Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:07:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188660 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #140 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2009, 07:50:44 pm »


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí:

Thời gió. Phép hỏa công, lấy gió làm thế. Gió mạnh thì lửa hừng, lửa mạnh thì gió sinh, gió lửa cùng xoay nhau thì mới thắng được. Cho nên người làm tướng phải biết thời của gió, dùng độ số của mặt trăng đi để làm chuẩn. Mạt trăng đi ở phần sao Cơ (13 độ trời), sao Chẩn (15 độ), sao Trương (17 độ), sao Dực (19 độ), thì không quá 3 ngày hẳn sẽ có gió lớn mấy ngày liền. Ngửa xem các vì sao thấy sáng nhấp nháy không định thì không quá 3 ngày hẳn sẽ có gió lớn trọn ngày. Mây đen đêm che ở miệng sao Đẩu thì gió mưa cùng nổi. Mây từ phương bắc nổi lên thì gió to. Mây đen qua Ngân hà thì gió to mấy ngày. Trăng quầng sắc xanh mấy vòng thì có gió không mưa. Mặt trời lặn mây đen trải ra thì có gió ở xa tới. Gió từ mươi dặm đến bay bụi động lá; gió từ trăm dặm đến thổi cát bay ngói; gió từ nghìn dặm đến sức có thể lăn đá; gió từ muôn dặm đến sức có thể nhổ cây. Biết được thời của gió mà khéo dùng thì muôn lần đánh muôn lần thắng.

Địa lợi. Phép hỏa công, trên thì thuận thiên thời, dưới thì ứng địa lợi. Đồng bằng sông rộng, đánh xa thì thắng (dùng viễn khí1 mà đánh). Rừng rậm đường hẹp, đánh sát thì thắng (dùng pháp khí2 thuận gió mà đánh). Dựa cao đánh thấp thì thế thuận, dùng đồ nặng với lửa mạnh mà úp xuống. Dưới đánh trên thì thế nghịch, dùng đố sắc với lửa hừng mà phun lên. Hai bên đều là hỏa khí cả, thình lình mà gặp, không kịp thành trận, thì thế dễ loạn, dùng viễn khí mà đánh trước thì thắng. Hai bên đều đóng dinh trại, muốn cướp xe lương, trước phải xem đường phục binh, thấy thế dễ làm, dùng hiệu khiến nổi đánh bốn mặt thì thắng. Ở trong thành đánh ra ngoài thì nên đánh chỗ bền chắc; ở ngoài thành đánh vào trong thì nên đánh chỗ mềm yếu. Đánh thủy thì phải ở trước đầu gió, đồ dùng thì như loại khói mù. Mui và buồm thì phải tẩm thuốc thế nào cho lửa không bén. Đó là chước ứng chiến vậy. Nếu không phân biệt địa lợi mà dùng cho thuận, thì hẳn là bỏ khí cụ mà chạy, chỉ giúp thêm cho giặc mà thôi.

Điều răn của binh. Phàm gặp những lăng tẩm vua chúa đời trước, đền miếu thánh hiền, đô ấp đòông dân, làng ngõ xúm xít, nếu dùng hỏa công thì đều là thiến ý sùng đạo và không có lòng thương dân. Đó là điều răn thứ nhất.

Trước vướng rừng rậm, tiến không chỗ giữ, lưng dựa đầm nước, lui không lối chạy, lại sát dinh trại, trận quân chưa bày, phàm gặp nơi đó mà dùng lửa để đánh thì sợ cháy lan cả đến mình. Đó là điều răn thứ hai. Thời gió chưa định, địa lợi chưa có, gió mạnh tắt lửa, vạ không gì to bằng thế.

Phép đánh hỏa công trước hết phải giữ nơi đất hiểm, sau chờ tin gió. Đó là điều răn thứ ba.

Quân địch muốn quy hàng mà chưa nhân được lúc hở, nếu ta nhân gió phóng lửa thì ngọc đá đều cháy. Đó là điều răn thứ tư.

Trong quân địch có những tay tướng giỏi, ta muốn dùng lấy tất phải đặt kế mà bắt sống. Đó là điều răn thứ năm.

Quân địch đã hàng lại còn ngờ là phản mà vội chôn đi để cho thất chí, như Bạch Khởi chôn quân nước Triệu, bất nhân quá đỗi. Đó là điều răn thứ sáu.

Quân địch bị thua, cướp bóc dân ta để trương thanh thế nên nghĩ chước lạ mà cứu vớt mệnh dân; không cứu vớt dân mà lại dùng hỏa công thì gọi là bất trí. Đó là điều răn thứ bảy.

Măng mồng vừa lớn, cá sâu mới dậy, đốt sạch sành sanh, giết hại sinh vật rất nhiều, làm tổn nhân đức, đó là điều răn thứ tám.

Tuân theo tám điều răn đó, làm sao cho mây bay quạ họp, quỷ thần khó lường được cơ, chớp giật sấm vang, tạo hóa không thấy được diệu.
______________________________________
1. Khí giới đánh xa.
2. Khí giới dùng kỹ thuật riêng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #141 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2009, 07:53:40 pm »


*
*   *

CÁC LOẠI HỎA KHÍ

Pháo thần vạn hỏa phi sa. Dùng rượu đốt sao chế các vị thuốc, chứa trong cóng sành, ngầm để thuốc nổ vào, rồi quăng ở dưới thành, lửa bốc cháy cóng nổ, khói bay mù mịt làm mờ cả mắt giặc, kế đem súng đạn nỏ tên đánh theo. Nên dùng các vị thuốc sau đây, pháo giấy thì lấy nhựa thông rưới vào, chế tạo rất dễ.

Hình 43. Pháo thần phi sa

Thiên tửu (rượu mạnh), Phê hoàng, Nao sa, Lương khương, Đại tạo, Phụ mạt, Bán hạ, Ô đầu, Khoáng sa (tức mạt than đá lấy ở nước), Tạo dác, Can khương, Liễu tiết (phơi khô giã nhỏ), Tiêu phấn, Ba đậu xác, Trịnh trục (quả ngón vàng).

Pháo bầy ong. Đan cật tre thành một cái giỏ tròn, dùng giấy dầy phất hồ 40, 50 lần, phơi khô, trên lại phết giấy dầu 15 lần; mở một lỗ ngòi pháo, lấy 3 cân thuốc súng, già nửa cân tật lê sắt, nửa cần phi yến độc hỏa, phơi pháo giấy vài chục ống nạp vào trong. Sức nổ rất lớn, chẳng những có thể đánh người, mà lửa phi yến bay khắp bốn phía dính vào mình người hay gặp mui buồm càng có thể bén cháy, tưới nước không tắt. Ném vào giặc thì cái gì cũng tan nát.

Hình 44. Pháo bầy ong

Pháo sấm vang. Pháo thì dùng sắt sống mà đúc, trong để thuốc thần yên, dùng pháo cái bắn vào trận giặc, lửa phát pháo nổ, một tiếng như sấm, lửa chuyền vào pháo, pháo vỡ tung bay ra như viên đạn chì, người ngựa đều bị thương, nhân cơ đó mà đánh thì tất phá được giặc. Hoặc muốn bắt sống, hoặc muốn đánh chết, tùy cơ mà dùng. Một thứ dùng hỏa thần sa, một thứ dùng liệt hỏa từ phong, một thứ dùng phi hỏa thần yên, một thứ dùng thần hỏa thần phong, một thứ dùng pháp hỏa thần yên, một thứ dùng pháp hỏa thần sa1.

Hình 45. Pháo sấm vang


Pháo gỗ. Dùng gỗ bền mà chế, không kỳ lớn nhỏ, xoi rỗng ruột, ngoài niền bốn dây đai sắt. dưới mở một lỗ để đặt ngòi; nhồi thuốc súng cho đầy, miệng cho vào một ít đất vàng, sau cho vào những viên sắt đá và ngòi thuốc, xỏ liền với máy súng, lửa nổ pháo vỡ bay tung lên. Tiện cho việc giữ thành. Việc khẩn cấp chế tạo cũng dễ.

Hình 46. Pháo gỗ

Pháo quả lựu. Pháo đúc bằng sắt sống, tạo hình giống quả lựu, có lỗ để đổ các thứ thuốc súng thuốc khói vào. Đổ thuốc chỉ độ 6 phần 10, bỏ vào một cái chén rượu, trong chén bỏ mồi nổ, dùng nắp sắt đậy miệng. Pháo bôi phấn trắng, trên vẽ cỏ hoa năm sắc, nhè nhẹ thả trên đất bên đường, giặc thấy cho là đồ chơi, giơ tay nhặt lấy, đụng phải thì máy mở ra, pháo nổ tan nát, khói bụi mù trời, thần sa dùi vào các lỗ trên mình giặc, xuyên vào hầu, khiến cắn răng lại, mù hai mắt, máu chảy tủy trôi, lửa độc đốt râu sém thịt, đó là lợi khí giết giặc rất nhậy.

Hình 47. Pháo quả lựu

Súng tre đánh giặc ban đêm. Dùng tre dày bền thì tốt, ngoài dùng dây da trâu sống buộc chịt rất chặt, phơi khô..., dùng 24 viên đạn lửa, cho thuốc súng đầy vào ống tre, dùng gỗ bịt miệng lại. Nếu giặc đã vào cõi thì nhân đêm sai nhiều quân giỏi bí mật đến dinh giặc, hoặc canh một hoặc canh hai, mà chia đốt, ngọn lửa cháy rực, quân giặc ngờ sợ rối loạn, liệu thế lùa quân hỗn chiến.
___________________________________
1. Đều là tên các thứ thuốc nổ khác nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #142 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:26:38 pm »


II – GIỮ THÀNH

Thành là để bảo vệ dân. Phép giữ thành chính từ mưu đánh thành mà sinh ra. Khi địch ngửa đánh thì đắp lũy cao mà giữ; khi địch đánh thẳng thì đắp lũy dầy mà giữ; lo địch đến sát tường mà phá thì đào hào mà giữ; lo địch ở xa thành mà bắn thì làm nữ tường mà giữ. Cho nên muốn giữ giỏi thì phải biết rõ sự đánh giỏi. Duy người biết lo mới hay chống được sự lo. Đời xưa Công Thâu và Mặc Địch hằng cùng chống nhau mà cùng làm thầy cho nhau.


Cách giữ thành giỏi.

Một là hiểm yếu. Bắc phương nhận hàng, Lương-châu1 hòa với rợ Nhung mà mở đất nghìn dặm, chẳng mượn chiến công. Chủng đóng Khoan-châu, chữa lại thành bỏ, Giới dời đến Hợp-thành, lại dời sang Điếu-sơn, thế gọi là giữ hiểm. Ngụy được Hải-châu, thành gối núi cô, Đình-chi giữ đất Dương, dòm núi Bình-sơn, đều là nhờ trọng thành bao bọc ở trong, hoặc đào ngòi rãnh để ngăn ngựa, hoặc chứa ao hồ để hãm địch, hoặc cách ba biển mà bảo vệ thành Sính, hoặc trồng cây du để chặn quân kỵ, thế gọi là đặt hiểm. Hoặc được đất chắc, đều có thể làm gốc bền vững được; bùn nổi cát xốp thì phải đào vét cho hết, y như cách đào giếng, một tầng cát một tầng bùn, cuối cùng hẳn có đất vàng. Đến như nền móng rộng dày, thì tính ở trên mà chở đất bồi vào cho bền chắc mà không lở.

Hình 48. Kiểu thành

Hai là bền dày. Kim Thế tôn lấy đất ở Hổ-lao để đắp Biện-thành2, đến khi Mông-cổ đánh Biện-thành, súng bắn vào chỉ lõm mà thôi, thế mới gọi là bền. Chu Tự trấn đất Tương-dương3, mẹ Tự là Hàn thị bảo rằng góc tây-bắc hẳn bị địch đánh trước, bèn ở góc ấy đắp xiên hơn 20 trượng, khi giặc đánh góc tây-bắc vỡ, bèn bền giữ thành mới; thế mới gọi là dày.
________________________________
1. Tức là đất Hán-trung thuộc đất tỉnh Thiểm-tây ngày nay.
2. Biện thành: tức là Biện-kinh của nhà Tống, đất huyện Khai-phong tỉnh Hà-nam.
3. Quận, đất của tỉnh Hồ-bắc ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #143 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:29:17 pm »


Ba là hình chế. Tống Nghệ tổ đắp Kinh thành, bày tôi vẽ đồ để tiến, dùng bút ngự bôi ra hình như khúc giun, sai theo đúng thức ấy mà xây đắp; đến sau Thái Kinh đổi dinh, mở làm thành vuông, người Kim đến đánh, đặt súng bốn góc, một súng nổ ra thì theo tiếng mà vỡ đổ cả, bấy giờ mới biết Nghệ tổ có kiến thức xa vậy. Thời Đường Túc tôn, Võ-uy cửu tính Thương Hồ1 làm phản. Bấy giờ trong thành lớn Võ-uy có bảy thành nhỏ thì Hồ giữ mất năm. Phán quan là Thôi Xưng đem quân ở hai thành để kháng cự, trong tuần nhật thì yên. Đó lại là cái lợi của trùng thành vậy.

Hào là để giữ thành. Hào tốt hay xấu, thành giữ được hay không là quan hệ ở đó. Cho nên đắp thành tất phải đào hào. Hào có ba điều cần:

Một là cần sâu. Sâu thì không dễ lấp, ước lấy 3 trượng làm mức. Như có nông thì cả dân cư trong ngoài, phàm có đắp nhà đốt gạch, cho lấy đất ở hào mà làm; nhà nước có làm cũng như thế. Dân có tội nhẹ thì phạt chuyển và xe đất để bồi vào chân thành phía trong hào. Phương ngôn nói: Hào sâu một trượng thành cao 10 trượng; hào sâu đến suối, thành cao đụng trời. Đó là càng sâu thì càng giúp cho cao vậy.

Hai là cần rộng: Rộng thì không thể dễ vượt, ước lấy 10 trượng làm mức, đáy rộng một nửa. Lấy súng đạn trên thành bắn được tới phía ngoài là vừa; xa quá thì súng bắn không thể tới địch được. Quanh bờ nên trồng nhiều cây rễ xoắn và cỏ rậm để giữ, đó là cách khéo giữ lở vậy.

Ba là nên có hố ngầm. Có hố ngầm thì không dễ sang trộm. Phép làm là ở dưới đáy hào cứ chừng 10 bước là đào giếng, sâu rộng mỗi bề đều 1 trượng và lấy đến suối làm mức, lại ngoài thì đem nước sông vào, trong thì tiết nước lụt ra, để cho sâu thêm. Lại ngầm đánh dấu nơi cạn để tiện sai quân sang đánh. Thế gọi là trùng uyên2.

Có ba cái ấy là đủ việc hào.
___________________________________
1. Võ-uy là tên huyện ở đất tỉnh Cam-túc ngày nay, đời Đường bị người Hồi-ngột chiếm - Cửu tính là chín bộ lạc Hồi-ngột ở Võ-uy.
2. Hai lớp vực sâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #144 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:31:30 pm »


Nếu là thành ở núi thì địa thế không thể đào hào được. Cách thành 2 trượng, đào lỗ cao thấp, hoặc xen kẽ với khối đá, để chống thang bắc trèo lên. Lại hoặc tháng đông thì dùng túi cát bày như hàng liễu, đem nước tưới vào, mộl đêm thì rét đóng lại thành băng, trơn không lên được, công ít mà dễ giữ. Thế gọi là trùng hiểm1.

Nếu có khe sông quanh thành, thuyền bè có thể đi thông được, thì trồng cọc ở giữa nước không bằng cắm ngầm chông sắt ở bên bờ, lợi khí không nên để cho người biết, vì là vật hữu hình thì giặc dễ phòng, vật vô hình thì giặc dễ mắc.

Hình 49. Đài địch

Ở trên và ngoài thành thì đài địch nên có, đóa (ụ canh) nên có, tường dê ngựa nên có, cửa ngầm nên có. Đài địch là nơi chủ để giết địch, không thể giết địch thì thà không có đài. Quy chế làm đài quý ở dài lên, mà không quý ở rộng ngang, dùng đá lớn xây dày mặt trước để che chống địch; bỏ trống hai bên tả hữu mà để rỗng bên trong, dùng thang để lên xuống các tầng, đều có lỗ để bắn hỏa khí, để tiện trông dòm; lỗ thì trong hẹp ngoài rộng, để tiện nhằm sang tả sang hữu. Các đài cách nhau không nên quá gần, gần sợ khi đối phóng thần khí thì lại tự đánh vào thành; nhưng cũng không nên quá xa, xa thì tên đạn vô hiệu lực, không thể tới địch (nếu địch leo thành ở giữa hai đài thì hai đài quá xa nhau bắn chéo lại không đến nơi). Phàm địch đánh thành, chỉ lo đánh lên trên, không lo đánh ra bên; những loại xe phần ôn lừa gỗ thì đều phòng ở trên mà không lo phòng ở dưới, thế thì lấy gì mà ứng phó? Làm đài rỗng thì khi tả hữu giáp đánh, giữa khoảng hai đài có thể bắn súng bắn nỏ đến được.

Đóa (ụ canh) là để che mình; nếu không che được mình thì không có đóa. Đóa không nên quá cao, cao thì không ném được đá; miệng đóa không nên quá hẹp, hẹp thì trở ngại cho việc ném bắn giặc. Ngày nay làm đoá cao ngang tới lông mày, miệng vừa lọt cánh tay, đều không thể dùng được. Nếu muốn dùng được, thì ở trong đóa nên xây một cái nền cao và rộng độ chừng 3 thước, vừa có thể giữ vững đóa, vừa có thể đánh địch, vừa có thể cho quân nghỉ, lại đều nên chừa lỗ treo, giặc ở xa thì do miệng đóa mà trông, dùng súng hay nỏ mà bắn, giặc ở gần thì do lỗ treo mà trông, tùy cơ mà chống, ta có thể chống giặc, giặc không thể hại được ta, như thế thì dễ chống. Phàm gạch xây lỗ treo thì trước phải làm khuôn cong mà nung, xong rồi thì xếp vào mà xây.
____________________________________
1. Hai lớp hiểm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #145 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:35:19 pm »


Còn như tường dê ngựa thì làm ở ngoài thành và ở bên bờ hào, không kỳ rộng hẹp, hẹp thì chừng một trượng, rộng thì không vượt ra bờ hào. Làm tường ấy thì gạch hay đất tùy tiện, mỗi trĩ1 làm một lỗ bắn súng lớn, quá năm bước thì làm một lỗ bắn súng vừa cách đất 3 thước, trên mỗi lỗ châu mai ấy đều làm một cái kẽ (cao 3 tấc rộng 3 tấc) để tiện trông dòm. Lại trên 3 thước thì làm một lỗ châu mai nhỏ (rộng 1 tấc). Sống tường thì dùng đá nhọn gạch sắc để chống giữ. Giặc ở bên kia hào thì dùng súng lớn mà đánh, giặc lên tường thì lấy búa lớn côn lửa mà ném xuống. Hoặc nhất thời thu vén không kịp, hay đêm tối khó làm, không dám mở cửa, thì những người lánh nạn và các loại trâu bò, đều cho tạm lánh vào trong tường. Thành với tường nương tựa nhau, tường lấy thành làm bản mệnh, hoãn cấp giúp nhau, tiến lui có thuật. Đối với cái thành không hào thì càng thấy công dụng của tường ấy. Lưu Ỷ sở dĩ thắng được ở Thuận-xương là vì thế. Chống giữ đã chắc mới có thể xuất kỳ dụng trá2.

Hình 50. Tường dê ngựa

Lấy đánh thay giữ, lấy chống giải vây thì không gì cần bằng cửa ngầm. Lẻn trông nơi nào ra vào thuận tiện đục làm cửa, ngoài chừa hơn 1 thước, đến lúc cần mới mở, trong thì bày cột phay gỗ lim để chống. Hoặc giặc mới đến, dinh trận chưa chỉnh, hoặc đêm tối nhân giặc không biết, hoặc giặc đánh thành mới nghỉ, hoặc giặc vây lâu đã trễ nải, ta ngầm cho quân tinh kỵ ngậm tăm đánh úp, thắng chẳng đuổi xa, giặc mệt thì tự nghỉ. Nhưng ở trên thành chứa nhiều gạch đá, phòng khi giặc phạm tới thì kíp đánh không bỏ mất cơ. Đó là cửa ngầm, cũng gọi là cửa đột. Kín ở dưới chín tầng đất là ngầm, động ở trên chín tầng trời là đột. Cửa là phòng bọn gian tế lẻn ra; cửa đột là phòng kẻ địch đánh úp vào, phải cẩn thận vậy.

Trong thành thì đường thành phải có, hào trong phải có, hạng chiến3 phải có, bảo giáp phải có, chứa trữ phải có. Phàm trong thành, nên để nhiều đường bậc đá, nửa dặm làm một chỗ, để phòng khi hoãn cấp, mỗi một chỗ có một cái rào, nghiêm giữ đóng mở, một là để phòng giặc lên, hai là để phòng quân lười. Phàm ở trong thành, đều nên đào hào trong sâu rộng, mẫu mực cung tương đương với hào ngoài, bờ ngoài của hào cũng xây tường. Khi giặc đã vào thành rồi cũng còn có cái ngăn giữ ở trong, nếu thay đổi nhau mà giáp đánh thì giặc hẳn bại. Xưa thành Thư-dương bị vây, giặc ở ngoài thành đắp trùng hào mộc sách4 để giữ. Trương Tuần ở trong cũng làm hào để chống là như thế đó. Trong thành có hào thì mới có thể nói đến hạng chiến (đánh ngõ) được.
_________________________________
1. Thành dài 3 trượng, cao 1 trượng là một trĩ.
2. Ra quân kỳ, dùng thuật dối.
3. Hạng chiến là đánh nhau trong đường ngõ.
4. Hai lần hào với rào gỗ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #146 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:37:51 pm »


Phép đánh ngõ, Hứa Quì1 đã làm ở Lạc-lăng, khiến dân đắp tường cao hơn nóc nhà, làm cửa tò vò ở dưới, một người ở trong cửa tò vò, còn dư mọi người đều phục ở trong ngõ. Mở toang cửa thành, giặc quả ùa đến, súng không bắn vào đâu, mác không đâm vào đâu. Cờ phất lên thì quân phục dậy, bắt chém vô số. Vì là chống được ngoài thành là kế hay nhất, nhưng một số giặc đã vào thành mà đóng cửa lại thì như ở trong vạc sôi, cũng không thể không phòng vậy. Túng sử không thể phòng bị hết trong ngõ thì những đường trọng yếu gần thành, tất không thể không nghiêm giữ để hãm địch.

Còn như phép giữ đất có thể thông hành trong ngày thường cùng lúc lâm sự thì chỉ có phép bảo giáp và phép chứa trữ. Về phép bảo giáp thì lấy phép mà biên dân làm hộ ngũ, phàm việc xét định, tra chẩn2, hỏi trộm, đều nhờ đó mà làm, mà trong việc giữ thành thì càng khẩn cấp, để cho nghiêm hiệu lệnh, cho đều công việc, để xét gian tế, để cẩn thận việc củi lửa và việc trộm cướp. Phép bảo giáp mà làm được thì chứa trữ cũng dễ. Chứa lương không gì tiện bằng sai dân tự chứa, vì là nộp vào kho thì dù ít dân cũng có vẻ khó chịu, mà chứa ở nhà thì đầy cót ai cũng vui theo. Nếu khiến mỗi nhà đều có chứa trữ thì lo gì giặc đến mà không có lương ăn. Nhưng chứa trữ không phải thóc mà thôi. Đài thành bị vây, công khanh lấy ăn làm lo, trai gái sang hèn đều ra đội gạo, nếu mà không phòng rơm củi, thì đến sau phải dỡ sảnh Thượng thư để làm củi, dỡ nhà tranh để cho ngựa ăn. Lại nếu không trữ cá mắm thì lâu ngày người ta sinh ra mình phù khó thở, chết đến 8, 9 phần 10. Thế thì củi cũng phải phòng, rơm cỏ cũng phải phòng, muối mắm cũng phải phòng. Hung-nô vây Sở-lặc, làm tuyệt mất đường lấy nước ở ngoài thành, Bắc Ngụy vây Hổ-lao, đào hầm dưới đất để rút mất mạch giếng trong thành, thế thì nước cũng phải phòng bị. Ngoài ra, lại có thầy thuốc, thợ kỹ nghệ mọi người cần dùng đều phải phòng bị và những vật binh khí, hỏa khí, đá gỗ, than dầu, những vật cần dùng cũng phải phòng bị.

Điều cốt yếu về hiệu lệnh, trước hết là thống nhất quyền bính. Quan giữ đất là chủ, ở giữa mà điều độ, dư chia bốn mặt bốn góc, đều đặt chánh phó, lấy những tá nhị và thân sĩ sung làm, việc nhỏ cho được xử đoán. Như cờ xí hiệu lệnh mà có gì không tiện thì phải bẩm chủ thủ, không được tự tiện thay đổi. Chính trị ra tự nhiều mối thì bại; pháp lệnh không thi hành được thì bại. Thứ đến việc giữ yên hương dân, thay đổi thổ mộc. Vu Khiêm3 tâu: Ngoài quách không được tỏ là hèn yếu, dân ở ngoài quách đều dời vào trong, không để cho thất sở. Phàm dân lánh loạn vào thành, có thân thuộc thì ở với thân thuộc, không có thân thuộc thì quan phải xếp đặt, trai gái không ở lẫn nhau, đều theo hàng ngũ. Dân làng nhiều người, nên phòng bọn gian tế. Phép đề phòng gian tế là dựng rào để ngoài hào để hỏi xét, chia cửa ra vào để phân biệt, lấy người bà con quen biết bảo lãnh để xét, rồi sau chia vào các khu vực đóng quân; họp lại thì khó chu đáo, chia ra thì dễ giữ, mà đoạn lạc không thể không rõ.
___________________________________
1. Hứa Qùy: Người thời Minh Thành-hóa. Có mưu lược, làm tri huyện Lạc-lăng, bình giặc cỏ có công (Lạc-lăng tại tỉnh Sơn-đông ngày nay).
2. Tra chẩn: Tra xét nhân số và chẩn cứu người nghèo.
3. Vu Khiêm: Binh bộ thượng thư đời Cảnh đế nhà Minh, Lã Viễn người Mông-cổ xâm lược Trung-quốc, bức đến kinh đô. Vu Khiêm chống cự đuổi được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #147 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:39:34 pm »


Có mấy điều cấm ước cần phải bày tỏ: Cấm nói ngoa, cấm phương sĩ1, sợ vì phiến hoặc quân chúng mà tiết lộ sự tình. Cấm hàng trà, cấm quân trọ, cấm đi đêm, sợ là chỗ chứa kẻ gian mà rủ trộm cướp. Cấm thổi kèn thổi còi, dựng cần dựng nêu, sợ là hưởng ứng theo giặc mà làm loạn tai mắt. Cấm động càn, cấm kêu la, sợ là giặc làm cho ta sợ, mà thừa dịp. Cấm lìa bỏ khu vực đóng quân, phàm cửa, rào, đài, nữ tường, kho, ngục, trung dinh, du dinh, cơ dinh, chiến dinh, những chỗ phải dừng, đi quá một bước thì chém, để cho thống nhất dân chúng. Cấm tự tiện vào khu vực đóng quân, sợ gián điệp của giặc thác nghề buôn bán để dò xem tình hình. Cấm mở riêng cửa ngõ. Cấm trả lời riêng cho giặc. Cấm gửi riêng thư cho giặc. Ai phạm cấm thì chém, quân pháp càng nên nghiêm ngặt. Giữ đã bền chắc rồi, mới có thể chống giặc. Phương lược chống giặc là: khao thưởng để cổ võ quân sĩ; chúng cam khổ để củng cố quần chúng; cẩn thận xét canh để phòng có động; hậu đãi trinh gián để biết tình hình địch; kén tử sĩ làm thân binh để đàn áp; đặt du binh thay phiên nhau để sách ứng; đóng binh ngoại ở nơi quan yếu để dựa nhau. Phàm thấy giặc đến, thì mọi người đều phải giữ nữ tường, có báo động thì luân phiên nhau mà giữ, không báo động thì luân phiên phau mà tuần; chuyền cơm cho nhau và thay đổi nhau để ngủ, đều phải ở luôn chỗ mình. Phàm ỉa đái thì chứa lấy, đem đun nóng mà tưới vào địch. Đá thì theo từng loại mà chứa, hòn lớn để xô hòn nhỏ để ném. Tro thì vãi cho giặc mù mắt. Chòi lầu lấy bùn mà trát để phòng sự đốt cháy. Để sẵn giấy mực mà phòng khi hoãn cấp dùng đến. Luôn luôn đi tuần để xét sự sơ hở. Phạt cho tin, thưởng cho đúng, cốt để gây hùng khí cho quân.

Phàm dùng thuật giữ thành, tâm phải một, khí phải mạnh, sức phải nhàn, chân phải định, tiếng phải tĩnh. Trí cùng biết mà cùng chết, thì tâm là một. Biết đánh khó mà giữ dễ, thì khí mạnh. Giữ một dặm không bằng giữ một trượng, giữ một trượng không bằng giữ một thước; càng xa thì chỉ tổ nhọc, càng gần thì đắc lực; ở ngoài mười bước không uổng tên đạn, thế thì sức nhàn. Giặc đánh đông nam thì ta phòng tây bắc, du binh ứng bốn mặt, thủ binh đừng thay đổi, đều chết ở chỗ mình, không lìa 5 thước. Thà ta khiến người đến, đừng để người khiến ta đến, thế thì chân định. Tiếng loạn thì không nghe được hiệu lệnh, tiếng ồn thì không nghiêm được tâm chí, tiếng rối thì quân giặc đắc kế. Tay chỉ miệng nói, không làm huyên náo, đêm thì mõ canh, ngày thì cờ xí, như thế thì tiếng mới tĩnh vậy.

Hình 51. Cửa thành
_____________________________________
1. Phương sĩ: Những người làm các nghề thuật số, thầy bói, thầy tướng v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #148 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:44:30 pm »


Phàm giặc đóng ở thành, là lấy nhàn mà đợi sự nhọc của ta, lấy no mà đợi sự đói của ta, lấy bền chắc mà đợi mũi nhọn của ta, lấy nhởn nhơ mà đợi sự phòng của ta; nói phao giải vây để yên ý ta; nói phao tăng binh để đoạt khí ta; khi động khi tĩnh để làm mệt chí ta; hoãn tiến tán xung1 để làm hao sức ta; đắp luỹ thêm rào để làm nản trí2 ta. Ta chỉ nhất định tỏ là không sợ, rút vây ta không mừng, đánh gấp ta không run; tỏ nhát ta không tiến; rút quân ta không theo; ước hòa ta không tin; giả gây hấn ta không lấy làm lợi; chợt lui quân ta cũng không trễ nải; giữ lâu ta cũng không ngã lòng; có đợi thì ta không ra. Hễ chạy thì chết; có viện thì sống.

Phòng địch không gì trọng bằng cửa, đóng cọc ở ngoài để phòng địch đốt; đào hố ở trong để hãm quân giặc thừa cơ xông vào; treo ván ở trên để dụ địch vào cho ta bắt. Phàm cách làm cửa nên phòng hỏa công; làm lỗ để chĩa súng và giáo ra thì kẻ tới đánh không dám xông vào trước; làm ao ở trên để chứa nước thì lửa không thể đốt được; bằng lửa đã cháy rồi thì đem chum nước mà ném xuống, hoặc dùng túi đựng trấu cát thấm ướt mà đè, hoặc làm thêm thành bán nguyệt đào ao to để cách ra. Đó đều là cách phòng nguy cấp, chứ không phải là chỉ dùng đá xây đất đắp để tự lấp mình mà chống giặc đâu.

Phòng địch lại không gì hay bằng nữ tường. Phép dùng nữ tường, dùng chăn chiên chăn bông xấp nước mà treo lên, để chắn tên và chống lửa, hoặc trên treo gỗ nhọn hay dùng rèm che ngoài, phòng khi giặc lẻn đánh úp và trèo thang. Phên treo và da trâu để chống giặc bên ngoài vào, và tạc thủng giữa để thò mũi tên ở trong bắn ra, tùy theo hướng đánh mà căng màn vải thì tên đạn và xe xông cũng không thể phá hỏng được. Nếu phá hỏng nữ tường, thì lấy gỗ vần đến để thay nữ tường; nếu lại phá hỏng đến thành, thì kíp làm rào phên mà chống đỡ, lấy giáo và nỏ cứng mà giữ, không thì thêm lửa đốt và kíp đắp thành bán nguyệt để che, ở trong thì đào hào sâu để giữ, thế thì giặc không thể hại ta được.

Hình 52. Nữ tường gỗ

Cửa và nữ tường đã bền chắc rồi, thì phải chuyên phòng gian, phàm kẻ gian sinh ra có khi là người bị vây ở trong hay ở ngoài. Ta nên trước yên ở trong rồi sau mới đến ngoài. Khi giặc đã đắc chí thì bọn gian hẳn theo giặc vào, thừa cờ mà cướp bóc, làm lo sợ cho cùng dân. Vậy ta nên mở kho cấp lương cho dân, trao giáo cho dân, thì những dân cùng cũng giúp được việc vậy. Quân giũ Bắc-môn, vì thích làm quan mà bị nguy, cửa lũy Quy-châu, vì đám cưới mà mở, thành Nhữ-châu thì vì người ứng mộ đắp đất mà bị vỡ. Đó là kẻ gian nội ứng vậy. Chọn người thân tín để dùng; thêm then khóa ở ngoài để giữ cho vững, thế thì nội ứng bị chẹt. Vây giữ đã lâu thì lòng người không nghĩ được bền, một kẻ trèo dây xuống, mọi người sinh ngờ sợ, hoặc hiềm khích với ta, hoặc thông với địch để bày mưu kế. Đó là kẻ gian lìa phản vậy. Đặt lệnh nghiêm về việc thất hỏa, chuẩn bị sẵn sàng những đồ cứu hỏa, giữ kho thuốc súng, giữ nhà chứa cỏ, đó là cách ngăn ngừa sự biến vậy.

Hình 61. Phên treo
_________________________________
1. Hoãn sự tiến cho chậm lại; tản sự xung đột cho nhẹ đi.
2. Để khiến trí trễ biếng đi mà mất cảnh giác.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #149 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2009, 09:46:50 pm »


Ngục là chỗ sinh biến cố; kho là nơi nhử cướp đến; cửa hông đường tắt là mối đưa giặc vào. Cần phải trừ bọn ác nghiệt đi. Quân gian tự ngoài đến không những do gián điệp đâu. Có kẻ ngụy mạo, có kẻ úp ngầm, có kẻ trá dụ. Như Loan ngồi xe đàn bà mà vào Khúc-ốc; người Man mặc áo quân vua mà hãm thành Kiện-vi; Huy bắt chước cờ Thục mà đánh được Cảnh Sùng; giặc xưng là trung sứ mà vào U-châu. Thế gọi là ngụy mạo. Nhân đêm tuyết mà vào nước Thái, nhân sương mù mà phá Giáp trại, đó là nhân tối tăm mà đánh úp. Đầu năm phá Tú-dung, chiều mồng một tết cướp Côn-lôn, đó là nhân ngày tết mà đánh úp. Thang dựa ngoài thành mà Hoa-châu bị nguy, mười sáu quân kỵ vào mà Long-đức bị phá, đó là nhân lúc không phòng mà đánh úp. Thế gọi là đánh úp ngầm. Giả cách lui mà tiến thực; đã đi mà trở lại; tiếng trước mà chụp sau; cầu hòa để chuẩn bị; giả hàng để đặt gián điệp. Thế gọi là trá dụ. Lệnh nghiêm thì ngăn được ngụy mạo; phòng mật thì giữ được đánh úp; vì trọng thì chống được trá dụ.

Tuy nhiên, giặc đánh ngoài không những chỉ có âm mưu mà thôi. Lại còn hiểm thuật nữa. Đánh theo hiểm thuật có 12 điều:

1. Thổ sơn, 2. Đăng đạo, 3. Điền hào, 4. Vân thê, 5. Mộc lư, 6. Địa đạo, 7. Chàng mộc, 8. Câu cạn, 9. Nghĩ phụ, 10. Pháo thạch, 11. Hỏa công, 12. Thủy công1.

Phép chống cự thì như sau đây: Núi ngoài địch đã đắp rồi, thì ở trong cũng đắp núi mà ứng lại, đắp lên càng cao, để chế ngọn núi ở ngoài tức là chế rõ; hoặc là làm đường dưới đất cho đi ngầm tới, khiến núi đất kia sụt mà không đứng được, tức là chế ngầm ở dưới. Đó là phép chống thổ sơn.

Địch chồng túi đất và chứa củi để làm bực mà lên, thì ta lẻn đem cỏ khô pha lẫn nhựa thông, nhân gió đốt vào thì đống chất của họ hẳn đổ. Đó là phép chống đăng đạo.

Địch đánh lấp hào, thì ta dùng đất bọc cỏ ném xuống như mưa, hay đun cầu xe, trong chứa củi đất, vừa tiến vừa đổ, vượt sang không ai cản được, nếu có sẵn thì lấy thuốc súng làm chủ, ném ra như sao, tung ra như bão, địch thua mà rút lui. Đó là phép chống điền hào.
__________________________________
1. Thổ sơn: Núi đất đắp ở ngoài thành để leo lên mà nhìn vào trong thành và nhân đó mà trèo lên thành - Đăng đạo: Bực đắp để trèo lên thành – Điền hào: Lấp hào để đi qua cho dễ - Vân thê: Dùng thang mây mà trèo thành - Mộc lư: Dùng lừa gỗ mà lấp hào và đào thành - Chàng mộc: Gỗ để húc - Câu can: Cần móc - Nghĩ phụ: Leo thành như kiến leo - Pháo thạch: Súng đạn - Hỏa công: Đánh bằng lửa – Thủy công: Đánh bằng nước.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM