Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:02:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đòn Rồng  (Đọc 174783 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:23:31 am »

Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt nam
Giờ địa phương: 07h30’ Chủ Nhật, 18/02/2005
Giờ quốc tế: 00h30’ Chủ Nhật, 18/02/2005




     Chủ tịch Việt nam Nguyễn Văn Tài đã có kế hoạch đi thăm cố đô Huế vào buổi sáng hôm đó, nhưng mọi việc đành phải gác lại. Suốt trong 45 phút liền, ông và bộ tham mưu của mình vùi đầu vào những tấm đồ Việt nam và biển Nam Trung Hoa.

     Nguyễn Văn Tài được mọi người biết đến như là một Gorbachev của Việt nam, đây là một niềm vinh dự mà ông không hoàn toàn chấp nhận, lúc này ông đang ngồi ở một phía chiếc bàn kiểu Pháp từ thế kỷ 19 được trang trí cầu kỳ, các tướng lĩnh và cố vấn dân sự của ông ngồi phía bên kia bàn. Trên bức tường đối diện có treo hai bức chân dung cỡ lớn: Một bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nhà nước Việt nam Cộng sản, còn bức chân dung kia là hình đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đánh bại thực dân Pháp trong trận Điện biên phủ năm 1954. Dường như hai vị lãnh đạo này cũng đang tham dự cuộc họp quan trọng cùng những người kế nhiệm họ.

     Chủ tịch Nguyễn đang kết thúc bài tổng kết của mình, ông nói:
- Thưa các ông, như vậy các ông đã nói với tôi rằng đường hướng hành động tốt nhất của chúng ta lúc này là không hành động gì hết. Vì vậy tôi sẽ ra lệnh cho lực lượng không quân của chúng ta cứ ở nguyên tại Lào và Campuchia. Hải quân, hay chính xác hơn là những gì còn sót lại của hải quân cũng phải cố bảo toàn lực lượng, tôi sẽ yêu cầu họ phải giữ cho được các tàu chiến của mình ở những vùng biển xa nhằm tránh các cuộc tấn công của Trung quốc. Đành vậy, và đó là mệnh lệnh. Tướng Diễm, ông hãy lo liệu để thông báo ngay lệnh này cho không quân và hải quân. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là tôi không hoàn toàn hài lòng với ý kiến không làm gì ngoài việc bảo toàn lực lượng của chúng ta. Tôi muốn Trung quốc trả giá cho điều họ đã làm. Chúng ta cần phát động một chiến dịch khủng bố dọc đường biên. Không sử dụng lực lượng, chỉ dùng những đơn vị nhỏ luồn sâu. Tôi muốn điều những chiến binh giỏi nhất của chúng ta về bảo vệ Hà Nội. Điều tôi nghĩ đến là các hoạt động du kích. Khéo léo, nhanh gọn và không để lại dấu vết gì là hiệu quả nhất, nhưng phải bố trí thế nào để có được ảnh hưởng tối đa. Tướng Thu, ông hãy lo liệu điều đó. Cuối cùng, tôi cho rằng chúng ta cần kéo cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Pháp và Hoa kỳ vào cuộc xung đột này. Tôi sẽ gọi cho tổng thống Pháp Dargaud và sau đó tôi sẽ gặp đại sứ Hoa kỳ ở Hà Nội. Đồng thời, tôi muốn có một bản tuyên bố đầy đủ được phát qua Đài tiếng nói Việt nam với nội dung lên án Trung quốc một cách dứt khoát không mập mờ. Tôi cũng muốn trình bày rõ ràng về tính hợp pháp trong yêu sách của chúng ta đối với các quần đảo này. Tuyên bố này cần kết luận bằng một lời kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp. Đó là tất cả những việc cần thiết phải làm trong sáng ngày hôm nay.

     Buổi phát thanh của Hà Nội cho biết:
“Rạng sáng nay, Chính phủ Trung quốc đã mở một cuộc tấn công trong tình trạng không bị khiêu khích vào lực lượng không quân và hải quân Việt nam nhằm tiêu diệt khả năng bảo vệ đất nước của chúng ta. Hành động này đã gây tổn thương trong trái tim của mỗi người nhân Việt nam. Nhân dân Việt nam ngàn đời không bao giờ quên hành động bội bạc này.

     Hải quân Trung quốc đã bao vây những dàn khai thác dầu trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa ở biển Đông. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Việt nam kêu gọi Trung quốc rút quân ngay lập tức và phải từ bỏ yêu sách có tính chất bạo loạn của họ đối với lãnh thổ Việt nam, nếu không, Trung quốc sẽ phải nhận lấy những hậu quả của chiến tranh kéo dài”.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 11:12:23 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #21 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:24:55 am »

Lược thuật :


Yêu sách của Việt Nam đối với các khu vực trong biển Nam Trung hoa



     Trước tình hình hết sức nghiêm trọng ở khu vực quần đảo Trường sa, kể từ tháng 12 năm ngoái Việt nam đã ba lần đề nghị phía Trung quốc mở các cuộc thảo luận đàm phán để giải quyết các bất đồng liên quan đến quần đảo Trường sa, quần đảo Hoàng sa cũng như các cuộc tranh chấp khác về đường biên giới chung giữa hai bên. (Các công hàm ngày 17 và 23 tháng 12). Đồng thời Việt nam đã đề nghị rằng trong khi chờ đợi giải quyết các cuộc tranh chấp bằng biện pháp thương lượng, hai bên cần kiềm chế sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và tránh bất cứ xung đột nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình. (Công hàm ngày 26/12).

     Nhà cầm quyền Trung quốc không những đã không đáp lại những đề nghị của phía Việt nam mà còn vu khống gán cho những đề nghị của Việt nam cái nhãn “đạo đức giả”. Họ làm như vậy để có cớ bác bỏ các cuộc thương lượng với phía Việt nam và tìm cách thoái bỏ các cam kết mà hai bên đã ký về việc không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Tất cả những điều này cho thấy rằng Trung quốc đang tiếp tục theo đuổi thực hiện một chính sách thù địch đối với Việt nam, tiến hành các hành động lấn chiếm quân sự ở quần đảo Trường sa. Trước thái độ như vậy của nhà đương cục Trung quốc, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Việt nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Những hành động của Trung quốc ở quần đảo Hoàng sa trước đó và ở quần đảo Trường sa hiện nay, thực tế chỉ là một phần của chính sách bành trướng và bá quyền của Trung quốc đối với Việt nam và Đông nam Á.

     Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa nằm cách nhau 800 km. Chúng gồm một số lớn các đảo, bãi đá san hô ngầm và bãi cát ngầm. Tổng diện tích phần nổi của mỗi quần đảo khoảng 10 km2. Giá trị của cả hai quần đảo là vị trí chiến lược của chúng ở vùng biển Đông phong phú về tiềm năng dầu khí. Lập luận của Việt nam là chúng ta đã duy trì sự chiếm giữ trên thực tế hai quần đảo này ít nhất là từ thế kỷ 12, khi chúng không thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào và nhà nước Việt nam đã thực hiện một cách có hiệu quả, liên tục và hòa bình chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này cho đến khi chúng bị các lực lượng vũ trang Trung quốc xâm chiếm.

     Mối quan hệ giữa Việt nam và Trung quốc đã không phát triển như nhân dân Việt nam hy vọng. Cùng với việc leo thang những hành động khiêu khích và các hoạt động lấn chiếm đất dọc biên giới trên đất liền, vào tháng 1/1974 Bắc Kinh đã sử dụng một lực lượng quân sự tấn công và chiếm đóng các nhóm đảo còn lại ở phía tây quần đảo Hoàng sa. Cùng với việc mượn tay bè lũ diệt chủng Pol Pot tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới Tây nam Việt nam, Trung quốc đã trực tiếp mở cuộc chiến tranh năm 1979 với sự tham gia của 600.000 quân ở các khu vực biên giới phía Bắc. Giờ đây, bằng việc bất ngờ tiến hành cuộc tấn công ô nhục mới này,  nhà đương cục Bắc Kinh đã lại một lần nữa đẩy mối quan hệ hữu nghị Trung – Việt đến tình trạng xấu nhất. Những thực tế của hơn 20 năm qua đã cho thấy rõ rằng Trung quốc đã đảo ngược quan hệ, đổi bạn thành thù và trơ tráo thực hiện chính sách chống Việt nam.

     Hàng nghìn năm qua, Trung quốc chưa bao giờ thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Trường sa và Hoàng sa. Tuy nhiên Trung quốc đã chiếm được quần đảo Hoàng sa bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự một cách dần dần trong suốt thời gian từ năm 1956 đến năm 1999. Và điều họ đã làm từ cuối năm ngoái là bắt đầu đe dọa một lần nữa sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm đóng một số bãi đá và bãi đá ngầm ở Trường sa của Việt nam. Bằng cách đó, Trung quốc đang tiến hành những hành động mà cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Cảnh Ngũ Hoa ( ) đã tuyên bố ngày 30/7/1997: “Lãnh thổ Trung quốc trải dài tới các bãi đá ngầm James gần Sarawak (Malaixia)... Người ta có thể đã tự do tiến hành khai thác (khu vực này). Tuy nhiên đến lúc chúng ta sẽ lấy lại những hòn đảo này. Khi đó sẽ không cần thiết phải thương lượng gì hết, những hòn đảo này từ lâu đã thuộc về Trung quốc”.
Những yêu sách của Trung quốc đòi chủ quyền đối với những đảo này là vô nghĩa. Bắc Kinh đã viện ra những cuộc khảo sát thiên văn học triều Nguyên (thế kỷ 13) tại Nam hải đồ (Nanhaito) để kết luận rằng quần đảo Tây sa nằm trong lãnh thổ của Trung quốc dưới thời Nguyên. Tuy nhiên, chính trong sử sách triều Nguyên đã viết rằng lãnh thổ Trung quốc dưới triều này chỉ kéo dài đến đảo Hải nam ở phía nam và không vượt quá sa mạc Gôbi ở phía bắc, tức là không bao gồm các đảo mà Trung quốc ngày nay gọi là Tây sa. Trung quốc đã viện ra cuộc tuần tra biển của phó đô đốc Vũ Sinh( ) thực hiện trong những năm 1710 đến khoảng năm 1721 dưới triều Thanh, lập luận rằng bản thân phó đô đốc Vũ đã xuất phát từ Quỳnh Nhai ( ), qua Đồng Cổ ( ), Thất Châu Dương ( ) và Tứ Canh Sa ( ) để thực hiện một chuyến đi tuần sát vùng biển dài 5000 km. Trên cơ sở này, Trung quốc quả quyết rằng Thất Châu Dương (Qizhouyang) chính là khu vực quần đảo Tây sa hiện nay, khi lúc đó nằm trong phạm vi tuần tra của các đơn vị hải quân của tỉnh Quảng đông. Quỳnh Nhai (Qiongya), Đồng Cổ (Tonggu) và Tứ Canh Sa (Sigengsha) là tên những địa điểm trên bờ biển đảo Hải nam, còn Thất châu dương (Qizhouyang) là một vùng biển nằm giữa bờ biển đông bắc của đảo Hải nam và nhóm 7 đảo nhỏ nằm phía đông bắc đảo Hải nam. Như vậy đó chính là một chuyến đi thanh tra qua đảo Hải nam. Những kết luận của Bắc Kinh rõ ràng trái ngược với những thực tế lịch sử địa lý.

     Ngoài ra, nếu các chuyến tuần tra và thanh tra trên biển được trình bày như là một lập luận chứng tỏ chủ quyền của Trung quốc đối với hai quần đảo này thì người ta có thể tự hỏi liệu Trung quốc có sẽ đòi chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ liên quan đến cái mà Trịnh Hòa dưới triều Minh đã 7 lần (từ năm 1405 đến năm 1430) phái một hạm đội hải quân lớn với hơn 60 tàu chiến và 28.000 quân đến để áp đặt quyền bá chủ của Trung quốc trên những vùng lãnh thổ ở khu vực Ấn độ dương và tiến hành thăm dò lãnh thổ ở khu vực Hồng Hải và dọc bờ biển Đông Phi hay không?

     So sánh những trường hợp riêng biệt của Việt nam và Trung quốc, người ta có thể thấy rằng Trung quốc đã chưa bao giờ quản lý về mặt hành chính đối với các quần đảo Hoàng sa và Trường sa cũng như hoàn toàn không thể nói rằng Trung quốc đã thực hiện có hiệu quả, liên tục và hòa bình “chủ quyền” của họ đối với những quần đảo này. Yêu sách về chủ quyền của Trung quốc là một thứ yêu sách phi lý mà cho đến nay Trung quốc đã không thể chứng minh được. Nhà nước Việt nam đã chiếm giữ có hiệu quả 2 quần đảo Hoàng sa và Trường sa kể từ ít nhất là thế kỷ 17 và đã thực hiện có hiệu quả, liên tục và hòa bình chủ quyền của mình kể từ đó. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, các triều đại của Trung quốc chưa bao giờ phản đối mà đã ngầm công nhận quyền lực pháp lý của Việt nam đối với những quần đảo này.

     Quyền tài phán của Việt nam đối với những quần đảo này được nhiều quốc gia hàng đầu thế giới công nhận, trong đó có nước Pháp. Trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chính phủ Việt nam đã yêu cầu nước Pháp cử quân đội đến giúp đánh giá thiệt hại mà Trung quốc đã gây ra cho các lực lượng quân sự của Việt nam. Việt nam tin tưởng và chờ đợi sự đáp ứng tích cực từ phía Pháp.

     Những diễn biến cho đến thời điểm ngày hôm nay cho thấy tất cả những mối nguy hiểm vốn có trong chính sách của Trung quốc dựa vào việc sử dụng vũ lực. Một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp đối với các quần đảo Trường sa và Hoàng sa sẽ đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt nam và Trung quốc, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông nam Á, khu vực châu Á – Thái bình dương và toàn thế giới. Đây là con đường đúng đắn nhất. Dư luận công chúng ở Đông nam Á và trên toàn thế giới đang trông chờ sự đáp ứng tích cực của Trung quốc. Là một trong năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung quốc có nghĩa vụ quan trọng là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 07:36:20 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #22 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:27:28 am »

Bộ ngoại giao Hoa kỳ, Washington DC
Giờ địa phương: 20h00’ thứ Bảy 17/02/2005
Giờ quốc tế: 01h00’ Chủ Nhật 18/02/2005




     Tuyên bố đầu tiên của Hoa kỳ là từ Donald Bryant - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông ta đã tổ chức một cuộc họp báo cho các phóng viên hoạt động tại Bộ Ngoại giao.

BRYANT: Như các vị đã biết, chúng tôi vẫn còn đang cố gắng tìm hiểu chính xác những gì đang diễn ra ở Việt nam và biển Nam Trung hoa. Tổng thống, Ngoại trưởng, cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng và các Tham
mưu trưởng liên quân đã được thông báo tình hình. Tổng thống đã họp với Ngoại trưởng và cố vấn An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng trong nửa giờ qua.

     Tổng thống đã đưa ra tuyên bố sau đây:

     “Chính phủ Hoa kỳ lo ngại trước sự bùng nổ bạo lực ở biển Nam Trung hoa. Những tin tức đầu tiên của chúng tôi cho thấy đã có thương vong đáng kể, đặc biệt là đối với thường dân Việt nam. Chúng tôi bị choáng váng bởi sự kiện đẫm máu này. Khu vực biển Nam Trung hoa là nơi được cả thế giới quan tâm và các quốc gia trong khu vực đã nêu tấm gương cho tất cả chúng ta về cách thức dành ưu tiên trên hết cho buôn bán và làm giàu. Chúng tôi kêu gọi cả Việt nam lẫn Trung quốc hãy chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai bên. Hoa kỳ sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi quyền lực của mình để chấm dứt cuộc tranh chấp này. Chúng tôi vẫn còn đang cố gắng xác định số thương vong trong số các công dân Hoa kỳ. Các vị sẽ được thông tin về mọi diễn biến”.
Có ai hỏi tiếp không?

     HỎI: Ngài có biết gì thêm về những thương vong của Hoa kỳ?
     
     BRYANT: Chúng tôi cho rằng có thể một số công dân Hoa kỳ đã bị thương trong cuộc ném bom vịnh Cam ranh. Các khu vực dân sự ở đó bị tiến công dữ dội. Có vài trăm người Mỹ trên các dàn khoan ở biển Nam Trung hoa. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết rõ cái gì đang diễn ra ở khu vực đó. Trung quốc đã xác nhận chủ quyền đối với nhóm đảo Crescent ở Hoàng sa. Họ đã loan báo điều đó trên đài phát thanh nhà nước của họ. Đó là tất cả những gì chúng tôi biết được cho đến nay. Mời cô Sarah.

     HỎI: Ngài nói các khu vực dân sự bị tiến công tại vịnh Cam ranh. Ý ngài muốn nói các khu vực thường dân Việt nam ở trong thành phố hay các khu nhà của các nhân viên phương Tây ở đó? Và nếu như vậy, họ có đúng là dân sự không? Chẳng phải là họ đang giúp quân đội Việt nam đó sao?

     BRYANT: Đúng. Tôi đang nói đến khu ở của người nước ngoài. Nhưng khi người ta bắt đầu ném bom những ngôi nhà có trẻ em ở trong thì tôi nghĩ chúng ta đang nói về thường dân.

     HỎI: Ngài cho rằng các công nhân dầu khí Hoa kỳ ở đó trong khu vực lãnh thổ bị Trung quốc chiếm đóng hiện là con tin hay tù nhân?

     BRYANT: Họ đang bị giam giữ. Chúng tôi muốn họ được thả.

     HỎI: Các sứ quán của chúng ta ở Bắc Kinh và Hà Nội nói gì?

     BRYANT: Thứ trưởng Bostock đã nói chuyện riêng với từng đại sứ của chúng ta ở đó.

     HỎI: Và ngài sẽ lại nói rằng họ hầu như không biết gì khác hơn những thông tin vừa qua, có phải vậy không?

     BRYANT: Đại sứ của chúng ta ở Hà Nội dự kiến tới gặp chủ tịch Nguyễn Văn Tài trong vài giờ nữa. Còn đại sứ của chúng ta ở Bắc Kinh chưa nhận được thông báo nào về việc liệu ông ta có thể gặp được một nhà lãnh đạo cao cấp nào của Trung quốc không.

     HỎI: Tại sao các ngài không lên án đây rõ ràng là một hành động xâm lược của Trung quốc?

     BRYANT: Tôi không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối thoại đầy những ngôn ngữ kích động. Trung quốc đã tiến hành các cuộc không kích chống Việt nam. Như tổng thống nói, đã có thương vong. Ông cũng nhấn mạnh rằng chúng ta là bạn của cả hai nước.

     HỎI: Ngài thấy Việt nam đang dự tính những hành động gì gây thêm căng thẳng?

     BRYANT: Ồ, Barry, ông biết đấy, tôi sẽ không đưa ra ý kiến phỏng đoán này kia về những phản ứng của Việt nam. Ý tôi là người ta có thể dễ dàng tưởng tượng tất cả các kiểu sự việc mà phía Trung quốc sẽ cho đó là hành động khiêu khích của Việt nam.

     HỎI: Tôi đang cố hiểu tại sao ngài lại chọn việc tình nguyện đưa ra sự khuyên nhủ đối với cả hai bên.

     BRYANT: Chúng tôi đã...

     HỎI: Rõ ràng Trung quốc là bên gây chiến. Người Việt nam ở đó, tuy có mất bình tĩnh đôi chút nhưng cũng đang tự hỏi liệu sẽ có ai tới giúp họ không  trong khi các ông thì lại nói với họ “Đừng có khiêu khích”.

     BRYANT: Này, John? Ông có câu hỏi à?

     HỎI: Chúng ta sẽ xuất phát từ đâu để giải quyết cuộc khủng hoảng này? Sẽ sử dụng lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc hay dùng lính thủy đánh bộ Mỹ?

     BRYANT: Tôi không muốn phỏng đoán điều mà tổng thống  đang thảo luận cùng các cố vấn của ông ấy. Đêm nay tôi sẽ trực ở đây và rất sẵn sàng chia sẻ với quý vị bất cứ tin tức nào mới nhất.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 11:12:59 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #23 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:29:07 am »

Phố Downing, London
Giờ địa phương: 01h55’ Chủ Nhật 18/02/2005



      Thủ tướng Stephenson đọc những báo cáo cuối cùng từ Sở Chỉ huy Thường trực Liên quân Northwood trong khi chờ đợi Bộ Ngoại giao kết thúc buổi thông báo tình hình, sau đó ông nói chuyện với tổng thống Hoa kỳ. Cả thủ tướng Stephenson và tổng thống Bradlay đều nhất trí rằng trong thời điểm này châu Âu và Hoa kỳ nên tỏ thái độ trung lập. Tổng thống Bradlay nói rõ Hoa kỳ đã ký một hiệp ước an ninh chung với Nhật bản từ năm 1960. Bên cạnh đó Hoa kỳ cũng có những cam kết tương tự với Philippine. Vì vậy nếu Trung quốc gây trở ngại cho việc chuyên chở bằng đường biển, đặc biệt là các đường tiếp tế dầu qua biển Nam Trung hoa, hoặc nếu Trung quốc can thiệp vào các giàn khai khoan khai thác dầu khí của Mỹ nằm trong khu vực này thì Washington sẽ gửi một tín hiệu quân sự cho Bắc Kinh. Các nhóm tàu sân bay khu vực đã trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

     Ngay sau nửa đêm, đại sứ Anh tại Pari báo cáo đã có từ 20 đến 30 chuyên gia Pháp cùng gia đình họ bị giết trong trận ném bom vịnh Cam ranh. Trong số người chết có cả trẻ em. Những hình ảnh truyền hình đầu tiên sẽ được phát đi trong vòng 1 giờ nữa. Người Pháp đang chuẩn bị cho một tuyên bố lên án Trung quốc xâm lược. Ngoại trưởng Wentworth bình luận: nước Pháp chỉ mới tiếp nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu hồi tháng Giêng, việc họ công khai chống Trung quốc mà không tham khảo ý kiến các thành viên trong liên minh sẽ tạo nên một tình thế nguy hiểm.

     Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, thủ tướng Stephenson đã hỏi tổng thống Pháp M. Dargaud, liệu Pháp có đảm bảo sự lãnh đạo trung lập của Liên minh châu Âu không?

    Tổng thống trả lời bằng tiếng Anh: “Thưa ngài thủ tướng, thường dân Pháp đã bị giết hại bởi bom Trung quốc. Nhân dân Pháp biết điều này. Chẳng lẽ Ngài cũng định chờ đợi chúng tôi phản ứng giống như cách thức mà tổng thống Hoa kỳ đã thể hiện, chẳng lẽ Ngài cũng mong đợi chúng tôi phải phát biểu rằng nước Pháp thân thiện với cả hai bên Việt nam – Trung quốc chăng? Không, không, không bao giờ thưa ngài. Lời tuyên bố của tôi là lời nói đại diện cho nước Pháp, đại diện cho gia đình của những nạn nhân người Pháp đã bị giết hại trong trận ném bom của quân Trung quốc chứ không phải là lời nói đại diện cho cả châu Âu”.

     Thủ tướng Stephenson kiên nhẫn nhắc lại đề nghị của ông: “Liệu Pháp có thể giữ thái độ trung lập ít nhất cho đến khi có một cuộc bỏ phiếu ở Liên hợp quốc chứ?”

     Nhưng tổng thống Dargaud đã trả lời một cách cương quyết: “Thưa ngài thủ tướng, tôi có thể làm gì nữa đây khi những hình ảnh đau thương này được phát đi? Thưa thủ tướng, tôi phải ủng hộ Việt nam. Bất cứ điều gì khác cũng sẽ là hành động tự sát về mặt chính trị. Và nếu ở vào cương vị của tôi, bất cứ ai cũng sẽ hành động tương tự như vậy mà thôi”.

     Thủ tướng kết thúc câu chuyện bằng một lời đề nghị: “Trong bất cứ trường hợp nào, ngài tổng thống, ngài có thể nói rõ ngài phát biểu nhân danh nước Pháp và không phải nhân danh Liên Minh châu Âu”.

    Cùng lúc đó trên một đường dây nóng khác, ngoại trưởng Wentworth cũng đang nói chuyện trực tiếp với đại sứ tại Đức. Thủ tướng Đức sắp ra một tuyên bố kêu gọi kiềm chế và thận trọng. Tuyên bố của người Đức nhấn mạnh vấn đề hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu cuộc khủng hoảng còn tiếp tục leo thang một cách ác liệt hơn. Ngoại trưởng hỏi đại sứ: “Liệu người Đức có thể giữ cho nước Pháp không đi chệch khỏi con đường trung lập không?”

    Đại sứ trả lời: “Thưa ngài, liệu nước Đức sẽ nói gì được nữa đây với người Pháp, khi mà các công dân Pháp đã bị giết hại dã man trong một hành động chiến tranh như vậy?”.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 07:36:56 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #24 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:31:53 am »

Dinh thự thủ tướng Nhật, TOKYO
Giờ địa phương: 11h00’ Chủ Nhật 18/02/2005
Giờ quốc tế: 02h00’ Chủ Nhật 18/02/2005




     Phòng họp trong dinh thủ tướng Nhật bản mang phong thái Xpac-ta. Một chiếc bàn gỗ sồi hình chữ nhật xung quanh là những chiếc ghế bành chiếm phần lớn căn phòng. Ngồi ngay phía đầu bàn là thủ tướng Noburo Hyashi. Phía bên tay phải ông là Bộ trưởng Ngoại giao Yoichi Kimura. Kề bên tay trái của thủ tướng là cục trưởng Cục Phòng vệ Nhật bản Yasuhiro Ishihara. Nhóm ba người gồm cục trưởng Cục Phòng vệ Nhật bản Yasuhiro Ishihara cùng với bộ trưởng Thương mại Takeshi Naito, bộ trưởng Tài chính Shigeto Wada  tạo thành Ủy ban Quốc phòng của Nội các Nhật bản. Chỉ có một quan chức ngoài Ủy ban này được mời họp, đó là tướng Shigehiko Ogawa,  Giám đốc, Chỉ huy cơ quan Tình báo Quốc phòng.

     Hyashi là một người câu nệ hình thức. Ông khai mạc cuộc họp bằng lời cảm ơn các Bộ trưởng đã đến mặc dù chỉ được báo trước một cách thật là gấp gáp, sao đó thủ tướng yêu cầu tướng Ogawa thông báo vắn tắt với Ủy ban những diễn biến mới nhất ở biển Nam Trung hoa.

     - Như tất cả các ngài biết, Trung quốc đã giành quyền kiểm soát biển Nam Trung hoa - Tướng Ogawa nói - Trong cuộc đụng độ này họ cũng rất muốn tiêu diệt khả năng trả đũa của Việt nam. Những ước tính ban đầu của chúng tôi cho thấy cuộc tấn công đầu tiên của Trung quốc vào vịnh Cam ranh đã phá hủy được khoảng 40% lực lượng hải quân Việt nam.

     - Thế tỉ lệ đó có giống như thời điểm chúng ta tấn công vào Trân châu cảng không? - Hyashi ngắt lời.
     
     - Đối với hải quân thì đúng là như thế. - Viên tướng trả lời. - Nhưng các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân Việt nam đã ít thành công hơn. Phía Việt nam đã bảo toàn được phần lớn máy bay của họ bằng cách đưa chúng sang Lào và Campuchia. Tuy nhiên, Trung quốc có khả năng mở một cuộc tấn công thứ hai, chúng tôi cho rằng họ sẽ tiến hành cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào hải quân Việt nam trong vòng 24 giờ tới. Việt nam cũng đã hành động. Các nguồn đáng tin cậy ở Việt nam cho biết các đơn vị còn lại của hải quân còn hoạt động được hiện đang có mặt ở trên biển hoặc đang tiến ra biển.

      Hyashi hỏi:

     - Tướng quân, ông dự đoán người Trung quốc sẽ có hành động gì tiếp theo?

     - Chúng tôi cho là họ sẽ củng cố việc nắm giữ các cơ sở sản xuất dầu. Có một cơ sở mới khai thác ở quần đảo Hoàng sa nhưng vẫn chưa đạt đến mức sản xuất thương mại, ngoài ra còn có ba cơ sở hoạt động ở mức thương mại hoàn toàn tại quần đảo Trường sa. Có khả năng họ sẽ phong tỏa con đường vào biển Nam Trung hoa một thời gian để hợp lý hóa yêu sách của họ đối với vùng biển này.

     - Xin cảm ơn tướng quân, ông có thể ra ngoài được rồi - Thủ tướng nói - Ngài Naito, đánh giá của Bộ Thương mại Quốc tế và công nghiệp như thế nào?

     Bộ trưởng Thương mại trả lời:

     - Rất đáng lo ngại, thưa ngài Hyashi. Điện thoại của tôi đổ chuông liên tục cả buổi sáng, chủ tịch tập đoàn Kaidanren nói ngành công nghiệp chờ đợi một phản ứng kiên quyết. Tôi cũng không thể dứt cuộc điện thoại với Tanaka ở hãng Nippon Oil được. Công ty của ông ấy là nhà đầu tư lớn ở cơ sở sản xuất dầu Hoàng sa.
Như các ngài đã biết, chúng ta phải nhập khẩu đến 99,6% các sản phẩm dầu lửa. 80% lượng dầu thô của Nhật bản được nhập từ Trung đông – tất cả đều đi qua biển Nam Trung hoa. Ngoài ra chúng ta cũng nhập dầu từ Brunây, Inđônêxia và Ôxtrâylia. Tất cả lượng dầu này cũng đều phải chuyên chở qua biển Nam Trung hoa, tuy nhiên dầu thô của Ôxtrâylia( ) có thể đi đường khác. Tôi được thông báo rằng dự trữ dầu mỏ chiến lược của chúng ta có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về xăng dầu trong vòng 2 đến 3 tháng. Tình hình khí hóa lỏng (LNG) cũng tương tự. Chúng ta phải nhập tất cả LNG với khoảng 60 triệu mét khối/năm. 90% số hàng nhập khẩu này cũng được chuyên chở qua biển Nam Trung hoa. Tôi nhấn mạnh vấn đề đảm bảo năng lượng vì nó chính là bản chất sự sống còn của dân tộc chúng ta. Tuy nhiên Nhật bản cũng sẽ không còn là cái gì nữa nếu chúng ta không thể tiếp tục tiến hành buôn bán.

     - Ngài Wada, Bộ Tài chính sẽ nói gì đây? -  thủ tướng hỏi.

     - Chúng tôi cho rằng sẽ có tình trạng bất ổn định đáng kể trên các thị trường tài chính vào giờ mở cửa sáng mai, - Wada đáp - Ngân hàng Nhật bản đã sẵn sàng can thiệp từng bước một vào các thị trường ngoại tệ để ổn định tỷ giá Yên - Đôla. Các quan chức Bộ Tài chính đã sẵn sàng liên hệ với ngân hàng Liên bang Đức, ngân hàng Trung ương Anh và Cục Dự trữ Liên bang của Hoa kỳ nếu họ vẫn chưa phối hợp với nhau để có một phản ứng tích cực trước cuộc xung đột này. Các chuyên gia tài chính của Bộ Tài chính cũng dự đoán là giá cổ phiếu lúc đóng cửa thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm một cách mạnh mẽ. Thị trường dầu lửa cũng sẽ bị rối loạn nhưng chúng ta sẽ chẳng làm được gì nhiều để cứu vãn tình hình này.

     - Xin cảm ơn. Ngài Ishihara, bên quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng ra sao rồi? Thủ tướng quay sang hỏi cục trưởng Cục Phòng vệ Nhật bản.

     Ishihara bắt đầu bài thuyết trình của mình:

     - Thưa ngài thủ tướng, chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao tình hình, đặc biệt từ khi mối quan hệ Việt-Trung trở nên xấu đi vào cuối năm ngoái. Hiện nay đang có một hạm đội tác chiến mặt biển của chúng ta hoạt động ở các vùng biển quanh Okinawa. Chúng ta cũng có 2 tàu ngầm ở khu vực này, nhưng vì những lý do tác chiến nên tôi không muốn nói rõ điều này. Quân đội đã liên tục tiếp xúc với người Mỹ. Hải quân của họ cũng đã triển khai ở khu vực. Tàu USS Harry S.Truman hiện có mặt ở biển Nhật bản, nhóm tàu chiến thuộc tàu sân bay USS Nimitz đang ở biển Sulu. Hải quân Anh cũng đang cử tàu Ark Royal tập trận chung với một nhóm tàu hải quân các nước trong khối Thịnh vượng chung ngoài khơi Brunây. Từ khi Trung quốc bắt đầu tấn công Cam ranh,  chúng ta đã cho máy bay trinh thám điện tử AWACS hoạt động liên tục nên đã thu thập đủ thông tin chi tiết hóa các bước triển khai của quân Trung quốc.

     - Ngài Ngoại trưởng, đánh giá của Ngài thế nào? Người Mỹ sẽ làm gì?

     - Tôi cho rằng tất cả chúng ta đã lường trước được điều này - Kimura nói - Vấn đề chỉ là thời gian. Tuy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp nhưng tổ chức này chắc chẳng thể làm được gì nhiều vì người Trung quốc sẽ thực hiện quyền phủ quyết của họ. Hy vọng nhiều nhất của chúng ta nằm ở Hiệp ước an ninh chung Nhật bản - Hoa kỳ. Bản thân tôi cũng chỉ dám có thái độ nước đôi về vấn đề này. Các ngài đều biết quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung quốc đã phát triển ngày càng sâu và rộng, thậm chí còn hơn cả quan hệ kinh tế Nhật - Mỹ. Hiện nay tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung quốc đã khoảng trên 120 tỉ dolard. Hơn nữa, từ khi Mỹ rút quân khỏi Okinawa và Yakosuka, tôi cho rằng cam kết của họ trong Hiệp ước an ninh chung chỉ còn mang tính hình thức. Tôi sẽ có cuộc gặp riêng với các đại sứ Hoa kỳ và Trung quốc sau cuộc họp này.

     Thủ tướng thu lại các giấy tờ của ông và nói:
 
     - Rất tốt, ngài Kimura. Hãy giữ liên lạc với tôi.

     Ông hắng giọng:

     - Thưa các ngài, tôi không nghĩ rằng chúng ta đang phải đối diện với một mối đe dọa sống còn, mối đe dọa lớn nhất đối với Nhật bản kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Thái bình dương. Nhưng trong cái rủi thường có cái may. Người Trung quốc đang đẩy chúng ta và người Mỹ tới giới hạn chịu đựng. Đó có thể chính là lúc để Nhật bản đứng lên.

     Tôi chắc chắn một điều là đã đến lúc chúng ta phải thử thách cái hiệp ước đã ký với Hoa kỳ. Hãy nói với đại sứ Hoa kỳ rằng chúng ta chờ đợi được thấy Hoa kỳ tôn trọng hiệp ước này một cách đầy đủ. Hoa kỳ vẫn thường nói bất kỳ mối đe dọa nào đối với những lợi ích của Nhật bản cũng là mối đe dọa đối với lợi ích của Hoa kỳ. Phải chăng điều đó vẫn đúng như vậy và người Mỹ định làm gì để giải quyết vấn đề này?

    Còn về đại sứ Trung quốc, tôi nghĩ chúng ta cần khôn khéo  và tế nhị hơn. Hãy giải thích cho ông ta thấy những lợi ích của chúng ta ở Trung quốc và trong khu vực. Cũng nên nhắc ông ta về sự cần thiết phải giảm xung đột đến mức tối thiểu.

     Nếu chúng ta có những khó khăn với người Mỹ, có lẽ chúng ta nên thuyết phục Liên minh châu Âu chấp nhận quan điểm của chúng ta.

     Thưa các vị, tôi cho rằng chúng ta sẽ sẵn sàng họp lại ngay tức thì.

     Cám ơn sự tham dự của các vị.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 11:14:54 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #25 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:34:08 am »

Nhà Trắng, Washington DC
Giờ địa phương: 21h30’ thứ Bảy 17/02/2005
Giờ quốc tế: 02h30’ Chủ Nhật 18/02/2005



     Tổng thống Bradlay nói ông sẽ không nhận bất cứ cú điện thoại nào nữa trừ trường hợp hết sức khẩn cấp. Nhưng nếu bất kỳ một nhà lãnh đạo nào của Việt nam hay Trung quốc gọi tới thì cần nối liên lạc với ông ngay lập tức. Sau đó ông chính thức triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An Ninh Quốc gia và đề nghị Ngoại trưởng trình bày các nhận xét của mình.

     Ngoại trưởng Newton Fischer đã mô tả các cuộc tấn công của Trung quốc và kết luận đó là một trận tập kích nhưng yếu tố bất ngờ về quân sự không cao lắm và không phải là không thể lường trước được điều này. Từ nhiều năm qua Trung quốc đã công khai tuyên bố các yêu sách và thách thức về chủ quyền đối với vùng biển Nam Trung hoa. Sau khi Đặng Tiểu Bình từ giã quyền lực, chính sách của Trung quốc đã chuyển sang hướng chủ nghĩa dân tộc một cách mạnh mẽ và không thể đảo ngược được. Với việc cải tổ lại quân đội và mua sắm nhiều vũ khí mới, chắc chắn chẳng sớm thì muộn, Giải phóng quân nhân dân Trung quốc sẽ làm một cái gì đó để chứng tỏ vai trò của mình.

     Fischer nhấn mạnh:

     - Chủ tịch Vương không phải là một nhà độc tài điên rồ. Ông ta là một chiến lược gia sắc sảo, nắm vai trò quyết định trong việc khuếch trương quyền lực của Trung quốc. Từ nhiều năm nay, Trung quốc đã phô trương sức mạnh của họ. Ngược trở lại năm 1989, tờ Nhân dân nhật báo đã nhận xét: “Đối với một quốc gia, việc giành được quyền độc lập và tự quyết, thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài là điều kiện tiên quyết phát triển... Một khi người dân đã đánh mất ý thức dân tộc, quốc gia và ý thức bảo vệ tổ quốc thì chắc chắn dân tộc đó sẽ bị sụp đổ về tinh thần”.

     - Họ muốn gì? Tổng thống Bradlay ngắt lời.

     Câu trả lời là:

     - Họ đã, đang và sẽ muốn chúng ta rút khỏi châu Á, thưa ngài. Điều này được thể hiện từ lâu rồi. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là Hoa kỳ sẽ phải đối phó với một chính quyền bán quân sự trong cuộc khủng hoảng này. Tôi có trong tay tuyên bố đầy hống hách của chủ tịch Vương về chủ quyền của họ đối với vùng biển Nam Trung hoa, bao gồm cả những đảo và quần đảo mà họ đang đòi chủ quyền. Ngài có thể dễ dàng nhận ra điều này thông qua thứ ngôn ngữ mà họ sử dụng, tôi xin đọc để ngài nghe:

     “Từ lúc các tàu chiến của Việt nam đã bị giáng những đòn choáng váng sau khi xâm phạm hải phận Trung quốc hồi tháng 3 năm nay, một làn sóng chuẩn bị chiến tranh đã dấy lên khắp Việt nam.
Việt nam sẽ lãnh hậu quả tự hủy diệt nếu họ thực sự muốn một cuộc đối đầu lớn với Hải quân Trung quốc. Những năm gần đây lực lượng hải quân đại dương đã được luyện tập phối hợp kỹ càng để thực hiên nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia chống mọi cuộc xâm lăng, đây chính là nhân tố chủ yếu hỗ trợ khả năng chiến đấu của hải quân Trung quốc.

     Theo những điều khoản ghi trong Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc được hội nghị thế giới về Luật Biển thông qua, Trung quốc có vài triệu km2 hải phận bao gồm thềm lục địa, các vùng đặc quyền kinh tế có liên quan. Khu vực biển rộng lớn này hết sức giàu có về sinh vật học, khoáng sản và các nguồn năng lượng. Giữ vững lãnh hải Trung quốc và bảo vệ những lợi ích biển của đất nước là nghĩa vụ của Hải quân Nhân dân... Khái niệm về lãnh hải luôn in sâu trong tâm trí của mỗi cán bộ và chiến sĩ Trung quốc”.
     
     Tổng thống Bradlay trầm ngâm nghe ngoại trưởng phân tích tình hình, sau đó ông nói về nỗi lo ngại trước những yếu tố mà Trung quốc bất ngờ đòi hỏi qua các tài liệu đã được công bố. Ngoại trưởng Fischer nói thêm rằng cuộc vận động hành lang của giới kinh doanh và bộ máy quan hệ của chính phủ Trung quốc có sức thuyết phục hơn hẳn so với các nhà phân tích quân sự.

     Cuộc họp bị gián đoạn bởi một bức điện khẩn từ đại sứ Hoa kỳ tại Malaixia:

     “Năm chuyên gia dầu khí Hoa kỳ đã trốn thoát cùng quân lính Malaixia trong 5 phút đầu cuộc tấn công của quân Trung quốc vào vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Malaixia. Những người thoát nạn báo cáo rằng tàu tuần tra hải quân của họ đã nằm dưới làn đạn của Trung quốc. Về phía Malaixia có thương vong nhưng không có (nhắc lại không có) thương vong về phía người Mỹ. Phía Trung quốc đã bất ngờ khai hỏa khi họ đột kích chiếm đảo san hô vòng. Các chuyên gia dầu khí cho rằng một số đồng nghiệp của họ có thể đã bị trúng đạn. Người Malaixia đã được lệnh chủ động rút lui nếu phải đối đầu với các lực lượng kẻ thù áp đảo. Các nhân viên dần khí sẽ không (nhắc lại không) thể tiếp xúc với báo chí. Cả họ lẫn công ty của họ đều cho rằng họ có thể trở lại làm việc một khi cuộc xung đột chấm dứt”.

     Fischer cho rằng Malaixia sẽ không phản ứng khi chưa tham khảo ý kiến các láng giềng thuộc Hiệp hội Các nước Đông nam Á (ASEAN). Bản thân ASEAN có thể thích đàm phán hơn là đối đầu. Do đó không thể chờ đợi một phản ứng quân sự tích cực từ những nước này. Thậm chí nếu có kết hợp với nhau thì quân đội các nước ASEAN cũng không phải là địch thủ quân sự của Trung quốc vì trong khối ASEAN chỉ có Việt nam là dám đương đầu thực sự với Trung quốc để bảo vệ chủ quyền của mình, còn ở các nước ASEAN khác, thương gia người Hoa đã nắm quyền kiểm soát hầu hết của cải quốc gia. Những thương nhân này tuy không sống ở Trung quốc nhưng họ có những mối liên hệ mật thiết với giới lãnh đạo Trung quốc để có thể giành được các hợp đồng kinh tế béo bở. Ngoại trưởng Fischer cũng nhắc tổng thống về việc một gia đình Malaixia gốc Trung quốc là một nhà đầu tư lớn trong các dịch vụ tài chính ở Maine, bang quê hương của tổng thống, ông cũng nói thêm rằng gia đình Malaysia đó đã tham dự lễ nhậm chức của tổng thống 1 tháng trước đây.
 
     Cuộc phiêu lưu quân sự của Trung quốc đã tạo nên một mối đe dọa lớn treo trên đầu Nhật bản bởi vì toàn bộ hoạt động buôn bán của Nhật với châu Âu và Đông nam Á đều đi qua biển Nam Trung hoa. Hơn nữa, Nhật bản là một nước nhập khẩu dầu lớn vì không có nguồn cung cấp trong nước. 3/4 lượng dầu nhập khẩu của nước này đến từ Trung đông, phần còn lại từ Brunây, Inđônêxia và Ôxtrâylia.

      Ngoại trưởng nói:

      - Vấn đề chủ yếu là Hiệp ước An ninh với Tôkyô. Bất cứ lời nói nước đôi nào của Hoa kỳ về vấn đề này cũng sẽ gần như chắc chắn dẫn tới việc sẽ làm chấm dứt hiệp ước đã ký, hậu quả là thế giới sẽ thấy xuất hiện thêm một nước Nhật bản hung hăng quân sự ở châu Á, giống như chính nước Nhật trong thời gian trước Thế chiến II.
Thưa tổng thống, sau khi suy nghĩ cân nhắc kỹ càng, tôi xin đưa ra lời khuyên đối với ngài là chúng ta nên hành động rất thận trọng ở khu vực này, đặc biệt là đối với Nhật bản. Chúng ta đã có một liên minh quân sự với Nhật từ năm 1960. Người ta không nên vứt bỏ một mối quan hệ như vậy một cách nông nổi. Tôi biết có một số người, trong đó có cả những người đang ngồi ở đây nói rằng Trung quốc quan trọng hơn, nhưng chúng ta cần phải lưu ý rằng người Nhật đã là những người bạn rất tốt đối với Hoa kỳ.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 07:37:51 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #26 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:35:53 am »

     Tiếp đó tổng thống quay sang cố vấn an ninh quốc gia Martin Weinstein, người đã giới hạn bản báo cáo của ông ở những hoạt động thu thập tình báo của cả hai chính phủ.
 
      - Chúng ta đã đặt một mạng lưới vệ tinh trùm khắp khu vực này khi các cuộc tấn công bắt đầu. Hiện nay các máy bay AWACS và các tuần dương hạm Aegis cùng với một tàu sân bay của chúng ta đang hoạt động liên tục ngoài khơi Philippine. Không có một hành động nào của Trung quốc thoát khỏi sự theo dõi của chúng ta. Tôi hài lòng với hệ thống IMINT và SIGINT( ) của chúng ta. Trung quốc cũng có những vệ tinh của riêng họ nhưng kỹ thuật do thám vệ tinh của họ vừa lạc hậu vừa không hoàn hảo. Chúng ta có thể chắc chắn rằng vệ tinh của họ không thể theo dõi được tất cả mọi chuyện. Nhưng chúng ta cũng không biết là họ đã không phát hiện được cái gì.

     Nhược điểm trong hoạt động của chúng ta là hệ thống HUMINT( ). Chúng ta chẳnng có điệp viên siêu hạng nào hoạt động ở Bắc Kinh. Chúng ta cũng không có ai ở bên trong Trung Nam Hải. Chúng ta không biết Vương Phong đang nghĩ gì. Liệu có những chia rẽ giữa ông ta và những người có thế lực khác trong chính phủ không? Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế (MOFTEC) ủng hộ đến mức nào đối với hành động của PLA vì các hoạt động này gây ra những nguy hại cao nhất đối với nền kinh tế.

     Ở hầu hết các nước khác, kể cả Liên xô khi nó còn tồn tại, chúng ta đã luôn có đủ thông tin tình báo, chúng ta đã thu thập được nhiều mảnh trong trò chơi ghép hình. Chúng ta đưa được nhiều điệp viên vào để xây nên những mạng lưới tình báo rất tốt. Nhưng chúng ta lại không có cái đó tại bất cứ nơi quan trọng nào ở Trung quốc. Trung Nam Hải là một thành lũy bất khả xâm phạm. Thông tin tình báo nhiều nhất mà chúng ta có chủ yếu là từ con cái các quan chức sống ở đó. Rất nhiều người trong số họ đã bay sang đây và các điệp viên của chúng ta tìm cách đánh bạn với họ để moi tin. Nhưng đó chỉ là những tin tức ở dạng ngồi lê đôi mách. Thỉnh thoảng cũng có một ai đó đánh cắp và bán một tài liệu cho tờ New York Times hay cho một người nào đó nhưng những nguồn tin này cũng không có giá trị lắm.

      - Thế hoạt động tình báo của Trung quốc ở nước ta như thế nào? Họ biết gì về chúng ta? Tổng thống hỏi.
Weinstein nhắc đến những lưu ý của ông:
 
     - Hoạt động gián điệp của Trung quốc được điều hành thông qua Bộ An ninh Quốc gia (Ministry of State Security - MSS)( ). Chúng tôi cho rằng chỉ riêng ở Hoa kỳ, MSS sử dụng khoảng 1.500 nhà ngoại giao và đại diện thương mại Trung quốc, ngoài ra 90 tổ chức và văn phòng khác của  Trung quốc và 20.000 sinh viên Trung quốc đến đây theo học hàng năm cũng tham gia các hoạt động gián điệp. Những người này hoặc là được tuyển mộ để thu thập tình báo trong thời gian ở đây hoặc sẽ được phỏng vấn khi trở về Trung quốc. Nếu họ không hợp tác với MSS thì gia đình họ sẽ phải chịu nhiều sức ép như mất việc làm, mất chỗ ở và thiếu hụt chăm sóc y tế... Đại loại như vậy. Thêm vào đấy, hàng năm họ còn cử đến phía chúng ta khoảng 15.000 điệp viên nằm trong hơn 3.000 phái đoàn đại biểu. Những người này cũng bắt buộc phải hợp tác với MSS như thế. Ngoài ra, MSS còn có một cộng đồng vài triệu Hoa kiều tại Mỹ. Tóm lại, thưa tổng thống, nếu chúng ta chính sách thù địch với Cộng hòa Nhân dân Trung hoa thì họ có thể có gián điệp ở mọi thành phố của nước Mỹ.

      Bradlay quay sang Peter Ray, giám đốc CIA:

     - Ông Peter, cho đến nay, ông có thể nói cho tôi về những gì họ đã biết mà đáng ra họ không được biết?
Giám đốc CIA thận trọng đáp:

     - Tôi có khá nhiều tài liệu để nói với ngài về điều này. Tất cả chúng ta ở đây đều nhớ đến những nỗ lực của người Trung quốc trong việc chi phối việc gây quỹ ủng hộ chiến dịch bầu cử tổng thống vào năm 1996. Trong chiến dịch đó họ đã giành được sự đồng thuận từ cấp cao ở ngay tại Nhà Trắng. Nếu chúng ta quay lại so sánh việc này với những thất bại của tình báo Hoa kỳ những năm cuối thập kỷ 1960, có thể thấy rõ là hai năm trước khi Richard Nixon vạch lại chính sách của Hoa kỳ đối với Trung quốc, những người Cộng sản Trung quốc đã nắm được việc Nixon mong muốn có các quan hệ ngoại giao với họ. Năm 1970 một trong các nhà phân tích của chúng ta là Larry Chin Wu-tai, đã đưa cho họ một tài liệu mật phác thảo kế hoạch của Nixon. Nhờ đó người Trung quốc đã có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ cho phù hợp. Chúng ta nghĩ là chúng ta gây bất ngờ cho họ. Nhưng lúc nào họ cũng qua mặt chúng ta. Larry Chin đã làm việc trong CIA trong 37 năm liền cho đến khi ông ta bị truy tố năm 1981.

     - Ông nói với tôi là họ có các điệp viên trong Chính phủ của chúng ta?

     - Tôi nói với ngài, thưa tổng thống, rằng chúng ta không có người của mình nằm trong nội bộ của họ. Chúng ta không biết liệu họ có cài người của họ trong chúng ta hay không? MSS tích cực tìm cách thâm nhập các cơ quan tình báo và cơ quan hoạch định chính sách của Hoa kỳ. Ngay mới đây thôi, chúng ta đã phải đưa ra khỏi sứ quán ở Bắc Kinh một sĩ quan liên lạc. Họ đã tìm cách tuyển mộ anh ta. Nếu họ thành công, họ sẽ tiếp cận được tất cả thông tin của sứ quán. Chúng ta hoàn toàn chắc chắn là họ sẽ tiến hành nghe trộm tất cả các cuộc điện thoại. Chúng ta đang theo dõi. Nhưng HUMINT trong xã hội Trung quốc là điều rất khó khăn.

     Mũi đột kích khác trong hoạt động tình báo của người Trung quốc là vấn đề bí quyết kỹ thuật công nghệ. Chính nhờ có các công nghệ hiện đại của Hoa kỳ mà không quân và hải quân Trung Quôc mới có thể tiến hành được các cuộc không kích ở biển Nam Trung hoa. Thực sự chúng ta cần phải ngưỡng mộ lòng can đảm của các điệp viên công nghệ Trung quốc. Vào cuối những năm 1980, Công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung quốc (CATIC) đã mua lại một công ty chuyên chế tạo các bộ phận của máy bay ở Seattle, gọi là Công ty Mamco Manufacturing Inc., lúc đó Mamco có công nghệ tiếp nhiên liệu trên không có thể cung cấp cho lực lượng không quân Trung quốc. Hồi tháng 2 năm 1990, chúng ta đã đóng cửa hoạt động của công ty này. Nhưng ngài hãy nhìn vào số liệu về các hãng thiết kế, các công ty công nghệ Hoa kỳ hiện đang thuộc sở hữu của các công ty Trung quốc. Tất cả các công ty Trung quốc đó đều lấy ngân sách hoạt động từ  ngân sách Đảng Cộng sản Trung quốc và họ trực tiếp phải chịu trách nhiệm trước Đảng cộng sản về hoạt động của họ. Đây thực chất là chính sách buôn bán, phụ thuộc lẫn nhau và dính líu ngầm. Nhưng đối với tôi, trong tối nay, tôi thấy đó dường như là một sự thâm nhập của kẻ thù vào đất nước của chúng ta.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #27 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:37:59 am »

     Ông kết thúc:

     - Một vấn đề nữa cũng thuộc phạm vi quan tâm của các tham mưu trưởng liên quân. Đó là việc các hoạt động tình báo của PLA đã được tăng cường khắp biên giới trên đất liền với Việt nam. Trong tháng qua đã có những vụ ám sát cán bộ cấp thấp, các vụ gài mìn, giết hại gia súc. Tất cả không nằm xa hơn 5 dặm phía bên kia biên giới… Một lính Việt nam bị bắt cóc và bị tra tấn bắt phải khai ra mệnh lệnh chiến đấu của Việt nam nhưng anh này đã trốn thoát.

    - Ông nói gì?

    - Chúng tôi đang theo dõi mọi tình hình trên biên giới Việt-Trung, thưa tổng thống.
Bradlay yêu cầu Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân cho biết đánh giá của mình.

    - Chúng ta không có gì phải nghi ngờ về khả năng Hoa kỳ có thể giành lại quyền kiểm soát đối với các cơ sở khai thác dầu khí ở Trường sa và Hoàng sa cũng như việc khai thông lại tuyến đường biển Nam Trung hoa. 2 nhóm tàu chở sân bay đang trên đường tiến về khu vực xung đột và sẽ có mặt ở đó trong vòng 24 giờ nữa.
Thủy quân lục chiến Trung quốc chiếm các điểm khai thác dầu. Không dễ dàng gì khi phải chiếm lại các cứ điểm này. Chắc là một vài giếng dầu sẽ bị phá hủy theo kiểu Irắc, điều này có thể dẫn đến một thảm họa môi trường.
Các tàu mặt nước và tàu ngầm của hải quân Trung quốc cũng đã xuất hiện tại các điểm xung yếu trên biển Nam Trung hoa, đó là các eo biển Malacca, Sunda và quan trọng nhất là Lombok, nơi nguồn cung cấp dầu cho Nhật phải đi qua đó. Cách đây vài phút chủ tịch Vương đã trích dẫn Luật Các Vùng Biển của Trung quốc năm 1992, cấm các tàu quân sự và tàu chạy bằng động cơ hạt nhân đi qua khu vực. Chỉ có tàu thương mại mới được phép vào ra vùng biển này.

    Tổng thống ngắt lời:

     - Mọi chuyện ra sao?

     - Một số tàu chở hàng không theo tuyến nhất định thì vẫn được qua lại. Các hãng hàng hải lớn đang chỉ thị các thuyền trưởng của mình ngừng các chuyến đi.

     Tổng thống nói:

     - Vậy thì, tôi cho rằng nội dung thảo luận tối nay là: lệnh phong tỏa của Trung quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động buôn bán thương mại của Nhật hay Đông Á thôi, mà  nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động buôn bán thương mại của Hoa kỳ nữa. Chúng ta có rất nhiều chuyện phải giải quyết dọc những tuyến đường biển này. Với việc cho rằng lợi ích quốc gia của Hoa kỳ bị đe dọa, suy nghĩ của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng hơn. Câu hỏi tiếp theo của tôi là một sự nối tiếp đương nhiên. Điều gì xảy ra nếu chúng ta điều các tàu sân bay tiến vào vùng biển Nam Trung hoa?

     - Suy cho cùng, Trung quốc sẽ không thể tự vệ được. Nhưng tình hình sẽ không giống như tình trạng đối đầu ở Đài loan năm 1996. Tôi hiểu rằng sau vụ đó PLA đã đưa ra một khẩu hiểu là “Thà chiến đấu và đổ máu còn hơn là chịu nhục trước cường quyền ngoại bang”. Do vậy, trong cuộc khủng hoảng này chúng ta sẽ thắng nhưng có thể phải chịu thương vong nặng nề. Lực lượng biệt kích hải quân SEALS (Chó Biển) của chúng ta sẽ phải chiến đấu giáp lá cà để lấy lại các bãi đá ngầm. Không có lý do gì để tin rằng lính biệt kích Trung quốc sẽ không chiến đấu đến cùng. Trung quốc có thể điều 15 -20 tàu chiến tham gia các trận đánh trên biển. Chúng ta có thể tiêu diệt cả 19 tàu trong số đó nhưng chỉ cần chiếc còn lại phóng trúng hai quả ngư lôi là có thể giết nhiều nhân viên của chúng ta.

     Cho đến nay chúng ta không chắc chắn lắm về việc liệu các đồng minh trong khu vực có ủng hộ ta hay không? Đông nam Á đã trở nên thịnh vượng như ngày hôm nay chính là nhờ vào việc áp dụng chủ nghĩa thực dụng và chính sách trung lập. Nếu họ tin rằng Trung quốc sẽ giành thắng lợi, họ sẽ không để chúng ta sử dụng các cảng và sân bay của họ.
   
     Trên thực tế, thưa tổng thống, Trung quốc đang thách thức chúng ta hoặc phải tham gia cuộc chiến tranh này hoặc phải từ bỏ vai trò an ninh của chúng ta ở châu Á. Cái mà họ thiếu trong huấn luyện và công nghệ thì họ bù lại bằng những viên đạn và quân số đông đảo. Họ còn có đất để triển khai hoạt động về phía họ”.
Bà Bernadtte Lin, Bộ trưởng Thương mại, trình bày những yếu tố chi phối quan hệ Trung – Mỹ, bà bắt đầu với một vẻ riêng tư:

     - Tất cả chúng ta đã nghe đánh giá của CIA về các hoạt động thu thập tình báo của Trung quốc ở đây. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm. Xin đừng có khủng bố tinh thần. Đừng để lộ cho giới báo chí rằng mọi người Trung quốc đều có thể là một gián điệp. Tôi là một người Mỹ gốc Hoa. Khi còn nhỏ, tôi đã trốn khỏi Thượng Hải năm 1952. Chính sách nhập cư của chúng ta không phải là không có những nguy cơ. Chúng ta hãy chấp nhận những nguy cơ và đừng có tạo ra một phản ứng theo kiểu phản xạ bánh chè có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn công dân Hoa kỳ chỉ vì họ trông giống người Trung quốc. Sẽ không phải là một chuyến đi dễ dàng cho bất cứ ai trong chúng ta cho đến khi cuộc khủng hoảng này kết thúc.

     - Chúng tôi hiểu ý bà, thưa bà Bộ trưởng. Tổng thống trả lời.

     - Bây giờ, tôi sẽ nói thẳng - bà Lin tiếp tục - Hợp chủng quốc Hoa kỳ không muốn đối đầu với Trung quốc. Đất nước này có quá nhiều cái để mất. Vào giữa những năm 1990, Trung quốc đã bán cho chúng ta số hàng hóa trị giá 30 tỉ USD. Chúng ta đã bán lại 9 tỉ UDS cho họ, điều này có nghĩa là nếu xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại thì chúng ta sẽ thắng. Kể từ đó đến nay thâm hụt cán cân thương mại đã được thu hẹp lại rất nhiều nhưng vẫn chưa thể cân bằng được, Trung quốc đã áp dụng chiến lược đa dạng hóa để hàng hóa xuất khẩu của họ bán được với số lượng lớn tại các thị trường Đông nam Á, thị trường châu Âu và các nước Mỹ Latinh.

     Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không mua hàng Trung quốc nữa? Chắc chắn Trung quốc sẽ bị tổn thương nặng nề và nhiều người sẽ bị mất việc. Nhưng họ không bị lụn bại. Nếu Trung quốc ngừng mua hàng của Hoa kỳ, thưa tổng thống, thì chúng ta có thể phải chịu thiệt hại khoảng 15 tỉ USD trong năm nay. Hiện tại có 15 tiểu bang mà nền kinh tế của chúng phụ thuộc nặng nề vào buôn bán với Trung quốc. Tôi sẽ đưa ra những ví dụ. Ở California, hàng xuất sang Trung quốc duy trì việc làm cho 216.000 người. Ở Seattle, Washington, là 112.000 người, nhiều người trong họ làm cho hãng Boeing. Ở Arizona là 16.000 người. Ở New York, 100.000 người. Rõ ràng, sẽ có một ảnh hưởng chính trị nhất định trong nước do nhiều gia đình phải chịu tác động từu cuộc chiến tranh này. Điều đó sẽ được cử tri phản ánh trong cuộc bầu cử tới. Và để cho ngài có một ý niệm, thì California có 52 ghế ở Quốc Hội trong cuộc bầu cử tới. Washington có 9 ghế; Arizona 6; New York 31; Florida với 32.000 việc làm bị lâm nguy, có 23 ghế. Khắp nước Mỹ có 469 ghế mà những đại diện của nó sẽ đưa vấn đề buôn bán với Trung quốc vào cương lĩnh bầu cử của họ.

     Đúng là ở Trung quốc sẽ có thêm hàng triệu người nữa sẽ bị mất việc. Tất cả những người nông dân này, những người đã từ bỏ ruộng đồng của họ để lập ra một nhà máy sản xuất Búp Bê Barbie, họ sẽ làm gì? Thưa tổng thống, tôi có thể nói ngay cho ngài biết điều mà họ sẽ không làm. Họ sẽ không phản kháng. Họ sẽ không bỏ phiếu chống chính phủ Trung quốc, đơn giản chỉ vì họ không thể làm như thế. Nhưng ở khắp nước Mỹ, có khoảng 1,25 triệu công nhân có việc làm nhờ vào các quan hệ buôn bán với Trung quốc. Hãy cân nhắc đến các gia đình họ và những người phụ thuộc vào họ, điều này có nghĩa là sẽ có tới khoảng 5 triệu người Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu chúng ta để cho cuộc khủng hoảng này trở nên trầm trọng hơn.

     Hiện có một số công ty cổ phần thượng hạng coi Trung quốc là một phần không thể thiếu được trong chính sách phát triển và tồn tại của họ. Hãng Boeing ước tính rằng trị giá toàn bộ thị trường bán máy bay hành khách cho Trung quốc tới năm 2013 sẽ là 66 tỉ USD. Các công ty khác như Motorola và AT & T cũng có những dự án bán hàng tương tự. Những khoản đầu tư hiện nay vào Trung quốc là rất lớn: Motorola đã đầu tư 1,2 tỉ USD ở Trung quốc và hiện đang sản xuất vi mạch vi tính mới nhất ở đó. Cả Hewlett-Packard lẫn IBM cũng có những khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã đầu tư mạnh vào Trung quốc – dẫn đầu là Ford với 250 triệu USD cho vào 3 nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô. Tổng cộng 10 nhà đầu tư hàng đầu của chúng ta đã đầu tư hơn 4 tỉ USD ở Trung quốc, tương lai khối lượng đầu tư sẽ còn tăng lên nữa.
 
     Thưa tổng thống, tôi đã chứng kiến khi tổng thống Jimmy Carter tìm cách ngăn cản việc bán lúa mì cho người Nga khiến cho vụ làm ăn này đã rơi vào tay người Ôxtrâylia và người Canada. Tôi đã chứng kiến việc tổng thống Ronald Reagan đã tìm cách ngăn chặn dự án xây dựng một đường ống dẫn khí tự nhiên ở Liên xô cũ làm cho hãng Caterpillar của chúng ta gần như bị phá sản. Và tôi đã chứng kiến khi tổng thống Bill Clinton đã phải cân nhắc kỹ như thế nào về quy chế Tối huệ quốc dành cho Trung quốc. Bản thân ông cũng đã học được nhiều bài học từ những sự kiện như vậy. Sự thật đơn giản là, càng ngày, tiền bạc chứ không phải chiến tranh, sẽ là vấn đề chính yếu trong các chính sách đối ngoại. Vụ rắc rối xảy ra ở biển Nam Trung hoa là điều đáng tiếc nhưng nó là điều không thể tránh được.
Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #28 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:39:40 am »

Tokyo, Bộ Ngoại giao Nhật bản
Giờ địa phương: 12h00’ Chủ Nhật 18/02/2005
Giờ quốc tế: 03h00’ Chủ Nhật 18/02/2005




     Chiếc công xa của Ngoại trưởng Kimura chạy ra khỏi dinh thự của thủ tướng và hướng về Gaimusho (Bộ Ngoại giao) ở khu Kasumigaseki. Những cánh cổng thép của tòa nhà Bộ Ngoại giao mở ra khi chiếc Nissan President của Kimura tiến đến gần. Người gác cổng kính cẩn cúi mình chào ngay lối vào cổng chính.

     Kimura kiên nhẫn đợi ngài Richard Monroe, đại sứ Hoa kỳ tại Nhật bản. Kimura không thích Monroe. Ông ta quá vô ý. Ông ta không hiểu được những tác dụng của sự im lặng. Tuy nhiên ông ta là người cần được coi trọng. Monroe là một người bạn gần gũi của tổng thống Hoa kỳ. Chính Monroe đã giúp tổng thống giành được lá phiếu của người Ailen ở Boston, nơi ông là chủ nhân của hãng Boston Analytics Inc., một công ty thiết kế phần mềm máy tính. Bản thân Monroe cũng là một người tích cực quyên góp tài chính cho ngân sách đảng Cộng hòa.

     Monroe đi bộ vào văn phòng của Kimura, dường như ông ta vừa mới rời sân tennis. Vừa rối rít xin lỗi, vị đại sứ Hoa kỳ vừa giải thích rằng ông nhận được lời đề nghị của Bộ Ngoại giao Nhật bản về việc tới dự cuộc gặp này đúng lúc ông ta còn đang chơi quần vợt tại nhà một người bạn. Kimura, với nụ cười nửa miệng, nghiêng đầu về phía vị khách và ra hiệu mời ông ta ngồi xuống, sau đó cất giọng nhẹ nhàng nói:

     - Thưa ngài đại sứ, chúng tôi dường như có một... chút khó khăn riêng ở biển Nam Trung hoa. Chính phủ tôi hết sức lo lắng theo dõi những hành động của Trung quốc. Chúng tôi tin rằng quyết định mới đây của Trung quốc về việc chiếm giữ các cơ sở dầu khí hiện đang được khai thác ở biển Nam Trung hoa, cũng như cuộc tấn công không có lý do xác đáng của họ nhằm vào Việt nam đã gây ra một mối đe dọa lớn đến những lợi ích sống còn của chúng tôi ở khu vực và trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của Nhật bản. Do vậy, Chính phủ Nhật bản đã chỉ thị cho tôi phải viện đến Điều 6 trong hiệp ước an ninh chung đã ký giữa hai nước của chúng ta để chuyển đến ngài và qua ngài, chuyển đến Chính phủ Hoa kỳ lời khẳng định quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi muốn quay trở lại nguyên trạng trước đây( ); chúng tôi muốn Trung quốc rút khỏi biển Nam Trung hoa; chúng tôi muốn các ngài phái một nhóm tàu sân bay đến khu vực này để hỗ trợ cho những yêu cầu đó.

    - Vâng, tôi nghe rõ điều ngài nói, thưa ngài Ngoại trưởng - Đại sứ Monroe đáp - Tôi sẽ báo cáo ngay điều này cho tổng thống.

     Nửa giờ sau, đại sứ Trung quốc bước vào phòng họp của Ngoại trưởng Nhật. Ông Bạc Ân Chu là một mẫu nhà ngoại giao khổ hạnh, hay ít nhất là ông cũng muốn được coi là như vậy. Trên thực tế ông thường làm mọi người xung quanh cảm thấy rất khó chịu. Ông có thói quen ghé miệng vào sát tai người nghe cứ như là ông sắp tiết lộ một sự thật tối hậu nào đó, nhưng rồi sau đó ông chỉ tuôn ra toàn là những gì mà ông đã đọc được trên tờ Nhân dân nhật báo sáng ngày hôm đó. Những bức điện tín ông gửi cho Bắc Kinh rất nhạt nhẽo nhưng chính xác về những gì ông nghe ngóng được.

     - Ngài đại sứ, thật quý hóa ngài đã đến khi được báo trước gấp gáp như vậy - Kimura nói, cố tỏ ra quan tâm.

     - Không sao, ngài Ngoại trưởng. Đến thăm Bộ Ngoại giao luôn luôn là một vinh dự - Bạc Ân Chu đáp.

     - Chúng tôi... lấy làm bối rối bởi những hoạt động của nước ngài ở biển Nam Trung hoa. Ngài có lời giải thích nào cho chúng tôi không? Kimura đưa ra lời thăm dò.

     - Điều này chẳng có gì làm cho chính phủ của ngài phải lo ngại cả, thưa ngài Bộ trưởng - Bạc bắt đầu - Chủ quyền của Trung quốc đối với biển Nam Trung hoa là không thay đổi và có tính chất lịch sử. Đơn giản chúng tôi chỉ tìm cách hợp pháp hóa những vấn đề đã tồn tại trên thực tế trong suốt hai nghìn năm qua( ). Việc này không thể hiện mối đe dọa nào đối với Nhật bản. Trung quốc cho rằng mọi tàu thuyền thương mại đều có thể tự do đi lại trên những tuyến hàng hải đã được cộng đồng quốc tế công nhận, điều đó vẫn được tôn trọng ở vùng biển Nam Trung hoa.

     - Và cả quyền sở hữu tài sản? Kimura hỏi.
     
     - Biển Nam Trung hoa và tất cả những gì có dưới mặt biển đó đều thuộc chủ quyền của Trung quốc. Dĩ nhiên đó là một tuyên bố của tương lai. Chúng tôi không phải không ý thức gì về các cơ sở dầu khí đang hoạt động trong vùng biển này. Chúng tôi được biết rằng sẽ không có sự thay đổi về quyền sở hữu tài sản.

     - Hãy nói với chính phủ ngài rằng mối quan tâm của chúng tôi là an ninh kinh tế - Kimura ngắt lời - Hầu như tất cả dầu nhập khẩu của chúng tôi đều đi qua biển Nam Trung hoa. Một mối đe dọa đối với khu vực đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ gây ra mối đe dọa đối với Nhật.

    Trên đường trở lại dinh thủ tướng, Kimura nhận thấy một hàng dài lái xe đang chờ mua xăng tại một một trạm xăng dầu.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 11:16:05 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Excocet
Thành viên
*
Bài viết: 617


Thép đã tôi thế đấy


« Trả lời #29 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2007, 11:41:50 am »

Lược thuật :

Những mục tiêu tài chính của Trung quốc trong chiến tranh


     Tướng Triệu Nhất ( ) năm nay khoảng gần 60 tuổi, dáng người gầy gò thấp bé, đúng gốc người miền Nam Trung quốc. Là một cán bộ chỉ huy kỳ cựu phụ trách Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Tổng tham mưu (General Staff Department - GSD), ông cũng là người đặt ra kế hoạch tài trợ cho chiến dịch Đòn Rồng bằng cách lôi kéo, vận động các thị trường tài chính thế giới.

     Triệu Nhất đã có một sự nghiệp đáng chú ý trong PLA. Dưới cơ chế nổi tiếng bảo thủ của quân đội, việc ông vươn lên hàng ngũ lãnh đạo một cách không bình thường sau khi vào làm việc ở cơ quan này ở độ tuổi 33 muộn màng đã khiến ông được nhìn nhận như một nhân vật đặc biệt. Giống như nhiều người thuộc thế hệ ông, kể cả chủ tịch Vương Phong, ông cũng sinh ra ở Diên An, Tuy nhiên theo truyền thống Trung quốc thì quê hương chính thức của ông, nơi có ngôi nhà tổ tiên ông đã sống, là ở Thuận Đức, thuộc châu thổ sông Châu tỉnh Quảng đông. Cha của Triệu Nhất là Triệu Bình( ) cũng đã từng tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh nổi tiếng và từng làm được việc gần gũi bên cạnh Mao Trạch Đông. Ở Bắc Kinh sau Cách mạng,  Triệu gia đã phát đạt, bản thân Triệu Bình được phong hàm Nguyên soái của PLA; gia đình Triệu sống trong một biệt thự lớn ở Trung Nam Hải. Triệu Nhất lớn lên cùng với đám con cái của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân và Đặng Tiểu Bình. Cuộc sống đầy đặc quyền đặc lợi của Triệu gia bỗng chốc bị chấm dứt vào năm 1967 khi Mao phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại làm đảo lộn cuộc sống của hơn 800 triệu nhân dân Trung quốc. Các báo chữ to của Hồng vệ binh đã tố cáo Triệu gia sống một cuộc sống đặc quyền đặc lợi theo kiểu tư sản. Quả thực lúc đó Triệu Nhất đã từng học cưỡi ngựa và lái môtô – đây là những trò tiêu khiển vượt quá tầm suy nghĩ của người dân Bắc Kinh bình thường. Triệu bị tố cáo tiêm nhiễm đời sống tư sản vào lúc ông đang học tại trường Đại học Bắc Kinh. Đến đầu năm 1967, ông mất liên lạc với cha mẹ và hai người em trai của mình. Triệu Nhất chỉ được gặp lại bà mẹ vào năm 1971, ba năm sau khi Triệu Bình đã chết. Trong “những năm tháng mất mát” này, Triệu đã sống một cuộc sống của kẻ trốn tránh. Ông đã dùng một cái tên giả để tìm đường đến Quảng đông và vào làm việc trên một chiếc tàu chạy trên sông Châu. Gia đình ông ở Thuận Đức đã cố tìm kiếm một sự bảo vệ nào đó giành cho Triệu Nhất, nhưng cuối cùng anh thanh niên Triệu vẫn bị bắt giữ và bị giam trong một trung tâm giam giữ thanh niên. Nếu không có những cố gắng đặc biệt của Chu Ân Lai thì chắc chắn ông đã mòn mỏi tiêu phí nhiều năm trong trại giam. Chu đã tìm thấy người con trai cuối cùng của Triệu gia và tìm cách bảo vệ ông. Đó là vào năm 1973.

     Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Tổng tham mưu nằm dưới quyền điều hành của Đại tướng Triệu Nhất có trách nhiệm giám sát các xí nghiệp công nghiệp và các công ty tài chính thuộc Cục Quân trang của PLA. Kể từ thời các Hoàng đế xa xưa, quân đội ở Trung quốc đã được yêu cầu phải tự lo ăn lo mặc. Nhưng dưới thời chủ nghĩa Cộng sản thì quân Giải phóng nhân dân Trung quốc còn đưa truyền thống này phát triển xa hơn nữa. Quân đội tham nhập vào xí nghiệp công nghiệp và các công ty tài chính dưới mọi hình thức và ở mọi ngành nghề: thiết kế công trình, dược phẩm, đóng tàu, hàng không, phóng vệ tinh, sản xuất xe cộ, mua bán cổ phần chứng khoán và hoạt động ngân hàng. Lợi nhuận từ những công ty này được được bổ sung cho ngân sách quốc phòng. Chính nhờ các hoạt động kinh tế như vậy mà quân đội đã có đủ tiền để mua sắm nhiều tài sản có giá trị, như tàu khu trục Vazhny lớp Sovremenny có mang tên lửa của Nga, tiến hành hoạt động tài trợ cho sự hợp tác về hàng không quân sự, về hải quân giữa Trung quốc với Nga

     Bộ Tổng tham mưu là nhà của Triệu. Ông đã dành cả sự nghiệp của mình cho ngôi nhà đó và được tiếng là một trong những nhà tài phiệt thông minh nhất trong quân đội. Các đồng chí của ông đều cho rằng sự thành đạt của tướng Triệu chính là kết quả của việc mài giũa tính lanh lợi tinh tường tự nhiên của người Quảng đông trước đồng tiền bằng những kinh nghiệm Triệu đã thu được trong cuộc sống đầy long đong trước đây của chính ông.
Ngay từ lúc những buổi họp nội bộ đầu tiên để thảo luận về việc tiến hành chiến dịch Đòn Rồng, Triệu đã xác định rõ vai trò của mình và quyết định sẽ trở thành người điều khiển chương trình kiếm tiền cho PLA. Ông hiểu rằng việc biết trước thời điểm Trung quốc tấn công Việt nam và đánh chiếm biển Nam Trung hoa sẽ giúp ông có được những lợi thế to lớn trên các thị trường tài chính toàn cầu. Đây là một vụ áp-phe béo bở cần phải được cấp lãnh đạo tối cao phê duyệt, vì kế hoạch đó không phải là không có rủi ro. Để tiến hành phi vụ làm ăn này cần phải vạch ra được một kế hoạch chi tiết và tỉ mỉ nhất nhưng cũng phải bí mật nhất. Cuộc họp đầu tiên giữa tướng Triệu với Chủ tịch Vương Phong để bàn về kế hoạch này diễn ra sáu tuần trước khi khai hỏa chiến dịch Đòn Rồng. Lúc đó ông đã giải thích cho Chủ tịch cơ chế sử dụng thông tin để thúc đẩy các thị trường tài chính như thế nào và theo cơ chế đó, các nhà đầu tư chạy tán loạn giống như những bầy súc vật ra làm sao, họ sẽ hết đổ xô về hướng này rồi lại giạt về hướng khác nhưng luôn có xu hướng cụm lại với nhau. Trong kinh doanh thị trường tài chính, thông tin là chìa khóa dẫn đến thành công. Một quyết định chính xác về việc đặt mua hay đặt bán cổ phiếu được đưa ra trước khi tiến hành chiến dịch Đòn Rồng có thể đem lại nhiều triệu đô la lợi nhuận chỉ sau một đêm.

     - Ý kiến của đồng chí thật tuyệt vời! - Chủ tịch nói - Đồng chí cần bao nhiêu vốn? 50 tỉ đôla đủ không?

     - Không, thưa Vương Chủ tịch, 50 tỷ là số tiến quá lớn. Để kiếm được số tiền mà chúng ta đã nghĩ đến, ta cần duy trì cho được khả năng thanh toán của các bên đối tác. 50 tỉ đôla sẽ gây ra có nguy cơ làm lụn bại quá nhiều công ty chứng khoán. Đồng chí còn nhớ vụ ngân hàng Barings chứ?

     - Ngân hàng Barings? Chủ tịch cau mày.

     Tướng Triệu giải thích:

     - Cách đây gần 10 năm, một trụ cột của hệ thống ngân hàng nước Anh đã sụp đổ sau khi bị lỗ gần 1 tỉ bảng. Chắc chắn phải có một ai đó khác, hoặc một nhóm các ngân hàng hay tổ chức tài chính nào đó là đối tác của ngân hàng Barings trong vụ làm ăn này đã kiếm được 1 tỉ bảng. Thị trường tài chính là nơi diễn ra thứ trò chơi mà bên này được bao nhiêu thì bên kia mất bấy nhiêu, thưa đồng chí Chủ tịch. Phải có một ai đó thắng và một ai đó thua, tổng hòa thắng thua là bằng không. Khi chúng ta thắng, một ai đó sẽ phải thua. Nhưng hệ thống tài chính toàn cầu không thể tồn tại được nếu xảy ra tới 30 vụ Barings. Việc làm sụp đổ hệ thống tài chính thế giới không phải là mục tiêu chiến tranh của chúng ta. Điều đó không có lợi cho Trung quốc. Do vậy, chúng ta cần có thái độ ôn hòa hơn để đưa ra những mục tiêu có tính chất phù hợp. Chúng ta cũng phải đầu tư vào những thị trường mà ở đó các chính phủ tích cực hoạt động nhất – chủ yếu là thị trường ngoại tệ. Năm 1992 chính phủ Anh đã mất trắng hàng tỉ bảng vào tay các nhà kinh doanh tiền tệ khi chính phủ này cố gắng giữ cho đồng bảng Anh nằm trong hệ thống tiền tệ châu Âu. Chúng ta chưa rõ có thể kiếm được bao nhiêu lợi nhuận nhưng tôi cho rằng chúng ta có thể tài trợ phần lớn chi phí tiến hành chiến dịch Đòn Rồng nếu mạnh dạn thực hiện một số giao dịch được vạch kế hoạch cẩn thận.

     Rất nhanh chóng Vương chủ tịch đã bị thuyết phục và chấp nhận kế hoạch do tướng Triệu trình bày, ông chỉ thị cho Triệu tiến hành những công việc chuẩn bị chi tiết. Chủ tịch cũng đảm bảo rằng Triệu sẽ được thông tin về tất cả những diễn biến liên quan đến Chiến dịch Đòn Rồng. Được chấp nhận, Triệu hành động rất nhanh. Việc làm trước hết của ông là gọi điện tới Damian Phillips, Chủ tịch công ty chứng khoán First China Securitiescó trụ sở chính đặt tại Hồng công.

     
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2007, 07:38:44 pm gửi bởi Excocet » Logged

Để gió cuốn đi...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM