Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:15:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuốn sách: BÍ MẬT CHÔN VÙI SỰ THẬT TÀN BẠO  (Đọc 11478 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
phucnp
Thành viên
*
Bài viết: 26


« vào lúc: 20 Tháng Ba, 2011, 04:52:35 pm »

Đây là một cuốn sách xuất bản đã năm 2005, được dịch từ loạt phóng sự của những phóng viên nhật báo Blade (Mỹ) tiến hành điều tra và cho đăng tải từ cuối năm 2003 đến năm 2004 về những tội ác tàn bạo của đơn vị mang tên Mãnh Hổ năm 1967 tại vùng thung lũng sông Vệ, Quảng Ngãi, Việt Nam. Người Mỹ không chống lại người Mỹ, họ chống lại tội ác. Trưởng ban biên tập của tờ Blade đã nói: "Chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức phải đăng tải các tin tức này. Nơi mà chính phủ đã chùn bước, thì cũng là nơi tờ Blade đi tiếp và kết thúc".

Blade là một tờ báo địa phương nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không cản trở những phóng viên thực hiện một lọat bài phóng sự điều tra quy mô lớn nhất trong lịch sử tờ báo. Các phóng viên tìm đủ mọi cách tiếp xúc với những tài liệu mà những sử gia uy tín nhất của Mỹ cũng không được tiếp xúc, gặp mặt những thành viên Mãnh Hổ đang ngày đêm sám hối về những tội ác giết thường dân họ thực hịên liên tục có hệ thống trong 7 tháng trời, qua lại Việt Nam để tiếp xúc nhân chứng. Blade không chỉ giơ cao ngọn cờ đấu tranh quyết liệt với tội ác, những gì các phóng viên đã làm còn là bài học nghiệp vụ, là tấm gương về tinh thần kiên định khi thực hiện những phóng sự điều tra nóng.

Mãnh Hổ là một trung đội (36 đến 45 binh sĩ) được thành lập năm 1965 với nhiệm vụ thám báo, phát hiện và thông báo vị trí của đối phương cho các lực lượng không quân và bộ binh. Khẩu hiệu của đơn vị là “làm du kích để trị du kích”. Tuy nhiên, năm 1967, đơn vị này đã được nhận chỉ thị mở chiến dịch “tìm và diệt”. Thành công của chiến dịch được đo bằng số người bị giết chứ không phải bằng việc có chiếm được địa bàn hay không. Bởi vậy mà trong suốt 7 tháng trời, đơn vị này đã liên tục thực hiện những cuộc thảm sát kinh hoàng nhằm vào đối tượng thường dân vô tội. Họ rượt đuổi nã đạn một cách hứng khoái tột cùng vào sọ những người nông dân cao tuổi đang canh tác trên đồng; đã tra tấn đánh đập, tùng xẻo, cắt cổ, lột da đầu, cắt tay những em nhỏ treo trên nòng súng; thay phiên hãm hiếp đến chết, cắm cọc nhọn vào cửa mình những người phụ nữ chẳng may rơi vào tay họ… Nổ sung vô tội vạ, nằm hoàn toàn ngoài quy luật chiến tranh, mà nếu họ thuộc một quốc gia khác, người Mỹ đã đưa họ ra tòa án chiến tranh quốc tế mà treo cổ từ lâu rồi.

Những nhà báo của tờ Blade khẳng định: Nếu sớm điều tra được vũ Mãnh Hổ thì có lẽ đã ngăn chặn được cuộc thảm sát Mỹ Lai. Nhưng điều này cho đến nay, khi sự thật đã được phanh phui vẫn còn là mơ ước viển vông. Trong cuộc chiến tranh hàng chục năm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, bạn đã bao giờ tự hỏi, quân đội Mỹ còn có bao nhiêu đơn vị như Mãnh Hổ?

Đây là nỗi đau của người dân thường Việt Nam. Một bí mật ô nhục của quân đội Mỹ. 40 năm trôi qua, 5 năm sau khi bí mật tàn bạo này được chính những phóng viên Mỹ có lương tâm phanh phui, vẫn chưa có tòa án nào được mở ra để xét xử những tội ác chiến tranh tàn bạo mà giới chóp bu Mỹ tìm mọi cách bưng bít. Công lý bao giờ cũng đứng về phía kẻ mạnh?!

Theo 360 Plus
Logged
phucnp
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2011, 04:55:39 pm »

Phần I

Trung đội Mãnh hổ Mỹ thảm sát dân thường Quảng Ngãi


Tờ Toledo Blade (Ohio, Mỹ), từ ngày 19/10, đã đăng tải loạt bài điều tra về các vụ tàn sát dân thường Việt Nam của lực lượng Mãnh Hổ thuộc sư đoàn không vận 101 (Lục quân), trong vòng 7 tháng từ tháng 7/1967 tại tỉnh Quảng Ngãi.

Hầu hết các tội ác chiến tranh ở Việt Nam, như vụ thảm sát Mỹ Lai, thường tập trung vào một sự kiện trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng trong trường hợp của Mãnh Hổ, nó kéo dài tới 7 tháng, và khiến hàng trăm dân thường bị chết.

Toledo Blade đã xem xét hàng nghìn tập tài liệu mật của lục quân Mỹ, các hồ sơ trong kho lưu trữ quốc gia, phỏng vấn các cựu thành viên Mãnh Hổ cũng như thân nhân những người đã chết.  

Trung đội Mãnh Hổ được Lục quân Mỹ thành lập mùa thu năm 1965, là một đơn vị do thám gồm 45 người được huấn luyện đặc biệt, có nhiệm vụ tìm kiếm và báo cáo về các vị trí của đối phương cho các lực lượng bộ binh và không quân Mỹ. Binh lính mặc đồng phục vằn da hổ. Họ có thể để râu và đeo vũ khí cạnh sườn. Khẩu hiệu của đơn vị này là “dùng quân du kích để đẩy lui quân du kích”.

Để trấn an dân chúng Mỹ, các chỉ huy quân sự năm 1967 gửi sang một lực lượng hành động – bao gồm cả Mãnh Hổ - nhằm chống lại quân giải phóng tại một trong những khu vực quyết liệt nhất ở miền Nam Việt Nam: vùng cao nguyên.

Nhưng một số lính Mãnh Hổ đã gây tội ác chiến tranh. Chúng ném lựu đạn vào những căn hầm có phụ nữ và trẻ em, bắn những người nông dân già đang làm việc trên cánh đồng, tra tấn và hành quyết tù nhân, sau đó cắt tai và da dầu của nạn nhân đeo vào cổ làm kỷ niệm. Một trong số lính Mãnh Hổ đá vào mặt những thường dân bị xử tử để lấy răng vàng của họ. Một số binh lính tìm cách ngăn cản những vụ giết chóc, nhưng các chỉ huy phớt lờ những lời can gián của họ.

Lục quân Mỹ đã tiến hành điều tra những tội ác này năm 1971, và kéo dài 4 năm rưỡi. Đây là cuộc điều tra dài nhất trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Báo cáo về vụ việc được gửi tới cấp cao nhất trong Lầu Năm Góc và Nhà Trắng của tổng thống Nixon. Các cuộc điều tra kết luận rằng 18 binh lính đã phạm các tội ác chiến tranh, nhưng không ai bị truy tố. Cho đến nay người ta vẫn không rõ ai đã đưa ra quyết định cuối cùng này. Các hồ sơ bị chôn trong kho của lục quân kể từ năm 1975 và kết luận điều tra được giấu kín.

Mới đây, trước những lời yêu cầu tái điều tra, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định vụ việc đã trải qua hơn 30 năm về trước và không có bằng chứng mới thực sự mang tính thuyết phục để mở lại vụ án.

Về phía Việt Nam, trả lời câu hỏi của các phóng viên AP, AFP, DPA và Bloomberg về chùm phóng sự của Toledo Blade, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố: "Cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ đã gây ra nhiều đau thương và mất mát cho nhân dân Việt Nam. Với truyền thống nhân đạo và hoà hiếu, trong quan hệ với Hoa Kỳ cũng như với các nước đã có thời thù nghịch với Việt Nam, chúng tôi chủ trương thông qua hợp tác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng tốt hơn và đó cũng chính là cơ sở để giải quyết những hậu quả do quá khứ để lại".

Những phần tiếp theo sẽ giới thiệu chi tiết điều tra của Toledo Blade.
Logged
phucnp
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2011, 04:59:25 pm »

Phần II
Mãnh Hổ - Từ giết người đến thảm sát ở Quảng Ngãi, Quảng Nam

“Chúng tôi sống ngày qua ngày, không dám nghĩ mình sẽ sống sót", William Doyle (cựu trung sĩ Mãnh Hổ hiện sống ở Missouri) nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Toldedo Blade. “Bởi vậy, người ta làm bất kỳ việc gì họ muốn, miễn là để tồn tại. Cách sống là giết người, vì ta không phải bận tâm về bất kỳ ai đã chết”.

Mãnh Hổ thường chia thành những nhóm nhỏ để tìm kiếm đối phương, vào trong những khu vực rừng rậm với khẩu phần ăn đủ trong 30 ngày. Không phải ai cũng có thể tham gia trung đội này. Binh lính phải tình nguyện, có kinh nghiệm chiến đấu, và phải trả lời một loạt câu hỏi, như liệu họ có sẵn sàng giết người hay không.

Đa số những người tòng quân đến từ những thành phố nhỏ như Rayland (Ohio), Globe (Arizona) và Loretto (Tennessee). Trước khi Mãnh Hổ đến tỉnh Quảng Ngãi ngày 3/5/1967, họ từng tham gia những trận chiến quyết liệt ở Mỹ Cảnh và Đăk Tô.

Nhưng đây là một nơi hoàn toàn khác. Chưa đầy một tuần sau khi dựng trại trong tỉnh, các thành viên Mãnh Hổ đã bắt đầu vi phạm luật chiến tranh.

Bắt đầu là các tù nhân. Trong một lần đi tuần vào buổi sáng 8/5, các binh lính phát hiện được 2 người họ tình nghi là Việt Cộng, dọc sông Trà Câu. Một người nhảy xuống nước và thoát qua một cống ngầm dưới nước. Người còn lại bị bắt. Cao to hơn đa số những người Việt Nam, anh có lẽ là người Trung Quốc. Trong 2 ngày tiếp theo, anh bị đánh đập và tra tấn nhiều lần. Có lúc, những người bắt giữ anh tranh cãi có nên cho nổ tung anh bằng thuốc nổ hay không. Một cựu binh, William Carpenter, kể rằng ông cố giữ cho người tù sống sót: “Nhưng tôi biết giờ của anh ấy sắp tới”. Sau khi họ lệnh cho anh chạy và nói rằng anh đã được tự do, người tù bị một số binh lính bắn chết.

Cách trung đội đối xử với tù nhân - đánh đập và xử tử - trong các tháng tiếp theo đã trở thành một thủ tục. Hồi tháng 6, binh nhì Sam Ybarra cắt cổ một tù nhân bằng con dao săn trước khi lột da đầu người này – và để nó ở đuôi súng trường. Một tù nhân khác nhận lệnh phải đào hầm, sau đó bị đánh bằng xẻng trước khi bị bắn chết. Trung sĩ Forrest Miller, nói với các nhà điều tra rằng việc giết các tù nhân là một “luật bất thành văn”. Nhưng các thành viên trung đội không chỉ xử tử các tù nhân. Họ bắt đầu nhằm cả vào các dân thường không mang vũ khí.

Vào tháng 6, một ông già mặc áo đen, có lẽ là một nhà sư, bị bắn chết khi ông than phiền với các binh lính về cách họ đối xử với dân làng. Một quả lựu đạn được đặt trên thi thể ông để nguỵ trang ông thành một người lính phía đối phương.

Cũng trong tháng đó, Ybarra bắn chết một cậu bé 15 tuổi gần Đức Phổ. Hắn giải thích với đồng đội rằng hắn muốn có đôi giày thể thao của cậu. Đôi giày không vừa, nhưng Ybarra vẫn cắt đôi tai của cậu bé và bỏ chúng vào một cái túi đựng khẩu phần ăn. Trong cuộc điều tra của lục quân đối với Mãnh Hổ, 27 binh lính nói rằng việc cắt tai những người Việt Nam đã chết đã trở thành một lệ được chấp nhận. Mục đích là làm dân chúng Việt Nam khiếp sợ. Lính của trung đội luồn những cái tai qua dây giày để đeo quanh cổ. Cựu lính cứu thương Larry Cottingham kể với các nhà điều tra: “Có giai đoạn gần như ai cũng có một cái vòng đeo cổ bằng tai". Chúng còn bắt đầu đá răng của những dân thường đã chết để lấy những cái răng bịt vàng của họ.

Đối với Mãnh Hổ, chiến sự ở Quảng Ngãi là một điều không thể đoán trước. 3 tuần đầu tháng 5, binh lính trung đội thường xuyên bị bắn tỉa khi đi qua những đoạn đường lạ. Những cái bẫy trải trên các ngọn đồi và bãi biển. Ngày 15/5, đơn vị bị một tiểu đoàn quân giải phóng phục kích. Họ bị áp đảo về quân số và mắc kẹt trong thung lũng từ 11h sáng đến 5h45 chiều. Khi chiến sự kết thúc, 2 binh lính Mãnh Hổ bị hạ và 25 người bị thương.

Trung uý James Hawkins - chỉ huy mới - gia nhập đơn vị cùng hơn 20 chục người tới thay thế. Những tân binh đến, vào thời điểm trung đội chuẩn bị tiến vào thung lũng sông Vệ. Kế hoạch của lục quân là buộc dân làng phải chuyển đến các ấp chiến lược gần đó, để ngăn họ trồng lúa nuôi quân giải phóng. Nhưng đây không phải việc dễ dàng.

Lục quân thả truyền đơn, ra lệnh cho 5.000 người dân phải rời nhà của mình. Nhiều dân làng không chịu vào các ấp chiến lược (Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét năm 1967, nguyên nhân vì tại đây thiếu lương thực và nơi ở). Hơn nữa, bao quanh ấp chiến lược là những bức tường chắc và dây thép gai, khiến nó giống như nhà tù. “Họ chỉ muốn ở trên đất của mình. Họ không đứng về phía nào”, Lữ Thuận, 67 tuổi, một nông dân, nhớ lại. Không như các khu vực khác, thung lũng này, bị tách khỏi vùng ven biển đông dân bằng những con đường đất hẹp, không phải là trung tâm của các hoạt động du kích.

Tuy nhiên, thung lũng sông Vệ (rộng khoảng 6 km, dài 10 km) trở thành trung tâm hoạt động của Mãnh Hổ trong 2 tháng tiếp theo. Để dọn sạch khu vực, các binh lính bắt đầu đốt làng, buộc người dân phải di dời. Nhưng mọi việc không như dự tính. Dân làng đôi khi chỉ chạy sang làng khác. Thường thì họ sẽ ẩn nấp. Binh lính Mãnh Hổ càng ngày càng bực mình. Ban ngày, họ quây người đưa vào các ấp chiến lược. Ban đêm - ở các trại trong thung lũng, lẩn tránh những quả lựu đạn mà quân giải phóng ném ra từ trong núi.

Ngày 23/7, trung đội đi tuần thung lũng và dựng trại ở một ngôi làng bỏ hoang. Ở đó, họ uống bia do trực thăng chuyển tới. Đến tối, một số đã ngà say. Đêm xuống, trung đội nhận được một mệnh lệnh bất ngờ: qua sông, và phục kích. Khi người thợ mộc 68 tuổi Đào Huệ lội qua sông Vệ như thường lệ, trung sĩ Leo Heaney túm lấy chòm râu của ông. Đào Huệ lập tức buông rơi cái đòn gánh ngỗng. “Ông già khiếp sợ và vòng tay, và xin tha bằng cái giọng rất thảm thiết”, Heaney kể với các nhà điều tra lục quân. Heaney dẫn ông tới chỗ 2 chỉ huy trung đội - trung uý Hawkins và trung sĩ Harold Trout. Ông cụ vẫn xin tha. Ngay lập tức, Hawkins lắc người ông và chửi rủa. Rồi bất thình lính, trung sĩ Trout nện vào đầu ông bằng nòng khẩu M-16 của mình. Đào Huệ ngã ra đất, đầy máu. Trong khi lính cứu thương Barry Bowman đang chăm sóc cho ông thì Hawkins nhấc người thợ mộc lên và bắn thẳng vào mặt ông bằng khẩu Carbine -15. Khi ông cụ ngã xuống, viên trung uý bắn thêm một phát nữa.

Khi trả lời thẩm vấn của lục quân ngày 16/3/1973, Hawkins bác bỏ lời cáo buộc này. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với Toledo Blade mới đây, hắn thừa nhận đã giết Đào Huệ, giải thích rằng giọng của ông quá to nên có thể thu hút sự chú ý của đối phương. Cháu gái của Đào Huệ, bà Tám Hậu, giờ đã 70 tuổi, là người đầu tiên nhìn thấy xác chú mình. Bà và một người họ hàng khác, Bùi Quang Trường, đã đưa thi thể chú về làng: “Chú bị bắn khắp người. Thật đau xót, tất cả chúng tôi đều đau xót".

4 ngày sau khi bắn Đào Huệ, 4 lính Mãnh Hổ bị thương trong một vụ tấn công bằng lựu đạn của quân giải phóng. Vùng thung lũng biến thành khu vực tự do tấn công - chỉ định đặc biệt này có nghĩa là các binh lính không cần xin phép các chỉ huy và quan chức Việt Nam Cộng hoà, khi tấn công lực lượng đối phương. Nhưng các binh lính lại hiểu từ này thuần tuý theo nghĩa đen. Họ bắt đầu bắn vào dân thường. Hai người đàn ông mắt loà đi trong thung lũng bị dẫn tới một khúc quanh ở sông Vệ và bắn chết. 2 dân làng bị xử tử vì họ không ở trong ấp chiến lược.

Khi đến gần một ruộng lúa ngày 28/7, lính trung đội nổ súng vào 10 nông dân già đang làm ruộng. 4 người chết, những người khác bị thương. Hình ảnh các thi thể rải rác trên cánh đồng lúa xanh in sâu trong trí óc binh lính Mãnh Hổ và dân làng Vạn Xuân. Kiều Trắc, giờ đã 72 tuổi, nhớ lại cảnh cha mình ngã xuống ruộng lúa. Sau đó, ông chờ hàng giờ mới dám bò ra ruộng trong bóng tối để lật từng thi thể, tìm xác cha.

4 binh lính về sau kể lại vụ tấn công này: “Chúng tôi biết là họ không có vũ khí, nhưng vẫn bắn họ”. Carpenter, một người đi tuần hôm đó, nói rằng ông không hề nổ súng. Nhưng ông không dám bày tỏ ý kiến. Trong đơn vị đã hình thành nếp hành xử khuyến khích bắn thường dân, những người lãnh đạo đưa ra luật giữ im lặng. 4 cựu binh cho biết họ không dám báo cáo về các tội ác. Ken Kerney, một cựu trung sĩ, kể lại: “Các chỉ huy nói với tôi Chuyện gì diễn ra ở đây sẽ ở lại đây. Anh không được nói với ai. Nếu chúng tôi mà biết, anh sẽ không yên đâu. Họ không nói sẽ làm gì tôi, nhưng tôi biết".

Các dân làng đã đào rất nhiều mộ tập thể, sau khi các binh lính qua vùng thung lũng. Nguyễn Đạm, 66 tuổi, nhớ lại nỗi khủng khiếp, khi phải chôn cất hàng xóm và bạn bè, thi thể bị bỏ lại trên các cánh đồng. “Chúng tôi thậm chí không thể nuốt cơm vì cái mùi xông lên”, ông kể lại. "Có quá nhiều người chết, chúng tôi không thể chôn cất từng người, nên phải mai táng tất cả vào một mộ". Ít ngày sau những vụ tấn công, các máy bay Mỹ lượn qua thung lũng, thả hàng nghìn lít chất làm rụng lá để đảm bảo rằng không ai trồng được lúa trong cuộc chiến.

Đối với Mãnh Hổ, chiến dịch sông Vệ đã kết thúc. Ngày 8/10, các binh lính trung đội, sau khi được tăng viện và tiếp tế, lên xe tải chuyển đến một khu vực cách đó gần 50 km về phía bắc, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Ngày 11/9/1967, lục quân bắt đầu hoạt động mang tên Operation Wheeler, mở đầu một trong những chiến dịch đẫm máu nhất trong năm này. Người chỉ huy tiểu đoàn tiểu đoàn 1, lực lượng bộ binh 327 (bao gồm Mãnh Hổ và 3 đơn vị khác) là trung tá Gerald Morce, mới nhậm chức tháng trước. Viên sĩ quan 38 tuổi thường xuyên rà soát tình hình bằng trực thăng và duy trì liên lạc bằng bộ đàm với các đơn vị.

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, ông đã đổi tên 3 đại đội trong tiểu đoàn (hành động này bị các nhà điều tra chất vấn nhiều năm sau đó). Thay vì các đại đội A, B và C như trước, giờ đây họ được biết đến dưới những cái tên Assassins (Những kẻ ám sát), Barbarians (Những người man rợ) và Cutthroats (Cắt cổ). Còn Morse thì có mệnh danh là Người cưỡi ma. Dưới sự chỉ huy của ông này, Mãnh Hổ tăng cường hoạt động tuần tra ở các làng trong tỉnh.

Nhưng khác với thung lũng sông Vệ, nơi đây có một lực lượng chính quy là sư đoàn 2 của quân giải phóng. Trước ẩn nấp trong vùng núi, giờ đây họ đang tiến về phía Chu Lai, nơi đặt bản doanh của Mãnh Hổ và nhiều đơn vị khác. Đến đầu tháng 9, họ mở các cuộc phục kích. Trong vòng 18 ngày sau khi đến đây, 5 binh lính Mãnh Hổ đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương.

Trung đội - được chia thành các nhóm, mỗi nhóm 4 – 6 người, bắt đầu tấn công các làng. “Lúc này ai cũng đều khát máu, và nói Ta sẽ bắt bọn chúng phải trả giá”, cựu lính cứu thương Rion Causey kể lại với Toledo Blade. Chính ông đã chứng kiến cảnh đồng đội của mình trút giận lên các dân thường không mang vũ khí, chỉ vì họ không rời bỏ nhà cửa của mình. “Tôi chưa bao giờ thấy một cái gì tương tự như thế. Chúng tôi cứ tới và giết hết dân chúng. Đó là một việc diễn ra hàng ngày”, Causey, 55 tuổi, hiện là kỹ sư nghiên cứu hạt nhân ở California kể lại. Trong một số trường hợp, lục quân thả truyền đơn, kêu gọi dân chúng tới các ấp chiến lược. Nếu họ không đi, họ sẽ bị giết. Để che đậy các vụ giết người này, các chỉ huy trung đội bắt đầu đếm thi thể dân thường bị chết thay cho xác binh lính của đối phương. Ví dụ, theo số liệu được lục quân ghi lại trong 10 ngày tính từ 11/11: Các thành viên trung đội khẳng định giết tổng cộng 49 “lính Việt Cộng”, nhưng có tới 46 người không mang vũ khí. “Chúng tôi báo cáo qua bộ đài với cấp trên: Có 7 lính Việt Cộng chạy ra khỏi lều, bị bắn và giết chết. Thực ra họ đâu có chạy. Chúng tôi cũng chả biết họ có phải là Việt Cộng hay không”, Causey kể lại. Trung sĩ James Barnett từng tỏ ý băn khoăn là lính Mãnh Hổ đang giết những người không mang vũ khí: “Hawkins bảo tôi đừng lo. Thế nào rồi kiếm được vũ khí thôi”.

Trong chiến dịch này, các binh lính đã phạm vào những tội ác tàn bạo nhất. Ví dụ: Một bé gái 13 tuổi bị cắt cổ sau khi bị cưỡng hiếp, và một người mẹ trẻ bị bắn chết sau khi các binh lính đốt nhà của cô. Một thiếu niên không mang vũ khí bị bắn vào lưng, sau khi thành viên trong trung đội ra lệnh cho cậu đi khỏi làng và một em bé sơ sinh bị cắt đầu, để một binh lính có thể tháo chiếc vòng cổ của em. 

Đối với các dân làng thì đã thành lệ: vào hầm nấp. Khi binh lính Mãnh Hổ tới gần một ngôi làng cách Tam Kỳ chừng 30 km về phía tây, dân làng, như mọi khi, chạy tìm chỗ trốn. Các binh lính vẫn còn nhớ cảnh phụ nữ và trẻ em bò vào các lỗ hầm. Không ai biết trong hầm có bao nhiêu người. Không bỏ sức thuyết phục những người ở dưới hầm, các binh lính tháo chốt lựu đạn và ném qua các lỗ. Khi dựng trại ở gần đó, họ có thể nghe thấy tiếng người kêu khóc bên dưới suốt đêm. Về sau, dân làng tới chuyển đi các thi thể. Vũ khí không được tìm thấy, cũng không có bằng chứng những người trong hầm là mối đe doạ đối với binh lính Mỹ.

Tới gần cuối chiến dịch Operation Wheeler, một mệnh lệnh được truyền qua bộ đàm: "Chúng ta cần đạt con số người chết là 327”. Số 327 có ý nghĩa đăc biệt vì số hiệu lực lượng bộ binh là 327. Mục tiêu này đã đạt được: Mãnh Hổ thông báo giết đến người thứ 327 vào ngày 19/11. Có 3 cựu binh khẳng định nhân vật ra lệnh này chính là Người cưỡi ma tức trung tá Morse, nhưng bản thân ông Morse (về hưu năm 1979), trong cuộc phỏng vấn mới đây, phủ nhận đã đưa ra một mệnh lệnh như vậy: “Thật vô lý... Tôi chẳng bao giờ làm một chuyện như thế”.

Không ai biết có bao nhiêu dân thường đã bị Mãnh Hổ giết từ tháng 5 đến tháng 11/1967. Theo lời cựu lính cứu thương Rion Causey, có tháng trung đội này giết đến 120 người.

Lục quân đã có bằng chứng về 20 tội ác chiến tranh đối với 18 lính Mãnh Hổ, trong đó bao gồm:

- 2 ông già bị giết trong một ngôi làng gần Tam Kỳ. Một người bị cắt cổ, một, khi đó đã bị thương, bị lính cứu thương Barry Bowman bắn chết. Bowman giải thích rằng đó là “cái chết nhân đạo”

- Một ông già bị binh nhì Colligan giết gần Chu Lai, khi các binh lính muốn thử khẩu súng cỡ nòng 9 mm trên một mục tiêu sống.

- Nhiều dân làng bị các thành viên Mãnh Hổ bắn chết trong một làng ở Chu Lai, khi họ vẫy truyền đơn, ra hiệu với binh lính xin được chuyển tới ấp chiến lược. Nhưng khi nghe lực lượng đối phương nổ súng từ một hướng khác, các binh lính bắn tất cả mọi người.

Đến cuối tháng 11, chiến dịch đã kết thúc. Trong một bài báo đăng trên tờ Stars and Stripes của lục quân, Sam Ybarra được khen ngợi vì đã giết người thứ 1.000 trong chiến dịch Operation Wheeler. Tại một buổi lễ ở căn cứ Phan Rang ngày 27/11/1967, nhiều binh lính trong trung đội được trao huân chương. Tới đầu năm 1968, cục diện cuộc chiến bắt đầu thay đổi. Mãnh Hổ được cử đi giữ một căn cứ gần Campuchia.
Logged
phucnp
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2011, 05:03:56 pm »

Phần III

Mãnh Hổ - Cuộc điều tra không dẫn tới toà án

7 năm sau khi rời Việt Nam, bị những hồi ức chiến tranh ám ảnh, James Barnett mời các nhà điều tra lục quân tới nhà mình và có một lời thú nhận bất ngờ: Ông từng bắn chết một người mẹ trẻ không mang vũ khí. Barnett xin được miễn tố, mặc dù thực ra điều này không cần thiết, bởi sẽ không ai bị truy tố cả.

Tuy lục quân tìm được bằng chứng về 20 tội ác chiến tranh do 18 binh lính Mãnh Hổ thực hiện năm 1967, cùng nhiều nhân chứng, nhưng không có cáo trạng nào được đưa ra. Hơn 2.000 trang lời khai – bao gồm lời thú nhận năm 1974 của cựu trung sĩ Barnett - bị giấu trong kho tư liệu của lục quân hàng năm trời. Barnett, chết năm 2001, đã tổng kết về các hành động của trung đội với các nhà điều tra, khi họ đến nhà ông ở Tennessee: “Hầu hết các sự kiện này ngày nay có thể xếp vào các vụ tội phạm chiến tranh”.

Cuộc điều tra kéo dài 8 tháng của Toledo Blade, dựa trên hàng nghìn tài liệu quân sự và các cuộc phỏng vấn, cho thấy:

1/ Các chỉ huy biết về các tội ác của trung đội năm 1967, nhưng không điều tra:

36 năm trước, đại uý Carl James bất ngờ đến thung lũng sông Vệ. Ông muốn gặp trung đội trưởng James Hawkins để bàn về việc tiếp tế, nhưng thay vào đó, ông lại bắt gặp viên trung uý đứng bên cạnh xác chết một nông dân già. Không có vũ khí hay đạn của đối phương ở khu vực. Ông hỏi trung uý James Hawkins tại sao giết một người một người không có vũ khí. Hawkins không trả lời được. James kể rằng đã trách móc viên trung uý hôm đó, vào tháng 7/1967, nhưng không gửi khiếu nại: “Tôi tưởng cảnh báo anh ta như vậy là đủ”. Đây là trường hợp đầu tiên các chỉ huy không điều tra về hành vi của Mãnh Hổ và ngăn cản việc giết chóc. Ngoài ra còn một loạt trường hợp khác, ví dụ:

- Harold Austin, cựu chỉ huy tiểu đoàn quản lý Mãnh Hổ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: Đại bản doanh của ông đã nhận được báo cáo rằng binh lính Mãnh Hổ cắt rời bộ phận thi thể những người Việt Nam đã chết đầu năm 1967, nhưng không tiến hành điều tra.

- Trung uý Donald Wood và trung sĩ Gerald Bruner đã nhiều lần khiếu nại lên thượng cấp hồi tháng 8/1967 về việc lính Mãnh Hổ giết dân thường. Nhưng không có điều tra.

- Đại uý Robert Morin nói với các quan chức lục quân rằng ông từng tham giam dự một bữa tiệc của các sĩ quan năm 1967, trong đó có vài người đùa cợt chuyện một số binh lính Mãnh Hổ đã dìm chết một nông dân ở sông Vệ. Một lần nữa, không hề có điều tra.

Đa số các chỉ huy e ngại sẽ lật lên những tội ác chiến tranh. Bác sĩ từng phục vụ trong tiểu đoàn Bradford Mutcher giải thích với các nhà điều tra năm 1975: “Đó là chuyện mà người ta muốn giấu và quên đi, người ta không muốn biết nó có thật hay không”.

2/ Các nhà điều tra không theo đúng quy định.

a/ Các nhà điều tra lục quân biết về các vụ này từ tháng 2/1971, nhưng mất một năm mới bắt đầu phỏng vấn các nhân chứng.

Bắt đầu từ một thông tin được cựu trung sĩ Gary Coy tiết lộ năm 1971: binh nhì Sam Ybarra thuộc Mãnh Hổ đã chặt đầu một em bé sơ sinh. Tuyên bố của ông làm dấy lên một cuộc điều tra của lục quân kéo dài tới tận năm 1975. Vụ việc cuối cùng đã sử dụng đến 100 nhân viên để thẩm vấn 137 người. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm rưỡi, các nhân viên điều tra tới 63 thành phố ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Philippines.

Lẽ ra các điều tra viên phải bắt tay vào việc ngay khi có đơn khiếu nại. Họ phải theo dõi các kẻ tình nghi chính. Họ phải lần lại dấu vết các nạn nhân. Tất cả những trình tự này đều bị phớt lờ. Ít nhất 6 kẻ tình nghi đã được phép rời lục quân trong quá trình điều tra, nhờ đó mà họ thoát được nguy cơ ra toà án binh. 3 người tình nghi khác chết trong khi chiến đấu.

Nếu những kẻ tình nghi được phép rời lục quân thì các nhân chứng cũng vậy. Bởi vì tới 1 năm các nhà điều tra mới có phản ứng đối với khiếu nại của ông Coy, 11 binh lính đã giải ngũ và không thể bị buộc ra làm chứng.

Các nhân chứng còn bao gồm các dân thường Việt Nam. Nhưng các nhà điều tra Mỹ không tới miền Nam Việt Nam để tìm họ. 36 năm sau, Toledo Blade đến Việt Nam và tìm lại được 11 dân làng biết rõ các chi tiết về 3 trong số các tội ác của Mãnh Hổ.

Thậm chí ngay cả khi các binh lính đã cung cấp các chi tiết về các tội ác, các nhà điều tra cũng không lần theo các manh mối này. Khi Barnett mời các nhà điều tra đến nhà mình năm 1974, ông thú nhận đã giết mẹ của một đứa bé 6 tháng tuổi, nhưng ông nói rằng đó là theo lệnh của tiểu đội trưởng - trung sĩ Harold Trout: “Tôi cảm thấy bứt rứt. Nhưng tôi nghĩ mình chỉ đang làm công việc của mình. Đối với tôi, đó là một ngày cũng như những ngày khác ở Việt Nam”. Ông còn nêu tên một nhân chứng nữa, nhưng các nhà điều tra không chất vấn binh sĩ này.

Trung sĩ Trout từ chối trả lời các nhà điều tra về vụ việc năm 1973 và mới đây từ chối nói chuyên với Toledo Blade. “Cuộc chiến xảy ra đã quá lâu rồi”, Trout bình luận, “và giờ tôi không muốn nói gì hết”.

b/ 2 điều tra viên lục quân giả vờ điều tra, trong khi khuyến khích các binh lính giữ im lặng để họ khỏi bị truy tố.

2 cựu binh của Mãnh Hổ cho biết họ được các điều tra viên khuyến khích không nói gì hết - một hành động rõ ràng vi phạm luật quân sự. Dan Clint (không bị tình nghi tội phạm chiến tranh) kể rằng nhân viên điều tra Robert DeMario đã liên lạc với ông, khi chuẩn bị tiến hành cuộc thẩm vấn thứ 2: “Ông ấy nói, Này, làm ơn nói giùm anh không nhớ gì cả nhé, để tôi khoá sổ vụ này luôn”. Và Clint đã làm như vậy. Trong cuộc trả lời thẩm vấn của ông DeMario ngày 17/1/1974, Clint nói rằng ông không nhìn thấy tội ác chiến tranh nào hết. Nhưng đó không phải là sự thật. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Toledo Blade, Clint cho biết các binh lính đã giết các dân làng và những tù nhân không hề có nguy hiểm gì đối với họ. Ông DeMario chết hồi tháng 9/1984.

Người thứ 2 được yêu cầu không báo cáo về tội ác chiến tranh là William Doyle - nghi phạm giết người trong cuộc điều tra. Hồ sơ cho thấy khi bị thẩm vấn ngày 17/2/1975 ở St Petersburg (Florida), trả lời câu hỏi liệu ông có biết gì về các tội ác của các binh lính Mãnh Hổ hay không, Doyle đã nói: “Không bình luận”.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Doyle cho biết không chỉ chứng kiến việc giết thường dân mà còn tham gia thực hiện. “Nếu anh muốn bóp cò súng, anh bóp cò súng. Nếu anh muốn thiêu rụi làng, anh thiêu rụi làng. Anh làm bất cứ cái gì anh muốn. Sẽ có ai nói gì kia chứ?” Doyle từ chối tiết lộ tên của điều tra viên đã khuyên nên im lặng: “Ông ấy còn mách cho tôi chuyện gì đang diễn ra, họ đang tìm gì, đang cố làm gì”. Doyle, 70 tuổi, hiện sống tại Missouri.

c/ Bản báo cáo cuối cùng có nhiều sai sót.

Các nhân viên điều tra thu được bằng chứng về 20 tội ác chiến tranh, bao gồm cả giết người. Tuy nhiên, họ lại trình bày về các vụ việc theo một cách khác cho các chỉ huy. Trong bản báo cáo cuối cùng về khả năng có truy tố hay không, người phụ trách điều tra Gustav Apsey trình bày những thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về các tội ác – gây nghi ngờ về những vụ quan trọng.

Ví dụ, không ai phủ nhận là các binh lính Mãnh Hổ bắn vào 10 nông dân già ở thung lũng sông Vệ tháng 7/1967. Các lời khai do 4 binh lính đưa ra chỉ mâu thuẫn ở điểm có mấy người bị trúng đạn. Nhưng trong bản báo cáo, Apsey lại nói rằng ông ta không thể chứng minh được là tội ác đã xảy ra.

Bản báo cáo cũng không đưa vào những lời khai của 4 binh lính là nhân chứng vụ việc. William Carpenter: “Chúng tôi giết khoảng 10 nông dân, sau đó ngừng bắn”. Trung sĩ Forrest Miller: “Chúng tôi không hề bị người trong làng và những người trên cánh đồng nổ súng. Khoảng 10 người, cả nam lẫn nữ đã bị bắn”.
Apsey còn kết luận rằng các binh lính không rõ tên tuổi đã tham gia vào vụ tấn công. Điều đó không đúng. Có 2 binh lính đã chỉ ra được trung uý James Hawkins chỉ huy vụ này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Toledo Blade, Hawkins thừa nhận rằng chính mình ra lệnh nổ súng. Theo lời cựu trung đội trưởng Mãnh Hổ thì các nông dân lẽ ra phải ở trong ấp chiến lược chứ không phải trên cánh đồng. “Bất kể cái gì ở ngoài đó cũng sẽ là mục tiêu. Nếu nó còn sống, nó sẽ bị phá huỷ”.

Còn đối với những trường hợp khác, thì các nhà điều tra kết luận rằng thông tin không chính xác. Các nhà điều tra đã phỏng vấn 4 binh lính từng chứng kiến vụ giết phụ nữ và trẻ em ở 3 căn hầm gần Chu Lai. Nhưng trong trong bản báo cáo cuối cùng, Apsey nhận xét ông không biết liệu những người bị giết có phải du kích hay không. Trong khi đó, 4 cựu binh Mãnh Hổ đều khẳng định những người trốn trong hầm gồm cả phụ nữ và trẻ em, và không ai mang vũ khí. Một nhân chứng, binh nhì Ken Kerney, còn cho biết: “Không có dấu hiệu những người bị giết có liên quan đến lực lượng đối phương". Ông nhìn thấy trẻ em chạy vào các khu hầm. Theo Kerney, trung đội được lệnh tới làng, nhưng không hề có một phiên dịch để ra lệnh mọi người ra ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Apsey thú thật: “Tôi cảm thấy rất áy náy. Tôi đã sai. Tôi không biết phải nói gì thêm nữa. Việc giết phụ nữ và trẻ em đúng là tội ác chiến tranh. Không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi không biết tại sao mình lại viết như vậy”. Theo Apsey, các nhà điều tra khó đưa ra cáo trạng, vì vụ việc đã xảy ra quá lâu và một số trường hợp đã quá thời hạn để đem xử. Nhưng thực chất, đến năm 1975, vẫn còn các nhân chứng và không có thời hạn xử đối với tội giết người.

3/ Tính nhạy cảm chính trị ngăn cản việc truy tố

Mặc dù bản báo cáo cuối cùng có những điểm không chính xác, Apsey cũng đưa ra được 3 trường hợp phạm tội giết người để xét truy tố - một trường hợp nhắc đến chỉ huy Mãnh Hổ James Hawkins. Nhưng ngay cả khi đó, cũng không có cáo trạng. Thậm chí cũng không có cả điều trần trước bồi thẩm đoàn quân sự, bước đầu tiên tiến tới một toà án binh.
James Hawkins, 62 tuổi, hiện sống ở Florida.

Apsey viết rằng:

- Trung đội trưởng James Hawkins “đã giết một ông già Việt Nam bằng cách bắn vào đầu”.

- Tiểu đội trưởng Harold Trout “giết một người Việt Nam không có vũ khí, đang bị thương, bằng cách bắn vào đầu vài lần bằng một khẩu súng lục 11 mm".

- Binh nhì James Cogan “xử tử một ông già Việt Nam không mang vũ khí bằng cách bắn vào đầu 2 phát bằng một khẩu 11mm".

Cogan đã rời khỏi quân ngũ khi bản báo cáo cuối cùng được đưa ra năm 1975, và giống như nhiều kẻ tình nghi khác, vẫn đứng ngoài vòng xét xử một toà án binh.

Theo luật quân sự, thì tướng chỉ huy sẽ quyết định có truy tố binh lính dưới quyền mình hay không. Nhưng theo Hawkins, vụ việc của hắn được quyết định bởi cấp quyền lực còn cao hơn tư lệnh – trung tướng William Maddox. Hắn cho biết đã được Lầu Năm Góc triệu tới hồi tháng 11/1975, 5 tháng sau khi bản báo cáo cuối cùng hoàn tất. Bên cạnh Hawkins là tướng Maddox. Cựu trung đội trưởng Mãnh Hổ kể lại: “Đại loại họ nói rằng: Phải, ở đó có những hành động sai trái, chúng tôi biết. Nhưng, theo đuổi vụ việc không phải nhằm phục vụ lợi ích này nọ. Có vẻ như mọi chuyện đến đó thì chấm hết”. Tướng Maddox chết năm 2001.

William Eckhardt, công tố viên chính trong vụ Mỹ Lai (vụ 1 đơn vị Mỹ giết khoảng 500 dân thường Việt Nam năm 1968), nhận xét lục quân có lẽ ngại đưa chuyện này ra toà vì e ngại dư luận: “Có lẽ họ không muốn có thêm một Mỹ Lai nào nữa. Nếu các vị nhìn vào thời kỳ khó khăn mà chính phủ trải qua trong cuộc xử Mỹ Lai, chuyện một số vụ tương tự không được theo đến cùng không làm tôi ngạc nhiên”.

Một ban đặc biệt của Mỹ đã được thành lập sau cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968 để xem xét các vụ tội phạm chiến tranh. Nhưng uỷ ban này, vẫn thường được biết đến dưới cái tên "Nhóm làm việc tội phạm chiến tranh", bao gồm 6 sĩ quan, không bao giờ gặp nhau.

Trong trường hợp Mãnh Hổ, không hề có biện pháp trừng phạt nào hết. 3 kẻ tình nghi về sau còn được thăng chức. Đại uý James, bị cáo buộc không báo cáo một tội ác chiến tranh, trở thành thiếu tá. Trout rời lục quân năm 1985 ở cương vị thượng sĩ. Hawkins được thăng chức làm thiếu tá và tiếp tục làm công tác hướng dẫn bay dân sự ở Fort Rucker, Alaska, sau khi thôi chức năm 1978.

4/Thông tin về vụ điều tra được chuyển tới Nhà Trắng

Đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến về cuộc điều tra Mãnh Hổ. Lục quân từ chối tiết lộ các bản báo cáo, vì lý do bảo vệ quyền cá nhân của các cựu binh. Điều mà ta biết đuợc là những bản tóm tắt của các cuộc điều tra đã được gửi đến Nhà Trắng khoảng giữa năm 1971 và 1973. Khi tổng thống Nixon còn tại chức, cố vấn chính của ông - John Dean - đã lệnh cho lục quân vào tháng 5/1971 gửi thông tin hàng tuần về tình hình điều tra các tội ác chiến tranh – 10 vụ bao gồm cả Mãnh Hổ. Tới năm 1973, các bản báo cáo được gửi hàng tháng. Tài liệu cũng được gửi tới bộ trưởng lục quân Howard “Bo” Callaway và bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger. Nhưng vào tháng 6/1973, 5 tháng sau khi Mỹ rút quân, lục quân ngừng gửi thêm thông tin về vụ việc tới Nhà Trắng.

Ông Dean, rời Nhà Trắng hồi tháng 4/1973, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ông không nhớ vụ Mãnh Hổ, nhưng không ngạc nhiên về việc điều tra đã bị bỏ lửng: “Chính phủ không thích những chuyện xấu xa”. Cựu bộ trưởng lục quân Howard “Bo” Callaway cũng nói ông không nhớ vụ việc nhưng khẳng định nếu ông biết, thì ông đã xử lý nghiêm: “Chắc chắn sẽ không có chuyện che đậy”.

Gerald Ford lên làm tổng thống, sau khi Richard Nixon từ chức hồi tháng 8/1974. Người phát ngôn của cựu tổng thống Ford mới đây cho tuyên bố từ chối bình luận về các tội ác thời chiến tranh Việt Nam.

Khi cuộc điều tra kết thúc vào năm 1975, trung sĩ Coy, người đầu tiên khiến lục quân chú ý tới vụ Mãnh Hổ, lại nhận được một bức thư khiển trách và trở thành cựu thành viên duy nhất của Mãnh Hổ bị kỷ luật. Nguyên nhân: ông đã khai với các nhà điều tra rằng chính mắt ông nhìn thấy một em bé sơ sinh bị chặt đầu, trong đợt càn một làng tháng 11/1967. Về sau, ông thừa nhận rằng không trông thấy mà chỉ nghe nói về vụ này. Coy giải thích rằng ông cho rằng làm như vậy thì các nhà điều tra sẽ chú trọng việc này hơn. Coy và một đồng đội, John Aherne, đã hứa với nhau rằng, bất kỳ ai sống sót sau chiến tranh sẽ khai báo với lục quân. Aherne chết trên chiến trường năm 1968. Ông Gary Coy, 56 tuổi, hiện sống ở Missouri, cho rằng mình đã bị lục quân đối xử bất công: "Sau những gì tôi đã phải trải qua, cuộc chiến thì đã kết thúc, tôi cảm thấy thật không đáng chút nào".

Các nhà điều tra về sau phỏng vấn được một số nhân chứng, họ khẳng định chính binh nhì Sam Ybarra từng khoe chuyện cắt cổ một em bé để lấy cái vòng cổ.
Logged
phucnp
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2011, 05:06:51 pm »

Phần IV

Các cựu binh Mãnh Hổ với nỗi ám ảnh về Việt Nam

Sam Ybarra ngồi trong bóng tối, tại ngôi nhà của mẹ mình ở Arizona, khóc thổn thức. Từng có thời bị những thành viên Mãnh Hổ khác e sợ, giờ Ybarra chỉ là một con người kiệt quệ, bị những ký ức thời chiến giày vò.

“Tôi hỏi nó: Làm sao thế con? Sao con lại khóc?” Mẹ của Ybarra, bà Therlene Ramos nhớ lại: “Nó nói: Đó là cuộc đời con, những chuyện con làm. Con đã giết người, mẹ ạ. Con đã giết những người vô tội. Lẽ ra con không nên làm thế. Trời ơi, con đã làm gì vậy?”

Tay run run, hắn cuộn người trên chiếc đivăng, nhắc đi nhắc lại: “Tại sao vậy?”. Câu hỏi chỉ có Ybarra mới trả lời được. 3 lần, các nhà điều tra tìm cách chất vấn cựu binh nhì về những lời cáo buộc, cả 3 lần hắn đều từ chối. Khi cuộc điều tra được tiến hành năm 1971, Ybarra đã giải ngũ và sống ở San Carlos Apache (Arizona).Vì không còn phục vụ trong quân ngũ, về mặt pháp lý, cựu binh khét tiếng nhất Mãnh Hổ không phải trả lời các câu hỏi.

Sau nhiều năm nghiện rượu và ma tuý, Ybarra chết vì bệnh viêm phổi ở tuổi 36. Trước khi qua đời năm 1982, hắn đã nhiều lần khóc trước mặt những người thân nhất của mình. Người mẹ của cựu binh nhì (giờ bà đã 78 tuổi) nhớ lại: “Nó cứ ngồi và khóc. Ngồi và khóc. Nó nói với tôi: Con cảm thấy ân hận quá. Con xin Chúa tha thứ vì những việc con làm, vì đã giết những người đó, tất cả thường dân, tất cả trẻ em. Họ đâu có định hại gì con... Nó sống đấy, nhưng thực ra đã chết”.

Trong số 30 tố cáo về tội ác chiến tranh được lục quân điều tra, có 7 là nhằm vào Ybarra, bao gồm có việc cưỡng hiếp và đâm chết một cô bé 13 tuổi và giết dã man một cậu bé 15 tuổi. Rất nhiều lần, các nhân chứng nhìn thấy hắn cắt tai của những binh lính đối phương và dân làng đã chết, thậm chí có khi lột da đầu họ.

Năm 1966, Ybarra cùng người bạn thân thời trung học Kenneth Green nhập ngũ. Sau khi đến Việt Nam, 2 tên rủ nhau tham gia trung đội Mãnh Hổ và đều trở thành những kẻ được tín nhiệm trong chiến đấu nhờ tính tàn nhẫn đối với dân làng. Green từng bị cáo buộc là tra tấn một tù nhân hồi tháng 5/1967 gần Đức Phổ, bằng cách đâm dao nhiều lần vào cổ nạn nhân trước khi giết bằng cách cắt cổ. Ybarra và Green từng khoe cưỡng hiếp và giết chết một cô bé trong một trận càn gần Tam Kỳ hồi tháng 8. Tuy trung đội được chia thành nhiều nhóm, 2 kẻ này luôn ở bên nhau. Ngày 29/9/1967, trung đội bị phục kích, Green bị bắn vào chân. Khi lính cứu thương kéo Green đi, hắn trúng đạn ở đầu và chết ngay trước mắt bạn. Ybarra tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của Green. Trong 2 tháng tiếp theo, hắn trở thành kẻ giết người nhiều nhất trong trung đội. Trong trận càn một làng gần Chu Lai, hắn thực hiện một tội ác dẫn tới cuộc điều tra của lục quân đối với Mãnh Hổ sau này: cắt cổ một em bé sơ sinh để lấy một cái vòng cổ.

Năm 1968, Ybarra không còn ở đơn vị Mãnh Hổ nữa. Sau nhiều lần đụng dộ với thượng cấp, hắn bị điều đến một đại đội pháo binh. Đến năm 1969, Ybarra ra trước toà án binh 3 lần vì không tuân lệnh thượng cấp và tàng trữ marijuana.

Ra khỏi lục quân tháng 4/1969, cựu binh Mãnh Hổ quay về Arizona. Khi các nhà điều tra tìm cách thẩm vấn Ybarra lần cuối vào năm 1975, hắn đang sống trong một chiếc xe moóc, bị bệnh tiểu đường và xơ gan. Theo lời người vợ cũ Joyce Little, tên này suốt ngày uống rượu và dùng marijuana. Những người thân của Ybarra không biết về những tội ác của hắn. Họ nghĩ đó là một người dũng cảm. Các tờ báo địa phương còn viết về những "chiến công" của Ybarra. Còn bản thân hắn ta lại uống để quên đi những gì mình làm ở Việt Nam. “Có lẽ là anh ấy sợ những hồn ma của những người anh ấy đã giết, những việc anh ấy đã làm. Anh ấy có lẽ bị ám ảnh bới những bóng ma ấy”, người vợ cũ giải thích.

Đối với Barry Bowman, những hình ảnh thời chiến trở về vào ban đêm. Ông già Đào Huệ quỳ dưới chân ông ta. Viên sĩ quan chĩa một khẩu súng trường vào đầu người đàn ông. Một phát súng. Ông già ngã ra đất, oằn mình trên mặt cỏ đẫm máu. Mặc dù đã qua nhiều năm điều trị tâm lý, cựu binh Mãnh Hổ vẫn dằn vặt về cảnh tượng mà mình đã chứng kiến, khi còn là một lính cứu thương trẻ ở thung lũng sông Vệ. 

Trong số 43 cựu thành viên được Toledo Blade phỏng vấn, có nhiều người thường xuyên gặp phải ác mộng, bị quá khứ ám ảnh và suốt 36 năm phải điều trị tâm lý. 9 người được chẩn đoán là bị chứng PTSD (stress hậu chấn thương), một tình trạng tâm lý thường xuất hiện sau khi người bệnh trải qua những việc đe doạ đến tính mạng.

Khi Douglas Teeters, một cựu binh, nhắm mắt, ông ta nhìn thấy cảnh những dân làng bị bắn trong lúc họ vẫy truyền đơn, mong được bảo toàn mạng sống. Thuốc chống suy nhược và thuốc ngủ không giúp ông ta tìm được sự thanh thản.

Ở Mỹ, cứ 6 cựu chiến binh Việt Nam thì có 1 người bị mắc chứng PSTD. Những ai khỏi bệnh có thể nhớ lại những sự kiện khủng khiếp mà không cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, đối với những người đã tiến hành các tội ác, hay không ngăn cản được chúng, thì tình trạng bệnh lý của họ phức tạp hơn. Ngoài chứng stress, họ còn bị ý thức tội lỗi đè nặng khiến cho nỗi sợ hãi và cảm giác bị cô lập đè nặng. Các bệnh nhân thường vừa tìm cách lý giải cho hành động của mình, lại vừa lên án những gì mình từng làm.

Cựu trung sĩ Ernest Moreland từ chối miêu tả vai trò của mình trong việc đâm chết một tù nhân gần Đức Phổ, vì sợ bị truy tố: “Những việc bạn đã làm. Bạn nghĩ lại và tự nhủ: Tôi không thể tin được là tôi lại làm việc đó. Vào thời điểm đó, thì việc này có vẻ như là đúng. Nhưng bây giờ bạn đã biết đó là sai. Không thể lẩn trốn những cơn ác mộng, không thể lẩn trốn quá khứ”. Ông ta dùng ma tuý và rượu để làm dịu nỗi đau, khi trở về Việt Nam. “Tôi từng suýt tự tử”.

Chỉ riêng có cựu trung đội trưởng Mãnh Hổ James Hawkins, kẻ đã trực tiếp ra lệnh cho các thành viên giết dân thường, thì không áy náy về những gì mình đã làm. Cựu trung uý cho rằng mình có quyền bắn vào dân thường. “Trong bất kỳ cuộc chiến nào, dân thường và nhưng người vô tội sẽ bị giết. Tôi không hối tiếc” .

Có một số cựu thành viên, để tồn tại, phải làm ngơ trước các hoạt động của Mãnh Hổ. Một trong số họ là Rion Causey, 55 tuổi, hiện là kỹ sư hạt nhân: “Tôi thường thức dậy lúc nửa đêm, mồ hôi vã ra đầy mình. Tôi đã không lên án những việc đã xảy ra khi đó. Tôi mới 19 tuổi, nhưng tôi biết những gì họ đã làm là sai".

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cắt bộ phận của người chết trong thời chiến là những triệu chứng điển hình giai đoạn 2 của chứng PTSD, trong đó sợ hãi biến thành sự tức giận. Cựu binh Joseph Evans, 59 tuổi, hiện sống ở Atlanta, cho biết mình từng cắt tai người: “Bỗng nhiên bạn phải đương đầu với cơn giận khủng khiếp. Bạn có cảm giác bị thiêu đốt và sợ hãi, và bạn làm việc đó để gánh nặng của mình nhẹ bớt”.

William Carpenter, 54 tuổi, nói rằng trước khi chết, ông ta muốn trở lại thung lũng sông Vệ, nơi các binh lính Mãnh Hổ bắn chết 4 nông dân già và nói lời xin lỗi đối với các gia đình những người đã mất.

Nỗi ám ảnh về Việt Nam còn bám theo cả những thành viên Mãnh Hổ từng chống lại đồng đội của mình để bảo vệ dân thường. Hồi tháng 8/1967, ở ngôi làng gần Chu Lai, sau khi chứng kiến các binh lính Mãnh Hổ hành quyết một người không có vũ khí, trung sĩ Gerald Bruner đã làm một việc bất ngờ: Ông giơ súng lên và doạ sẽ giết ai còn tìm cách bắn thường dân. Các binh lính đã phải lui bước. Đây là lần duy nhất, một thành viên trung đội doạ bắn đồng đội của mình để ngăn cản sự tàn sát. Vì chuyện này, Bruner đã bị một chỉ huy mắng mỏ và yêu cầu gặp bác sĩ tâm lý. Ông thuyên chuyển khỏi Mãnh Hổ tháng 9/1967.

Bruner đã nhiều lần khiếu nại với cấp trên và vài năm sau đó, với các nhà điều tra về các hành vi của Mãnh Hổ. Nhưng đều vô ích. Mãi đến khi qua đời vì bệnh ung thư năm 1997, ông vẫn bị ám ảnh về 2 tháng ở cùng Mãnh Hổ và thường uống rượu để quên đi những ký ức đau đớn.

Trong trung đội, trung uý Donald Wood là người thường xuyên tranh cãi với James Hawkins, cùng quân hàm với ông ta nhưng là trung đội trưởng. Lần đầu tiên, Wood ngăn cản các binh lính trong tình trạng say rượu qua sông Vệ (vụ dẫn đến cái chết của ông Đào Huệ, nhưng bị Hawkins phớt lờ). Một lần khác, Hawkins ra lệnh cho quân lính bắn 2 bà cụ Việt Nam. Wood, bất bình, yêu cầu các binh lính không được nổ súng. Nhưng các thành viên Mãnh Hổ vẫn tuân theo lệnh chỉ huy của họ. “Hai người như ban đêm và ban ngày, luôn cãi nhau”, cựu binh Wiliam Carpenter nhớ lại. Theo Carpenter, trung uý Wood là một người “quan tâm đến dân thường” nhưng lại không thể ngăn cản bạo lực. Ông từng khiếu nại lên tư lệnh cấp cao và một sĩ quan thuộc một sư đoàn khác. Wood thậm chí còn phản ánh lên một vị tướng thanh tra, nhưng không ai có hành động gì. Bất mãn, đến tháng 8/1967, ông ta xin thuyên chuyển khỏi đơn vị.

Wood về sau trở thành một luật sư ở Findlay (Ohio). Ông qua đời vì vì chứng phình não năm 1983, ở tuổi 36. Vợ ông, bà Joyce, cho biết Wood rất ít khi nói về thời kỳ ông ta ở Việt Nam, nhưng thường gặp phải ác mộng, vì những hồi ức chiến tranh. Một trong những người bạn của ông , bác sĩ Brenz, kể rằng Wood vẫn tâm sự muốn dành thời gian để hiểu rõ con người Việt Nam hơn.

Hết
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM