Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:25:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đánh giá về Hồ Quý Ly  (Đọc 48345 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
soledad107
Thành viên

Bài viết: 3


« vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 01:05:54 pm »

Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử khó đánh giá và có nhiều ý kiến gây tranh cãi vì vậy xin mọi người cho ý kiến về nhân vật này.
Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 11:35:19 am »

Đây là chủ đề gai góc mà bản thân người khởi xướng cũng chưa dám "xướng". Tôi chỉ nhớ một số nét về nhân vật lịch sử này:
- Đánh Chiêm Thành thường thất trận
- Lũng đoạn nhà Trần từ thế Ngoại tộc (bố vợ vua Trần)
- Cải cách quá sức (không hợp lòng dân?)
- Cái cớ để nhà Minh đô hộ
Trích CÁO BÌNH NGÔ:
"Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà/
Để trong nước lòng dân oán hận/
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa/
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh."
Trên quan điểm của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã phải thốt lên những điều trái với lòng mình mà nhà Nho xưa giữ chữ "Nghĩa". Cha con Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh không được nhà Trần trọng dụng nhưng họ được Hồ Quý Ly mời ra làm quan.
Tốt xấu công tội trên các góc độ có ích chung cho đất nước, nhân dân?
Logged
q.trung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 450


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 04:47:49 pm »

Bạn có thể đưa ra ý kiến, hoặc nhận định riêng của mình, nhưng Hậu sinh mà đòi Đánh giá một triều đại, có phải là cách thông thường không nhỉ?
 Động đến Lịch sử, tức là đến với ông cha, không phải của bạn thì lại là của bạn của bạn. Nếu là một tổ chức có uy tín, được giao phó trách nhiệm đàng hoàng còn phải thận trọng, tìm kiếm, lục lọi dẫn chứng thuyết phục , nên một khi đòi đánh giá cái gì không thể không cẩn trọng.
 Việc xưa không phải là việc không nên bàn đến. Mổ xẻ, phân tích cái gì tốt thì học cái gì xấu thì tránh cũng là việc đáng làm, tuy nhiên nếu Đánh giá theo kiểu "bao nhiêu tiền" là phải xem lại. Chúc các bạn thảo luận vui vẻ!
Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 12:32:11 am »

Thanh thủ điện tiền thiên thụ quế
Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Đôi câu đối tuyệt hay này, tương truyền là cuộc xướng tác bất ngờ giữa vua Trần Minh Tông và chàng trai trẻ Hồ Quý Ly, năm ấy còn là một chức quan nhỏ vô danh. Cành mai trong cung Quảng để đem đối lại ngàn cây quế, với Quý Ly không phải ai khác ngoài ái nữ của vua, công chúa Huy Ninh. Mối tình vô vọng, vì luật nội hôn Trần triều cấm ngặt con gái tôn thất thành thân với ngoại tộc. Sao đổi ngôi, đò sang sông, sự đời biến thái không ngừng, hoa muộn cuối cùng cũng kết nhụy khi mái đầu sắp bạc.

Đường sự nghiệp của họ Hồ không quá gian truân như đường tình duyên, nhưng cả hai đều có kết cục buồn. Cành mai nhỏ sớm tàn để lại cho Quý Ly đứa con trai Hồ Hán Thương. Những biện pháp cải cách đảo lộn XH góp phần đưa Quý Ly lên ngôi cao nhưng chúng cũng góp phần làm ông mất nước. Ông kết thúc cuộc đời trong vai trò một người lính thú già miền viễn biên Trung Quốc, song có sách chép: ông và Hồ Hán Thương bị Minh Thành Tổ ra lệnh hành hình ngay trong tháng 10 năm 1407. Đoạn kết như thế có khi lại hay hơn.

Có nhiều nhân vật lịch sử không dễ dàng bình công tội, họ như những khối đa giác góc cạnh mà sự đánh giá còn tùy thuộc vào phía nhìn của người đời. Hậu thế sẽ còn dai dẳng tranh luận về Hồ Quý Ly: đại gian thần hay bậc thức giả thời loạn không chịu câu thúc trong vòng ngu trung, thực tâm chấn hưng xã tắc hay không từ thủ đoạn nào để ngoi lên đỉnh quyền lực...

Điều tai hại là những cải cách của họ Hồ có thể được đời sau diễn giải và hiểu theo nhiều nghĩa. Không sai, nếu bảo chúng thực chất có lợi cho một đất nước đang kiệt quệ cả vật chất lẫn niềm tin. Nhưng không phải không có lý nếu nói đó là phương thức để thâu tóm quyền lực cá nhân và triệt hạ đối thủ. Những biện pháp được tính toán khôn khéo để một mũi tên đi trúng nhiều đích.

Lấy ví dụ về chính sách hạn điền (ban hành năm 1397) và liền sau đó là giải phóng gia nô. Một mặt, nó là cú đánh chí mạng vào thế lực và ảnh hưởng lâu đời của quý tộc họ Trần - lực lượng có quyền lợi gắn bó trực tiếp với sự tồn vong của vương triều. Ruộng đất bao la của tôn thất nay được khoanh lại ở con số 10 mẫu tối đa, trừ Đại vương và Trưởng Công chúa. Ruộng thừa biến thành ruộng công. Số gia nô nhiều không đếm xuể trước kia giờ phải giới hạn tùy theo phẩm trật. Việc này càng có ý nghĩa trong hoàn cảnh một phần đáng kể sức mạnh quân sự quý tộc họ Trần là các đội gia binh tuyển từ gia nô trong nhà. Mặt khác, số ruộng công chẩn cấp cho dân nghèo có giá trị như một phương thuốc hạ hỏa đúng lúc, khi cùng đinh lang thang, nạn dân lưu tán và nô lệ bỏ trốn tụ tập làm loạn trong xã hội đã vượt quá mức báo động. Cuộc khởi nghĩa của nhà sư Phạm Sư Ôn là sự bùng phát mạnh mẽ nhất. Trước khi bị dập tắt năm 1390, đạo quân ô hợp của vị yêu tăng Sư Ôn từng chiếm cứ Thăng Long tới 3 ngày.

Chính sách tiền giấy cũng có thể coi là một ví dụ minh họa cho tính hai mặt của cải cách. Khi cuộc chiến dai dẳng với Chiêm Thành kết thúc bằng cái chết bất ngờ của Chiêm vương Chế Bồng Nga năm 1390, nước Đại Việt đã loạng choạng như người lâm bạo bệnh. Hùng khí quân dân từ thuở đánh Nguyên đã suy sụp từ sau trận thua Chiêm đau đớn tại thành Đồ Bàn (1377), ngốn phần lớn 12 vạn binh tướng, vua Duệ Tôn tử trận. Mất mùa, nội loạn, giặc Chiêm liên tục cướp phá, sự phình to và kê biên nhập nhằng của ruộng đất tôn thất khiến kho đụn nhà nước chóng cạn kiệt. Sự ra đời của thuế thân thời kỳ này (đánh thuế 3 quan tiền mỗi suất đinh bất kể sống chết) là một sự bất đắc dĩ tuyệt vọng. Ban hành và cưỡng bức dùng tiền giấy trong những năm phục hồi sau chiến tranh, vì thế có thể xem là một giải pháp mang tính tình thế ngắn hạn hơn là một cải cách có ý nghĩa lâu dài của Hồ Quý Ly. Cùng một lúc, nó giải quyết nạn khan hiếm tiền tệ và đồng thời thu hút tài nguyên về quốc khố (thông qua việc cưỡng bức đổi tiền: một quan tiền đồng ăn một quan hai tiền giấy). Trớ trêu là do biện pháp thi hành cứng nhắc của chính quyền, chất lượng giấy của tiền, sự mai một niềm tin vào triều đình, nạn làm tiền giả hoành hành và tập quán tiêu tiền đồng bao đời của dân đã chất thêm vào tội trạng của Quý Ly nhiều lời ta oán. Một giải pháp thông minh nhưng không hợp thời.

Bi kịch của Hồ Quý Ly là dạng bi kịch của nhà kỹ trị. Ông quá chú tâm mục đích mà thiếu đi sự ôn-nhu rất cần thiết trong thực hiện. Trước một đất nước tan hoang như con bệnh nặng, ông mạnh tay dùng phương thuốc đắng. Nhưng kỷ cương khắc nghiệt của Nho giáo đâu dễ ngày một ngày hai đem áp dụng với đám dân đã quen với sự khoan thai của nhà Phật. Những lợi ích cải cách, nếu có, không át nổi nhân tâm xao động vì Quý Ly bức hại vua tôi nhà Trần. Lòng người chưa nguôi lưu luyến những võ công hiển hách của vương triều này. Bài học dân vận xương máu từ các triều đại trước đã không được Quý Ly vận dụng triệt để.

Chỉ tiếc một điều là thời gian! Năm xưa Trần Thủ Độ dấy nghiệp nhà Trần, đánh Đoàn Thương, Nguyễn Nộn, chôn sống một mẻ 370 tôn thất nhà Lý, giết vua Huệ Tông,... bắt họ Lý trong nước đổi hết ra họ Nguyễn để lòng dân tuyệt đường thương nhớ vua cũ, so về mức độ tàn ác và gây thất nhân tâm thì chưa chắc Quý Ly đã sánh bằng. Nhưng Trần triều có tới hơn 30 năm để củng cố sức mạnh và thu phục lòng dân - một thứ vốn dĩ rất tương đối - trước khi Mông Cổ kéo sang. Hồ Quý Ly sau khi chính thức dứt nghiệp nhà Trần suy vi thì chỉ còn 7 năm trước khi chống Minh, một khoảng thời gian đủ dài để xây thành trì mộ quân lương nhưng quá ngắn ngủi để đoàn kết nhân tâm. Rốt cục, vận đúng vào câu nói của Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: "Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo!"

----------------------------

Vài nét tiểu sử:

- Như nhiều anh hùng nước Nam khác, Quý Ly có họ xa bên phương Bắc. Ông tổ của Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, sang đất Việt làm Thái thú Diễn Châu thời Trung Quốc có loạn Ngũ Quý (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) đầu thế kỷ thứ 10. Họ Hồ bám rễ sinh sôi ở đất Diễn Châu (nay là Nghệ An) đến đời cháu thứ 12 của Hưng Dật là Hồ Liêm thì dời ra Thanh Hóa. Liêm làm con nuôi của quan tuyên úy Lê Huấn nên cải họ Lê. Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, là con quan Kinh lược sứ Lê Quốc Kỳ, sau này lên ngôi mới lấy lại họ cũ.

- Quốc hiệu Đại Ngu gây nhiều thắc mắc và dị ứng cũng liên quan đến gốc gác của họ Hồ. Tương truyền, Ngu Yên có con là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương nhà Chu phong ở đất Trần, thường gọi là Hồ Công. Sau Mãn lấy luôn làm họ, đổi thành Hồ Công Mãn. Quý Ly cho mình thuộc dòng dõi Hồ Công Mãn, nên đặt quốc hiệu Đại Ngu, hàm ý tớ là con cháu dòng Ngu Thuấn.
Logged
Josepe
Thành viên
*
Bài viết: 54


« Trả lời #4 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2011, 06:07:22 pm »

Đánh giá hết một nhân vật như Hồ Quý Ly thì chắc phải cả cuốn sách như Mao Trạch Đông: Ngàn năm công tội thì cũng chưa chắc nói hết được. Ông cũng tương tự như TRần Thủ Độ,Napoléon hay Stalin, nhưgn4 con người mà lịch sử bắt h5 phải tàn bạo vì tồn vong quốc gia chỉ khác là những người khác thành công còn Hồ Quý Ly thất bại.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2011, 06:09:18 pm gửi bởi dongadoan » Logged
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 05:36:38 am »

Công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly thất bại và Vương triều sụp đổ, theo tôi nghĩ, là do dã tâm nhà Minh và cuộc xâm lăng đến quá sớm! Hồ Quý Ly và nhà Hồ bị các nhà viết sử sau lên án đã đành mà bao sách của nước Việt ta bị quân Minh lấy đi. Vì thế nhiều lỗ hổng về các triều đại trước, cả nhà Hồ, nhà Trần xuất hiện...
Logged

soledad107
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2011, 10:16:49 pm »

Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử đặc biệt đang còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng tôi thấy ông là một con người tài năng, có tầm nhìn chiến lược, ....đặc biệt về cuộc cải cách lớn của ông có ý nghĩa rất lớn mặc dù còn một số hạn chế nhất định. Có thể ông sinh ra nhầm thời nếu nhà Minh không xâm lược nước ta thì có lẽ chính sách của ông và đường lối xây dựng đất nước sẽ đạt nhiều thành tựu êaf đưa nước ta sang một giai đoạn mới. Việc để mất nuớc là do ông chưa thu phục được lòng dân cả dân tộc không đoàn kết để chống kẻ thù xâm lược vì vậy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh của nhà Hồ thất bại và Hồ Quý Ly bị bắt đem về Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn đánh giá khách quan hơn về nhân vật này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 01:15:36 pm »


KHI HỒ QUÝ LY TRẢ LỜI PHỎNG VẤN


Đáp nhân vấn An Nam phong tục

Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
Ngọc ủng khai tân tửu
Kim đao chước tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lý nhất ban xuân.


(Trả lời người phương Bắc hỏi về phong tục nước An Nam

An Nam muốn hỏi rõ
Phong tục vốn thuần lương
Lễ nhạc như tiền Hán
Y quan giống thịnh Đường
Dao vàng cá vảy nhỏ
Bình ngọc rượu lừng hương
Mỗi độ mùa xuân tới
Mận đào nở chật vườn.


Bản dịch của Tuấn Nghi - Thơ văn Lý Trần tập III, NXB KHXH  - Hà Nội 1978).

Bao nhiêu là những tiếc xót khi hậu thế phải bỏ vô số công  ra sức tra xét mà chỉ tìm thấy 5 bài thơ của một vị vua độc đáo, “nhiệm kỳ” chỉ có 7 năm nhưng từng để lại một huân nghiệp mà hậu thế đến giờ cũng chưa giải mã một cách rốt ráo. Đó là Hồ Quý Ly!

Một trong 5 bài thơ ấy là Đáp nhân vấn An Nam phong tục (như đã dẫn trên đây) mà tôi không hề sợ sái khi khẳng định đó là một bài trả lời phỏng vấn cực kỳ hiếm hoi còn sót lại của một vị vua nước Việt. Mà lại cách ta dằng dặc như thời gian tồn tại của thành nhà Hồ: gần 700 năm!

Thiết nghĩ cũng cần làm cái việc vấn tổ tầm tông một chút. Nhà thờ tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, có bức đại tự Nhất bản năng song cán, nghĩa là một gốc tốt hai cành. Có lẽ cành họ Hồ ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, là sum suê nhất của cái gốc tổ Quỳnh Lưu? Hương Đại Lại thuộc huyện Vĩnh Phúc của xứ Thanh mà dưới triều Tây Sơn do kị húy đổi thành huyện Vĩnh Lộc bây giờ... Tông phái họ Hồ ở Đại Lại có một viên quan nhỏ làm con nuôi của cụ Tuyên úy Lê Huấn. Cháu bốn đời của Lê Huấn mang tên Lê Quý Ly đã đến hồi phát trở thành người tin cẩn của triều đình nhà Trần bởi Quý Ly thuộc hàng ngoại thích.

Lê Quý Ly có hai người cô ruột được sung vào cung của triều đình nhà Trần đều làm vợ Vua Trần Minh Tông. Ba mươi năm ra vào nơi cung cấm dốc lòng khuyển mã từ khi khí vượng nhà Trần thịnh đến hồi suy, dũng họ Hồ bao năm tưởng chìm lút đi bởi họ Lê đã dần dà được bộc phát trong chí trai của người tráng niên Hồ Quý Ly.
 
Như là biện chứng của Dịch lẫn tạo hóa, một triều đại phong kiến thường là thịnh cực thịnh rồi suy và cực suy. Triều Trần với những chiến công hiển hách năm nào đã trở nên lụ khụ cỗi cằn, thậm chí ngáng trở bước tiến của lịch sử bằng ông vua lẫn cẫn Trần Nghệ Tông mà sử chép có lần bỏ Thăng Long mà dông tuốt sang Đông Ngàn để giặc Chiêm Thành vào kinh thành giết chóc cướp bóc hãm hiếp như vào chỗ không người!

Triết thuyết phương Đông vốn thường xuýt xoa lẫn nắc nỏm rằng ở đời vốn hơn nhau một chữ Thời! Kiểu người như Hồ Quý Ly đã trở thành nhân vật, đã trở thành anh hùng của thời loạn ấy bằng việc đoạt lấy ngôi và mở ra một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc bằng triều đại nhà Hồ với quốc hiệu  Đại Ngu.

Tôi thơ thẩn dưới chân thành nhà Hồ chả phải là một lần, một bận… Trí lực bấy bớt từ những ngày cấp ba trường huyện ấy cho tới bây giờ bạc đầu vẫn cứ lồng lộng và lừng lững, và có lẽ vẫn mãi chắc khừ tầm vóc của một ngôi thành bằng đá xanh độc nhất vô nhị ở xứ Đông Nam Á này!
Lật đi lật lại mãi những trang quốc sử mà vẫn có điều chi thảng thốt: “Mùa xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 (tức là năm 1397) tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn Phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào lập nhà tông miếu dung đàn xã tắc mở đường phố có ý muốn dời đô. Việc ba tháng thì xong...

Việc ba tháng thì xong. Cụm từ ấy cứ như là thách đố mai hậu? Ba tháng vừa thiết kế lẫn thi công một công trình đá một tòa thành đá chu vi 4 cây số vuông, cao 10 mét, 4 vòm cổng  hoành tráng bằng những khối đá đồ sộ. Cửa Nam thành: Rộng 38 mét, cao từ 7 - 10 mét. Nội chỉ một tấm đá ở Cửa Tây mà đã dài 5,1 mét, rộng 1,59 mét, cao 1,3 mét. Độ nghiêng mặt thành và chân móng trơ trơ với tuế nguyệt 700 năm nay như thế mà chỉ có 1,5 độ!  Đá xanh granit độ cứng từ 10-12 với những thớt, những khối vuông vức lẫn hình múi cam ấy lấy ở đâu và vận chuyển lắp ráp như thế nào, đến bây giờ vẫn là một câu hỏi?

Một bận tôi đã bám theo tổ công tác của ngài Kikuchi Seiichi, PGS. TS khảo cổ của Đại học Chiêu Hòa, Nhật Bản, về thành nhà Hồ. Họ làm nhiều thứ khảo cổ, trong đó có việc góp phần giải mã câu hỏi 3 tháng xây thành! Chuyện này sẽ nói vào dịp khác nhưng UNESCO mấy tháng trước vừa làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ để công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản thế giới.

Hồ Quý Ly để đời cho mai hậu chưa hẳn là cái tòa thành đá kỳ vĩ kia. Mà là sự nghiệp cải cách. Mà là học thuật lẫn trước tác. Mà tinh những thứ lạ, độc đáo. Thông cảm cho sự nổi đóa của nhà sử học danh tiếng Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt sử ký Toàn thư, hai sử thần Phan Phù Tiên và Ngô Sĩ Liên đã mạt sát giễu cợt gọi là Ngụy Hồ.

Cũng dễ hiểu, chả riêng chi hai cụ, các sử gia phong kiến luôn coi những cải cách, những đổi mới lẫn công việc của cha con Hồ Quý Ly là một thứ  thoán nghịch! Có lẽ chả phải dẫn ra ở đây những cải cách đổi mới về hạn điền, hạn nô, những bỏ tiền đồng dựng tiền giấy... mà các sử gia lẫn các nhà kinh tế hiện đại đã nhận xét và thẩm định là tiến bộ, là đi trước thời đại.

Xin trở lại bài thơ ăm ắp tinh thần hào sảng dân tộc của ông vua Hồ Quý Ly. Có thể coi đây là nội dung trả lời phỏng vấn khá độc đáo! Vậy thì ai, người nào làm cái việc phỏng vấn? Vua nhà Minh? Hay sứ thần nhà Minh? Chính sử không hề lưu bất kỳ sự kiện nào về việc này?  Bài thơ Đáp nhân vấn... không hề có xuất xứ? Chúng tôi nghiêng về khả năng thời mạt Trần, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương thường cử nhiều sứ sang Đại Việt (giao hảo hay dòm ngó?), Hồ Quý Ly khi ấy không khó khăn trong việc góp phần vào vai trò tiếp sứ?

Muốn hỏi về chuyện nước An Nam ư? An Nam quốc chứ không phải là thứ rợ phương Nam mà các thiên tử hay phán bảo một cách khinh miệt Man, Di, Nhung, Địch... Không phải xứ mà là vương quốc An Nam phong tục vốn thuần hậu. Áo mũ không khác chế độ nhà Đường. Lễ nhạc tương tự như vua quan nhà Hán.

Có thể trên thực tế hiếm ít khi diễn ra cung cách sinh hoạt sang trọng nhưng khi đãi đằng khách khứa vẫn có cung cách ẩm thực độc đáo của nước Nam. Vẫn có bình ngọc rót rượu mới cất ngát hương và thứ gỏi cá dân dã đưa cay. Gỏi cá, có lẽ món dân dã mà sang trọng ấy bên Trung Hoa và An Nam đều phổ biến nên Hồ Quý Ly mới nhắc đến Kim đao chước tế lân như một thứ đồng vị tương lân vậy? Cá ngon nhỏ vảy mà nguyên văn là tế lân.

Trong Xích Bích phú của Tô Đông Pha có câu: Cự khẩu tế lân trạng tự Tùng Giang chi lô (Miệng lớn vảy nhỏ giống cá mè sông Tùng Giang). Ông quan Trương Hàn đời Tấn nhân khi gió thu nổi lên nhớ món gỏi cá (cá vược) với rau thuần (rau rút) ở quê nhà đã bỏ cả chức quan mà về. Tích này Nguyễn Du đã diễn ra câu nổi tiếng trong Kiều để chỉ lòng lưu luyến quê hương: Thú quê thuần vược bén mùi...

Hai câu cuối mới thanh thản đĩnh đạc lẫn thần tình làm sao: Hằng năm cứ độ tháng hai tháng ba. Đào mận đều cũng xuân như nhau cả (bản dịch của cụ Tuấn Nghi đào mận nở chật vườn chưa toát lên cái câu thần đào lý nhất ban xuân - đào mận đều cùng xuân như nhau cả!)

Giải mã âm hưởng tự tôn tự hào dân tộc ấy trong bài thơ của Hồ Quý Ly không thể không xét đến căn cốt độc lập tự chủ mà Hồ Quý Ly thể hiện rất rõ trong quan điểm học thuật của mình. Đơn cử việc Hồ Quý Ly biên tập lại Tống Nho soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên, gọi Chu Công là Tiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư. Cho sách Luận Ngữ có một số chỗ đáng ngờ khó tin. Nói Hàn Dũ là nhà Nho ăn trộm (đạo văn). Nhận xét Chu Đôn Di, Trình Hiệu, Chu Hy, Dương Thi, Lý Diên Niên... những học giả Trung Hoa sừng sững ấy là "những kẻ tuy học rộng nhưng tài kém không chú ý đến thực tế, chuyên đánh cắp văn chương của người xưa...".

Hồ Quý Ly chủ trương giải nghĩa Thư kinh, Thi nghĩa bằng chữ Nôm. Viết tựa sách Thi nghĩa bằng quốc ngữ theo ý riêng độc đáo của mình không theo quan điểm của Chu Hy mà các thức giả lẫn học giả đương thời lấy làm mẫu mực!

Quan điểm học thuật độc đáo như một thứ cách tân sáng tạo ấy đã khiến sử thần Ngô Sĩ Liên cáu bẳn lẫn cả hoang mang: “Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được. Hậu Thánh sinh ra nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về Ngài thì thực không biết lượng sức mình!  Người sau mà có trước tác thì cũng chỉ mở mang cho rộng thêm, tô chuốt cho bóng thêm có thế mà thôi, sao Quý Ly lại dám chê bai bàn cãi?” (Toàn thư. Bản kỷ nhà Trần. Quyển VIII. Trg 185-190. Sđd.).

Các nhà nghiên cứu phê bình lý luận đương đại có lẽ sẽ có ý kiến xác đáng về vấn đề này nhưng thử dẫn ra hai nhà nho ở hai thế kỷ đã nhận xét về học thuật của Hồ Quý Ly. Một là, ông vua Tự Đức đã phê Vị phi toàn phi (chưa chắc đã hoàn toàn sai). Hai là, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhà đại khoa này có lẽ với khí chất ngang thẳng xứ Quảng cộng với thứ tiết tháo thực (chứ chẳng phải suông chung chung mà ta thấy thiên hạ cứ gán bừa cho các nhà Nho) đã tìm ở tiền nhân Hồ Quý Ly một sự đồng tình không khoan nhượng.

Cụ Huỳnh gay gắt như thế này: "Phải nhận thấy cái án Tống Nho mà Hồ Quý Ly là cái thiết án (tức cái án ăn cắp) rất xác đáng! Cái gọi là thiết án ấy là lối học giáo điều nô lệ tầm chương trích cú nhai văn nuốt chữ mà đầu óc tê liệt không suy nghĩ chẳng sáng tạo ra điều gì mới mẻ!". Cụ Huỳnh từ đó mà suy ra rằng lối học mót, học theo kiểu nô lệ đắm đuối với Tống Nho ấy đã lan tràn từ đời Hậu Lê trở về sau là khởi nguyên nạn xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ XV và đi liền đó là họa diệt chủng về văn hóa!

Cũng cần nói thêm rằng, trước tác của Hồ Quý Ly phần bị hủy diệt, phần thất lạc nhất là thời điểm xâm lược của nhà Minh nên đã có ý kiến rằng bài thơ Đáp nhân vấn... (được chép trong sách Liệt triều tập đời Minh) là của một sứ thần Nhật Bản(!?). Rằng Hồ Quý Ly đã mượn lời sứ thần Nhật Bản để đối đáp với sứ nhà Minh(!?). Vấn đề này xin các bậc cao minh chỉ giáo cùng phân định. Nhưng chắc chả khó gì khi việc phân định lẫn minh định trên tiêu chí độc lập tự chủ tự tôn dân tộc trong trước tác cùng việc làm trong 7 năm cầm quyền của ông vua họ Hồ để khỏi rơi vào trận đồ bát quái của việc ngụy thư lẫn tam sao thất bản?

Chao ôi, khó tìm thấy một triều đại phong kiến nào mà ngắn ngủi bỗng chốc như triều Hồ? Chỉ có 7 năm. Bảy năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử. Nhưng gần 700 năm sau, hậu thế vẫn còn bận rộn, vẫn còn tất tả với cái chớp mắt xửa xưa ấy!

Viết tới đây chợt dậy lên cảm giác bồi hồi lần ấy công cán qua Trung Hoa, một vị sứ thần trong Sứ quán ta ở Bắc Kinh cho biết đã cất công tìm mộ của Hồ Quý Lý (nghe đâu ở Giang Nam, mà Giang Nam mênh mông mấy tỉnh?) và mộ của con trai là Hồ Nguyên Trừng từng làm Thượng thư bộ Công dưới triều Minh (nghe đâu mộ ở Bắc Kinh) mà vẫn chưa thấy...

Ghi chép của Xuân Ba
nguồn
Logged
meo-u
Thành viên
*
Bài viết: 89


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2011, 09:52:30 am »

Đây là chủ đề gai góc mà bản thân người khởi xướng cũng chưa dám "xướng". Tôi chỉ nhớ một số nét về nhân vật lịch sử này:
- Đánh Chiêm Thành thường thất trận
- Lũng đoạn nhà Trần từ thế Ngoại tộc (bố vợ vua Trần)
- Cải cách quá sức (không hợp lòng dân?)
- Cái cớ để nhà Minh đô hộ
Trích CÁO BÌNH NGÔ:
"Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà/
Để trong nước lòng dân oán hận/
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa/
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh."
Trên quan điểm của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã phải thốt lên những điều trái với lòng mình mà nhà Nho xưa giữ chữ "Nghĩa". Cha con Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh không được nhà Trần trọng dụng nhưng họ được Hồ Quý Ly mời ra làm quan.
Tốt xấu công tội trên các góc độ có ích chung cho đất nước, nhân dân?

Hoàn toàn nhất trí và nể kiến thức của bác được đúc kết trong những dòng này. Em chỉ góp thêm đôi lời. Một triều đại do người nào đó gây dựng nên được vinh danh do người ta đánh giá kết quả của người đó chứ không phải tư tưởng hay lời nói đẹp hay xấu. Quan trọng là họ có làm cho đất nước được ổn định, không bị xâm chiếm, dân chúng không bị can qua, không loạn lạc, nếu có pháp luật nghiêm minh thì càng tốt. Còn không thì như đức thánh Trần đã nói: "giữ yên sức dân làm kế sâu rễ bền gốc". Mà nói chung những anh hùng dân tộc này đều biết đánh nhau cả, cả ta cả Tầu không ai thua cuộc mà lên làm vua cả.
Do đó ta có thể đánh giá HQL không phù hợp để lãnh đạo dân Vịt. Một người đánh đâu thua đó, lại còn trốn chạy về một mình, dẫn đến uy tín sẽ không cao, đương nhiên sẽ làm nhiều biện pháp "chính sự phiền hà" để "trong nước lòng dân oán hận". Đến con trưởng là HNT cũng phải nói là "thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo". Vậy thì vũ khí xịn, quân đội đông để làm gì. Chưa có triều đại nào có tương quan lực lượng với Tầu như vậy mà lại thua nhanh đến thế. Ngay cả nhà Trần cũng đoạt ngôi nhà Lý nhưng vẫn ổn định được quốc gia.
Nếu chúng ta có tiếc thì chỉ tiếc cho triều đại Tây Sơn, cụ thể là Quang Trung Nguyễn Huệ. Nói chung triều đại ấy vẫn chưa thoát được một thế lực khởi nghĩa nên dẫn đến quân lính có phần ô hợp. Một mình NH không đủ thời gian để biến đám quân ô hợp đó thành một triều đại có thể cai trị nhân dân tốt. Ngoài việc NH sớm băng hà thì chính do ông quá nhân từ với 2 anh em, dẫn đến quốc gia không thống nhất được. Trong khi các vị tướng dưới quyền có nhiều người rất giỏi, nhưng cũng có nhiều người như Nguyễn Văn Nhậm có tư tưởng ly khai vun vén riêng nên đã làm mất thời gian và lực lượng không nhỏ cho công cuộc ổn định chế độ. Đó là NH đã phải 2 lần ra TL trong đó có 1 lần dốc toàn lực đánh quân Thanh.
Logged
vietvong9x
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2011, 07:51:43 am »

HQL là kẻ phản dân hại nước, cứ cho là nhà Trần đã tận, cũng ko rõ sử sách lúc đó có bị HQL chỉnh sửa gì ko mà nhà Trần tận nhanh như vậy...... (mà kì thực ông ta cũng không hề " vì hoàn cảnh đất nước " mà "phải" lên ngôi Vua. Ông ta đã chuẩn bị từ rất lâu rồi . Và đây là " dã tâm cá nhân" của ông ta mà thôi), nhưng nếu như ko có những chính sách trả thù cá nhân tàn bạo, ko hợp lòng dân thì còn lâu VN ta mới bị bọn nghiệt chủng nhà Minh phải gọi là "nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn", con của ông ta là Hồ Nguyên Trừng lại đi làm quan cho nghiệt chủng nhà Minh, gián tiếp giúp chúng chế vũ khí (súng thần công) và cũng góp phần trong công cuộc đô hộ dân tộc ta. Nhà Hồ lật nhà Trần chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm, cũng chẳng đóng góp gì nhiều cho dân tộc, khi cả dân tộc cùng hợp sức kháng nghiệt chủng nhà Minh thì lại dẫn đầu đoàn thê tử di tản ,vào tận  rồi khi bị nghiệt chủng nhà Minh bắt thì quy hàng chịu nhục, phải sang làm lính quèn  tay sai cho nghiệt chủng phuơng bắc.

Ngài Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ : "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" thì đời đời tưởng nhớ, đời đời khắc ghi

« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2011, 08:07:27 am gửi bởi vietvong9x » Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM