Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:07:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bác Hồ trên đất nước Lê-nin  (Đọc 77070 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 12:37:17 pm »

Lúc này anh Nguyễn đang ở khu trung tâm của Mát-xcơ-va, đem hết sức mình làm việc, nghiên cứu, suy nghĩ, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào sự chỉ đạo phong trào chung, nhất là phong trào các nước thuộc địa. Điểm nổi bật nhất mà ai trong tập thể cũng thấy rất rõ là tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu cách mạng triệt để, vì lợi ích của dân tộc và của loài người, sự trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trong hành động, lời nói, tác phong của anh, người ta thấy một chiến sĩ cống hiến tất cả cho sự nghiệp cách mạng, đồng thời là một con người giản dị, khiêm tốn, đức độ, hòa nhã, lịch thiệp, yêu thương đồng chí, tất cả thành một tổng thể không bao giờ tách rời nhau. Sống và làm việc với nhiều chiến sĩ cách mạng quốc tế giàu kinh nhiệm đấu tranh, trong đó có nhiều người nổi tiếng thế giới, và nhiều nhà trí thức yên bác, anh mang đến tập thể Ban Chấp hành Quốc tế nông dân nét tươi mát của một con người hồn nhiên, trung thực, nhân ái. Anh biết bảo vệ chân lý, nhưng khi cần thiết anh cũng biết tự kiềm chế, biết chờ đợi và đoàn kết mọi người, biết nhường nhịn và đoàn kết rộng rãi với anh em đồng chí. Có lần một vài người đến nói với anh :

– Chỉ sau khi cách mạng Pháp và cách mạng Trung Quốc thành công thì cách mạng Việt Nam mới có hy vọng thắng lợi.

Anh Nguyễn chỉ cười và trả lời :

– Chúng ta hãy chờ xem !

Anh tiêu biểu cho một kiểu người cách mạng trẻ, mới nhất và con người thanh niên chân chất ấy với tấm lòng sống vì mọi người, vì cách mạng, đã nhanh chóng tranh thủ được sự kính trọng, yêu mến và tín nhiệm của các đồng chí trong tập thể lãnh đạo phong trào.

Quốc tế cộng sản đánh giá cao phẩm chất và năng lực của anh và cử anh nhận thêm một trách nhiệm mới rất quan trọng là làm việc trong Bộ Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Trụ sở Quốc tế cộng sản đóng trong một tòa nhà năm tầng, số 1 phố Ma-kho-vai-a, ngay trước mặt cổng Tơ-rô-nhít-xki của thành Crem-li. Mặt chính tòa nhà nhìn về hướng Đông. Bên phải nó là chiếc cầu Tơ-rô-nhít-xki dẫn vào trung tâm điện Crem-li. Trước mặt là nhà để xe hơi của thành phố. Phía trái có đường xe điện và trường đại học Mát-xcơ-va tấp nập học sinh ra vào. Quảng trường nhỏ đối diện với tòa nhà về mùa đông tuyết phủ thành đống cao, thỉnh thoảng môt chiếc xe ngựa chạy qua cào thành hai rãnh sâu trong tuyết. Khi đẩy cửa bước vào trụ sở, ở ngay tiền sảnh người ta nghe ríu rít những tiếng chào nhau, gọi nhau bằng các ngôn ngữ trên thế giới. Chiếc cầu thang lát đá dẫn lên các tầng gác với những hành lang rất dài chạy giữa những dãy buồng là nơi làm việc của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cùng các bộ phận trực thuộc và của đại diện các Đảng Cộng sản, tức các chi bộ của Quốc tế Cộng sản.

Ngoài cửa buồng in rõ tên từng Đảng với những ký hiệu gợi lên những vịnh nhỏ của Na-uy, đê biển của Hà Lan, những rạp xiếc của Ta6y Ban Nha ; vườn nho của Ý, rắn xanh của Ấn Độ, kim tự tháp của Ai Cập, thác nước của Mỹ, đồng cỏ của Pháp, rừng núi của Ê-ti-ô-pi… Năm 1848, Mác nói “bóng ma cộng sản” đã bao trùm châu Âu. Nhưng năm 1923 này, “bóng ma cộng sản” đã bao trùm năm châu bốn biển. Hành lang không bóng người, các buồng đóng kín, trong đó các bộ óc lớn của phong trào cộng sản quốc tế đang tư duy và sáng tạo, đang làm mới hẳn thế giới và đem lại mùa xuân cho các dân tộc.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 12:38:00 pm »

Những người cộng sản trên khắp thế giới về đây, sống chung trong đại gia đình cộng sản, cái thiêng liêng gắn bó họ với nhau rất keo sơn và rất chí tình là cùng đi theo con đường chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cùng chung một lý tưởng cao quý, cùng chung một kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc. Hòa mình trong tập thể to lớn đó, anh Nguyễn được sống một thời kỳ sôi động mà loài người đang biến chuyển mạnh mẽ, cách mạng được ấp ủ và tiến hành trên quy mô toàn thế giới. Đấy là thời kỳ mỗi dân tộc tìm cách tự vùng lên và cũng là thời kỳ có tình hình người cộng sản Bun-ga-ri hoạt động ở Đức, người cộng sản Xéc.bi hoạt động ở Pháp, người cộng sản Pháp hoạt động ở Mã Lai, người cộng sản Nga hoạt động ở Mỹ… Những ngày công tác ở Quốc tế cộng sản, anh Nguyễn lại có dịp học hỏi thêm, tích lũy thêm hiểu biết và kinh nghiệm. Chủ nghĩa yêu nước ở anh ngày càng gắn với chủ nghĩa quốc tế, một cách hài hòa và bền vững.

Anh ngồi làm việc trong một căn phòng trên tầng gác ba, cùng tầng với đồng chí Cô-la-rốp, Tổng bí thư ban chấp hành Quốc tế cộng sản và là một trong số những lãnh tụ của Đảng Cộng sản Bun-ga-ri.

Do ngẫu nhiên hay do nhã ý của đồng chí quản trị, cửa sổ phòng làm việc của anh Nguyễn nhìn về phía Đông, phía Tổ quốc và nhân dân anh. Bên khung cửa đặt những chậu cảnh nhỏ. Anh chắc đã nghĩ nhiều về quê hương đất nước, về một dòng sông Lam lặng lờ trôi giữa bãi mía rì rào, về cây đa, quán chơ đầu làng, về những cánh đồng lúa trĩu hạt mà thóc gạo không vào tay người lao động, về một bến cảng Sài Gòn, một đường phố Huế, về một bãi biển Phan Thiết, mặt trời đỏ nhú lên ở đằng Đông. Phương Đông sẽ bừng tỉnh. Lê-nin đã tiên tri như thế. Và Người đã lo nghĩ đầy đủ cho Bộ Phương Đông cùa Quốc tế cộng sản, nơi anh Nguyễn mới đến nhận công tác, đẻ nghiên cứu chiến lược và giúp đỡ cuộc đấu tranh của các dân tộc phương Đông trong đó có nhân dân Việt Nam của anh.

Quốc tế cộng sản – Quốc tế III – thành lập năm 1919 theo sáng kiến của Lê-nin nhằm tập hợp, đoàn kết, thống nhất, phối hợp giúp đỡ về tư tưởng, chính trị và tổ chức các lực lượng vô sản, các lực lượng cách mạng, các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, giành chính quyền về tay nhân dân, thực hiện chuyên chính vô sản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Đứng trước kẻ thù đang dồn sức giơ nanh vuốt và lộng hành, giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức phải kết thành hòn đá tảng giáng trả lại chúng, đánh lui chúng từng bước, đánh đổ chúng từng bộ phận. Quốc tế cộng sản ngay từ đầu rất quan tâm giúp đỡ và hết lòng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Những lời phát biểu của Lê-nin về khu vực hàng trăm triệu người đau khổ và nghèo đói này, những nghị quyết của Quốc tế cộng sản, những cán bộ được phái đến giúp phong trào từng nước… nói lên vị trí cực kỳ quan trọng của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bộ Phương Đông của Quốc tế cộng sản ngày càng phát triển. Những người lãnh đạo Quốc tế cộng sản phát hiện anh Nguyễn Ái Quốc, một chiến sĩ cách mạng xuất sắc, am hiểu những vấn đề dân tộc và thuộc địa với tất cả kinh nghiệm bản thân và một lập trường đúng đắn của giai cấp công nhân. Đấy là một đồng chí cách mạng ưu tú mà sự tham gia công tác ở Bộ Phương Đông sẽ góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #42 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 12:43:23 pm »

Ai cũng biết, ngay từ lúc còn ở Pa-ri, anh Nguyễn nhìn rõ mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc, cách mạng thuộc địa là bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới.

Vào lúc giữa những năm 20, quan điểm đó của anh, đặt cách mạng thuộc địa ngang hàng chứ không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở các nước đế quốc chủ nghĩa, cả hai lực lượng cách mạng ấy liên minh thành một mặt trận chống đế quốc, quan điểm đó thật là đúng đắn, táo bạo và đầy tinh thần cách mạng.

Đồng chí Ma-nu-in-xki, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Quốc tế cộng sản làm việc cùng tầng với gác với anh Nguyễn, là người đã gặp anh và ca ngợi bài nói của anh về vấn đề thuộc địa tại Đại hội lần thứ hai Đảng Cộng sản Pháp năm 1922 ở Pa-ri, đã đề nghị anh chuẩn bị tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa tại Đại hội lần thứ năm tới tại Quốc tế cộng sản.

Đúng ba năm về trước, anh trở thành đảng viên cộng sản. Hôm nay anh đã là một cán bộ quan trọng đứng trong guồng máy to lớn của Bộ tham mưu tối cao phong trào cộng sản thế giới mà tất cả bọn tư bản đế quốc đều căm tức và run sợ, mà sự xuất hiện của nó báo hiệu lịch sử loài người đã sang trang mới.

Anh Nguyễn vừa công tác ở Bộ Phương Đông Quốc tế nông dân, lại còn thường xuyên lên hệ với Trung ương Đảng Cộng sản Pháp bàn bạc công việc và viết bài cho các báo cách mạng ở Pa-ri. Chỗ ở của anh là khách sạn Luých. Công văn của Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản đề ngày 3-12-1923 giới thiệu anh Nguyễn lĩnh ở Ban Quản trị khách sạn Luých tiền sinh hoạt phí bảy tréc-vô-nét (đơn vị tiền tệ Nga lúc bấy giờ) một tháng.

Khách sạn Luých trước Cách mạng Tháng Mười thuộc chủ tư bản Phi-líp-pốp. Nó mang biển số 10, nằm giữa phố Tơ-véc-xkai-a đông vui nhất Mát-xcơ-va, không xa thành cổ Crem-li với rất nhiều cửa hiệu bách hóa, lương thực, thực phẩm. Những cỗ xe ngựa kéo lộc cộc trên đường phố, xe hoi rất ít, phố hẹp, nhiều nơi còn cỏ mọc, nhà cửa xây lộn xộn đúng như nhà văn Bê-lin-xki đã tả hồi thế kỷ trước : Nhà trong phố Tơ-véc-xkai-a, cái thì nhô ra phía đường vài bước như muốn nhìn xem có gì xảy ra trên đường phố, cái thì thụt vào phía trong vìa bước như thu mình trong sự khiêm tốn. Bên cạnh những tòa nhà xây bằng đá là những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ.

Nguyễn Ái Quốc với các chiến sĩ cộng sản quốc tế Trương Thái Lôi (Trung Quốc) và Kataiama (Nhật Bản) trong thời gian hoạt động ở Mátxcơva.

Gọi là khách sạn nhưng thực ra Luých là khu nhà ở tập thể của cơ quan Quốc tế cộng sản, dành riêng cho các đồng chí trong Ban Chấp hành và các đồng chí lãnh đạo các Đảng đang công tác ở Liên Xô và một số cán bô, nhân viên giúp việc Quốc tế cộng sản cùng gia đình. Người lạ vào phải trình giấy tờ ở phòng bảo vệ. Buồng số 311 của anh Nguyễn trên gác ba, đủ kê một chiếc giường con, một cái bàn và một cái tủ nhỏ. Cùng tầng với anh có đồng chí Xen Ca-tai-a-ma, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản, sau giờ làm việc rất chịu khó học tiếng Nga. Ở các tầng khác là các đồng chí Lô-la-rốp, Tổng bí thư  Ban Chấp Hành Quốc tế cộng sản, Ô. Cu-xi-nen, lãnh đạo Đảng Phần Lan và gia đình, G. Đi-mi-tơ-rốp, lãnh đạo Đảng Bun-ga-ri, M. Éc-cô-li, Gơ-ram-si, lãnh đạo Đảng Ý, E. Vác-ga, lãnh đạo Đảng Hung-ga-ri, V. Un-brích lãnh đạo Đảng Đức, C. Gốt-van, lãnh đạo Đảng Tiệp…
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2011, 10:35:54 pm gửi bởi doiviendukichmat » Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #43 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 12:44:56 pm »

Mọi người sống giản dị như Lê-nin và sống theo kiểu “Quốc tế cộng sản” như nhân dân Mát-xcơ-va thường nói. Các buồng ở không đủ tiện nghi. Mỗi tầng gác chỉ có một vòi nước dùng chung và một nhà vệ sinh công cộng. Những ai không xuống nhà ăn tập thể dưới tầng thì có thể tự nấu lấy ở gian bếp nhỏ trên tầng gác của mình. Anh Nguyễn cũng như các đồng chí khác thường xách ấm đến nhà bếp tự đun nước đem về buồng dùng. Đấy là những con người mà phần lớn thời giờ và suy nghĩ dành cho công việc chung và sự nghiệp cách mạng, rất ít lo cho đời sống bản thân và cũng không đòi hỏi người khác phải bận bịu, vất vả vì mình. Nhân dân Liên Xô cảm động nhìn thấy những chiến sĩ quốc tế ấy chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn với mình, từ chối những sự chăm sóc và đặc quyền, những con người sống vì mọi người và coi khinh tất cả những sự xa hoa, bệ vệ, hình thức. Như anh Nguyễn, giữa mùa đông tuyết phủ, sáng nào cũng dậy sớm, đi bộ tự khách sạn Luých đến trụ sở làm việc. Một đồng chí Pháp từ Pa-ri đến, gặp anh tự giặt quần áo lấy, nói rằng anh sống như lúc còn ở nhà số 9, ngõ Công-poanh.

Nhưng điều quan trọng nhất là ở Pa-ri không có được không khí và tình cảm như ở đây. Trong khách sạn Luých, các đồng chí từ các Đảng và các nước khác nhau đến làm việc chan hòa trong tình đoàn kết quốc tế vĩ đại, say sưa công tác vì những hoài bão lớn và lý tưởng cách mạng cao đẹp. Các buồng ở đây không chỉ là buồng ở mà còn là buồng làm việc. Trong các buồng đó, các cán bộ và các đồng chí phụ trách phong trào Quốc tế cộng sản thảo luận tình hình, dự thảo các nghị quyết, bàn bạc những phương châm, phương hướng đấu tranh. Thường xuyên có những đồng chí ở các nước đến hoặc đi công tác ở nước ngoài trở về đây và cũng có nhiều đồng chí từ đây đi công tác các nước. Trong tập thể đầm ấm và chí cốt này, anh Nguyễn biết thêm được nhiều tình hình trên thế giới, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm mới về đấu tranh cách mạng, có thêm nhiều bạn chiến đấu và nhiều đồng chí thân quen.

Trong số nhửng ngưởi sống ở khách sạn Luých, anh Nguyễn chú ý đến một đồng chí người Nga vui tính, hoạt bát, vóc người cao to, khuôn mặt bầu bĩnh và có bộ ria mép. Đồng chí ấy có cặp mắt đen láy, giọng nói chắc nịch, phát biểu ý kiến thường ngắn gọn nhưng sắc sảo, cử chỉ tự nhiên, thoải mái, với dáng điệu nhanh nhẹn, tác phong lịch thiệp của một người đã sống nhiều năm ở nước ngoài. Anh Nguyễn được biết đấy là đồng chí M. Bô-rô-đin, cùng vợ và hai con trai ở ngay trong khách sạn. Cả gia đình dùng tiếng Anh trong sinh hoạt.

Đồng chí Bô-rô-đin hơn anh Nguyễn bảy tuổi, vào Đảng bôn-sê-vích Nga từ năm 20 tuổi. Khi xảy ra cuộc cách mạng Nga năm 1905, đồng chí làm bí thư Đảng ủy Ri-ga và lãnh đạo đội công nhân chiến đấu ở đây. Đồng chí là đại biểu dự Đại hội lần thứ tư Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Nga, họp tại Xtốc-khôn. Cách mạng Nga 1905 thất bại, đồng chí ra nước ngoài, đến Anh, rồi sang Mỹ. Lê-nin biết đồng chí, mấy lần viết thư sang cho đồng chí và nhờ đồng chí chuyển lời Người hỏi thăm công nhân Mỹ. Ở lâu bên Mỹ, đồng chí nói thạo tiếng Anh, hai con đẻ ở đấy cũng chỉ biết tiếng Anh. Năm 1918, đồng chí trở về nước tích cực tham gia công tác chuẩn bị thành lập Quốc tế cộng sản theo chỉ thị của Lê-nin. Đồng chí là đại biểu dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế cộng sản và đang là một cán bộ lãnh đạo quan trọng của tổ chức này.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2011, 10:33:59 pm gửi bởi doiviendukichmat » Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 12:45:42 pm »

Anh Nguyễn thường nói chuyện với đồng chí Bô-rô-đin trực tiếp bằng tiếng Anh và đến thăm gia đình đồng chí ở ở tầng gác dưới. Vợ và con Bô-rô-đin rất mến anh. Mọi người kể lại những kỷ niệm về đời sống các nước Anh, Mỹ mà họ đều đã trải qua. Vì Bô-rô-đin lúc ở Anh, Mỹ cũng đã làm công nhân như anh Nguyễn cho nên hai người dễ chung một nhận xét và cũng chóng thân nhau.

Bô-rô-đin cho anh Nguyễn biết đồng chí sắp đi công tác xa. Số là lúc này ở Trung Quốc, Quốc dân Đảng của nhà yêu nước Tôn Dật Tiên đã hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ trương Trung Quốc liên minh với nước Nga xô-viết. Giữa năm 1923, sau khi Chính phủ của ông ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, được củng cố và có uy tín trong nhân dân, Tôn Dật Tiên bèn cử một phái đoàn do Tưởng Giới Thạch dẫn đầu sang thăm nước Nga để đàm phán về việc nước Nga giúp đỡ chính phủ Quảng Châu. Phái đoàn Tưởng Giới Thạch tới Mát-xcơ-va tháng tám vừa qua, trao thư của Tôn Dật Tiên đề nghị tha thiết cử những cố vấn chính trị và quân sự tới Quảng Châu giúp Chính phủ cách mạng Trung Quốc. Bô-rô-đin được cử làm trưởng đoàn cố vấn chính trị bên cạnh Tôn Dật Tiên và chuẩn bị lên đường đi Trung Quốc vào cuối năm.

Bô-rô-đin chưa ở Trung Quốc bao giờ, và cũng chưa bao giờ nghiên cứu vần đề Trung Quốc. Vì vậy Bô-rô-đin phải tìm hiểu vần đề này thông qua một đồng chí xô-viết rất thạo các vấn đề Trung Quốc và đã ở Trung Quốc là đồng chí C. A. Đa-lin. Đa-lin lúc đó cũng ở ngay trong khách sạn Luých, cùng tầng với anh Nguyễn, thường kể cho anh nghe tình hình chính trị ở Quảng Châu và những lần đồng chí gặp Tôn Dật Tiên.

Đa-lin là một thanh niên sôi nổi với thế hệ Cách mạng Tháng Mười. Vầng trán cao, vóc người cũng cao, giọng nói vang, Đa-lin là Ủy viên Ban Viễn Đông của Quốc tế cộng sản thành lập tháng giêng năm 1921 và đóng trụ sở ở Iếc-cút. Đồng chí đã đến công tác tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để giúp đỡ phong trào cách mạng Trung Quốc, và đầu năm 1922 trở về Tổ quốc. Lúc này Quốc tế cộng sản giải tán Ban Viễn Đông và lập ra Bộ Phương Đông đặt trong trụ sở Quốc tế cộng sản ở Mát-xcơ-va. Vì vậy đồng chí về thẳng Mát-xcơ-va nhận nhiệm vụ phó trưởng ban Phương Đông của Quốc tế thanh niên cộng sản mà nơi làm việc đóng ở tầng một của trụ sở Quốc tế cộng sản.

Anh Nguyễn chăm chú nghe Đa-lin kể về khí thế cách mạng của Quảng Châu, phong tục, tập quán và đời sống của nhân dân Trung Quốc, lòng căm thù của họ đối với chủ nghĩa đế quốc, những mặt tích cực trong chính sách của ông Tôn Dật Tiên và cả những điều phức tạp trong việc các phe phái chính trị Trung Quốc tranh giành quyền lực. Anh để ý rất nhiều đến một chi tiết do Đa-lin nói : ở Quảng Châu đang có một số người Việt Nam yêu nước đến lánh nạn.

Nhiều ý nghĩ mới bỗng nảy ra trong óc anh. Lão Bộ trưởng Thuộc địa Pháp ở Pa-ri đã vẽ đường trước cho anh chăng ? “Nước Đại Pháp không cho phép ai từ Mát-xcơ-va đến Quảng Châu, rồi từ Quảng Châu về Đông Dương”. Người có quyền ra lệnh cho anh không phải là kẻ thù mà là đồng bào ruột thịt của anh. Đa-lin nói với anh :

– Đồng chí công tác ở Bộ Phương Đông chắc sẽ có dịp đi về phía đó.

Anh Nguyễn nói giọng khẳng định :

– Nhất định thế, vì đó là hướng đi về Tổ quốc tôi.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 10:37:21 am »

IV. NGỌN CỜ LÊ-NIN

Nhả số 185/1 đường Cô Bắc, Q1, Thành phố Hồ Chí Minh nơi Nguyễn Tất Thành dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận

Mùa đông đầu tiên anh Nguyễn sống trên đất Liên Xô là một mùa đông khắc nhiệt. Trời rét gần 30 độ âm, một cái rét chưa từng thấy trong đời anh. Tuyết phủ trắng các mái nhà và ngập đương Tơ-véc-xkai-a dưới cửa sổ buồng anh. Nhiều lò sưởi bốc khói trong các phố, khói bay là là dọc theo các nhà. Khí hậu vừa lạnh vừa khô làm anh chảy máu cam.

Cùng với nhân dân Liên Xô, anh chào đón năm mới 1924, năm thứ bảy của chế độ xô-viết và năm thứ năm của Quốc tế cộng sản. Người cách mạng nào mà lại không mừng vui thấy Liên Xô, thành trì cách mạng thế giới, đứng vững như bàn thạch, đánh lui tất cả những sự vu cáo, can thiệp, bao vây và tiến công của kẻ thù, hiên ngang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm cũ đã qua đi với biết bao nhiêu sự đe dọa từ phía các thế lực thù địch. Trước hết là vụ Bộ trưởng Ngoại giao Anh Kéc-dôn gửi tối hậu thư cho Chính phủ xô-viết với những lời vu khống. Bức tối hậu thư đòi Liên Xô phải triệu hồi các đặc mệnh toàn quyền xô-viết ở Ba Tư và Áp-ga-ni-xtan về, phóng thích các tàu đánh cá Anh xâm phạm hải quyền miền bắc Liên Xô đang bị bắt giữ. Kéc-dôn dọa cắt đứt quan hệ buôn bán và mở cuộc can thiệp vũ trang mới vào Liên Xô nếu những đòi hỏi trên không được chấp nhận trong vòng 10 ngày. Ở Đức, Chính phủ cách mạng của công nhân khởi nghĩa thành lập ở Sắc-xơ, Tu-rin-giơ và các cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nhân cảng Hăm-bua đểu bị các thế lưc đàn áp dã man. Các thế lực này rộ lên khắp châu Âu, tỏ ra rất hung hăng và chúng lại kêu gào can thiệp vũ trang vào Liên Xô lần nữa. Trong số đó có Poanh-ca-rê, cầm đầu chính phủ Pháp.Y là một kẻ cực kỳ phản động, công khai chủ trương đánh phá cách mạng Nga. Dùng quân sự thất bại, y chủ trương bao vây kinh tế hòng bóp nghẹt Nhà nước xô-viết. Trong một cuộc tổng tuyển cử hạ nghị viện Pháp, y đã cho dán khắp nước Pháp bức tranh với chủ đề độc ác : “Bôn-sê-vích hai hàm răng ngậm dao”. Tranh vẽ một người bôn-sê-vích mặt mũi dữ tợn, miệng ngậm một con dao đẫm máu, tay xách một cái đầu phụ nữ. Chính y năm 1923 chủ trương chiếm đóng vùng Rua (vùng có nhiều mỏ than) của Đức, đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân Đức và mở cuộc “trừng phạt” nước Nga xô-viết lần thứ hai.

Vào đầu năm 1924 này, nhân dân xô-viết hãnh diện thấy mình đã thắng. Những âm mưu phát xít hóa các nước châu Âu thất bại, những kẻ chủ trương mở cuộc “thập tự chinh” tiến vào nước Nga như Poanh-ca-rê và Kéc-dôn, bị đánh gục và phải từ chức. Chính sách hiếu chiến của chúng gây nên sự bất mãn của nhân dân, những người đã chán ngấy những cuộc chiến tranh đế quốc trong đó họ phải chịu hy sinh vì lợi nhuận của bọn tư bản. Trước đấy, Bê-nét, Bộ trưởng Ngoại giao Tiệp Khắc, cái loa của các nước đế quốc phương  Tây, kêu gào : không nên vôi vã công nhận Liên Xô về mặt ngoại giao, không nên lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô vì chính quyền xô-viết không bền vững, trong một thời gian ngắn nó sẽ được thay thế bằng một chính quyền tư sản. Thế mà bắt đầu năm 1924, chính sách đó của các nước phương Tây đã được thay bằng chính sách “công nhận”. Chính phủ Anh, qua cơ quan thương mại của mình ở Mát-xcơ-va, bày tỏ ý định muốn sớm công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Làn sóng đòi công nhận lan rộng, và ở thủ đô Mát-xcơ-va, người ta nói nhiều đến hàng loạt nước khác như Ý, Na Uy, Áo, Hy Lạp, Thụy Điển, Đan Mạch, Mê-hi-cô, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… đều muốn đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô trong năm 1924.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2011, 09:44:18 pm »

Bọn đế quốc không thể không nhìn thấy sự vững mạnh của Liên Xô, bất khuất và tin tưởng đi tới. Chúng lúc này đua nhau công nhận Liên Xô còn vì một lẽ : tên nào cũng muốn “giữ chỗ của mình” trong thị trường Liên Xô. Một số chính khách tư sản giương chiêu bài “yêu chuộng hòa bình”, chủ trương công nhận Liên Xô để nhằm đánh đổ các đối thủ của mình trong cuộc bầu cử nghị viện. Đến ngay tên phát xít Mút-xô-li-ni cũng thấy cần phải phô trương trước công nhân Ý rằng y muốn có quan hệ “hữu nghị” với chính quyền xô-viết.

Nhân dân Mát-xcơ-va dẫn nhau đi trong tuyết kéo đàn và nhảy múa chào mừng năm mới và những thành tựu của Tổ quốc mình. Sản xuất nông nghiệp gần đạt tới mức trước chiến tranh. Nền công nghiệp nặng cũng gần bằng ba phần tư. Những máy kéo đầu tiên ra xưởng được chuyển về nông thôn. Các nhà máy dết liên tiếp mọc lên. Xuất hiện những công trường xây dựng lớn với số vốn đầu tư của Nhà nước lên tới hàng trăm triệu rúp. Người ta báo tin giáo sư Nga Líp-sít đã thí nghiệm thành công làm phim điện ảnh lồng tiếng và chẳng bao lâu nữa, có thể đi xem chiếu phim có tiếng, có nhạc kèm theo, một mơ ước của con người thế kỷ trước. Đời sống công nhân, nông dân và nhân dân Liên Xô được cải thiện rõ rệt, tiền lương tăng, giá thành hạ. Và từ trong buồng ở của mình, anh Nguyễn đã có thể thấy công nhân bắt đầu phá đi một số căn nhà cũ kỹ, ọp ẹp trên đường phố Tơ-véc-xkai-a để xây dựng những tòa nhà mới nhiều tầng và hiện đại.

Tuyết xuống ngày một dày. Từ phòng anh Nguyễn nhìn ra ngoài trời là một  màu trắng xóa, chỉ còn nổi lên về phía trái, bên kia đường, tòa nhà cổ kính của Hội đồng nhân dân thành phố Mát-xcơ-va với tên gọi tắt là “Mốt xô-viết”. Chiếc ban công phía trước nhà là nơi Lê-nin đã từng năm lần đứng đọc diễn văn trước nhân dân tập hợp tiễn đưa Hồng quân ra trận. Tưởng như còn bóng dáng Người đội mũ long, cánh tay kiên quyết đưa lên đưa xuống, đang nghiêng đầu nói sôi nổi về cách mạng và tình yêu đối với chủ nghỉa xã hội, về quyết tâm của nhân dân xô-viết chống trả mọi cuộc tiến công của quân thù. Lê-nin đã nêu gương một lãnh tụ Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh tụ một nhà nước công nông, luôn luôn đến với công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, với đảng viên, với nhân dân lao động để giải thích, tuyên truyền, động viên, giáo dục, thăm hỏi và trả lời những thắc mắc của quần chúng, biết lắng nghe và cũng biết thuyết phục, hòa mình làm một với nhân dân.

Sau Mác, lịch sử phong trào giải phóng vĩ đại của giai cấp vô sản chưa bao giờ có được một nhân vật lớn lao như Lê-nin. Tất cả những tinh hoa của giai cấp công nhân – lòng dũng cảm, ý chí sắt đá kiên cường, lòng căm thù sâu sắc đối với sự nô dịch và áp bức, tinh thần hăng say cách mạng chuyển núi ngăn sông, lòng tin vô hạn vào sức mạnh sáng tạo của nhân dân, thiên tài tổ chức và giáo dục – tất cả những cái đó đều thể hiện trong Lê-nin một cách tuyệt vời. Lê-nin tượng trưng cho một thế giới mới, từ Tây sang Đông, từ Nam chí Bắc.

Hình như vào lúc bước sang năm mới, tất cả mọi tin tức đều nói rằng sức khỏe của Lê-nin sẽ khá hơn. Có người còn đoán là đến mùa hè Lê-nin sẽ khỏi và có thể dự Đại hội lần thứ năm Quốc tế cộng sản. Ngày 19-1-1924, khi Đại hội toàn Nga lần thứ chín của các xô-viết khai mạc, đồng chí Ca-li-nin báo tin rằng những nhà chuyên môn nổi tiếng chữa cho Lê-nin hy vọng Người sẽ trở lại công tác bình thường. Các đại biểu dự Đại hội đón lời tuyên bố đó bằng những tràng vỗ tay và những tiếng “u-ra” vang như sấm.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #47 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2011, 10:14:20 pm »

Sáng ngày 22-2-1924, theo lệ thường, anh Nguyễn xuống tầng một của khách san Luých, nơi có phòng ăn tập thể, để ăn sáng. Bỗng loa truyền thanh báo tin : Lê-nin đã từ trần ! Tiếp theo là bản nhạc tang. Anh Nguyễn sững sờ, lòng đau như thắt lại. Anh muốn kêu lên : Không thể như thế được ! Điều đó không có thực ! Nhưng rồi mọi người trong phòng ăn, từ đồng chí phục vụ đến đồng chí lãnh đạo phong trào công sản quốc tế, tất cả đều khóc nức nở. Anh Nguyễn nhìn qua cửa kính thấy trên nóc nhà “Mốt-xô-viết” một lá cờ tang để rủ.

Nỗi đau buồn ập lấy người anh : Thế là anh không được gặp Lê-nin nữa ! Đấy là một điều ân hận lớn trong đời anh.

Như mọi đồng chí khác, anh bỏ dở bữa ăn. Các tầng gác trong khách sạn trầm lặng hẳn đi. Ngay đến các cháu thiếu nhi, mọi ngày thường nô đùa ở đầu cầu thang các tầng gác trong khách sạn và đợi chú Nguyễn đi về đòi chú làm ngựa để cưỡi, hôm nay đều ngồi yên lặng trong các buồng tưởng nhớ Ông Lê-nin.

Hy vọng của nhân dân lao động, của mọi người cách mạng trên thế giới mong Lê-nin khỏi bệnh đã không thành sự thật. Tai biến xảy ra thật là bất ngờ. Từ hơn hai ngày trước đây, Lê-nin mệt hơn. Ngủ dậy Người thấy khó chịu, nhức đầu và ăn không ngon miệng. Sáng hôm sau, Người dậy lại thấy mệt. Người không muốn ăn gì. Vì nể những người chung quanh, Người ăn một chút vào buổi chiều ngày 20-1, sau đó nằm nghỉ. Bỗng các bác sĩ nhận thấy Lê-nin thở khó khăn và không đều. 18 giờ ngày 21-1, một cơn đau dữ dội kéo đến làm Lê-nin mê man. 50 phút sau trái tim Người ngừng đập. Lúc ấy là 18 giờ 50 phút ngày 21-1-1924.

Người đã lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Mười thắng lợi, quét sạch mọi kẻ thù, củng cố vững chắc chính quyền của nhân dân lao động trên nước Nga phong kiến cũ, mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại, Người Đó không còn nữa.

Người đã sáng lập Quốc tế cộng sản, là lãnh tụ của chủ nghĩa cộng sản thế giới và là niềm tụ hào của giai cấp vô sản quốc tế, Người Đó không còn nữa.

Người đã suốt đời đấu tranh vì độc lập tự do, ấm no hạnh phúc cho các dân tộc cùng khổ và bị áp bức trên thế giới, đã hết lòng ủng hộ sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, đã luôn luôn nghĩ đến tương lai của các dân tộc phương Đông, Người Đó không còn nữa.

Đêm 21 rạng ngày 21-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (bôn-sê-vích) Nga họp phiên bất thường, và sáng ngày 21, đài phát thanh truyền hình truyền tin buồn đi khắp Liên Xô và thế giới. Trong thông báo của Chính phủ Liên Xô về việc Lê-nin từ trần có nói : “Lê-nin không còn nữa, nhưng sự nghiệp của Người là bất tử. Để thực hiện ý chí của quần chúng lao động, Chính phủ xô-viết sẽ tiếp tục công việc của Vla-đi –mia I-lích, tiến xa hơn nữa trên con đường đã vạch ra. Chính quyền xô-viết sẽ đứng vững trên vị trí của mình để bảo vệ những thành quả cách mạng vô sản”.

Ngày hôm sau, Lời kêu gọi của Trung ương Đảng Cộng sản (bôn-sê-vích) Nga nêu rõ những công lao lịch sử của Lê-nin đối với Đảng và Tổ quốc, đối với giai cấp vô sản quốc tế và nhân loại tiến bộ, nhấn mạnh tính chất bất diệt của sự nghiệp của Lê-nin, kêu gọi những người cộng sản và toàn thể nhân dân lao động thực hiện những di huấn của Lê-nin, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa chung quanh Đảng Cộng sản.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #48 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2011, 10:16:43 pm »

Trụ sở Quốc tế cộng sản treo cờ rủ và trong nhà có treo chân dung lớn của Lê-nin viền vải tang. Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản công bố lời kêu gọi kết thúc bằng những câu :

“Chúng tôi kêu gọi hàng triệu đồng chí cùng chiến đấu trên toàn thế giới hãy làm theo di huấn của Lê-nin, những di huấn đó sẽ tiếp tục sống trong Đảng của Lê-nin và trong tất cả những gì do cuộc đời lao động của Người tạo ra. Các đồng chí hãy đấu tranh như Lê-nin, và các đồng chí hãy chiến thắng như Lê-nin”.

Anh Nguyễn đến ngay trụ sở Quốc tế nông dân dự phiên họp bất thường của Đoàn Chủ tịch. Mọi người để mấy phút mặc niệm tưởng nhớ Lê-nin, sau đó anh Nguyễn và ba đồng chí khác được phân công viết ngay Lời kêu gọi của Quốc tế nông dân :

“Chúng tôi kêu gọi các đồng chí, tất cả các tổ chức của các bạn, tất cả những người ủng hộ chúng tôi ở khắp các nước hãy biểu thị nỗi buồn sâu sắc của mình nhân dịp lãnh tụ yêu quí của chúng ta là Lê-nin từ trần.

Các anh em và đồng chí !

Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là thực hiện những lời khuyên quan trọng nhất của Lê-nin, điểm quan trọng nhất trong di huấn chính trị của Người là thực hiện liên minh công nông, củng cố khối đoàn kết nông dân ở nông thôn và công nhân ở thành thị.

… Hãy cất lên thật to, thật mạnh giữa quần chúng nông dân lời kêu gọi : Nông dân và công nhân tất cả các nước, hãy đoàn kết lại !”


Từ ngày 21 đến ngày 23-1-1924, các Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản (bôn-sê-vích) Nga, các ủy viên Chính phủ Liên Xô, các đoàn đại biểu của Đại hội xô-viết toàn Nga lần thứ 11 và của nhân dân lao động Mát-xcơ-va đã đến Go-rơ-xki đẻ từ giã Lê-nin. Nông dân các làng lân cận cũng đến nghiêng mình trước linh cữu Người. Ngày 23-1, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô nghiêng quan tài của Lê-nin từ Go-rơ-ki qua ba ki-lô-mét cánh đồng và rừng dưới mưa tuyết đến ga Ghê-ra-xi-mô-vô. Toa xe lửa đặc biệt số Y-127 chở quan tài về Mát-xcơ-va chạy giữa những hàng nhân dân đứng khóc trong tuyết. Xe lửa vào ga Pa-vi-lét-xki ở Mát-xcơ-va và thi hài Lê-nin được đưa về quàn tại hội trường lớn của Trụ sở Các công đoàn Liên Xô.

Anh Nguyễn đi trong dòng người vô tận chuyển động một cách chậm chạp về phía cửa Nhà công đoàn để viếng Lê-nin kính mến. Trời khô và rét tới 30 độ âm. Đường phố ngập tuyết. Gió lạnh từ phía bắc thổi giật từng cơn đâm vào da thịt như muôn vạn mũi kim. Hai tai, hai tay anh Nguyễn tê cóng và tưởng như nứt ra. Nhân dân đưa anh đến sưởi ở những đống lửa đang cháy trên đường phố, rồi anh lại đi vào hàng, nhích dần về phía cửa  Nhà công đoàn. Trong im lặng, trang nghiêm thỉnh thoảng lại có những tiếng khóc nghẹn ngào. Cùng với dòng người gồm công nhân, nông dân, Hồng quân, trí thức, thanh niên, đại biểu quốc tế…, anh Nguyễn dừng lại một phút bên cạnh Lê-nin, cố nhìn Lê-nin. Ôi, lần đầu được nhìn thấy Người anh cố nhìn lâu hơn một chút để vĩnh viễn ghi lại trong tâm óc nét mặt yêu quý của người thầy và người dẫn đường.

Khi anh Nguyễn từ nơi viếng Lê-nin đi bộ về tới khách sạn Luých ở gần đó thì đã khuya. Chân tay anh còn tê cóng, đôi chỗ rớm máu, người rét run. Anh vội gõ cửa buồng một đồng chí ở gần xin cốc nước chè nóng. Và đêm ấy, dù tay đau cứng, trong buồng số 311 của khách sạn, anh ngồi vào bàn viết bài tưởng nhớ Lê-nin để đăng trên báo Sự Thật, cơ quan Trung ương của Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) Nga.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #49 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2011, 10:23:22 pm »

Ngày 26 tháng giêng, anh Nguyễn cùng C. Dét-kin và một số đại biểu Quốc tế cộng sản khác được mời đến Nhà hát lớn Mát-xcơ-va dự phiên họp đặc biệt của Đại hội xô-viết toàn Nga lần thứ 11 dành cho lễ truy điệu Lê-nin. Người phát biểu đầu tiên là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Liên Xô, đồng chí M. Ca-li-nin : “Các đồng chí, chúng ta sẽ thực hiện những di huấn của Lê-nin. Làm lễ truy điệu đồng chí, chúng ta kiên quyết tự nhủ : tư tưởng và những di huấn của Lê-nin đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản là những tư tưởng của chúng ta. Vị lãnh tụ hết sức vĩ đại, hết sức yêu quý qua đời là một tổn thất nặng nề nhưng chúng ta càng phải nhân gấp bội lực lượng của nình trong cuộc đấu tranh để đạt tới chủ nghĩa cộng sản – mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân”. Đồng chí Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, I.V. Xta-lin, đọc lời thề tiếp tục sự nghiệp của Lê-nin.

Đại hội quyết định lập đài kỷ niện Lê-nin, xuất bản những tác phẩm của Người, đổi tên thành phố Pê-tơ-rô-grát, nơi chôn rau cắt rốn của cách mạng vô sản, thành Lê-nin-grát, giữ gìn thi hài của Người trong một lăng đặc biệt ở Hồng trường, cạnh chân thành Điện Crem-li, giữa những ngôi mộ của các chiến sĩ cách mạng Tháng Mười.

Ngày 27 tháng giêng là ngày lễ tang trọng thể. Chiếc quan tài mang thi hài Lê-nin phủ lá cờ búa liềm được đưa từ Hội trường trụ sở Các công đoàn Liên Xô đến Hồng trường, đặt trên một đài cao. Anh Nguyễn cùng các đại biểu Quốc tế cộng sản đứng trên Quảng trường giữa một biển người từ khắp Mát-xcơ-va, khắp Liên Xô đến đây vĩnh biệt Lê-nin.

Đúng 16 giờ, trong tiếng nhạc tang và tiếng rúc của hàng vạn còi nhà máy, còi xe, tàu, và trong từng loạt tiếng đạn đại bác, quan tài Lê-nin được đưa vào lăng bằng gỗ mới dựng xong.

Trong ngày lễ tang này, giai cấp vô sản thế giới tuyên bố ngừng việc trong năm phút. Ở Pa-ri, Béc-lin, Lơn-đơn , Praha, Vác-sa-va, Niu-óoc… diễn ra các cuộc họp và mít tinh truy điệu Lê-nin. Ở Quảng Châu, trung tâm cách mạng Trung Quốc, chính phủ cách mạng Tôn Dật Tiên tuyên bố toàn quốc để tang ba ngày. Tại cuộc mít tinh tưởng nhớ Lê-nin, Tôn Dật Tiên nói : “Trong nhiều thế kỷ của lịch sử thế giới đã xuất hiện hàng nghìn vị lãnh tụ và bác học miệng nói những lời đẹp đẽ, nhưng không bao giờ thực hiện. Lê-nin không phải là người như thế. Lê-nin không những nói và dạy, mà còn biến những lời mình nói thành thực tế. Lê-nin đã tạo ra một nước mới, chỉ cho chúng ta con đường cùng chiến đấu… Là vĩ nhân của các dân tộc bị áp bức, Lê-nin sống mãi mãi”.

Lê-nin đọc báo tại phòng làm việc ở Kremlin năm 1918.

Còn anh Nguyễn, anh cũng nói lên tình cảm của anh và cũng là của dân tộc anh và các dân tộc bị áp bức đối với Lê-nin, nỗi đau đớn không gì bù đắp được. Đúng ngày lễ tang, báo Sự Thật ra số đặc biệt với bức tranh lớn chiếm toàn bề ngang trang báo vẽ nhân dân khiêng thi hài Lê-nin, và đăng trang trọng bài viết của đại biểu nhân dân Đông Dương Nguyễn Ái Quốc, người nước ngoài duy nhất, và là người dân thuộc địa duy nhất phát biểu trong số báo vĩnh biệt Lê-nin này.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM