốc. Vương đã chọn đúng thời điểm và vị trí lịch sử này để phát biểu với toàn thể nhân dân Trung quốc cũng như với toàn thế giới. Chính tại địa điểm này, hàng thế kỷ qua, các hoàng đế Trung quốc đã truyền những chỉ dụ của mình ra thiên hạ, đây cũng là nơi vào năm 1949, chủ tịch Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập nước Trung quốc Cộng sản. Quang cảnh chung cuộc biểu dương sức mạnh quân sự của Trung quốc mang đầy tính chất tượng trưng, nó phù hợp với các công trình của chủ nghĩa Cộng sản Trung quốc được xây dựng trên quảng trường Thiên an môn như Đại Lễ Đường Nhân Dân, Đài Kỷ Niệm Các Anh Hùng Nhân Dân, Lăng Chủ tịch Mao, nơi gìn giữ thi hài đã được ướp Mao…

     Khi Vương nói, ông ta không chọn từ của riêng mình mà sử dụng những từ ngữ đã từng được Mao Trạch Đông nói vào năm 1949:

     “Việc làm của chúng ta sẽ đi vào lịch sử nhân loại, chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng nhân dân Trung quốc, chiếm một phần tư nhân loại, giờ đây đã đứng lên. Người Trung quốc luôn luôn là một dân tộc vĩ đại, dũng cảm, và cần cù; chỉ vào những thời kỳ hiện đại họ mới bị tụt lại đằng sau. Từ nay trở đi dân tộc chúng ta sẽ thuộc về cộng đồng các dân tộc yêu hòa bình và yêu tự do trên thế giới, từ nay trở đi, nhân dân Trung quóc sẽ làm việc dũng cảm và cần cù để thúc đẩy nền văn minh và niềm hạnh phúc của chính dân tộc mình, đồng thời thúc đẩy hòa bình và tự do trên toàn thế giới.

     Chúng ta sẽ không còn là một dân tộc yếu hèn chịu để ngoại bang xúc phạm hạ nhục nữa. Chúng ta đã đứng lên. Cuộc Cách mạng của chúng ta đã dành được sự đồng tình và hoan nghênh của các dân tộc trên hoàn cầu. Chúng ta có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Đã chấm dứt một kỷ nguyên mà trong đó nhân dân Trung quốc bị coi là kém văn minh. Chúng ta sẽ cho thế giới thấy chúng ta là một dân tộc có nền văn hóa tiên tiến. Chúng ta sẽ trở nên hùng mạnh và được vị nể. Nhân dân Trung quốc không còn là nô lệ nữa.”

     Đảng điều khiển những tiếng hoan hô và làn sóng cờ vẫy chào. Nhưng điều đó khiến cho phản ứng thậm chí đáng khiếp sợ hơn. Trước đây Trung quốc đã từng như vậy. Và mỗi lần, khi kết thúc một cao trào nào đó, người Trung quốc chỉ còn lại toàn là chết chóc, đổ máu, hỗn loạn và sự tan vỡ của triều đại cầm quyền.
Logged

Để gió cuốn đi...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM