Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:48:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bác Hồ trên đất nước Lê-nin  (Đọc 77225 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #130 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:22:19 pm »

Anh Nguyễn muốn đi thăm ngay các học sinh Việt Nam đang học ở Mát-xcơ-va. Nhưng đồng chí Ma-nu-in-xki và đồng chí Mi-phơ phụ trách Bộ Phương Đông đề nghị anh đi  Crưm nghỉ dưỡng sức và chữa bệnh một thời gian. Vì sau hơn hai năm ở tù và nhiều năm tháng trải qua những thử thách căng thẳng dồn dập anh yếu đi nhiều và đang ốm. Những cơn sốt làm cho nước da anh xạm đi, khuôn mặt hốc hác nổi lên đôi gò má cao, người gầy, chân đau, và thúng thắng ho ra máu. Sauk hi tham khảo ý kiến các bác sĩ, Bộ Phương Đông thấy ở vùng Crưm chỉ có khu nghỉ mát Xi-mê-ít là thích hợp với tình hình sức khỏe của anh Nguyễn.

Xi-mê-ít, cách thành phố I-an-ta, hòn ngọc của vùng Crưm, khoảng ba mươi ki-lô-mét, ở cuối một dãy núi cao, khí hậu khô, có 2.500 giờ nắng một năm, nước biển có những chất giúp vào việc chữa bệnh phổi, lại có một nhà an dưỡng tốt mang tên Lê-nin dành cho các khách quốc tế.

Anh Nguyễn tới nhà an dưỡng Lê-nin đã viết thư ngay cho các đồng chí quen biết ở Mát-xcơ-va và nhờ gửi sách báo xuống cho anh đọc. Một con người hoạt động cách mạng như anh dù đến nơi hẻo lánh xa xôi nào, cũng ham muốn được sống với các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Con người ấy ham làm việc, không chịu được với tình trạng nằm nghỉ, lại vắt óc suy tư, phân tích những kinh nghiệm đấu tranh, thành công và cả chưa thành công. Từ phòng nghỉ chữa bệnh của anh trên gác hai nhà an dưỡng, có thể nhìn thấy cả một biển bao la xanh nhẫm đang xô những đợt sóng cao chạy đuổi nhau đập vào các mỏm đá, làm tóe lên những cột bọt trắng xoá. Biển  Đen ngay trước cửa sổ phòng anh, 16 năm về trước, có một người Việt Nam khác đã từng đến vùng biển này, xung phong kéo cờ cùng đồng đội làm binh biến trên một tàu quân sự Pháp, không chịu nghe lệnh tiến công nước Nga xô-viết. Đấy là đồng chí Tôn Đức Thắng, người lính thủy của tàu  VAN-đéc Rút-xô, và lúc này đang bị tù ở Côn Đảo. Anh Nguyễn lại nhớ đến đồng chí, đồng bào, đến Tổ quốc thân yêu.

Chỉ hai chữ Tổ quốc đủ làm anh gắng chiến thắng bệnh tật. Dưới chân nhà an dưỡng, ngay sát mép biển có hòn núi con Đi-va, với những bậc thang lượn quanh sườn núi. Anh Nguyễn hàng ngày tập leo núi, lần theo hơn 300 bậc thang để luyện đôi chân. Và khi đủ sức lên tới được đỉnh cao thì anh đòi về Mát-xcơ-va, trở lai với đồng chí và tổ chức, với trung tâm đời sống chính trị.

Trong buồng của mình ở Mát-xcơ-va, anh Nguyễn bắt đầu một chế độ sinh hoạt có giờ giấc rất nghiêm và tự rèn luyện thân thể rất tích cực. Sáng nào cũng tập thể dục, tập nhấc quả tạ và kéo dây chun. Sức khỏe rất cần đối với người làm cách mạng. Cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ còn đòi hỏi biết bao nhiêu sức lực, sự bèn bỉ dẻo dai và bộ dây thần kinh hoạt động tốt. Nhưng công việc của Quốc tế cộng sản đã lôi cuốn ngay anh Nguyễn vào guồng máy cách mạng thế giới. Trụ sở Quốc tế cộng sản đang làm việc nhộn nhịp chuẩn bị Đại hội lần thứ bảy Quốc tế cộng sản. Anh gặp lại những bạn chiến đấu quen thuộc : các đồng chí G. Đi-mi-trốp, Đảng Bun-ga-ri ; M. Tô-rê, Đảng Pháp ; V. Pich, Đảng Đức ; Be-la Cun, Đảng Hung-ga-ri, Vương  Minh, Đảng Trung Quốc… Công việc ở Bộ Phương Đông cũng nhiều hơn trong tình hình mới hết sức phức tạp đang diễn ra trên thế giới. Những bộ óc tham mưu của Quốc tế cộng sản đang theo dõi sát sao tình hình đó.

Thế giới tư bản chủ nghĩa vừa trải qua một cơn khủng hoảng kinh tế, nổ ra từ cuối năm 1929, với sức phá hoại chưa từng thấy, khủng hoảng công nghiệp và tài chính kéo theo khủng hoảng công nghiệp. Khủng hoảng ở các nước đế quốc kéo theo khủng hoảng ở các nước thuộc địa, trong đó Đông Dương bị ảnh hưởng rất nặng nề với bao nhiêu tai họa : nông nhân kiệt quệ, công nhân không việc làm, sưu thuế chồng chất nhiều hơn, nhà máy đóng cửa, hàng hóa ứ đọng mà dân không có tiền mua. Cuộc khủng hoảng kinh tế ghê gớm ấy làm trầm đọng thêm mâu thuẫn giữa các nước đế quốc, giữa những nước thắng trận và thua trận trong chiến tranh thế giới, giữa các nước thuộc địa và các nước đế quốc, giữa công nhân và tư bản, giữa nông dân và đại địa chủ. Giai cấp tư bản tìm con đường thoát bằng hai cách, thiết lập nền độc tài phát xít của những phần tử tư bản phản động nhất, sô-vanh nhất, và gây chiến tranh để chia lại thuộc địa và các khu vực ảnh hưởng.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #131 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:28:22 pm »

Nguy cơ chiến tranh từ phía Nhật Bản đang tăng lên. Thấy các cường quốc châu Âu và Mỹ đang bận lo đối phó với các vấn đề trong nước do khủng hoảng kinh tế gây ra, Nhật thừa dip uy hiếp và gậm nhấm dần Trung Quốc, âm mưu xâm chiếm vùng Viên Đông của Liên Xô. Chúng xin rút khỏi Hội Quốc liên và gấp rút tăng quân bị. Trước tình hình đó, không chịu để Nhật Bản hất cẳng khỏi Trung Quốc, các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng tăng quân bị và đưa thêm quân đến Viễn Đông. Đế quốc Nhật đã chuyển sang chủ nghĩa phát xít.

Trong khi đó nước Đức kiệt quệ sau chiến tranh, đời sống nhân dân cực khổ, lòng dân ngả theo Đảng Cộng sản. Giai cấp tư sản liền trao quyền cho Đảng phát xít. Bọn Hít-le đốt cháy nhà Quốc hội Đức, khủng bố tàn nhẫn giai cấp công nhân, thủ tiêu mọi quyền tự o dân chủ tư sản.

Anh Nguyễn Ái Quốc đã góp nhiều ý kiến với Quốc tế cộng sản về nhận định tình hình Viễn Đông và Đông-Nam châu Á, về những đặc điểm của phong trào cách mạng này. Điều đáng phấn khởi hơn cả là, tại đây, các Đảng Cộng sản đã ra đời và đứng vững trên mảnh đất của Tổ quốc mình. Sự phát triển của phong trào Đông Dương cũng có thể thấy được ở ngay Mát-xcơ-va. Trong Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản đã có thêm một phòng mới : phòng Đông Dương, và Trường đại học cộng sản Phương Đông đã liên tiếp nhận được nhiều học sinh mới do Đảng Cộng sản Đông Dương gửi tới.

Trước kia những học sinh người các thuộc địa Phương Đông học trong một ban riêng gọi là Ban đặc biệt của trường. Nay, theo quyết định của Quốc tế cộng sản, do số học sinh của mỗi Đảng, mỗi nước gửi tới đông lên, Ban đặc biệt tách ra thành Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trực thuộc Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản. Viện chia ra thành nhóm theo từng nước và đang có 19 nhóm, trong đó có nhóm Việt Nam.

Anh Nguyễn tổ chức tại trụ sở Quốc tế cộng sản cuộc gặp gỡ đầu tiên với các đại diện học sinh Việt Nam. Người anh còn gầy, nước da còn xanh, và do ốm đau tóc rụng nhiều, đầu anh trọc nhẵn. Ngồi trên gác tư, trong phòng đồng chí Va-li-xi-ép, cán bộ Quốc tế cộng sản phụ trách nhóm Việt Nam, anh làm việc với anh em. Đồng chí Va-li-xi-ép nói với hai đại diện học sinh Việt Nam :

– Tôi xin trân trọng giới thiệu với các đồng chí đây là đồng chí Lin, cán bộ của Quốc tế cộng sản. Theo quyết định của Ban bí thư Quốc tế cộng sản, từ nay ngoài công tác ở Bộ Phương Đông, đồng chí Lin nhận thêm nhiệm vụ lãnh đạo nhóm học sinh Việt Nam ở Nin Ca Pê (Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa viết tắt theo tiếng Nga).

Anh Nguyễn chăm chú nghe và hỏi tình hình mấy chục anh em Việt Nam đang học ở Viện, nguyện vọng và kế hoạch công tác của mỗi người, và trao đổi ý kiến về tình hình trong nước nữa.

Một đồng chí Việt Nam nói với anh :

– Hôm nọ, em đã trông thấy anh lần đầu trên phố Tơ-véc-xkai-a. Anh mặc bộ đồ tím than, cắp cặp đen, để đầu trần, đang đi về phía điện Crem-li. Em không biết là ai.

Anh Nguyễn thân mật :

– Sao chú không đến hỏi ?

– Thưa, vì nguyên tắc giữ bí mật không cho phép.

Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #132 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:29:57 pm »

Hôm ấy tại ký túc xá nhà số 13, đường Tơ-véc-xkai-a, các học sinh Việt Nam cảm động và sung sướng chào đón người lãnh đạo của mình.

Anh Nguyễn đến thăm nơi ăn, ở, học tập của anh em, không chỉ với cương vị người lãnh đạo mà còn là người anh cả đầy uy tín của tập thể những người cộng sản Việt Nam đang học tập ở Liên Xô, người lãnh đạo Hội đồng hương những người cách mạng Việt Nam. Đối với họ, anh là Nguyễn Ái Quốc thần thoại với một lịch sử đấu tranh oanh liệt và kỳ diệu từng làm họ mê đắm từ nhiều năm, là lãnh tụ của phong trào cách mạng mà họ khâm phục từ ngày tham gia nó, là người cao tuổi nhất và cũng là người từng trải nhất. Anh căn dặn mọi người hiểu rõ mục đích học tập, không ngừng rèn luyện tư tưởng, tác phong, đạo đức cách mạng và yêu thương đoàn kết với nhau ở nơi xa quê hương, Tổ quốc.

Quốc tế Cộng sản cho anh Nguyễn biết Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương ba ngưởi và Đảng Cộng sản Xiêm và Mã Lai hai người từ trong nước ra, đi dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản đã tới Mát-xcơ-va bằng chuyến xe lửa Vla-đi-vô-xtốc – Mát-xcơ-va. Đấy là nét mới của phong trào, chứng tỏ Đảng ta đã khôi phục được lực lượng sau những năm sống trong bão táp khủng bố và đàn áp. Được sự trợ giúp của Quốc tế cộng sản, Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước, đứng đầu là đồng chí Lê Hồng Phong, được thành lập năm 1934 ở Ma Cao. Các cơ sở bị địch phá được lập lại. Các Xứ ủy mới được xây dựng. Đảng vẫn sống và phát triển. Biết ơn những đồng chí, đồng bào trung kiên, bất khuất, giữ trọn niềm tin son sắt ở Đảng, ở tiền đồ dân tộc ; biết ơn những liệt sĩ anh hùng đã ngã xuống trong ngục tù và trên trường bắn vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang ; Cảm ơn Quốc tế cộng sản, các Đảng Cộng sản anh em, các tổ cức quốc tế đã đấu tranh bằng mọi hình thức chống bàn tay khủng bố của thuộc địa Pháp ở Đông Dương và đã lên tiếng ủng hộ, cổ vũ những người cộng sản Đông Dương giữ vững ý chí, tiến lên và quyết thắng.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đón anh Nguyễn đến thăm trong tình yêu thương dào dạt. Trong số ba người trong đoàn chỉ có hai đồng chí từng công tác và quen biết anh Nguyễn, hôm nay mừng khôn xiết được găp lại anh. Đấy là Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Trưởng đoàn Lê Hồng Phong giới thiệu với mọi người :

– Tôi xin trân trọng giới thiệu với các đồng chí đây là đồng chí Lin, thay mặt Quốc tế cộng sản, đến thăm chúng ta. Xin giới thiệu với đồng chí Lin đây là đồng chí Tú Hưu tức Hoàng Văn Nọn, Bí thư tình ủy Cao Bằng, lần đâu được gặp đồng chí.

Anh Nguyễn hỏi thăm sức khỏe và tình hình đi đường. Đoàn đai biểu ta từ nhiều hướng đi khác nhau, đến tập trung ở Thượng Hải. Tại đây, một chiếc tàu Liên Xô được phái đến đón các đồng chí ta đi Vla-đi-vô-xtốc. Cùng đi có hai đồng chí Đảng Cộng sản Xiêm và Mã Lai.

Trên xe lửa Vla-đi-vô-xtốc – Mát-xcơ-va do hai đoàn ở hai toa khác nhau, và các đồng chí Đảng bạn không biết tiếng Nga, lúc đổi tàu giữa đường thì mất liên lạc với nhau. Nhưng cả hai đồng chí bạn cuối cùng cũng tới Mát-xcơ-va.

Anh Nguyễn nói qua tình hình Liên Xô, nhắc các đồng chí trong đoàn chú ý giữ sức khỏe, hen một buổi khác sẽ đến làm việc với doàn kỹ hơn để nghe báo cáo về tình hình trong nước. Anh dặn tất cả mọi người phải đổi tên trong thời gian ở Liên Xô. Đồng chí Lê Hồng Phong mang tên Hải An, đồng chí Minh Khai là Phan Lan và Đôn Min, đồng chí Tú Hưu là Văn Tân.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #133 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:31:19 pm »

Anh Nguyễn khi gặp hai đồng chí  Xiêm và Mã Lai cũng đề nghị đổi tên, một đồng chí mang tên Rắc Xi và đồng chí thứ hai mang tên Rắc Ta Na.

Khi anh Nguyễn ra về, đồng chí Tú Hưu hỏi đồng chí Lê Hồng Phong :

– Từ trước đến nay ở trong nước, tôi nghe nói người Việt Nam mình làm việc ở Quốc tế cộng sản chỉ có đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng ta, chứ có ai tên là Lin đâu ?

Đồng chí Lê Hồng Phong cười trả lời :

– Đồng chí Lin vừa đến thăm chúng ta chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy !

Do Đại hội thứ 7 Quốc tế cộng sản còn lâu mới họp, anh Nguyễn giới thiêu hai đồng chí Minh Khai và Tú Hưu vào học văn hóa và chính trị ở lớp đặc biệt của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, nhưng không lên hệ với nhóm Việt Nam cũ ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Để giữ bí mật, hai nhóm ở hai nhà riêng biệt. Anh Nguyễn lại được Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản cử phụ trách cả nhóm các đồng chí Việt Nam mới đến Mát-xcơ-va. Với tinh thần trách nhiệm và tình thương mến của người anh, anh chăm sóc tận tình việc học tập và đời sống của cả hai nhóm cũ và mới. Làm việc đúng nguyên tắc, giữ đúng hẹm, không lề mề, nói gọn, rõ ràng, tất cả học sinh Việt Nam tìm thấy ở tác phong đó của anh Nguyễn những biểu hiện sinh động của tính kỷ luật, tính tổ chức và một tinh thần tự chủ rất cao.

Thường anh em đi học về, anh Nguyễn kiểm tra xem có hiểu bài, có gắn với thực tiễn cách mạng không. Anh lại giảng thêm để anh em nắm đúng nghĩa những từ, những phạm trù và những quan điểm mới. Có lần anh em thấy anh cặm cụi viết những bài văn vần, hỏi thì anh trả lời:

– Đây là địa lý Việt Nam viết theo thể thơ lục bát để dạy mấy đồng chí lớn tuổi, trình độ văn hóa yếu, học thế nào cũng cứ quên. Viết thế này cho dễ nhớ.

Anh Nguyễn còn chịu khó dịch “Chính trị kinh tế học của Xê-gan, Tuyên ngôn cộng sản” của Các Mác và Ănghen ra tiếng Việt cho những đồng chí trình độ ngoại ngữ yếu.

Anh thường kể cho anh em học sinh Việt Nam nghe kinh nghiệm đấu tranh của anh. Và bao giờ anh cũng dùng những thí dụ cụ thể, dễ hiểu, vì phần đông anh em trình độ văn hóa còn thấp. Nói đến đoàn kết anh dẫn chứng bó đũa, cả nắm khó bẻ, lấy ra từng chiếc thì dễ bẻ gãy. Anh nhắc mọi người loại bỏ tính tự cao tự đại, những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, vô kỷ luật, vô tổ chức. Anh nói : “Nếu chúng ta ở đây chỉ có mấy người không đoàn kết với nhau được thì còn nói gì đến khi vầ nước đoàn kết nhân dân, quần chúng để đánh thực dân cứu nước.”

Đọc báo các Đảng anh em, có bài nào nói đến những cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân các nước, anh dịch cho mọi người nghe để nâng cao thêm tinh thần quốc tế chủ nghĩa và tăng thêm niềm tin ở lực lượng cách mạng. Anh chú ý dạy cách dùng tiếng Việt gọn gang, trong sáng qua việc duyệt các bài báo hoặc những tài liệu do anh em viết. Anh dăn viết một cách giản dị, dễ hiểu, không rườm rà, lủng củng, lai căng. Chính anh từ thời kỳ ở Quảng Châu đến nay đã cho các lớp người cách mạng và cho dân tộc nhiều từ mới, làm cho ngôn ngữ cách mạng phong phú thêm đủ diễn đạt những biến đổi của thời đại đang diễn ra hằng ngày.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #134 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:36:08 pm »

Ngày hội Quốc tế lao động, các đoàn khách nước ngoài đến Mát-xcơ-va rất đông. Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa có nhiều học sinh các nước thuộc địa. Ngày đó Viện dặn các học sinh đừng ra đường để giữ bí mật. Anh Nguyễn liền có sáng kiến tổ chức liên hoan trong nhà cho các học sinh Việt Nam vui chơi thoải mái và lành mạnh, Trong lúc ngoài phố nhân dân kéo đi như nước chảy, nhộn nhịp và tươi vui thì ở ký túc xá, anh Nguyễn cùng anh em học sinh Việt Nam viết báo tường, ca hát, diễn kịch.

Cứ đến ngày chủ nhật, mọi người tổ chức nấu cơm Việt Nam, anh Nguyễn cũng xuống bếp cùng anh em thổi nấu, dọn dẹp. Nhiều khi anh dẫm anh em học sinh đi thăm các di tích cách mạng và cảnh đẹp Mát-xcơ-va hoặc dịch giúp anh em những tài liệu bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Anh mang đến mọi học sinh Việt Nam sống ở thủ đô Liên Xô sự ấm áp của tình đồng chí, sự mến thương của tình anh em, sự quyến luyến của tình đồng bào.

Anh dẫn một số học sinh đi xem “Ba bài ca về Lê-nin” của nhà đạo diễn nổi tiếng Véc-tốp, chiếu nhân dịp lần thứ 10 ngày Lê-nin từ trần. Anh muốn họ thấy giờ phút đau thương bi tráng mười năm về trước mà anh đã sống ở Mát-xcơ-va, để càng nhớ Lê-nin. Từ năm 1924 ấy anh đã viết : “Chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế cộng sản và các chi bộ của nó, trong đó có các chi bộ của các nước thuộc địa, sẽ thực hiện được những bài học và những lời di huấn mà lãnh tụ để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người ra đi dặn lại, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu của chúng ta đối với Người hay sao ?

Tình cảm anh Nguyễn đối với Lê-nin là lòng hiếu thảo, một đức tính Việt Nam. Để vận dụng tốt chủ nghĩa Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, tiếp thu thêm kinh nghiệm quốc tế đã được tổng kết và trao dồi thêm lý luận cách mạng, anh ghi tên theo một khóa nghiên cứu lý luận của Trường Quốc tế Lê-nin ở Mát-xcơ-va. Trong bản khai lý lịch gửi trường, anh viết : “Địa vị xã hội : Người cách mạng. Nghề nghiệp chính : làm công tác Đảng”. Trường này được thành lập năm 1926 theo nghị quyết Đại hội lần thứ năm Quốc tế cộng sản mà chính anh Nguyễn đã giơ tay biểu quyết. Trường dành riêng cho các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản các nước tư bản và các nước thuộc địa. Trong số giảng viên của trường có đồng chí Xta-lin. Phương pháp học chủ yếu là các nhân tự nghiên cứu sau khi nghe giảng viên giới thiệu đề tài.

Trường đặt ở một nơi khá kín đáo, thuận tiện cho việc bảo vệ các đồng chí quốc tế. Đây là một ngôi nhà hai tầng màu vàng, xây từ đầu thế kỷ 19, nguyên là biệt thự của một công tước Nga, mang biển số nhà 25 ở giữa phố Vô-rốp-xcô-vô. Phố này ở trung tâm Mát-xcơ-va mà lại rất yên tĩnh, ít người, ít xe cộ qua lại với những hàng cây cao rợp bóng cùng nhiều lâu đài và dinh thự cũ.

Trường Quốc tế Lê-nin, lúc mới lập mang tên Lớp quốc tế Lê-nin, ở phía sau một vường cây rậm, có giậu sắt, người đi ngoài đường không thấy. Ở cửa nhỏ bước vào nhà, hai bên tường đắp phù điêu đầu sư tử và dưới mái hiên treo hai chiếc đèn lồng kiểu cổ. Tại đây, theo nguyên tắc tổ chức chặt chẽ của Quốc tế cộng sản, Ban thẩm tra tư cách các nghiên cứu sinh, gồm 12 người do đồng chí Na-sốp làm trưởng ban, họp ngày 16-9-1934 để xem hồ sơ về anh Nguyễn. Cuộc họp ra quyết định “Nhận đồng chí Lin,  Đảng Cộng sản Đông Dương, vào Trường Quốc tế Lê-nin, số hiệu 375, niên khóa 1934-1935”.


Trường Lênin, nơi Nguyễn Ái Quốc học tập nghiên cứu trong những năm hoạt động ở Liên Xô.

Trường chia thành nhóm theo tiếng nói : Pháp, Đứa, Anh, Tiệp khắc, Trung Quốc… Mỗi nhóm nghiên cứu riêng, có giảng viên và người phiên dịch riêng. Lúc đâu Ban giám đốc trường đứa anh Nguyễn vào nhóm Trung Quốc, nhưng được vài ngày thấy không thích hợp lai chuyển sang sinh hoạt với nhóm Pháp. Các đồng chí Pháp hoan nghênh anh “một người Pa-ri cũ”. Sáng nào cũng thế, trong giảng đường nhỏ với những cột đá tròn to, cô phiên dịch Xa-môi-lô-va duyên dáng, mói tiếng Pháp rất giỏi, dịch cho cả nhóm nghe tin chính và bài bình luận hay của báo Sự Thật. Sau đó mọi người nghe giảng hoặc cá nhân tự nghiên cứu, tự học tại trường đến 2 giờ chiều.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #135 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:41:13 pm »

Thường mỗi đề tài trong một vấn đề nghiên cứu, có hai giờ giảng viên giới thiệu trên giảng đường, năm giờ cá nhân tự nghiên cứu, hai giờ thảo luận ở nhóm và giải đáp những câu hỏi. Chương trình khóa nghiên cứu của anh Nguyễn gồm các vấn đề lớn : Chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, phong cách công tác ; Lý luận về chuyển từ cách mạng dân chủ xã hội sang cách mạng vô sản ; Học thuyết về cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản ; Vấn đề nông dân ; vấn đề dân tộc và thuộc địa ; Công tác xây dựng Đảng, công tác quần chúng và Mặt trân dân tộc thống nhất ; Công tác hoạt động bí mật.

Anh Nguyễn đã tìm thấy sức mạnh trong câu nói của Lê-nin mà anh đã ghi trên bìa cuốn : "Đường kách mệnh” lúc còn ở Quảng Châu : “Không có lý luận kách mệnh thì không có kách mệnh vận động”. Đội với người vạch đường lối, dẫn dắt phong trào đi qua mọi phong ba bão táp, có lý luận chính xác và khoa học là cần thiết như không khí cho cuộc sống, như kim chỉ nam cho người đi biển. Anh đã đi sâu vào lý luận cách mạng vô sản ở ngay nơi trung tâm của tư duy cách mạng thế giới, tổng kết khái quát và kết tinh lại những kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động cách mạng của mình và của các Đảng anh em rồi đón nhận từ đấy những nguồn ánh sáng mới để phát huy hết tiềm lực chiến đấu vươn tới giải phóng. Cùng với nhóm Pháp đi nghiên cứu công tác xây dựng Đảng ở nhà máy bánh kẹo “Tháng Mười Đỏ” bên bờ sông Mát-xcơ-va hay đi xem cách làm việc của các nông trang tập thể tận Ri-a-dan, anh chú ý hỏi tỉ mỉ những kinh nghiệm xô-viết, ước mơ tới một ngày những người cộng sản Việt Nam cũng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay trên đất nước của mình.

Những đoàn nghệ thuật hay nhất của Liên Xô đều thường xuyên đến biểu diễn tại hội trường của Trường Quốc tế Lê-nin và các nhóm nghiên cứu của trường cũng tổ chức những buổi liên hoan giới thiệu những nét nghệ thuật độc đáo của nhiều dân tộc. Lần ấy, nhóm Pháp diễn vở Công xã Pa-ri, nữ đồng chí Phrăng-xoa-dơ Xi-mon đóng vai người phụ nữ Pa-ri đi tải đạn, còn anh Nguyễn là người chiến sĩ cầm cờ Công xã đứng trên một chiến lũy của Pa-ri. Một sán kiến hay của anh Nguyễn đưa ra được cả trưởng hoan nghênh : Các nhóm thay nhau cử người xuống làm bếp ngày chủ nhật để các đồng chí cấp dưỡng của trường được nghỉ ngơi.

Từ con người của anh toát ra sự đôn hậu, sự thành tâm, tính vị tha, lòng thương người, và như cô phiên dịch Xa-môi-lô-va thường nói, sự trong sáng rất cộng sản. Được tin Xa-môi-lô-va sinh con, anh Nguyễn đến tận nhà thăm và tặng quà. Cháu bé Hen-rích Phắc-tơ người yếu, hay quấy gắt, Xa-môi-lô-va băn khoăn không biết làm thế nào để có thể tới phiên dịch cho nhóm Pháp trong buổi mít tinh kỷ niệm Lê-nin. Anh Nguyễn bảo Xa-môi-lô-va cứ yên tâm ở nhà trông con, để anh giúp phiên dịch thay. Tối tối, anh không quên đến thăm các nhóm học sinh Việt Nam, xem việc học tập và sinh hoạt. Các học sinh đang chuẩn bị tổ chức nấu cơm Việt Nam mừng Tết 1935. Anh nhắc anh em nên mời một số đồng chí các nước thuộc địa đến cùng vui Tết với Việt Nam, và mừng những thành tựu mới của Liên Xô cũng là của phong trào cách mạng thế giới.

Mát-xcơ-va mở thêm hàng trăm cửa hàng bán lương thực tự do. Nhà nước đã có dự trữ 25 triệu tấn lúa mì. Trên bầu trời xuất hiện máy bay chở khách khổng lồ ANT do Liên Xô chế tạo với 70 chỗ ngồi. Những đoạn đường và ga xe điện ngầm đầu tiên lộng lẫy của Mát-xcơ-va đã đón khách đi như nước chảy. Lò cao thứ 116 của Liên Xô ở Nô-vô Tu-la bắt đầu chạy. Anh thợ mỏ Sta-kha-nốp ở vùng mỏ Đô-nét khai thác được 102 tấn than một ngày, gấp 14 lần định mức được giao, đang lôi cuốn hào hứng toàn thể những người lao động Liên Xô. Xta-lin tuyên bố trước các học sinh trường Cao đẳng Hồng quân :

– Khẩu hiệu cũ “Kỹ thuật quyết định tất cả” phản ánh một thời kỳ đã qua rồi, thời kỳ đang chịu nạn thiếu kỹ thuật. Bây giờ phải thay bằng khẩu hiệu “cán bộ quyết định tất cả”. Đó là điều căn bản ngày nay.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #136 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:43:43 pm »

Cán bộ đối với phong trào cách mạng Việt Nam cũng đang giữ vai trò quyết định. Anh Nguyễn đề nghị các học sinh Việt Nam tốt nghiệp ở Liên Xô nhanh chóng trở về nước góp sức vào việc lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Còn đối với anh, lúc này cũng bận góp phần chuẩn bị rất căng cho Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản. Anh giúp đoàn đại biểu Đảng từ trong nước ra viết những tham luận đọc trước Đại hội, cùng nhau trao đổi ý kiến, nghiên cứu các mặt tình hình về các vấn đề cần nêu lên phù hợp với xu thế mới của phong trào chung.

Suốt mấy tháng liền Ban chấp hành Quốc tế cộng sản thảo luận sôi nổi về đường lối mới đưa ra Đại hội sắp tới. Đấy là một sự chuyển hướng chiến lược, nêu rõ nhiệm vụ cấp bách là huy động toàn lực, lập mặt trận nhân dân chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh do bọn phát xít gây ra. Đồng chí M. Tô-rê, đảng Cộng sản Pháp, vừa tới Mát-xcơ-va, kể chuyện bọn phát xít Pháp âm mưu dùng bạo lực làm đảo chính phản cách mạng bị giai cấp công nhân và nhân dân Pháp đoàn kết trong mặt trận chung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản pháp giáng cho một đòn chí tử. Kinh nghiệm ấy của Đảng Pháp được nghiên cứu rất kỹ ở trụ sở Quốc tế cộng sản và là sự chứng minh hùng hồn cho phương hướng đấu tranh mới và đúng sẽ nêu lên ở Đại hội.

Cũng như mọi đại biểu dự Đại hội, anh Nguyễn viết bản sơ yếu lý lịch và quá trình hoạt động cách mạng của mình. Làm sao mấy dòng chữ có thể miêu tả đầy đủ lịch sử cuộc chiến đấu hết sức thần kỳ của anh với những chặng đường, đất nước, công việc, cảnh ngộ mà anh đã trải qua. Anh trả lời ngắn gọn tất cả những câu hỏi in sẵn mà theo nguyên tắc và thủ tục thẩm tra tư cách đại biểu người ta đưa anh trong bốn trang giấy :


Bản tự khai

– Tên hoặc bí danh trong Đảng ? – Tống Văn Sơ.
– Tên hoặc bí danh dùng trong Đại hội ? – Lin.
– Thành phần gia đình ?  Nhà nho.
– Trình độ văn hóa ?  Tự học.
– Đồng chí đã học ở trường Đảng nào ? Tôi đang học ở Trường quốc tế Lê-nin.
– Nghề nghiệp : Tôi làm nghề thủy thủ. 10 năm trời tôi đi làm thuê.
– Phương tiện sinh sống hiện nay ? Tôi đang học ở Trường quốc tế Lê-nin.
– Đồng chí đã hoặc đang tham gia chi bộ nào của Quốc tế cộng sản, từ năm nào ? Từ năm 1920 đến năm 1930 : tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Từ năm 1930 đến nay : là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
– Đồng chí có tham gia đảng phái nào khác không, và nếu có, từ bao giờ ? Không.
– Đồng chí đã qua những công tác gì từ Đại hội lần thứ 6 (Quốc tế cộng sản) đến nay ?
Từ năm 1928 : tôi tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm.
Năm 1930-1931: tôi tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương.
– Đồng chí có bị bắt vì hoạt động cách mạng không ? Hoặc bị vào tù, hoặc đi đày, vào ngục bao nhiêu năm ? Năm 1931 tôi bị bắt. Ngồi tù 2 năm. Năm 1933 tôi trốn thoát.
– Đồng chí đã dự những Đại hội, hội nghị quốc tế nào ? Tôi đã dự Đại hội lần thứ năm Quốc tế cộng sản. Đại hội lần thứ ba Quốc tế công đoàn.
– Đồng chí từ đất nước mình đến hoặc đang sống ở nước ngoài ? Tôi đang sống ở nước ngoài.
– Đồng chí có tham gia Nghị viện hoặc hội đồng hành chính nào không ? Không.
– Đồng chí biết những ngoại ngữ gì ? Tôi biết các tiếng Pháp, Anh, Đông Dương, Quảng Đông, Ý và một ít tiếng Nga.


                                                                                                                                                  Người khai
                                                                                                                                                                                            LIN.

Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #137 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:46:09 pm »

Ban tổ chức Đại hội trao anh tấm thẻ màu xanh đại biểu tư vấn của Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản. Tấm thẻ mang số 154, ghi tên : “Lin, thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương”, dán ảnh anh lúc này trông đã khỏe hơn nhiều so với lúc mới ra tù và tóc trên đầu đã mọc lại, tuy còn hơi ngắn.

Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản khai mạc ngày 25-7-1935 tại Nhà các công đoàn, mặt trước nhà căng lên lá cờ lớn in hình quả đất với búa liềm. 513 đại biểu thay mặt cho 3 triệu 140.000 đảng viên cộng sản của 76 Đảng và tổ chức cộng sản trên khắp thế giới ngồi dưới chum đèn pha-lê, sôi nổi khí thế chiến đấu và chiến thắng. Mọi người hân hoan và tự hào nhìn thấy trong hội trường những nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào công nhân : I. Xta-lin, G. Đi-mi-tơ-rốp, V. Cô-la-rốp, Ô. Cu-xi-nen, M. Ca-sanh, M. Tô-rê, V. Pích, V. Un-brích, P. Tô-gli-a-ti, Bê-la Cun, Đ. Ma-nu-in-xki, Nô-xa-ca Xan-dô tức Ô-ca-nô, H. Pô-lít, U. Phô-xtơ, B. Xmê-ran, Đ. I-ba-ru-ri, Nguyễn Ái Quốc tức Lin…

Tiếng nhạc, tiếng hát Quốc tế ca say sưa và ngân mãi, thiết tha và lôi cuốn cả hội trường. Những người cộng sản năm châu khoác tay nhau, xiết chặt hàng ngũ, hướng về chân dung Mác, Ăng-ghen, Lê-nin cất cao lời nguyện đấu tranh chống nguy cơ phát xít đang đe dọa loài người. Đồng chí V. Pích khai mạc Đại hội, chào mừng nhân dân lao động Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cổ vũ mạnh mẽ những người cộng sản và nhân dân thế giới. Đại hội bầu đồng chí E. Ten-man, lãnh tụ cộng sản Đức làm chủ tịch danh dự của Đại hội.

Đại hội chăm chú nghe bản báo cáo chính, rất quan trọng của đồng chí G. Đi-mi-tơ-rốp, nói về sự tiến công của chủ nghĩa phát xít và những nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản trong cuộc đấu tranh cho sự thống nhất giai cấp công nhân chống chủ nghĩa phát xít.

Đồng chí Đi-mi-tơ-rốp phân tích sâu sắc tính chất giai cấp của chủ nghĩa phát xít, chỉ rõ “chủ nghĩa phát xít nắm chính quyền là nền chuyên chính khủng bố công nhân của những phần tử phản động nhất, sô-vanh nhất, đế quốc chủ nghĩa nhất của tư bản tài chính”. Đồng chí lau mồ hôi trán, nói giọng nghiêm nghị :

“Chủ nghĩa phát xít chính là sự tiến công tàn bạo nhất của tư bản chống lại quần chúng lao động.
Chủ nghĩa phát xít chính là chủ nghĩa sô-vanh đến cực điểm và là chiến tranh xâm lược.
Chủ nghĩa phát xít chính là thế lực phản động cường bạo và là thế lực phản cách mạng.
Chủ nghĩa phát xít chính là kẻ thù xấu xa nhất của giai cấp công nhân và của tất cả những người lao động”.


Trên cơ sở phân tích điều kiện phát sinh và phát triển của chủ nghĩa phát xít và những nguyên nhân đã làm cho chủ nghĩa phát xít nắm được chính quyền ở một số nước, đồng chí Đi-mi-tơ-rốp khẳng định chế độ độc tài phát xít là một chính quyền tàn bạo nhưng hết sức bấp bênh, vì nó chính là con đẻ của cuộc khủng hoảng kinh tế cực kỳ sâu sắc trong cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Nhân dân toàn thế giới hoàn toàn có thể ngăn chặn được bọn phát xít lên nắm quyền và lật đổ chúng ở những nơi chúng đã tạm thời thắng thế. Để chiến thắng chủ nghĩa phát xít, điều quan trọng nhất là phải lập Mặt trận thống nhất giai cấp công nhân trong từng nước và trên toàn thế giới. Đấy là thứ vũ khí sắc bén giúp giai cấp công nhân tự bảo vệ và tiến công thắng lợi chống chủ nghĩa phát xít và kẻ thù giai cấp. Phải đoàn kết, động viên nhân dân lao động đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít xâm lược. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng được đề ra là Mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít xâm lược trên cơ sở Mặt trận thống nhất của giai cấp vô sản.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #138 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:47:01 pm »

Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản tổng kết toàn bộ kinh nghiệm phong phú đấu tranh cách mạng của các Đảng Cộng sản, đặc biệt là kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Pháp trong việc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít. Đại hội nhận định chủ nghĩa phát xít là chiến tranh xâm lược, ăn cướp và vạch rõ kẻ thù chính trước mắt của nhân dân thế giới lúc này không phải là chủ nghĩa tư bản đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít. Nhiêm vụ trước mắt của giai cấp công nhân chưa phải là đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh đế quốc, giành dân chủ và hòa bình. Các Đảng Cộng sản phải chuyển hướng hành động ngay cho kịp. Lúc này các thế lực phản cách mạng phát xít đang tiến công vào nền dân chủ tư sản, ra sức bắt nhân dân lao động sống dưới chế độ bóc lột và đàn áp dã man nhất. Vì vậy, như đồng chí Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Quốc tế cộng sản Đi-mi-tơ-rốp nói, mặc dầu chúng ta tán thành nền dân chủ Xô-viết, nền dân chủ của người lao động, lúc này ở các nước tư bản chủ nghĩa, chúng ta phải bảo vệ các tự do dân chủ tư sản mà chủ nghĩa phát xít đang phá hoại. Đại hội tha thiết đề nghị những người cộng sản ở tất cả các nước lập ngay Mặt trận thống nhất của công nhân và quần chúng rộng rãi để đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chống cuộc chiến tranh xâm lược mà chủ nghĩa phát xít đang chuẩn bị và nhen nhóm.

Đấy là sự chuyển hướng hành động có ý nghĩa trọng đại của Quốc tế cộng sản và là ngôi sao dẫn đường cho những người cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Phong, trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đọc bản tham luận về phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo trong năm năm qua. Một bản tự kiểm điểm, tự phê bình, tự đánh giá và tự xác định đường đi. Đồng chí nói :

“Trong thời gian giữa các Đại hội lần thứ 6 và thứ 7 Đảng Cộng sản cũng như toàn bộ phong trào cách mạng Đông Dương đã trải qua một giai đoạn phát triển mạnh, có nhiều thành tích to lớn và những tổn thất nặng nề… Nhiều đồng chí cho rằng chúng tôi đã khuất phục trước đế quốc Pháp, rằng Đảng đã chết, rằng tình hình thật là bị thảm. Đó chỉ là những lời của kẻ động dao, của những người cộng sản không kiên định. Thưa các đồng chí, thực tế đã chứng minh rằng đế quốc không thể nào tiêu diệt được Đảng bằng khủng bố và không thể nào bóp chết được phong trào cách mạng… Người Thượng ở Nam Trung Kỳ, Lào và Cao Miên cũng như người Tày ở thượng du Bắc Kỳ, người Lào, người Cao Miên, v.v… đã gia nhập đông đảo hàng ngũ cách mạng… Vì vậy, hiện nay chúng tôi có nhiều khả năng rộng lớn hơn để thực hiện Mặt trận nhân dân phản đế, Mặt trận thống nhất của tất cả các dân tộc Đông Dương chống kẻ thù chung… Trong hai năm trời, chúng tôi không có Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1934, chúng tôi đã họp Đại hội Đảng lần thứ nhất và bầu ra được Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trước đây, trong những năm cách mạng phát triển, Đảng chúng tôi có gần 3.500 đảng viên. Hiện nay số lượng đảng viên ít hơn nhưng Đảng chúng tôi sẽ phát triển và ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình.

Tôi xin nhắc lại một lần nữa, tình hình hiện nay ở Đông Dương mở ra nhiều khả năng rộng lớn cho việc phát triển cuộc đấu tranh cách mạng và phát triển Đảng của chúng tôi. Đối với chúng tôi, Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản là một trường học lớn, giúp chúng tôi tiếp thu kinh nghiệm quý báu của 65 chi bộ quốc tế và trước hết của chi bộ lãnh đạo Quốc tế Cộng sản là Đảng Cộng sản Liên Xô.

Thưa các đồng chí, đất nước và thành phố mà chúng tôi đang họp ở rất xa quê hương chúng tôi. Nhưng những người lao động Đông Dương đều đã hiểu rõ thế nào là Liên Xô. Công nhân và nông dân ở xứ thuộc địa xa xôi của Pháp hướng về Mát-xcơ-va, chứa chan hy vọng và tin tưởng”.

Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #139 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2011, 09:47:46 pm »


Đồng chí Minh Khai tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương, đồng chí Tú Hưu tham luận về các dân tộc miền núi Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc chủ nghĩa nếu nó xảu ra. Nhìn các đồng chí ta đứng trước một Đại hội có tầm quan trọng đối với vận mệnh thế giới, anh Nguyễn không thể không mừng vui đến xúc động. Những năm đen tối của thời kỳ thoái trào cách mạng và những ngày gian khổ trong ngục kín Hương Cảng, anh chưa tưởng tượng có một ngày như hôm nay. Trong phiên họp tối 16-8, dưới sự điều khiển của đồng chí Béc-te, anh Nguyễn bước lên diễn đàn sau đồng chí Huýt-sơn, đại biểu Đảng Cộng sản Mỹ. Anh đã nói về cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương, trước nguy cơ phát xít đang tăng lên.

Đại hội 7 Quốc tế cộng sản thông qua nghị quyết của hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản năm 1931, quyết định công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Một vinh dự lớn lao, một trách nhiệm nặng nề của Đảng Cộng sản Đông Dương, một sự cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng toàn thế giới.

Chúc mừng Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh oanh liệt, thắng lợi vẻ vang, các đồng chí M. Tô-rê, trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp và đồng chí Vương Minh, trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc, mời cơm thân mật anh Nguyễn và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội, tại một biệt thự ở ngoại ô Mát-xcơ-va với những cách rừng thông chạy thoai thoải xuống bờ sông. Sự nghiệp cách mạng chung thắt chặt tình thân của những người bạn chiến đấu, chung một con đường chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trung thành với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Đại hội để lại ở anh Nguyễn những ấn tượng sâu sắc, những phát hiện tinh tế về chính trị, những phương hướng chính xác cho cuộc đấu tranh cách mạng mà anh cho rằng đối với cách mạng Đông Dương là kim chỉ nam trong thời kỳ mới đầy biến động này của thế giới. Anh suy nghĩ rất nhiều về đường lối mới do Đại hội vạch ra, suy nghĩ để nhìn lại những công việc đã qua của Đảng và để vận dụng nó vào công tác của Đảng trong nước. Thực hiện ngay Mặt trận thống nhất của công nhân và quần chúng rộng rãi đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chống cuộc chiến tranh xâm lược mà chủ nghĩa phát xít đang điên cuồng chuẩn bị. Đấy là công tác cấp bách của cả những người cộng sản châu Á. Và đúng ở thời điểm phức tạp này của thế giới, anh Nguyễn được làm việc ở Quốc tế cộng sản, ở trung tâm đầu não của phong trào cộng sản thế giới, có điều kiện tiếp thụ từ ngọn nguồn của nó, tư tưởng Lê-nin vĩ đại, nâng cao tầm nhìn chiến lược, và tư duy khoa học, sáng tạo. Anh nhắc đồng chí Lê Hồng Phong khi về nước nhanh chóng phổ biến cho Trung ương Đảng về tinh thần nghị quyết Đại hội 7 Quốc tế cộng sản, xuất phát từ tình hình cụ thể của Đông Dương, xem lại những nghị quyết của Đại hội thứ nhất của Đảng, khắc phục tư tưởng “tả” khuynh, hẹp hòi, bảo thủ, chỉ chú trọng công tác không hợp pháp, chỉ biết có quần chúng công nông mà không chịu vận động, tuyên truyền, hợp tác với các tầng lớp nhân dân rộng rãi khác, đồng thời đề phòng tư tưởng hữu khuynh trong cán bộ đảng viên, không tích cực  đấu tranh chống đế quốc và phong kiến.

Lại một tin buồn đến với anh : Nhà văn lớn của Pháp Hăng-ri Bác-buýt người bạn và người đồng chí thân thiết của anh từ lúc anh còn ở Pa-ri, đã từ trần tại Mát-xcơ-va đêm 30-8. Chính Bác-buýt là người ở Pa-ri đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc khủng bố dã man của thực dân Pháp đối với những người yêu nước Đông Dương những năm 1930-1933, trong đó có anh Nguyễn. Bác-buýt vừa tới Liên Xô được ít lâu để thăm đất nước của Lê-nin nhưng Bác-buýt gầy và có nhiều bệnh trong người : lao phổi và đau tim, lên cơn sốt hơn 40 độ, các bác sĩ bệnh viện Crem-li không cứu chữa được. Anh Nguyễn đến viếng thi hài Bác-buýt quàn tại viện âm nhạc Mát-xcơ-va, và dự buổi tiễn đưa thi hài Bác-buýt về Pa-ri bằng đường xe lửa. Lúc này tiếng nói bốc lửa của Bác-buýt chống chiến tranh đế quốc cần thiết cho nhân loại biết là chừng nào, tinh thần của bác-buýt sẽ động viên mọi người kiên quyết chống cuộc chiến tranh thế giới mới do chủ nghĩa phát xít đang khơi ngòi.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM