Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:45:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188513 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:08:05 pm »


HỔ TRUỚNG KHU CƠ


QUYỂN I
TẬP THIÊN


Tổng luận về cơ yếu binh pháp.

Mảng nghe: Gươm báu ấn vàng, nguyên soái lên đàn ban hiệu lệnh; quạt lông khăn lụa, quân sư cười nói vận thần cơ. Tỷ như Phạm Lãi dâng Tây Thi1, Tôn Tẫn bớt bếp nấu2, Đàn Đạo-tế đong cát giả làm lương3, Trương Tử-phòng thổi sáo cho địch nản4, Hàn Tín cho quân nhổ cờ Triệu cắm cờ Hán5, cùng là giả thư đầu hàng dùng kế cho giặc kiêu, đều xuất tự trong lòng của trí tướng, tự kế hoạch của mưu thần mà thôi. Cho nên nói rằng thừa cơ làm việc đấy thôi. Nhưng đều chưa có thể dùng làm phép thường. Phép thường là phương pháp. Phương pháp là gì? Như Hiên-viên đánh Xi-vưu làm xe chỉ nam mà bắt được giặc, cùng là đời sau trâu lửa của Điền Đan, hải nhạc6 của Vũ-mục. Hàn Tín dùng chum gỗ7 cho quân sang sông, Khổng-minh làm trâu ngựa gỗ để vận lương, Lưu Bá-ôn8 chế súng đồng pháo lửa, những người ấy thực là có tài xoay trời chuyển đất, có chí yêu nước giúp đời, trong lúc thi thố so với việc bày binh bố trận hơn gấp mười lần. Đời sau dẫu có danh tướng cũng không thể hơn được.

Đến quốc triều ta, Chính quân vệ úy nội tán Lộc-khê tiên sinh, đem tài lạ giúp vua, phát huy tinh túy của tướng môn, lập ra các phép hỏa cầu, yên cầu và phép thương lửa dưới đất, tên lửa chứa thuốc độc, dẫu người đời xưa sống lại cũng chẳng hơn đâu. Người sau học được yếu chỉ thì chỉ có Triệu Điền, Bảo Thúc, Cao Toàn mấy người mà thôi. Sau khi các vị ấy đã quy thần thì có ai nối được truyền thống ấy nữa đâu! Than ôi! đất đã chôn bí pháp, nhưng may trời chưa chôn lương mưu, để cho bạn ta như Cao công là người tuổi trẻ lỗi lạc, học thuật thấm nhuần, để lòng giấu cất ngọc quý của tướng lược, khắc xương ghi chép phép diệu của binh gia, rửa bút rất tinh, mài nghiên rất sạch, biên thành sách Hổ trướng khu cơ, chia làm ba quyển, đầu đuôi cộng 37 điều. Thực là quốc sĩ vô song, quỷ thần mạc trác, không những chỉ là phép hỏa công thủy chiến, lại đến cả phép giữ trại phòng gian, vận dụng cơ quan, không cái gì là không chép đủ. Được người khá mà dạy cho thì kinh dinh bốn phương, công ghi sử sách, trăm đời cũng không mất vậy. Công dụng của tiền nhân bổ ích có phải là ít đâu.
______________________________________
1. Phạm Lãi khuyên Việt Câu-tiễn dâng Tây Thi cho Ngô Phù sai.
2. Xem chú Tôn TẫnBinh thư yếu lược, quyển III.
3. Xem điển ở Binh thư yếu lược, quyển III.
4. Trương Lương thổi sáo ở Cai-hạ làm cho quân Sở nghe mà nản lòng.
5. Xem chú Xích xíBinh thư yếu lược, quyển III.
6. Núi dưới biển, không rõ phép thế nào.
7. Xem chú Mộc anhBinh thư yếu lược, quyển III.
8. Quân sư của Minh Thái tổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:09:25 pm »

*
*   *

THIÊN HỎA CÔNG

Cao Chiêu-dương nói: Phàm lửa vốn tự thái cực, được khí dương tinh, nhờ vào gỗ mà sinh, cho nên phàm các vật ở trong trời đất cái gì đụng vào là phải cháy tan, mà làm ngôi thứ nhất trong ngũ hành, lại là phép công hiệu nhất trong binh pháp. Nhưng gỗ (cây) động thì sinh gió, gió thổi thì lửa sinh, đó là lẽ tự nhiên của trời đất, cho nên người xưa nhân có gió mà dùng hỏa công cũng là lẽ thường, Còn như không có gió mà dùng lửa, dùng lửa không cần phải có gió, thì đời xưa chưa từng có. Duy có súng phật-lang-cơ của Tây-dương cũng tài như các phép hỏa cầu, yên cầu, hỏa lôi, hỏa tiễn của Lộc-khê tiên sinh. Thực đủ phát minh những cái đời trước chưa phát mà lập nên thần cơ mới mẻ. Xem mấy điều ấy thì biết rằng cái tài của Lộc-khê tiên sinh có thể làm trái cơ trời đất, trái tính ngũ hành, thực là cơ quỷ thần không ai làm được. Học giả nên kính cẩn đấy.

Lê Thủ-chân nói: Đời xưa dùng hỏa công là nhân mùa hạ nóng nực, gió nồm thổi mạnh, liệu theo địa thế đặt hiểm mà đốt. Như Chu Du bày quân ở sông Xích-bích rồi sai Hoàng Cái đem thư trá hàng mượn thuyền lương mà đốt quân Tào Tháo. Khổng-minh đi đánh Mạnh Hoạch ở miền Nam, Ngụy Diên phục binh ở hang tối mà đốt quân áo giáp mây. Cho nên Binh pháp nói “Đường hẹp dùng hỏa công” là thế đó. Các kỳ kế như thế cũng cùng một lối mà thôi. Ngày nay dùng hỏa công thì lại khác. Bắt đầu tự Lưu Bá-ôn đời Minh hồi giúp Thái tổ chế ra phép diệu súng đồng hỏa lôi, bắn một phát thì đạn lửa bay ra, đến đâu thì vạn vật đều tan nát hết, thực là toàn mỹ. Song người sinh sau lại càng đáng sợ. Các nước Tây-dương có nhiều kỳ tài, chế nhiều phép giỏi, như các loại súng phật-lang-cơ, địa lôi, đạn sắt lại càng huyền diệu, bắn ra một phát, thảm độc rất nhiều. Rồi tiền nhân ta được phép ấy, chỗ thiếu thì bổ vào, chỗ sót thì thêm vào, mà chế ra các phép hỏa cầu, yên cầu, hỏa đồng, hỏa tiễn, lại được thích dụng. Cứ ý kiến của tôi thì tài ấy có kém gì dây sắt đạn lửa đâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:14:15 pm »

*
*   *

PHÉP DIỀU LỬA ĐỐT GIẶC.

Phàm có gió thì nên dùng hỏa công, đó là phép thường. Nếu trại giặc rất xa mà canh giữ nghiêm ngặt, thì dẫu có gió lớn, lửa cũng không do đâu mà dùng được. Nên làm phép diều giấy để đốt thì giặc dù có cánh bay được trong phút chốc cũng hóa ra tro hết.

Phép làm: Trước hết lấy nan tre làm cốt kết thành hình con diều, hai cánh ngang ra, đem cốt diều1 ấy ngâm nước hơn một tháng, phơi khô, lấy giấy mỏng tẩm dầu trám dán vào cốt tre làm lòng diều. Lại lấy 1 cân lưu hoàng, 1 lạng diêm tiêu nấu cho tan ra đem vải mỏng mà tẩm rồi phơi khô, bồi vào ngoài cốt tre ấy làm da diều. Lại lấy một cân cỏ bấc đèn cũng tẩm nước ấy để làm đuôi diều. Xong rồi, lại lấy 1 sợi dây gai dài độ 100 bước, hoặc hai ba trăm bước, buộc vào lưng diều làm lèo và dây thả diều. Lại lấy một sợi dây giấy làm ngòi thuốc dài bằng dây gai buộc vào sau đuôi diều, còn thừa thì quấn vào dây diều. Nhân có gió thì thả diều lên, xem chừng hễ diều đến gần dinh trại giặc thì lấy lửa đốt vào đầu dây ngòi thuốc, lửa bén theo lên diều và cháy đứt dây, diều rơi xuống. Nếu dây diều chưa đứt thì lấy dao mà cắt khiến diều rơi xuống đốt cháy trại giặc.


*
*   *

PHÉP LÀM HỎA CẦU (QUẢ NỔ2).

Phép hỏa cầu là phép thần của Tây-dương. Trong lúc đem quân đi đánh giặc, hai bên bày thành thế trận, ta đem súng phi thiên mà bắn, quả nổ tung ra, rơi đến đâu thì quả nổ nổ ra, mảnh sắt tung toé bốn mặt, dẫu gươm giáo choáng trời, cờ xí lấp đất cũng chỉ một lát là tan nát hết.

Phép làm: Trước hết sai thợ sắt đúc một bình gang tròn ước 1 thước gọi là quả mẹ, lại đúc ba quả con mỗi quả tròn 2 tấc. Đều đúc gang mỏng. Trên miệng có nắp có đường trôn ốc để khi đậy nắp lại không bật ra được. Rồi sau nạp thuốc súng vào miệng bình. Hãy xin nói một quả. Trong lòng đựng đầy thuốc súng, xong rồi lấy nắp đậy kín miệng lại. Trước dùi một lỗ nhỏ để luồn dày ngòi vào. Dùng vỏ gai ngâm nước muối phơi khô kết thành dây và quấn ở ngoài quả nổ, hình như rắn quấn, như thế là để cho lửa không cháy vung ra. Lại lấy vỏ gai khô buộc xen vào, khiến cho lửa không tắt được. Lại lấy dây ngòi thuốc súng quấn vào toàn thân quả nổ, cuối cùng luồn đầu ngòi vào lỗ nhỏ, như thế là cốt cho nổ chậm. Lại lấy nước muối tẩm vào vỏ gai, phơi khô, quấn vào chung quanh quả nổ rất kín. Làm như thế xong rồi lại lấy dây thau nhỏ buộc chằng ở ngoài, để cho lúc bắn đi không tuột da quả nổ. Lấy mấy quả con ấy nạp vào trong bụng quả mẹ. Quả mẹ cũng làm như cách nói trên. Còn đầu dây ngòi thì nên để hở ra ngoài. Cứ thế đem quả nổ nạp vào đại bác phi thiên mà bắn thì quả nào cũng nổ.

Lời bổ chú của Kiêm-trai: Phàm mùa đông mà bắn quả nổ, nên dùng mỡ rái cá bôi ngoài vỏ gang quả mẹ quả con thì càng tốt

Bài thuốc nạp quả nổ:

Diêm tiêu 1 lạng, Lưu hoàng 1 đồng 2 phân
Thạch tín 8 phân, Than gỗ dâu 1 đồng 2 phân 2 ly.
Hồ tiêu 8 phân,
Bạch chu sa 8 phân, Nao sa 8 phân.

Bài làm ngòi:

Bạch diêm 2 lạng 2 phân, Lưu hoàng 8 đồng cân.
Than gỗ dâu 1 lạng 6 đồng cân.
Giấy trắng tẩm bạch diêm đủ dùng.
(Thuốc làm ngòi diều lửa ở trên cũng thế).
_______________________________________
1. Không nói rõ bề lớn nhỏ của cốt diều.
2. Tức là trái phá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:15:52 pm »


*
*   *

PHÉP CHẾ YÊN CẦU (QỦA MÙ).

Phàm khi hai bên giao chiến, trận thế tương đương, ta đứng đầu gió mà thả khói phân lang thuốc độc thì địch hẳn tránh được, dù có bài thuốc thảm độc cũng không làm hại được. Cho nên tiên công có bí pháp chế ra quả mù nạp vào súng phi thiên mà bắn đến gần dinh giặc, lửa nổ khói độc phát ra, giặc dù có phép độn thổ tàng hình, chỉ trong khoảnh khắc đều chết cứng cả.

Phép làm: dùng một cái bình sắt chứa thuốc độc vào, trên bình có một lỗ thông thiên 1 tấc 6 phân. Lại dùng một cái ống sắt không có đáy to 1 tấc 5 phân 3 ly, dài 3 tấc 5 phân, trong ống đựng thuốc súng, đầu ống lấy mẩu tre hay mẩu gỗ bịt lại, xong rồi đặt ống ấy vào chỗ lỗ thông thiên. Lại lấy dây ngòi thuốc xuyên ngay vào trong ống. Ngoài bình sắt bao bằng dây gai ngâm nước muối. Làm như thế xong rồi nạp bình sắt ấy vào đại bác phi thiên mà bắn. Ta đứng đầu gió mà bắn thì lửa theo ngòi thuốc mà vào trong ống, phá tung cái nút gỗ ở đầu ống ra, tự nhiên khói độc phát ra, theo gió mà đến quân giặc chết cả.

Bài thuốc độc:

Diêm tiêu 10 lạng, Lưu hoàng 2 lạng,
Than gỗ dâu 3 lạng, Phân chó sói 2 lạng rưỡi,
Cứt khô 3 lạng, Lá thiên ngải 3 lạng,
Thuốc lào 3 lạng, Phiên tiêu 3 lạng,
Ban miêu 3 lạng, Tiên thiên tử 2 lạng,
Thạch tín 2 lạng, Thiên hoa phấn 5 đồng cân rưỡi.

Bài thuốc súng:

Diêm tiêu 5 đồng cân, Lưu hoàng 3 đồng cân,
Than gỗ xoan 3 đồng 5 phân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:19:12 pm »


*
*   *

PHÉP CHẾ HỎA ĐỒNG.

Kiêm-trai nói: Lúc dùng hỏa đồng thì đem hỏa đồng buộc vào miệng súng mà bắn.

Phép làm: Lấy một cái ống tre một đầu để mắt, dài 6 tấc, dày 3 phân, trước tra thuốc vào dưới đáy, giọt 300 chày, lại tra thuốc phun, giọt 300 chày, xong rồi lấy lưỡi đồng nạp vào, lại lấy thuốc hỏa phấn nạp vào chỗ khe các lưỡi đồng. Rồi lấy dây tẩu mã, tức là dây ngòi lửa, xuyên vào. Lại lấy giấy bồi ở ngoài ống, lại lấy dây mây chằng rất kỹ, rồi dùng dây gai mà quấn để dùng.

Bài thuốc nạp:

Diêm tiêu 10 lạng 1 đồng 5 phân,
Lưu hoàng 2 lạng, Than gỗ dâu 2 lạng.

Bài thuốc hỏa phấn:

Diêm tiêu 1 lạng, Lưu hoàng 1 cân 4 phân,
Than đen 1 cân 7 phân, Nhựa thông 3 phân,
Thiết hoa 5 phân, Bách thảo sương (nhọ nồi) 3 phân,
Phê sương 3 phân, Chương não 3 phân,
Ngân châu 3 phân, Khói thông 1 lạng 3 phân.

Bài thuốc phun:

Diêm tiêu 1 lạng, Lưu hoàng 6 cân,
Than gỗ thông 5 cân, Bách thảo sương 3 cân,
Thiết phấn 3 cân 5 đồng, Ngân phấn 3 cân 5 đồng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:21:47 pm »


*
*   *

PHÉP LÀM HỎA TIỄN (TÊN LỬA )

Kiêm-trai nói: Vì lửa dữ dội như hổ, nên gọi là hỏa hổ.

Phàm trí tướng dụng binh, việc gì cũng dự bị. Nếu không dự bị thì lâm cơ trong khoảng chốc lát lấy gì mà ứng dựng. Ví dụ như lúc cướp trại giặc, vượt vòng vây, đánh giáp mặt ở đường hẹp, cùng trận ngựa liên hoàn, trận voi chắn đường, nên dùng tên lửa mà đánh thì cái gì cũng tan.

Phép làm: Lấy cái ống dài 6 tấc 3 phân, nhồi thuốc súng làm 3 nấc, nấc thứ nhất dày một tác, giọt 300 chày, nấc thứ hai dày 3 tấc, giọt 300 chày, nấc thứ ba nạp tên sắt, đuôi tên có đeo sao dài 1 tấc, lại nạp thuốc 1 tấc, giọt 300 chày. Xong rồi đằng sau ống sắt dùng ống tre già 5 tấc tiếp vào, lại cho ngòi thuốc xuyên vào đầu ống. Lúc dùng lấy lửa đốt đầu ngòi thì thuốc lửa cùng tên sắt tự nhiên bắn tung ra.

Bài thuốc nạp:

Diêm tiêu 10 lạng, Than đen 2 lạng,
Lưu hoàng 1 lạng 2 đồng 5 phân.


*
*   *

PHÉP CHÔN HỎA THƯƠNG DƯỚI ĐẤT.

Phàm trí tướng dùng binh, hoặc dụ giặc vào chỗ sông hồ, bầy mưu mà đánh, giả cách thua chạy, đặt súng ở dưới đất để đánh bại giặc.

Phép này, dùng tre núi hoặc 100 cái, hoặc 200 cái, mỗi cái dài hơn 5 thước, miệng to 2 tấc, ba đốt trên đục thủng lỗ to, đoạn dưới để mắt, nhồi thuốc phun đầy 2 thước rưỡi, còn nửa thước ở trên lại nhồi thuốc súng. Như thế xong, bèn dùng ống nhỏ, ống ấy vừa bằng ruột ống tre, dài 3 tấc, cắm vào đầu thương làm miệng. Trên miệng lấy giấy Vĩnh-thọ cắt ra thành mảnh nhỏ rồi lấy hồ dán miệng ấy rất kín. Bên đầu thương lại dùi một lỗ nhỏ để làm chỗ dẫn lửa. Ống thương nên lấy dây mây mà quấn, lại lấy dây sắt mà bọc. Lại lấy gỗ nhỏ 2 cây, mỗi cây dài 1 thước rưỡi, đục làm giá chữ thập (), cốt để khi chôn xuống đất thì ống thương không bật đổ. Các việc xong cả, bèn khai rãnh chữ bát (), đem những ống hỏa thương ấy đặt xuống rãnh, cách nhau hơn 3 thước, miệng thương để lòi ra 1 tấc, còn thì chôn sâu dưới đất. Bấy giờ đến chỗ giáp rãnh chữ bát đào một hốc sâu 4, 5 thước, đặt đá lửa và dao sắt, làm máy như cách đặt địa lôi. Bèn đặt ngòi dẫn lửa tự máy đá liền đến chỗ lỗ ngòi của các hỏa thương. Xong đâu vào đấy rồi, lại lấy cát cỏ phủ lên cho bằng, đừng để hở cho người biết. Rồi ta đến dinh giặc khiêu chiến, ta giả cách thua chạy, cứ nhắm chỗ ấy mà chạy. Giặc không ngờ, chạy xéo vào máy đá thì dao và đá cọ xát nhau mà nảy lửa, lửa cháy vào ngòi thông đến các ống hỏa thương hai bên thì các hỏa khí nổ bung lên. Giặc dẫu đông trăm vạn cũng đến chết cháy trong đám lửa hừng ấy.

Bài thuốc phun:

Diêm tiêu 2 lạng, Lưu hoàng 6 cân,
Than thông 5 cân, Nhọ nồi 5 cân,
Thiết phấn 3 cân 5 đồng, Yên phấn 3 cân 5 phân, 
Long não 3 phân.

Bài thuốc súng:

Diêm tiêu 1 lạng, Lưu hoàng 3 phân 5 ly,
Than xoan 3 phân 5 ly.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:49:42 pm »


*
*   *

PHÉP HỎA TIỄN CHỨA THUỐC ĐỘC.

Phàm ít không địch được nhiều, yếu không địch được mạnh, đó là lẽ thường. Nhưng Binh pháp có nói: “Người đánh giỏi trước làm thế địch không thể thắng được để chờ thế của địch mình có thể thắng”1. Cho nên cầm quân 3.000 người chống giặc năm đường, phỏng ở nơi đồng rộng đường dài, giặc đem cả nước sang đánh thì lấy gì mà chống được? Nên dùng phép hỏa tiễn chứa thuốc độc:

Trước hết sai quân đào hai rãnh ở hai bên đường, sâu 4 thước 5 tấc, dài 200 bước hoặc 100 bước hay 50 bước, giữa đường lại đào một rãnh ngang để thông hai rãnh tả hữu. Lại khiến thợ sắt đúc cái bầu sắt đường kính đáy 2 thước, đường kính miệng 2 tấc 3 phân, hoặc 100 cái, hoặc 1.000 cái, hình như quả bầu. Lại làm ống sắt dài 4 thước 3 tấc, mỗi bầu một ống. Lấy thuốc độc nạp vào trong bầu, xong rồi lại đem ống sắt cắm vào trong bầu từ miệng đến đáy. Lại lấy thuốc súng nạp vào đầy ống sắt. Lại lấy viên bánh thuốc độc nạp lên trên thuốc súng. Lại lấy thuốc súng nạp lên trên bánh thuốc độc. Lại lấy mũi tên sắt 10 cái hoặc 100 cái hình như ngọn mác, dùng dây gai buộc làm một bó nạp lên trên thuốc súng. Lại lấy thuốc súng nhét lên trên bó mũi tên. Lại lấy viên bánh thuốc độc nhét lên trên thuốc súng. Lại nạp mũi tên lên trên thuốc súng. Lại lấy thuốc súng nhét lên trên mũi tên. Như thế 3, 4 lần, đến khi đầy ống thì thôi. Bấy giờ mới đem bầu sắt ấy để vào trong rãnh, miệng bầu hơi nghiêng trở lên, các ống đều cách nhau chừng một bước. Hai rãnh bến tả bên hữu đều đặt như thế. Rồi sau đặt máy lửa ở rãnh ngang, trên có ngòi thuốc chạy vào miệng cái ống ấy để làm thế nổ liên liếp. Lại lấy nan tre làm phên che lên trên các rãnh, phủ cát cỏ lên. Làm xong rồi, mới đi dụ giặc ra đánh nhau, giả cách thua mà chạy. Giặc thừa thế đuổi theo, đến chỗ rãnh ngang xéo phải máy lửa thì ngòi lửa cháy đến các ống mũi tên thuốc độc, thuốc súng cùng lửa đều nổ tung, dù trăm vạn quân cũng chỉ một chốc đều bị nát.

Bài thuốc bầu:

Diêm tiêu 10 lạng,
Than dâu 5 lạng,
Thạch tín 1 lạng,
Lưu hoàng 10 lạng,
Phân chó sói 2 lạng,
Hồ tiêu 2 lạng,
Dương trịnh trục, tục gọi là quả ngón vàng, 1 lạng,
Lá ngải 2 lạng,
Thiên tiên tử, tức là cà độc dược 1 lạng,
Thuốc lào 2 lạng,
Thiên hoa phấn 3 đồng cân,
Ban miêu, tức là bọ đỗ đỏ đầu 1 lạng.
Các vị trên tán nhỏ ra lấy nước mủ xương rồng ngâm rồi phơi khô mà dùng.


Bài thuốc súng:

Diêm tiêu 6 lạng,
Than dâu 1 lạng,
Lưu hoàng 5 đồng cân.


Bài bánh thuốc độc:

Diêm tiêu 7 lạng 2 đồng cân, Lưu hoàng 5 đồng 8 phân, Than dâu 1 lạng, Nhựa thông 1 lạng, Băng phiến 5 đồng cân, Vôi 1 lạng, Nhọ nồi 5 đồng cân 3 ly.
Các vị trên tán nhỏ ra, trước đem nhựa thông nấu tan ra, rồi cho các vị thuốc vào, đo miệng ống mà nặn thành bánh, như bánh hương hoàn.
______________________________________
1. Tôn tử, thiên IV.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:52:31 pm »


*
*   *

PHÉP LÀM SÚNG GỖ.

Phàm súng đồng súng gang, người đời dễ biết, còn phép làm súng gỗ, chưa ai biết cả. Người làm tướng không nên không xét mà dùng.

Sai thợ mộc lấy gỗ rất bền làm thành hình súng, thành rất dày, lòng rất rộng. Phần sau ống súng ước độ 1 thước thì trong lòng để nguyên. Bèn xẻ dọc ra làm hai mảnh. Lại lấy các thứ vôi, phân voi, mật, đất thó hòa lẫn với nhau đem bôi vào lòng súng, cốt cho trơn, xong rồi ghép hai mảnh lại thành một khẩu súng. Lại lấy vôi, nhựa trám, nhựa thông, mật, hòa lẫn nhau gắn vào chỗ hai mảnh ghép nhau, rồi lấy dây sắt cuộn đánh đai thân súng lại cho chắc chắn. Lại xoi một lỗ cho ngòi thuốc vào. Nhồi đạn và thuốc súng vào để bắn, không khác gì súng đồng súng gang.


*
*   *

PHÉP ĐỐT ĐUỐC TRƯỚC GIÓ.

Phàm đánh trận ban đêm phải có đèn đuốc. Nếu gặp lúc gió lớn mưa to thì làm thế nào mà đốt đuốc được? Cho nên tiên công làm phép đốt đuốc rất thần diệu. Phàm đánh trận ban đêm dẫu gặp gió bão mưa trút cũng vẫn sáng trưng, không lo tắt nữa.

Bài làm thuốc thần:

Sơn khô 2 lạng, sao qua,
Lưu hoàng 2 lạng,
Lịch thanh, tức nhựa trám 2 lạng,
Sáp ong 2 lạng,
Diêm tiêu 2 lạng,
Bột đậu đen 2 lạng.
Các vị trên tán nhỏ ra, trước đem nhựa trám nấu chảy ra cho các vị thuốc vào, lấy vải nặn thành thoi dài để vào trong ống tre, đốt ở trước gió không tắt.


*
*   *

Kiêm-trai nói: Cách làm đèn phi thiên ngày nay cũng vẫn nên cùng dùng với đuốc này.

PHÉP LÀM ĐÈN PHI THIÊN.

Lấy giấy trắng làm lòng đèn hình như cái gàu múc nước, cao 2 thước, trên nhọn mà kín, dưới tròn mà rỗng, bề ngang hơn 1 thước, dưới đáy có vòng tròn bằng tre; lấy dây sắt buộc như chữ thập, lấy một mớ bấc đèn tẩm dầu buộc vào chỗ dây sắt chữ thập mà đốt thì lửa đèn sinh ra gió đèn bay lên trời, theo chiều gió mà đi, sáng khắp cả bốn bề. Làm nhiều đèn ấy đốt thả lên càng tốt. Khôn khéo biết là dường nào!


*
*   *

Các bí pháp hỏa công trên này cộng 9 điều, thực là trí diệu của cổ nhân, người học nên để lòng học thuộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2009, 05:55:36 pm »


THIÊN THỦY CHIẾN

Cao Chiêu-dương bàn rằng: Nước là có từ thuở hồng mông1, do khí của trời sinh ra, cho nên bảo rằng sức nó khỏe mà đi thuận chiều, người nhờ nó để sống mà nó cũng giỏi giết người, có thể chở vật mà cũng có thể lật chìm vật, từ trên cao mà chảy xuống, mạnh không cái gì bằng. Cho nên người xưa dùng nước vào việc binh, công dụng không thể kể hết. Như Hoàng để làm thuyền, Hàn Tín theo đó mà làm chum gỗ, Chu Du theo đó mà lập thủy trận; bao cát túi cát của Gia-cát, long thằng hải nhạc2 của Vũ-mục, tàu chiến bọc sắt của Vân-long, voi vôi, cọc gỗ của Hồng-vũ. Nay Lộc-khê làm các phép thủy võng thủy lôi, Triệu Điền làm thủy long thủy nô, đều theo phép đời xưa mà biến hóa thôi. Xem như thế thì thủy chiến rất nhiều phương pháp, cốt mình khéo dùng. Cho nên Binh pháp nói rằng “Vận dụng khéo ở một lòng, ngồi trong màn trướng mà quyết thắng ở nghìn dặm”, há chẳng đúng sao. Còn như thư sinh non mặt, tướng hèn tối dạ, khư khư câu nệ không biết biến thông, chỉ biết nước làm tắt được lửa, gió động sinh ra sóng, mà không biết cái lẽ lửa chế được nước, không gió cũng sóng, có khác gì ngồi đáy giếng xem trời, lấy hến đong nước biển, cũng như Triệu Quát3 chỉ biết đọc sách của cha mà không biết thông biến, những người như thế thực là đáng thương. Cho nên tôi lược cử mấy điều biên chép thành tập này, để các bậc quân tử sau này ai học binh thư sẽ theo thời thông biến, chớ như người đánh dấu mạn thuyền tìm gươm, thế thì binh pháp của Lộc-khê may ra khỏi sai lầm.

Lê Thủ-chân nói: Tính nước mềm mà không yếu, khỏe mà không cứng, có lúc thì trăng soi trong vắt, có lúc thì nổi sóng ầm ầm, chặn lại thì lên núi, chảy xuôi thì về biển. Mạnh tử nói: “Như nước chảy xuống chỗ thấp, không ai ngăn được”. Đấy là tính của nước. Ngụy Võ hầu nói: “Núi sông vững bền, tốt lắm, đấy là của báu của nước Ngụy”. Ngô hầu nói: “Ta có sông Trường-giang rất hiểm”. Tuy nói như thế cũng là khá đấy, nhưng chưa bằng nhân chỗ hiểm mà đặt hiểm, đã tinh lại cầu cho tinh thêm, trong dầu nhân thế mà phóng lửa, trên gấm theo khổ mà thêm hoa, lại càng tốt hơn. Cho nên đóng cọc lòng sông, gài nỏ góc biển, lại vững chắc hơn, đặt thủy lôi đáy nước, đặt tên ngầm trong sông, lại càng hiểm lạ, há chẳng tốt sao? Lại xem như lúc Hán Quang-vũ thua trận chạy đến sông Ô-đà, may mà băng đóng nên qua sông được, nếu băng không đóng thì làm thế nào? Cho nên đặt làm cầu phao trăm cấp. Thục Tiên chúa khi phi ngựa qua suối Đàn-khê, nếu ngựa không nhảy sang thì làm thế nào? Cho nên làm ra phép chum đan để lội sông. Những bí pháp như các điều ấy, nếu không phải là người trí khôn cướp cơ tạo hóa thì làm thế nào được! Cho nên các phép của tiên công, so với cổ nhân tới sông đánh thủy, gặp nước bắc cầu cũng chẳng kém đâu. Học giả nên kính cẩn mà học.
_______________________________________
1. Thuở mới sinh ra trời đất.
2. Dây thừng rồng và núi trong biển.
3. Triệu Quát: Tướng nước Triệu thời Chiến quốc, dùng binh chỉ theo sách học, không biết thông biến, đánh nhau với Bạch Khởi tướng Tần, bị Bạch Khởi chôn sống bốn mươi vạn quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:08:25 pm »


*
*   *

PHÉP LẤY NƯỚC NGỌT TRONG BIỂN.

Phàm trí tướng dùng binh, trong lúc thủy chiến thống suất hàng nghìn chiến hạm, muôn đội hùng binh, vượt biển mà đánh giặc, nhỡ ra trong quân thiếu nước ngọt thì làm thế nào? Cho nên có phép lấy nước ngọt trong biển:

Trước hết sai thợ mộc đóng một cái thùng to, cao độ 5 thước, bề to sao cho xứng, chu vi kiên cố, nước không rỉ được. Đục 5, 6 lỗ nhỏ ở đáy thùng, lấy vải trắng lụa mới trải ở đáy thùng phía trên lỗ. Xong rồi mới ra bãi cát ven biển đào một hốc to, thấy nước trong chảy ra, uống thấy ngọt thì lấy cát chỗ ấy chứa vào trong thùng, chừa trên miệng thùng nửa thước. Lại làm một cái chậu gỗ cao ước 1 thước to bằng miệng cái thùng kia, đem chậu ấy để dưới thùng, rồi để cả vào trong thuyền. Đến khi qua biển, sai quân múc nước biển dội vào trong thùng gỗ lên trên cát; nên cho nước biển chảy dần dần xuống, chớ cho chảy mạnh, làm như cách lọc nước; như thế thì nước biển thấm xuống đáy thùng mà gạn vào chậu, tự mất vị mặn mà thành vị ngọt, không khác gì nước giếng, dùng để giải khát cho ba quân, lo gì trong biển không có nước uống!


*
*   *

PHÉP PHÁ XÍCH SẮT.

Khi chiến thuyền ta vào giang phận của giặc, bỗng gặp giặc dùng dây sắt chắn sông thì làm thế nào? Người làm tướng ngày thường nên sai thợ sắt đúc một cái thiết đề, miệng ngang rộng 2 thước, cán gỗ dài 3 thước, để ở trong chiến hạm. Khi gặp có xích sắt chắn sông thì lấy ba vị là diêm tiêu, lưu hoàng, nao sa cùng với than gỗ phóng vào trong thiết đề, thổi lửa nấu cho đỏ rực lên, đem đến chỗ xích sắt mà đốt, chốc lát xích sắt đỏ ra thì lấy búa lớn mà chặt, xích sắt phải gãy, thuyền ta thẳng tới như đi trên đất bằng, không ai ngăn được. Đấy là nghĩa hỏa khắc kim, trí tướng nên biết trước điều ấy.


*
*   *

PHÉP ĐẶT TÊN NGẦM DƯỚI NƯỚC.

Dùng cần tre cứng 100 cái hay 50 cái, mỗi cần dùng một ống tre dài 1 thước 5 tấc, trên có lỗ thông, dưới để mắt, dưới mắt để gióng thừa, đục một lỗ chênh chếch cắm đầu cần vào. Xong rồi, do lỗ thông ở đầu mỗi ống đều nạp tên thuốc độc cho đầy ống. Bao nhiêu cần tre đều làm như thế. Khi gần đánh nhau xét trước cửa sông chỗ nào là đường thuyền giặc đi qua thì đem cần cắm xuống nước hai bên cửa sông. Mỗi đầu cần buộc một sợi dây gai, đuôi dây các cần buộc túm lại làm một nắm dây to, đầu nắm dây to ấy buộc ngang vào một cái gỗ dài 4, 5 tấc như hình chân gà, rồi đem nắm dây to ấy kéo ghì vào sau bờ sông, như thế thì các cần tre đều cong lên như hình cung mà các tên thì hướng trở lên. Hai bên đều thế. Lại đo chính giữa cần tre ở phía ngoài cắm một cái cột ngắn ngầm dưới nước, đầu cột ấy làm cho bằng, kéo đầu nắm dây to chân gà để lên trên đầu cột ấy, lấy hòn đá lớn mà chận, liệu chừng cho các cần tre đều cong thì tốt. Hai bên tả hữu đều thế. Lại lấy một sợi gai buộc một hòn đá lớn ở bên tả, buộc liền với một hòn ở bên hữu mà chắn ngang lòng sông, chính giữa dây gai chắn ngang ấy lại buộc một cái neo đá với những ống phao nhỏ, liệu chừng cho lềnh bềnh theo sóng, nửa chìm nửa nổi thì tốt. Nếu thuyền giặc chợt đến, theo dòng nước tiến thẳng vào sông, thì mái chèo động vào dây chắn ngang sông, máy đá hai bên rơi xuống thì dây chân gà tuột ra, các cần tre đều bật lên mà tên ở các ống đều bắn theo nhau về một hướng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM