Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:17:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188982 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:55:07 pm »


*
*   *

Sách Kinh thế:

Binh nặng thì trệ mà không nhanh, binh nhẹ thì tiện mà nhiều lợi. Nặng mà có thể chia ra thì lợi gấp bội. Đóng dinh mà chia ra, để phòng đánh úp; bày trận mà chia ra, để ngừa giặc xông vào; đi mà chia ra, sợ bị chặn cắt; đánh mà chia ra, sợ bị cướp đánh; quân lẻ mà chia ra để đón lúc sơ; quân nhiều thì có thể chia để dùng làm binh kỳ; quân ít cũng có thể chia để biến hóa. Binh không nên giao việc nặng; cũng không cho đi làm việc xa. Khí giới hiếm thì chậm phát. Hợp quân cho mạnh uy, chia quân ra để nắm thắng. Tay cầm mấy mươi vạn quân mà không bị ứ đọng là vì biết phép chia quân vậy.

Quân đi phải trương thế ra, xếp đặt cờ trống, rộng khua trông chiêng, lấy nghìn làm vạn, lấy ít làm nhiều, lấy yếu làm mạnh, lấy thắng giả mà làm ra thắng; cương tất thắng nhu, thực tất thắng hư, lớn tất nuốt nhỏ. Đó là lẽ tất nhiên vậy.

Đại quân chưa tiến, uy dũng phải trương ra trước. Ở phép dùng du binh ư? Tất hai bên tả hữu phải lập đội đầu và đội thứ nhì, do tướng giỏi thống ngự, làm như trương hai cánh mà tiến lên. Một là có thể thăm dò quân địch đi đứng thế nào; một là có thể xem xét quânđịch có mai phục hay không; một là có thể chợt gặp địch thì giúp đại quân ta mà đánh. Đội đầu thì đi trước mà xem xét, đội nhì thì dựa hai bên cánh tả hữu quân ta mà đi. Khi đội đầu đã đi tuần đến, thì ví như ở nghìn dặm mà lập dinh. Kịp khi quân đến dinh, thì đội nhì lại đi trước mà xem xét, đội đầu lại dựa hai bên cánh tả hữu mà đi. Đội nhì lại đi tuần đến ví như ở nghìn dặm mà lập dinh; đội đầu lại theo như phép cũ mà đi. Cứ lần lượt vòng quanh, nối nhau không dứt, thì du binh tả hữu tuy chỉ có hai đội, mà quân đi nghìn dặm đều có cánh vậy. Vả một lần đi một lần xét, thay đổi mà tiến, càng không lo mỏi mệt.

Phép hành quân, mới ra đi cần phải nghiêm túc, chỉnh tế hàng ngũ, khiến ba quân như một người, để tới thành công vậy. Đặt đàn hai tầng, trên lễ ngũ đế ngũ tướng(Ngũ đế là năm vị thần chủ năm phương: Trung ương Hoàng đế, Đông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế, Nam phương Xích đế, Bắc phương Hắc đế. – Ngũ tướng là năm vị thần sao là Thiên-mục, Văn-xương, v.v…), dưới lễ các danh tướng cổ kim và các sao tướng tinh. Khiến tướng quân mặc đồ nhung phục, cầm cờ kiếm, các viên biệt tướng, tham tri, đốc thị, tề chỉnh làm lễ. Trước kén một viên mẫn cán ở trung quân cho đeo ấn tiên phong, đem một chi quân bản lãnh tiến đi trước, gặp nước thì bắc cầu, gặp núi thì phá đá, cắt trừ gai góc, cho tiện quân đi. Phàm gặp sông to, núi lớn, miếu thiêng thì làm lễ. Quân đi một ngày 30 dặm thì nghỉ, để ngừa sự chẳng ngờ. Chỉ trông quân là biết ngay được thua. Khi dừng thì vững như núi không thể chuyển, khi tiến thì nhanh như gió không thể theo. Trông như mây liền nước chảy. Như có một trăm quân đi trước, chợt đến nơi hiểm địa, bị giặc vây trước sau, tức thì ở mặt trước sai quân tinh nhuệ đặt đồn lũy để cố giữ, thay đổi nhau mà bắn để làm thế hoãn chiến, đợi đại quân đến, thấy quân giặc rối loạn thì đánh ngay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:56:02 pm »


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí:

Quân sĩ chưa xuất phát, trước 3 ngày hạ lệnh cho các quân thu xếp hành trang, lương khô, giày dép và các vật tùy thân cho đủ, nghe lệnh thì đi.

Như lúc hành quân, đem 100 quân đi tiên phong, trung quân còn ở xa, bất thình lình gặp giặc thì chia làm 5 toán, 2 toán làm chính, 3 toán làm kỳ. Như gặp địch đem binh chính tiến vào, thì đặt quân phục, giả cách chạy; ba toán làm binh kỳ giữ vẹn hai bên tả hữu; quân khinh vệ đánh đàng trước; như thấy quân địch rối loạn thì báo ngay cho trung quân tiếp chiến.

Không biết sông núi hiểm trở thì không thể hành quân. Có người hướng đạo, trước phải biết chỗ đi chỗ nghỉ, đường thẳng đường cong, thì mới có thể tiến binh; và nên đề phòng những loại hướng dẫn không thực. Đường nhỏ hẹp hiểm trở, núi cao trại lớn, mười người giữ nghìn người không qua được, nên trước sai người giả làm dân làng đi kiếm củi mà nhòm ngó, không có việc gì thì hãy đi qua cho mau.

Đi qua những nơi quan sơn hiểm ải thì sai du binh đi tiên phong trước, lên nơi cao nhất, trông khắp bốn mặt, sợ có quân giặc phục chặn. Như gần đó có rừng núi, cây cỏ um tùm, che kín người ngựa, phải xem xét, không có gì thì về báo chủ tướng ngay, sẽ theo thứ tự mà cho người ngựa qua. Trước hết cho quân bản bộ qua, sau cho đội quân thứ nhất qua, ở nơi rộng rãi đất bằng, sắp hàng đứng ở hai bên, rồi hậu đội theo thứ tự mà qua. Đội thứ nhất đến trước bày hàng đứng, chờ chủ tướng qua, người ngựa sang hết, bấy giờ mới cho đội thứ nhất đi lên, theo thứ tự, cứ y hàng ngũ mà đi. Tiền đội đã được nghỉ nhiều, theo thứ tự mà đi trước, hậu đội không đến nỗi khổ sở vội vàng, nếu có giặc đến đánh thì cũng dễ đối phó.

Qua chỗ hiểm ải, không được kêu gọi ồn ào, sợ giặc nghe biết. Tuy là đi chóng, nhưng đội ngũ vẫn đầu đuôi tiếp nhau, không đến nỗi đứt quãng.

Hành quân qua nơi hiểm mà tiền đội gặp ngựa giặc, tức thì sai người ngựa tiền đội đi chân mà chiếm lấy nơi cao phẳng, đứng yên đó, rồi truyền báo tin cho chủ tướng biết, lấy cờ trắng để tương ứng với hậu đội mà không sai người chạy về báo lại nữa. Nếu đàng trước có việc thì cũng truyền báo ngay như thế. Trong khi vội không nên rối động. Nếu người và ngựa không rối loạn thì ứng phó với địch cũng dễ.

Quân cưỡi ngựa trắng đi đường, cho cầm cờ năm sắc mỗi sắc một lá, cờ thêu một lá, phải định theo sắc của mỗi phương. Việc cần truyền báo thì cứ theo từng đội mà truyền như trên kia, lần lượt mở một lá cờ để ứng, truyền đến hậu đội. Như đàng trước gặp rừng lớn thì mở cờ xanh, gặp nước thì mở cờ đen, gặp binh mã thì mở cờ trắng, gặp núi hiểm thì mở cờ vàng, gặp khói lửa thì mở cò đỏ, gặp thành ấp thì mở cờ hoa, theo từng đội, lâm thời mà một sắc cờ để ứng, truyền đến người sau cho đều biết để phòng bị.

Các nơi đặt cờ không cho phạm với hiệu cờ của chủ tướng…

Quân đi qua sông, trước sai thủy thủ đi trước, thăm dò nông sâu thế nào. Như nước sâu mà không có bè, thì dùng mấy sợi dây thừng to buộc vào cây rừng ở hai bờ, hoặc là đóng cọc mà buộc chắc, khiến người vin dây mà lội sang sông. Gươm giáo thì cứ mười cái buộc làm một bó, ở chỗ cận tiện chặt tre gỗ làm mảng, dưới xếp gươm giáo, trên trải áo giáp, rồi dùng một cái dây thừng, xỏ vòng lớn vào dây, cho người sang sông trước đứng ở trên bờ mà kéo qua sông; hoặc có thể dùng chum to, buộc lại làm cái bè chum; hoặc là dùng da dê lột cả con làm cái túi da, thổi hơi vào trong rồi thắt các miệng túi lại, mỗi túi có thể trở 2 người; hay là dùng mấy túi buộc lại thành bè, cũng có thể trở người sang được. Đội ngũ qua sông y theo phép vượt núi vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2008, 12:59:23 pm »


Quân đi chỗ bùn lầy rất sâu, người ngựa khó tiến, dùng cây cỏ rải trên mặt đường, sau dùng đất kho rải lên, rộng hẹp tùy thời, người ngựa đều có thể qua được.

Quân đi có xe vận tải, hay phải khuân vác các vật lương thảo nhẹ nặng, thì đều đi ở giữa đường, bị mưa thì dùng giáp đội yểm hộ, sợ bị hại lương thảo của ta.

Quân đi gặp nước mà lấy múc nấu cơm, nên sai người bị tội chết hay con vật sắp bỏ uống thử nước ấy trước xem, sợ có người thả thuốc độc vào, người ngựa uống có khi bị chết. Qua sông cũng thử như thế.

Đi đường bùn lầy, trước sai người thăm qua, sợ có thả chông gai và đào hố sâu ở trong bùn, hay có ngăn tháo nước ở thượng lưu. Ngày xưa người Man Di là Trí Cao1 thả chông ở trong bùn và Hàn Tín đã xẻ tháo nước ngăn mà chém Long Thư.

Thuyền sang sông lớn, trước hết sai người dò xét, sợ quân giặc trước dùi ngầm lỗ để làm chìm đắm quân ta.

Quân đi vào nơi rừng núi rậm rạp, phải đề phòng có phục binh. Trước nên chọn quân khỏe mạnh 2, 3 trăm người lẻn đi vào nơi hiểm trở không có phòng bị để chẹt giữ đường ra; lại chọn người mạnh dạn đi tìm tòi ở đường, hoặc từ ngọn cây hay núi cao sai người trông xa, biết rõ không có quân ẩn phục, thì chia binh trước sau để làm chiêu2, rồi sau mới cho xe cộ và những người già nhỏ đi trước, quân bộ kế tiến. Qua sông cũng như thế.

Quân đi, gặp rãnh hố rộng dăm ba trượng, người ngựa không thể qua được, thì sai trong quân mỗi người cầm một cái cọc gỗ và một bó cỏ hay củi, chuyền nhau lấp đi, thế thì có thể qua được ngay.

Răn sự tiết lộ. Phàm ra quân đi đánh dẹp, chỉ sai thu nhặt hành trang, không cho biết sai đi nơi nào, sợ có kẻ gian dò thám cho giặc biết trước mà phòng bị, lại đánh chặn quân ta.  Như muốn đi sang phía đông-nam để đánh úp giặc, thì giả nói là đi tây-bắc, khiến quân địch không thể phòng bị, để đánh bất ngờ.

Cẩn thận việc đi. Nếu giặc ở ngoài 30 dặm, phàm qua nơi hiểm trở, báo truyền lại xin cho quân qua hiểm, báo xong, trước cho gia đinh và tinh binh ở trung quân chạy đến chỗ hiểm để mai phục, xong thì cử hiệu pháo một tiếng, đánh trống, cho binh sĩ qua hiểm. Phàm hành binh thì trung quân ủy riêng một viên quan biết rõ đích xác, cùng đi với quân tiền tiên, cấp cho một số cờ ngũ phương. Có việc thì mở cờ ra, gặp rừng cây mở cờ xanh, gặp sông chằm mở cờ đen, gặp binh ngựa mở cờ trắng, gặp núi hiểm mở cờ vàng, gặp khói lửa mở cờ đỏ, qua các vật thấy đó rồi thì cuốn cờ lại. Phàm chiêu dao3, như đường có thể đi một hàng một thì dựng một lá, hàng đôi thì dựng hai lá hay đi hàng ba thì dựng ba lá, đi hàng bốn thì bốn lá, ở chỗ dinh đi được thì mở năm lá. Hậu đội miệng truyền dần ở trước là sắc cờ gì, chiêu gì. Trung quân nổ ngay pháo hiệu đổi dinh và chuẩn bị hiệu lệnh.

Dẹp đường trước. Quân đi qua đâu thì báo trước cho nhân dân sở tại, bốn mặt đều cách 3 dặm, cấm tuyệt người và súc vật; xe thuyền trên cạn dưới nước đều phải sửa soạn. Ngu hậu4 và du binh hẹn cho địa giới quân đi qua trước 20 dặm phải dẹp đường.

Dẹp hàng ngũ. Đội ngũ hành dinh lúc đi đường cần phải minh bạch nghiêm túc. Nhưng có khi bày hàng không đều, thò sau, thụt trước, thưa dày khác nhau đứt quãng không liền, đi rảo rối loạn, tự bỏ đội ngũ, đánh trống không đi, nghe chiêng không dừng, hạ cờ không nấp xuống, cất cờ không đứng dậy, mở cờ không tiếp, được lệnh không truyền, truyền lệnh không rõ, đường sá nghẽn tắc, nói cười ồn ào, đều phải trị bằng quân pháp, lâm địch thì chém ngay.
________________________________
1. Tức là Nùng Trí Cao.
2. Làm chiêu, tức là chia binh và cờ ở dọc đường để dùng hiệu cờ mà báo tin cho nhau.
3. Chiêu dao, nghĩa đen là gọi và vẫy, ở đây là dùng hiệu cờ để báo tin cho người đi sau
4. Lính đi tuần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2008, 01:01:16 pm »


Thu nuôi lính ốm. Phàm quân đi, gặp có người hay ngựa bị ốm,không thể đi được, khi lên đường thì bẩm chủ tướng ngay, cấp cho tín phiếu, cho sai người  áp đưa đến thành quách phủ châu huyện dinh trại đồn sở ở địa phương gần đấy nhận về điều trị, đồng thời có những người quen biết của người ốm ở trong hàng ngũ thì lưu lại 2, 3 tên để chờ người ốm. Những người lưu lại đó trông coi thuốc thang, bệnh khỏi thì đưa ngay về bản dinh. Địa phương ấy phải làm tờ cam kết tra xét bệnh tình đã khỏi. Như bệnh khỏi mà không đưa về bản dinh thì sở tại bị lấy luật hậu kì (trễ kì hạn) mà xử. Nếu có người chết ở chỗ hành quân, thì bản đội ngũ đào mộ mà chôn, rồi lập tiêu chí, tướng lãnh đem các đầu mục đưa thức ăn uống đem theo đến cúng. Làm trái thì xử theo luật cố khí1. Xong việc sẽ trở lại lấy đem về.

Cẩn thận đồ rơi. Phàm quân đi ở đường, có đồ khí giới, đồ vật sót mất, ai trông thấy thì thu nhặt ngay, đem về nơi đóng ngủ đưa cho quân, gọi người đến nhận lãnh, người mất của và người được của sẽ chiếu cách thưởng phạt; ai ẩn giấu không báo thì trị tội; cũng không được đưa riêng cho nhau.

Gặp vật quái dị. Quân đi gặp thấy chim muông kì dị, thần quỷ quái vật vào trong dinh lũy, hay là bắt được, thì phải đợi báo cho chủ tướng. Nếu không báo mà tự quyền bày ra, họp chúng làm rầm rĩ lên, đều chiếu phép quân trong lúc lâm trận mà xử.

Hiểu rõ quân cơ. Phàm có người báo tin, hay quan và binh nghe được tin tức của giặc, đều không cho đón chặn ở giữa đường mà hỏi đáp nhau, phải ngậm miệng đi chóng đến chỗ chủ tướng mà bày tỏ, khi cho được tuyên bố với quân chúng thì mới có thể nói với các quan bả tổng2. Nếu trước khi gặp chủ tướng mà dám ở giữa đường nhân có người hỏi mà nói ra, dù chỉ một người biết trước chủ tướng cũng coi là tiết lậu quân cơ, người hỏi người đáp đều xử theo quân pháp. Cho đến cả đối với các tổng tiêu3 và bè bạn trong bản dinh cũng không cho tiết lộ trước. Lại hoặc có người biết sau chủ tướng, đã được dặn dò không cho truyền nói nữa, không cho tiết lậu nữa, mà còn dám cố hỏi, thì cho người bị hỏi bẩm lại, đều phải trị tội nặng cả.

Tập rèn mang nặng. Phàm quân đi đều phải mặc áo giáp đội mũ, cầm khí giới, ngõ hầu tới khi đánh địch thì mình nhẹ. Như đường xa trời nóng, được lệnh mới được thay đổi.

Chuẩn bị lương khô. Khi bình thường mỗi người lính đem 2 cân gạo, sao vàng 1 cân, giã nhỏ làm bột 1 cân, bọc riêng 5 cáp, lấy 5 cáp dùng dầu thơm làm bánh hấp chín, 5 cáp dùng rượu ngon tẩm phơi khô, khi nào tẩm không thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ bọc riêng, 5 cáp dùng muối hòa dấm tẩm phơi, cũng không thấy thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ, bọc riêng. Trong khi hành quân, không bị giặc vây rất khẩn thì không cho dùng, ra quân phải mang theo, quên đeo thì cũng bị tội như mất binh khí.

Định dặm đường. Quân đi 30 dặm vào cõi khác, càng gần với giặc, nếu chợt gặp giặc, thì quân có thể đánh không hại gì, vì gân sức chưa suy. Nếu như vượt đường xa, người ngựa mệt mỏi mà thình lình gặp giặc, mười người không địch nổi một người, thì nên bố trí nghỉ ngơi như không có việc, thì mới có thể giao phong được. Phàm từ giờ dần đến giờ tuất, mỗi ngày đi được 60 dặm, cứ 10 dặm thì lại tề chỉnh nghỉ ngơi, 30 dặm thì họp lại ăn lương khô.

Đi đường núi hiểm. Núi sâu đường hiểm, ngựa không được đi cùng hàng, người không được đi liền vai, sợ có quân phục của địch ở nơi đường hiểm, hoặc xô vào trước ta hay xông vào giữa ta, hay chặn đứt sau ta. Dù có quân đi tuần ngựa thám thính, sợ có khi tìm xét không đến, quân địch đánh lúc ta không ngờ, hay là quân tuần ngựa thám nhầm sấn vào giữa nơi quân phục của địch, bị hãm ở đó, không kịp báo, nếu ta mạo hiểm mà tiến, muôn một gặp địch ở đường độc đạo, nó có phòng bị đợi ta không phòng bị, núi hiểm cách trở, đầu đuôi khó ứng viện nhau, trong khoảng trăm bước trước sau chẳng cứu được nhau, nếu không phòng bị trước thì làm thế nào được! Nay dùng phép “liên châu đảo quyển”4 hay thế “phi thiên ngô công”5. Đại ước: Nay quân ở dinh có 1.000 người, chia làm 10 đại tiêu, mỗi 100 người làm một tiêu, cứ trong mỗi tiêu thì dùng 2 lá cờ tiêu trưởng, 2 lá cờ trưởng hiệu, từ một tiêu bắt đầu đến 10 tiêu thì thôi. Tiêu thứ nhất đi trước đến quãng đường thứ nhất, ngựa thám báo quãng đường thứ nhất không có sự gì, tiêu thứ nhất xem tiêu binh đến trước cầm lá cờ sắc gì, tức thì ngả xuống theo chữ định hàng ngũ là hình núi, thì chiếu hình ấy mà lập dinh, rồi lại cho ngựa tiến lên trước. Tiêu thứ hai lại lộn cuốn lên đoạn đường thứ hai ở trước, báo cũng như thế. Tiêu thứ hai lại xem tiêu binh cầm cờ sắc gì, chiếu hình mà lập dinh. Đến tiêu thứ ba, tiêu thứ tư, cho đến tiêu thứ mười cũng đều như thế. Nếu có tin báo có giặc, tức thì phải đem tiêu mình hơi lui về chỗ cửa đường ở giữa khoảng hai bên lập dinh của ta, nhằm thế bọc núi liền đồng mà lập trú dinh, thu những lính tiêu và ngựa thám về yên bài để giết giặc. Như giặc ở giữa đánh ra thì hai bên núi đã có quân ta lập dinh trước, nó mở quân không được, sao dám đánh ở giữa! Như nó dám đến đánh giữa ta, thì hai bên núi ta ra quân giáp đánh. Nó đánh ở dinh tả thì dinh hữu ra quân cứu viện; nó đánh ở dinh hữu thì dinh tả ra quân cứu viện. Nó lui thì ta theo ngay sau. Dinh hậu lại như phun châu mà ra; lại tiếp nhau hạ dinh; đổi phiên nhau lui và đánh. Giặc mệt ta nghỉ. Thế thì giặc không có thể đến đàng trước để đánh ta được. Nếu giặc phục binh từ trung gian vụt dậy mà ra, thì quân ta hai đầu đóng ngay ở núi hiểm, các dinh trung gian của ta đều có thế liên châu, đánh tả thì hữu đến, đánh hữu thì tả đến. Quân ta ở trước chỗ đất cao để chờ địch, nó cũng không thể thi hành kế gì khéo hơn được. Quân ta trước đã lập dinh, hết thảy những địa lôi, bàn đinh, chông sắt, chông chà đều có thể bố trí được, mà hết thảy các súng ống đều quay ra ngoài để đợi địch đến. Lòng quân thống nhất, không dám chạy tán, tự thấy hành dinh như sao, đây đó làm viện cho nhau, tới đâu cũng là có nhà, người trông thấy đều tự hăng hái, còn sợ gì địch nữa. Quân địch muốn xông vào giữa ta cũng không thể làm gì được. Nếu địch chặn đứt sau ta, thì lấy lui làm tiến, quân tiêu sau quay làm quân tiêu trước, cuốn ngược mà quay về, địch cũng khó mà chạy được. Như gặp chốn sông lớn, đường hẹp thì ta nên trước cho quân canh giữ, há lại khinh tiến để cho không có đường về hay sao? Xét xưa nghiệm nay, trong cuộc hành quân để đánh trận hiểm, muôn điều không hơn thế được.
_________________________________
1. Bỏ người bạn cũ.
2. Bả tổng là chức quan võ cao cấp ở bậc cuối cùng chỉ huy một dinh hay một ti (đời Minh).
3. Tổng tiêu là chức quan võ chỉ huy một tiêu.
4. Như xâu ngọc lộn cuốn.
5. Như con rết bay lên trời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2008, 01:02:36 pm »


*
*   *

Vượt ngòi rãnh thì có cầu bay; sang sông lớn thì có đường Thiên hoàng. Nước thượng lưu xẻ xuống thì có biển Bột hải.

Phàm thế lực của ta ngang với thế lực của địch, thì chia quân làm ba nơi: tiền quân thì ở chỗ hào sâu lũy cao, dựng cờ đánh trống, phòng thủ cho bền chắc; hậu quân thì chứa lương cỏ, không cho địch biết là mình định đánh, cho quân nhuệ sĩ của ta ngầm úp ở trong, đánh vào lúc không ngờ, tức có thể thu công vạn toàn vậy. Hoặc sai tiền quân ta ngày ra khiêu chiến, quấy cho địch phải mệt nhọc, lại sai những người già yếu đánh trống qua lại, khi ở phía tả, khi ở phía hữu, làm cho nó phải nhọc, quân nó phải sợ. Sai quân cảm tử của ta, hoặc đánh ở trong, hoặc đánh ở ngoài, quân địch tất phải thua.

Phàm phép ra quân, trước hết cho đi dò xét ở xa, cách 200 dặm để biết địa thế và địch tình; lại đặt quân tiếp ứng ở sau ước 50 dặm. Như có sự khẩn cấp thì trước sau báo cho nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2008, 10:10:28 pm »


II – HƯỚNG ĐẠO

Không dùng người hướng đạo thì không biết được địa lợi. Cho nên việc binh lấy trá mà làm, lấy lợi mà động, lấy phân hợp mà làm biến hóa. Cho nên khi nhanh chóng thì như gió, khi thong thả thì như rừng, khi lấn cướp thì như lửa, khi không động thì như núi; khó biết được ngầm, động như sấm dậy; cướp làng chia quân, mở đất phân lợi, theo quyền biến mà hoạt động.

Biết được núi sông, suối ngọt, cỏ nước, nhà ở, đường sá cong hay thẳng, thì thưởng hậu, được người như thế thì hậu đãi, gọi là binh hướng đạo.

Ngựa già khéo biết đường.


*
*   *


Phàm dùng quân sĩ, hoặc bắt tù làm hướng đạo, nên phòng mưu giặc ngầm thi kế gian, bị nó dụ dỗ lừa phỉnh. Tất phải xem sắc mặt, xét ý tình, so sánh lời của mấy người, uốn nắn ráp nhau, rồi mới có thể tin dùng. Nên ban thưởng cho hậu, trao cho tước trật. Nên kén những người tâm phúc khôn ngoan, chgo theo cùng đi. Nên đề phòng cẩn mật họ hai lòng. Nhưng không bằng lấy những người dùng được đã nuôi sẵn mà thường quen hiểu đường đi; cũng bất tất cứ phải người bản thổ. Như ở giữa đồng không, bốn phía không phân biệt được, lại gặp đêm tối, thì nên trông sao Bắc thần1 và ngắm sao Trung tinh2 làm chính.
________________________________
1. Ngôi sao sáng ở đuôi sao Bắc đẩu, tức Estoile polaire.
2. Chòm sao trong nhị thập bát tú ở giữa trời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2008, 10:18:27 pm »


III – ĐỒN TRÚ1

Dời đi. Quân không nhất định đóng ở đâu, cũng không nhất định đi đâu. Nhưng phải xem cơ nghi; mùa xuân mà cỏ cây khô cằn thì dời; mùa hạ mà suối chằm mưa ngập thì dời; phục ở rừng rậm, gió quá thì dời; có tiện thì đến, có lo thì dời; có lợi thì ở, không lợi thì dời; địch yếu thì ở, địch bền thì dời; đây mạnh kia yếu, đây hoãn kia gấp thì dời; đây khó kia dễ thì dời.

Đóng. Phàm đóng quân thì phải dùng nơi sau cao trước thấp, trông ra hướng sáng, quay lưng hướng tối; nuôi sống ở đủ, nước lửa không lo, vận tải tiếp tế không trở ngại; tiến có thể đánh, lui có thể giữ, chằm cỏ suối nước, lấy củi, chăn súc đều đạt được cả. Đó là nơi có thể đóng được. Nhưng số sản vật không đầy đủ cả, mỗi phương một khác, cho nên khi tạm đỗ thì phải chọn nơi thích hợp với việc quân; ở lâu thì phải dùng địa thế.

Dẹp giữ thóc lúa. Người Tần cắt lúa mạch mà Hoàn Ôn2 vỡ; Triệu Thù3 dời lương mà Hoàng Sào thua; Khấu Chuẩn4 chôn thóc mà quân địch sợ; Duy Phụ5 đốt thóc mà quân Kim thiếu ăn; Vu Khiêm6 bỏ kho không mà giặc mạnh phải tiều tụy. Nhưng có khi dụ mà không nghe, lệnh mà không theo, một vì trong cõi không nơi tích trữ, một vì nhà nước vay mượn khó khăn. Vậy phải lấy ngay những nơi đất công ở trong thành hoặc chùa quán để làm kho chứa, sai dân tự coi giữ, mà tự trao đổi bán chác, quan đi qua cũng không hỏi đến. Thuyền vận tải không hết thì sau nhà nước mới đong vào. Thóc chỉ có vào thành mà không có ra thành. Dùng gạo đổi tiền thì dân ở thành tiện. Ta no thì địch đói, làm một việc mà tiện lợi được ba. Nếu cấp bách quá không kịp thì cho chôn hay đốt đi.
_________________________________
1. Tham khảo Võ bị chế thắng chí, quyển 3.
2. Hoàn Ôn: Người thời Tấn, làm chinh tây đại tướng quân. Tấn Minh đế sai đi đánh Tần Bồ Kiện (con Bồ Hồng, bác Bồ Kiện). Ôn cậy có thóc của Tần sắp chín, Kiện sai người cắt hết lúa, quân của Ôn không có lương ăn phải lui về.
3. Triệu Thù: Người thời Đường, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Khi Hoàng Sào khởi ngĩa, Thù làm thứ sử Trần-châu, chứa lương cỏ, làm kế giữ lâu. Sau phá được quân của Hoàng Sào - dời lương ở đây, tức là dời lương nơi khác vào thành.
4. Khấu Chuẩn: Người Tống, đời Tống Cao tôn đánh phá được quân Khiết-đơn ở Chiên-uyên.
5. Duy Phụ: Tức là Lưu Duy Phụ thời Tống. Khi người Kim đánh Hy-hà, Duy Phụ làm mã bộ quan phó tổng quản ở đây, sắp bỏ chạy, thấy trong thành còn chứa nhiều thóc, sợ người Kim lợi dụng được, sai đốt hết đi.
6. Vu Khiêm. Người thời Minh, khi Dã Tiên (thái sư của Ngõa Hạt) tiến quân sát đến Kinh sư, Cảnh đế cho Khiêm làm đề đốc quân mã; đánh lui được quân của Dã Tiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2008, 10:26:30 pm »


Thu dẹp súc vật. Phàm tiện nhất cho sự cướp bóc không gì bằng súc vật, không phiền vận tải, hễ đuổi thì đi. Chưa hề đánh nhau mà địch đã thỏa mãn dục vọng rồi. Thế nên Lý Mục nghiêm lệnh giữ gìn mà rợ Hồ chẳng dám nhòm biên, Trần Tuấn1 đem quân thu cướp mà giặc tự phải tan chạy. Ở gần thành thì cho tụ vào thành mà giữ, ở xa thành thì làm lũy vách mà thu vào. Thi hành ở nơi biên tái thì kế càng cần thiết.

Thu dẹp rơm cỏ. Địch nhờ ngựa mà mạnh, ngựa nhờ cỏ để ăn. Tướng sĩ giữ biên, mỗi khi về tháng thu cỏ khô thì ra cửa ải xa mấy trăm dặm, phóng lửa đốt cháy. Lưu Nhân Cung2 lấy đó mà chống được Khiết-đơn; Tư Ma lấy đó mà đối phó với Tiết Diên Đà. Như Nguyên Hiệu3 nước Tây-hạ đối với người Liêu, thì lui quân ba xá4, mỗi lần lui đều đốt đất cho trụi, do đó dụ được giặc mà thắng được; như người Kim giữ cỏ ở gò Mâu-đà mà Biện-kinh bị vây; như Vu Khiêm bỏ không trại chăn nuôi ở cận giao mà quân kỵ của địch phải rút. Vậy thì rơm cỏ chứa đầy chỉ để làm quà cho địch, việc trước nên soi.

Thu dẹp suối nước. Địch nhờ vào, không cỏ thì nước. Người Tần đánh thuốc độc ở thượng lưu sông Kinh để làm đói quân Tấn. Tướng Tùy đánh thuốc độc vào suối ở trong cõi làm cho giặc bị bệnh. Lưu Ỷ đánh thuốc độc vào sông Dĩnh5 để khốn quân địch, đánh thuốc độc vào cỏ để khốn ngựa địch.

Thu dẹp nhà ở và đồng nội ngoài thành. Phàm gần thành, trong 3 trượng mà có nhà thì giặc có thể hoặc phục ở trong để bắn, hoặc lấy xà cột để làm thang, hoặc thuận gió đốt cháy lan, hoặc lợi dụng nền mà tung khói. Đó đều là khiến thành không thể giữ được. Vậy nghiêm xuống lệnh dỡ đi, gấp thì đốt đi. Phàm phía ngoài hào hơn một dặm nên bỏ đồng trống, vì có thôn xóm thì địch giữ mà đóng; có đài thấp thì địch giữ mà nhòm xa; có gò đống thì địch nhờ để lấp hào đặt súng; cỏ đầm cỏ ngòi lạch thì giặc có thể ẩn nấp; có cây to và tre gỗ kho đạn thì đều là khí cụ để đánh thành, phải hoặc triệt đi, hoặc cấm, hoặc vận vào thành; có bè ở dưới nước ngoài trăm dặm thì tạm dời sang kênh nhỏ mà giấu đi. Ai làm trái thì dùng quân pháp mà trị. Năm điều ấy làm được thì ngoài nội trống hết, ta có thể hại địch mà địch không có thể hại ta. Như vậy thì việc phải làm trước không thể kể xiết. Tuy thế, sự giữ thành thì có hạn mà sự không thể giữ đồng nội thôn xóm thì vô hạn. Vậy nên phải nương. tựa lẫn nhau, đều cùng nhau gìn giữ, không có đồn trại nào giữ tốt hơn thế được6.

Nghiêm cấm cướp đêm. Sánh Kinh thế nói: mỗi khi hạ dinh ban đêm, phàm có đường hẻm có thể qua có thể vượt được, đều nên đặt đồn canh. Binh lính canh đồn nên cẩn thận chăng một chiếc dây lớn, dòm xét kỹ càng. Như có giặc thì nổ súng làm hiệu. Quan binh ở dinh thì không cho cởi áo ngủ say, áo giáp mở ra cùng với đồ binh khí để một bên, mỗi phòng lều giao một người thay nhau canh gác.

Một khi có tin động, không được nói to, đánh thức ngay đồng đội, mặc giáp, cầm khí giới, ngồi im chờ giặc. Khi giặc đến gần thì nổ súng bắn cung. Cần nhất là không được chạy động. Nếu chạy động tức là giặc, bắn giết ngay. Tóm lại, gặp khi đêm có báo động, nếu mọi người bình tĩnh không động, không tiếng ho hắng, thì địch dù là quân mạnh giỏi đến đâu cũng chỉ ở nơi xa mà reo không, quyết không dám tới gần dinh lũy của ta. Và khi đêm tối giặc đến cướp dinh, hoặc xâm phạm dinh lũy, phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc, thì dinh đương bị cùng với dinh khác chưa bị đều cùng yên tĩnh giới nghiêm, không được động càn, đều giữ dinh lũy, đến chết chẳng dời, thế mới vạn toàn. Nếu dinh đông không giữ mà bỏ chạy sang dinh tây, chẳng những dinh tây không động, mà dinh đông lại gặp súng tên của dinh tây bắn chết.

Dựng nêu. Mỗi dinh đã đặt xong rồi, tức thì xem hình thế đất bốn phương đông tây nam bắc đều dựng nêu cờ, mỗi nêu đặt phu bắt, nhiều thì hai chục tên, ít thì hơn mười tên, có đủ cung tên đao súng để canh giữ. Những binh lính hái củi, lấy nước, chăn súc đều không được thiện tiện vượt ra ngoài chỗ nêu cờ. Ai phạm thì phải xiên tai để cảnh cáo mọi người. Lại hiểu dụ cho những binh lính tuần phòng cần thận giữ trông, hễ có người nào vượt qua nêu thì bắt ngay. Nếu tư tình buông thả thì phép quân xử nặng không tha.

Cẩn thận phòng bị. Mùa đông khi rét, mỗi khi sương tuyết đầm đìa, ban ngày tối như ban đêm, giặc thường nhân lúc đó đánh ta. Quân ta gặp lúc như thế, cần phải nghiêm cấm canh phòng, ban đêm lại càng cần thiết. Binh lính lên cao canh giữ, nửa bước cũng không lìa chỗ mình đứng, chính là sợ một khi trông coi không rõ ràng, ngộ bị quân địch thừa cơ đến đánh thì nguy. Thiết tha nhớ lấy.

Chòi canh. Binh lính ngồi chòi canh, mỗi ngày từ sáng sớm lên chòi, phải ngồi chờ cho đến tối có binh lính canh đêm đến, bấy giờ mới cho về dinh. Binh lính canh đêm đến sáng, phải chờ người canh ngày đến, mới được về dinh. Ai dám chậm trái, không đợi lính này lính kia thay đổi cho nhau mà tự tiện bỏ chòi về dinh, phải đem tới đinh để tướng biền trị tội. Như ban đêm mưa gió, tướng biền thì yên ngủ ở trong phòng lều, không nghĩ đến nỗi khổ của người ngồi đêm ở chòi, mà đến khi trời sáng lại không sớm sai lính lên chòi để thay đổi, thì nên lấy phép quân trị nặng. Nếu binh lính lên cao nhìn xa thấy có giặc đến, tức thì nổ súng làm hiệu, chỉ cờ về phương ấy, cho tiện việc trong quân tiếp ứng.

Nhắc rõ lệ kiếm củi và chăn ngựa. Mỗi ngày giờ tý thổi 3 tiếng ốc, bắt một tên lãnh cờ, lãnh đem binh lính năm dinh 25 tên ra gác cầu để dòm trông các dinh, còn lính dư và người thuê thì đều đi kiếm củi chăn ngựa, vụ đủ dùng trong một ngày. Giờ ngọ lại thổi 3 tiếng ốc, đều trở về dinh, kẻ nào trái lệnh thì bắt xét trị nặng. Mỗi ngày bọn lính và người làm thuê đi chăn ngựa kiếm củi lấy nước ở ngoài, hễ nghe có tiếng súng ở trong dinh và tiếng báo của chiêng hiệu thì không kể xa gần; tức tốc về dinh, người nào trái lệnh thì xiên tai.

Phải đặt dinh làm cho giặc sợ. Mới đầu đặt bàn dinh, ở trong làm mấy tầng cũng không sao cả. Nếu một ngày không thấy giặc động tĩnh, đến chiều rút một tầng ở ngoài kẽ nách, rồi đặt một dinh; ngày thứ hai không thấy động tĩnh gì, lại rút một tầng ở ngoài, rồi lại đặt một dinh. Giặc hẳn cho rằng sức quân ta ngày càng thêm thì lòng nó càng mau nản. Đó là phép biến thực làm hư, biến hư làm thực vậy.
_________________________________
1. Trần Tuấn: Người thời đông Hán, làm quận lại, theo Quang-vũ đi đánh Đồng-mã, chém được tướng của địch.
2. Lưu Nhân Cung: Người thời Hậu Đường (Ngũ đại), làm tiết độ sứ ở Lư-long.
3. Nguyên Hiệu: Tức là Triệu Nguyên Hiệu, vua nước Tây-hạ, người Tống, phản nhà Tống.
4. Mỗi xá 30 dặm.
5. Lưu Ỷ bỏ thuốc độc vào sông Dĩnh. Đời Tống Cao tôn, Kim thái tử Ngột Truật đem quân sang đánh thành Thuận-xương. Ỷ sai người bỏ thuốc độc xuống dòng trên sông Dĩnh. Quân và ngựa của Kim uống phải nước sông ấy mỏi mệt, bị Lưu Ỷ đánh cho thua.
6. Nghĩa là có đồn trại ở ngoài thành mà giữ cũng không bằng dùng kế “đất không nhà trống” như trên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2008, 10:37:24 pm »


*
*   *

Sách Tôn tử:

Phàm phép dùng binh, tướng phải chịu mệnh với vua, họp quân tụ chúng... Địch ở nơi cao chớ nghển lên mà đánh; địch dựa vào gò chớ đón mà đánh1... Đất tuyệt không nên ở; đất vây thì lập mưu; đất chết thì đánh... Đường có khi không đi; quân có khi không đánh; thành có khi không phá; đất có khi không tranh; mệnh vua có khi không chịu. Cho nên làm tướng có suốt được điều lợi của chín biến2 mới là biết dùng binh. Nếu tướng không biết điều lợi của chín biến thì dù có biết địa hình cũng không nắm được địa lợi. Cầm binh mà không biết cái thuật chín biến thì dù có biết được năm điều lợi cũng không thể được người mà dùng. Thế nên người khôn lo nghĩ, tất có lẫn với lợi hại, lẫn với lợi thì sự chuộng của mình đạt được, lẫn với hại thì mối lo của mình giải được. Thế cho nên lấy hại mà đè chư hầu, lấy nghiệp mà sai chư hầu, lấy lộc mà khiến chư hầu xô đến. Cho nên trong phép dùng binh đừng cậy là giặc không đến mà cậy ở ta sẵn có cái để đón chờ; đừng cậy là giặc không đánh mà cậy ở ta sẵn có cái cho nó không đánh được. Cho nên làm tướng có năm điều nguy: liều chết thì có thể bị giết; ham sống thì có thể bị bắt được; nóng giận thì có thể bị khinh nhờn; trong sạch thì có thể bị làm nhục; yêu dân thì có thể bị quấy rầy. Năm điều ấy chính là lỗi của người làm tướng, và tai vạ của việc dùng binh. Bại quân chết tướng chỉ vì năm điều đó, không thể không xét kỹ vậy3.

Phàm đóng quân và xét giặc, vượt núi và dựa thung lũng, thì trông nắng mà ở chỗ cao; địch ở trận cao thì đừng lên. Đó là đóng quân ở trên núi. Vượt nước tất phải xa nước; địch vượt nước mà đến thì chớ đón ở trong nước, để nó sang nửa chừng mà đánh thì lợi. Người muốn đánh đừng dựa nước mà đón địch. Trông nắng mà ở chỗ cao, đừng đóng quân ở trên nước. Vượt đất trũng thì đi gấp, đừng ở lại. Nếu đánh nhau ở nơi đất trũng thì phải nương nhờ nước cỏ mà dựa lưng vào cây cối. Đó là đóng quân ở nơi đất trũng. Nơi cạn bằng thì đóng ở chỗ dễ, bên hữu thì dựa cao, trước thấp sau cao. Đó là đóng quân ở nơi cạn bằng. Theo bốn phép đóng quân ấy, Hoàng đế có thể thắng được bốn phương.

Phàm đóng quân, ưa cao mà ghét thấp, quý dương mà ghét âm, nuôi sống mà ở chắc. Quân không ốm đau, thế là tất thắng. Gò núi đê điều thì phải ở về phía mặt trời mà dựa về phía hữu. Ấy là cái lợi của binh nhờ sự giúp của đất vậy. Phàm đất có tuyệt giản, thiên tỉnh, thiên la, thiên hãm4 thì cần phải bỏ đi, chớ nên gần đấy. Ta xa đi thì địch gần lại, ta đón lấy thì địch bỏ đi5.

*
*   *

Dò la nơi xa. Đời xưa gọi là du trinh, gián điệp, tế tác, la khiếu, tên không giống nhau mà đều là quân đi dò xét ở bên địch.
_________________________________
1. Tôn tử, thiên VII.
2. Chín biến là chín việc quyền biến nói ở trên.
3. Tôn tử, thiên VIII.
4. Xem giải về thế đất ở sau.
5. Tôn tử, thiên IX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2008, 10:41:54 pm »


*
*   *

Cẩn thận đồn canh và hiệu lửa. Mỗi một đồn canh để 5 người, mỗi trống canh 2 người, một người đi một người ở. Khi thấy quân phi lâu1 đánh mõ ứng tiếng, thì quân la khiêu cầm một mồi lửa giơ lên làm hiệu; mỗi canh đổi một hiệu lửa, ví như canh một thì hiệu lửa chỉ trời, canh hai thì chỉ bên tả v.v...

*
*   *

Đặt đài chứa lương thực và rơm cỏ. Binh lấy ăn làm gốc, ăn đủ thì binh mới mạnh. Đặt quan tào vận để giữ lương thực, gạo và thóc đều phải chứa. Gạo cần thiết mà dễ mục, thóc vỏ cứng có thể để lâu, lúc hoãn lúc cấp đều chứa cả. Đời sau chỉ để gạo, cho nên lâu thì không ăn được.

*
*   *

Phép thần cơ làm lũy tạm2

*
*   *

Nơi đóng quân3. Nước sâu trong mà chảy xiết, ăn tốt nhất. Nước chảy có lẫn cát vàng, ăn tốt thứ nhì. Nước chảy mà đen, ăn được nhưng không tốt lắm. Ví có nước đứng mà không chảy, đừng ăn. Nước chảy mà trên nguồn có giặt ở, đừng ăn. Nước chảy mà trong đó có xác lợn đen chết không trôi đi thì đừng ăn, ăn thì chết. Nước lẫn nhiều cứt đừng ăn, ăn thì ốm. Nước có xác chó chết đừng ăn. Như không có nước ăn được, thì đào giếng ở bên mà lấy nước. Quân sĩ đóng dinh cần có nước, nghỉ tạm cần có nước.

Người giỏi dùng binh phải phòng loạn từ khi chưa loạn, phòng gấp từ khi chưa gấp. Khi làm dinh xong, nên cho những người mạnh dạn vây ở ngoài, những người yếu nhất thì phụ theo. Đó là phép lo lắng về đêm tối.

Sai đi coi và ngắm đo thế đất cho bằng phẳng, có sẵn cỏ nước, rồi kết dựng vách thành, đốn cây làm sào, chở đất làm lũy, đào đất làm hào, chế mộc mã4, tạo phi lâu, làm xích hậu, chia đặt dinh trại cho bền vững, đặt đàn lễ cáo thần minh sở tại, thu canh tan canh, phát khẩu hiệu, đặt quân do thám, đó đều là việt cần kíp về đóng quân. Thế núi ngặt mà chặn ở gần thì đừng đóng dinh, sợ có quân phục ở bên. Núi âm u quanh quất thì đừng đóng dinh, sợ bốn bề có quân phục. Tả hữu trước sau đều có núi mà hơi xa, thì ta đóng quân ở giữa, phải xem kỹ đường lối đi lại và các đường tắt, phái quân phòng giữ.

*
*   *

Tôn tử nói: Bên chỗ quân đóng mà có ao hồ, rừng cây ngăn trở, lau sậy um tùm, thì phải cẩn thận lùng xét kỹ càng, đó là chỗ quân phục quân gian nấp náu5.

Phàm quân đi qua đâu, không đốt kho tàng của người, không phá nhà cửa của người; cây ở đền, cây ở xã không được đẵn; kẻ đã hàng không được giết; người đã bắt được không được đánh; là để tỏ rõ nhân nghĩa, thi hành ơn đức, cho thiên hạ hòa phục.
_________________________________
1. Phi lâu: Chòi bắc trên cao.
2. Mục này trích ở sách Hổ trướng khu cơ, ở đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.
3. Tham khảo Võ bị chế thắng chí, quyển 3 chương XX “Dinh địa”.
4. Mộc mã: Tức ngựa gỗ, cũng gọi là cự mã mộc, tức là cái cản gỗ chống ngựa, người ta dùng để chống ngựa và voi.
5. Tôn tử, thiên IX.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM