Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:00:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bác Hồ trên đất nước Lê-nin  (Đọc 76992 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2011, 11:08:16 pm »

Anh nhận được một bức thư của Quốc tế nông dân gửi đến :

“Gửi Ủy viên Đoàn Chủ tịch
Quốc tế nông dân Nguyễn Ái Quốc

Đồng chí thân mến,

Chúng tôi hân hạnh báo để đồng chí biết chúng tôi đã nhận được thư của đồng chí với lời phàn nàn về về hội nghị nông dân ở Quảng Châu. Chúng tôi rất tiếc không tìm thấy trong báo cáo của đồng chí những nghị quyết rất quan trọng của Hội nghị mà chúng tôi lại được biết qua báo Thượng Hải “Dân quốc nhật báo”.

Lúc này chúng tôi cho rằng việc Nông hội Quảng Đông gia nhập Quốc tế nông dân mới chỉ bằng tuyên bố và chúng tôi nghĩ rằng nếu không có sự hoạt động tích cực trong nông dân Trung Quốc thì không mang lại những kết quả chính trị và không có ý nghĩa.

Sau những cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu Quốc dân Đảng có ý định quan tâm hơn nữa đến công tác nông dân và sẵn sàng hợp tác với chúng ta để thảo ra một cương lĩnh về vấn đề nông dân cho Quốc dân Đảng.

Chúng tôi đề nghị đồng chí đại diện cho Quốc tế nông dân để liên lạc với Trung ương Quốc dân Đảng và báo cho chúng tôi biết đã làm gì theo hướng đó.
Chúng tôi cũng đề nghị đồng chí thảo luận với Trung ương Quốc dân Đảng vấn đề xuất bản một loạt ấn loát phẩm về vấn đề nông dân bằng tiếng Trung Quốc để Quốc tế nông dân có thể sớm công bố. Đề nghị cho đồng chí biết chi tiết về vấn đề này.

Đồng chí có thể tác động để Ban nông vận Quảng Đông cũng như các Ban vận động khác của Quốc dân Đảng trên toàn Trung Quốc có thể phát triển mạnh.

Đề nghị đồng chí gửi sớm cho chúng tôi báo cáo về tình hình nông dân Trung Quốc.

Theo nghị quyết của Đoàn Chủ tịch ngày 31-7 đồng chí được phân công phụ trách không những phong trào của nông dân Trung Quốc mà còn của tất cả các thuộc địa mà đồng chí có thể liên hệ được từ Quảng Châu, nghĩa là của Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loạn và Nam Dương. Đồng chí đặt ngay liên lạc với những nông hội ở đấy.

Chúng tôi cho rằng các nông hội gia nhập Quốc tế nông dân phải hoạt động theo đường lối đúng, điều đó hết sức quan trọng, và chúng tôi đề nghị đồng chí có những biện pháp tích cực giúp vào việc đó…


                                                                                                                               Tổng thư ký : ĐÔNG-BAN
                                                                                                                                                               Ủy viên Đoàn chủ tịch :
                                                                                                                                                                GÔ-RỐP và VÔ-NÊ-XEN-KI


Anh Nguyễn được tận mắt thấy ở Quảng Châu tình cảm nồng nhiệt của mọi tầng lớp nhân dân đối vời đồng chí Bô-rô-đin và Liên Xô. Uy tìn đất nước của Lê-nin nổi bật ở đây làm cho bọn đế quốc vô cùng căm tức, nhất là Quảng Châu không xa Hương Cảng, căn cứ lớn nhất của thực dân Anh. Cùng nhân dân Quảng Châu và toàn Trung Quốc, anh sống những ngày náo nức hoan hô thành tích của đội phi hành Liên-xô trên sáu chiếc máy bay hoàn thành chuyến bay Mát-xcơ-va – Bắc Kinh đầu tiên trong lịch sử. Trên chặng bay dài 6.566 ki-lô-mét, qua Mông Cổ và sa mạc Gô-bi, và không bay đêm, các phi công Liên-xô bay thực tế 49 giờ 20 phút, nhưng kể cả ngày nghỉ, ngày chữa máy, mất vừa đúng 29 ngày, lập kỷ lục chưa từng có về bay xuyên lục địa. Sau khi tới Bắc Kinh, do yêu cầu của nhân dân Trung-quốc, đoàn phi hành Liên-xô lại bay tiếp đến Khai Phong, Thượng Hải, và dự định tới cả Quảng Châu. Đâu đâu, đoàn cũng được đón tiếp như những anh hùng và ở mọi cuộc mít tinh, liên hoan, chiêu đãi, cất lên nhiều tiếng nói ca ngợi Liên-xô và nền công nghiệp hàng không non trẻ Xô-viết. Nhân dân Trung Quốc yêu mến đồng chí I.P.Smít, trưởng đoàn phi hành Liên Xô, ở bữa tiệc nào cũng đề nghị được mời đại biểu công nhân, nông dân đến ngồi cùng, một điều rất mới lạ đối với nước Trung Hoa phong kiến. Còn ở Quảng Châu, nhân dân cũng họp mít tinh hoan hô thành tích của đoàn phi hành và khi biết các đồng chí Liên Xô ấy không bay đến thăm Quảng Châu được, mọi người gửi điện chúc đoàn lên đường trở về Mát-xcơ-va hạ cánh an toàn.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2011, 11:21:44 pm gửi bởi doiviendukichmat » Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2011, 11:27:15 pm »

Công việc anh Nguyễn ở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội khá bận, cho nên mấy lần anh đề nghị Quốc tế cộng sản cử thêm người giúp việc anh ở Quảng Châu. Trong khi đó, anh còn gánh thêm những việc của Quốc tế nông dân và thư từ của Đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân vẫn thường xuyên gửi đến giao công tác cho anh. Ngày 14-5-1926, tổng thư ký Đông-ban, phụ trách Vụ phương Đông Vô-dơ-nê-xi-en-xki, bí thư phụ trách tổ chức Oóc-lốp cùng gửi thư cho anh :

“Đồng chí Ni-lốp-xki, Quảng Châu

Đồng chí thân mến,

Chúng tôi đã nhận được thư của đồng chí ngày 8/3, ngày 3/2 và 13/1/1926  cùng với hai số báo nông dân và những bài báo cắt ở “Quảng Châu báo” về tình hình nông dân Quảng Đông.

Chúng tôi gửi đều cho đồng chí những “Bản tin vắn” và tạp chí của Quốc tế nông dân chúng ta. Sắp tới, chúng tôi sẽ ngừng xuất bản ở Mát-xcơ-va và chuyển xuất bản ra nước ngoài và in tạp chí của chúng ta theo kiểu tạp chí “Thư tín quốc tế”, bằng các thứ tiếng Pháp, Đức và Anh. Chúng tôi sẽ gửi tất cả những tài liệu này đến đồng chí ở Quảng Châu.

Gần đây, thông qua một đồng chí ủy viên Đoàn chủ tịch chúng ta và Trung ương Quốc dân Đảng, đồng chí Hồ Hán Dân, chúng tôi đã gửi một loạt thư cho ban nông vận của Quốc dân Đảng để hỏi về công tác nông vận nói chung ở các tỉnh vùng Sơn Đông (sau khi nông dân vùng này gia nhập Quốc tế nông dân) và một bức thư hỏi tình hình nông dân Vân Nam.

Chúng tôi gửi kèm theo bản sao những bức thư đó, nghĩ rằng đồng chí có thể sử dụng cho báo chí địa phương.

Chúng tôi cũng gửi đến đồng chí địa chỉ của chúng tôi và những tài liệu khác để nhờ chuyển cho “Liên đoàn Bình đẳng phụ nữ” của Quốc dân Đảng.

Do việc các tỉnh Quảng Tây và Quý Châu gia nhập Quốc tế nông dân, ở đấy có lẽ Quốc dân Đảng sẽ bắt đầu công tác nông vận, chúng tôi mong nhận được của đồng chí tin tức tỉ mỉ về tình hình những tỉnh đó và chương trình công tác để tổ chức nông dân. Chúng tôi cũng đề nghị đồng chí nhắc giúp đồng chí Hồ Hán Dân về lời hứa viết cho chúng tôi một tài liệu (khoảng 4 hoặc 5 tờ in) về tình hình và phong trào nông dân ở Trung Quốc.

Chúng tôi vẫn chưa nhận được cương lĩnh của Quốc dân đảng vấn đề nông dân, những nghị quyết và biên bản Đại hội lần thứ hai của Quốc dân đảng về công tác ở nông thôn tháng 2-1926. Chúng tôi đề nghị đồng chí gửi ngay chuyến thư tới cho chúng tôi những tài liệu đó và sau này báo cáo cho chúng tôi biết mọi sự kiện, giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi”.


Mọi việc Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân giao, anh Nguyễn đều làm tròn với ý thức trách nhiệm cao. Những thư từ, kiến nghị, nhận xét, báo cáo anh gửi về Mát-xcơ-va đã góp phần quan trọng vào sự lãnh đạo phong trào chung.

Mùa hè năm 1926, anh đã có thư báo tin cho đồng chí phụ trách Bộ phương Đông Quốc tế cộng sản biết những việc anh đã làm để xây dựng phong trào cách mạng Việt Nam :

“Đồng chí thân mến.
Từ khi tới đây tôi đã làm những việc sau đây cho Đông Dương :
1 – Lập một tổ chức bí mật.
2 – Lập một hội nông dân (của những Việt kiều sống ở Xiêm)
3 – Lập một nhóm thiếu niên tiền phong Đông Dương con cái công nông. Các cháu đang ở Quảng Châu, do chúng tôi nuôi và dạy dỗ.
4 – Tổ chức một nhóm phụ nữ cách mạng (bắt đầu từ tháng tư, có khoảng mười hai thành viên)
5 – Lập một trường tuyên truyền. Học sinh được đưa bí mật đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập, học sinh đó trở về nước. Khóa đầu tiên có khoảng 10 học sinh. Khóa thứ hai sẽ bắt đầu vào tháng bảy tới, sẽ có khoảng 30 học sinh.
Các chuyến đi dài ngày (khoảng hai tuần), nguy hiểm, tốn kém nhiều mà phương tiện của chúng tôi lại ít ỏi (với tiền lương của tôi cộng với tiên lương một trong số các đồng chí của tôi và một ít trợ cấp của các đồng chí Liên Xô, công việc vẫn chưa chạy nhanh như mong muốn)…

                                                                                                                                                 NGUYỄN ÁI QUỐC
   Địa chỉ : Ni-lốp-xki
Nhờ sứ quán Liên Xô ở Quảng Châu chuyển”.


Có những tin buồn liên tiếp dội đến nơi làm việc của anh Nguyễn. Cụ Phan Châu Trinh mất ở Sài Gòn. Hàng vạn người đi đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp ngừng sản xuất. Các trường học đóng cửa. Lễ truy điệu tổ chức khắp nơi. Phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh là dịp rất tốt để anh và các cơ sở “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Rồi tếp đến vụ bọn phản động ở Quảng Châu đâm chết ông Liêu Trọng Khải, người cùng anh sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tình hình Quảng Châu đang biến động lớn. Thấy phong trào cách mạng của nhân dân lên mạnh, các thế lực đế quốc và bọn phản động Trung Quốc điên cuồng phản kích. Bọn đế quốc Anh, Mỹ bắn phá Nam Kinh, Thượng Hải. Sau ba lần khởi nghĩa thất bại, công nhân Thượng Hải bị dìm trong biển máu. Tưởng Giới Thạch trở mặt hoàn toàn. Hắn tiến công cách mạng, giết một loạt những người yêu nước, cướp quyền lãnh đạo Quốc dân Đảng, giải tán các công hội, nông hội và gây ra những vụ thảm sát lớn. Ngày 12-4-1927 bè lũ Tưởng làm đảo chính phản cách mạng ở Thượng Hải. Hôm sau ở Quảng Châu, Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đoàn thể quần chúng, và cả “Việt Nam thanh niên các mạng đồng chí hội” phải rút vào bí mật. Cơ quan của đồng chí Bô-rô-đin và các chuyên gia Liên Xô rút về Vũ Hán nơi những người cánh tả  Quốc dân Đảng còn nắm quyền. Anh Nguyễn tránh về vùng nông thôn Hải Lục Phong để duy trì công việc của Hội. Một đêm khuya, đồng chí Trương Văn Lễnh, chạy đến anh báo tin : “Bọn Tưởng Giới Thạch đang lung bắt anh đấy. Anh em ở Tổng bộ đề nghị anh cần nhanh chóng rời khỏi Quảng Châu, anh em thu xếp đi sau”.

Bọn lính quân phiệt của Tưởng xông vào nơi ở của anh Nguyễn. Lúc này anh đã ngồi ở Hương Cảng. Cảnh sát, mật thám Anh ở Hương Cảng xét hỏi anh và bắt anh rời Hương Cảng trong vòng 24 giờ. Anh chạy đến Thượng Hải, giữa lúc bọn Tưởng Giới Thạch đang khủng bố gắt gao. Anh mặc thật sang trọng, vào ở một khách sạn lớn, chúng không để ý. Nhưng không thể kéo dài được vì quá tốn tiền, anh thấy chỉ còn một cách – và cách này anh em Tổng bộ đã nói với anh khi tiếng súng đảo chính của Tưởng Giới Thạch nổ ở Quảng Châu – là anh phải đi Liên Xô ngay. Anh rời Trung Quốc, nơi anh đã nhìn thấy một sự phản bội tệ hại nhưng lại là nơi anh đã gây dựng thành công một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đầy hứa hẹn.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #92 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 08:48:56 pm »

VIII.TRỞ LẠI PHƯƠNG ĐÔNG


Anh Nguyễn Ái Quốc trở lại Mát-xcơ-va vào đầu mùa hè năm 1927. Gần ba năm xa cách, anh thấy thủ đô đất nước của Lê-nin có nhiều thay đổi. Đường phố Tơ-véc-xkai-a, nơi anh ở ngày trước, nay được mở rộng. Nhiều nhà mới ốp đá đỏ phía ngoài mọc lên. Khắp nơi là những công trường xây dựng, phá dần đi những xóm nhà gỗ thấp bé thời Nga hoàng. Đầu cầu Crưm, bên sông Mát-xcơ-va một công viên lớn vừa xây xong với những vòi phun nước, đu quay, sân khấu ngoài trời và rất nhiều hàng cây xanh. Nhân dân ăn mặc đẹp hơn và hàng tiêu dùng bày bán ở các cửa hàng cũng nhiều hơn, tuy chưa đủ và người mua vẫn còn xếp hàng dài. Nhiều cửa hiệu tư nhân gần Nhà hát Lớn đã biến mất nhường chỗ cho các cửa hàng quốc doanh. Nhân dân kéo đến các rạp chiếu bóng mua vé xem một điều mới lạ, một sự kiện lớn của nghệ thuật điện ảnh : phim có nói. Xe ngựa chạy trong thành phố ít hẳn đi, xe hơi thấy nhiều lên. Ở ngoại thành, một vài chiếc máy kéo của Nhà nước giúp nông dân cày đất, và những tốp công nhân đi về nông thôn giúp vào phong trào tập thể hóa nông nghiệp, hợp nhựng nông hộ nhỏ và phân tán thành những nông trang lớn, lấy việc cày cấy chung làm cơ sở với một nền kỹ thuật mới và cao hơn.

Tạp chí “Tháng mười” đăng những chương đầu tác phẩm “Sông Đông êm đềm” của M. Sô-lô-khốp. Nhà hát nghệ thuật Mát-xcơ-va đang trình diễn vở mới “Xe lửa bọc thép 14-69” tả cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân trên tuyến đường sắt Viễn Đông chống quân Nhật. Trên những quảng trường lớn,  để kỷ niệm lần thứ 10 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, căng lên những tấm áp phích lớn kêu gọi các kỹ sư và thanh niên đến làm việc ở các công trình thủy điện Vôn-khốp, Đơ-nhép, Svi-rơ, xây dựng đường xe lửa Tuốc-ke-xtan và sông đào Vôn-ga – Đông. Những công trình ấy gắn liền với vận mệnh đông đảo những nhà tri thức và những người trẻ tuổi thủ đô. Đấy không chỉ là vấn đề cơm áo. Đấy còn là vinh dự, nhân phẩm, là lao động sáng tạo, khiến họ gần gũi một cách tự nhiên với giai cấp công nhân và chính quyền xô-viết.

Một sự nghiệp xây dựng kinh tế lớn lao như thế cần đến hàng chục tỷ rúp mà chính quyền xô-viết không thề vay mượn được của các nước tư bản. Chỉ có thể trông cậy vào nguồn lao động và nguồn tài nguyên của chính đất nước. Và chỉ có thể sống được bằng lao động của chính nhân dân. Anh Nguyễn nhận ra bài học đó của cách mạng Nga, những bài học đang diễn ra hàng ngày rõ ràng, dễ hiểu, tạo nên bằng mồ hôi và máu của những người xô-viết.

Và như trước kia, anh vẫn thấy sự căm ghét đến mức hèn hạ, sự tức tối đến mức điên cuồng của bọn tư bản đối với đất nước xô-viết đang đứng vững và đi lên. Tất cả các chính phủ đế quốc, các thế lực phản động liên minh với nhau, dùng mọi thủ đoạn để bao vây, uy hiếp, đe dọa, phá hoại, nói xấu chế độ mới này. Bọn phản động Anh vừa vô cớ lục soát, đập phá trụ sở hãng Ác-cốt, một hãng buôn xô-viết ở Lơn-đơn. Rồi vài ngày sau chính phủ bảo thủ Anh tuyên bố cắt đứa quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Ở Vác-sa-va (Ba Lan), một tên bạch vệ Nga, quốc tịch Ba Lan, giết đồng chí Vôi-cốp, đại sứ Liên Xô. Ngay tại Lê-nin-grát, bọn tay sai đế quốc Anh ném bom vào câu lạc bộ của Đảng, làm hàng chục người bị thương. Sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh và lãnh sự quán Liên Xô ở Thượng Hải bị tiến công, và bọn đế quốc hy vọng gây được cuộc chiến tranh Xô – Trung. Sứ quán Liên Xô ở Béc-lin bị khám xét một cách trắng trợn. Nhóm Trốt-ki ráo riết chồng Đảng Cộng sản Liên Xô và Trốt-ki vừa bị khai trừ khỏi Đảng. Anh Nguyễn còn được tin làn sóng chống Liên Xô bị lục lọi. Những người Trung Quốc có cảm tình với cách mạng Nga bị bắt bớ, giết hại. Tổng bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đã bí mật rời Quảng Châu đến Hương Cảng. Lê-nin đã tiên tri đúng : “Toàn bộ giai cấp tư sản châu Âu đang liên minh với tất cả mọi lực lượng phản động và trung cổ ở Trung Quốc. Ngược lại, tất cả châu Á trẻ tuổi, nghĩa là hàng trăm triệu người lao động ở châu Á đang có một người đồng minh chắc chắn là giai cấp vô sản. Không một lực lượng nào trên thế giới có thể ngăn cản thắng lợi của giai cấp vô sản, thắng lợi ấy sẽ giải phóng nhân dân châu Âu cũng như nhân dân châu Á”.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #93 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 08:51:43 pm »

Anh Nguyễn đến làm việc ở trụ sở Quốc tế cộng sản, sung sướng gặp lại các đồng chí cũ trong Ban chấp hành Quốc tế và trong Bộ Phương Đông. Ở đây mọi người còn đang thảo luận sôi nổi về bài học cách mạng Quảng Châu và nồng nhiệt đón tiếp anh, một trong những nhân chứng sống của những sự kiện ấy. Phải nói rằng những báo cáo về phong trào nông dân và phong trào cách mạng Quảng Châu do anh Nguyễn gửi về Đoàn Chủ tịch Quốc tế cộng sản từ cuối năm 1924 đến tháng 4-1927 cùng những nhận xet và đánh giá của anh đã giúp Quốc tế cộng sản rất nhiều trong việc chỉ đạo phong trào Trung Quốc. Quốc tế cộng sản đã luôn luôn nhắc những người cộng sản Trung Quốc : Trong giai đoạn đầu của cách mạng thuộc địa, những người cộng sản phải ủng hộ và chỉ ủng hộ những phong trào giải phóng có tính tư sản ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, trong trường hợp các phong trào ấy thực sự có tính chất cách mạng, và những người đại diện các phong trào ấy không ngăn cản người cộng sản tổ chức, giáo dục nông dân và quảng đại quần chúng bị bóc lột theo một tinh thần cách mạng. Lập mặt trận thống nhất với tư sản dân tộc, không có nghĩa là những người cộng sản không đẩy mạnh đấu tranh của công nhân và nông dân chống bọn địa chủ và giai cấp tư sản, không tiến hành công tác chính trị và tổ chức của mình một cách độc lập.

Tháng 1 năm 1926, nghị quyết của Quốc tế cộng sản về tình hình Quảng Châu ghi rõ :

“Đặc điểm của tình hình hiện nay là tính chất quá độ của nó, tính chất đã khiến giai cấp vô sản phải lựa chọn hoặc triển vọng lập khối với các tầng lớp lớn của giai cấp tư sản, hoặc triển vọng tiếp tục tăng cường liên minh với nông dân. Nếu giai cấp vô sản không đế ra một cương lĩnh triệt để về ruộng đất thì nó khổng thể nào lôi cuốn được nông dân vào cuộc đấu tranh cách mạng và sẽ mất quyền lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc… Chính phủ nhân dân ở Quảng Châu không thề nào giữ vững được chính quyền trong cuộc cách mạng, nó sẽ không thể nào hoàn toàn chiến thắng được chủ nghĩa đế quốc nước ngoài và bọn phản động trong nước nếu công cuộc giải phóng dân tộc và cuộc cách mạng ruộng đất chưa được coi là một…”

Một tháng rưỡi trước cuộc đảo chính của Tưởng Giới Thạch, Quốc tế cộng sản đã chỉ rõ :

“Cần phải tăng cường công tác của các chi bộ cộng sản trong bộ đội ; phải tổ chức những chi bộ đó ở những nơi chưa có và có thể tổ chức được ; ở những nơi không thể tổ chức các chi bộ cộng sản, cần phải có sự hoạt động tích cực của những người cộng sản bí mật.
Cần phải hướng về việc võ trang công nông, biến các Ủy ban nông dân địa phương thành những cơ quan thực sự của chính quyền, có tự vệ vũ trang v.v…

Bất kỳ ở đâu và lúc nào Đảng Cộng sản phải tỏ ra là một Đảng như thế. Chính sách nửa công khai là chính sách không thể nào thừa nhận được : Đảng Cộng sản không thể nào lại hành động như một cái phanh để kìm hãm phong trào quần chúng. Đảng Cộng sản không được phép che đậy chính sách phản bội và chính sách phản động của bọn phái hữu Quốc dân Đảng ; để lột mặt nạ của chúng, cần phải động viên quần chúng…”


Lý do thất bại tạm thời của cách mạng Quảng Châu đã rõ và những điều mắt thấy tai nghe của anh Nguyễn càng soi sáng những nhận định của Quốc tế cộng sản. Những năm hoạt động ở Quảng Châu, vào thời điểm sôi động nhất của mảnh đất này, tại một khu vực đầy những mâu thuẫn giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa đế quốc và dân tộc bị áp bức, đã giúp anh Nguyễn hiểu thêm những vấn đề bao la, phức tạp của cách mạng và rèn luyện những đức tính cần thiết đối với một người lãnh đạo cách mạng. Chính ở Quảng Châu anh đã tận mắt nhìn thấy cao trào cách mạng và thoái trào cách mạng, sự trung thực và sự lật lọng, sự nhân đạo và sự tàn bạo, những khuôn mặt cộng sản và tư sản, đế quốc và nhân dân, phân phiệt và quần chúng, những chiến sĩ quốc tế và những chiến sĩ quốc gia, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi…
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #94 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 08:55:14 pm »

Đến Mát-xcơ-va lần này, anh Nguyễn có một niềm vui lớn. Chính tại đây, anh gặp những đồng bào yêu quý của mình, nhưng thanh niên Việt Nam do anh tuyển từ Quảng Châu gửi sang và một số từ Pháp đến theo học trường Đại học cộng sản những người lao động Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Ước mong của anh từ mấy năm trước nay đã được thực hiện. Lần đầu tiên, một nhóm thanh niên yêu nước Việt Nam đến học tập trên đất nước Lê-nin. Anh Nguyễn lo trồng người cho Đảng tương lai, cho dân tộc, và anh đã làm hết sức mình để thực hiện bằng được ý định ấy. Anh đã làm được bằng tinh thần trách nhiệm và bằng uy tín, cương vị của mình. Anh giới thiệu ai đi học, Quốc tế cộng sản cũng nhận ngay, kể cả trường hợp anh Lý Quý tức Trần Phú vào học muộn một năm.

Anh Nguyễn tới thăm học sinh Việt Nam tại ký túc xá của trường, sau khi đã làm việc với Ban giám hiệu. Anh đến không chỉ với tư cách người anh, người đồng chí, đồng bào mà còn là đại diện của Quốc tế cộng sản đến xem việc học tập, ăn ở của anh em và góp một số ý kiến. Sự giản dị, thân mật, vui tính của anh làm cho buổi gặp gỡ hồ hởi, đằm thắm từ đầu. Anh ôm anh Trần Phú thay mặt nhóm học sinh chào mừng anh. Anh nắm chặt tay anh Bùi Lâm, nhắc lại buổi gặp nhau ở Pa-ri gần mười năm về trước bàn việc chuyển sách báo bí mật về nước. Anh hỏi thăm anh Nguyễn Thế Rục cùng phong trào tỉnh Nam Định, quê hương anh Rục… Anh nguyễn vừa nói vừa cười đưa cho mọi người xem tờ giấy căn cước đã xé làm đôi : “Cái này… mình tưởng nó là một vật vô dụng, không ngờ lại là cái bùa hộ thân. Không có nó mình khó lòng thoát khỏi Quảng Châu”.

Anh kể chuyện Quảng Châu, nhưng rồi anh nói nhiều về nhiệm vụ của nhóm học sinh Việt Nam, căn dặn anh em đoạn kết, cố gắng học tập, nắm vững các kiến thức và lý luận cách mạng, chuẩn bị trở về nước hoạt động, giải phóng nhân dân. Anh nhắc nhóm học sinh phải giữ vững nền nếp sinh hoạt có kỷ luật, có tổ chức và anh chỉ thị nhóm bầu ra người phụ trách.

Và anh chia tay mọi người, chưa biết bao giờ sẽ gặp lại. Ai cũng hiểu anh lại lên đường vì sự nghiệp của cách mạng. Anh viết bức thư gửi chi bộ cộng sản trường Đại học cộng sản nhân dân lao động Phương Đông mang tên Xta-lin :

“Mát-xcơ-va ngày 25 tháng 6-1927
Các đồng chí thân mến,

Theo quyết định của Bộ Phương Đông, Ban bí thư la-tinh của Quốc tế cộng sản và đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, một nhóm cộng sản Việt Nam đã được thành lập…

Lý Quý (tức Trần Phú) đã được bầu làm Bí thư của nhóm.

Vì họ đều là học sinh của trường Đại học các đồng chí và để họ có thể học cách làm việc, chúng tôi yêu cầu chi bộ các đồng chí chỉ định một hay hai đồng chí phụ trách việc giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho nhóm để đào tạo các đồng chí nói trên theo sinh hoạt của Đảng.


         Ban Bí thư La-tinh                                                                                      Đại biểu Việt Nam
        của Quốc tế cộng sản                                                                                  NGUYỄN ÁI QUỐC
              G. HUM-BE

Anh còn quyết định : khi đồng chí Lê Hồng Phong tốt nghiệp khóa học trường không quân Bô-ri-xơ-glét-xkai-a thì sẽ chuyển về học tiếp ở trường Đại học Phương Đông.

Ở Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Pháp tại trụ sở Quốc tế cộng sản, các đồng chí trao cho anh một tài liệu từ Pháp gửi đến cho anh năm trước nhưng chưa chuyển tới anh được. Đấy là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” do anh viết được các đồng chí ở Pa-ri cho xuất bản Thư quán Lao động, đường Giem-máp, pa-ri, năm 1925. Anh được biết : cuốn sách được phân phát ở Việt Nam, Đông Dương và nhiều thuộc địa Pháp đang làm chính quyền Pháp điên đầu, tức tối. Đấy là tiếng hét căm hờn của các dân tộc bị áp bức, bản tuyên ngôn chống thực dân Pháp, lời kêu gọi nhân dân vùng dậy và sự ca ngợi Lê-nin và cách mạng tháng Mười.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #95 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 09:02:28 pm »

Những báo cáo và tin tức gửi về Quốc tế cộng sản giúp anh Nguyễn biết được một phần tình hình phong trào và hoạt động của địch ở Đông Dương kể từ khi anh rời Quảng Châu. Các học trò của anh ở Quảng Châu trở về nước tung đi khắp bốn phương đang gieo tiếp những mầm mống cách mạng. Cơ sở của “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đã có khắp Bắc Trung Nam. Nhiều nơi cơ sở phát triển đến huyện. Tỉnh Thái Bình, tất cả 12 phủ, huyện đều có cơ sở của hội.

Khi lập được cơ sở, các cán bộ của Hội mở lớp huấn luyện dựa vào những tài liệu do anh Nguyễn giảng ở Quảng Châu, chủ yếu là cuốn “Đường kách mệnh”.

Sách báo ở lớp học Quảng Châu đem về, sách báo của Quốc tế cộng sản, của Đảng Cộng sản Pháp được in lại bằng thạch hoặc được dịch ra, chép lại, chuyền tay nhau. Lúc này ở Việt Nam, người ta không còn hứng thú tìm đọc “Lưu cầu huyết thư”, “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu, chủ nghĩa tam dân của Tôn Dật Tiên hoặc chủ nghĩa Găng-đi… Những người yêu nước và những người quan tâm đến vận mệnh Tổ quốc, các tầng lớp thanh niên và trí thức hăm hở tìm đọc báo “Người cùng khổ”, báo “Thanh niên”, các sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường kách mệnh”, “Tuyên ngôn cộng sản”, “Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” và tạp chí “Thư tín quốc tế” của Quốc tế cộng sản… Nhà máy, nông thôn, trường học, công sở… khao khát một đường lối cách mạng mới, nhạy bén tiếp thụ những tư tưởng mới của anh Nguyễn Ái Quốc được các chiến sĩ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” nhiệt tình truyền bá. Tên tuổi anh Nguyễn đã trở thành ngọn cờ tập hợp và dẫn đường, một niềm tin mạnh mẽ. Có trường hợp, cán bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đi tuyên truyền cách mạng một người trí thức. Người này tranh luận rất nhiều về học thuyết, triết học, lịch sử. Đồng chí cán bộ bí quá chỉ biết nói : “Ông theo hay không tùy ông, nhưng Đảng của chúng tôi có lãnh tụ là Nguyễn Ái Quốc, chắc ông biết tiếng”. Thế là nhà trí thức gật đầu : – “Nếu lãnh tụ là Nguyễn Ái Quốc thì tôi theo”.

Tổ quốc anh Nguyễn đang sôi động một phong trào mới. Chân lý của chủ nghĩa mới mà anh và các đồng chí của anh mang đến từng con tim khối óc đang giục giã hành động. Những cuộc đấu tranh vang dội liên tiếp diễn ra. Hàng vạn thanh niên, công nhân, học sinh, người buôn bán nhỏ ở Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Thành bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” thành phố Hà Nội biểu tình kéo đến trụ sở tòa báo “Dân báo” phản đối báo này ăn lương của thực dân Pháp mạt sát những người yêu nước Việt Nam. Tiếp đến là cuộc truy điệu nhà yêu nước Lương Văn Can tổ chức tại nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội, một cuộc biểu dương lực lượng đòi giải phóng nhân dân. Khắp nơi, các cuộc đấu tranh nổ ra do các kỳ bộ, tỉnh bộ, thành bộ lãnh đạo, mang tính chất cách mạng mới, thoát ra khỏi những ảnh hưởng cải lương chủ nghĩa.

Thực dân Pháp lo sợ chất mới ấy ở những người cách mạng Việt Nam thuộc thế hệ Nguyễn Ái Quốc. Toàn quyền Đông Dương Va-ren, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, “thuốc tiêm phòng cộng sản”, mặc dù huênh hoang “tôi ngăn ngừa được phong trào bôn-sê-vích”, lúc này cũng tỏ ra bất lực. Va-ren về Pháp họp bàn nhiều buổi với các Bộ Hải Quân và Chiến tranh về việc tăng cường đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Lúc này, trên toàn cõi Đông Dương, Pháp đã có một đạo quân 21.614 tên, 27 tàu chiến, mỗi năm tốn kém 317 triệu phrăng. Tướng Clô-đen, Ủy viên Hội đồng tối cao chiến tranh của Pháp, theo đề nghị của Va-ren, sang Bắc Kỳ thị sát và quyết định lập thêm hai tiểu đoàn bộ binh, 4 đại đội lính sơn cước, một đơn vị pháo binh, một phi đội không quân và nhiều trung đội xe bọc thép gắn súng mày tự động. Ngoài ra còn có phái đoàn của Hen-nơ-canh, nguyên trùm cảnh sát  Pháp, quan chức cáo cấp sở mật thám Pháp từ Pa-ri tới Hà Nội để bàn những biện pháp đối phó với “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #96 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 09:10:38 pm »

Những ngày ở Mát-xcơ-va, anh Nguyễn không ngừng theo dõi, nghiên cứu tình hình Đông Dương thông qua những báo cáo, thư từ, sách báo gửi về trụ sở Quốc tế cộng sản. Anh lại viết cho tạp chí “Thư tín quốc tế” của Quốc tế cộng sản nhiều bài tố cáo chủ nghĩa thực dân với bút danh : Vương, N.K. Anh vạch trần cái trò “dân biểu của thực dân" :

“Dưới sự thúc đẩy của quần chúng bản xứ, công nhân đế quốc Pháp buộc phải nhượng bộ hoặc làm ra vẻ nhượng bộ. Nó phái một “đảng viên xã hội” đến làm toàn quyền. Nó tung ra khẩu hiệu : “hợp tác Pháp – Việt”. Nó tổ chức “dân biểu”.

“Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược với mong muốn của nó. Sau một giây phút ảo tưởng, bây giờ người Việt Nam thấy rõ viên đại diên Quốc tế thứ hai là người như thế nào. Họ thấy sự “hợp tác” được làm ầm ĩ chỉ là những sự ghê gớm và những sự đàn áp dã man mọi cuộc biểu tình chính trị của người bản xứ.

Viện “dân biểu Việt Nam (không phải được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu mà chỉ do các quan chức, địa chủ và nhà buôn bầu ra), không trấn an được người Việt Nam mà chỉ tạo cơ  hội để họ bày tỏ tình cảm nổi dây”.


Anh tả sự khổ cực của nhân dân Đông Dương năm 1927 :

“Đông Dương đang vợi người đi nhanh chóng do nạn đói, dịch tả và… chủ nghĩa đế quốc Pháp.

Số người chết vượt xa số người mới đẻ. Nạn chết yểu thật khủng khiếp. Thí dụ ở Hải Phòng. Số liệu thống kê khoảng 1927 cho biết ở thành phố này người Việt Nam đẻ 147 trẻ, trong đó có 81 con trai và 66 con gái. Cùng thời kỳ đó có 204 người chết trong đó có 84 trẻ em. Trong số 147 trẻ mới đẻ, chỉ có 63 sống sót.

Để chứng ninh tỉ lệ tử vong  ở người Việt Nam cao là do nghèo khổ, chúng ta hãy so sanh số liệu thống kê sinh tử của người nước ngoài tại Hải Phòng.Người Âu, cứ 8 trường hợp đẻ thì có 3 trường hợp chết, trong đó có 1 trẻ em. Người Trung Quốc, 22 trường hợp đẻ và 23 trường hợp chết, trong đó có 6 trẻ em.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, (Trung kỳ) bị nạn dịch tả tàn phá. Nhân dân hoảng sợ. Đầu tháng tám, mỗi ngày hàng trăm người mắc bệnh được chở về bệnh viện Huế. Riêng tỉnh Quảng Nam, tháng tám có 7000 người mắc bệnh.

Chưa hết. Trời khô nóng làm lúa bị hạn nghẹt đòng. Trời nóng vừa đe dọa gây ra nạn đói, vừa làm dịch bệnh lây lan. Bắc Kỳ bị lụt, đói. Mùa nước ở vùng Bắc Kỳ, để bảo vệ người Pháp ở Hà Nội, chính quyền thực dân cho phá đê Gia Lương trước mặt Hà Nội để đưa nước chảy về phía đó. Người bản xứ không được báo trước và hai vạn người Việt Nam bị Pháp làm cho chết đuối.

Sau nạn lụt, người Việt Nam ở Trung Kỳ và Nam Trung Kỳ quyên góp để cứu đồng bào khốn khổ của mình. Chính quyền Pháp đã lấy phần lớn số tiền đó đưa vào quỹ nân giá đồng phrăng ! Mặc dù hiện vật quyên góp cũng khá nhiều, chính quyền chỉ phát cho những người bị nạn có hai cân rưỡi gạo một đầu người cho cả tháng !”

Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #97 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 09:36:11 pm »

Và anh Nguyễn tả cảnh bắt phu năm 1927 :

“Hiện nay để cung cấp nhân công cho các đồn điền, người Pháp không từ một biện pháp tội ác nào. Đây là  một số thí dụ : bọn thực dân Pháp yêu cầu bọn hành chính Pháp ở Đông Dương – là đồng lõa và có khi là đồng bọn của chúng – buộc các dân làng Đông Dương phải nộp một số phu. Nếu các làng không làm theo lệnh ngay thì bị phạt. Hoặc lợi dụng nạn đói thường xảy ra ở Đông Dương, người Pháp cho người Đông Dương vay tiền, ít lâu sau bắt giam họ vì không có tiền trả nợ và buộc họ sang Úc. Hoặc nữa, chúng giả vờ dùng phu làm một việc gì đó trên chiếc tàu rồi bỗng nhiên trói gô những phu đó và nhốt dười hầm tàu đã nhổ neo. Chúng lứa dối những người thất nghiệp ở Đông Dương hứa tìm cho họ một việc làm ở tỉnh bên. Chúng đưa họ xuống tàu và giữa đường, chúng chuyển hướng tàu chạy. Thế là chúng bắt cóc những người Đông Dương bằng vũ lực hoặc bằng mưu kế, giam họ trong những cũi sắt và chở họ sang Tân Thế giới.

Trên tàu, những người Đông Dương bị lèn trong những hầm thiếu không khí, ánh sáng, như súc vật. Người ta cho họ ăn uống đủ cầm hơi. Người ốm bị quăng xuống biển “để khỏi ô nhiễm người khác”. Họ luôn bị những người có vũ trang canh giữ. Tới đảo, họ bị giam giữ trong trại, nghĩa là một cái chợ, các chủ đồn điền đến xem, chọn và mua từng đầu người.

Để bắt cả vợ họ đi theo, chúng hứa cho phép mang theo con cái. Nhưng xuống tàu rồi, người ta quăng trẻ con xuống ngước “để bớt những miệng ăn vô ích”…


Những nỗi đau khổ triền miên của dân tộc luôn giày vò anh Nguyễn . Lửa căm thù kẻ xâm lược không lúc nào tắt trong tim anh, và làn sóng đấu tranh mới cảu nhân dân lại gọi anh lên đường. Anh thấy cần phải có mặt ở gần Tổ Quốc và ở vùng Đông – Nam châu Á nóng bỏng mà phong trào cộng sản quốc tế đã giao cho anh trách nhiệm giúp đỡ các lực lượng cách mạng ở đấy. Anh quyết định lập căn cứ hoạt động mới của anh ở nước Xiêm. Từ Mát-xcơ-va anh sẽ đi về đấy bằng ngả phía tây.

Một ngày tuyết rơi tháng 11 năm 1927, anh Nguyễn đáp xe lửa rời Mát-xcơ-va đi Đức. Liên Xô và Đức vừa ký kết với nhau Hiệp ước trung lập và không tiến công nhau, cho nên việc đi lại tương đối thuận tiện. Tới Đức, anh bí mật vượt biên giới đi vào nước Pháp, hy vọng với sự quen thuộc của anh, có thể đáp tàu biển từ Pháp đi Xiêm. Đấy là một chuyến đi hết sức nguy hiểm vì mật thám Pháp biết mặt anh và anh là người mà Chính phủ Pháp đang truy lùng. Nhưng có thể anh sẽ thành công ở những chỗ mà kẻ địch không bao giờ ngờ tới. Chính quyền Pháp vẫn đinh ninh Nguyễn Ái Quốc còn đang ở Quảng Châu. Thế mà anh đã ngồi giữa Pa-ri, được một số kiều bào yêu nước tin cậy, chí cốt, săn sóc và che giấu. Bè bạn, đồng chí, đồng bào của anh ở Pa-ri, sau nhiều năm xa cách, người mất người còn, người vào tù, người đi công tác, nhưng xã hội Pháp thì vẫn như xưa, đời sống có phần đắt đỏ hơn. Anh dành nhiều buổi bắt mối liên lạc với Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tìm hiểu công tác của Ban Thuộc địa của Đảng và giải quyết một số vấn đề quan trong đối với chuyến đi sắp tới của anh sang Đông-Nam châu Á. Anh cần biết một số cơ sở của Đảng Cộng sản Pháp và cũng là của Quốc tế cộng sản ở Đông-Nam châu Á để tiện phối hợp công tác và bàn việc lập đường giao thông liên lạc từ Xiêm về Quốc tế cộng sản qua nước Pháp.

Chính ở Pa-ri, anh Nguyễn được tin về cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, Trung Quốc, nổ ra ngày 12-12-1927, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Đảng Cộng sản tỉnh Quảng Đông nhằm đánh đổ chính quyền phản động, thành lập một chính quyền nhân dân chân chính. Nhưng quân đội của các phái phản cách mạng cùng bắt tay nhau phản kích chính quyền cách mạng. Bọn đế quốc đem chiến hạm đến yểm hộ bọn phản cách mạng. Trương Thái Lôi, người anh hùng của cuộc khởi nghĩa, người cùng làm việc với anh Nguyễn ở Quốc tế cộng sản tại Mát-xcơ-va và tại Quảng Châu, đã hy sinh anh dũng trong cuộc khởi nghĩa này.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #98 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 09:37:55 pm »

Đánh hơi thấy anh Nguyễn đã xuất hiện trên đất Pháp, bọn mật thám Pháp giăng lưới tìm kiếm. Chúng tăng thêm các biện pháp kiểm soát, ở các nhà ga, bến tàu, lùng sục ráo riết trong các khu phố có nhiều người Việt Nam ở. Trước sự bao vây gắt gao của kẻ địch và sau một tháng rưỡi hoạt động bí mật ở Pa-ri, anh Nguyễn rời Pháp trở lại Béc-lin. Tại thủ đô nước Bỉ, dự Hội nghị quốc tế Liên đoàn chống đế quốc. Người thu xếp cho anh đi là đồng chí Sa-tô-pa-đi-a-i-a, mà anh quen gọi vắn tắt là Sa-tô. Sa-tô là một đảng viên cộng sản Ấn Độ, được Quốc tế cộng sản cử hoạt động trong Liên đoàn chống đế quốc, trụ sở đặt tại Béc-lin. Vốn quen nhau từ Mát-xcơ-va, anh Nguyễn dùng nơi làm việc của Sa-tô làm trạm liên lạc khi sống ở Béc-lin.

Ra ga xe lửa đi Bỉ, anh Nguyễn gặp đồng chí Xen Ca-ta-i-a-ma, người sáng lập Đảng Cộng sản Nhật Bản và là người cùng anh Nguyễn làm việc bên nhau cũng như đã cùng dự nhiều hội nghị quốc tế ở Mát-xcơ-va trong hai năm 1923-1924. Quốc tế cộng sản thấy đồng chí Xen Ca-ta-i-a-ma tuổi cao, lấy vé xe lửa hạng nhất cho đồng chí. Khi thấy anh Nguyễn đi vé hạng ba, đồng chí cũng nằng nặc đòi đi cùng hạng với anh, mặc dù anh Nguyễn khẩn khoản mời đồng chí cứ đi hạng nhất cho khỏe người .
 
Hội nghị quốc tế Liên đoàn chống đế quốc họp tại Phòng gương trên gác hai lâu đài Ét-mông. Đây là mặt trận thống nhất đầu tiên của giai cấp công nhân quốc tế, trí thức tiến bộ các nước tư bản, đại biểu các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Anh Nguyễn mừng rỡ gặp lại khá nhiều bạn bè cũ. Đấy là nhà văn Pháp Hăng-ri Bác-buýt, với những tiểu thuyết chống chiến tranh, nay là một chiến sĩ hòa bình nổi tiếng. Đấy là anh M.C. Blông-cua, người đảo thuộc địa Gu-a-đơ-lúp, trong Ban lãnh đạo hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và báo “Người cùng khổ” cùng với anh Nguyễn lúc còn ở Pa-ri. Gia đình Blông-cua vẫn sống trên gác năm của ngôi nhà số 10 B đường Po Roay-an ở Pa-ri , nơi anh Nguyễn đến chia tay một ngày hè năm 1923. Hai người bạn và đồng chí ấy, cùng là dân mất nước, đưa nhau ra bãi cỏ xanh phía sau lâu đài, ôn lại những kỷ niệm Pa-ri và hỏi nhau tình hình đấu tranh của nhân dân.

Cùng với các đại biểu dự hội nghị, anh giơ tay biểu quyết tán thành lập ra “Liên đoàn chống đế quốc” mà anh là thành viên tích cực nhất từ đầu. Sau “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”“Hội các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” ở Quảng châu, đây là tổ chức quốc tế thứ ba có tính chất mặt trận rộng rãi chống đế quốc mà anh tham gia.

Hội nghị vang những tiếng nói tố cáo các nước đế quốc đang chuẩn bị chiến tranh. Việc chia lại thuộc địa, thị trường và khu vực ảnh hưởng giữa các nước đế quốc sau chiến tranh thế giới lúc này làm nảy sinh nhiều mâu thuẩn mới trong nội bộ các nước tư bản. Ở Viễn Đông, Nhật Bản mạnh lên, hung hăng muốn thống trị toàn châu Á. Kế hoạch bí mật của thủ tướng Nhật Bản Ta-na-ka nhằm mở một cuộc chiến tranh xâm lược Mãn Châu, Mông Cổ rồi Trung Quốc, và nếu thuận buồm xuôi gió, sẽ tiến đánh Ấn Độ, nhiều nước khác ở châu Á và có thể cả châu Âu, trong đó có nhiều vùng rộng lớn giàu tài nguyên của Liên Xô. Được sự giúp đỡ của các công ty lũng đoạn Mỹ, chủ nghĩa đế quốc Đức phục hồi dần, tăng cường sức mạnh kinh tế. Các giới lũng đoạn Đức ngày càng lớn tiếng tỏ sự bất mãn đối với Hòa ước Véc-xây và bộc lộ nhiều ý đồ phát xít, kể cả âm mưu gây chiến tranh với Liên Xô. Các đế quốc Anh, Mỹ, Pháp cũng tìm mọi cách bao vây và làm suy yếu Liên Xô, luôn luôn vu cáo, phá hoại hòng lấy cớ can thiệp quân sự vào Liên Xô.

Tất cả những người cộng sản trên thế giới cùng với Liên Xô giương cao ngọn cờ hòa bình, kiên quyết chống các cuộc chiến tranh đế quốc, kêu gọi loài người cảnh giác và đấu tranh. Anh Nguyễn trình bày ở tiểu ban thuộc địa nỗi khổ của dân tộc anh, của các nước thuộc địa trong chiến tranh đế quốc, đòi độc lập cho Tổ quốc anh, và anh cảnh cáo bọn đế quốc : chúng sẽ chết thui trong lò lửa chiến tranh do chúng gây ra.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #99 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 09:44:24 pm »

Anh cũng đã gặp và nói chuyện với các chiến sĩ yêu nước nổi tiếng của Ấn Độ G. Nê-ru. Ông đã đi thăm nhiều nước châu Âu trong vòng một năm rưỡi, tiếp xúc với nhiều tổ chức chính trị tiến bộ và ông lập ra lực lượng cánh tả trong Đảng Quốc đại Ấn Độ.

Và đồng chí Xê-ma-un, Đảng Cộng sản Nam Dương, người từng sống chung với anh Nguyễn trong khách sạn Luych ở Mát-xcơ-va dạo trước nay dẫn đầu một đoàn đại biểu Nam Dương sáu người dự hội nghị.

152 đại biểu thuộc 37 nước ngồi trong hội trường dưới bản khẩu hiệu lớn : “Tự do dân tộc, bình đẳng xã hội”. Nhà văn lớn nước pháp Hăng-ri Bác-buýt, khuôn mặt xương xương, khai mạc hội nghị bằng một giọng nói đầy nhiệt tình.

“Tôi xin chào mừng nước Nga, nước cộng hòa công nông, lần đầu tiên trong lịch sử đã thiết lập được sự bình đẳng giữa các dân tộc. Nước Nga Xô-viết là ngọn hải đăng đối với các dân tộc bị áp bức”.

Trong khách sạn phố Rê-gin, nơi anh trọ ở thủ đô Bỉ, anh Nguyễn viết một tài liệu về cuộc đấu tranh của nhân dân Công-gô, thuộc địa của Bỉ, nơi anh từng đến sống và lao động những ngày tìm đường cứu nước.

Trở lại Đức, anh tìm cách đi về Đông-Nam châu Á. Anh nghiên cứu các đường đi, lập kế hoạch chuyến đi, chờ nhận các đầu mối liên lạc và các giấy tờ cần thiết. Trong lúc đợi ngày thích hợp lên đường, anh làm phóng viên cho báo Đức Die Welt (Thế Giới) ở Béc-lin. Và anh viết sách. Anh viết thư cho các đồng chí lãnh đạo Quốc tế nông dân ở Mát-xcơ-va :

Béc-lin ngày 8-2-1928
   

Các đồng chí thân mến,

Tôi đã đến phố Lút-sô U-phe, tới địa chỉ mà các đồng chí đã cho tôi. Nhưng tôi không gặp ai cả ; và chẳng ai biết tạp chí “Niu Đoóc-phơ”. Tôi đề nghị các đồng chí cho tôi một địa chỉ khác bảo đảm hơn.

Tôi chỉ có thể lên đường trong vòng một tháng nữa hoặc một tháng rưỡi. Tôi tranh thủ thời gian viết “Những ký ức của tôi” về phong trào nông dân, chủ yếu về phong trào Hải Lục Phong, nơi có các xô-viết nông dân. Người “anh hùng” trong “Những ký ức của tôi” chính là đồng chí Bành Bái, cựu Dân ủy nông nghiệp của xô-viết Quảng Châu và hiện là lãnh tụ những nông dân cách mạng.

Điều tôi viết chỉ gồm những chuyện nói về đời sống, phong tục tập quán, mê tín dị đoan, vân vân… của nông dân ; nhưng không hề có hoặc hầu như không nói về chính trị và số liệu thống kê.

Có khoảng 120 trang đánh máy chia thành khoảng năm chục chương. Tôi đang sắp xếp lại. Nếu các đồng chí muốn xuất bản, tôi đề nghị các đồng chí gửi cho tôi một bưu thiếp theo địa chỉ sau đây :

Ông Lu-i, tạp chí Thư tín Quốc tế, ban biên tập tiếng Pháp.
Số nhà 228, phố Phrê-đrích Strát, Béc-lin.
Thế là đủ và tôi sẽ  gửi bản thảo cho các  đồng chí.
Chào thân ái.

                                                                                                                                                      NGUYỄN ÁI QUỐC
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM