Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:08:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 189018 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #210 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:30:16 pm »



BÀN VỀ BỐN TRẬN TRÊN.

Trận Bát môn Kim tỏa của Nam-dương tiên sinh đời Hậu Hán bắt chước số bát môn bát quái mà đặt ra là phép mà Khổng-minh vẫn thường dùng, hình như cái khóa, phép rất khít khao, cho nên Khổng-minh gọi là Kim tỏa. Trận đầu số quân một nửa chỉ có 5.000 người mà đại tướng trước lĩnh 1.000 bày trận Ngũ hành để nắm then máy, chỉ còn 4.000 người, chia làm 20 đội, mỗi đội đặt một tỳ tướng cai quản 200 người, có các hiệu Phong, Vân, Xà, Điểu, Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai, Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Phép trận, đại tướng đứng giữa đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống thì đội Vân tiến từ bên tả đứng ngang ở ngoài đại tướng, bên hữu thì đội Phong cũng tiến từ bên hữu đứng ngang ở ngoài đại tướng, thành Vân Phong đối nhau để làm nhãn trận (mắt trận). Đã có mắt thì bốn chi thể cùng trăm khúc xương đều theo đấy làm hiệu lệnh. Cho nên đại tướng lại đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống thì bên tả ngoài đội Vân là đội Kinh đứng nối theo, ngoài đội Kinh là đội Khai đứng nối theo, ngoài đội Khai là đội Hưu đứng nối theo, ngoài đội Hưu là đội Sinh đứng nối theo, ngoài đội Sinh là đội Chấn đứng nối theo, ngoài đội Chấn là đội Cấn đứng nối theo, ngoài đội Cấn là đội Khảm đứng nối theo, ngoài đội Khảm là đội Càn đứng nối theo, để làm vây cánh trận tả; bên hữu thì ngoài đội Phong là đội Tốn đứng nối theo, ngoài đội Tốn là đội Ly đứng nối theo. ngoài đội Ly là đội Khôn đứng nối theo, ngoài đội Khôn là đội Đoài đứng nối theo, ngoài đội Đoài là đội Tử đứng nối theo, ngoài đội Tử là đội Cảnh đứng nối theo, ngoài đội Cảnh là đội Đỗ đứng nối theo, ngoài đội Đỗ là đội Thương đứng nối theo, để làm vây cánh trận hữu. Đã có mắt cùng vây cánh thì sao không có tai? Cho nên đại tướng lại đánh một tiếng trống thì bên tả đội Xà tiến lên đứng ở bên ngoài đội Càn để làm tai bên tả, bên hữu thì đội Điểu tiến lên đứng ở bên ngoài đội Thương để làm tai bên hữu. Như thế là thành trận Bát môn đệ nhất biến ngang dài. Đó là trận đệ nhất biến. Nếu giặc đánh vào đội Xà bên tả thì lấy đội Xà làm chính, đội Vân làm kỳ, các đội Càn, Khảm, Cấn, Chấn làm tả chi, các đội Sinh, Hưu, Khai, Kinh làm tả dực để cứu. Nếu giặc đánh vào đội Điểu bên hữu thì lấy đội Điểu làm chính, đội Phong làm kỳ, các đội Thương, Đỗ, Cảnh, Tử làm hữu chi, các đội Tốn, Ly, Khôn, Đoài làm hữu dực để cứu. Còn như đại tướng thì ở giữa nên bị giặc đánh trước, thì đội Vân đội Phong làm chính, đội Xà đội Điểu làm kỳ, các đội Kinh, Khai, Hưu, Tử, Càn, Khảm, Cấn, Chấn làm tả chi, các đội Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Tử, Cảnh, Đỗ, Thương làm hữu dực, để cùng cứu ứng nhau. Thế là biến chính làm kỳ, biến kỳ làm chính, lấy trước làm sau, lấy sau làm trước, làm phép biến trận mầu nhiệm. Cho nên Binh pháp nói rằng “Trận như con rắn Thường-sơn, đánh đầu thì đuôi cứu, đánh đuôi thì đầu cứu, đánh giữa thì đầu đuôi cùng cứu”. Các phép biến sau đều theo đấy mà liệu tính.

Đến như tái biến thì đại tướng ở giữa, đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống, tiến lên trên trận, bày trận ngũ hành để nắm then máy. Xong rồi, đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống thì bên tả đội Xà tiến trước lên đứng vào góc bên hữu trận, còn các đội khác cũng theo thứ tự như trận trên mà tiến nối lên, thì đội Vân lại ở vào góc bên tả dưới trận. Thế là Thái cực nhất động mà sinh dương. Đại tướng lại đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống, thì bên hữu đội Điểu tiến lên trước đứng vào góc bên hữu trên trận, mà các đội khác cũng theo thứ tự mà tiến theo nối lên, thì đội Phong lại ở góc bên hữu dưới trận. Thế là Thái cực tái động mà sinh âm. Còn phép ứng tiếp đánh đâm cũng giống trận trước. Thế là trận Bát môn kim tỏa nhất biến vi nhị. Đấy là trận đệ nhị biến.

Nếu muốn biến làm trận thứ ba thì đại tướng đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống, tiến lên bảy trận ngũ hành, mỗi hành số binh 200 trở xuống. Xong rồi, lại đánh ba tiếng chiêng thì bên tả bốn đội Sinh, Hưu, Khai, Kinh lui xuống đứng chắn ngang sau trận, mà bốn đội Càn, Khảm, Cấn, Chấn lui đứng về bên tả trận, bên hữu bốn đội Tử, Cảnh, Đỗ, Thương tiến lên đứng ngang ở trước trận, bốn đội Đoài, Thiên, Ly, Tốn thì tiến đứng về bèn hữu trận, còn bốn đội Phong, Vân, Xà, Điểu thì vẫn đóng yên ở bốn góc trận như trước. Phép tiến lui đánh đâm cũng giống như trước. Thế là thành lưỡng nghi sinh tứ tượng. Đấy là trận đệ tam biến.

Nếu muốn biến nữa thì đại tướng đánh một tiếng trống, hai đội Hưu, Sinh ở sau trận bên tả đi chéo lên đứng ngang vào chính nam trước trận, hai đội Đỗ, Thương đi chéo lên đứng vào góc trên đông-nam, hai đội Cấn, Chấn đứng thẳng vào chính đông bên tả trận, hai đội Kinh, Khai ở sau trên bên hữu đi chéo lên đứng vào góc dưới tây-bắc, hai đội Ly, Tốn lui xuống ngang vào chính bắc sau trận, mà hai đội Cảnh, Tử ở trước trận thì đi chéo lên đứng vào góc tây-nam, hai đội Khôn, Đoài đứng vào chính tây bên hữu trận. Xong rồi, đại tướng lại đánh một tiếng chiêng thì đội Vân ở góc dưới bên tả đi lên đứng xen vào quãng giữa hai đội Sinh, Hưu, mà đội Xà thì đứng xen quang giữa hai đội Càn, Khảm, đội Phong ở góc dưới bên hữu đi lên đứng xen vào quãng giữa hai đội Kinh, Khai, mà đội Điểu thì đứng xen vào quãng giữa hai đội Cảnh, Tử ở góc trên. Thế là thành trận Bát môn Kim tỏa đệ tứ biến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #211 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:40:20 pm »


Trận Tiểu chu thiên thứ nhất: Thái cực hồn thiên.
Trận Tiểu chu thiên nhị biến: Lưỡng nghi phân khai.
Trận Tiểu chu thiên tam biến: Tứ tướng đối xung.
Trận Tiểu chu thiên tứ biến: Trận vuông.
Trận Tiểu chu thiên ngũ biến: Trận tròn.
Trận Tiểu chu thiên lục biến: Trận cong.
Trận Tiểu chu thiên thất biến: Trận thẳng.
Trận Tiểu chu thiên bát biến: Trận nhọn.
Trận Tiểu chu thiên cửu biến: Trường xà đảo quyển.
Trận Tiểu chu thiên thập biến: Trường xà liên châu.


Hình 10. Trận Tiểu chu thiên thứ nhất: Thái cực hồn nguyên.


Hình 11. Trận nhị biến: Lưỡng nghi phân khai.


Hình 12. Trận tam biến: Tứ tượng đối xung.


Hình 13. Tiểu chu thiên đệ tứ biến: trận vuông.


Hình 14. Tiểu chu thiên đệ ngũ biến: trận tròn.


Hình 15. Tiểu chu thiên đệ lục biến: trận cong.


Hình 16. Tiểu chu thiêu đệ thất biến: trận thẳng.


Hình 17. Tiểu chu thiên đệ bát biến: trận nhọn.


Hình 18. Tiểu chu thiên đệ cửu biến: Trường xà đảo quyển.


Hình 19. Tiểu chu thiên đệ thập biến: Trường xà liên châu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #212 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:43:10 pm »


BÀN VỀ CÁC TRẬN TIỂU CHU THIÊN.

Trận Chu thiên là trận pháp của Tôn Võ tử. Bốn phương bốn góc cùng trung quân du binh, đều là số 8, ngoài có tám trận là Thiên, Địa, Phong, Vân, Long, Hổ, Xà, Điểu, mỗi trận có 6 đội, thành số 6×8=48. Trong có tả hiệu, hữu hiệu và hai hiệu nội tả, nội hữu, mỗi hiệu 4 đội là số 16. Cộng 8 trận 4 hiệu là số 64 đội để tượng 64 quẻ. Lại du binh 3×8 = 24 đội để tượng 24 khí của trời đất. Mỗi đội 50 người. Cả 8 trận cùng hiệu và du binh ngoài cộng 4.400 người để tượng số Tiểu chu thiên.

Phép trận: Dinh Tiền 6 đội cộng 300 người, gọi là trận Phong, dinh Hữu Tiền 6 đội, cộng 300 người, gọi là trận Địa, dinh Tả 6 đội, cộng 300 người gọi là trận Long, dinh Hữu 6 đội, cộng 300 người, gọi là trận Vân, dinh Hữu Hậu 6 đội, cộng 300 người, gọi là trận Xà. (Kiêm-trai xét: Tiền Hậu Tả Hữu 8 dinh 8 trận). Dinh Trung hiệu Nội tả, hiệu Nội hữu 8 đội cộng 400 người, nguyên thuộc đại tướng. Dinh Trung hai hiệu tả hữu cũng 8 đội, cộng 400 người để hộ vệ đại tướng.

Lúc biến trận thì lấy bốn trận Thiên, Địa, Phong, Vân, đóng vào bốn góc làm binh chính, lấy bốn trận Long, Hổ, Điểu, Xà bày ra bốn phương làm binh kỳ. Còn như du binh thì để phòng bổ khuyết các trận. Như lúc hành binh, nếu gặp chỗ đất hẹp gò ghề thì cho du binh đi trước để dẫn đường. Khi đóng quân thì du binh ở sau, hoặc để chặn đường vận lương của giặc, hoặc để phá viện binh của giặc, hoặc để đánh úp phá quân, hoặc để cắt đứt phá thế, tùy cơ ứng biến, hình như gió cuốn mây bay, không thể lường được. Nếu bàn chín trận cùng du binh thì lấy chín trận làm chính du binh làm kỳ. Nếu bàn tám trận cùng trung quân thì tám trận làm chính trung quân làm kỳ, mà binh chính nhiều binh kỳ ít. Giả như hành binh ở chỗ đường hẹp thì trước kết trận Chu thiên nhất biến. Lấy trận Điểu làm đệ nhất, trận Địa làm đệ nhị, trận Địa là chính mà trận Điểu là kỳ, còn đệ tam là trận Hổ, đệ tứ là trận Thiên thì trận Thiên là chính mà trận Hổ là kỳ Đến như đệ ngũ thì bốn hiệu trung quân là chỗ cầm then máy để hiệu lệnh các quân. Còn đệ lục là trận Phong, đệ thất là trận Long, thì trận Phong là chính, trận Long là kỳ; đệ bát là trận Vân, đệ cửu là trận Xà, thì trận Vân là chính, trận Xà là kỳ. Thế là một kỳ đương một chính trong Binh pháp. Nếu trận Điểu gặp giặc thì trận Điểu làm chính, trận Địa làm kỳ; nếu trận Địa gặp giặc thì trận Địa làm chính, trận Điểu làm kỳ. Cho nên Binh pháp nói “Chính lại làm Kỳ, Kỳ lại làm Chính; đánh đuôi đầu cứu, đánh đầu đuôi cứu; vòng quanh không có đầu mối”, là nghĩa thế đấy. Còn phép chính kỳ đánh đâm của các trận thì cũng theo đấy mà suy ra.

Chu Thiên đệ nhị biến thì chia quân làm hai dây mà tiến. Chi tả, đệ nhất là trận Phong, đệ nhị là trận Long, đệ tam là hiệu tả dinh Trung cùng hiệu Nội tả, đệ tứ là trận Vân, đệ ngũ là trận Xà. Chi hữu, đệ nhất là trận Điểu, đệ nhị là trận Địa, đệ tam là hiệu Hữu dinh Trung cùng hiệu Nội hữu, đệ tứ là trận Hổ, đệ ngũ là trận Thiên. Nếu giặc đánh vào trận nào, thì các trận chính kỳ tả hữu cùng xúm lại mà cứu, cho nên Binh pháp nói rằng “Một chính một kỳ, cùng giúp đỡ nhau” là thế đấy. Ví như giặc đánh vào trận Phong ở chi tả thì trận Long cứu, hiệu Tả dinh Trung cũng theo sau giáp đánh, mà hai trận Vân Xà cũng cứu ứng nhau. Nếu giặc đánh trận Xà thì trận Vân cứu, hai trận Phong Long cũng theo sau giáp đánh mà hiệu Tả dinh Trung cũng cứu ứng nhau. Còn chi hữu thì nhất thiết không được động, một là bình tĩnh để đợi giặc, hai là để nhân chỗ hở mà đánh. Nếu giặc đánh vào chi hữu thì binh cơ ứng địch cũng theo phép ấy.

Chu thiên đệ tam biến (tứ tượng) thì chia quân mỗi dây lại tách làm hai dây mà tiến. Cho nên chi tả nội thì đệ nhất là trận Phong, đệ nhị là hai đội hiệu Tả dinh Trung (trong 4 đội đã trích hai đội biến làm 2 đội hiệu Ngoại tả), 2 đội hiệu Nội tả (4 đội đã trích bổ 2 đội cho đại tướng), đệ tam là 2 đội hiệu Ngoại tả, đệ tứ là trận Xà. Chi hữu nội thì đệ nhất là trận Điểu, đệ nhị là 2 đội hiệu Hữu dinh Trung (trong 4 đội đã trích hai đội biến làm 2 đội hiệu Ngoại hữu), 2 đội hiệu Nội hữu (4 đội đã trích bổ 2 đội cho đại tướng), đệ tam là 2 đội hiệu Ngoại hữu, đệ tứ là trận Thiên. Chi tả ngoại đệ nhất là du binh bổ khuyết, đệ nhị là trận Long, đệ tam là trận Vân, đệ tứ là du binh bổ khuyết. (Du binh trên đó có 12 đội thì tách làm 3 đội nội tả du binh, 3 đội ngoại tả du binh, 3 đội bổ khuyết du binh, còn 3 đội thì lui xuống bổ khuyết cho sau trận). Chi hữu ngoại đệ nhất là du binh bổ khuyết, đệ nhị là trận Địa, đệ tam là trận Hổ, đệ tứ là du binh bổ khuyết (du binh trên đó 12 đội thì tách làm 3 đội nội hữu du binh, 3 đội ngoại hữu du binh, 3 đội bổ khuyết du binh, còn 3 đội thì lui xuống bổ khuyết cho sau trận). Nếu gặp giặc thì đại tướng đánh một tiếng chiêng, bắn một tiếng súng hiệu, hết cả biến làm trận vuông, bốn phương bốn góc, bốn chính bốn kỳ. Hiệu Tả hiệu Hữu theo hiệu lệnh của cờ đại tướng mà biến. Ví như hai bên tiếp nhau, dùng trận vuông để đánh, thì đại tướng đánh chín tiếng trồng, cầm cờ đỏ phất lên thì trận Điểu ra đánh. Đại tướng lại cầm cờ lục cờ vàng phất lên, đánh hai tiếng chiêng thì trận Phong trận Địa ra đánh, lại đánh ba tiếng trống, cầm cờ xanh cờ trắng phất lên thì trận Long trận Hổ tiếp đánh. Đại tướng cầm cờ vàng cờ trắng phất lên, đánh sáu tiếng chiêng thì trận Vân trận Thiên ra đánh. Lại cầm cờ đen phất lên, đánh một tiếng trống, thì trận Xà tiếp ứng. Nếu trận Điểu bất lợi thì hiệu Nội dinh Trung tiếp ứng. Nếu trận Phong bất lợi thì hiệu Nội hữu và hiệu Hữu tiếp ứng. Trận Long bất lợi thì hiệu Tả tiếp ứng. Trận Vân bất lợi thì hiệu Nội tả và hiệu Tả tiếp ứng. Trận Xà bất lợi thì hiệu Hữu và hiệu Nội hữu tiếp ứng. Còn du binh thì bày như hình bán nguyệt, một thuận một nghịch để xung đột thế giặc. Đây là thế trận vuông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #213 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:46:26 pm »


Nếu ở đồng bằng nội rộng thì kết trận tròn: Đệ ngũ biến trận tròn. Đại tướng phải dùng cờ vàng cùng cờ bát quái, cờ ngũ sắc, cùng các thứ chiêng trống và lệnh tiễn để làm hiệu lệnh. trận Điểu thì dùng cờ Điểu, trận Phong thì dùng cờ Phong, trận Long thì dùng cờ Long, các trận khác cũng như thế. Nếu là hiệu Tả thì dùng cờ Nhật, hiệu Hữu thì dùng cờ Nguyệt, hiệu Nội tả thì dùng cờ Dương, hiệu Nội hữu thì dùng cờ Âm, như hai đạo du binh thì dùng cờ Giác, Cang, Tâm, Vĩ, Chi, Phòng, Cơ, Đẩu. Không nên lẫn lộn với cờ tướng. Như bốn trận Long, Hổ, Điểu, Xà thì dựng cờ lệnh Chấn Đoài Khảm Ly của đại tướng, bốn trận Thiên, Địa, Phong, Vân thì dùng cờ lệnh Càn Khôn Tốn Cấn của đại tướng. Nếu là du binh thì theo lệnh liễn của đại tướng, không được trễ nải thất thố. Cho nên Binh pháp nói rằng hiệu lệnh “sáng như lửa đuốc, dữ như sấm sét” nghĩa là thế đấy. Khi xuất chiến thì đại tướng cầm bốn cờ Khảm Ly Chấn Đoài phất lên, đánh một tiếng trống, thì trận Điểu trận Xà ra đánh mà trận Long trận Hổ giáp đánh. Nếu bốn cờ Càn, Khảm, Tốn, Cấn phất lên, đánh một tiếng trống, thì trận Thiên trận Địa ra đánh, mà trận Phong trận Vân giáp đánh. Nếu trận Điểu gặp giặc thì trận Địa trận Phong giáp đánh ở tả hữu, trận Long gặp giặc thì trận Phong trận Vân giáp đánh ở tả hữu, trận Hổ gặp giặc thì trận Thiên trận Địa giáp đáng ở tả hữu, trận Xà gặp giặc thì trận Thiên trận Vân giáp đánh ở tả hữu. Ví như rắn Thường-sơn đánh vào giữa thì đầu đuôi đều ứng. Thế là phép hai kỳ một chính.

Còn du binh thì bày trận hình sao Đẩu để đặt quân phục mà đánh úp. Song trong du binh cũng có hiệu cờ ngũ hành, ví như lúc thăm đường, nếu đằng trước gặp núi rừng thì dựng cờ Mộc để báo, đằng trước có sông chắn thì dựng cờ Thủy để báo, đằng trước có khói lửa thì dựng cờ Hỏa để báo, đằng trước có thành quách gò đá thì dựng cờ Thổ để báo, đằng trước có binh mã, thì dựng cờ Kim để báo. Đấy là ý trên dưới giao tiếp, trong ngoài giao thông của Binh pháp.

Nếu gặp chỗ đất gập ghềnh hiểm trở thì biến làm trận cong: Tiểu Chu thiên đệ lục biến, trận cong. Đại tướng đánh một tiếng chiêng, cầm cờ vàng phất lên thì trận Phong trận Vân ra đánh; đánh ba tiếng trống, cầm cờ vàng phất lên hai cái, thì trận Thiên trận Địa ra đánh; đánh ba tiếng chiêng, cầm cờ vàng phất lên ba cái, thì trận Điểu trận Long ra đánh; đánh bốn tiếng trống, cầm cờ vàng phất lên bốn cái, thì trận Hổ trận Xà ra đánh. Đấy là phép chính kỳ xen nhau trong Binh pháp.

Nếu gặp chỗ đường cái rộng lớn thì nên bày trận thẳng: Tiểu Chu thiên đệ thất biến, trận thẳng. Đại tướng đánh bốn tiếng trống, cầm cờ xanh phất lên bốn cái thì trận Điểu ra đánh, mà các trận Phong Vân Long Hổ giáp đánh; đánh ba tiếng chiêng, cầm cờ xanh phất ba cái, thì trận Địa ra đánh, mà các trận Điểu Phong Thiên Hổ giáp đánh; đánh hai tiếng trống, cầm cờ xanh phất hai cái, thì trận Hổ ra đánh, mà các trận Điểu Địa Xà Thiên giáp đánh; đánh một tiếng trống, cầm cờ xanh phất một cái thì trận Thiên ra đánh, mà các trận Địa Hổ Vân Xà giáp đánh. Từ tả xoay sang hữu, sau đều như thế. Đấy là phép bốn kỳ một chính trong Binh pháp.

Nếu như đường cong thì nên dùng trận nhọn: Đệ bát biến, trận nhọn. Đại tướng đánh một tiếng trống, cầm cờ đỏ phất năm cái, thì trận Long trận Điểu ra đánh, mà các trận Phong Vân Địa giáp đánh; đánh ba tiếng chiêng, cầm cờ đỏ phất bốn cái thì trận Hổ trận Xà ra đánh; mà các trận Thiên Vân giáp đánh; đánh ba tiếng trống, cầm cờ đỏ phất ba cái, thì trận Phong trận Thiên ra đánh, mà các trận Điểu Địa Hổ giáp đánh; đánh bốn tiếng chiêng, cầm cờ đỏ phất ba cái, thì trận Địa trận Vân ra đánh, mà các trận Hổ Thiên Xà giáp đánh; đánh bốn tiếng chiêng, cầm cờ đỏ phất một cái, thì trận Phong trận Địa ra đánh, mà các trận Hổ Điểu Long giáp đánh. Đấy là năm trận biến hóa.

Nếu như địa hình khuất khúc thì biến làm trận trường xà đảo quyển: Tiểu Chu thiên đệ cửu biến. Trường xà đảo quyển. Đại tướng ở giữa, đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống, thì bốn trận Xà Vân Long Phong đảo lên bên tả, bày chếch như thế rắn vung, bốn trận Thiên Hổ Địa Điểu, đảo lên bên hữu, bày chếch như hình rắn vung, để hộ vệ đại tướng, du binh hai bên tả hữu cũng tùy thế mà bày ở ngoài. Nếu hai trận Điểu Phong gặp giặc, thì đại tướng đánh bốn tiếng chiêng, ba tiếng trống, trận Long trận Địa ra đánh, mà các trận Vân Hổ giáp đánh, các trận Xà Thiên tiếp ứng. Đấy là phép hai kỳ hai chính trong Binh pháp.

Nếu là núi cao hiểm dốc, khấp khểnh gập ghềnh, sợ giặc đánh bất ngờ mà đầu đuôi không ứng nhau được thì biến làm trận rắn dài thẳng tiến, hình như liên châu trường xà: Tiểu Chu thiên đệ thập biến, Trường xà liên châu. Phép này thì trận Thiên tiến thẳng thăm đường ở đỉnh núi, nếu không có địch thì cho người về báo mà chiếm đóng đỉnh núi. Các trận thì theo thứ tự mà tiến. Nếu thấy có địch cũng cho người về báo, cứ từ từ mà tiến lên, không nên gián đoạn. Nếu trận Hổ bên tả không có giặc thì cũng cho người về báo mà chiếm đóng núi bên tả, trận Địa bên hữu không có giặc cũng cho người về báo mà chiếm đóng núi bên hữu. Các trận khác cũng cứ thế mà suy. Nếu giặc đánh vào trận Thiên thì hai trận Hổ Địa ở tả hữu giáp đánh. Nếu giặc đánh vào trận Hổ ở núi bên tả thì trận Địa ở núi bên hữu giáp đánh. Nếu giặc lùi thì trận Thiên tiếp mà đánh, còn các trận khác cũng từ từ tiến lên chiếm đóng. Nếu giặc đánh vào trận Xà đằng sau lưng thì các trận lấy trước làm sau, lấy sau làm trước, lấy lùi làm tiến, lấy tiến làm lùi, hết rồi lại bất đầu, thể như chuỗi hạt châu, không nên gián đoạn. Cho nên Binh pháp nói rằng “Chỗ nào đụng là đầu” nghĩa là thế đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #214 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:51:14 pm »


*
*   *

TỔNG LUẬN VỀ TOÀN CHỈ CHU THIÊN.

Xét mười trận Chu thiên, mỗi trận 64 đội, mỗi đội 50 người mà biến hóa vô cùng. Như trận đệ nhất là trận chính Thái cực hồn thiên, trận đệ nhị là trận biến Lưỡng nghi phân khai, trận đệ tam là trận biến Tứ tượng đối xung, trận đệ tứ là biến trận vuông, trận đệ ngũ là biến trận tròn, trận đệ lục là biến trận cong, trận đệ thất là biến trận thẳng, trận đệ bát là biến trận nhọn, trận đệ cửu là biến Trường xà đảo quyển, trận đệ thập là biến Trường xà liên châu, cộng là mười trận. Trong mười trận ấy đều có phép ngũ hành, như trận tròn thuộc kim, trận vuông thuộc thổ, trận cong thuộc thủy, trận thẳng thuộc mộc, trận nhọn thuộc hỏa, mỗi trận 64 đội, mỗi đội cũng biến thành năm trận là vuông, tròn, cong, thẳng; nhọn, cộng là 320 trận, cùng với 10 trận ở trên là 330 tràn, cùng du binh 24 đội tức là biến thành 354 trận. Vì số Chu thiên là 365 độ, cho nên gọi là trận Chu thiên.

Xin đem một đội mà nói, để biết. Trong số 50 người, biến chia làm 9 trận, trận Điểu 5 người, trận Phong 5 người, trận Vân 5 người, trận Long 5 người, trận Xà 5 người, trận thiên 5 người, trận Hổ 5 người, trận Địa 5 người, cộng 40 người. Hiệu Tả 2 người, hiệu Nội tả 2 người, hiệu Hữu 2 người, hiệu Nội hữu 2 người. Cũng là một đội mà biến. Còn các đội khác cũng theo đấy mà suy.

Còn du binh 24 đội, thì biến thành 24 trận chữ nhất, cùng với trận Hai cánh uyên ương và 5 trận vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn, trận Thất đẩu, trận Ngũ hành, trận Khúc đẩu, trận Đảo quyển, trận Liên châu, cộng 35 trận. Trong mỗi trận có đủ sáu thế, một là long phi, hai là hổ cứ, ba là điểu tường, bốn là xà bàn, năm là phong dương, sáu là vân thùy1. Ví như trận Phong gặp giặc mà trận Địa trận Vân giáp đánh, thế như hai cánh chim, cho nên gọi là thế điểu tường. Thế này rất dễ đánh úp giặc. Nếu trận Long trận Hổ chia làm hai chi mà tiến thì gọi là thế phong dương, thế này dễ xuyên vào trận giặc. Nếu trận Xà ở sau trận mà đột xuất đánh một mình, các trận tùy thế mà chuyển, thì gọi là thế long phi, thế này dễ diệt giặc. Nếu trận Vân trận Thiên chia làm hai đạo mà chuyển tiến để quanh đánh bên tả bên hữu, thì gọi là thế xà bàn, thế này dễ vòng quanh giặc. Nếu trận Điểu ra đánh, giả cách thua chạy, khiến du binh phục để đánh úp thì gọi là thế hổ cứ, thế này dễ cướp giặc. Nếu trận Điểu ra đánh, trung quân phục để đợi dụ giặc vào giữa lòng rồi bốn mặt xúm quanh mà đánh, thế gọi là thế vân thùy, thế này dễ vây giặc. Phàm sáu thế ấy rất dễ dùng để đánh.

Còn như đặt phục ra kỳ thì dùng thế âm dương đắp đổi. Thế này lấy nhàn mà đợi nhọc. Như đại tướng cầm cờ vàng phất mãi, chiêng trống đánh liền, thì bốn trận Long Hổ Xà Điểu ra đánh, phút chốc lại thấy ngả cờ im trống, tất là quân lui. Lại một chốc cờ trống rầm trời, thì bốn trận Thiên Địa Phong Vân ra đánh, ít lâu cũng lui. Còn hiệu Tả thì tiếp ứng các trận Thiên Địa Phong Vân, hiệu Hữu thì tiếp ứng các trận Long Hổ Điểu Xà, một tiến một lui, hết rồi lại bắt đầu, một động một tĩnh, luân chuyển vô cùng. Đấy là thế âm dương đắp đổi.
_______________________________________
1. Rồng bay; Cọp ngồi; Chim liệng; Rắn cuộn; Gió nổi; Mây rủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #215 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:54:17 pm »


*
*   *

YẾU LUẬN VỀ GIÁO TRƯỜNG DIỄN TRẬN.

Phép tập trận ở giáo trường, trước hết phải theo hiệu lệnh của tướng. Nếu tướng lệnh không nghiêm, ba quân không chỉnh, thì làm sao tập trận mà biến hóa được. Cho nên xong ba hồi chiêng trống của đại tướng rồi thì đại tướng cùng bốn hiệu và các tỳ tướng cùng tiến, chia làm tám vị mà tiến. Còn du binh thì chia làm hai đạo tiếp sau mà tiến. Chia binh như thế xong rồi, hễ hiệu cờ bát quái của đại tướng phất lên một cái và đánh một tiếng trống thì bốn trận Long Hổ Điểu Xà cùng cất cờ hiệu, và bốn trận Thiên Địa Phong Vân cùng cất cờ hiệu bày làm trận vuông. Xong rồi, du binh biến làm hình bán nguyệt, mỗi người cách nhau một bước. Còn trong 8 trận thì mỗi trận cách nhau 100 bước, chia làm 8 cửa. Đấy là Binh pháp nói “trong trận có khách trận, trong đội có khách đội”. Thấy đại tướng cầm cờ vàng phất hai cái và nghe đánh hai hồi chiêng trống xong, thì các trận biến làm trận tròn. Nếu cờ vàng phất ba cái và chiêng trống đánh ba hồi thì các trận biến làm trận cong. Nếu cờ vàng phất bốn cái và chiêng trống đánh bốn hồi thì các trận biến làm trận thẳng. Nếu cờ vàng phất năm cái và chiêng trống đánh năm hồi, thì các trận biến làm trận nhọn. Biến hiệu của các trận khác cũng y theo trận vuông trước. Thế là hiệu lệnh của đại tướng là ở bốn kỳ, hiệu lệnh của bốn kỳ là ở bốn chính mà biến năm trận. Xong rồi, chợt thấy đại tướng cầm cờ ngũ sắc phất một cái và nghe đánh một tiếng trống, thì các trận đều dậy; nếu cờ ngũ sắc phất hai cái, trống đánh hai tiếng thì các trận đều tiến; nếu cờ ngũ sắc phất ba cái, trống đánh ba tiếng thì các trận đều tiến gấp; nếu cờ ngũ sắc phất bốn cái, trống đánh bốn tiếng thì các trận đều lên trước. Ví như lúc giao chiến đang say chợt cờ bát quái phất một cái và thổi một tiếng còi thì các trận tiến về phía đông, cờ phất hai cái và còi thổi hai tiếng thì các trận tiến về phía nam, cờ phất ba cái và còi thổi ba tiếng thì các trận tiến về phía tây, cờ phất bốn cái và còi thổi bốn tiếng thì các trận tiến về phía bắc, cờ phất năm cái và còi thổi năm tiếng thì các trận đều về. Nếu nghe đánh lẻ một tiếng chiêng thì các trận bãi chiến, đánh hai tiếng chiêng thì các trận đều đứng, đánh ba tiếng chiêng thì các trận đều quay lưng lại, đánh bốn tiếng chiêng thì các trận đều lui, đánh năm tiếng chiêng thì các trận đều về nguyên vị mà đứng, không được làm rối loạn. Ví như trận vuông thấy đại tướng cầm cờ vàng phất một cái, nghe đánh một tiếng trống, thì trận Địa giơ cờ hiệu lên mà trận Điểu ra đánh; cờ vàng phất hai cái, trống đánh hai tiếng thì trận Hổ giơ cờ hiệu lên trước mà trận Địa ra đánh; cờ phất ba cái trống đánh ba tiếng thì trận Long giơ cờ hiệu lên trước mà trận Phong ra đánh. Các trận khác đều theo như thế.

Lại như trận tròn, thấy đại tướng cầm cờ vàng phất 2 cái, nghe đánh chiêng 2 tiếng thì trận Điểu trận Địa ra đánh, cờ phất 3 cái, trống đánh 3 tiếng thì trận Phong trận Long ra đánh. Hiệu lệnh các trận khác cũng theo bốn trận này mà suy.

Lại như trận cong, thấy đại tướng cầm cờ vàng phất 3 cái, nghe đánh chiêng 3 tiếng thì trận Vân trận Địa đều giơ cờ hiệu, mà trận Điểu trận Xà ra đánh; cờ phất 4 cái, chiêng đánh 4 tiếng thì trận Phong trận Thiên đều giơ cờ hiệu, mà trận Long trận Hổ ra đánh. Các trận khác cũng theo bốn trận này mà suy.

Lại như trận thẳng, thấy đại tướng cầm cờ vàng phất 4 cái nghe đánh trống 4 tiếng thì trận Long trận Xà đều giơ cờ hiệu, mà trận Phong trận Vân ra đánh; cờ phất 5 cái, trống đánh 5 tiếng thì trận Điểu trận Hổ đều giơ cờ hiệu, mà trận Thiên trận Địa ra đánh. Các trận khác cũng theo hiệu lệnh ấy mà đánh.

Lại như trận nhọn, thấy đại tướng cầm cờ vàng phất 5 cái, nghe đánh chiêng 5 tiếng thì trận Điểu ra đánh; cờ phất 6 cái, trống đánh 6 tiếng... Các trận khác cũng theo hiệu lệnh ấy mà đánh.

Còn như hiệu Tả thì trông cờ Dương mà ứng, hiệu Hữu thì trông cờ Âm mà ứng. Đến như du binh thì xem lệnh tiễn của đại tướng. Nếu lệnh tiễn phóng một cái thì 4 đạo Dác, Cang, Chi, Phong ra tiếp ứng; lệnh tiễn phóng 2 cái thì 4 đạo Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu ra tiếp ứng; lệnh tiễn phóng 3 cái thì các đạo du binh đều tiếp ứng.

Đánh ngày thì dùng hiệu cờ, đánh đêm thì dùng hiệu đèn. Quân các trận ra dinh, cờ sắc gì, quần áo gì, phải cho ba quân tai nghe mắt thấy, ngày thường thuộc sẵn để đến khi ra trận thì như thân sai cánh tay, cánh tay sai ngón tay, mạch lạc quán thông, ai dám không theo. Cho nên Gia-cát nói rằng phép đồ trận phải hiệu lệnh nghiêm minh, bộ khúc chỉnh tề, cùng hàng ngũ bộ số, trước sau tả hữu, tiến lui đánh đâm, cái gì cũng thuộc kỹ. Người dũng không thể tiến một mình, người nhát không thể lui một mình, cùng lòng cùng sức, cùng phù trì nhau. Cho nên 5 người làm một ngũ, 50 người làm một đội, nếu một người xông lên đánh giặc mà bốn người không cứu, một ngũ gặp nguy mà chín ngũ đứng nhìn, thì theo quân pháp mà trừng trị. Dẫu người bách tính lạ nhau cùng quân ô hợp cũng thân nhau như anh em cha con, có ai dám trái lệnh phạm pháp đâu.

Còn như người chấp nhất, học phép Thái ất kỳ môn, đem ba quân bày các trận mà phương không biết, chế độ không xét, chỉ câu nệ vượng tướng cô hư1, thiên quan thời nhật2, mà về đạo làm tướng thì mờ mịt không hiểu gì, thế thì có khác gì sa xuống vực sâu, ngã vào hang tối, tất là bại binh tổn tướng, có dùng làm gì. Còn ai nghe lời ta đây thì hẳn là trăm đánh trăm thắng.

Lại xét về chân trận, cũng có phương lược chắc chắn. Ví như trận vuông, thì trước sai trận Xà trận Điểu ra đánh, rồi sai trận Long trận Hổ giúp nhau, thì 4 trận Thiên, Địa, Phong, Vân cũng kết làm 8 trận mà đứng. Nếu là trận tròn thì trước sai trận Thiên trận Địa ra đánh, rồi sai trận Phong trận Vân giáp đánh, thì 4 trận Long Hổ Xà Điểu cũng kết làm 8 trận mà đứng. Mỗi một trận 6 đội nên chia đôi ra lấy 3 đội làm một trận, thì các nửa trong 4 trận cũng thành 8 trận. Các trận khác cũng theo đấy mà suy.
_______________________________________
1. Vượng tướng cô hư: Chữ của đạo gia nói hành nào thì vượng về chi nào.
2. Thiên quan thời nhật: Giờ ngày do Thiên quan xem.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #216 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:58:31 pm »


*
*   *

YẾU PHÁP PHÁ TRẬN.

Phàm phép phá trận, đời xưa vẫn có. Nhưng phải có phương lược, nếu không có phương lược thì phá sao nổi. Ví như bên địch bày trận vuông, trước sai trận Điểu ra đánh, rồi sai trận Phong trận Địa tiếp đánh, thì ta bày trận tròn, trước sai hai trận Xà Điểu đón đánh, rồi sai bốn trận Long Hổ Thiên Địa tiếp đánh. Như thế thì họ có một mà ta có hai, lo gì chẳng phá được trận. Các trận khác cũng theo đấy mà suy.


*
*   *

Tổng bình về tập Địa

Kiêm-trai xét: Loan-khê xử sĩ dẫn lời bàn của Tùng-cúc chủ nhân nói rằng: Sách Quãng nghĩa nói thể đặt không dày thì chở muôn vật nặng không mang nổi, cho nên Kinh Dịch nói Khôn (đất) dày chở vật, đức lớn không có bờ nào, là nghĩa thế đấy. Xem như đất đặt núi sông để ngăn Di Địch, định phong cương để dựng muôn nước, công đức biết là dường nào. Lại có núi cao chót vót, sóng dữ sục sôi, xem như cửa Kiếm-các1, cửa Hào-hàm, dẫu có đường ruột dê đường chân chim mà quân giáo đồng ngựa sắt, cũng khó bay nhảy vào được. Lại xem dòng sông Trường-giang, sóng biển Bột-hải, dẫu có sức buồm nhẹ chèo mau mà cái nạn đắm thuyền đuối người vẫn chưa khỏi sợ. Đấy đều là đất đặt núi sông để giữ vững vậy. Tôi đọc sách Hổ trướng khu cơ đến Tập Địa thì vỗ sách mà than rằng: Xem thành hiện xưa đặt ra trận pháp, như các trận Tiên thiên Hà đồ, Bát môn kim tỏa, cùng các trận Chu thiên tựa hồ đương chỗ đồng bằng nội rộng mà đột ngột nổi lên ngũ hồ ngũ nhạc, chín châu bốn biển, dẫu có nghìn môn vạn hộ, bốn mặt tám phương, nhưng trong ấy hiểm trở kín đáo thế không lọt được cái kim, ví dù quân giặc trăm vạn, dõng tướng nghìn viên cũng không làm gì nổi. Thế mới biết Gia-cát tiên sinh học trận pháp có thể bảo là đức ngang với trời, công ngang với đất vậy. Chỉ thấy chín sao rõ ràng, tám cửa ám hợp, chiếm cơ quan của trời đất, cướp tạo hóa của phong vân, trước sau bày thế Điểu Xà, tả hữu chia hình Long Hổ; bính đinh đội trước, như muôn tia lửa nóng đốt non; nhâm quý theo sau, như nghìn đợt sóng cuộn ngập đất; thế tả xoay vần thanh khí; hình hữu soi suốt bạch quan; khôn thổ chỉ chiếm trung ương; hoàng đạo toàn theo mậu kỷ2. Kể trong tám cửa, đủ phần hai mươi tám sao; các trận bốn phương, ẩn cả sáu mươi tư quẻ. Quanh quanh quẩn quẩn, rối ren đội ngũ biến trường xà; chỉnh chỉnh tề tề, im lặng uy nghi như phục hổ; trận Mai hoa một xung một đột; trận Tam tài hoặc trước hoặc sau. Chẳng phải khoe bát trận thành công; chẳng phải nói lục thao thủ thắng. Học thì học diệu kế của Khổng-minh; dùng thì dùng thần cơ của Lã Vọng. Nếu không phải tiên núi Bạch-hạc truyền phép diệu, thì làm sao rồng bay lên trời giúp công to?
____________________________________
1. Cửa ải ở tỉnh Tứ-xuyên ngày nay.
2. Mậu kỷ là thổ, thuộc trung ương.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #217 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 07:07:17 pm »


HỔ TRƯỚNG KHU CƠ


QUYỂN III
TẬP NHÂN



YẾU CHỈ VỀ TƯỚNG

Phàm đạo làm tướng, có tám điều cốt yếu: Một là dốc nhân, hai là minh nghĩa, ba là cẩn tín, bốn là trí tuệ, năm là minh triết, sáu là tài năng, bảy là cương dũng, tám là uy nghiêm. Trong tám điều ấy, lấy chí thành làm chủ. Cho nên Kinh Dịch nói rằng: “Chí thành là đạo trời, giữ thành là đạo người, chưa thấy có thành mà lại không cảm động được lòng người”. Cho nên làm tướng có tám điều cốt yếu ấy, nếu đem lòng chí thành để giữ gìn, thì trên có thể giúp đỡ xã tắc chia phần lo việc với vua; dưới có thể giữ mệnh ba quân, cứu nhân dân trong cảnh khổ.

Nhân làm đầu mọi nết tốt, là đức của lòng người, đạo trời lấy làm đầu, đạo người lấy làm gốc. Cho nên, thể thì yên lặng như núi, dụng thì mạnh mẽ khó đương. Nếu làm tướng mà không dốc lòng nhân thì lấy gì để cố kết nhân tâm cho giặc phục? Cho nên người xưa nói “Không sợ thế giặc đương cường, chỉ sợ lòng dân đã hở”, là nghĩa thế đấy.

Nghĩa là lẽ phải có việc để kiềm chế lòng người. Không có nghĩa thì việc làm mất lẽ phải, người người tạm bợ. Cho nên làm tướng tất trước phải biết nghĩa. Nghĩa đã rõ thì có thể hết trung báo ơn nước, xử sự đúng lẽ mà duy trì được lòng người. Ngày xưa Nhạc Nghị làm tướng nước Yên mà người nước Tề phục là có nghĩa, cũng bởi thế đấy. Nếu làm tướng không biết nghĩa chính đại mà cầu lợi lặt vặt, thì người thất phu thất phụ vác cày bừa mà đuổi đi, còn đánh giặc làm sao được.

Tín là của báu của nhà nước, là gốc dễ của muôn việc, dẫu giống vật ngu si cũng biết cảm động. Cho nên cổ nhân cảm động lợn cá1, bắn xuyên hổ đá2, há chẳng bởi lòng thành tín sao? Tấn Văn công không tham lợi đánh ấp Nguyên3, Tề Hoàn công không trái hẹn với Tào Mạt4, rồi làm nên bá nghiệp được. Trọng Do nửa lời xử án5, Nhạc Nghị một lữ phá Tề6, đều bởi có tín đấy thôi. Cho nên thánh nhân nói rằng “Bỏ việc ăn, bỏ việc quân, duy tín không thể bỏ được”, thì biết tín là của báu không thể khinh. Lúc bình thời còn như thế nữa là lúc loạn! Cho nên làm tướng mà cẩn tín thì chính lệnh đưa ra, vững như vàng đá, tin như bốn mùa, không ai dám có lòng gì khác. Nếu làm tướng mà bất tín, thì trên dưới hai lòng, quân cơ mất nhịp, dẫu đứa trẻ năm thước cũng chẳng vui lòng, nữa là nước giặc sao!
_________________________________
1. Lợn cá: Kinh Dịch, quẻ “Trung phu” nói “Lợn cá cũng tin” là lòng thành tín cảm động đến cùng, vì lợn cá là giống vật ngu mà còn cảm động được.
2. Bắn hổ đá: Hán thư chép Lý Quảng đi săn thấy hòn đá ở trong cỏ, nghĩ là con hổ, giương cung lên bắn, bắn trúng, đến sau thấy chỉ là hòn đá mà tên vào đá ngập vè, lại bắn lần nữa thì tên không cắm đá nữa.
3. Ấp Nguyên: Tấn Văn công đem quân đi đánh Nguyên, hẹn cho quân đem lương ăn 3 ngày, 3 ngày không hạ được, cho quân về. Ấp Nguyên phục là thành tín mà hàng.
4. Tào Mạt: Tề Hoàn công hội với Lỗ hầu. Tào Mạt là tướng Lỗ, cầm gươm hiếp Hoàn công. Hoàn công hẹn trả lại đất cho nước Lỗ, sau Hoàn công toan không trả, Quản Trọng can rằng: Muốn thành nghiệp bá, phải giữ lời hứa. Hoàn công bèn trả đất cho nước Lỗ.
5. Xử án: Trọng Do, tức Tử Lộ là người dũng tin, cho nên nói nửa lời cũng đủ kết xong việc án.
6. Nhạc Nghị làm tướng nước Yên, đi đánh nước Tề, vì có tín nghĩa nên năm nước láng giềng giúp quân cho, mới đánh nổi nước Tề.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #218 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 07:08:22 pm »


Trí là cái gì cũng biết. Nếu có trí tuệ thì việc thiên hạ, dầu việc rất nhỏ trông qua cũng biết nữa là việc binh. Cho nên làm tướng có trí tuệ thì vận dụng đúng mực, kinh quyền hợp nhịp, mà cơ biến trong phút chốc xử trí dễ như trở tay, dẫu quỷ thần cũng không thể lường, huống chi là người! Nếu làm tướng mà không trí tuệ thì nhấc một góc, ba góc vẫn không nổi được, trong lúc xử sự chỉ như người đánh dấu mạn thuyền để tìm gươm. Lúc lâm cơ thì khác nào sừng dê húc giậu, dầu có quân trăm vạn mạnh như Mạnh Bôn, Ô Hoạch1 cũng ngồi mà chờ chết, huống chi là trong lúc thảng thốt! Cho nên Kinh Dịch nói “Đệ tử dư thi2, đột như, kỳ lai như, phần như3, tử như, khí như4, khấp huyết liên như5”, những lời ấy có sai đâu.

Minh là tự lòng mình sáng thiêng không mờ tối, cho nên đối với việc thiên hạ dẫu nhỏ như mầm mống hào lý đều hiểu rõ hết. Phàm những lời gièm pha thấm thía, những lời vu cáo quanh co mà không nhận thức như kẻ không trông thấy cả xe củi, thì đều không phải là thế bản nhiên. Cho nên làm tướng phải minh triết, để phòng việc nhỏ, thì trong khoảng cơ biến còn rõ ràng ở trước mắt, huống là tình hình bên địch. Kinh Dịch nói “Quân tử biết mềm biết rắn, biết nhỏ biết lớn, biết cơ là thần rồi; giao thiệp với người trên không nịnh, giao thiệp với người dưới không nhờn mà minh triết giữ mình”, là nghĩa thế đấy.

Tài năng là phẩm quý của người mà rất khó được. Phàm người có tài, mở trời xoay đất, giúp nước yên dân, thì thiên tử không bắt làm tôi được, chư hầu không đem làm bạn được. Nếu người làm vua mà không thành kính tận lễ ba lần đến đón thì không được gặp. Còn những tài nhỏ tầm thường, sàn sàn hèn mọn, văn không đủ giúp nước, võ không đủ yên dân, mà dùng làm việc quân thì là đem quân trăm vạn mà xô xuống ngòi rãnh thôi, trông cậy gì được.

Cương thì không bị dụ vì lợi, mà dũng cũng nhờ vào đấy, thấy điều nghĩa là làm ngay, lâm sự thì thận trọng, như Thang Võ một lần nổi giận mà thiên hạ được yên, thế mới là đại dũng. Còn những người mặc áo giáp cầm giáo sắc, đánh tan trận giặc, bẻ gãy mũi nhọn, và múa gươm quắc mắt, đó chỉ là dũng huyết khí, không phải là đại dũng quân tử. Cho nên làm tướng mà không cương dũng thì bị dụ vì lợi, thấy lợi là làm, mà ba quân không cử động chân tay được.

Nghiêm là việc cốt yếu của binh gia, bởi vì quyền hành cõi ngoài về tay đại tướng. Người xưa nói “Tướng ở ngoài, mệnh vua cũng có điều không theo”, là nghĩa thế đấy. Làm tướng mà không uy nghiêm thì quân sĩ dọc ngang, ba quân trễ nải, dầu chỗ đất bé nhỏ như nốt ruồi viên đạn cũng không đánh lấy được, huống là đối với giặc mạnh! Cho nên làm tướng trước phải hiệu lệnh nghiêm minh, ba quân chỉnh túc, giữ thì bắt chước Chu Á-phu đóng quân Tế-liễu, lệnh thì bắt chước Tôn Võ tử luyện tập nữ binh. Như thế thì sĩ tốt khi đánh giặc dẫu chết cũng không dám lui, ba quân ra trận, nếu lâm nguy càng hăng hái, dẫu giặc khỏe như gốc quánh thớ dai còn không đủ sợ, huống là đám giặc cỏ như đàn ong lũ kiến. Cho nên nói rằng làm tướng phải lấy uy nghiêm làm việc cốt yếu.
______________________________________
1. Mạnh Bôn, Ô Hoạch: Hai người dũng sĩ đời Tần Vũ vương.
2. Đệ tử dư thi: Con em chết xác chở đầy xe. (Kinh Dịch, Quẻ hào lục ngữ).
3. Đột như, kỳ lai như, phần như: Nếu cương táo bất trung thì thế cương đột đến, bức bách người trên như lửa đốt. (Kinh Dịch, Quẻ Ly hào cửu tứ).
4. Tử như, khí như: Đốt như thế tất có họa hại cho nên tất chết; nghịch đức như thế mọi người đều bỏ (Kinh Dịch, Quẻ Ly hào cửu tứ).
5. Khấp huyết liên như: Nơi cực hiểm mà không quân ứng viện, đến cùng chỉ khóc đổ máu mắt ra mà thôi. (Kinh Dịch, Quẻ Truân hào thượng lục).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #219 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 07:25:19 pm »


*
*   *

PHÉP CHỌN TUỚNG LUYỆN BINH.

Phàm tướng là đồ quan trọng của nhà nước. Đồ cứng thì gãy, quyền trọng thì nguy; binh là hung khí, bất đắc dĩ mới dùng đến. Cho nên binh quý tinh mà không quý nhiều, tướng cần mưu mà không cần dũng. Binh cơ không chuyên dùng một người nào, tướng quyền không chuyên giao một người nào. Bởi vì chuyên dùng một người thì thua, chuyên giao một người thì mất. Cốt ở hòa nhân tâm mà thôi. Phàm chọn người, có người ném bút nghiên mà đi lập công danh, thì tùy tài mà bổ dùng; có người mất nhà mà thề chết, thì trao chức mà chuyên dùng; có người đội tội mà lập công, thì tha tội lỗi mà dùng lấy; có người bày lời mà dâng lên, thì xem người mà dùng lời; có người bị nhục với kẻ vẻ vang mà tự sỉ, thì xét tài mà yên ủi lòng; có người gan dạ mà ra trận, thì cho đi trước để thỏa lòng. Cho nên Binh pháp nói “Cội gốc có một, là ở sai khiến người, sai người mà được chỗ cốt yếu thì là trọng khí của miếu đường”, có phải lời nói không đâu. Phàm phép dùng thì tùy theo tài, hỏi để nói xem trả lời có rõ ràng không, hỏi gạn cùng để xem có biến hóa không, bảo cho việc khó khăn để xem khí thế, cho uống rượu say để xem thái độ. Như thế thì hiền ngu hay dở không thể giấu được1. Đến khi dùng, tài lớn thì dùng làm việc lớn, tài nhỏ thì dùng làm việc nhỏ, người hiền ngu hay dở đều không bỏ ai. Ví như dùng gỗ, gỗ tốt như kỷ tử, dẫu cao vài thước, người thợ giỏi cũng không bỏ. Cho nên Binh pháp nói “Về việc quân, năm tài không bỏ sót thứ gì” lời nói đáng tin thay. Như người điếc thì chuyên việc nhìn, có thể giữ vọng lâu; người mù thì chuyên việc nghe, có thể khiến cầm canh; người ngay không tham thì cho giữ kho; người tham không sợ chết thì cho đi tiên phong; người trung không mang hai lòng thì cho làm gián điệp. Năm tài đều dùng không bỏ sót, thì tướng sĩ hòa nhau, đánh một trận mà thành công. Binh pháp nói “Sĩ tốt theo mệnh, bởi vì kính lễ hiền nhân thì sĩ dễ đến”. Bởi vì tính mệnh ba quân ở trong tay một tướng, tướng dùng người, như nuôi vợ con, người dũng thì cho ăn lộc hậu, người trí thì đem thân ủy cho, người tài thì phong tước cho, người hiền thì lấy lễ mà khuyến. Ví như người rét thì cho áo mặc, người đói thì cho cơm ăn, người ốm thì cho thuốc uống, người chết thì thương xót mà tống táng. Như thế thì lòng sĩ tốt thà chết chứ không lui để sống.

Binh pháp lại nói “Tướng chịu trách nhiệm lúc nguy”. Bởi vì có lúc an thì có lúc nguy; ăn lộc vua thì siêng việc vua; nếu lúc an mà không lo thì như chim yến làm tổ trên màn, như con cá bơi lội trong chậu, an thế nào được. Lúc lâm nạn thì có tai mắt chân tay. Người không tai mắt lấy gì mà nghe trông, không chân tay lấy gì mà động tác. Cho nên người trí thì làm tai mắt lòng dạ, người dũng thì làm chân tay nanh vuốt. Chớ vì người mình yêu mà tác uy; chớ vì mình có quyền mà lấn át; chớ vì thế mà oan riêng; chớ đem thưởng cho người thân. Như thế thì trên dưới cùng lòng mà ba quân liều chết. Cho nên Thần kinh nói rằng “Tướng như thuyền, quân như nước, nước chở được thuyền mà cũng đắm được thuyền”. Nếu thưởng không đáng công, phạt không đúng tội, thì ba quân đều oán. Cho nên, người có công dẫu thù cũng thưởng, người có tội dẫu thần cũng phạt; thưởng không để quá một tuần, phạt chẳng nể người thân, là nghĩa thế đấy. Cho nên Binh pháp nói “Điều cốt yếu để cho quân hòa là ở thưởng phạt công, thủ xả minh mà thôi”. Lại nói “Tướng cần có nhiều người phụ”. Bởi vì nhiều người phụ thì tướng mạnh, ít người phụ thì tướng yếu. Ví có tướng dữ như hổ lang, lại được quân như báo khuyển, tướng biết tình quân, quân biết ý tướng, dẫu quân nhiều đến trăm vạn, chỉ bảo cũng như chỉ bảo một người.

Như hành binh phải có lễ, sai người phải theo thời. Kể ra lễ là tiết văn của thiên lý, là nghi tắc của nhân sự, như người đi trước đợi người đi sau, người đi sau trông người đi trước, người bên tả đợi người bên hữu, người bên hữu đợi người bên tả; ngồi chia trên dưới, uống rượu chớ ồn ào, thấy của không tranh cướp, thấy sắc không cuống cuồng, đều là lễ cả. Thời là âm dương nóng rét, xuân hạ thu đông, sớm tối no đói. Theo thời mà sai khiến, cũng như thân mình. Quý tiện dẫu khác, lòng người giống nhau. Tướng rõ điều ấy thì lòng người hẳn hòa. Được lòng hòa thì Tần Việt kết làm anh em, mất lòng hòa thì anh em cũng thành cừu thù. Binh pháp nói rằng “Yêu sĩ tốt như yêu gái đẹp, thần cơ không lường được; thấy sĩ tốt mà không thương thì quân trong lắm giặc; tướng có nghĩa thì binh có công”, là ý thế đấy.

Làm tướng chớ cùng ba món, mang bốn giống. Ba món là: Nói cùng lời thì lòng người oán, hiếu sắc đến cùng thì trong thành loạn, dùng của đến cùng thì thiên hạ tan. Bốn giống là giống tham thì quân không phục, giống độc thì quân không hòa, giống kiêu thì quân tất thua, giống hung thì quyền hẳn mất. Tướng không biết như thế, sao làm cho quân hòa được? Binh pháp nói “Ở dưới mồi thơm hẳn có cá to; ở dưới thưởng trọng hẳn có người anh dũng”. Nếu thưởng phạt không minh, dùng người không quyết, tiểu nhân làm quan ở triều đình, quân tử ẩn náu ở nhà quê, thì tướng chẳng đáng tướng, tất đem nước cho giặc. Không biết dùng người hiền thì bị nước địch khinh. Cho nên mong người hiền như khát mong nước uống, thấy người hiền sợ tiếp đãi không kịp thì mới phải. Binh pháp nói rằng “Áo giáp không bền, khác gì không mặc áo; bắn không trúng, khác gì không có tên bắn; có người hiền mà không biết dùng, khác gì không có người hiền; trong nước không hòa, khác gì không có vua” là nghĩa thế đấy. Lại nói “Người trên theo lời gièm thì kẻ dưới lìa lòng”. Trên dưới lìa nhau thì thất hòa; thất hòa thì kẻ có tội cũng không sợ, người được thưởng cũng không phục, bởi vì thưởng phạt dẫu khinh, tội tình rất nặng. Cầu người giỏi không bằng cầu gái đẹp là đem mình cho giặc; làm tội không đáng tội là đem quân cho giặc; thưởng phạt bất minh thì quân bất hòa. Cho nên dùng binh lấy hòa làm quý, lấy lễ làm đầu. Quân đóng thì theo lễ, quân đi thì dung uy. Cơ mưu tự khi đóng trại, ứng biến ở lúc lâm thời, thưởng phạt không nhầm, cơ biến rất đúng, thì tự nhiên quân thắng trận.

Lại tướng nên bỏ tám điều tệ, chớ bỏ ba điều hòa. Tám tệ là: kiêu mà khinh người trí, lười mà không tập, dũng mà vô mưu, tham mà ăn bẩn, rượu hỏng tính tình, sắc hỏng việc nước, độc mà bất nhân, chuyên mà tự đoán. Trong tám điều ấy mà mắc một điều là đem thân cho giặc. Ba điều hòa là: hòa với quân lính, hòa với liêu hữu, hòa với mấy nước láng giềng. Trong ba điều hòa ấy nếu bỏ mất một là đem nước cho giặc. Binh pháp nói: “Tướng không có nanh vuốt; như người đói ăn thuốc độc; quân không có nghiêm lệnh, như người mù đi đêm”. Cho nên tướng phải dùng người, quân phải giữ phép mới phải. Binh pháp lại nói: “Dùng người không có phép, thì quân sĩ xôn xao”. Bởi vì không có phép thì nhọc mà vô công. Cho nên dùng người có sáu cách: Một là người kiêu thì cho đánh trước, đến đâu là tung hoành, đằng trước không thấy có giặc; đằng sau không thấy có vua, trên không nệ trời, dưới không nệ đất, tiến thì như đất rách núi lở uy bay muôn dặm, nước địch tất phải sợ hãi. Hai là người tham thì sai tranh lương cướp cỏ, không kể sống chết, lòng chỉ tham lợi, lợi cho binh lương. Ba là người dũng thì nên dùng làm chân tay đùi vế, để phòng lúc nguy nan thì họ liều chết. Bốn là người trung tín thì sai làm gián điệp, sự cơ rõ ràng, đặt phục xuất kỳ, nghe lệnh tất theo, nghe trống tất đi, việc không sai trái. Năm là người già yếu thì sai giữ kho, ngày đêm giữ cẩn thận, kẻ gian không dám xâm phạm. Sáu là người cường tráng thì nên sai theo quân mà vận lương, gánh gạo, gánh nước, hái củi. Sáu hạng người ấy đều nên chuẩn bị cả. Cho nên Binh pháp lại nói “Chuyên hiệu lệnh, thông tin báo, chia trước sau, rõ đặt phục, truyền ra vào, vâng tiến lui, hiểu thiên thời, xét địa lợi, biện nhân hòa” là ý thế đấy. Làm tướng trước lập thân mình mà sau cho quân tập; định kế sách mà chọn nhân tài, luyện tập binh lính mà cổ lệ sĩ tốt; trí năng hơn mọi người, dũng mãnh nhất tam quân, năm tài đủ cả, ba đức nắm toàn. Năm tài là nhân, trí, dũng, trung, tín. Ba đức là khoan, từ, thiện. Phàm lượng rộng như sông biển, để lòng không mà nhận lời can, thì gọi là khoan. Nhân thương người dưới, ơn đến ba quân thì gọi là từ. Tài kiêm tam lược, trí đủ năm xe, thì gọi là thiện (giỏi). Phàm người đánh giỏi vận cơ mưu ở trong màn trướng, thành công không riêng, có nhiều người giúp; quyết được thua ở lúc hành trận, động chẳng một mình, tiến phải có quân. Còn như bày trận để nắm quân lính, cắm cờ để chia đội ngũ, nổi chiêng trống để nghiêm hiệu lệnh, giăng súng đạn để vững đồn dinh, chứa chất nhiều để đủ lương cỏ, sắc gươm giáo để tránh tên đạn, ngậm tăm theo lệnh, đánh kẻng giữ dinh, công thành hiến đầu giặc, can qua luôn sẵn sàng, mệnh trời cho, lòng người hòa, nước láng giềng giúp, nước thù địch hàng, thế mới có thể lập công ở đương thời, để tiếng cho hậu thế.
______________________________________
1. So với chương “chọn tướng” của Binh thư yếu lược, quyển I
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM