Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:37:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 06:33:43 pm »


*
*   *

Đồ chống tên đạn của quân bộ. Phàm cung nỏ không thể bắn gần được, nên chẻ tre làm cái bung xung tròn, ước chừng mười ôm, có thể che được thân người, trong chứa rơm rạ và bẹ chuối để phòng súng đạn; đầu đuôi hai người đun một cái bung xung, những quân nhanh khỏe đều cầm đao sắc, lá chắn, phục ở sau bung xung; phải tiến đến sát quân giặc, người lăn bung xung cắt đứt dây, quân phục chồm dậy, lá chắn và gươm múa loạn lên, cung tên của giặc không kịp trở tay.

Phép chống voi. Xưa kia đời vua Thành-tổ nhà Minh đánh Man Diến-điện1, đem 30 vạn quân và hơn 100 con voi đến cướp Định-viễn, vua Minh sai Mộc Thạnh và Anh Mã-thành đi đánh, bắt được voi đem về. Anh nói: “Giặc không cần phá”. Bèn xuống lệnh đặt nhiều súng lửa và tên thần, chia tướng sĩ ra làm ba hàng. Voi họ đến gần thì súng tên ở hàng trước đều bắn; nếu voi chưa lui, thì hàng hai kế bắn; rồi tiếp đến hàng ba, voi tất quay chạy. Rồi lấy đại quân thừa thế mà đánh. Uớc thúc đã định. Ngày mai quả nhiên giặc2 lùa hơn trăm voi đi hàng đầu. Mộc Thạnh cứ y theo phép đó, giao phong bắn súng, núi hang vang động, voi đều quay trở về, quân giặc cả vỡ. Minh Thành-tổ sai Mộc Thạnh đem quân vào nước ta đánh Hồ Quý Ly. Giặc3 lại ở trong thành4 bày voi tiếp chiến. Du kích tướng quân Tống Quảng dùng lốt sư tử vẽ khoác vào ngựa; thần cơ tướng quân La Văn dùng súng thần cơ đi sát bên mà tiến. Voi bị thương, đều lùi chạy cả. Quân Minh đuổi dài mà tiến. Quý Ly trốn chạy.

Năm Kỷ dậu người Thanh sai tổng đốc Lưỡng Quảng sang nước ta đánh giặc để khôi phục thành nhà Lê. Ngụy Tây5 bày voi xông trước; người Thanh làm mộc mã để cản, lại đào hố để sập voi, chước đó rất mầu, song lại thất thủ, vì trong cái mầu có cái chưa mầu. Nên khéo ngầm đào hầm hố, cách xa ngoài lũy ước một dặm, lấy cỏ phủ ở trên hầm, rồi đem đất cát phủ lên trên. Đại chiến hồi lâu, giả cách thua chạy, voi thừa thắng đuổi theo hẳn sa xuống hố. Mộc mã thì có dây buộc xâu liền với nhau để cản không cho voi xông đến. Như thế thì hẳn không thua.

Phép chống ngựa. Người xưa dùng mộc mã để chống ngựa là phép ấy vậy. Nhưng phải lấy dây sắt buộc xuyên liền nhau; có thể dùng để chống cả voi nữa. Lấy vải vẽ lốt hổ mà trùm cho ngựa để cho ngựa của giặc phải sợ, vì ngựa thấy hổ thì sợ rẹp xuống.


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:

Phép đánh ban ngày. Phàm đánh trận ban ngày cần phải có nhiều cờ xí để làm loạn tai mắt của địch, hoặc tản ra làm nghi binh để chia thế địch.

Phép đánh ban đêm. Phàm đánh trận ban đêm, phải dùng nhiều trống và lửa để làm rối lòng địch, hoặc làm nghi binh ở nơi khác mà chia quân, hoặc ngồi ở ruộng cạn mà cướp trại.

Phàm quận địch đặt nhiều đồn mà ta muốn đánh, thì tất phải phô trương thanh thế, giả cách vào đánh đồn này, các đồn kia lại cứu, ta nhân cơ hội mà đánh vào những đồn bỏ không, thấy địch rối loạn rồi thì đánh luôn cả.

Nếu quân giặc giữ nơi yếu hại của ta, chặn hết bến cầu của ta, triệt đường lương cỏ của ta, họp quân vây ta, ta nên đem quân tránh đi để tìm nơi khác.

Quân địch đánh ta mà ta không muốn đánh thì ta dùng quyền biến để cho họ ngờ. Giặc ngờ mà không dám đánh gấp, thì ta xem hễ nhuệ khí nó suy dần, thế không mạnh lắm, thì có thể kíp sai quân đánh.
_______________________________________
1. Diến-điện cũng bị người Trung-quốc xưa xem là Man Di.
2. Tác giả theo quan niệm phong kiến, gọi nước bị xâm lược là giặc.
3. Theo quan niệm phản động của vua quan nhà Nguyễn thì Quý Ly là người thoán đoạt, nên họ gọi là giặc.
4. Đây là thành Đa-bang.
5. Vua quan nhà Nguyễn gọi Tây-sơn là ngụy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 06:38:28 pm »


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí:

Phép bố trận1. Như quân địch đã chiếm trước nơi núi cao lũng lớn, được chỗ địa lợi rồi, ta muốn đánh, nhưng xét địa lợi thì không được, nếu đánh thì hẳn thua. Như thế thì nên đặt riêng cách lừa dối, khiến quân địch ngờ mà không dám đánh, đợi đến khi trời chiều, quân ngựa đói khát, quân muốn lui mà ý tướng chưa lui, quân muốn đánh mà tướng không thấy lợi không dám đánh, ta bèn sai tướng nhỏ lãnh máy đội ngựa khiêu đãng2 đi trước, đến gần nơi núi cao lũng lớn mà trương thế quân, hoặc nói phao là đánh dinh trại địch, đón dứt lương cỏ, hoặc nói là phát binh dời đường, đánh vào hậu đội, làm cho lòng địch do dự, thế quân đã động, khó mà chỉnh đốn lại được. Ta bèn dùng quân tráng sĩ, cung mạnh nỏ cứng, đánh tả đánh hữu, đột trước xông sau, khiến quân địch đầu đuôi không tiếp ứng nhau được, ngựa và bộ đánh lẫn lộn, thế thì địch có thể võ vậy.

Phép xuất chiến. Ta biết trước địa lợi tốt xấu thế nào, liệu thế địch có thể đánh được, như ngày nay phải đánh, đại quân đã ra thì kíp rảo đến chiến địa, khiến quân địch thảng thốt bày trận; nếu người ngựa của nó chưa định, cờ xí chưa chỉnh, trận thế chưa xong, ta có thể thừa thế đánh luôn, tất có cơ thắng. Sách Tam lược nói “Đánh như sông vỡ, đánh như sấm vang”, là thế đó.

Phép bố trận tác chiến. Lãnh ba quân, kể có 33.500 người, có thể bày một thế trận. Nếu gặp địch đánh thì hai bên đói no, nhọc nhàn, cố nhiên không như nhau. Nếu quân địch chia ra phần tiến phần dừng, thay đổi nhau mà đánh, thì quân ta đến chiều đã mệt sức rồi. Nên sai hai quân làm trận trước trận sau và một quân làm nghi binh để ứng khi gấp và bổ chỗ trống. Binh pháp nói: Mỗi nghìn người, phải kén ba trăm người làm binh kỳ, muôn người phải kén nghìn người làm binh kỳ, thường theo ở hai bên tả hữu đại tướng để ứng dụng trong khi cần kíp.

Phàm chiến đấu, đều phải dùng một người đầu hàng phó đội cầm đao áp ở phía sau, xem quân sĩ nào không vào trận thì chém, và người lãnh kiêm3 cứng rắn cầm đao ở phía sau nữa để đốc chiến, xem người nào không vào trận thì chém. Quân lính hết thảy phải biết vế bên trái vai bên phải của mình, đi đứng phải đúng theo thứ tự.

Trận vuông cũng có thể thắng; trận tròn cũng có thể thắng; rối lộn cũng có thể thắng; tới chỗ hiểm cũng có thể thắng. Địch ở núi thì leo mà đi theo, địch ở vực thì lặn mà đi theo, tìm địch như tìm con mất, đi theo mà không ngờ, cho nên có thể đánh bại địch mà nắm lấy tính mệnh của nó. Phàm sớm quyết thì định trước, nếu kế không định trước, nghĩ không sớm quyết, thì tiến lui không định, lòng sinh ngờ thì hẳn thua. Cho nên binh chính thì quý dùng trước, binh kỳ thì quý dùng sau, hoặc trước hoặc sau, đều để chế địch cả. Thế tướng4 không biết phép, chuyên mệnh lệnh mà làm, dũng trước khi đánh, nên không trận nào là không thua. Cất quân có ngờ mà lại không ngờ, chỗ đi có tin mà lại không tin, đến thì chậm nhanh khác nhau, ấy là ba điều luỵ của việc đánh trận vậy.

Phàm đánh trận thì đánh chỗ tĩnh yếu, lánh chỗ tĩnh mạnh; đánh chỗ nhọc mệt, lánh chỗ nhàn rỗi; đánh chỗ sợ lớn, lánh chỗ sợ nhỏ; đó là đạo lý từ xưa vậy.

Tôi xin hỏi thầy rằng: Phàm hay lấy ít mà thắng nhiều, lấy yếu mà địch mạng, lấy nhỏ mà chế lớn, thế mới gọi là thiện chiến. Nếu như ở khoảng đường dài đồng rộng, chiến kỳ đã ngặt, giặc đem hàng trăm vạn quân, đầy núi chật đồng kéo đến, mà quân ta ít và yếu, vội vã chưa phòng bị trước, chưa đặt phục xuất kỳ thì làm thế nào? Thầy trả lời rằng: Phàm quân họ xung mạo gió bụi mà lại, thế hẳn nhọc mệt, nếu ta kíp dùng phép xe súng mà đánh, thì dễ như trở bàn tay, sao đủ sợ nữa?

Người giỏi giữ giấu quân sâu chín tầng đất, người giỏi đánh hoạt động trên chín tầng trời, cho nên có thể tự giữ mà toàn thắng vậy. Thấy thắng bất quá là cái biết của mọi người, không phải là người giỏi ở trong người giỏi. Đánh thắng mà thiên hạ đều khen là giỏi, không phải là người giỏi ở trong người giỏi. Cho nên cất một mảy lông không phải là có nhiều sức, thấy mặt trời mặt trăng không phải là có mắt sáng, nghe tiếng sấm sét không phải là có tai thính. Đời xưa gọi là người giỏi đánh là hơn người dễ thắng vậy. Cho nên cái thắng của người giỏi đánh không có tiếng là trí, không phải công của dũng. Cho nên đánh thắng thì không sai, không sai là xếp đặt được sự thắng, thắng là thắng kẻ đã thua trước vậy. Cho nên người giỏi đánh thường đứng ở trên đất không thua, mà không bỏ lỡ cái thua của địch vậy. Ấy cho nên binh thắng thì trước đã nắm được phần thắng rồi sau mới cầu đánh, mà binh bại thì trước đánh rồi sau mới thắng. Người giỏi dùng binh sửa đạo giữ phép, cho nên mới hay làm được chính lược thắng bại.
_________________________________
1. Từ đây trở xuống, xem Võ bị chế thắng chí, quyển 5, chương “Bố chiến”.
2. Quân cưỡi ngựa đi trước để thăm dò.
3. Lãnh là người cầm một số quân, kiêm là người đi theo.
4. Tướng tầm thường ở đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 06:42:28 pm »


Binh pháp nói1: Một là đo, hai là lường, ba là tính, bốn là cân, năm là thắng. Đất sinh ra đo, đo sinh ra lường, lường sinh ra tính, tính sinh ra cân, cân sinh ra thắng. Cho nên binh thắng như lấy dật2 mà cân thù3, mà binh bại thì như lấy thù mà cân dật. Sự đánh của kẻ thắng cũng như tháo vỡ nước chứa ở trên cao nghìn nhẫn, hình nó như vậy.

Điều đại yếu lúc lâm trận là ở sự thay phiên mà nghỉ và đánh, chia một toán quân ra làm mấy lớp, sắp đánh thì cho lớp thứ nhất ăn no, sai vào trận; kế cho lớp thứ hai ăn. Lớp thứ nhất mệt, tức điều động lớp thứ hai vào thay. Lớp thứ ba cũng như thế. Nên đổi phiên nhau như thế, thì quân thường được no, mà không đến nỗi khốn vậy.

Mỗi khi đánh thì cho giáo trường ở trước, ngồi mà không được đứng lên. Thứ đến cung rất mạnh, rồi đến nỏ rất mạnh, quỳ gối để chờ. Thứ nữa đến cung thần tý. Ví như ước trận đến trong 200 bước thì cung thần tý phải bắn trước, 70 bước thì cung nỏ mạnh đều bắn. Trận sau cũng thế. Thấy trận thì lấy mức cách nhau làm hạn, như móc sắt liền nhau. Đợi có người bị thương thì thay đổi người khác; gặp khi thay đổi thì dùng trống làm tiết. Quân kỵ thì ở hai cánh mà che phía trước. Trận đã thành thì quân kỵ lui ra. Thế gọi là lũy trận. Đánh trận bằng xe thì không nói ở đây.

Cho nên biết nơi đánh, biết ngày đánh, thì có thể xa nghìn dặm mà họp đánh được; không biết nơi đánh, không biết ngày đánh, thì tả không cứu được hữu, hữu không cứu được tả, trước không cứu được sau, sau không cứu được trước, huống là ở xa mấy nghìn dặm hay ở gần mấy dặm! Nếu sự suy tính của ta mà không hơn người thì dù quân có nhiều, cũng không ích gì cho sự thắng vậy. Cho nên sự thắng có thể làm được. Quân địch dù nhiều có thể khiến nó không chiến đấu. Cho nên tính thì biết được kế nên hay chăng, làm thì biết được là động hay tĩnh, xem hình thì biết được đất tử hay sinh, đua chọi thì biết được có thừa hay không đủ. Cho nên hình tột mực là ở vô hình; vô hình thì sâu, gián điệp không thể dòm, người trí không thể mưu được. Nhân hình mà đặt sự thắng vào quân, quân không thể biết. Người ta đều biết cái hình do đó ta thắng mà không biết được cái hình do đó ta chế thắng. Cho nên sự chiến thắng không thể lặp lại, mà ứng với hình thì vô cùng.

Kể ra hình của binh thì như nước. Hình của nước thì lánh chỗ cao mà rảo xuống thấp; hình của binh thì lánh chỗ thực mà đánh chỗ hư. Nước thì nhân đất mà nắm sự chảy của nó; binh thì nhân địch mà nắm sự chiến thắng.

Dám hỏi: Quân địch chỉnh bị sắp đến đánh ta thì ta đối phó thế nào? Trả lời: Tình4 của binh là cần phải chóng. Thừa chỗ người không kịp, mà đi vào đường không ngờ, đánh vào chỗ không phòng bị vậy. Phàm làm quân khách, vào sâu đất người thì phải chuyên không đánh được người chủ ngay thì phải cướp lấy đồng tốt, cho ba quân đủ ăn, nuôi dưỡng cẩn thận, đừng bắt nhọc mệt. Gồm khí chứa lực, cùng phép binh, đặt mưu kế, làm cái không thể lường được, xông vào chỗ không có chỗ đi, chết cũng không chạy, mà chết sao được, vì quân lính đều hết sức. Quân lính chịu hãm thì không sợ; không có chỗ đi thì phải bền; vào sâu thì giữ; bất đắc dĩ thì đấu. Thế cho nên binh không sửa soạn mà có răn phòng; không cầu mà được; không ước mà thân; không hiệu lệnh mà tin. Phải rõ ràng điều cấm và bỏ sự ngờ vực, đến chết cũng không bỏ đi đâu. Quân ta có thừa của, không phải là ghét của đâu! Không có sống thừa, không phải là ghét thọ đâu! Ngày ra lệnh, quân sĩ ngồi mà nước mắt thấm áo, nằm mà nước mắt chảy quanh cằm. Xông vào chỗ không có chỗ đi thì cũng như dũng của Chuyên Chư và Tào Quệ5 vậy. Cho nên người giỏi dừng binh ví như con suất nhiên, suất nhiên là rắn Thường-sơn, đánh đầu thì đuôi nó đến, đánh giữa thì đầu và đuôi nó đều đến. - Dám hỏi: Có thể làm như con suất nhiên được không? - Trả lời: Được. Phàm người Ngô cùng người Việt rất ghét nhau, nhưng đương lúc đi cùng thuyền mà gặp bão thì cứu nhau như tay phải tay trái. Ấy cho nên buông ngựa chôn xe cũng không đủ cậy được mà phải cùng nhau mạnh như một người, đó là đạo dùng binh. Cho nên người giỏi dùng binh, nắm cả quân như sai một người, ai cũng phải làm, không ai không được.
________________________________________
1. Tôn tử, thiên IV.
2. 24 lạng làm một dật.
3. Một lạng là 24 thù.
4. Tình và hình là nội dung và hình thức.
5. Chuyên Chư là thích khách của nước Ngô thời Xuân Thu. Công tử Quang muốn giết vua Ngô, mời vua Ngô ăn tiệc, sai Chuyên Chư giấu dao trong bụng cá mà giết. Tào Quệ người nước Lỗ thời Xuân Thu. Tề bắt Lỗ phải nộp ấp trại. Khi về Lỗ họp nhau ăn thề. Tào Quệ cầm dao nhọn bắt hiếp Tề Hoàn công và nói lời khảng khái, Hoàn công phải trả lại đất cho Lỗ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 09:04:24 pm »


III – ĐẶT KỲ

Đồng cỏ rậm rạp để làm nơi trốn tránh; khe hang hiểm trở để làm nơi đỗ quân; ải tái núi rừng để lấy ít đánh nhiều. Nhanh như nước chảy, nhạy như máy nổ, là để phá thuật tinh; đặt phục đặt kỳ, xa trương lừa dụ, là để phá quân bắt tướng; xé bốn chia năm, là để đánh trận tròn trận vuông; nhân họ sợ hãi, là để lấy một đánh mười; nhân họ mỏi mệt không phòng, là để lấy mười đánh trăm; khua trống om sòm, là để làm mưu chước lạ; gió to mưa lớn, là để trói trước bắt sau; ngụy xưng là sứ của địch, là để cắt đứt đường lương; lộn sòng hiệu lệnh, ăn mặc như địch; là để phòng khi thua chạy. Hoặc nửa đêm sai người đến lũy địch, ở ngoài chín trăm bước, đều ra lệnh cho lớn tiếng la vang, hô cho rối lên, quân địch ắt loạn, thì nhân đó đánh luôn hẳn thắng.


*
*   *

Sách Võ kinh:

Thái công nói: Phàm điều cốt yếu của việc dùng binh, khi đương đầu với địch mà đánh thì phải đặt xung trận cho tiện chỗ quân ở, rồi sau dùng quân xa kỵ chia làm trận ô vân. Đó là phép kỳ trong sự dùng binh. Gọi là trận ô vân, nghĩa là quạ bay tan, mây họp lại biến hóa vô cùng vậy. Võ vương khen phải1.


*
*   *

Sách Kinh thế:

Trên con đường chính, ta thì đi, địch thì lại, ta thì tranh, địch thì chống, không thể thành công được. Người dùng binh không ra ở chỗ đáng ra, mà ra ở chỗ không đáng ra. Chỗ thung lũng không đóng đồn, chỗ đường tắt không canh gác; chỗ đất không có thành, có thể đến đấy thì lợi, có thể đến đấy thì thắng. Chỗ tất đánh thì thường vững; chỗ thành tất đánh thì thường bền; thời giờ tất đánh thì người ta thường cảnh giác, không thể thành công được. Người giỏi dùng binh không đánh ở chỗ nên đánh, mà đánh ở chỗ không nên đánh. Muốn lấy bên đông thì đánh bên tây; nó hẳn không bỏ phía tây mà phòng phía đông. Muốn lấy phía sau thì đánh phía trước; nó hẳn không bỏ phía trước mà phòng phía sau. Đó là điều tình người không ngờ. Có thể lừa được thì thắng. Vạn người làm một quân, chẳng qua là vạn người. Năm vạn người làm một quân, chẳng qua là năm vạn người. Mười vạn người làm một quân, chẳng qua là mười vạn người. Ta có số quân ấy, địch cũng có số quân ấy, không thể thành công được. Người giỏi dùng binh thì không chuyên chú ở một quân. Ngoài binh chính còn có binh khác; ở chỗ không có binh mà đều là binh. Có du binh để quấy rối, có xuyết binh2 để mà kéo dài; có hình binh để làm ngờ mắt họ; có cử binh để làm ngờ tai họ; là để làm rối thế của địch. Có thể làm rối được là thắng. Có mấy điều kỳ ấy là quân tất thắng. Ít có thể thắng nhiều, yếu có thể thắng mạnh. Xưa kia Đường Tử-thức ở nước Thục, cùng với bọn xá nhân3 được biếu một hũ rượu, năm người giữ lấy, bốn người yến tranh không thể được. Bèn chọn một tên nô lệ nhanh nhảu, bảo nỏ rằng: “Ta reo mà vào chúng nó phải bỏ hũ rượu đấy mà chống nhau với ta, thì mày kíp vào mà lấy rượu: lúc đó ta đánh lừa chúng nó là ta đánh phía tả nhà ấy, chúng nó hẳn đem hết quân mà chống ta ở phía tả, khi chúng nó thắng mà trở lại thì đã mất hũ rượu rồi”. Người giỏi dùng binh nên như Đường Tử-thức lấy hũ rượu, có thể bảo là người trí vậy. Con chuột bò ra, nhìn bên tả ba lần, nhìn bên hữu hai lần, tiến ra một tấc thì lùi lại ba lần, tiến ra một thước thì lùi lại hai lần. Ta cười cái trí của người vụng dùng binh cũng dáng như con chuột thập thò ra ngoài cửa lỗ vậy. Tình người ta bắt đầu thì sợ, lâu thì ổn định. Người sợ thì có thể quấy, người định thì không phạm được. Người giỏi dùng binh, nhân sợ mà làm trước  Địch đương sợ thì nghìn dặm không xa, bao lần cửa cũng không ngăn trở, trăm vạn quân cũng không nhiều. Người mang bánh khô, ngựa mang đậu hấp, gấp đường mà tiến, thâu đêm mà đi, như gió lướt, như sấm giật, chính đương lúc ấy thì vua tôi địch hoang mang, nhân dân tan tác, tướng sĩ không bền chí, đánh một nơi mà chín nơi tự vỡ, đánh bên đông thì bên tây tự vỡ, đánh phía nam thì phía bắc tự vỡ. Binh khí chưa dùng mà sự tan nát đã có thể thu được vậy.

Phàm đạo dụng binh, không gì thần bằng được cơ. Ly Chu4 chưa soi đuốc, Mạnh Bôn5 đương ngủ say, đó là thời để dùng cơ vậy. Rình bắn con chim đã sợ, rình bắn còn thỏ chạy đi, trước sau không đầy chớp mắt, xa gần cách nhau không tới một phân, đó là cái hình dùng cơ vậy. Cơ một ngày không trở lại, một tháng không trở lại, một năm không trở lại, mười năm không trở lại, trăm năm không trở lại, thế nên người trí giả tiếc lắm.

Hai quân gặp nhau mà bày trận, hoặc quân ta ở xa mà lại, cái đêm mới đến, hoặc là cái đêm đối với địch chưa phân được thua, hoặc là cái đêm mưa gió tối tăm, hoặc là cái đêm quân ta chợt phải lo lắng, hoặc là cái đêm trong quân có việc cầu thần, yến tiệc, quân địch thường mưu nhân lúc ta mỏi mệt không phòng bị mà cướp dinh chiếm trại, cốt để làm cho ta xúc cảnh mà kinh lòng. Ban ngày ta nên tỏ ra vẻ rất mệt, rất bực, rất thê lương; đến buổi chiều thì vượt dinh, đặt quân phục, hờ dựng cờ xí, đèn lửa trong dinh chỗ sáng chỗ tắt xen nhau, không bỏ trống canh mà chờ đợi. Bốn bề đặt súng cho dày mà lặng nghe. Đợi khi quân địch vào phục, hẹn lấy 3 khẩu súng hay 5 khẩu súng, cứ đúng số mà đều bắn. Quân phục nghe số súng phù nhau thì bốn mặt vùng dậy. Nếu không ước định số tiếng súng thì sợ khi quân địch còn chưa vào cõi, tự bắn mấy tiếng đè thăm dò ý quân ta, quân phục ta dậy trước chỉ là vô ích. Khi quân phục đã dậy đón đánh, thì quân đại dinh theo sau mà giáp đánh. Sợ đêm tối không phân biệt được người này người khác thì khiến quân ta đều thổi một cái ống sậy làm hiệu để khỏi nhầm lẫn.

Nếu tính đường đất, địch có thể đến giờ ngọ thì tới, thì ta liền đêm dời dinh đến nơi đất hiếm có thể đặt quân phục ở cách hai ba chục dặm, chiếu theo phép vượt dinh đặt phục trước mà làm, khiến địch thấy dinh của ta bỏ không cho là ta nhát, ắt đuổi theo ta. Kịp khi đến dinh của ta thì mặt trời đã chiều, ta cứ theo như phép trước mà làm thì được. Vì lấy quân ít mà thắng quân nhiều, không khó nhọc thì không được; không phải đã chiều thì không được. Nếu gặp chỗ cỏ cây rậm rạp, nhân gió phóng lửa, lại rất dễ làm.
_______________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 48.
2. Xuyết binh: Binh để bổ xuyết, để bổ sung.
3. Chức quan nhỏ ở thân cận tả hữu một chức quan lớn.
4. Ly Chu: Tức là Ly Lân, người thời Hoàng đế, mắt rất sáng, trông xa ngoài trăm bước.
5. Mạnh Bôn: Lực sĩ thời Chiến quốc, Người nước Vệ, cũng có sách chép là Mạnh Thuyết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 09:11:49 pm »


*
*   *

Sách Võ kinh:

Thái tôn hỏi: Phép trận tứ thú lại lấy bốn âm thương vũ chủy dốc làm tượng là nghĩa gì? - Tĩnh thưa: Đó là cách đánh lừa vậy. Thái tôn hỏi: Có thể bỏ được không? - Tĩnh thưa: Giữ đó tức là bỏ đó. Nếu bỏ mà không dùng, thì lại càng là lừa dối lắm. Thái tôn hỏi: Thế là thế nào? - Tĩnh thưa: Mượn tên bốn giống thú và hiệu trời đất gió mây, lài thêm phối với thương là hành kim, vũ là hành mộc, chủy là hành hỏa, dốc là hành thủy, đó đều là cách lừa dối từ xưa của nhà binh. Giữ thế là thừa để lừa dối rồi, không cần thêm nữa. Nếu bỏ đi thì cái thuật khiến kẻ tham kẻ ngu do đâu mà làm được? Thái tôn nói: Khanh nên bí mật, đừng tiết lộ ra ngoài.


*
*   *

Sách Binh lược:

Như xưa Tây-sơn Nguyễn Huệ chống nhau với Thạc võ công1 ở bên Thúy-ái, ra quân kỳ theo đường tắt mà vào thành nhà Lê, Chúa Trịnh vừa đi về miền Tây thì trong phủ đã dựng cờ Tây-sơn rồi.

Năm Kỷ dậu; tháng giêng ngày mồng 5, Nguyễn Huệ chia quân ra làm ba đạo cùng với quân Bắc2 tiếp chiến, mà thủy binh tiến đậu ở sông Nhị-hà, đó là mưu chẹt đường về của quân Bắc vậy.

Làm tướng cầm quân mà không có thể nương dựa nhau thì thế nào cũng thua. Như Lý Hiển-trung3 ở cuối đời Tống chống nhau với nhà Kim, mà Hoành Uyên thu quân về không cứu viện, để Hiền-trung quân cô không có viện, thua ở Phù-ly, đó là tội của Uyên vậy. Bắc triều đem quân, cùng quân Tây-sơn tiếp chiến, một trận mà thất thủ, vì cớ không có quân cứu viện vậy.


*
*   *

Binh pháp nói “Chẹt cổ họng giữ chỗ hư”. Như ba tướng Từ, Tôn, Lưu4 vâng mệnh đi đánh giặc, giặc lại vào Thái-nguyên, toan do Bảo-định qua Cư-dung mà tiến đánh Bắc-bình. Tôn tướng quân đốc quân sáu vệ đủ để chống giữ Bắc-bình. Lưu nhân giặc không phòng bị, thẳng đến Thái-nguyên, đánh đổ sào huyệt của giặc. Giặc tiến thì không thắng được, lui thì không có chỗ dựa, nếu trở về Thái-nguyên thì đã bị Từ, Lưu khống chế rồi, tiến thoái đều không lợi, hẳn là bị bắt.

Bỏ chỗ thực mà đánh vào chỗ hư, đó là cái diệu của việc binh. Thực là nơi nhóm họp binh lương; đánh vào chỗ thực thì việc càng khó. Người giỏi dùng binh bỏ chỗ thực mà giã chỗ hư. Chỗ hư ấy là chỗ thực của ta, trên dưới chấn động, dẫu có bậc trí giả cũng không mưu tính gì được.

Có khi bỏ chỗ thực giã chỗ hư mà có được có thua. Như Hán Cao tổ làm khốn quân Sở. Hạng Vũ đem quân đánh Tề, quốc đô của Vũ bỏ không, Hán Cao tổ bèn đem quân chư hầu kéo thẳng vào Bành-thành. Đó là cái diệu biết giã chỗ hư vậy. Nhưng vì nảy sinh ra lòng ham muốn, thu được người đẹp và của báu, đặt rượu mở hội, không biết chẹt đường về của Hạng Vũ, cho nên khi Vũ nghe được tin, tự đem ba vạn tinh binh mà cả phá được quân Hán.

Lại ví như bày nghi binh ở một nơi khiến quân địch bỏ không nước để chống cự, ta bèn đem binh kỳ đánh thẳng vào chỗ hư, bao nhiêu kho tàng của địch bị ta chiếm cả, ta đắp lũy để giữ, đặt binh để phòng, khiến địch không có chỗ mà về, như chim vỡ tổ, như thỏ mất hang, không trốn vào đâu đtrợc. Đó là chước của Hàn Tín dùng mộc anh5 để đánh nước Ngụy, dựng cờ đỏ6 để úp nước Triệu vậy.

Địch sợ ta không dám tới gần, thì ta lui đồn mà phục kích là hẳn được. Ta cầm quân bức địch, chặt gỗ làm rào phên, sợ địch không dám giao phong, thì ta nói phao là lui về để chờ cơ hội, triệt bếp núc để cho nó tin. Thế rồi đặt quân phục ở các nơi, hẹn nghe có tiếng trống thì đánh. Rồi quân địch mừng là ta đi, tức thì phát quân tiến đến. Ta truyền cờ nhỏ bảo trống khua lên, quân phục bốn mặt vùng dậy đánh. Phao tiếng hư, khiến địch ngờ là thực.
_______________________________________
1. Tức là Thạc quận công Hoàng Phùng Cơ; tướng của Trịnh.
2. Tức quân Thanh.
3. Lý Hiển-trung: Thời Tống Cao tôn, Hiển-trung chống nhau với quân Kim ở Tức-châu, Thiệu Hoành-uyên đóng quân không đến cứu viện.
4. Từ là Từ Đạt, Tôn là Tôn Hưng-tổ, làm tướng đời Minh Thái tổ, vâng mệnh đi đánh chiếm kinh đô nhà Nguyên là Bắc-bình và đuổi đánh vua Nguyên là Khoáng-quách Thiết Mộc-nhĩ ở Thái-nguyên. Theo Minh sử thì đánh Thái-nguyên với đại tướng quân Từ Đạt là Thường Ngô-xuân chứ không thấy có tướng nào họ Lưu cả.
5. Mộc anh: Cái bình bằng gỗ. Thời Hán Cao tổ, Hán Tín đánh Ngụy vương Báo, Tín giàn rất nhiều quân và thuyền ở đất Lâm-tấn, giả làm định cho quân sông đò ở đấy, nhưng ngầm sai quân lính phục ở đất Hà-dương, cho quân lính dùng những bình bằng gỗ kết lại thành bè, sang qua sông đánh úp An-ấp, bắt Ngụy vương Báo.
6. Xích xí: Cờ hiệu của nhà Hán, màu đỏ. Thời Hán Cao tổ, Hàn Tín đánh Triệu vương Yết, bày trận quay lưng ra sông. Quân Triệu mở cửa thành ra đánh. Tín giả cách thua bỏ cờ trống. Quân Triệu bỏ thành ra đuổi Tín và cướp lấy cờ trống. Tín thừa lúc ấy, đem 2.000 kỵ binh vào trong thành của Triệu, vất bỏ cờ của nước Triệu, cắm 2.000 lá cờ hiệu của Hán. Quân Triệu không đuổi được Tín, muốn vào thành thì thành đã cắm cờ của Hán rồi. Quân Triệu rối loạn, quân Tín đánh sát, phá được quân Triệu, bắt được Triệu Yết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2008, 08:43:25 pm »


*
*   *

Phàm quân ta mới thắng1...

Mưu. Mưu lạ có thể làm một lần mà không thể làm hai được. Ta có trí mà địch không phải là không khôn, chỉ là trí của ta tính được trước, mà địch thì chưa tính kịp, nên địch sa vào trí của ta. Nếu lại cứ đem mưu trước mà làm thì ít khi không bị địch đem kế để phá kế vậy.

Đón chặn đường về. Đại khái dùng binh thì phải trong ngoài nương tựa nhau mới thắng. Cúc-thành Ngỗi2 đóng thành tự giữ, sai gọi con là Hàn ở Đồ-hà về. Hàn nói: “Quân địch nhiều quân ta ít, khó lấy sức mà thắng được, xin làm binh kỳ ở ngoài, cùng với quân gián điệp mà đánh. Nếu dồn quân làm một thì địch được chuyên ý đánh thành, không phải đắc sách”. Ngỗi theo lời. Vũ-văn đại nhân là Tất-độc3 nghe tin nói rằng: “Hàn không vào thành, sợ có thể làm lo cho ta, nên đánh trước đi”. Bèn chia sai mấy nghìn quân kỵ đánh úp Hàn. Hàn đặt quân phục để chờ, hăng đánh, đều bắt được cả. Thừa thắng rồi khinh tiến, sai gián sứ về nói với Ngỗi đem quân cả đánh. Mới bắt đầu giao phong, Hàn đem nghìn quân kỵ do một bên thẳng vào dinh địch, buông lửa đốt. Quân địch cả thua.
_______________________________________
1. Trích Hổ trướng khu cơ, chương “Dạy quân đánh giặc” đoạn 11, đây xin bỏ, xem ở sau.
2. Cúc-thành Ngỗi: tức là Mộ-dung Ngỗi, thiền vu nước Tiên-ty. Thời Tấn Mẫn-đế, bị Đông Di hiệu úy là Thôi Bí âm kết với nước Cao-cú-ly và bọn Vũ-văn và Đoàn Quốc đến đánh. Cúc-thành tức là chỗ Ngỗi đóng đô.
3. Vũ-văn: Quân trưởng Tiên-ty, họ là Vũ-văn, đời đời tập phong là đại nhân. Tất-độc tức là Vũ-văn Tất-độc. Đại nhân tức là quân trướng của Tiên-ty.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2008, 08:45:12 pm »


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:
 
Liệu địch mà xuất kỳ kế. Kỳ lại ra kỳ, kỳ không có hạn; diệu mà rất diệu, diệu thật không cùng. Nam mà đánh bắc, bắc lại phòng nam. Đông mà ngờ tây, tây phòng đông trước. Tuy nói quyền mưu không thể đặt trước, nhưng phải phòng trước thời; biến cố không thể dè trước, nhưng phải phòng lo toan. Biến thì biến không cùng, cơ thì cơ không lường được. Cho nên cá lớn lội ở chỗ nước nông, bắt sống được chẳng cần chài lưới; thú mạnh đã vào đồng nội, bắt tay được chẳng cần bẫy hầm. Đuổi hổ trừ lang không phiền sức khoẻ; trị binh chống địch chẳng mượn uy ta. Ấy nên rồng gầm trời nhả mưa, hùm thét nước sinh gió. Xã tắc nghiêng bằng tùy miệng biển, non sông thay đổi cậy môi giao. Dân là gốc nước, gốc bị sâu thì nguyên khí suy; gỗ làm cột rường, cột bị mục thì nhà ta đổ. Vận may đi thì lòng người dễ tan; giặc hòa đến thì một cuộc1 khó chống. Cho nên không học thì ra chiến trận như lòng say mà không biết, cầm cờ búa như bó tay mà chờ suy.

Phàm thắng địch là nhờ ở kỳ. Họp thì làm quân chính, chia thì làm quân kỳ. Họp và chia chỉ ở sau một tiếng trống hay hai tiếng trống. Quân gấp mười thì vây, quân gấp năm thì đánh, đó là quân chính vậy. Lấy ít mà đánh đổ nhiều, đó là quân kỳ vậy. Quân chính thì bộ khúc rõ ràng, đúng theo pháp độ. Quân kỳ thì không cần pháp độ bó buộc, nghìn biến muôn hóa, ngồi thì làm, đánh thì đâm, một lúc đều đứng dậy. Đến khi muốn thôi thì trở về đội ngũ.

Giả như đại quân ở trước gặp địch thì chỉ huy cho chính binh ở tiền chi ứng phó; nếu như tả gặp thì tả ứng phó, đó là quân kỳ.

Thủy bộ hai quân tiếp nhau, làm chính làm kỳ, theo hình mà đổi dùng, như lấy thủy binh làm chính thì lấy bộ binh làm kỳ, như lấy bộ binh làm chính thì lấy thủy binh làm kỳ.
____________________________________
1. Một cuộc tức là chỉ có một chước cứng nhắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2008, 08:47:35 pm »


*
*   *

Sách Võ kinh:

Đem quân vào sâu trong đất chư hầu, cùng với quân địch tương đương, nhiều ít mạnh yếu ngang nhau, chưa dám đánh trước... Như thế thì phải đem quân ta cách địch mười dặm mà phục ở hai bên; đem quân xa kỵ đi trăm dặm mà vượt cả trước và sau, dựng thêm nhiều cờ xí, thúc thêm chiêng trống. Khi đánh nhau thì vừa đánh trống vừa la reo mà đều dậy. Tướng địch hẳn phải sợ là quân mình kinh hãi, nhiều ít không cứu được nhau, sang hèn không xứng được nhau, địch tất phải thua1.

Ví như quân phục ở giữa đường ta đi, thì đặt quân phục, dùng lối giả cách chạy để đánh giáp lá cà. Quân phục ở giữa đường địch đi, thì đặt quân phục dùng lối chạy ra đón đánh. Tùy cơ ứng biến, để mật thư vào cẩm nang, trao cho tướng tâm phúc giỏi, kín đáo mai phục, cầm nhiều chiêng trống, cờ xí, súng ống, để dùng làm rối lòng và mắt của địch, mà phép cho quân phục dậy cũng phải ước định trước. Chỉ xem trên núi nọ nổ mấy phát súng, ban ngày vẫy mấy lượt cờ, ban đêm treo mấy cái đèn, một lúc mà đều phù hợp thì mới có thể cho quân phục dậy. Vì sợ quân địch đa trá, hoặc thấy hình thế có chỗ ngờ mà vô cớ nổ súng, hay cho người cầm cờ lên núi dò xét, chợt có ám hợp mà quân ta vội dậy thì hẳn là hỏng việc. Nếu như bọn giặc giảo trá, hoặc tụ hoặc tán, đóng giữ nơi rất hiểm, reo hò khua trống bắn súng nhử ta ra đánh, rồi nó lùi ngay, chờ ta vừa quay về thì nó lại giả cách đuổi, đuổi thì trống và reo rầm rộ, lùi thì dọc đường ngầm cắm chông độc, phục quân ở chỗ hẹp, đợi ta đi vào chỗ hiểm thì lấy là đắc kế. Như ta thế lớn, đánh gấp ngày thì nó hẳn lẩn vào lèn đá trốn đi các ngả, tóm lại là không thể đuổi theo được giặc. Nếu có đuổi thì ta phải chia quân làm ba đường: một đường do giữa mà đuổi về trước, hai đường tả hữu thì lên núi, gác cầu mà đi, giặc dù giảo hoạt cũng không làm gì được. Đại phàm quân ta tiến lui, không gác cầu thì không thể đi được. Tướng sĩ các ngươi phải tuân theo mà làm.

Hoặc sức quân mỏng yếu, hay là đại quân chưa nối đến, quân đi trước bị thế cô, địch ỷ thế lớn lại lấn áp ta, thì khi đó cái thế quân nhiều quân ít quá xa nhau, lui không thể được, chống thì khó địch, phải dùng phép “đằng dinh phục lộ”2. Trước phải thăm dò cho xác thực, tính biết xa gần. Nếu địch có thể đến buổi chiều, thì ta đóng chặt rào trại, hư trương cờ trống, để tỏ ra thế liều giữ khó phạm được, cho địch sinh ngờ; đồng thời ngầm phục binh ở bốn mặt hiểm, đợi khi địch chủ trì không vững, tự nhiên đóng dinh, trong khi đóng dinh chưa định, thì ta bốn mặt đều nổ súng, làm cho địch sợ hãi. Nếu địch rối loạn thì ta thừa thế nổi quân phục đánh ngay. Ta nhân nó nhọc, có thể thu được cái công lấy ít phá nhiều. Địch nếu thua lui, thì ta trước phải ở các nơi khe núi rậm kín trương nhiều cờ xí đèn đuốc, chiêng trống súng ống vang lên, thì chẳng những có thể giúp được thế cho ta, có thể rối được nó, mà lại khiến địch không biết số quân ta nhiều hay ít mà không dám trở lại nữa.
_______________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 37.
2. Vượt dinh mà mai phục ở đường, xem ở phần trên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2008, 08:49:50 pm »


*
*   *

Hoạt. Hoạt có mấy mối: Có thể lâu, có thể tạm, đó là hoạt ở thời; có thể tiến, có thể lùi, đó là hoạt ở địa; có thể đi, có thể lại, đó là hoạt ở đường; có thể đừng đó, có thể chuyển dời, đó là hoạt ở cơ. Binh phải hoạt mới động được; kế phải hoạt mới làm được. Tuy thế, trong hoạt cần phải có nghiêm. Nếu nơi nơi đều dùng hoạt cả mà không lưu lại để tiếp sau thì làm cô quân, không dính với đàng sau, thì gọi là cùng sách.

Việc biến ảo ở chẳng định, cũng biến ảo ở có định. Có khi lấy việc thường mà biến đi, lại có khi lấy việc biến mà biến đi. Biến là không cùng; có thể làm thì làm lại, làm lại tức là biến, ước chừng là biến mà không biến. Không thể làm được thì biến; biến tức là làm lại, vì rằng biết là biến mà lại biến vậy. Cũng như muôn áng mây chỉ là một khí, nghìn làn sóng chỉ là một sóng; là cái ấy mà cũng không phải là cái ấy.

Sách Tôn tử:

Phàm trị quân nhiều cũng như trị quân ít, bởi vì đã có phân số. Đấu nhiều quân cũng như đấu ít quân, bởi vì chỉ là hình danh vậy. Ba quân đông đúc, có thể thụ địch mà không thua, bởi vì có kỳ và chính. Binh đánh vào như lấy đá ném vào quả trứng, bởi vì hiểu rõ hư thực. Phàm chiến đấu, lấy đạo chính để hợp, lấy đạo kỳ để thắng. Cho nên người giỏi dùng kỳ thì vô cùng như là trời đất, không hết như là sông biển; đến cuối lại về đầu là nhật nguyệt; chết mà lại sống là bốn mùa. Tiếng chẳng qua năm cung, năm cung biến ra thì không thể nghe xiết được. Sắc chẳng qua năm mầu, năm mầu biến ra thì không thể xem xiết được. Mùi chẳng qua năm vị, năm vị biến ra thì không thể nếm xiết được. Thế chiến chẳng qua chính với kỳ, chính kỳ biến hóa không thể cùng vậy. Chính kỳ sinh ra nhau như vòng xoay tròn không có đầu mối, ai biết thế nào là cùng1.


*
*   *

Nước xiết chảy nhanh đến trôi đá là thế vậy; chim dữ bay nhanh đến què gãy là tiết vậy. Cho nên người giỏi đánh thì thế hiểm mà tiết có quy củ. Thế như là nỏ dương, tiết như là nảy máy. Rối bời mà không thể loạn; tròn trạnh mà không thể hỏng. Loạn sinh ra ở trị, khiếp sinh ra ở dũng, yếu sinh ra ở mạnh. Trị với loạn là số vậy, dũng với nhát là thế vậy, mạnh với yếu là hình vậy. Cho nên người giỏi động địch, lấy hình mà động thì địch phải theo; đem cho mà động thì địch phải lấy. Dùng lợi nhà động, lấy gốc mà đãi. Cho nên người đánh giỏi thường tìm ở thế, không trách ở người, cho nên mới chọn người mà dùng thế, dùng thế là đánh người vậy. Cũng như chuyển gỗ đá vậy. Tính gỗ đá để yên thì tĩnh, gặp nguy thì động; hình vuông thì đứng, hình tròn thì lăn. Cho nên cái thế giỏi đánh người cũng như lăn đá tròn ở trên núi cao nghìn nhẫn vậy. Đó là thế vậy.
__________________________________
1. Tôn tử, thiên V.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2008, 08:54:05 pm »


IV - DÃ CHIẾN

Sách Kinh thế:
 
Khi hai quân gặp nhau ở trên cánh đồng bằng, giặc chia mấy đường mà lại, quân ta cũng chia mấy đường mà ứng, chỉ cần lên một nơi gò cao, thế giặc thế nào, có thể thấy cả được. Đất bằng chia quân cũng dễ ra sức. Tức như nếu trước sau có giặc, quân ta cũng theo đó mà chia ra, quân trước thì chống ở trước, quân sau thì chống ở sau, chỉ huy thư thả, không nên vội vàng thất thố mà chuyển quân trước chống ở đàng sau.


*
*   *

Phép gài tên dưới đất1.


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:
 
Phép đánh nhiều quân. Phàm đánh nhiều quân thì lợi ở đồng bằng. Kíp thì có thể vây, đánh cả quân viện, cắt đứt đường lương, phục binh mà đánh, hễ quân có lợi thì thôi.

Phép đánh ít quân. Phàm đánh ít quân thì gọi là quả, lợi ở chỗ hiểm ách, hoặc nhân lúc rối ren, hàng ngũ chưa chỉnh, dinh trại chưa yên, đương ăn chưa xong, ít quân càng phải quấy rối.

Phép đánh bằng voi. Phàm đánh bằng voi thì lợi ở đồng bằng. Nếu voi địch đến đánh, thì lợi ở dùng tre gai và chông; dùng hỏa công, hỏa tiễn mà đánh, hay nhử vào nơi bùn lầy mà đánh.

Phép đánh bằng ngựa. Phàm đánh bằng ngựa thì lợi ở đất thập thắng, kiêng ở đất cửu bại2. Quân ngựa của địch đánh ta ở đồng bằng, thì dùng chông, hầm hố, dây thừng; nếu như gặp ta ở nơi bùn lầy, thì họ phải bỏ ngựa mà đánh.

Phép đánh ở bãi cát. Nếu đánh ở bãi cát dài thì khi quân địch đến đánh, ta dồn cát thành đống mà mai phục, đợi địch đến được nửa trên nửa dưới thì đánh, hẳn thắng.

Khi địch nhiều quân, thì ta nên lánh nơi bằng phẳng, đón ở nơi chật hẹp, khua trống mà dậy, địch dầu quân đông, không thể không rối ren. Vì lấy ít đánh nhiều, không gì hay bằng ở nơi hiểm trở, cho nên nói dùng quân ít cần phải ở đất hẹp; hoặc chia làm quân kỳ quân phục, hoặc tan làm nghi binh, quấy rối cho nhiều, thế thì địch không biết giữ thế nào.

Binh pháp nói: Dùng quân ít càng phải quấy rối.
_______________________________________
1. Trích một chương của sách Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem ở sau.
2. - Đất thập thắng: Mười thế đất đánh thắng. (Đừng lộn với “thập thắng” ở trên). - Đất cửu bại: Chín thế đất đánh thua.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM