Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:38:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đòn Rồng  (Đọc 174740 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #60 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:42:55 pm »

Quốc lộ số Một, Việt nam
Giờ địa phương: 06h00’ thứ Ba 20/02/2005
Giờ quốc tế: 23h00’ thứ Hai 19/02/2005





      Một đoàn gồm mười hai chiếc xe thùng hiệu Toyota Hi-Ace không có lực lượng bảo vệ chậm chạp tiến về phía tây, băng qua những ổ gà trên con đường quốc lộ đã quá lâu không được bảo dưỡng của Việt nam. Những người ngồi trên xe, gồm người châu Âu, người Nhật, Triều Tiên, Mỹ, Canada và Ôxtrâylia, đã quen với chuyến đi không lấy gì làm dễ chịu kéo dài 5 tiếng đồng hồ từ thành phố cảng Hải phòng đến Hà Nội. Có ba giáo viên Anh ngữ, một nhân viên ngân hàng từ Liên minh châu Âu được cử đến làm cố vấn giúp tổ chức các doanh nghiệp nhỏ, một bác sĩ và một y tá tổ chức Médicins Sans Frontières (Thầy thuốc không biên giới), hai đại diện của Tổ chức Lương thực Thế giới và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, một nhà ngoại giao từ sứ quán Ôxtrâylia, một nhóm bảy nhân viên cứu trợ từ Scandinavia, một phái đoàn Nam Triều tiên tới giám sát các hợp đồng xây dựng cầu, và thật buồn cười, trong đó có cả một nhóm người Nhật bản là nhân viên làm việc cho hãng Toyota, hãng này đang mở rộng mạng lưới phân phối của sản phẩm ở miền bắc Việt nam. Những người nước ngoài còn lại chủ yếu là khách du lịch, trong những ngày trước khi xảy ra biến cố Đòn Rồng, nhiều người trong số họ đã lang thang khắp những làng quê phía đông bắc Việt nam, họ bị thu hút bởi phong cảnh đồng quê lạc hậu nhưng rất đẹp của Việt nam. Hải phòng, với những tòa nhà đổ nát có từ thời thực dân Pháp, những khu nhà tập thể xấu xí thời Cộng sản, xưởng đóng tàu cổ lỗ kiểu Liên xô … tất cả đã tạo ra một ấn tượng mạnh về một đất nước dũng cảm và bị chiến tranh tàn phá, ấn tượng này thậm chí còn nhiều hơn so với những gì khách du lịch được chứng kiến dọc chặng đường và những điểm dừng chân từ thành phố Hồ Chí Minh ra đến Hà Nội.

     Mưa như trút nước. Cần gạt nước của một chiếc xe bị gãy khiến cho lái xe phải nhoài người ra lau kính chắn gió bằng một tấm giẻ. Đoàn xe thường xuyên phải dừng lại, có một chiếc bị sa vào ổ gà khá to, mọi người lục tục đội mưa xuống đẩy xe. Người tài xế rồ ga khiến hai bánh sau quay tít, làm rác lẫn nước bùn bắn văng tung tóe vào dãy người đang cố gò lưng đẩy xe. Cuối cùng thì chiếc xe cũng thoát được vũng lầy, mọi người lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Nỗi vất vả của chuyến đi không hề làm gián đoạn câu chuyện đang sôi nổi giữa những người nước ngoài này. Chủ đề chính của cuộc bàn luận xoay quanh chuyện họ có nên rời khỏi Hà Nội vào buổi tối đó bằng chuyến bay sơ tán của Pháp hay không. Các chuyến bay dân sự khác đã bị ngừng lại. Hàng không Việt nam đã đưa máy bay chở khách của họ sang Băng Cốc.
 

Chen chúc xuống phà qua sông

     Nước ở các nhánh sông Hồng đang dâng lên khiến cho việc đi lại bằng phà càng thêm nguy hiểm. Đoàn xe này được ưu tiên sang sông trước, điều đó có nghĩa là phải gạt bớt những chiếc xe khác đang xếp nối đuôi nhau khỏi hàng chờ. Trong số 12 chiếc xe chỉ có 9 chiếc kịp xuống chuyến phà đầu tiên, 3 chiếc còn lại chờ ở phía sau, chỗ ngã tư đường, khi thảm kịch xảy ra.

     Một số hành khách ngồi uống nước chè trong những chiếc quán nhỏ dựng bên lề đường lầy lội. Tiếng nhạc pop ầm ĩ phát ra từ chiếc cát xét nhỏ đặt trên bàn. Phía bên ngoài, những người bán hàng rong cố thu hút sự chú ý của hành khách bằng cách vừa gõ vào những chiếc thùng gỗ vừa hét to. Chiếc phà cập bến sông với tiếng xích rít lên hai bên mạn và tiếng hò hét từ đám nhân viên bến phà. Mấy người lái xe khởi động ô tô, họ cho rú ga rất to trong khi những chiếc bánh xe vất vả vật lộn với đám bùn rác. Tiếng còi xe inh ỏi xen lẫn tiếng người gào thét, tiếng nhạc ầm ĩ làm thành một mớ thanh hỗn độn khiến cho tiếng còi báo động phòng không bị chìm nghỉm, chẳng có ai để ý đến nó cho đến khi tiếng động cơ máy bay gầm lên dữ dội trên bầu trời. Những đám mây trĩu nặng nước mưa bay khiến cho tầm nhìn hết sức tồi tệ. lại thêm gió mạnh thổi hất những hạt mưa dày và nặng quất rát rạt vào mặt khiến cho mọi người đều phải cúi đầu xuống, tiếng mưa rào rào gõ vào vách những túp lều ven sông. Cho đến khi những đám mây tan đi trong chốc lát, những người dưới mặt đất mới có thể nhìn thấy cuộc không chiến giữa một máy bay chiến đấu MiG-21 Fishbeds của Việt nam và hai chiếc Su-27 của Trung quốc.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2007, 03:35:02 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #61 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:45:58 pm »

     

Máy bay Su-27 hiện đại của Trung quốc bị chiếc MiG-21 Fishbeds cổ lỗ sĩ của Việt nam bắn trúng đuôi

     Trong một trận đánh được tái tạo trên máy tính, máy bay MiG-21 Fishbeds của Việt nam không thể địch nổi máy bay Su-27 của Trung quốc. Nhưng máy tính hiếm khi tính toán hết khả năng sáng tạo của con người cũng như không thể đo lường hết kết quả huấn luyện thực tế. Viên phi công Việt nam đã cho máy bay bay hết tốc độ, tìm cách cắt đuôi hai chiếc máy bay Trung quốc đang đuổi theo. Trong khi phi công Trung quốc cứ nghĩ rằng chiếc máy bay Việt nam kia sẽ cố thoát đi bằng cách bay sang không phận Lào cách đó 200 km về phía tây thì viên phi công Việt nam đã lợi dụng sự che khuất của một đám mây dày đặc để cho máy bay bay vọt thẳng đứng lên cao, vượt hẳn lên phía trên những đám mây. Anh ta giữ cho máy bay của mình bay thẳng trong vòng chưa đầy ba giây, sau đó bổ nhào vào đúng vị trí mà anh ta đoán là máy bay đối phương sẽ bay tới đó. Vọt ra từ đám mây, viên phi công phát hiện ra mục tiêu, nhanh chóng làm động tác khai hỏa và bắn trúng đuôi một trong hai chiếc máy bay Trung quốc, làm cho nó không còn điều khiển được nữa. Chiếc máy bay Su-27 hiện đại đâm sầm xuống đất và viên phi công không còn cơ hội sống sót.
 


Chiếc máy bay Su-27 hiện đại đâm sầm xuống đất và viên phi công không còn cơ hội sống sót


     Động tác cơ động xạ kích quyết liệt của phi công Việt nam đã khiến cho chiếc MiG lao đến quá gần mục tiêu, phần đầu một bên cánh chiếc máy bay của anh ta bị những mảnh vụn văng ra từ đám nổ của chiếc Su-27 phạt đứt. Chiếc máy bay MiG-21 cũng bị lộn nhào không kiểm soát được nữa, cùng lúc đó, những loạt đạn từ chiếc máy bay Su-27 còn lại đã bắn trúng mục tiêu. Viên phi công trẻ tuổi người Trung quốc trên chiếc Su-27 dường như đang nghiến răng trút hết căm giận lên đối thủ, anh ta siết cò nhả đạn từ khẩu súng 25 ly gắn ở phía trước, luồng đạn tuôn liên tục cho đến khi chiếc MiG nổ tung như một quả cầu lửa ở phía tây con sông. Những tàn lửa từ chiếc MiG-21 rơi xuống trúng một chiếc tàu chở xăng gần đó, một tiếng nổ dữ dội nữa kèm theo một quầng lửa rùng rợn vọt thẳng lên trời. Những chiếc xe đậu xung quanh bến phà đều bị bắt lửa. Những người nước ngoài đã lên được phà bị thiêu sống trong vài giây.

     Mặc dù đã tiêu diệt được chiếc MiG-21 nhưng viên phi công Trung quốc dường như đã phát điên, hắn cho máy bay vòng trở lại, xả súng bắn từng tràng xuống đám xe cộ dưới đất cho đến khi hết đạn rồi mới quay đầu vọt về phía biên giới Trung quốc. Thêm nhiều chiếc xe nữa bốc cháy. Hành động trả thù của viên phi công Trung quốc đã làm 378 người chết. Trong số 87 người nước ngoài được đưa đi sơ tán khỏi Hải phòng chỉ có 9 người sống sót. Một trong số 9 người nước ngoài còn sống sót là nhân viên của tổ chức UNDP đã kịp quay video toàn bộ thảm họa này. Trong vòng vài giờ sau đó, những hình ảnh mà ông thu được đã được các kênh truyền hình trên toàn thế giới phát đi.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #62 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:47:59 pm »

Tokyo, Dinh thủ tướng Nhật bản
Giờ địa phương: 08h00’ thứ Ba 20/02/2005
Giờ quốc tế: 23h00’ thứ Hai 19/02/2005




     Nội các Nhật bản tương đối yên tâm về mức dự trữ dầu lửa của đất nước này. Chính phủ đã quyết định duy trì mức dự trữ đủ khả năng cung cấp bình thường cho nhu cầu tiêu dùng trong 80 ngày, và đủ cung cấp cho các ngành công nghiệp trong 75 ngày. Với các kho chứa nằm rải rác dọc theo bờ biển, Nhật bản có thể cầm cự được trong một thời gian tương đối dài. Trước mắt, không có lý do gì lo lắng. Tuy nhiên, tin tức về việc chiếc tàu New World của hãng Shell bị cướp đã gây ra những quan ngại mạnh mẽ về .

     Cuộc họp của Ủy ban Quốc phòng của Nội các vừa diễn ra được 10 phút thì có tiếng gõ cửa, một sĩ quan quân đội bước vào mang theo một phong bì lớn, yêu cầu được gặp tướng Ogawa. Tướng Ogawa đứng lên, xin lỗi mọi người, và ra hiệu cho viên sĩ quan rời căn phòng.

     Thủ tướng Hyashi phát biểu:

     - Trong khi tướng quân Ogawa còn vắng mặt, tôi nghĩ rằng có một điều hết sức quan trọng cần phải dặn các ông là trong những ngày tới đây, mỗi khi gặp gỡ các quan chức Trung quốc, tất cả chúng ta phải cố gắng dùng lời lẽ mạnh mẽ nhất để bày tỏ sự lo ngại của chúng ta về hành động của họ ở biển Nam Trung hoa.
Đúng lúc đó, tướng Ogawa quay trở lại. Hyashi nhìn ông và hỏi:

     - Tướng quân, có gì mới không?

     - Tôi sợ rằng đó là những tin tức tồi tệ, thưa thủ tướng - Tướng Ogawa nói - Tôi vừa mới nhận được báo cáo tình báo khẳng định rằng tàu chở dầu trọng tải 296.000 tấn mang tên New World của hãng Shell đã bị hải quân Trung quốc bắt giữ trong lúc đang trên đường tới cảng Yokohama, thực tế đã diễn ra như chúng ta suy nghĩ. Các chứng cứ lúc này chưa thật hoàn toàn rõ ràng nhưng có vẻ nó đang tiến về Trạm Giang, căn cứ Hạm đội Nam Hải của Trung quốc.

     - Ngài chắc chắn về điều đó chứ, tướng quân? -  thủ tướng hỏi.

     - Hoàn toàn chắc chắn, thưa thủ tướng. Chúng ta đã có những bằng chứng đây, những bức ảnh chụp bằng tia hồng ngoại cho thấy việc tàu bị chiếm và sự thay đổi hướng đi sau đó của tàu New World. Hãy nhìn vào các bức không ảnh mà tôi vừa chuyển cho các bộ trưởng, vì những lý do an ninh quốc gia, đề nghị các ngài không được đem chúng ra khỏi phòng này, các vị sẽ thấy một nhóm 12 lính biệt kích Trung quốc đã đột kích lên tàu; dường như bọn họ đã bắn rất dữ dội bằng vũ khí tự động, sau đó đã bắt cầm tù một thành viên trên tàu. Bức ảnh thứ tư, được phóng to bởi kỹ thuật phóng ảnh mới nhất, cho chúng ta thấy quân phục của đơn vị biệt kích hải quân Trung quốc. Loạt ảnh thứ hai đã chụp được hướng di chuyển sau đó trong vùng biển. Ngài có thể thấy rằng tàu New World, trước đó đang đi theo hướng bắc - đông bắc, bây giờ đã chuyển sang hướng bắc - tây bắc.

     Hyashi bật hỏi:

     - Chiến dịch này đã được Bắc Kinh phê chuẩn hay chỉ là một hoạt động độc lập của hải quân Trung quốc?
Tướng Ogawa lắc đầu, đáp:

     - Chúng tôi không chắc chắn lắm. Thực tế thì trong thời gian Trung quốc tiến hành mở cửa buôn bán với nước ngoài, nhất là dưới thời Đặng Tiểu Bình thì các hoạt động cướp biển tại vùng biển Nam Trung hoa đã diễn ra rất phức tạp, có thể nói dường như cướp biển ở vùng này đã hoạt động dưới sự bảo trợ của hải quân Trung quốc, thậm chí chúng còn xuất hiện dưới cái vỏ các hoạt động của hải quân. Ngành hàng hải đã phải chấp nhận cái thực tế khó chịu này. Diễn biến vụ cướp tàu New World lần này có một số điểm tương tự với các hoạt động độc lập trước đây của hải quân Trung quốc, nhưng theo những gì đang xảy ra ở biển Nam Trung hoa ngày hôm qua, tôi nghi ngờ điều đó.

     Thủ tướng Hyashi nói một cách dứt khoát:

     - Được. Tôi cho rằng chúng ta cần phải coi vụ việc này như là một phần cuộc xung đột. Ngài Kimura, tôi cho rằng ngài nên có một cuộc nói chuyện nữa với đại sứ Bạc. Hãy nói với ông ta rằng chính phủ Nhật bản sẽ không ngồi yên nhìn lợi ích sống còn của dân tộc mình bị vi phạm theo cách đó.

     - Thưa thủ tướng, tôi xin đưa ra một ý kiến là ngài Tanaka ở Bắc Kinh cũng nên tìm kiếm một cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Tống để nhấn mạnh thêm bức thông điệp mà tôi gửi đến cho đại sứ Bạc - Ngoại trưởng nói.

     - Đồng ý. Ngài Ishihara, tôi cũng muốn ngài chuẩn bị một số khuyến nghị liên quan đến các hình thức hành động mà các lực lượng vũ trang của chúng ta có thể triển khai. Lúc này đây, tôi đang đặc biệt để tâm suy nghĩ về dự án ở Ogasawara. Thưa các ngài, tôi cho rằng chúng ta phải xem xét mọi khả năng lựa chọn trong giai đoạn này. Tôi đề nghị chúng ta sẽ họp lại tại đây vào lúc hai giờ chiều nay.

Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #63 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:49:47 pm »

Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung quốc.
Giờ địa phương: 09h00’ thứ Ba 20/02/2005
Giờ quốc tế: 01h00’ thứ Ba 20/02/2005




     Jamie Tống liếc nhìn khi tay kỹ thuật viên người Mỹ bật hết đèn lên. Một người giúp việc hóa trang đưa giấy thấm nhẹ mồ hôi trên trán ông ta trong khi Tống chăm chú theo dõi kim phút trên chiếc đồng hồ của hãng CNN, nó đang nhích về thời điểm bắt đầu một cuộc phỏng vấn trực tiếp khác.

     Chủ nhiệm chương trình truyền hình nói:

     - Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, thưa ngài ngoại trưởng. Lần trước chúng tôi đã đưa tin về cuộc xâm lấn lãnh thổ của các ngài. Bây giờ, chúng tôi chờ đợi ngài giải thích với khán giả truyền hình của chúng tôi về Trung quốc, ngài hãy giải thích cho họ hiểu về thể chế chính trị của các ngài. Ba mươi giây nữa sẽ bắt đầu chương trình phát.

     Người dẫn chương trình: Trong buổi truyền hình trực tiếp từ Bắc Kinh tối hôm nay, lần thứ hai chúng ta lại dành riêng cuộc gặp gỡ này cho ngài ngoại trưởng Trung quốc Jamie Tống. Các bạn sẽ trực tiếp đưa ra các câu hỏi để ngài ngoại trưởng trả lời. Tất cả các bạn giờ đây đều đã quen với những tình hình diễn biến rất nhanh ở biển Nam Trung hoa. Ông Giả đồng ý tham gia buổi truyền hình này để nói với chúng ta về Trung quốc, về hệ thống giá trị của họ và về những mục tiêu lâu dài mà Trung quốc đang kỳ vọng. Và một lần nữa, cùng có mặt với tôi trong phòng quay là chuyên gia về các vấn đề Trung quốc, Chris Bronowski. Từ Seattle, các bạn có câu hỏi.
Từ Seattle: Ngài Tống, ngài có thể xác nhận rằng nhà máy chế tạo máy bay tại Tây An, nơi chuyên sản xuất một số bộ phận của máy bay Boeing 757 và 737, cũng chính là nơi đang sản xuất máy bay ném bom H-6 được dùng để tấn công Việt nam không? Ngài có thể xác nhận rằng nhiều công nhân đang làm việc ở đó thực tế là những tù nhân đang chịu án tù dài hạn của các ngài không? Và nếu đúng như vậy, điều đó có còn gì là đạo lý không?
Người dẫn chương trình: Chúng ta hãy tìm ra sự thật trước khi nói đến đạo lý. Lao động tù nhân đã sản xuất những chiếc máy bay dân dụng của Mỹ ư?

     Jamie Tống: Đây là một câu hỏi dành cho đồng nghiệp của tôi, bộ trưởng Thương mại phụ trách vấn đề buôn bán.

     Người dẫn chương trình: Vì bà Bộ trưởng thương mại Trung quốc không có mặt ở đây, chúng ta hãy đề cập đến vấn đề này theo một khía cạnh khác vậy. Nếu sức lao động của tù nhân hay của binh sỹ được sử dụng để sản xuất những chiếc máy bay của Mỹ thì ngài có lên án điều đó không?

     Jamie Tống: Tại sao tôi lại lên án? Một số loại quần jean tốt nhất của Mỹ cũng được tù nhân sản xuất ra đấy thôi. Các ngài có lên án điều đó không?

     Người dẫn chương trình: Chúng ta có lên án không, Chris Bronowski?

     Bình luận viên: Về vấn đề lao động trong quân đội, tôi đoán rằng đó là lao động để sản xuất máy bay Boeing. Bản thân vấn đề này là chuyện riêng của Boeing, họ biết họ đã thỏa thuận được những gì. Nhưng vấn đề nhà tù lại liên quan đến những chuyện khác rộng hơn, đó là việc hàng nghìn tù nhân trong các nhà tù ở Trung quốc không phải là những kẻ trấn lột và cưỡng dâm mà là các tù nhân chính trị. Nhiều người trong số họ phải vào ở trong các trại cải tạo lao động chỉ vì họ đã cố gắng thực hiện các quyền tự do mà các bạn và tôi cho là điều dĩ nhiên.

     Người dẫn chương trình: Phải chăng ông ta nói đúng, ngài ngoại trưởng?

     Jamie Tống: Ở trong các nhà tù của Mỹ, các ngài có những đứa trẻ da đen, nhiều đứa trong số đó sinh ra từ những gia đình bị tan vỡ. Chúng lớn lên trong môi trường đầy rẫy chuyện nghiện ngập ma túy và bạo lực. Chế độ xã hội - chính trị của các ngài không chú ý đến những đứa trẻ này. Nếu có, chúng đã không phải vào tù như những kẽ bị xã hội ruồng bỏ, chúng đã được giúp đỡ.

     Người dẫn chương trình: Nhưng đó không phải là...

     Jamie Tống: Không, Mike, hãy để tôi nói hết. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Ở Trung quốc chúng tôi không có vấn đề bỏ tù trẻ em như ở Mỹ. Ở Trung quốc vẫn có một nhóm nhỏ, tôi nhấn mạnh là một nhóm nhỏ, những phần tử mà chúng tôi cho rằng họ chính là một mối đe dọa thường xuyên đối với sự ổn định của đất nước chúng tôi. Những kẻ này chủ trương xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc, họ ủng hộ các cuộc bầu cử đa Đảng. Chúng tôi, những thành viên của chính phủ Trung quốc tin rằng nếu số người này được làm những điều mà họ muốn, thì đất nước rộng lớn của chúng tôi sẽ tan rã, sẽ hình thành chủ nghĩa lãnh chúa cát cứ, chủ nghĩa ly khai, và có thể là nội chiến. Nhóm người này đang bị giam giữ để cho 1,3 tỷ dân Trung quốc có cơ hội hưởng một cuộc sống tốt đẹp nhất mà chúng tôi có thể mang lại cho họ. Và tôi sẽ không nói về vấn đề bầu cử. Có những vấn đề ở Nga và Ấn độ mà tôi thấy cần phải dẫn ra ở đây. Các bạn nói người dân Nga và người dân Ấn độ có quyền bầu cử tự do, nhưng tôi không nhận thấy ở Nga hay ở Ấn độ những cải thiện lớn về bệnh viện, trường học, đường sá và nhà ở dành cho nhân dân. Thay vào đó, chúng ta được chứng kiến những xác chết ở các địa phương như Chechnya hay Kashmir, đó là những nơi mà chính quyền trung ương của Nga hay của  Ấn độ đã không thể kiểm soát được tình hình. Chính ở những nơi đó đã diễn ra tình trạng bất ổn định, bạo lực và sa lầy về kinh tế. Và một điểm cuối cùng. Chúng tôi không tìm cách can thiệp vào các công việc nội bộ của Mỹ. Liệu tôi có thể gợi ý với một thái độ trân trọng rằng các bạn đừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi chăng?
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #64 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:52:54 pm »

     Người dẫn chương trình: Chris Bronowski, liệu có nội chiến không nếu có các cuộc bầu cử?

     Bình luận viên: Ngài ngoại trưởng vừa bày tỏ một quan điểm đang thịnh hành ở Trung quốc. Và ông đã có những bằng chứng có vẻ hợp lý để bảo vệ cho các lập luận của mình, chẳng hạn các thí dụ từ nước Nga hoặc thậm chí từ Nam Tư trong những năm 1990.

     Người dẫn chương trình: Vậy là ông cho rằng chế độ một Đảng của Trung quốc là thích hợp nhất đối với đất nước đó phải không, Chris?

     Bình luận viên: Tôi không tán thành quan điểm đó, Mike. Tôi xin nói rõ như vậy.

     Người dẫn chương trình: Bombay, Ấn độ, đến lượt các bạn đặt câu hỏi với ngài ngoại trưởng Tống.

     Từ Bombay: Thưa ngài Tống, tại sao các ngài sợ chế độ dân chủ?

     Người dẫn chương trình: Ngài đã trả lời câu hỏi đó?

     Jamie Tống: Tôi nghĩ là tôi đã trả lời rồi.

     Từ Bombay: Nếu tôi có thể nói gì đó thì thưa ngài ngoại trưởng, những điều ngài vừa nói hoàn toàn chỉ đáng vứt vào sọt rác. Mức độ tư bản hóa thị trường chứng khoán của chúng tôi cao hơn nhiều so với các ngài ở Thượng Hải và Thẩm Quyến. Các nhà quản lý tiền tệ ở Schroders và Merrill Lynch thu hút tiền từ quỹ hưu bổng của Mỹ vào Ấn độ nhiều hơn rất nhiều so với vào Trung quốc. Mất trung bình ba tháng để ký được một hợp đồng liên doanh ở đất nước chúng tôi. Còn ở đất nước các ngài là hai năm. Các tòa án của chúng tôi không chịu ơn huệ gì Đảng cầm quyền, vì thế họ làm phận sự của mình mà không thiên vị ai. Cả hai nước chúng ta đều có tệ nạn tham nhũng, và ngài đã nói về Kashmir, về chiến tranh. Đúng, chúng tôi có những vấn đề rắc rối, nhưng nhân dân của chúng tôi biết rõ những vấn đề đó. Còn các ngài giữ bí mật về những bao đựng xác chết được đưa ra khỏi Tây tạng và Tân Cương.

     Người dẫn chương trình: Còn câu hỏi của bạn, thưa bạn?

     Từ Bombay: Vấn đề là gì? Ông ta chính là một kẻ dối trá tàn bạo.

     Người dẫn chương trình: Ngài ngoại trưởng?

     Jamie Tống: Sự thù địch giữa Ấn độ và Trung quốc đã có từ rất lâu. Tôi nghĩ sẽ phải mất thêm một trăm năm nữa người ta mới có thể nói chắc chắn rằng chế độ nào đúng đắn hơn.

     Người dẫn chương trình: Băng Cốc, Thái Lan. Các bạn có câu hỏi?

     Từ Băng Cốc: Có. Chúng tôi ở Đông nam Á nên rất lo ngại về các cuộc tiến công quân sự ở biển Nam Trung hoa. Tôi muốn hỏi ngài Tống rằng tại sao các ông lại coi việc này lại là cần thiết? Tại sao Trung quốc lại gây bất ổn định cho khu vực này?

     Người dẫn chương trình: Lùi việc trả lời câu hỏi này vào giờ ăn trưa chứ, Giả?

     Jamie Tống: Tôi biết có sự lo ngại. Nhưng Trung quốc là một siêu cường. Các lực lượng quốc phòng của chúng tôi phải thể hiện được điều đó. Các vị đã được nghe chính phủ của chúng tôi tuyên bố rằng công việc buôn bán của các nước ven rìa Thái bình dương sẽ không bị tác động. Nhưng chúng tôi cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi chỉ đòi lại chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đúng là của chúng tôi.

     Người dẫn chương trình: Cam Túc, Trung quốc. Các bạn muốn nói với vị ngoại trưởng của các bạn.

     Cam Túc: (không nghe thấy)

     Người dẫn chương trình: Các bạn đang nói trực tiếp với ngoại trưởng Trung quốc.

     Cam Túc: Tại sao chính phủ của tôi không thể nuôi nổi dân chúng? (bị ngắt liên lạc)

     Người dẫn chương trình: Ngài có nghe thấy không, Giả? Tại sao các ngài không nuôi nổi dân chúng của mình?

     Jamie Tống: Có phải chúng ta đã thỏa thuận rằng khi tôi phát biểu trên chương trình của các ông, tôi sẽ không trả lời những câu hỏi từ các công dân Trung quốc, đúng vậy không?

     Người dẫn chương trình: Có sơ suất rồi, cho qua câu hỏi đó đi, Giả. Tôi sẽ đặt câu hỏi vậy. Có phải dân chúng Trung quốc đang bị đói không?

     Jamie Tống: Không có chuyện đó.

     Người dẫn chương trình: Có tình trạng thiếu lương thực không?

     Jamie Tống: Tuyệt đối không có.

     Người dẫn chương trình: Iowa, bạn có câu hỏi dành cho Jamie Tống.

     Từ quận Madison: Thưa ngài ngoại trưởng, tôi là một nông dân trồng ngũ cốc. 80% sản lượng thu hoạch của tôi được dành để bán cho đất nước ngài. Thẳng thắn mà nói, tôi cảm thấy sợ hãi. Liệu tình hình có trở nên thật sự tồi tệ không, các ngài sẽ ngừng mua ngũ cốc của tôi chứ?

     Người dẫn chương trình: Các ngài sẽ tôn trọng những hợp đồng mua lương thực của mình chứ?

     Jamie Tống: Chúng tôi chưa bao giờ khởi xướng một sự đe dọa trừng phạt nào chống lại Mỹ. Chúng tôi chỉ nói rằng nếu Mỹ khởi sự một cuộc chiến tranh thương mại, chúng tôi sẽ trả đũa.
     Người dẫn chương trình: Phải chăng sự trả đũa đó sẽ nhằm vào ngũ cốc của Mỹ?

     Jamie Tống: Tôi có thể nói như thế nào nhỉ? Tại sao ngài không hỏi thẳng tổng thống Hoa kỳ xem ông ta có những kiểu trừng phạt nào ở trong đầu?

     Người dẫn chương trình: Liệu Trung quốc có tồn tại được không nếu như không có ngũ cốc của Mỹ?

     Jamie Tống: Chắc chắn là có thể.

     Người dẫn chương trình: Iowa, nếu tất cả ngũ cốc mà bạn dành bán cho Trung quốc bị ngừng lại thì điều gì sẽ xảy ra?

     Từ quận Madison: Tôi sẽ bị phá sản. Các ngân hàng sẽ rút lại các khoản tiền cho vay. Tôi nghĩ rằng các trang trại quanh vùng cũng sẽ gặp phải điều này. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần mọi việc được giải quyết thận trọng và suôn sẻ...

     Người dẫn chương trình: Ngài ngoại trưởng, các ngài có thể gây thiệt hại cho nước Mỹ như thế nào trong một cuộc chiến tranh buôn bán?

     Jamie Tống: Tôi không ngồi làm công việc tính toán, Mike. Nhưng sẽ là tồi tệ đấy.

     Người dẫn chương trình: (Ngừng lại sửa cặp kính để đọc một bức điện được đưa tới trước mặt ông). Bây giờ, chúng tôi đón nghe một số tin đáng sợ vừa mới được gửi đến. Jamie, xin vui lòng ở lại đây với chúng tôi để đưa ra bình luận của ông. Tất cả những gì chúng tôi cho đến nay được biết là máy bay Trung quốc đã tấn công đoàn xe dân sự đang rời Hải phòng. Hàng chục người đã bị giết hại, nhiều người trong đó là người Mỹ.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #65 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:54:44 pm »


Lược thuật

DẦU LỬA (II) – Nội dung trình bày của Giám đốc Chiến lược kinh doanh – Công ty chứng khoán NOMURA


     Hidei Kobayashi, giám đốc phụ trách vấn đề Chiến lược kinh doanh của công ty chứng khoán Nomura không thích phát biểu trước công chúng. Nhưng vào sáng thứ ba ngày 20/02 ông được yêu cầu thay mặt hội đồng quản trị của Nomura phát biểu về cuộc khủng hoảng ở biển Nam Trung hoa.

     Kobayashi bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng việc giải thích ý nghĩa chiến dịch Đòn Rồng của Trung quốc.

     Ông nói:

     - Thưa quý vị, lý do thực của chiến dịch này chỉ có một phần nhỏ liên quan đến những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ, một phần lý do khác là việc Trung quốc muốn dạy cho những nước láng giềng nhỏ bé hơn một bài học về nền chính trị thực dụng, rằng khi đã chung biên giới với Trung quốc thì chớ nên nuôi dưỡng các yêu sách về lãnh thổ, đặc biệt là đối với vùng biển Nam Trung hoa. Lý do thực chất để các nhà cầm quyền Trung Nam Hải tiến hành cuộc chiến này lại là chuyện khác. Mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung quốc luôn luôn là đòi hỏi giành giật cho bằng được nguồn dầu lửa và hơi đốt ở dưới biển.

     Cử tọa chăm chú nghe những diễn giải của Kobayashi. Lời giải  thích này tuy không có gì mới lạ đối với họ, nhưng danh tiếng của Kobayashi tại công ty Nomura khiến cho mọi người phải tỏ ra chăm chú hơn. Quay về phía các bản đồ và biểu số liệu được phóng lên những màn hình cỡ lớn, Kobayashi tiếp tục nói:

     - Vào cuối thế kỷ 20, thị trường dầu lửa thế giới đã có một sự thay đổi cơ bản trong việc chuyển hướng thị trường từ châu Âu và Bắc Mỹ sang Đông Á . Sự chuyển hướng này biểu hiện trước hết là những thay đổi quan trọng liên quan đến quyền lực tương đối của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong việc chi phối giá dầu lửa trên thế giới. Thời kỳ giữa thập kỷ 1980’ là lúc quyền lực của OPEC bị suy giảm đến mức thấp nhất, năm 1985, thị phần của OPEC trong thị trường dầu lửa giảm xuống chỉ còn 30%, trong khi con số đó là 50% vào giữa những năm 1970. Khi đó OPEC đang ở đỉnh cao quyền lực, những quyết định của tổ chức này có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đến những năm 1990, OPEC đã dần khôi phục lại được vị trí thống soái của mình. Đây không phải là kết quả trực tiếp của bất kỳ hành động nào do tổ chức này thực hiện, mà chính là hệ quả của việc các nước Đông Á phát triển với tốc độ chóng mặt trong thời gian dài. Sự tăng trưởng nhanh chóng đó khiến mức tiêu dùng nội địa của các nước này ngày càng cao, tất cả các quốc gia Đông Á đều trở thành bạn hàng quan trọng của OPEC, những ông bạn hàng khát dầu này đã ngốn khá nhiều dầu lửa mà OPEC sản xuất ra, bởi vì ngay cả các nước sản xuất dầu cũ ở Đông Á như Trung quốc và Inđonêxia cũng không tự cung cấp nổi nhu cầu dầu trong nước, thậm chí cả những mỏ dầu mới được họ khoan thăm do phát hiện thêm cũng có trữ lượng thấp, không thể giúp các nước này đáp ứng được nhu cầu dầu lửa nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa mạnh mẽ.
Vấn đề trở nên đặc biệt gay cấn đối với Trung quốc trong những cuối thế kỷ 20, sau nhiều năm liền luôn phát triển với nhịp độ trên 7%/năm, nền kinh tế Trung quốc đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khoảng 3,5 triệu tấn dầu/năm, bài toán cân bằng cung cầu này chỉ có thể tìm được lời giải thông qua con đường nhập khẩu dầu lửa.

     Trung quốc đã rất nỗ lực tìm kiếm dầu ở vùng biển nội địa nhưng kết quả đem lại không mấy khả quan. Họ chỉ phát hiện được vài mỏ khí đốt với trữ lượng khiêm tốn ở vùng biển Hoa Đông nhưng những mỏ này không có chút dầu nào. Phát hiện khả quan nhất của Trung quốc là túi khí trữ lượng khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển phía nam đảo Hải nam, tức là ở cực bắc biển Nam Trung hoa, từ phát hiện này, họ đã xây dựng một đường ống dẫn khí dài 800 km ngầm dưới biển để cung cấp khoảng 2,9 triệu mét khối hơi đốt một ngày cho một nhà máy nhiệt điện ở Hồng công. Trên đất liền, việc áp dụng những kỹ thuật khoan mới đã thành công trong việc hút được nhiều dầu hơn từ mỏ Đại Khánh ở đông bắc Trung quốc, đây là mỏ dầu có sản lượng cao nhất của nước này. Thực tế các mỏ dầu ở vùng đông bắc chiếm 70% sản lượng dầu Trung quốc có thể khai thác trên đất liền. Việc khoan thăm dò ở vùng lòng chảo Tarim phía tây bắc cũng cho thấy ít nhiều có triển vọng, nhưng do khu vực này có địa hình hiểm trở và nằm khá xa bờ biển nên chi phí vận chuyển dầu từ vùng này đắt hơn bình thường khoảng ba đôla một thùng…
Phòng họp tiếp tục im lặng không hề có một tiếng xì xào, Kobayashi tiếp tục bài phát biểu của mình bằng việc nói với các giám đốc Nomura rằng trong bối cảnh đó chẳng có gì là khó hiểu khi Trung quốc tấn công phong tỏa vùng biển Nam Trung hoa:

     - Giờ đây, vùng biển đó đã có sức hấp dẫn cực kỳ to lớn đối với ban lãnh đạo Trung quốc, đặc biệt khi các tài liệu thăm dò mới nhất đã thông báo cho họ biết sự giàu có không kể xiết của vùng biển này. Một tài liệu chính thức cho rằng “theo các con số ước tính” các mỏ dầu ở “Nam sa” có trữ lượng tới trên 10 tỷ tấn( ). Các nhà địa chất cho rằng khu vực bãi ngầm Tăng Mẫu nằm trên vùng thềm lục địa nông với lớp trầm tích dày khoảng 15.000 mét có thể là một trong những vùng có rất nhiều dầu và khí đốt. Rất có thể đây sẽ trở thành một “vịnh Pecxich” thứ hai. Nếu làm một phép so sánh nhỏ, có thể thấy trong suốt 35 năm khai thác liên tục từ năm 1960 đến năm 1995, mỏ Đại Khánh của Trung quốc đã sản xuất được 1 tỷ 490 triệu tấn dầu, vậy thì với nguồn dự trữ ước tính 10 tỷ tấn có thể khai thác ở “Nam sa”, Trung quốc sẽ không cần phải nhập dù là một giọt dầu trong tương lai gần.

     Các láng giềng của Trung quốc cũng không bỏ qua điều này, đặc biệt là Việt nam. Kể từ năm 1987, khi Việt nam bắt đầu mở cửa và cho phép đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa, nước này đã coi việc phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi là ưu tiên hàng đầu của mình. Một phần tư số vốn đầu tư nước ngoài đã đổ vào ngành công nghiệp này. Hà Nội có những kế hoạch lớn. Họ đề ra mục tiêu sản lượng khai thác đạt 20 triệu tấn dầu một năm vào năm 2000, mục tiêu này đã được người Việt nam đạt tới một cách dễ dàng. Giờ đây, họ còn nhìn xa hơn và đang nhằm mục tiêu 25 triệu tấn/năm vào năm 2005. Điều này không có nghĩa là để tìm kiếm dầu ở biển Nam Trung hoa, tất cả những gì người ta phải làm là khoan giếng và hút dầu lên cho chảy vào một chiếc tàu chở dầu. Về mặt môi trường, biển Nam Trung hoa là một khu vực khó làm việc. Những trận bão làm cho việc khoan dầu trở nên mạo hiểm trong khi những dòng nước mạnh cuốn đi nhiều phương tiện thiết bị lặn thăm dò không người điều khiển. Ngoài những khó khăn nói trên, những người khai thác dầu còn gặp phải cấu tạo địa chất phức tạp và khó đánh giá của vùng biển này. Thực tế, ở mỏ Đại Hùng trong vùng biển nằm sát Trường sa, trữ lượng dầu phát hiện lúc ban đầu được dự đoán là 500 triệu thùng, đã giảm xuống còn 200 triệu trùng sau khi có những khảo sát đánh giá kỹ càng hơn. Tuy nhiên, chính quyền Việt nam vẫn khuyến khích các công ty thăm dò dầu lửa hàng đầu thế giới tới thử vận may ở khu vực này, chính sách khuyến khích đó đã thu được kết quả, công ty British Petroleum (BP) đã có những phát hiện quan trọng về khí đốt tại vùng thăm dò cách bờ biển phía nam Việt nam 360 km, đủ để cung cấp năng lượng cho thành phố Hồ Chí Minh trong vòng ít nhất 25 năm. BP còn là đối tác với Nippon Oil để vận hành một cơ sở khai thác dầu lớn ở quần đảo Hoàng sa .
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #66 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:55:37 pm »

     Lợi ích chủ yếu của Nhật bản ở biển Nam Trung hoa gồm hai phần: thăm dò khai thác dầu khí và hoạt động thương mại hàng hải qua khu vực. Về khai thác dầu khí, một số công ty lớn của Nhật như Nippon Oil, Mitsubishi và Mitsui đã bỏ ra những khoản đầu tư không nhỏ để tiến hành khoan thăm dò và đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của Nhật bản lại là vai trò thông thương của biển Nam Trung hoa. Tuyến hàng hải đi qua khu vực này giống như một huyết mạch quyết định việc buôn bán giữa Nhật với châu Âu và Trung đông, đảm nhận vận chuyển trên 90% khối lượng dầu và khí đốt hóa lỏng (LNG) cùng với ít nhất 70% khối lượng than mà thị trường Nhật tiêu thụ. Tổng kim ngạch buôn bán dầu của thế giới qua tuyến đường biển này lên tới 500 tỷ đôla một năm. Trong đó Châu Á chiếm trên 1/3 còn Nhật bản chiếm một nửa mức tiêu thụ của châu Á. Vì toàn bộ hoạt động thương mại này đều phải đi qua biển Nam Trung hoa nên tầm quan trọng về kinh tế của vùng biển này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực khai thác năng lượng mà còn bao gồm cả việc chuyên chở buôn bán các loại hàng hóa khác như nông phẩm, hàng công nghệ phẩm, thiết bị máy móc .v.v. Tổng giá trị hàng hóa vận chuyển qua đường biển Nam Trung hoa chiếm trên một phần tư khối lượng vận chuyển hàng hải của thế giới.


      Kobayashi nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tuyến hàng hải qua biển Nam Trung hoa bằng một thông báo cho cuộc họp rằng giá dầu đã tăng 5 đôla một thùng vào ngày thứ Hai. Việc đóng cửa các mỏ dầu ở biển Nam Trung hoa đã loại Brunây và Inđônêxia ra khỏi mạng lưới cung cấp, vì vậy, Kobayashi khẳng định, trong một thời gian ngắn nữa giá dầu chắc chắn sẽ còn tăng. Mặc dù Nhật bản có những kho dự trữ lớn nhưng không thể đánh giá hết được những thiệt hại có thể xảy ra đối với các cơ sở sản xuất hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung quốc. Kobayashi cũng nhắc lại cho các giám đốc câu chuyện khi quân đội của Saddam rút lui khỏi Cô-oét, họ đã biến tất cả những giếng dầu ở đất nước đó thành những bó đuốc. Trước một bối cảnh không chắc chắn như vậy, Kobayashi cho rằng đồng yên và thị trường chứng khoán Tôkyô sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm giá trầm trọng, nguy cơ này đã hiển hiện và không có cách nào tránh khỏi. Chỉ số giá trên thị trường chứng khoán Tokyo vào lúc mở cửa sáng hôm đó đã giảm 1.267 điểm xuống còn 38.033 điểm. Nguyên nhân chính của việc giảm giá là do các quĩ đầu tư tín thác của Mỹ đã bán tống bán tháo ra thị trường ra một lượng chứng khoán khổng lồ, thêm nữa, do các nhà đầu tư Nhật bản quay sang mua vào đồng đôla vào một cách ồ ạt đã khiến cho đồng yên tiếp tục chịu sức ép khủng khiếp của một cuộc tấn công có tính chất đầu cơ. Đồng Yên đã giảm 10% giá trị vào ngày thứ hai và giảm thêm 5% giá trị nữa ngay trong phiên giao dịch buổi sáng hôm đó ở Tôkyô.

     Kobayashi kết thúc bài phát biểu một cách buồn bã:

     - Tình trạng sôi động trên các thị trường đã kết thúc. Lạm phát đã có chiều hướng gia tăng trước khi Trung quốc hành động. Nếu giá dầu tiếp tục đứng ở mức cao trong một thời gian đủ lâu, hậu quả gây ra sẽ là khôn lường, giá dầu cao sẽ tác động tiêu cực đến giá của tất cả các loại hàng hóa khác trên toàn thế giới. Tất cả các thị trường chứng khoán đều đã ở vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất kể từ năm 1987 đến nay. Giá chứng khoán giảm sẽ đẩy mức lãi suất thị trường tăng lên, cộng với việc các ngân hàng trung ương phải bơm thêm tiền mặt vào lưu thông để tìm cách tăng dự trữ ngoại tệ sẽ làm cho tình trạng lạm phát trở nên khó kiểm soát hơn. Mặc dù Ngân hàng Nhật bản đã thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ để tìm cách hỗ trợ đồng yên nhưng kết quả đạt được chẳng đáng là bao - Dừng một chút để xem phản ứng của cuộc họp, Kobayashi nói tiếp - Trong bối cảnh đầy bất trắc như vậy, thưa các ngài, thật khó có thể bỏ qua kết luận cổ điển, rằng tiền là chúa tể.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #67 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 02:57:26 pm »

Lược thuật

Những tác hại về mặt nội bộ từ chính sách chiến tranh của Trung quốc



     Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng CNN, khi nghe người dẫn chương trình thông báo tin tức về cuộc tấn công của máy bay Trung quốc vào đoàn xe ở Hải phòng, Tống đã phản ứng rất nhanh, ông ta lấy cớ là thực sự không được biết trước về sự kiện này, nhưng khi nói những câu đó, Tống đã để ý thấy tín hiệu đèn đỏ trên camera trong phòng quay tắt đi trong khi giọng nói của ông vẫn vang lên trên nền hình ảnh đạn đang bắn vào những chiếc xe đậu bên bờ sông.

     Nội dung và kết quả những cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp kiểu như vừa rồi không làm cho công việc của Tống ở Trung Nam Hải dễ dàng hơn chút nào. Chủ tịch Vương Phong là người ít quan tâm đến sắc thái của các mối quan hệ quốc tế, trừ phi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí lãnh đạo của ông ta ở đất nước này. Vấn đề quan trọng nhất mà ông ta phải đương đầu trong thời điểm hiện nay là hiệu lực của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật. Vương Phong phải trả lời được câu hỏi liệu Trung quốc có đủ can đảm và đủ sức mạnh quân sự để đương đầu với hiệp ước này không? Tống hiểu rõ, nếu Chiến dịch Đòn Rồng là một thắng lợi về mặt tuyên truyền, thì Tống sẽ phải thuyết phục các tướng lĩnh hạn chế bớt những hành vi thái quá của binh lính đối với thường dân.
 

     Tháng Ba năm 1996: Quân đội Trung quốc tập trận bên bờ eo biển Đài Loan, ngay trước khi Đài Loan dự định tiến hành cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Để đáp trả hành động này, Mỹ cử 2 tàu sân bay đến khu vực này khiến Trung quốc không dám có thêm hành động hung hăng nào nữa

     Chính sách chi tiêu mới của chính phủ đã được thực hiện trong suốt nhiều năm qua đã phát huy những tác dụng nhất định. Việc đột ngột chuyển toàn bộ ngân sách dành cho đầu tư phát triển sang cho lĩnh vực quân sự đã tạo ra một bộ máy chiến đấu có năng lực hơn, tự tin hơn và được tổ chức hợp lý hơn. Lực lượng tên lửa chiến lược và lực lượng tàu ngầm được hiện đại hóa mạnh mẽ đã đem lại cho quân đội Trung quốc khả năng triển khai sức mạnh mà mười năm trước đây, chính các tướng lĩnh trong quân đội cũng không thể hình dung nổi. Chương trình hạn chế đầu tư phát triển để hiện đại hóa quân đội là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của Trung quốc trong quá trình lập và thực hiện các kế hoạch dài hạn. Sau khi tổng thống Clintơn cử hai nhóm tàu sân bay đến bảo vệ Đài loan hồi tháng Ba năm 1996, Bộ chỉ huy tối cao của PLA đã nhấn mạnh là họ phải được phép bảo vệ chủ quyền và nhân phẩm của Trung quốc.

     Chủ tịch Trung quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã đi đến một kết luận, ông nói: “Nếu cứ tiếp tục theo đuổi hệ tư tưởng đôla một cách mù quáng thì chúng ta sẽ đi tới chỗ tồi tệ chẳng khác gì hơn tình cảnh mà triều đại phong kiến tham nhũng thối nát của thế kỷ 19 đã gặp phải. Chúng ta sẽ phải chịu bị lệ thuộc vào các công ty nước ngoài và sẽ bị các lực lượng đế quốc bắt nạt. Tổ quốc ta sẽ không bao giờ đánh đổi tự do của mình lấy sự giàu sang”.

      Những tác động tiêu cực của chính sách “thắt lưng buộc bụng, giành sức cho quốc phòng” đối với dân chúng đã bị chính quyền bưng bít giữ kín. Tất cả các thông tin về sự khổ cực, đói nghèo, các cuộc nổi loạn, binh biến, các cuộc hành quyết, nạn đầu cơ lương thực … đều bị giới hạn tuyệt đối. Những sự việc tồi tệ đó bị đẩy ra những vùng xa xôi hiểm trở khó đi lại, tại đó chính quyền có thể sử dụng bạo lực để đàn áp mà không sợ những hậu quả tai hại. Và cứ như vậy, những khoản tiền đáng lẽ được dùng để xây dựng hệ thống tưới tiêu thì lại được chi cho việc huấn luyện tàu ngầm. Một vài tuyến đường giao thông đã bị hy sinh cho việc nghiên cứu công nghệ phát hiện hình ảnh tia hồng ngoại. Nhiều  tỉnh nông thôn không được cung cấp đủ về thuốc men do ngân sách y tế được dành vào việc phát triển kỹ thuật tiếp nhiên liệu trên không…

      Jamie Tống đã ghi trong cuốn nhật ký của mình như sau: “Trung quốc có thể sẽ đi đến sự kết thúc mà chẳng đạt được gì hơn ngoài sự phân tán niềm tự hào của chính mình, niềm tự hào về một đất nước Trung hoa rộng lớn, thống nhất sẽ được chia sẻ giữa các sứ quân với nhau”. Trên đường đến Ủy ban Trung ương ở Trung Nam Hải, Tống đã đọc tất cả những bài viết cắt ra từ báo chí phương Tây, chúng đang nhắc nhở ông ta về sự chia rẽ nội bộ, có thể sẽ làm tan rã nước Trung hoa hiện đại.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #68 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 03:00:11 pm »

Bài viết đăng trên tờ Bưu điện Washington: “Câu chuyện từ Định Tây – Trung quốc”
Thứ Ba ngày 23/10/2004



      Vùng Định Tây thuộc về tây bắc Trung quốc là một vùng đất hoang vu khô cằn trải dài hàng trăm kilômét. Quang cảnh thường gặp ở đây là những ngọn đồi khô trọc in hình lên bầu trời một cách cằn cỗi không chút mến khách. Đây đó, từng tốp nông dân mặc quần áo xanh đỏ sặc sỡ nhưng khá bẩn đang vất vả làm việc. Cách ăn mặc sặc sỡ khiến những người này trông tương phản nổi bật hẳn lên trên nền khung cảnh cằn cỗi. Những thửa ruộng bậc thang trồng lúa được họ đào đắp bằng tay chạy xuôi theo sườn đồi. Đất tơi xốp dưới đường cày. Vùng này nổi tiếng khô hạn, họa hoằn lắm mới có mưa, nhưng những cơn mưa đó lại hết sức dữ dội, cuốn trôi cả mùa màng. Sau cơn mưa, đất đai lại khô nẻ không còn giữ được độ ẩm khiến những gì còn sót của mùa màng thường bị mất sạch. Thời tiết nơi đây thật khắc nghiệt, hầu hết mọi ngày trong năm bầu trời không có mây. Mặt trời thiêu đốt làm cho mọi hình thức sống đều trở nên khó khăn, cây trồng chết héo dần dần. Tuy vậy từ nhiều năm nay, nông dân Định Tây vẫn tiếp tục ra sức cày cấy. Họ đặt lòng tin vào Tổ quốc, vào Đảng Cộng sản Trung quốc và lãnh tụ Mao Trạch Đông. Mao đã từng đặt căn cứ cách mạng ở đây và biến những người nông dân lam lũ nơi này thành những người anh hùng của cuộc Cách mạng Trung quốc. Hàng chục năm qua, những người nông dân Định Tây cách Bắc Kinh 3.000 km vẫn tin tưởng vào cuộc Cách mạng đó.

     Mọi việc sẽ cứ tiếp tục như vậy cho đến khi một sự kiện đặc biệt xảy ra ở vùng ngoại ô thị trấn Định Tây nhỏ bé. Một người nông dân đang cày ruộng thì con ngựa gày gò, do phải làm việc quá sức mà không được chăm sóc đầy đủ đã quỵ xuống khi đang kéo cày. Người nông dân đi bộ đến thị trấn để xin được chính quyền giúp đỡ chuyển xác con vật đi. Ông ta cũng cần một con ngựa khác. Từ nhiều năm nay, việc quản lý, sử dụng sức kéo, phân phối hàng nông sản phẩm luôn cần có sự cho phép của chính quyền, người nông dân này đã thực hiện đúng quy định, sau khi báo cáo với cán bộ của ủy ban nhân dân thị xã, ông quay trở về mảnh ruộng của mình và chờ đợi. Một tuần sau, xác con vật thối rữa trên mảnh ruộng duy nhất của ông ta. Vụ ngô thế là không thể tiến hành gieo trồng được nữa. Không một quan chức nào của chính quyền thị xã đến thăm hỏi. Người nông dân quyết định trở lại ủy ban nhân dân thị xã Định Tây. Bên ngoài trụ sở chính quyền của thị trấn có treo một tấm biểu ngữ mang dòng chữ Trung quốc màu đỏ chói ca ngợi chủ nghĩa xã hội và nền văn minh tinh thần của Trung quốc. Vị cán bộ tiếp người nông dân này một cách hờ hững, thậm chí còn không mời ông uống nước chè. Thay vào đó, anh cán bộ kia nói cho người nông dân biết rằng bản thân ông ta đã không chịu theo dõi tình hình đang diễn ra ở Trung quốc. Anh cán bộ này đến từ Bắc Kinh và mới chỉ độ xấp xỉ 30 tuổi. Mặc dù chỉ kém hơn người nông dân vài tuổi, nhưng với khuôn mặt béo tốt nhẵn nhụi, lại luôn tỏ ra nhanh mồm nhanh miệng trong một bộ quần áo hợp mốt, anh ta như thuộc về thế hệ khác. Anh cán bộ cấm cảu giải thích cho người nông dân rằng chính phủ sẽ không cấp ngựa cày nữa. Ở nước Trung hoa hiện đại, mọi người phải tự lo cho mình. Chỉ những người nào có khả năng thích nghi tốt nhất mới tồn tại được. Khôn sống mống chết, sẽ có người phải chịu thiệt nhưng đó là cách duy nhất để giúp Trung quốc phát triển, trở nên giàu có hơn và có đủ sức đương đầu được với đường lối bá quyền của phương Tây.

     Người nông dân im lặng nghe bài diễn thuyết của anh cán bộ này, trước đó ông ta cũng đã nghe phong phanh về những thay đổi lớn. Vài tháng trước, chính quyền đã nói những người nông dân như ông có thể tự bán sản phẩm thu hoạch của mình cho bất cứ người nào muốn mua. Nhưng họ chưa bao giờ nói cho ông biết rằng Đảng sẽ không giúp đỡ nữa nếu ông gặp khó khăn.

     Hơi hoang mang chút xíu khi nhận ra rằng mình sẽ không được cấp ngựa cày nữa, người nông dân rụt rè hỏi anh cán bộ ủy ban rằng liệu chính quyền có giúp ông chuyển từ trồng ngô sang trồng lúa miến không? Ông đã nghe nói lúa miến cần ít nước tưới hơn, vả lại nếu trồng lúa miến thì ông có thể cày ruộng bằng tay, cái mà ông cần là được hướng dẫn cách làm. Thậm chí ông sẽ trồng thử đậu tương để lấy dầu bởi vì loại cây này chỉ cần ít nước tưới hơn trồng lúa miến.

     Vị quan chức trẻ tuổi rõ ràng không hiểu người nông dân đang nói gì, có thể anh ta cũng chẳng quan tâm lắm đến vấn đề đó, anh nói dứt khoát:

     - Ông có thể làm những gì ông muốn nhưng chúng tôi không thể trợ cấp cho ông được nữa.

     Người nông dân sững sờ, hình như có sự đổ vỡ trong lòng ông, rõ ràng là lời di huấn của chủ tịch Mao kính mến đang bị phản bội. Ngươi ta đang bỏ rơi nhân dân, đang quay mặt lại với nông dân, quay mặt lại với động lực của cách mạng. Việc mất đi con ngựa kéo duy nhất, thậm chí mất cả vụ mùa màng năm đó không có ý nghĩa gì cả, tất cả những chuyện đó đều có thể chấp nhận được, đó là số phận của người nông dân Trung quốc từ nhiều thế kỷ nay. Và nông dân đã luôn vượt qua thử thách dữ dội nhất, đau thương nhất để làm cho đất nước này trở nên vĩ đại, nông dân đã một lòng theo cách mạng, theo Mao chủ tịch, quyết hy sinh tất cả vì đất nước, vì chủ nghĩa xã hội, thế mà giờ đây người ta đang tỉnh queo phản bội lại lời dạy của Mao chủ tịch, phản bội lại lợi ích của nông dân.

     
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #69 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2007, 03:01:27 pm »

     Rời khỏi trụ sở ủy ban nhân dân thị trấn, người nông dân đã quyết định phải làm một việc khác thường. Ông sẽ hành động bởi vì những lời hứa của chủ tịch Mao đã bị phản bội. Đang bước xuống cầu thang, ông chợt nhìn thấy ba quan chức chính quyền cười nói hỉ hả giống như khi những nhân vật tai to mặt lớn gặp nhau. Họ cùng chui vào một chiếc ô tô màu đen và cho xe rồ ga vọt nhanh ra cổng. Chiếc xe chồm lên như một con hổ dữ, hung hãn tới mức làm cho một phụ nữ đang cõng con trên lưng đứng cạnh đường hoảng sợ, chị bị mất thăng bằng và ngã sóng soài ra đường. Chiếc xe không hề dừng lại, nhả ra phía sau một tiếng rống kèm theo làn khói bụi mù mịt, nó lao biến đi nhanh chóng trên con đường quan trước mặt ủy ban nhân dân thị trấn. Những người bán hàng rong quanh đó vội chạy tới đỡ người phụ nữ kia dật, nhiều người tỏ ý bất bình trước cảnh này. Bác nông dân, người sẽ trở nên nổi tiếng sau ngày hôm đó, chợt nhớ lại một đoạn trong trước tác của Mao Trạch Đông: “Hàng trăm triệu nông dân Trung quốc sẽ vùng lên như một cơn bão tố, tạo nên một lực lượng hùng hậu, nhanh và mạnh như một trận cuồng phong khiến cho không thế lực nào có thể ngăn cản. Lực lượng nông dân ấy sẽ đập tan mọi xiềng xích trói buộc, xóa bỏ mọi kìm kẹp để tiến bước trên con đường đi tới tự do. Họ sẽ quét sạch bè lũ đế quốc, chôn vùi bọn địa chủ, tham quan, xóa bỏ bạo ngược cường quyền. Lực lượng nông dân Trung quốc sẽ đào mồ chôn sâu bọn áp bức bóc lột độc ác”.

     Lời dạy của Mao chủ tịch vang lên trong đầu khiến người nông dân bất giác kêu lên giận dữ. Ông đưa tay giật tấm biểu ngữ treo ở lối vào cửa trụ sở thị trấn xuống, trải nó xuống đất và nhổ lên tấm biểu ngữ đó. Bất ngờ bởi hành động cả gan của mình, ông ta đứng ngơ ngẩn, nhưng ngay lúc đó, có thêm nhiều người tỏ thái độ ủng hộ ông. Một số cũng nhổ nước bọt, những người khác dẫm chân lên tấm biểu ngữ, vài người khác còn đổ nước chè từ những chiếc ấm trong tay họ lên tấm vải. Tiếp đó, có ba thanh niên đi xe máy đến. Họ nhặt tấm biểu ngữ lên, đổ dầu và châm lửa đốt. Một đám đông xúm đến xem. Không ai hò hét cổ vũ. Khi tàn tro tan ra bay theo gió, những thanh niên này trao cho đám đông những tờ giấy in sẵn.

     Những tờ giấy này do một tổ chức có tên là Đảng Cộng sản mới của Trung quốc in ra, trên đó có những lời đề nghị dân chúng hãy tự xác định tầng lớp xã hội của chính mình: tư sản, tiểu nông, thợ thủ công, bán hàng rong, bán hàng thuê; tá điền, lao động không có tay nghề và cuối cùng là tầng lớp vô sản lưu manh. Nhóm vô sản lưu manh gồm những người được Mao Trạch Đông coi là một trong những vấn đề rắc rối lớn nhất mà nước Trung hoa phải giải quyết, họ gồm: “những người nông dân bị tước đoạt mất ruộng đất, thợ thủ công mất hết cơ hội việc làm và là kết quả của sự áp bức bóc lột... những người hiện phải sống một cuộc sống bấp bênh khổ cực nhất của con người”.

     Dưới thời Mao có 20 triệu người thuộc nhóm vô sản lưu manh. Giờ đây con số đó đã là 200 triệu người. Người nông dân của chúng ta chỉ là một trong số những người này. Tối hôm đó, ông không trở về ngôi nhà của mình. Sau khi đốt tấm biểu ngữ, ông đã có thêm những người bạn mới, họ đưa ông đến quán cà phê và mua bia cho ông uống. Ông kể với họ về vấn đề con ngựa của ông. Ông lắng nghe những câu chuyện của người khác. Rõ ràng những tình trạng hết sức bất công đang diễn ra ở khắp Trung quốc. Sau đó, khoảng 100 người quay trở lại trụ sở ủy ban nhân dân thị trấn. Họ ném đá, đập vỡ các cửa sổ, sau đó họ xông vào nhà và lục lọi các phòng làm việc. Khi họ sắp đốt trụ sở này thì cảnh sát vũ trang nhân dân xuất hiện, bao vây và nổ súng. Mười người bị thương. Năm người chết. Người nông dân bị bắt giữ và kết án 15 năm lao động khổ sai. Những thanh niên phát các tờ giấy in đã rời khỏi Định Tây từ lâu. Chính Mao đã viết về tổ chức này như sau: “Họ có những tổ chức bí mật ở nhiều nơi”.
Logged

Để gió cuốn đi...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM