Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:53:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188532 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2009, 11:38:24 pm »


Rõ hiệu lệnh.

Phàm ở trong một rạp1, một người không đến, hay đêm về nhà riêng, thì tội lây người trưởng ụ, đều đánh 20 gậy, người chính phạm thì cắt tai, đồng ụ đồng rạp cũng tội lây. Gặp khi giặc đánh vào thành mà không đến thì người chính phạm bị giết rao cho mọi người biết, trưởng ụ thì cắt tai, đồng ụ đồng rạp thì trói đánh. Như cờ, rạp, khí giới, tên đạn, súng lửa, thanh la và trống các loại mà có một vật không được chu đáo thì kẻ chính phạm bị trói đánh, đồng ụ đồng rạp phải tội lây. Từ 5 ụ trở lên, thì bản quản kỳ phải trói đánh. Ở vệ2 thành từ một phô trở lên, ở sở3 thành từ 2 phô trở lên, thì quan chưởng ấn và quan phân quản bị trói đánh. Khi giặc đánh thành, để thiếu thốn và phóng hỏa khí không đúng phép thì người chính phạm bị giết rao cho mọi người biết, những người bị tội lây như trên kia đều cắt tai. Kẻ nào quay đầu lại thì cắt tai. Kẻ nào thiện tiện hành động thì cắt tai. Thấy giặc mà nói to làm ồn, hay bị thương mà kêu to sợ chạy, thì chiếu theo luật lâm trận co rút mà giết rao cho mọi người biết. Đêm hoảng sợ thì xét bởi vì đâu, cả rạp cả ụ và bản quản kỳ bị tội lây. Trung quân ở nơi cao mà tiếp ứng ở ngoài và hiệu lệnh các ụ canh bị nhầm chậm thì quan chưởng ấn bị trị nặng, người trông điếm canh giữ hiệu lệnh thì giết rao cho mọi người biết. Trong các phô, gặp khi giữ thành mà để đến tắt lửa cùng thanh la và trống đánh không rõ ràng, đều bắt tội quan cai quản. Phàm người phục ở đường đã đốt hiệu lửa mà Trung quân tiếp ứng chậm trễ, hay súng nổ không kêu đến nỗi người ở rạp nghe không rõ, cùng là lồng đèn không sáng, đến nỗi giặc xông đến dưới thành, đánh thành lên trĩ, thì người giữ hiệu trống và người đứng trông đều giết rao cho mọi người biết, quyết không tha sống. Quan chưởng ấn thì trói đánh 100 roi và cắt tai.


Việc nhu bị.

Mao tử nói: Nhu bị trước phải sắm sẵn những vật cần dùng, chỉnh đốn những đồ cần dùng...

Sách Võ bị tổng yếu nói: Phàm phép giữ thành có 5 điều bị thua:


Một là quân lớn mạnh thì ít, quân nhỏ yếu thì nhiều;
Hai là thành lớn mà người ít;
Ba là lương ít mà người nhiều;
Bốn là súc vật và của cải chứa ở ngoài;
Năm là bọn cường hào không tuân lệnh.

Thêm nữa là ở ngoài thì cao mà trong thành thì thấp; mạch đất cao mà hào rãnh nông; khí cụ giữ thành chưa đủ, nước củi không có; dẫu có thành cao cũng nên bỏ mà đừng giữ. 

Cũng có 5 điều trọn vẹn:
Một là thành trì sửa sang tốt;
Hai là khí giới đủ;
Ba là người ít mà thóc nhiều;
Bốn là trên dưới thân yêu nhau;
Năm là việc thưởng phạt nghiêm trọng.

Thêm nữa lại được ở dưới núi lớn, ở kề sông rộng, cao không gần như hạn mà nước dùng đủ, thấp không gần với nước mà ngòi rãnh ít, nhân được của trời, dùng được lợi đất, đất chắc nước chảy, hiểm trở khá cậy. Gồm được các hình thế ấy thì việc giữ có dư sức. Cho nên Binh pháp4 nói “Thành có khi không đánh” và nói “người giữ giỏi giấu ở dưới chín lần đất” đều là thế đấy.
__________________________________
1. Cứ năm ụ thì làm một rạp.
2, 3. Vệ và sở là chỗ đóng quân để giữ các địa phương trọng yếu, vệ lớn hơn sở.
4. Tôn tử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2009, 11:39:18 pm »


Sách Hổ kiểm kinh nói: Trong khi giữ thành thì thức ăn, ngũ cốc, lương khô, cá muối, vải lụa, thuốc men, thợ thuyền trăm nghề rèn đúc, rơm rạ, lau sậy, than tro, cứt đái, cát sắt, củi lửa, nhựa thông, cỏ khô, dầu mỡ, vỏ gai, chăn chiên, gai góc, phên rèm, chõ vạc, cong chum, dùi đục, dao cưa, đùi dài, thang dài, thang ngắn, câu liêm, móc sắt, những vật người ta thường dùng, hết thảy phải đủ, phải sai sửa sang chỗ hư hỏng, để sẵn trên thành. Ở khoảng vào đội phải đặt ở chỗ lề xoay 2 súng nhỏ, ở chỗ lề đá một súng lớn, và thang mây, gỗ húc v.v... Ở khoảng ấy trước phải theo mình thành dùng gỗ nhô lên làm nữ tường chồng, cao hơn nữ tường đất 5 tấc trở lên, lấy ván mà dùng, tùy việc hoãn cấp mà mở đóng. Nếu địch dùng tên đạn, thì mép đá dưới lầu tường cho nó nhô ra ngoài mà treo lủng lẳng tấm da trâu sống, hoặc chăn chiên hay túi lông để che. Những nhà trong thành đều sai đặt nước phòng hỏa, hẹn trước rằng để cháy thì chém. Những nơi phát hỏa phần nhiều là sợ có quân gian đốt, phải khiến chủ tướng gần đó bắt bộ quan lĩnh già trẻ đàn bà con gái đến cứu. Lửa cháy thì sở bộ kíp trình với đại tướng thân lĩnh người thân tín tả hữu đến cứu. Trong thành bấy giờ có sự sợ hãi và có nhiều người lộn xộn, những người ở trên thành không được tự lìa chức việc mà chạy rối ở đường phố. Ai trái thì xử chém.

Nếu giặc đẩy xe lại đánh, thì trước đem súng tay bắn, súng tay đã trúng thì bị thương hẳn nhiều; kẻ đến bị thương thì sức không đều nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:33:51 am »


*
*   *

Cửa treo. Treo ván gỗ làm cửa, dùng sắt mà đóng như ván sàn.

Ván treo. Quanh thành ở trên đài địch đều treo ván cả; khi bị địch đánh, thì lật ván lên để bắn tên đạn.

Cửa đột. Đục ở mình thành, đối thẳng với dinh địch, ở trong đào ít nhiều đường ngầm tới cách mặt ngoài thành 5, 6 tấc thì đừng đào nữa, nửa đêm giặc mới đến, dinh trại chưa định, cho quân tinh kỵ do cửa đột ấy nhảy ra đánh lúc không ngờ.

Trát cánh cửa. Lấy bùn đất trát cánh cửa, dày độ ba thước, để chống chất lửa.

Đục cửa. Phòng định bức tới cửa, trước đục cánh cửa vài mươi lỗ để chỉa nỏ bắn ra và chỉa giáo dài mà đâm, dù địch có bức tới cũng không gần được cửa.

Trát sàn cửa. Lấy bùn trát sàn gỗ trên cửa, ước dầy 5 tấc để chống lửa.

Phên dày. Ở trên nữ tường, nhô đầu rui ra cách tường 3 thước, lấy cành liễu cành gai mà đan phên dài độ 2 trượng, rộng 5 thước, treo ra đầu rui để đỡ tên đạn.

Màn vải. Dùng vải dày làm màn, dùng sào treo ra ở ngoài nữ tường thì đỡ cho tên đạn không bắn vào tường được.

Đùi liền. Như kẹp đập lúa, để quay mà đánh người leo lên thành ngoài nữ tường.

Cần trượng. Như cây thương, đầu làm hai chỉa, dùng để chống thang bay và người leo lên thành.

Cần móc. Như cây thương, lưỡi có móc câu, có thể móc người. Trên thành có sàn gỗ, có thể chứa được một đội quân, làm móc sắt cán dài đặt đấy để dùng. Nếu giặc trèo nữ tường nhảy lên, đợi thò mình lên thì các móc đều đưa ra ngoặc kéo vào trong thành, rồi lấy dao, dùi, búa xúm lại mà đánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:36:51 am »


Tật lê sắt. Nếu giặc dùng mộc lư (lừa gỗ) đánh thành, thì ta dùng tật lê sắt để ném. Phép làm tật lê sắt, lấy sắt chín đường kính rộng 1 thước 2 tấc, bốn thanh ngang dọc như hình chông gai, rồi đem nước sắt dội vào giữa, nặng 50 cân, trên đặt mũi sắt và dây xích sắt để ném thẳng xuống rồi dùng ròng rọc kéo lên. Trên mộc lư có da trâu trát bùn, ném tật lê sắt rồi phóng đuốc tưới dầu mà đốt.

Củ ấu sắt. Hình như tật lê sắt nhỏ, có cái vòng luồn. Nếu giặc dùng xe húc đánh thành, thì ta dùng vòng sắt to và ốc thừa tử1 mà làm, dùng dây mà vặn, khi gặp đầu húc, ta dùng cái vòng luồn vào đầu húc, giữa chỗ khuyết, sai tướng sĩ kéo thì cái xe húc bị lật đổ, cung nỏ cùng bắn, giặc tự nhiên phải thua chạy.

Đánh thuốc mù. Dùng vôi và cám, theo chiều gió ở trên thành mà tung xuống, làm cho mù mắt, rồi đem nước sôi dội xuống.

Lề xoay. Ở đầu cầu đặt lề xoay, đặt ván có lề xoay thì người ngựa không sang được, đều lăn nhào xuống nước.

Nữ tường lề xoay. Phàm quân đánh thành, để chống đỡ tên đạn phải đội mũ hến thì trông xiên không tiện, mặc áo giáp dày nặng thì tiến lùi lại khó, tiến đã không lên được thành, lui thì bị vướng ở sau, quân giặc lấy làm xôn xao, ta làm nữ tường lề xoay nhô ra ngoài thành, cho ròng rọc thả dây sắt xuống, đầu dây sắt buộc chân chi2 ném xuống giữa chỗ quân giặc đương xôn xao.

Bắn nỏ tên lớn. Dùng gỗ dâu vàng làm cung dài 1 trượng 2 thước, đường kính 7 tấc, hai đầu cánh cung 3 tấc, chống vào xe vặn mà giương cung, tên lớn bắn một phát, tiếng như sấm vang.

Chứa gỗ. Chứa một đống gỗ, đường kính 1 thước, đầu nhỏ 6, 7 tấc, dài 5 thước, chờ giặc lên thành thì ném đống gỗ ấy xuống.

Chứa đá. Chứa sẵn các thứ đá lớn nhỏ theo mình để ném quân giặc.
_______________________________________
1. Ốc thừa tử, không rõ là cái gì.
2. Tức là phi câu, móc sắt để ném.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:39:06 am »


Cong nghe. Đất sâu hơn thành, bốn góc đào giếng, giếng đào sâu 2 trượng, sai người úp cái cong mới ở trên giếng, ngồi ở bên ngoài, giặc đến thì nghe, trong có lỗ, các địa đạo ở trong thành đều nghe trong cong mà phân biệt xa gần.

Thiên tỉnh. Ở tám phương trong thành đào giếng sâu 2 trượng, lấy cong mới dùng da mỏng bưng miệng như trống, khiến người thính tai gối lên miệng cong mà nghe thì giặc ở cách thành 500 thước cũng đều biết hết.

Liệu tính lương thực. Việc giữ thành toàn nhờ vào cư dân, mà cư dân thì toàn nhờ vào binh mà ăn. Vậy nên trước phải liệu dân liệu quân mà liệu thức ăn. Dân ở trong thành và dân ở ngoài lánh nạn mỗi người mỗi ngày tính gạo ăn hết nửa cân, than hoặc củi 5 cân, tính từng miệng ăn, phải chứa sẵn 3 tháng. Nếu không tự trù bị thì ai đoái đến mình. Ninh-hạ bị vây mà chết đói hết nhiều, nên hỏi xem. Những người hàng ngày chỉ kiếm lấy từng thưng từng lẻ, bị thành đóng cửa thì hết lương. Ta đã nhờ họ mà giữ thành thì ta phải thay họ mà liệu miếng ăn, không thế thì họ phải đói, sao giữ được giặc! Cho nên một phủ không có 1 vạn cân cỏ, 2 vạn cân lương, 20 vạn cân than, 150 cái giếng, châu huyện lớn không có 5 nghìn cỏ, 1 vạn rưởi lương, 10 vạn than, 70 cái giếng, châu huyện nhỏ không có 2 nghìn cỏ, 1 vạn lương, 5 vạn than; 50 cái giếng, thì đều là cẩu thả, chờ mệnh ở trời, may mới khỏi địch. Phàm những người giữ thành có gạo thì tự cấp, không gạo thì quan cấp, mỗi lần cấp một thạch làm một suất, 10 người có một người đầu bếp, cùng ăn một chỗ. Nếu để các nhà đưa cơm thì rồi không thể nói được, và truyền đạt khó tới, no đói bất thường, đó là lối thua vậy. Dân ngoài lánh nạn thì có họ mạc nhờ họ mạc, không có họ mạc thì nhàn ước phải xếp đặt, như ở trong chùa miếu thì tăng đạo phải báo tên, kén chọn mà khiến giữ thành, cho phòng nằm một nơi. Còn dư các nơi chùa chiền công quán đều phải cho dân làng ở đậu, chật hẹp khó dung, nhưng đã có thức ăn và thóc, ngoài ra không hại. Đại khái con trai mạnh mẽ đã cho giữ thành, người già yếu cùng ở mấy nơi, đàn bà cùng ở mấy nơi, ở ngoài cửa dán tên để tiện sự ghi nhận. Ở trên thành thì 10 người làm một phô, phô thì trên che chăn chiếu để chống gió mưa, 10 người một bếp, 5 người 1 lần cắt phiên nhau ăn, đàn ông già và đàn bà thì làm thức ăn, đàn bà khỏe thì gánh nước, trẻ con thì sai khiến đi lại. Đốt lửa thì dùng củi, không dùng rơm cỏ, để phòng cháy. Dùng dao đá lửa để phòng khi lửa tắt.

Phòng việc sửa đắp. Trên thành mỗi mặt phải phòng bị một vạn gạch, đất vàng 10 xe, vôi 10 cân, nước 100 lọ. Mỗi 10 ụ thì dùng 2 tấm sắt, 2 con dao nhọn, 6 cái cánh cửa, gậy dài 15 thước 4 chiếc, để phòng khi giặc đánh phá vào tường thành mà kịp thời sửa chữa.

Đặt hiểm trong hào. Có sông ở gần hào thì nên đóng hơn trăm cái cọc gỗ, theo hình chữ nhân () ở trong sông, cao hơn mặt nước độ 1 thước, phòng có lâu thuyền đến phá thành.

Đặt sàn hờ. Nên gác ở ngoài ụ canh một cái sàn hờ, mỗi cái ước rộng 3, 4 thước, dài 6, 7, 8 thước, quanh thành đặt tiếp liền nhau. Phép gác thì hoặc dùng gỗ nhỏ hay dùng tre, mỗi cây dài bằng chiều rộng của sàn, chừng 3, 4 thước, một nửa chìa ra ngoài ụ, một nửa phóng vào trong ụ; ngoài thì làm sàn hờ, trên sàn thì lấy đá gạch mà đè, trời lạnh thì để thêm vài bao vôi ở trên; trong thì dùng dây mà treo đá lủng lẳng. Nếu giặc bắc thang lên sàn, thì sàn mỏng mảnh không để thang được, gạch đá liền rơi xuống thành, những đá treo ở ngoài thì rơi xuống thành, những đá treo ở trong thì rơi xuống trong tường, người giữ ụ canh do đó mà tự biết. Nếu giặc đặt thang ở dưới sàn mà treo lên sàn, thì khi leo lên đương đầu vào sàn làm cho đá rơi loạn xuống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 12:12:31 pm »


Đặt cây nại hà. Ở khoảng tường ụ, dựng cây nại hà. Phép dựng cây nại hà phải dùng ba cây gỗ làm giá, hai cây đứng, trên gác một cây gọi là cây nại hà, nặng nhẹ phải xứng với cây gỗ đứng, trên cây này thì đóng chốt xen tráo trở lẫn nhau, rồi gài ngược những gai hổ sợ1, dùng 3 thước dây cỏ to bằng ngón tay, một đầu buộc bó gai, một đầu buộc hòn đá nặng 2, 3 cân, lấy đá và dây cuốn vào gai và gỗ thòng đầu xuống bên ngoài tường. Khi giặc lại đánh úp, đã không thể vịn bám mà leo lên, lại không thể bay qua mà vào. Hễ động chạm đến thì đá rơi xuống và cây gai cũng rớt, giặc tự bị thương, binh phu canh ụ do đó mà biết, tức thì ném gạch đá xuống làm cho giặc bị thương nhiều. Vì giặc không thể làm thế nào được, cho nên gọi là cây nại hà.

Hình 62. Cây nại hà

Nghiêm cửa thành. Các cửa nếu dùng đá xây kín hay dùng đất lấp đi thì có thể phòng sự bất trắc. Nhưng quân ta còn phải ra đánh, sợ cản trở lối ra vào, cho nên chỉ đục năm lỗ ở cánh cửa vừa ngang ngực, dùng năm cung nỏ mà giữ thì giặc không dám tới gần.

Đặt cửa xuyên. Trong thành, đầu cửa đường mã đạo ở hai bên phải xây tường bền chắc, thẳng tiếp với các nhà phố, dưới tường để cửa cho tiện nhân dân ra vào. Cách cửa thành 1 trượng, đào 1 đường hố, rộng 5 thước, sâu 1 trượng, dài thông tới hai bên đường phố, dùng mũi thương sắt nhọn dài 1 thước đóng lên trên ván, để đầy đáy hố; bên hố thì đóng cọc nhỏ lấy dây gai ràng qua ràng lại, trên trải chiếu, trên chiếu đổ đất, cốt cho bằng mặt đất để không ai nhận biết được. Đợi khi đánh thành cửa mở, tự nhiên có kẻ tranh tiến vào, nếu rơi xuống hầm thì trên thành lấy đá ném loạn xuống, hẳn có người chết, như thế thì họ không dám tiến nữa. Nhân dân nếu cần đi lại thì ở hai đầu đường hầm đặt ba tấm ván liền nhau, làm lan can để vịn, sợ xảy chân một cái thì rơi xuống, không thể sống được.

Chuẩn bị tạp vật. Những vật dùng về hỏa khí như diêm tiêu, lưu hoàng, chì, sắt, quan hệ không nhỏ, không thể bỏ cho giặc dùng được. Những khách bán và phường đúc phần nhiều ở ngoài thành. Nên trước tra xét tên họ nhà hàng và phường đúc, hễ có báo động thì cho giáp bảo địa phương ấy áp đòi diêm tiêu, lưu hoàng, tiền kẽm và các đồ sắt khuân chuyển vào thành, và chuyên sai quan đến xét hỏi, kẻ nào trái lệnh thì xử theo tội giao thông với giặc, của cải thì sung vào nhà nước. Giáp bảo không báo thì cũng xét hỏi cả. Như có dùng vào việc công thì chiếu theo thời giá đem bạc mà mua. Những bình vôi, thuốc độc và các vật dùng để sửa xây, đều do các lò vôi và các lò gốm lãnh giá đúng hạn đưa đến. Vôi thì phong ghi lại để ở các tự viên dọc thành để phòng cấp dụng. Còn bình vôi thì sai chủ lò gốm lãnh giá, làm những cái bình vôi nhỏ nhẹ, nung dối, không nên quá kỹ, dự bị để dùng. Trên thành muốn đốt giặc phải nhờ rơm cỏ và củi khô. Trước kỳ cho giá khiến hộ củi hộ lương lãnh bán cho hàng nghìn vạn bó, đánh đống, chứa vào những kho xưởng bỏ rỗi để chờ lúc cần dùng. Dầu đuốc là những vật cần cho việc giữ thành, không thể thiếu được, nên xét các hàng dầu, các phố bán dầu ở ngoài thành, giao cho các giáp bảo trong ngày có báo động áp dân y kỳ vận chuyển các hạng dầu rái, dầu lạc, dầu trẩu, dầu vừng, sáp trắng vào thành cho mở hàng bán, như có dùng vào việc công thì chiếu theo thời giá đem bạc mà mua. Lại đốc quan tra xét hễ không y kỳ chở vào thì cả tổng giáp phải phạt mang gông, mà dầu thì thu vào nhà nước. Thợ rèn, thợ tên, thợ cung, thợ nỏ, thọ tre gỗ, thợ thuốc súng, thợ đá đất, đều phải sẵn nhiều trong thành để phòng khi cần dùng. Dưới cửa thành để sẵn ang nước, một là để dùng lúc khát, hai là để dùng chữa cháy. Trên thành cứ năm ụ canh thì đặt một ang nước to, chứa nước đủ dùng. Mỗi một hiệu đầu để sẵn một cái bàn, bút nghiên một bộ, giấy nhỏ rộng một tấc độ 100 tờ, phòng lúc hoãn cấp cần để viết chữ truyền báo các nơi; chổi gai hai bó, câu liêm hai bộ để phòng chữa cháy. Để nhiều đèn lồng soi thành, phòng ban đêm có giặc đào thành, hay nhắm chỗ đen tối thả dây leo vào trong thành phóng lửa làm rối trong quân.

Chuẩn bị tuyên truyền. Mỗi một ụ canh để sẵn một cái mõ gỗ hay tre; mỗi phô để sẵn một trống lớn một trống nhỏ, 2 thanh la; mỗi phô dùng một con ngựa khỏe để đi truyền tin khẩn cấp, mỗi đài địch để sẵn lưu tinh2 gặp khi cần cấp thì đốt để cho du binh của bản diện tiếp ứng, mỗi phô lại để sẵn một chậu lửa rấm, giữ không cho tắt.

Chuẩn bị đèn lửa. Mỗi ụ canh để một cái đèn, 3 ụ canh treo một cái đèn. Đèn phất giấy bóng mới cho sáng, trên đèn đậy chụp bằng giấy bóng để phòng mưa, trên chụp đè một miếng ngói nhỏ để phòng gió; được chụp bằng cót tre thì càng tốt. Mỗi đèn dùng một cái cần buộc dây gióng xuống dưới thành cách đất 7 thước, để nếu giặc đến dưới thành thì ta chiếu thấy, mà ta cầm cần ở cửa ụ canh thì giặc không thấy ta. Khi kéo đèn thì có người canh, không để nhỡ việc. Nhưng dây treo đèn nên làm nhỏ, chỉ vừa mang được một cái đèn, giặc không thể bám dây ấy mà leo lên thành được. Mười ụ canh dùng một cái hỏa cầu thì tốn dầu đuốc không mấy.
_______________________________________
1. Thứ gai lớn và sắc.
2. Tức là pháo thăng thiên làm hiệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 12:13:50 pm »


*
*   *

Sách Võ kinh tổng yếu:

Phàm phép giữ thành, khi giặc đến sát thành thì cứ im lặng mà đợi, không ra đánh ngay. Liệu giặc đến vừa tầm tên đạn, thì dùng thuật mà phá, nếu gặp được chủ tướng của giặc đến, thì tính lúc tiện lợi, dùng nỏ tốt xúm bắn và ném đá xuống cho chết, thế thì giặc sợ hãi thế tất phải lui. Nếu được người giặc xin hàng hay xin hòa thì cũng đừng nên trễ nải, mà nên càng chống giữ cẩn thận phòng nó lừa ta. Nếu giặc đánh đã lâu không nhổ được thành mà bỏ đi, thì đó là quân đã mỏi mệt, nên theo mà đánh thì tất phá được. Đó là nhờ có tướng giỏi, thấy lợi thì làm, không câu nệ theo lối thường mà kiểm xét vậy.

Phàm giặc đánh mọi cách không lợi thì tất dẫn nước để dội vào thành. Ta phải lấp kín các cửa, xét thành có chỗ nào hỏng thì đắp lại. Trong thành đã bị vây chặt thì phải xem nước ở ngoài cao thấp thế nào, rồi đắp riêng một cái tường rộng, lấy đất ở ngoài tường cho sâu tới một trượng. Binh lính thì vẫn giữ thành như cũ. Xem khắp địa thế có nơi nào có thể tiêu nước thì cách vài mươi bước đào một cái giếng, các giếng thông nhau ở trong cho nước chảy tiêu đi. Nếu nước đã vào thành thì ở chỗ ngoài tường mới đắp, làm 20 chiếc thuyền, mỗi thuyền kén 30 người dũng sĩ, giữ lấy cha mẹ vợ con làm con tin, rồi trao cho cung nỏ gươm ngắn và thuổng cuốc, khiến đêm tối từ cửa ngậm tăm mà ra đào đê kè của giặc, phá dinh trại của giặc. Những dũng sĩ kén đấy phải dự lập thủy chiến. Liệu sức không đủ thì cho thêm thuyền để đi. Hoặc giặc đã biết thì trên thành khua trống reo hò để trợ thế.

Phàm giặc có quân dũng hãn, hẳn khiến đến xung đột cửa thành của ta, ta nên giả làm không biết, mở cửa để chờ, trên đường đặt hố sập ngựa và cầu máy, ở chỗ tường lớp ngõ cong thì cho phục binh đánh úp. Nếu ước lượng giặc độ 1, 2 trăm người thì hạ ván tháp của các lớp cửa, khiến giặc quân trước đã thua, quân sau bị đứt.

Phàm trong thành khí giới đã đủ, chống giữ đã được, nên ra quân kỳ, dùng thuật trá, lấy đánh thay giữ, để mà giải vây. Trước hết phải làm cửa ngầm, hoặc nhân giặc mới đến, trận chưa chỉnh, hoặc đêm hôm nhân giặc không biết, hoặc giặc đánh thành mới nghỉ, hoặc giặc vây lâu đã mỏi, lẻn cho quân tinh kỵ ngậm tăm ra đánh, đánh giặc thua rồi thì không nên đuổi theo; hoặc quân ta chưa ra mà giặc đã đến, xông cửa mà vào, thì ta ở trên thành quay mặt vào trong mà vần đá to cho rớt xuống đè để chặn không cho nó vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 12:18:59 pm »


*
*   *

Sách Hành quân tu trí:

Dùng ống pháo lửa, thương dài, đùi gỗ, pháo tay để đánh người dưới thành.

Hình 58. Đùi gỗ

Dùng nỏ bàn, phóng tên lửa và pháo lửa mà đốt cỏ củi lấp hào.

Dùng pháo lửa để bắn thổ sơn và nga xa động tử1.

Thành trại nếu ở vào nơi đồng bằng, hay ở gần có suối tự cao nguyên chảy xuống và có sông ngòi, thì nên phòng giặc dùng cách xẻ úng cho nước ngập thành ta. Tỉnh Hà-đông ngày nay, tức thành Thái-nguyên ngày xưa, quân nhà Tống đã xẻ sông Phần-thủy mà dội xuống quân Lưu Duy-nguyên là thế.

Quanh thành đặt nhiều cửa đột, ngầm cho quân mạnh và ngựa đánh vào chỗ không ngờ của giặc. Nếu giặc ở trên núi cao ngoài thành, dựng vọng lâu để xem hư thực ở trong thành ta, nếu quân ngựa ở trong thành có ít, thì cho cùng với trâu ngựa của cư dân, hết thảy đều mặc giáp mà phô bày ở nơi phố chợ, lại khiến cư dân lên thành, trai trẻ đứng trước, già yếu đứng sau, cần nối tiếp nhau.
______________________________________
1. Thổ sơn: Núi đất đắp ở ngoài thành để leo lên mà nhìn vào trong thành và nhân đó mà trèo lên thành.
    Phép “Nga xa động tử”, cho chở đất mà lấp hào, làm núi đất ở phía trong động hào (Tức là chỗ rãnh hào trống rỗng). Khiến người chia làm hai hàng tả hữu, một hàng chuyển đất vào hào để lấp, một hàng chuyển đồ đựng không ở động (hào) ra. Chỉ sai riêng những tráng sĩ đem đất vào thôi, không nên sai người đi lại khiêng gánh không tiện. Đắp được gò đất có thể đứng trông được; lại đóng cọc gỗ, rồi dùng túi vải đựng đất chồng chất để lên thành; chứa nhiều củi đóm thành đống cao rộng ở bên thành là hay. Còn khoảng đất ở động (hào) thì đặt nhiều thùng nước bùn và chổi gai để phòng dầu rái, hỏa tiễn và hỏa pháo của địch ném xuống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 05:59:34 pm »


Trọng nhàn chỉnh. Giữ thành cần phải định khí. Phàm ở ngoài 50 bước, nghe thấy giặc hét nói đập phá hay dùng quân tiên phong đi tuần trước, nói phao là đến đánh, thì đừng động. Khi cách thành 10 bước thì đài địch mới bắn tên đạn và dùng thương. Giặc đội cỏ vào đánh thành thì lăn đá to xuống; giặc chở xe đến đào thành thì ném củi vào hai bên xe và dùng lên lửa để đốt. Giặc đến dưới thành, thế tất phải ngửa mặt lên, thì ta phun phân, phun lửa, vãi tro. Giặc ba người cầm cần móc mà đánh ta, thì ta dùng cái xẻng bán nguyệt mà cắt dây da, tất 1 người ngã lăn ra, hai người ngã nghiêng ra; một người cầm cần móc thì lấy xẻng bán nguyệt mà đẩy chếch đi, đẩy khỏe thì ngã, nhưng phải dùng búa lớn mà đánh nát đầu móc. Nếu giặc bắc thang mây 4, 5 người xâu cá mà leo lên, thì ta dùng cái xẻng bán nguyệt, 4, 5 người dựa cột hết sức mà đẩy, nếu là thành đất thì đẩy ra ngoài là thang phải đổ, nếu là thành gạch thì đẩy xiên là thang phải nghiêng; lại dùng thương ba mũi cực lực mà đâm vào mặt giặc, lòng giặc, bụng giặc, cốt đâm trúng một chỗ nào. Giặc bám tay vào cửa ụ thì dùng búa rìu mà chặt đứt mười ngón tay. Nếu dao của giặc liếc quanh cửa ụ thì dùng gậy lớn đánh vào dao, hoặc lấy vũ tu thương mà bắt giặc, lôi lên mà giết. Đầu giặc khi vào cửa, thấy cái mũ thì dùng búa mà đánh vỡ óc, thấy cổ thì dùng dao búa mà chém lấy đầu; đã nhảy vào trong ụ rồi thì chân tay không làm gì được nữa, dân phu cả giáp cứ loạn xạ đánh chém, cốt sao cho chết. Giết chết 3, 5 tên giặc thì treo đầu lên thành, quăng xác xuống dưới, giặc tự vỡ mật, không dám tới gần. Nếu không định khí trước, khi giặc mới ở ngoài trăm bước đã hoang mang, loạn phóng tên đạn, khí giới đã hết, khí lực đã thiếu, gan ruột đã loạn, đến khi giặc tới gần thành thì lấy gì mà chống! Đó là điều rất phải răn trong việc giữ thành.

Cẩn thận tên đạn. Khi quan quân đi tuần thành, đến bên thành bắn tên hay súng, trên thành không được ồn ào. Đợi giặc đến gần thành, mới sai những tay bắn giỏi bắn quen nhân tiện mà bắn, cốt sao cho trúng giết được 1, 2 tên giặc, thì bọn khác tất phải rút lui. Chúng không biết quân ta hay dở hư thực thế nào. Không nên bắn loạn mà hết tên thuốc. Nếu bốn mặt thang mây vây đánh, thì nên gom sức đều chống, không nên câu nệ.

Ném gạch đá. Trên thành xếp nhiều gạch đá. Rất kiêng khi giặc còn ở ngoài 10 thước phóng càn tên đạn và hỏa khí, đã không trúng giặc lại tốn thực dụng. Đại khái khí cụ giữ thành đều dùng ở trong 10 thước, phải thấy rõ ràng thì mới đích đáng: Người ta thường nói: giữ một dặm không bằng giữ một trượng, giữ một trượng không bằng giữ một thước. Càng xa càng uổng công, càng gần càng đắc lực. Vì là cái mục đích giữ thành là chỉ sợ giặc lên thành, mà phép chống giặc là chỉ ngăn giặc lên thành, đánh xa lại không trúng, lại phí sức, lại tốn đồ dùng thì làm gì?

Nấu cứt người. Nấu phân người đến sôi, đựng vào lọ nhỏ mỏng, dùng lá tre đút nút khiến sao đến khi ném thì lọ vỡ cứt tung, chạm vào thịt người thì bỏng đau đến chết.

Quý ngủ ngày. Quân chiến đấu không ngủ thì sợ quân giặc nhân đêm khuya lúc mệt lẻn vào, nên ban ngày phải chia ban luân phiên mà ngủ.

Dối trống đêm. Đêm thì thúc trống hai ba lần như là sắp xuất quân, làm cho địch đêm không được ngủ, mà quân ta thực thì yên nghỉ trên thành; phải báo trước cho mọi người trên thành biết cho khỏi rối loạn. Trọn ngày ỉa đái đều ném ra dưới chân thành ngoài. Trong thành người ít việc gấp, những phụ nữ còn trẻ nên mặc áo mũ đàn ông lên thành phòng ngự. Sớm chiều hò hét, đàn ông đàn bà con trẻ cũng nên đều tiếng, tỏ là ta có nhiều người, để trương thanh thế. Nhưng trai gái một nhà phải họp với nhau một chỗ. Ai dám đùa cợt nhảm nhí thì chém đầu rao cho mọi người biết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #169 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:06:42 pm »


*
*   *

KHÍ CỤ GIỮ THÀNH1.

Hố sập ngựa2. Dài 5 thước, rộng 3 thước, sâu 4 thước, trong hố trồng hai thứ thương gạc nai và chông tre, đều vót nhọn, đốt lửa cho thêm bền. Hố thì bày theo hình chữ bốc (), trên đậy bằng cỏ, hoặc trên trồng cỏ, cốt sao cho địch không biết. Phàm trên đường địch đến và trong ngoài cửa thành đều đặt hố này.

Phên dày. Lấy cành cây kinh hay cây liễu mà đan, dài 5 thước, rộng 4 thước, bọc bằng da trâu sống, ở sau lưng thì đặt cái sào ngang dài 6, 7 thước.

Hình 54. Phên dày.

Dùng ở trên sàn chiến thì lấy mộc mã mà dựa, ở ngoài nữ tường thì lấy que chân chó mà treo.

Xa cước lôi (Đùi bánh xe). Dùng cây gỗ đường kính 5 tấc, hai đầu đặt hai bánh xe, đường kính 2 thước, lấy dây xích sắt và xa trục mà phóng xuống rồi lại kéo lên, dùng để đánh quân địch leo thành.

Hình 55. Đùi bánh xe

Phi câu (Móc bay). Có tên là chân chi bằng sắt, móc câu dài và sắc chìa ra bốn phía, buộc dây xích sắt và tiếp bằng dây gai. Phàm quân địch mặc áo giáp nặng, đều có nón nhọn, sợ tên đạn không dám ngửa nhìn lên, chờ chúng đến họp đông thì ném móc vào giữa đám đông rồi kéo gấp lên, mỗi móc có thể móc được 2 người.

Hình 56. Móc bay
_______________________________________
1. Mục này trích ở sách Võ bị chế thắng chí, quyển 11.
2. Ở quyển I chương “Binh cụ” đã có nói về “hố sập ngựa” rồi.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Giêng, 2009, 06:09:49 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM