Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:52:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người Bình Xuyên - Kiếp giang hồ  (Đọc 80071 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #10 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:11:37 pm »

Mau lên, nó hãy còn đứng đó”. Em cắm đầu chạy. Nghe tiếng bà già gọi giật ngược, em khựng lại nhưng ông già khoát tay biểu tiếp tục. Thằng Tám Long thấy bộ vó em hầm hừ, toan quay vô nhà nhưng không kịp. Em đã bay tới phóng một đá song phi khiến nó té văng xuống ruộng, la làng chói lói, em trở về nhà, ăn chưa xong bữa cơm thì làng lính tới còng tay đưa về nhà việc. Làng giải lên tổng. Cai tổng Thìn là anh ruột Tám Long. Vậy là nạp mạng cho chằn rồi! Má em lật đật làm đơn xin giải lên quận. Tám Long khăn đóng áo dài lên quận quyết ăn thua đủ. Nhưng em may mắn gặp một ông quận thanh liêm không ưa bọn cường háo ác bá. “Ai gọi chú?”, quan quận đuổi Tám Long ra, cho má em vào hầu trước. Sau khi nghe má em giải bày. Ổng phạt em hai ngày làm xâu. Nếu có tiền thì đóng bốn cắc. Em chịu ở lại làm xâu hai ngày vì nhà nghèo. Tám Long bí mật cho Cai Tược hai trăm đồng, dặn phải đánh em đúng hai trăm “ma-trắc”. Cai Tược ham tiền kiếm chuyện đánh đập em đủ hai trăm ma-trắc. Đủ hai ngày, nó còn chưa chịu thả, má em phải lên quận khiếu nại mới yên. Về nhà chỉ có một ngày, em ôm gói ra đi, đề phòng bọn tiểu nhân tìm cách tiếp tục ám hại.

- Lâu nay chú ở đâu? Làm gì?- Hai Vĩnh hỏi.

- Em học võ nơi ông Tám Mạnh.

- Vậy à?- Hai Vĩnh vô tình reo lên.

Chín Phải vui vẻ:

- Anh Hai có tới lò võ của ông tám chưa? Đông lắm! Vui ghê!… Nếu anh Hai muốn thì đi với em.

Không bỏ lỡ cơ hội tốt. Hai Vĩnh theo Chín Phải đến lò võ ông Tám.

- Lâu nay chú ở đâu? Làm gì?- Hai Vĩnh hỏi.

- Em học võ nơi ông Tám Mạnh.

- Vậy à?- Hai Vĩnh vô tình reo lên.

Chín Phải vui vẻ:

- Anh Hai có tới lò võ của ông Tám chưa? Đông lắm! Vui ghê!… Nếu anh Hai muốn thì đi với em.

Không bỏ lỡ cơ hội tốt. Hai Vĩnh theo Chín Phải đến lò võ ông Tám. Nhà ông Tám ở Xóm Cỏ gần bờ sông. Nhà ba căn, vách bổ kho, mái lợp lá. Nhưng ngôi nhà và khu vườn quá im vắng khiến Hai Vĩnh ngờ ngợ. Chín
Phải giải thích:

- Đây là nhà tổ phụ. Ở đây chỉ có bà má ông Tám và cô Tám, con gái ông Tám. Còn tất cả thì ở trại ruộng bên kia sông thuộc xã Phước Lộc. Để tôi mượn xuồng đưa anh Hai qua bên đó.

Nói là trại ruộng nhưng gian nhà ông Tám bên Phước Lộc coi cũng khang trang. Cũng ba gian, thêm một chái để lo bếp núc. Nhà ở sát bờ rạch, với hàng bần xanh mát. Trước nhà là sân phơi lúa mà cũng là sân tập võ. Trên sân có khoảng chục thanh niên đang quây quần xem một cô gái biểu diễn một đường quyền thật đẹp mắt. Hai tay cô múa vun vút, thỉnh thoảng cô đá song phi, bàn chân phóng lên tới đầu người. Hai Vĩnh cập bến đúng lúc cô gái bái tổ giữa tiếng vỗ tay của đám võ sinh. Hai Vĩnh thấy cô gái có bộ vó quen quen. Chừng tới gần anh mới nhận ra cô ta chính là cô Tư Xóm Cỏ, không nén được vui mừng, anh reo lên:

- Cô Tư!

Cô gái cũng nhận ra Hai Vĩnh ngay, niềm vui lộ trong giọng nói:

- Anh Hai! Lâu nay anh đi đâu mà biệt tăm biệt dạng vậy? Tôi có qua Rạch Đỉa mấy lần, nhưng nghe nói anh đã bỏ nhà để đi giang hồ, phải vậy không?

Hai Vĩnh gật:

- Còn tôi thì tưởng cô Tư đã xuất giá, đã là cô ký, cô thông...

Cô Tư khẽ chau mày:

- Bộ anh tưởng tôi ham làm cô ký, cô thông lắm sao?... nhưng mà chuyện cũ hãy bỏ qua, mời anh vô nhà uống nước. Sáng nay ba tôi đi xóm, mấy anh em đây nhờ tôi đi một đường quyền cho anh em ôn lại những chỗ quên.

Hai Vĩnh theo cô Tư vô nhà:

- Nói vậy... cô Tư không ưng thầy ký nào đó?

Cô Tư rót nước rồi kéo ghế ngồi ngang Hai Vĩnh:

- Anh có thấy mặt thầy ký đó chưa mà nghĩ là tôi phải ưng anh ta?

Hai Vĩnh cười:

- Chưa thấy, nhưng tôi nghĩ là lấy chồng thầy ký, thầy thông khỏe thân hơn lấy chồng lao động; kế nữa làm cha mẹ, ai cũng chọn chỗ môn đăng hộ đối cho nở mày nở mặt với làng tổng.

Cô Tư nghiêm nghị:

- Anh đừng vơ đũa cả nắm! Anh chưa gặp ba tôi lần nào phải không? Chút nữa ổng về anh sẽ thấy. Ổng không như người ta đâu. Anh có biết tại sao gia đình chúng tôi ngày suy sụp hay không? Đó là vì lòng nhân ái. Ông nội tôi làm xã ba năm... gia đình mất trọn ba mẫu ruộng. Tại sao hả? Tại ổng thương những người nghèo không có tiền đóng thuế thân, ổng sợ họ bị bắt làm tù bố nên cứ đóng dấu phát bừa giấy thuế thân cho họ, đến chừng nào có tiền thì đem lại trả sau. Nhưng có ai trả lại cho ổng đâu! Tới chừng trên quận dạy nạp thuế, ổng phải cầm cố đất ruộng để đóng lên quận cho đủ. Năm trước mấy sào, năm sau một mẫu, cứ vậy mà sau ba năm làm làng, gia đình mất tiêu miếng đất hương hỏa. Đất này là ba tôi mướn của người ta đó. Cũng tại vậy mà ba tôi có học bao nhiêu, vừa biết đọc biết viết là phải tiếp tay với người lớn lo việc ruộng nương.

Hai Vĩnh nghe cô Tư nói, hai mắt sáng lên, tâm hồn phơi phới. Cô chịu khó trình bày như vậy có nghĩa là cô ngầm xúi anh “cứ tiến tới đi, không có trở ngại nào đâu. Đã có tôi ở trong nói vô thì chắc chắn sẽ kết quả”.

Bỗng bầy chó chạy ra sân cất tiếng sủa vang. Cô Tư bước ra hàng ba, bảo Hai Vĩnh:

- Ba tôi về đó!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #11 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:12:29 pm »

Một ông già khoảng trên năm mươi, mập mạp, hồng hào, nét mặt vô cùng phúc hậu ung dung bước qua sân, ông nhìn các võ sinh đang tập, bước lại uốn nắn từng người, dịu dàng, thân ái. Cô Tư cũng bước vô nhà với ông để giới thiệu Hai Vĩnh:

- Đây là thầy Hai, trước đây trông coi nhà máy xay lúa Rạch Đỉa...

Ông Tám nhìn Hai Vĩnh gật gù:

- Thầy Hai tới đây có việc chi?

Hai Vĩnh lễ phép:

- Thưa ông Tám, lâu nay cháu nghe tiếng ông Tám, muốn được gặp nhưng chưa có dịp. Nay gặp Chín Phải là em út của cháu ở Tân Quy, cháu qua đây, trước để làm quen, sau để trau dồi...

Ông Tám gật đầu:

- Thầy Hai cứ tự nhiên. Lò võ của tôi cũng như cửa chùa, mở rộng cho khách thập phương. Ai thích thì tới. Ở đây có nhiều đẳng cấp, người học trước, kẻ học sau, thầy Hai cứ việc thử sức so tài. Dần dần rồi sẽ trau dồi thêm...

Hai Vĩnh vui mừng được ông Tám nhận làm môn sinh. Anh đang cần luyện thêm vài ngón độc đáo để có thể xưng danh anh chị sau này. Nhưng điều anh đang cần trước nhất là được dịp gần gũi “cố nhân” sau nửa năm xa cách. Nhờ cô Tư, Hai Vĩnh biết thêm về ông Tám Mạnh. Từ lúc thiếu thời, ông Tám cũng bỏ nhà đi giang hồ vì không chịu được cảnh làng lính hiếp đáp. Ông cần có nghề trước nhất để tự vệ, sau là để trừng trụ bọn sâu dân mọt nước. Thầy của ông Tám là các danh thủ khét tiếng như ông Bảy Khuyên ở Hóc Môn, ông Hai Ngàn ở Tân Khánh, ông Tư Thêm ở Vàm Láng.

Hai Vĩnh và Chín Phải dần dần trở nên thân thiết. Cả hai giống nhau ở một điểm, gắn bó với gia đình ông Tám. Hai Vĩnh quen cô Tư. Chín Phải mến cô Tám. Chín Phải thường la cà bên Xóm Cỏ hơn là thường trực bên Phước Lộc. Ông Tám dường như cũng biết những chuyện thầm kín đó, nhưng ông không nói gì, vẫn xem Hai Vĩnh và Chín Phải như con cháu trong nhà.

Sau một thời gian gần gũi nhau, Hai Vĩnh và cô Tư càng “mến tay mến chân”, Hai Vĩnh nhờ ông Chín Nhuần chính thức tới hỏi cô Tư. Ông Chín Nhuần là tay anh chị quen thân với ông Tám Mạnh. Tuy có tay trong tay ngoài, anh không ngớt lo sợ bất trắc. Trong thời gian chờ đợi kết quả, Hai Vĩnh nằm nhà ở Long Kiểng, chờ mong sứ giả tới báo tin vui.

Hai Vĩnh lo cũng đúng. Người không tán thành cuộc hôn nhân này là cô Chín, em ruột ông Tám. Cô Chín trước đây làm mai cô Tư cho thầy ký ở Chợ Lớn, nhưng cô Tư không ưng. Nay thấy cô Tư phải lòng Hai Vĩnh là một thằng “nghèo mạt, không có chân đứng, trên không chằng, dưới không rễ” cô cứ xách giỏ trầu nói tới nói lui, làm bà Tám phân vân. Có lúc bà ngả theo cô Chín. Đêm đêm cô Tư hồi hộp lắng nghe cha mẹ bàn bạc về chuyện chồng con của cô. Tiếng ông Tám ôn tồn chậm rãi: “Chọn rể cho con hay cho tôi với bà, nếu cho con thì phải để cho con được trọn quyền chọn lựa. Tôi với bà nên đứng ngoài, chỉ can thiệp khi nào thấy thằng rể quá tệ, chẳng hạn như nó cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, hút xách...”.

Kế nghe tiếng bà Tám cắt ngang: “ông đừng có bắc thang cho con nhỏ nó leo.

Thầy ký ăn trắng mặc trơn không chịu, lại ưng thằng lỡ thầy lỡ thợ, nghèo xơ nghèo xác…”. Giọng ông Tám cao thêm một chút: “Gả con chớ phân biệt giàu nghèo. Lấy chồng giàu chưa chắc đã có hạnh phúc. Có khi về làm mọi không công cho bên chồng. Còn lấy chồng nghèo, có một quan ăn một quan, có một đồng ăn một đồng, đói cùng đói, no cùng no, như vậy mới là có hạnh phúc... Bà Tám im lặng một lúc lâu: “Hai cha con ông một phe với nhau, nó nói già ông cũng nghe. Hai cha con tính sau thì tính. Sau này có gì đừng có than thở với tôi...”. Lại im lặng một lúc, kế ông Tám trở lại giọng bình thường, ôn tồn chậm rãi: “Mấy tháng nay tôi có để ý xem chừng tánh nết của thằng Vĩnh. Tôi thấy nó được lắm. Nó đúng là con nhà nghèo; rất có hiếu: làm bao nhiêu tiền để dành cho cha mẹ, cho đàn em mua giấy mực, sách vở. Sánh có chữ “Gia bần tri hiếu tử…” tôi chịu gả con cho những thằng nghèo mà biết hiếu thảo với cha mẹ, biết nhân nghĩa với bạn bè hơn là gả con cho những thằng công tử bột, suốt đời chỉ biết ỷ lại gia sản của cha mẹ và quen thói
chỉ tay năm ngón, chồng chúa vợ tôi...”.

Cô Tư biết ông Tám đã thuyết phục được bà Tám cô mừng rỡ, mừng đến rơi nước mắt, cô muốn chạy ngay lại ông Tám, ôm lấy cha để cảm ơn những lời nhân ái, đầy sáng suốt. Những lời ấy giúp cô mạnh dạn bước tới trong việc chọn lựa người bạn đời
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #12 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:13:40 pm »

Chương 4

TỚI HỐ BẦN, BẢY TRÂN THUYẾT KHÁCH

GẶP QUỚI NHÂN, TÁM MẠNH DẤN THÂN

- Anh Hai!- Thằng Mười chưa tới cửa đã kêu lên:

Hai Vĩnh buông quyển Thủy Hử chạy ra mừng rỡ.

- Mười! Có tin vui hả em?

- Có! Ba em mời anh chiều nay qua nhà chơi.

Hai Vĩnh ngẩn ngơ:

- Ba em mời anh? Chớ không phải chị Tư em?... Có việc gì?

- Em không biết, nhưng quan trọng lắm. Ở nhà đang làm heo.

- Làm heo? Hay là đám cưới của...

Cậu bé lắc đầu:

- Không phải đám cưới đâu! Anh Hai qua thì biết ngay. Đi ngay bây giờ kẻo trễ...

Hai Vĩnh lật đật thay đồ. Trên đường anh không ngớt phân vân. Cậu bé đưa Hai Vĩnh đi ngã sau. Cảnh làm heo diễn ra nhộn nhịp. Kẻ cạo lông, người xả thịt. Tất cả các chị em con ông Tám đều có mặt. Lên nhà trên, Hai Vĩnh gặp các anh Ba Mãi, Năm Hồi, Bảy Hải là con trai của ông Tám. Ngoài ra còn có ba anh em Tư Phương, Chín Mập và Mười Nhỏ là em bà Tám. Năm Hồi đang bắt Mười Nhỏ kể lại vụ thằng Tây lại bót Ba-tít-ta ở cầu Chữ Y bao “săn chê” (1) Nhật, bắt bọn Mười Nhỏ. Mười Nhỏ bị bắn trúng vai nhưng vẫn lặn
sông Rạch Ong lớn trốn thoát.

Anh kể chuyện chết sống hết sức thản nhiên như chuyện đùa giỡn không đáng quan tâm.

Ngoài số bà con còn trên chục người mặt rằn mày rện trông thật hầm hừ. Có người xách theo cả “xà búp” và giáo mác... Nhưng Hai Vĩnh đặc biệt để ý hai người ngồi trên trường kỷ đang uống trà nói chuyện với ông Tám. Thấy cách tiếp đãi đầy kính trọng của ông Tám, anh biết hai người lạ mặt ấy chính là thượng khách của bữa tiệc hôm nay. Một người mặc áo dài trắng, úp cái nón chóp trắng trên đầu gối, giống như một chức sắc Cao Đài. Người kia mặc bộ bà ba mốc cời, đầu trần, chân đi guốc mòn lẻm, có thể làm dao cạo được. Tóc ông hớt cao, kiểu “tiền văn minh, hậu sư cụ”. Tuy giống dân quê, nhưng ông có khuôn mặt thông minh và nhất là đôi mắt sáng như cặp đèn pha.

Khi tất cả đã đến đông đủ, ông Tám đứng lên vỗ tay làm hiệu cho mọi người ngồi xuống và giữa trật tự:

- Hôm nay gặp được quới nhơn, tao làm heo gọi tụi bây về đây chung vui. Tụi bây hãy nghe quới nhơn nói chuyện trước khi nhập tiệc.

Người hớt tóc cao đứng lên cúi đầu chào mọi người. Anh ta lớn hơn Hai Vĩnh một con giáp, mình dây, dong dỏng cao. Với giọng chậm rãi, anh bắt đầu nói:

- Ông Tám gọi tôi là “quới nhơn”. Quả tình tôi không dám nhận vinh dự lớn lao đó. Tôi chỉ là một người làm chính trị, cũng là người trong tổng Tân Phong Hạ này, cha tôi ở An Phú, còn mẹ tôi ở Đa Phước. Tôi tên Bảy Trân, chú Tư Ó trụ trì chùa Cao Đài Phú Lạc đây là em bạn dì ruột của tôi- anh chỉ người mặc áo dài trắng. Có tiếng xì xào trong đám đông. Chờ vài giây, Bảy Trân nói tiếp:

- Tôi kể lai lịch ra đây để anh em thấy rõ tôi là đồng hương với anh em. Tôi với anh em tuy hai mà một, bởi vì chúng ta lò mò ra xóm thì làng lính tóm ngay để đưa về Khám Lớn… thằng Tây rất sợ chúng ta, bởi chúng ta không nhìn nhận ách thống trị của chúng nó. Các anh bất bình trước bao nỗi bất công nên kéo lá cờ Thế Thiên Hành Đạo lên, đánh bọn nhà giàu, cứu giúp đám nhà nghèo.

Những người làm cách mạng chúng tôi cũng nhằm lật đổ ách thống trị ấy, nhưng bằng cách đánh Tây chớ không đi ăn cướp như các anh.

Có tiếng hỏi từ đám đông:

- Thằng Tây có súng, mình tay không, làm sao đánh?

Bảy Trân cười:

- Đánh Tây không khó lắm đâu! Chỉ cần quyết tâm và gan lì là được. Ta cứ kiên nhẫn rình rập, chờ làng lính bén mảng tới nơi vắng vẻ như vùng Hố Bần này là ta từ trong bụi nhảy ra đập đầu như đập đầu cá lóc rồi cướp súng. Xác chúng nó ta vùi xuống hố. Hễ ta có súng là bọn hương quản, cai tuần “xếp ve”, hết dám “cà xóc”. Làng tổng nào cũng đồng lòng như vậy thì thằng Tây hết dám tác oai, tác quái. Về việc này, các anh là thầy của chúng tôi nữa mà!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #13 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:14:47 pm »

Có tiếng cười thích thú trong đám đông. Bảy Trân hứng chí nói tiếp:

- Sống trong thời buổi này, chúng ta chỉ còn ba con đường. Một là yếm thế đi tu như chú Tư Ó của tôi đây. Cả đời chú lo tụng kinh gõ mõ, khuyên dạy bổn đạo làm lành lánh dữ, nhưng ta càng tu tâm dưỡng tánh kiểu đó thì bọn cường hào ác bá càng mượn hơi Tây để hiếp đáp dân lành. Theo tôi nghĩ con đường đi tu không đưa đến đâu. Kế đến là con đường giang hồ, đánh cướp kẻ giàu giúp đỡ người nghèo. Đây là con đường các anh đang đi. Nhưng rồi con đường này sẽ đưa các anh đến đâu? Nếu không tử vong thì cũng nằm Khám Lớn hay đi đày Côn Lôn, Bà Rá... mà bọn thực dân Pháp vẫn vững như bàn thạch. Bây giờ còn con đường thứ ba: đi làm cách mạng như bọn tôi. Ông Tám đây cũng là một nhà cách mạng. Ông là thống lãnh binh Thiên địa hội tại vùng này. Dù là kèo xanh hay kèo vàng, Thiên Địa Hội vẫn là hội kín đòi Tây trả lại đất nước cho chúng ta.

Cũng như phong trào Cần Vương, Văn Thân, Thiên địa hội không làm suy suyển thằng Tây chút nào. Nhưng kể từ năm 30 đã có Đảng Cộng sản. Đảng sẽ lèo lái cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến nơi đến chốn- Bảy Trân ngưng vài giây rồi nhấn mạnh:

- Hôm nay, tôi được Xứ ủy phải đến đây để đề nghị với ông Tám và các anh em, kể từ giờ phút này, chúng ta bắt tay chuẩn bị khởi nghĩa, cướp chính quyền trong tổng Tân Phong Hạ này.

Như có một luồng điện xẹt ngang, không khí trong nhà bỗng nhiên im phăng phắc. Hai Vĩnh nghe được tiếng mấy con muỗi vo ve bên tai.

Có tiếng hỏi từ trong đám đông:

- Đánh Tây khó hơn đi ăn cướp nhiều. Sợ làm không kham!

Bảy Trân gật:

- Đúng là đánh Tây nguy hiểm hơn ăn cướp những kẻ tay không. Nhưng đối thủ nguy hiểm mà ta đánh thắng mới là anh hùng. Nói vậy chớ không phải là ta nhắm mắt nhắm mũi nhào vô đánh bừa. Đảng đã nhận định thật kỹ lưỡng: lúc này đúng là thời cơ đã đến. Pháp đang gặp khó khăn từ hai phía. Bên chánh quốc thì bị Đức lăm le xâm chiếm. Còn ở Đông Dương thì Nhật cũng thập thò toan nhảy vô. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở đó các anh.

Lại có người hỏi trống:

- Mấy anh làm cách mạng nói hay lắm, nhưng có gan ra trận hay ngồi tù như bọn này không?

Không khí bỗng trở nên ồn ào. Từng nhóm xì xào với nhau: Kế một người đứng lên xin nói. Hai Vĩnh đã để ý người này ngay từ đầu. Ông ta sồn sồn, có cặp mắt đỏ, bộ tướng hầm hừ, đi đâu cũng không quên cây “xà búp”:

- Tôi là Năm Chảng, vô ra Khám Lớn như đi chợ. Tôi nhớ có lần được nhốt chung với mấy ông “pôlitic” Hình như tôi đã gặp quới nhơn này tại “xoa- xăng- nớp La-răn-đe” (69 Lagrandière). Tôi nhìn nhận các ông “pôlitic” gan lì hơn anh em giang hồ mình. Tụi mình ở ngoài nói nghe ngon lành, chẳng hạn như: “chừng nào cầu sắt khai thì tụi tao mới khai”. Vậy mà vô trong đó, chịu mới được vài chập, tới màn đi tàu lặn hoặc đi máy bay là khai tới ông bà, ông vải… Còn tôi thấy một ông “pôlitic” bị đánh, đầu mềm như trái dưa vẫn nhất định không hé môi.

Chờ tất cả im lặng, ông Tám Mạnh đứng lên:

- Quới nhân đã tỏ bày mọi việc. Tụi bây nghĩ sao?

Ông Tám nhìn Tư Phương như hỏi ý. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Tư Phương là tướng cướp khét tiếng từng chặn đường cướp cặp da đựng tiền lương của tên cò Ba-tai ở Nhà Bè.

Tư Phương gật gù:

- Anh sao thì tụi tui vậy!

Ông Tám vui mừng:

- Tao thấy tâm đồng ý hiệp. Tụi bây phải nghe tao.

Bà Tám đứng tựa cửa sau lắng nghe nãy giờ nói nhỏ với mấy người ngồi gần:

- Mấy ông làm quốc sự, có khiếu ăn nói, nghe hay quá! Các ông mà nói thì kiến trong hang cũng bò ra!

Ông Tám nghe vợ nói bật cười:

- Bà cũng khen nữa hả? Khen thì mau mau đem rượu ra đây để anh em thích huyết ăn thề.
Lập tức một thố rượu trắng được mang ra, ông Tám mở dao con chó khứa đầu ngón út, đổ vài giọt máu nhỏ xuống thố rồi trao dao cho Bảy Trân. Lần lượt tất cả đều góp vài giọt máu vào thố rượu. Hai Vĩnh cũng làm theo.

Ông Tám trịnh trọng thắp nhang khấn vái:

- Kính cáo cùng trời đất. Hôm qua chúng tôi làm lễ thích huyết ăn thề, sống chết có nhau, một lòng đánh Tây, giành lại đất nước. Ai sanh tâm làm phản, xin trời tru đất diệt!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #14 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:15:45 pm »

Thố rượu pha huyết được chuyền tay, mỗi người uống một chung. Đi giáp vòng thì tiệc đã bày xong. Tất cả xúm lại cười nói vui vẻ. Bảy Trân được mọi người mời cụng ly. Anh kém tửu lượng, chỉ chịu nổi mấy chung đầu, về sau nhờ Tư Ó “vớt” giùm, viện cớ đau bao tử. Có chút rượu hâm nóng, Tư Ó vui vẻ nói:

- Thú thật với anh em, từ sáng tới giờ tôi như ngồi bàn chông, bây giờ mới dám thở mạnh. Khi Bảy Trân nhờ tôi đưa vô đây gặp ông Tám, tôi lo quá! Chỗ này đâu phải ai muốn vô cũng được? Biết bao nhiêu làng lính, “anh-đi-ca-tơ” (1), vô đây rồi mất tích luôn. Bảy Trân không phải là chó săn cho Tây, ảnh là cộng sản có bằng cấp, từng học ở Nga ba năm, nhưng lý tưởng cộng sản của Bảy Trân có điểm nào thích hợp với chí khí giang hồ của ông Tám và các anh hay không, tôi làm sao biết được? Chỉ sợ đưa Bảy Trân vào hang cọp. Nhưng Bảy Trân nói rất tỉnh: “mình có chánh nghĩa, nói phải là người ta nghe! Chú cứ đưa tôi đi…”.
Tôi không ngờ đại sự lại kết quả tốt đẹp như vầy.

Bảy Trân hân hoan nói:

- Nay ta đã thích huyết ăn thề, xem nhau như anh em đồng sanh đồng tử, tôi đề nghị anh em kể từ giờ phút này tạm ngưng “đi hát” để thì giờ luyện tập võ nghệ, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Bây giờ là tháng mười một. Có thể trong vòng một hai tuần nữa là đến ngày trọng đại. Hễ tôi cấp báo cho ông Tám thì anh em phải sẵn sàng ra tay. Anh em có đồng ý không? Ai có điều gì cần biết thêm, xin cứ hỏi.

Chín Mập đưa tay lên:

- Xin hỏi quới nhơn một câu: đi đâu chúng tôi cũng nghe bàn câu sấm của Trạng Trình “Chừng nào lúa mọc lên chì, voi đi trên giấy, còn gì thầy Tăng”. Ý gì vậy?

Bảy Trân cười lớn:

- Trước hết, đây không phải là sấm Trạng Trình, bởi hồi thời của ổng, cách đây trên ba trăm năm, người ta chưa biết “nói lái” thầy Tăng- thằng Tây…- Ông móc túi đưa ra một đồng hai cắc bảo chuyền tới Chín Mập, nói tiếp: Lúa mọc trên chì là hình bụi lúa đúc trên mặt đồng tiền. Còn voi đi trên giấy thì ai có tờ giấy “xăng” mới, hãy chuyền tay cho anh em xem. Một bên có in hình con voi, thay cho bộ lư trên tờ giấy “xăng” cũ.

Ông tám giục bà Tám mở tủ lấy tờ giấy một trăm đồng mới để mỗi người xem một chút. Chờ mọi người xem xong, Bảy Trân nói:

- Như vậy, các anh thấy rõ đây không phải là do ông Trạng Trình tức Nguyễn Bỉnh Khiêm làm. Mà đây là sấm giả do một tay nào đó muốn tuyên truyền hạ thằng Pháp xuống để đưa thằng Nhật lên.

Mọi người gật gù thỏa mãn với cách giải thích của Bảy Trân. Rượu được vài tuần, Bảy Trân nảy ra sáng kiến:

- Bấy lâu nghe danh ông Tám, nay được dịp gần gũi, tôi nghĩ nhân dịp này ông Tám nên ôn lại vài ngón sở trưởng để anh em lên tinh thần.

Tất cả vỗ tay tán thưởng. Ông Tám không tiện thoái thác, bảo bé Mười vô buồng lấy cây siêu cho ông. Mọi người bỏ chén đũa ra đứng trước hàng ba xem “sư phụ” biểu diễn. Đây là lần đầu tiên Hai Vĩnh được thấy ông nhạc tương lai của mình trổ tài. Anh nhận thấy khi ông Tám cầm cây siêu thì con người ông bỗng nhiên khác hẳn, ông già phúc hậu bỗng hóa thành võ tướng oai phong lẫm liệt.

Cây siêu khá nặng, nhưng trong tay ông, nó chỉ là một ngọn roi nhẹ bổng múa vùn vụt. Trong ánh hoàng hôn, lưỡi siêu sáng loáng phản chiếu một màu đỏ rực. Ông múa hết bài, trụ bộ bái tổ, mặt không hề đổi sắc. Tất cả vỗ tay nồng nhiệt.

Nhiều người ngứa tay ngứa chân nhảy ra biểu diễn đủ các thứ binh khí, roi, côn, kiếm…

Năm Chảng sôi nổi kể cho Bảy Trân về thành tích của ông Tám:

- Trước đây ông Tám để tóc dài: trong chuyến đi ghe lúa, bị hai tướng cướp Đại Mạnh Thường và Tiểu Nhạc Vân ở vàm Chà Là xã Phước Khánh chặn đánh. Một mình ông Tám đương cự hai tên này, thằng
Thường có súng. Ông Tám phải dùng mưu.

- Phải mày không, Thường?

- Đúng!

- Nghe nói mày có súng. Bắn một phát coi súng thiệt hay giả?

Thường móc súng bóp cò thị oai. Nhưng nhanh như chớp, ông Tám phòng một đá cho hắn đo đất rồi quay lại đánh thằng Vân. Đang đánh, đầu tóc sút ra. Ông Tám chỉ đánh một tay, còn tay kia phải giữ đầu tóc. Đánh xong trận này, ông vô tiệm hớt tóc cắt bỏ cái củ nừng lượt bượt không chút thương xót.

Cuộc vui chơi kéo dài tới sẩm tối. Ông Tám biểu bầy trẻ thắp đèn măng xông tiếp tục chơi tới khuya, nhưng
Bảy Trân cản:

- Không nên! Vui bấy nhiêu đủ rồi! Thực lực của ta không mạnh không nên vỗ ngực xưng tên như vậy. Sau này, khi thành công rồi, ta có thể vui chơi ba ngày ba đêm hay nhiều hơn nữa. Bây giờ chúng tôi xin kiếu ông Tám và các anh em.

Tất cả đứng lên tiễn Tư Ó và Bảy Trân ra về. Lúc quay trở vô, ông Tám vỗ tay gọi tất cả lại:

- Quới nhơn đã về rồi, bây giờ tao căn dặn tụi bây điều này: Chúng ta bắt tay với Đảng Cộng sản làm cuộc khởi nghĩa trong tổng Tân Phong Hạ này là việc vô cùng hệ trọng. Thành công thì không nói làm chi, lỡ thất bại thì thân bại danh liệt, nhà cửa tiêu tan, vợ con nheo nhóc. Bởi vậy tụi bây phải kín miệng, dù là vợ con, hay cha mẹ, anh em cũng không được hé môi. Nghe chưa?

Tất cả đều dạ răm rắp. Ông Tám nói tiếp:

- Bây giờ thì mỗi đứa xách một miếng thịt đem về cho vợ con để chung vui trong ngày đáng ghi nhớ này.
Hai Vĩnh cũng được một phần thịt về cho các em dù anh không chịu nhận.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #15 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:16:49 pm »

Chương 5

GIANG HỒ MÀ THAM GIA KHỞI NGHĨA

ĐẠI SỰ BẤT THÀNH CHỜ ĐỢI DỊP SAU

Hai Vĩnh không thể nào quên được ngày Nam kỳ khởi nghĩa. Ngày trọng đại này để lại một kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất đời: anh đã tìm được một con đường đi. Kể từ ngày được nghe “quới nhơn” Bảy Trân đánh thức tinh thần yêu nước, Hai Vĩnh mới thấy chuyện đứng bến kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của dân lao động là thấp hèn. Con đường đi mà từ lâu anh suy gẫm tìm tòi chính là con đường “quới nhơn” Bảy Trân đang đi. Anh phải theo dấu chân người đi trước. Càng ngẫm nghĩ, Hai Vĩnh bật cười khi nhớ lại buổi sáng thằng Mười qua Long Kiểng báo tin vui: “Chuyện quốc gia đại sự mà mình lại tưởng chuyện tình duyên bé nhỏ của mình với cô Tư”.

Đã được thông báo trước, Hai Vĩnh qua Xóm Cỏ vào chiều ngày 22, ăn cơm và ngủ luôn tại đó để nửa đêm “xuống đường” cướp chánh quyền. Tại đây đã có đông đủ anh em, bà con và các môn đệ của ông Tám. Họ đàn ca hát xướng, cười nói thật vui vẻ. Trong số này chỉ có Năm Hồi và Mười Nhỏ là có súng. Cả hai đều hãnh diện với cây súng và túi da đựng đạn của mình. Năm Hồi nói với Mười Nhỏ:

- Từ nay, súng trong tay hai cậu cháu mình sẽ có ý nghĩa hơn. Thay vì đi ăn hàng, mình đánh tây với tụi mã tà chạy tét. Vậy mới đáng mặt anh hùng!

Hai cậu cháu cứ săm soi hai khẩu súng rồi kể lai lịch của chúng. Đây là loại súng săn Tây cấp cho các tay hương quản để uy hiếp dân làng. Cả hai thích chí cười bảo “bây giờ thì gậy ông đập lưng ông”.

Trong lúc đám đàn ông đàn ca, bà Tám chỉ huy các chị em cô Tư làm bếp. Chị Hai đảm trách một chảo cơm nếp to tướng, đủ cho ba chục người ăn. Cô Tư cùng cô Sáu làm gà kho sả ớt. Chưa tới mười một giờ, đâu đấy đã xong, mùi thơm của nếp rặc hòa với thịt gà kho bay lên nhà trên, ngào ngạt.

Ông Tám điểm binh xong, ra lệnh bà Tám dọn ăn.

- Tất cả ăn cho no! Ăn nó mới đánh khỏe!

Mọi người vừa ráp lại thì “quới nhơn” đạp xe tới. Vẫn bộ bà ba mốc cời và đôi guốc mòn lẻm. Ông Tám mời quới nhơn ngồi ở bộ trường kỷ. Vừa ăn, Bảy Trân hỏi:

- Công cuộc chuẩn bị như thế nào? Tinh thần anh em ra sao?

Ông Tám vui vẻ gật đầu:

- Anh em hăng lắm. Hễ nghe đập đầu Tây với làng lính là xáp vô làm liền! Lâu nay cá ăn kiến, bây giờ kiến ăn cá, không hăng sao được thầy Bảy! Từ ngày nghe thầy Bảy nói chuyện, anh em ngưng “đi hát” để thì giờ tập võ và o bế đồ binh khí.

Bảy Trân nắm tay ông Tám:

- Nhờ ông Tám nói với anh em là chúng tôi rất cảm ơn anh em đã hưởng ứng lời đề nghị của tôi. Bác Tám biết không, niềm vui của chúng tôi không sao kể xiết. Trước đây đêm nào ăn cướp cũng hoành hành, trống mõ khua vang như nhái kêu. Vậy mà hai tuần nay êm re. Vậy mới biết là tiếng nói của Đảng “linh” quá!

Ông Tám hãnh diện:

- Thầy Bảy yên tâm, em út của tôi coi hầm hừ vậy mà tôi nói sao nghe vậy. Tôi dạy học trò mấy chục năm nay, không có thằng nào phản.

- Các thứ đồ nghề để phá khám như búa tài xồi, cưa sắt, ông Tám lo đủ chứ?

- Đủ hết! Bỏ trong bao cà-ròn, giao cho Năm Hồi.

Bảy Trân yên tâm. Lúc uống trà, ông đứng lên:

- Tôi phải ra đường số 5 với anh em. Bộ tham mưu đặt tại gò mả An Phú, dưới xóm “các chú”.

Ông Tám ngạc nhiên:

- Ủa, tôi tưởng thầy ở lại đây với chúng tôi chớ?

Bảy Trân giải thích:

- Tôi chịu trách nhiệm trong toàn tổng Tân Phong Hạ. Tôi tổ chức được ba nhóm, ở đây là một, bên Bình
Đăng là hai và ở Đa Phước, Phong Phú là ba. Cho nên Bộ tham mưu phải đặt ở giữa để tiện liên lạc và chỉ huy.

Ông Tám gật gù:

- Vậy cho tôi gửi một người làm liên lạc tiếp tay với thầy Bảy có tiện không?

Bảy Trân gật liền:

- Được lắm! Ông Tám chọn một người biết đi xe đạp để liên lạc cho mau, từ Gò Mả vô đây ít nhất cũng ba cây số.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:18:28 pm »

Ông Tám ngoắc Bảy Hải đang đứng gần:

- Hải, mày lấy xe đạp chạy theo thầy Bảy. Mày làm liên lạc cho tao với thầy Bảy.

Bảy Hải thích chí gật lia lịa:

- Khoái quá!

Thằng Mười xớ rớ gần đó đòi theo:

- Cho con đi với! Con đạp xe còn nhanh hơn anh Bảy nữa đó!

Ông Tám nạt:

- Chuyện chết sống, con nít đi đâu!

Thằng Mười nắm tay Bảy Hải:

- Anh Bảy nói tiếp em một tiếng đi. Em đi theo giúp anh được nhiều việc lắm chớ.

Bảy Trân nhìn cậu bé, bảo ông Tám:

- Thằng bé này lanh lợi, nên cho nó đi. Tôi cần đôi ba người thay phiên nhau đạp xe ra Cầu Mới (1) lấy tin,
cứ mười lăm phút ra đó thăm chừng- ông nói nhỏ, vẻ bí mật- Lệnh khởi nghĩa cho toàn Nam kỳ là 12 giờ
đêm 22 rạng ngày 23-11-1940- Nếu miệt Sài Gòn mà không nổ súng thì mình rút êm. Chuyện khởi nghĩa phải làm đồng loạt nhiều nơi. Làm một mình, thằng Tây sẽ đập mình chết tươi. Bởi vậy tôi nhấn mạnh là mình phải tuyệt đối giữ bí mật nghe ông Tám!

***

Tại Gò Mả, cách đường số 5 chừng trăm thước, bảy người đang nôn nóng chờ đợi. Chừng thấy Bảy Trân đạp xe tới, tất cả reo lên:

- Sao, có tin tức gì không?

- Nhóm ông Tám đã sẵn sàng. Có hai cây súng săn của Mười Nhỏ và Năm Hồi. Khí thế rất hăng. Ông Tám cho hai người con ra đây giúp mình làm liên lạc.

Bảy người này nhìn Bảy Hải đang đèo thằng Mười trên xe đạp, một người nói:

- Tưởng ai chớ Bảy Hải thì tụi này biết. Còn chú em này tên gì, thứ mấy?

- Em tên Ngà, thứ mười.

Anh thanh niên vừa nhận biết Bảy Hải cười lớn:

- Voi quý chỉ có hai ngà, mà mày dám có tới mười ngày- Anh kéo cậu bé lại ngồi kề bên.

Một người khác nói:

- Mới bây lớn đã học lần với các chú các các, sau này sẽ ngon lành đó nghe.

Bảy người trong Bộ tham mưu của Bảy Trân không phải ai xa lạ mà là bà con anh em ruột thịt của ông. Ba anh em ruột là Tư Lưu, Sáu Thuận, Chín Báu. Ba anh em bạn dì là Ba Cưởng, Tư Ó, Sáu Bờ. Còn anh thanh niên vui tính là Năm Trừ, cháu gọi Bảy Trân là chú.

Bảy Trân bảo Bảy Hải:

- Cháu xách xe chạy ra Cầu Mới. Chạy vừa phải thôi, đừng phóng ẩu làm người ta để ý. Nhớ dòm ngó hai bên đường xem có làng lính gì không. Ra tới Cầu Mới, la cà các bến xe hỏi thăm xem phía Sài Gòn có rục rịch gì chưa; rồi trở về đây báo tin.

Bảy Hải vâng lệnh đi liền. Thằng Mười nôn nóng đòi đi, Bảy Trân vỗ đầu nó bảo:

- Mười lăm phút nữa là tới phiên mày. Hai anh em bây cứ thay nhau chạy lên chạy xuống lấy tin. Mày đừng có nôn nóng. Chỉ sợ mày không đủ sức mà thôi.

Gà gáy mấy lượt. Nhiều người xem đồng hồ, chốc chốc lại nhìn Bảy Trân như muốn hỏi: “Sao êm ru bà rù
vậy anh Bảy?”.

Tư Ó vừa đập muỗi vừa hỏi:

- Vụ này chắc “xù” quá anh Bảy?

Bảy Trân thở ra:

- Tao không biết trả lời câu hỏi của mày như thế nào đây, bởi vì có thể có trục trặc vào giờ chót. Chẳng hạn như Trung ương không tán thành chủ trương của Xứ ủy, cho là bạo động non…

Mọi người giật mình:

- Có chuyện đó nữa sao?

- Sao lại không? Liên lạc từ Trung ương vô đây phải mất nhiều thì giờ. Nếu ngoài kia hoãn lại thì có nơi nhận được chỉ thị, có nơi không…

Ba Cường lo ngại:

- Nếu có lệnh hoãn lại thì sao? Mình có làm tới không?

Năm Trừ nói hớt:
- Làm tới chớ! Một lần chuẩn bị một lần khó. Phải không chú Bảy?

Bảy Trân lắc đầu:

- Đâu được mậy! Làm cách mạng đâu phải chuyện giỡn. So với cả nước thì tổng Tân Phong Hạ mình nhỏ như cái móng tay. Một mình làm thì thằng Tây tiêu diệt không còn một con đỏ. Không chỉ tụi mình chết mà chết lây hết dân trong năm xã, nhất là ba xã Chánh Hưng, Bình Đăng và Đa Phước.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2011, 06:19:32 pm »

Chín Báu hỏi:

- Giữa ba nơi, anh Bảy thấy nơi nào đáng tin cậy hơn hết?

- Cha con ông Tám Mạnh: Hầu hết là người nhà. Ông Tám bảo sao họ nghe vậy. Mấy tay em vợ toàn là dân ăn cướp có nhiều tiền án nhưng cũng nghe ổng răm rắp. Bên Bình Đăng có nhóm Hai Nhuận, Hai Đỏ cũng hăng hái. Còn ở Đa Phước mình nắm được hai anh em Hương quản Bảy, Bộ Huỳnh tình nguyện làm tay trong cho mình. Mấy ngày nay, cố Hoạnh cũng nghe lời kêu gọi của mình không “đi hát” để dành sức xuống đường đập đầu làng lính với mấy thằng hương chức hội tề.

Trời hửng sáng, vẫn không nghe tiếng súng miệt Sài Gòn. Bảy Trân thở dài nói:

- Chắc là có lệnh hoãn lại rồi. Như vậy là tao nhận định đúng khi đại diện Xứ ủy giao chỉ thị cho tao làm
cuộc khởi nghĩa ở Tân Phong Hạ…

- Anh nhận định như thế nào hả anh Bảy? Mọi người tò mò hỏi.

- Đại diện Xứ ủy là đồng chí Hai Nữ, tên thiệt là Dương Công Nữ, thầy thuốc đông y, quê ở Trà Vinh. Đồng
chí Nữ ra lệnh cho tao cướp chính quyền từ sông Sài Gòn chạy vô rạch cát giáp mí với đường số 5. Hễ nổ súng rồi, thì bắt hết hội tề, làng lính. Đó là bước thứ nhất. Bước thứ nhì là tiến ra phá cầu Chữ Y, đánh phá nhà đèn Chợ Quán, phá Khám Lớn Sài Gòn giải cứu tù nhân. Tao hỏi “Trung, Bắc có cùng nổi dậy với mình, hay chỉ có một mình Nam kỳ?”. Đồng chí nữ đáp: “Đây là chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ”. Tao nghĩ tình hình chủ quan, khách quan chưa cho phép bạo động nên do dự “Coi chừng bạo động non thì nguy hiểm vô cùng”. Đồng chí Nữ không thuyết phục được tao nên nhân danh Xứ ủy, ra lệnh cho tao phải chấp hành. Trọng kỷ luật, tao chấp hành, nhưng với điều kiện là hễ Sài Gòn và các nơi khác trong nội thành không nổ súng thì cánh quân ở Tân Phong Hạ được phép rút lui êm.

Tất cả đều gật gù tán thành ý kiến của Bảy Trân.

Đến chín giờ, Bảy Trân cùng hai anh em Bảy Hải, Mười Ngà về Xóm Cỏ báo cáo tình hình để ông Tám cùng anh em đỡ sốt ruột.

Bà Tám hối hả dọn cơm cho Bảy Trân cùng hai anh em Bảy Hải, Mười Ngà. Bảy Trân trình bày tình hình cho anh Tám:

- Tới giờ phút này mà vẫn không nghe súng nổ ở phía Sài Gòn. Như vậy, chắc là có lệnh hoãn từ Trung ương mà mình chưa nhận được. Đề nghị ông Tám cho anh em giải tán. Nhớ giữ bí mật triệt để, kể như không có gì.

Nỗi thất vọng hiện rõ trên nét mặt ông Tám:

- Uổng quá! Lâu lâu mới có một lần!

Bảy Trân cảm động nói:

- Nhiệt tình đánh Tây của ông Tám làm cho chúng tôi lên tinh thần. Chúng ta còn có dịp gặp lại. Lần này chưa thuận tiện thì ta chờ dịp khác. Dù sao, ngày hôm nay cũng là một ngày đáng ghi nhớ. Ngày 23-11-1940 là ngày đào viên kết nghĩa giữa anh em giang hồ trong ấp Bình Xuyên này với anh em cộng sản trong tổng Tân Phong Hạ, cùng thích huyết ăn thề để bàn chuyện đánh Tây giành lại đất nước.

Ông Tám quyến luyến với Bảy Trân:

- Chúng tôi sẽ không bao giờ quên thầy Bảy. Thầy đã “khai quang điểm nhãn” cho anh em chúng tôi.

Năm Hồi lén đến gần Bảy Trân hỏi nhỏ:

- Chuyện lớn bất thành, chúng tôi tiếp tục “đi hát” được không thầy Bảy?

Bảy Trân khẽ gật, nói với ông Tám:

- Đêm nay ta chia tay nhau, đường ai nấy đi: chúng tôi làm công việc của chúng tôi, còn các anh thì làm công việc của các anh. Nhưng tôi chỉ xin các anh một điều. Khi “đi hát”, nên nhằm vào bọn gian thương “nhất bổn vạn lợi” và bọn sâu dân mọt nước, chớ không nên đánh vào dân làm ăn lương thiện.

Ông Tám trừng mắt cho Năm Hồi lui ra:

- Chuyện đi ăn hàng của chúng nó, thật tình tôi chẳng hề tham dự. Chúng nó có cho tôi biết đâu! Đến khi tôi biết thì chuyện đã lỡ. Tôi mở lò dạy võ đây là nhằm truyền lại vốn quý của tổ tiên cho con cháu, dân hùng thì nước mạnh. Tôi theo Thiên Địa Hội cũng là nhằm chuyện đòi Tây trả nước nhà mà chúng đã chiếm từ thời Gia Long, Minh Mạng.

Bảy Trân nắm tay ông Tám siết mạnh:

- Tôi rất hiểu ông Tám. Tôi kính trọng hoài bão của các vị tham gia hội kín như ông Tám. Còn chuyện con cháu bắt chước Tống Giang, Triệu Cái thì cũng là chuyện bình thường, bởi như tôi đã nói hôm trước là trong tình trạng mất nước, dân ta chỉ có ba con đường, đi tu, ăn cướp và làm cách mạng.
Ông Tám cùng đám gia tướng tiễn “quới nhơn” ra tận đường, bịn rịn như giã biệt một người thân.

Chú thích:

(1) Chantier (tiếng Pháp): công trường
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 11:23:00 am »

Chương 6

XƯNG ANH CHỊ, HAI VĨNH NỔI DANH

LÀM LỄ CƯỚI VỚI CÔ TƯ XÓM CỎ

Sau ngày khởi nghĩa bất thành, Hai Vĩnh vẫn tiếp tục lui tới gia đình ông Tám Mạnh. Chuyện hôn nhân của anh kể như được gia đình nhà gái đồng ý tuy thỉnh thoảng có người bàn ra tán vào.

Đứng đầu nhóm này vẫn là cô Chín hãy còn cay cú vì vụ làm mai thất bại. “Thằng mạt từ đường đó làm sao bằng thằng thầy ký của tao? Để rồi bây coi, nó chẳng có tiền đâu mà sắm sanh lễ cưới”.

Một hôm, nhân lúc nhà vắng người, cô Tư lén nhét vào tay Hai Vĩnh một gói nhỏ:

- Anh cầm số tiền này sắm đôi bông…

- Tiền đâu vậy cô Tư?

- Tiền nuôi heo của tôi đó.
Hai Vĩnh trả lại:

- Không! Đôi bông cưới phải do tiền của tôi mua sắm. Tôi không phải là hạng “thực- lộc- chi- thê”…

- Nhưng biết chừng nào anh mới có tiền? Không lẽ mình ở vậy hoài? - Cô Tư nhét gói vào túi Hai Vĩnh nhưng anh vội vàng chặn lại:

- Tôi nói không là không. Nếu cô Tư thật lòng thương tôi thì xin vui lòng chờ một thời gian. Tôi hứa với cô Tư chậm nhất là một năm tôi sẽ có “chưn đứng” và sẽ xứng đáng là rể nhà này. Tôi không muốn vì cô Tư ưng tôi mà trong gia đình xào xáo. Cô Tư hãy cất số tiền này đi!

Từ giây phút ấy, ý nghĩ làm anh chị lại trở về với Hai Vĩnh. Không còn con đường nào khác. Cách mạng đang lúc thoái trào, Bảy Trân cùng các đồng chí của ông ta rút vào bí mật. Tin tức về những vụ đàn áp đẫm máu được bí mật truyền miệng. Tây xử tử Nguyễn Thị Minh Khai tại Hóc Môn. Tây bắt cả trăm người tình nghi nhốt đầy các khám. Tại Vĩnh Kim, Chợ Giữa, máy bay bỏ bom ngay lúc chợ đang nhóm, tàn sát cả trăm người. Tại Cà Mau, Tây xử bắn thầy giáo Ngọc Hiển và các đồng chí của ông đã cướp chính quyền tại Hòn Khoai, giết thằng Tây Oliviê (1). Có những hình phạt tàn bạo hơn thời trung cổ: dùng dây thép xỏ vào lòng bàn tay tội nhân cột cả xâu, đưa xuống sà lan nhận chìm ngoài biển khơi, xuất phát từ Nhà Bè.
Có điều Hai Vĩnh ngạc nhiên là thay vì gây khủng khiếp, định làm mất tinh thần những người yêu nước thì những biện pháp cực kỳ độc ác đó càng làm nung chí căm thù. Các đám giang hồ vùng ngoại thành Sài Gòn- Chợ Lớn trước đây ngưng hoạt động để dành sức đánh Tây nay tiếp tục “đi hát” và chĩa mũi nhọn vào đám làng xã, cai tổng, hội đồng. Đêm nào trống mõ cũng khua vang. Trong tổng Tân Phong Hạ, nhóm Năm Nhỏ đánh nhà đại hương cả Sảnh tại xã Bình Đăng. Nhà máy kín cổng cao tường, lại có bầy chó “bẹc giê” hung hăng như cọp dữ. Nhưng Năm Nhỏ chỉ cần bắn một phát “sơ-vơ-rô-tin” hạ con chó đầu đàn, đám còn lại cụp đuôi chạy hết. Cả Sảnh là cậu ruột Bảy Trân. Bên ngoại Bảy trân toàn dân giàu có, làm làng, làm tổng; ngoài cả Sảnh là cậu Năm, còn có hương trưởng Quyên ở Đa Phước là cậu Chín, cai tổng Quốc là cậu Mười.

Nhóm Ký Huỳnh ở xã Hưng Long, Cần Giuộc cũng đánh nhà Hội đồng Mùa. Tại đây, khi chống cự, Hội đồng Mùa bị bắn chết. Cũng cần giới thiệu sơ về tướng cướp Ký Huỳnh. Con nhà giàu, đậu Đíplôm (2), làm thư ký quận trong tỉnh Chợ Lớn, nhưng Ký Huỳnh thích sắm súng đi ăn cướp hơn là làm ký cóp. Bảy Trân cũng đã tranh thủ Ký Huỳnh tiếp tay trong cuộc khởi nghĩa vừa qua. Ký Huỳnh hướng ứng bằng cách “để lại” cho ông một khẩu súng sáu 7,65 ly với giá một trăm đồng. Cò súng đã gãy nhưng không hề gì, Bảy Trân nhờ một công nhân Ba Son bí mật sửa giùm.

Tướng cướp lừng danh Tư Hoạnh ở cầu Ông Thìn cũng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Tư Hoạnh xưng là “cố”- chức cao nhất trong giới lục lâm: cha, ông nội, cố nội- nhưng lại xưng là cháu với Bảy Trân vì cha hắn là sui gia với người anh thứ hai của Bảy Trân. Sau vụ xuống đường bất thành, Tư Hoạnh “đi hát” trở lại.
Trong một tổng nhỏ chỉ có năm xã mà có ba nhóm giang hồ chia nhau “đi hát” và “ăn hàng”, làng lính nào chịu nổi! Các cuộc đi ruồng của bọn GCL, (chữ tắt của Garde Civile Locale)- mà dân làng gọi là bọn “chân xanh mắt ếch” vì chúng quấn xà cạp xanh nơi ống quyển- cũng chỉ tiến hành cho có lệ. Chúng không dám nhũng nhiễu, bắt hương chức hội tề đãi đằng rượu thịt như ở các nơi khác.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 11:24:00 am »

Bọn này tới đâu như bầy hung thần gieo tang tóc tù đày tới đó. Thường thì chúng đi từng trung đội, được trang bị xe đạp, mùng mền, ngoài súng trường, còn có một khẩu trung liên FM.

Nhờ Bảy Trân nhiều lần căn dặn, các nhóm tham gia khởi nghĩa giữ bí mật tuyệt đối nên làng lính trong tổng không hề hay biết. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như trước. Bên ngoài, trại ruộng ông Tám Mạnh chỉ là nơi dạy võ, nhưng bên trong, đây là đầu não của các nhóm Tư Phương, Mười Nhỏ, Năm Hồi.

***

Hai Vĩnh quyết chí về Long Kiểng làm anh chị tại quê nhà. Với ý đồ đó, anh chấp nhận những vụ “thử lửa” để xác định ngôi thứ. Đúng vào lúc ấy, có ba tên du đãng từ xa tới tác oai tác quái. Chúng là Sáu Hóa, Bảy Huê, Bảy Tui, từng chém Năm Nhàn là anh chị nổi tiếng, chủ sòng bạc và trường gà ở Phú Lạc, rồi chạy sang các xã lân cận ẩn náu. Chúng kéo tới nhà Hai Thạnh chọc ghẹo các cô em gái một cách sỗ sàng. Ông già của Hai Thạnh bực mình đuổi đi thì chúng sanh sự. Hai Thạnh chạy tới nhờ Hai Vĩnh can thiệp. Từ lâu luyện tập võ nghệ, Hai Vĩnh chưa có dịp thi thố, nay nghe bạn cầu cứu, anh vui vẻ nhận lời. Anh áp dụng lời dạy của ông Tám “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”.

Trận đánh diễn ra trong một quán nước tại ngã ba đường, sát nhà hội xã Nhơn Đức. Ba tay du đãng này vừa cướp tiền ông già của Hai Thạnh. Thức nhậu cùng chai la-ve (3) đầy bàn. Hai Vĩnh và Hai Thạnh bước vô quán, ngồi ở bàn đối diện. Hai Vĩnh đi ngay vô đề:

- Các anh chém Năm Nhàn ở cầu Xóm Rượu, Đa Phước, trốn qua Phú Lễ, lại cướp sòng bạc, trường gà rồi chạy qua đây. Bây giờ lại tái diễn trò ăn nhậu trên tiền của mồ hôi nước mắt của thiên hạ…

Sáu Hóa mặt đỏ gay, cất giọng sặc mùi rượu:

- Mày là ai? Đừng có xạo sự! Đi chỗ khác chơi!

Bảy Huê dằn mạnh ly rượu:

- Rồi sao, mày muốn gì?

Hai Vĩnh vẫn một giọng ôn tồn:

- Tôi muốn các anh trả tiền lại cho ông già anh bạn tôi đây- anh chỉ Hai Thạnh- rồi đi chỗ khác chơi.

Bảy Tui xô ghế đứng lên:

- Làng lính, cai tuần, hương quản sở tại còn không dám hó hé, mày là cái thá gì mà tới đây ọ ẹ?

Hai Vĩnh cũng đứng lên:

- Tôi đã nói chuyện tử tế, các anh không nghe lại toan sanh sự. Vậy thì đừng trách- Chưa dứt lời anh phóng một đá vào mặt Bảy Tui. Tên này nhanh mắt lách kịp chụp chai la-ve phang vô ngựa Hai Vĩnh. Hai Vĩnh xoay mình né, cái chai rơi xuống sàn gạch bể tan. Tức thì hai tên kia nhào ra vây lấy Hai Vĩnh và Hai Thạnh. Hai Thạnh cũng là tay có nghề nên cùng với Hai Vĩnh đương cự. Trong đám này, Bảy Tui hầm hừ hơn hết nên Hai Vĩnh quyết hạ cho được để dằn mặt hai tên kia. Một cú đá của anh tống Bảy Tui văng ba thước. Tức thì Sáu Hóa chụp cây “độc lá hẹ” xông tới đâm nhầu.

Hai Vĩnh cười lạt lùi ra xa:

- Màn tay không thua rồi, bây giờ tới màn võ khí! Được!- Anh đảo mắt nhìn quanh. Trong góc có một cán cuốc cùn. Anh với ngay và biến cán cuốc cùn thành ngọn roi lợi hại. Sáu Hóa chịu không nổi vác cây độc chạy dài. Bên kia, Bảy Huê đang xách dao chém Hai Thạnh, thấy Sáu Hóa bỏ chạy, cũng co giò chạy luôn. Hai Vĩnh và Hai Thạnh đuổi theo tới cầu Rạch Tôm, cách nhà hội Nhơn Đức khoảng một cây số, Hương quản Thể chặn Hai Vĩnh lại, năn nỉ:

- Cho tôi xin đi chú Hai. Như vậy là biết ai ai thắng ai bại rồi. Hôm nay là mùng ba Tết, không nên gây đổ máu…

Sau trận này, tên tuổi Hai Vĩnh bắt đầu lan khắp vùng. Các tay du đãng tôn anh lên hàng anh chị. Từ đó mỗi khi gặp khó khăn hiếp đáp, dân chúng đều nhờ “anh Hai” hay “chú Hai” giúp giùm. Các ghe thương hồ qua lại cũng nhờ “anh Hai” cho ám hiệu để các tay “thủy khẩu” trong vùng không “ăn hàng”.

Dần dần Hai Vĩnh trở thành một sở bảo hiểm đủ loại mà không cần đóng “pa-tăng”.

Nhưng vụ “thử lửa” sau đây mới đưa tên tuổi Hai Vĩnh tới cò bót trên tỉnh Gia Định và thành phố. Đó là vụ đấu giá hoa chi chợ Long Kiểng. Thằng Chà ở cầu Rạch Dơi, xã Long Hậu chuyên nghề “anh-đi-ca-tơ”- loại lính kín hạng bét- quyết đấu giá chợ Long Kiểng cho được để vợ bé hắn thu thuế hoa chi. Vợ bé hắn ở sát chợ này nên rất tiện trong việc thu thuế chợ. Để cho chắc ăn, hắn mua một số du đãng làm hậu thuẫn và bắn tiếng “với giá nào cũng chơi” nếu có ai “xâm mình” ra đấu thầu tranh giành với hắn. Hai Vĩnh không ưa lính kín, nhất là sau ngày được tiếp xúc với Bảy Trân. Cho nên khi có người tới nhờ giúp tranh với tên Chà, anh nhận lời ngay…

Địa điểm đấu thầu là tòa bố Gia Định. Ngày ấy tất cả những người đấu thầu đều tập trung tại mấy tiệm nước bên hông Lăng Ông, Bà Chiểu. Cũng tại đó, hai bên dàn trận, phô trương lực lượng. Không bên nào nhân nhượng bên nào. Dao con chó, bàn tay sắt đều thủ sẵn trong người. Trong lúc đó, Hai Vĩnh ngồi quán nước tại Chợ Cũ, chờ em út về báo cáo diễn tiến cuộc đấu giá tại Bà Chiểu. Hai Vĩnh đang ngồi quay lưng vô vách, mắt nhìn ra ngoài- đó là thế thủ anh thường dùng, không sợ kẻ thù tấn công từ phía sau- bỗng một người to cao xăm xăm bước vô, miệng hô “chém!”, tay quơ dao. Ngày ấy, cùng ngồi với Hai Vĩnh có bạn nối khố Bảy Rô. Hai Vĩnh chưa kịp phản ứng thì Bảy Rô nhanh tay hất tung mặt bàn lên. Lưỡi dao chặt “phụp” vào cạnh bàn, Hai Vĩnh nhảy trái mấy bước, nhận mặt kẻ hành hung:

- Ủa anh Bảy Môn! Tôi với anh có thù oán gì?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM