Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:58:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188514 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:21:26 pm »


Bài ca tập hỏa pháo1

Quân tựu trường tập,
Nghe ba hồi kiểng.
Chính phụ bày hàng,
Treo cửa châu mai.
Cắm cờ, mang bầu thuốc lại.
Tháo máy móc hậu, kéo súng vô.
Chắn hậu, đặt đòn ngáng lấy nút.
Chờ giở vung ngòi, nút gió.
Giơ tay chắn lỗ ngòi, gõ ba cái,
Giở nắp bầu thuốc, vào thuốc,
Ấn thuốc, nạp thuốc một lần.
Lấy đạn, nạp đạn ba lần.
Đậy vung ngòi về nạp.
Cất đòn ngáng, tháo máy móc hậu, kéo súng ra.
Hai dây quàng đốc.
Hai đòn cầm xe.
Giở vung ngòi, lay ngòi thăm thuốc.
Lấy bầu, giở nắp bầu, dỗ thuốc ngòi.
Đậy nắp bầu, cà thuốc.
Rút bầu, bỏ sau lưng.
Đậy vung ngòi, nhắm làn,
Hoặc thiên tả, hoặc thiên hữu,
Hoặc lấy cao lấy thấp, hoặc lấy làn ngay.
Lấy có, thổi hỏa mai.
Cất đòn xe, tháo dây.
Giữ quàng đốc.
Giở vung ngòi, châm.


Diễn hải pháo, hai người.

Kiểng hồi, quân tựu trường tập.
Chính phụ bày hàng,
Treo cửa châu mai.
Tháo máy móc hậu, kéo súng vô.
Chánh phụ đều chực mà chắn hậu.
Chánh đặt đòn ngáng lại, chắn lỗ ngòi,
Phụ lấy nút lên, mà chực nút gió.
Chánh phụ đều về.
Chánh lấy thuốc lên, xé bao vào thuốc.
Phụ cầm nắp mà ướm một chày.
Chánh ra lấy đạn, vào đạn rồi,
Lại chắn lỗ ngòi.
Phụ nặp đạn ba chày.
Chánh đậy vung ngòi, ra đòn ngáng.
Phụ về nạp, tháo hậu móc máy.
Chánh phụ đều kéo súng ra,
Hai dây máy bỏ đường xà.
Chánh phụ đều về.
Chánh lấy bầu ngòi mà vào.
Phụ lấy lồng đèn mà vô.
Chánh giở vung, lay ngòi, thăm thuốc.
Lấy bầu, giở nắp bầu, dỗ thuốc ngòi.
Đậy vung lên. Chánh phụ đều về.
Chánh treo bầu ngòi.
Phụ treo lồng đèn.
Chánh lấy cò vào mà chực.
Nhắm làn cao thấp.
Phụ thì giở vung ngòi ra.
Chánh kêu: “Tổng, bắt, cậy”, truyền chắn bắn.
_____________________________
1. Bài ca này và hai bài sau đều chép bằng chữ Nôm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:22:10 pm »


Thao diễn bắn súng quá sơn.

Phép truyền tập bắn quá sơn.
Hỏa liên cũng một phép nay rõ ràng.
Tua noi1 hiệu lệnh cho hòa.
Lập tức nghe ba hồi trống đã vang.
Súng đặt có hàng, binh đóng chỉnh nghiêm.
Thứ nhất tiếng kiểng dóng lên,
Thảy trong hàng ngũ đều yên xứ ngồi.
Thứ hai lại một tiếng bồi,
Lấy nút nút gió, chắn ngòi lại thăm.
Trước vào thuốc nạp một lần,
Sau vào đạn nạp là xong ba chày.
Tiếng thứ ba lay ngòi dỗ thuốc,
Rồi lấy vung đậy lên.
Tiếng thứ tư cầm cò thổi lửa,
Vung liền giở ra.
Thứ năm hai tiếng liền hòa bắn đi.


Thể lệ định phân số hộc phương thuốc súng.

Trong 100 cân cần dùng diêm tiêu 75 cân 10 lạng, lưu hoàng 11 cân 4 lạng, than 13 cân 2 lạng. giã chày nước 5 ngày đêm, thành thuốc 94 cân 11 lạng, trừ ngoài phi hao mất 5 cân 5 lạng. Giã bộ 6 ngày, thành thuốc 94 cân 8 lạng, trừ phi hao 5 cân 8 lạng. Thí nghiệm cho đúng thức hạng lớn 3 độ; hạng vừa 4 độ; hạng nhỏ 5 độ. Năm Tự Đức thứ 12 Binh bộ tâu xin 3 độ phải được 5 độ, 4 độ phải được 6 độ, 5 độ phải được 7 độ. Giã bộ 6 ngày, đổi làm 7 ngày. Kính vâng đã được chuẩn cho tại án.

Lại tra xét đến cách chế tạo ống phun lửa. Một ống cần dùng diêm tiêu 9 lạng 3 tiền 3 phân 4 ly, lưu hoàng 2 lạng 6 tiền 6 phân 6 ly. Than 1 lạng. Đến như thuốc đạn và phi hao thì không có định lệ. Mỗi một ống cần dùng 3 tờ giấy định, 5 sợi mây, 1 tờ giấy đại chia làm sáu ống, để trang thuốc ngòi, 1 tờ giấy trung làm ngòi, chia làm hai ống để bọc thuốc ngòi, giấy bản nhỏ 4 tờ để bọc ngoài ống, gạo trắng một bát để nấu hồ, phất giấy bọc 130 ống. Mỗi một ống đạn 5 lạng 9 phân, thuốc bắn 1 lạng 3 tiền 7 phân, thuốc phun 6 lạng 5 tiền 4 phân.

Thuốc ngòi: Diêm tiêu 1 lạng 2 tiền 5 phân, lưu hoàng 3 tiền 5 phân, than 3 phân.
_____________________________
1. Tua noi: Tiếng xưa nghĩa là nên theo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:26:22 pm »


IX – HIỆU LỆNH

Nghiêm. Hiệu lệnh mỗi khi phát ra, ba quân run sợ. Nghe trống thì tiến lên; nghe chiêng thì dừng lại; nghe súng thì đứng dậy; nghe kiểng thì đi ăn; nghe thanh la thì hăng lên; vẫy cờ thì chạy; mưa không tránh vào nhà; nóng không cởi áo giáp; nhọc không được bỏ khí giới; thấy khó không lùi; gặp lợi không lấy; hãm thành không giết càn; có công không được khoe khoang; đi nhanh không nghe tiếng; địch xung mà không động; địch chấn mà không kinh; bị úp mà không chạy; bị cắt mà không chia. Thế mới là nghiêm.

Tài miệng lưỡi. Thánh hiền lấy không có tài miệng lưỡi mà miễn lỗi. Binh pháp lại lấy tài miệng lưỡi làm có công. Cho nên người giỏi dùng binh lừa dối cũng làm, phải trái dùng tài, có khi phạm đến việc trời, có khi phạm đến tục cấm, có khi giả làm quỷ thần, có khi thác làm mộng mị, có khi đưa vật kì quái, có khi đặt lời sấm dao1, cử động mỗi khi mỗi khác, tiếng nói tùy lúc trái nhau, cổ lệ lòng quân, đập tan khí giặc, khiến người không thể lường được; khi thì cấm làm càn, rồi lại dùng làm càn, bởi vì lời nói càn dối, về việc chính đáng thì không đủ cậy, mà về sự giả thác thì lại có thừa.

Con gái. Đại tướng đời xưa, đôi khi có nhờ con gái. Gái dùng về văn để cho giặc vui thích chơi đùa; gái dùng về võ để tiến đánh, ruổi xe, giải nguy, gỡ nạn, dùng cơ ứng biến, đều có lợi cả.

Văn. Võ cố nhiên chỉ bàn về dũng. Nhưng tờ văn tờ hịch, có khi nhân một lời mà nước phục quân hàng. Sĩ tốt có hơi biết chữ thì cưỡi ngựa ngâm thơ, đi đường hát lái. Điều lệ cấm lệnh, khi rỗi thì khiến học tập cho quen, hiểu rõ được nghĩa, làm nhà binh quân tử sư nho2 thì cũng không hại gì.
______________________________
1. Lời ca dao đồng dao có điềm tốt xấu về tương lai.
2. Nghĩa là người quân nhân mà biết chữ thông văn thì cũng không hại gì.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:27:00 pm »


*
*   *

Người ta do lòng mà định lời nói, định lời nói để phát ra lệnh. Cho nên cần phải cổ vũ lòng hùng dũng, nói ra lời cứng rắn, mài sắc lòng sắt đá, nghiêm giữ khí phong sương, phát ra hiệu lệnh, nêu rõ phép quân.

Trước 3 ngày treo lệnh ở cửa quân(Treo mệnh lệnh trước 3 ngày rồi mới thi hành, để cho mọi người đều biết), sai quân chính đánh mảnh gỗ đi tuyên bố ở trong sáu quân. Ai phạm lệnh thì sai quân chính theo lệnh tập họp quân nhân, rồi sau mới hành hình, khiến cho sáu quân đều biết cả.

Đại tướng đã chịu mệnh, nắm giữ quyền đánh dẹp, khao quân ở đồng nội, rồi mới xuống lệnh. Ai không theo lệnh thì giết. Phàm nghe trống mà không tiến, nghe chiêng mà không dừng, cờ cất mà không đứng dậy, cờ hạ mà không phục xuống, thế gọi là quân trái; như thế thì chém.

Gọi tên không thưa, vời mà không đến, đi về trái hẹn, hành động trái luật, thế gọi là quân lờn; như thế thì chém.

Đêm giữ đánh kiểng, lười mà không đánh, giờ canh không đúng, khẩu hiệu không rõ, thế gọi là quân lười, như thế thì chém.

Nói nhiều lời oán, giận không được thưởng, chủ tướng sai khiến thì ương bướng khó trị, thế gọi là quân ngang, như thế thì chém.

Oang oang cười nói như không có người, trên ngăn cấm không thôi, thế gọi là quân kiêu, phải chém.

Giữ đồ khí giới, dây cung thì đứt, tên không có vè có mũi, gươm giáo han rỉ, cờ xí rách nát, thế gọi là quân dối, phải chém.

Nói vu nói dối, bày chuyện quỷ thần, giả thác mộng mị, lừa dối quan quân, thế gọi là quân yêu, phải chém.

Hễ đến nơi nào là lấn áp cư dân, thông dâm phụ nữ, thế gọi là quân gian, phải chém.

Nhanh mồm lém lưỡi, tranh cãi phải trái, gây oán với quan quân, lệnh xuống không chịu theo, thế gọi là quân báng, phải chém.

Lấy trộm của người để làm của mình, cướp thủ cấp của người để làm công mình, thế gọi là quân trộm, phải chém.

Hoặc nghe bàn mưu kế và hiệu lệnh, đem nói ra ngoài, để địch nghe biết, thế gọi là quân bội, phải chém.

Khi sai làm việc, ngậm miệng không thưa, gục đầu cúi mình, nét mặt khó khăn, thế gọi là quân nhát, phải chém.

Ra vượt hàng ngũ, tranh trước rối sau, bàn nói om sòm, không theo lệnh cấm, thế gọi là quân rối, phải chém.

Thác đau ốm để trốn khó nhọc, thế gọi là quân trá, phải chém.

Cầm giữ tiền thưởng, trong khi ban thưởng thì thiên vị người thân, khiến cho quan quân kết oán, thế gọi là quân sai, phải chém.

Xem giặc không rõ, thám giặc không tường, đông mà nói không đông, không đông mà nói đông, nhiều mà nói ít, ít mà nói nhiều, thế gọi là quân lừa, phải chém.

Trong khoảng dinh trại, không có việc khao thưởng mà vô cớ uống rượu, thế gọi là quân cuồng, phải chém.

Lệnh này đã lập, quan quân có ai phạm, theo quân pháp mà chém ngay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:29:25 pm »

*
*   *

Không dè dặt lời nói thì mưu phải tiết lộ; không có lệnh nghiêm thì việc hẳn rối; không ban thưởng thì quân sĩ hẳn lười; hàng ngũ rối loạn do ở ám muội, phải xem xét rõ ràng để chữa đi; đêm hôm sợ hãi, cần phải nghiêm túc mà ngăn ngừa.

*
*   *

Quân địch vào sâu đất ta, thành quách không bền, lương cỏ thiếu thốn, giữ thì không lợi, ở ta cần hẹn cho giặc là phải đánh. Kẻ nào nhát lùi thì bảo cho là tất chết, kẻ nào đánh bắt được giặc thì bảo cho là tất thưởng. Trong lúc đem quân ra trận, kẻ nào quay lại sau thì chém. Đánh địch mà mình không định, mắt thường lấm lét, thì phải chém. Có sắc lo buồn mà xoăn xoe, nhìn nhau mà chập chừng mắt, bỏ chiêng trống mà không đánh, đều phải chém cả. Được một thủ cấp thì cũng hậu thưởng. Như thế thì có thể dùng thế tán địa1 mà đánh.

*
*   *

Đại tướng dùng lễ để thi hành thưởng phạt thì quân sĩ không oán và người ta đều có lòng sợ.

Các điều quân lệnh, phải nghiêm ở trước khi xuất quân, khiến cho tai mắt thấm nhuần, tránh không dám phạm.

- Giả làm vẻ đau ốm mà trốn đi đánh và đi nửa đường mà trốn đánh thì chém.

- Cướp bóc tài vật của dân và hiếp dâm phụ nữ thì chém.

- Đào trộm mồ mả để lấy của cải thì chém.

- Nói chuyện riêng với địch để tiết lộ quân cơ thì chém.

- Tự tiện vào nhà dân ngủ trọ, lìa bỏ hàng ngũ, để mất trật tự thì chém.

- Đêm hôm vô cớ mà tiếng to ầm ĩ, làm kinh động quân, thì chém.

- Đêm hôm phát cháy, vì không cẩn thận mà cháy thì chém.

- Canh giữ và đi tuần sơ hở, kẻ địch thừa dịp hoạt động, thì chém.

- Tự tiện giết tướng tốt đầu hàng thì chém.

- Tướng tốt đầu hàng thì cha con, vợ chồng không được khiến họ chia lìa, làm trái thì chém.

- Đánh nhau vì tư thù mà đến chết thì chém, người cai quản cũng bị phạt.

- Làm hại tài vật của dân gian và trêu cợt vợ con của dân thì phạt trượng nặng.

- Chửi nhau riêng làm mất quân lễ thì phạt trượng.

- Trên dưới tranh giành nhau làm mất trật tự thì phạt trượng.

- Nhận riêng cơm rượu của người khác, để đến nỗi ăn lầm phải thuốc độc của địch, người cai quản bị tội nặng.

- Riêng cùng bọn phù thủy cùng người xem số, xem bói làm phiến động bằng việc họa phúc để cho quân tình ngờ vực, thì phạt trượng.

- Say rượu nói xằng làm mất trật tự, sau khi tỉnh thì phạt trượng.

- Phá rỡ nhà cửa của dân và chặt cắt hoa quả, thì phạt trượng.
_____________________________
1. Thế tán địa là địa thế của quân đánh giặc ở trên đất của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:32:01 pm »


Phát khẩu hiệu.

Buổi chiều, các viên cai án ở trong quân đều hầu quan tham tán, biên lãnh khẩu hiệu, mỗi canh đổi một khẩu hiệu, mỗi khẩu hiệu hai chữ, hỏi một chữ, đáp một chữ, thí dụ hỏi chữ “vũ” thì đáp chữ “cường”, hỏi chữ “dũng” thì đáp chữ “yên”.

*
*   *

Sách Kinh thế:

Quân đi không có phép chung, thì phần chia không thể hợp được, phần xa không thể ứng được, chỗ này chỗ kia làm sao hiểu được nhau, đó là đường thất bại vậy. Nhưng chung mà không kín, lại bị mưu địch thì hỏng. Cho nên không những phải dùng cờ vàng, ngựa chạy, lệnh tiễn, lửa đốt, khói bốc để báo tin cần kíp, mà hai quân gặp nhau nên kết ám hiệu, đi xa nghìn dặm nên dùng thư trắng viết không thành chữ, làm văn vô hình, làm thẻ không giấy để cho người đem đi không biết, người bắt được cũng không thấy gì, thực là thần vậy. Nhưng nếu cách địch khó đi, xa mà không tới được, thì lại xem cơ mà làm.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Ví như đem quân ta chia ra làm mấy nơi, muốn cho đúng hẹn về họp thì làm thế nào?

Thái công nói: Phàm phép dùng binh, ba quân đông đúc tất phải biến, khi phân khi hợp, đại tướng nên định trước nơi chiến và ngày chiến, rồi sau truyền gửi hịch thư cho các tướng lại, hẹn kỳ đánh thành vây ấp, đều họp ở một nơi để bảo rõ ngày đánh và từng giờ từng khắc. Đại tướng đặt dinh bày trận, dựng cây đo bóng ở trước trại quân, dẹp đường mà đợi. Các tướng lại tới đó, so xem ai trước ai sau, người đến trước hẹn thì thưởng, người đến sau hẹn thì chém. Như thế thì xa gần chạy họp, ba quân đều đến góp sức góp sức hợp đánh.

Vương hỏi: Ông giở sách Cấm thư1 xem ngũ âm thắng bại thế nào? – Thưa rằng: Phàm phép dùng binh, hiệu lệnh là tai mắt, dùng binh mà không rõ hiệu lệnh, như người mù đi đêm. Tôi xét trong kinh nói việc dùng binh, chuyên lấy hiệu lệnh làm gốc2.
_____________________________
1. Cấm thư: tức là binh thư, xưa là sách cấm.
2. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:38:55 pm »


BINH THƯ YẾU LƯỢC
QUYỂN II


I - HÀNH QUÂN

Trộm nghe luật quân rất nghiêm, nhà binh cần phải giữ vững. Cho nên nói “Tội lớn thì giết, tội nhỏ thì răn”, vì muốn khiến lòng quân sợ tướng hơn là sợ địch. Một khi quân lệnh đã ra thì nghiêm như sương mùa thu, chẳng ai dám phạm. Do đó nên ngày xuất quân phải vời hết những người quản suất đến để bảo cho những hiệu lệnh ước thúc, cho sao chép lại để khiến mọi người đều biết. Có bao nhiêu điều kể rõ ở sau:

- Phàm quân đi phải dùng người hướng đạo, vẽ đồ, vẽ các sông núi, nơi hiểm nơi dễ, thế thì như trông thấy giặc ở trước mắt. Trước hết kén những người am tường đường sá làm đội du binh (hoặc 2, 3, 4, 50 người , có ngựa thì càng hay). Trong đội phái ra mỗi đạo 9 người, chia làm ba thứ, mỗi thứ 3 người (các ngã đường cũng vậy, đây là theo phép bát quái thám kị), mỗi thứ cách nhau ước một tầm trông, sai người nhìn xem, hoặc lên cao mà trông, hoặc leo cây mà trông, thấy rõ quân địch nhiều hay ít, hoặc dừng, hoặc đi, kíp xuống, chuyển về trình báo. Nếu thám báo không thực thì cứ luật nghiêm trị; thám báo được đúng thì ghi tên khen thưởng.

- Mỗi một chi binh chia làm 3 toán, trung, tiền, tả, hữu, hậu đều thế (hoặc 1 đội làm một toán, 2 đội làm một toán), có chánh toán, có phó toán, khiến nương tựa lẫn nhau.

- Định đến ngày nào ra quân thì truyền trước cho quản suất đều biết, để chuẩn bị lương thực, súng đạn, chông sắt cùng các hạng đồ sắt, mọi thứ đầy đủ (chông sắt để đặt ở đồn mà tự vệ, các hạng đồ sắt dùng để đẵn cây lấy gỗ làm đồn).

- Đến ngày, trước hết đánh ba hồi trống lớn, các quân họp cả. Phái người (hoặc thân hành thì hơn) kiểm điểm số quân, khí giới và chông sắt đồ sắt các thứ cho đủ. Đến giờ lành, trước lấy tù và thổi ba hồi thì quân cầm khí giới; 1 tiếng chiêng thì quân đều bày hàng ngồi. Trống lớn tiên nghiêm đánh 3 tiếng (tiếng thứ nhất thì lắng nghe, tiếng thứ hai thì động tay, tiếng thứ ba thì đứng dậy), 3 tiếng la đồng thì mở cờ (đến tiếng thứ ba quân đều dựng cờ). Trống lớn 2 tiếng đánh cặp nhíp, quân đều cầm khí giới. Trống lớn 3 tiếng thì đi. Như đi thong thả thì trống lớn đánh 3 tiếng mmotj mà thưa, đi kíp thì đánh mau. Như sắp đến nơi dừng nghỉ thì trống đánh 3 tiếng rất gấp. Đã đến nơi đỗ thì trống điểm 2 tiếng gấp, quân đi trước dừng lại. Trống đánh mau 6 tiếng thì quân đi sau đến hết. Lại đánh 3 tiếng trống gấp thì quân đều hạ khí giới, 3 tiếng là đồng thì gác khí giới, quân đều nghỉ ngơi. (Quân tuy nghỉ ngơi mà khí giới tùy thân, ngồi đâu thì ngồi đấy, không được om sòm to tiếng và bỏ hàng vượt thứ. Trước hết du binh thay đổi nhau dò xét cẩn thận và lên cao trông xa bốn phía).

- Phàm quân đi, trừ quân tiền du dò đường, còn phải y theo thứ tự tiền, tả, trung, hữu, hậu mà mỗi toán cách nhau ước khoảng một tầm tên, không được quá xa, cũng không được quá gần. Lính nấu bếp đều phải theo sau toán quân của mình, để chiếu cố nhau. Quân đi hàng đôi mà tiến, gươm súng xen nhau, dài ngắn cùng tiếp. Không được nói cười huyên náo và bỏ hàng mất thứ tự, ai trái thì theo quân luật trị tội.

- Phàm quân đi, đã có du binh để thăm dò, thấy giặc thì về báo, hoặc gấp quá không kịp về thì bắn súng hay đánh một hồi thanh la để chuyển báo. Ở trung quân đại tướng tức thì cho đánh một hồi thanh la, truyền hiệu cho các toán biết có gặp giặc, mọi người đều chỉnh bị súng ống nạp thuốc đạn để chờ đợi. Tùy theo số giặc nhiều hay ít, giặc nhiều thì sai ba toán trước tiến lên bày trận đối địch, ít thì sai một toán trước đối địch, hai toán làm tiếp ứng. (Phép dùng cờ ngũ phương sai đi, tiền quân thì cờ đỏ, tả quân cờ xanh, hữu quân cờ trắng, trung quân cờ vàng, hậu quân cờ đen. Lệnh tiễn sai các tiểu chi cũng chiếu theo năm sắc năm phương làm chuẩn, không được trái lệ). Lại sai hai toán binh tả hữu, một toán tả một toán hữu tìm đường tất phải tiến đánh, như thế hai sừng trâu, gọi tên là trận Huyền vũ; sai một toán tả một toán hữu tìm thế ẩn để phục binh. Chánh toán tả, chánh toán hữu đều theo địa phận làm tả hữu ứng cứu. Lại sai hai chánh toán hậu với hai phó toán hậu làm hậu phục. Chánh toán hậu thì chỉnh binh để phòng sau, phòng quân địch đánh tập hậu. Như tiền binh đắc thắng thì không nên đuổi xa, hậu binh và tả hữu binh cũng vậy, vì vậy binh quý ở vạn toàn. Đắc thắng thì cấm các hạng quân nhân không được tham lấy tài vật của địch, sợ bị địch nhử mồi. Quân địch đã trốn xa, thì đánh 2 tiếng trống lớn hẹn binh, 3 hồi chỉnh binh thành hàng. Đánh 1 tiếng la đồng thì quân đều chỉ súng và khí giới về trước, quay mặt về đằng sau. Đánh 3 tiếng trống thong thả thì thu quân về nơi cũ. Quân đã thắng trận càng nên cẩn thận hơn khi chưa thắng trận, vì sợ quân thắng thì sinh kiêu, điều đó nhà binh rất kỵ.

- Phàm quân đi, đến nơi nào có sông ngòi nhỏ thì phái du binh, hoặc chặt tre làm cầu, làm bè, hoặc quăng dây thừng sang trước, đi một dặm để thăm dò, về báo không có giặc, rồi sau phái binh, một phần nghiêm binh phòng giữ, một phần đẵn tre chém cây làm cầu làm bè, giăng dây để sang, đừng nên nóng vội. Như gặp sông lớn thì sức trước cho thuyền ghe chờ đợi, phái du binh sang trước, đi xa 1, 2 dặm, thăm dò xem có giặc hay không. Như có giặc thì đừng sang sông, sợ giặc nhân ta sang nửa chừng mà đánh. Như thấy nước nông và trên thượng lưu có ngăn nước thì cũng đừng sang, sợ địch phá nước ngăn, như kế Hàn Tín đánh úp Long Thư1. Nếu báo quả không có giặc, thì phải cho ba toán tiền chi sang trước, cách chừng một tầm trông, bày binh sắp hàng để phòng ngự không ngờ, rồi sau mới theo thứ tự tả, tiền, trung, hữu, hậu mà sang. Đường sau cũng phái du binh thám xét, sợ quân giặc nhân ta sang nửa chừng mà đánh úp hậu binh ta, không thể không cẩn thận được. Khi đã sang xong thì mới vời du binh mặt sau sang theo sau. Binh xuống thuyền sang sông, thì y theo đơn vị, giữ súng và khí giới, hoặc gặp sóng gió cũng không kinh động, thế thì không có sự lo bất ngờ.

- Phàm quân đi, gần đến giới phận rừng núi thì trước phái du binh và người địa phương lén vào rừng rậm, hoặc lên cao, hoặc trèo cây, hoặc tìm hang sâu bụi rậm, xem có quân giặc hay không, rồi về báo. Nếu có giặc thì ta giành trước lấy nơi cao hay nấp chỗ rậm, rồi sau theo phép trận “song đầu”, bày hai hàng gươm súng xen nhau, vừa bắn vừa tiến, như lăn vòng tròn, gọi là trận “Ngô công cuốn đất”. Nếu không có giặc, thì cũng y theo hai hàng mà chuyển qua, giữ cho không ngại vì việc binh phải giữ gìn, không thể không cẩn thận được.
_______________________________
1. Kế Hàn Tín đánh Long Thư: Thời Hán Cao tổ, Hàn Tín đem quân đánh Tề, Tề cầu cứu với Sở, Sở sai Long Thư đem 20 vạn quân đến cứu Tề. Đánh nhau ở Duy-thủy, Tín sai quân lính đêm làm hơn 1 vạn cái túi chứa đầy cát đem ngăn chặn dòng nước bên trên, không cho chảy xuống, rồi đem quân sang nửa sông đánh nhau với Long Thư. Tín giả cách thua, chạy về, Long Thư đem quân lội qua sông để đuổi. Tín sai người dỡ túi cát, nước chảy xuống mạnh, quân Long Thư quá nửa không qua được sông, Tín đánh gấp, giết được Long Thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:42:05 pm »

*
*   *

Sách Ngô tử:

Phàm binh nổi lên là vì năm cớ:

1) Tranh danh; 2) Tranh lợi; 3) Tính ác; 4) Loạn trong; 5) Nhân đói.

Lại có năm tên là: 1) Nghĩa binh; 2) Cường binh; 3) Cương binh; 4) Bạo binh; 5) Nghịch binh. Trừ bạo cứu loạn là nghĩa binh, cậy đông mà đánh là cường binh, nhân giận mà dấy binh là cương binh, bỏ lễ tham lợi là bạo binh, nước loạn người khổ mà nổi lên là nghịch binh. Muốn phục năm hạng binh ấy đếu phải có phép. Làm cho nghĩa binh phục thì dùng lễ. Làm cho cường binh phục thì dùng khiêm tốn. Làm cho cương binh phục thì dùng lời lẽ. Làm cho bạo binh phục thì dùng biến trá. Làm cho nghịch binh phục thì dùng quyền biến1.

*
*   *

Đời xưa quân có thập và ngũ; xe có hàng lối; trống khua cờ vẫy, người lên thành trước phần nhiều là những quốc sĩ giỏi cả, người chết trước cũng thường là người quốc sĩ giỏi. Tổn địch một người mà tổn ta đến hàng trăm người, đó là giúp địch và hại ta, thế tướng2 không hay cấm được. Đánh giặc chia quân mà trốn về hay lâm chiến mà vỡ chạy thì hại lắm, thế tướng không hay cấm được. Giết người ngoài trăm bước là cung tên; giết người trong 50 bước là giáo mác. Tướng đã đánh trống mà sĩ tốt cứ ồn ào, bẻ tên, bẻ mác, ôm kích, sau khi thấy có lợi mới đánh, có mấy hạng người ấy thì tự thua ở trong rồi, thế tướng không hay cấm được. Quân sĩ lỗi thập ngũ, mất xe, hao binh tổn tướng mà chạy, đại chúng cũng chạy, thế tướng không hay cấm được. Phàm tướng có thể cấm được bốn điều ấy thì núi cao cũng sập, nước sâu cũng lấp, trận bền cũng phá. Nếu không cấm được bốn điều ấy thì cũng như mất thuyền lái mà cách sông ngòi, không thể được vậy.

Khi lấn vào đất giặc, gặp chốn đồng bằng nội rộng, thì nên kết trận. Nếu gặp núi sông hiểm trở thì kíp sai kiêu kỵ du binh dò thăm trước sau. Hễ thấy núi cao rậm rạp, hang hốc ghồ ghề, thì tiền quân từ từ mà tiến để đợi hậu quân, rất không nên cách xa gián đoạn, đó là yếu lược để giữ hiểm phòng nguy vậy.

Khi lấn vào bờ cõi địch mạnh, dẫu rằng có đường, nhưng phải tiến trộm, cũng sai du binh lên gò cao, xem xét kĩ càng cả trước sau tả hữu, nếu thấy nơi nào có đàn chim sợ bay, chồn vượn chạy rối, hay cỏ cây không có gió mà động và đất bụi lầm trời, thì dưới hẳn có quân phục, phải trở về báo với chủ tướng, dừng quân kết trận mà đóng lại để chờ xem cơ giặc thế nào. Đó là yếu lược để xét quân ẩn phục vậy.

Vào sâu đất địch, gần tới khoảng đường trọng yếu, chợt thấy sắc cỏ mới khô héo thì ở dưới hẳn có sự trá ngụy, xem xét kĩ càng rồi hãy đi; nếu gặp cầu, trước hãy đem vật nặng đè lên, rồi sau sẽ đi, không làm thế thì sợ có vạ sa sụp. Đó là yếu lược cẩn thận về đất và cầu vậy.
_________________________________
1. Ngô tử, thiên I.
2. Thế tướng: Ông tướng tầm thường ở đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:48:15 pm »


*
*   *


Sách Yên thủy thần kinh:

Phép sang sông.

Phàm sang sông, trước hết phải chuẩn bị cầu phao bè gỗ, dự sai du binh sang trước, dò thăm những nơi trọng yếu, quả không có quân phục, thì tới nơi rộng rãi, bày mở thế trận để đợi, rồi sau mới cho đại quân sang.


Phép gặp ngòi.

Phàm quân đi gặp ngòi rộng 5, 3 trượng, trước kia đã có cầu nhỏ, thì bỏ ngựa lại, sai ba quân mỗi người bó một bó củi để bỏ xuống đó, ngựa và người có thể sang qua.


Phép lạc đường.

Phàm quân đi gặp rừng núi, trời chiều lạc đường, thì thả một con ngựa già đi trước rồi theo sau thì có thể gặp đường, vì ngựa già có thể biết đường.

*
*   *

Sách Tôn tử:

Phàm phép dùng binh, xe ruổi1 nghìn cỗ, xe da nghìn cỗ, quân mặc giáp 10 vạn Người giỏi dùng binh thì việc phu phen binh lính không đòi gọi hai lần, chở lương không bắt đến ba lần. Lấy dùng ở trong nước và nhân lương của địch, cho nên quân có đủ ăn. Nước nghèo thì lương quân phải vận tải xa, vận tải xa thì trăm quân khổ. Gần chỗ quân đóng thì bán đắt, bán đắt thì trăm họ hết của, của hết thì sưu dịch ở làng xóm cũng lúng túng. Sức cạn của hết, trong nước nhà cửa đều rỗng không; trăm họ hao phí, 10 phần mất 7; nhà nước hao phí, nát xe mệt ngựa, giáp trụ, cung tên, mâu thuẫn, sào chèo, trâu to xe lớn, 10 phần mất 6. Cho nên người trí tướng cốt tìm ăn ở địch; ăn ở địch, một chung đỡ cho ta 20 chung, một thạch đỡ cho ta 20 thạch. Cho nên giết địch là vì tức giận, lấy của địch là vì lợi ở của cải. Cho nên khi đánh nhau bằng xe, được 10 cỗ trở lên thì thưởng cho người được trước, rồi thay đổi cờ xí, xáo trộng xe mà ngồi, binh lính thì khôn khéo mà nuôi. Thế gọi là thắng địch để làm mạnh thêm cho ta. Cho nên việc binh quý thắng mà không quý lâu. Cho nên tướng giỏi là người giữ tính mệnh của dân, là người chủ an nguy của nhà nước vậy2.
________________________________
1. Xe nhẹ thắng bốn ngựa.
2. Tôn tử, thiên II.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 03:51:10 pm »


*
*   *

Nghìn dặm chở lương, phí tổn trong ngoài, tiêu dùng tân khách, vật liệu như keo sơn, đồ đạc như xe giáp, mỗi ngày phí nghìn vàng, rồi sau mỡi cử vạn quân được.

*
*   *

Sách Kinh thế:

Đi. Khi đi vào chỗ hiểm nên ngại có quân, sang sông cũng rất ngại bị xẻ nước. Đi ban ngày sợ có quân xông đến. Nghỉ ban đêm lo có địch quấy rối. Đã chặt đứt thì nối liền; khó nhanh chóng thì đi cuốn1. Một chỗ không phòng thì lỗi sơ suất. Trước vẽ địa hình để xem đại thế; lại tìm người thổ trước để dẫn đường. Dù cho một bụi rậm, một suối nước cũng phải biết hết, rồi sau mới có thể hành quân.

Đi nhanh. Quân đi quý, đi thong thả, để nuôi sức. Chỉ khi nhân lúc người ta không phòng bị và lợi ở đánh gấp thì nên gấp đường đi nhanh. Ban ngày đi nhanh thì cuốn cờ nghỉ trống, ban đêm đi nhanh thì cuốn giáp ngậm tăm. Đi nhanh một ngày thì sức mệt. Đi nhanh cả ngày và đêm thì tinh thần uể oải. Một ngày đi nhanh được một trăm mấy chục dặm đường; ngày đêm đi nhanh được hai ba trăm dặm đường. Đi đường gần thì đứt không thành hàng, quân khó đến hết, đi gồm đường xa thì bỏ đại quân mà tiến, cho nên đại quân ở xa lại sau, người không kịp ăn, ngựa không kịp nghỉ, nhọc mà ít người theo kịp. Nếu không phải cậy vào sức đánh bền giỏi, sức địch đã nhụt gẫy và hình thế núi sông đã hiểu suốt, thì sao dám làm như thế? Cho nên không phải toàn lợi mà không hại. Cẩn thận chớ cho quân đi nhanh là giỏi vậy!

Sách Võ kinh:

Thái công nói2: Phàm phép cầm quân nên trước cho quân đi thăm dò xa, cách địch 200 dặm, biết rõ chỗ quân địch đóng; nếu địa thế không tiện thì lấy xe vũ xung của ta làm lũy mà đi tới trước và đặt hai lớp án binh ở sau, lớp xa thì cách 100 dặm, lớp gần thì cách 50 dặm. Phải có quân cảnh cấp để trước báo cho nhau biết. Quân ta thường được vững bền, hẳn không thương tổn.

Núi quanh ở đường, không nên đi càn vì sợ có quân phục ở trước vậy. Núi phục ở sau thì nên đi cho chóng qua, kíp lấy binh giữ đàng sau, sợ có giặc đánh cắt đường sau vậy. Nước cạn mà có khi đầy thì đừng lội, vì sợ có mưu túi cát lấp ngăn. Nước đứng mà bờ có bùn lầy thì đừng lội, vì có nạn sa lầy. Nước ở nơi hiểm yếu của địch mà không thấy có quân đội canh phòng, chưa nên lội ngay, trước hết phải sai tinh binh dò xét những chỗ hang núi gồ ghề, vì sợ có quân phục vậy.
_________________________________
1. Đi cuốn: Tức đi theo phép Ngô công cuốn đất nói ở trên.
2. Bổ sung theo chương 39 “Tuyệt đạo” của sách Võ kinh trực giả quốc ngữ ca.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM