Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:01:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người Bình Xuyên - Kiếp giang hồ  (Đọc 80073 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #170 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 10:53:26 pm »

Chương 67

BẢY RÔ VỀ THÀNH LÀM BINH VẬN

CHÉM TƯ MẠNH RỒNG MÀ ĐƯỢC VIỆC MỚI TÀI

Trên chuyến xe đò Rách Giá-Sài Gòn có một hành khách mặc bộ đồ bà ba trắng, vải Xiêm mới cắt chỉ, còn những đường vạch phấn xanh của thợ may, cổ quấn khăn rằn, vẻ nông dân; nhưng nếu tinh ý bọn an ninh thường trực ở bến xe có thể nhận ra chân tướng của hành khách này. Đó là Bảy Rô dân Bình Xuyên chính cống. Cuộc phiêu lưu của Bảy Rô như sau: Sau tảo thanh Rừng Sác Bảy Rô được “lão già râu kẽm” phân công về công tác trong nội bộ Bình Xuyên. Nhưng trước kia Bảy Rô đã đụng Năm Tài một trận tại tổng hành dinh Bảy Viễn ở Tắt Cây Mắm nên Năm Tài nói vô nói ra, toan mượn tay Bảy Viễn trả mối thù xưa. Hay tin dữ, Bảy Rô phóng xuống Rạch Giá đầu quân nơi Mười Trí. Đang xuôi chèo mát mái thì “đụng” hiệp định Genève 54. Như tất cả cán bộ, Bảy Rô được học cấp tốc nội dung hiệp định đình chiến, xác định tầm quan trọng của vấn đề đi và ở. Bảy Rô chưa có dịp ra miền Bắc nên có ý muốn tập kết ra Bắc “cho biết thủ đô Hà Nội với người ta”. Một chuyến đi nhiều hứa hẹn, thời gian du hành cũng thật lý tưởng: chỉ hai năm thôi. Nhưng sau khi học hiệp định, Bảy Rô đổi ý. Ưu tiên ra đi dành cho các cán bộ trẻ, các cháu thiếu niên để học tập văn hóa và khoa học kỹ thuật sau này về kiến thiết xứ sở. Kế đến các nhân sĩ tên tuổi, không thể để lại miền Nam dưới quyền quản lý của thực dân. Với bản chất tráo trở của thực dân, thời gian tạm thời chia đôi đất nước không phải là hai năm như hiệp định đã nêu rõ, mà có thể kéo dài. Cán bộ dân vận và binh vận như anh rất cần ở lại miền Nam, phòng khi địch phản bội hiệp định. Thể là Bảy Rô tạm xếp mộng hải hồ để trở về địa bàn hoạt động quen thuộc của mình: vùng Chánh Hưng. Theo nguyên tác hoạt động bí mật, anh cho tổ chức biết anh sẽ về Chánh Hưng, địa chỉ của anh là đình Phong Phú, Xóm Củi để cán bộ tổ chức tìm đến mà móc nối sau này. Tổ chức cho anh một ít tiền vừa đủ sắm một bộ đồ để về thành cho sách sẽ. Đa số anh em may đồ Tây, áo sơ mi và quần Tây dài, thêm một đôi xăn-đan. Riêng Bảy Rô thì không quen mặc đồ Tây. Anh sắm một bộ đồ bà ba vải trắng, mang đôi guốc sơn đen thấy dễ chịu hơn. Còn tiền, anh mua thêm chiếc khăn rằn quấn cổ, đóng vai một bác nhà quê lên tỉnh.
Bảy Rô hồi hộp mỗi khi xe ghé bến các tỉnh dọc đường…
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #171 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 10:54:50 pm »

Bọn chó săn lúc nhúc như giòi. Cho nên anh lép nhép trong họng điều 14 của Hiệp định bảo đảm tự do cho những người đổi vùng trong thời gian tập kết chuyển quân. Võ trang “bùa chú” sẵn sàng nhưng rất may là anh không phải đấu lý với ai. Xe về tới An Đông bình an vô sự.

Bảy Rô về Sài Gòn đúng vào lúc Bảy Viễn bị đánh bật ra Rừng Sác, và nhà Ngô đang chuẩn bị màn “tráo bài ba lá”, truất phế Bảo Đại để lên ngai vàng tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Bảy Rô chờ hoài không thấy ai tới móc nối, sốt ruột anh tự động bắt tay vào việc. Gặp một cán bộ tỉnh đội Long Châu Hà tên Khương, Bảy Rô móc nối, tiến hành công tác BV (binh vận). Anh nắm trước tiên một cảnh sát chìm đội lốt tài xế ta-xi ở kế bên đình.Tên cúng cơm anh này là Võ Văn Được, trong trong xóm quen gọi là Năm ta-xi. Qua thời gian ăn nhậu chơi bời với nhau, biết Năm ta-xi là người tốt, chỉ vì hoàn cảnh sinh sống khó khăn mà lỡ bước, Bảy Rô giác ngộ và phân công: phân phát truyền đơn vạch mặt Ngô Đình Diệm, kêu đồng bào tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Công việc “làm ăn” đang trôi chảy thì gặp trục trặc: Theo thường lệ thì đúng 13 giờ 30, Năm ta-xi lái xe tới đình để Bảy Rô giao truyền đơn đem đi phân phát cho 14 tổ. Trưa ấy, Bảy Rô vừa ôm bó truyền đơn bày trước bàn thờ ông thần đình, thì tên thượng sĩ Mười phóng mô-tô BMW trong đình để ăn giỗ ở nhà cạnh bên, không ngờ tới đúng “giờ thiêng”. Bảy Rô lật đật hốt đống truyền đơn đem giấu trong bàn thờ ông thần nhưng không kịp. Tên thượng sĩ đã trông thấy. Năm ta-xi xanh như tàu lá. Làm sao bây giờ? Vốn quen đương đầu với những trường hợp đột biến như thế, Bảy Rô hành động ngay. Anh bình tĩnh chào hỏi:

- Chào thượng sĩ... thượng sĩ đã lỡ trông thấy rồi, tụi tui không dấu làm chi nữa. Lấy cái này về xem, nếu mày thương tụi tao! – Vừa nói, Bảy Rô nhét vào tay thượng sĩ Mười mấy lá truyền đơn.

Thượng sĩ Mười hoàn toàn bất ngờ trước tình huống đó. Hắn ngơ mấy giây, hết nhìn mấy tờ truyền đơn rồi lại nhìn Bảy Rô và Năm ta-xi:

- Tôi lấy mấy cái này làm gì?

Bảy Rô vỗ nhẹ vô cánh tay hắn:

- Đây là truyền đơn của đằng mình! Viết hay lắm! Lấy về coi đi. Anh em tiếp tục tranh đấu giải phóng dân tộc trong đó có gia đình mày nữa. Hễ coi được thì cho người khác coi, còn coi không được thì vứt đi, có hại gì đâu?

Thượng sĩ Mười đánh bỏ túi xấp truyền đơn của Bảy Rô. Hắn vừa quay lưng đi thì Bảy Rô “thu dọn chiến trường”, bảo Năm ta-xi:

- Không biết thằng này sẽ về tính sao vụ này, chi bằng tụi mình “lặn” một thời gian xem sao?

Bảy Rô lặn hai tuần, đồng thời cho người bí mật theo dõi thượng sĩ Mười. Không thấy tên này có hành động
gì khả nghi, Bảy Rô mạnh dạn đón đường hắn mời nhậu để kết bạn tri âm. Qua chầu nhậu, Bảy Rô biết thượng sĩ Mười thuộc loại “hồn ai nấy giữ” nên yên tâm trở về “chủ trị” tại đình Phong Phú như xưa.

Cuộc sống của người cán bộ binh vận trong lòng địch lúc nào cũng đầy bất trắc. Hết vụ này đến vụ khác xảy ra như những đợt sóng trường giang. Bình Xuyên rút hết ra Rừng Sác, bọn mật vụ nhà Ngô càng mở rộng mạng lưới chỉ điểm. Bảy Rô đụng đầu một tay chỉ điểm cỡ bự, biệt hiệu là Tư Mạnh Rồng. Tên này là chỉ điểm viên của tiểu đoàn 63 đóng ở dốc cầu Chữ Y. Khúc phim đụng độ đẫm máu như sau:

Bảy Rô được mờ ăn đám giỗ tại dốc cầu Chữ Y. Trước khi đi linh tính báo trước sẽ có chuyện rắc rối, nhưng Bảy Rô vẫn đi vì binh bận là phải tiếp xúc với lính địch càng nhiều càng hay. Nhậu lai rai vài tuần, Tư Mạnh
Rồng vỗ vai Bảy Rô lên giọng:

- Mày biết tao không?

Bảy Rô cười xã giao:

- Biết quá đi chứ..

Tư Mạnh Rồng hét lớn:

- Láo! Mày chưa coi giấy tờ của tao mà biết cái gì? Đây, giấy đây – hắn móc bóp lấy một chứng nhận có nền vàng ba sọc đỏ chìa trước mắt Bảy Rô. Nhưng Bảy Rô cười:

- Tao không coi giấy của mày .Tao không ưa cái thói ném đá giấu tay.

Mặt đang đỏ rần, Tư Mạnh Rồng tái xanh. Nó tính “giựt le” với Bảy Rô trước đám đông, không ngờ bị “phản
phé” đau điếng.

- Mày nói ai ném đá giấu tay? Mày dám hạ nhục tao giữa đám tiệc? Tao không thèm nói tay đôi với mày. Tao cho em út tao trị mày – Quay lại bàn gần đó, hắn ra lệnh – Tư Sanh, mày trị nó cho tao coi?
Tư Sanh là vệ sĩ của sĩ quan cấp tá, nghề võ cao cường. Hắn tới trước mặt Bảy Rô kênh người:

- Tại sao chú dám hiếp anh Tư Mạnh Rồng?

Bảy Rô vẫn bình tĩnh:

- Có gì đâu mà hiếp? Tánh tao thích nói thẳng. Mấy cha chỉ điểm chẳng phải làm cái nghề ném đá giấu tay
hay sao?

Tư Sanh chưa biết đối đáp thế nào thì Tư Mạnh Rồng hét lên:

- Không nói “dang ca” với nó! Tao biểu mày bửa đầu nó cho tao!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #172 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 10:56:21 pm »

Tư Sanh chạy xuống bếp tìm con dao nhưng Bảy Rô đã nhanh tay hơn. Khi bước qua sân nhà, anh đã thấy con dao bửa củi, và chỉ ba bước là anh đã có võ khí trong tay. Không thèm chú ý tới Tư Sanh là tay em út, Bảy Rô nhắm ngay tên Tư Mạnh Rồng:

- Tao với mày chơi nhau xứng đôi hơn. Nè đỡ! – Bảy Rô chém vô trán Tư Mạnh Rồng ba dao liên tiếp. Chừng Tư Mạnh Rồng ngã gục xuống vũng máu, Bảy Rô mới ném dao chạy. Anh chạy dọc theo bờ kinh thì có tiếng gọi “Bảy Rô!” Quay lại thì thấy tên Bí, tự Ba tôm-xông, một người bạn thân. Ba tôm-xông mượn xuồng đưa Bảy Rô qua xóm Đầm kế bên chuồng bò của công-xi-heo Chánh Hưng lánh nạn.

Bảy Rô nhào vô nhà Già Tư, là bác vợ, tắm rửa, nhờ bác vợ chống gậy qua thăm dò xem thương tích Tư Mạnh Rồng như thế nào, gia đình có thưa kiện gì không. Trong khi bác vợ lụm cụm thăm dò tin tức, Bảy Rô đứng ngồi không yên. Anh bứt rứt quá nóng trong việc trừng trị công khai tên chỉ điểm lợi hại Tư Mạnh Rồng.

Cũng may là Bảy Rô vớ nhằm con dao bửa củi lụt nhách, nếu cầm nhầm dao bảy thì đã mang bản án ngộ sát thứ hai. Gia đình Tư Mạnh Rồng một hai đòi đi thưa nhưng Tư Mạnh Rồng nghĩ thế nào lại nhất định bỏ qua.

Hay tin này Bảy Rô mừng rỡ. Anh lật đật nhờ bác vợ mang toa thuốc gia truyền qua nhà Tư Mạnh Rồng để vợ con hắn theo đó mà săn sóc vết thương. Đây là toa thuốc của ông tổ ăn trộm truyền lại, các điều trị thật đơn giản nhưng cực kỳ hiệu nghiệm. Chỉ ba ngày là vết thương kéo da non. Bảy Rô chờ đúng ba ngày cho vết thương lành và cũng chờ cho Tư Mạnh Rồng nguôi giận, mua rượu thịt tới nhà Tư Mạnh Rồng.

- Hôm nay tao tới đây mời mày uống rượu để xin lỗi. Mấy ngày nay mày nhức nhối vì vết thương hành bao nhiêu thì tao cũng ray rứt vì tính nóng của tao bấy nhiêu. Bây giờ vết thương của mày đã kéo da non, tao muốn tao với mày làm lành với nhau. Nếu mày đồng ý thì xin nhận ly rượu này – Bảy Rô rót rượu trao tận tay Tư Mạnh Rồng.

Tư Mạnh Rồng nhìn sững Bảy Rô chưa biết tính sao. Vợ hắn đứng gần đó hét lên:

- Không! Đâu phải muốn chém thì chém, rồi làm lành dễ dàng như vậy? Phải bồi thường tiền cơm thuốc…

Tư Mạnh Rồng khoát tay đuổi vợ:

- Đi chỗ khác! Chuyện đàn ông, đàn bà đừng có xía vô!

Bảy Rô mừng rỡ:

- Vậy là mày thông cảm với tao rồi! – Anh gắp thịt đưa tận miệng Tư Mạnh Rồng – Đây bổi đây, mày uống
ly rượu này để tao trình bày mọi việc.

Tư Mạnh Rồng uống cạn ly rượu. Bảy Rô nói:

- Ly thứ nhất, xin mày thứ tha cho tao chuyện vừa qua. Còn đây là ly thứ hai, mỗi đứa uống một nửa để kết bạn với nhau.

Bảy Rô chia đều hai ly trao cho Tư Mạnh Rồng. Cả hai cụng ly uống cạn.

- Còn ly thứ ba này, tao đề nghị mày không nên ở công-xi-heo nữa. Mày nên trở về Kinh Cây Khô mần ăn.
Nếu không có đất ruộng, tao sẽ xin cho mày. Mày phải dứt bỏ cái nghề chỉ điểm đi. Cái nghề đó không thọ đâu!

Tư Mạnh Rồng hoàn toàn bất ngờ. Hắn chới với, mắt trợn trừng, mồm há hốc, nhìn Bảy Rô không chớp:

- Nhà của tôi ở đây, công việc làm ăn của tôi ở đây… dọn đi làm sao được anh Bảy?

Bảy Rô lắc đầu, vẻ cương quyết:

- Mày phải dọn đi ngay. Tao giao hẹn trong vòng mười lăm ngày. Tao thương mày nên vẻ đường cho mày đi. Chớ tao không nỡ để mày đi sâu vào con đường hiện nay. Hễ vay gì thì trả nấy. Mày không nên đi sâu vào con đường vay nợ máu…

Tư Mạnh Rồng đắn đo suy nghĩ. Hồi lâu hắn nói:

- Anh Bảy nói cũng phải. Tôi phải nghe theo. Nhưng hai tuần ngắn quá. Xin anh cho một tháng để thu xếp bán nhà…

Bảy Rô gật:

- Được. Tao rất vui mừng thấy mày sớm hồi tâm – Anh rót rượu trao cho Tư Mạnh Rồng – Đây là ly rượu
tao mừng mày chọn con đường mới, con đường trở về với dân tộc.

Tiệc rượu kết thúc tốt đẹp. Tư Mạnh Rồng đã giữ lời hứa. Hắn bán nhà dọn đi nơi khác. Và bỏ nghề chó săn. Không phải trong một tháng, mà chỉ giải quyết trong hai mươi ngày.

Công tác binh vận đang thuận buồm xuôi gió thì giông bão nổi lên bất ngờ. Tên Khương – mà Bảy Rô móc nối vô nguyên tắc vì sốt ruột không thấy người của tổ chức đưa tới – không may sa lưới mật vụ Diệm Nhu. Không đủ khí tiết. Khương đã khai. Địch bắt trọn tổ binh vận gồm ba người: Khương, Bảy Rô và Minh Tây lai. Địch đưa cả ba đi khắp các nhà giam Chí Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi và sau cùng đày ra Côn Đảo. Thế là không hẹn mà đám Bình Xuyên kỳ cựu lại gặp nhau nơi cùng trời cuối đất. Mười Lực, Năm Chảng, Bảy Rô bước vào một cuộc phiêu lưu mói đầy ly kỳ hơi hải đảo mà Nguyễn Ánh đã nhượng cho Pháp khi ký hiệp ước liên minh chống Tây Sơn năm 1787.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #173 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 10:57:48 pm »

Chương 68

RA HÀ NỘI BÌNH XUYÊN ĐI DẠO PHỐ

CHỢT LO CHO CÁC BẠN CÒN Ở LẠI SÀI GÒN

Thi hành hiệp định Genève, ngày 22 tháng 9, cán bộ và bộ đội miền Đông rút về Xuyên Mộc để ra Vũng Tàu tập kết ra Bắc trên các tàu của Pháp. Tổng số lên đến 16.000 người. Trong số này, có hầu hết anh em Bình Xuyên công tác rải rác ở Chiến Khu Đ. Gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự. Gia đình ông Tám Mạnh kéo rốc ra Bắc, vừa con vừa dâu vừa rể, lại thêm bầy cháu nội cháu ngoại, tất cả một trung đội. Kiểm điểm chỉ thấy thiếu nhóm Mười Trí còn ở miền Tây vì khu Cà mau được tiếp thu hai trăm ngày.

Bảy Trân tập kết tại Cao Lãnh đúng một trăm ngày mới xuống tàu ra Bắc. Cũng đi tàu Pháp. Vừa ra khơi thì bị bão. Cả tàu say sóng ỏi mửa linh láng. Bảy Rô do cơ thể thích ứng với sóng gió, ngày đêm bận rộn tiếp tay với bác sĩ, ý tá săn sóc các bạn đồng hành, nấu cháo, pha sữa đổ tận miệng những người bị sóng vật nằm liệt. Sóng mỗi ngày một to, tàu phải trở lại Nha Trang vừa tránh bão vừa lấy thêm thức ăn. Toàn đồ hộp, không quen với kẻ gốc nhà nôngnên càng dùng càng khó chịu. Phải mất mười lăm ngày mới tới Sầm Sơn. Một tuần sau, chờ anh chị em hồi sức, ban đón tiếp mới rước về Hà Nội. Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đích thân chỉ huy tẩm bổ anh chị em miền Nam. Gặp lại đồng chí liên lạc của văn phòng Xứ ủy Nam Kỳ những ngày trước Cách mạng tháng Tám, bác sĩ Thạch vui mừng bắt tay và ôm chầm Bảy Trân. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo quen thân với Bảy Trân từ ngày hai người còn là sinh viên ở Pháp, rước Bảy Trân về nhà để tâm tình sau nhiều năm xa cách.

Vừa yên nơi ăn nơi ở, Bảy Trân đi tìm gia đình ông Tám Mạnh. Đồng chí Tạo cho biết gia đình ông Tám Mạnh được Bác Hồ tiếp ngay khi tới Hà Nội như là một nhân sĩ miền Nam. Gia đình ông Tám Mạnh được cấp một biệt thự sang trọng dọc đường xe lửa, giữa hai Hàng Cỏ và Gia Lâm.

Bảy Rô vừa xuống xe đạp, ông Tám Mạnh chạy ra ôm, hai tay đập đập lên lưng:

- Thầy Bảy! – Rồi ông kêu to lên – Bà nó đâu? Có thầy Bảy tới chơi… Biểu mấy đứa nhỏ bắt gà…

Bà Tám lật đật chạy ra chào Bảy Trân:

- Ra đây cả nhà nhắc thầy hoài, không biết thầy Bảy được tập kết ra đây hay là bố trí ở lại để đề phòng tụi nó không chịu thi hành hiệp định đình chiến…

Hai vợ chồng gọi các con cháu có mặt trong nhà ra “trình diện” khách quý. Ông Tám vui vẻ nói:

- Ân nhân của gia đình mình đó! Không có thầy Bảy là giờ này mình không có ở đây…

Bà Tám chân tình:

- Thầy Bảy ở lại đây chơi vài ngày nghe, ở vài ba ngày mới nói hết. Đủ thứ chuyện…

Bầy cháu tản ra, mỗi đứa một việc, bà Tám xuống bếp làm gà, ở nhà trên chỉ còn hai người với ấm trà quạu.

Sau khi kể cho Bảy Trân biết gia đình mình được ổn định, con cháu được học văn hóa bổ túc và bồi dưỡng nghiệp vụ, ông Tám nhắc tới mấy anh em Bình Xuyên còn ở miền Nam:

- Mình khỏe rồi, nhưng còn máy chú chạy theo Bảy Viễn như Mười Lực, Bảy Môn, Năm Chảng… tôi biết họ là người tốt. Sau khi tảo thanh, ngày nào Nguyễn Đức Huy cũng gọi Mười Lực với Bảy Môn lên văn phòng khủng bố tinh thần, làm cho họ hoang mang, không còn lòng dạ nào ở lại chiến khu. Họ trốn về thành chính là do Nguyễn Đức Huy đẩy họ vào chân tường. Còn Năm Chảng, Bảy Rô thì trường hợp về thành có khác. Cả hai là đảng viên, về thành là do Nguyễn Đức Huy phân công làm công tác nội ứng cho lực lượng Bình Xuyên cảu Bảy Viễn… À, mà lâu nay sao không nghe ai nhắc tới Nguyễn Đức Huy, thầy Bảy có biết tay này bây giờ ở đâu, làm gì không?
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #174 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 10:59:11 pm »

Bảy Trân:

- Về Nguyễn Đức Huy, tức ông già râu kẽm, ra đây tôi mới nghe nói. Hắn là một tay nguy hiểm, gián điệp của Phòng Nhì chui vào nội bộ của ta đó!

- Ghê vậy! – Ông Tám kêu lên.

- Lý lịch hắn như sau: Hắn là nhân viên hãng ô-tô bưýt ở Sài Gòn, gia nhập Đảng một thời gian thì bị Tây bắt. Hắn đầu hàng và được Tây giao nhiệm vụ phản gián trong hàng ngũ Đảng. Thành ủy không biết, giao hắn làm liên lạc. Vì vậy mà sau các cuộc họp, nhiều đồng chí bị Tây bắt…

- Thảo nào!... Hồi đó tôi cũng sinh nghi, nhưng chỉ thắc mắc trong bụng chớ không dám nói ra. Như vụ Tư Huỳnh về thành. Tư Huỳnh là em út của Bảy Viễn thì làm sao lôi kéo được Bảy Viễn? Rốt cuộc đi địch vận mà bị địch vận động lại mới là đau chớ! Rồi còn vụ tảo thanh. Giết trúng một mà giết oan tới mười. Bây giờ nghe thầy Bảy mình mới thấy rõ Nguyễn Đức Huy đúng là một tay phá hoại ghê ghớm.Bây giờ hắn ở đâu?

- Trong hỏa lò…

Ông Tám Mạnh trầm ngâm bên tách trà nóng một lúc:

- Thiện ác đáo đầu chung hữu báo… ông bà mình nói không sai: Làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác…
Câu chuyện tâm tình đến đây tạm ngưng vì bà Tám đã bưng ra mâm gỏi gà trộn bắp chuối. Ông Tám mở tủ lấy chai rượu nếp than đưa lên trước mắt Bảy Trân:

- Tôi biết thầy Bảy chỉ uống được thứ này…

******

Màu xuân đầu tiên sau chiến thắng giặc Pháp ở thủ đô Hà Nội thật huy hoàng rực rỡ. Đám tàn quan Pháp rút về Hải Phòng để lên tàu vô Nam trên đường vè nước. Rút lui không kèn, không trống, cờ tam sắc ủ rủ bèo nhèo cũng như tâm hôn uể oải chán chường của đoàn quân chiến bại. Cùng lúc ấy, thủ đô dang hai tay tiếp đón những người con ưu tú từ chiến trường miền Nam tập kết. Trong không khí tưng bừng đó, gia đình Mười Trí vừa ra chuyến chót. Anh Mười đến thăm các bậc đàn anh là ông Tám Mạnh và ông Năm Hà đã yên nơi yên chỗ từ nửa năm rồi.

Sau tiệc đoàn tu, ba anh em rủ nhau đi dạo phố cho biết “thủ đô ngàn năm văn vật”. Hồ Gươm đúng là một trong các thắng cảnh của Hà Nội. Ba anh em ngồi trên các băng đá tắm nắng xuân. Không hẹn mà ai cũng ăn mặc thật đẹp. Cà vạt, áo u-ve đàng hoàng. Người nào trông cũng trẻ lại và đẹp ra. Trông thấy các phó nhòm, Mười Trí gọi lại chụp vài tấm làm kỷ niệm ngày lịch sử dân Bình Xuyên có mặt tại thủ đô Hà Nội. Anh nói:

- Cuối tháng tư vừa qua, Ngô Đình Diệm đã đánh Bảy Viễn. Hai bên kịch hiến dữ dội. Nghe đấu bất phân thắng bại. Cũng may mà má thằng Hoảnh với bốn đứa con về thành với Bảy Viễn trước ngày nổ súng. Tội nghiêp chị Bảy một hai đòi tập kết với gia đình tôi. Mấy đứa nhỏ ở chung lâu ngày mến tay mến chân. Thằng Hoảnh bằng tuổi thằng Thanh, Bé Hai bằng tuổi con Trong của tôi… Thấy chỉ cương quyết quá, mình không dám bàn ra bàn vô. Nhưng anh Ba Duẩn và anh Ba Khiêm khuyên chị về với anh Bảy cho mấy đứa nhỏ đoàn tụ với cha. Mấy mẹ con theo cách mạng ra Bắc sẽ không có lợi vì địch sẽ xuyên tạc là Việt Minh cưỡng bức vợ con Bảy Viễn tập kết…

Năm Hà đăm chiêu:

- Trong lúc mình làm du khách ở đây thì mấy thằng Mười Lực, Bảy Môn, Năm Chảng đánh giặc mệt đừ. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Cái điệu này chắc thằng Mỹ tính chia cắt lâu dài…

Tám Mạnh gật gù:

- Thằng Hai Vĩnh đã đoán trước là tụi Mỹ Diệm có ý đồ xâm chiếm miền Nam vĩnh viễn cho nên nó đem hết vợ con ra đây. Tôi cũng nghe theo nó…

Mười Trí trở lại chuyện chụp ảnh kỷ niệm:

- Nếu tụi Mỹ Diệm phá hoại hiệp định đình chiến thì tụi tôi phải trở về Nam. Bởi vậy tôi mới chụp máy pô làm kỷ niệm…

Tám Mạnh thở dài:

- Tụi hiếu chiến làm hỏng cuộc đi chơi xuân sáng nay… Thôi mình đi về…
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #175 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 11:05:50 pm »

Chương 69

NĂM 60 ĐỒNG KHỞI NƠI NƠI

TIỂU ĐOÀN BẢY MÔN THỦ VAI CHỦ LỰC

Bảy Môn, Ba Thu, Quốc Đăng vượt vòng vây đưa tiểu đoàn 3 về tới Phú Mỹ, vừa ổn định đội ngũ là cho liên trở về Rừng Sác đưa tiểu đoàn 2 của Mười Lực và Năm Chảng ra khu. Chờ vài ngày thì được tin liên lạc rơi vào ổ phục kích và quân đội Diệm đã đập tan lực lượng Bình Xuyên bắt hết toàn bộ tham mưu đưa về Sài Gòn.

Từ Phú Mỹ, Bảy Môn cắt đường rừng lên miệt sở cao su Cuốc-tơ-nay (Courteney) móc đồng bào tốt trong cơ sở ra yêu cầu tiếp tế gạo mắm đủ cho cả tiểu đoàn. Tại đây, đời sống khá vất vả nên có hai binh sĩ đào ngũ, tiểu đoàn lập tức dời về Bàu Lâm chấn chỉnh lực lượng.Quân số được 250 tay súng, rất tiếc là dàn pháo bị kẹt lại Rừng Sác. Tại Bàu Lâm các anh Bảy Trân, Quốc Đăng liên lạc được các đồng chí Bảy Khánh, Tám Lê Thanh. Kế hoạch đưa hết tiểu đoàn về chiến khu Đ được để ra. Miệt Hàn Dài, Cây Chanh dọc con sông Bé, trước đây là nông trường của tỉnh Thủ Biên còn nhiều rẫy mì bạt ngàn. Đất ở đây phù sa rất màu mỡ, trồng bất cứ lúa, khoai, bắp, đậu đều tốt. Cả tiểu đòan hăm hở lên miền đất đầy hứa hẹn đó. Địch đánh hơi, huy động toàn lực mở cuộc hành quân gọi là chiến địch Trương Tấn Bửu do tướng cảnh sát Mai Hữu Xuân chỉ huy. Bảy Môn đề nghị đón địch đánh lớn một trận ra mắt đồng bào trong vùng giải phóng nhưng các đồng chí lãnh đạo chủ trương chưa phải lúc bộ đội Bảy Môn xuất đầu lộ diện. Cần củng cố lực lượng trước đã. Mà muốn củng cố lực lượng thì trước nhất phải xây dựng căn cứ địa, tăng gia, sau đó thu nhận tân binh, mở trường quân chính… Tết năm đó, năm Bính Thân 1956, bộ đội Bảy Môn ăn tết đầu tiên ở chiến khu Đ lừng danh trong thời kháng chiến chống Pháp. Năm ấy Bảy Môn được giao nhiệm vụ chỉ huy nông trường chuyên trồng bắp, tạo dự trữ lương thực. Ba năm sau, anh kiêm luôn chức chỉ huy trưởng quân sự, đào tạo từ tân binh lên đến cấp đại đội. Bấy giờ anh được bổ nhiệm chính thức giám đốc Trường 29 gồm đến bốn trăm cán bộ.

Năm 60 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Sau sáu năm dài bị nhà Ngô tàn sát dã man, đồng bào miền Nam vùng lên dùng bạo lực chống bạo lực. Mở màn là trận Quản Cung ở Hồng Ngự vào cuối năm 59. Bấy giờ là mùa nước, Đồng Tháp Mười chìm sâu trong biển nước từ Biển Hồ Tonlê Sáp đổ xuống. Mọi sinh vật đều dồn lên gò cao. Một tiểu đoàn địch thuộc sư đoàn 21 gồm ba trăm binh sĩ mở cuộc hành quân bằng ca nô và ghe xuồng. Tiểu đoàn này mới thành lập, toàn tân binh, định lấy cuộc hành quân này để thực tập. Chúng được trang bị súng trường Ga-răng, Các-bin và trung liên Mỹ. Gò Quản Cung nổi lên giữa biển nước mênh mông như một cù lao, dài ba cây số và rộng một cây số rưỡi. Bộ đội địa phương Hồng Ngự cùng đồng bào tá túc trên gò này. Khi trinh sát phát hiện địch chống xuồng tiền tới, ta lập tức bố trí lực lượng khóa đầu khóa đuôi chờ chúng tới sát mí gò mới nổ súng. Địch nhảy xuống nước lặn hụp tránh đạn, ta xung phong bắt sống, đợt đầu tóm được 85 tên. Chiều đó, cánh thứ hai tiến về gò quyết ăn thua đủ. Ta lai bắt thêm 20 tên nữa, tổng cộng là 105 tên, trong đó có một đại úy tiểu đoàn trưởng. Sau khi giáo giục chính trị tại chỗ, ta thả hết. Sau trận này tỉnh đội Đồng Tháp chia súng cho các tỉnh bạn làm vốn. Thắng lợi này thôi thúc phong trào nhân dân tự võ trang để tự vệ, không để địch tha hồ sinh sát. Chiến thằng Gò Quản Cung giúp tỉnh ủy Bến Tre chuẩn bị và tiến hành cuộc Đồng Khởi năm 60 thành công rực rỡ. Từ tay không, nhân dân biết lấy binh vận làm võ khí đấu tranh, kết hợp với đấu tranh chính trị dựa vào sức mạnh của nhân dân để cướp súng diệt đồn, tiêu diệt tề điệp ác ôn…
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #176 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 11:07:43 pm »

Trước khí thế đó, miền Đông gấp rút thành lập lực lượng võ trang chủ lực, lấy bộ đội Bảy Môn làm nòng cốt. Nấm đấm của Miền đánh một loạt lập nhiều chiến công vang dội như trận Tua Hai ở Tây Ninh, trận Phước Vĩnh (tỉnh lỵ Phước Thành) diệt thiếu tá Mẫn khát máu. Tuy đã có lực lượng võ trang hùng mạnh nhưng ta vẫn áp dụng binh vận là chính. Cả hai trận Tua Hai và Phước Vĩnh nhân tố nội ứng rất quan trọng.

Kỷ niệm Bảy Môn nhớ mãi là gặp bà má Hai, mẹ anh Tám Nghệ trong khám Phước Vĩnh. Tám Nghệ tập kệt ra Bắc, chuyển ngành, không còn ở trong quân đội nữa, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn là nỗi kinh sợ của binh sĩ ngụy các tỉnh miền Đông.

Khi được nhà Ngô phong chức tỉnh trưởng Phước Thành – một tỉnh mới lập, cắt đất từ các tình Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, lấy thị trấn Phước Vĩnh làm tỉnh lỵ - thiếu tá Mẫn ra sức khuyến mã ngày đêm ruồng bố đánh phá cách mạng, thực hiện kế hoạch thọc sâu quấy rối chiến khu Đ. Tình báo của Mẫn báo cáo “ẩu” là Tám Nghệ đã về Nam sau mấy năm tập kết ra Bắc và đang chỉ huy quân chủ lực miền cùng với các tay chỉ huy khét tiếng như Lương Văn Nho, Nguyễn Văn Bứa, Bùi Cát Vũ, Tạ Minh Khâm, Lâm Quốc Đăng, Tám Lê Thanh… Nghe tin này thiếu tá Mẫn vừa sợ vừa mừng. Tám Nghệ được đồng bào Tân Uyên xem như “tướng trời”, đánh trận nào cũng thắng. Hào quang của các trận Là Ngà, Bàu Cá, Trảng Bom còn sáng chói trong ký ức nhiều người… Mẫn chủ trưởng nhử cọp về đông mà đánh. Gia đình Tám Nghệ ở Tân Tịch còn bà già là má Hai. Bà ở một mình trong chiếc chòi lá cất ngay trên nền nhà cũ, sát bờ sông Đồng
Nai xanh biếc, bờ sông đã gợi ý cho Tám Nghệ làm một bài thơ để đời:

Bờ sông xanh chiều hôm nay buộc ngựa

Kiếm gối đầu theo gió thả hồn cao…


Tám Nghệ còn người em gái thứ chị, chị Chín Lưỡng, có gia đình ở xã Uyên Hưng, sát thị trấn Tân Uyên. Có
tin Chín Lưỡng tiếp tế thuốc men cho kháng chiến qua “trạm” má Hai. Tin này có thể chính xác vì Chín Lưỡng là cô đỡ và chồng cô là y tá kiêm trữ dược viên tên Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên chủ tịch xã Tân Tịch thời chín năm.

Để nhử Tám Nghệ, không cách nào hay hơn là bắt mấy mẹ con Chín Lưỡng và bà má Hai và giam tại khám tỉnh Phước Thành. Thiếu tá Mẫn cho người thi hành ngay tuy có người lo ngại “họa hổ bất thành”… Má Hai từ lâu đinh ninh Tám Nghệ đã về Nam như một số các bộ quân sự khác từng lén về Tân Tịch thăm bà, nhưng bà thắc mắc không hiểu bận rộn việc gì mà đứa con bà yêu thương nhất vẫn chưa chịu về thăm bà. Chừng bị bắt về Phước Thành, nghe thiếu tá tỉnh trưởng yêu cầu bà viết thư kêu gọi Tám Nghệ về với chính nghĩa quốc gia, má Hai càng tin chắc con mình đã về nam. Nhưng bà nhất quyết không chịu viết thư kêu gọi con bà về đầu thú. Không dụ được “bà già gân”, thiếu tá Mẫn loan tin khắp nơi “nếu Tám Nghệ là con hiếu thảo và tướng lãnh có tài thì nên kéo quân về đánh một trận sống chết với thiếu tá Mẫn để giải thoát cho bà mẹ…”

Mưu mô của thiếu tá Mẫn được bộ tư lệnh Miền nghiên cứu cẩn thận. Hắn muốn nhử chủ lực ta về Phước Thành, ta sẽ về, nhưng về đúng thời cơ. Bộ phận binh vận họat động ngày đêm và sau cùng nắm được thượng sĩ già giúp việc văn phòng thiếu tá Mẫn. Mẫn là tay quân phiệt, đã xác láo đập “can thiếu tá” lên đầu người thượng sĩ già đáng tuổi cha chú. Lòng bất mãn đưa thượng sĩ đó về với ta. Thế là thời cơ đã đến. Qua thượng sĩ già, ta nắm được cách bố trí phòng trong tỉnh lỵ và cả đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của thiếu tá tỉnh trưởng. Đêm ấy quân ta ồ ạt tấn công tỉnh lỵ Phước Thành, đột nhập dinh tỉnh tưởng bắn chết tại chỗ thiếu tá Mẫn. Lập tức ta phá khám giải thoát tù nhân. Ma Hai hai tay bị còng, miệng luôn niệm Phật. Phải tìm cưa sắt cưa còng giải thoát hai cườm tay cho má. Trên đường rút về rừng, anh em chiến sĩ thay nhau cõng má Hai. Bà cứ hỏi “Tám Ngãi của tao đâu?”. Với mọi người, nguyên khu bộ trưởng khu 7 là Tám Nghệ, nhưng với má Hai, anh vẫn là Tám Ngãi… Bấy giờ Bùi Cát Vũ mới nói thật cho bà rõ:

- Anh Tám còn ở miền Bắc chưa về. Nhưng tất cả tụi con đây cũng đều là con của má…

*****

Trong chiến đấu, Bảy Môn dần dần hiểu được tình cảm của bộ đội giải phóng. Bộ đội cách mạng khác xa bộ đội Bình Xuyên của anh trước đây. Thấm thía nhất là những năm gian khổ lúc mới rút về chiến khu Đ. Phải cắt đường rừng, lẩn tránh các cuộc càn quét của địch. Gạo, khoai không có, phải đào cũ mài ngâm cho hết chất độc mới nấu. Tuy gian lao mà anh dũng. Có lần bộ đội đi săn trong rừng sâu, bắn được một con tê giác. Đây là giống hiếm có, gần như bị diệt vong. Cái sừng tê giác rất quý, có người kể nhiều chuyện huỳên thoại về nó, chẳng hạn như cầm nó trong tay thì có thể đi dưới nước như đi trên đất v.v… Quốc Đăng cho binh sĩ phơi khô, cất trong ruột tượng – báo đựng gạo cột ở thắt lưng – để chờ có phái đoàn ra Bắc gởi tặng Bác.

Nhờ Quốc Đăng và Ba Thu ở kề cận, uốn nắng từng chút, Bảy Môn dần dần bỏ lột xác giang hồ trở thành một con người mới. Sau các chiến thắng Tua Hai, Phước Vĩnh, hai anh Ba Thu và Quốc Đăng giới thiệu Bảy Môn vào Đảng vào ngày 20-12-60, và đến ngày Quốc tế lao động năm sau 1-5-61 Bảy Môn là Đảng viên chính thức. Lúc đó Bảy Môn là giám đốc Trường đào tạo cán bộ đại đội của Miền.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #177 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 11:08:36 pm »

Chương 70

RA CÔN ĐẢO MƯỜI LỰC TOAN CƯỚP ĐẢO

NĂM CHẢNG CŨNG THAM GIA NHƯNG BẤT THÀNH

Ngày bộ tham mưu Bình Xuyên của Bảy Viễn ra đảo là một ngày lịch sử đối với vùng đất lạc lõng giữa biển khơi. Lâu lắm mới có một đoàn tù đông đảo và quan trọng như vậy. Thầy chú và tù nhân đều xôn xao muốn biệt mặt những tay “chọc trời khuấy nước” dám chống với chính quyền nhà Ngô. Hai người nổi bật nhất trong đoàn tù là học giả Hồ Hữu Tường và “cánh tay mặt của Bảy Viễn” là Mười Lực. Vì bị thổi phòng như vậy mà Mười Lực bị giam riêng trong dãy phòng cầm cố.

Anh em Bình Xuyên được giam chung với các chính khách sa-lon và hưởng chế độ tương đối dễ thở dành cho trí thức.

Năm Bé ra đảo như cá kình về biển sâu, anh là dân Côn Đảo nhiều lần kết bè vượt ngục. Thầy chú còn nhớ mặt anh nên có phần kiêng nể ông “đại úy” Bình Xuyên. Tuy vậy lần trở ra đảo này, Năm Bé rất cay cú các tay “thầy rùa” Hồ Hữu Tường,Trần Văn Ân, Trịnh Khánh Vàng. Những chiều đi tắm biển tập thể dưới sự canh gác của thầy chú, Năm Bé thường đến gần Hồ Hữu Tường xỏ ngọt:

- Ông là học giả lào thông kinh sách Đông Tây kim cổ, chúng tôi dốt nát nên giao hết cả hồn lẫn xác cho ông. Nào ngờ ông không đưa chúng tôi vào con đường sáng mà lại đưa chúng tôi vô chỗ tối om…

Hồ Hữu Tường cười chữa thẹn:

- Thì tụi tui cũng ra đây với các anh…

Năm Bé đi chỗ khác không thèm nói chuyện với đám trí thức ấy. Ông xem họ là những cái chong chóng xoay tít theo chiều gió. Thái độ của Năm Bé cũng khiến Hồ Hữu Tường suy nghĩ nhiều. Người ta bắt gặp nhà học giả hay ngắm trời biển bao là mà suy ngâm việc đời, tính sổ những thành công và thất bại trong cuộc đời làm chính khách của mình.

Trong khi đó Mười Lực nưh con cọp bị nhốt trong chuồng, ngó quanh tìm bạn tù tâm sự cũng chẳng có. Nhưng không bao lâu nhờ tên tuổi mà Mười Lực được thầy chú “nới tay” một chút. Nhờ vậy mà anh liên lạc được với hai “tay tổ” ở dãy cầm cố là Tư Bà Đào và Tám Nghĩa. Cả hai đã ở Côn Đảo mười lăm năm và trở
nên “lão làng”. Có người để tâm sự là hạnh phúc lớn nhất của những người bị cầm cố ngoài đảo.

Một hôm Mười Lực nhận được một bức thư bí mật viết trên bao thuốc lá. Nội dung khiến anh giật mình: Một nhóm tù có ý định cướp đảo. Họ tôn Mười Lực làm chỉ huy trưởng. Tin này làm Mười Lực suy nghĩ lung lắm. Óc giang hồ được đánh thức dậy, thôi thúc anh chụp lấy thời cơ phá cũi xổ lòng. Sau mấy ngày tìm hiểu những người viết thư, biết họ không phải là chó săn cò mồi, Mười Lực trả lời:

- Cho biết chi tiết mới tính được.

Chi tiết lần lượt đến với Mười Lực cũng bằng cách viết chữ nhỏ rí như con kiến trên các mảnh bao thuốc lá. Mười Lực tổng kết như sau: Nhóm cướp đảo sẽ nhân dịp quét dọn tàu tiếp tế, bắt sống tài công, tước súng lính và cướp tàu để về đất liền. Trước khi rời đảo, phá hủy đài truyền tin không cho thầy chú liên lạc với đất liền. Mỗi làm làm vệ sinh tàu tiếp tế, thầy chú huy động 200 tù thường phạm. Đây là một lực lượng đáng kể vì làm vệ sinh nhà thầy chú chỉ có hai thường phạm mỗi nhà.

Sau khi nghiên cứu cẩn thận, Mười Lực thấy kế hoạch có thể hy vọng thành công đến bảy mươi phần trăm nếu đưa được người trong tổ chức trà trộn trong đám hai trăm thường phạm. Bên ngoài rất hăng, thúc hối Mười Lực quyết định. Phải làm nhanh vì vài ngày nữa là tàu nhổ neo về đất liền. Mười Lực đồng ý, ngày N giờ G là chín giờ đêm hôm ấy.

Sau khi quyết định rồi, Mười Lực nôn nóng đứng ngồi không yên.Trời chạng vạng anh đã hồi hộp chờ đợi nhưng suốt đêm lịch sử đó chẳng thấy động tĩnh gì. Cả đêm không chợp mắt. Đến sáng thì được lệnh lên trình diện chúa đảo là thiếu tá Bạch Văn Bốn. Mười Lực tái sắc: đại cuộc đã hỏng.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #178 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 11:09:34 pm »

Bạch Văn Bốn nổ ngay:

- Anh Mười, tôi đối xử với anh rất đẹp, thầy chú được lịnh nới tay với anh, vậy mà anh trả ơn chúng tôi vậy sao?

Mười Lực vờ ngơ ngẩn:

- Chuyện gì vậy thiếu ta? Thật tình tôi chẳng biết gì hết!

Bach Văn Bốn cười lạt:

- Anh là chỉ huy trưởng nhóm cướp đảo mà còn vờ…

- Trời đất! Làm gì có chuyện đó, thưa thiếu tá? Tôi chân ướt chân ráo mới ra đảo, muốn cướp đảo phải là những người kỳ cựu biết rõ đường đi nước bước. Tôi lại bị nhốt riêng trong dãy cầm cố.

Bạch Văn Bốn ném một xấp giấy trước mặt Mười Lực:

- Đây, bản thành khẩn của một tay chỉ huy cướp tàu tiếp tế. Nó đã khai tất cả. Nếu như anh Mười nhất định không biết thì tôi tóm tắt kế hoạch cướp đảo như sau: bước thứ nhất, cướp tàu tiếp tế; bước thứ hai, bắt hết các ghe Sở Lưới chở đầy lương thực dòng theo sau tàu tiếp tế; bước thứ ba, phá đài truyền tin; bước thứ tứ, phá khám thả tù. Từ đảo về mũi Cà Mau phải mất một ngày một đêm. Đi được hai phần ba thì bỏ tàu xuống ghe để phòng máy bay lên bỏ bom đánh đắm tàu… Có đúng là kế hoạch của chỉ huy trường bọn cướp đảo đề ra không?

Mười Lực nuốt nước miếng, đúng là đã có kẻ phản bội khai báo. Bạch Văn Bốn đã nắm được kế hoạc năm bước của anh. Tuy vậy phải nói sao cho xuôi mới yên thân:

- Thật tình tôi không biết chuyện tày trời này. Thiếu ta nghi cho tôi thì kẹt cho tôi lắm. Đây tôi xin trình
bày cho thiếu ta nghe. Nếu như tổ chức chụp đảo có mời tôi tham gia ở cương vị chỉ huy trưởng, làm sao tôi dám nhận, bởi tôi không biết nhóm đó gồm những ai? Trên đảo có rất nhiều phe phái, Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo. Tôi thì may mắn lắm chỉ nắm được nhóm Bình Xuyên. Còn mấy ông Cao Đài, Hòa Hảo, làm sao tôi nói mà họ chịu nghe? Chỉ huy mà người ta không nghe thì làm sao? Thiếu tá đã từng chỉ huy, chắc thiếu tá biết nhiều hơn tôi mà…

Bạch Văn Bốn gật gù đẩy bao thuốc lá mời Mười Lực. Hắn vẫn còn nghi ngờ, nhưng tạm thời chấp nhận lập luận của người tù cầm cố mà hắn đã thấy được bản lĩnh.

Thế là thoát nạn. Nếu là kẻ thiếu mưu trí thì anh đã bị chúa đảo đập chết tươi về tội cướp đảo, một chuyện làm táo tợn hiếm có trong lịch sử đảo ngục tù nổi tiếng khắp bán đảo Đông Dương này.

*****

Năm Chảng cũng tham gia môt vụ cướp đảo nhưng không may mắn thoát nạn như Mười Lực. Được mời tham gia cướp đảo, anh hưởng ứng ngay. Anh nhớ rõ bản án như nhớ rõ ngày sinh tháng đẻ: Mười năm khổ sai, năm năm biệt xứ. Mới ra đảo anh bị nhốt ở Trại ba, sau đưa về Trại một. Tù cầm cố bị còng cả hai tay lẫn chân. Sáng sớm, thầy chú mở cửa, mở còng cho ăn cháo trắng, ăn xong lại cùm chân. Ngồi cả ngày trong phòng giam, thấy ánh mặt trời mà thèm. Nước uống quý như vàng. Lâu lâu mới được tắm. Tắm là cả một nghệ thuật.Chỉ có một lon – hộp trái vải – phải tích trữ lâu ngày mới đủ lon nước để tắm. Vậy làm lâu lâu bị thầy chú xét khám tịch thu.

Đời sống cơ cực quá nên nghe tin cướp đảo là đồng ý hai tay. Năm Chảng nhớ rõ ngày lịch sử đó. Nhân dịp tàu từ Sài Gòn chở gạo, mắm ra tiếp tế đảo, thầy chú làm heo nấu cháo lòng tổ chức ăn nhậu linh đình. Năm đó là năm 58, anh em Bình Xuyên ra đảo thấm thoát được ba năm. Kế hoạch này có khác với kế hoạch Mười Lực. Thay vì cướp tàu, anh em nhóm Năm Chảng cướp súng thầy chú trong lúc quây quần bên mâm rượu thịt. Giờ N là chín giờ sáng. Nhưng đúng vào giờ lịch sử ấy thì còi báo động rú lên inh ỏi. Thầy chú tạm ngưng ăn nhậu để tập trung tóm cổ những người tù to gan dám làm chuyện động trời. Cả trăm mạng bị dồn lại, cởi hết quần áo trần truồng như nhộng nằm sắp như cá mòi hộp cho thầy chú thẳng tay quất roi lên khắp mình mẩy. Nhưng thua keo này ta bày keo khác. Năm Chảng nằm trong khám biệt giam chỉ có một người bạn duy nhất. Đó là con nhện. Anh ngắm con vật bé nhỏ này giải khuây. Bỗng nhiên một ngày nọ anh học được đức tính cao quý của con nhện mà trước đây anh không có sự kiên nhẫn, sự quyết tâm. Nhiều lần anh cố tình chọ ghẹo người bạn tù nhỏ nhoi bằng cách phá vỡ màng lưới mà hắn đã dệt thật công phu. Nhưng con nhện vẫn âm thầm lặng lẽ tiếp tục công trình bị phá hoại… Tấm gương đó giúp Năm Chảng nuôi dưỡng chí lớn. Với sự kiên trì của con nhện, anh cạy song sắt, quyết tâm bắt sống thầy chú cướp đảo, nhưng song sắt chưa nhổ thì cơ mưu bị lộ. Lại bị đánh đập tàn nhẫn và suýt chết vì thầy chú kề sát súng vào lưng, chỉ một cử động nhỏ là rồi đời.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #179 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2011, 09:59:31 pm »

Chương 71

NĂM 60 BẢY RÔ NHẬP ĐẠI HỌC CÔN ĐẢO

LIÊN MỘT CẤP SO VỚI LÝT XÊ KHÁM LỚN

Bảy Rô bị bắt trong nhóm binh vận gồm có ba người vào năm 58. Địch đưa nhóm anh đi khắp nơi, Chí Hòa, Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi trước khi đưa ra Côn Đảo. Vốn tính lạc quan, Bảy Rô coi thường chuyện ngồi khám và nói cà rỡn với hai bạn:

- Tụi nó phong ba đứa mình tổng thanh tra các khám đường.

Với thầy chú, Bảy Rô có cách tranh thủ tình cảm, ít khi xin xỏ bị từ chối. Những lúc gặp chủ ngục khó khăn không cho nước uống, bộ ba phải uống nước đái của nhau. Lúc thầy chú mở ngục, Bảy Rô đưa hai tay bị còng lên:

- Tui tui không xin thầy mở còng, chỉ xin thầy cho nước uống. Thầy cho một lon cũng bằng cất kiểng chùa, để đức cho con…

Thầy chú im lặng đi ra nhưng sau một lúc có người mang tới cho lon nước.

Nhưng không phải lúc nào Bảy Rô cũng xin xỏ thầy chú. Có lúc anh thật cương quyết, như năm 1960, anh vận động tẩy chay bữa tiệc bánh hỏi thịt quay để phản đối cánh đối xử vô nhân đạo của nhà tù. Kỳ đó anh bị bỏ đói một tuần. Lại phải trổ tài ngoại giao với thầy chú xin nước uống “cầm thực”. Đang đói rã ruột, xin được nước, Bảy Rô không dám cho bạn uống tự do mà nhúng khăn mùi-soa cho bạn mút. Uống theo cách đó, Bảy Rô khám phá được một điều vô cùng lý thú: nước ngọt và béo lạ lùng.

Cuối năm 60, nhóm binh vận của Bảy Rô được đưa ra Côn Đảo. Đối với người chưa quen ngồi tù, nghe tin đi đảo ai cũng toát mồ hôi lạnh. Nhưng Bảy Rô lại càng thích chí. Anh đã vào “lít-xê Khám Lớn” (1) trước Cách mạng tháng Tám. Bây giờ được vào “Đại học Côn Đảo” thì con đường học vấn của anh kể như đẩy lên một cấp nữa. Ra đảo, Bảy Rô không lẻ loi. “Mình sẽ đựoc gặp các bạn Bình Xuyên như Năm Chảng, Mười Lực…” Như vậy trên đất lạ anh có người quen. Nhận định của Bảy Rô rất chính xác. Vừa đặt chân lên đảo, anh đã gặp Năm Chảng và ngay hôm sau được Năm Chảng tặng một món quà quý giá: Một rê thuốc Gò Vấp và một cuộn giấy quyến. Ở tù mà có chút khói là tuyệt rồi!

Người bạn nằm bên Bảy Rô là Ba Khá thường hay than thở ăn uống cực khổ, ăn ròng mắm ruốt, nưốt không vô. Ba Khá thèm một bữa ăn bình thường như lúc chưa sa lưới địch. Bảy Rô nghe bạn than hoài cũng khổ dùm bạn. Và anh nghĩ ra một cách giúp bạn qua cơn thèm khát:

- Anh Ba muốn ăn món gì? Tôi làm cho anh Ba ăn ngay. Mình ăn cá biển hoài ngán lắm.Bây giờ tui làm món cá bống mú chưng tương ăn nghe anh Ba? Cá bống lựa con lớn bằng cườm tay, mập núc, tròn quay, bắt lên còn giãy đành đạch; mài con dao cho thật béng để đánh vẩy cho ngọt. Tương phải qua tận vựa, bên hông Lăng Ông Bà Chiểu mà mua. Đó là tương y, đem về bầm nhuyễn, rồi còn cả chục thứ gia vị như kim châm, nấm mèo, bún tàu, gừng, ớt, tiêu, ngò. Nhớ phải có gừng, thiếu không được. Gừng là vị thuốc, ăn vô ấm bụng. Để lửa liu riu cho cá chín đều, đừng có nóng này chụm lửa cháy phừng lên là tiêu hết cá. Vừa sôi là bỏ hành ngò rồi bắc xuống dọn ra ăn liền cho nóng sốt. Sao, có vừa miệng không anh Ba?
Bảy Rô liếc thấy Ba Khá nuốt nướng miếng đánh ực, bật cười nói tiếp:

- Ấy, ăn từ từ! Anh ăn mặn quá, mới đó mà hết con cá bóng mú rồi. Bây giờ phải làm món khác cho anh ăn, kẻo chua miệng. Món thứ hai tôi đãi anh món đặc biệt: đầu trâu khìa ăn với bánh trán mè đen. Món này nhậu với nếp than thì quên thôi. Bậy quá! Mình phải làm món này trước, nhậu lai rai trước khi ăn cơm với cá bống mú chưng tương thì đúng điệu hơn. Đầu trâu mua về, đốt lửa làm lông, luộc sơ qua rồi ướp ngũ vị hương. Bắc chảo lên bếp, cũng để lửa riu riu, chà, thơm quá! Anh Ba có nghe mùi thịt ướp ngũ vị hương chín vàng bốc lên đó không?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM