Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:31:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188511 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2008, 12:02:06 am »


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí:

Ta đến trước chiến địa, bày trận ở nơi cao; quân sĩ đã ở trận, quân địch đến sau, không được địa lợi, người ngựa qua lại, ngờ sợ không nhất định, trên dưới kêu gọi, có thể đánh gấp, không còn phải ngờ nữa.

Quân địch đặt dinh lâu ngày, nhiều lần đến đánh ta, thấy không có lợi, tướng sĩ chán lười, có thể ngầm đánh úp được. Nếu quân ta đóng dinh lâu, có sự cớ riêng, hoặc thiên thời chưa định. hoặc còn chờ quân cứu đến, cũng nên nghiêm hàng ngũ, rõ hiệu lệnh, ngày đêm thường tỏ ý chống giặc, không nên để quân lười biếng, sợ bị đánh bất ngờ.

Nếu thấy dinh địch người ngựa bời bời rối loạn, ngang dọc ra vào không thứ tự, chụm năm chụm ba, ngồi đứng không nhất định, đó là tướng không nghiêm; hoặc là tướng lại thay đổi, lòng người không yên, quân lệnh chưa nghiêm, có thể là quân địch sẽ kéo lại đánh ta, ta nên chuẩn bị để chống.

Quân địch lập dinh đã lâu, thình lình rộng đặt khói lửa, càn sinh cơ biến, đó là muốn bỏ dinh không mà đi đánh nơi khác, cho nên bày gian làm dối; hoặc ý muốn rút quân, sợ ra đuổi theo, cho nên hư trương để đành lừa. Như thế thì nên gấp sai những kẻ nghĩa hiệp sắc sảo nấp ở chốn yếu hại để đón đánh.

Nếu địch ít quân mà đặt dinh lũy rộng rãi, hư trương quân thế, nhử người ngựa của ta, ta giả đến chống cự, thì nó hẳn chia người ngựa đến con đường khác, đánh vào chỗ không ngờ của ta. Ngày xưa rợ Tây Nhung xâm phạm bờ cõi, đặt hư dinh ở Phu-diên1, rồi đem đại quân đến Kinh-nguyên, đánh vỡ quân ta.

Đại quân của địch bỗng đến, mà quân ta có ít khó bề đối phó, thì không nên đương đầu đón cản, quân ít không địch nổi. Nên đến nơi yếu hại, đợi nó qua nửa chừng, khi đại binh đã đi rồi, đón ở giữa đường, hoặc triệt lương cỏ, giặc muốn họp vây thì quân ta chống lui chiếm lấy nơi cao, thuận thế đi lại, đánh thì hẳn được.

Địch nếu rộng, bày cớ xí ở núi cao lũng rộng, giương quân mà đi, thì hẳn có quân tinh kỵ phục ở đường tắt, ngầm tiến đánh dinh trại ta ở nơi chẳng ngờ. Ta nên đặt cao vọng lâu để nhòm, hoặc có nơi bụi bay chim liệng, thì kén ngay tinh binh hoặc kỵ binh đi trước thám xét, quả có quân giặc thì chia quân ra nơi yếu hại mà đón2.

Phàm đội ngũ bị quân địch bức đánh đông quá không chống được, thì các đội ngũ lân cận đều phải cùng ra sức cứu viện.

Phàm mười người địch một thì vây; năm người địch ba thì đánh; hai người địch một thì chia quân kỳ phục3.

Phàm binh đương đánh nhau, các đội khiêu đãng4, kỳ binh, thì quân và ngựa nên lường mà rút người các đội để bổ vào, tức tùy các đội mà rút bắt người ngựa5.
_________________________________
1. Thuộc tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc.
2. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 5. chương “Liệu địch”.
3. So với Tôn tử ở thiên “Liệu địch”.
4. Quân khiêu đãng là quân cưỡi ngựa để đi thăm dò ở trước, cũng gọi là thám kỵ.
5. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 5, chương “Ứng chiến”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2008, 12:08:39 am »


*
*   *

Sách Binh lược:

Đem quân vào sâu trọng địa, phải có kế khéo để về. Đem quân vào sâu trọng địa, ở đời gần đây có ba cuộc là: Quân năm Giáp ngọ1 (của họ Trịnh), quân năm Bính ngọ2 (của Tây-sơn), quân năm Kỷ dậu3 (của Bắc triều) mà có cách không về khác nhau. Vì quân năm Giáp ngọ là quân tham, hành động không chính đáng, đã không phải là quân mưa phải thời, huống lại để binh ở lâu đến chín năm. Giặc mạnh Tây-sơn4 thì để đấy mà không hỏi, tự lấy làm yên, đến nỗi quân chiếm đóng đều bị úp đổ. Đó là vì cớ không khéo về vậy. Quân năm Bính ngọ cũng là quân xâm lược mà thôi; nhưng khi mới vào thì ba quân của họ Trịnh tản mát chưa có thể họp được ngay, khoảng đó dù có trung thần nghĩa sĩ, mà trí không kịp mưu, dũng không kịp quyết, liệu thế về hẳn không ngại, thì về chóng là kế rất hay. Đến như năm Kỷ dậu, quân Bắc sang Nam, tự cho là thành Lê đã khôi phục rồi thì việc cứu nhà cháy thương láng giềng, nghĩa không còn nữa, mà một cõi Ái-châu để cho giặc mạnh nuôi uy, cho nên quân địch áp vào cõi, thì quân muộn dặm5 treo vào không có chỗ nào mà về nữa. Tuy thế quân tự đất Bắc lại đây không rõ thế địch, nên vụng ở chỗ liệu người, ở yên cẩu thả, nhưng vua Lê phải chịu trách nhiệm vậy.

Đồng-quan6 là nơi hiểm yếu, lấy chắc bền mà chống giữ, chẳng bằng phía Bắc giữ lấy Bồ-bản, sang sông mà tiến vào phương Tây, tới nơi lòng ruột, đặt quân ở nơi tử địa, thì vòng vây ở Hoa-châu7 không đánh tự tan. Đồng-quan đã tan, thì địch trông vào trong mà chạy. Các chi tiết đã tan rồi, đất Trường-an có thể ngồi mà lấy được.

Địch kia sợ gì thì dùng cái sợ đó mà đánh, không khi nào là không thắng. Ví như địch sợ cung tên thì ta lấy cung tên mà đánh, khiến mất tinh thần. Gần đây như Tây-sơn thấy quân Bắc sợ voi, thì dùng voi để đánh, đó là được ý ấy vậy. Cái gì địch xem khinh thì dễ để chống địch; cái gì làm địch sợ hãi thì khó mà liệu địch.

Quân địch sắc lắm, hẳn là tính kế vạn toàn. Nếu có vấp ngã thì khí họ hăng lên mà việc ta hỏng vậy. Chi bằng ta đóng đại quân ở núi Phúc-chu để chống, nó đi không hàng 200 dặm mà chẳng được gì, khi sắc đã nhụt, chợt thấy đại quân hẳn là sợ hãi, ta tiếp quân giữ bền trận mà không giao chiến, nó muốn đánh mà không được đánh tự nhiên tan chạy. Đó là thượng sách vậy.

Quân Ngô nhẹ mà ít, lợi ở sự đánh liền. Nên giữ Đại-nghiễn8, khiến nó không vào được, kéo dài ngày giờ, để tan nhuệ khí, rồi sau dần dà kén quân tinh kỵ, vận lương, sắc cho Đoàn Huy đem dân Duyện-châu9 do phía đông mà xuống đánh cả bụng lưng. Đó là thượng sách.
_______________________________________
1. Binh Giáp ngọ: Tức là quân của Hoàng Ngũ Phúc, do Trịnh Sâm phái vào đánh Thuận-hóa.
2. Binh Bính ngọ: Tức là quân Nguyễn Huệ ra đánh Thăng-long, Trịnh Khải thua chạy.
3. Binh Kỷ dậu: Tức là quân của Tôn Sĩ-nghị nhà Thanh xâm lược nước ta, bị Nguyễn Huệ đánh đuổi tan tành.
4. Tác giả là tôi nhà Nguyễn nên xem Tây-sơn là cừu thù.
5. Chỉ quân Tôn Sĩ-nghị.
6. Cửa quan ở huyện Đồng-quan, tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc.
7. Hoa-châu, đất tỉnh Thiểm-tây ngày nay.
8. Đại-nghiễn: ở phía nam tỉnh Sơn-đông, là nơi địa thế hiểm trở.
9. Duyện-châu là miền đông nam tỉnh Hà-bắc và miền đông bắc tỉnh Sơn-đông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:33:43 pm »


*
*   *

Một là luận về miếu thắng1.

Hai là luận về chịu mệnh2.

Ba là luận về vượt cõi3.

Bốn là luận về luỹ cao hào sâu.

Năm là luận về đánh trận gia hình4.

Năm điều ấy, trước phải liệu địch mà sau mới hành động, thế là khua trống mà cướp không vậy. Người khéo dùng binh có thể cướp người bằng cách không cướp, cho người mà là cướp vậy. Ấy là tâm cơ vậy.


*
*   *

Phép đánh đêm, lợi ở bí mật hoặc lẻn quân ngậm tăm, xuất kỳ bất ý; hoặc dùng nhiều lửa và trống, làm cho rối cả tai mắt, ruổi nhanh mà đánh thì hẳn thắng.


*
*   *

Thái công nói: Như trong đồn sở của ta, chợt có người đến báo có giặc ở chỗ nọ chỗ kia, tức phải đem quân đi ứng phó, đi thì do đường quanh, rất không nên đi đường thẳng, vì giặc tất sai người phục trước rồi, sợ là giặc cho đó là đường trọng yếu mà đánh úp ta vậy.


*
*   *

Phòng địch thì trước phao tiếng mà sau làm thực, đó là yếu sách của nhà binh. Tất phải biết người biết mình, xét kỹ hư thực. Ví như địch chợt phạm cõi biên để cho biên thần cáo cấp rồi lại giải tán. Ta cho biên thần báo hão, nghe ngoa truyền ngoài đường, hoang mang thất thố. Muôn một nó lấy tiếng hư làm cho ta sợ để ta chạy vạy mỏi mệt, lâu rồi trễ nải, chợt nó kéo đến, đó là nó phao tiếng trước mà làm thực sau, nhiều phương lừa ta làm cho ta phạm cái lỗi không biết người biết mình, trăm trận trăm thua. Tướng ngoài biên lầm lỗi phần nhiều là do đó. Cho nên đừng lấy địch không đến làm mừng, mà nên lấy biên thần không biết địch tình làm lo hơn.

Hai quân một quân ngoài một quân trong thì thuật là thế nào? Trung-quốc cùng với Man Di, địa thế và kỹ thuật khác nhau. Sở trường của Trung-quốc thì ở quân xe, quân ngựa, nỏ cứng giáo dài, tay giáo mác tay nỏ tên, võ biền rong ruổi, chọi gươm chọi kích ở đất bằng. Sở trường của Man Di là ở núi đèo khe suối, cúi nghiêng ruổi bắn, chịu đựng gió mưa đói khát. Lấy người Trung-quốc đánh người Man Di, sao bằng lấy người Man Di đánh người Man Di là kế hay hơn. Lại cho họ áo giáp bền, gươm giáo sắc, thêm có quân kỵ tốt của biên quận. Đến như đất bằng đường phẳng, thì lấy xe nhẹ cho võ biền chế ngự. Đại để gặp địa hình Man Di thì dùng kỹ thuật giỏi của Man Di mà chống, gặp địa hình Trung-quốc thì dùng kỹ thuật giỏi của Trung-quốc mà chống, đó là thuật vạn toàn vậy.
______________________________________
1. Miếu thắng. Mưu kế để chiến thắng của Triều đình.
2. Tức là đại tướng chịu mệnh của vua.
3. Vượt cõi là vượt bờ cõi nước mình mà sang đánh nước khác.
4. Đánh trận gia hình là đánh trận mà trừng trị kẻ có tội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:36:20 pm »


*
*   *

Đánh kẻ lớn của họ mà lòng họ tự phục. Bọn đầu sỏ làm loạn nghịch, bọn tiểu loại phản bội phụ theo, đem quân mà phá không bằng dùng kế mà phá. Khi đi thì sẵn sàng chiến đấu, khi dừng thì đóng vững dinh trại. Khao quân lính, đặt xích hậu ra xa, không cùng địch đánh nhau mà chỉ vụ dùng uy tín để chiêu hàng những bọn nhỏ. Bọn lớn đã tan, tất bọn nhỏ cũng không phải phiền đến binh mà hạ được. Đó là kế của Triệu Sung-quốc đánh Tiên-linh vậy.

Vào sâu lũy địch mà đánh thắng thì có thể rút lui để tránh mũi nhọn. Ta đem cô quân tiến vào sâu, trước sau đều là lũy địch, quân lính biết chắc là chết, không ai không muốn trong sự chết ấy cầu lấy sống, cho nên đều hết sức để đánh lấy thắng. Nhưng quân địch gấp ta mười lần, nay đánh một trận mà lui được thì thế nào nó cũng quay trở lại, ban đêm đánh úp thì ta nguy. Nên chiều hôm dời dinh đi. Quả đêm địch lại, chỉ thấy dinh không thì cả sợ. Ta nhân lúc bất ý, đánh thì thắng ngay.

Phàm động binh phải đo đắn có lợi cho nhà nước, giúp đỡ được nhân dân, thêm trọng được uy danh thế lực. Nếu được không bù mất thì không phải là lợi tốt. Đi xa có chắc khỏi lo không? Ra chỗ hiểm có chắc khỏi hại không? Xông trận có chắc khỏi thua không? Đánh thắng có chắc khỏi tổn không? Lui mà không mất đất thì lui, lánh mà giữ được toàn thì lánh. Chạy mà có chỗ dụ địch, hàng mà có chỗ đặt mưu, bỏ mà có chỗ giữ; mất mà có chỗ thu, thế thì sự chạy, sự hàng, sự bỏ, sự mất, người hành binh phải dùng trí để xem cho có lợi.

Đại phàm dùng kế, không phải chỉ một kế mà làm riêng được, mà phải có mấy kế để giúp đỡ nhau. Lấy mấy kế giúp một kế, do trăm nghìn kế kén lấy vài kế. Cho nên người khéo dùng binh định làm kế gì, cốt phải thực hành. Vận dụng khéo tất phòng tổn thất; lập mưu phải lo sự thay đổi; sai tướng phải ngừa sự trái lệnh; chước này bị ngăn trở thì chước kia nảy ra; một mối đến mà mấy mối nổi lên; trước chưa làm mà sau lại đủ. Trăm kế lần lượt nảy ra, không sót chước nào. Tuy tướng trí giặc mạnh cũng có thể chế được ngay.


*
*   *

Sách Tôn tử:

Phàm giữ chiến địa trước để đợi địch thì nhàn; đến chiến địa sau mà mưu thắng thì nhọc. Cho nên người giỏi đánh, khiến người đến mà không bị người khiến đến. Khiến được người tự đến là lấy lợi mà nhử. Khiến người không được đến là lấy hại mà dọa. Cho nên địch nhàn thì có thể làm cho nhọc; địch no thì có thể làm cho đói; địch yên thì có thể làm cho động. Ra cái chỗ họ không tới; tới cái chỗ họ không ngờ. Đi nghìn dặm mà không nhọc, ấy là đi trong chỗ không người. Đánh mà muốn giữ được, phải đánh chỗ họ không giữ. Giữ mà muốn vững được, phải giữ chỗ họ không đánh. Cho nên người giỏi đánh thì địch không biết lối nào mà giữ; người giỏi giữ thì địch không biết lối nào mà đánh. Nhỏ nhặt thay nhỏ nhặt! đến không có hình. Thần tình thay thần tình! đến không có tiếng. Cho nên nắm giữ được tính mệnh của địch... Ta không muốn đánh thì vạch đất mà giữ. Địch không đánh được với ta, là vì ta làm ngang trái sự đi của nó. Cho nên ở người thì có hình mà ở ta thì không hình. Ta thì chụm mà địch thì chia; ta chụm làm một mà địch thì chia làm mười, thế là lấy mười mà đánh một, thế thì quân ta nhiều mà quân địch ít. Có thể lấy nhiều mà đánh ít, thì ta đánh với nó ít thôi vậy. Cái chỗ ta sẽ đánh với nó thì không biết được; không thể biết được thì nó phải phòng bị nhiều nơi; nó phải phòng bị nhiều nơi thì ta đánh với nó ít thôi1.


*
*   *

Bốn điều khó: Chẹt quân địch đã hằng chiến thắng mà cướp chỗ đất tất phải tranh thì khó tiến; ở chỗ thành cô nguy mà làm chước đóng giữ lâu dài thì khó giữ; quân ngựa không đủ, trưng điệu2 không đáp ứng thì khó đánh; tiền lương thiếu thốn, chuyên chở chậm chạp thì khó thắng. Binh mã lương liền không đủ, không phải tội ở tướng quân; binh mã lương tiền không tiếp đến thì đừng đem ba quân mà thử chơi. Triều đình phải chịu trách nhiệm. Biết được sự khó thì thành dễ vậy.
_______________________________________
1. Tôn tử, thiên VI.
2. Trưng điệu; Tức là lấy lương và lấy binh ở dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:39:08 pm »


*
*   *

Trong thế dùng binh, có khi nên hoãn, có khi nên cấp; nếu thế của ta và của địch ngang nhau, mà ở ngoài địch có viện mạnh, sợ có sự lo ở chỗ lòng bụng, thì nên đánh. Nếu địch mạnh ta yếu mà không có viện ở ngoài, thì nên ràng buộc giữ lại để chờ nó chết. Binh có khi có tiếng trước mà sau có thực; có khi có tiếng trước mà sau không có thực, đó là chỗ thần diệu của binh. Tiếng là tiếng sắp đánh, khiến cho địch sợ hấn khích1. Đã cướp được tinh thần rồi, thì sau mới làm cái thực của binh2.


*
*   *

Võ hậu hỏi: Ta muốn xem bề ngoài của địch để biết được bề trong; xét sự tiến để biết sự dừng lại mà định sự được thua, có thể nói cho nghe không? Khởi thưa: Quân địch đi đến, nhởn nhơ không lo, cờ xí rối loạn, người ngựa ngơ ngác, thì một người có thể đánh được mười người, hẳn khiến họ không thể kịp trở tay. Các nước chư hầu chưa họp, vua tôi không hòa, hào lũy chưa sửa, lệnh cấm chưa ra, ba quân xôn xao, muốn tiến không tiến được, muốn đi lại không dám, lấy một nửa mà đánh gấp đôi, trăm trận cũng không nguy3.


*
*   *

Phàm địch tất có nhằm chỗ cậy mà hành động. Trước hết ta phải xem nó nhằm vào đâu mà cướp mất chỗ cậy ấy đi. Địch cậy có mưu sĩ thì ta phải khử đi; địch cậy ở tướng giỏi thì ta phải triệt đi; cậy ở người thân tín thì ta phải làm cho xa đi; cậy ở danh nghĩa thì ta phải phá đi; hoặc làm ngờ mà lay cỗi gốc; hoặc nhắm trúng vào chỗ yếu hại; hoặc làm hỏng mưu bí mật; hoặc làm lìa bọn thân tín; hoặc phá mất chỗ nương tựa; hoặc phá cả chỗ lợi quen. Người có nhãn (chỗ cậy) thì sáng, chơi cờ có nhãn (mắt) thì nhanh, dứt mất cái nhanh, diệt mất cái sáng (tức chỗ cậy), há không phải lấy điều cốt yếu để chống địch sao?
_______________________________________
1. Hấn khích: Tình hình chống chọi đánh nhau.
2. Tức là mới đánh thực.
3. Ngô tử, thiên II.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:43:20 pm »


II – QUYẾT CHIẾN

Ban ngày lên thang mây để trông xa, đặt cờ ngũ sắc để làm hiệu; ban đêm đặt muôn ngọn đuốc hiệu, đánh trống lớn, giục trống trận, thổi kèn loa.

Sách Võ kinh1:

Võ vương hỏi: Nửa đêm giặc đến đánh ta ở trước sau thì làm thế nào? - Thái công thưa: Như thế gọi là chấn khấu2, lợi ở ra đánh, không nên bền giữ. Kén quân giỏi của ta, chia làm tả hữu, đánh mau ở trước, đánh gấp ở sau, quân nó phải loạn, tướng nó phải sợ. - Võ vương hỏi: Ban đêm ta đương đi, địch ngăn đón trước sau, quân ta không thể tiếp nhau được thì làm thế nào? - Thái công thưa: Phải xét rõ hiệu lệnh của ta, cho quân nhuệ sĩ ra, mọi người cầm đuốc lửa, hai người cũng đánh trống, tất biết quân địch ở đâu, hoặc đánh ở trong ở ngoài, mà khiến nó cùng biết. Khiến tắt lửa và im trống, trong ngoài đều ứng, hẹn nhau đều đúng, ba quân đánh mau, quân địch ắt thua. Thế nên bảo rằng đánh ban đêm phải có nhiều trống và đuốc vậy. - Võ vương hỏi: Quân địch nhiều quân ta ít, thế không tương đương thì làm thế nào? - Thái công thưa: Kén quân giỏi của ta, phục ở tả hữu, bày vững trận mà khiến quân địch qua đó, quân phục giương nỏ bắn ở hai bên, hoặc trước hoặc sau, quân địch hẳn phải chạy... Hàng ngũ đã định, quân lính đã bày, pháp lệnh đã ra, quân kỳ quân chính đã đạt, đều đặt quân xung trận ở ngoài núi, tiện cho quân ở đâu thì chia quân xe và quân kỵ làm trận ô vân3, ba quân đánh mau, thì quân địch dẫu nhiều, tướng cũng bị bắt. - Võ vương hỏi: Ta muốn lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh thì làm thế nào? - Thái công thưa: Lấy ít đánh nhiều, thì phải nhè lúc mặt trời đã chiều, nấp ở nơi cỏ rậm, đón ở nơi đường hẹp. Lấy yếu đánh mạnh thì phải nhờ được nước lớn ủng hộ và các nước láng giềng giúp đỡ... Thái công thưa: Dối đặt mưu nhử để huyễn hoặc người tướng, khiến họ dời qua đường khác mà đi qua nơi cỏ rậm, theo lối đường xa, làm cho đến lúc trời chiều, quân đi trước chưa sang được sông, quân đi sau chưa kịp tới, cho phục binh ta nổi dậy, đánh mau vào hai bên, cho quân xa kỵ làm rối loạn cả trước và sau, quân địch dẫu nhiều thì tướng cũng phải chạy. Thờ vua nước lớn, bạn với kẻ sĩ nước lớn, hậu của, nhún lời, như thế thì được nước lớn ủng hộ và nước láng giềng giúp đỡ. -.Võ vương hỏi: Thập thắng (mười phần thắng cả) là thế nào? - Thái công thưa: Quân địch mới đến, hàng trận chưa định, trước sau không liên lạc, hãm quân tiền kỵ, đánh cả bên tả bên hữu, địch ắt phải chạỵ. Hàng trận của địch tề chỉnh kiên cố, sĩ tốt muốn đánh. Quân kỵ của ta cứ ở bên mà quanh quẩn đó, hoặc ruổi mà qua, hoặc ruổi mà lại, nhanh như gió, dữ như sấm, ban ngày như đêm tối, hằng đổi hiệu cờ và thay y phục, như thế hẳn thắng. Quân địch không có nơi hiểm trở giữ bền mà vào sâu đuổi dài, ta dứt đường vận lương thì địch hẳn đói. Quân địch trở về buổi chiều hôm, quân đông, hàng trận hẳn rối loạn. Hạ lệnh cho quân kỵ ta 10 người thành một đội, 100 người thành một đồn, 5 xe làm một tốp, 10 xe làm nhóm, dựng nhiều cờ hiệu, xen lẫn nỏ cứng, hoặc đánh ở hai bên, hoặc chặn ở trước sau, thế thì có thể bắt được tướng địch. Đó là phép thập thắng của kỵ binh vậy. - Võ vương hỏi: Quân bộ đánh với quân xa kỵ thì làm thế nào? Thái công thưa: Quân bộ đánh với quân xa kỵ, phải dựa vào gò đống hiểm trở, binh khí dài và nỏ mạnh ở trước, binh khí ngắn và nỏ cứng ở sau, khi phát khi nghỉ, xa kỵ của địch dẫu nhiều mà đến, ta cứ bền trận đánh nhanh, đặt quân giỏi nỏ mạnh để phòng bị ở sau. - Võ vương hỏi: Thí dụ bây giờ ta không có gò đống, không có chỗ hiểm trở, mà quân địch đến đánh, thì làm thế nào? - Thái công thưa: Sai quân sĩ ta làm mộc mã4 và chông tật lê5, đặt đội ngũ trâu ngựa, làm thành bốn trận võ xung; trông quân xa kỵ của địch sắp đến thì đều đặt chông, đào đất quanh ở sau, rộng sâu 5 thước, gọi tên là mệnh lung6. Người thì cầm mộc mã mà tiến bước, dàn ra làm lũy, mà trước sau thì dựng thành đồn; quân giỏi nỏ mạnh phòng bị hai bên tả hữu, rồi sau ra lệnh cho ba quân đều đánh mau mà đừng trễ nải. Võ vương khen phải.
_______________________________________
1. Phần Lục thao.
2. Giặc sét.
3. Trận ô vân: nghĩa là quạ bay tan, mây hợp lại biến hóa vô cùng.
4. Cũng gọi là cự mã mộc, tức cản gỗ giống hình con ngựa để chống ngựa.
5. Chông tật lê là thứ chông sắt hình như quả tật lê có gai bốn phía.
6. Cái lồng trí mạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:45:35 pm »


*
*   *

Phàm việc binh là cái cửa chết, không thể đem cái lòng tham sống mà xử trí được. Có bụng muốn tự giữ trọn thì hẳn phải mất; có kế muốn lui nghỉ thì hẳn bị phá; muốn giữ vẹn vợ con, vợ con tất bị bắt; muốn giữ vẹn nhà cửa, nhà cửa tất bị diệt. Người khéo dùng binh, chỉ có tiến mà không có lui, tuy lui là để giúp cho tiến; có trước mà không có sau, tuy sau là để giúp cho trước; có chóng mà không có chậm, tuy chậm là để giúp cho chóng; có đánh mà không có giữ, tuy giữ là để giúp cho đánh; có toàn mà không có nửa, tuy nửa là để giúp cho toàn.

Đánh mà khó thắng thì chống; đánh mà tĩnh dục1 để chống. Dựa thành để chống, mà cái chỗ cậy không phải là thành; vững vách để chống, mà cái chỗ cậy không phải là vách; giữ núi để chống, cách sông để chống, mà cái chỗ cậy không phải là núi và sông. Phải nghĩ là có thể yên có thể nguy, có thể tạm có thể lâu. Tĩnh thì mưu, động thì có lợi. Cách chống đánh có mấy trăm mối; khi nhiều khi ít, khi hợp khi nhân, khi tiến khi gặp; khi xông mà đập, khi nhân mà đánh, khi lần lượt, khi bám sát, khi hoãn, khi chóng, khi lớn, khi nhỏ, khi lâu, khi tạm, khi đuổi, khi chống, khi nối, khi chẹt, đều phải hợp hòa với phép. Quân ngựa, quân bộ, đóng đội, đóng dinh, dàn trận, cắm lũy, sắp hàng, xông tới, theo sau, họp lại, tản ra, nghiêm phép, riết lệnh, dạy thử, so sánh, nước lửa, thuyền bè, xe cộ, đều phải cho đúng. Ngày đêm rét nắng, gió mưa mây móc, sớm tối trăng sao, sấm sét băng tuyết, đều phải theo thời. Hang núi, sông chằm, rộng hẹp, xa gần, bờ biển, rừng sâu, đất bùn, hang hố, ngõ hẻm, đường rộng, bãi cát, hang đá, cửa ải, đều phải theo địa thế.

Đến như thì hành kế sách thì phải mưu mẹo, khích lên, ứng lại, nhử mồi, dụ dỗ, hư trương thanh thế để đánh úp, đặt phục, khêu chọc, cướp bóc, bày đặt sự cưới gả, đón đường triệt đánh, tiếp gót đi theo, khi nắm cơ thì tự phải biến hóa, lánh ẩn, trang trí trò thần vật, bày đặt trò ma quỉ, bụi bặm đầy đồng, khói đuốc mù chói, đào dưới đất, bay trên không, thậm chí chẳng lúc nào là không xông pha xô đẩy, giáp quanh vây ập, áp bức dữ dội, luôn luôn làm cho khiếp sợ, say sưa cạm bẫy để tỏ mạnh bạo; thậm nữa thì làm cho đói mệt đau khổ, ép bức lẻ loi cho phải vỡ mà đầu hàng, lừa bắt cho giận tức, khích thêm máu hăng cho liều đánh, chợt sợ chạy về sau, rồi tiếp cứu cho qua nguy; võ khí tinh, kỹ thuật giỏi, có thể đánh tràn cả Hoa Di, đó mới là danh tướng.


*
*   *

Sách Kinh thế:

Xin nosi phép đánh: Địch mạnh thì nên dùng lối đánh tỉa. Địch ngang sức nên dùng lối đánh đường hoàng. Địch yếu nên dùng lối xông vào giày xéo, ngựa bọc giáp, quân bộ mạnh dạn, xông vào đi lại đánh giết, khiến cho địch tan tành. Thế gọi là phép nhân địch yếu, lấy mạng của ta chống kẻ yếu. Nhưng lấy yếu của ta mà chống kẻ mạnh, thì mình phải đánh trước, tả hữu chia nhau mà cướp, đó gọi là phép đánh vào chỗ mềm mà tranh thắng. Dự lập thế trận lạ, mở, chia, cắt, chặt; địch đột thì cho vào; địch xông thì ta xé; làm tan thế địch mà giữ vẹn sức ta; nỏ cùng mác hết thì bấy giờ quân phục mới dậy. Thế gọi là phép uốn mạnh chuyển đánh vậy. Nếu chưa đánh thì phải phòng bị giặc chợt đến. Đánh lui thì lo giặc ập đến. Thua chạy thì đừng ngả cờ, khiến địch không dám tới sát. Thắng thì đuổi rất nghiêm, khiến quân phục của địch không thể vùng dậy đánh. Nếu được như thế thì tiến có thể không thua, lui có thể không chết; cùng với ba quân quay đuổi nhau trong khoảng gió tung chớp giật, thì nhất định nắm được cơ thắng vậy.
_______________________________________
1. Chữ hán, nghĩa là lặng sạch ham muốn. Liên hệ với chữ “tĩnh thì mưu” ở dưới, có lẽ nghĩa là yên lặng trù mưu mà chống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:48:13 pm »


*
*   *

Thay đổi (canh).

Việc võ không nên nhàn. Quân đóng liền trong cõi, đánh luôn không nghỉ, thế mà muốn cho quân không mỏi mệt được sao? Duy có một cách là thay đổi thôi. Ta đánh một lần mà người ứng mấy lần thì người nhàn mà thành nhọc; người đánh mấy lần mà ta mấy lần nghỉ thì ta đảo nhọc thành nhàn. Nhàn thì có thể làm được việc; nhọc thì có thể thua. Không đem hết sức của cả quân cung cho việc đánh, thì thua có thể không lo, mà đánh thì cũng không rối.


*
*   *

Nếu ta đi cướp dinh giặc, lặng lặng kín kín, ngậm tăm lẻn đi, đến cách dinh giặc một nửa dặm đất thì ta mới đánh, đồng tiếng la to, nhưng không nên vội tiến, xem ở trong dinh, hoặc kêu rối rít, hoặc chạy tứ tung, thì ta thừa thế đánh tới, có thể thu toàn thắng. Nếu thấy nó im lặng không động, lâu không có hơi tiếng gì, đó hẳn là có phòng bị, quyết không thể tiến lên trước được, tức phải kết trận mà lui chóng, không nên khinh thường.

Phàm khi chặn định, tất trước phải để đất dư; binh có đất dư để khỏi vội vàng khi lâm sự. Khi hai quân đã cử binh, thì cố nhiên ứng theo đại thế mà đều lên. Nhưng đội ở mặt trước phải cho thưa đều, mặt sau thời lưu lại 5, 7 đội chỉnh tề để chờ, một là có thể giúp uy cho đội trước, một là có thể thay phiên mà lần lượt ra đánh, một là ta có dự bị để tiếp ứng mà ra quân kỳ. Nếu nhất khái cử cả tới trước thì không khỏi có sự xô đẩy mà trở thành vướng tay, lại không có thể trong ngoài nương nhau mà ra quân kỳ được. Đó là bí pháp làm cơ vậy, tướng sĩ các người đều nên nhớ kỹ.


*
*   *

Sách Tôn tử:

Cho nên việc binh nghe vụng mà chóng, chứ chưa từng thấy khéo mà lâu. Việc binh kéo dài mà lợi nước, chưa từng có vậy. Cho nên không biết hết cái hại của sự dùng binh thì không thể biết hết cái lợi của sự dùng binh1.


*
*   *

Phàm đánh trận, phải trở lưng ra gió và nơi cao; bên hữu cao thì bên tả phải hiểm; qua chỗ nước chảy, chỗ đất lún thì nên ở vào nơi cao. Phàm đuổi vào đất giặc, tất có đường tiến. Lui thì phải lo có đường trở về.

Phàm đánh, kính nể thì hiềm nghi; đốc suất thì phục; trên bấn rộn thì khinh; trên nhàn rỗi thì trọng; tường cậy được là nhờ có dân; dân đánh được là nhờ có khí. Có khí thì đánh, không có khí thì chạy. Hình chưa gia, binh chưa tiếp mà đã cướp được địch, đó là quân của vương giả.

Phàm chưa gia hình mà đánh, dù quân nhiều cũng phải tan; thấy lợi mà đánh, dù quân ít cũng thắng, lợi là chỗ sở đoản của nó mà là chỗ sở trường của ta là thế. Thấy lợi thì dậy, không thấy lợi thì thôi. Thấy lợi thì nhân lấy thời; thời là cái đến không đầy chớp mắt, trước thì thái quá, sau thì bất cập. Sấm mạnh không kịp che tai, chớp nhanh không kịp nhắm mắt, tới thì như sợ, dụng thì như điên, người như thế thì lợi ở sự đánh người.

Quân ta bị địch vây, có thể quyết chiến có ba điều: Ngoài không có quân viện, đó là một điều nên đánh. Người mạnh ngựa khỏe, binh giáp sắc bền, mà lương chứa không đủ, đó là hai điều nên đánh. Thành trì không vững, người ngựa túng thiếu, đó là ba điều nên đánh. Đánh là do dũng khí, một lần trống thì khí bốc lên; hai lần thì khí suy; ba lần thì khí kiệt. Nó kiệt mà ta đầy cho nên ta thắng.

Nó đi bộ, ta đi xe, hễ gặp thì ta chẹt; cứ xếp mười xe một, tất đánh thắng... Đánh nhau với giặc Hồ, mây hợp khói tan, biến thái không thường, trong khoảng và bước thế cũng khác nhau; tới kỳ chợt ứng chỉ trong khoảng thở hút, thế mà hễ động là hỏi đại tướng, gặp việc đối phó không kịp, đó là không biết sự biến chuyển của binh vậy. Cho nên ta khiến quân biết ý tướng, tướng biết tình quân, theo đó mà đi, như cánh tay sai khiến ngón tay, quân tướng cùng quen, người đều tự đánh, như thế chẳng hay ư? Bày trận rồi sau mới đánh, đó là lẽ thường của binh pháp; vận dụng tài tình là do ở lòng.
_______________________________________
1. Tôn tử, thiên II.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 05:51:46 pm »


*
*   *

Sách Tôn tử:

Ba quân có thể đoạt được khí, tướng quân có thể đoạt được lòng. Ấy cho nên buổi sáng thì khí hăng hái, ban trưa thì khí uể oải, buổi chiều thì khí suy kiệt. Người giỏi dùng binh tránh lúc khí hăng hái, đánh ở lúc khí uể oải và suy kiệt; đó là cách trị khí vậy. Lấy trị mà đợi loạn, lấy yên tĩnh mà đợi ồn ào, đó là cách trị tâm vậy. Lấy gần mà đợi xa, lấy nhàn mà đợi nhọc, lấy no mà đợi đói, đó là cách trị lực vậy. Đừng đón cờ chính chính1, đừng đánh trận đường đường2, đó là cách trị biến vậy.

Cho nên phép dùng binh, gò cao chớ hướng vào; quay lưng vào gò chờ đón; giả chạy chớ theo; quân sắc chớ đánh; chớ ăn mồi nhử; chớ cản quân về; vòng vây tất bỏ hở; chớ đuổi giặc cùng. Đó là phép dùng binh vậy3.


*
*   *

Người giỏi dùng binh, lấy dụ dỗ đối người về theo, lấy yên tĩnh đối người nóng nảy, lấy trọng đối khinh, lấy nghiêm đối trễ, lấy trị đối loạn, lấy thủ đối công.

Đại yếu việc quân có ba điều: có thể đánh thì đánh, không thể đánh thì giữ, không thể giữ thì chạy, trừ ba việc ấy ra, chỉ còn việc chết thôi.

Thế mà nên có năm điều: 1) thừa thế; 2) khí thế; 3) giả thế; 4) tùy thế; 5) địa thế.

Phàm khi mới đánh vỡ được quân địch lớn, tướng sĩ hăng đánh, uy danh lừng lẫy, nghe đều khiếp sợ, quay cái thế đó mà đánh người, đó gọi là thừa thế. Tướng có uy đức, bộ ngũ chỉnh tề, quân có dư sức, tiếng tăm đều biết, mạnh như sấm sét, đó gọi là khí thế. Quân lính ít ỏi, trống cờ rộn rịp, trương làm nghi binh, khiến quân địch sợ hãi, đó gọi là giả thế. Nhân địch mỏi mệt trễ nải mà đánh úp, đó gọi là tùy thế. Tiện cho can qua, lợi cho bộ kỵ, tả hữu trước sau, không có chỗ hãm ẩn, đó gọi là địa thế. Người dùng binh mà nhận được năm thế ấy, chưa có ai là không có thể theo kẻ trốn đuổi kẻ thua mà dựng nên công to.

Thế mà thua có ba điều: 1) tỏa thế; 2) chi thế; 3) khinh thế.

Thua nhiều trận, quan và quân sợ đánh giặc, đó gọi là tỏa thế. Tướng không có uy đức, mưu kế, thưởng phạt không đáng, lòng quan và quân phần nhiều tan rã, đó gọi là chi thế. Quan và quân ồn ào, không theo lệnh cấm, bộ ngũ không nghiêm, đó gọi là khinh thế. Phàm dùng binh có ba điều ấy, chưa thấy có ai không tan quân chết tướng bao giờ. Phàm được quân địch tỏa thế thì có thể tự ngoài đánh được; địch bị chi thế thì có thể tự trong mà đánh; địch bị khinh thế thì có thể xông đánh. Đó là tùy ba thế bại mà đánh vậy.

Quân sắp ra đánh, nên biết gió mùa thổi hướng nào, nếu gió thuận thì gọi mà theo ngay, gió ngược thì bền trận mà chờ đó; trước xét ở trí ta, bảo là thiên quan4 mà là nhân sự thôi.
_______________________________________
1. Hễ thay quân địch cờ xí đường hoàng thì không nên đón đánh.
2. Hễ thấy quân địch bày trận nghiêm chỉnh thì đừng nên đánh.
3. Tôn tử, thiên VII.
4. Thiên quan: Chức quan xem thiên văn và thời tiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2008, 06:27:14 pm »


*
*   *

Ngày xưa ở thượng lưu mà mưu nổi loạn; đều vì trì hoãn mà đến thua. Hưu-phạm1 rút bài bọc cũ, đem quân xuống gấp để nhân sự không phòng bị của quân ta. Nay nên đóng quân ở Tân-đình và Bạch-hạ2, bền giữ cung thành, giữ thành Thạch-đầu để chờ giặc đến. Quân lẻ loi đi xa nghìn dặm, không chứa lương thực, cầu chiến không được, tự nhiên sẽ tan như ngói vỡ. Tôi xin đóng ở Tân-đình để chống mũi nhọn, chắc phá được giặc.

Ruộng ở Giang-bắc gặt hơi muộn, ruộng nước ở Giang-nam chín sớm, tính mùa thu hoạch của nó, ta trưng chút ít binh và ngựa, nói phao đánh úp, nó hẳn đóng quân để chống giữ, bỏ công việc mùa màng. Nó đã giữ binh thì ta bèn cởi giáp, hai ba lần như thế, nó cho đó là việc thường, sau ta họp quân, nó hẳn không tin, trong lúc do dự, ta bèn cho quân sang sông, đổ bộ mà đánh, khí quân thêm bội. Giang-nam đất xấu, nhà phần nhiều làm bằng tranh tre, kho chứa phần nhiều không phải là hầm dưới đất; nên bí mật sai người nhân gió phóng lửa. Chờ nó sửa dựng, rồi lại đốt lại. Không đầy vài năm, tài lực kiệt hết.

Binh pháp quý ở đánh nhanh; chủ thì quý ở trì trọng. Ngày nay nhà nước đủ ăn đủ quân, nên bền giữ lấy Đài-thành, theo ven sông Hoài mà lập rào phên. Bắc quân dầu lại, ta đừng giao chiến, nên chia quân cắt đứt đường sông, không cho nó thông được tin tức, và xin cấp cho thần một vạn tinh binh, ba trăm thuyền Kim sí, xuống sông đi qua chụp lấy Lục-hợp3. Đại quân nó hẳn cho là ta sang sông thì tướng sĩ nó đã bị bắt tù, tự nhiên tỏa khí. Nhân sĩ đất Hoài-nam vốn cùng thần quen biết, nay nghe thần đến hẳn là theo ngay. Thần lại nói phao là lại đến Từ-châu, chặn đứt đường về của nó, thì các quân nó không đánh cũng tự rút đi. Đợi nước mùa xuân ngập sông thì quân Chu La-hầu4 hẳn theo dòng mà đến cứu viện. Đó là chước hay vậy.
_______________________________________
1. Thời Nam Tống, Lưu Dụ, Vương Hưu-phạm phản, Tiêu Đạo-thành (sau là Nam Tề Cao đế) đem quân đi đánh. Khi đến Tân-đình, thành lũy chưa đắp xong mà quân của Hưu-phạm đã đến Tân-lâm. Đạo-thành cởi áo nằm khềnh ở Tân-đình để yên lòng quân.
2. Tân-đình và Bạch-hạ đều ở huyện Giang-ninh, tỉnh Giang-tô. Vua Vũ-đức nhà Đường đóng ở Kim-lăng, đổi Kim-lăng làm Bạch-hạ, dời trị sở đến thành Bạch-hạ cũ.
3. Huyện Lục-hợp thuộc đạo Kim-lăng tỉnh Giang-tô.
4. Chu La-hầu người ở Tầm-dương, làm quan nước Trần (Nam Bắc triều). Sau Tấn vương Quảng (tức Tùy Dạng đế sau này) đánh Trần, bắt được Trần chúa, La-hầu hàng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM