Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:36:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188512 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #190 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:11:35 pm »


*
*   *

PHÉP ĐÓNG CỌC LÒNG SÔNG.

Kiêm-trai xét: Đời chúa Nguyễn dùng cách này của Lộc-khê bắt được quân của tướng Trịnh là Gia quận công.

Cơ giữ nước tất lấy sông lớn làm hiểm. Song có sông lớn mà không chuẩn bị thì giữ thế nào? Cho nên đóng cọc lòng sông để ngăn bắt thuyền giặc, công hiệu gấp mười xích sắt chắn sông.

Nên sai ba quân chuẩn bị cột gỗ độ 200 cái1 cũng được, đem đến cửa sông cắm xuống nước, xa gần so le, dài ngắn không đều, hình như răng chó cài nhau, để ngầm dưới mặt nước không cho lộ thấy. Thuyền giặc tiến đến thì tất bị cọc gỗ ngăn trở, dù thuyền nhẹ buồm gió tốt, ra sức mà chèo, cũng không đi được một bước.


*
*   *

PHÉP DÙNG CHUM TRE CHO QUÂN SANG SÔNG2.

Khi trí tướng đem quân đi ngầm đánh úp quân giặc, nếu gặp sông hồ ngăn trở, lại không có thuyền ghe thì làm thế nào? Vẫn phải làm những cái chum bụng to miệng nhỏ, lấy nan tre vót mỏng đan thành hình chum và lại lấy vải gai tẩm dầu cùng giấy dầu và sơn bồi ngoài chum, đút nút miệng chum lại, rồi dùng ống tre khô buộc kèm vào hai bên chum, lâm thời thì thả xuống sông, hai nách cắp mà bơi, ba quân có thể qua sông được, còn sợ gì nữa.


*
*   *

CÁCH LẤY NƯỚC LÊN NÚI.

Phàm nước chảy xuống chỗ thấp là lẽ thường, nhưng đập cho nó bắn lên thì có thể qua đầu, lấp để tức nó thì có thể lên núi. Cho nên người trí có thể làm trái cơ của tạo hóa, làm ngược tính của ngũ hành, đều có phép diệu. Ví như quân đóng ở gò cao, nước ở ngòi sâu, hay là rút quân đóng đồn ở ruộng cao, mà nước thì ở dưới thấp, thế thì dùng ống tre mà hút nước, nước tự tung lên.

Cách làm: Lấy tre làm ống dài 30 thước, hoặc 50 thước, đục bỏ các mắt đi, lại làm ống ngắn bằng nửa ống dài. Chỗ đầu hai ống giáp nhau thì cưa chéo đi. Lại đục cho hai ống ngắn cắm vào đầu ống hợp vào như hình chữ bát (八). Lại lấy vải tẩm nhựa trám bồi vào mười lần cho kín. Sau làm một cái thùng to, vuông hay tròn cũng được, giữa đáy thùng dùi một lỗ, đem ống dài cắm vào lỗ ấy cho vào trong thùng độ 2 thước, lại lấy vải tẩm nhựa trám bồi cho kín để đợi dùng. Khi dùng thì lấy nút bịt kín miệng ống ngắn lại, sai người khỏe đem cái thùng ấy úp xuống đáy nước, lấy đá chặn lên không cho nghiêng lệch, rồi mới tháo bỏ cái nút ở đầu ống ra, nước tự nhiên vọt lên. (Lại có một bản chép rằng dùng nan tre đan thành một cái bình hình như quả bầu to, bồi bằng giấy dầu, dưới đáy chừa một lỗ lớn, đem ống tre dài luồn vào đấy chừng 2 thước, lấy vải nhựa trám mà bồi cho kín để đợi dùng.).
_______________________________________
1. Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên chôn hàng vạn cọc ở lòng sông Bạch-đằng.
2. So với mộc anh (chum gỗ) của Hàn Tín ở Binh thư yếu lược.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #191 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:14:35 pm »


*
*   *

PHÉP LÀM CẦU PHAO TRĂM CẤP.

Quân sấm1 nói: Gặp núi mở đường, gặp sông bắc cầu. Nếu qua sông không có cầu thì làm sao qua được. Cho nên dùng phép bắc cầu phao là diệu lắm.

Cách làm: Dùng ống tre đóng một cái khung hình vuông chữ tỉnh () dài 8 trước, ngang 5 thước, trong khung ấy cũng dùng ống tre xếp thẳng liền nhau, lại dùng then tre nhỏ xuyên ngang cho đầy khung, lấy dây mây buộc cho chắc chắn. Ở dưới khung, bên tả treo ba cái bong bóng to, bèn hữu cũng treo ba cái bong bóng to. Hai bên đầu khung trừ ống tre chừng hơn 5 tấc, đục ngang một lỗ, tả hữu đối nhau, đấy là cấp thứ nhất. Cấp thứ hai thứ ba đến thứ môkt trăm cũng làm như thế. Lại đặt ống dư của cấp thứ hai giáp với ống dư của cấp thứ nhất, ống dư kia ở ngoài ống dư này, ống dư này ở trong ống dư kia, lấy đanh sắt tròn to bằng ngón tay đóng suốt hai ống với nhau, chỗ đầu dư đục lỗ ngang làm chốt, lỗ tả xuyên sang hữu, lỗ hữu xuyên sang tả. Từ cấp thứ nhất đến cấp một trăm đều làm như thế. Lúc để ở quân dinh thì cấp thứ nhất để xuôi, cấp thứ hai lật ngược, cấp thứ ba lật xuôi cấp thứ tư lật ngược, một cấp xuôi một cấp ngược, cứ thế mà để. Đến lúc dùng thì theo thứ tự ấy mà bỏ xuống nước, trăm vạn quân cũng sang sông được cả.


*
*   *

PHÉP LÀM VOI VÔI NỔI SÓNG.

Phàm binh cơ có giấu có phục. Cho nên người trí tướng trong khi thủy chiến, làm phép voi vôi nổi sóng phá giặc dễ như trở bàn tay. Xét vôi dẫu không chế được nước, mà nước lại khắc vôi, cổ nhân làm trận voi vôi là bởi cớ ấy. Trận voi như trận nhạn, hình chữ nhất (). Voi thì đan bằng trúc, vòi ngẩng trở lên. Lại lấy vải tẩm nhựa trám cùng giấy dầu sơn khô bồi vào thân voi 7, 8 lần, rất kỹ. Rồi lấy 1.000 cân vôi tán làm bột, nạp vào bụng voi, vòi và cổ làm nút nút lại. Chân voi thì buộc đá to vào. Xong rồi buộc hai voi làm một, hoặc 30 voi, hoặc 50 voi để đợi khi dùng. Phàm thấy giặc đem thủy binh đến xâm lược ta, ta lập tức đem voi vôi đặt ở trên bè, trên thuyền, dựng cờ nhử giặc, trong cờ có viết lời phản gián. Xong rồi ta đánh nhau với giặc. Giặc thấy cờ có lời phản gián, tranh đến cướp lấy. Ta sai ngay quân đun những voi vôi ấy xuống nước, tháo bỏ cái nút ở vòi voi ra, nước vào bụng voi, vôi và nước khắc nhau hóa làm sóng dữ, hơi độc xông lên, giặc hoảng hốt rối loạn, quân ta thừa thế đánh ngay, tất là phá tan được giặc.
_______________________________________
1. Lời ca sấm về việc binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #192 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:16:52 pm »


*
*   *

PHÉP ĐẶT THỦY LÔI DƯỚI NƯỚC.

Phàm trí tướng dùng binh, phép phục địa lôi đã có, còn thuật phục thủy lôi dưới nước thì chưa thấy có. Cho nên đặt ra phép này, hoặc dụ giặc vào chỗ biển hồ sông ngòi hiểm trở mà đánh, há chẳng thành công hay sao?

Phép làm: Trước hết sai thợ mộc làm hai cái hòm gỗ, mỗi cái cao 5 thước, dài 6 thước, ngang 1 thước 5 tấc, chia làm năm tầng, rồi hợp lại làm một càng tốt. Tầng trên dùng dùi thau nhỏ và mảnh tre rắn làm máy phát động, trên máy ấy treo dao sắt như hình lá vải, dưới máy để đá lửa cùng thuốc súng, ngòi và các thứ để đốt. Tầng thứ hai để 12 súng gang, mỗi khẩu dài 5 tấc, hình như ống tre; đều bằng gang mỏng. Lại làm nút sắt 5 phân vặn trôn ốc. Khi lòng súng đã nhồi thuốc xong rồi, lấy nút sắt lấp kín cho kín miệng súng lại. Lại xuyên lỗ nhỏ để đặt ngòi. Làm thế xong rồi, bèn đặt ngang ở tầng thứ hai. Rồi lại nhồi thuốc súng vào khoảng các súng để tiện cho ngòi thuốc thấu vào. Đến tầng thứ ba cũng thế. Còn tầng thứ tư lại dùng hai cái bầu gang, trong chứa thuốc súng như cách làm hỏa cầu, ngoài bầu lấy rơm cùng nhựa trám bao lại, rồi lấy dây sắt mà buộc cho chặt. Đến tầng thứ năm thì chứa các thứ giấy bổi và bông để phòng hơi nước. Lại dùng dây thau, lấy dầu nấu cho rất mềm rồi đem buộc vào chính giữa máy. Lại xuyên lỗ nhỏ ở các tầng để luồn dây thau xuống dưới đáy hòm. Khi dùng hòm thì từ máy đá trở xuống xâu liền cả bốn tầng để ngòi thuốc đi qua suốt cả. Làm như thế xong, dùng một cái ống nhỏ đài 2 tấc ngang 3 phân tiếp vào bên ngoài đáy hòm, khiến dây thau nhỏ qua ống ấy thò xuống, buộc một hòn sắt. Chỗ dưới ống ấy lấy vải sơn bọc lại cho kín. Lại lấy mỡ cá heo cùng mõ rái cá bôi vào. Lại lấy đanh sắt to đóng móc cho các tầng giáp nhau. Lại dùng dây sắt vuông bốn sợi bao cả trên dưới hòm ấy; lại dùng dày mây mà quấn. Ngoài dây sắt và bì hòm đều sơn đen và bao bằng vải trắng cùng giấy Vĩnh-thọ phết nhựa trám, khiến nước không thấm vào được. Rồi sau lại dùng dây tạm làm đai hòm, buộc hòn sắt vào hòm cho khởi động đậy làm rơi máy đá. Đáy hòm lại buộc hai sợi dây gai to, đầu hai sợi lại hợp làm một để đợi dùng. Lại đeo bong bóng to ở bốn góc đáy hòm, liệu khi đặt trong nước thì nửa chìm nửa nổi là tốt. Làm như thế xong rồi, bèn đến cửa biển, cắm hai cột gỗ rắn làm chỗ cho hòm tựa, cách mặt nước một thước rưỡi, không cho hở ra. Bèn đem hòm ấy đặt xuống nước tựa vào hai cột. Lại cắm bốn cái cột gỗ ngắn để làm giá, rồi đem hòm để trên bốn cội ấy. Trước hòm cắm hai cây cứng, đầu có bánh xe như kiểu ròng rọc.

Ngoài cây ấy lại cắm mọt cái cột to ước thấp hơn cột có bánh xe 2 thước, đầu cột làm bằng, đặt một hòn đá to nặng độ nghìn trăm cân. Bèn lấy hai đầu dây hợp làm một ở đáy hòm đặt trên bánh xe và buộc vào hòn đá lớn làm máy. Hai bên bờ sông đều làm như thế. Rồi sau lấy dây gai nhỏ buộc bên tả bên hữu để chăng ngang qua sông và buộc vào máy đá. Làm như thế xong rồi mới cắt cái dây tạm làm đai hòm, từ từ thả những hòn sắt ra mà buông xuống đáy nước thì tự nhiên yên ổn, không sợ chạy chệch đi chỗ khác. Nếu thuyền giặc chợt đến, mái chèo động vào dây nhỏ chăng ngang sông, dây động thì hòn đá lớn lăn xuống, đá rơi xuống đáy nước thì các hòm thủy lôi nổi lên mặt nước, mà hòn sắt và dây thau chìm xuống, máy đá lửa ở trong hòm phát động thì ngòi thuốc cháy xuống các tầng, thế lửa bùng lên, sắt đá tung ra mà giặc bị cháy hết. Chính là”Muôn khoảnh thần long ngầm đáy nước, mấy đoàn quân giặc chết trong sông”

Lại dặn rằng: Hòm thủy lôi này các tầng dưới dùi lỗ nhỏ đặt dây thau, buộc hòn sắt, cùng là việc móc các tầng bằng đinh lớn và các việc khác làm xong rồi, mới làm máy đá ở tầng trên, nhất thiết không được lay động, sợ máy đá rơi sớm thì tổn thương quân lính. Người trí tướng nên để ý làm cho cẩn thận, và đừng để tiết lậu phép diệu ấy.

Bài thuốc nạp súng nhỏ trong thủy lôi:

Diêm tiêu 10 lạng, Lưu hoàng 1 lạng 5 phân, Than dâu 5 đồng cân.


Bài thuốc nạp vào hai bầu trong thủy lôi:

Diêm tiêu 10 lạng, Lưu hoàng 5 đồng cân, Than đen 5 đồng cân, Đồng thanh 2 đồng 3 phân, Thạch châu sa 8 phân, Thạch tín 6 phân, Nao sa 8 phân.


Bài thuốc ngòi:

Diêm tiêu 6 lạng, Lưu hoàng 5 phân, Than dâu 1 đồng cân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #193 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:19:10 pm »


*
*   *

Các kỳ phương thủy chiến trên này cộng 9 điều, thực là quỷ thần không lường được. Người học binh pháp nên hết lòng mà học kỹ lấy.

Kiêm-trai xét: Năm Quang-hưng đời Lê Thế tôn, tiên công tôi là Nghĩa-lộc hầu, con Bảng quận công, theo đại vương Nguyễn Hoàng đi đánh giặc Mạc ở Hải-dương, đại vương sai ông đem ba chiến thuyền lớn đi tiền phong. Họ Mạc đem vài nghìn hải phỉ đi vài trăm chiếc thuyền nhỏ xông lại khiêu chiến. Bạn ông là Đào Duy Từ1 bảo ông đem ngay tre nứa rơm rạ đóng làm bè to, thả ngang giữa sông, rồi thuyền ta đem súng lớn bắn theo. Thuyền giặc tới bị bè đằng trước ngăn trở, không xông lại được, bị súng của ta bắn chìm, thua chạy. Ông vì có công thắng trận ấy được phong hầu. Bèn tiến Duy Từ cho đại vương. Duy Từ giúp đại vương làm lên bá nghiệp ở cõi Nam, 2 làm khai quốc công thần, phong Lộc-khê hầu. Mới làm sách này để dạy Chiêu-vũ, Chiêu-vũ cũng thành công thần. Việc này dẫu chỉ là việc chế biến một thời, nhưng không đánh mà người phải khuất phục, chính là việc của Lộc-khê3. Nhân phụ chép vào thiên thủy chiến này, cũng đủ thấy là Lộc-khê biết dùng binh.
___________________________________
1. Sách chép là Đào Sĩ Từ người Hải-dương.
2. Bỏ hai mục:”Phép đeo bùa gỗ vông ra trận” và”Bùa hổ oai hộ mệnh” có tính chất mê tín.
3. Điều này có khác tiểu sử của Đào Duy Từ chép trong Liệt truyện tiền biên.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #194 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:25:31 pm »


THIÊN BỘ CHIẾN

Cao Chiêu-dương nói: Điều cốt yếu về bộ chiến có 10 điều:
Một là từ chỗ cao trông xuống có thể đánh được.
Hai là là trại đóng dinh, phải chiếm địa lợi trước.
Ba là ở đồng bằng nội rộng thì chiếm lấy đầu gió.
Bốn là ở cửa thung lũng rừng sâu thì ra kỳ đặt phục.
Năm là ở bãi cát sông chằm, thì quay lưng về nước mà nhử giặc.
Sáu là ở gò cao bằng sáng thì cướp trước đường lấy nước.
Bảy là hai bên bày trận tương đương thì cần nghiêm chỉnh trước.
Tám là giặc ở núi cao thì ngăn chặn đường nước.
Chín là giữ trước giữa bụng để chia thế giặc.
Mười là giặc tự xa đến thì cắt đứt đường lương.

Mười điều cốt yếu ấy, người trí giả liệu tính. Nếu giặc ở núi cao thì ta lấp nguồn suối; nếu giặc ở đồng rộng thì ta nắm bến đò, đã chẹt cổ họng, lại đánh ở đầu khiến thế giặc chia đôi, đầu đuôi không cứu nhau được. Bấy giờ lấy mưu mà bắt, dễ như chẻ tre. Cho nên Binh pháp nói “trước làm thế địch không thể thắng được để chờ thế của địch mình có thể thắng”, lời ấy thực đúng. Dẫu vậy, phương pháp cũng nhiều, nếu không có phương pháp làm sao đánh được giặc! Cho nên người xưa đắp lũy xây thành, sủa quách đào hào, để giữ bên trong, chiến xa, nhung xa, hỏa xa để giữ bên ngoài, phương pháp cũng kỹ càng chu đáo rồi. Nhưng chính lệnh thắt nút dây1 không thể giải quyết được việc rối ren đời Tần; nghệ thuật múa giáo mộc2 không thể giải vây được trận Bình-thành3. Là vì thời thế thay đổi, xưa nay khác nhau. Cho nên chư công4 đem hết sức thần, tạo nên các phép xe kiếm, luỹ sắt, xe súng bắn liền, ống tên ngầm kín, thực là phát thần cơ của trời đất, tiết cốt túy của hiền nhân, khiến cho người đời mắt thấy cơ mưu tinh diệu mà tự nhiên vui mừng múa tay múa chân lên.

Lê Thủ-chân nói: Đời xưa dùng binh cũng nhiều phương pháp, nhưng thế chẳng qua là hùng binh dũng tướng mà thôi, toàn là nhờ cờ xí che kín một trời, gươm giáo như sương lẫm liệt: nếu đến đồng bằng nội rộng thì bày thành thế trận, gặp chỗ núi sâu hang cùng thì đặt phục đặt kỳ, đấy là lẽ thường, chưa nghe có thần cơ bí pháp gì. Đến khi nghe mấy phép lạ như phép bắn một phát mười tên nỏ của Ngọa-long5, phép súng đồng hỏa lôi của Lưu Bá-ôn, ta đã phải than rằng: Dẫu trận rắn dài cuốn đất cũng chẳng đối địch nổi dây sắt đạn lửa. Đến như muôn đội hùm beo phục ở khoảng hang núi thì chưa bằng một người có thể bắn được vài mươi tên thuốc độc. Trải đến triều ta, anh hùng lũ lượt, thi thố kỳ tài như các phép mộc pháo thần lôi làm gãy chân tối mắt của Lộc-khê tiên sinh, các phép phục địa, phục tiễn, súng máy bắn liền của Bảo Thúc tiên sinh, các phép xe gươm súng máy của Cao Toàn tiên sinh, càng là huyền diệu, xem các phép ấy, kém gì cổ nhân! Cho nên tiên sinh ta nói:”Bảo thư nhược ngộ chinh tru nhật, bất quý hồ đa chỉ quý tinh” (sách báu này dùng khi đánh giặc, chẳng cần binh lắm cốt dùng tinh), lời nói ấy thực đáng tin vậy.


*
*   *

PHÉP THẦN CƠ ĐẮP LŨY TẠM.

Phàm người đánh giỏi động ở trên chín tầng trời, người giữ giỏi giấu ở dưới chín tầng đất. Nếu đến chỗ đồng rộng đường xa, vội vàng chưa có thành lũy, thì giữ làm sao được? Chẳng gì bằng hãy làm lũy tạm mà thôi.

Cách làm: Bốn bề đều dùng gỗ to làm cột, cắm ở bên ngoài, mỗi cột cao hơn 10 thước, cách nhau 1 thước, lại đặt cây ngang ở khoảng giữa cho chắc, rối dùng cây chuối đặt bên ngoài, lớp lớp nối nhau, san sát liền nhau, cao hơn 10 thước, dày hơn 1 thước rưỡi, như hình cái lũy. Lại lấy dây mây buộc lại cho chắc. Đó là lũy trong. Lại lấy sọt tre đựng đất xếp liền nhau cao bằng cây chuối để làm lũy giữa. Lại lấy gỗ dài nhọn 10 cây xâu liền các cây chuối sít nhau như ngón tay, mỗi một cây chuối cao 11 thước 5 tấc, trừ 1 thước 5 tấc không kể, còn 10 thước thì mỗi thước xâu cây gỗ dài ấy làm như hình bức tường. Lại sai quân lính khai rãnh ở ngoài các sọt đất sâu 1 thước 5 tấc, rộng 1 thước, rồi đem những cây chuối ấy trồng xuống, như hình cái thành để làm lũy ngoài. Lại lấy đao gươm chông đanh cắm lên trên cây chuối. Lại dùng súng gỗ, hỏa cầu, đặt liền ở trên luỹ trong bằng sọt đất. Rồi mới sai quân lính cắt lượt tuần giữ để phòng hỏa chiến hỏa công. Lũy tạm làm như thế, dẫu giặc dùng súng lớn dây sắt đến đánh cũng không phá được.
_______________________________________
1. Thắt nút dây: Khi chưa có văn tự, thắt nút dây để ghi nhớ công việc.
2. Múa giáo mộc: Vua Thuấn đánh họ Hữu-miêu, múa giáo mộc ở thềm mà Hữu-miêu phục.
3. Bình-thành: Hung-nô vây Hán Cao tổ ở Bình-thành 7 ngày, Cao tổ dùng mưu kế mới giải vây được. Bình-thành tức là Bạch-đăng thành (ở núi Bạch-đăng) thuộc địa phận huyện Đại-đồng tỉnh Sơn-tây.
4. Chư công: Chỉ các ông Lộc-khê, Triệu Điền…
5. Tức Gia-cát Lượng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #195 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:27:02 pm »

*
*   *

PHÉP XE SÚNG BẮN LIỀN.

Tôi hỏi thầy rằng: “Phàm có thể lấy ít thẳng nhiều, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ chế lớn, mới gọi là đánh giỏi. Nếu đương chỗ đường dài nội rộng, chiến kỳ đã gần, mà giặc đem quân trăm vạn chật núi đầy nội kéo đến, ta thì quân ít thế yếu, vội vàng chưa có phòng bị và đặt phục dùng kỳ thì làm thế nào?” Thầy nói: “Phàm quần giặc tự xa xông pha gió sương mà đến, thế hẳn nhọc mệt. Ta đem ngay phép xe súng mà chế thì dễ như trở bàn tay, có sợ gì đâu”. - Tôi nói: “Xin được nghe đại lược phép ấy”. Thầy nói: “Xe ấy có sáu bánh, từ trước đến sau cộng 7 thước, ngang 10 thước, ở giữa lát ván, trước xe dựng vững 20 cái cột ngắn, mỗi cột cao 1 thước 5 tấc, làm hình chữ thập. Lại chia ngang một xe làm hai ngăn, mỗi ngăn mười cột, sau mỗi cột đặt một cái ghế cao 1 thước 3 tấc. Xong rồi sai thợ đúc 2 hòm sắt, hình như cái quạt, mỗi hòm dày 3 phân, dài 4 thước, rộng 1 thước, chia làm hai phần nắp và đáy; trên nắp chính giữa đục một lỗ tròn to hơn 1 tấc, liệu sao tầng nắp trên đậy vào tầng đáy dưới mà giáp nhau chính giữa thì tốt. Một trước hòm ở giữa chỗ nắp đáy giáp nhau đục 10 lô vuông, mỗi lỗ 1 tấc 3 phân, liệu nửa lỗ ở phần nắp cùng nửa lỗ ở phần đáy hợp lại thành một lỗ thì khéo. Lại đúc cho mỗi hòm 10 cái súng sắt vuông, mỗi súng dài 4 thước, to 1 tấc 2 phân, hình vuông lòng tròn. Trước mặt hòm, mỗi lỗ xỏ một súng thẳng đến mặt sau của hòm. Liệu đặt các súng ấy cho lỗ phát hỏa liền nhau một hàng mới được. Lại lấy sắt như đanh nhét vào chỗ giữa súng nọ súng kia giáp nhau, khiến những miếng sắt cùng các súng bằng nhau thì tốt. Rồi sau đem hai hòm sắt ắy đặt lên trên hai ghế, mỗi súng gác miệng vào trên cột chữ thập. Nạp thuốc đạn, mỗi súng một liều thuốc 2 viên đạn sắt, nạp xong lại nhét thuốc súng vào chỗ lỗ phát hỏa của các súng. Đem hòm đậy kín lại, đẩy xe tiến thẳng đến trước mặt quân giặc, lấy dây lửa đốt ở lỗ trên nắp cháy thông vào trong lỗ, lỗ hỏa của súng cháy suốt vào trong lòng súng thì tự nhiên súng nổ tung đạn ra.

Xem cách làm xem này một xe 20 súng bắn, ở chỗ đồng rộng bất quá 10 xe thì dẫu giặc có trăm vạn quân, bắn một phát cũng chết hết.

Kiêm-trai xét: Hai phép trên này thực có hiệu nghiệm. Trước tiên công tôi là Kết quận công ở đầu đời Quang-thiệu Lê Chiêu tôn theo quân vua đi đánh ngụy chúa là Trần Thăng ở Lạng-sơn. Tương truyền rằng lúc ấy giặc mộ quân thổ phỉ dũng cảm vài trăm kéo đến để liều chết đánh mà quân của ông đều là con em thành thị không đầy 500 người. Ông bèn sai tỳ tướng sờ trên ngực quân lính xem người nào đánh trống ngực thì cho quỳ xuống đất một vai vác súng sắt, một người thiện xạ đứng kèm ở bên một vai vác giáo dài, du binh thì cầm dao ngắn đứng giáp đấy, bày thành mặt trận tròn để đợi. Lúc quân giặc đến thì bị giáo dài ngăn trở, không xông vào được, quân thiện xạ đều bắn súng ra, quân giặc chết hết. Đấy tuy là việc ngày xưa, mà cùng với hai phép trên này ngam ngám giống nhau, nên biên vào đây để ghi hiệu nghiệm và khen tài ứng biến.


*
*   *

PHÉP XE GƯƠM PHÁ GIẶC.

Phàm trí tướng hành binh, cốt vận dụng một lòng, không để tiết lậu, cho nên tiến thì như gió, dừng thì như núi, ai động đến là bị vỡ, phạm đến là bị cháy, đi đến đâu cũng vô địch. Như giặc ở trong thành cậy cao hiểm, hay là ở chỗ đường dài cậy sức mạnh tiến lên mà ta không phá được, thì ta dùng xe gươm để đánh.

Cách làm: Xe có bốn bánh, trước sau to đều 8 thước, ngang 6 thước, khoảng giữa lát ván, hai bên dựng hai cột cao 6 thước 5 tấc, đầu cột làm hình chữ thập. Lại lấy gỗ tròn làm ống, đường kính 1 thước, gác ngang lên đầu hai cột, lấy đanh sắt đóng vào cho chặt. Lại lấy cây gỗ rắn dài 7 thước cắm vào trong ống và lấy 1 sợi dây da thắt chặt vào cái gỗ rắn ở trong ống như hình cái dây khoan. Lại dùi hai lỗ ở bên cái ống luồn hai đầu dây ra cho thò xuống dưới, lấy hai cái gỗ buộc ngang như hình chữ đinh. Lại lấy hai bánh xe dày 4 tấc, mặt to 1 thước, lắp ngang vào hai đầu cái gỗ rắn, dùng đanh sắt đóng lại cho chặt. Chung quanh bánh xe đều cắm đao gươm, mỗi gươm dài 1 thước 5 tấc, dùng dây sắt buộc lại thật chặt. Lại đo từ chỗ máy trong xuyên ngang ra ngoài độ 3 thước, lấy da trâu che lại, ở ngoài da trâu lại dựng một ống cao 3 thước rưỡi, lại dùng một cái gỗ rắn cắm thẳng vào trong ống, lại lấy dây da thắt lại như trên. Lại dùi một lỗ ở bên ống, đem đầu dây thừa luồn ra, lại cho xuyên qua da trâu vào đến ống ngang trong máy, đầu dây thòng xuống cũng làm hình chữ thập. Ở trên cái gỗ rắn của ống ngoài, lại đặt bằng 1 bánh xe mặt to 1 thước, lấy đanh sắt đóng vào, bốn bên cũng cắm đao gươm như ở trước. Liệu mũi gươm bánh xe ngang cách da trâu 8 tấc thì khéo. Sau xe lại có mọt cây gỗ thò ra để tiện đẩy xe lên. Trên xe che bằng da trâu như mái nhà để đỡ tên đạn. Khi dùng thì trước sai một người ngồi ở máy trong, ngoài cái ống máy ngang, trong cái da trâu, cầm cái đầu dây của ống máy thẳng mà kéo cho xoay. Lại sai một người ở đằng sau xe, trên ván lát lấy hai tay kéo hai đầu dây cho chuyển động, một tiến một lùi, một thuận một nghịch, như cách xay lúa. Như thế thì những đao gươm hai bên và mặt trước múa rối lên, giặc không dám đến gần. Ta tiến đến dưới thành, hoặc dùng hỏa công mà đốt, hoặc dùng thang mây trèo lên, đều được như ý, lo gì thành giặc không phá nổi, hung đảng không trừ hết. Đấy là phép diệu xe gươm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #196 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:29:49 pm »


*
*   *

PHÉP GÀI TÊN DƯỚI ĐẤT.

Phàm đánh nhau với giặc ở chỗ đồng bằng nội rộng, cổ nhân bày thành thế trận, đó là lẽ thường, chưa phải là diệu. Nay có một cách gọi là gài tên dưới đất, rất là thần kỳ. Phép lạ ấy làm sao? Lấy tre cứng làm cần, không cứ nhiều ít. Xin lấy một cần mà nói. Trên dùng một ống tre, trên thì thông miệng, dưới thì để mắt, dưới mắt khoét một lỗ chếch để cài đầu cần tre vào, xong rồi, trong ống nạp tên thuốc độc cho đầy, mỗi cần tre đều làm như thế, hoặc 50 cái hay 80 cái cũng được. Bấy giờ mới đào một cái ao như hình cái quạt, sâu nông rộng hẹp thì liệu cho vừa, đem các cần tre cắm hàng chữ nhất ở trong ao; ở đáy ao lại dùng một cây gỗ dài nhỏ làm máy, đè lên đầu các cần tre, uốn các càn tre đều cong như hình cung khiến các ống tên đều chiếu chếch lên trời. Ở trên máy ấy trồng một cột gỗ, đầu cột có bánh xe. Xong rồi lấy dây gai buộc vào giữa cây ngang máy, dẫn dây vào bánh xe đầu cột như phép ròng rọc và kéo ra đằng sau. Cách hơn 30 bước, lại đào một cái lỗ tròn, đặt tấm ván làm máy như phép thiên la áp trại1, đem các đầu dây ấy buộc vào giữa cái máy ván, rồi lấp bằng trên mặt đặt đi. Rồi đem quân khiêu chiến, giả cách thua chạy, quân giặc đuổi theo thì xéo vào chỗ ván máy, ván sập thì dây gai kéo, dây gai kéo thì máy trong ao đều rớt mà các cần tre đều bật lên, tên thuộc độc ở trong các ống đều bắn tung lên, quân giặc đều chết. Cho nên Bảo thư nói rằng “Chinh phu hóa thành mo nang (bị gió thổi rơi)” là thế đấy.


*
*   *

PHÉP ỐNG TÊN GIẤU HÌNH.

Một hôm tôi hỏi bạn rằng: Trước Ngọa-long2 có phép bắn một phát mười tên, đấy là liên nỗ. Nay lấy trí khôn của chúng ta mà bàn thì một phát nỏ có thể bắn được mười tên không?

Bạn tôi trả lời rằng: Trí khôn của cổ nhân ta đâu dám bì. Nhưng thánh nhân có nói: Người ngu nghĩ nghìn điều hẳn cũng có một điều được. Nay tôi ngồi yên mà nghĩ được một phép diệu gọi là ống tên giấu hình. Phép ấy một nỏ cũng có thể bắn một phát vài chục tên.

Tôi xin được biết đại lược phép ấy.

Bạn nói: Phép này nên dùng tre núi làm một cái ống dài 5 thước 5 tấc, trên đầu ống làm miệng, dưới ống để mắt, dưới mắt lại để thừa độ hơn 2 tấc. Lại đo tự chỗ mắt để trở xuống cách 1 tấc dùi ngang một lỗ. Lại đo tự lỗ ấy trở xuống 1 tấc, nửa trên để vậy, nửa dưới cắt hai bên đi, chỗ cắt thì đóng hai cái đanh thau như hình chữ nhị (二). Xong rồi, bèn làm một cái nỏ to thật khỏe, trước lấy dây nỏ buộc vào đầu cánh bên tả của nỏ, dây dư thì luồn qua lỗ ngang dưới ống tên, rồi đem dây buộc sang cánh bên hữu của nỏ. Xong rồi, làm một cái giá gỗ như hình chữ tỉnh (井), giữa giá dựng một cái cột cao 1 thước 1 tấc, có bốn bánh xe để tiện xoay chuyển mà bắn. Lúc dùng thì đem nỏ ấy để lên đầu cột ở giữa cái giá, lấy dây mây buộc cho chắc, rồi sau cho người kéo dây nỏ giương lên, mà đem hai đanh thau ở đằng sau ống tên cắm vào máy nỏ, xong rồi nạp tên thuốc độc vào ống ấy cho đầy ống, để mũi tên thò ra ngoài miệng ống 1 tấc làm cữ. Lại ở dưới máy nỏ buộc một sợi dây gai giữ lấy để dùng. Lúc dùng thì sai người kéo cái dây gai, dây gai động thì máy nỏ bật lên mà dây nỏ ống tên đều phát, các tên trong ống đều nhân sức bắn của ống tên mà bắn tung ra bốn mặt, quân giặc chống sao cho nổi!
_______________________________________
1. Thiên la áp trại: Xem ở sau.
2. Gia-cát Lượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #197 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:33:18 pm »


*
*   *

PHÉP NẤU CƠM Ở ĐẦU NGỰA.

Phàm then mấy việc binh quý hồ nhanh chóng, cho nên cổ nhân nói: Canh ba nắm cơm, canh năm quân trẩy. Nếu gặp việc cần phải đi tự canh đầu, chưa kịp nấu cơm thì làm thế nào? Cho nên đặt ra phép nấu cơm ở đầu ngựa.

Cách làm: Trước sai lính kỵ mã hoặc 200 hoặc 300 người, làm sẵn 200, 300 đoạn ống tre tươi lớn. Hãy nói một đoạn: dài từ 3 đốt, đốt thứ nhất làm có miệng, để hoàn toàn, đốt dưới đẽo nhỏ cho tiện cầm; lấy gạo nước do đốt trên đổ vào ống tre, lấy gỗ nút miệng lại. Dùng một bó đuốc. Các ống khác cũng làm như thế. Bấy giờ mới truyền lệnh cho 300 người lên ngựa, binh khí treo ở yên ngựa, mỗi người một tay cầm ống gạo một tay cằm bó đuốc đốt vào ống gạo. Ống ấy cháy thì cơm chín. 300 kỵ binh đều no, hăng hái thêm lên, gặp giặc thì đánh, ai kháng cự được!

Kiêm-trai xét: Đây là phép nấu cơm của Liễu quân sư truyền lại. Nhưng trước tiên công tôi là Bảng quận công theo Lê Trang tôn ở sông Mã, đi ngầm đường núi, không có nước sôi, ông sai quân lính lấy ống tre non cho gạo vào lấy lửa đốt, tự nhiên nước trong ống tre sôi lên mà thành cơm1. Khát thì bẻ cành trám mà uống.


*
*   *

PHÉP THUỐC TIÊN CHỊU ĐÓI2.

Bài thuốc Tổ sư ứng cơ đơn:
Đào nhân 4 lạng,
Cam thảo 1 cân,
Đỗ trọng 4 lạng,
Bạc hà 4 lạng,
Hạnh nhân 1 cân (nấu chín bỏ vỏ và đầu nhọn),
Tiểu hồi 4 lạng sao chín,
Phục linh 4 lạng,
Cát cánh 3 lạng.

Các vị trên này tán nhỏ trộn cho đều, mỗi lần dùng một nhúm ngậm ở trong miệng, gặp các lá cây cỏ như lá thông lá bách lấy nhá ngậm cho hóa ra nước mà nuốt với thuốc này thì nhan sắc như cũ, khí lực không kém, thực là thuốc tiên.

Bài thuốc Thần tiên sung phúc đơn:
Hạt vừng đen 1 cân,
Đậu đen 1 cân,
Long cốt 5 đồng cân,
Ô đầu 1 đồng cân,
Táo hồng 1 cân,
Xích thạch chi 5 đồng cân,
Phòng phong 5 đồng cân.

Các vị trên này tán nhỏ ra, luyện mật làm hoàn to bằng viên đạn, lấy chu sa làm áo, mỗi lần dùng một viên, uống nước lã tống xuống, được một ngày không đói, thực là bài thuốc lạ.

Lại một bài nữa:
Táo hồng 1 cân,
Vừng đen 1 cân,
Nhân sâm 1 cân.
Đều tán nhỏ, luyện mật, viên to bằng viên đạn.

Kiêm-trai nói: Hai bài thuốc trên này khí vị bình hòa, đều là ôn bổ, châm chước dồn làm một bài thuốc càng tốt.
_______________________________________
1. Đây là phép nấu cơm lam của người miền núi.
2. Đoạn đầu mục lấy nói việc Đỗ Phục-uy gặp tiên được truyền hai bài thuốc tiên, chúng tôi bỏ không dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #198 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:36:21 pm »

*
*   *

PHÉP THANG HAI TẦNG.

Phàm dùng binh lên núi qua sông, vượt nơi nguy hiểm, đều cần chuẩn bị đầy đủ. Như giặc ở trong trại thành cao vài trượng thì dùng cách gì để trèo vào thành?

Cách làm: Làm hai tầng thang, tầng thứ nhất dài 30 thước ngang 4 thước, tầng thứ hai cũng dài 30 thước, ngang 3 thước 5 tấc. Trước đặt thang tầng thứ hai vào trong thang tầng thứ nhất, đầu thang dùng gỗ rắn làm then ngang nối hai thang làm một, ở dưới thang tầng thứ hai đóng móc sắt. Khi muốn lên thành đem hai thang giáp làm một bắc lên thành, trèo lên thang tầng thứ nhất, lên đến đầu thang thì đem thang tầng thứ hai vất lên trên thành, đem móc sắt ở đầu thang móc vào đầu thành, quân lính bám vào mà lên. Thế là lên được thành1.


*
*   *

PHÉP SÚNG BẮN ĐỔ NÚI.

Phàm người đánh giỏi có thể lấy ít mà địch nhiều, lấy yếu mà địch mạnh. Ví như ở chỗ đồng bằng nội rộng, quân giặc trăm vạn như sông cuộn biển sôi mà đến, thì nên dùng súng máy ma bắn, giặc tất tan gãy.

Cách làm: Trước hết làm ba khẩu súng to, mỗi khẩu trước lấy gỗ nhỏ bó làm một bó to 2 thước dài 6 thước để làm cái cốt súng. Lại lấy gỗ rắn to 2 thước dài 5 thước 5 tấc, trên bằng dưới nhọn, đặt vào sau cái cốt để làm đáy súng. Lại lấy rơm trấu, phân voi trộn vào đất gan trâu, luyện thành bùn để bọc ngoài cốt súng và đáy súng dày 3 tấc. Lại lấy da trâu bao kín ngoài đất, lấy dây gai buộc lại cho chặt. Lại lấy đặt luyện nhỏ trước đắp vào bên ngoài da trâu, dày 2 tấc. Lại lấy thanh tre đặt thẳng ở ngoài lần đất, ghép liền cho kín, ngoài lấy dây sắt mà buộc. Xong rồi, mới lấy cái cốt ra. Lại lấy dùi sắt dùi lỗ, cho ống sắt nhỏ vào để làm lỗ ngòi. Ba khẩu súng đều làm như thế. Xong rồi, sai thợ làm đạn dây sắt, mỗi viên đạn đường kính 1 thước5 tấc 5 phân, cưa làm hai mảnh, mỗi mảnh đục bỏ ruột sắt đi bằng cái chén, chính giữa dùi một lỗ, lấy dây sắt mà buộc, tả chằng sang hữu, hữu chằng sang tả, rồi đem dây sắt vặn lại thành một khối để vào trong lòng hai mảnh, sao cho hai mảnh hợp lại thành một hòn đạn thì tốt. Bấy giờ mới lấy thuốc súng nạp vào dưới đáy súng, lại lấy đạn dây sắt nạp vào trên thuốc súng. Ba khẩu súng đều làm như thế.

Lại như khẩu súng giữa, nên lấy ống gang tròn nạp vào ở trên đạn dây sắt. Phép làm ống gang có bốn hạng. Cái ống mẹ lớn dài 2 thước, to 1 thước 8 tấc, dày 1 phân; ống mẹ nhỏ dài 1 thước 8 phân, to 1 thước 7 tấc, dày 1 phân; ống con lớn dài 1 thước 5 tấc, to 1 thước 6 tấc, dày 1 phân; ống con nhỏ dài 1 thước 4 tấc, to 1 thước 5 tấc, dày 1 phân. Bốn ống, đều có nắp trôn ốc, ở dưới có đáy bằng. Trước đem ống con nhỏ nhồi thuốc súng vào, xoáy nắp trôn ốc, nạp vào trong ống con lớn; lại nhồi thuốc súng vào trong ống con lớn ngoài ống con nhỏ, cũng xoáy nắp trôn ốc lại; lại nạp ống con lớn vào trong ống mẹ nhỏ, cũng nạp thuốc súng và xoáy nắp như trước; lại đem ống mẹ nhỏ nạp vào trong ống mẹ lớn, cũng nạp thuốc súng và xoáy nắp lại. Xong tắt cả rồi lại lấy dùi sắt dùi một lỗ tự ngoài ống mẹ lớn thẳng suốt vào các ống con, để làm lỗ ngòi, lại lấy dây ngòi thuốc luồn vào, cái đầu thừa của ngòi thuốc quấn vào quanh mình ống mẹ lớn. Lại lấy dây gai buộc 3, 4 lần. Lại lấy bẹ chuối tươi buộc vào ngoài da gai, rồi đem đuôi ngòi thuốc xuyên ra ngoài để chờ đồ dẫn hỏa chuyền vào, rồi nạp vào trong lòng súng ở trên đạn dây sắt. Lại lấy vải giấy bọc một bao đạn nhỏ để lên trên các ống sắt. Đấy là cách làm khẩu súng giữa. Còn hai khẩu súng bên tả bên hữu thì nên dùng tên sắt dài 2 thước, lấy dây da nhỏ buộc thành một bó để vào trên đạn dây sắt. Xong rồi thì ngoài ba khẩu súng ấy dựng hai cột ở hai bên tả hữu, mỗi cột cao quá thân khẩu súng 1 thước, đầu mỗi cột dùi ngang một lỗ rộng 2 tấc, tả hữu đối nhau. Lại lấy hai mảnh gỗ giáp lại làm một to độ 1 tấc hơn, cài vào lỗ hai đầu cột ở trên ba khẩu súng, ở giữa hai mảnh gỗ giáp nhau lại ghép ba miếng gỗ nhỏ, ngay vào ba lỗ phát hỏa của ba khẩu súng thì tốt. Mỗi đầu mảnh gỗ lại buộc một sợi dây to, rồi sau lấy ba sợi dây gai buộc vào miếng gỗ nhỏ, đuôi dây hợp lại làm một. Khi muốn bắn thì rút dây ấy xuống, tự nhiên cả ba khẩu súng đều nổ. Giặc dầu có phép tàng hình độn thổ cũng trở thành người dưới suối vàng mà thôi.


*
*   *

11 điều2 bộ chiến trên này thực là phép diệu xuất quỉ nhập thần, có cơ quý thần bất trắc. Vận dụng máy thiêng, phát minh những điều Bảo thư chưa phát, bí tàng trời đất, truyền lại những thuật lạ của Linh quỹ còn truyền. Người học nên hết lòng vào đấy.
______________________________________
1. Như phép thang mây của Binh thư yếu lược, quyển IV, chương “Đánh thành”.
2. Đã bỏ đi 2 điều, chỉ còn 9 điều.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2009, 11:44:46 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #199 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 02:54:26 pm »


THIÊN GIỮ TRẠI

Cao Chiêu-dương nói: Phàm điều cốt yếu trong phép lập trại, trước hết phải tìm địa lợi. Cho nên người trí tướng dựa núi chia nước, bốn mặt thông nhau, trước có bình dương1, sau có gò cao, để tiện trông nhìn, núi bên tả quanh ôm để tiện phục binh, nước bên hữu thông dòng để tiện vận lương. Nếu không được địa hình như thế, mà ở chỗ đồng rộng thì chiếu theo bát quái mà đặt tám cửa, theo ngũ hành mà lập năm trại, trong mỗi trại đều có phương pháp. Cho nên người xưa chế các thuật thang mây, gỗ gạc nai, bàn chông, nữ tường, cầu treo, răng sói2, thực đã kỹ càng. Nhưng ngoài phép vẫn có kẻ gian trong, thuật vẫn có họa ngầm, cũng chưa được hoàn thiện. Cho nên các ông Lộc-khê, Triệu Điền triều ta lại đặt ra các phép thần nỗ, bính đinh, song đăng, trại túc, những phép ấy thực là tài giỏi, người xưa chưa có. Đến nay bọn chúng tôi trộm lấy sóng thừa ở biển cả, cục đá ở núi Thái-sơn, lòng nghĩ rằng không gặp gốc rắn thì sao biết được búa rìu là sắc, cho nên trổ hết tài tầm thường mà chế ra các phép máy đá giữ lũy, lưới trời yểm trại 3, cùng là các phép nỏ cứng phòng gian, dây tiên trói giặc, có khác gì cá nhỏ khoe tài với cá kình, chim oanh khoe tài với chim bằng. Tuy nhiên gặp việc nên làm không phải nhường thầy, người ngu há chẳng có một điều nghĩ được, cho nên đem hết bình sinh mà chế ra các phép này, còn phần hay dở xin đợi các bậc quân tử xét.

Lê Thủ-chân nói: Kết trại đặt dinh tất phải xem địa lợi, hoặc dựa núi dựa hang, hoặc giữ hiểm nhân ghềnh, hoặc theo bát quái mà lập tám cửa, hoặc xem ngũ hành mà lập năm trại, đấy là do người trí tướng liệu định. Cổ thi có câu:

Trường xà bàn khúc chuyển sơn bài;
Điệp điệp vân đồn thứ đệ khai.
Đãn khán quân dinh tàng tạo hóa;
Thử vi thiên hạ đại kỳ tài.

(Rắn dài cuộn khúc chuyển non bày; San sát vân đồn thứ tự khai. Chỉ xét quân dinh tàng tạo hóa. Ấy là thiên hạ đại kỳ tài).


Tuy nhiên như vậy, lúc ở yên phải nghĩ đến lúc nguy. Giặc biến trá nhiều cách, không thể lường được, hoặc gian nhân thích khách ngầm đến, hoặc nhân đêm mà cướp trại đánh dinh. Cho nên trí tướng đời xưa ngồi trong trướng xem hướng gió thổi mà tính trước đặt phục xuất kỳ, đấy là phương lược của cổ nhân. Đến Lộc-khê tiên sinh thì không xem hướng gió, không đặt phục binh. Phàm nơi đóng trại đều rào chông chà, treo bàn chông, rắc gai góc, gài tật lê, ngầm để trúc lôi4, cẩn thận như thế, giặc dẫu có cánh cũng chẳng bay đến được. Song bọn chúng tôi tưởng nắm được di chí của cổ nhân, theo được thần cơ của tiên giác, còn sợ chưa được tinh mật, cho nên đặt ra các phép nỏ thần giữ trại, và phép đặt chữ đinh ở thủy trại, chưa bằng tiền nhân, nhưng công dụng cũng có bổ ích một chút.
_______________________________________
1. Nơi bằng phẳng sáng sủa.
2. Về các vật này xin xem Binh thư yếu lược.
3. Chữ hán là “thiên la yểm trại”.
4. Trúc lôi: Địa lôi bằng tre.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM