Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:03:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký "Có một thời như thế" của CCB Võ Minh  (Đọc 40072 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:01:48 pm »

7-2-1974
Khoảng 7 giờ sáng, tôi tổ chức hai tiểu đội lên đường đi sâu vào lòng địch. Vì phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, nên không thể điều người đi đông được, mà đành phải để lại ở nhà một tiểu đội do anh Thăng và anh Điền chỉ huy.
Trước lúc lên đường, tôi tập hợp tất cả cán bộ chiến sĩ trong hai tiểu đội và lên các phương án tác chiến rất cụ thể. Trong mọi tình huống gặp địch và không gặp địch, cần phải xử lý như thế nào? Hợp đồng chiến đấu, rồi đường rút quân về ra sao? để cho tất cả các thành viên trước khi ra trận phải thật sự thông suốt.
Đội hình tiến quân của trung đội tôi theo kiểu sâu đo với một hàng dọc, được phân công nhau cảnh giới về mọi hướng.
Sau hơn 40 phút lội suối xuyên rừng, chúng tôi đã sang được bên kia chân dốc, đang tìm đường đi đến phía sau lưng quân địch chốt. Phía trước mặt xa xa, cách chúng tôi chừng 40 mét, tôi phát hiện thấy một vệt hơi vàng vàng phủ lên những ngọn cây bép cao đến ngực, mọc dày dưới tán cây rừng già.
Phán đoán phía sau đó là con đường mòn, tôi cho anh em tạm dừng lại, đồng thời chỉ cho mọi người biết có con đường đó. Một số anh em thắc mắc hỏi lại, tôi đã giải thích cho mọi người biết: Trong rừng già, lá của những cây mọc lúp xúp ở phía dưới rất sạch, chỉ có một màu xanh mặt trên, màu hơi trắng nằm dưới là đặc trưng chung của chúng. Nhưng điều bất thường ở đây là, lá cây đó có phủ một lớp mờ mờ màu đất đỏ. Chỉ có lính đối phương đi lại rất nhiều trên một lối mòn, nên đã làm bụi đất ở đấy bay lên.
Nghĩ rằng, chắc chắn chốt địch sẽ nằm rất gần đây, tôi hăm hở dẫn đầu anh em tiến quân, với dự định sẽ đi cắt ngang qua con đường đó.
Đang mải mê guồng bước chân, bất ngờ cậu Tĩnh người đi sát theo sau vội ôm tôi kéo ngược lại, rồi la khẽ:
- Anh Minh ơi! Phía trước có mìn.
Tôi vội dừng chân, lùi về phía sau mà không dám hạ bước chân tiếp. Ngay dưới bàn chân phải của mình là một sợi dây của mìn vướng, chăng ngang qua lối đi. Tôi rùng mình, cảm thấy gai gai, chỉ một chút tý xíu nữa là đã đụng phải sợi dây đó, hậu quả tồi tệ nhất sẽ xảy ra cho tôi và đồng đội.
Mồ hôi tuôn ra đầy người, dừng một chút, tôi trấn tĩnh lại và quyết định ngay cho toàn trung đội: Trận chiến đấu hôm nay không xông lên bắt tù binh (vì phía trước là bãi mìn), mà chỉ nổ súng tiêu hao lực lượng địch sau đó sẽ rút về.
Để tấn công quân địch có hiệu quả, tôi chọn đoạn đường uốn cong, nơi đây khi địch hành quân đi qua là mật độ tập trung lính cao nhất, rồi bố trí lực lượng theo đội hình chữ V mở rộng. Tôi, anh Chương và cậu Tĩnh nằm giữa đội hình, còn hai tiểu đội ở hai bên.
Bỗng một giọng ca vọng cổ của một người lính Sài Gòn ở dưới suối vọng lên, một số anh em trong đơn vị nóng ruột vội vàng xin cho phép được nổ súng. Tôi ra hiệu không được, phải đợi địch đến thật đông mới được đồng loạt tấn công.
Thực ra đa số anh em đều là tân binh ở miền quê Nga Sơn (Thanh Hoá) mới vào. Đây là lần đầu tiên mọi người tham gia chiến trận nên sự lo lắng, mất bình tĩnh trong trận đầu của họ là bình thường. Là người chỉ huy, tôi rất hiểu và cảm thông về diễn biến tâm lý của chiến sĩ. Những thời điểm như thế này phải thật bình tĩnh, động viên và tạo niềm tin vững chắc vào chiến thắng trong trận chiến đấu hôm nay cho anh em trong đơn vị.
Sau mô đất phía trước, tôi đã thấy mấy chiến sĩ trẻ nhấp nha nhấp nhổm. Những động tĩnh này rất dễ bị quân địch phát hiện sự có mặt của chúng tôi.
Để trấn an anh em, dù đang đứng dưới cái hố sâu tới ngực của ai đó đã đào để lấy củ mài, tôi vội cầm khẩu tiểu liên AK bò lên phía trước để nhắc nhở, động viên họ.
Khi khoảng cách đến mô đất còn độ hai mét nữa, bên tay phải phía trước mặt tôi, tiếng bước chân đi rầm rập của quân địch đã gần sát ngay bên cạnh. Anh em xung quanh cũng đã phát hiện ra điều đó, mọi người đang lấy tay làm hiệu cho tôi và chỉ trỏ về hướng đấy.
Trước tình huống bất ngờ này, tôi đành phải nằm yên trên mặt đất, không thể tiến hoặc lùi được. Lúc này chỉ cần một tiếng động nhẹ là quân đối phương sẽ phát hiện ra ngay.
Theo như hợp đồng, khi quân địch đã đến điểm định sẵn thì phải phát hoả bằng súng B40 (trong rừng rậm B40 chỉ bắn được hướng nào quang đãng nhất, như vậy mới an toàn và phát huy được hiệu quả tiêu diệt địch), nhưng khi đại đội địch đã đi vượt qua vị trí đó, thế mà anh Chương vẫn chưa nổ súng.
Tôi hiểu khi đang còn nằm trên mặt đất không một vật che chắn, nếu mình nổ súng trước, thì cầm chắc địch sẽ phát hiện ra và nhanh chóng tiêu diệt tôi, nhưng không thể để cho chúng dễ dàng thoát khỏi vị trí chúng tôi đang phục kích. Tôi quyết định giương nòng súng AK về đội hình địch đang hành quân, bóp cò.
Cũng ngay sau đó, cả khu rừng rền vang tiếng súng của
anh em trong trung đội tôi. Quân địch hoảng loạn, cuống cuồng chạy dồn lại, gục đổ nằm la liệt ngay phía trước cách chúng tôi không xa.
Rất bất ngờ, một ánh chớp loé chói bùng lên ngay bên tay phải phía trước mặt, tôi gục xuống bất động, phải đến một lúc mới tỉnh dậy, thấy máu chảy đầm đìa đầy mặt. Theo phản xạ, tôi giơ tay lên đụng ngay vào xương sống mũi, hơi thở đang phì phì ra nơi đó.
- Mẹ ơi, con chết mất!… - Tôi chợt nghĩ rồi lại tiếp tục ngất… một lúc sau thì tỉnh hẳn, mới nhớ ra rằng: Cuộc chiến đấu chưa chấm dứt, khi xung quanh mình tiếng đạn nổ vẫn còn. Biết không thể tiếp tục chỉ huy được nữa, tôi hô anh em rút quân.
Trên đường quay trở về, cậu Tĩnh cứ khăng khăng đòi cõng tôi. Nhưng với trách nhiệm mình là chỉ huy, phải kiểm tra quân số trong đơn vị có đầy đủ không, nhất là những anh em tân binh rất dễ thất lạc, nên tôi đã từ chối không cho cậu ta cõng, mà bảo:
- Mình tự đi được, còn phải kiểm tra anh em đã rút về hết chưa? Tĩnh và mọi người cứ vượt trước.
Khi biết bộ đội đã ra về đầy đủ, tôi chạy đuổi theo sau. Nhưng mới đi được có một đoạn, vết thương ở thuỳ mắt trái và sống mũi, đã đột ngột làm cho hai mắt tối sập lại. Tôi chững lại không phân biệt được phương hướng nào nữa, trong lúc đó, quân địch lại ở cách đấy khá gần, nên không thể gọi anh em quay trở lại giúp đỡ mình được.
Phải một lúc sau, tôi mới nhìn mờ mờ được một con mắt với khoảng cách độ năm mét, nên cứ tiếp tục chạy đuổi theo anh em đang ở phía trước.
Càng chạy, càng không thấy đồng đội đâu cả. Bất ngờ phía sau lưng có ba phát súng, cứ ngỡ là địch đang đuổi ở phía sau, tôi càng nén đau để chạy tiếp. Đến lúc này mới biết mình đã bị lạc đơn vị thực sự.
Không thể đầu hàng số phận, khi đầu mình còn tỉnh táo, còn biết suy nghĩ để tìm mọi cách được trở về với bạn bè đồng đội và đôi chân còn đi được, tôi đã cố gắng lê từng bước vượt qua cánh rừng rậm gặp một con suối nhỏ nước rất trong.
Máu chảy xuống đầy mặt, cản trở một phần tầm nhìn. Không một chút đắn đo, tôi cúi đầu vục nước vào. Một vùng máu đỏ thẫm loang ra chảy trôi theo dòng nước, tôi nhìn theo thấy rùng mình, gai gai người và thấy sờ sợ.
Một thoáng chợt nghĩ, nước vào vết thương dễ bị nhiễm trùng, tôi dừng tay lau máu còn chảy ra đầy trên mặt, vội cởi áo ra xé băng tạm vào vết thương.
Không thể ở lại dưới suối lâu hơn được, tôi tìm đường chạy về đơn vị. Với phán đoán: theo xuôi dòng nước chảy là hướng đông, đấy là phía quân địch. Nên vội cắt rừng chếch về phía tay trái rồi chạy lên sườn đồi.
Cứ thế, tôi chạy miết mà vẫn không bắt gặp một đơn vị nào của quân ta. Quá mệt và máu trên mặt ra rất nhiều, thị lực ngày càng giảm và tôi đã đuối sức thiếp đi...
Giật mình mở mắt tỉnh dậy, khi có tiếng động sột soạt bên cạnh. Tôi không hiểu tại sao lại nằm một mình giữa rừng sâu heo hút, rất vắng vẻ và tĩnh lặng dưới ánh trăng trắng nhợt này, ngoại trừ tiếng động bên cạnh vừa rồi. Tôi thật sự hoảng sợ, nhưng trấn tĩnh được ngay, lúc đó mới nhớ ra mình đã bị thương và đang lạc rừng.
Theo phản xạ, tôi quờ tay hai bên tìm khẩu súng làm phát ra tiếng sột soạt, bỗng giật mình hoảng hốt, khi ngay sát cạnh mình có tiếng động mạnh ào ào, như ai đó đang bỏ chạy.
Tôi vẫn nằm yên trên mặt đất, để tránh sát thương do đạn địch bắn đến. Phải một lúc sau đó, mới trấn tĩnh lại và nghĩ rằng: Có thể một con thú rừng đi tìm thức ăn đang bỏ chạy.
Biết không thể tiếp tục lê bước trong đêm trăng này, tôi nằm yên suy nghĩ tìm cách nào để ngày mai khi trời vừa sáng sẽ tiếp tục tìm được đường về. Rồi tôi lại thiếp đi lúc nào không biết...
Tôi chợt tỉnh dậy khi có ánh nắng mặt trời đang chiếu vào mặt. Nghiêng đầu ngó nhìn xung quanh thấy mình đang nằm dưới một gốc cây đã cụt ngọn, bên cạnh hố đạn pháo vừa đào phơi đầy một màu đất đỏ.
Mình phải sống! Phải tìm bằng được đường về đơn vị! ý nghĩ đó đã thôi thúc tôi mãnh liệt, quên hết mọi đau đớn do vết thương gây nên, gượng mình ngồi dậy, xác định lại hướng đi để tiếp tục hành trình.
Phải đi về phía tây, nơi đấy là địa phận do quân ta đang làm chủ. Nhưng làm thế nào để xác định được đúng hướng đây? khi xung quanh mình là rừng già mênh mông bao phủ, gần như che kín trên đầu.
Một thoáng bối rối lo lắng, tôi chợt nhớ ra một điều đơn giản là: Buổi sáng mặt trời mọc về hướng đông sẽ chiếu bóng thân cây đổ về hướng tây. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cứ thế lần mò đường đi theo cách đó.
Trời đã về chiều, con khát và đói đang hành hạ giày vò, nhưng tôi đã cố quên đi để lần mò tìm đường về đơn vị. Sự sống hay là chịu chết một mình trong rừng sâu mà không một ai biết đến? Chính điều đó đã tác động rất mạnh mẽ, thôi thúc tôi quên hết mọi hiểm nguy, quên hết tất cả về những nỗi đau về thể xác. Với một ý chí: "Phải sống để đi về phía trước!"
Bóng đêm đã tràn về, chỉ có ánh trăng giúp tôi đi đường tránh đụng vào những thân cây rừng dựng đứng giăng đầy chắn lối.
Đâu đây ở xa xa phía trước mặt có tiếng động thụp thụp vọng lại, tôi vui mừng ra mặt vì phán đoán ở nơi đó có người. Phải chăng số phận đã mỉm cười với mình khi đã gần về với anh em đồng đội?
Để thật tin chắc đấy là quân mình hay là bọn địch, tôi nhẹ nhàng bò đến gần, áp tai sát xuống mặt đất để nghe rõ hơn tiếng động đã phát ra đó. Đúng là tiếng đào hầm của một đơn vị nào đấy.
Tôi cố gắng tiến sát lại gần hơn, bỗng giật mình hoảng sợ khi nghe xì xào giọng nói người miền Nam. Biết mình đã lạc vào vị trí chốt quân đội Việt Nam Cộng hoà đang chiếm giữ, tôi lo lắng bủn rủn hết chân tay.
Một loạt tiếng nổ đêba (tiếng nổ đầu nòng) của pháo địch phát ra từ phía sau lưng. Một lúc sau là những tiếng nổ "rầm, rầm…" ở phía trước vọng về. Tôi nhanh chóng xác định nơi đó là có quân mình. Điều đơn giản là: "Địch chỉ bắn pháo về phía bộ đội ta đang chốt giữ".
Không một chút chần chừ, tôi lại nhẹ nhàng bò lùi trở về, sau đó theo hướng đạn nổ, cắt rừng lần mò tìm đến.
Gần một tiếng sau tôi đã có mặt giữa bãi pháo đó. Đạn bay xèn xẹt ngay sát đầu và tới tấp nổ xung quanh. Nơi đây gần sát mép với bãi sình, có những cây thông già thân cây rất to, mà nhiều người ôm không xuể.
Tôi quá mệt mỏi, không còn sức nào để lê chân bước tiếp nữa, đành nằm gục giữa hai cây thông già.
Đạn pháo vẫn bay xèn xẹt bên trên và tiếng nổ ù tai nhức óc, những mảnh đạn bay vu vu rồi cắm phập vào thân cây ngay trên mặt. Nhưng cứ mặc nó, tôi đã thiếp đi lúc nào không biết.
Khi vừa tỉnh dậy, mở mắt nhìn lên cao, mặt trời đã chếch bóng cây, mới giật mình sực nhớ: Bây giờ đã bước sang ngày thứ ba bị lạc rồi, liệu có tìm nổi đường về không? Tôi lẩm bẩm một mình, cầu mong có sự phù hộ dẫn đường cho, để được thoát khỏi cánh rừng đại ngàn mênh mông quá khiếp sợ này.
Vẫn cứ nằm yên suy nghĩ lung mung, tôi không hiểu tại sao mình đã dựa vào bóng cây đổ xuống mặt đất do mặt trời chiếu vào để chuẩn hướng tây. Thế mà bây giờ, vẫn không một chút manh mối biết quân ta đang ở đâu?
Trong lòng tôi có lúc rất hoang mang, đã nghĩ về cái chết một mình nằm giữa rừng sâu heo hút này. Thế là tôi không được gặp lại bạn bè đồng đội, không có cơ hội để còn gặp được bố mẹ và những người thân yêu ở nhà.
Cảm nhận sự trống vắng, đơn độc đã xâm chiếm trong lòng, nước mắt tôi chảy ra giàn giụa, nhưng không còn khóc thành tiếng được. Ôi, cuộc sống của con người trên cuộc đời này giá trị biết bao nhiêu, không thể có gì đổi được. Đúng là: "Còn người là còn tất cả".
Không! Mình đang còn cơ hội để sống! Mà phải giành giật lấy nó, không thể dễ dàng đầu hàng nó được. ý chí đó đã thôi thúc sự sống trong tôi trỗi dậy.
Trấn tĩnh lại, một lần nữa tôi suy xét lại cái đúng, sai vừa rồi để xác định hướng đi tới như thế nào mới phải. Chính tại thời điểm này, mới chợt nhớ về môn địa lý đã học ở thời còn nhỏ, nói về những tháng đầu năm, bao giờ mặt trời mọc và lặn đều chếch về hướng Nam. Chỉ có vào tháng Sáu nó mới mọc và lặn đúng tâm.
Tôi đã nhanh chóng phát hiện ra cái sai tai hại của mình, nên cắt lệch bóng thân cây để đi tìm đường về.
Lối đi bị chắn bởi bãi sình trước mặt không thể qua được, buộc tôi phải chọn điểm mốc sẵn phía bên kia bãi sình, rồi đi men quanh bờ tìm đến.
Đường đi mấp mô gập ghềnh, những khóm cây gai lúp xúp mọc đầy phía trước mặt. Tôi vừa đi vừa ngã dúi dụi, đã có lúc tưởng như mình sẽ gục đổ hoàn toàn.
Nhưng lòng ham sống trong tôi dấy lên mãnh liệt. Bất chấp tất cả, tôi cứ như con thiêu thân quên hết mọi thứ, chỉ biết lao lên. Cuối cùng, cũng tìm về gần điểm mốc đó, để rồi xác định lại hướng đi tiếp của mình.
Lúc này mặt trời đã xế chiều, tôi đi xuyên qua những khóm cây lá bép mọc dày lúp xúp dưới những tán cây cổ thụ. Đây rồi, mình đã phát hiện ra dấu hiệu cò (ngọn cây nhỏ bẻ gập xuống theo từng đoạn, để đánh dấu lối đã đi trong rừng rậm) của bộ đội ta.
Cứ lần theo dấu vết đấy, tôi gặp phải một bãi sình lầy nhỏ. Phía xa một đoạn ven bờ, có những ụ đất nhô lên cao. Tôi nhanh chóng phán đoán, dưới đó là những hầm công sự. Để chắc chắc xác định được ở nơi đấy có quân ta hay là địch, tôi nằm áp tai xuống mặt đất nghe ngóng động tĩnh, nhưng tất cả vẫn lặng yên. Khi đã tin chắc nơi đó không có người, tôi đứng dậy lần theo lối mòn nhỏ đi tiếp.
Cơn đói thật sự đã hành hạ tôi, mặc dù đã cố quên đi, nhưng nó vẫn bám riết. Đã rất nhiều lần lúc đang trên đường đi, tôi đã lả người gục xuống nằm thiếp lịm, rồi tỉnh dậy lại vùng lên.
Người lên cơn sốt hầm hập, đầu đau nhức như búa bổ, miệng họng khô rát. Cơn khát nước đến giày vò dữ dội. Tôi kiệt sức lịm đi. Trong cơn mê sảng, tôi đã ú ớ la hét mọi người đến cứu giúp, nhưng tất cả đều bất lực trước những lời cầu thỉnh đó. Mơ màng tỉnh dậy, xung quanh tĩnh lặng lạ thường, mới biết mình vẫn còn sống và nằm bên cạnh lối mòn nhỏ. Tôi gắng gượng ngồi dậy, đầu còn đau nhức buốt, mà có cái gì cứ động đậy ở vết thương. Theo phản xạ tự nhiên, đưa tay của mình lên sờ vào.
Tôi giật mình, khi thấy có cái gì rơi xuống dính vào má và tay ngọ ngoạy. Nhìn kỹ vào mới thấy, đó là những con dòi đang bò lúc nhúc. Một chút sửng sốt, sờ sợ và hoảng hốt, nhưng sau đó trấn tĩnh ngay lại. Thôi thì mặc kệ nó, miễn mình còn sống được là may mắn lắm rồi. Tôi kéo tà áo ở dưới lên, gạt nhẹ vào những gì đang còn ngọ ngoạy trong các vết thương, mà không cần biết nó có bị lấm bùn đất, để rồi vết thương sẽ nhiễm trùng hay không?
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #31 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:02:37 pm »

Đã ba ngày rồi, tôi bị thương lạc vào giữa rừng sâu, chưa hề có một chút gì vào bụng. Tuy biết vậy, nhưng không phải vì nó mà nhụt ý chí tìm đường về. Phải cứng rắn lên!
Trời chuyển gần về tối, ánh sáng mặt trời yếu ớt dần, vẫn cố lê bước chân kiệt sức theo lối mòn đó, bên cạnh là bãi sình lầy có một vũng nước đục ngầu nho nhỏ. Không một chút lưỡng lự đắn đo, tôi vội cúi xuống lấy hai tay vục nước để uống.
Phía trước mặt cách tôi độ khoảng ba mét, một khoảng trắng nhỏ có đường kính bằng miệng bát ăn cơm, nổi bật trên nền đất đen xám.
Tôi bước đến và cúi đầu xuống xem: Ôi sung sướng quá! Trời đất, tổ tiên ông bà và đồng đội hy sinh đã phù hộ mình đây. Gạo! Gạo đấy! Túi gạo của ai mang theo đã bị thủng, để lại trên mặt đất cho tôi một ít. Đúng là buồn ngủ vớ được chiếu manh.
Tôi vội vàng lấy tay vốc một nắm cho ngay vào mồm nhai ngấu nghiến. Thật diệu kỳ, sức khoẻ của mình như đang phục hồi dần theo tốc độ dòng chảy của nước gạo còn trôi từ từ qua ống thực quản, để vào cái dạ dày trống rỗng, đau khổ của mấy ngày qua.
Vừa định cho tiếp vào miệng một nắm nữa, tôi chợt nghĩ: Đến ngày mai mình có tìm được đơn vị không? Với suy nghĩ như vậy, tôi quyết định cho nắm gạo đó vào túi áo ngực của mình, rồi cài nắp túi cẩn thận, đề phòng cho cuộc hành trình của ngày tiếp theo.
Trời đã tối hẳn, tôi dừng lại chui vào gốc cây bên lối mòn nằm nghỉ. Pháo địch lại dội về phía sau sát cạnh. Tôi cứ nghĩ miên man và linh cảm rằng: Mình đã sắp tìm được đồng đội rồi! Điều đó rất có cơ sở, khi đạn pháo của chúng đang liên tục nổ rền ở phía sau.
Cái đói cồn cào cuộn lên từng hồi liên tục, như ai đó đang lấy muối xát vào dạ dày trống rỗng của mình. Rồi vết thương trên đầu lại được thể dấy lên những cơn đau khủng khiếp. Tôi vật vã đau đớn, nhưng miệng cứ ngậm chặt lại không dám há ra, sợ mình không kiềm chế được mà phát ra tiếng rên la để cho lực lượng đối phương dễ dàng phát hiện.
Một cơn mê sảng đã đến, đưa tôi về giấc mơ kinh hoàng khủng khiếp. Cả người tôi cứ bồng bềnh trôi nổi đâu đâu. Ai đó cầm thanh sắt dài chọc vào đầu và đang cố thắt chặt sợi dây buộc quanh bụng. Cả người cứ thế chao đảo, chòng chành, làm tôi ngất lịm đi lúc nào không biết, chỉ giật mình bừng tỉnh khi có một quả đạn pháo nổ ở rất gần.
Trời đã sáng dần, tôi lại tiếp tục lê từng bước khó nhọc theo lối mòn nhỏ. Phía xa xa trước mặt đã xuất hiện một vùng sáng của bầu trời, có thể nơi đó là một trảng cỏ rộng. Như vậy, ít nhất mình đã thoát ra khỏi cánh rừng đại ngàn rậm rạp. Tia hy vọng về sự sống trong tôi đã loé lên, rất phấn khích, rồi gắng gượng lê bước thật nhanh ra nơi đó.
Tôi giật mình sửng sốt đứng chững lại, khi phát hiện ở phía trước, trong làn sương sớm còn mờ mờ có một ụ vàng vàng nhô lên cao. Phải chăng đây là lô cốt trong đồn địch, tôi nhẹ nhàng nằm áp tai xuống mặt đất lắng nghe mọi động tĩnh, nhưng tất cả vẫn im lặng tuyệt đối, không có một âm thanh nào.
Trấn tĩnh lại, tôi bò dần tiến đến và rồi đụng tay vào ụ vàng vàng đó.
- Mẹ ơi, con sống rồi! - Sung sướng quá tôi buột miệng
reo lên.
Cái ụ vàng vàng đó chính là chiếc xe lu sơn màu vàng để làm đường bị hỏng, vứt bỏ nằm bên vệ đường Trương Tấn Bửu (đường 14C) mà thời gian trước tôi thường đi qua lại. Đến đây, tôi đã biết đường về Ban chỉ huy trung đoàn 271 của mình.
Nhưng lúc này, tôi thấy sức mình bắt đầu xuống dốc thực sự. Mặc dù đã về đến đây rồi, nhưng quãng đường đến đơn vị cũng chẳng gần chút nào. Liệu sức mình có đi nổi không? mà hôm nay là ngày thứ tư bị lạc.
Tôi bước ra đứng giữa mặt đường nhựa lớn, nhìn xung quanh. Một phán đoán chợt hiện trong đầu: "Đúng rồi! Nhất định ở hai bên mép đường sẽ có đường dây điện thoại của các đơn vị bộ đội ta rải xuống đấy để phục vụ liên lạc cho tuyến trước và tuyến sau".
Đúng như đã dự đoán trước đó, tôi vừa bước sang bên kia mép đường, lấy tay luồn dưới các khóm cây lúp xúp và giơ lên cao. Một bó dây điện đủ các màu đen, đỏ, trắng, xanh đang vướng vào tay. Biết chắc là đường điện thoại của quân mình, nhưng vấn đề bây giờ nên đi về tuyến trước hay đi về hướng tuyến sau?
Chỉ một chút đắn đo lượng lự, tôi quyết định đi về tuyến trước, vì từ đây ra các chốt của bộ đội ta sẽ không xa.
Lần theo đường dây điện đó, tôi đi độ khoảng được 100 mét đã phát hiện ra một công sự và có pháo 75 ly trong đó. Biết rằng, đây là pháo của quân ta, thuộc trung đoàn pháo 262 cùng đoàn 95 với trung đoàn chúng tôi.
 Nhưng xung quanh rất yên lặng. Biết vậy, tôi vẫn cứ tiến vào. Kia rồi, phía trước cách đó độ khoảng 5 mét, có một chiến sĩ vừa đánh răng ở dưới suối đi lên. Tôi vội lên tiếng:
- Anh ơi! Tôi thuộc trung đoàn 271, đang bị thương…
- Đứng lại, giơ tay lên! - Anh ta giật mình vừa trông thấy tôi đã thét lên, mặc dù trong tay lúc này chỉ cầm có một chiếc ca và bàn chải đánh răng.
Tôi không sợ anh ta, nhưng chỉ sợ một ai đó vừa nghe tiếng hô đã làm một loạt đạn đến, thì cơ may sống sót của mình phải chấm dứt từ đây.
- Không, tôi là người Nghệ An, thuộc trung đoàn 271 đây mà!
Có lẽ khi nghe được giọng nói nằng nặng xứ Nghệ của tôi mà anh ta đã trấn tĩnh lại.
- Thế anh là người của trung đoàn 271 à?
- Nhờ anh điện về cho trung đoàn, tôi là Võ Minh bị lạc và đã về đến đây rồi…
Vừa nói đến đây, tôi gục khuỵu xuống mặt đất, bất tỉnh… Đến khi hơi hồi tỉnh lại, nghe mơ màng trong tiếng thì thào xuýt xoa xung quanh.
- Còn sữa nữa không? Lấy nhanh nước cơm đổ vào miệng cho anh ấy! Ête còn không? Vết thương rất nhiều dòi, kinh khủng quá!...
Tôi cứ chập chờn trong cơn tỉnh cơn mê, cho đến lúc vào nằm trên bàn mổ của viện K20 (bệnh viện tiền phương của Miền), do anh em trong đại đội vận tải C22 của trung đoàn 271 vừa cáng đến.
Bốn ngày sau, một đoàn gồm sáu anh em trong đại đội 1 đã đến phòng điều trị đặc biệt của viện K20 thăm tôi đang nằm một mình ở đó. Vừa mới gặp nhau, nhiều người đã bật khóc lên khi trông thấy tôi đầu và mặt còn quấn đầy băng trắng, chỉ để hở được một con mắt để nhìn.
- Anh Minh ơi! Anh có nhớ chúng em không? Em là Tĩnh đây! Anh Điền và mọi người đang đứng xung quanh thay mặt anh em ở nhà đến thăm anh!
Tôi vẫn mơ mơ, màng màng không nhớ được một ai cả. Thực ra, lúc đó, tôi cố gắng lục lọi trí nhớ của mình để xác định được tên của từng người, nhưng sao đầu óc của mình tệ vậy? Mọi người đã cố gắng gợi lại rất nhiều chuyện mà tôi vẫn chẳng nhớ gì. Sau này tôi mới hiểu: Do vết thương ở đầu, mình đã mất đi một phần trí nhớ.
Đến thăm tôi được một lúc, mọi người đành phải ra về. Mặc dù rất luyến tiếc, nhưng anh em còn phải trực chiến, mà đường về tuyến trước nơi đơn vị đóng quân khá xa, phải đi bộ mất khoảng 10 km. Hơn nữa, trong thời gian này, quân đội Việt Nam Cộng hoà đang tăng cường lực lượng để tái chiếm những vị trí mà trước đó ta đã giải phóng.
Tôi xúc động bùi ngùi trước tình cảm chân thành cao quý của anh em đồng đội dành cho, mặc dù tôi rất biết: Chặng đường phía trước các anh còn rất nhiều gian lao nguy hiểm. Cái sống chết luôn rình rập bên mình, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Chiến tranh bao giờ mới kết thúc. Cảm ơn các anh trong trung đội. Cảm ơn đại đội 1 và tiểu đoàn 8!
Sau một tháng điều trị tại bệnh viện, tôi lại được trở về đơn vị. Lần này thì khác với những lần trước là phải về điều trị tại trạm xá trung đoàn. Trí nhớ đã phục hồi một ít, đã tự mình đi lại được bình thường, nhưng chỉ có một điều, tôi chỉ  nhìn được một mắt, còn mắt kia không tốt lắm.
Ban chỉ huy trung đoàn nằm cách đấy không xa, tôi tranh thủ vào thời gian gần trưa ghé thăm các thủ trưởng của mình. Thật là rất may, các anh lãnh đạo vừa tan họp vào đúng lúc tôi vừa bước tới cửa phòng.
- Em chào thủ trưởng Trân, chào các thủ trưởng! - Tôi vội cất tiếng chào khi vừa gặp mọi người.
- Minh đã về đấy à? Sức khoẻ của em bây giờ ra sao?
Chính ủy Lê Đình Trân lên tiếng:
- Báo cáo thủ trưởng, sức khoẻ của em đã tốt nhiều rồi ạ! - Tôi vội trả lời.
Mọi người đang có mặt lúc đó vây quanh hỏi thăm tôi tíu tít, vừa động viên, vừa khen ngợi và thán phục. Tham mưu trưởng Cao Hồng Cửu đang đứng bên cạnh vỗ vỗ vào vai tôi và nói:
- Em giỏi thật đấy! Đã bị thương còn lạc rừng không ăn, không uống bốn ngày liền mà vẫn tìm được đường về đơn vị. Qua đài kỹ thuật biết em vẫn chưa bị địch bắt, trung đoàn đã chỉ thị cho đơn vị ở dưới đi tìm ba ngày liên tục mà vẫn không thấy đâu!
Tôi ngước lên nhìn và thầm cảm ơn tất cả mọi người đã không quên tôi.
- Cảm ơn các thủ trưởng đã không quên mà vẫn nhớ đến em!
- Làm sao mà quên được, nhất là cái ngày em về trường Quân chính Miền đi học, tất cả gia tài chỉ có một bộ quần áo đang khoác trên người! - Anh Cửu nói với tôi.
Chính uỷ Lê Đình Trân đứng bên cạnh quay mặt sang Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Hồng và Trưởng ban cán bộ Trung đoàn Đỗ Quang Quỳ và trợ lý cán bộ Mạc Thuần nói:
- Thôi để cho cậu Minh ra Bắc đợt này, các anh chuẩn bị làm quyết định cho cậu ấy nhé!
Rồi ông quay sang tôi nói tiếp:
- Cậu Minh thấy thế nào? Có đề xuất gì không?
- Báo cáo thủ trưởng, em rất biết ơn và cảm ơn các thủ trưởng rất nhiều. Nếu được ra Bắc điều trị, em xin hứa sẽ cố gắng tu luyện bản thân để trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng quan tâm giúp đỡ của các thủ trưởng và anh em đồng đội trong trung đoàn 271. Trước khi lên đường ra Bắc phải tạm biệt các thủ trưởng, tạm biệt tất cả anh em bấy lâu nay cùng chiến đấu sống chết có nhau. Em xin có một nguyện vọng: Cho phép em được trở về thăm mọi người ở đại đội 1, tiểu đoàn 8 một lần nữa!
- Đồng ý! - Chính ủy Lê Đình Trân nói.
- Em về chuẩn bị mọi thứ trước đi, ngày mai các anh sẽ cho trinh sát đưa em về thăm lại tiểu đoàn 8! Nhưng đi về chỉ trong một ngày thôi nhé! - Anh Cửu tiếp lời thủ trưởng Trân.
Chỉ trong một thời gian ngắn, không biết bao nhiêu điều bất ngờ ngoài mong đợi đã đến với tôi. Biết nói gì đây, khi trong lòng trào dâng bao niềm vui nỗi buồn lẫn lộn. Vui là mình được trở về miền Bắc sẽ gặp được bố mẹ và những người thân, đã đến quá đột ngột và ngoài sức tưởng tượng. Buồn là phải tạm biệt chia tay đồng đội và các thủ trưởng thân yêu của mình, đã một thời đồng cam chịu khổ, hy sinh quên mình để cứu nhau, yểm trợ nhau trong những giờ phút chiến đấu cam go và ác liệt với quân địch.
Khoảng 8 giờ sáng, một chiến sĩ trinh sát đến đón tôi ra tuyến trước để về thăm anh em đơn vị cũ của mình. Chúng tôi đi dọc con đường Trương Tấn Bửu, rồi rẽ về hướng đông cắt qua những cánh rừng rậm đại ngàn, băng qua bãi sình mà trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn đi lại.
Bao kỷ niệm lại tràn về trong tôi, đó là lần đầu tiên một mình dẫn anh em trong trung đội đi qua nơi đây, về chốt giữa lưng chừng cao điểm 904. Lúc đó, xung quanh mình đều có địch. Rồi đại đội biệt kích đi cắt vào giữa đội hình chúng tôi đã bị thất bại thảm hại, vội vàng bỏ chạy để lại nhiều xác chết, sau khi quân ta đồng loạt nổ súng tấn công… Tôi vừa đi vừa suy nghĩ miên man nhớ về một thời đã qua như thế.
- Anh Minh ơi! Tiểu đoàn bộ ở dưới chân đồi kia kìa! - Chiến sĩ trinh sát dẫn đường nói.
Tôi giật mình bừng tỉnh và lấy tay dụi dụi vào mắt để nhìn cho rõ hơn. Khi vừa đến khu vực Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng quân, chúng tôi tìm đến hầm công sự của anh Hùng, Chính trị viên tiểu đoàn 8. Vừa trông thấy tôi, anh đã chạy đến ôm chầm lấy và nói:
- Anh chúc mừng em đã chiến thắng trở về! Vết thương có đau lắm không? Khi biết tin em bị lạc, tiểu đoàn đã cử đồng chí chính trị viên phó tiểu đoàn cùng đại đội 1 tổ chức đi tìm suốt cả ba ngày đấy. Sau này nghe tin em đã trở về với đơn vị, mọi người ở nhà mừng lắm.
Tôi rất cảm động trước tình cảm cao quý yêu thương mà các anh đã dành cho. Rồi kể về bốn ngày lạc rừng và tìm được đường về của mình. Cũng như các anh lãnh đạo trung đoàn, anh đã động viên khích lệ tôi tự tin hơn nữa trong cuộc sống về sau. Tôi xin phép anh được về thăm đơn vị cơ sở của mình.
Để tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho tôi, anh cử thêm một trinh sát đã quen đường về đại đội 1 dẫn chúng tôi đi.
Trung đội 1, đại đội 1 vẫn chốt giữ ở vị trí cũ giữa lưng chừng cao điểm 904. Con đường đi đến nơi này, tôi thuộc lòng từng ụ đất, gốc cây. Cảnh vật giờ đây đã có những thay đổi nhất định. Đó là cây cối bị phạt ngang thân đổ gãy ngổn ngang trên mặt đất, màu xanh của lá cây được thay thế một màu xám đỏ, mặt đất bị đào xới nham nhở. Nếu ai đó không thật quen đường thì dễ bị lạc.
Xẹt xẹt, oàng oàng, tiếng pháo địch lại bắn đến nổ sát ngay sau lưng chúng tôi, bùn đất bay lên tứ tung. Nhưng đã là lính chiến rất quen với những cảnh này, nên chẳng có ai hoảng hốt lo lắng cả, mà chỉ cần nằm sát mặt đất là được, vì khi đạn rơi xuống nổ thì mảnh của nó bao giờ cũng bay vung lên. Chúng tôi chỉ sợ nhất là đạn pháo chụp nổ ngay trên đầu mình là dễ dàng dính mảnh nhất.
- Ơ, anh Minh đã về đây rồi, anh em ơi! - Tiếng của một ai đó nghe quen quen reo lên bên cạnh, tôi quay đầu nhìn, nhưng vẫn chưa nhớ ra ai cả.
- Em Tĩnh đây mà! Anh không nhận ra em à?
Phải một lúc sau đó tôi mới nhớ ra tên cậu ta, lúc này mọi người trong đơn vị đã chạy ùa ra vây quanh và dẫn tôi về nơi ở của Ban chỉ huy đại đội. Đại đội trưởng Phạm Huy Thông chạy ra ôm chầm lấy tôi, anh lấy tay sờ vào vết thương đang còn băng kín trên đầu và nói:
- Em đã về được đây là may mắn rồi! Nghe tin em chuẩn bị được ra Bắc điều trị, anh thay mặt cho tất cả anh em trong đơn vị ta chúc mừng em.
Tôi cảm động nghẹn ngào trước tình cảm của anh và đồng đội đã dành cho. Không nói được nên lời, tôi chỉ lý nhí mấy câu cảm ơn, cũng như mãi mãi về sau luôn nhớ và không bao giờ quên các anh cùng tất cả bạn bè trong đơn vị.
Theo đoàn người vây quanh, tôi về thăm trung đội của mình. Mảnh sân nhỏ ngày nào bên hầm công sự dã chiến của tôi vẫn thế, chỉ có khác hơn trước là mọi người tụ tập đến đứng, ngồi gần kín sân. Bao nỗi niềm thương nhớ của chúng tôi được giãi bày qua những hành động cử chỉ lời nói âu yếm dành cho nhau.
- Minh biết không? Ngay sau khi anh em trung đội ta vừa rút ra ngoài được một đoạn vẫn không thấy em ra. Các anh đã quay trở lại tìm, nhưng vẫn không thấy vì cây rừng lúp xúp mọc dày quá, che kín mít. Bọn anh bắn ba phát súng để em chuẩn đường tìm đến. Sau đó tổ chức lùng sục xung quanh khu vực đó rất lâu nhưng vẫn không tìm thấy. Biết em đã bị lạc rừng nên vội về báo cáo với ban chỉ huy đại đội để tiếp tục tìm em. Mà suốt ba ngày liên tục có cả chính trị viên phó tiểu đoàn xuống trực tiếp chỉ huy đấy!
Tiếng anh Chương nói cứ đều đều bên tai tôi. Ôi cao quý thiêng liêng thay tình đồng đội, đã luôn luôn coi nhau như anh em ruột thịt, không bao giờ bỏ rơi nhau trong mọi hiểm nguy.
Thời gian ở lại với anh em không được nhiều, tôi nhắc nhở mọi người tranh thủ viết thư để gửi về cho bố mẹ nơi quê nhà miền Bắc.
Mấy ngày sau đó tôi nhận được quyết định giữ chức Chính trị viên đoàn ra Bắc 539 do Chính uỷ trung đoàn Lê Đình Trân ký. Trong đơn vị mới này gồm có 45 cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn đều là thương binh cần phải trở về hậu phương điều trị. Đặc biệt còn có anh Nguyễn Văn Truyền (cùng đơn vị A10, C3, D8 trước đây với tôi) đảm nhiệm về quân sự của đoàn.
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #32 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:04:59 pm »

TRỞ VỀ VỚI HẬU PHƯƠNG

4-4-1974
Trên đường vượt Trường Sơn trở về hôm nay, chúng tôi không còn phải cuốc bộ, mang vác súng đạn nặng nề như những ngày nào nữa, mà giờ đây, tất cả chúng tôi đang được những chiếc xe ZIL hai cầu chở đi, sau khi nó đã hoàn thành chuyến hàng cho tiền tuyến đang trên đường ra Bắc trở về.
Hành trang của tất cả mọi người trong đoàn rất đơn giản, chỉ có một, hai bộ quần áo còn mặc trên người với một chiếc võng nilon là những vật "Bất ly thân" không thể thiếu được với người lính. Trong những chiếc bồng (túi vải thay cho ba lô) lúc này chứa đầy thư của anh em đồng đội còn ở lại chiến đấu, gửi về cho gia đình bố mẹ nơi quê nhà.
Còn tôi ngoài những thứ đó, trong bồng của mình, còn chứa đầy những hồ sơ tài liệu của 45 người trong đoàn, để giao nộp cho các đơn vị tiếp nhận anh em chúng tôi ở miền Bắc.
Tuyến đường Trường Sơn mà những chiếc ô tô chở chúng tôi trở về, đang vượt qua những chặng đường trước kia tôi đã qua. Cảnh vật nơi đây đã thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn nhận ra  nó được khi vào nghỉ lại trong các trạm giao liên năm nào.
Quân mình không phải đi bộ rầm rập và kéo dài đông kín cả tuyến đường như những năm trước nữa. Chắc có lẽ, bây giờ trên đường vào mặt trận, các anh đã có phương tiện vận tải hỗ trợ rồi.
Trường Sơn vào thời điểm này đang là mùa mưa, mặt đường lầy lội, bùn nhão nhoét trơn tuột. Những chiếc xe Zil chở đầy lính không thể dễ dàng vượt dốc được. Bốn bánh xe cứ quay tít mà nó vẫn đứng yên một chỗ không thể nhúc nhích, có lúc còn trôi tuột xuống phía dưới.
May mà có chiếc tời gắn ở đầu xe, các anh lái xe đã kéo dây cố định vào một gốc cây phía trên dốc sau đó nổ máy cho xe quay tời kéo lên từng đoạn một, rồi lấy gỗ chèn bánh xe, lại kéo. Điệp khúc cứ như vậy cho đến khi vượt qua đỉnh dốc mới thôi.
Thực ra xuống dốc còn khó khăn và nguy hiểm hơn, khi chiếc xe của tôi đang từ trên dốc cứ lao vù vù xuống. Lúc này, phanh xe có tốt đến mấy cũng không còn có tác dụng, vì chiếc xe cứ quay ngang mà trượt trên mặt đường.
Mọi người đang có mặt trên xe lúc đó đều lặng im không một tiếng động nhỏ, cảm thấy như tim mình ngừng đập, khi một bên bánh xe tiến gần mép vực sâu thăm thẳm. Rất may mắn cho tất cả chúng tôi, một gốc cây bị pháo tiễn ngang thân đã chắn đỡ chiếc bánh xe đó dừng lại.
Mồ hôi của mọi người túa ra ướt đầm đìa, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi biết mình vẫn còn sống. Lúc này, tiếng xì xào bàn tán mới rộ lên râm ran.
Vết thương của tôi lại tái phát, đầu đau buốt, mắt đã mờ đi rất nhiều. Tôi không thể theo đoàn đi tiếp được mà đành phải vào trạm xá của binh trạm giao liên điều trị. Như vậy, tất cả hồ sơ tài liệu của anh em trong đoàn, đành giao cho anh Truyền mang ra ngoài ấy nộp và bàn giao hộ.
Tôi nằm điều trị ở đây mất gần một tháng, khi vết thương của mình đã tạm ổn lại tiếp tục cùng với ba người của đơn vị khác lập thành một đoàn mới để đi ra.
Bản Đông khu rừng nơi đây, năm xưa khi chúng tôi đi qua, còn xơ xác tan hoang do bom đạn bắn phá, bây giờ đã phủ một màu xanh non tơ của cây cối đang đâm chồi nở lộc. Phía trước mặt là con đường 9 của một thời nổi tiếng anh hùng, đã ghi bao nhiêu chiến công lẫy lừng vang dội đến tận năm châu bốn biển năm nào, cũng đã thay da đổi thịt.
Ô tô đã chở chúng tôi qua các vùng Lao Bảo, Khe Sanh, Cam Lộ đến Đông Hà, để nối tiếp theo con đường quốc lộ 1 hướng ra miền Bắc.
Kia rồi chiếc cầu gỗ Hiền Lương lịch sử, bắc qua dòng sông Bến Hải, đã bao năm phân chia hai miền với hai màu sơn đen, đỏ. Màu sơn đã bạc đi, gần mất hết màu đặc trưng của nó theo thời gian, nay đã trở về với màu gỗ bạc phếch nguyên bản, như hai miền Bắc Nam đang dần dần trở về với một gia đình dân tộc Việt Nam.

25-5-1974
Tôi lại trở về tập trung ở trạm giao liên Hưng Dũng, thành phố Vinh ngày nào. Mọi thứ ở đây đã khác xa với trước, không còn có nhiều lính trẻ xúng xính trong bộ trang phục màu xanh, đầu đội những chiếc mũ tai bèo, nhìn thấy ngây ngô dễ thương như những đồng đội của tôi năm nào, mà thay vào đó là đa số những người đã chững chạc, quần áo ăn mặc đủ màu, trên đầu và tay chân đều quấn băng trắng toát.
Tại đây, chúng tôi được nghỉ lại thêm một ngày để chờ đợi quyết định đi về các Đoàn an dưỡng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi ghé về thăm bố mẹ ở quê, với quãng đường đi bộ khoảng 16 km.
Con đường trở về giờ đã thay đổi nhiều, những lối mòn nhỏ quanh co năm xưa được thay vào trục đường lớn thẳng tắp. Nếu như không thật quen thuộc cả khu vực, thì đi về sẽ bị lạc là chắc chắn.
Còn đối với tôi, đây là nơi mình đã sinh ra và lớn lên, không biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời thơ ấu. Những xóm nhỏ bờ tre, những cánh đồng mà mình đã từng mò cua bắt ốc, làm sao mà quên nó được?
Trời đã về chiều, tôi càng bước chân vội hơn, khi đã nhìn thấy ngôi nhà thân yêu của mình. Trước đây mình đã từng nghĩ: Có được trở về với nó nữa không? Đúng rồi! Mẹ tôi đang ngồi ở cạnh sân, mẹ đang chuẩn bị rau cho đàn lợn ăn trong chuồng buổi tối.
- Mẹ ơi! Con đã về !!!…
Quá vui mừng và sung sướng, tôi vội reo lên. Mẹ đột ngột đứng dậy, sững sờ, giơ hai tay lên chới với đón tôi. Không kìm được, tôi chạy lao đến, nắng chiều kéo dài hình bóng mẹ ôm trọn lấy tôi.
Như một luồng điện chạy suốt trong cơ thể, tôi cảm nhận được sự ấm áp chở che từ người mẹ. Bao nỗi đau buồn trong mình bỗng tan biến mất, để lại trong tôi một niềm sung sướng, hạnh phúc lâng lâng, khi thực sự mình được ôm chặt lấy mẹ mình.
- Ôi, con của mẹ đã được về đây ư! - Mẹ ôm chặt lấy đầu còn quấn đầy băng trắng của tôi nghẹn ngào.
Bố và anh đang ở trong nhà cũng ngỡ ngàng chạy ra vội ôm lấy tôi. Niềm vui, niềm hạnh phúc của cả nhà đã đến rất bất ngờ khi tôi vừa xuất hiện. Nước mắt mọi người tràn ra chảy dài trên từng khuôn mặt, cho dù nó đã khô đi khi phải khóc nhiều trong những năm tháng từng chia ly vừa qua.
Niềm vui của gia đình tôi cũng là niềm vui của cả lối xóm, khi mọi người ở xung quanh đến tập trung ở trong nhà ngoài sân để chia vui.
Bao nhiêu câu chuyện ở chiến trường và ở nhà được đan xen qua những câu chuyện của tôi và mọi người đã kể. Những tiếng khóc thút thít, những tiếng xuýt xoa… Nhưng tất cả đều vui mừng là tôi còn được may mắn sống và trở về đây.

26-5-1974
Khoảng 3 giờ, chuyến tàu khách Vinh - Hà Nội lại chở đoàn thương binh từ chiến trường ra ngoài Bắc điều trị và an dưỡng. Sao lại có sự trùng lặp ngẫu nhiên và lạ lùng với tôi như vậy? Ngày đó, trước khi đi vào Nam, tôi và bạn bè cũng đang ngồi trên con tàu đêm này, nhưng chỉ có khác là ngược chiều.
Hôm nay, những người đang ngồi đông đủ ở đây, trên khuôn mặt ai nấy đều hiện rõ sự hốc hác, mắt sâu trũng, da tái nhợt và nhiều người trên mình đang quấn đầy bông băng trắng toát. Không còn những chàng trai trẻ non tơ, da trắng mặt còn búng ra sữa đang hồn nhiên trên đường ra trận ngày nào. Chiến trường đã lùi rất xa với chúng tôi.
Trời vừa sáng, tàu đến ga Thường Tín, dưới sân ga đã có ôtô của trạm giao liên chờ sẵn, đón mọi người về nơi an dưỡng. Tôi được về đoàn 581 đóng ở Lý Nhân, Nam Hà (nay gọi là tỉnh Hà Nam) nhưng chỉ được một tuần sau đó, tôi phải về Viện Quân y 108 Hà Nội mổ lại các vết thương để lấy mảnh đạn còn nằm sâu trong đầu.
Sau hơn ba tháng nằm viện, tôi lại trở về Nam Hà an dưỡng tiếp. Trong thời gian ở đây, tôi được nằm trong số ít người được Tổng cục Chính trị chọn là lớp cán bộ nguồn, để đưa sang Liên Xô đào tạo dài hạn.
Tất cả các cuộc kiểm tra phỏng vấn tôi đều vượt qua, nhưng khi kiểm tra sức khoẻ do để lộ tờ giấy ra viện có ghi rõ: Mắt trái 1/10, mắt phải 8/10. Thế là bị loại hoàn toàn, tôi cảm thấy bị hụt hẫng, bối rối cho tương lai của mình.
Những lúc trên đường từ Hà Nội về quê nghỉ phép bằng tàu hoả, rất nhiều lần được chứng kiến cảnh người khiếm thị lang thang trên các toa tàu hát rong, để xin những người khách hảo tâm mấy đồng hào lẻ. Liên tưởng về thị lực ngày một giảm của đôi mắt mình, lòng tôi càng quặn đau khó tả. Một nỗi buồn nặng trĩu xâm chiếm cả tâm hồn, khi tuổi đời của mình chỉ mới 22, đang còn quá trẻ. Rồi đây, tương lai của cuộc đời có đưa tôi rơi vào cảnh ngộ đó không? Tôi cảm thấy bi quan cho thân phận không còn được may mắn. Đã có lúc, những ý nghĩ tiêu cực xâm chiếm tâm trí, dồn ép mình một hành động sớm kết thúc cuộc đời còn lại.
Không! Mình phải sống! Mà xây dựng một cuộc sống làm người ở trên đời này thật có ý nghĩa. Không thể dễ dàng chịu đầu hàng với những gì đã làm tổn hại đôi mắt này. Con đường duy nhất bây giờ là: Phấn đấu để đi học tiếp, có như vậy mới tự cứu được mình. Nhiệm vụ trước mắt: Cố gắng rèn luyện sức khoẻ, kiên trì luyện tập lại trí nhớ mà mình đã quên, do những vết thương ở trên đầu gây ra.

26-3-1975
Buổi sáng, đơn vị an dưỡng triệu tập tất cả anh em trong đơn vị để nghe Chính ủy Đoàn Quynh, Đoàn 581 phổ biến một số điều chỉnh nhân sự trong đơn vị. Tôi được điều động về giữ chức Trợ lý Thanh niên của Đoàn. Sau khi đọc thông báo, thủ trưởng Đoàn Quynh đã hỏi tôi có ý kiến gì trước lúc nhận nhiệm vụ mới không? Tôi đã đứng lên mạnh dạn trả lời:
- Báo cáo thủ trưởng, nhiệm vụ thủ trưởng giao em sẽ chấp hành nghiêm túc. Nhưng nguyện vọng của em là: ở trong quân đội cũng phải đi học, mà ra ngoài cũng phải đi học ạ.
Tôi đã về Đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Nhưng trong lúc đang chờ tiếp nhận cán bộ cũ bàn giao, tôi lại có tiếp một quyết định nữa. Đó là chuyển về Trường Văn hoá Quân khu Hữu Ngạn ôn thi đại học.
Tháng 9 năm 1975, tôi thật sự bước vào cửa ngõ của giảng đường đại học để rồi hơn năm năm sau trở thành một kỹ sư Điện, đi theo hướng mới của cuộc đời mình. Con đường binh nghiệp đã lùi rất xa, nhưng tình đồng chí đồng đội trong trung đoàn 271 anh hùng không bao giờ phai mờ trong tôi.
Vâng,
Với chúng tôi: Đã có một thời như thế!
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #33 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:06:16 pm »

PHẦN KẾT

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Những dấu vết tàn phá, hủy diệt nặng nề của nó đã được thay bằng cuộc sống mới sôi động đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt trên đất nước ta. Những nhà máy lớn, đô thị mới đã mọc lên trên nền đất ngổn ngang xưa kia là hố bom sâu hoắm. Những mất mát đau thương đã dịu lại để trả về cho sự sống một màu xanh của sự bình yên. Những người lính quả cảm vô song sau cuộc chiến lại trở về hiền lành, chân chất như bản chất xưa của họ "Đạp quân thù xuống đất đen. Súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa". Sau cuộc chiến, người còn, người mất, người trở về với hai bàn tay trắng, người ôm nỗi đau chất độc màu da cam với di chứng nặng nề để lại cho biết bao thế hệ. Thế nhưng, dù ở cương vị nào, người lính vẫn vượt lên để chứng tỏ bản lĩnh nghị lực phi thường của mình, xứng danh anh "Bộ đội Cụ Hồ".
Sau đây là những thông tin vắn tắt về cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 271 mà tôi đã nói trong cuốn sách này. Tuy chưa kể hết được đầy đủ, nhưng hy vọng sẽ như một bức thông điệp nói về... họ sau cuộc chiến.
Trung đoàn trưởng Đại tá Lê Ổn hiện đã về nghỉ hưu ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình; Chính uỷ Lê Đình Trân nghỉ hưu ở Bình Dương; Trung đoàn trưởng Phan Văn Cần về nghỉ hưu (đã mất) ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh; Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Hồng đã mất sau một vụ tai nạn giao thông ở quê tỉnh Hải Dương; Tham mưu trưởng Cao Hồng Cửu đã mất sau ngày hoà bình ở Hải Phòng; Anh Đỗ Quang Quỳ về nghỉ hưu ở Hà Tây; Trợ lý cán bộ Mạc Thuần nguyên là Đại tá quân đội, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh - Dịch tễ Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Dương Văn Hiêu về nghỉ hưu ở xã Đông Quang, Đông Sơn, Thanh Hoá; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Hoàng Vỵ, là một nhà doanh nghiệp làm ăn rất thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Lê Văn Hàn về nghỉ hưu ở Thanh Hoá. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Văn Huận, nguyên Đại tá Vụ trưởng Vụ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nghỉ hưu ở Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà Nội; Anh Trần Đức Căn về hưu và đã mất tại thành phố Hồ Chí Minh; Chính trị viên phó Đại đội 3 Nguyễn Văn Thụ đã hy sinh rất anh dũng vào cuối năm 1972 tại Tà Thia Cămpuchia; Anh Nguyễn Quốc Sự nguyên là Hiệu trưởng trường Phổ thông trung học Tương Dương, Nghệ An, hiện nghỉ hưu ở thành phố Vinh; Y tá Trần Đức Huyên hiện nghỉ hưu ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, Quản lý kiêm nuôi quân đại đội 3 Nguyễn Văn Trữ và Nguyễn Gia Thìn hy sinh ở mặt trận Bù Boong, Đắc Nông; Trung đội trưởng Trần Quang Đăng hiện công tác tại Công ty Điện lực Nghệ An. Tiểu đội trưởng hoả lực A10 Nguyễn Văn Truyền và Chính trị viên phó Lê Quảng Ba đại đội 3 cùng các anh Thìn, Quỳnh, Sơn, Mão, Lượng cũng như đa số anh em khác, sau khi vừa kết thúc chiến tranh đã trở về làm ruộng trên mảnh đất quê hương đã sinh ra mình.
Còn lớp tân binh từ các trường Bách Khoa, Tổng Hợp Hà Nội bổ sung cho Tiểu đoàn 8 ngày ấy, như các anh: Trần Anh Phương hiện là Tiến sỹ, Vụ trưởng, Trưởng Ban chuyên đề Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, anh Vũ An Ninh hiện là Giám đốc Trung tâm Báo chí Chính phủ, anh Lê Tất Vinh hiện là Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin Hải Phòng, anh Ngô Đức Thơ - Cục trưởng Cục Cơ yếu, Ban Cơ yếu chính phủ...
Đầu năm 1996, sau một thời gian khá dài đi công tác ở nước ngoài về, tôi mới có điều kiện vào thành phố Hồ Chí Minh để dự hội nghị. Tranh thủ ngày cuối cùng trước lúc lên máy bay ra Hà Nội, tôi may mắn được người bạn chở đi bằng xe gắn máy tìm đường về vùng đất An Thuận, Đức Hoà năm nào.
Thực ra, giữa năm 1985, tôi đã vào thành phố Hồ Chí Minh, làm chuyên gia lắp đặt và chế tạo cần cẩu 3 tấn cho tàu biển của Nhà máy đóng tàu An Phú, do tôi thiết kế toàn bộ hệ thống điện. Cũng vào giữa năm 1984, tôi là người đầu tiên trong nước thiết kế và lắp đặt thành công hệ thống điện điều khiển của cần cẩu tháp trong xây dựng tại Nhà máy Cơ khí 120, số 609, đường Trương Định (Hà Nội). Trong thời gian này, tôi đã mấy lần có ý định về thăm lại bà con cô bác ở Long An, thăm lại chiến trường xưa, nhưng vì nhiều lý do riêng mà không thể nào đạt được. Mãi cho đến ngày hôm nay, mong ước đó mới trở thành hiện thực.
Trên đường từ thị trấn Đức Hoà về thị trấn Hậu Nghĩa bám dọc theo con lộ 10 để đến được Ngã ba Lộc Giang, một cảnh tượng sâu sắc đập ngay vào mắt: Ôi, dân mình vẫn còn nghèo lắm. Mặc dù hoà bình thống nhất nước nhà đã hơn hai mươi năm, vẫn còn đó, những vách đất nhà tranh xiêu vẹo nằm hai bên vệ đường. Đất hoang hoá bạc trắng rất nhiều, bụi đang bay mù của giữa cái nóng mùa khô cháy bỏng.
Ngã ba Lộc Giang đấy ư! Sao phố xá lại không sầm uất như tôi hình dung! Đâu rồi! Những ngôi nhà, góc phố mà đồng đội chúng tôi bám trụ để tiêu diệt bốt địch?
Tôi đã đi suốt dọc phố để tìm về những ký ức xa xưa. Đâu rồi! Ngôi nhà mà chúng tôi đã bắn nhầm vào đấy để được gặp chủ nhân nói một lời xin lỗi. Dù biết rằng đã muộn, nhưng sẽ vợi đi bao day dứt bấy lâu nay còn ở trong lòng. Bao hồi ức về bạn bè lại tràn ngập trong tôi. Đâu rồi, đâu rồi các bạn?… Hai mắt tôi nhoà đi, nước mắt lăn dài trên má.
Chúng tôi gặp những người dân hai bên phố để dò hỏi đường về ấp An Thuận và nhắc lại trận đánh tại nơi đây. Có thể, cuộc sống đời thường mưu sinh còn vất vả. Cũng có thể thời gian từ ngày đó cho đến giờ quá dài, mà lớp trẻ thế hệ sau này không phải chứng kiến, nên họ không biết: Máu của đồng đội chúng tôi đã thấm đỏ nơi đây…
Tôi tìm được đường về ấp An Thuận, bởi tất cả mọi cảnh vật nơi đây vẫn như xưa. Những con đường, những bờ ruộng nhỏ đang còn đó, đã ăn sâu vào tâm trí tôi như những ngày nào, chưa có mấy đổi thay. Phải chăng, ở nơi đây mới xuất hiện một con kênh lớn dẫn nước sông Vàm Cỏ chạy cắt ngang cánh đồng để chống hạn. Chúc cho bà con cô bác của quê hương cách mạng ngày càng giàu mạnh và phát triển.
Kia rồi! Bên kia là nhà má Hai Quân. Lối vào nhà là mặt bờ ruộng nhỏ chỉ đủ cho một người đi bộ, chúng tôi đành phải để xe máy ở lại bên vệ đường, rồi cứ thế xăm xăm bước vào.
- Chào má Hai Quân, con là Võ Minh ở trung đoàn 271 năm nào đây! - Tôi vội chào ngay lúc vừa gặp má đang ngồi đung đưa chiếc võng tre trong nhà.
- Má chào các con, trung đoàn 271 thì má nhớ, nhưng… Má bây giờ già rồi! Các con trong trung đoàn thì đông, bỏ qua cho má nhé! - Má Hai Quân trả lời.
Tôi nhìn má gầy yếu đã già đi rất nhiều, căn nhà đơn sơ, trống trải hơn trước. Bờ tre xung quanh vườn đã bị chặt đi đâu gần hết. Rãnh giao thông hào khá sâu bao quanh, nơi mà trước đây chúng tôi chốt giữ và chiến đấu với quân thù, nay đã bị đất lấp đầy, không còn để lại một vết tích gì. Nơi đây một thời chiến tranh đã từng in dấu tích, nhưng bây giờ dấu vết của bạo lực đã bị chôn chặt, chôn sâu mãi mãi trong lòng quá khứ, để cho cuộc sống của chúng ta được bình yên trường tồn.
Thật là vui mừng sau những năm tháng phải chung sống với đạn bom, các má các chị cơ sở, hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Chị Hai Tặng con má Hai hiện là Trưởng ban Tổ chức - Chính quyền huyện Đức Hoà.
Thời gian không cho phép ở lại đây lâu hơn nữa, tôi phải chia tay má Hai Quân và bà con để quay trở về thành phố cho kịp chuyến bay cuối ngày ra Hà Nội.
*
*     *
Trong những ngày tháng sống và làm việc ở Thủ đô, tôi đã liên lạc được với chị Hai Tặng. Phải đến năm 1999, tôi mới có dịp về lại An Thuận, Đức Hoà, Long An. Cảnh vật giờ đây đã đổi thay nhiều, những mái nhà tranh đã biến dần đi, thay vào đó là những ngôi nhà mái tôn, tường gạch được quét vôi trắng xoá. Thật mừng cho người dân nơi đây cuộc sống đang đi vào ổn định và đang trên đà phát triển.
Chị Hai Tặng dẫn tôi đi thăm một số gia đình má Mười Hét, Tư Sương,… Tôi thấy cuộc sống của các má, các chị vẫn còn đạm bạc, nếu như không nói là nghèo nàn. Đặc biệt, khi đến nhà chị Tư Lập, một nỗi buồn ập đến trong tôi, đôi mắt đã nhoà đi khi thấy chị Tư người gầy nhỏ yếu bệnh tật, chỉ sống có một mình trong chiếc lều nhỏ, đang dựng nhờ vào bức tường nhà bên cạnh.
Mừng cho chị còn sống đã thoát qua cuộc chiến tranh năm nào. Buồn về một nỗi cuộc sống quá ư là vất vả khó khăn của chị. Tuy vậy, vừa nghe tin tôi đến thăm, chị đã bật dậy lao đến ôm chầm lấy tôi, reo lên:
- Em Minh đấy à? Hoà bình đã lâu lắm rồi sao bây giờ em mới về thăm các chị?
- Em đã về đây gặp chị và mọi người như vậy là sung sướng lắm. Vì cuộc sống mưu sinh, bây giờ mới có điều kiện quay trở về thăm mọi người được chị ạ.
Bà con, cô bác vừa nghe tin đến tôi đã có mặt tập trung đông đủ. Chúng tôi nhắc về những ngày gian khổ xa xưa. Nhớ về thời điểm quân thù kiểm tra rất gắt gao, nhưng các má, các chị vẫn không sợ hiểm nguy, cung cấp đầy đủ một lượng lớn lương thực cho cả trung đoàn 271 chúng tôi sống và chiến đấu trên mảnh đất quê nhà.
- Chị Sáu Tiệm đi đâu rồi? Sao em không thấy chị ấy có mặt ở đây hả chị Tư? - Tôi hỏi chị.
- Con Sáu bị bạo bệnh không đủ tiền mua thuốc để chạy chữa nên mất rồi em ạ. Sau hoà bình, cuộc sống ở nơi đây quá khó khăn, con Sáu đem cả sắp nhỏ về vùng kinh tế mới Tân Biên sinh sống! Trên nền nhà của nó, hiện là gia đình con gái chị Hai Cốm đang dựng lều ở đó. - Chị Tư trả lời.
Tôi lặng người đi khi nghe tin chị Sáu đã mất. Mới hôm nào đó, khi mảnh đất nơi đây còn đầy rẫy bom đạn của chiến tranh, chị và mọi người đã vì cách mạng, quên mình vượt qua bao vòng kiểm soát gắt gao của địch để mang hàng trăm tấn gạo, thực phẩm về cho anh em trong trung đoàn chúng tôi sống và chiến đấu với quân thù. Nhớ đến lần tôi bắt gà, dẫu biết rằng lúc đó hoàn cảnh của gia đình chị còn rất vất vả gian truân, do cuộc chiến cam go đang diễn ra trên quê hương của mình. Thế mà, với tấm lòng bao dung, độ lượng, chị không một lời oán trách, chị đã lờ đi tội lỗi của chúng tôi như cho qua cái điều dại dột của mấy đứa em. Giờ đây, cách mạng đã thành công, hoà bình đã về đến mọi nhà, chiến tranh đã lùi xa và rất xa. Gia đình chị lại phiêu dạt đến xứ người kiếm sống, cái khổ cực khôn cùng vẫn cứ bám chặt lấy cuộc đời chị, để rồi chị phải ra đi vào năm 1998, khi chưa có được một ngày thanh thản.
Cũng thông qua chị Hai Tặng, tôi đã liên lạc với anh Hoàng Xuân Lý chiến sĩ tiểu đoàn 9. Hiện anh là bác sỹ Chủ nhiệm khoa Gây mê - Hồi sức bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh. Anh là một người rất nhân hậu, cởi mở, luôn cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của mọi người. Chính vì thế, anh đã vận động tiền quyên góp để xây tặng chị Tư Lập, ngôi nhà tình nghĩa, thay cho chiếc lều xiêu vẹo, dột nát đã tồn tại bấy lâu nay.
Tôi cũng như bao đồng đội khác, được chứng kiến cuộc sống mưu sinh còn đầy vất vả gian nan của người dân Đức Hoà, Long An, đã một thời cưu mang chúng tôi, dẫu biết rằng sức mình còn quá ư là nhỏ bé, nhưng với tấm lòng biết ơn những người dân nơi đây, tôi đã dành tất cả số tiền tiết kiệm của mình, gửi tặng cho Trường phổ thông cơ sở An Ninh quỹ "Học sinh nghèo vượt khó" trong ba năm 2003 đến 2005, với mong ước: Nhằm động viên các cháu cố gắng học thật tốt để sau này trở về xây dựng gia đình, quê hương của mình thật giàu mạnh.
Có một điều thú vị ở đây: Thầy giáo Hiệu trưởng Võ Văn Cà của Trường phổ thông cơ sở An Ninh là một trong những cậu bé cởi trần, chỉ vận độc một chiếc quần xà lỏn trên người, tóc trên đầu cháy nắng, con của má Hai Quân mà tôi đã gặp vào buổi chiều năm xưa.
Và liệu đây có phải là điều linh thiêng không? Khi mà chiều 12-8-2007, tôi vừa xem lại trang ghi trận chiến đấu rất gay go ác liệt của đại đội 3, tiểu đoàn 8, trung đoàn 271 anh hùng với sư đoàn 7 quân đội Sài Gòn, tại chùa Nho ở Cămpuchia vào ngày 16-6-1972, trong trận chiến đấu này liệt sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh đã hy sinh, thì cũng vừa lúc, cháu Nguyễn Quỳnh Hương(1) đã điện cho tôi, trong khi đang cùng với gia đình và một nhà ngoại cảm trên đường đi vào Đức Huệ, Long An để dò lối sang Cămpuchia xa xôi tìm hài cốt của bố. Dựa vào trí nhớ của mình, tôi đã hướng dẫn khá chi tiết tuyến đường đi đến chùa Nho trên đất nước bạn. Đoàn đi tìm hài cốt đã không gặp mấy khó khăn về vị trí trận đánh rất ác liệt đã diễn ra năm xưa.
Hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh ngay sau đó đã được cháu và mọi người đưa về an táng tại Nghĩa trang Nhổn, Từ Liêm, Hà Nội vào 27 tháng 8 năm 2007.
Hà Nội, tháng 9 năm 2007
VÕ MINH
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM