Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:40:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188668 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #170 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:08:43 pm »


Hình 57. Móc sắt dài


Hình 60. Phên gác


Hình 63. Chum nghe
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #171 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:13:42 pm »


III – XÔNG VÂY

Quân địch vây thành chặn đứt đường sau ta, trong cuộc đánh dữ dội, thư thả thì quân tất bại loạn, đánh nhanh thì có thể hoành hành xông ra. Nếu đã ra ngoài vòng vây thì quân tả chạy mau bên tả, quân hữu chạy mau bên hữu, không giành đường với địch.

Lại biết được những nơi trống hở mà gắng sức để ra. Lại ngậm tăm đi đêm mà ra, dũng sĩ ở trước, nhược sĩ ở giữa, quân phục ở sau. Ra rồi đi thong thả, cẩn thận, không sợ hãi. Quân địch nếu tiến thì quân phục đánh như từ trong đất ra, như từ trên trời xuống, còn ai chống lại được!

Phàm ra, trước phải đốt xe cộ, đốt lương thực của ta, bảo rõ cho lại sĩ của ta rằng đấu mạnh thì sống, không đấu mạnh thì chết. Chỗ gò đống hiểm trở thì địch không dám theo, kẻ ra trước lấy lửa làm dấu, kẻ ra sau đến chỗ lửa thì dừng.

Nhân thiên thời mà phá được dịch. Lưu Ỷ nhà Tống đóng quân ở phủ Thuận-xương1, quân Kim đã vây 4 ngày. Quân Kim càng ngày càng đông, bèn dời dinh sang Lý-thôn. Ỷ sai Diêm Sung mộ 500 người tráng sĩ đánh đêm vào dinh. Chiều hôm ấy trời muốn mưa, chớp sáng bốn mặt, hễ thấy ai tóc dóc2 thì giết. Quân Kim đuổi 15 dặm. Ỷ lại mộ 100 người cho đi, có người xin ngậm tăm, Ỷ nói: “Không nên dùng tăm”. Sai bẻ tre làm còi, như còi trẻ con ở ngoài chợ làm trò chơi, mỗi người cầm một cái để làm hiệu, thẳng tới dinh quân Kim. Hễ thấy chớp lòe sáng thì đều đánh hăng, chớp thôi thì náu im không động. Quân giặc cả loạn. Trăm người hễ nghe tiếng còi thì họp lại, quân Kim lại càng không thể lường được. Đánh như thế suốt đêm, quân Kim chết rất nhiều.

Hoặc có kế giả làm thần mà giải vây, như Cảnh Cung nhà Hán giữ thành Kim-bồ3, dùng thuốc độc bắn tên, gọi là tên thần của quân Hán. Hung-nô sợ mà giải vây.

Hoặc dùng hỏa công mà giải vây, như Hoàng-phủ Tung đánh giặc Hoàng-cân4.
___________________________________
1. Thuận-xương: Tên đất, thuộc tỉnh An-huy, Trung-quốc.
2. Người Kim dóc tóc.
3. Thuộc đất Tân-cương ngày nay.
4. Nông dân khởi nghĩa ở cuối đời Hậu Hán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #172 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:15:02 pm »


Hoặc dùng cách kêu khống mà giải vây. Như Lưu Côn nhà Tấn bị giặc vây, bèn nhân đêm trăng lên lầu kêu khống, thổi khúc kèn Hồ, tiếng ai oán véo von. Giặc nghe lấy làm buồn, bỏ vây chạy.

Hoặc có người trá hàng mà giải vây. Như Lý Quang-bật nhà Đường bị giặc vây, khiến người nói dối hẹn với giặc ra hàng, bèn ngầm đào đường hầm mà dinh địch bị hãm.

Hoặc có người giả chạy mà giải vây. Như Trương Tuần nhà Đường bị Lệnh-hồ Triều vây, Tuần nói dối Triều là muốn đem quân chạy, xin lui một xá. Triều cho. Bèn bỏ thành không ra bốn phía cách 30 dặm, dỡ nhà đẵn cây rồi trở về phòng bị. Lại dụ Triều trả cho 30 con ngựa để cấp cho quân kiêu kỵ, xông ra bắt được 40 tên tướng giặc.

Hoặc liều giữ mà giải vây. Như Lưu Ỷ nhà Tống dùng thắng quân đánh vỡ Ngột-truật nước Kim.

Hoặc dùng phản gián mà giải vây. Như Trần Bình nhà Hán khiến người vẽ tượng mỹ nhân gửi biếu Yêm Chi để giải vây thành Bạch-đăng1.

Phàm quân ta vây đã đắc thế rồi, giặc chưa tính kịp, ta tức thì tìm con đường mà quân viện của giặc tất phải đi để giữ chặn; lại khiến quân phục đợi đó; lại trương cao cờ trống làm cho người ở trong vòng vây phải sợ. Thấy quân nó rối loạn thì phải thừa lúc sơ hở mà đánh.

Phép đánh giặc, trước phải đánh quân viện, khiến không có quân ngoài đến cứu. Liệu số thóc ở trong thành, tính số người tiêu phí, lương nhiều người ít thì đánh mà đừng vây, lương ít người nhiều thì vây mà đừng đánh; sức chưa khuất, thóc chưa hết, thành còn bền, mà quân viện đến thì phải đánh ngay.
___________________________________
1. Thành ở núi Bạch-đăng, tại phía đông huyện Đại-đồng tỉnh Sơn-tây, Hán Cao tổ bị Hung-nô vây, ở đấy 7 tháng - Yêm Chi là tù trưởng Hung-nô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #173 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:16:56 pm »


IV - ỨNG CỨU

Đánh nên có thứ tự, cứu không nên có thứ tự. Có tội nên đánh thì dấy quân mà đánh. Có ước hôn nhân, có nghĩa lân bang, thì nên thương hoạn nạn mà dấy quân để cứu. Cùng một quân, nhưng đánh thì lấy có thứ tự làm hơn, - thứ tự là có ý chỉnh đốn quân ngũ và cẩn thận việc đánh, không làm nóng nảy - mà cứu thì lấy gấp làm hơn. Thứ tự là có lòng hoãn quân sợ giặc, giả tiếng đi cứu thôi. Như năm Kỷ dậu quân phương Bắc được cái nghĩa đến cứu1, mà bị thất thủ là do thất cơ chứ không phải vì tội chậm.

Kết viện. Binh pháp nói: “Có quân tất thắng thì hẳn có thành tất thủ; không có quân tất cứu thì không có thành tất thủ”. Thế không thể phòng bị được thì nên rộng kết thanh viện, ngồi chịu khốn ở cô thành thì thật là không nên.

Việc giữ trước hết phải kết viện để tiếp ứng. Phàm quân viện tới thành, đừng nên khinh tín, sợ có khi giặc giả hiệu áo của ta để đánh lừa ta. Nên chọn người tâm phúc tinh tế leo mà xuống, nhận xét cho đúng thực thì mới mời. Đừng khiến họ giữ hiểm dựng trại ở ngoài thành. Hẹn ước nhau cử sự, tất phải đây đó hợp kỳ, trong ngoài giáp đánh, mới có thể giải vây được. Nếu như hai bên bảo nhau chỉ lấy tiếng tăm mà ứng họa, thì việc phải hỏng. Nên răn, nên răn!

Cứu sự nguy cấp của người, phải hết lòng thành.

Phàm quân đi ứng cứu, không cứu ở nơi tất phải cứu, mà phải cứu ở nơi không tất phải cứu, thì vây sẽ giải được.
____________________________________
1. Chỉ việc quân Thanh sang cứu nhà Lê, nhân chiếm cứ nước ta, sau bị Nguyễn Huệ đánh đuổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #174 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:18:10 pm »


V - LUI ĐÁNH

Đại tướng hành quân, mọi điều thận trọng, vốn đã chu đáo cẩn mật, nhưng đối luỹ đánh địch, cầm quân chống tướng, việc có nhiều điều bất trắc. Người nào có quan hệ đến sự tiến chỉ của một quân thì nên nêu lên để làm đầu cho quân sĩ, người nào có quan hệ đến sự tồn vong của cả trận, thì nên xem là cần thiết cho ba quân. Đi mà không biết dậy ở chỗ nào, dừng mà không biết nấp ở nơi nào, cứ theo bóng người khác mà làm mà điều quân thì không biết, vào giữ chốn đao gươm la liệt mà chỉ lo đặt mình vào nơi vững chắc, người như thế thì đại tướng phải lánh vậy. Được thua là sự thường của nhà binh, người giỏi dùng binh có thể nhân bại mà làm thành. Nay ta đổi giếng lũy trước, xuất kỳ bất ý, đó là chước kỳ vậy. Quân ta mới thua, sĩ khí tan rã, tướng giặc thắng mà sinh kiêu, có lòng khinh ta, nên đóng lũy mà chờ. Quân giặc kiêu, ta có thể đánh một trận mà thắng được.

Điện là một việc khó của nhà binh. Điện nghĩa là đi sau. Phép binh lấy điện làm công, vì là quân thua mà chạy, giặc nhân chạy mà đuổi theo, có thể lui lại sau mà chống bọn đuổi theo, không phải người dõng thì không làm được, cho nên nhà binh lấy điện là khó có người vậy.

Nên lui thì lui, đừng lui vì nhút nhát. Đem quân tới trận, khi tiến khi lui, lường theo thế mà thôi. Kinh Dịch quẻ Sự hào lục tứ nói rằng “Quân dừng ở phía tả, không lỗi”, tức là nói quân lui. Vì là biết khó mà lui, lường thế không thể thắng được, bèn thu vén quân mà rút lui, hơn là tiến mà đổ mất vậy. Có thể tiến mà lại lui, đó mới là lỗi.

Người cầm quân giỏi có khi không tiến, lui mà tiến vậy.

Không nên tiến mà tiến, đó là con đường thua vậy.

Binh pháp nói: “Quân đổ thì tướng bị giết”. Lại nói: “Đổ thì tướng bị giết, đó là đạo thường trong việc hành quân”. Vì là tướng lui mà quân được sống, thì sao lại xông vào mũi nhọn của địch mà chết? Thế cho nên cứ tiến liều thì không tới đâu mà không đổ mất. Đừng đổ tội cho thua thì rồi mới đi tới thành công được, tôi xin thưa như thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #175 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:19:12 pm »


VI - THẮNG VÀ ĐẶT PHỤC

Phàm theo chạy mà nghỉ, gặp quân địch đỗ ở đường thì bắt ngay.

Giặc đánh đã mệt, có thể đuổi được có năm trường hợp, không thể đuổi được có sáu trường hợp. Thấy khí của giặc đã kém, có thể đuổi, đó là một. Quân bộ kỵ tán loạn, nhiều người chạy xiêu ngã không thành bộ ngũ, đó là hai. Chạy tới làng xóm, chạy vào thành quách, đó là ba. Xe chở lương và đồ binh giáp tan tác mà không thu được, đó là bốn. Chủ tướng đã chết, đó là năm. Khe ngòi cũ mà nước bỗng cạn hết, đó là một trường hợp không nên đuổi. Đã quá tầm nhìn thấu, đó là hai. Thua trận trốn chạy mà hàng ngũ không rối loạn lắm, cờ xí không lộn xộn lắm, đó là ba. Quan và quân chạy rảo không xiêu ngã lắm, quân bộ quân kỵ không lẫn lộn, đó là bốn. Giặc chạy mất đường, tả hữu là núi hang, ở trước cung như thế, đó là năm. Đường cùng lương hết mà quan và quân chưa tan hẳn, đó là sáu. Thế cho nên gặp trường hợp nên đuổi thì đuổi gấp, không nên đuổi thì đóng chặt cửa thành mà xem, hẳn có biến đổi lợi hại. Chờ họ cất quân, hễ lợi thì ta tiến mà hại thì ta lui. Binh pháp nói “Chim bay lên là có quân phục, cây cối động là có quân đến”, như thế cũng chưa chắc là có quân phục quân đến, sợ là họ làm nghi binh vậy. Có thể là quân giặc đã chạy trốn mà sai những người già yếu rung động cây cối và làm sợ chim muông. Lại nói “Không ước mà xin hòa là có mưu, nửa tiến nửa lùi là dụ”, đó cũng có thể là đại binh đã lẩn trốn, sợ người sau theo đến mà làm cho ta ngờ vậy.

Một khi đã thắng phải giới nghiêm quân ta. Đã được toàn thắng, đuổi giặc chẳng qua là dư uy thôi. Nếu trong khi đuổi riết, giặc phút dừng lại không động, ví như không phải có quân tiếp ứng thì tức là đằng trước có hiểm trở, không thể trốn gấp được. Quân ta nếu nhân lúc đó mà đánh, thì quân ta là quân mỏi mệt, mà quân giặc là quân có sinh lực, ta lấy lòng thắng trận mà kiêu, giặc lấy lòng cứu chết rửa hờn, nếu ta thắng nữa thì chẳng qua là cuộc đuổi giặc chạy thêm, bằng thua thì công lao trước bỏ hết cả. Như thế há chẳng phạm vào điều kỵ đuổi giặc cùng đường, trước chết sau sống ư? Chỉ nên cứ đuổi theo sau, khiến cho giặc giày đạp lẫn nhau, thu lấy xe lương và quân hàng. Như giặc dừng lại không động, thì ta thu quân ngay, hoặc là tức thì hạ dinh, ngày thì dựng nhiều cờ xí, đêm thì đánh trống đốt lửa, bắn súng cho nhiều, hiệu lệnh nghiêm minh, người ngựa rầm rộ, chiêng trống đêm canh, hai bên giăng dày quân phục, bốn mặt ngầm đặt các tay bắn giỏi. Giới nghiêm hiệu lệnh so với khi chưa thắng địch lại càng nghiêm khẩn hơn, một là để phòng trộm cướp, hai là để răn lòng khinh nhờn. Lại viết hịch chiêu phủ bắn vào dinh giặc, hoặc sai những kẻ sĩ có tài biện luận lấy lợi hại mà hiểu dụ, tỏ lòng thành tín. Giặc lấy sự sống thừa rũ đầu mất khí, thấy uy thế đường đường chính chính của ta thì sợ lòng hoa mắt, thịnh suy thấy rõ, một đêm nghĩ ngợi, chí đã nản rồi, kịp nghe hịch chiêu phủ, không dám không hàng. Thế gọi là được vạn toàn mà tất thành công vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #176 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:20:22 pm »


VII - PHÉP NHẬN HÀNG

Nhận hàng cũng như chịu địch, phải biết sắp đặt cho nghiêm. Từ khi dùng binh nửa năm nay, chưa có kẻ nào ra hàng, nay không hỏi thực hay dối, cứ nên hậu thưởng để khuyến khích tương lai. Nhưng không nên đặt họ ở chỗ yếu địa.

Những người quy phụ thì nên nhân làng quê của họ mà cho cày ruộng, nhân đó mà lập người trưởng, nhỏ lớn đều biên làm quân, khiến được tự canh tự thủ. Kẻ có tài năng thì chia cho đất đai, cho làm chức việc, để khiến họ đừng trốn chạy, để cho bớt thế đi.


*
*   *

Nhận hàng cần phải phòng bị cẩn thận: Sách Bảo giám nói: “Nhận hàng nghiêm hơn chịu địch, phải biết phòng bị cho nghiêm, vì rằng chịu địch cũng đã nghiêm rồi, mà nhận hàng càng phải nghiêm nữa”. Chịu địch thì ai ai cũng có lòng muốn giết, đều phải nghiêm răn, còn nhận hàng mà không nghiêm, họ có lòng ngờ sợ mà ta lại kiêu nhờn, nếu có sự bất trắc biến cố xảy ra trong lúc thảng thốt, thì không sao chống được. Cần phải trước hết xét thế mạnh hay yếu, tình thật hay dối, thực có thể tin thì mới cho đầu hàng, định cho kỳ hạn, nghiêm chỉnh dinh ngũ, ngoài trương hai đại đội bày ở trước hai bên tả hữu đại dinh để chờ. Lại nên có thị vệ đứng kín, khiến không có thể thấy được ở sau lều tướng. Trăm quan thì ai giữ việc nấy, như không trông không thấy việc gì. Không cho họ xem và nói với nhau mà mất vị thứ. Đợi khi người chưởng hiệu ở hai cánh đánh 3 hồi chiêng trống, đặt súng đại bác lên bệ, uy nghi chỉnh túc, mới truyền hiệu lệnh. Hàng binh đứng một chỗ, chỉ truyền cho bọn đầu mục cởi bỏ các vật, trước vào yết kiến. Vỗ về xong, trình dâng sổ sách số mục quan và quân hàng, ngựa, khí giới, lương thảo. Cấp cho một cái bài miễn tử, sai đầu mục cầm đi tuyên báo cho các hàng binh, rồi thì bỏ hết các vật, giao cho nhân viên chấp sự ta thu giữ, rồi mới sai điệu cả đến ngoài cửa viên, cho khúm núm nghe lời phủ dụ. Bọn đầu mục thì hoặc được thưởng cấp áo mũ, hoặc cấp bài thẻ; các hàng binh thì đều thưởng gạo thịt để tỏ ân tín. Sai nhân viên có tài năng hỏi các hàng binh. Ai xin về thì đứng riêng ra một bên, cho chờ điền cấp văn bài, giao cho quan địa phương phát về quê để an tháp. Những văn bài đều nên dự bị, chỉ điền tên họ quê quán cho chóng việc là hơn. Ai xin làm binh thì đứng riêng một bên, chia phái vào trong các đội quân ta, cho tướng hiệu của ta quản lãnh lẫn lộn. Càng nên cho dinh đội cách nhau, để không thể tụ họp một nơi; cẩn mật đề phòng, không cho thời thường tụ nhau chuyện trò. Bọn đầu mục thì chiếu theo phẩm cấp được cho, mỗi ngày theo ban tướng hiệu ta mà đãi trà, không có dị đồng. Hoặc chọn trong đó có người tài kỹ trung thành thì lấy 1, 2 người dùng trước để giữ lòng mọi người. Binh đinh gặp khuyết thì cũng bổ trước 1, 2 người để tỏ là có dùng. Nghiêm dụ quân ta không nên khinh khi lăng nhục, không nên đối với hàng binh khoe khoang được thua, không nên gọi càn bằng tên hàng tốt, sợ người ta buồn rầu mà sinh thù oán. Đến như quân địch lớn chưa diệt xong mà trước có kẻ về hàng, nếu không phải là người biết thời vụ thì tức có người hiềm nghi. Vậy phải nên rộng cách đối đãi, khuyên cho đổi mới, hậu thưởng trọng dụng, không triệt quân của họ, không bỏ quyền của họ, để rộng sự chiêu tập. Tóm lại là phải tuỳ theo kinh quyền làm sao cho được thích nghi.

Ví như có một người địch làm hàng tốt, hoặc làm ra dáng người nông phu, đến trước cửa quân nói kín ý mình xin làm hướng đạo, nếu không liệu xem tình hư thực thế nào, thì có khi bị dụ vào vòng vây, trúng phải kế địch. Nên giữ lại ở trong quân, lấy sự thực dối mà bảo cho biết rằng nếu thực thì có trọng thưởng, nếu dối thì xử trọng tội, rồi sau mới đem quân tiến đi, như thế thì tình ý của nó phải lộ ra vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #177 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:21:47 pm »


*
*   *

Tóm lại 13 điều cầu hòa nhận hàng như sau:

1. Tiếp ứng quân địch đầu hàng, quân ta phải lên ở chỗ cao bày trận, luôn luôn ước thúc, không nên có chút trễ nải. Phải dự phòng sự lừa dối. Như quân họ bày trận, dùng dằng chưa định, nếu có người tù trưởng cầu hòa mà tham tá không theo, dẫu đó chưa được tình thực, nhưng cũng nhận cho rồi sẽ gấp làm mưu chước để tính liệu cũng được.

2. Có một người định cầu hòa, cũng họp đặt bàn sở màn trướng, và trước sai dũng tướng đi tìm xét qua, sợ sau có quân phục mưu đánh ta chăng.

3. Khi nhận hàng mà nhận hội thề ước định với địch, chỗ gặp nhau không nên gần cõi của địch, và không nên ở chốn núi rừng nguy hiểm, sợ nó đặt mưu mà đánh úp ta.

4. Hội thề nên ở chốn đồng bằng nội rộng, hay gần dinh trại ta cũng không hại, nhưng không cho đem nhiều người ngựa đến gần dinh ta. Nếu họ không có khí dụng gì thì không hại.

5. Trong ngày hội thề, trước sai du binh đem quân sinh lực lùng khắp những nơi hiểm trở bốn phía, như nơi nào có phục binh thì kíp báo cho chủ tướng, tức thì chuẩn bị ứng địch.

6. Hai quân gặp nhau, chưa từng đánh trận mà địch khiến người cầu hòa, ấy có thể là địch có ý ngờ binh thế của ta, ngầm sai quân tinh nhuệ xông đánh ta trong lúc không ngờ, vậy nên kỹ càng xem xét thực dối. Nếu họ cần cầu hòa, ta phải phòng bị gấp, như có đại quân của địch xông đánh thì ta cũng không thất cơ.

7. Khi đã từng chiến đấu, đôi bên chưa chia thắng phụ mà địch khiến người đến cầu hòa, tất nhiên là có mưu riêng, kíp nên đề phòng. Tôn tử nói: “Không ước mà xin hòa là có mưu vậy”.

8. Khi họ hẹn xin quân ta dời đóng nơi xa, thì người nghị hòa ấy là muốn được quân ta lui để họ đem người ngựa đặt phục mà đánh, cần phải đề phòng. Tôn tử nói. “Nửa tiến nửa lui là dụ ta vậy”.

9. Khi thám thấy nước họ thực có việc nên xin nghị hòa để về nước, sợ ta đánh úp nên xin hòa để lui quân, thì lời có khác, nên bắt buộc ngả giáo bỏ giáp, đặt lời minh thệ mà chờ mệnh vua ta, rồi ngấm ngầm đến chỗ yếu hại trên đường về của giặc đặt nhiều quân kỳ quân phục, sợ họ nhân đêm trốn về.

10. Khi quân họ đánh thua, thế muốn cầu hòa, thì đợi lập định lời ước thệ, thề vĩnh viễn không xâm lấn nhau, rồi khiến họ nộp khí giới và các ngựa tốt, và coi chừng người tù trưởng để chờ mệnh vua.

11. Khi giặc cướp hoặc vì bất đắc dĩ bắt buộc, hoặc vì nhất thời ô hợp, nay biết ăn năn, nếu có thể khiến hàng thì nên mở lòng thành thực, hết sức vỗ về, ngõ hầu giữ toàn được là hơn.

12. Khi quân giặc lại hàng, quả là không có ý khác, nên khiến ước hẹn đổi lỗi làm lành, và nên xử trí thích nghi, đừng nên đem lòng ngờ vực, khiến bị chìm đắm.

13: Thu được quân giặc đầu hàng, sai người coi giữ, giải giao cho các nơi thu quân, riêng chờ lệnh vua, đừng cho họp ở một nơi mà sinh ra biến.

Những việc cầu hòa thụ hàng ở trên chỉ phòng sự dối trá không thực mà bị hãm hại; nếu là thực tình thì sự xử trí ở ta, họa phúc biết trước. Kẻ làm tướng phải nên xét kỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #178 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 04:58:17 pm »


PHỤ:
HỔ TRƯỚNG KHU CƠ



HỔ TRƯỚNG KHU CƠ


TỰA

Có người hỏi tôi rằng: Phàm binh pháp như các sách Võ kinh, Võ bị, Quải ấn đăng đàn, Kỷ hiệu, Hồng vũ, còn chưa đủ sao? Sách Hổ trướng khu cơ còn chép làm gì? Tôi đáp rằng: Xã tắc còn hay mất, quốc quân vui hay lo, quan hệ ở một ông tướng. Cho nên làm tướng mà học binh pháp, quý tinh mà không quý nhiều, có dũng lại phải có trí, mới có thể nắm cơ ở ngoài cửa khổn, giữ tính mệnh của ba quân. Nếu nghề võ không tinh, mà người tướng không giỏi, thì chỉ trong chốc trở bàn tay sơn hà đã thay đổi, há chẳng nên cẩn thận hay sao? Vả chăng ý chỉ các sách binh pháp kể trên không phải là không tốt. Nhưng rườm rà nhiều mối, tinh thô khác nhau, cho nên người học như ngồi giếng xem trời, đi thuyền giữa biển, mờ mịt không biết gốc rễ, mênh mang không hiểu manh mối, là bởi thế đấy.

Đến Quốc triều ta có Lộc-khê1 là người đặc xuất, chí khí cao cả. Xem khi giúp Thánh tổ2 ta nổi tiếng nghĩa dũng đến nghìn thu, dựng nền thái bình trong một trận, thì trong lòng thực có mấy vạn giáp binh; đến lúc cởi ấn từ quan, điền viên vui thú thì trong lúc đi đứng thực đứng sánh với Y Doãn, Lã Vọng, Tử-phòng, Gia-cát; đến lúc tuổi già lại lo tâm thuật không truyền cho ai, thần cơ mai một đi mất, thì may có Triệu Điền được thân dạy bảo; lại có hai tiên sinh ta là Bảo Thức và Cao Toàn suy diễn những điều Lộc-khê chưa suy diễn, phát minh những điều Triệu Điền chưa phát minh, để đem ra dạy bảo, tưởng đấy là báu của trời đất, sao có thể bỏ mất đi được! Tôi là học trò, may được gần gũi, chính như dây sắn bám vào cây thông, dây bìm leo nhờ cây cù, được hai tiên sinh rủ yêu mà truyền thụ cho. Tôi trộm nghĩ sinh sau mà được thấy người trước, có thể đến cửa mà vào nhà, thân được truyền thụ, thực là có duyên may với hai tiên sinh vậy. Lại còn duyên trời dun dủi, gặp được bạn tốt như Phúc Định (tự Thủ-chân), đặc biệt thông minh, thiên tư anh vĩ, chí cả lấn mây, lòng mang kinh tế, cho nên tôi không tiếc châu ngọc mà nhả hết ra. Ngờ đâu bạn tôi lại là người có chí bí truyền, không tiếc công phu, rửa nghiên nhúng bút biên thành sách này, chia làm ba quyển, gọi là sách Hổ trướng khu cơ, thực là mở huyền cơ của trời đất, tụ tú khí của kiền khôn, cho nên tôi khôn xiết mừng rỡ, cũng có chút bổ ích vậy.


CHIÊU-DƯƠNG CAO KHUÊ cẩn chí
____________________________________
1. Lộc khê: Đào Duy Từ.
2. Nguyễn Phúc Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #179 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:00:27 pm »


TỰA

Phàm người xa không phục thì ta sửa văn đức cho họ đến. Nhưng Xi-vưu xưa hoành hành bạo ngược mà Hoàng đế lại dùng giáo mác để đánh là tại làm sao? Bởi vì thời thế bất đồng, nhân tâm mỗi khác. Người xưa nói rằng: Đánh giặc để dẹp thì đánh cũng phải, giết giặc để yên thì giết cũng phải. Nhưng phép chiến tranh cũng lắm, mà cách sát phạt cũng nhiều. Có trí thì dùng trí, không có trí thì dùng sức. Phàm mặc giáp cầm giáo, cưỡi ngựa cầm roi, khó nhọc vào sinh ra tử, liều mình thịt nát xương tan, đấy chỉ là một tráng sĩ thôi, sao có thể địch được muôn nguời? Thế gọi là không có trí thì dùng sức đấy. Nay ta thà rằng đấu trí chứ không đấu sức. Bởi thế, trên nhờ di chỉ của tiên hiền, lại nhờ thần cơ của bạn tốt, tìm khắp sách lạ của thiên hạ xem hết điều lạ của xưa nay, rửa nghiên nhúng bút, bái đề tên sách là Hổ trướng khu cơ, huyền diệu không so sánh được. Phàm các phép hỏa công, thủy chiến, trận rắn, trận chim, mưu mô tướng lược, then máy binh gia, cái gì cũng đủ. Nếu người trí giả được sách này thì có thể lập được công danh ở trên nghìn vạn người, dựng nền thái bình trong một trận đánh. Sách này rất nên trân trọng, chớ đem dạy cho người bậy, vận dụng một lòng mà kính theo mười điều răn:

1. Chớ càn dỡ giết người và đem lòng riêng oán người.
2. Chớ làm thảm độc, tàn hại lương dân.
3. Chớ lòng phạm thượng và phản bội thầy.
4. Thưởng phạt rất công, không làm quanh co.
5. Chớ mê sắc đẹp, chớ tham của cải.
6. Nghiêm răn sĩ tốt, cấm chỉ lấn cướp.
7. Đâu cũng yên dân, cốt làm nhân nghĩa.
8. Thương yêu cô quả, thăm viếng tang tóc.
9. Mình trước sĩ tốt, cam khổ cùng nhau.
10. Phụng sự sách này, chớ nên trễ nải.

Mười điều răn trên này, nếu thiếu một điều sẽ bị các vị tổ sư khiển trách, còn mong thành công được sao?

Thơ rằng:

                             Anh hùng tự cổ trước kỳ kinh,
                             Vị nhược tư thư tối hữu tình.
                             Nhất trật bao tàng thiên địa bảo;
                             Thiên hàng bài liệt điểu xà hình.
                             Hỏa công thiêu tận thiên phong nhẫn;
                             Thủy chiến ba đồi vạn giáp binh.
                             Nhất bả thử chương vi tướng dụng,
                             Bất lao hãn mã điện thăng bình.

(Từ trước anh bùng làm sách lạ, Chưa kịp sách này rất hữu tình. Một quyển bao gồm báu trời đất; Nghìn hàng bày sắp trận rắn chim. Hỏa công đốt trụi nghìn gươm giáo; Thủy chiến chìm vùi vạn giáp binh. Nếu đem sách này dùng việc tướng, Chẳng phải nhọc ngựa dựng thăng bình).


HẬU HỌC: THỦ-CHÂN LÊ PHÚC ĐỊNH cẩn đề



Tiên giác Vệ úy nội tán Lộc-khê tiên sinh di chỉ.
Hàn lâm Văn chức viện Triệu Điền tiên sinh kế thuật.
Xử sĩ Bảo Thúc Nguyễn Huy Chử tiên sinh tăng san.
Xử sĩ Từ-chân Cao Toàn tiên sinh đính ngoa.
Thiện thuật Cao Khuê tự Chiêu-dương tân soạn.
Hậu học Lê Phúc Định tự Thủ-chân kết tập.
Hậu học Vọng-doanh Cát-đằng Kiêm-trai Ngô Tử Thông tham soạn điểm duyệt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM