Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:33:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 09:20:31 pm »


Thái tôn nói: Phải. Ta cho rằng không đánh mà khuất phục được quân người, đó là cao nhất; trăm đánh trăm thắng, đó là bậc giữa; hào sâu lũy cao để tự giữ, đó là thấp nhất. Lấy đó mà so lường thì Tôn Võ1 làm sách đều đủ có ba bậc. – Tĩnh nói: Xem lời văn xét việc làm, cũng có thể phân biệt được. Như Trương Lương2, Phạm Lãi3, Tôn Võ, vượt hẳn lên cao không biết đâu mà lường, nếu không biết đạo thì sao làm được thế? Nhạc Nghị4, Quản Trọng5, Gia-Cát Lượng6, chiến thì thắng, giữ thì bền, nếu không biết xét thiên thời địa lợi thì làm sao được thế? Thứ đến Vương Mãnh7 giữ Tần, Tạ An8 giữ Tấn, nếu không biết dùng tướng chọn tái, cố giữ cho bền, thì làm sao được thế? Cho nên những nhà rèn tập quân lính, trước hết phải do bậc thấp rồi mới đi đến bậc giữa, do bậc giữa rồi mới đi đến bậc cao, thế thì dần dần mới sâu được, không thế thì, chỉ để lời nói suông mà ghi đọc, không đủ dùng vậy.

Thái tôn nói: Đạo gia kiêng ba đời làm tướng. Không nên truyền xằng mà cũng không thể không truyền được. Khanh nên cẩn thận nhé.

Tĩnh lạy hai lạy mà ra, đem hết sách truyền cho Lý Tích.
_______________________________
1. Tôn Võ: Người nước Tề (thời Xuân Thu), giỏi về binh pháp, có sách Tôn tử 13 thiên, Ngô vương Hạp-lư dùng làm tướng, phá nước Sở, uy chế nước Tề, làm bá chủ chư hầu.
2. Trương Lương: Người nước Hàn, làm quan đại phu nước Hàn, Tần diệt Hàn, Lương báo thù cắp dùi đánh Tần Thủy hoàng ở Bác-lãng; sau về với Hán Cao tổ, bàn mưu kế giúp Hán Cao tổ nên nghiệp đế, rồi thì tịch cốc nói thác là đi theo Xích-tùng tử. Lương tên tự là Tử Phòng, phong Lưu hầu.
3. Phạm Lãi: Người nước Sở (thời Xuân Thu) làm quan giúp Việt Câu-tiễn, diệt được nước Ngô, rồi không làm quan nữa, đi chơi ngũ hồ, thay đổi họ tên, sau đến đất Đào, tự đặt hiệu là Đào Chu công.
4. Nhạc Nghị: Người nước Yên (thời Xuân Thu), làm khanh nước Yên, đem Yên, Triệu, Sở, Hàn, Ngụy năm nước đánh Tề, hạ được hơn 30 thành.
5. Quản Trọng: Người nước Tề (thời Xuân Thu), tên là Di-ngô, tự là Trọng, cũng gọi là Kinh Trọng, làm tướng giúp Tề Hoàn công, nước giàu quân mạnh, làm bá chủ chư hầu.
6. Gia-Cát Lượng: Người Lang-da (Thục Hán), tự là Khổng Minh, giúp Lưu Bị lấy Kinh-châu, Ích-châu và Hán-trung, dựng nên nước gọi là Thục, giỏi binh pháp, có lập ra Bát trận đồ.
7. Vương Mãnh: Người Bắc-hải (thời Tấn), làm quan với Tần Bồ Kiên, giúp Tần được cường thịnh.
8. Tạ An: Người Hà-dương (thời Tấn), làm tư mã cho Tấn Hoàn Ôn, khi Tần Bồ Kiên sang đánh Tấn, An cử cháu là Tạ Huyền đi đánh, phá được 10 vạn quân của Bồ Kiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2008, 10:45:38 pm »


*
*   *

Sách Võ kinh:

Phàm nơi chiến trường là chỗ để chứa xác; ai quyết chết thì sống, cầu sống thì chết. Người tướng giỏi như ngồi trong thuyền thủng, nấp dưới nhà cháy, khiến trí không kịp mưu, mạnh không kịp giận, cứ việc mà để cho đánh. Cho nên nói cái hại trong việc dùng binh thì do dự là lớn nhất, tai vạ của ba quân sinh ra bởi sự hồ nghi1.

Cho nên làm tướng cần có năm điều: một là lí, hai là bị, ba là quả, bốn là giới, năm là ước.

Lí (trị lí) tức là trị nhiều quân cũng như trị ít quân; bị (phòng bị) thì ra khỏi cửa như đã thấy địch; quả (dũng cảm) là lâm địch thì không nghĩ đến sống; giới là tuy đã thắng vẫn cẩn thận như khi mới đánh; ước là pháp lệnh đơn giản mà không nhiễu2. Vâng mệnh rồi thì chẳng từ giã người nhà, đánh địch thua rồi mới trở về, đó là lễ của người làm tướng. Cho nên trong ngày ra quân thì chỉ có chết vinh mà không có sống nhục.

Phàm việc binh có bốn cơ: một là khí cơ, hai là địa cơ, ba là sự cơ, bốn là lực cơ.

Ba quân đông đúc hàng trăm vạn người, mà quyền xếp đặt nhẹ nặng là ở một người, thế gọi là khí cơ; đường sá hẹp hòi, núi cao ải lớn, mười người chống giữ, nghìn người khó qua, thế gọi là địa cơ;  khéo dùng gián điệp, cho khinh binh qua lại, chia tán thế quân của địch, khiến cho vua tôi nó oán nhau, trên dưới nó đổ lỗi cho nhau, thế gọi là sự cơ; xe bền trục bánh, thuyền tốt lái chèo, lính thạo chiến trường, ngựa quen rong ruổi, thế gọi là lực cơ. Biết đủ bốn điều ấy thì có thể làm tướng.

Phàm trống chiêng là để làm uy cho tai, cờ xí là để làm uy cho mắt, cấm lệnh hình phạt là để làm uy cho lòng. Tai sợ uy tiếng, tiếng không thể không trong; mắt sợ uy sắc, sắc không thể không sáng; lòng sợ uy hình, hình không thể không nghiêm. Ba điều ấy không dựng lên được thì tuy có nước cũng phải thua địch. Cho nên nói rằng: Tướng phất cờ thì không ai là không theo, tướng chỉ cờ thì không ai là không liều chết3.

Người làm tướng trên không bị chế bởi trời, dưới không bị chế bởi đất, giữa không bị chế bởi người; lòng khoan thai không thể khích bằng giận, lòng trong sạch không thể khiến bằng của. Phàm lòng điên, tai điếc, mắt lòa, lấy ba điều lầm lẫn ấy mà chỉ huy người ta thì thực khó lắm.

Đại phàm quân đội cần lao, tướng phải đem mình làm trước. Khi nắng thì không giương dù, khi rét thì không mặc áo kép, gặp chỗ hiểm trở thì đi bộ; giếng quân đáo xong rồi mới uống sau; cơm quân nấu chín rồi mới ăn sau; lũy quân đắp xong rồi sau mới làm nhà ở. Nhọc hay nghỉ, mình phải cùng với quân lính. Như thế thì quân dù ở lâu cũng không đến nỗi già mỏi.

Kể ra dân không bao giờ có hai lòng, sợ ta thì khinh địch, sợ địch thì khinh ta. Bị dân khinh thì thua; dân sợ uy thì thắng. Phàm tướng giỏi thì quan phải sợ tướng, mà quan sợ tướng thì dân phải sợ quan, dân sợ quan thì địch phải sợ dân. Thế nên muốn biết được hay thua, trước hết phải biết cân nhắc xem dân khinh hay là dân sợ. Kể ra kẻ không đẹp lòng ta thì ta không dùng, kẻ không sợ bụng ta thì ta không cất nhắc; yêu do ở người dưới thuận theo, uy do ở người trên mà có; yêu thì không có hai lòng, uy thì không dám xúc phạm. Cho nên người tướng giỏi chỉ cần ở yêu và uy mà thôi. Uy ở chỗ không thay đổi; ơn ở chỗ biết nhân thời ứng việc thì có cơ; trị khí để mà chiến; tỏ ý để mà công; bố trí bề ngoài để mà thủ; không quá ở chỗ theo độ số; không khốn ở chỗ có dự bị; thận trọng từ cái nhỏ; mưu trí ở việc lớn; trừ hại thì quả quyết được lòng dân vì nhún nhường; bị khinh rẻ vì hay ngờ vực; ác nghiệt vì hay chém giết; thiên lệch vì nhiều lòng riêng; không tường tất vì ghét nghe lỗi mình; không tiết độ vì hao phí của dân; không sáng suốt vì nghe lời dèm pha; không chắc chắn vì nhẹ dạ; quê mùa vì bỏ người hiền; mắc vạ vì ham lợi lộc; bị hại vì gần tiểu nhân; mất nước vì không gìn giữ; nguy khốn vì không tỏ hiệu lệnh.
_____________________________
1, 2. Ngô tử, thiên III.
3. Ngô tử, thiên IV.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2008, 10:46:35 pm »


Phàm binh không đánh thành không lỗi, không giết người không tội. Kể ra giết cha anh người ta, cướp của cải người ta, bắt con cái người ta, đó đều là trộm cướp. Cho nên binh là để giết bọn bạo loạn và cấm điều bất nghĩa. Bình đến đâu thì người cày không bỏ ruộng, người buôn không bỏ hàng, sĩ đại phu không bỏ chức. Vì quyền bàn bạc về võ chỉ ở một người, cho nên mũi gươm không giây máu mà người trong thiên hạ đều thân yêu cả.

Phàm giết người là để cho sáng tỏ oai võ vậy. Giết một người mà ba quân sợ, giết một người mà vạn người mừng, thì cứ giết. Giết cốt ở giết người có tội lớn; thưởng cốt ở thưởng người có công nhỏ. Đáng giết, thì dẫu người quý trọng cũng giết, đó là hình thì xét ngược cả lên trên; thưởng thì thưởng cho cả những trẻ chăn trâu, người giữ ngựa, đó là thưởng thì trôi xuống cả dưới vậy. Kể ra có thể hình xét ngược lên trên, thưởng trôi xuống dưới, thì đó là oai võ của người tướng. Cho nên nhà vua phải trọng tướng. Kể ra tướng trên không bị hạn chế bởi trời, dưới không bị hạn chế bởi đất, giữa không bị hạn chế bởi người.

Cho nên binh là đồ hung khí, tranh nhau là việc trái đức, mà tướng là thần chết, bất đắc dĩ mới phải dùng.

Ở trên không nệ trời, ở dưới không nệ đất, ở sau không nệ mệnh vua, ở trước không biết có địch.

Binh của một người như hùm như sói, như mưa như gió, như sấm như sét, rầm rầm rộ rộ, thiên hạ đều kinh. Binh thắng giống như nước. Kể ra nước là vật rất mềm yếu, nhưng có thể làm cho gỗ núi sụt lở, không có gì lạ đâu, vì tính chuyên nhất mà cảm xúc ngay thực.

Nay lấy gươm giáo sắc bén, giáp da tê bền, ba quân đông đúc, có cả kỳ chính, thì thiên hạ không thể nào địch lại được.

Cho nên nói rằng: Cất người hiền dùng người tài, không kể ngày giờ nào mà việc đều lợi; sáng pháp luật tỏ hiệu lệnh, không phải bói toán mà được tốt lành; quý người có công, nuôi người khó nhọc, chẳng cầu đảo mà được phúc. Lại nói: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợ không bằng nhân hòa. Thánh nhân đời xưa, cẩn thận việc người mà thôi.

Người tướng, ngày chịu mệnh quên cả nhà; ra bày quân nằm ở đồng thì quên cả cha mẹ; vén áo bào mà đánh trống thì quên cả mình.

Ngô Khởi khi ra trận, người tả hữu dâng gươm, Khởi nói: “Tướng chỉ chuyên cầm cờ trống mà thôi. Lâm nạn quyết đánh, vẫy gươm chỉ giáo là việc của tướng, dùng một thanh gươm không phải là việc của tướng. Cho nên người biết đạo trước hết phải dự tính đến sự thất bại vì không biết chỗ dừng. Có phải là chỉ tiến mới nên công đâu! Khinh tiến mà cầu đánh thì địch sẽ mưu dừng lại, nếu ta tiến đi ta sẽ bị địch đánh. Cho nên Binh pháp nói: Tiến mà theo, thấy thì đánh, nhà vủa không dám đương mà cứ lấn vượt, như thế thì sẽ mất quyền.

Lời nói không cẩn thận thì bị lấn; lấn át không chừng mực thì bị phá. Nước tràn sét đánh, ba quân rối loạn. Nếu muốn yên được nguy, trừ được nạn, thì lấy trí mà quyết đoán, xem lời bàn ở lang miếu1 là cao, xem lời nói khi chịu mệnh là trọng. Lời bàn vượt cõi phải cho sắc bén, như thế thì có thể thắng phục nước địch.

Binh có năm điều rất quan trọng: Làm tướng quên nhà, vượt cõi quên cha mẹ, đánh giặc quên mình, quyết chết thì sống, gấp thắng thì thua. Đâm chết được trăm người, có thể hãm hàng rối trận. Đâm chết được nghìn người, có thể bắt địch giết tướng. Đâm chết được vạn người, có thể hoành hành trong thiên hạ. Chuyên nhất thì thắng, lìa tan thì thua; mặt trận kín thì vững bền; mũi nhọn thưa thì địch dễ đến. Quân sợ địch hơn sợ tướng thì thua. Sở dĩ biết sự được thua, là do cân nhắc tướng với địch. Địch với tướng như cái cân vậy, yên tĩnh thì trị, gấp vội thì rối. Người xưa đuổi chạy không quá trăm bước, rút lùi không quá hai xá2, đó là để bày tỏ điều lễ. Không ép uổng người bất năng, thương xót người đau ốm, đó là để bày tỏ điều nhân. Thành hàng rồi mới khua trống, đó là để bày tỏ điều tín. Tranh lấy nghĩa mà không tranh lấy lợi, đó là để bày tỏ điều nghĩa. Lại hay tha người quy phục, đó là để bày tỏ điều dũng. Biết sau biết trước, đó là để bày tỏ điều trí. Sáu đức ấy theo từng thời mà dạy, để làm đạo dựng kỉ cương cho dân, đó là chính trị từ xưa vậy.

Pháp luật của nước không dùng cho quân, kỉ luật của quân không dùng cho nước. Kỉ luật của quân đem dùng cho nước thì dân đức phải bỏ, pháp luật của nước đem dùng cho quân thì quân đức phải yếu. Cho nên ở nước thì lời nói mềm mại ôn tồn; ở triều thì cung kính nhún nhường, sửa mình để đối đãi với người, vua không triệu thì không đén, không hỏi thì không nói, khó tiến dễ lui; ở quân thì khi đứng cứng cát, khi đi thì mau mà quả quyết, mặc giáp trụ thì không lạy, ngồi xe quân thì không chào, qua cửa thành thì không rảo bước, gặp việc nguy thì không nhường ai. Cho nên lễ với pháp là trong với ngoài, văn với võ là tả với hữu.

Lòng tướng lòng quân đều là lòng cả. Ngựa trâu, xe cộ, quân lính nghỉ ngơi no nê, đều là sức cả. Dạy thì làm trước, đánh thì theo tiết. Tướng quân ví như mình, quân đội ví như tay chân, hàng ngũ ví như ngón tay ngón chân.

Phàm chiến tranh phải có thiên, có tài, có mỹ. Thời giờ không thay đổi, quân đi phải bí mật, đó gọi là thiên; quân chúng cứ nẩy ra ý hay, đó gọi là tài; quân lính tập trận giỏi, mọi vật đều dự bị đầy đủ, đó gọi là mĩ.
________________________________
1. Lang miếu: Triều đình.
2. Quân đi 30 dặm là một xá.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2008, 05:31:57 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 07:49:15 pm »

*
*   *


Sách Bảo giám:

Cho nên khi chưa ra quân thì yên lặng như cô gái chưa chồng; khi địch đã đến thì như con thỏ sổng, khiến địch không kịp chống cự. Mọi người cứng rắn, lời nói nóng hổi. Xe thì kín là chắc, quân thì ngồi là chắc, áo giáp nặng thì bền, binh khí nhẹ thì hơn. Thư từ tin tức phải dứt, thế gọi là dứt sự trông ngóng. Chọn nơi tốt để đóng quân, thế gọi là thêm mạnh cho người. Bỏ gánh đội nặng mà ăn hà tiện, thế gọi là mở ý cho người. Đó là chính trị từ xưa vậy.

Nhạc Vũ-mục1 nhà Tống nói: Cái thuật dùng binh, các điều nhân, tín, trí, dũng, nghiêm, thiếu một điều là không được2.

Đại thể hành binh có ba điều: Một là trời, hai là đất, ba là người. Thế trời là mặt trời mặt trăng trong sáng, năm ngôi sao đúng độ, sao chổi sao bột không hiện, hơi gió điều hòa. Thế đất là thành cao bờ thẳm, sông to nghìn dặm, cửa đá hang sâu, đường ruột dê quanh co. Thế người là vua thánh tướng hiền, ba quân giữ lễ, sĩ tốt vâng lệnh, giáp bền lương đủ. Người tướng giỏi nhân được thời trời, dùng được thế đất, nương được lợi người, thì tới đâu cũng thắng, đánh đâu cũng được vạn toàn.

Tướng có năm tài và mười lỗi.

Năm tài là: Dõng, trí, nhân, tín, trung. Dõng thì không ai phạm được; trí thì không cái gì làm rối được; nhân thì yên dân; tín thì không lừa dối; trung thì không hai lòng3.

Mười lỗi là: Có dõng mà khinh chết; có gấp mà muốn mau; có tham mà ham lợi; có nhân mà không nỡ giết; có trí mà lòng nhút nhát; có tín mà hay tin người; có liêm mà không yêu người; có trí mà lòng chần chờ; có cương nghị mà tự ohuj; có nhu nhược mà thích dùng người. Dõng mà khinh chết thì có thể dùng bạo lực mà đối phó; gấp mà muốn mau thì có thể đẻ lâu; tham mà ham lợi thì có thể đút của; nhân mà không nỡ giết thì có thẻ làm cho nhọc; trì mà lòng nhút nhát thì có thể làm cho quẫn; tín mà hay tin người thì có thể nói dối; liêm mà không yêu người thì có thể khinh nhờn; trí mà lòng chần chờ thì có thể đánh úp; cương nghị mà tự phụ thì có thể trị được; nhu nhược mà thích dùng người thì có thể lừa được.

Cách sử dụng người trí, người dõng, người tham, người ngu: Người trí thích dựng được công; người dõng ham đạt được chí; người tham chạy theo lợi; người ngu không nghĩ đến chết. Lấy chí tình mà dùng, đó là điều màu nhiệm của nhà binh vậy.

Đạo làm tướng có tám điều tệ là:

1. Lòng tham không chán.
2. Ghen người hiền, ghét người tài.
3. Tin lời gièm, ưa lời nịnh.
4. Xét người không xét mình.
5. Do dự không quả quyết.
6. Say đắm rượu và sắc đẹp.
7. Thích xảo trá mà lòng nhút nhát.
8. Nói dối mà không theo lễ.

Làm tướng có trách nhiệm nguy, là bởi trách nhiệm nặng thì nguy. Cho nên tướng giỏi thì không cậy mạnh, không cậy thế, được yêu cũng không mừng, bị nhục cũng không sợ, thấy lợi không tham, rượu ngon không đắm, đem mình hi sinh cho nước, chỉ có một lòng mà thôi.

Có bốn điều muốn là:

1. Đánh thì muốn dùng kì binh.
2. Mưu thì muốn làm bí mật.
3. Quân chúng thì muốn yên tĩnh.
4. Lòng thì muốn chuyên nhất.
________________________________
1. Tức là Nhạc Phi.
2. Võ kinh tổng yếu, Tiền tập, quyển 1, gọi là ngũ tài.
3. Võ kinh tổng yếu, thay Trung bằng Nghiêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 07:52:34 pm »


Người tướng giỏi, cứng không thể bẻ được, mềm không thể uốn được. Cho nên lấy yếu để chế mạnh; lấy mềm để chế cứng. Mềm cả yếu cả, thì thế phải kém; cứng cả mạnh cả, thì thế phải mất. Không cứng không mềm, đó là đạo thường.

Tướng không nên kiêu, kiêu thì thất lễ; thất lễ thì người ta lìa bỏ; người ta lìa bỏ thì quân chúng làm phản.

Tướng không nên biếng, biếng thì không thưởng công; không thưởng công thì quân sĩ không chịu hi sinh; quân sĩ không chịu hi sinh thì quân không có công; quân không có công thì nước trống rỗng; nước trống rỗng thì giặc đến.

Khổng tử nói: Nếu có tài giỏi như Chu công mà có tính kiêu và lận, thì cái khác cũng không đủ kể nữa.

Có tiết cao có thể khuyến khích phong tục; có hiếu đễ có thể nêu danh về sau; có tín nghĩa có thể kết bạn; có rộng yêu có thể thu phục quân chúng; có sức mạnh có thể lập công. Đó là năm đức tốt của người làm tướng.

Có mưu mà không biết tính điều phải trái, có lễ mà không biết dùng hiền lương, chính trị mà không biết làm đúng hình pháp, giàu có mà không biết giúp người nghèo thiếu, trí khôn mà không biết ngừa từ việc chưa xảy ra, lo nghĩ mà không biết phòng từ việc rất nhiệm nhặt, việc xa không biết suy mà biết, khi thua không thể không có gièm chê. Đó gọi là tám điều xấu.

Kinh thư nói: Khinh nhờn người quân tử thì không thu được lòng người. Khinh nhờn kẻ tiểu nhân thì không dùng hết được sức người. Mấu chốt việc hành binh, cốt nhất phải nắm được lòng người anh hùng, nghiêm sự thưởng phạt, tóm được đạo văn võ, gồm được thuật cứng mềm, trải những thuyết lễ nghĩa, trước trọng đức rồi sau dùng sức lực. Tĩnh thì như cá lặn; động thì như rái chạy; làm vỡ chỗ liền; bẻ gãy chỗ mạnh; dùng cờ xí làm cho hoa mắt; dùng chiêng trống làm cho núng lòng; rút lui thì như núi dời; tiến lên thì như mưa gió; cất quân thì như lèn đổ; hợp lại thì như cọp đánh nhau. Cưỡng ép mà rộng dung; lấy lợi mà dụ dỗ; lấy lễ mà giữ gìn; nó kém thì khiến cho kiêu; nó thân thì làm cho lìa; nó mạnh thì làm cho yếu. Có người nguy thì làm cho yên; có người sợ thì làm cho vui; có người phản thì cưu mang trở lại; có người oan thì cho họ được thân; kẻ mạnh thì nén xuống; kẻ yếu thì đỡ lên; người có mưu thì gần gũi; người gièm pha thì đánh đổ đi; được của cải thì chung nhau; không cậy sức mà khinh địch; không ngạo của mà khinh người; không vì được yêu lâu mà làm sai. Tính trước rồi sau mới hành động; biết có thể thắng rồi sau mới chiến. Được ngọc lụa không để riêng mình dùng; được con trai con gái không để riêng mình sai khiến. Như thế mà phát chính ra lệnh thì người ta nguyện chiến đấu ngay, mũi gươm chưa giây máu mà địch tự thua vậy.

Người làm tướng phải có lòng dạ, phải có tai mắt, phải có nanh vuốt. Không có lòng dạ thì như người đi đêm không có đuốc; không có tai mắt thì như người ở trong xó tối; không có nanh vuốt thì như người đói ăn phải vật độc; không trường hợp nào là không chết. Cho nên người tướng giỏi phải có người nghe rộng biết nhiều để làm lòng dạ, người xét sâu kín đáo để làm tai mắt, người dũng cảm giỏi đánh để làm nanh vuốt. Kể ra dùng người ngu mà thắng người trí là nghịch; dùng người trí mà thắng người ngu là thuận; dùng người trí mà thắng người trí là cơ. Cơ có ba đường: 1. cơ về việc, 2. cơ về thế, 3. cơ về tình. Cơ về việc, khi đã xảy mà không có thể ứng phó thì không phải là trí. Cơ về thế, khi đã động mà không có thể khống chế thì không phải là hiền. Cơ về tình, ốm mà không gắng làm được thì không phải là dõng. Người tướng giỏi tất nhân cơ mà giữ phần thắng.

Quân đi ra phải có luật, trái luật là dữ. Luật có 15 điều:

1. Lo nghĩ, có gián điệp để sáng tỏ.
2. Nói chuyện, lời nói phải cận thận.
3. Dõng, địch với mọi người mà không nao.
4. Liêm, thấy lợi thì nhớ nghĩa.
5. Bình, thưởng phạt công bằng.
6. Nhẫn, khéo nhịn trong sỉ nhục
7. Khoan, hay dung nạp mọi người.
8. Tín, hay xem trọng lời hứa.
9. Kính, có lễ với người hiền tài.
10. Minh, không nghe lời gièm
11. Cẩn, không trái lễ.
12. Nhân, khéo nuôi quân sĩ.
13. Trung, đem mình hiến cho nước.
14. Phận, biết thôi và đủ.
15. Mưu, tự liệu về mình trước rồi sau mới liệu địch.

Vả nước lấy binh làm gốc, binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chủ. Cho nên muốn binh mạnh để chiến thắng thì cần ở sự dùng tướng được người, rồi sau mới có thể uy phục được thiên hạ và các rợ xung quanh. Đó là gốc lớn để trị nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 08:02:50 pm »


Phàm tướng hay dùng chính mà không dùng kì là tướng giữ gìn; hay dùng kì mà không dùng chính là tướng chiến đấu; kì chính đều dùng cả, đó là tướng giúp nước vậy. Dấy binh ra quân, bày binh phá trận, xem dáng cờ xí, hiểu tiếng chiêng trống, đo bóng định giờ để quyết lành dữ; theo sự chuyển vận của ngũ hành, ra vào ứng theo thần vị; lấy biến mà dùng binh, khiến kẻ địch không lường biết tự đâu mà đến; lấy thần mà dùng binh, khiến quân ta không biết ta làm gì; động có mực; tĩnh có phương; được thua ở trong tay; thấy trước mà sẽ được lòng của trời đất quỉ thần để yên lòng quân chúng; đó gọi là thiên tướng vậy.

Ở trong bốn cõi, những việc của trăm họ do tướng văn chịu trách nhiệm; ở ngoài bốn cõi, những việc đối với nước địch do tướng võ chịu trách nhiệm. Tục ngữ nói: Tướng võ tướng văn sáng suốt thì nhà nước không có việc binh. Khi mềm thì cứng, khi co thì duỗi, sáng mà có dũng, hùng mà có mưu, tròn mà hay chuyển, vòng mà biết mối, trí trùm khắp muôn vật, mà đạo cứu cả thiên hạ, người có cả tám điều ấy thì đủ gọi là đại tướng. Cho nên bảo rằng tướng là người giúp nước; giúp được chu đáo thì nước có thể mạnh; giúp mà sơ hở thì nước hẳn yếu. Dùng tướng phải xem diện mạo, xét thần thái mà biết được lòng.

Vua đối với tướng, chọn người hiền mà trao cho quyền bính, cất lên mà không ngờ vực gì, thì tướng tất trong đáp ứng bằng ngay thẳng, ngoài phục vụ bằng thuận tòng. Đáp ứng bằng ngay thẳng thì luật quân nghiêm; phục vụ bằng thuận tòng thì tiết bề tôi vững. Cử tướng như thế mà ngăn giặc thì có lo gì phải chở xe xác về đâu.

Quân được hay thua do ở người tướng. Có phải bởi tướng làm nên đâu, chỉ do sự dùng của tướng mà thôi. Trí địch muôn người, không dùng được muôn người thì cũng như người ngu vậy; dũng nhất ba quân, nếu không dùng được ba quân thì cũng như người nhát vậy. Người tướng giỏi đứng đắn mà hay biến hóa, cứng cát mà hay thương người, nhân từ mà hay quyết đoán, dũng cảm mà hay tường tất, lấy sách lược mà chế ngự quan và quân, chưa thấy ai như thế mà không dựng được công nghiệp để dẹp yên họa loạn bao giờ.

Nhà nước hành quân trao luật, cái quyền sinh sát do đại tướng làm chủ. Làm lòng dạ của nước, nắm sinh mệnh của ba quân, có thể không thận trọng sự lựa chọn hay sao! Nếu muốn phong tướng, trước phải lấy tinh thần mà xét nên chăng về bốn điều: 1. diện mạo; 2. lời nói; 3. cử động; 4. việc làm.

Sách Vạn cơ chí1:

Dẫu có một trăm vạn quân và một tướng có khí nuốt địch, phỏng đem hết vũ khí của cả nước trao cho, nếu không dùng được người thì làm gì được? Tướng lớn và nhỏ đều có bốn bậc, tướng nào mà không dự ở cả trong tám bậc ấy, thì không thể gọi là tướng được. Bốn bậc tướng lớn là: 1) thiên tướng, 2) địa tướng, 3) nhân tướng, 4) thần tướng. Bốn bậc tướng nhỏ là: 1) uy tướng, 2) cường tướng, 3) mãnh tướng, 4) lương tướng.

Quân đến nơi nào, cũng phải xét kĩ địa lí. Núi chằm, xa gần, rộng hẹp, hiểm dễ, rừng rú dày mỏng, khe suối sâu nông, nếu xem như ở trên bàn tay, thì khi chiến thắng, sau trước không ngăn trở, tả hữu không ngưng trệ, quân bộ quân kị đi lại đều tiện, giáo mác sử dụng được hợp, chỉ huy tiến thoái đều thuận tình, người ngựa không bị bức nghẽn, đánh giữ thì được lợi về lương chứa, phát quân thì được đủ về nước cỏ, người ngựa không bị đói khát, hãm vào đất chết mà có thể sống, lâm vào chỗ mất mà có thể còn, đất nghịch mà dùng thuận được, đất thuận mà dùng nghịch được, không chọn khó dễ, đều có thể yên mà sau động, động mà quyết thắng, thế gọi là địa tướng2.
_________________________________
1. Chúng tôi không tìm ra sách Vạn cơ chí.
2. Thiên tướng đã nói ở trên, nên đây chỉ nói địa tướng thôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 08:05:19 pm »


Thanh liêm về của cải, tiết kiệm về tiêu dùng, lơ là về rượu, giữ mình theo lễ, thờ bề trên lấy trung, vui lo cùng quân lính, lấy của địch mà không tích trữ, bắt phụ nữ địch mà không giữ riêng, nghe mưu mà dùng người, gặp ngờ thì phán đoán, dùng mà không lấn người, nhân mà không bỏ phép, giấu tội nhỏ răn lỗi lớn, phạm lệnh không kể là thân, thưởng công không nghĩ đến thù, người già thì nâng đỡ, người trẻ thì vỗ về, người sợ thì làm cho yên dạ, người lo thì làm cho vui lòng, có kiện thì xử đoán, có lạm thì xét minh, có giặc thì đánh dẹp, kẻ mạnh thì nén xuống, kẻ nhát thì che chở, kẻ dũng thì sai khiến, kẻ ngang ngược thì giết, kẻ phục tùng thì tha, người mất thì cho được lại, người quên thì nhắc bảo cho, người quy thuận thì cho tước, người hung bạo thì trấn trị, gần người mưu trí, xa người gièm pha, lấy thành không phải đánh, lấy đất không phải giữ, địch nông cạn thì chờ sinh biến, địch dối trá thì bắt tuân theo, thế trái phải chờ xem, thế thuận thì quyết đánh, thế gọi là nhân tướng.

Lấy thiên tướng làm ngoài, lấy địa tướng làm trong, lấy nhân tướng ở giữa, gồm cả sở trường của ba tướng thì gọi là thần tướng.

Trong khi hành quân, không nệ thiên thời, không nệ địa lợi; dùng người không kì gan hay nhát, nghe có địch thì đi ngay mà không lo ngờ, kẻ nào phạm lệnh thì không kể tội lớn hay nhỏ, buộc ngay vào hình pháp, nghe tiếng là phải sợ, chống lại là phải đánh, thế gọi là cường tướng1.

Quân không kì nhiều hay ít, địch không kì mạnh hay yếu; ba quân theo lệnh, như cánh tay khiến ngón tay, đi lại muôn cách thay đổi, đánh lúc địch chẳng ngờ, cử động như thần, một ngựa một gươm gạt mũi nhọn mà tiến vào trước, khiến quân địch lúng túng, sợ mà lánh xa, thế gọi là mãnh tướng.

Lấy uy tướng làm ngoài, lấy mãnh tướng làm trong, lấy cường tướng ở giữa, gồm cả sở trường của ba tướng thì gọi là lương tướng.

Nhà nước dùng tướng, được thiên tướng có thể chống được giặc trái trời, được địa tướng có thể chống được giặc trái đất, được nhân tướng có thể chống được giặc trái người, được thần tướng có thể chống được giặc cả thiên hạ, tính toán không sót điều gì.

Uy tướng có thể phụ với thiên tướng, cường tướng có thể phụ với địa tướng, mãnh tướng có thể phụ với nhân tướng, lương tướng có thể giữ bốn phương. Tuy nói mãnh và cường có sự lợi dụng nhanh chóng, nhưng đều không thể dùng riêng được. Đó là thể của đạo tướng vậy.

Tướng khi ra trận, không hỏi vợ con, là tỏ ra đã dâng mình cho nước. Vua khi sai tướng không dám khinh thường việc lễ, là tỏ ra tôn trọng việc dùng người. Tướng khi ở ngoài có quyền không theo mệnh vua, chỉ nhằm tiện của nhà nước mà phục vụ, giữ mình trong sạch, quý trọng  quân sĩ. Cho nên tướng mà cự lời can ngăn thì người anh hùng trở về nhà; không theo chước hay thì kẻ mưu sĩ cũng bỏ đi; coi thiện ác ngang nhau thì hiền ngu lẫn lộn; thưởng phạt rối loạn thì kỉ cương tan tành; mừng nhiều thì không có uy; giận nhiều thì lòng người lìa; nói năng nhiều thì cơ lộ; ham thích nhiều thì trí lầm; rộng rãi thì quân trễ nải; bạo ngược thì quân oán hờn. Tướng tự chuyên thì người dưới đổ lỗi cho; tướng tự khen mình thì người dưới không chịu lập công; tướng nghe lời gièm thì người ngay bỏ đi; tướng ăn của đút thì quân lính gian tham; tướng ham việc trong buồng thì quân lính dâm đãng; không tham tài mê sắc thì giữ mình được trong sạch; biết lánh hiềm xa ngờ thì uy tín được tăng thêm; tính kĩ lo xa cho nên không hỏng việc; theo thời thuận biến cho nên lập được công; thương yêu người dốc lòng làm, cho nên được yêu mến; nghe lời phải xa kẻ gièm cho nên người xa lại; tính trước rồi sau mới làm, để phòng biến cố; trước có tín rồi mới nói cho nên thu phục được người dưới; tội thì trị công thì thưởng cho nên uốn nắn được người; xem gương việc xưa sáng suốt việc nay cho nên soi sáng được quân chúng; nhũn nhặn trọng người nên được lòng người; bỏ tư theo công nên giữ được nước. Tinh thần cho ngay thẳng, hình thể cho đoan trang, động phải như gió, đứng phải như núi, chiến đấu phải như sấm sét, cơ mưu phải như quỷ thần, lo nghĩ phải thấu như ánh sáng, mệnh lệnh phải nghiêm như sương tuyết. Có được như thế mới có thể đương được mệnh lớn của nhà nước.
______________________________
1. Nguyên văn chép sót  đoạn giải thích về uy tướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 08:12:11 pm »


Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc điều trị; quân có người chết, tướng phải khóc thương; quân đi thú xa thì sai vợ con đến nhà thăm hỏi; phàm có khao thưởng thì chia đều cho quan và quân; khi có hành động thì phải họp cả tướng tá để bàn, mưu đã định thì sau mới đánh. Cho nên tường với binh có cái ơn hòa rượu1 và hút máu2. Cho nên quân sĩ có những cuộc vui thui trâu bày rượu và cái khí ném đá; yêu mến như con em theo cha anh, như chân tay đỡ đầu mắt, không ai ngăn được. Nếu hà khắc là cho họ đau đớn, bắt làm lụng nặng nề, thì những tiếng thù oán nghe không xiết! Tướng súy coi quân sĩ như cỏ rác thì quân sĩ coi tướng súy như cừu thù, cầu họ làm bộ hạ thì cũng là khó, còn mong gì họ gắng sức liều chết để đánh địch nữa. Đó là đại lược về phép tướng súy vỗ về quân sĩ vậy.

Sách Binh lược3:

Tướng giỏi  cầm quân không vì quân ta nhiều mà kiêu, không vì quân ta ít mà nản chí. Kể ra mạnh không gì bằng hổ dữ, nhưng bắt lợn ở chuồng bị nhân dân đuổi thì cũng phải quặp đuôi mà chạy không dám nhìn lại. Như thế mới biết lấy nghĩa thì có thể sai khiến người ta.

Tướng kiêu có thể đánh bại. Làm tướng không nên cậy trí dũng mà kiêu với người. Tống Nghĩa4 có thể khống chế được Hạng Lương, Bạch Khởi5 có thể giết được Triệu Quát6 là vì thế. Khâm Phúc triều Minh đi đánh nước Bản-nhã-thất-lý, vì cậy dũng mà cả quân tan vỡ; Liễu Thăng vào nước Nam ta, vì chí kiêu mà đổ quân mất mạng, là thế đó.

Khích phát sĩ khí, hoặc lấy quả cảm mà khích, như Lưu Ỷ nhà Tống7 giữ Thuận-xương, quân Kim lấn xuống Nam, Ỷ cho đục thuyền để bảo cho giặc biết là ý mình quyết không bỏ đi, rồi chứa củi để đốt; hoặc lấy trung nghĩa mà khích, như Trương Tuần8 đặt tượng vua Đường rồi khóc lạy để trách sáu tướng, do đó sĩ khí thêm hăng; hoặc lấy lòng chí thành mà khích, như Trương Tuần thề chết mà tướng sĩ đau lòng, đánh giặc cả vỡ, như vua Đường Đức-tôn biết nhận lỗi mình mà quần thần ra sức liều chết để giúp vua; hoặc lấy lợi hại mà khích, như Dương Khánh giữ Thành-đô, mộ quân sĩ cấp cho nhiều lương, dân nước Thục cầm dao phay và gậy không đến giúp quan quân, binh Man cả thua, như Lý Mục nhà Tống đóng giữ Dục-châu, có được vật gì thì cho hết quân sĩ, như Hoàng Thạch công nói: được của chia cho quân lính thì quân lính hết sức liều chết, Lý Mục làm đúng như thế.
______________________________
1. Hòa rượu: Sách Hoàng Thạch công nói xưa có một vị tướng giỏi gặp người biếu một vò rượu, ông đem đổ xuống sông, rồi bảo các tướng sĩ đón dòng nước mà uống, ba quân do đó mà liều chết đánh.
2. Hút máu: Ngô Khởi giỏi dùng binh, một người lính có nhọt, Khởi ghé mồm hút mủ, làm cho người có nhọt ấy cảm khích mà ra sức.
3. Chúng tôi không tìm ra sách Binh lược.
4. Tống Nghĩa: Lệnh doãn cũ của nước Sở, theo Hạng Lương đi đánh Tần, phá được quân Tần, Lương có vẻ kiêu căng, Nghĩa can rằng đánh được giặc mà tướng kiêu căng, quân lười biếng, tất phải thua. Lương không nghe, sau bị tướng Tần đánh cho thua.
5. Bạch Khởi: Người Tần (thời Chiến quốc), giỏi dùng binh. Thời Tần Chiêu vương phong là Vũ an quân, phá nước Triệu, chôn quân đầu hàng của Triệu hơn 40 vạn người.
6. Triệu Quát: Người nước Triệu (thời Chiến quốc), khi còn ít tuổi học binh pháp, nói việc hành quân tự cho là thiên hạ không ai bằng; sau làm tướng thay cho Liêm Pha, đổi hết ước thúc và đổi đặt quân lại; cuối cùng bị tướng nước Tần là Bạch Khởi bắn chết.
7. Lưu Ỷ: Thời Tống Cao-tôn, Lưu Ỷ đánh phá thái tử Kim là Ngột Truật ở Thuận-xương.
8. Trương Tuần: Người Nam-dương, thời Đường Huyền-tôn, An Lộc Sơn làm loạn, Tuần và Hứa Viễn giữ thành Thư-dương đánh nhau với An Lộc Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2008, 11:17:01 am »

*
*   *

Sách Võ kinh:

Thần nghe nhà vua có đạo tất thắng, cho nên có thể bao gồm rộng lớn mà thống nhất chế độ, như thế thì thiên hạ biết uy. Tất cả có 12 điều: 1) Liên hình, bắt cả đội ngũ cùng giữ và phải tội cùng nhau; 2) Địa cấm, tức là cấm chỉ đường đi để săn bắt kẻ gián điệp; 3) Toàn quân, các giáp thủ cùng phụ với nhau, ba người năm người đồng nhau kết liền cho chặt chẽ; 4) Khai tái, tức là chia đất có giới hạn, nơi nào thuộc người nào thì đều chết theo trách nhiệm mà bền giữ; 5) Phân hạn, tức là tả hữu giữ nhau, trước sau đợi nhau, lấy xe làm tường để đón để giữ; 6) Hiệu biết, tức là hàng trước phải tiến để cách hàng sau, không được giành trước làm mất trật tự; 7) Ngũ chương, tức là tỏ rõ hàng lối cho trước sau khỏi rối; 8 ) Toàn khúc, tức là khúc đoạn theo nhau đều có phần riêng; 9) Chiêng trống, tức là phấn khởi người có công, giúp đỡ người có đức; 10) Trận xa, tức là tiếp liền hàng đầu, ngựa che bên mắt; 11) Tử sĩ, tức là trong quân lính có người tài trí cưỡi trên chiến xa, trước sau ngang dọc, trổ mưu chống địch; 12) Lực tốt, tức là nắm toàn bộ và khúc đoạn, không vẫy cờ thì không động. Mười hai phép ấy dạy xong, phạm lệnh không tha thì quân yếu có thể làm cho mạnh, chức thấp có thể làm cho cao, phép tồi có thể làm tốt lại, dân xa có thể làm gần lại, người đông có thể trị được, đất rộng có thể giữ được, xa nhà nước không ra khỏi thành, giải áo giáp không ra khỏi túi, mà uy phục được thiên hạ vậy1.

Phàm sai quân, pháp lệnh ở mình gọi là chuyên, cùng với người dưới sợ phép gọi là pháp. Việc quân không nghe lời vặt, ra trận không cầu lợi vặt thì nên. Làm việc tinh vi là đạo.

Kể ra, tướng là chí, ba quân là khí. Khí dễ động mà khó chế. Do tướng chế mà trấn tĩnh thì sợ hãi có thể định, phản trắc có thể yên, trăm vạn quân có thể tiêu diệt được. Chí ngay thẳng mà mưu có một, khí phấn khởi mà dũng gấp đôi thì thắng. Thấy địch yếu thì mình tiến; thấy địch mạnh thì mình dừng; đừng lấy ba quân đông đúc mà khinh địch; đừng lấy chịu mệnh làm trọng mà liều chết; đừng lấy mình làm quý mà rẻ người; đừng lấy ý kiến riêng mà trái quân chúng; đừng xem lời biện thuyết là tất đúng; quân sĩ chưa ngồi thì đừng ngồi, quân sĩ chưa ăn thì đừng ăn, nắng rét cùng chịu. Như thế thì quân sĩ hẳn hết lòng liều chết.

Việc của một người, không tiết lộ cho hai người; việc làm ngày mai, không tiết lộ hôm nay; suy xét cho kĩ càng, đừng để hở sợi tóc; bí mật ở công việc sợ tiết lộ ra lời nói; bí mật ở lời nói sợ tiết lộ ra nét mặt; bí mật ở nét mặt sợ tiết lộ ở tinh thần; bí mật ở tinh thần sợ tiết lộ trong mơ mộng. Có việc làm cần giấu đầu mối, có việc dùng phải cấm không nói. Nhưng cũng có điều nên nói trước để tỏ lòng tin, giữ, thành thực.

Việc của người làm tướng, lặng lẽ cho kín, ngay ngắn cho yên, có thể làm tối tai mắt của quân sĩ, khiến họ không biết đổi việc làm; thay mưu kế, khiến người ta không biết; đổi chỗ ở, dời đường đi, khiến người ta không lo lắng. Đến kì dấy quân thì như lên cao mà bỏ thang đi; quân tiến sâu vào đát chư hầu mà phát động binh cơ cũng như đuổi đàn dê cho chạy đi chạy lại, chẳng biết đi đâu, tập họp ba quân đông đúc mà đưa vào chỗ hiểm. Đó là việc của người làm tướng.

Bàn việc thì đời xưa không bằng đời nay; việc nhiều thì phép cũng nhiều; thời đổi thì lí cũng đổi. Cho nên người biết đọc binh thư xưa thấy chỗ không nên thì biết là câu nệ, thấy lời nói bậy thì biết là sai, thấy điều chưa đủ thì biết là thiếu. Xét chỗ huyền để tìm ra thực; thấy viển vông phô trương thì phải gạt đi; thành bị cướp thì phải làm thế nào để thoát2; thấy kiêng mà có khi cứ làm; thấy răn mà vẫn ra quân; xét chỗ hở mà thấy chỗ khít; do chỗ lệch mà đến chỗ toàn; lật chính thay kì, hóa cơ làm biến; người ta câu nệ ở phép mà ta thì làm ra phép; người khéo dùng phép thì lấy thần trí mà xem phép.

Xét tính mệnh để biết lẽ sâu của việc binh; xem cổ sử để tìm dấu vết của việc binh; xét tượng số để biết hết điềm triệu về binh; hiểu thời vụ để thấu suốt chính sách về binh; khảo khí cụ để sửa sang vật dùng của binh. Khi tĩnh thì đặt các việc vô hình để bày mưu trước. Khi động thì lấy những điều đã nghĩ để kinh lý thiên hạ.

Tướng mùa đông không mặc áo da, mùa hè không dùng quạt, trời mưa không che lọng, gọi là lễ tướng; không tự mình theo lễ thì không biết quân lính rét nóng thế nào. Ra cửa ải gặp chỗ bùn lầy, tướng nên xuống đi bộ, thế gọi là lực tướng; không tự mình ra sức thì không biết quân lính vất vả thế nào.

Phàm khi hành quân, quân đã định được nơi đóng thì tướng mới đến nhà ở; cơm nấu chín rồi thì tướng mới đi ăn; quân không đỏ lửa thì tướng cũng không đỏ lửa; thế gọi là ngăn lòng muốn. Tướng không ngăn lòng muốn thì không thể biết quân lính no đói thế nào.
___________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Tư mã giáp”, chương 22.
2. Chữ Hán là “thành đoạt vụ thoát”, chúng tôi dịch thế này, nhưng thấy nghĩa câu này không được thông mạch lạc với văn trên dưới mấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2008, 09:33:24 pm »


V – KÉN LUYỆN

Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Đạo luyện quân là thế nào? – Thái công thưa: Trong quân có những người rất dũng lược, liều chết, không sợ đau đớn bị thương, họp thành một toán gọi là quân mạo nhẫn1. Có những người vọt xa nhảy cao, nhẹ chân chạy nhanh, họp lại thành một toán gọi là quân quán binh2. Có những người bầy tôi thất thế muốn lập lại công danh, họp lại một toán gọi là quân tử đấu3. Có những người là con em của tướng chết trận, muốn vì tướng mình mà trả thù, họp lại một toán gọi là quân căm thù. Có những người nghèo đói bực dọc muốn cho thỏa chí, họp làm một toán gọi là quân tất tử4.

Thái tôn hỏi: Gia-cát Lượng bảo rằng quân có tiết chế mà không có tướng tài cũng không thể thua được, mà quân không có tiết chế dù có tướng tài cũng không thể thắng. Trẫm ngờ lời bàn ấy không được thực đúng. – Tĩnh nói: Lời bàn của Võ hầu5 có tính chất khích động. Thần xét sách Tôn tử nói rằng: Dạy tập không rõ ràng, quan và quân không thường, bày binh ngang dọc, thế gọi là loạn. Từ xưa loạn quân tự thua không thể chép hết. Kể ra, dạy tập không rõ ràng, là nói sự huấn luyện không theo phép đời xưa; quan và quân không thường là nói tướng thần trao nhiệm không giữ chức lâu; loạn quân tự thua là nói tự mình tan vỡ chứ không phải bị địch đánh mà tan vỡ. Thế nên Võ hầu nói quân có tiết chế thì dù tướng tầm thường cũng chưa thua. Nếu quân tự loạn thì tuy tướng giỏi cũng nguy, còn ngờ gì nữa.

Thái tôn nói: Phép dạy tập thực là không thể bỏ qua. – Tĩnh nói: Dạy tập đúng phép, thì quân sĩ vui dùng; dạy tập không đúng phép thì dù sớm chiều đôn đốc cũng không ích gì. Thần vì thế mà chăm chắm theo phép xưa, đều đã chép thành đồ, ngõ hầu mới thành quân có tiết chế được.
_____________________________
1. Mạo nhẫn: Xông liều vào chỗ nhọn sắc, tức quân cảm tử.
2. Quán binh: Quân quen thạo.
3. Tử đấu: Đánh nhau đến chết.
4. Tất tử: Quyết phải chết. – Sách Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 53.
5. Tức Gia-cát Lượng, phong Vũ hương hầu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM