Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:32:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký "Có một thời như thế" của CCB Võ Minh  (Đọc 40073 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:09:18 pm »

Hồi ký "Có một thời như thế" của CCB Võ Minh đã được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản lần thứ 6.

Mục lục
MỘT BÀI CA ĐAU THƯƠNG VÀ HÀO SẢNG VỀ NGƯỜI LÍNH
(Nhà văn Chu Lai)

MỘT NÉN NHANG - MỘT LỜI RU CHO ĐỒNG ĐỘI
(Nhà văn Võ Thị Hảo)

ĐỌC HỒI KÝ LÍNH TRẬN
(Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha)

LỜI TÁC GIẢ

ĐƯỜNG VÀO

VÀO TRẬN

VỀ TRƯỜNG QUÂN CHÍNH

TRỞ VỀ VỚI HẬU PHƯƠNG

PHẦN KẾT

PHỤ LỤC

NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN
62 Bà Triệu-Hà Nội - ĐT: (84.04).62631713.
Fax: 04.8229078. Email: nxbthanhnien@vnn.vn
Chi nhánh: 270 Nguyễn Đình Chiểu - Quận III thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: (08) 9303262
Chịu trách nhiệm xuất bản: MAI THỜI CHÍNH
Biên tập: LÊ MINH HIỀN
Bìa: MAI HƯƠNG
Kỹ thuật vi tính: KIM DUNG
Sửa bản in thử: PHAN THẮNG
Tác giả VÕ MINH: Email: vominh271@yahoo.com               Mobile: 0903447899


MỘT BÀI CA ĐAU THƯƠNG VÀ HÀO SẢNG VỀ NGƯỜI LÍNH
Nhà văn CHU LAI
Cuộc đời vốn thế, một khi tiếng đập trống rỗng của những chiếc dạ dày tạm lắng xuống thì tiếng động thì thầm của những giá trị cội nguồn lại vang lên.
Và một trong những tiếng động ấy là sự trở lại cũng thì thầm và vô cùng bền bỉ của dòng văn học chiến tranh mà sự xuất hiện rộn ràng của những trang nhật ký chiến trận mấy năm gần đây âu cũng là lẽ đương nhiên, đương nhiên như hết mưa lại nắng, hết bão dông cõi thế lại yên hàn, đương nhiên như đó là những tháng ngày thiêng liêng, những tháng ngày cao đẹp nhất của dân tộc, của mỗi số phận con người mà đất nước này, khung cảnh thái hoà này mãi không thể nào quên.
Vâng! Nhật ký của một người đã chết, một người nằm xuống ta đọc đã nhiều, song nhật ký của một người còn sống thì không phải ở đâu cũng có, nếu như không muốn nói rằng nó là vô cùng hy hữu. Những dòng chữ của một liệt sĩ để lại, bản thân nó đã hàm chứa một nỗi xúc động sâu xa, vậy những dòng chữ của một chiến sĩ vẫn còn tồn tại trên cõi dương này sẽ tồn tại ra sao đây, khi nó tự đánh mất cái ưu thế truyền cảm mang tính truyền thống tâm linh đó, trước cảm nhận của độc giả? Bài toán này không dễ trả lời, vì dù muốn hay không, nó cũng động chạm đến những phần nhạy cảm nhất của con người. Bởi, trước khi chết, con người bao giờ cũng nói thật mọi điều, nói cả điều hay lẫn điều dở cho nên nó thật đến không cùng. Mà đã gọi là nhật ký thì bao giờ cũng lấy cái thật làm hạt nhân trung tâm. Còn khi anh vẫn sống, ngồi viết lại, dù chân thành đến mấy, ngòi bút cũng không thể tách khỏi cái sự lọc bằng lý trí qua các yếu tố khách quan, yếu tố tự biên tập cho nó thích hợp với điều này, hợp lý với tình hình kia. Khó lắm! Dễ khô cứng, dễ giả tạo lắm.
Vậy mà không! Với Có một thời như thế, người viết đã biết ẩn mình đi, ẩn rất kỹ, ẩn chân thành, ẩn như không, gần ba trăm trang sách, anh chỉ coi mình như là một nhân chứng, một cái trục nhỏ nhoi để từ đó dồn hết tâm sức, trí nhớ để viết, đúng hơn là để kể lại về đồng đội, bạn bè, về những người đã chết và những người đang sống, về cuộc đời, bom đạn, về tình người, tình yêu, tình gia đình cha mẹ bình dị, khẽ khàng như hạt lúa, củ khoai đang vào mùa giáp hạt khiêm nhường.
Không đao to búa lớn, không lên gân lên cốt, cũng không cố làm ra vẻ văn chương, chữ nghĩa cầu kỳ, càng không biết tránh né những điều có thể là phạm huý phạm kỵ, anh cứ lẩn mẩn kể như kể lại cho người thân, bạn bè nghe về những chặng đường gian truân, ác liệt của cuộc đời mình, cuộc đời đồng đội. Và như thế, từng dòng, từng trang, từng con chữ, nó như những hạt mưa dầm không ồn ào, xối xả mà nhè nhẹ thấm thật sâu vào cảm nhận người nghe, người đọc.
Đọc anh, tin rằng những người trẻ hôm nay sẽ tìm ra được một cái gì đó thuộc về sức mạnh tinh thần, cũng như những giá trị nhân văn thăm thẳm của các thế hệ cha anh, đã không tiếc máu xương làm nên những chiến tích huy hoàng cho ngày hoà bình thơ thới hôm nay, qua đó, chắc chắn họ sẽ giật mình mà soi rọi lại cảm quan, cách cảm, cách nghĩ, cả cách sống của mình trong cơn cuồng phong hội nhập hiện đương. Và những người đã đi qua chiến cuộc chắc chắn sẽ như được sống lại, như được nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy những tháng ngày thiêng liêng, khổ đau, đẫm máu và nước mắt để thực hiện khát vọng tự do, độc lập của dân tộc.
Là người đã viết khá nhiều về chiến tranh, đã lấy hình tượng người lính và chiến tranh cách mạng làm cảm hứng trung tâm cho các tác phẩm của mình, thú thật có lúc đọc anh, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những trang chữ anh miêu tả về cảnh sắc Trường Sơn với tất cả sự sinh động của những vui buồn, đói khổ, một trận sốt rét, một vị ngọt rau môn thục, một tử sĩ mối vùi trên võng, một bãi khách đêm, một chiều hành quân, một tiếng chim côi cút gọi bầy, một dòng sông, một sắc nắng, một sườn dốc đứng hành quân bằng thang dây dựng trời. Một tối đói quá phải vào nương ăn cắp sắn… Càng không thể không lắng chìm khi anh viết về mẹ, về một ga tàu tiễn đưa, về những giọt nước mắt yếu đuối không kìm nổi khi từ biệt tất cả để đi vào chỗ chết, về lòng dân thuần phác, mênh mông ba nước Việt - Miên - Lào anh đã có dịp hành quân qua. Để rồi như một sự bung phá của tâm hồn, anh say sưa và đau đớn kể về những trận đánh, về những đêm hành quân quá đỗi nhọc nhằn vừa đi vừa ngủ, về những cái chết đủ hình, đủ dạng của đồng đội mà sự ra đi tức tưởi của họ còn vương nặng trí não anh cho đến tận bây giờ, đã khiến cho anh, một đồng đội may mắn còn sống, không hiểu sao lại còn sống, phải tự đặt lên linh hồn mình một trách nhiệm là phải ghi lại. Ghi lại bằng cả một hệ thống chi chít những chi tiết sống động, độc đáo, có duyên mà nếu không thực sự trải qua, không thực sự sống tận cùng với nó thì không thể nào hình dung ra nổi.
Chiến tranh là bi kịch, nhưng chiến tranh cũng là bi tráng. Tổn thất đến không cùng, nhưng cũng can tràng đến không cùng. Phải chăng đó chính là cảm hứng chủ đạo, là điều ruột gan anh muốn nói về chiến tranh, về bạn bè mình. Trung đoàn ngày ra đi, ngót nghét gần ba ngàn thanh niên trai tráng, khi trở về chỉ còn có vài trăm, mà lại không vẹn nguyên thân thể. Mỗi mùa chiến dịch, cứ vào một trận đánh là quân số lại vợi đi quá nửa, vợi đến nỗi không còn đủ người vào thay, đến nỗi cả đại đội thay vì hơn một trăm sinh mạng đánh vài trận chỉ còn lại đếm được trên đầu ngón tay… Nhưng những trận đánh vẫn nối tiếp những trận đánh, những chiến dịch vẫn ngày đêm tiến sát hang ổ kẻ thù. Để tồn tại và đứng vững được trong những cảnh huống quá sức chịu đựng của con người ấy, họ đã bộc lộ đủ đầy tất cả những thảng thốt, yếu đuối, hoang mang thậm chí đến nản lòng, tuyệt vọng đưa đến một vài người đã rời bỏ đội ngũ chạy sang phía chiến tuyến bên kia, nhưng rồi một cái gì đó thiêng liêng như lòng tự tôn dân tộc, nghĩa tình thẳm sâu của đồng đội, của khí núi khí sông, của niềm tin vào nghĩa cả thổi về, vón cục trong trái tim đã khiến cho họ chiến đấu uy nghi đến người cuối cùng. Như thế, qua cái nhìn của anh, người trong cuộc, người lính của chúng ta không hề là một cỗ máy chiến đấu, không hề là một Rô bốt chiến binh vô cảm chỉ biết xông lên chứ trong thế giới nội tâm trắng xoá không chứa đựng cái gì.
Người anh hùng là người không phải không biết sợ chết, nhưng một khi vượt qua được cái sợ chết đó, họ sẽ là người anh hùng. Cũng như chiến tranh thực chất là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình. Đó là sự thật và đó cũng là lửa tôi rèn cho phẩm chất con người Việt Nam đi qua được bao phen dông gió. Chúng ta đồng cảm và chia sẻ với anh về ý nghĩa nhân văn này.
Như vậy, đây có thể coi là một cuốn hồi ký chân thực của một người lính đã đi qua tận cùng bom đạn, tận cùng yêu thương và căm thù, đã bị thương, đã đi lạc trong rừng cả tuần đến nỗi khi tìm về được đơn vị, vết thương chỉ nhung nhúc những dòi, nhưng vì tất cả độ chân thực đến trần trụi của nó, ta vẫn có thể gọi là một trang nhật ký, nhật ký của người còn sống, dù chỗ này chỗ khác vẫn còn nét vụng về, thô mộc, dàn trải chưa chọn lọc nhưng nó vẫn mang vẹn nguyên sức mạnh đánh động, giá trị truyền cảm như những trang viết của người đã ra đi.
Đó là những con chữ được viết bằng máu, đó thực sự là một bài ca về người lính mà đọc nó, mỗi người chúng ta không thể không ngoảnh nhìn lại những tháng ngày đã qua để tự hoàn thiện mình, để biết mình đang ở đâu và mình đang được thừa hưởng cái gì. Bởi cái giá phải trả cho ngày hôm qua là không thể lường được.
Là một người lính già, tôi xin cảm ơn cuốn sách, cảm ơn người lính Võ Minh đã nói hộ với cuộc đời nhiều điều mà cuộc sống xôn xao này rất cần phải nói.
Chu Lai


MỘT NÉN NHANG - MỘT LỜI RU CHO ĐỒNG ĐỘI
Nhà văn VÕ THỊ HẢO
1
Chiến tranh đã lùi xa về năm tháng. Những tấm huân chương trên ngực người lính đã nằm yên trong ngăn tủ. Vô số những nấm mồ hữu danh và vô danh cũng đã thiêm thiếp ngủ lâu lắm rồi, ở các nghĩa trang hoặc trên từng tấc đất chiến địa. Từng tấc đất trên đất nước này đều thấm đẫm máu xương và nước mắt của người Việt, dù trong những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn hoặc những cuộc chiến tranh Vệ quốc, dù từ phía nọ hay từ phía kia.
2
Những ngôi nhà đã được xây lại. Những cây cầu đổ vì bom đạn cũng đã được nối liền. Nhiều nhà cao tầng mọc lên. Gương mặt những người lính cũng vui buồn hơn trước vô số những nhà cao tầng.
Lòng người ngày nay mơ về những điều khác. Nhịp sống thì gấp gáp. Khát vọng hướng về cơm áo. Nhiều chuyện vui và nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra.
Nhưng những ám ảnh và dư âm hậu chiến còn đó, với những mảng màu sáng tối đan cài, vẫn xao động lòng  người.
3
Người lính, anh là ai?
Phải chăng anh là người đã ra đi, sau những bức huyết thư bằng máu, đón nhận cái chết phía trước như đón nhận một ngày hội? Nhiều người nằm lại vĩnh viễn trên chiến trường. Chiến trường không là ngày hội. Đường ra trận mùa nào cũng không đẹp như người ta nói. Nhưng có nhiều người đã tự nguyện ra đi và tự nguyện đón nhận cái chết.
Người lính sống sót trở về sau chiến tranh. Nhưng hội chứng hậu chiến vẫn ám ảnh suốt cuộc đời họ. Những cơn đau vết thương lúc trái gió trở trời. Những ác mộng đêm đêm về những cái chết và thói quen cảnh giới ngủ một mắt để phòng vệ mãi mãi không bỏ được.
Người lính, anh là ai? Có phải người đã trở nên bình dị sau chiến tranh, giữa những xoay chuyển không ngờ của đời sống?
Và nhiều khi, ta tự hỏi, cũng như hậu thế sẽ luôn tự hỏi về bao điều khác nữa.
Lịch sử sẽ trả lời. Mỗi thế hệ có cách lý giải lịch sử và những bài học rút ra từ lịch sử cũng sẽ khác nhau. Lẽ đương nhiên.
Chỉ biết rằng, đã từng có những con người ra đi không sá gì thân mạng vì một sự nghiệp chung.
Tác giả cuốn sách này - Cựu chiến binh Võ  Minh - cũng là một người như vậy.
4
Mỗi một con người là một vũ trụ thu nhỏ. Mỗi một người lính cũng vậy.
Võ Minh là một người lính đã viết huyết thư để ra trận. Một người từng e ngại khi phải rạch tay để lấy máu viết huyết thư. Nhưng trong chiến trận thì đã không nao núng và lập nhiều kỳ tích.
Anh đã trải qua những trận đánh giáp lá cà ác liệt. Từng trải  qua những cảm xúc cận kề thảm khốc. Từng bị thương nặng với những mảnh đạn hiện còn trong đầu.
Đêm đêm, những mảnh đạn và đồng đội của anh lên tiếng đòi kể câu chuyện của một thời đã qua trong lịch sử, nhưng không bao giờ qua được với những Cựu chiến binh.
Anh đã thuật lại, bằng một giọng văn chân thành, trân trọng
sự thật và người đọc tin những điều anh viết.
Anh đã thuật lại vũ trụ thu nhỏ của anh cách đây mấy chục năm.
Đó là những giao thông hào. Những trận pháo kích. Những trận giáp lá cà. Những  tình quân dân và tình đồng đội. Những xác chết, những người đổ ruột hoặc tan nát thi thể cả bên này và bên kia chiến tuyến.
5
Bằng lối văn giản dị, nửa biên niên sử nửa nhật ký, anh đã khiến người đọc xúc động. Giọng văn anh kiềm chế nhưng có rất nhiều nước mắt nuốt vào trong. Những người được anh đưa đọc bản thảo cảm nhận được những giọt nước mắt ấy.
Và da diết là những tình cảm đồng đội.
Có thể nói tác phẩm này được viết ra như một nén nhang thắp lên trước linh hồn những đồng đội của anh - những người đã nằm lại trên chiến trường, mà do điều kiện chiến tranh, thi thể họ đã không còn ngày về với quê hương bản quán và với người thân.
Và cũng là một khúc hát ru cho những ngày qua bi tráng.
Khúc ca mà tác giả hát kể bằng giọng mộc mạc để ru mình và ru những người khác. Những người mà anh gọi là "Đồng đội".
V.T.H


« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2011, 03:10:55 pm gửi bởi Vo Minh » Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:11:13 pm »

ĐỌC HỒI KÝ LÍNH TRẬN
Nhà thơ, nhà phê bình NGUYỄN THỤY KHA

Không mộng mơ khát vọng như nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, không lãng mạn bi tráng như "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" của liệt sĩ - Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm (NXB Hội Nhà văn 2008), những trang nhật ký trong hồi ký "Có một thời như thế" của người thương binh lính trận Võ Minh lại góp phần giúp ta lật lại điềm tĩnh cuốn lịch chiến tranh mà ở đó mỗi ngày đều gầm rú đạn bom, đều thấm đẫm máu người lính trận.
Sức cuốn hút của hiện thực khốc liệt đã vượt ra ngoài chữ nghĩa, ra ngoài nhịp điệu văn xuôi. Một hiện thực quá vãng buộc hôm nay không bao giờ được lãng quên. Một hiện thực mà dư ảnh của nó vẫn còn vẹn nguyên trong số phận những người lính trận may mắn còn sống sót, nhưng lại phải đối mặt với một hiện thực mới thiếu may mắn mà đa số những người lính trở về phải chấp nhận.
Trong suốt hơn 200 trang hồi ký được dựng lại theo thể nhật ký, gần như không có trang nào không thấy rớm máu, không có trang nào không thấy thủng lỗ chỗ vết đạn bom. Câu chuyện về một trung đoàn bộ binh anh hùng 271 được dựng lại thông qua cảm nhận của một người lính chỉ trong khoảng thời gian hai năm (từ tháng 2.1972 đến tháng 2.1974) mà lại như giúp ta nhận ra toàn cảnh của cuộc chiến đấu một mất một còn kéo dài suốt 15 năm (từ 1960 đến 1975) của những người lính cách mạng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Và cứ cộng lại những hy sinh như thế của tất cả các đơn vị như vậy, đã thấy một chiều cao không đỉnh núi nào sánh bằng, một chiều rộng không biển cả nào đọ được.
Đọc cuốn sách này, ta chỉ cảm thấy đau đau, nghèn nghẹn đâu đó không rõ rệt trong đáy lòng ta. Đấy là sức mạnh nhân văn ghê gớm ẩn sau trang viết. Cũng nhờ sức mạnh chân thật của hiện thực mà ta nhận ra sâu sắc rằng chính trong những đau thương, mất mát ấy, con người VN thời ấy đã tạo ra một tình cảm đặc biệt, đậm đặc gọi là tình đồng đội. Đoạn rất mỏng sau cùng, chỉ có mấy trang thôi sao cứ trĩu nặng lòng ta. Những hy sinh thầm lặng ấy, hôm nay bù đắp thế nào cho đủ, sống thế nào cho xứng đáng?
Để viết ra hơn 200 trang hồi ký này, anh thương binh 81% Võ Minh với bao mảnh đạn còn trong đầu, trong cơ thể đã phải có một nghị lực phi thường, một tình đồng đội phi thường mà không phải ai muốn cũng làm được. Và Võ Minh còn làm thêm một công việc "bếp núc văn chương" nữa là tuyển chọn những bài thơ của các đồng đội, người đã hy sinh, người còn sống, làm thành một tuyển tập thơ mang tên "Bài thơ viết dở" (NXB Hội Nhà văn 2008) song hành với tập hồi ký của anh.
Tất cả họ đều thật xứng đáng khi mang trong mình phẩm chất "anh bộ đội Cụ Hồ". Sau cuộc chiến tranh ác liệt, Võ Minh đã mang bao vết thương, học hành trở thành kỹ sư điện; Hồ Xuân Hùng tốt nghiệp tài chính, nhiều năm làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - hiện là Thứ trưởng Bộ NNPTNT; Trần Anh Phương tiếp tục học đại học, nay là tiến sĩ - Vụ trưởng - Trưởng ban chuyên đề Báo điện tử Đảng Cộng sản VN.
...Không chỉ phấn đấu cho sự vượt lên của chính mình, các anh còn phấn đấu vì nhiều đồng đội thiếu may mắn khi trở về đời thường. Và điều quan trọng nhất là các anh không quên những năm tháng gian nan, những đồng đội một thời máu lửa. Những trang viết, những vần thơ của Võ Minh và đồng đội hàm chứa năng lượng duy trì trong đời sống một ngọn lửa bất diệt, hào hùng của dân tộc ta.


CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ
Võ Minh


Lời Tác giả


Tôi - Một thành viên trong Hội Cựu chiến binh của trung đoàn 271 miền Đông Nam bộ anh hùng. Cách đây 36 năm, nếu tính chính xác là từ ngày 9 tháng 11 năm 1971, gần 3.000 cán bộ chiến sĩ trung đoàn chúng tôi, chủ yếu từ các miền quê Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số nữa là ở các tỉnh khác, rời miền Bắc hậu phương, hành quân cuốc bộ vượt dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, để bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Đông Nam bộ.
Suốt cả một chặng đường dài hành quân, với bao vất vả, khó khăn, gian khổ. Lội suối, trèo đèo, vượt qua những con dốc cao dựng đứng. Tập kích, phục kích, chống càn, chốt chặn, công đồn địch đều từng nếm trải. Bao miền đất lạ chúng tôi đã qua, có rất nhiều đồng đội thân yêu nằm lại đó.
Chiến tranh quá khắc nghiệt, nó đã ngốn đi không biết bao nhiêu con người và sức lực của chúng ta. Chúng tôi muốn quên đi, muốn chôn nó chặt sâu vào dĩ vãng. Mới ngày nào đó, cả trung đoàn 271 cùng hành quân vào chiến trường. Quân đi nườm nượp chen kín mặt đường Trường Sơn. Nhìn về phía trước, phía sau vẫn không thể nào thấy được người đi đầu hay đi cuối đoàn quân.
Quân số lúc đó gần ba nghìn người. Thế mà giờ đây, ngồi điểm lại, không biết có còn được ba trăm người nữa không? Dẫu biết rằng: Sau gần bốn chục năm, có rất nhiều người do vết thương tái phát, hay di chứng của những cơn sốt rét giữa rừng Trường Sơn hoặc một lý do nào đấy đã đưa họ về thế giới bên kia vĩnh hằng. Để về cùng với tổ tiên, về với những người đồng đội, đã mãi mãi nằm lại ở nơi chiến trường xa mà chưa hề được hưởng một giây phút của ngày toàn thắng, hoà bình, thống nhất đất nước.
Nhưng vẫn còn đó, những người bố, người mẹ và những thân nhân của những người đã hy sinh, cả cuộc đời còn lại vẫn khắc khoải trông chờ những đứa con rứt ruột đẻ ra, nuôi khôn lớn, đã ra đi mãi mãi không về. Ngay với tôi, có hai người bạn thân thiết là Trần Ngọc Nam và Trần Văn Hồng, cùng học một lớp thời phổ thông, cùng nhập ngũ một ngày, cùng một đơn vị đi vào chiến trường, vừa mới tham gia chiến trận được một thời gian ngắn, hai anh đã nằm lại trên mảnh đất chiến trường, không còn cơ hội để trở về gặp lại bố mẹ và những người thân nữa. Không thực hiện được lời hứa của mình và lời nguyện ước, mong đợi của người cha, người mẹ trong lần gặp cuối cùng, kể từ ngày chia tay các anh trước lúc lên đường ra tuyến lửa:
- Các con ra đi, chân cứng, đá mềm. Hãy nhớ trở về với bố mẹ! Bố mẹ ở nhà sẽ đợi chờ con!
Thế mà, các anh đã ra đi mãi mãi, để cho bố mẹ già tuổi đã ngoài tám, chín mươi, còn mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo, vẫn  nén chịu bao đau đớn, gồng mình khắc khoải được sống, mong ngóng chờ đợi đứa con của mình trở về…
Như bố anh Hồng lúc chuẩn bị về với tổ tiên, ông đã cố gắng gượng một chút sức lực còn lại, gọi vợ và các con đến, chỉ để trăng trối một nguyện ước cuối cùng:
- Tổ tiên, ông bà đã đến gọi về, bố không còn có điều kiện chờ thêm được nữa. Bà nó và các con cố mà tìm thằng Hồng về nhé…
"Về đi anh!... về cho mẹ yên lòng". Giờ đây, trong ba đứa chỉ còn lại một mình tôi được may mắn trở về sau cuộc chiến, tuy còn phải mang theo mình bảy mảnh đạn đang nằm trong đầu và một số nữa nằm rải rác trong người.
 Mới ngày nào đấy, đồng đội của tôi còn ngồi chật cả một toa tàu chở hàng, từ ga Cầu Giát vào Vinh, trên đường đi vào mặt trận. Giờ đây, khi kiểm lại chả còn được nhiều người nữa? Nếu như bây giờ chúng tôi tập hợp để lại ngồi vào trong toa tàu ngày ấy, sẽ lọt thỏm vào không gian mênh mông đó.
Đơn vị do tôi trực tiếp chỉ huy thời đó có 26 người, chủ yếu thuộc vùng quê huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, số còn lại ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên… Cuối tháng 2 năm 1974, tôi bị thương phải xa anh em ra miền Bắc điều trị, mấy năm gần đây, mới có điều kiện đi về các địa phương và nhờ các CCB nơi đó tìm lại các anh. Vậy mà…!
Đặc biệt, có mười một người trong cùng một xã Nghi Yên (Nghi Lộc, Nghệ An). Đó là các bạn: Định, Phong, Trúc, Nghiêm, Trung, Thanh, Thái, Nhung, Cam, Luyện, Thiện cùng với chúng tôi ở trong toa tàu ra trận ngày nào. Sau cuộc chiến chỉ còn có hai anh được trở về, mà thực ra bây giờ chỉ còn có một.
Người còn lại là CCB Hoàng Văn Trung, đã để lại ở chiến trường năm nào một cánh tay. Cuộc sống đời thường của anh quá nhiều khó khăn, giờ lại càng thêm vất vả, nhưng không khuất phục và đầu hàng đói nghèo, tự mình cố gắng vượt lên, để giành chiến thắng.
Ngay từ những ngày đầu mới ra quân, đã xác định cho mình: Phải cầm bút ôn thi vào đại học. Rồi kết quả đến không phụ sự cố gắng, chịu khó, kiên trì đó, khi trong tay có hai tờ giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Vinh.  Chọn vào học ở trường Vinh để được gần gia đình còn giúp đỡ bố mẹ già yếu. Hiện giờ anh đang là Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Nghi Yên.
CCB Nguyễn Văn Nhung, tuy bị thương còn mảnh đạn ở trên đầu, thế nhưng vẫn thi vào được đại học, rồi sau đó đã trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Anh có nguyện ước là đem kiến thức của mình, để trở về giúp quê nhà đang còn quá nghèo khó. Nhưng nguyện ước ấy giữa chừng đành dang dở, khi vết thương sọ não trên đầu tái phát, để rồi khuất nẻo theo về với anh em đồng đội đang  nằm lại ở những vùng quê xa.
Còn lại chín người nữa đã không được may mắn trở về với bố mẹ, gia đình, mà đành phải nằm lại trên mảnh đất chiến trường xưa. Hài cốt của các anh và cả hai bạn Hồng và Nam, tôi và thân nhân, đồng đội Hội Cựu chiến binh trung đoàn 271 lâu nay vẫn cố gắng kiếm tìm, mãi cho đến bây giờ vẫn chưa có kết quả. Phải chăng, đời người ai rồi cũng trở về cát bụi, trở về với hư vô?
Nhưng cũng có người được trở về, được gặp cha già mẹ yếu và người thân đấy! Song, cả cuộc đời còn lại chẳng có gì gọi là may mắn cả. Nếu như không nói, còn phải gánh chịu một hậu quả đau khổ đến tột cùng, vượt qua ranh giới phải chịu đựng của con người.
Không thể không nhắc đến hoàn cảnh của anh Vũ Văn Mô, quê ở xã Cát Bi (Quế Võ, Bắc Ninh), đã mang trong mình một thứ chất độc được gọi là "da cam" từ thời còn ở chiến trường để lại hậu quả, di chứng cho gia đình. Họ phải sống suốt đời trong hoàn cảnh đau khổ, thương tâm. Cả ba con của anh chị sinh ra đều "sống thì ngơ ngẩn, muốn chết cũng chẳng được". Đứa con trai đầu đi học mãi mà không lên được một lớp. Suốt ngày lầm lỳ, không thốt nổi một lời, thỉnh thoảng lại vô thức nhìn về nơi xa xăm vô vọng.
Còn cháu thứ hai cũng chẳng có gì hơn anh nó. Cũng suốt ngày ngây ngô đập phá mọi thứ vào những lúc cơn động kinh bất ngờ ập đến. Khi  đến tuổi trưởng thành, anh chị đã cưới vợ cho cháu với mong muốn rằng: May ra khi vợ nó sinh con, những đứa trẻ đó may mắn được ông trời thương tình sẽ buông tha, để chúng nó có được cuộc sống bình thường như triệu, triệu người rất bình thường đang sống ở trên đời này, chứ không ngây ngây, dại dại như những đứa con đang còn hiện hữu. Một mong muốn giản đơn và rất chính đáng. Thế mà, tất cả đều đi vào ngõ cụt, khi đứa con thứ hai vừa mới cưới vợ được mấy tháng. Chuyện chỉ xảy ra có một lần, đó là lúc cháu lên cơn động kinh đã không thể nào kiểm soát được bản thân, để rồi kết liễu đời mình bằng một đoạn dây thừng oan nghiệt. Còn cô con gái út tuy đã lớn tuổi, nhưng người vẫn gầy nhom, hai tay co quắp, run run, giật giật. Lúc nào cũng ngây ngô, ngơ ngẩn, nước dãi rớt xuống đầy ngực, suốt ngày chỉ ngửa mặt lên trời cao để cười một mình. Cháu vô tri đến cái tên của mình là gì cũng không biết.
Cái cùng cực của tâm can và thể xác đã đến tột đỉnh, dồn ép lên những năm tháng cuối đời của họ. Bức bối quá, có lần anh Mô nghẹn ngào tâm sự:
- Các anh biết đấy, những ngày vượt Trường Sơn bao gian khổ, mang vác nặng, chịu đói lội suối băng đèo, trong chiến đấu không biết bao nhiêu lần phải nằm trong mưa bom, bão đạn, thế mà tôi vẫn chịu được và đã trở về đây. Còn… bây giờ, các anh thấy không? Làm sao có thể chịu thêm được nữa? Giá… giá như ngày ấy ở chiến trường…  được chết đi, như nhiều đồng đội mình, thì ngày nay đỡ đau lòng… Vợ tôi có tội tình gì, mà phải dính dáng chuyện này? Sao lại bắt cô ấy phải gánh chịu chứ?...
Trước tình cảnh đó, các anh Lâm, Kiệm, Tân … trong Hội Cựu chiến binh trung đoàn 271, đã tìm mọi cách giúp cháu vào làng Hoà Bình Thanh Xuân, Hà Nội.
Chính vì, chúng tôi là những đồng đội, tình bền chặt gắn kết đã có một thời cùng vào sinh ra tử, sống chết cùng nhau, đã từng không đắn đo giành cái nguy hiểm, gian khổ về mình, đã từng cứu mạng nhau, liều chết cõng nhau vượt qua làn bom đạn địch.
...Thủơ ấy, lũ chúng tôi
Coi nhau như ruột thịt
Ngọt bùi cay đắng cùng chia
Viên thuốc cuối cùng, giọt nước cuối cùng, người nọ dúi người kia
Cao cả thiêng liêng thay, tình đồng đội...
(Bài thơ viết dở)(1)
Làm sao có thể ngồi yên, dửng dưng mà sống được, khi những thân nhân liệt sĩ và nhiều đồng đội đang phải gánh chịu những hoàn cảnh khó khăn, trớ trêu như vậy.
Vì lẽ đó, sau một thời gian trở về đời thường, chúng tôi, đã tự nguyện tập hợp nhau lại, thành lập ra Hội Cựu chiến binh của trung đoàn 271 Anh hùng.
Là những người may mắn, "sót sổ" được trở về chẳng còn nguyên vẹn sau chiến tranh. Mỗi người một quê, mỗi đứa một nghề trong cuộc sống mưu sinh còn đầy vất vả. Như trong một bài thơ của anh Lê Cường(1) đã viết:
Đồng đội tôi sau chiến tranh
Phần lớn về quê làm ruộng
Một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
Đói no tuỳ lúc, tuỳ nơi…

« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2011, 03:12:23 pm gửi bởi Vo Minh » Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:11:58 pm »

Thực ra, sau cuộc chiến trở về, trong anh em đồng đội chúng tôi có  nhiều người thành đạt, đã và đang đảm nhận những trọng trách quan trọng do Nhà nước giao phó.
Như CCB Hồ Xuân Hùng, là người bạn đồng ngũ của tôi ở một tiểu đoàn huấn luyện. Anh nguyên Chủ tịch tỉnh Nghệ An, hiện nay đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Anh Hà Văn Thái là đại đội trưởng của tôi ngày nào, sau này là đại tá, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô. Hiện về nghỉ hưu tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội,v.v…
Rồi còn có CCB nguyên là đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Máy và Công cụ Công nghiệp là anh Trương Hữu Chí…
Ngoài ra, còn có nhiều CCB tuy trong mình còn mang rất nhiều vết thương của chiến tranh, nhưng khi vừa rời cây súng, trở về đời thường đã vội cầm bút, ngồi trên các giảng đường đại học, rồi sau đó trở thành những kỹ sư, tiến sĩ, nhà giáo, nhà khoa học và những doanh nhân thành đạt, như anh Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu Cà phê Tây Nguyên. Doanh nghiệp được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, với sản lượng cà phê xuất khẩu chiếm 20% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Cho dù hiện nay thế hệ chúng tôi không còn trẻ nữa, khi về với đời thường mỗi người một phận, sang hèn sướng khổ khác nhau, nhưng tất cả đều luôn nhớ về những người đã cùng một thời "vào sinh ra tử", và rồi phải nằm lại nơi chiến trường xa.
Từ đó đến giờ đã lâu, lớp bụi thời gian càng phủ dày theo năm tháng, nơi các anh đang nằm lại quá xa, cảnh vật ở đó bây giờ đã khác đi rất nhiều. Nhưng các cựu chiến binh chúng tôi, những người ở khắp mọi miền đất nước đã và đang kiếm tìm, lượm lặt mọi thông tin để cùng gia đình đưa hài cốt các anh về nơi quê nhà yên nghỉ.
Con số 50 liệt sĩ của trung đoàn 271 đã được tìm về với người thân, dẫu rằng rất ít so với con số liệt sỹ còn nằm ở nơi xa xôi ấy. Nhưng dù sao, đây cũng là phần thưởng không nhỏ cho sự cố gắng không mệt mỏi của Hội CCB chúng tôi.
Trong những chuyến đi tìm đồng đội ở chiến trường cũ, phải kể đến anh Nguyễn Lâm(1), là Trưởng ban liên lạc CCB của trung đoàn 271 ở phía Bắc.
Đã có lần anh  đi tìm đồng đội cùng thân nhân liệt sĩ. Cũng có nhiều lần chỉ đi một mình cùng với một vài người trong Hội CCB chúng tôi, để đi đến những vùng đất năm xưa, dò hỏi những manh mối thông tin.
Trong những chuyến đi đó, cũng có rất nhiều chuyện cảm động, vui, buồn. Đấy là chuyến đi tìm con của mẹ Soi (mẹ của liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng).
Thực ra, khi Thắng hy sinh, đồng đội trong đơn vị đã không tìm thấy thi thể để đem về quy tập. Chúng tôi cứ giấu mẹ mãi chuyện này, nhưng cuối cùng đành thú thực về hoàn cảnh anh hy sinh. Sau nhiều đêm trăn trở, mẹ đề nghị:
- Các con cho mẹ vào nơi Thắng nó nằm, mẹ muốn thăm
nơi ấy.
Anh Lâm thay mặt anh em đưa mẹ vào thăm lại chiến trường xưa. Nơi đó giờ đã thay đổi nhiều. Cánh rừng đại ngàn năm
nào của huyện Đắk RLấp, hiện nay là cánh rừng cà phê đang trổ đầy hoa màu trắng. Hương thơm man mát, dịu ngọt lan toả khắp cả một vùng.
Phải chăng đấy là hương thơm linh thiêng tình mẫu tử, tình đồng đội của Thắng và những người bạn thân yêu đang nằm đâu đó, toả ra để đón mẹ và bạn bè đến thăm?
 Lâm chỉ nơi Thắng đã hy sinh, mẹ đứng tần ngần, lặng yên, rồi từ từ ngồi xuống; lặng lẽ rút ra một mảnh vải đỏ.
Thật bất ngờ, mẹ vun đất lại, bốc từng nắm…, từng nắm… bỏ vào mảnh vải rồi gói lại, sau đó đứng dậy, mắt hướng nhìn về nơi xa xăm ấy, khấn thầm để gọi Thắng về… Nước mắt lưng tròng mẹ đưa gói đất cho Lâm:
- Con đưa nó về cho mẹ…
Lâm và mọi người không cầm nổi nước mắt, anh ngậm ngùi làm theo ý mẹ, mang gói đất về thờ tại gia đình - khu tập thể Viện Quân y 108, Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Nước mắt nhoà run rẩy bàn tay
Gói nắm đất nơi anh ngã xuống
Nâng niu như bế con thời bú mớm
Mẹ đưa anh về nơi anh sinh ra
Về đi anh đất đã nở hoa
Cuộc sống hôm nay có anh trong đó
Vẫn là anh, mãi thời trai trẻ
Về đi anh!…Về cho mẹ yên lòng.
(Bài thơ "Về đi anh" của anh Hoàng Liêm CCB E271
kính tặng mẹ Soi)
Nói đến chuyện đi tìm đồng đội của Hội CCB chúng tôi, không thể quên được tấm lòng cao đẹp của anh Cao Phong Nhã, công nhân xưởng URE, Công ty Đạm Hà Bắc, quê ở Xuân An, Xuân Phúc (Yên Dũng, Bắc Giang).
Khi vừa được nghe thông tin: ở nghĩa trang Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông có tên các liệt sỹ Hiếu, Thoa, Khải, Thành - anh đã vội thông báo ngay với các gia đình liệt sỹ, để rồi sau đó cùng với vợ chồng anh Lâm đến gia đình đón mẹ Tráng (mẹ của liệt sỹ Đỗ Mạnh Hiếu quê Bắc Giang) tức tốc vượt hàng nghìn cây số đến Đắc Nông tìm mộ liệt sỹ.
Giờ đây, cả chặng dài dằng dặc như vậy, mọi người không thể đi bộ như năm nào được. Muốn đi phải có tiền? Nhưng lấy tiền ở đâu? Gia đình anh còn rất nghèo, nói chi là dư thừa.
Để có tiền đi được cùng với mẹ Tráng, ban đầu anh lên Công ty trình bày hoàn cảnh để rồi xin ứng hai tháng lương. Nằn nì, cầu cạnh mãi, cuối cùng cơ quan nơi làm việc cũng giải quyết ứng trước cho một tháng lương. Số tiền này không thể đủ trang trải cho chuyến đi được. Không một chút chần chừ, anh gọi người đến bán luôn hai con lợn đang trong thời kỳ lớn nhanh. Tiền vẫn thiếu, cố gắng lục lọi hết mọi thứ trong nhà để bán, nhưng chẳng có thứ gì còn giá trị... Mồ hôi đầy người, ướt đẫm cả chiếc áo lính màu xanh đang mặc. Anh đứng tần ngần một lúc mà không nghĩ ra được phương án giải quyết nào. Bất ngờ, chợt nhớ ra còn một thứ có thể bán được, đó là bốn sào lúa non đang đến thời kỳ trổ bông ở ngoài đồng.
- Thôi! Mẹ nó và các con thứ lỗi cho bố nhé, bố chỉ bán có hai sào thôi. Biết rằng, mùa này cả nhà ta sẽ đói, mẹ nó và các con ráng chịu vậy. Gia đình ta còn có bố, có mẹ và các con là hạnh phúc lắm rồi. Chứ những người đồng đội của bố, chỉ có một mình bao năm nằm phơi nắng, phơi sương ở giữa rừng sâu không trở về. Bố phải đi vào trong đó để tìm các bạn đây!
Thật là cao cả thiêng liêng thay tình đồng đội, không có lời nào nói hết được tình cảm cao quý này.
Chính những hành động, những việc các anh đã làm "vì tình đồng đội", đã thôi thúc tôi cầm bút ghi lại những giờ phút vui, buồn, những tình cảm anh em, đồng đội thân thương trước cái "Sống" cái "Chết" trong những trận chiến đấu với quân địch mà tôi đã chứng kiến. Về những giờ phút cuối cùng của bạn bè tôi trước lúc hy sinh ngã xuống cho sự nghiệp hoà bình, thống nhất nước nhà này.
Tôi viết cho đồng đội CCB Trung đoàn 271 anh hùng, và những ai đã có một thời tham gia chiến đấu trên các chiến trường năm nào, hiện đang còn sống. Để nhớ về một thời chiến tranh, một thời máu lửa mà cả dân tộc ta đã trải qua.
Trong những câu chuyện, những sự việc đã xảy ra của tôi và những bạn bè, về một thời trai trẻ ở lứa tuổi hai mươi dưới đây. Sẽ đề cập đến một ít tư liệu của các liệt sỹ, có tên, quê quán và nơi các anh hy sinh mà tôi được biết, để cho những ai quan tâm tới những vấn đề này, khi đọc trong cuốn sách có tên đó, mong rằng: Hãy thông báo cho các gia đình thân nhân liệt sỹ biết.
Xin cảm ơn!
Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2007
VÕ MINH
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:13:57 pm »

ĐƯỜNG VÀO

I. TRÊN ĐƯỜNG HẬU PHƯƠNG21-10-1971
Hôm nay là ngày đặc biệt, điểm mốc ghi nhớ nhất của đời lính tân binh chúng tôi. Đó là ngày cả tiểu đoàn 5, trung đoàn huấn luyện 22 thuộc quân khu 4, nhận được lệnh chuẩn bị lên đường ra chiến trường chiến đấu.
Vậy là sau 10 tháng huấn luyện vất vả, chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi trên thao trường, đã trải qua hết các bài học về kỹ thuật, chiến thuật cá nhân độc lập chiến đấu, đến chiến đấu theo đội hình tổ 3 người, tiểu đội, trung đội, đại đội... rồi đến các bài tập chiến thuật đánh ở địa hình rừng núi, đồng bằng, đô thị...
Lần này, cả đơn vị nhận nhiệm vụ đi chiến trường, chắc chắn đây là sự thật. Suốt trong thời gian huấn luyện vừa qua, chúng tôi đã có mấy lần được thông báo lên đường ra trận. Nhưng sau đó được hoãn ở lại tiếp tục huấn luyện.
Tuy vậy, sau khi nhận được tin tôi thật sự cảm thấy đột ngột và bối rối, mặc dù trước đó cả một thời gian dài trên thao trường tập luyện, ai ai cũng sẵn sàng chờ đón giờ phút này.
Nằm trong biên chế tiểu đội 7, trung đội 3, đại đội 18 (C18) tiểu đoàn 5(K5), có anh Trần Kim Trọng quê ở Yên Thành - Nghệ An là tiểu đội trưởng. Tôi có hai người bạn thân đồng quê, đồng niên, đồng tốt nghiệp cấp ba, đồng ngũ và đồng đơn vị huấn luyện. Đó là: Trần Văn Hồng và Trần Ngọc Nam. Đây là những người bạn luôn luôn bên cạnh, động viên an ủi tôi trong những ngày tháng huấn luyện gian nan, khó khăn vất vả, đói khổ ngỡ như mình không thể vượt qua được.
Thời gian huấn luyện của chúng tôi được lập trình rất chặt chẽ không còn một chút khe hở nào. Lịch làm việc cho từng cá nhân hàng ngày, từ 5 giờ 30’ sáng đến 9 giờ tối được xếp kín mít, rất khắt khe, chính xác đến từng phút. Mọi hoạt động được tính toán sắp xếp gần như một cái máy, từ vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đi ra thao trường huấn luyện về ăn trưa. Rồi lại ra thao trường về ăn tối. 19 giờ 30 cho đến 21 giờ hàng ngày, dành cho các hoạt động hội họp: Tổ ba người, tiểu đội, trung đội, đại đội, Đoàn Thanh niên, tổ Đảng, chi bộ, văn hoá văn nghệ. 21 giờ điểm danh đi ngủ cho đến 5 giờ 30 sáng hôm sau. Có lẽ, ai cũng nghĩ rằng, thời gian tự do của chúng tôi chỉ còn lại ở trong giấc ngủ về đêm. Nhưng không! Trong những đêm tưởng như yên tĩnh đó, mọi người nằm ngủ luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Có thể tỉnh giấc bất kỳ lúc nào khi nghe hiệu lệnh báo động hành quân tập trận trong đêm. Điều này xảy ra thường xuyên liên tục trong suốt cả một thời gian dài huấn luyện.
 Còn hằng đêm, ai nấy đều phải luân phiên thay nhau thức canh gác đơn vị. Đấy là nhiệm vụ được giao cho từng cá nhân cố định hàng ngày.
Thời gian trong cả một tuần, chúng tôi chỉ được tự do từ sau 21 giờ ngày thứ bảy cho đến trước 21 giờ ngày chủ nhật hôm sau. Tuy nói là tự do, nhưng không một ai được phép rời xa khu vực đơn vị đóng quân.
Những tháng đầu sau ngày nhập ngũ, tôi thầm nghĩ mình không thể nào vượt qua đời quân ngũ được, bởi khó khăn, đói khổ. Khẩu phần ăn bị cắt giảm gần một nửa số gạo 7 lạng được cấp phát mỗi ngày mà không hẳn là gạo, vì mỳ và ngô chiếm gần một nửa rồi.
Chúng tôi là những chàng trai trẻ, còn đang tuổi ăn tuổi ngủ, thế mà đêm đêm chả ai ngủ được do cái đói cứ hành hạ dai dẳng. Đã vậy, còn phải chịu đựng áp lực về công việc và khống chế thời gian. Bị kiểm soát đến cả những chuyện riêng tư của mình ở mọi lúc mọi nơi. Thể xác và tinh thần tôi rã rời căng thẳng, lúc nào cũng như muốn nổ tung ra.
Đâu đây đã có người rủ nhau đào ngũ. Đó là Hương và Hưng trong cùng đại đội. Đặc biệt là Hương, mấy lần cậu ta bỏ về, đơn vị chúng tôi phải tổ chức đi tìm ở địa phương cũng như gia đình ở quê.
Mọi người nhiều lần động viên cũng như các tập thể đã kiểm điểm, rồi cuối cùng Hương ở lại đơn vị, không còn đào ngũ như trước nữa. Chỉ có một điều: Từ thời gian đó cho đến lúc chúng tôi chuẩn bị lên đường ra mặt trận, cậu ta kiên trì nhịn ăn thường xuyên. Đến bữa ăn, Hương chỉ uống một ít nước cơm, hoặc húp một ít cháo.
Tôi thật sự khâm phục sự kiên trì "tự chịu đói" này. Bạn bè tìm mọi cách chiều chuộng, động viên cậu ta ăn một chút gì để đảm bảo sức khoẻ, nhưng tất cả đều thất bại vì sự cứng đầu, lì lợm đó.
Giờ đây, từ một thân xác to khoẻ, cậu ta tóp lại như một xác ve, đi đứng phải chống gậy, dò dẫm, thất thểu như người mất hồn, bạn bè thấy thế ai nấy đều ái ngại.
Còn chúng tôi đến giờ phút này, đã vượt qua cả một chặng đường dài huấn luyện khó khăn gian khổ. Đến hôm nay nhìn về vùng đồi núi rộng lớn bao la, xung quanh ngã ba Tuần Tam Lệ một màu đỏ rực đất đỏ bazan, bởi những giao thông hào ngoằn ngoèo, tầng tầng, lớp lớp, những ụ lô cốt được xây dựng nổi lên cao ở trên đồi.
Để có những thành quả này, tất cả chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực. Kể cả máu đã thấm vào đất bazan này. Đó là lần tiểu đội Trần Ngọc Nam đào giao thông hào và xây dựng lô cốt trên đồi gặp phải tảng đá mồ côi to tướng.
 Giữa mùa hè trời nóng như thiêu như đốt, trên ngọn đồi trọc không một bóng cây, gió Lào thổi về nóng hầm hập, chúng tôi ai nấy mặt mày đỏ rực, mồ hôi vừa thấm đẫm áo, giờ đây khô cứng như chiếc mo nang sau lưng. Nam cầm chiếc búa tạ cán dài cùng với một người nữa với chiếc kẹp tre có gắn chiếc đục sắt ở đầu, đặt vào kẽ nứt của hòn đá để đánh búa. Hòn đá lỳ lợm đứng yên được một lúc rồi vỡ đôi ra. Ngay sau đó, Nam loạng choạng ngã chúi xuống, đầu đập vào vách đá ngất xỉu. Một mảng da đầu bật ra, máu chảy đầm đìa. Mọi người đứng gần vội vàng xúm lại, xốc dậy, nhưng cậu ta vẫn không tỉnh, da mặt trắng bệch. Hồng đã lấy tay giữ chặt vết thương, không cho máu chảy ra. Cũng ngay lúc đó, một nắm thuốc lào của ai đã chuyển tới kịp thời đắp ngay vào mảng đầu còn trào máu. Chúng tôi bế cậu ta nằm ngay dưới đoạn giao thông hào vừa đào, tìm mọi cách che nắng phía trên. Người thì lấy nước đổ vào khăn lau mặt rồi dấp dấp lên đầu, người thì lấy mũ, áo của mình quạt gió và gọi y tá đến cấp cứu.
Phải đến 10 phút sau, Nam mới tỉnh hẳn, sắc mặt giờ đã hơi hồng trở lại, đôi mắt đã mở to nhưng còn rất đờ đẫn. Tất cả mọi người ai nấy đều vui mừng và thở phào nhẹ nhõm. Vậy là, thần chết đã không kịp đưa cậu ta đi cùng.
Giờ đây, chúng tôi đang hoàn thành những công việc cuối cùng là xây nhà doanh trại mới, để kịp thời bàn giao lại cho lớp tân binh kế tiếp.
Tranh thủ thời gian đơn vị hành quân từ doanh trại mới về nơi ở, khi qua bưu điện ngã ba Tuần Tam Lệ, tôi vội gửi một bức điện tín, đã ghi sẵn nội dung và địa chỉ người nhận vào mẩu giấy nhờ cô nhân viên bưu điện, gửi về kịp thời cho cha mẹ ở quê, để biết ngày chúng tôi lên đường ra mặt trận.

22-10-1971
Kể từ đêm hôm qua trở đi, tất cả chúng tôi đều phải “án binh bất động” trong doanh trại. Các ngõ ra vào Quỳnh Châu (địa phương nơi đóng quân) đều có các chốt gác kiểm tra của vệ binh và kiểm soát quân sự, không cho phép một ai đi ra hay đi vào khu vực đóng quân của đơn vị.
Công việc của anh em lúc này là: sinh hoạt chính trị phát động thi đua giữa các đơn vị với nhau. Viết quyết tâm thư lên đường ra mặt trận bằng chính máu của mình, rồi nhận vũ khí quân trang, thuốc men, lương thực thực phẩm theo tiêu chuẩn và cơ số của những người đi chiến trường.
Thời gian còn lại quá ít, nhưng số lượng đầu việc phải hoàn thành là rất lớn chiếm hết cả tâm tư của tôi. Nhiều lúc không có thời gian để nhớ về cha mẹ, anh chị ở nhà nữa.
Bố tôi đã 71 tuổi và yếu, còn mẹ 64 tuổi là lão thành cách mạng từ hồi thập niên ba mươi, giờ đây mang trên mình đầy bệnh tật. Anh cả là cán bộ giao thông, hiện đang khảo sát mở đường bộ giúp Lào. Anh thứ hai sau những năm tháng tham gia xây dựng nông trường Bãi Phủ phía Tây Nghệ An, bị ngã nước, mang bệnh phù thận phải về nhà điều trị. Còn tôi là con út trong gia đình.
Hai anh em phải đi xa, ở nhà còn lại bố mẹ già yếu và một người anh bệnh tật. Cả nhà chỉ trông chờ vào những thửa ruộng cát bạc màu, đất đai bị phong hoá rất nhanh. Đã vậy, sức lao động cũng là một vấn đề nan giải cho gia đình. Tất cả chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con
lối xóm.
May mà thời gian này, chiến tranh đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ đã ngừng được vài năm. Nếu như,  chưa được hoà bình, thì những khó khăn này không biết sẽ đến mức nào?

23-10-1971
Buổi sáng nay, đơn vị phát quân trang, thuốc men, vũ khí đạn dược. Tính ra từng người nhận được hơn 30 thứ, từ súng, đạn, quần áo, chăn, màn,... cho đến những viên thuốc Nivaquyn phòng, chống sốt rét, nước cất, kim chỉ... Tất cả những thứ đó, đảm bảo cho chúng tôi sống và chiến đấu độc lập trên một địa hình từ rừng núi đến đồng bằng, đô thị trong một thời gian dài.
Đầu giờ chiều nay là hạn cuối cùng của mọi người đi B (đi chiến trường) phải nộp bản "Quyết tâm thư" bằng máu. Với tôi, nói đến chuyện lấy máu để viết là cảm thấy ghê ghê và sợ đau. Điều đó cũng đúng thôi, bởi từ lúc còn nhỏ, lớn lên cho đến bây giờ chưa khi nào biết ăn roi vọt, vì là con út trong nhà được mọi người cưng chiều nhiều. Giờ đây phải lấy dao hay cái gì đó tự chọc vào tay cho ra máu. Vừa mới nghĩ đến đó cả người đã run lên, thấy đau lắm rồi. Nhưng nội dung cuộc họp của cả đơn vị chiều hôm qua, mình đã giơ tay biểu quyết rồi. Không thể thoái thác được, buộc phải nghĩ cách.
Trong lúc này, Nam, Hồng và hầu như tất cả mọi người trong đơn vị vừa hoàn thành xong bản Quyết tâm thư bằng máu của mình. Tôi tìm gặp Nam cầu cứu.
- Cậu nhát gan thế, cứ nhắm mắt lấy lưỡi lam cứa vào đầu ngón tay một tý là xong, không có đau đâu!- Nam cười hềnh hệch nói.
- Nhưng Minh sợ đau lắm!- Tôi kêu lên.
- Cậu xem, Hồng ở đâu? gọi nó lại đây! – Nam nắm chặt tay tôi nói.
Bất chợt, đầu ngón tay đau buốt, theo phản xạ tự vệ, tôi rụt tay lại.
- Việc này như vậy là xong, cầm lấy cây bút lá tre này mà viết nhanh lên. Mọi người hoàn thành hết cả rồi đấy. Tớ ngồi đây đợi cậu, rồi hai đứa ta cùng đi nộp.
Tôi cứ loay hoay mãi vẫn không kết thúc được bản quyết tâm đó vì máu ở đầu ngón tay chảy ra quá ít. Thấy thế, Nam ghé vào tai  nói nhỏ:
- Hãy lấy máu tớ mà viết.
Vết cắt sâu trên đầu ngón tay cậu ta đã khô, nhưng vừa mới bóp nhẹ, máu đã chảy ra rất nhiều. Bản Quyết tâm thư của tôi như vậy đã hoàn thành, nhưng vết cắt trên tay Nam vẫn còn ri rỉ máu...
24-10-1971
Buổi sáng, trên những con đường lớn, ngõ nhỏ của xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) rợp kín cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng hai màu đỏ và xanh da trời. Nổi bật nhất là màu xanh áo lính và chiếc mũ tai bèo ở trên đầu, đặc trưng riêng của người chiến sĩ giải phóng.
Chúng tôi ra đi, chưa thể hình dung được những gì đang đợi ở chiến trường, chỉ mường tượng qua những câu thơ và nghĩ rằng đó là nơi sống chết nhưng cũng tưng bừng và lãng mạn như một ngày hội:
Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
...
Ôi chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh
Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc
(Bài ca Xuân 68 - Tố Hữu)
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:16:22 pm »

Chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ nữa, cả đơn vị tôi sẽ lên đường đi vào chiến trường miền Đông Nam Bộ được gọi là B2, tôi sẽ xa những người thân, người dân miền Bắc hậu phương yêu dấu mà không hẹn được ngày trở về. Làm sao mà vui lên được.
Sắp đến bữa cơm kết thúc trên mảnh đất Quỳnh Châu này. Trong lòng mọi người ruột gan đều như lửa đốt. Tất cả đang tập trung hướng ra con lộ lớn chạy qua, nơi con đường đất nối vào làng, trông chờ cha mẹ, anh chị và người thân từ quê nhà lên đây gặp để chia tay tạm biệt lần cuối cùng.
Không biết cha mẹ mình có ai đi đến đây không? Tôi rất sốt ruột, nóng lòng thấp thỏm đi ra đi vào ngóng đợi. Tâm trạng cứ rối bời, nỗi nhớ cha mẹ gia đình tràn ngập hết trong lòng. Giá như, giờ lên đường ra mặt trận hôm nay, được lùi lại thêm một thời gian nữa thì hạnh phúc biết bao.
12 giờ 30 phút, chúng tôi kết thúc bữa trưa, nhưng suốt cả thời gian đó chả ai ăn được mấy. Mặc dù, bữa cơm liên hoan chia tay cuối cùng hôm nay, đơn vị đã chuẩn bị rất chu đáo, có nhiều món mà cánh lính háu đói lâu nay vẫn mơ ước. Thế mà trong miệng cứ nhạt nhẽo, khi nuốt thức ăn vào trong họng cứ nghèn nghẹn, nghèn nghẹn.
Thời gian còn lại ở nơi đây không còn nhiều nữa. Đúng 2 giờ chiều, cả đơn vị phải hành quân rời xã Quỳnh Châu về ga Cầu Giát cho kịp chuyến tàu đi Vinh tối nay rồi.
1 giờ kém 10 phút chiều, tiếng hò reo của anh em đồng loạt vang lên. Khi ngoài đường lớn xuất hiện một nhóm người già trẻ, gái trai tay xách nách mang, đang đi vội vàng về hướng đầu làng giữa cái nắng trưa rám trái bưởi này. Không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt ùa chạy ra đón những người thân.
Đây rồi! Mẹ tôi, một người mẹ già, dáng gầy guộc, bé nhỏ, mặt đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, đang cố sức gồng mình lê những bước chân nặng nề, mệt nhọc, vì đã phải vượt bộ quãng đường dài hơn 12 km từ ga Cầu Giát đến đây, qua con đường đá lởm chởm, trên vai còn khoác một túi to nặng là quà dành cho tôi và các bạn mang theo trước lúc lên đường. 
Khi chỉ còn một khoảng cách không xa, mẹ nhoài người lao lên ôm lấy tôi, nước mắt chảy dài, giàn giụa trên hai gò má. Không nói được lời nào, tôi cố kìm mình không bật khóc, để làm yên lòng mẹ.
Mẹ chỉ thốt lên được một từ "Con…" và không nói thêm được lời nào rồi ôm chặt lấy tôi, chiếc túi trên vai rơi xuống đất lúc nào mà không hề hay biết.
Về đến nơi nghỉ, sau một lúc tôi mới ngập ngừng hỏi thăm về chặng đường đi vất vả, gian nan của mẹ, cũng như sức khoẻ của bố và mọi người ở nhà. Mẹ đã động viên an ủi tôi giữ gìn sức khoẻ và cố gắng trở về, mọi người ở nhà sẽ chờ đợi.
Hai mắt cay xè, nỗi nhớ thương bố mẹ tràn ngập trong tôi. Giá như chiến tranh không xảy ra, chúng tôi đâu vất vả, đâu phải gặp cảnh chia ly như bây giờ.
Đúng ra, mẹ và những người thân đã đến đây rất sớm. Nhưng tất cả lỗi đều do tàu đến ga muộn cả hàng tiếng đồng hồ.
Biết giờ này mọi người rất đói, chị Phi chủ nhà và bạn bè nhốn nháo tìm cơm và thức ăn tập trung lại để dùng tạm, vì thời gian còn lại ở đây rất ít, không đủ để chuẩn bị bữa ăn mới.
Giờ tập trung hành quân lên đường ra mặt trận đã đến. Tất cả đường làng ngõ xóm đều phủ một màu xanh lá cây áo lính, xen lẫn đủ màu sắc áo quần của các bà con cô bác, các chị, các anh, các em và các cháu thiếu nhi ở vùng trung du đồi núi này. Để tiễn biệt và chúc chúng tôi chiến thắng bình an trở về. Mặc dù trong lòng ai cũng hiểu rằng: Phải rất may mắn mới có thể thoát ra được từ lò lửa chiến tranh khốc liệt đó.
Cả một không gian thật sự ồn ào náo động với đủ dạng âm thanh tiếng nói, tiếng khóc, tiếng cười và tùng, tùng theo nhịp trống ếch.
Tiểu đoàn 5 hành quân theo đội hình tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội, hướng về ga Cầu Giát. Mẹ tôi và những người thân của bạn bè, đồng đội vừa đến đây đều rất mệt mỏi. Chưa được nghỉ để lại sức sau chuyến đi dài, lại phải cùng theo đơn vị hành quân cuốc bộ vượt qua bao dốc đèo, trên con đường đá lởm chởm gập ghềnh trở về nhà ga đi tàu xuôi vào Vinh.
Nhìn dáng đi thất thểu mệt nhọc của mẹ, thỉnh thoảng phải chạy đuổi theo đoàn quân đều đều nhịp bước, lòng tôi lại quặn đau vì xót xa, thương nhớ. Có lẽ, cái khổ đau nhất của người làm cha mẹ là những giờ phút trực tiếp chia tay những đứa con của mình rứt ruột đẻ ra, bây giờ lên đường không hẹn ngày trở về.
Tất cả vì chiến tranh đã dồn cái khổ đau cùng cực, khắc khoải trông chờ luôn luôn phải nén chịu vào thân già gầy yếu mong manh này.
Giá như chiến tranh không xảy ra, các thế hệ chúng tôi và mọi người sống trong hoà bình sung sướng và hạnh phúc biết chừng nào. Qua những cuộc chia tay này, tôi mới hiểu hết giá trị đích thực: Thế nào là hoà bình, hạnh phúc, thế nào là tự do.
4 giờ 30 phút chiều, chúng tôi đặt chân đến ga Cầu Giát  nghỉ đợi tàu, nhưng ngồi nghỉ theo đội hình. Chỉ có khác là cả đại đội, mọi người dồn gọn vào một khu vực, không kéo dài lê thê như trước.
Được nhà ga thông báo, tàu hôm nay về muộn thêm mấy tiếng đồng hồ nữa. Đây là cơ hội còn lại để hai mẹ con tôi được gần nhau thêm một thời gian.
Mẹ ngồi cạnh tôi, hai chân sưng đỏ sau một chặng đường dài cuốc bộ, gần như liên tục cả hai chặng đường đi và về giữa ga Cầu Giát đến ngã ba Tuần Tam Lệ. Tôi biết mẹ rất mệt mỏi, nhưng vẫn cố nén chịu và quên nỗi đau về thể xác ấy, vì cái đau trong lòng mẹ giờ đây còn lớn hơn rất nhiều. Hai tay mẹ ôm lấy tôi, xoa xoa đôi vai còn sưng đỏ từ ngày đầu hành quân mang vác nặng và dịu dàng động viên an ủi. Tôi gục đầu vào lòng, mẹ nghẹn ngào ôm chặt lấy tôi, cái ôm chặt đó nói lên bao nỗi niềm đau đớn nén chịu trong lòng, muốn được giữ chặt đứa con yêu quý bên cạnh mình mãi mãi.
- Cha và anh ở nhà có khoẻ không mẹ? - Tôi ngập ngừng hỏi.
- Cha và anh vẫn bình thường. Cha muốn được gặp con lắm, nhưng đợt vừa rồi lên thăm , sau đó về nhà chân vẫn còn đau nên không đi được. Cha mẹ và anh cùng bà con ở nhà chúc con lên đường mạnh khoẻ. Mong con bình an trở về nhà…
- Cha mẹ, anh và mọi người ở nhà nhớ giữ gìn sức khoẻ. Hãy cố đợi con về…!
Nỗi nhớ trong lòng xâm chiếm hết cả tâm trí tôi, đầu óc mụ mẫn không nói thêm với mẹ được một lời an ủi, động viên nào.

25-10-1971
Gần 3 giờ sáng, chúng tôi mới lên tàu để về Vinh. Trời đêm đen kịt, gió lạnh lùa qua ô cửa sổ hun hút, nhưng chẳng một ai ngủ được, có chăng chỉ gật gù chập chờn trong giây lát.
Trong toa tàu, ánh sáng vàng đục của những chiếc đèn bão (đèn dầu hoả) treo lủng lẳng trên đầu, hắt bóng chúng tôi xô đẩy tứ tung, như trong lòng tôi giằng xé bộn bề, lúc nào cũng như muốn vỡ bung ra hàng ngàn mảnh.
Không gian càng trở nên nặng nề và huyền ảo. Tiếng rì rầm trò chuyện của mọi người, tiếng xình xịch của tàu chạy đang từng phút xuyên qua lòng hậu phương đưa chúng tôi ra mặt trận.
Tôi đưa mắt nhìn xung quanh thấy ai nấy đều còn thức cả. Một số bạn bè không có người nhà đến thăm, lúc này
 đang chuẩn bị một gói quà bọc kín, hay là một phong bì thư dày cộm, bên trên đã ghi rõ, đầy đủ tên và địa chỉ người nhận.
Tất cả chúng tôi đang dồn ra phía các ô cửa sổ, căng mắt nhìn xuyên suốt màn đêm. Chờ đợi, ngóng trông khi đoàn tàu về đến gần quê hương mình, để kịp ném quà và thư xuống cho người thân, mà trước lúc lên đường ra trận không hề được gặp mặt. Điều mà trước đó tất cả đều tin rằng: với bất kỳ một người dân hậu phương nào, khi phát hiện ra những phong thư và gói quà này cũng đều tự giác, nhanh chóng chuyển đến người nhận.
Trong thời kỳ đó, cuộc sống tuy còn khó khăn, bề bộn, vất vả, thiếu thốn đủ bề, nhưng cái tình người được tôn vinh trân trọng biết bao, nhất là tình cảm giữa người ở lại và người đi xa. Họ quên mình tất cả, sẵn sàng hy sinh chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ và làm một điều gì đó tốt cho nhau.
Tàu đến ga Quán Hành, theo thông báo chỉ dừng được 5 phút. Lần này, hai mẹ con tôi chia tay thật rồi chăng? Sự thực hay trong giấc mơ đây? Những tiếng ồn ào gọi nhau, những tiếng khóc to, nhỏ lan toả cả đoàn tàu.
 Ôm chặt lấy mẹ còn thổn thức, hai mắt nhoè đi, mẹ ôm đầu và hôn lên mái tóc tôi rồi bật khóc. Những kìm nén chịu đựng lâu nay bật bung ra trước giờ phút chia ly, hy vọng con trai mình, có được may mắn thoát qua biển lửa ở chiến trường để trở về hay không? Chiến tranh đến bao giờ mới kết thúc? Tất cả đã vỡ oà trong tiếng sụt sùi, nức nở của mẹ.
Ôm chặt lấy tôi nghẹn ngào nói đứt quãng:
- Con đi mạnh khoẻ, bình an... nhớ về với mẹ. - Đột ngột buông đôi tay đang còn ôm chặt đó, mẹ vội vàng nhảy xuống tàu đứng dưới sân ga vẫy chào chúng tôi khi tàu chuyển bánh.
Tôi chợt bừng tỉnh và chỉ kịp hét lên:
- Cha mẹ và anh ở nhà nhớ giữ gìn sức khoẻ đợi con về!!!
Tiếng của tôi trộn lẫn trong tiếng hét vang chào tạm biệt của mọi người. Không biết mẹ có nghe được lời chào cuối cùng của con trai mình không? Khi bóng mẹ nhỏ bé chới với mong manh đang đứng ở trên sân mờ xa, xa dần, tôi không thể chịu đựng được hơn nữa và cứ thế bật òa lên khóc. Tiếng còi hú kéo dài, tiếng xình xịch của tàu chạy, át hết tất cả mọi âm thanh náo động của chúng tôi trong toa tàu và những người đang có mặt trên sân ga.
Bóng mẹ và mọi người chìm dần trong bóng đêm. Tôi cứ chăm chú dõi theo mãi về khoảng không đó, như cố níu vớt hình bóng mẹ được về ở bên mình mãi mãi. Nhưng thực tế, khoảng cách giữa hai mẹ con cứ thế xa dần, xa dần…
Sau này, trong suốt cả chặng đường hành quân đi miền Nam và những ngày tháng tham gia chiến trận, tôi ân hận vô cùng, nhiều lúc cứ muốn hét toáng lên: "Cha mẹ ơi! Con muốn về và nhớ cha mẹ lắm!"
Trong toa tàu giờ đây chỉ còn lại anh em đồng đội. Tất cả đang trên đường ra mặt trận. Rồi đây, sau này ai trong số ngồi đây được may mắn trở về và ai là... Lúc đó, tôi không dám nghĩ tiếp.
 Ở đây ai cũng trẻ trung, trắng trẻo, tuổi đời đều mới mười chín đôi mươi còn ngơ ngơ, ngác ngác. Đa số đều là những chàng trai còn nguyên sơ chưa vương vấn bụi trần.
Khoảng 7 giờ sáng, đơn vị dừng nghỉ ở trạm giao liên xã Hưng Dũng - Hưng Nguyên. Hai ngày sau đó, chúng tôi lên ca nô ngược dòng sông Lam, rẽ về nhánh sông La nghỉ ở huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh.
Dòng sông La có cái tên nghe rất trữ tình bay bổng. Trước đây, không biết bao nhiêu bài ca, bài văn, bài thơ ngợi ca dòng sông một thời hào hùng và sâu nặng tình đời này.
Giờ đây, thực sự tôi được ngồi trên ca nô chạy ngược dòng sông. Nước trong xanh mát rười rượi, lặng lẽ trôi. Hai ven bờ những bãi dâu non xanh mơn mởn đang đến mùa hái lá, nối tiếp là những bãi mía trải dài thân cao phủ một màu phấn trắng, bên trong chứa đầy vị ngọt.
Dòng sông nơi đây đã sinh ra và nuôi dưỡng mười cô gái thanh niên xung phong bất tử anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc, trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá miền Bắc. Các cô gái tuổi đời cũng trẻ trung như chúng tôi, đã lập nên bao chiến công oai hùng. Họ chốt giữ không biết bao nhiêu ngày đêm giữa trọng điểm ở ngã ba này, nơi mà máy bay Mỹ ném bom liên tục hòng ngăn chặn đường vận chuyển quân, lương của chúng ta ra chiến trường. Giữa những lúc mưa bom, đạn nổ, các cô đã hiên ngang ngẩng cao đầu đếm từng quả bom nổ chậm rơi xuống, sau đó, xác định vị trí, đánh dấu để sau khi máy bay Mỹ rút là kịp thời phá nổ. Rồi đào đất lấp hố bom thông đường cho những đoàn xe chở đầy hàng đang còn chờ ở phía sau...
Rồi cũng một lần cả mười cô cùng nằm lại, khi quả bom Mỹ nổ bên cạnh, chôn vùi tất cả xuống lòng đất mẹ, để rồi sống mãi với tuổi hai mươi theo thời gian. Như một bài hát đã ngợi ca: "Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô trong bằng dòng nước sông La, ai về Hà Tĩnh quê ta, nhớ chăng đôi mắt... người con gái sông La kiên cường... "
Chúng tôi lại tiếp tục hành quân bằng ô tô vượt qua đèo Ngang hùng vĩ. Khi lên đến giữa lưng đèo, nhìn về phía trên và dưới chân đèo, từng đoàn xe ô tô chở đầy lính trẻ nối đuôi nhau kéo dài, đang kiên nhẫn hối hả vượt dốc.
 Nhìn về đồng quê huyện Kỳ Anh, một vẻ đẹp bình dị, yên bình. Một bức tranh thôn quê mộc mạc với màu xanh lá cây chủ đạo, xen lẫn những mảng bạc đen của những mái nhà tranh, rồi những làn khói trắng lam chiều... Giá như không bị những mảng màu đỏ, xám phá vỡ, bởi những hố bom của chiến tranh còn để lại thì bức tranh này thật sự hoàn hảo và đẹp biết bao.
Cự Nẫm, đây là trạm giao liên cuối cùng của dừng chân ở miền Bắc hậu phương. Hầu như đa số trong chúng tôi, chưa một lần đến đó, nhưng từ lâu đã nghe tên thân quen về Cự Nẫm rồi.
"Có ai về Rào Nam, xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm, làng chiến đấu xưa, nay đã đổi mới muôn màu..." (bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân).
Cự Nẫm là một miền quê trung du nghèo nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình, gần sát với biên giới Việt Lào. Thôn xóm nơi đây chủ yếu là những mái nhà tranh vách đất thô sơ, lúa gạo ít, khoai sắn thì nhiều, nhưng đường làng gọn gàng, sạch sẽ. Người dân rất hiền hậu, thật thà chất phác, chịu khó chịu khổ, chăm chỉ lao động và hết lòng giúp đỡ bộ đội.
Những ngày còn lại sống trong lòng dân miền Bắc, anh em đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho bà con nơi đây. Tranh thủ thời gian nghỉ chờ đợi ngày hành quân lên đỉnh Trường Sơn, tất cả mọi người không ai bảo ai, đều tự giác làm những công việc có ích cho hậu phương. Chỉ có trong hai ngày thôi, rất nhiều mái nhà tranh dột nát trong thôn đã được thay bằng màu rạ mới. Những con đường vào thôn xóm giờ đây rộng rãi, bằng phẳng, sạch sẽ, khang trang hơn.
Chúng tôi, những người lính trước lúc lên đường ra mặt trận, đều có một nguyện ước, mong sao cho làng Cự Nẫm này cũng như những vùng nông thôn khác, có một cuộc sống no đủ và hạnh phúc.
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:18:38 pm »

II. TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

10-11-1971
3 giờ chiều, ô tô vận tải quân sự chở bộ đội lên đỉnh núi vượt Trường Sơn. Đường đi đá sỏi mấp mô, dốc đèo quanh co, nhiều đoạn đang có các đơn vị thanh niên xung phong phá đá mở rộng đường. Bụi cát bay trắng đục cả một vùng rộng lớn.
Thấp thoáng hai bên đường là những cô gái thanh niên xung phong, không nhìn rõ mặt chỉ nghe được tiếng cười nói, vẫy chào tạm biệt chúng tôi lên đường, giành chiến thắng trở về. Qua giọng nói xem ra các cô còn rất trẻ. Quá tò mò, tôi muốn được nhìn rõ mặt từng cô, nhưng tất cả mọi người đều bịt khăn kín mặt, chỉ có đôi mắt đen lay láy là còn nhìn rõ thôi.
Trời về chiều, những chiếc xe đã bò lên cao, tiến gần về đỉnh núi. Đâu đây phía xa xa có tiếng ùng oàng vọng về. Chiến tranh đã đến gần, không khí hoà bình đang dần dần khép lại sau lưng chúng tôi.
Phía trước, mặt trời đã khuất dần sau rặng núi. Tiếng ù ù của máy bay trinh sát từ xa vọng lại. Bất ngờ, vùng trời nơi đó bừng sáng một khoảng rộng, bởi những chùm cầu lửa nhỏ lơ lửng treo trên bầu trời, dừng lại rồi từ từ rơi xuống để lại một cột khói trắng ngoằn ngoèo rồi vụt tắt. Bóng đêm đột ngột khép lại, phút chốc lại xé toạc ra bừng sáng lên, bởi những quả cầu lửa mới, nối tiếp rồi rơi xuống, liên tục, liên tục. Điệp khúc như vậy, kéo dài suốt cả đêm. Đấy là những quả pháo sáng của các máy bay trinh sát địch bắn ra để lùng sục, tìm kiếm lực lượng bộ đội ta hành quân và vận chuyển lương thực, súng đạn ra mặt trận.
Khoảng 23 giờ, từ trên đỉnh dốc, xe đưa chúng tôi xuống tập kết ở một thung lũng, bên cạnh con suối nhỏ. Nơi đây là trạm giao liên số 5 của binh đoàn 559 hay còn gọi là binh đoàn Trường Sơn.
Vị trí để bộ đội nghỉ được gọi là "bãi khách", nằm dưới khu rừng già được dọn sạch sẽ. Có bếp Hoàng Cầm đào âm xuống lòng đất, khi nấu cơm không có khói và ánh sáng, tất cả đã được che kín. Ở đây có rất nhiều vị trí mắc tăng và võng.
Khí hậu ở phía Tây Trường Sơn khá lạnh, trời mưa rả rích, dầm dề. Mặc dù, chỉ mới cách đây mấy giờ đồng hồ thôi, khi chúng tôi đang còn ở trên đất Quảng Bình trời vẫn nắng nóng như thiêu như đốt. Khí hậu nơi đây thay đổi lạ lùng. Chỉ cách nhau một đoạn đường ngắn bên Đông thì nắng nóng, bên Tây thì lạnh, mưa.
Cả đơn vị dừng lại nghỉ ở trạm 5 được 4 ngày, để sáp nhập với trung đoàn thực binh 271 do trung đoàn trưởng Lê Ổn và chính uỷ Đoàn Sáu chỉ huy.
Khác với những đoàn giao quân khác, trung đoàn này luôn cơ động và độc lập chiến đấu trong mọi tình huống, sẵn
sàng chống quân tập kích đổ bộ và kể cả công đồn nếu như thấy cần thiết.
Bởi vậy, các chiến sĩ của trung đoàn 271 trên đường hành quân, mang vác trên vai nặng hơn những chiến sĩ đơn vị khác cùng trên tuyến đường. Ngoài ba lô, tư trang, lương thực, thực phẩm, chúng tôi còn phải đèo thêm súng đạn đầy đủ cơ số.
Ngay như tôi, vũ khí mang theo so với nhiều người trong đơn vị vẫn là nhẹ hơn. Đó là một khẩu súng tiểu liên AK và 300 viên đạn. Khổ nhất có lẽ là những chiến sĩ ở đại đội hoả lực, công binh C16, C17, C18, C19 phải cùng nhau mang vác những khẩu súng cồng kềnh, nặng nề như cối 82, DKZ 75, súng phòng không 12,7 ly.
Giờ đây đội hình hành quân đi vào của trung đoàn 271 gồm 4 tiểu đoàn 7, 8, 9 và 5 cùng với các đại đội trực thuộc 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 25. Quân số gần 3.000 người. Phiên hiệu chung cho cả đơn vị trên đường hành quân là Đoàn 2005D.
Buổi sáng mặt trời đã lên cao, dưới mặt đất nơi chúng tôi đóng quân vẫn không có ánh nắng lọt vào, có chăng chỉ là những hoa nắng yếu ớt của ánh sáng mặt trời trên cao, chọc thủng lớp lớp tán lá cây dày đặc trên đầu xuyên xuống mặt đất. Ban ngày đứng nhìn bao quát, chiêm ngưỡng rừng già Trường Sơn rất đẹp và thơ mộng, vẫn còn những nét hoang sơ của nó.
Không kìm mình được trước vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên này, tôi rủ Hồng và Nam lội bộ xuống dòng suối để khám phá khu rừng xung quanh. Chúng tôi thật sự bất ngờ, trước đống cây song (loại mây rừng) to tướng nằm dọc phơi mình theo dòng suối cạn, thân cây đã già cỗi rất lâu đời trơ vỏ, với một màu trắng ngà dài cả trăm mét.
- Thật là tuyệt, chúng ta lấy cây song này làm gậy đi.
Nam lên tiếng và đưa ra ý kiến đó. Tôi và Hồng nhanh chóng chấp nhận.
- Các cậu ơi! chúng mình phải chọn những cây song khô, có đoạn cong cong ở đầu đấy! - Tôi nói.
Sau một lúc loay hoay tìm kiếm, chúng tôi đã chọn cho mình những đoạn cây song già khô ưng ý. Háo hức trở về để thông báo cho đồng đội mang dao ra để chặt song, trang bị cho mình một chiếc gậy tiếp bước cuộc hành trình đi bộ, băng rừng, vượt đèo, lội suối đang chờ đón phía trước.
 Khi ba đứa đang từ dưới suối lên, phía nơi đơn vị đóng quân vọng lại tiếng hát của ai đó: "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn..." Khi lên đến nơi, tôi mới phát hiện ra người đang say sưa hát chính là Nguyễn Gia Thìn ở tiểu đội 6.
Nhìn thấy thế, ba đứa chúng tôi cười phá lên bởi cách ăn mặc của cậu ta. Trời thì lạnh, trên đầu Thìn đội mũ ấm, cổ quàng khăn, nhưng bên dưới chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn. Hai chân tím tái do lạnh, thế mà miệng cứ nghêu ngao hát. Xem ra cậu này yêu đời, vô tư, lạc quan quá.
Được chúng tôi thông báo vị trí của những ổ cây song già, cả khu rừng đang yên tĩnh bỗng sôi động hẳn lên. Chiến dịch làm "Chiếc gậy vượt Trường Sơn" được mọi người nhanh chóng hưởng ứng, triển khai thực hiện.
*
*    *
Sang ngày nghỉ thứ hai, Binh trạm tổ chức phục vụ chiếu phim cho anh em đơn vị. Thật bất ngờ, ở miền xa xôi hẻo lánh mà vẫn có phim để chiếu. Khi nghe được tin vui này, trong chúng tôi, ai nấy đều háo hức, mặt mày rạng rỡ hẳn lên.
Phim được chiếu là "Thượng Cam Lĩnh", do Trung Quốc sản xuất. Nơi chiếu phim được đặt trong hang đá rộng lớn, đủ chỗ ngồi cho cả đại đội vào xem.
Thật cảm phục anh em chiến sĩ Binh đoàn Trường Sơn, đã tận tình phục vụ chúng tôi rất chu đáo. Phim quá cũ, do chiếu quá nhiều lần nên trên màn ảnh chỉ nhìn thấy chủ yếu là những vệt sáng dài nhay nháy, trượt dọc. Hình ảnh quá mờ do phim
bị xước nhiều, mà lại hay đứt nữa chứ. Nhưng không sao đối
với cánh lính ở đây, lúc này được xem phim là hạnh phúc lắm rồi.
Bên ngoài, phía trên bầu trời, những chiếc máy bay trinh sát L19. 0V-10 bay vè vè liên tục, săn lùng bộ đội ta. Nhưng lúc này đang ở trong hang đá, các chiến sĩ giao liên chiếu phim vẫn bình tĩnh nối lại những đoạn phim bị đứt để tiếp tục chiếu lên màn ảnh cho mọi người xem tiếp những đoạn còn lại.
Phim nói về cuộc chiến giữa quân đội Mỹ hùng hậu, trang bị đầy đủ vũ khí, bao vây một nhóm quân Trung Quốc, vũ khí thiếu thốn, không nói là thô sơ đang cố thủ trong hang đá. Vậy mà kết thúc phim, đội quân Trung Quốc lại chiến thắng. Phía Mỹ thua chết la liệt.
Xem xong phim, chúng tôi ra khỏi hang trở về đều xôn xao bình luận: "Bộ phim bốc phét quá, làm gì có chuyện ngược đời như vậy".

14-11-1971
Chúng tôi rời trạm 5 bắt đầu của chặng đường hành quân cuốc bộ. Đường đi là lối mòn nhỏ dưới tán cây rừng già sâu hun hút. Càng về cuối ngày, hai chân và hai vai tôi đau nhừ, sưng tấy đỏ.
Chiếc ba lô cồng kềnh và bao gạo đầy 7kg sau lưng ghì nặng đôi vai. Cổ như muốn rời ra khi dây đeo súng tiểu liên AK kéo gò đầu xuống, lưng bụng thì đau thắt, như chia thân thể ra làm hai phần, bởi vòng quanh nó là một dây lưng bản rộng, được treo vào đủ mọi thứ xung quanh. Nào là bình tông đầy nước, dao găm, lựu đạn rồi hộp thuốc cá nhân... Mệt quá, nhiều lúc tưởng như đứt hơi muốn đổ vật lên đường. Tôi lê từng bước mệt nhọc, loạng quạng đuổi theo đoàn quân.
Trước khi lên đường đi vào, tôi đã cân kiểm tra trọng lượng cơ thể của mình, được 45kg, cao 1m65. Lúc chưa nhập ngũ được mọi người trong gia đình gọi là "Cái dây của họ Võ".
Thực ra không riêng gì tôi, thời kỳ đó thể tạng người dân miền Bắc cơ bản là vậy. Nếu có ai đó mà đi ra ngoài đường, cũng chỉ gặp đa số là những người gầy, chả có mấy người béo mập. Qua hai cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng con người, lấy đi không biết bao nhiêu sức lực, trí tuệ của cả dân tộc.
Cả nước ai cũng sống trong khó khăn, gay go, ác liệt. Thời gian sống trong yên tĩnh, hoà bình chả có được là bao, thời gian dành cho sản xuất, xây dựng cuộc sống chả còn được mấy. Tất cả mọi người đều lo lắng chống đỡ chiến tranh. Tất cả tập trung ưu tiên cho tiền tuyến, với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Bước sang ngày thứ hai hành quân cuốc bộ, cái đau, mỏi mệt càng giày vò tôi mãnh liệt. Chưa lúc nào thấy thể xác mình bị hành hạ đau đớn đến tột cùng như vậy. Tất cả như muốn vỡ tung ra.
- Cho em nghỉ đi, thủ trưởng ơi!
 Dọc tuyến đường hành quân, tôi đã gào lên rất nhiều lần. Nhưng đoàn quân vẫn không mảy may dừng lại, tất cả mọi người vẫn cứ nối đuôi nhau lặng lẽ hành quân, hành quân...
*
*    *
Những ngày tiếp theo, con đường nhỏ chúng tôi đang đi được nối ra con đường lớn, dành cho phương tiện vận tải cơ giới cắt qua con đường 9 (đoạn từ Xêpon, Nam Lào về Lao Bảo) đến thị trấn Bản Đông.
Nơi đây, còn để lại dấu tích chiến thắng vang dội của bộ đội ta đã đập tan cuộc hành quân chiến lược của quân đội Việt Nam Cộng hoà, với mật danh "Lam Sơn 719", hòng cắt đứt yết hầu tiếp tế quân, lương của miền Bắc hậu phương cho cuộc cách mạng ở miền Nam.
Những chiếc xe tăng M41, M113, xe vận tải, súng đại bác 105 ly của quân đối phương bị thủng và vỡ toác ra từng mảng nham nhở, nằm rải rác ngổn ngang trong khu rừng đất đỏ, cây cối gục đổ tan hoang, mặt đất bị cày xới tứ tung khắp mọi nơi.
Trong trận chiến này ta đã bắt sống được đại tá quân đội Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thọ, chỉ huy cuộc hành quân.
*
*   *
Chúng tôi vượt qua sông Xê Băng Hiêng bằng thuyền, dòng sông trong xanh, mát rượi. Ngồi trên thuyền, tôi cứ ước ao mãi: giá như mình được vùng vẫy bơi trên dòng sông này, chắc rằng sự mỏi mệt, đau đớn trên thân thể mình ít nhiều sẽ được vợi đi trôi theo dòng sông đang chảy mãi, chảy mãi.
Ban ngày, trên bầu trời, những chiếc máy bay trinh sát L19, 0V-10 luôn luôn vè vè lùng sục quân ta. Đâu đó, tiếng ùng, oàng xa xa vọng lại.
Còn về đêm, những chiếc máy bay cánh quạt "Bà già C130" ầm ầm, ì ì thay nhau bay dọc tuyến đường đi vào của bộ đội ta, soi mói bắn phá. Thỉnh thoảng chúng lại bắn một loạt đạn từ trên cao xuống. Tiếng nổ nghe: "Binh bùng, binh bùng" mà chúng tôi gọi là "Xin thùng, xin thùng" (thùng xe cơ giới).
Máy bay này được trang bị kính ngắm hồng ngoại, nên chúng bắn vào những chiếc xe vận tải của bộ đội ta chạy trong đêm khá chính xác. Cánh lính lái xe Trường Sơn gọi là: "Máy bay tử thần".
Chúng tôi đi đến những đoạn đường bạt taluy bị vùi dập do bom đạn địch trên máy bay vừa ném xuống. Nơi đây bộ đội và thanh niên xung phong đang hối hả vần đá, san lấp mặt đường, để kịp cho những đoàn xe vận tải còn chờ ở phía sau chạy ra mặt trận. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
*
*   *
Đoàn quân đã vượt qua không biết bao nhiêu con dốc, con suối, những thửa ruộng, bản làng nghèo của dân Lào thưa thớt nằm dọc tuyến đường đi vào. Nơi đây, người dân mang theo những bát gạo, quả bầu, quả bí, con gà của mình, ra hai bên đường ngồi chờ đón bộ đội đi qua để đổi một gói muối, một ít mì chính, hay một chiếc khăn mặt... kể cả những hình tranh ảnh cô gái miền Bắc duyên dáng đẹp dịu dàng.
Người dân Lào nghèo nàn, hiền hậu, thật thà, chất phác rất dễ tin người. Chính vì điều đó, mà có một ai đó đã láu cá, lấy bánh xà phòng bảo là lương khô để đổi lấy hàng của họ. Lúc gặp chúng tôi họ cứ trách mãi:
- Cái bộ đội ngày hôm qua không tốt, hắn đổi cho mình một cục lương khô bảo đem về ăn đi, nhưng sao khó ăn quá. Mình mất tiền nên phải ăn thôi.
Là cánh lính với nhau chúng tôi cảm thấy ngượng ngùng, không đồng tình về lối đùa quá mức đó.
 Những người đàn ông nơi đây, da đen bóng, trên mình chỉ khoác chiếc khố màu đen bé nhỏ ở phần bụng dưới, bên hông họ luôn mang theo một con dao, trên vai vác chiếc rìu... miệng liên tục ngậm một điếu thuốc lá cháy dở. Những người phụ nữ màu da cũng không trắng hơn được mấy, trên mình chỉ khoác chiếc váy thổ cẩm sờn không rõ hoa văn, phía trên không có áo mà chỉ choàng một tấm khăn tự dệt, màu nâu đen để chống rét. Họ ngồi bên cạnh những món hàng bày ra trên mặt đất, chờ đổi một thứ nào đấy để mang về. Dân tộc Lào có hai sắc tộc: Lào Lum da trắng, Lào Thơng da đen.
Một điều đặc biệt đối với những người phụ nữ  ở đây, luôn có một thứ bên mình mà không lúc nào xa rời, là vật "bất ly thân" của họ. Đó là chiếc điếu tre khá lớn (như điếu cày hút thuốc...) có nõ điếu to tướng, miệng bằng cái bát ăn cơm, bên trong chứa khoảng một vốc sợi thuốc lá màu xanh, kèm thêm một cục than hồng đang cháy âm ỉ.
Miệng của họ luôn gắn chặt với chiếc ống điếu, không một lúc nào rời ra. Ngay cả khi dừng lại để trả lời chúng tôi, cũng chỉ có hở nửa miệng ở ngoài để đáp lại, tuyệt đối không bao giờ dứt hẳn xa.
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:20:14 pm »

Buổi sáng giữa rừng già đại ngàn Trường Sơn nếu như không có tiếng vè vè máy bay trinh sát và những tiếng ùng oàng của bom đạn thì nơi đây đẹp thơ mộng lạ thường.
Những tiếng hú lanh lảnh chói tai của đàn vượn gọi bầy dấy lên từng đợt, những tiếng ríu rít của đàn chim tìm quả ở những tán cây trên đầu chúng tôi đi qua. Thỉnh thoảng phía bên kia sườn núi lại vang lên từng hồi đơn độc của chú chim "Bắt cô trói cột" được gọi là "Khó khăn, khắc phục". Tiếng chim như nhắc nhở mọi người, vượt qua mọi khó khăn để tiến lên phía trước.
Có lẽ, âm thanh rộn ràng và náo động nhất nơi này là những bước chân tiến quân rầm rập của chúng tôi.
Đến lúc này, tôi không nhớ mình đã vứt bỏ chiếc gậy vướng víu từ lúc nào, chắc là chỉ sau mấy ngày hành quân bộ đầu tiên. Quan sát hết lượt mọi người, đến giờ này không ai còn gậy nữa. Dù có đau nhức, mệt mỏi đến mấy vẫn không được phép tự ý dừng lại. Tất cả lúc này chỉ một hướng hành quân, hành quân.
Những sáng kiến giảm trọng lượng trên vai của anh em trong đoàn đã xuất hiện. Bắt đầu từ những chiếc quần áo lót, đến đôi giày, bít tất, những quyển truyện dày, mỏng đều cảm thấy không cần nữa... Tất cả được treo lên thân cây ở trạm nghỉ mà chúng tôi vừa tạm biệt.
Giờ đây, cả một bãi khách rộng lớn phủ đầy những thứ vừa được bỏ ra, song cái nặng trên người vẫn còn đeo bám chặt, kiên trì không buông tha cho chúng tôi. Nhưng công bằng mà nói, lúc này ai nấy đều cảm thấy đỡ nặng và đỡ vướng víu hơn trước nhiều.
Phải giảm cân nữa, một ý kiến ai đó trong đơn vị đề xuất, nhưng còn giảm gì được đây? Khi súng, đạn, áo quần, chăn màn, ba lô, thuốc men không thể bỏ được rồi. Một sáng kiến mới nữa được đưa ra:
 - Phải cắt bỏ đỉnh màn thôi!
Mọi người nhanh chóng chấp nhận và thực thi ngay. Mặc dù trọng lượng đỉnh màn chỉ được vài lạng thôi, nhưng đối với chúng tôi lúc này cứ giảm được gam nào, hay gam nấy.
 Chiếc màn giờ đây đã bỏ đỉnh đi, khâu lại hai mép tạo thành màn hình chữ A rất tiện lợi cho mắc màn khi nằm võng. Phải thưởng huân chương cho ai đã đề xuất sáng kiến này.
*
*    *
Đang mải mê bước theo đoàn quân, tôi nhận được khẩu lệnh phía trước truyền về và vội vàng quay lại truyền lệnh cho người đi sau.
- Qua sông cởi quần!
Đó là mệnh lệnh, nên cánh lính chúng tôi chấp hành rất nghiêm, không một chút chần chừ. Giờ đây, ai nấy trên mình chỉ còn độc một chiếc áo dài trên người, riêng chiếc quần đã được vắt qua cổ. Phía dưới thật sự được hoàn toàn tự do, vì tất cả anh em đã lâu không còn có khái niệm về đồ mặc lót nữa, những thứ này đã nằm lại ở các trạm phía sau từ lâu rồi.
Chúng tôi đi mãi mà chẳng thấy con sông. Phải chăng, chỉ có khoảng trống rộng của con suối cạn kéo dài nằm ở phía trước.  Nơi đấy xuất hiện một đơn vị nữ thanh niên xung phong đang ghép đá làm đường cho xe cơ giới qua. Tiếng cười khúc khích râm ran...
Mọi người ai nấy đều hoảng hốt nhìn xuống. Không kịp mặc quần nữa rồi, rất may còn có hai tà áo lính dài, đủ che kín những thứ cần che. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn ngượng ngùng đỏ chín mặt khi đi qua những cô gái trẻ trung, hồn nhiên và hóm hỉnh này.
Thì ra, cậu nào phía trước trong đoàn đã truyền lệnh đùa cợt tai hại đó, đặt tất cả mọi người ở phía sau vào tình huống thật khó xử. Giá như không có chuyện vừa rồi xảy ra, tất cả chúng tôi đã la hét trêu đùa thoải mái với chị em. Đã lâu rồi, anh em chưa hề gặp bóng dáng một cô gái người Việt Nam nào. Lẽ ra, đây là dịp may hiếm có, để nhớ về những ký ức quê nhà.
*
*    *
Cứ hành quân vượt qua 10 trạm giao liên, cả đơn vị lại được nghỉ một ngày, để nhận lương thực, thực phẩm cho những ngày tiếp theo. Đã lâu rồi chúng tôi không được nhìn thấy một cọng rau. Đói ăn, đói rau làm tất cả mọi người ai nấy đều cảm thấy nôn nao khó chịu.
Được một ngày nghỉ, cả tiểu đội tôi chia nhau xuống suối tìm các loại rau ăn được như cây môn thục, rau dớn (cây dương xỉ), măng tre, le, nứa. Hoặc tìm trên những khoảng rừng trống, xung quanh miệng hố bom đã lâu ngày, cây cối cháy đổ, nơi đây cây rau tàu bay mọc rất nhiều.
Cũng vì sự thèm khát rau xanh, nên đã có những bếp ăn, anh em hái rau môn thục nhầm sang cây rau ngải (vì hai loại cây này hình dáng bên ngoài khá giống nhau). Ăn phải rau này, sẽ ngứa từ trong ruột ra tận miệng. Cái ngứa khó chịu đến mức muốn thò cả tay vào trong bụng để cào hết cỡ cho đỡ ngứa.
Nồi rau đã nấu chín, nhìn vào rất hấp dẫn và ngon, vì nó đã ngốn không ít mì chính, nhưng cũng đành phải nhắm mắt đổ đi. Tiếc đứt ruột mà phải chịu.
Càng ngày, chúng tôi càng có kinh nghiệm về kiếm rau rừng, tất cả những loại cây, lá có vị đắng, ngọt tuyệt đối không đụng đến, rất dễ bị ngộ độc. Còn những loại rau lá có vị chua có thể vô tư ăn được. Những bí quyết này do cán bộ binh trạm Trường sơn truyền lại cho.
*
*   *
Đêm nay nghỉ ở trạm giao liên, chúng tôi được thông báo chuẩn bị tinh thần và đồ đạc buộc chặt gọn gàng, cơm nắm và nước mang theo đầy đủ để ngày mai hành quân vượt qua dốc cao.
Khi vừa nghe được thông báo từ ban chỉ huy đại đội, tôi cứ nghĩ rằng: Chắc dốc này cũng chỉ cao hơn một chút so với cả nghìn con dốc đã đi qua. Song thực tế khi đến chân dốc, mới thấy được độ cao nguy hiểm và khó khăn của nó.
Dốc đá tai mèo thẳng đứng, không thể vượt qua được, nếu như không có những chiếc thang dây làm bằng cây song to già rất vững chắc, được chiến sĩ binh trạm giao liên đã cố định vào vách đứng núi đá theo từng đoạn, từng đoạn một.
Đứng ở dưới, nhìn lên những chiếc thang dựng đứng cheo leo lờ mờ trong mây trắng đang trôi bồng bềnh, tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến đang phải đu bám trên những bậc thang chênh vênh đó.
Khi trên mình không mang vác một thứ gì mà vượt qua được con dốc cheo leo, dựng đứng, cao vút này, đã là một kỳ tích rồi. Còn bây giờ, người mang nhẹ nhất như tôi đã là 25 kg ở trên vai, mà lại cồng kềnh nữa chứ. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, không cho phép chùn bước dừng lại. Tất cả mọi người phải
cùng nhau tiến lên.
Trèo lên dốc cao dựng đứng, tất cả ai nấy phải dò dẫm từng bước chân một ở những bậc thang phía dưới. Tay nắm chặt từng bậc thang phía trên, gồng mình đu người kéo lên, nhích dần từng bậc một. Đầu người dưới đội người trên từ từ dịch chuyển.
Càng lên cao gió càng thổi mạnh, mây mù bao phủ dày đặc che mất tầm nhìn của chúng tôi. Những hạt nước trong mây nhỏ li ti phả vào mặt, vào cổ thấy lành lạnh, buốt buốt.
Có những đoạn dốc khi đang còn cố sức leo, trời bỗng nhiên quang đãng, trong vắt. Tôi đưa mắt nhìn xuống dưới, một lớp mây trắng dày đặc, xốp nhẹ, bồng bềnh lặng lẽ trôi. Mặt đất ở dưới hầu như không còn tồn tại. Tôi chỉ thấy ở nơi sâu thăm thẳm ấy mờ mờ một màu xanh cây rừng, thoắt ẩn, thoắt hiện.
Nhìn ra các phía xung quanh, nơi xa xa kia là những ngọn núi đang thập thò nhô lên trên biển mây trắng dập dềnh, mênh mông. Người tôi cảm thấy say say, bay bổng, bồng bềnh. Nhiều lúc không dám nhìn xuống nữa, mà cứ ngỡ mình như đang lạc vào chốn bồng lai. Trong lúc đó, núi đá tai mèo và chiếc thang ẩm ướt trơn tuồn tuột. Chỉ cần sơ sểnh một chút, tay bám bậc thang không chắc là bị tuột ngay, cả người sẽ rơi xuống tan tành không biết đi về đâu?
Đang mải mê bám chặt từng bậc thang để đu mình lên, tôi giật mình khi nghe tiếng ai đó la lên:
- Mẹ ơi, con chết mất!
Ngay sau tiếng la đó là tiếng của Nam sát ngay trên đầu
hét lên:
- Hồng ơi, bám chặt và áp mình sát vào thang. Hãy đứng yên và nhắm mắt lại, đừng có nhìn xuống dưới.
Ngay tức thì Nam gồng mình đội Hồng để không cho cậu ta ngã ngửa người ra sẽ rơi xuống dưới là vực sâu hun hút, mặc dù lúc này trên người anh cũng đang mang vác rất nặng trên 25 kg.
Cả đoàn quân đang bám chặt vào chiếc thang nhỏ bé, dựng đứng mong manh, chuyển động lên trên đều đều, chậm rãi đột ngột dừng lại. Cũng là tiếng của Nam ở trên đầu tôi la lớn:
- Tất cả anh em, hãy mang giúp Hồng một số thứ trên người cậu ta!
Đầu thì đội bạn lên, một tay phải nắm chặt từng bậc thang dây. Còn một tay nữa Nam nhanh nhẹn rút bao gạo căng tròn trên vai Hồng xuống đưa cho tôi mang giúp.
Có lẽ do thế đứng lúc đó rất khó khăn, trên người còn mang vác quá nhiều thứ nặng cồng kềnh, nhất là phải bám chặt thang leo được đến đây, qua một chặng đường rất dài, đã vắt kiệt sức của Nam cũng như tất cả mọi người, nên khi vừa trao bao gạo đó cho tôi, anh đã trượt tay để nó rơi xuống.
Nhìn theo bao gạo căng tròn bạc màu cỏ úa lao vun vút sàn sạt bên cạnh đoàn quân, xuống nơi sâu hun hút ấy, chìm vào trong đám mây trắng trôi bồng bềnh phía dưới, tôi bỗng cảm thấy người chòng chành, chao đảo, quay cuồng, hoảng sợ, lâng lâng. Chiếc thang và vách núi ngay sát mặt mình đang đảo đảo xoay tròn.
Biết mình đã bị choáng ngợp và say say ở độ cao này, trong đầu tôi giờ đây chỉ còn lại một suy nghĩ duy nhất. Phải nhắm ngay mắt lại, tay bám chặt lấy bậc thang, ép sát người vào, kiên quyết không được bỏ tay, nếu khôngsẽ như bao gạo đang rơi xuống nằm dưới vực sâu đó.
Phía trên đầu Hồng, anh em cũng đang một tay bám chặt vào bậc thang, một tay cố gỡ những thứ còn đeo trên vai, trên cổ cậu ta như: Khẩu súng AK, chiếc xẻng cá nhân... chuyền lên trên cho đồng đội mang giúp.
Chúng tôi dừng lại giữa lưng chừng dốc một lúc. Nam động viên Hồng:
- Cậu đã thấy đỡ chóng mặt chưa? Cố gắng lên! Hãy nhìn vào bậc thang mà bám chặt vào nó. Cậu đừng có nhìn xuống dưới và hai bên nữa. Dũng cảm lên! Mình và mọi người luôn bên cậu!
Mặt trời đã chếch về hướng tây, cả đơn vị dừng lại nghỉ ở một khoảng trống, nơi lưng chừng dốc để lấy cơm nắm ra ăn. Lúc này, tôi mới đủ can đảm đưa mắt quan sát về phía chân dốc.
Thật kinh ngạc và khâm phục làm sao khi được chứng kiến anh em trong đại đội súng cối 82 (C16), đang vận chuyển khẩu súng to lớn, cồng kềnh, nặng nề vượt qua dốc thẳng đứng này.
Người này kéo, người kia đẩy những chiếc nòng pháo to tròn, dài ngoẵng, nặng trịch bóng loáng và trơn tuồn tuột. Hoặc là từng người một phải mang sau lưng những chiếc đế, bộ chân pháo bằng sắt rất nặng và cũng khá cồng kềnh. Tất cả đều kiên nhẫn, lầm lũi, dò dẫm bám vào từng bậc thang mà nhích từng tý một để vượt qua con dốc cao kinh hoàng.
 Dưới kia, có những người đã mang ba lô cồng kềnh sau lưng, còn gánh trên vai thêm 6 quả đạn cối. Họ đang cố ép người sát vào chiếc thang dựng thẳng đứng, chênh vênh nhỏ bé, để tránh sảy chân trượt ngã rơi xuống.
Hoá ra việc mang vác nặng trên vai, so với các anh, chúng tôi còn hạnh phúc chán. Là cánh lính với nhau, xin bái phục,
bái phục. Con dốc này được gọi là "Dốc bắc thang lên trời".
Chiều về, cả đơn vị đã vượt qua đỉnh dốc. Cứ nghĩ rằng lên được dốc là khó, nhưng khi xuống được dốc khó khăn nguy hiểm cũng không kém.
Ở phía bên này, độ dốc thoai thoải không thẳng đứng, không dài như ở phía bên kia. Nhưng từ trên cao nhìn xuống vực sâu hun hút nằm ở phía dưới cũng sợ. Nó đã sâu lại còn bị lớp mây mù che phủ bên trên, trông cứ mờ mờ, ảo ảo chả thấy rõ đáy vực đâu. Nhìn thấy thế, tôi hãi thót cả tim, nhưng rồi cuối cùng, tất cả mọi người đều an toàn vượt qua được cửa ải kinh sợ đó.
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:22:17 pm »

Rừng già đại ngàn của Lào rộng lớn mênh mông, đi mãi, đi mãi vẫn không hết. Nơi đây là những cánh rừng nguyên sinh, với những thân cây cổ thụ to lớn đến cả chục người nối tay ôm xung quanh vẫn không xuể. Những tán cây vươn rộng đan xen, tầng tầng lớp lớp phủ kín, hầu như che khuất ánh sáng mặt trời khó mà lọt qua được. Cảm giác như mình là những người đầu tiên đặt chân đến đây.
Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp một chú chim đại bàng đất đang ngủ ở trên tán cây cao cổ thụ trên đầu, nó giật mình tỉnh dậy vỗ cánh bay đi, khi nghe tiếng rầm rập, rầm rập của những bước chân chúng tôi đang hành quân ở phía dưới. Tiếng vỗ cánh của chim đại bàng nghe oàm oạp, oàm oạp, chậm rãi. Sải cánh rộng đến cả chục mét. Nó đang bay xa dần, xa dần...
Khi đi bên triền núi, nhìn xuống thung lũng sâu thẳm một màu xanh trải rộng bao la. Xa hơn nữa là những ngọn núi cao cao chót vót có bốn mùa mây trắng ôm ấp, bao phủ quanh mình. Vẻ đẹp nơi đây thật diệu kỳ, huyền ảo biết nhường nào. Đến gần một con suối, nhìn lên phía trước xa xa, tôi thấy một chiếc cầu treo vắt vẻo trên hai đầu ngọn cây nối liền con suối, nó đang đung đưa dập dềnh theo nhịp bước của bộ đội hành quân. Từ xa nhìn về, cứ ngỡ quân ta đang bước đi trong không gian lơ lửng giữa trời.
Những chiếc cầu treo này được bộ đội Trường Sơn xây dựng bằng những sợi cây song già lâu đời. Có thành lan can cũng bằng những đoạn thân cây song ngắn làm bảo vệ hai bên. Phía dưới mặt cầu là những đoạn tre già kết lại, cố định trên những sợi dây đó vắt vẻo qua con suối và buộc chặt ở  đầu ngọn cây của hai bên bờ.
Dáng chiếc cầu treo rất đẹp và bay vút. Khi đoàn quân chúng tôi đi qua, ai ai cũng trầm trồ thán phục về những đôi bàn tay khéo léo của bộ đội Trường Sơn tạo nên. (Những con suối ở Trường Sơn mùa lũ về nước ngập đến ngọn cây. Chỉ có loại cầu treo này bộ đội ta mới vượt qua suối trong mùa mưa lũ được). Đến lúc này tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của chiếc cầu treo trong bài hát: "Đường tôi đi dài theo đất nước" của nhạc sĩ
Vũ Trọng Hối năm nào. "Từng bờ khe cầu treo ngọn cây,
cảnh đẹp như giục tâm hồn tôi..."
*
*   *
Chúng tôi được thông báo chuẩn bị cho ngày hôm sau, mỗi người phải mang ba nắm cơm, nước uống tăng lên so với những ngày qua, để vượt con dốc cao nhất từ trước tới nay.
 Cứ ngỡ con dốc đã vượt bằng thang dây cao phát khiếp rồi, giờ đây lại có cái cao hơn nữa. Tôi rất lo lắng, hoang mang.
Mà oái oăm thay, cậu Lượng(1) to béo nhất tiểu đội lại đang lên cơn sốt ác tính, người co giật liên hồi. Như vậy, tính từ ngày đi vào cho đến nay, cả đại đội tôi có sáu người bị những cơn sốt rét quật đổ. Mặc dù trước đó và ngay cả bây giờ,  vào một ngày quy định trong tuần, tất cả  mọi người đều được uống thuốc phòng chống sốt rét. Một đúc kết của cánh lính chúng tôi ở Trường Sơn: Hầu như những ai có thân hình to béo, là những người được thần sốt rét đến viếng thăm đầu tiên. Cậu Lượng cũng nằm trong diện đó.
Phía trước là đường dài thăm thẳm, những dốc đứng cao, trên vai lại mang rất nặng,  quá sức chịu đựng của từng người. Sao cậu ta lại chọn sốt vào thời điểm khó khăn này để hành hạ anh em chúng tôi? Lẽ ra cứ để cho qua ngày mai khi cả đơn vị vượt qua được con dốc này, rồi lúc đó hãy sốt!
Khó khăn, vất vả, mệt nhọc chúng tôi nói vậy thôi, chứ như tất cả mọi người trong tiểu đội ai nấy đều thương Lượng vô cùng khi tận mắt chứng kiến cậu ta lên cơn sốt hầm hập, người run bần bật, không ăn được một tý gì vào bụng, chỉ có húp một ít nước cơm.
Cơn sốt của Lượng đã được dự đoán trước đó mấy hôm, nhưng không biết nó sẽ xảy ra vào thời điểm nào? vì mấy ngày vừa qua cậu ta đòi ăn rất nhiều và liên tục kêu đói. Đấy là biểu hiện của những người sắp lên cơn sốt và sau khi cắt cơn sốt.
Đầu tiên là cái rét đến rất nhanh, rét tận trong ruột rét ra. Rét rùng mình, rét đến gai cả người, hai hàm răng va đập vào nhau nghe cầm cập liên hồi. Hai mắt trắng dã, môi tím tái, người nằm co quắp run rẩy và giật theo từng cơn. Mặc dù đã đốt đống lửa bên cạnh nhưng vẫn không có một tác dụng gì.
Chúng tôi mặc hết áo quần cho Lượng và tập trung hết cả chăn, màn phủ kín, nhưng cậu ta vẫn run cầm cập, rên hừ hừ, liên tục kêu rét, thỉnh thoảng người lại lên từng cơn co giật.
Sau đợt rét là cơn sốt hầm hập. Nhiệt độ trong người lên 40 - 410 độ C, dẫn đến mê sảng, co giật, nói ú ớ, mồ hôi vã ra như tắm, mắt trắng dã. Nếu như không có cấp cứu, chăm sóc kịp thời, sẽ chuyển sang cơn ác tính, đành phải ngậm ngùi chia tay vĩnh biệt mọi người, một mình nằm lại trên mảnh đất Trường Sơn xa xôi và hiểm trở này.
Những trường hợp bị sốt ác tính đã xảy ra không ít đối với cánh lính chúng tôi. Nếu không chết thì suốt cả cuộc đời còn lại, cũng bị tâm thần ngơ ngẩn.
Có những chiến sĩ ở đơn vị khác, bị cơn sốt rét đến bất chợt trong lúc đang còn hành quân. Mắt hoa, tai ù, người run rẩy đành phải đi chậm tụt lại sau, không thể đuổi kịp anh em ở phía trước đang đều nhịp bước hành quân, buộc phải nghỉ  qua đêm ở ven đường. Ngày hôm sau, đơn vị cử người quay lại tuyến đường đã qua để đón tìm. Khi trông thấy chiếc võng mắc ở cạnh lối đi, đến nơi vẫn thấy anh nằm im, nhưng bị chết từ lúc nào, mối rừng xông phủ đầy mình...
Những cái chết thương tâm thỉnh thoảng vẫn xảy ra với các chiến sĩ đang hành quân trên dải Trường Sơn này. Để tránh được những tổn thất trên, cả đơn vị tôi luôn quán triệt sâu sắc kỷ luật hành quân. Quân số được quản lý và kiểm tra chặt chẽ, từ tổ 3 người trở lên. Có ai đó trên đường bị sốt rét, việc đầu tiên phải tự mình chống gậy bước theo cùng đơn vị, còn ba lô, súng đạn anh em trong tiểu đội phân công nhau mang vác hộ. Nếu bị sốt quá nặng không thể nào đi được, lúc đó mọi người  sẽ thay nhau cáng theo.
Tất cả chúng tôi đều xót xa, thông cảm chia sẻ những gì đang hành hạ Lượng... Trong lòng ai nấy đều thầm mong cơn sốt tai quái kia sớm chấm dứt, để đến sáng ngày mai cậu ta tỉnh lại và tự mình sải bước đi cùng với anh em.
Buổi sáng, trước lúc lên đường, mọi người trong tiểu đội phải chuẩn bị tinh thần thay nhau cáng Lượng vượt dốc. Tôi người cao, gầy lênh khênh được phân công mang giúp cậu ta chiếc ba lô cồng kềnh. Như vậy, trong lúc này ngoài súng đạn và bao gạo đầy 7 kg, còn phải khoác trên vai mình thêm hai ba lô nữa. Tổng cộng trọng lượng mang theo hơn 35 kg, mà vẫn theo sát cùng đoàn quân. Con dốc này không dựng đứng như dốc đá tai mèo đã qua. Độ cao cứ đều đều, con đường đất trải dài, ngoằn ngèo rộng rãi. Tất cả mọi người cứ lầm lũi, nặng nề bước đi lên dốc đầy bùn nhão nhoẹt, trơn tuồn tuột. Chúng tôi dò dẫm bấm đầu ngón chân xuống mặt đường để chống trượt ngã. Cũng may, những đôi dép cao su do Trung Quốc sản xuất có quai rất bền, khó tuột, đế dép không dày, độ mỏng vừa phải nên việc đi lên, xuống dốc có thuận tiện hơn. Ba lô súng đạn trên vai đè nặng như muốn lôi tôi lao tuột xuống vực sâu thăm thẳm ở phía dưới.
Ở nơi đây bốn mùa mây mù bao phủ, những hạt nước li ti của đám mây là là bay qua phả vào người, vào mặt lành lạnh, buốt buốt. Chúng tôi tiếp tục hành quân trong đám mây mù, bước đi trên mặt đường đầy bùn nhão nhoẹt, buộc những người vừa cáng Lượng vừa chống gậy dò đường.
Có một lần đến đoạn quá lầy, chiếc võng đung đưa, loạng choạng, chao đảo. Lúc đó, Tại và Tiếu đang cáng Lượng trên vai đành khựng lại, hai chân và chiếc gậy gắng gượng đứng trụ ở mặt dốc nghiêng trơn tuột. Phải đến một lúc sau đó, chiếc võng mới trở lại nhịp điệu lắc ban đầu. Thật hú vía, chỉ cần chân cậu Tại trượt lệch sang bên phải một chút thôi, khoảng cách không đầy 10 phân nữa, là cả ba người cùng chiếc cáng sẽ rơi xuống vực sâu thăm thẳm rồi.
Đã quá trưa, tất cả đơn vị chúng tôi dừng lại giữa lưng chừng dốc để tạm nghỉ và mở nắm cơm thứ hai ra ăn. Gió ở trên cao thổi vù vù, không gian bao quanh phủ một lớp mây mù trắng đục, phả vào áo quần và mặt chúng tôi ướt đẫm nước. Lúc này mới cảm nhận được cái rét tê buốt trên cao của đỉnh Trường Sơn. Chứ khi đang còn còng lưng mang vác hai chiếc ba lô nặng trĩu, cùng súng, đạn với bao gạo đầy, gồng mình lê bước theo đoàn quân leo dốc, mồ hôi trong người vẫn tuôn ướt đầm đìa. Trời đã về tối, cả đơn vị tôi cố leo lên đến đỉnh dốc rồi mới nghỉ qua đêm. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua điểm cao nhất của dải Trường Sơn hùng vĩ này.
Ở trên này hoàn toàn không có nước, nếu có nấu cơm cũng không thể chín được, vì nhiệt độ nước sôi nơi đây chỉ đạt được mấy chục độ, do đỉnh núi quá cao so với mặt biển nên không khí rất loãng. Vì đã chuẩn bị nước và cơm nắm mang theo từ trước, nên việc nấu được cơm không còn ai quan tâm nữa. Để vượt được con dốc này, chúng tôi phải ăn đến ba nắm cơm: ở dưới chân, lưng chừng và cuối cùng là trên đỉnh. Bởi vậy, nó được gọi là "Dốc 3 nắm".
*
*    *
Sáng ngày hôm sau, cả đơn vị tiếp tục hành quân về phía bên này, đường đi đã thoai thoải rất nhiều, chúng tôi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Như vậy là rất thuận lợi, chứ không vất vả, nguy hiểm như ngày hôm qua.
 Rừng nơi đây có đặc trưng riêng biệt, nó được hình thành theo từng chủng loại cây. Rừng cây bằng lăng (săng lẻ) với cả một cánh rừng rộng mênh mông chỉ có độc một loại cây bằng lăng. Cây cao thẳng đứng mọc thưa không dày đặc, vỏ thân cây khoang đốm trắng bạc như màu vỏ cây ổi già. Ong rừng làm tổ rất nhiều, trong những hốc cây nằm ở trên cao.
 Rừng cây khộp (cây dầu chai) thưa thớt, mùa khô cây trụi lá trơ cành. Những chiếc lá khộp to hơn chiếc bánh đa nướng đã khô rụng đầy, phủ kín mặt đất. Khi chúng tôi đặt chân vào, tiếng vỡ ra nghe kêu rôm rốp.
Rừng le phủ kín và dày đặc, cây cao độ khoảng 5 đến 7 mét, với một màu xanh trải rộng mênh mông nằm dọc hai bên bờ suối, bờ sông. Nơi đây có rất nhiều loại thú sinh sống, đặc biệt là lợn rừng, chúng đi kiếm ăn theo từng bầy đàn… và có rất nhiều vắt rừng như những con đỉa nhỏ bằng que diêm bám sống trong các bụi le, chỉ đợi khi đoàn quân chúng tôi đi qua là bắn ra "tanh tách" vào vùng da thịt để hở: như cổ, tai và trên mu bàn chân. Chúng bám rất chặt, tranh nhau hút máu mà không hề gây cảm giác đau đớn hay khác lạ cho ta biết để mà gạt bỏ đi. Khi phát hiện được thì con nào, con nấy đã căng tròn đầy máu, to hơn đầu đũa, chụm đầu vào vết thương như một bông  hoa nhiều cánh đen ngòm, loang máu đỏ trên nền da trắng nhợt.
Đa số anh em khi vừa phát hiện ra chúng hoảng sợ quá nhảy cẫng lên la hét cầu cứu bạn bè đến giúp đỡ. Kinh nhất là loại vắt "sọc xanh", chúng có thể tự bắn xa đến ba bốn mét từ trong bụi cây ra mặt đường. Những vết thủng trên mặt da do vắt để lại, máu không chịu đông mà cứ chảy ra mãi. Muốn khắc phục được ai may mắn có một dúm nhỏ thuốc lá, thuốc lào dịt vào đó còn không thì nhai vội một ít lá le rừng đắp vào. Nhưng phải mất một thời gian khá lâu máu ở đấy mới chịu đông ngừng chảy.
*
*    *
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:33:07 pm »

Vượt qua sông Nậm Bạc, cả đơn vị dừng lại nghỉ ở trạm 62 một ngày. Dọc bờ sông nơi đây, các kho chất đầy bao tải gạo, nằm rải rác khắp nơi.
Cánh lính chúng tôi rất đói, nhìn thấy nhiều gạo mà phát thèm, nhưng đành chịu nhịn. Lãnh đạo đơn vị đã liên tục nhắc nhở quán triệt mọi người nhiều lần: Phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, không được đụng chạm đến bất cứ thứ gì của binh trạm.
Hành quân song song với trung đoàn tôi còn có đơn vị giao quân thuộc Quân khu Hữu ngạn, trong đoàn chủ yếu người Hà Nội và Hà Tây. Trên đường đi, đôi bên đã nhiều lần trêu chọc nhau, cũng có lần suýt xảy ra đánh lộn. Vì những câu nói đùa chưa hiểu ngay được.
- Đằng ấy quê ở đâu đấy!
- Bọn mình ở Hà Nội.
- Hà Nội ở xóm nào?
Thế là đối phương đang còn vui vẻ, bất ngờ chuyển ngay sang giận dữ và chửi toáng:
- Mẹ chúng mày chứ! Hà Nội làm gì có xóm.
- Thế ở Hạ Hồi không gọi là xóm, thì gọi cái gì? (Hạ Hội từ thập niên 80 thế kỷ 20 trở về trước gọi là xóm).
Mọi người đang ở trạng thái hầm hầm tức giận, bỗng nhiên bật oà cười phá lên vui vẻ với nhau như lúc đầu vừa gặp mặt.
Buổi chiều, trong lúc đang nằm trên võng mơ màng, tôi giật mình nghe hai tiếng súng "đoàng" "đoàng" của ai vừa bắn ra. Ngay sau đó, là tiếng bước chân chạy rầm rập ở phía bãi nghỉ thuộc đoàn Hà Nội, cùng với những tiếng la, hét vang lên:
 - Lính của trạm giao liên bắn chết người rồi!
Chúng tôi vội vàng vùng dậy ra xem, được chứng kiến thấy một tốp người tay cầm gậy, dao, xẻng cá nhân đang kéo đến bao vây kho gạo. Nhưng các chiến sĩ của binh trạm đã nhanh chóng bơi thuyền sang bên kia sông, để tránh mức độ phức tạp của sự việc xảy ra.
Tình huống không ai mong đợi đến quá nhanh, một lúc sau tôi mới được biết: Thủ phạm chính là do lâu nay cánh lính quá đói, phải đi suốt cả một chặng đường dài hành quân mang vác nặng nề, gian nan, vất vả và hiểm nguy, nhưng lương thực cấp ít quá, thực phẩm hầu như không có. Cái đói như một căn bệnh mãn tính kinh niên, hành hạ chúng tôi triền miên. Chính vì vậy, có mấy người bên đơn vị bạn, thấy gạo trong kho quá nhiều, nên tổ chức vào đấy lấy một ít mang về, để giải quyết cái đói mà lâu nay buộc phải bấm bụng, gắng gượng, cam chịu.
Những bao gạo căng đầy chồng chất, chèn chặt lên nhau cao đến tận mái nhà.  Nên khi  có người vần được bao trên cùng, nó vừa rơi xuống đất đã phát ra tiếng vang đánh "rầm".
Phát hiện có người lấy gạo, một chiến sĩ binh trạm cầm khẩu súng trường CKC bắn chỉ thiên nhằm để cảnh cáo, xua đuổi những người đang ở trong kho. Nhưng thật không may cho anh, một trong hai viên đạn đó đã xuyên qua nóc nhà,  trúng vào tim người đang đứng trên đống bao chất đầy gạo.
 Sự việc náo động, ồn ào kéo dài khoảng 30 phút, rồi nhanh chóng trở lại bình thường khi mọi người đã hiểu: viên đạn vừa bắn ra vô tình chứ không phải là cố ý.
*
*   *
Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cămpuchia ở phía trước, cách chúng tôi đang hành quân không xa. Hướng đường đi giờ đây chếch hẳn về ngả Tây Nam, luồn sâu vào đất Lào, dọc theo nhánh đầu nguồn con sông Xê Công. Đây là đường dành riêng cho chiến trường (B2) miền Đông Nam bộ. Còn ngả về hướng Đông Nam, dành cho chiến trường (B3) Tây Nguyên.
Trên tuyến đường B2, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội được ưu tiên rất nhiều, nên những cơn đói liên tục lâu nay đã giày vò chúng tôi giờ đây mới được dịu đi một ít.
Trạm giao liên 78 nằm trên đất Lào, thuộc tỉnh Atôpơ. Ở đây, mỗi người được nhận ba lạng đường và một hộp sữa nước vỏ đã gỉ sét. Không ai có thể biết tên sữa và nơi sản xuất, vì tem nhãn vỏ mủn nát, hoặc đen xỉn không để lại một mẩu chữ nào.
Nhưng những điều đó đối với chúng tôi không cần quan tâm, được sữa ăn là quý lắm rồi. Bởi vậy, vừa nhận nó đã có người lấy dao găm cậy nắp hộp rồi uống ngay rất ngon lành hả hê, trong phút chốc chỉ trơ lại chiếc vỏ rỗng.
Còn tôi vừa cầm hộp sữa trên tay đã thấy thèm quá, chỉ muốn đục ra ăn ngay, nhưng đành kìm mình lại vì đường ruột khá nhạy cảm. Buộc phải chờ đợi đổ nước vào xoong luộc kỹ rồi mới mở ra thưởng thức.
Chỉ một lúc sau đó, trong đơn vị tôi đã xuất hiện một số người túm quần, cầm xẻng chạy vội ra bờ suối. Con số này được tăng lên theo thời gian. Có lẽ gần đến một nửa cán bộ chiến sĩ bị bệnh tiêu chảy.
 Y tá đại đội vội vàng mở  thuốc dự trữ để cấp phát cho anh em, nhằm ngăn chặn kịp thời căn bệnh đang lan toả. May mắn cho tôi và một số người đã thoát qua cơn hoạn nạn.
Đúng là "lợi bất cập hại", thế mà trước đó ai cũng nghĩ có được sữa, người sẽ khoẻ ra. Ai dè ăn xong, lại thấy mình xuống sức khủng khiếp.
Đường dài cuốc bộ còn nằm phía trước không ai rút ngắn cho. Gánh nặng trên vai chẳng giảm được gam nào. Lệnh lên đường hành quân phải chấp hành nghiêm chỉnh. Không cho phép một ai được nghỉ thêm thời gian lấy lại sức.
Chúng tôi hiểu lỗi do mình gây ra, không thể trách cứ nhau được. Lệnh đã phát ra rồi, lại phải tiếp tục lên đường hành quân, thẳng tiến về phía trước.
Cả đơn vị lại lên ca nô xuôi dòng sông Xê Công. Tạm biệt đất Lào triệu voi, để đến trạm 83 nằm trên đất Cămpuchia.
Logged
Vo Minh
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 02:34:18 pm »

III. TRÊN ĐƯỜNG CĂMPUCHIA

Tuyến đường đi giờ đây rất bằng phẳng, mặc dù còn phải xuyên qua rừng nhiều. Còn những dốc núi cao, thấp đã lùi lại rất xa phía sau lưng chúng tôi.
Rừng vùng đồng bằng Cămpuchia, cây cối thưa, hầu như không có cây cổ thụ lâu đời như rừng đại ngàn Trường Sơn. Ở đây chủ yếu là những rừng khộp và le, thuận lợi cho chúng tôi hành quân cuốc bộ. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, thời điểm xuất phát lên đường  của đơn vị, được chuyển về chiều tối để tránh sự rình mò, lùng sục của những chiếc máy bay trinh sát L19 và OV-10 trên bầu trời.
Về mùa khô, hành quân ban đêm khí trời mát mẻ, dễ chịu, chỉ có một nhược điểm là rất buồn ngủ. Hai mí mắt sưng mọng luôn nặng trĩu, không thể điều khiển mở ra được. Tôi đã nhiều lần cố gắng lấy tay tát vào má mình, thế mà có lúc phải đầu hàng nó.
Bởi vậy, dù trên vai rất nặng, tôi vẫn có thể vừa đi vừa ngủ. Chỉ giật mình tỉnh dậy khi chúi đầu vào khóm cây bên đường, rồi lại mở mắt định hướng lối đi, một lúc sau lại vừa bước đi vừa ngủ tiếp. Điệp khúc như vậy tiếp tục kéo dài cho đến sáng, khi đã đến trạm giao liên mới thật sự tỉnh hẳn.
Cũng có lần được nghỉ 10 phút giữa chặng đường hành quân, ai nấy đều để nguyên ba lô súng đạn trên vai ngồi xuống tựa lưng tranh thủ ngủ. Cứ thế, chúng tôi ngủ say sưa ngon lành, bỗng giật thức tỉnh dậy khi có ai đó vỗ mạnh vào người gọi dậy.
Đó là trung đội trưởng Trần Kim Trọng, anh đã cùng đơn vị hành quân đi rất xa nơi này rồi. Nhưng khi kiểm tra quân số, thấy thiếu hẳn một tiểu đội, nên phải vất vả quay trở lại để tìm. Tôi hiểu anh rất mệt nhưng vẫn không nỡ mắng mỏ chúng tôi, mà chỉ nói:
- Anh em đã đi rất xa rồi, cậu nào đầu têu nghỉ lại ở đây mà không đi cùng đoàn vậy?
Chúng tôi nhanh chóng truy tìm ra thủ phạm. Đó là do cậu Lượng ở phía trước, ngồi nghỉ sau gốc cây cụt cháy đen, bị mảnh bom đạn phạt đứt thân. Trong đêm tối, khi đang còn ngủ mơ màng, nên cứ nghĩ đó là một chiến sĩ . Thỉnh thoảng, cậu ta giật mình mở mắt trông vào, vẫn thấy ngồi yên không động tĩnh gì lại tiếp tục gục xuống. Đêm đó, chúng tôi được một giấc ngủ thật ngon lành, phải gần đến một tiếng đồng hồ giữa chặng đường dài hành quân.
Những đêm về mùa khô, bầu trời không một gợn mây, trăng sao thấy rõ mồn một. Nhìn về phương Bắc, nơi có chùm sao Bắc đẩu Đại Hùng tinh, tôi lại nao nao nhớ về bố mẹ và quê hương da diết.
Ở nơi xa ấy, chắc giờ này mọi người đang trong giấc ngủ say, nhưng vẫn còn nhiều người thao thức không ngủ được, trong đó có cha mẹ tôi.
Những người ở quê nhà, với cả một thời gian dài lo lắng,  trăn trở không khi nào được yên, luôn ngóng trông những đứa con của mình, mong cho chúng chân cứng, đá mềm, bình an, sớm được trở về.

16-2-1972 (30 TẾT ÂM LỊCH)
Độ khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi lên ca nô xuôi dòng sông Xê Công về thị trấn Stungtreng, nơi ngã ba con sông này và Mê Công gặp nhau.
Lại thêm một năm nữa tôi đón Tết xa nhà. Ở nơi quê, chắc vào giờ này cha mẹ cũng như mọi người thân đang chuẩn bị chờ đón giao thừa đến. Cái Tết năm nay, thế là vắng hẳn những đứa con đứt ruột đẻ ra, không hề có tin tức, còn được trở về  nữa không? Tất cả nỗi đau chia ly nhớ thương, thao thức này đều do chiến tranh gây ra.
Chúng tôi tuy biết giao thừa sắp đến, nhưng giờ đây, đôi tai của mình còn phải căng lên để nghe tiếng vè vè của những chiếc máy bay trinh sát, L19, OV-10. Tiếng rầm rầm, rì rì của máy bay C130 ở trên bầu trời, đang lùng sục săn tìm từng bước tiến quân của bộ đội ta.
Một chiếc C130 từ đâu bất ngờ lao đến dọc dòng sông, nơi mà cả đoàn ca nô vận tải chở đầy lính trên đó, đang nối đuôi nhau xình xịch chạy xuôi dòng. Rất nhanh chóng, các chiến sĩ giao liên binh trạm đã bình tĩnh điều khiển nó đổi hướng tấp vào hai bên bờ.
Tàu vừa cập bến, tất cả mọi người ai nấy đều vội vàng nhảy xuống đất tìm nơi trú ẩn. Còn lại những chiếc ca nô cũng kịp thời chui sâu vào những rặng le ken dày đặc ở trên bờ đổ xuống dòng sông.
Tiếng bụp, bụp phát ra trên đầu chúng tôi. Cả một khúc sông dài bật sáng rực bởi từng chùm pháo sáng do máy bay bắn bung ra, treo lơ lửng trên bầu trời.
Phía dưới mặt đất, tất cả đều nằm yên không nhúc nhích, nhất cử, nhất động. Lúc này chỉ cần có một sơ suất nhỏ của ai đó thôi, cả đoàn quân sẽ phải hứng chịu một trận bom không mời mà đến.
Dứt một đợt pháo sáng, không phát hiện được dưới mặt đất và trên mặt sông có những điều khác thường, chiếc máy bay C130 bỏ đi. Không gian và mặt đất bất ngờ tối sầm lại, trả về cái tối cho đêm 30 cuối năm. Chúng tôi lại lên ca nô tiếp tục hành trình còn lại.
Cách hai bên mạn tàu độ khoảng hơn chục mét, giờ đây đã xuất hiện những chiếc thuyền đuôi tôm nổ máy phành phạch chạy xuôi, ngược giữa dòng sông.
Phía trên bờ thấp thoáng có ánh đèn dầu le lói của nhà dân. Gần hai bên mép bờ xuất hiện những chiếc nhà nổi trên mặt nước. Người chiến sĩ lái ca nô chở chúng tôi nói rằng: Đấy là nhà lồng nuôi cá, chủ yếu là dân Việt kiều của ta. Phía trên để ở, phía dưới dòng sông có lồng thả cá vào trong đó để nuôi.
Xa xa ở phía trước là một vùng sáng ánh đèn điện. Những chiếc đèn nê ông màu trắng sữa hắt bóng xuống mặt sông sáng lung linh. Nơi đấy là thị trấn Stung treng.
Đoàn ca nô vượt qua thị trấn trả chúng tôi lên bờ, cũng vừa đúng thời điểm giao thừa đến. Gió mặt sông thổi vào xua đẩy những làn sương khuya phả vào mặt và cổ lành lạnh. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái và dễ chịu, vội vươn mình, hít đến căng lồng ngực nguồn không khí thật trong lành của phút giây đầu năm mới.
Vừa nhảy xuống bờ, chân tôi đã chạm vào lớp cát xốp dày, bước đi nghe rào rạo mát rượi. Thị trấn Stungtreng này, đầu năm mới mà được cánh lính trai trẻ chúng tôi, tuổi đời chỉ trên dưới hai mươi, đa số còn rất trong trắng từ nơi xa đến xông đất thật may mắn làm sao. Chúc cho người dân thị trấn, nhất là những gia đình Việt kiều có một năm bình yên, hạnh phúc, làm ăn phát đạt.
Trời vừa hửng sáng, phía xa xa sương mờ mờ đã thấy thấp thoáng người qua lại, không gian phía thị trấn dần dần náo động hẳn lên. Cả đơn vị hành quân vượt qua con đường nhựa đi sâu vào rừng le, cành lá um tùm, phủ kín sát đầu.
Mọi người nghỉ lại nơi đây, chờ trời tối lại lên ca nô xuôi dòng Mê Công về khu vực thị trấn Krache.
*
*   *
Sáng ngày 2 Tết Âm lịch, chúng tôi đổ quân lên bờ, thuộc  khu vực Xuông, Chup, có con lộ 7 bắt nguồn bờ sông Mê Công, xuyên qua rừng cao su bạt ngàn, mênh mông, nối về con lộ 22 ở tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Tán cây xanh của những cây cao su to lớn che kín trên đầu, ngăn cản sự rình mò, lùng sục liên tục của những máy bay trinh sát  lượn trên trời. Giờ đây chúng tôi được hành quân vào ban ngày.
Trước lúc cả đơn vị lên đường hành quân, Lượng vẫn lên cơn sốt rét, không thể đi theo cùng đoàn được. Tôi được anh Trọng phân công ở lại chăm sóc cậu ta, chờ đến chiều cùng hành quân với hai cán bộ Sư đoàn 5, các anh rất quen thuộc tuyến đường mà đơn vị tôi sẽ đi qua.
Trong rừng cao su bên cạnh thị trấn Đầm Be, có rất nhiều xe tăng M41, M113, xe vận tải quân sự do Mỹ sản xuất nằm chỏng chơ, la liệt rải rác khắp nơi. Đây là dấu tích còn lại của những chiến công quân giải phóng với quân đội Việt Nam Cộng hoà vào năm 1970, trong trận chiến đấu mang tên "Trận càn Đông Dương". Nhằm đẩy các cơ quan của Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra khỏi vùng biên giới và tuyến vành đai chiến lược của ta trên đất Cămpuchia.
*
*    *
Trời về đêm, bốn người chúng tôi tạt vào giữa rừng cao su để nghỉ. Tôi vừa đặt ba lô xuống, đã thấy từng đàn muỗi dày đặc ở đâu bay đến tấn công. Muỗi nhiều đến mức chỉ cần lấy tay gạt qua là vơ được cả nắm.
Võng nằm không thể mắc được vì khoảng cách giữa hai cây cao su quá xa. Muỗi đốt quá nhiều, tôi nhớ ngay lọ dầu chống muỗi của Trung Quốc mang theo vội vàng đem ra sử dụng.
Khi vừa xoa nhẹ một lớp dầu mỏng trên người, tuyệt nhiên không có một con muỗi nào lảng vảng tới nữa, lọ dầu quá hiệu nghiệm. Đêm đó, cả bốn người được một giấc ngủ ngon lành trên lớp lá cao su khô, dày phủ kín mặt đất.
Trời vừa sáng, chúng tôi tiếp tục chặng đường hành quân cuốc bộ tiếp theo. Xa xa, phía trước mặt, tôi nhìn thấy thấp thoáng có mái nhà tôn. Hai anh đi cùng nói rằng: - Đấy là làng 12 Việt kiều cơ sở vững chắc của cách mạng, những người dân miền Bắc sống ở đây từ năm 1945 và 1954, họ làm nghề khai thác cao su.
Mọi người hăm hở tiến vào làng xin cơm. Ra đón chúng tôi là một ông già ngoài 60 tuổi, tóc đã bạc trắng, da ngăm đen với cả một cuộc đời phiêu bạt kiếm sống giữa rừng đất đỏ cao su bạt ngàn trên đất khách quê người.
Xem ra các gia đình ở đây cũng chẳng sung túc gì, nếu như không nói là còn nghèo. Ông vui vẻ rất hào hứng mời chúng tôi vào nhà. Cũng chỉ một lúc sau đó, mọi người trong làng tập trung rất đông đến ngôi nhà nhỏ bé này, để thăm hỏi và trò chuyện với  những người lính vừa từ miền Bắc hậu phương vào. Họ muốn biết về cuộc sống của người thân nơi quê nhà xa xôi, mà chưa một lần được trở về thăm.
Trước sự tập trung đông đủ của những người dân trong làng, ông già đã giải thích:
- Các con biết không? nếu như những ngày thường các cháu gái mười chín, đôi mươi ở đây rất khó gặp, vì còn phải đi vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta. Nhưng hôm nay mới là ngày mùng 3 Tết nên mới được nghỉ ở nhà. Số các con vậy là hên rồi đó.
- Thế thanh niên trai trẻ đâu hết rồi hả ba? - Tôi hỏi ông.
- Tụi nó cũng đi giải phóng như các con đó.- Ông trả lời.
Mọi người hỏi thăm về quê quán chúng tôi và đời sống sinh hoạt của người dân miền Bắc. Còn những cư dân ở làng chủ yếu là người Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây... các cô gái trẻ đứng vòng quanh, tíu tít tranh nhau kể về những công việc của mình.
- Anh Tư biết không (tôi là con thứ ba trong nhà) tụi em vận chuyển gạo bằng chiếc xe đạp còn dựng ở đó. - Một cô lên tiếng.
 Tôi nhìn ra thì thấy một chiếc xe đạp trần trụi, không phanh, không có chắn bùn dựng bên hè nhà đối diện.
- Những chiếc xe đạp như vậy mới chịu được đường đất đỏ bazan lầy lội, trơn tuột trong mùa mưa. Tụi em chở cả bao gạo đầy 1 tạ, vượt băng qua những con dốc mà các anh vừa đi qua đó.
Trên con lộ 7 có đoạn đường đi tuy không dựng đứng như những con dốc ở dải Trường Sơn, nhưng nó thoai thoải quá dài. Nếu không có sức khoẻ để guồng chân đạp mạnh, liên tục mà chỉ dừng một tý thôi, thì cả người và gạo, xe đều trôi ngược xuống dốc. Tôi thật sự sửng sốt và bái phục những cô gái còn trẻ và nhỏ bé này.
Đến chiều, chúng tôi đi qua làng 54 cũng như làng 12 là những nơi người Việt mình sinh sống, cạo mủ cao su trên đất Cămpuchia nằm bên lộ 7. Gần tối thì đuổi kịp anh em trong đơn vị.
 
19-2-1972 (TỨC NGÀY 4 TẾT ÂM LỊCH)
Cả đơn vị tôi tiếp tục hành quân dọc theo con lộ 7. Đến quá trưa, chúng tôi sẽ về hướng Nam theo con đường đất đỏ của rừng già. Đi về hướng thị trấn Đôn Tây Cămpuchia.
Dọc hai bên đường là những xác xe tăng địch bị bộ đội ta bắn cháy trong trận càn năm 1970 của quân đội Việt Nam Cộng hoà nằm rải rác, khi chúng định hòng đánh úp, tiêu diệt các cơ quan chỉ huy đầu não của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Nơi đây được gọi là cứ Chính phủ, nằm giữa rừng già dưới những tán cây cổ thụ. Thấp thoáng hai bên con đường nhỏ chúng tôi đang đi, là những chiếc lán nhỏ tre, nứa xinh xinh. Mái của nó lợp bằng những lớp lá trung quân rất đẹp (trung quân thuộc họ dây leo, lá nhỏ như lá Lêkima nhưng rất dai, bền, đốt cháy không khói) nằm bên cạnh những chiếc hầm được xây dựng rất kiên cố.
Khoảng 7 giờ tối, cả đơn vị tập kết nghỉ ở cạnh bìa rừng già thị trấn Đôn Tây (Cămpuchia). Theo kế hoạch, đây là trạm cuối cùng của những đoàn giao quân từ miền Bắc vào.
Chưa kịp hạ ba lô xuống để triển khai mắc võng, chúng tôi nhận được lệnh, phải khẩn cấp hành quân di chuyển sang địa điểm mới, đề phòng máy bay B52 của địch có khả năng ném bom tại đây, ngay trong đêm nay.
Rất nhanh chóng, tất cả mọi người khoác vội ba lô súng đạn lao ra mặt đường đất cát nằm ngoài rừng. Đi dọc theo con lộ theo hướng nam khoảng 500 mét gặp một chiếc cầu sắt. Đây được chọn làm vị trí điểm mốc, để đơn vị dừng lại kiểm tra quân số, thu quân. Sau đó mới tiếp tục hành quân di chuyển sang khu rừng khác trú quân.
Khoảng 11 giờ đêm, khi đang còn trong giấc ngủ say, chợt có tiếng ai hô: "Có máy bay B52 rải bom!" Chúng tôi bất ngờ bừng tỉnh, vội lăn mình từ trên võng rơi xuống đất.
Bầu trời đang yên lành, bỗng nhiên rin rít, âm thanh nghe rất rùng rợn ma quái, như cơn bão lớn đổ về. Tiếp theo đó là từng đợt ánh chớp loé sáng lên giật liên hồi. Mặt đất ầm ầm rung chuyển, kéo dài phải hơn 10 phút rồi tạm nghỉ.
Một lúc sau, chúng tôi mới trấn tĩnh lại và xác định được vị trí máy bay B52 vừa rải bom xuống khu rừng bên cạnh, mà trước đó đã định dừng chân để nghỉ qua đêm. Cả đơn vị tôi ai nấy đều hú vía về sự may mắn sống sót của mình.
Ở cánh rừng bên này, chúng tôi vẫn nằm yên tại chỗ, phải chờ bọn địch ném bom đợt 3 kết thúc, lúc ấy mới an toàn được (thông thường máy bay B52 rải thảm vào một vị trí 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 đến 15 phút).
Gần sáng, tôi được biết: Đêm hôm qua tiểu đoàn 7 có hai đại đội do không nhận được lệnh rút ra ngoài kịp thời nên phải hứng chịu 3 đợt bom, số người bị thương vong rất nhiều. Có hầm  7 người ở dưới đó đều hy sinh cả.
Đây là tổn thất đầu tiên rất lớn của trung đoàn 271 khi vừa đặt chân đến mảnh đất chiến trường B2 ác liệt này.
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM